Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 50

Tổng truy cập: 1372917

SỰ VÂNG PHỤC

Sự vâng phục

Hành trình chuẩn bị chờ đón Chúa đến sắp kết thúc với CN 4 MV. Thời gian chuẩn bị không còn nhiều nữa. Ân huệ Thiên Chúa vẫn ban dư đầy. Còn chúng ta chuẩn bị đón rước Chúa như thế nào? Phụng vụ Lời Chúa hôm nay gợi mở cho chúng ta cách chuẩn bị đón rước Chúa.

Khi Vua Đavit đang yên ổn trong cửa ấm nhà êm. Ông nhớ đến Thiên Chúa. Ông muốn thể hiện lòng biết ơn của mình bằng việc xây một ngôi đền cho Thiên Chúa ngự. Ông tâm sự với tiên tri Nathan ước muốn của mình. Và ông nhận được sự tán thành của vị tiên tri. Nhưng đó không phải là điều Thiên Chúa muốn. Qua đó, Thiên Chúa nhắc Đavit về thân phận của ông, đồng thời muốn Đavit ý thức đời sống mình cần phải cậy dựa vào ai! Thiên Chúa hứa sẽ giữ gìn Đavit và dòng dõi ông cũng như vương quyền của Vua nếu Vua biết sống trong đường lối và sự tuân phục Thiên Chúa.

Và Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa ấy qua dòng thời gian mặc dầu không phải lúc nào con cháu Đavit cũng trung thành với Thiên Chúa. Chính Đấng Cứu Thế cũng được sinh ra trong chính dòng tộc Vua Đavit. Đấng Cứu Thế ấy đã xuống thế làm người, đã gặp gỡ con người nhờ sự vâng phục của một người phụ nữ.

Thời đức mẹ, ai ai cũng mong đợi Đấng Cứu Thế. Và mỗi người có một cách thế riêng của mình. Mẹ Maria cũng có chương trình riêng của Mẹ để cầu mong Đấng Cứu Thế. Nhưng khi Thiên Chúa ngỏ lời với Mẹ - muốn chọn Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế - Mẹ đã sẵn sàng thưa hai tiếng xin vâng với một tâm hồn khiêm nhường: này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền.

Hai tiếng "xin vâng" Mẹ đã dễ dàng thưa, nhưng để sống với tiếng xin vâng ấy, trước mặt Mẹ là một tương lại mù tối. Luật lệ xã hội thời ấy rất khắt khe, làm sao Mẹ có thể giải thích được với mọi người. Gia đình hai bên, hàng xóm và ngay cả người bạn đính hôn sẽ nghĩ gì về mình đây? Mình có đủ sức bảo vệ mạng sống của mình hay không? Còn bào thai kia là Đấng Cứu Thế nữa thì sao?

Bao nhiêu câu hỏi được đặt ra trong đầu Mẹ nhưng tình yêu Thiên Chúa đã chiến thắng tất cả. Mẹ chấp nhận mọi nguy hiểm và mọi điều xấu nhất có thể xảy đến cho mình vì Mẹ yêu Chúa. Và chính tình yêu ấy Mẹ luôn được Chúa gìn giữ.

Với một tâm hồn khiêm nhường đơn sơ, Mẹ Maria hoàn toàn phó thác trọn vẹn vận mạng của mình trong tay Thiên Chúa. Với tiếng thưa xin vâng hoàn toàn trong thái độ khiêm tốn, tin tưởng và tự do, Mẹ đã đáp lại ơn Thiên Chúa kêu mời. Và Thiên Chúa đã làm đảo lộn lại tất cả những gì con người "toan tính" và mong đợi.

Đấng Cứu Thế giờ đây là một bào thai nhỏ bé nơi cung lòng của một người phụ nữ bình thường. Đấng Cứu Độ nhân loại lại được sinh ra trong cảnh nghèo hèn, đơn sơ. Mầu nhiệm cao cả đã được giấu kín từ ngàn xưa nay được biểu lộ nơi con người đơn sơ khiêm tốn. Theo Thánh Phaolo trong thư gửi tín hữu Roma thì: mầu nhiệm ấy đã được loan báo cho muôn dân, để họ tin mà vâng phục Thiên Chúa. Nhưng muôn dân chỉ có thể tin và vâng phục khi để tâm hồn mình khiêm nhường hoàn toàn thẳm sâu như tâm hồn Mẹ Maria.

Chờ đón Chúa nhưng Mẹ Maria đã hoàn toàn để tâm hồn mình thẳm sâu hầu ân huệ Thiên Chúa tuôn đổ xuống tràn đầy trên Mẹ. Và Thiên Chúa đã lo liệu cho Mẹ tất cả dù tương lai mịt mù đang chờ đón Mẹ. Cuộc sống của chúng ta cũng không tránh khỏi những khúc quanh mịt mù đen tối. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng hãy học nơi gương Đức Mẹ hôm nay mà biết phó thác trọn vẹn cho Chúa. Càng phó thác ta càng nhận ra thánh ý Thiên Chúa. Đồng thời hãy biết vâng theo thánh ý Người như Vua Đavit xưa. Để chính sự vâng phục của chúng ta chương trình của Thiên Chúa được thực hiện trong cuộc sống hôm nay.

 

53. Đấng lạ lùng – Lm Thu Băng

Hôm nay Chúa Nhật thứ 4 Mùa Vọng, chỉ còn vài ngày nữa là đến Lễ Chúa Giáng Sinh. Giáo Hội muốn chúng ta dọn lòng bằng cách tìm hiểu Đấng sẽ sinh ra là ai? Là vị thế nào? Phải chăng Ngài cũng là người phàm như chúng ta? Hay Ngài là Đấng Lạ Lùng khác thường xuất hiện?

Ngày xưa thên người ta công nhận có 5 kỳ quan thế giới được gọi là công trình đáng kể, đó là: Vạn Lý Trường Thành của Trung Hoa. Kim Tự Tháp của Ai Cập. Điện Pathenon của Hy Lạp. Vườn Thượng Uyển trên không và Tường Thành Babilon.

Ngày nay đứng trước những công trình kiến trúc tối tân, đồ sộ của các tòa nhà cao chọc trời, của máy điện tử Computer tinh vi, của Phi Thuyền vượt không gian... ta không thấy ngạc nhiên về những kỳ quan ấy nữa, vì ta đã thấy tận mắt, hiểu tường tận về cách cấu tạo và kết quả tất nhiên do trí óc tìm tòi, tính toán, xếp đặt khéo léo các nguyên tắc đã có sẵn mà Chúa đã thiết lập và xếp đặt từ ngày tạo dựng vũ trụ. Vua Salomon viết:Không có gì là kỳ lạ ở dưới thế gian này (Gv 1,9).

Nhưng lại có một sự lạ lùng hết sức, mà mắt phàm trần và trí óc con người không thể hiểu thấu mà bài Sách Thánh hôm nay nói tới, đó là: Việc Thiên Chúa làm người. Ngài sinh hạn như công lệ người đời, nhưng chất chứa một sự lạ lùng loài người không thể hiểu tỏ. Bài Phúc Âm kể: Thiên Sứ Gabriel được Thiên Chúa sai đến thành Nazareth, đến với một trinh nữ tên là Maria, đã đính hôn với một người tên là Giuse, để loan một tin mừng cả thể mà cha ông chúng ta đã 4000 năm trông đợi. Trinh Nữ sẽ thụ thai bởi quyền phép Chúa Thánh Thần, sẽ sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu, nghĩa là Đấng Cứu Chuộc muôn dân. Ngài được gọi là Đấng Thánh Tối Cao và là Con Thiên Chúa.

Tiên Tri Isaia, trước Chúa Giáng Sinh 700 năm đã nói tiên tri rằng: Sẽ có một con trẻ sinh ra giữa chúng ta. Ngài là Đấng Thánh hết sức lạ lùng. (Is 9,5). Việc Thiên Chúa giáng trần là việc đặc biệt của Thiên Chúa thực hiện, mà trí óc loài thụ tạo chúng ta không sao hiểu thấu.

Nhà đạo sĩ trứ danh C.H.Spurgeon, thế kỷ 18 khi suy về việc Chúa Giáng Sinh, ông thốt lên:Tôi tin và tôi tin thật mọi sự lạ lùng Thiên Chúa làm vượt xa tầm trí hiểu biết của ta và chỉ khi nào về trời ta mới hiểu đủ. Thực lạ lùng thay: Đấng vô hình mà thành Con Trẻ, Đấng Hằng Có đời đời mà chịu sinh ra bởi người đà bà. Đấng Toàn Năng mà cầm bú sữa. Đấng nâng đỡ vũ trụ mà làm Con ông Giuse. Đấng nên mọi sự mà giam mình trong nhà chầu. Vua Trời Đất mà thành người trên vũ trụ. Việc Ngài sinh ra đã lạ lùng trước mắt chúng ta, rồi cả cuộc sống tại thế của Ngài cũng nào hết tiếp diễn bao sự lạ lùng khác nữa:

- Khi còn là con trẻ trên nôi đã khiến một ông vua hoảng sợ mất ngôi, mà ra lệnh tru diệt hết các con trẻ đồng lứa tuổi, hầu có thể giết được Ngài.

- Còn là con nít nằm trong máng cỏ, mà các vị vua khác đến bái thờ làm minh chủ.

- Là em nhỏ 12 tuổi, mà làm các vị thông thái phải ngạc nhiên về sự khôn ngoan của Ngài.

- Suốt đời Ngài chỉ viết có một lần trên cát rồi xóa đi, mà ngày nay các sách viết về Ngài lên như núi.

- Ngài không là Ca sĩ, Nhạc sỹ, Thi sỹ, nhưng lại nên nguồn cảm hứng chi thi sỹ, Nhạc sỹ, để rồi nơi trần thế la liệt các bản Thánh Ca, Thi Ca ca tụng Ngài.

- Ngài chỉ xuất ngoại bất đắc dĩ có một lần sang Ai Cập, thế mà ngày nay chẳng nơi nào trên thế giới không biết đến tên Ngài. Ai cũng nói với Ngài bằng chính ngôn ngữ của mình.

- Ngài không xuất thân từ trường sỹ quan, nhưng lại nên nguyên soái chinh phục các linh hồn bằng tình thương.

- Ngài là lang y thật tài, không chữa bệnh bằng dược thảo, nhưng bằng lời.

- Ngài giầu có hết sức, nhưng lại hóa nên nghèo đến nỗi cái khố cũng không đủ che khi tất tưởi phơi mình trên thánh giá. Mồ chôn thì đi mượn của người ta. Thiết đãi bạn bè bằng mấy con cá đi mượn của em bé bán rong.

- Loài người vố Vô nhân thập toàn, còn Ngài thanh sạch đến quan tòa Philatô cũng phải công nhận Người vô tội (Jn 19:6).

Mai mốt đây chúng ta long trọng mừng đón ngày Giáng Sinh của một vị Thiên Chúa Làm Người, toàn vẹn, toàn tài, toàn năng, toàn bích, phép tắc vô cùng... Ngài xứng đáng được tôn làm vua cõi lòng, vua tâm hồn, làm Chúa yêu thương, làm minh chủ dẫn đàng, làm bạn đường yêu ủi lúc vui buồn trong cuộc sống...

Ngài không muốn chúng ta chỉ ngắm nhìn Ngài như ngăm nhìn một em bé nõn nà xinh xắn trong máng cỏ với chuỗi điện mầu... Nhưng Ngài muốn chúng ta đón Ngài bằng cả tâm hồn thanh sạch, tâm hồn ấm áp tình mến, tâm hồn bình an, tâm hồn tràn niềm vui, tâm hồn đầy ơn nghĩa.... Nghĩa là một tâm hồn trong sạch, không tội lỗi, không hận thù. Một tâm hồn vị tha đầy tình huynh đệ, để khi Ngài đến, Ngài lấy cái kỳ diệu của Ngài mà đồng hóa, mà biến đổi cuộc sống chúng ta, làm chúng ta nên hiện thân, nên nghĩa tử muôn đời của Ngài.

Ước mong những ngày còn lại, chúng ta hãy dọn lòng một cách xứng đáng để đón rước Ngài, tiếp nhận Chúa, suy tông Chúa là Chúa bình an của cõi lòng, cho lời Thiên Sứ ca vang nên ý nghĩa cho lòng chúng ta:

Sáng danh Thiên Chúa trên trời,

Bình an dưới thế cho người thiện tâm.

 

54. Cộng tác với Thiên Chúa

Hôm nay chúng ta bước vào Chúa Nhật IV muà vọng, thời điểm gần hơn của Lễ Chúa Giáng Sinh. Thời điểm này Giáo Hội trình bày cho chúng ta một gương mặt quan trọng của biến cố Chúa Giáng Sinh. Đó chính là Đức Maria, một người nữ đón nhận Thánh Ý Thiên Chúa, để qua Người, Con Thiên Chúa được Nhập Thể và Nhập Thế.

Đức Maria là một thiếu nữ bề ngoài bình thường như mọi người thiếu nữ khác nhưng là người đặc biệt hơn mọi thiếu nữ khác vì được "đầy ân sủng" và được "Thiên Chúa ở cùng" (Lc 1, 28). Hơn nữa, Đức Maria là người được chọn làm Mẹ Đấng Messia (Lc 1, 30 -33). Mặc dù được những ưu tiên như thế nhưng Mẹ Maria không tỏ ra kiêu căng, ngược lại, Đức Maria đã làm theo sáng kiến của Thiên Chúa trong tâm tình khiêm tốn, Vâng Phục Ngài cách tuyệt đối.

Con người là một tạo vật được Thiên Chúa yêu thương, và vì yêu thương mà Ngài đã dựng nên. Ngài ước ao sẻ chia tình yêu thương nên đã tạo dựng con ngưởi, một lòai thụ tạo trên mọi loài thụ tạo. Nhưng khác với mọi thụ tạo khác, con người có lý trí, ý chí và con người còn có tự do, nó có thể ước muốn, đón nhận hay chối từ món quà của Thiên Chúa, có thể nói tiếng "xin vâng" hay "không xin vâng" với lời mời gọi của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa luôn muốn cho con người hạnh phúc và Ngài tôn trọng tự do của con ngươi. Vì được tự do và muốn làm theo ý mình nên người nữ đầu tiên tức là Bà Evà đã phạm tội, Bà đã đưa nhân lọai vào sự chết do bất tuân phục thánh ý Thiên Chúa. Ngược lại, Đức Maria được coi là Bà Evà mới, dùng sự tự do của mình để hoàn toàn vâng phục và cộng tác với sáng kiến của Thiên Chúa, để Ngài thực hiện chương trình cứu độ trong cuộc đời mình.

Đọc lại bài Tin Mừng Lc 1, 26 - 38 này, ta được chứng kiến giây phút lịch sử của tình thương, giây phút tràn trề niềm hy vọng, giây phút mang lại sự sống mới, sự sống cứu độ đến cho con người.

Sống trong xã hội Do Thái lúc bấy giờ, như những người khác, Đức Maria đang trông chờ Đấng Cứu Thế. Mẹ nhìn thấy sự lầm than khốn khổ của con người, nỗi trông chờ Đấng mang ân sủng đến cho con người của nhân loại của Đức Maria. Đức Maria cũng có những dự tính riêng tư, có cách sống cho riêng mình để hiến dâng cho Thiên Chúa những gì cần thiết. Mẹ đã sẳn sàng hiến dâng cuộc đời mình cho Thiên Chúa. Vì thế, khi được sứ thần đề nghị Mẹ cộng tác vào chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa thì Mẹ chấp nhận ngay, Mẹ đã nhận lời với tâm tình của một người tôi tớ, đón nhận tất cả trong sự vâng phục.

Tiếng "Xin Vâng" của Đức Maria âm thầm lăng lẽ trong ngôi nhà nhỏ bé. Việc Chúa khởi đầu bao giờ cũng nhỏ bé, nơi những con người nhỏ bé. Tiếng "Xin Vâng" với lòng yêu mến và sự khiêm hạ của Đức Maria đã trổ sinh sự sống mới cho con người. Từ tiếng "Xin vâng" của Đức Maria mà Thiên Chúa làm nên một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên cứu độ con người. Mẹ đã góp phần vào ơn cứu độ thế giới, qua việc hiến dâng bản thân mình, sẳn sàng phục vụ cho ý muốn của Thiên Chúa.

Càng nhìn về Đức Maria, càng cho ta thấy mẫu gươngvề sự cộng tác với Thiên Chúa. Cuộc sống có những điều xảy đến ngoài ý muốn của mình. Xin Chúa cho ta biết can đảm chấp nhận. Ngoài ra chúng ta biết cho đi những định kiến, nóng vội, những trái ý trong cuộc sống.... khi có những người không làm cho mình vui. Đó là lúc chúng ta đi theo bước chân của Mẹ.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã vui lòng cộng tác với Thánh Ý Thiên Chúa, Mẹ là Đấng đồng công Cứu chuộc, là máng chuyển thông ơn cho nhân loại. Xin Mẹ dạy chúng con biết sống đạo cho nên, biết thờ phượng Chúa cho phải Đạo, và sẳn sàng yêu thương, giúp đỡ cho tha nhân,.. để nhằm làm sáng danh Chúa. Amen.

 

55. Xin Mẹ dạy con hai tiếng ‘Xin Vâng’

Thiên Chúa dựng nên trời đất muôn vật, mọi loài hữu hình và vô hình. Mọi sự đều tốt đẹp và tồn tại trong tốt đẹp, chỉ với một điều kiện là: các thiên thần và loài người luôn biết thờ phượng, kính mến và vâng lời Thiên Chúa.

Ma quỷ và tổ tông loài người đã không vâng lời Thiên Chúa, không thờ phượng kính mến Chúa, nên đã gây ra một sự phản nghịch với Thiên Chúa, một sự hỗn độn giữa các loài, mất trật tự trong chính loài mình, và ngay cả trong chính bản thân mình.

Thiên Chúa hứa ban Đấng Cứu Thế, để giao hoà mọi loài với nhau và giao hoà đất với trời, giao hoà con người với Thiên Chúa, Ngài chuộc lại sự bình an hạnh phúc ban đầu cho mọi loài.

Như vậy, để cứu chuộc nhân loại, Đấng Cứu Thế phải vâng phục thánh ý Thiên Chúa cách triệt để. Cũng một thể ấy, người mẹ sinh ra Đấng Cứu Thế cũng phải vâng lời Thiên Chúa cách trọn vẹn. Ngay cả người cha theo luật của Đấng Cứu Thế cũng phải vâng lời Thiên Chúa cách tuyệt đối. Chúng ta có thể thấy rõ, Chúa Giêsu vâng phục thánh ý Thiên Chúa khi Người cầu nguyện: "Lạy Cha, nếu có thể được...". Đức Maria thưa với thiên thần: "Nầy tôi là nữ tỳ của Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền". Thánh Giuse âm thầm chỗi dậy thi hành hết những gì Chúa muốn.

Để chuẩn bị đón nhận Chúa Cứu Thế, thánh Giuse và Đức Maria đều tuyệt đối vâng lời Thiên Chúa. Trong những ngày chuẩn bị mừng Chúa Giáng Sinh, trong ngày Chúa nhật thứ tư mùa Vọng hôm nay, mỗi người chúng ta phải tuyệt đối vâng lời Thiên Chúa. Nếu như chúng ta có vấp phải sự bất tuân luật Chúa, chúng ta phải thật lòng sám hối, và nhất quyết không phạm tội. Hơn nữa, chúng ta còn phải trang trí cho tâm lòng chúng ta những bông hoa đẹp là các việc lành, những dầu thơm của các nhân đức, những ánh sáng màu sắc của đức tin, và những nghĩa cử của lòng bác ái.v.v...

Trên tất cả mọi sự, thì đức vâng lời là làm đẹp lòng Thiên Chúa, là hơn mọi lễ vật. Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ dạy con biết thưa xin vâng, và biết thi hành thánh ý Chúa trên hết mọi sự. Xin cho chúng con xứng đáng đón mừng Chúa Hài Nhi giáng sinh ngự đến cứu chuộc chúng con. Amen.

 

56. Suy niệm của Mark Link

QUYỀN NĂNG CỦA THIÊN CHÚA SẼ BAO TRÙM TRÊN BẠN.

Chủ đề: “Sự hiện diện của Thiên Chúa giữa chúng ta dưới hình thức mới nhất- nơi con người Đức Giêsu - làm cho tất cả mọi sự đều trở nên có thể thực hiện được”.

Thánh Inhaxiô Loyola chào đời tại Tây Ban Nha một năm trước khi Kha Luân Bố tìm ra Mỹ Châu. Ngài chưa đực 16 tuổi thì cha mẹ Ngài đã mất hết. Vì thế, cho tới khi trưởng thành, Inhaxiô vẫn sống vô kỷ luật và ngông cuồng bướng bỉnh. Một ngày kia, Inhxiô cải thiện đời sống và từ bỏ tội lỗi mình. Ngài thành tâm thống hối sâu xa và trở lại với Chúa. Ngài viết nhật ký kể lại những kinh nghiệm của mình. Về sau Ngài xuất bản cuốn nhật ký đó như một cẩm nang chỉ dẫn cho người khác con đường tìm gặp Đức Giêsu của họ. Nhật ký đó gọi là tập “Linh Thao”.

Một trong những bài “linh thao” ấy dạy về cách suy gẫm bài Tin Mừng hôm nay. Cách đó gồm ba bước:

Bước đầu tiên là tưởng tượng xem thế giới thời trước Đức Giêsu ra sao. Chẳng hạn như dân chúng thì khô khan hờ hững đối với Thiên Chúa. Sự xấu tràn lan như một ung thư khổng lồ. Thế giới rơi vào một tình thế vô vọng.

Bước thứ hai là tưởng tượng Thiên sứ Gabriel từ trời xuống báo tin cho Maria rằng nàng được Thiên Chúa chọn làm mẹ Đức Giêsu. Chúng ta hãy tưởng tượng rằng chính chúng ta cùng với Thiên sứ từ trời bay xuống. Chúng ta nhìn xuống trái đất xa thật xa. Nó chỉ là một chấm sáng bé tí trong vũ trụ đầy sao. Khi chúng ta bay tới gần hơn, chúng ta thấy một đốm trên mặt địa cầu gọi là Đất Thánh. Khi tới gần hơn nữa, chúng ta thấy làng Nazarét. Cuối cùng, chúng ta gặp Maria trong căn nhà. Nàng đang im lặng qùi gối cầu nguyện.

Bước thứ ba là lắng nghe cuộc đối thoại giữa Thiên Sứ và Maria. Chúng ta đặc biệt chú ý tới hai câu: câu thứ nhất là lời của Thiên sứ nói với Đức Maria: “Quyền năng của Đấng tối cao sẽ bao trùm lên cô: vì thế Đấng Thánh con của cô sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc.1, 35). Tiếng quan trọng ở trong câu đó là “bao trùm lên” hay “bao phủ lên”. Lều tạm nơi dân Do Thái để hòm Giao Ước. Câu xh.40,34 nói rằng bao lâu đám mây còn bao phủ lều tạm thì “lều tạm có Thiên Chúa hiện diện”.

Việc Luca chọn và dùng từ “bao trùm lên” vốn ít được dùng tới trong Kinh Thánh ấy không phải là ngẫu nhiên. Nó có ý nghĩa thâm sâu. Luca so sánh thân thế Đức Maria với lều tạm nơi đặt hòm giao ước của Thiên Chúa. Ông so sánh cung lòng Đức Maria nơi Đức Giêsu sẽ tới cư ngụ với hòm giao ước nơi đặt hai phiến đá có ghi 10 điều răn của Thiên Chúa. Như vậy nghĩa là khi quyền năng của Thiên Chúa bao trùm lên Đức Maria, thì có “Thiên Chúa hiện diện” trong Ngài. Nhưng sự hiện diện của Thiên Chúa trong Đức Maria thì vô cùng phong phú hơn sự hiện diện của ngài trong “lều tạm”. Sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Đức Maria chính là sự hiện của Đức Giêsu bằng xương bằng thịt.

Chúng ta nên nhớ rằng Thiên Chúa có thể hiện diện nơi chúng ta bằng nhiều cách khác nhau, y như người ta có thể hiện diện với nhau bằng nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn một đứa con đang trọ học ở trường vẫn có thể hiện diện đối vối mẹ nó qua bức ảnh chụp của nó trên bàn của bà, hay một cách thân mật hơn qua lá thư nó viết mà bà cầm trong tay. Khi đứa con về nhà, nó sẽ hiện diện một cách thân mật và hiện thực nhất có thể đối với mẹ nó, một sự hiện diện bằng xương bằng thịt.

Cũng tương tự như vậy, Thiên Chúa hiện diện với chúng ta bằng nhiều cách khác nhau. Trước hết Ngài hiện hiện với chúng ta qua vạn vật mà Ngài sáng tạo. Nơi vạn vật Thiên Chúa có đặt một cái gì đó thuộc về bản thân Ngài cũng giống như nhạc sĩ đặt một cái gì đó thuộc về bản thân ông trong dòng nhạc của bài ca ông sáng tác. Kế đó, Thiên Chúa hiện diện đối với chúng ta qua lời của Thánh Kinh. Tư tưởng của Thiên Chúa hiện diện với chúng ta trong Thánh Kinh, y hệt như tư tưởng của người nhạc sĩ hiện diện với chúng ta trong bài ca của ông. Sau cùng, Thiên Chúa hiện diện với chúng ta trong Đức Giêsu. Thiên Chúa đã trở nên hiện diện với chúng ta bằng xương bằng thịt, y như nhạc sĩ có thể hiện diện có thể hiện diện đối với chúng ta bằng xương bằng thịt của ông. Điều này khiến chúng ta trở về với câu đầu tiên mà chúng ta phải đặc biệt lưu ý trong bài Tin Mừng hôm nay. Đó là lời của Thiên sứ nói với Đức Maria rằng quyền năng của Thiên Chúa sẽ bao trùm nên nàng. Khi quyền năng Thiên Chúa bao trùm lên Maria, thì Thiên Chúa trở thành hiện diện đối với chúng ta bằng cách thức thân thiện nhất có thể tưởng tượng được. Ngài đã trở thành hiện diện đối với chúng ta qua sự hiện diện bằng xương bằng thịt của Đức Giêsu.

Điều này dẫn chúng ta trở về với câu thứ hai mà chúng ta phải lưu tâm tới trong bài Tin Mừng hôm nay. Câu này được nói tiếp theo câu trước nói về quyền năng của Thiên Chúa bao trùm lên Maria. Trong câu này, Thiên sứ nói: “xin báo cho cô biết rằng bà Isave, chị họ của cô, đã thụ thai một cậu con trai trong tuổi gìa. Ai cũng nghĩ bà sẽ không con, thế mà bây giờ bà đã có thai được sáu tháng, vì không có gì là không thể làm được đối với Thiên Chúa”. Trong câu này, mệnh đề quan trọng là “đối với Thiên Chúa thì không có gì không thể làm được”. Tin Mừng hôm nay làm nổi bật môt cách tuyệt diệu biết bao ý tưởng “không có gì là không thể làm được đối với Thiên Chúa”.

Trước khi quyền năng của Thiên Chúa bao trùm lên Maria, thì thế giới đang sống trong tình trạng vô vọng. Tội lỗi và bạo lực lan tràn khắp nơi. Trước khi quyền năng Thiên Chúa bao trùm lên Maria, không có ai hy vọng nàng sẽ sinh con cả, vì nàng là một trinh nữ. Trước khi quyền năng Thiên Chúa bao trùm lên Isave, bà không còn có thể hy vọng sinh con được nữa, vì bà đã gìa không còn khả năng sinh sản. Và cuối cùng, trước khi quyền năng Thiên Chúa bao trùm lên Maria, nhân loại không có hy vọng được cứu rỗi, vì nhân loại đang sống trong vòng nô lệ Satan.

Quyền năng Thiên Chúa bao trùm lên Maria đã thay đổi tất cả.

Điều đó ý nghĩa gì đối với chính chúng ta hôm nay? Điều đó có ý nghĩa là:

Thế giới chúng ta có thể đang hỗn độn. Gia đình chúng ta có thể đang xáo trộn. Cuộc sống chúng ta có thể đang hỗn loạn. Nhưng vẫn còn có hy vọng, vì quyền năng của Thiên Chúa đã nhập vào thế giới này qua con người Đức Giêsu.

Đó là những gì chúng ta đang chuẩn bị cử hành đón mừng trong những ngày cuối cùng trước Giáng Sinh. Đó là những gì đem lại cho chúng ta niềm vui ngoài sức tưởng tượng, niềm hy vọng không dám ước mơ.

Để kết thúc, chúng ta hãy cầu nguyện. Chúng ta hãy cầu nguyện bằng những lời mà Đức Maria đã dùng để cầu nguyện khi Ngài đến thăm chị họ Isave của Ngài. Xin anh chị em cùng cầu nguyện với tôi trong thinh lặng:

“Linh hồn tôi tán dương Thiên Chúa. Lòng trí tôi mừng rỡ trong Thiên Chúa cứu chuộc tôi… Ngài đã giữ lời hứa với Tổ phụ chúng ta … Ngài đã nhớ tỏ lòng từ bi với Abraham. Và với tất cả dòng dõi của ông tới muôn đời” (Lc.1, 46 -47. 54 -55)

 

57. Tâm tình… - Lm. Anrê Đỗ Xuân Quế

TÂM TÌNH TRONG NHỮNG NGÀY CHUẨN BỊ MỪNG CHÚA GIÁNG SINH

1. VUI MỪNG

Tâm tình của người Kitô hữu trong những ngày chuẩn bị lễ Giáng sinh phải là tâm tình mừng vui, như thánh Phaolô khuyên nhủ trong thư gửi tín hữu Phi-líp: “Thưa anh em, anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi, Chúa đã sắp đến rồi. Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn mà giải bầy trước mặt Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa là bình an không ai hiểu thấu sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hiệp với Đức Giêsu Kitô.” (Pl 4,1-7)

Ai chẳng muốn vui như thế. Nhưng xem ra khó, vì niềm vui bình thường phát xuất từ con người và sự vật bên ngoài, như vui vì được gặp lại người thân, được người ta hiểu biết thông cảm, được thành công may mắn, không phải lo ăn lo mặc, có công việc làm bảo đảm chắc chắn, có một địa vị nào đó trong xã hội v.v... Thành ra niềm vui phải dựa vào ngoại cảnh. Ngoại cảnh có thuận lợi thì lòng người mới dễ vui. Nếu vui chỉ hiểu theo nghĩa này thôi thì phạm vi khá nhỏ hẹp và cũng chẳng mấy khi chúng ta hoàn toàn được vui, vì có bao giờ chúng ta hội đủ được những điều kiện bên ngoài để vui đâu; mà dù cho có đi nữa thì niềm vui cũng không kéo dài được. Bởi vậy người ta mới phải mua vui, tìm vui. Nhưng rồi những niềm vui này cũng lại mau qua khiến người ta phải tìm những niềm vui khác. Và cứ thế, cái vui này tiếp nối cái vui kia cho đến khi chẳng cái vui nào thỏa mãn hoàn toàn được lòng người.

Nhưng tâm tình mừng vui của người tín hữu trong những ngày này vượt ra ngoài phạm vi của những niềm vui thông thường. Đó là niềm vui trong Chúa. Niềm vui trong Chúa phải chăng là quá lý tưởng không thực tế? Nghe nói thì cũng biết vậy thôi, chứ lý thú gì cho bằng những niềm vui thông thường ở đời! Quả thật, thoạt mới nghe vui trong Chúa có vẻ lý thuyết lắm, nhưng nghĩ kỹ mới thấy thấm thía và chỉ có niềm vui này mới thỏa mãn được khát vọng sâu xa của lòng người.

Vui trong Chúa là thế nào?

Vui trong Chúa là đặt niềm vui nơi Chúa, lấy Chúa làm niềm vui cho mình hay được Chúa đổ đầy Thánh Thần của Người trong chúng ta. Vui trong Chúa, bởi vì chính Chúa là nguồn hoan lạc của ta. Niềm vui này căn cứ trên ơn được Chúa ở cùng. Chúa ở trong linh hồn ta, khi ta sạch tội. Người ban cho ta được bình an trong tâm hồn, được thanh thoát nhẹ nhàng, được nếm tất cả sự ngọt ngào khi kết hợp với Người, qua những lần tiếp xúc với Người trong kinh nguyện ở nhà thờ hay ở những nơi thanh vắng yên lặng, lúc chúng ta cầu nguyện riêng một mình. Chúng ta còn vui khi được Chúa ban cho sức mạnh để đẩy lui các cơn cám dỗ, hoặc chịu đựng và thắng vượt các nghịch cảnh.

Hiệu quả của niềm vui này là chúng ta ăn ở hiền hòa, rộng rãi, tin tưởng phó thác mọi nỗi lo âu của chúng ta trong tay Chúa và thành thật giải bày với Người những điều chúng ta ước ao thỉnh nguyện.

Làm thế nào để có được niềm vui này?

Đây là niềm vui Chúa ban vào thời Đấng Mê-si-a ngự đến, nghĩa là thời Cứu thế, đặc biệt hằng năm vào dịp chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh, Người ban cho ai nấy được chan chứa niềm vui, vì được Người đến viếng thăm và ban ơn cứu độ.

Điều kiện để được hưởng niềm vui này, trước hết là chúng ta phải có một tâm hồn đơn sơ nghèo khó, nghĩa là tùy thuộc và trông đợi ở Chúa. Sự nghèo khó ở đây hiểu về một trạng thái tinh thần hơn là một cảnh nghèo thực sự, vì ai cũng có thể tạo cho mình một tâm hồn đơn sơ nghèo khó qui hướng và tùy thuộc vào Chúa như những người con tùy thuộc cha mẹ.

Ngoài ra là khiêm nhường. Người nghèo bên trong cũng như bên ngoài thì dễ khiêm nhường, không tự phụ vì biết mình chẳng có gì đáng tự phụ. Mà Chúa lại đặc biệt ưa thích và ban ơn cho hạng người nghèo vì họ được Thiên Chúa ưu tiên viếng thăm (xem Lc 2,24), chúc lành (Lc 6,20; Mt 5,3).

Cuối cùng là cầu nguyện. Nhưng không phải là cầu nguyện để xin những ơn vật chất mà thôi, nhưng cầu nguyện để kết hợp với Chúa, để tìm ra ý của Người và nhất là để khám phá ra tất cả ý nghĩa của cuộc đời người Kitô hữu.

2. LẮNG NGHE TỈNH THỨC

Tỉnh thức và lắng nghe là hai thái độ cần thiết của những người sống trong tình trạng chờ đợi và canh chừng. Hiện nay, trong những ngày gần kề chuẩn bị lễ Giáng sinh, chúng ta là những người đang đợi chờ và canh chừng Chúa đến.

Lý do khiến chúng ta phải tỉnh thức, canh chừng, ngoài ý nghĩa tôn giáo sâu xa, là một lý do thuộc phạm vi giao tế do phép lịch sự xui khiến.

Quả vậy, theo phép lịch sự thông thường, khi đã hẹn đón ai thì lúc người ấy đến, ta phải tỏ ra sẳn sàng đón tiếp người ấy. Ta càng quý người mình đón tiếp bao nhiêu thì lại càng tỏ ra mình bằng lòng mất thời giờ vì người ấy, và nếu có bị xáo trộn một chút trong nếp sống hàng ngày thì cũng lấy làm vui.

Đối với Chúa Cứu thế cũng vậy. Sắp đến ngày trọng đại kỷ niệm lễ Giáng sinh của Người rồi; lẽ đương nhiên là chúng ta phải tỉnh thức chờ Người đến. Chúng ta đã biết ngày và giờ Người đến, nhưng ngày và giờ ấy mới chỉ có tính cách kỷ niệm, và nếu chỉ mừng ngày Chúa Giáng sinh như mừng một ngày kỷ niệm thì mọi sự cũng sẽ mau qua lắm. Cho nên hàng năm, chúng ta mừng lễ Giáng sinh như một kỷ niệm đã đành, vì đó là một ngày rất đáng kỷ niệm, một biến cố phân chia lịch sử loài người ra làm hai giai đoạn, mà hơn nữa còn phải mừng ngày ấy như một dịp nhắc nhở và hướng lòng chúng ta về thời viễn lai như chúng ta vẫn thường xưng tụng mỗi ngày trong Thánh lễ: “Lạy Chúa Kitô phục sinh, mỗi lần ăn bánh và uống chén này chúng con loan truyền Chúa đã chịu chết và đợi chờ ngày Chúa quang lâm”.

Bây giờ chúng ta chuẩn bị mừng ngày Giáng sinh nhưng chính ra là đợi chờ ngày Chúa quang lâm, nghĩa là ngày Chúa đến lần thứ hai, khi lịch sử loài người kết thúc. Lần thứ nhất, Chúa đến trong hang đá máng cỏ, trong cuộc đời hàng ngày của chúng ta và lần thứ hai Người đến với đầy vẻ oai phong rực rỡ để phán xét người sống cũng như kẻ chết, rồi đưa chúng ta vào vương quốc của Người.

Ban đầu Giáo hội không mừng lễ Giáng sinh mà chỉ mừng lễ Phục sinh. Mãi đến năm 353, ĐGH Li-bê-ri-ô mới ấn định ngày 25 tháng 12 làm ngày mừng Chúa giáng sinh, để thay cho ngày đông chí của người Rô-ma mừng Thần Mặt trời cũng vào những ngày đó. Còn hình thức mừng lễ Giáng sinh như ngày nay với cây thông đèn sao hang đá, máng cỏ mới có từ thế kỷ XIII (1223) vào thời thánh Phan-xi-cô khó khăn, hai năm trước khi thánh nhân qua đời. Sau đó, thánh Clara mới đem phổ biến trong Dòng Anh em hèn mọn, rồi cuối cùng lan rộng khắp thế giới.

Phải tỉnh thức thế nào?

Phải tỉnh thức như những người hoạt động chứ không phải như những kẻ ngồi chờ mà không làm gì cả. Trước hết là tỉnh thức để chỉnh đốn lại linh hồn. Thứ hai là tỉnh thức để nghĩ và hướng về ngày Chúa đến rực rỡ trong vinh quang, bằng những việc làm biểu lộ đức tin của mình. Thứ ba là tỉnh thức để tránh rơi vào cạm bẫy của những hành vi đam mê, dục vọng bất chính.

Có như thế thì việc chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh hằng năm mới có ý nghĩa sâu xa và nhắm tới ngày Chúa lại đến là ngày quyết định cho cuộc đời Kitô hữu chúng ta.

3. LẮNG NGHE

Trong những ngày này, Thiên Chúa muốn nói với chúng ta và quả thực Người đã nói nhiều qua những bài sách Thánh chúng ta đã nghe từ đầu Mùa Vọng cho đến bây giờ và đặc biệt từ đầu tuần cho đến nay. Những lời đó là những lời loan báo Chúa Cứu thế đã gần đến và chúng ta phải sửa soạn ra nghênh đón Người.

Thiên Chúa đã nói.

Người đã nói bằng nhiều kiểu nhiều cách với các bậc tổ tiên chúng ta như Áp-ra-ham, Gia-cóp, I-xa-ác và các ngôn sứ như Ê-li, Ê-li-sêu, I-sa-i-a và đến thời cuối cùng này qua chính con Một của Người là Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu Kitô là chính lời của Thiên Chúa. Thiên Chúa nói một cách đặc biệt qua chính Con Người, và cuộc đời của Đức Giêsu Kitô mà chúng ta đang chuẩn bị mừng kỷ niệm Giáng sinh.

Ngày nay Thiên Chúa vẫn còn nói:

Trong sách Thánh chúng ta đọc hay nghe hằng ngày, hoặc qua các biến cố xảy đến cho quê hương xứ sở, cho cá nhân, gia đình cũng như cho xã hội. Có thể coi đó là những thời điểm Thiên Chúa muốn dùng để nói với ta một cái gì. Bổn phận của chúng ta là phải tỉnh mắt, thính tai để nhìn thấy sự việc Thiên Chúa muốn chỉ bảo và lắng nghe điều Người muốn nói.

Thiên Chúa nói đặc biệt trong những Mùa Phụng vụ và những dịp lễ lớn.

Trong những Mùa và Lễ này có nhiều cái bên ngoài dễ đánh động chúng ta hơn, như những bài sách Thánh đặc biệt nói riêng về mầu nhiệm chúng ta sắp cử hành, những ngày tĩnh tâm dọn mừng lễ và chính những sự chuẩn bị ở bên ngoài để mừng lễ nữa. Tất cả những thứ đó đều có thể được coi như những cơ hội Thiên Chúa dùng để nói với chúng ta.

Vậy, thái độ chúng ta phải như thế nào?

Trước hết, phải như ngôn sứ Sa-mu-en, nghĩa là xin Chúa nói, vì chúng ta đang sẵn sàng đón nghe. Nghe rồi nhưng không bỏ ngoài tai, mà trái lại cố gắng noi gương Đức Mẹ giữ kỹ và suy đi nghĩ lại, để làm mẫu mực sống cho mình.

Ngoài ra là phải để cho lòng mình lắng xuống trong sự im lặng suy nghĩ, tạm bỏ qua một bên những bận tâm lo lắng của đời sống hàng ngày, vào những thời khắc thuận tiện mình dành cho Chúa, mỗi khi đọc kinh cầu nguyện hay đi lễ đi nhà thờ. Những thời khắc yên lặng đó dù chóng vánh cũng rất cần thiết, để cho Lời Chúa thấm vào lòng ta. Sau khi giảng, hay rước lễ, nếu có ngưng một vài phút cũng là vì vậy.

Bởi thế, lắng nghe là thái độ cần thiết và hợp lý để ý nghĩa của Mầu nhiệm Giáng sinh tràn ngập tâm hồn ta, hầu đem lại cho ta niềm vui và bình an thật sự như lời thần sứ loan báo: “Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.

 

58. Khiêm nhường

Cách đây ít lâu, có một tờ báo có thuật lại chuyện về ông bầu của một đội bóng. Ông là một người rất nổi tiếng. Trong giới thể thao ai cũng biết đến tên của ông. Hôm đó ông cùng với vợ đi nghỉ xả hơi nơi một thành phố nhỏ. Buổi sáng trời mưa buồn, ông đưa vợ đi xem chiếu bóng tại một rạp hát trong thành phố. Lúc ấy, trong rạp hát đã có sáu người đến trước ông. Ông vừa bước chân vào thì tất cả đều đứng lên vỗ tay reo hò chào mừng. Ông vẫy tay chào và mỉm cười cùng họ cách khoái chí. Ngồi xuống, ông nói với bà vợ: "Mình ở xa cách đây cả ngàn cây số, mà ai cũng biết đến mình và kính trọng mình, đến nỗi vừa thấy mình bước chân vào rạp hát là họ đứng dậy chào và vỗ tay hoan hô. Chắc là họ đã ngưỡng mộ mình và đã biết mình qua màn ảnh Tivi.

Sau đó, có một người tiến đến bắt tay chào ông. Mặt mày hớn hở, ông nói: "Làm sao ông bạn có thể nhận diện được tôi?" Người kia trả lời: "Tôi đâu có biết ông là ai. Nhưng khi chúng tôi thấy ông và vợ ông bước vào rạp hát, chúng tôi đứng lên vỗ tay reo mừng, vì vài phút trước khi ông tới, người quản lý rạp hát nói với chúng tôi rằng sáng nay sẽ không chiếu phim, nếu không có thêm hai khán giả nữa". Bấy giờ, ông ấy mới tỉnh ngộ. Ông nói: "Tôi lấy làm xấu hổ vô cùng. Thì ra họ vừa đứng lên vỗ tay reo mừng, không phải reo mừng tôi, nhưng là reo mừng chính họ, vì họ đã có đủ điều kiện để được xem chiếu bóng". Thật là chua chát!

Thánh Augustinô xưa kia cũng đã dạy: "Kiêu ngạo sẽ biến đổi các thiên thần thành quỷ dữ. Còn khiêm nhường sẽ làm cho con người trở nên thiên thần". Ngài còn nhấn mạnh đến sự quan trọng của nhân đức khiêm nhường như sau: "Nếu bạn hỏi tôi nhân đức nào là nhân đức quan trọng nhất, tôi sẽ nói là nhân đức khiêm nhường. Nếu bạn hỏi tiếp nhân đức nào là nhân đức thứ nhì, tôi sẽ nói là khiêm nhường. Nếu bạn hỏi nữa nhân đức nào là nhân đức thứ ba, tôi cũng sẽ trả lời là khiêm nhường".

Mẹ Maria đã sống khiêm nhường để luôn chu toàn thánh ý Chúa. Thực vậy, chúng ta hãy nhớ lại: Thuở xưa tại vườn địa đàng, bà Eva vì kiêu ngạo muốn trở nên bằng Thiên Chúa, cho nên đã giơ tay hái trái cấm mà ăn, để rồi truyền lại cho chúng ta là con cháu những hậu quả đau đớn của tội nguyên tổ. Trong khi đó Mẹ Maria, đã đi ngược lại con đường xưa, bởi vì Mẹ luôn sống khiêm nhường và vâng phục thánh ý Chúa, trong cảnh truyền tin, chúng ta đã thấy sau khi nhận ra thánh ý Chúa, Mẹ đã cúi đầu thưa lên: - Này tôi là tôi tá Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần Chúa truyền.

Một sự xin vâng tức khắc và vô điều kiện. Giá như chúng ta thì có lẽ chúng ta sẽ trì hoãn, sẽ viện cớ này cớ kia để mà thoái thác: nào là không dám đâu, nào là chưa sẵn sàng, nào là để suy nghĩ, nào là để xem lại, hỏi lại, hoặc là để cầu nguyện thêm cái đã...

Chính vì thái độ khiêm nhường và vâng phục này, mà Mẹ đã xứng đáng được đặt làm Mẹ Đấng cứu thế, Mẹ Chúa Giêsu giáng sinh.

Chúng ta thấy đó, đối với Đức Mẹ lúc ấy, một tương lai mịt mờ đang chờ đón, nhưng Đức Mẹ vẫn dám nói "xin vâng" trong tin yêu. Đời chúng ta không thể kém Đức Mẹ đâu, sống ở trần gian này, cuộc đời chúng ta cũng gặp nhiều khúc quanh, gánh nặng, nhiều lúc mịt mù lắm mây giăng. Nói rõ hơn, tất cả chúng ta đã, đang hoặc sẽ gặp đau khổ, có người đã trải qua đau khổ, có người đang quằn quại trong đau khổ, có người đang bị đau khổ rình rập, không ai dám quả quyết mình không có đau khổ, giàu hay nghèo, đi tu hay sống đời gia đình, đều có những đau khổ riêng của mình. Vì thế, đau khổ nhiều hay ít chưa phải là quan trọng, điều quan trọng là thái độ và tinh thần của chúng ta thế nào trước đau khổ. Dù trong hoàn cảnh nào chúng ta hãy nhớ lại trường hợp của Đức Mẹ mà an tâm phó thác trọn vẹn cho Thiên Chúa, hãy hết lòng tin tưởng và cầu xin Chúa, vì đối với Thiên Chúa, không có gì mà Chúa không làm được.

Tóm lại, mỗi khi gặp đau khổ, chúng ta hãy ca lên bài ca "xin vâng" để xin Mẹ trợ giúp: "Mẹ ơi, đường đi trăm ngàn nguy khó, hiểm nguy dâng tràn đây đó. Xin Mẹ day con hai tiếng xin vâng: hôm nay, tương lai và suốt đời". Để con cũng được giống như Mẹ, vui đón nhận tình yêu Giáng sinh trong an bình và hạnh phúc. Amen.

home Mục lục Lưu trữ