Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 40

Tổng truy cập: 1366174

Sống Ơn Gọi Làm Người

Cập nhật : 12-01-2013
 
Sống ơn gọi làm người
 
 

Những người vô thần thường quan niệm con người là loài linh trưởng cao cấp, nhờ lao động, mà về sau đã tiến hóa thành người. Chính quan niệm này dẫn tới lối sống buông thả theo bản năng tự nhiên của đại bộ phận giới trẻ trong một số nước XHCN còn lại ngày nay. Họ không thể và không còn nhận ra đâu là giá trị thực con người mình. Đồng thời, trước những tiến bộ vượt bậc của khoa học, được hưởng một đời sống vật chất tiện nghi đầy đủ và hấp dẫn cộng thêm có chút tài năng hơn người, với những tham vọng quyền lực đã đạt được, càng khiến họ dễ có ảo tưởng về mình. Tuy nhiên, cho đến nay dường như tất cả vẫn không làm họ thoả mãn và do đó họ tiếp tục tìm kiếm trong vô vọng “nguồn gốc con người”.  Bởi vì, nếu chỉ biết cậy dựa vào sự khôn ngoan vốn còn nhiều giới hạn của mình, thì chắc chắn họ không bao giờ hiểu được con người từ đâu mà đến cũng như sau này sẽ đi về đâu?

 

Trong biết bao nhiêu câu trả lời về nguồn gốc con người, Kinh Thánh đưa ra một định nghĩa rất đơn sơ nhưng cũng thật sâu sắc: Con người là hình ảnh Thiên Chúa.

 

Bằng ngôn ngữ biểu tượng, Kinh Thánh đã mô tả con người được Thiên Chúa dựng nên từ bụi đất và thổi sinh khí vào cho trở thành một sinh vật, và Thiên Chúa đã phán: "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta" (St 1,26). Như thế, con người là hình ảnh Thiên Chúa, là một bản vị có lý trí, ý chí và khả năng đặc biệt, nên con người là chóp đỉnh của tạo thành. Nơi con người có cả yếu tố vật chất lẫn tinh thần, nghĩa là con người duy nhất xác hồn. Tuy “là tổng hợp những yếu tố thuộc thế giới vật chất" (MV 14), nhưng đồng thời lại được linh động hoá bởi tinh thần là hồn thiêng, nên con người không thể nhầm lẫn khi nhận biết về mình (x. MV 14).

 

"Thiên Chúa dựng nên con người có nam và có nữ" (St 1,27), nghĩa là có sự khác biệt về giới tính với những nét độc đáo riêng, nhưng đồng thời lại bình đẳng về phẩm giá, vì cả hai đều là hình ảnh Thiên Chúa.

 

Phẩm giá cao quý này càng được bộc lộ rõ nét và trọn vẹn nơi Đức Giêsu. Đấng đã làm người ở giữa chúng ta, tự đồng hoá mình với những người nghèo khổ, hèn mọn nhất. Ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa đã nhắc nhở ta về điều này. Cũng như chính giáo huấn, cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Người bày tỏ tất cả ý nghĩa của bản thân và cuộc sống con người.

 

Mặt khác, là tiền hô của Đấng Cứu Thế, Thánh Gioan có rất nhiều uy tín, nên được nhiều người tìm đến nghe ông rao giảng và xin chịu phép rửa, nhưng không vì thế khiến ông có ảo tưởng về mình hay có tham vọng mờ tối. Thánh Gioan đã sống đúng vai trò của mình là người dọn đường cho Đấng đến sau ông. Sống ơn gọi làm người là sống đúng phẩm giá con người, đồng thời thi hành đúng chức năng và  công việc mình đảm nhận.

 

Nếu phép rửa của Gioan là phép rửa giục lòng người ta ăn năn sám hối, thì phép rửa của Đức Giêsu mới thực sự làm biến đổi con người trở thành thụ tạo mới: con Thiên Chúa (x. Lc 3,15-16). Vì là Con Thiên Chúa, nên con người mang phẩm giá đặc biệt, vượt trên vạn vật. Nhờ vậy, con người có khả năng nhận biết, yêu mến và đáp trả tiếng gọi của Thiên Chúa.

 

Người Kitô hữu được mời gọi trở nên ánh sáng thế gian (x. Mt 5,14), ánh sáng thì phải chiếu toả, soi lối cho đời sống chính mình và tha nhân. Để những ai đang khao khát tìm kiếm sự thật, biết chạy đến cùng Giêsu, nhờ Lời Chúa hướng dẫn họ sống đúng ơn gọi làm người và phẩm giá của mình.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết trân trọng những con người cụ thể con gặp trong cuộc sống dù họ là ai, trẻ thơ hay già cả, giàu có hay nghèo hèn, mạnh khoẻ hay ốm đau, bạn hay thù... vì tất cả đều là hình ảnh của Người.

 

Phanxicô Xaviê

 
Nguồn : gxnl 

home Mục lục Lưu trữ