Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 60
Tổng truy cập: 1364792
SỐNG LÀ CHUẨN BỊ CHẾT
Sống là chuẩn bị chết
(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)
Có người bi quan bảo rằng: “sống là chuẩn bị chết”. Mỗi ngày sống là một nhịp cầu tiến gần đến cái chết hơn nữa. Cái chết nó đến cũng thật bất ngờ. Bất ngờ như tên trộm đột nhập vào nhà và lấy đi sự sống của chúng ta. Cái chết nó cũng không chờ đợi lứa tuổi để mà có thể sống theo tuần tự: sinh - bệnh - lão - tử. Cái chết đến với người già cũng như người trẻ ngang nhau. Có người chết trẻ. Có người chết già. Có người chết bất thình lình. Có người chết từng giờ vì cơn bệnh nan y.
Vào ngày 10/04/2010 cả thế giới cũng ngỡ ngàng trước sự ra đi đột ngột của vợ chồng tổng thống Ba Lan cùng đoàn tuỳ tùng gần 200 người. Họ đã tử nạn trong một chuyến bay đến Nga để dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày khoảng 22,000 binh sĩ Ba Lan bị sát hại. Chiếc máy bay đã không đưa họ đến nơi dự định mà đã đưa họ về với trời cao vào lúc 11g00 trưa cùng ngày. Họ đã kết thúc cuộc đời vào lúc mà họ không ngờ, và chắc chắn họ vẫn chưa chuẩn bị cho chuyến đi định mệnh một cách vĩnh viễn này.
Mỗi ngày chúng ta cũng chứng kiến biết bao cái chết tức tưởi bởi đột quỵ hay bởi tai nạn giao thông. Trung bình ở Việt Nam mỗi ngày có hơn 32 người chết bởi tai nạn giao thông. Mỗi năm thiên tai lũ lụt cũng gây nên biết bao cái chết oan khiên đắng cay. Pakistan mới trải qua cơn lũ kinh hoàng đã cướp đi hơn 1500 sinh mạng. Sự chết dường như không kiêng nể ai. Sự chết có thể đến với bất cứ ai và ở mọi nơi, mọi lúc.
Xem ra sự sống và sự chết không nằm trong những toan tính dự định của chúng ta. Chúng ta không có quyền chọn lựa để tiếp tục sống hay chết. Không có quyền chọn lựa về cách chết. Và càng không có quyền chọn lựa thời gian để chết. Sự chết dường như vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Sự chết sẽ chấm dứt mọi sự nơi dương gian của chúng ta. Công danh, sự nghiệp. Giầu có hay khó nghèo cũng kết thúc như nhau với nấm mồ nhỏ bé bốn tấc đất như nhau.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức. Tỉnh thức để chờ đợi chủ trở về. Sự chờ đợi khôn ngoan là chăm chỉ làm việc bổn phận của mình. Sự chờ đợi tích cực là tích luỹ kho tàng không bao giờ bị hao hụt hay mối mọt phá hoại là những việc lành phúc đức. Sự chờ đợi trong kiên nhẫn, dầu là lúc đêm khuya hay lúc bình minh sắp ló rạng vẫn luôn tỉnh thức vì không biết chủ về vào lúc nào. Chủ về với hàm ý chính Thiên Chúa sẽ đến viếng thăm mỗi người chúng ta qua các ơn lành, qua các bí tích... Chủ về cũng có nghĩa là ngày Chúa đến để đưa linh hồn chúng ta ra khỏi thế gian. Chủ về cũng có nghĩa là ngày cánh chung, ngày đó sẽ khép lại toàn bộ lịch sử của nhân loại. Chủ sẽ vui mừng thấy chúng ta tỉnh thức hay chủ sẽ giận dữ thấy chúng ta đang u mê lười biếng. Chủ sẽ thưởng công hay luận phạt tuỳ theo thái độ sống của chúng ta.
Thế nên, sự khôn ngoan mời gọi chúng ta hãy sống giây phút hiện tại một cách tích cực. Hãy sử dụng thời gian một cách hợp lý. Ðừng dùng giây phút hiện tại để phạm tội. Ðừng lao vào những đam mê mù quáng. Hãy sống tích đức để mua lấy Nước Trời mai sau. Nhưng đáng tiếc cho nhân loại hôm nay vẫn còn đó những người sống thiếu tỉnh thức bằng đời sống lười biếng và thiếu trách nhiệm trong bổn phận của mình, vẫn còn đó những người sống ngụp lặn trong đam mê tội lỗi, vẫn còn đó những người sống tham lam bất chính hơn là tích đức cho đời sau. Họ sẽ mất cơ hội tham dự tiệc của tình yêu mà chính Thiên Chúa sẽ thiết đãi họ.
Ước gì mỗi người chúng ta hãy sống giây phút hiện tại như là giây phút cuối cùng của đời mình để chúng ta sống có trách nhiệm hơn, sống tỉnh thức hơn. Ước gì mỗi người chúng ta cùng được chủ vui mừng đón tiếp trong bữa tiệc vĩnh cửu nơi quê hương trên trời. Amen.
10.Khi đồng tiền lên ngôi? – Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền
Nếu nhìn vào toàn cảnh Việt Nam, người ta thấy kinh tế càng ngày càng khó khăn. Đồng tiền kiếm được ít ỏi, lại mất giá. Giá xăng liên tục tăng, giá vàng lên xuống thất thường. Trong khi thông tin về tình hình kinh tế không mấy sáng sủa thì đồng thời, trên các phương tiện truyền thông lại liên tục cập nhật những vụ việc “mẹ tự thiêu vì con rể nợ 2 chỉ vàng”; “Bẻ gãy tay mẹ vì đòi chia tài sản”...
Ngày 08/7, báo Bà Rịa-Vũng Tàu đưa tin, người dân ở khu phố Hải Dinh, phường Kim Dinh hết sức bức xúc việc bà Nguyễn Thị Thanh (61 tuổi) bị con gái là Đặng Thị Thủy, đánh gãy tay, phải vào viện. Bà Thanh nói: “Nỗi đau của tôi không phải ở bàn tay bị gãy, mà ở sự hỗn hào, bất hiếu của con cái”
Theo lời bà Thanh, gần đây, Thủy muốn bà Thanh bán lô đất trị giá hơn 1 tỷ để chia cho Thủy một phần, nhưng bà không đồng ý.
Thủy chửi bới, chì chiết, xưng hô mày tao với mẹ. Quá đau lòng, bà Thanh đã dùng tay tát Thủy, không ngờ bị con gái nắm được tay bà và bẻ ngang khiến bà Thanh bị gãy ngón tay giữa, phải đi bó bột ở bệnh viện Bà Rịa. “Nếu không có hàng xóm vào can ngăn thì có lẽ nó đã đánh chết tôi rồi”- bà Thanh xót xa nói.
Trước hành động quá đáng của con gái, bà Thanh đã gửi đơn lên phường mong xử phạt và răn đe, giáo dục con gái. “Máu chảy ruột mềm, thật lòng tôi chỉ muốn con gái tới xin lỗi mình, chứ không ai muốn con dính vào luật pháp, nhưng con nào có hiểu được lòng mẹ”- bà Thanh ngậm ngùi nói.
Câu chuyện đau lòng phải kể đến là trường hợp cụ bà Nguyễn Thị Bương (83 tuổi, trú thôn Phước Lương, xã Hòa Xuân Tây, Đông Hòa) đã tự thiêu bằng xăng ngay tại trước bậc sảnh Toà Án Nhân Dân huyện Đông Hòa (Phú Yên), ngày 05/7.
Theo người nhà cụ Bương, nhiều khả năng cụ tự thiêu vì bức xúc chuyện ông Lập, con rể, chưa trả hết 3 chỉ vàng đã mượn, lại còn lấy vợ khác.
Những câu chuyện đắng lòng khiến người ta phải đặt câu hỏi, phải chăng kinh tế khó khăn khiến tình người càng thêm cạn kiệt?
Đành rằng cuộc sống rất cần tiền, nhưng không phải nhờ tiền mà ta sống được lâu dài hơn. Không phải nhờ giầu có tiền của mà ta sống giá trị hơn. Điều quan trọng mà Chúa muốn nhắc chúng ta là phải làm giầu trước mặt Chúa. Làm giầu ở đây, không phải là giầu của cải vật chất, mà là giầu đức hạnh, giầu việc lành bác ái với tha nhân. Lòng tham con người vô đáy. Nếu cuộc sống chỉ theo đuổi tính tham lam của mình, con người sẽ trở nên bủn xín keo kiệt với anh em. Nếu cuộc sống con ngưởi chỉ biết nghĩ đến mình, con người sẽ sống trong ốc đảo cô đơn và tuyệt vọng.
Thế nhưng, con người ngày nay chỉ cần tiền. Họ quan tâm tới tiền. Họ sống vì tiền và họ đặt mọi quan hệ trên đồng tiền. Họ coi đồng tiền là phương tiện để họ gắn kết với nhau hơn. Thế nên, thế giới càng giầu của cải thì tình người càng cạn kiệt hơn. Người ta vì tiền mà phản bội nhau, lừa dối nhau và giết hại lẫn nhau. Vì tiền mà con người đánh mất tình người và đôi khi đánh mất chính bản thân mình đến nỗi vì tiền mà sống hèn hạ, mất danh dự nhân phẩm của một con người.
Có lẽ chúng ta đã không còn lạ về những câu chuyện bi thương giữa những người thân trong gia đình đã tàn sát lẫn nhau chỉ vì tiền, vì của cải, vì tài sản... Cha mẹ bỏ rơi con cái chỉ vì tiền. Con cái sát hại cha mẹ cũng vì tiền. Và vợ chồng bất trung với nhau cũng vì tiền. Đồng tiền lên ngôi là lúc tình người lại xuống thấp. Đề cao đồng tiền cũng đồng nghĩa giảm đi tình người.
Sự khôn ngoan mời gọi chúng ta hãy xét lại xem “nếu ngay trong đêm nay ta từ giã cuộc đời này ta sẽ được gì?” Đồng tiền có mua được bạn hữu khi ta đã nhắm mắt xuôi tay. Sự gian ác, tàn nhẫn, thiếu tình người chỉ vì coi trọng đồng tiền, có mang ta đi về thế giới đời sau trong an nhàn hạnh phúc hay lo âu sợ hãi khi phải đối diện với tử thần? Con người sinh ra, rồi cũng sẽ chết, nhưng cái chết đến, chúng ta sẽ mang theo được điều gì? Là tiền bạc hay việc làm phúc đức? Điều gì ta mang theo, sẽ mang lại cho chúng ta hạnh phúc ngàn thu?
Người đời hay có câu giỡn với nhau: “Làm chi cho nhiều, chết rồi cũng để lại cho ‘dượng’ nó xài, vợ con mình ‘dượng’ nó sai...”. Lời Chúa hôm nay thì bảo: “Đồ ngốc, Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy, kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”
Có lẽ không ai muốn chết mà không có bạn bè, người thân bên cạnh trong lúc lâm chung? Có lẽ không ai muốn sau cái chết, là mất mát, là đau khổ? Vậy, chúng ta phải làm điều gì để có bạn bè, có người thân bên cạnh chúng ta hôm nay và mãi mãi? Thưa, đó chính là một cuộc sống đặt tình người lên trên của cải, và biết sống vì mọi người và cho mọi người. Một cuộc sống vị tha sẽ mang lại cho cuộc đời chúng ta thêm ý nghĩa và hạnh phúc. Đúng như Nguyễn Công Trứ đã nói:
“Người trồng cây hạnh, người chơi.
Ta trồng cây phúc để dành đời sau.”
Xin cho chúng ta luôn biết khôn ngoan chọn lựa cái vĩnh cửu hơn là những phù vân mau qua, biết chọn tình người hơn là của cải, và biết chọn Chúa hơn là danh lợi thú trần gian. Amen.
11.Thương xác theo tiếng nói của linh hồn
(Suy niệm của Lm. Joshepus Quang Nguyễn)
Nhiều người tin rằng linh hồn người chết về nhập vào người sống để nói chuyện, nói những điều quá khứ, hiện tại, tương lai đúng như bong. Cho nên, nhiều người tin chạy đến các ông thầy bùa ngãi xin gọi hồn về cho biết ý kiến phải quyết định như thế nào trong những việc hệ trọng, và hồn nói gì phải làm đúng theo dù có phải mất tiền của hay phải chết. Vì vậy, chẳng lạ gì vào thời đại 4.0 này mà còn có nhiều người chạy theo phong trào “gọi vong báo oán” diễn ra một vài nơi trên đất nước chúng ta mới đây.
Ai cũng công nhận rằng người có hồn có xác, có hồn mà không xác, hồn đi lang thang, người ta gọi là “hồn ma vất vưởng”. Ngược lại, chỉ có xác mà không hồn, người ta bảo là “xác chết không hồn”. Cho nên, con người là tổng hợp của cả hồn và xác. Hồn và xác có tương quan với nhau chặt chẽ, hồn an thì xác mạnh. Thân xác có tiếng nói của thân xác là ngôn ngữ. Hồn có ngôn ngữ của hồn là tiếng nói lương tâm, tiếng Chúa nói. Vậy người ta “gọi hồn” người chết về hỏi nên làm điều này không làm điều kia, thì hồn đó cũng là người đã khuất nói người còn sống hãy làm điều này tránh điều kia để bình an và hạnh phúc đời này và đời sau. Còn “Hồn” nói làm điều dữ là quỷ chứ không phải là hồn ma, vì ông bà nói ma hiền quỷ dữ.
Trong đời sống thường nhật, đồng ý là vật chất rất cần thiết, nhưng tinh thần có giá trị đẹp hơn vật chất. Chẳng hạn, lòng chung thuỷ thì đáng ca ngợi hơn nhan sắc. Tình yêu thương thì quý hơn bạc vàng. Vì thế, mới có những người hy sinh cho người mình yêu, có kẻ chết vì lý tưởng, cho Tin Mừng, cho Chúa, cho Hội Thánh... Cụ thể, Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một của Ngài là Chúa Giêsu đến trần gian mặc lấy xác phàm rao giảng, thương xót, phục vụ chăm sóc mọi người và cuối cùng chết trên cây thánh giá để cứu độ muôn người, tức là không chỉ cứu cho con người được hồn an xác mạnh mà còn cho xác sống lại trong ngày hết. Cho nên, theo gương Thầy Chí Thánh, Thánh Têrêsa Calcutta suốt 65 năm tận tụy hy sinh phục vụ cho lý tưởng Tin Mừng- thương xót và phục vụ bệnh nhân, người nghèo hèn, người khuyết tật, người bị xã hội bỏ rơi… vì Thánh nữ coi thân xác linh hồn họ quý trọng biết bao, họ là con người được Chúa sinh ra, là con cái Chúa, là người được Chúa cứu chuộc và họ là hình ảnh của Chúa Giêsu đau khổ đang cần giúp đỡ và yêu thương chăm sóc nâng niu.
Trong đời sống hằng ngày, chúng ta ít nghe tiếng “hồn gọi”, nhưng thực tế hồn luôn gọi thân xác. Chẳng hạn, khi xác đói, ta giơ tay muốn lấy trộm củ khoai, hồn bảo: Không! Tội lỗi! Khi ta định bỏ lễ ngày Chúa nhật để đi ăn chơi, hồn nói: “Coi chừng mắc tội trọng, mất linh hồn”. Cho nên, tiếng “hồn gọi” là tiếng nói lương tâm Thiên Chúa đặt để nơi con người nên bao giờ cũng đúng, linh hồn chỉ đạo cho xác làm lành lánh dữ, dẫn đưa thân xác đến sự sống vĩnh hằng và bình an. Cho nên, Thánh Phaolô chí lý nói: “Hướng đi của xác thịt là sự chết, còn hướng đi của hồn là sự sống và bình an” (Rm 8,6).
Vì vậy, trang Tin Mừng hôm nay không kể chuyện gọi hồn người chết mà là hồn gọi người sống! Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa màu!” Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, và tích trữ tất cả lúa và của cải của mình vào đó. Lúc đó ta sẽ nhủ lòng: hồn tôi hỡi, mình bây giờ ê chề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” (Lc 12:16-19). Cho nên, lúc ông nghĩ bụng, ông tự bảo lòng mình… chính là ông gọi hồn, chứ không phải là hồn gọi vì ông đã chết đâu mà gọi hồn về. Làm sao hồn có thể ăn mà lại gọi hồn đến ăn? Vì hồn là tinh anh, thiêng liêng làm sao mà ăn uống cho đả đời. Cụ thể, chúng ta thầy có người đem bánh trái heo quay ra mộ thắp hương rồi lại đem về còn in như vậy. Vâng, hồn thuộc thế giới thiêng liêng, làm sao lấy thịt thà, rượu bánh là vật chất mà đãi hồn, hồn thuộc một thế giới vô hình? Vậy mà ông phú hộ mời hồn đến “ăn uống vui chơi cho đã.” Cái lầm lẫn của ông ta là hồn ăn được nên tiếng “gọi hồn” của ông là một nghịch lý và hoang tưởng. Phúc Âm kết thúc: “Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12,20-21).
Hãy để ý trong câu chuyện gọi hồn của ông phú hộ, ta thấy trong căn nhà ấy rất vắng. Không có ai. Không thấy ông nói đến vợ con, anh em, bạn bè, hàng xóm, mà chỉ có mình ông ta lẻ loi. Nổi bật lên là một thế giới khép kín lạnh lùng, ích kỷ, vô cảm, không giao du với ai, một mình ông trong căn nhà vắng rất ảm đạm, u ám và hoang tàn. Cho nên, ông không có ai để mà gọi, chỉ xác của ông gọi hồn ông thôi. Hồn không ăn được thóc chứa trong kho, hồn không uống được ly rượu trên bàn nên Ông gọi sai chỗ, ông cho lầm đối tượng. Tại sao vậy? Ông sống làm sao mà không ai chơi với ông, chẳng có ai chung quanh cuộc đời và ông là người cô độc?
Một triết gia nói: “Con người sinh ra là sống cho, sống với và sống nhờ”. Cho nên, sống trong cuộc sống này chúng ta hãy tạo cho mình một mối tương quan với Chúa và với tha nhân. Sống với và sống cho Chúa để Ngài nâng đỡ, che chở và dìu dắt ta đi trong ánh sáng chân lý Ngài để hồn xác được hạnh phúc và bình an. Còn sống với và sống cho tha nhân để tình người được thêm chan chứa khi vui và bình an khi vui hay buồn, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe có như thế mới là con người hồn xác hoàn hảo Vì vậy, Lời Chúa trong bài đọc 2 dạy: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Vậy, anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em: ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam. Anh em đừng nói dối nhau, vì anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi, và anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá, để được ơn cứu chuộc”.
Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta sống trong đời này luôn tạo cho mình một mối tương quan mật thiết giữa Chúa và ta, giữa ta với tha nhân và giữa ta với hồn bằng việc mến Chúa yêu người. Amen.
12.Thương xác theo tiếng nói linh hồn
(Suy niệm của Lm. Joshepus Quang Nguyễn)
Nhiều người tin là có những thầy bùa có thể gọi hồn người chết về nhập vào người sống để nói chuyện. Có người đến xin hồn cho biết ý kiến phải quyết định như thế nào trong những việc hệ trọng. Người có hồn mà không có xác, hồn đi lang thang, người ta gọi là “hồn ma vất vưởng”. Ngược lại, chỉ có xác mà không hồn, người ta bảo là “xác ma không hồn”. Con người là tổng hợp của cả hồn và xác. Thiếu một trong hai thì người ta gọi là “ma”. Hồn và xác có tương quan với nhau chặt chẽ, hồn an thì xác mạnh. Thân xác có tiếng nói của thân xác, ngôn ngữ. Hồn có ngôn ngữ của hồn, tiếng nói lương tâm, tiếng Chúa nói. Vậy người ta “gọi hồn” người chết về hỏi nên làm điều này không làm điều kia, thì hồn cũng gọi người ta hằng ngày làm điều này tránh điều kia để bình an và hạnh phúc đời này và đời sau.
Trong đời sống thường nhật, đồng ý là vật chất rất cần thiết, nhưng tinh thần có giá trị đẹp hơn vật chất. Chẳng hạn, lòng chung thuỷ thì đáng ca ngợi hơn nhan sắc. Tình yêu thương xót thì quý hơn bạc vàng. Vì thế, mới có những người hy sinh cho người mình yêu, có kẻ chết vì lý tưởng, cho Tin Mừng. Cụ thể, Thiên Chúa thương xót thế gian đến nỗi ban Con Một của Ngài là Chúa Giêsu đến trần gian mặc lấy xác phàm rao giảng, thương xót, phục vụ chăm sóc mọi người và cuối cùng chết trên cây thánh giá để cứu độ muôn người, tức là không chỉ cứu cho con người được hồn an xác mạnh mà còn cho xác sống lại đời đời. Theo gương Thầy Chí Thánh, Chân phước mẹ Têrêsa Calcutta suốt 65 năm tận tạo hy sinh phục vụ cho lý tưởng Tin Mừng- thương xót và phục vụ bệnh nhân, người nghèo hèn, người khuyết tật, người bị xã hội bỏ rơi… vì Mẹ coi thân xác họ quý trọng biết bao, họ là con người được Chúa sinh ra, là con cái Chúa, là người được Chúa cứu chuộc và họ là hình ảnh của Chúa Giêsu đau khổ đang cần giúp đỡ và yêu thương chăm sóc nâng niu.
Ta ít nghe nói đến “hồn gọi”, nhưng trong đời sống hằng ngày, hồn luôn gọi xác. Khi xác đói, ta xoè tay muốn lấy trộm củ khoai, hồn bảo: Không! Tội lỗi! Tiếng “hồn gọi” là tiếng lương tâm Thiên Chúa in dấu nơi con người nên bao giờ cũng đúng, nó chỉ đạo cho xác làm lành lánh dữ, dẫn đưa ta đến sự sống và bình an. Cho nên, Thánh Phaolô chí lý nói: “Hướng đi của xác thịt là sự chết, còn hướng đi của hồn là sự sống và bình an” (Rm 8,6).
Bài Phúc Âm hôm nay không kể chuyện gọi hồn người chết mà là hồn gọi người sống! Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa màu!” Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, và tích trữ tất cả lúa và của cải của mình vào đó. Lúc đó ta sẽ nhủ lòng: hồn tôi hỡi, mình bây giờ ê chề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” (Lc 12:16-19).
Đã chết đâu mà ông phú hộ ấy gọi hồn về. Làm sao hồn có thể ăn mà lại gọi hồn đến ăn? Có người đem khoanh thịt ra mộ bia rồi lại đem về in như vậy. Đó là biểu tượng nhớ thương nhiều hơn là tin rằng hồn thực sự ăn. Hồn thuộc thế giới thiêng liêng, làm sao lấy thịt thà, rượu bánh là vật chất mà đãi hồn, hôn thuộc một thế giới vô hình? Vậy mà ông phú hộ mời hồn đến “ăn uống vui chơi cho đã.” Cái lầm lẫn của ông ta là cho hồn thứ không thể ăn. Tiếng “gọi hồn” của ông ở đây là một nghịch lý hoang tưởng. Phúc Âm kết thúc cái phi lý đó: “Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12,20-21).
Hãy để ý trong câu chuyện gọi hồn của ông phú hộ, ta thấy trong căn nhà ấy rất vắng. Không có ai. Không thấy ông nói đến vợ con, anh em, bạn bè, hàng xóm, mà chỉ có mình ông ta lẻ loi. Nổi bật lên là một thế giới khép kín lạnh lùng, ích kỷ, vô cảm, không giao du với ai. Cho nên, ông không có ai để mà gọi, chỉ xác của ông gọi hồn ông thôi. Hồn không ăn được thóc chứa trong kho, hồn không uống được ly rượu trên bàn. Ông gọi sai chỗ, ông cho lầm đối tượng. Tại sao vậy? Ông sống làm sao mà không ai chơi với ông, chẳng có ai chung quanh cuộc đời và ông thành cô độc? Hình ảnh chỉ có một mình ông trong căn nhà vắng là bóng hình rất ảm đạm, u ám và hoang tàn.
Một triết gia nói: “Con người sinh ra là sống cho, sống với và sống nhờ”. Cho nên, sống trong cuộc sống này chúng ta hãy tạo cho mình một mối tương quan với Chúa và với tha nhân. Sống với Chúa để Ngài nâng đỡ, che chở và dìu dắt ta đi trong ánh sáng chân lý Ngài để hồn xác được hạnh phúc và bình an. Sống với và sống cho tha nhân để tình người được thêm chan chứa khi vui cũng như buồn, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe có như thế mới là con người hoàn hảo vì nói như Lời Chúa Giêsu “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào có ích gì” (Mt 16,26). Vì vậy, Lời Chúa trong bài đọc 2 dạy: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo”.
Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta sống trong đời này luôn tạo cho mình một mối tương quan mật thiết giữa Chúa và ta, giữa con người với ta và giữa ta với hồn bằng các hành động thương xót người thân cận cả thân xác lẫn tâm hồn. Amen
13.Của cải và cái chết
(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật, OP)
Từ câu chuyện của đời thường
Uy tín của Ðức Giêsu đối với dân chúng thật rộng rãi, đến nỗi người ta coi Người như một quan án thời Cựu Ước. Dân chúng tìm đến để nghe Ðức Giêsu giảng dạy, đồng thời đưa ra những thắc mắc để Người giải quyết. Hôm nay, một anh bạn trẻ tìm đến Ðức Giêsu để xin Người can thiệp vào việc chia gia tài. Thế nhưng, khác với sự chờ đợi của nhiều người, Ðức Giêsu đã từ chối lời đề nghị của người bạn trẻ. Tại sao thế? Phải chăng Ðức Giêsu không muốn can thiệp vào những câu chuyện cụ thể? Phải chăng việc giải quyết những trục trặc của đời sống không nằm trong sứ mạng của Người?
Thực ra, lời thỉnh cầu của anh bạn trẻ là một đòi hỏi cụ thể của sự công bằng. Người anh cả đã vượt quá những quy định của lề luật, và dành lấy hết cả phần gia tài, không chia lại cho người em. Theo thói quen thời ấy, anh bạn trẻ đến gặp Ðức Giêsu, anh tin tưởng rằng Người có thể giúp anh được hưởng phần gia tài theo đúng luật đã định. Nếu như Ðức Giêsu có can thiệp giùm anh, có dùng uy tín của mình để giải quyết bất công, điều đó cũng phải, cũng cần thiết lắm chứ. Vậy mà Ðức Giêsu đã từ chối. Kể là cũng khó hiểu. Có thể giải thích thái độ của Ðức Giêsu theo những khía cạnh sau đây.
Trước hết, anh bạn trẻ tìm đến Ðức Giêsu không phải để sẵn sàng nghe Người giảng dạy. Anh đến và đặt vấn đề anh đang bận tâm. Anh muốn Ðức Giêsu sử dụng uy tín của mình để giúp anh đạt được mục tiêu của mình. Anh đã có sẵn lời giải đáp, anh có một thế giới riêng và anh muốn tìm phương thế để mục tiêu của mình được thành tựu. Anh không muốn ra khỏi thế giới của mình, nhưng muốn người khác đi vào thế giới đó, làm cho thế giới đó được tốt đẹp theo cách nghĩ của anh.
Ðàng khác, có thể nói Ðức Giêsu công nhận lời thỉnh cầu của anh bạn trẻ là chính đáng, nhưng Người không muốn giải quyết cho cá nhân anh để rổi đám đông dân chúng, và cả chính anh, hiểu lầm về sứ mạng của Người. Ðã có nhiều lần, Người từ chối không giải quyết những bận tâm của dân chúng, của môn đệ. Sứ mạng của Ðức Giêsu có tính cách cao cả, dứt khoát, chứ không phải là giải quyết phần ngọn của vấn đề. Ðức Giêsu được sai đến trần gian để giải thoát con người khỏi tội lỗi, khỏi sự dữ, khỏi quyền lực của ma quỷ, để đưa họ vào sống trong tự do, trong tình yêu thương của Thiên Chúa. Ở đây, nếu Ðức Giêsu can thiệp giùm người bạn trẻ, thì đương nhiên Người cho dân chúng có cảm tưởng rằng cuộc sống tuỳ thuộc vào của cải. Bởi đó, Ðức Giêsu đã không đi vào vấn đề cụ thể của người bạn trẻ, nhưng nhân đó để nói đến những điều sâu xa hơn, có tính căn bản cho mọi người và mọi thời.
Ðiều tương đối và điều tuyệt đối
Từ đó, Ðức Giêsu đưa ra giáo huấn của Người về của cải, về tiền bạc. Cuộc sống con người không tuỳ thuộc vào những gì người ta có. Thật là điên rổ khi có người nghĩ rằng của cải là một bảo đảm vững chắc cho đời sống của mình. Ðức Giêsu bác bỏ sự thống trị của điều xem ra là có "giá trị" nhất trần gian: của cải, tiền bạc. Trong giáo huấn của Ðức Giêsu, sự an toàn do vật chất chỉ là một thứ điên rổ. Nếu không hiểu điều ấy, sự giàu có sẽ trở thành một nhà tù, và người giàu có trở thành tù nhân trong căn phòng ấy. Càng nỗ lực thu góp của cải, người ta lại càng củng cố nhà tù của mình thêm vững chắc.
Giới hạn cuối cùng làm sáng tỏ vấn đề khi cái chết xuất hiện. Của cải không thể bảo tổn sự sống và cũng chẳng đáng là gì so với sự sống. Mạng sống là mục đích của của cải mà còn tương đối thì huống chi những thứ phụ thuộc. Của cải chỉ là để phục vụ cho sự sống, chứ không có giá trị nào khác. Và sâu hơn nữa là sự sống đích thực được đặt trên nền tảng vững chắc: mối tương giao với Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa là vững bền và chính Người có quyền trên cuộc sống.
Ðàng khác, nếu ngụp lặn trong sự giàu sang để hy vọng được sống lâu, sống hạnh phúc là một điều điên rổ, thì cũng điên rổ không kém khi cho rằng giàu có là để hưởng thụ cho riêng mình. Lòng tham lam, sự say mê của cải làm cho con người chỉ nghĩ đến bản thân mình, đổng thời ngăn cản sự quan tâm đến người khác. Nó làm cho người ta chỉ nghĩ đến bản thân và cuộc sống hiện tại. Từ đó, sự tham lam kéo theo nhiều sự bất công với mục đích củng cố sự giàu có của mình, sẵn sàng chà đạp lên cuộc sống của người khác, miễn là sự giàu có của mình được bảo đảm.
Như thế, Ðức Giêsu trả lại vị trí tương đối cho của cải. Người đề cập đến "nền tảng" của vấn đề. Người mời gọi đi vào một viễn tượng mới: "Sự giàu có nơi Thiên Chúa." Chính vũ trụ này mới làm cho sống, bởi vì nó được đặt trên, không phải sự an toàn giả tạo, nhưng trên sự hiệp thông trong tình yêu. Trước mắt người đời, thực tại này có thể bị coi là điên rổ, nhưng lại là thực tại vững chắc nhất, thực tại mở ra sự sống.
Bởi đó, với kinh nghiệm cá nhân, thánh Phao-lô đã giải thích cho tín hữu Phi-líp-phê: "Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Ðức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi còn coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Ðức Giêsu Ki-tô, Chúa của tôi, vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như đổ bỏ, để được Ðức Ki-tô" (Pl 3,7-8).
Cuộc đấu tranh trường kỳ
Thế nhưng, trong thực tế, của cải vẫn là ám ảnh rất lớn. Ðây thực sự là một cuộc đấu tranh để lựa chọn giữa Thiên Chúa và của cải. Không phải là trận chiến trong một vài ngày, vài năm, nhưng kéo dài suốt cả cuộc đời. Bởi vì, trong khi tuyên xưng niềm tin của mình vào Thiên Chúa, người Ki-tô hữu vẫn phải làm việc, vẫn phải kiếm tiền để sinh sống. Biết đâu là giới hạn, để coi tiền bạc như là phương tiện chứ không hướng tới như một mục đích, đó vẫn là điều rất khó khăn, ngay cả trong những việc lành thánh nhất. Ðó là một thái độ phải lựa chọn, và người Ki-tô hữu phải hợp lý với chính mình, không quá say mê của cải trần gian, nhưng cũng không phải là chỉ nghĩ đến Thiên Chúa để bỏ quên mọi thứ của trần gian.
Theo sách Giảng viên, mọi sự đều là phù vân. Ðúng vậy, so với Thiên Chúa, tất cả đều không có giá trị. Ngày nay, trong quan điểm của lòng tin, mọi sự đều là hổng ân. Nếu coi mọi sự mình đang có là hổng ân, người Ki-tô hữu sẽ sử dụng hổng ân một cách tốt đẹp nhất, ích lợi nhất, cho chính mình và cho cả người khác. Nếu mọi sự chúng ta có đều do nhận được, thì chúng ta cũng sẽ không giữ cho mình, không coi là của mình, để rổi biết đem chia sẻ cho người khác, và nhất là để làm vinh danh Ðấng đã ban tặng những của cái đó.
Bấy giờ, cái chết đến, và không phải là lúc chúng ta buông xuôi, mất đi mọi của cải, nhưng nhận lại được gấp trăm. Cái chết làm cho chúng ta ra trắng tay, nhưng Thiên Chúa lại cần đến để đỗ tràn nơi chúng ta vinh quang vĩnh cửu.
* * *
Có những người nghĩ rằng
họ sẽ sống mãi mãi,
và quyền hành thuộc về họ muôn đời.
...
Bạn đừng bao giờ thất vọng
khi thấy người nào đó giàu lên,
khi thấy họ có nhiều của cải,
và được người người ca tụng.
Vì trong cái chết,
họ sẽ chẳng còn quyền lực nào.
Họ sẽ phải đi đến nơi vĩnh viễn,
không có một tia sáng.
Họ cứ tưởng rằng
mình sẽ chẳng bao giờ chết;
họ quên mất một điều
họ sẽ phải chết như mọi loài.
phỏng theo F. Cardenal.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam