Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 52
Tổng truy cập: 1372924
SỐNG LỜI KINH MÂN CÔI
SỐNG LỜI KINH MÂN CÔI - Huệ Minh
Vào những năm đầu của thế kỷ XIII, khi đặt chân lên đất Pháp, thánh Đaminh đã phải chứng kiến cảnh hoang tàn của Giáo Hội ở miền Languedoc do bè rối Albigeois gây ra. Bị ảnh hưởng nặng nề bởi thuyết nhị nguyên, bè rối này coi tất cả những gì thuộc về thể xác hay trần thế đều do ma quỷ làm ra và thống trị, do đó bản chất nó là xấu. Lúc đó khắp vùng này bị ảnh hưởng tinh thần bi quan, yếm thế. Người ta chỉ lo hãm mình phạt xác, và thấy cuộc đời chỉ còn là một màu đen tăm tối. Liều thuốc thần diệu chữa trị căn bệnh bi quan do bè rối Albigeois gây ra đó chính là kinh Mân Côi.
Kinh Mân Côi bắt nguồn tại các vùng tây bắc Châu Âu từ phong tục kết những vòng triều thiên hoa hồng để đội lên đầu Đức Mẹ trong những buổi hành hương, hay trong những nghi thức ngoài phụng vụ, rồi người ta nhảy múa, ca hát bằng tiếng bản xứ. Dần dần khi hoàn cảnh không cho phép, người ta đọc phần đầu kinh Kính Mừng thay thế cho những bông hoa hồng để trở thành kinh Mân Côi, với những hình thức rất phong phú, linh động.
Ta thấy phần đầu của kinh Kính Mừng chính là lời sứ thần Kính chào Đức Mẹ. Như vậy, Kinh Mân Côi chính là khởi điểm của chương trình cứu độ loài người bởi Thiên Chúa. Mà như vậy, ai là người được nhận sứ mạng mở đầu, khởi điểm công trình cao cả là cứu chuộc loài người, há chẳng phải là Đức Maria sao? Vâng, Đức Maria, một người của muôn người, vì Đức Mẹ đã thể hiện xứng đáng với niềm tin của mình vào Thiên Chúa. Vâng, không còn lý lẽ nào, cũng không còn tâm tình nào cao hơn tiếng “XIN VÂNG“ của Đức Mẹ để đáp lời sứ thần.
Lời “XIN VÂNG” của Đức Mẹ là sự đáp trả tuyệt vời nhất sự kêu mời, sự mạc khải của Thiên Chúa cho nhân loại, mà Mẹ là Đấng đai diện xứng hợp nhất.
Sau khi thưa "Xin Vâng", Mẹ vội và lên đường đi viếng bà thánh Elizabeth. Đây chính là cuộc rước kiệu Thánh Thể đầu tiên. Cuộc rước kiệu thật đơn sơ, không kèn trống, không đông đảo, nhưng đầy sốt sắng, đầy cung kính nên đã đem lại lợi ích phi thường: đem ơn cứu độ đến cho ông thánh Gioan Baotixita còn trong lòng mẹ, làm cho mọi người tràn đầy niềm vui. Như thế Mẹ nhắn nhủ ta kiệu Thánh Thể sốt sắng sẽ đem lại nhiều ơn ích thiêng liêng.
Theo đó, Kinh Mân Côi không phải là phương thức mê hoặc hay dụ dẫn, mà là Lời của Tin Mừng, Lời của Thiên Chúa nói với con người. Đoạn Tin Mừng hôm nay là đoạn khởi đầu cho hai mươi mầu nhiệm của Tin Mừng cứu độ loài người bởi Thiên Chúa. Mầu Nhiệm Truyền Tin là khởi điểm của Mầu Nhiệm Cứu Chuộc bởi Con Thiên Chúa, mà đứng đầu là Đức Trinh Nữ Maria.
Đức Mẹ đã cộng tác với Thiên Chúa, nhưng sự cộng tác của Đức Mẹ khác với chúng ta. Sự cộng tác của Đức Mẹ là tích cực, vì Mẹ đã tin tuyệt đối, đã bỏ ngỏ đời mình cho Thiên Chúa tái tạo bằng quyền năng và lòng thương xót của Ngài chứ không phải bằng sự cố gắng đạo đức lập công nghiệp của Mẹ. “Xin hãy thành sự cho tôi theo Lời Ngài”, đó là lời thưa của Đức Mẹ. Còn Thiên Chúa, qua lời bà Isave đã nói với Đức Maria rằng: “Phúc cho Bà, là kẻ đã tin” (Lc 1,45).
Lời “Xin Vâng” đã thay đổi phận đời Đức Maria. Và ở đây, xin được gọi đó là một chiến thắng: chiến thắng của thánh ý Chúa trên cuộc đời Đức Maria đã trở nên chiến thắng của Đức Maria trên chính số phận đời thường của mình.
Vì thế, hôm nay, nếu đọc lên kinh “Kính mừng Maria đầy ơn phúc”, thì hãy vui mừng thêm nữa để nhận ra rằng ơn phúc của Thiên Chúa dẫu đã tiềm ẩn nơi Đức Maria, nhưng chỉ thực sự tỏ hiện qua tiếng “Xin Vâng”, để nhớ mãi hình ảnh Đức Mẹ chiến thắng trên chính phận mình.
Với hai tiếng "Xin Vâng", không những Mẹ vâng lời Thiên Chúa hoàn toàn, mà còn dạy mọi người biết vâng lời Chúa. Nên tại tiệc cưới Cana, Mẹ khuyên nhủ gia nhân: “Người bảo gì các con hãy cứ làm theo” (Ga 2,5). Thái độ hoàn toàn vâng phục đã được Chúa thưởng công bằng phép lạ “nước lã hóa thành rượu ngon”. Hôm nay Mẹ cũng nhắc nhủ ta: Nếu Chúa đã dặn dò: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày” (Lc 22-19), thì hãy vâng lời Chúa, siêng năng tham dự thánh lễ, chầu MTC, chịu lễ, chắc chắn Chúa sẽ làm phép lạ đổi mới đời các con như biến nước lã thành rượu ngon.
Kinh MÂN CÔI là phương thức cầu nguyện theo Tin Mừng, bằng Tin Mừng, nhờ Tin Mừng. Vì vậy, giá trị cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi là rất lớn, có sức chuyển cầu rất hiệu quả, không phải chỉ nhờ Đức Mẹ mà thôi, mà còn cùng với Đức Mẹ đón nhận Mầu Nhiệm Cứu Độ bởi Thiên Chúa qua Mầu Nhiệm Truyền Tin, và tiếng “XIN VÂNG“ của Mẹ, như Mẹ, với Mẹ vậy.
Sống kinh Mân Côi là làm cho những lời kinh đó trở thành một phương tiện loan báo Tin Mừng chứ không chỉ là một hình thức sùng kính Đức Mẹ. Kinh Mân Côi sống chính là phương tiện bồi dưỡng đức tin chứ không chỉ còn là một sinh hoạt đạo đức có tính cách tình cảm nhất thời. Trọng tâm của việc lần chuỗi đó phải là một cách thế để gặp gỡ, kết hợp với chính Đức Kitô, Đấng “là đường, là sự thật, và là sự sống” (Ga 14,6), và nhờ đó mà con người được thoát khỏi mọi sự lầm lạc, và không để người khác lợi dụng sự thiếu hiểu biết của họ mà gieo rắc hoang mang hay trục lợi (Ga 8,32).
Ước chi mỗi lần đọc Kinh Mân Côi, chúng ta biết nhìn ngắm tấm gương khiêm nhường sâu thẳm của Chúa Giêsu, học sống khiêm nhường như Chúa để nhờ đó, chúng ta triệt bỏ được tính kiêu căng và làm cho đời sống mình trở nên cao đẹp và giống Chúa hơn.
2. Nhiệm mầu của lời kinh Mân Côi - Huệ Minh
Kính thưa cộng đoàn,
Chẳng hiểu sao cái bài hát Ave Maria rất là nổi tiếng, kể cả những người không phải là Công giáo khi nghe lên cái nhạc nền đều nhận ra cái bài hát rất thân quen.
Có một thời, đài truyền hình trung ương, lấy cái đoạn nhạc đó để mà dẫn vào chương trình: Ave Maria, gracia plena Ave, ave dominus tecum Benedicta tu in. Kính mừng Maria đầy ơn phúc!
Và chắc có lẽ những người nào mà Xem Thúy Nga Paris thì không thể nào mà quên được ca sĩ Ngọc Hạ
Trình bày cái bài hát “Ave Maria, Con Dâng Lời” của linh mục nhạc sĩ Huyền Linh ở Gloria II, năm 2014.
Phải nói rằng bài hát này nhiều người hát lắm, nhiều ca sĩ hát lắm! Nhưng mà hôm đó chẳng hiểu sao Ngọc Hạ trình bày rất rất thành công. Cái giọng của cô cũng như cái diễn cảm của cô đi vào lòng người, đã để cho cái dấu ấn bài hát đó! Đến giờ này mà mỗi khi ai mở lại nghe, đều cảm thấy nó đi vào lòng người và rất hay!
Ave Maria con dâng lời chào Mẹ, Ave Maria con dâng lời chào Mẹ. Khi chiều tàn nắng hồng, và khi an vui trời đông. Con say sưa lời ca chào, Ave Maria
Phải nói rằng bây giờ con có hát, con cũng không có là gì, cũng chả được như cô Ngọc Hạ. Bởi vì, cô Ngọc Hạ hát tuyệt vời! Phải nói rằng cô thành công trong bài đó!
Và chính cái bài hát “Ave Maria, con dâng lời chào Mẹ” đó! Dệt lên cái ngày hôm nay, ngày 7 tháng 10, ngày mà lịch sử Giáo hội ghi dấu ấn bằng Lễ Mân Côi.
Kinh Mân Côi nguyên tiếng Latinh là Rosarium, tiếng Anh, tiếng Pháp là Rose là hoa hồng tượng trương kinh Kính mừng kết thành vòng hoa thiêng dâng kính Đức Mẹ như cổ thời Hylạp, và một số nước hiện nay, người ta làm vòng hoa tươi treo vào cổ trao tặng nhau. Trước kia người ta đếm kinh bằng hạt sỏi, dần dần người ta kết những hạt khác thành chuỗi Mân côi gọi là Rosary.
Thế kỷ XII, 150 Thánh vịnh David dài quá đối với nhiều người không thể đọc được, nên người ta đọc 150 kinh Lạy Cha thay thế. Dần dần người ta đọc 150 kinh Kính Mừng thay 150 kinh Lạy Cha. Do đó Thánh Đaminh gọi là "Thánh vịnh Đức Mẹ". Sau này Đức Sixtô IV gọi tắt là "Thánh vịnh".
Bắt đầu kinh Kính mừng chỉ gồm có lời chào của thiên sứ Gabrie: "Kính mừng Maria đầy ơn phúc. Thiên Chúa ở cùng Bà" (Lc 1:28), rồi được thêm lời chào của bà Thánh Elizabeth: "Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ. Và Con lòng Bà gồm phúc lạ" (Lc 1:42). Cũng trong thế kỷ XII, Đức Mẹ hiện ra trao truyền tràng hạt Mân côi cho Thánh Đaminh để cải hoá bè rối Albigensê đang tung hoành ở phía nam nước Pháp. Sang thế kỷ XIII, đời Đức Urbanô IV, Thánh Danh "Giêsu" được thêm vào.
Thời đó người ta đọc 150 kinh Kính mừng cùng với 150 kinh Lạy Cha, nghĩa là mỗi kinh Kính mừng một kinh Lạy Cha. Đến thế kỷ XIV, thầy Henry Kalkar (1328-1408), dòng Carthusian do Thánh Brunô sáng lập, chia 150 kinh Kính mừng thành từng chục (10) mỗi chục một kinh Lạy Cha.
Thế kỷ XV, Cha Đaminh Prussia (1384-1460) cũng dòng Carthusian chia 150 Kinh Kính mừng thành 3 chuỗi 50. Cũng trong thế kỷ này, Chân phúc Alanô de la Roche hay là De Rupe thêm phần suy niệm các mầu nhiệm trong khi lần chuỗi. Từ nay tràng chuỗi Mân Côi gọi là "Vòng hoa hồng". Chân phúc Alanô nhiệt thành phổ biến kinh Mân Côi mà Đức Mẹ đã trao truyền cho Thánh Đaminh. Chân phúc Alanô thành lập Hội Mân côi năm 1480 và được Đức Mẹ hứa ban ơn cho những ai trung thành đọc kinh Mân côi.
Năm 1521, cha Albertô da Castello, O.P., sửa lại mỗi kinh Lạy Cha với một mầu nhiệm. Năm 1569, Đức Thánh Piô V thêm phần thứ hai kinh Kính Mừng: "Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con..." như chúng ta đọc hiện nay và với kinh Sáng Danh, và ấn định kinh Mân Côi như chúng ta thấy, ta quen đọc ngày nay.
Kinh Mẹ Mân Côi, là một sáng kiến mà Đức Mẹ đã truyền dạy cho thánh Đaminh vào thế kỷ 13. Và rồi bước sang thế kỷ thứ 16, khi mà đoàn quân Công Giáo, với một lực lượng rất là mỏng manh ra chiến trường tại vịnh La-pan. Đối với quân Hồi giáo thì quân Hồi giáo đi từ Trung Đông sang Á châu, sang Ấn Độ, sang Âu châu. Và đi đâu thắng đến đó. Và đi Âu châu với một đoàn quân thiện chiến. Nếu như quân Hồi giáo thành công thì coi như Rôma mất hết! Và Công Giáo biến mất, không còn trên trần gian này nữa.
Và rồi, đứng trước một thế lực mạnh như vậy, Đức Piô V đã kêu gọi mọi người cầu nguyện bằng Kinh Kính Mừng. Và lạ thay, quân Hồi giáo đã bị thua quân Công Giáo. Quân Công Giáo chiến thắng quân Hồi giáo không phải bằng thế lực quân sự, mà là nhờ Đức Mẹ, nhờ vào lời Kinh Mân Côi. Mà do đó, Đức Giáo Hoàng đặt lễ Đức Bà này gọi là lễ Đức Bà Chiến Thắng hay còn gọi là Đức Bà Mân Côi. Nếu như mà lễ Đức Bà Mân Côi, mà nói về chiến thắng này thì, có lẽ chúng ta lại liên tưởng đến chiến thắng về quân sự, về kinh tế, về chính trị.
Thế nhưng Chúa Giêsu không muốn đến thế gian này, cũng như không muốn con cái của mình chiến thắng về quân sự về kinh tế về chính trị. Hẳn chúng ta còn nhớ, đối diện với Philatô, Chúa Giêsu nói với ông như thế nào?
Tôi nói cho ông biết: Nước của tôi không thuộc về thế gian này! Nếu mà nước tôi thuộc về thế gian này, thì tôi sẽ cho lính của tôi giải thoát tôi khỏi tay người Do Thái.
Nước tôi không thuộc về thế gian này đâu!
Ông đừng có tưởng bở. Và rồi chúng ta thấy, Chúa Giêsu không dạy chúng ta chiến thắng về quân sự, về kinh tế, về chính trị. Nhưng rồi, nếu mà chúng ta suy nghĩ qua các chiến thắng Kinh Mân Côi để chúng ta chiến thắng người khác. Thì e rằng, rất là căng thẳng.
Bởi vì ngày hôm nay hơn bao giờ hết rất nhiều tôn giáo vẫn nghi kị nhau, vẫn giận hờn nhau, vẫn chưa hiệp nhất. Và rồi mỗi người chúng ta tất cả các tôn giáo phải ngồi lại với nhau để mà gắng bó với nhau để xây dựng một thế giới hòa bình.
Đức Giáo Hoàng Phaolô II đã mời các lãnh đạo tôn giáo lên thành phố Assisi, để cầu nguyện cho hòa bình và cứ như thế truyền thống các nhà lãnh đạo tôn giáo giận đến thành phố Assisi để cầu nguyện. Nhưng mà, cái chiến thắng của Kinh Mân Côi chiến thắng quân Hồi Giáo, nó chỉ là một cái để cho chúng ta nhìn lại về cuộc đời của chúng ta. Mỗi người chúng ta cũng cần chiến đấu những người chúng ta cũng cần Chiến Thắng Mà không phải là chiến thắng quân sự chiến thắng tiền bạc, chiến thắng danh vọng, chiến thắng quyền lực.
Nhưng chúng ta cần là: chúng ta chiến thắng bản thân của chúng ta.Người ta vẫn thường nói với nhau quan trọng nhất là chúng ta chiến thắng chính bản thân của mình.
Có một vị tướng trong lịch sử nói: Không có một cuộc chiến thắng nào lớn bằng, các cuộc chiến thắng nội tâm của mỗi người chúng ta: “ Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ “.
Vấn đề lớn là ở chỗ chúng ta phải chiến thắng mỗi người chúng ta. Và khi mà chúng ta lần chuỗi Mân Côi chúng ta sẽ thấy rằng: Chính tràng chuỗi Mân Côi giúp chúng ta chiến thắng bản thân của mình.
Người Đông phương của chúng ta vẫn thường hay nói rằng: Thân, Trí, Tâm. Nếu mà phân tích triết học thì con người chúng ta là con người như thế nào?
Là một động vật có lý trí, có tình cảm, có ý chí. Và chúng ta thấy, mỗi khi lần chuỗi thì chúng ta vận dụng cả ba cơ năng:Thân, tâm, trí. Cả con người chúng ta, chúng ta cầm cái tràng chuỗi Mân Côi. Khi chúng ta lần, thì nó ảnh hưởng tới cái Thân, cả cái Trí và cả cái Tâm của chúng ta.
***
Có một lần kia thì khi con vào cái chùa chơi với một ông thầy học cùng, thì con mới hỏi thầy là: Thầy lần cái chuỗi Nam Mô A Di Đà Phật 108 hạt đó, để làm cái gì? Thì Thầy mới nói rằng là: Chúng tôi lần để cho bớt căng thẳng. Bớt suy nghĩ vào cái khác.
Và rồi thầy có nói rằng: nếu mà cha lần chuỗi mà trong tay cha có một cái chuỗi, cha tập chú, cha đọc Kinh và suy nghĩ sâu hơn và sẽ khám phá ra cái điều mà mình suy nghĩ là cái gì? Cái điều mà mình tập trung là cái gì?
Và quả thật, cái điều mà chúng ta lần chuỗi, chúng ta suy nghĩ, chúng ta cầu nguyện đó! trong Kinh Mân Côi sẽ gợi lại cho chúng ta về cuộc đời, về cả cuộc đời của Chúa Giêsu.
Cả cuộc đời của Chúa Giêsu, từ khi sinh ra, sống công khai, đi loan báo Tin Mừng, chịu chết, rồi chịu đóng đinh trên thập giá, rồi lên trời. Rồi ban Thánh Thần. Cả cuộc đời của Chúa Giêsu đựơc thu gọn trong tràng chuỗi Mân Côi.
Thật sự ra, tràng chuỗi Mân Côi, nếu chúng ta đọc chậm và chúng ta suy niệm rất hay. Nhưng mà với những người không thích Kinh Mân Côi thì bảo là cứ bao nhiêu kinh đó đọc hoài chán quá! mất thời gian quá! Bởi vì họ không khám phá ra được cái hiệu nghiệm của lời Kinh Mân Côi.
Nếu như chúng ta đọc Kinh Mân Côi trong thinh lặng chúng ta sẽ thấy cuộc đời chúng ta kết hợp với Chúa và cuộc đời chúng ta rất là bình an. Bởi vì trong cái lời Kinh Mân Côi đó chúng ta sẽ giải quyết được ba mối tương quan cơ bản của con người.
Mỗi một con người chúng ta, sống trong trần gian này, tương quan với Thiên Chúa, tương quan với tha nhân, và tương quan với vũ trụ.
Chúng ta để ý trong cái Năm Sự Mừng:
- Chúa Giêsu lên trời. Xin cho lòng chúng ta hướng về sự lên trời.
- Chúa Giêsu cho Đức Mẹ lên trời. Xin cho chúng ta cùng Đức Mẹ lên nước thiên đàng.
Đó là mối tương quan với Thiên Chúa đó! Chúng ta ước ao để mà chúng ta lên trời với Chúa, sau cái cõi trần này!
Năm Sự Vui: thứ nhất Đức Bà đi viếng bà Elizabeth, xin cho chúng ta được lòng yêu người.
Xin cho chúng ta khi mà nhìn về hành động của Mẹ Maria khi đi viếng bà Elizabeth. Xin cho chúng ta yêu thương tha nhân bằng tình yêu đích thực, bằng tình yêu sẽ chia.
Và mầu nhiệm Thương: Chúa Giêsu Chúa Giêsu chịu đóng đinh vào thánh giá. Xin cho chúng ta đóng đinh tính xác thịt mình vào thánh giá Chúa.
Cũng xin cho chúng ta bớt đi những cái Tham, Sân, Si. Xác thịt, lòng dục của chúng ta, để chúng ta đừng dính bén vào những cái tội lỗi trong trần gian này.
Chuỗi Mân Côi này, giúp chúng ta chiến thắng bản thân mình và làm cho cuộc đời của mình tốt đẹp hơn!
***
Có một anh bạn rất dễ thương! Phải nói rằng anh là một thương gia, mà có thể nói là giang hồ. Anh ta đã một thời lăn lộn ở khu Huỳnh Thúc Kháng. Anh ta cày, nay lưng ra cày nhưng một ngày nào đó, anh cảm thấy cuộc đời anh vô nghĩa và anh thu mình lại trong gia đình của anh, bằng lần Tràng chuỗi Mân Côi.
Khi quen anh ban đầu, anh nói với con rằng: Cha biết không, một ngày con lần 30 chuỗi, 20 chuỗi. Có bữa anh nói: Hôm nay con mệt quá, con lần có 10 chuỗi!
Thì con mới nói với ảnh và con phân tích: Anh ơi! Không phải là 30, 20 hay là 10 chuỗi gì đâu! Nhưng mà từ cái tràng chuỗi Mân Côi đó, anh suy niệm cuộc đời anh với Chúa.
Nói với anh, cũng như nhắc nhở chính bản thân của mình. Nhiều khi cuộc đời mình gặp khó khăn mình đi tìm cái gì đó để mà an ủi mà mình quên tìm đến tràng chuỗi Mân Côi.
Và thật lạ lùng, trên cuộc đời của anh, bản thân của anh.
Nếu như trước đây anh cảm thấy khó chịu khi anh thấy bất công trong cuộc đời cũng như bất công trong Giáo Hội anh lên tiếng. Nhưng mà rồi, từ những ngày anh đọc Kinh Mân Côi, chậm rãi suy niệm anh thấy cuộc đời của anh được biến đổi. Chính con cũng thấy anh được biến đổi.
Từ ngày đó anh không còn khoe rằng: cha ơi, hôm nay con đọc được 10 chuỗi, 20 chuỗi, 30 chuỗi nữa. Mà thấy sự biến đổi sâu xa nơi cuộc đời của anh. Anh bớt nói, anh bớt bực dọc, anh bớt bực mình, anh bớt nói người này kia! Và cuối cùng anh chỉ suy nghĩ về bản thân anh, cuộc đời của anh mà thôi.
Phải nói rằng đó là một tấm gương. Đó là một cái một mẫu gương và hoa quả của lời Kinh Mân Côi, mà con xin chia sẻ với cộng đoàn và chính bản thân con.
Để rồi ngày mỗi ngày, chúng ta cố gắng đọc Kinh Mân Côi. Dẫu rằng, với ánh mắt của người khác: đọc Kinh Mân Côi là lãi nhãi, đọc Kinh Mân Côi là nhàm chán. Nhưng chính là lời Kinh Mân Côi là sức mạnh, là những bậc thang đưa chúng ta vào thiên đàng.
Xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta. Nhân dịp chúng ta mừng lễ Mân Côi, không phải chúng ta nghĩ đến một cái chiến thắng quân sự, chiến thắng chính trị, chiến thắng về kinh tế. Nhưng chúng ta đọc Kinh Mân Côi, cùng với Mẹ Maria chiêm nghiệm lại cuộc đời của Chúa Giêsu và kết hiệp mật thiết với cuộc đời của CHÚA Giêsu, để chúng ta vượt qua những đau khổ và những thử thách trần gian này. Amen.
3. Kinh Mân Côi – Lm. JB. Lê Ngọc Dũng
Trong mối liên hệ mẹ con, không gì quý hơn tâm lòng người mẹ đối với con cái, là yêu thương sẵn sàng làm mọi việc, hy sinh vì con cái. Và ngược lại, không gì quý hơn, người con tỏ lòng biết ơn và hiếu thảo với cha mẹ.
Mỗi người chúng ta đều có người mẹ, và chắc hẳn chúng ta đã cảm nghiệm được lòng mẹ đối với chúng ta như thế nào. Và cũng chắc rằng người mẹ trần gian chỉ giúp đở chúng ta có hạn. Chúng ta có Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, giúp đở chúng ta vượt mức người mẹ trần thế, là giúp chúng ta nhận lãnh ơn Chúa để tiến vào sự sống hạnh phúc viên mãn với Chúa.
Để giúp chúng ta, Mẹ đã dạy chúng ta lần hạt Mân Côi.
Cầu nguyên bằng kinh Mân Côi rất hiệu lực là vì là Kinh xuất phát từ Lời Chúa. Kinh Lạy Cha là lời của Chính Chúa Giêsu dạy bảo cầu nguyện. Kinh Kính Mừng là một phần của lời của sứ thần Thiên Chúa và bà Isave, rồi cộng thêm lời xin cả cộng đồng dân Chúa, của cả Giáo Hội cầu xin.
Đức Mẹ rất ưa thích kinh này. Chính Mẹ đã nhiều lần nhắc nhở con cái lần hạt. Hãy dùng tràng hạt như một phương thế mang nhiều hiệu năng phi thường.
Tương truyền rằng thánh Đaminh đã vất vả chinh phục người ly giáo Albigois ở miền Nam nước Pháp. Thánh nhân đã hy sinh làm việc lành, như hầu như vô hiệu quả và bè ly giáo càng ngày càng bành trướng làm hư hoại bao nhiêu linh hồn. Thánh Đaminh chạy đến nhờ Mẹ, van xin hết lời, thánh nhân được Đức Mẹ ban cho một phương thế hiệu nghiệm là kinh Mân côi. Và nhờ đó bè lạc giáo đã bị tiêu trừ.
Năm 1511, một lần vinh thắng nữa là kinh Mân côi giúp Giáo Hội chiến thắng quân Hồi giáo ở vịnh Lépante, để kỷ niệm chiến thắng này, Giáo Hội đã lập ra lễ Mân Côi vào ngày 7 tháng 10, vào tháng Mân Côi hàng năm.
Trong hai thế kỷ 19-20, Đức Mẹ đến với con cái Mẹ nhiều lần. Ở Lộ Đức, Mẹ hiện ra với Bernadette. Lần nào Mẹ cũng lần hạt với thánh nữ và nhắn nhủ hãy lần hạt như thế để cầu nguyện cho nhân loại và kẻ có tội. Chúng ta thấy các tượng Lộ Đức đều đeo tràng hạt. Năm 1917, vào những lần Mẹ hiện ra ở Fatima, lần nào Mẹ cũng khuyên lần hạt và Mẹ đã đặt tràng hạt là một trong ba điều kiện để cứu rỗi nhân loại, để Chúa khỏi phải đoán phạt một cách công thẳng. Mẹ coi tràng hạt như là một điều kiện để được cứu rỗi. Ở Fatima cậu bé Phanxicô hỏi "Con có được lên trời không ?" Mẹ đáp: "Có, miễn là phải lần hạt nhiều".
Ngày 10-12-1925 rồi ngày 15-2-1926, Mẹ muốn các tín hữu xưng tội chịu lễ trong 5 thứ bảy đầu tháng liên tiếp và suy gẫm lần hạt Mân côi trong 15 phút đồng hồ để đền tạ Trái Tim Mẹ, thì Mẹ sẽ ban ơn cần thiết cho phần rỗi lúc lâm chung. Đối với Mẹ, tràng hạt trở nên 1 trong 3 điều kiện để được cứu rỗi, để kẻ có tội ăn năn trở lại, để mưu hạnh phúc cho mọi người.
Năm 1601, chuyện kể rằng, ở Bỉ có hai chàng thanh niên bê bối, tội lỗi. Sau khi đã phạm tội nặng, một anh ở lại nơi phạm tội, một anh trở về nhà mình. Vừa về đến nhà đặt mình xuống, vì quá khuy nên rất buồn ngũ… nhưng anh nhớ lại lời mẹ dạy nên quỳ xuống đọc ba kinh Kính Mừng. Đọc xong anh gục đầu ngũ thiếp đi ngay dưới đất. Lúc ấy có tiếng gõ cửa. Đẩy cửa vào là một chàng thanh niên mặt mũi đen thui ghê tởm xấu xa có lửa bốc cháy: “Anh ơi tôi đã bị luận phạt ngay sau khi anh ra về bằng một tai nạn. Xác tôi còn đang nằm ngoài đường kia. Chính Đức Maria đã gìn giữ anh vì ba kinh kính mừng”. Chàng thanh niên này đẫm lệ ăn năn, quỳ gối trước tòa Mẹ và sau này trở thành một tu sĩ và được phúc tử đạo tại Nhật bản. Còn cái chết của anh tội lỗi kia được một vị chân phước tên là Ham Suo Huere chứng kiến và kể lại.
Đó là một trong những muôn ngàn câu chuyện về hiệu lực của Kinh Mân Côi. Kinh Mân Côi đã từng chứng minh cho sự hiệu lực của mình trong từng gia đình, cho từng dân tộc và cho cả nhân loại qua các thế kỷ.
Vậy chúng ta hãy siêng năng dâng lên cho Mẹ những món quà là lời kinh Mân Côi. Món quà dễ dàng mua sắm vì kinh Mân Côi dễ đọc dễ gẫm suy, dễ thực hiện bất kỳ ở đâu lúc nào. Chúng ta đừng bỏ mất cơ hội mà Thiên Chúa tình yêu luôn mở ra để chúng ta được những ân sủng quý giá cho cuộc đời này cho đời sau.
4. Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
LỢI ÍCH - LẦN CHUỖI MÂN CÔI
Đức Thánh Cha Phanxicô của chúng ta rất yêu mến Đức Mẹ qua việc lần chuỗi Mân Côi. Cụ thể, ngày 13-3-2013 Ngài được bầu làm Giáo Hoàng, thì sáng ngày 14-3, Ngài đến tượng ảnh Đức Mẹ Che Chở Dân Rôma để lần chuỗi Mân Côi và cầu nguyện để dâng cả triều đại giáo hoàng của Ngài cho Đức Mẹ. Năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn ngay ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi ngày khai mạc thượng Hội Đồng Thế Giới về gia đình, dĩ nhiên trước đó, Ngài kêu gọi mọi thành phần dân Chúa hãy đọc kinh Mân Côi. Và rồi mới đây, 12-5-2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến hành hương tại Đền thánh Đức Mẹ Fatima, Bồ đào nha, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra với 3 mục đồng tại đây: Lucia, Phanxicô và Giacinta. Đây là chuyến viếng thăm thứ 19 của Đức Thánh Cha tại nước ngoài. Nhưng đây là lần đầu tiên, chuyến viếng thăm của ngài hoàn toàn là một cuộc hành hương không có những hoạt động gì khác, chỉ có cầu nguyện với Đức Mẹ Fatima qua việc lần hạt Mân Côi và dâng Thánh Lễ. Hôm đó, Ngài đã đến trước tượng Đức Mẹ Fatima tại Nhà nguyện Hiện Ra, Đức Thánh Cha quỳ cầu nguyện rằng: “Lạy Nữ Vương, là Đức Trinh Nữ Fatima, là Mẹ Khiết Tâm, là nơi nương náu và là đường dẫn đến Thiên Chúa! Như người lữ hành theo Ánh sáng tỏa lan từ bàn tay Mẹ, con cảm tạ Chúa Cha, Đấng qua mọi nơi và mọi thời, vẫn hoạt động trong lịch sử nhân loại; Như người lữ hành của nền hòa bình mà Mẹ đã loan báo tại nơi này, con chúc tụng Chúa Kitô, là an bình của chúng con, và con cầu xin ơn hòa hợp giữa mọi dân nước trong thế giới này; như người lữ hành của niềm hy vọng mà Chúa Thánh Linh khích lệ, con muốn là một ngôn sứ và là sứ giả rửa chân cho mọi người, tại bàn ăn liên kết tất cả chúng con nên một”.
Ai trong chúng ta cũng yêu mến và quí trọng người Đức Mẹ, vì tình mẫu tử của Đức Mẹ Maria Mân côi dành cho mỗi người chúng ta dạt dào và êm ái biết là ngần nào? Cụ thể, trong Tin Mừng hôm nay, Mẹ Maria thưa “Xin Vâng” với Chúa, có nghĩa rằng Mẹ phó thác cuộc đời của Mẹ vào lòng thương xót của Chúa. Với hai tiếng xin vâng, Mẹ sẵn sàng cưu mang, sinh hạ, chăm sóc con Mẹ là Chúa Giêsu và đồng lao cộng khổ với Con Mẹ để đàn con Mẹ là chúng ta nhờ Chúa Giêsu mà được cứu độ. Nhờ Chúa Giêsu mà chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha, và Chúa Giêsu Kitô là Anh Hai của chúng ta, và những đứa em của Chúa Giêsu là chúng ta cũng được thừa kế gia nghiệp trên thiên quốc vĩnh hằng mà Thiên Chúa dành sẵn cho chúng ta (Gl 4,7).
Trên trần gian Đức Mẹ đã chăm sóc Chúa Giêsu thế nào, thì ngày nay trên Thiên đàng, Mẹ Maria cũng chăm sóc chúng ta như thế. Đức Mẹ chăm sóc chúng ta bằng nhiều cách trong đó có việc Lần Hạt Mân Côi. Vì vậy, qua việc đọc kinh Hạt Mân Côi, trước hết, Mẹ sẽ cầu bầu và che chở chúng ta trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Qủa thế, ai ai trong chúng ta cũng đều cảm nghiệm được tình Mẹ Maria dành cho chúng ta khi ốm đau cũng như khi mạnh khỏe, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi thành công cũng như thất bại, khi yêu cũng khi cô đơn, khi có gia đình cũng như khi đi tu. Cho nên, đã là người Công Giáo dù ở đâu, đi xe hay đi tàu, đi chợ hay đi học, ở bệnh viện hay ở nhà…., bất cứ lúc nào người ta cũng đọc Kinh Mân Côi. Vì bất cứ khi nào đọc Kinh Mân Côi, chúng ta cảm thấy có một sự ủi an và sức mạnh siêu nhiên làm cho tinh thần mình phấn khởi, không còn lo lắng sợ sệt… và nguồn đó chính là sự cầu bầu và chở che của Mẹ Maria. Vâng, chính tôi đã kinh qua và cảm nghiệm được điều này. Cụ thể, năm 2010, tôi bị tai nạn và bệnh rất nặng, khi nhập viện, bác sĩ bắt phải chụp MR 2 hai tiếng đồng hồ. Trong lúc nằm trong phòng chụp MR một mình, hai bên toàn là điện và máy móc cứ chạy phà phà, tôi nghĩ bụng nếu có chập điện hay sự cố gì thì mình chết tươi vì phòng này cắt ly hoàn toàn với bên ngoài, tôi bắt đầu lo sợ. Nhưng khi nằm lên gường và máy bắt đầu chạy thì tôi cũng bắt đầu đọc Kinh Mân Côi suốt hai tiếng đồng hồ. Điều đáng ngạc nhiên đối với bác sĩ rằng hầu như ít có người nào chụp MR lâu như tôi, mà nếu có thì ra là họ điều xỉu, yếu ớt cả nhưng tôi thì không vẫn bình thường vui vẻ cười nói tỉnh khô. Từ đó tôi cảm nghiệm rằng lợi ích của việc đọc Kinh Mân Côi không chỉ để yêu mến mà còn để cùng Mẹ thưa xin vâng theo thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh và cùng với Mẹ cầu nguyện có Chúa đỡ nâng, an ủi và giúp sức cho chúng ta chịu đựng tất cả trong bình an.
Lợi ích thứ hai của việc đọc kinh Mân Côi, Đức Mẹ sẽ giúp chúng ta học và hành bài học yêu thương và tha thứ của Mẹ. Vâng, sau khi thưa hai tiếng xin vâng, Mẹ chịu nhiều đau khổ, chịu người ta sỉ vả, chửi bới… ấy thế Mẹ không một lời oán trách, căm thù, ngược lại, Mẹ yêu thương và tha thứ tất cả, cho nên, gẫm thứ hai trong Kinh mân Côi Mùa Vui, chúng ta đọc: thứ ba thì gẫm, Đức Bà đi viếng bà Thánh Isave, ta hãy xin cho được lòng yêu người như Đức Mẹ là vậy. Năm nay là năm mà các Đức Giám Mục mời gọi các bạn trẻ chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân gia đình, đặc biệt là các gia đình Công giáo hãy thể hiện ơn gọi yêu thương và sứ vụ thương xót ngay trong gia đình của mình. Vì vậy, học gương Mẹ Maria Mân Côi, chúng ta hãy thực hiện điều này ngay trong gia đình của mình vì gia đình là nơi những thành viên liên kết với nhau trong tình yêu máu mủ. Nói đến máu mủ là nói đến sự sống, sự sống tồn tại được là nhờ tình yêu và thương xót nhau. Nhưng trong thực tế, ngày nay đời sống vợ chồng còn gặp khó khăn trong tình yêu, mọi thành viên trong gia đình xào xáo nhau, hạnh phúc gia đình bất ổn... Hôm nay, chúng ta học gương Mẹ và nghe lời Mẹ dặn rằng: HÃY SIÊNG NĂN LẦN HẠT MÂN CÔI để sống tình yêu thương, tha thứ và chung thủy với nhau vì có Mẹ ở với gia đình chúng ta sẽ giúp gia đình chúng ta vượt qua tất cả như lời kinh Lạy Nữ Vương gia đình chúng ta thường đọc mỗi tối: Lạy Nữ Vương gia đình, Mẹ ở đây với chúng con, vui buồn sướng khổ, Mẹ con cùng nhau chia sẻ. Xa Mẹ chúng con biết cậy trông ai. Đời chúng con gian nan khổ sở lắm, gia đình chúng con long đong tối ngày, nhưng có Mẹ ở bên chúng con, chúng con thấy quên hết ưu phiền, vui sống qua kiếp lưu đày, mong ngày sau sung sướng cùng Mẹ muôn đời trên thiên đàng. Amen.
Cuối cùng, lần hạt Mân Côi sẽ giúp chúng ta cùng với Mẹ đón nhận đau khổ hay khó khăn trong tinh thần đức tin. Vâng, chúng ta đọc “Năm Sự Vui” thứ 3 thì gẫm: “Đức Bà sinh Đức Chúa Giêsu nơi hang đá, ta hãy xin cho được lòng khó khăn”. Qủa thế, cuộc đời Đức Mẹ không thiếu những khó khăn và đầy ấp những đau khổ, đặc biệt khi đứng dưới chân thập giá nhìn Con chết tức tưởi nhưng Mẹ đón nhận trong tinh thần phó dâng và tín thác. Cuộc đời của chúng ta, có ai mà không có đau khổ, nước mắt nhiều hơn nụ cười và phiền muộn nhiều hơn hạnh phúc. Không gia đình nào trong chúng ta mà không có đau khổ, khó khăn, mỗi nhà một cách mỗi người một vẻ. Chúa không muốn chúng ta hay gia đình chúng ta phải đau khổ, khó khăn, Chúa muốn chúng ta hạnh phúc. Nhưng những đau khổ hay khó khăn nó đến là vì giới hạn của con người: sinh lão bệnh tử hay có thất bại có thành công. Cho nên, Chúa ban cho chúng ta nhiều phương thế để vượt qua những thử thách đó trong đó có Kinh Mân Côi, nhờ Đức Mẹ cầu thay nguyện giúp chúng ta. Nếu chúng ta vượt qua được thì tạ ơn Chúa. Nếu chưa qua được, Mẹ sẽ giúp chúng ta đón nhận đau khổ trong tinh thần đức tin để cầu nguyện cho cho gia đình, cho con cái, cho Giáo xứ, cho Giáo phận của mình biết trung tín và tín thác vào lòng Chúa xót thương.
Ước gì, qua Thánh lễ này, suốt trong tháng Mân Côi này, xin mỗi gia đình hãy siêng năng lần hạt Mân Côi để cùng vời Mẹ dâng lên Chúa những hạt kinh của các ngày sống qua từng thời kỳ của mùa Vui, Thương, Mừng để ơn Chúa tuôn đổ xuống từng người trong gia đình đồng thời mưu ích cho các linh hồn và sáng danh Chúa. Amen.
5. Kinh Mân Côi
Trong một vài phút vắn vỏi này, tôi muốn chia sẻ một vài ý tưởng đơn sơ về kinh Mân Côi.
Trước hết kinh Mân Côi là một cuốn Tin Mừng rút gọn.
Thực vậy, ngày xưa việc học hỏi Kinh Thánh chưa được phổ biến rộng rãi. Đó là việc dành riêng cho những nhà chuyên môn. Chẳng hạn vào thế kỷ thứ 9, chỉ các tu sĩ mới đọc 150 thánh vịnh của vua Đavít để thưa chuyện với Chúa. Còn dân chúng thì không có đủ phương tiện và thời gian để học hỏi và thấu triệt những tâm tình của thánh vịnh để mà cầu nguyện. Vì thế người ta đã nghĩ phải làm thế nào để mọi tín hữu có thể dễ dàng đọc kinh hầu thờ phượng và cảm tạ Thiên Chúa.
Thế là người ta dựa vào 150 Thánh vịnh mà lập ra kinh Mân Côi gồm 150 kinh Kính Mừng. Những kinh ấy được lặp đi lặp lại mà không hề cảm thấy nhàm chán vì chúng được dựa trên nền tảng Lời Chúa. Ban đầu để khỏi quên 150 kinh, người ta phải dùng đá sỏi, hạt đỗ. Và sau này người ta đã xâu lại thành từng chuỗi. Hơn thế nữa, hai mươi mầu nhiệm của kinh Mân Côi đã tóm tắt tất cả Tân Ước và những biến cố quan trọng của cuộc đời Chúa Giêsu. Cho nên, chúng ta cũng có thể nói kinh Mân Côi là một bản tóm lược đời sống của Chúa Giêsu nơi trần gian. Kinh Mân Côi là một cuốn Phúc Âm rút ngắn.
Tiếp đến kinh Mân Côi là một việc đạo đức được Mẹ ưa thích.
Chính Mẹ đã nhiều lần nhắn nhủ con cái Mẹ siêng năng chăm chỉ lần chuỗi. Tương truyền rằng thánh Đaminh đã phải vất vả đi chinh phục những người theo bè rối Albigeois ở miền nam nước Pháp, nhưng tất cả những cố gắng của ngài đều vô ích. Cuối cùng thánh nhân đã chạy đến nhờ cậy Mẹ và được Mẹ ban cho một phương thế hữu hiệu đó là kinh Mân Côi. Nhờ kinh Mân Côi mà thánh Đaminh đã chiến thắng bè rối và dẫn đưa nhiều người lầm đường lạc lối trở về cùng Hội Thánh.
Năm 1511, kinh Mân Côi đã giúp cho đoàn quân Công giáo chiến thắng tại vịnh Lépante. Để kỷ niệm chiến thắng này, Giáo Hội đã thiết lập lễ Mân Côi vào ngày 7.10 mỗi năm.
Trong thế kỷ 19 và 20, nhiều lần Mẹ đã hiện ra. Tại Lộ Đức, Mẹ đã bảo chị Bernadette lần chuỗi để cầu nguyện cho nhân loại và những kẻ tội lỗi. Năm 1917 tại Phatima, Mẹ đã truyền cho chúng ta ba mệnh lệnh, trong đó có việc siêng năng lần hạt Mân Côi. Và chính Ngài vào ngày 13.10.1917 đã tuyên bố: Ta là Mẹ Mân Côi. Mẹ cũng cho chúng ta hay: Phanxicô sẽ được lên trời, miễn là phải lần hạt nhiều trước đã. Như thế chúng ta thấy, kinh Mân Côi đã đem lại biết bao nhiêu ơn lành, cho bản thân, gia đình, xã hội cũng như Giáo Hội.
Và qua dòng thời gian, các Đức Giáo Hoàng luôn nhắc nhủ và khuyến khích chúng ta chăm chỉ lần chuỗi, nhất là mỗi khi Giáo Hội gặp phải những gian nan thử thách, để xin Mẹ nâng đỡ và chở che. Kinh nghiệm cũng cho thấy: Người giáo dân Việt Nam, mặc dù hiểu biết về Kinh Thánh, về giáo lý không được bao nhiêu, nhưng nhờ việc siêng năng lần chuỗi mà đức tin luôn kiên vững qua muôn vàn sóng gió. Noi gương các bậc cha ông chúng ta hãy thành kính dâng lên Mẹ những đoá hồng tươi xinh, đó là những lời kinh Mân Côi chân thành, để xin Mẹ nâng đỡ, phù trợ cho chúng ta luôn mãi.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam