SINH ĐÔI
Lc 20, 27 - 38
Khiết Tâm
Có một bà mẹ kia mang thai đôi, một đứa là trai và đứa kia là gái. Ngày tháng trôi qua, các con bà dần dần lớn lên. Trong bụng mẹ, chúng nhận thấy : “Cuộc sống thật là tuyệt vời!”
Chẳng mấy chốc chúng thay đổi nhanh chóng. Người con trai hỏi: “Thế này nghĩa là gì?” Người con gái trả lời: “Đó có nghĩa là cuộc sống trong bụng mẹ chúng ta sắp sửa hết hạn.” Người con trai tiếp, “Nhưng tôi không muốn rời khỏi đây”. Người con gái trả lời: “Chúng ta không có sự lựa chọn, nhưng có điều là sau ki chúng ta ra khỏi đây thì chúng ta sẽ được sống.”
Người con trai đáp lại: “Chuyện ấy xảy ra thế nào được? Đường dây sống của chúng ta sẽ bị cắt đứt thì làm sao chúng ta sống được? Hơn nữa, qua dấu tích, chúng ta biết rằng đã có người ở nơi này trước chúng ta, nhưng sau khi họ rời khỏi đây, họ đã không bao giờ trở lại đây để nói cho chúng ta biết sự gì đã xảy ra sau khi ra khỏi đây. Nếu cuộc sống này sẽ tận cùng thì mục đích của nó là gì?”
Ngày cuối cùng trong dạ mẹ đã đến và hai người con trong bụng mẹ đều lo sợ đợi chờ sự gì sẽ xảy ra cho chúng. Sau hết, giờ phút chào đời đã đến. Khi hai người con được sinh ra, chúng mở choàng cặp mắt và hân hoan trong niềm vui vì thế giới mà họ nhìn thấy thật là tuyệt vời hơn lòng họ có thể mơ ước.
Câu chuyện trên là một câu chuyện ngụ ngôn. Nó so sánh cuộc sống hiện tại với cuộc sống ở trong bụng mẹ. Như hai người con đã tự hỏi cuộc sống sau khi sinh ra sẽ ra sao, thì chúng ta cũng có lúc đã tự hỏi cuộc sống sau khi chúng ta chết sẽ ra sao. Câu chuyện ngụ ngôn ở trên rất phù hợp với các bài đọc hôm nay. Cả bài đọc thứ nhất và bài Phúc âm đều nói đến sự sống sau cái chết.
Nói đến vấn đề sự sống sau cái chết, chúng ta có thể sẽ tự hỏi một câu hỏi rất thực tế: Nếu một người lúc nào cũng bận rộn bôn ba với cuộc sống thì làm sao mà có thể đạt tới được cuộc sống vĩnh cữu đời sau?
Câu hỏi này được đặt ra trong cuộc phỏng vấn của Doris Lee McCoy và Peter Coors. Khi cô McCoy phỏng vấn Peter đâu là bí quyết để được thành công thì ông đã trả lời như sau: “Đối với tôi, sự thành công rất đơn giản. Thứ nhất, khi cuộc sống của tôi hoàn tất, đứng trước mặt Thiên Chúa tôi cảm thấy rằng cho dùn đã phạm một số lầm lỗi, tôi vẫn có Thiên Chúa là trung tâm điểm của cuộc sống. Thứ hai, thành công đối với tôi là có một cuộc sống hôn nhân và một gia đình hạnh phúc. Thứ ba, thành công đối với tôi là sau khi mãn nhiệm kỳ, tôi có thể nói được rằng tôi không chỉ giúp cho hãng này mà thôi, nhưng còn cho tất cả từng công nhân của tôi nữa.”
Như vậy, một người lúc nào cũng bận rộn với cuộc sống thì vẫn có thể đạt tới được cuộc sống vĩnh cữu đời sau. Thứ nhất, chúng ta phải sống làm sao để khi chúng ta đối diện trước mặt Chúa, chúng ta sẽ vững tin rằng Thiên Chúa luôn là trung tâm điểm trong cuộc sống dương thế của chúng ta. Thứ hai, chúng ta phải làm sao để gia đình mà Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta được luôn sống thuận hòa hạnh phúc. Sau hết, chúng ta phải sống sao để công việc của chúng ta luôn luôn là những sự đóng góp tích cực không chỉ trong phạm vi công việc của chúng ta nhưng đối với tất cả mọi người làm chung với chúng ta nữa.
Nếu chúng ta có thể làm như thế, thì chúng ta đã sống một cuộc sống mà nắm chắc như thánh Phaolô đã hứa : “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Ngài.”
SỰ SỐNG ĐỜI SAU
Lc 20, 27 - 38
Lm Vũ Khắc Nghiêm
Hầu hết nhân loại đều tin con người qua khỏi đời này, sẽ có một cuộc sống khác: một cuộc sống đời sau, một cuộc sống lại, không phải chết là hết. Nhưng có một số người không tin có sự sống khác sau khi chết, nên họ đã đặt ra những vấn nạn vô lý.
Thời Đức Giêsu, phái Sa đốc (Sadducéen) không tin có sự sống lại. Họ đã tưởng tượng ra câu chuyện khá lố bịch để hỏi Đức Giêsu: “Nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả cưới vợ rồi chết không con. Theo luật Môsê, người em phải lấy chị góa để có con nối dòng, và cả bảy anh em đều chết không con. Khi sống lại, chị góa đó là vợ ai?”
Nếu nhận có sự sống lại theo họ nghĩ thì thật căng, thật khó xử và gây rất nhiều rắc rối. Vậy phải chấp nhận không có sự sống lại là khỏe, là giải quyết êm đẹp mọi vấn đề rắc rối! Họ khoái trí với lý luận đó và nhiều lý luận quá vật chất như thế. Lý luận của những người dựa vào giả thuyết tiến hóa của Charles Robert Darwin (1809-1882) cũng thế. Giả thuyết này cho rằng: mọi sinh vật đều có chung một tổ tông. Những hình thức cao hơn của đời sống phát sinh từ những biến dạng của những hình thức đơn giản hơn (Funk & Wagnalls: Encyclopedia). Đó mới chỉ là giả thuyết (Hyphothesis) chưa được minh xác theo phương pháp khoa học. Nếu mọi sinh vật đều bởi một Ông Tổ vật chất nẩy sinh đột biến, thì chết đều trở về vật chất, không còn sự sống nữa.
Những người không tin có sự sống lại đó, họ vẫn xây những ngôi mộ thật đẹp, những lăng tẩm thật vững chắc. Họ kỷ niệm ngày chết tổ tiên, anh hùng long trọng. Chẳng lẽ họ lại tô điểm cho cái xác đã rữa thối? tôn vinh những ngôi mộ bằng đất đá? Như vậy, miệng thì chối không có sự sống lại: nhưng việc họ làm chứng tỏ lòng họ tiềm ẩn một niềm tin sống lại. Nếu chỉ vì ghi công và noi gương các bậc anh hùng, vĩ nhân thì cách tốt nhất là ghi lại trong sử xanh lưu danh muôn thuở. Mồ mả quá tốn phí, lại chóng đổ nát. Những người nhân danh khoa học để chối không có sống lại, không có Thiên Chúa, mà xây mồ mả như thế là phản khoa học.
May mắn thay số người như vậy qua ít, so với hầu hết nhân loại tin có sống lại, tin có Thiên Chúa. Ông Eymieu đã công bố bảng thống kê 432 nhà bác học thế kỷ 19, thì có 367 vị tin có Thiên Chúa và sự sống lại. Bác sĩ Dennaert, người Đức cho biết, trong số 300 nhà bác học lỗi lạc nhất ở bốn thế kỷ vừa qua, có 242 vị tin, 38 vị không rõ lập trường, 20 vị không tin và dửng dưng (VQ. Đi Về Đâu – tr. 39, René Courtois: Des Savants Nous Parlent De Dieu, p. 11).
Các tôn giáo vĩ đại như Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo đều tin có đời sau. Vạn thế sư biểu như Khổng Tử tin rằng chết là an nghỉ ngàn thu. Khi Tử Cống xin nghỉ học về thờ phụng cha mẹ cho khỏi mệt, Khổng Tử bảo việc nào trên đời này làm trọn bổn phận đều rất khó nhọc, nghỉ sao được! Tử Cống thất vọng kêu lên: Vậy con không có lúc nào được nghỉ ư? Khổng Tử đáp : Có chứ, lúc nào con thấy cái huyệt đào nhẫn nhụi, cái một được đắp chắn, người đưa con bỏ về; bấy giờ là lúc con được nghỉ. Cống reo lên: “Vậy chết hay thật: quân tử thì được nghỉ ngơi, tiểu nhân hết làm bậy (Giảm chi, Đại vương THTH, tr 54). Khổng Tử còn dạy hiếu đối với cha mẹ: “Sống thì lấy lễ mà thờ, chết thì lấy lễ mà táng, lấy lễ mà tế.” (Luận Ngữ II,5). Người Việt Nam tin chết là thể phách, còn là tinh anh, sinh ký tử qui; sinh là ký gửi, chết là về cội nguồn tinh anh.
Hầu hết nhân loại tin có sự sống đời sau, nhưng chưa biết rõ thế nào. Bậc chí thành như Khổng Tử đã thú nhận rằng : “Vị tri sinh, yên tri tử” (Chưa biết rõ cái lẽ sống, thì cái lẽ chết cứ để yên đó). Chỉ mình Đức Giêsu là biết rõ cái lẽ chết đời sau, Người nói:
Thứ nhất: Đời này cưới lấy chồng vợ, đời sau thì không. Những ai được xét xứng đáng thì được hạnh phúc đời sau. Xét như một cuộc thi tuyển, chỉ tuyển những người sống xứng đáng ở đời này mới được hưởng hạnh phúc đời sau.
Thứ hai: Họ sống lại được giống như thiên thần. Đời sống Thiên thần hoàn vượt trên tầm hiểu biết của trí thức khoa học, và vượt mọi kinh nghiệm của loài người. Thiên thần là bậc thiêng liêng tinh thần, không có hình hài thể xác, cho nên không bị chết nữa, và các ngài đang được hưởng hạnh phúc quang Thiên Chúa. Chúng ta khi được sống lại cũng được sống như các ngài. Chúng ta có thể ví đời sau khác với đời này, như đứa trẻ khác với khi nó sống trong bào thai, như con bướm khác với lúc nó là con sâu, như cây xanh tốt khác với hạt mọc nên nó. Tuy vậy, có sự tiếp tực từ bào thai sang đứa trẻ, từ con sâu thành con bướm, từ hạt giống mọc lên cây.
Thứ ba: Họ sống lại được làm con Thiên Chúa, sống thân mật với Thiên Chúa là Cha mà họ suốt đời kính mến hết lòng. Không còn vinh phúc nào hơn nữa, nên thánh Phaolô hằng “cầu xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, Đấng yêu thương chúng ta và đã lấy lòng nhân hậu mà ban cho chúng ta được niềm phấn khởi bất diệt và niềm cậy trông tốt đẹp” (Bài đọc II)
Sau hết : Họ sống lại vì Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống chứ không phải của kẻ chết. Thiên Chúa đã dựng nên họ, đã cứu chuộc họ, đã chọn họ, yêu thương họ như các tổ phụ Abraham, Isaác, Giacóp để họ sống hạnh phúc trong gia đình đầy yêu thương của Thiên Chúa, chứ không phải để họ chết. Lời tung hô Allêluia đã reo vang lên : “Vạn tuế Đức Kitô, Đấng đầu tiên từ cõi chết sống lại, Người vinh hiển quyền năng, vạn vạn tuế!”. Người là đầu thân thể đã sống lại để cho chi thể được sống lại với Người.
HỌ LÀ CON CÁI CỦA SỰ SỐNG LẠI
Lc 20, 27 - 38
Lm Stêphanô Bùi Thượng Lưu
Theo những bảng thống kê về niềm tin của con người ở thời đại hôm nay vào cuộc sống trường sinh bất diệt mai sau, thì có tới quá phân nửa không tin gì ở cuộc sống mai hậu. Đối với họ, chết là hết. Họ cũng giống như những người thuộc phái Sađđucêô trong bài Phúc âm hôm nay, một giáo phái gồm những người được tuyển lựa trong hàng quý tộc của các thầy cả ở Giêrusalem, chỉ nhận 5 cuốn đầu của Cựu ước kinh là được mạc khải, phủ nhận sự sống lại, cuộc sống trường sinh, việc thưởng phạt kẻ lành người dữ và sự hiện hữu của các Thiên thần.
Nhân giả thuyết một bà có bảy đời chồng: tất cả 7 anh em đã cưới bà và đều đã chết, phái Sađđucêô đưa ra vấn nạn sau đây: “Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy? Vì tất cả 7 người đều lấy người ấy làm vợ.” Thâm ý của họ khi đưa ra giả thuyết là muốn chứng minh sự phi lý của cuộc sống mai hậu để đi đến việc phủ nhận đời sống ấy. Chúng ta hãy lắng nghe câu trả lời của Chúa Giêsu:
“Con cái đời này cưới vợ, lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng, họ sẽ không thể chết nữa: vì họ giống như Thiên thần, họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại.”
Câu trả lời trên của Chúa Giêsu đã làm đảo lộn những lý luận của phái Sađđucêô và mạc khải cho chúng ta những chân lý căn bản về cuộc sống trường sinh bất diệt, về bản tính của những “con cái của sự sống lại.”
Câu trả lời trên của Chúa Giêsu đã làm đảo lộn những lý luận của phái Sađđucêô và mạc khải cho chúng ta những chân lý căn bản về cuộc sống trường sinh bất diệt, về bản tính của những “con cái của sự sống lại.” Tất cả những chân lý ấy đều được đặt trên nền tảng chính yếu: Thiên Chúa hằng hữu, hằng sống và chân thật. Chúa Giêsu đã nói đến đức tin vào Thiên Chúa hằng sống của các tổ phụ dân Do thái: Môisen, Abraham, Isaac và Giacob: “Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môisem đã cho biết điều ấy trong đoạn nói về bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac và Thiên Chúa Giacob. Nhưng Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống.” Biến cố vĩ đại nhất của mạc khải và cũng là nền tảng kiên cố nhất của đức tin Kitô giáo, đức tin vào ơn Cứu độ của Thiên Chúa trao ban cho con người, đức tin Kitô vào cuộc sống trường bất diệt, chính là biến cố Phục sinh vinh quang của Đức Giêsu Kitô.
Hội thánh dành cả tháng 11 để tưởng niệm các linh hồn. Chúng ta quen gọi là tháng các linh hồn. Cả chu kỳ phụng vụ ấy, Hội thánh không những kêu mời tất cả tín hữu cầu nguyện, làm việc lành phúc đức, dâng lễ để xin Chúa nhân từ cứu vớt những linh hồn còn đang phải giam phạt trong luyện ngục. Đó là sự hiệp thông giữa Hội Thánh chiến đấu lữ hành với Hội thánh đang được thanh luyện nhờ công nghiệp cứu chuộc cực thánh của Chúa Giêsu.
Tháng các linh hồn còn là lời tuyên xưng đức tin về cuộc sống mai hậu của Hội thánh: “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau.” Niềm tin vào sự sống lại và sự sống đời sau. Niềm tin vào sự sống lại và cuộc sống trường sinh bất diệt mà Thiên Chúa hứa ban cho tất cả những ai đặt tin tưởng nơi Ngài khiến 7 anh em trong sách Macabêô can đảm sẵn sàng chịu chết. Hồi ấy, vào khoảng năm 167 trước Chúa Giáng sinh, dân Do thái nổi lên chống vua Antiochus Epiphane. Vua này bắt dân thờ thần Zeus thay thế Thiên Chúa. Có rất nhiều người trung thành tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa Giavê và bị hành hình. Bẩy anh em và bà mẹ bị bắt, bị vua cho đánh bằng roi da và roi gân bò, bị chịu thử thứ cực hình, nhưng tất cả đã mạnh bạo tuyên xưng đức tin “Chúng tôi sẵn sàng chịu chết hơn là phạm đến lề luật Thiên Chúa đã truyền dạy cho tổ phụ chúng tôi. Hỡi vua độc ác kia, vua chỉ cất mạng sống chúng tôi ở đời này, nhưng Vua vũ trụ sẽ làm cho chúng tôi, là những kẻ đã chết vì lề luật của Người, được sống lại trong cuộc sống đời đời.”
Can đảm và hào hùng thay cái chết của những người đặt niềm tin vào Chúa và cuộc sống trường sinh bất diệt. Đức tin đòi mỗi người tín hữu một thái độ can đảm, dám sống ngược lại trào lưu hiện đại. Đức tin phải được chứng minh bằng việc làm. Niềm tin Phục sinh phải thực sự biến đổi nếp sống hiện tại của người Kitô hữu: chúng ta đã được chôn táng với Đức Kitô qua phép Rửa tội, chúng ta cũng sẽ được phục sinh vinh quang với Người. Niềm tin căn bản đó phải là kim chỉ nam cho tất cả cuộc đời tại thế: “Nếu anh em đã đựơc cùng sống lại với Đức Kitô, hãy tìm kiếm các sự trên trời: chíny nơi Đức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Hãy trìu mến những việc trên trời, chớ xu hướng sự vật dưới đất.” (Colossê 3: 1-2)
|