Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 30

Tổng truy cập: 1374269

SỨ ĐIỆP NIỀM TIN

SỨ ĐIỆP NIỀM TIN-  Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Điểm đầu tiên cần ghi nhận đó là chúng ta đang đối diện với một mầu nhiệm. Một mầu nhiệm làm ta kinh ngạc và vượt trên chúng ta.

Đây chẳng phải là điều phi lý nhưng là điều vượt lên trên mọi rào cản của lý trí nhân loại và cách thức hiểu biết thực tại của chúng ta. Đây là điều cần phải được giữ bằng lòng mến và lòng tin hơn là bằng trí hiểu. Đây là điều mà càng khát khao thì ta càng thấu rõ tuy chắc chắn vẫn còn những điều vượt quá tầm tay của ta. Sau cùng, đây là điều mà ở đây ngay trong đời sống nhân loại không thể chạm tới được, thật tuyệt hảo và đầy ấn tựơng.

Khi chúng ta nói về mầu nhiệm, bất cứ mầu nhiệm nào nhưng nhất là mầu nhiệm Đức Giêsu sống lại, mầu nhiệm đó có liên quan đến ta cách riêng biệt và ta không thể giả vờ không biết điều ấy, mầu nhiệm này liên kết chặt chẽ với đời sống và hạnh phúc của ta. Một mầu nhiệm từ đó con người không thể “trốn thoát” mà không làm phương hại chính mình.

Cần thêm rằng thật tốt và ích lợi cho ai “chạm” đến hoặc được mầu nhiệm ấy chạm đến. Có người nghĩ rằng vì là mầu nhiệm nên điều đó làm nhục ta, làm ta mất danh giá, đánh mất tự chủ và sự cao cả, đánh gục ta ngay từ nền tảng lý trí và dẫn ta vào đường lối mù quáng của sự cả tin. Chẳng có gì sai lạc cả! Đối diện với mầu nhiệm nghĩa là với điều gì vượt trên việc ta kinh nghiệm về sự vật và con người, là dấu chỉ của cội nguồn cho thấy rằng con người không hoàn toàn là trần tục, và được mời gọi đến một thế giới cao hơn cái cát bụi trần đời này.

Sau cùng, mầu nhiệm nhắc nhớ, làm sống lại nơi con người nơi mà từ đó nó phát xuất ra, sứ mạng của nó ở trần gian, điểm đến và mục đích cuộc đời của nó. Đó chẳng phải là sự cao cả của con người khi sánh với thế giới thụ tạo đó sao?

Hôm nay chúng ta cử hành mầu nhiệm Đức Kitô sống lại, sự sống chiến thắng sự chết, bảo đảm cho sự sống vĩnh cửu của ta, được ẩn giấu nơi Thiên Chúa. Mầu nhiệm này không được truyền lại cho ta nhờ các nhà tư tưởng vĩ đại nhất lịch sử hoặc nhờ những nhà thần bí trong các tôn giáo. Ta cũng chẳng thể biết gì nhờ các pháp sư các phù thủy đủ loại qua các thời đại.

Mầu nhiệm này được mạc khải cho ta nhờ chứng cứ của “những người đã thấy và đã tin”. Không do kết quả nổ lực của con người, nhưng là bằng chứng của một kinh nghiệm lạ lùng đậm dấu ấn mãi mãi trong cuộc đời của con người. Là bằng chứng, ta chỉ có thể tin hoặc không tin chứ không thể chứng minh được. Nhưng một bằng chứng trở nên đáng tin nhờ dòng máu của các vị tử đạo, và hợp lý dù ta có chấp nhận hay không. Đó là lý do sự sống lại của Đức Giêsu Kitô là một mầu nhiệm của niềm tin nhưng hoàn toàn hợp lý và khả tín và hết sức quan yếu cho cuộc sống con người trong trần thế.

Gợi ý Mục Vụ

Trong việc dạy giáo lý và trong việc mục vụ suốt mùa Phục sinh, cần lưu tâm trao cho giới trẻ và những người trưởng thành một giải thích tốt rõ ràng về ý niệm và ý nghĩa của mầu nhiệm. Làm thế, một đàng ta tránh chủ thuyết tin mù quáng. Đàng khác ta muốn tránh không để mầu nhiệm được quan niệm như là điều gì phi lý, chỉ dành cho người tiền sử hoặc trẻ con hoặc cho người yếu tâm lý, và là điều không tương hợp cho con người tri thức trưởng thành ngày nay.

Xét lại ý niệm về mầu nhiệm đối với các tín hữu, bằng những từ ngữ rõ ràng chính xác, là điều quan trọng giúp người ta đến gần những mầu nhiệm lớn trong đời sống kitô bằng niềm tin và bằng lý trí. Tôi tin rằng hai chiều kích cần được nhấn mạnh.

Một, mầu nhiệm là điều hợp lý, tuy nó vượt xa biên giới của lý trí. Lý trí nói: Xa tầm tay của tôi, nhưng không nghịch lại những nguyên tắc chính yếu cho việc suy tư, và cũng có yếu tố cảm nhận được hoàn toàn hợp lý.

Hai, mầu nhiệm cần thiết cho đời sống con người. Dù họ không thể hiểu thấu hết mầu nhiệm, mầu nhiệm vẫn có liên hệ mật thiết với họ, thay đổi hướng sống, dù người ta chẳng quan tâm đến mầu nhiệm.

Thay vào đó, nếu họ để cho cuộc đời họ chạm đến mầu nhiệm, đó là điểm quy chiếu, một sức sống sẽ thâm nhập và tràn trào trong cả cuộc sống, biểu lộ trong mọi công việc. Trong cuộc sống đời thường của kitô hữu, của giáo dân, mầu nhhiệm Đức Giêsu Kitô phục sinh có còn quan trọng không? Vậy làm sao nó trở nên quan trọng đối với mọi người được?

CHÚA NHẬT PHỤC SINH- A

CHÚA KITÔ PHỤC SINH– Lm. Giuse Phạm Ngọc Kôn

Chúa nhật Phục sinh, Giáo hội mời gọi con cái mình khám phá ngôi mộ trống để rồi cùng nhau tuyên xưng niềm tin CHÚA KITÔ PHỤC SINH và ra đi loan báo niềm tin đó cho muôn dân.

Tin mừng hôm nay ghi lại việc Maria Macđala bất ngờ phát hiện tảng đá dùng để lấp ngôi mộ Chúa đã được ai đó lăn ra. Bà vô cùng lo lắng, vội vã chạy về báo cho các môn đệ của Người. Nhìn thấy hiện tượng tảng đá không còn nguyên như cũ, bà nghĩ rằng đã có ai đó đem xác Chúa của bà đi. Bà tìm gặp Phêrô và Gioan và mong muốn các ông sớm tìm ra thủ phạm lấy xác Thầy mà giờ đây bà không biết họ Người để đâu. Maria Macđala chưa hiểu đàng sau tảng đá được lăn ra kia ẩn chứa một mầu nhiệm siêu phàm. Vì thế, bà cùng với hai môn đệ vội vã chạy đi kiếm tìm…

Chạy đến mộ trước bởi sức trai trẻ, người môn đệ Chúa yêu ngoài việc thấy những gì Maria Macđala nói, ông còn phát hiện thêm những hiện tượng bất thường. Ông thấy những băng vải còn đó. Nghĩa là không bị ai đó mang đi, và như thế, chưa hẳn xác thầy đã bị đánh cắp như bà Maria nói. Sau đó không lâu, Phêrô còn phát hiện ra rằng tất cả các băng vải, khăn che đầu được xếp lại, để riêng ra từng nơi cách gọn gàng. Những hiện tượng này là những lý chứng để có thể trả lời cho những nghi ngờ của Maria trước đó là vô căn cứ. Bởi một điều dễ hiểu là nếu có âm mưu trộm xác, kẻ trộm sẽ lợi dụng thời khắc lính canh thiếp ngủ- rất ngắn ngủi, thì không thể nào thoải mái sắp xếp các băng vải liệm cách gọn gàng như thế được. Những phát hiện như thế tuy không phải là những bằng chứng về sự Phục sinh của Chúa, nhưng nó lại là những dấu chỉ chứa đựng sự nhiệm mầu.

Người môn đệ Chúa yêu cuối cùng cũng đi vào bên trong ngôi mộ, ông đã nhìn thấy tất cả những gì Maria và Phêrô đã thấy. Chúng ta thấy ở đây là, cùng một hiện tượng, nhưng cách suy nghĩ, cánh nhìn nhận vấn đề của Gioan khác xa với Phêrô và Maria.

Maria Macđala nghĩ rằng có kẻ ăn cắp xác Chúa. Bà nghi ngờ tất cả. Bà nghĩ đó có thể là những kẻ thù nghịch với Chúa trong vụ án vừa qua, nay vứt xác đi cho bỏ ghét; mà cũng có thể là người làm vườn lắm chứ?…

Còn Phêrô, ông nhìn thấy tất cả nhưng không bình luận. Phêrô cẩn trọng và dè dặt trước hiện tượng có tính chất nhậy cảm. Một mặt chúng ta có thể hiểu rằng ở cương vị lãnh đạo, Phêrô cần phải có thái độ cẩn trọng trong mọi hoạt động; nhưng mặt khác, dựa vào kinh thánh, chúng ta biết lý do Phêrô không bình phẩm là vì ông chưa hiểu “theo Kinh thánh, Đức Giêsu phải chỗi dậy từ cõi chết”. Con người của Phêrô là thế. Chưa biết thì im lặng chờ đợi. Không vội vã suy diễn, cũng không hấp tấp quy kết, nhận xét này nọ.

Gioan đi vào mộ. Ông thấy và ông tin. Thông qua ngôi mộ trống và những vị trí gọn gàng của các băng vải liệm, Gioan đã đọc ra dấu chỉ về những thực tại siêu nhiên bằng con mắt đức tin. Đức tin và sự cảm nghiệm này một phần xuất phát từ trong cách quan sát và phân tích vấn đề một cách logic và biện chứng của Gioan. Cùng một lúc, Gioan đã thâu gom những hiện tượng hữu hình, ông lượng định vấn đề để rồi đưa đến kết luận- dù không nói ra, một cách khoa học. Niềm tin của Gioan không hời hợt, ướt át, mị dân. Niềm tin đó dựa trên sự soi sáng của lý trí và tình yêu. Thế nên, với ông, xác của Thầy chả có ai lấy đi cả. Cái chết đã thất bại. Nó đã bị ánh sáng Phục sinh tướt đoạt. Niềm tin ban sơ này của ông sẽ dần dần được chính Đấng Phục sinh và Chúa Thánh Thần củng cố và hoàn thiện.

Mừng lễ Chúa Phục sinh, phải chăng là dịp nhắc nhớ chúng ta đào sâu thêm niềm tin của chúng ta vào Đấng Phục sinh. Hơn bao giờ hết, lời của Thánh Phaolô: “Nếu Đức Kytô đã không phục sinh, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng và cả niềm tin của anh em cũng trống rỗng” (1 Cr 15, 14) vẫn còn nguyên giá trị. Xin cho mỗi người chúng ta không ngừng ra đi, loan báo tin mừng Phục sinh cho thế giới này. Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết, và tuyên xưng việc Chúa Sống lại cho tới khi Chúa lại đến.

CHÚA NHẬT PHỤC SINH-A

CHÚA GIÊSU KHAI SINH KỶ NGUYÊN MỚI- Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Thế là cuối cùng, sau bao ngày chịu bắt bớ, xét xử, vu cáo, chịu đòn vọt rách nát thịt da; chịu vác thánh giá nặng nề lảo đảo tiến lên đồi sọ và phải ngã xuống nhiều lần; rồi lại phải chịu đóng đinh thân mình rất đỗi đau thương vào thập giá… Chúa Giê-su đã gục đầu tắt thở và được mai táng trong mồ.

Cuối cùng, tảng đá lấp cửa mồ đã đóng lại; đóng lại lịch sử một đời người với bao việc diệu kỳ; chôn vùi một Nhân Vật tưởng là sẽ đem lại niềm hy vọng cho Ít-ra-en.

Thế là hết! Còn đâu nữa ngày nắng đẹp khi Ngài ngồi trên núi giảng bài tám phúc giữa đám đông quần chúng! Còn đâu nữa buổi chiều vàng trong hoang địa khi Ngài hoá bánh ra nhiều nuôi trên năm ngàn người ăn! Còn đâu nữa bóng dáng Đấng quyền năng dùng lời đầy uy lực truyền cho sóng yên biển lặng! Còn đâu nữa Con Người kỳ diệu đã làm cho kẻ chết đội mồ sống lại, người phong hủi được chữa lành, người câm được nói, người điếc được nghe! Còn đâu nữa Vị Ngôn Sứ đầy quyền năng trong lời nói và hành động phán bảo những lời vàng đem lại phấn khởi cho biết bao tâm hồn!…

Đức Giê-su đã chết thật rồi, chẳng còn hy vọng gì nữa. Những môn đệ thân tín sau khi hoàn tất việc an táng Thầy thân yêu, giờ đây ra về trong u sầu tuyệt vọng. Mọi sự như chìm vào tang tóc đau thương.

Thế rồi điều kỳ diệu bất ngờ xảy ra: qua ngày thứ ba, từ lúc tờ mờ sáng, Maria Ma-đa-lê-na đi viếng mộ ngay từ sáng sớm cho vơi bớt đau thương. Tới nơi, Chị hoảng hồn vì mồ đá mở toang. Nhìn vào bên trong không còn thấy thi hài của Thầy đâu nữa, Chị hoảng hốt chạy về báo tin cho các môn đệ. Các vị nầy ra tận nơi xem xét ngôi mộ trống và rồi sau đó lại ngỡ ngàng gặp gỡ Chúa phục sinh.

Niềm vui tràn ngập cõi lòng. Bấy giờ các ngài mới biết là Chúa Giê-su đã sống lại. Ngôi mộ đá tưởng là nơi chôn vùi, nơi xoá sổ cuộc đời Thầy dấu ái, là điểm tận cùng của Chúa Giê-su nay đã trở thành khởi điểm cho một đời sống mới, thành tảng đá đầu tiên xây dựng Vương Quốc trường sinh.

Hôm nay, từ ngôi mộ trống và qua những lần hiện ra với các môn đệ sau khi phục sinh, Chúa Giê-su tỏ cho thấy Ngài là sự sống lại và là sự sống như đã từng khẳng định với chị em Mác-ta và Maria: “Ta là sự sống lại và là sự sống! Ai tin Ta thì dù có chết cũng sẽ được sống. Và bất cứ ai sống mà tin Ta sẽ không chết bao giờ.” (Gioan 11,25)

Từ thời nguyên tổ phạm tội đến nay, tội lỗi thống trị và huỷ diệt sự sống con người. Con người vừa được sinh ra là đã mang án chết, như hoa còn đang nụ mà đã chớm lụi tàn; như nhộng chưa thành bướm mà đã phải tiêu vong… Mầm mống chết chóc hiện diện ngay giữa lòng cuộc sống và một sớm một chiều sẽ huỷ diệt sự sống. Lưỡi hái tử thần như đang kề cổ mọi người và cướp đi sinh mạng của mọi người chẳng trừ ai.

Thế rồi qua sự phục sinh vinh hiển, Chúa Giê-su đã mở ra một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên của sự sống vĩnh hằng. Ngài đã thắng sự chết. Thần Chết phải buông khí giới quy hàng. Loài người không còn phải bị tiêu diệt bởi lưỡi hái tử thần nhưng đã được cứu sống bởi quyền lực của Chúa Giê-su phục sinh. Sự sống đã được khai thông. Cái chết đã bị đẩy lùi. Ngôi mộ không còn là điểm tận cùng của kiếp người nhưng là khởi điểm cho một đời sống mới. Cái chết không còn là dấu chấm hết của cuộc đời nhưng là khúc dạo đầu cho bản giao hưởng trường sinh. Sự phục sinh của Chúa Giê-su đã xoá đi đêm dài tăm tối của kiếp sống đau thương để làm bừng lên bình minh của cuộc đời vĩnh cửu.

Xin mọi người hãy cùng cất cao lời ca tụng Đấng phục sinh và hãy đến cùng Chúa phục sinh để đón nhận cuộc sống hồng phúc Ngài ban tặng.

home Mục lục Lưu trữ