Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 24
Tổng truy cập: 1376022
SỬA LỖI ANH EM HÀNH VI TẾ NHỊ
Sửa lỗi anh em: hành vi tế nhị! - Anmai
"Nhân vô thập toàn": một câu nói như gói ghém phận người. Là người, có ai dám tự cho mình, tự nhận mình là hoàn hảo.
Lỗi: sống trên cái cõi trần này ai là người không mắc lỗi!
Nhớ lại thời đệ tử. Một lần đi chợ với cha giáo. Người bán mới nói giá này, bỗng nhiên vài phút sau chị ta tăng giá. Thấy khó chịu nên tôi nói là sao hồi nảy chị nói giá khác sao giờ chị nói khác!? Lát sau về đến nhà dòng, cha phụ trách mới kéo tôi ra riêng và dặn dò cách cư xử của tôi như thế không được. Chị ta nói thế kệ chị ta, mình không nên nói thế vì nói như thế sẽ làm bẽ mặt người ta!
Ngẫm nghĩ thấy cha giáo quá tế nhị để sửa cho tôi những điều nho nhỏ trong cuộc sống mà không để cho ai biết. Sau này cũng thế, sống với ngài một thời gian khá dài của thời đệ tử và tôi đều được ngài
Kéo riêng ra để mà chỉnh sửa mỗi khi cần chứ chưa bao giờ ngài nói đi nói lại cho người khác hay là chỉnh tôi trước mặt người khác.
Trải qua thời gian Đệ Tử tử rồi đến Tập Viện rồi đến Học Viện. Thời Học Viện thì khác, có lỗi gì thì tôi thấy cha giáo không sửa trực tiếp cho mình mà thường ngài sửa theo kiểu trung gian. Nghĩa là mỗi lần phạm lỗi gì, Ngài không gọi tôi vào nhưng ngài mang tôi ra bàn cơm "mổ". Khi Ngài đem ra bàn cơm "mổ" rồi thì hình như cả Học Viện đều biết vì thời đại này công nghệ thông tin quá ư là hiện đại.
Trên đây là 2 cách sửa lỗi của 2 cha giáo. Với tôi thì cách sửa lỗi của cha giáo thời Đệ Tử vẫn là cách sửa lỗi tế nhị nhất, nhẹ nhàng nhất và cũng đỡ làm tổn thương tôi hơn cách của cha giáo thời Học Viện.
Lỗi thì dĩ nhiên lúc nào cũng có nhưng cách sửa lỗi rất khác nhau. Với cái nhìn và cái suy nghĩ hết sức bình thường của mình, tôi thiển nghĩ rằng ai cũng muốn được hành xử với nhau, được người khác sửa lỗi như Cha giáo thời đệ tử của tôi chứ chẳng ai muốn cách hành xử như Cha giáo thời Học Viện. Vì lẽ là con người, ai cũng có danh dự, cũng có lòng tự trọng cả và vì thế, chuyện sửa lỗi là một vấn đề không phải là nhỏ trong cuộc sống nhưng là vấn đề lớn mà chúng ta thường gặp trong đời thường.
Trang tin mừng theo Thánh Matthêu mà chúng ta vừa nghe thuật lại cho chúng ta cách sửa lỗi hết sức tế nhị của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhạy cảm và phải nói là hết sức nhạy cảm trước những người phạm lỗi. Chúng ta có thể nói rằng Chúa Giêsu là một nhà giáo dục tài ba, khéo léo, thu phục lòng người. Ngài chinh phục con người bằng cái tâm, bằng tấm lòng chứ không phải bằng luật lệ, bằng lý trí. Chúa Giêsu là thầy dạy nhân bản vì lẽ cách cư xử của Ngài với những con người tội lỗi, yếu đuối hết sức là nhân bản.
Ngày hôm nay, giữa cái xã hội phát triển hết sức chóng mặt, thành tựu khoa học đạt mức này tầm kia nhưng bên dưới đó toát lên một lối sống nhân bản, lối sống chỉ biết mình mình. Không biết nói có quá hay không nhưng hình như ngày hôm nay người ta sống thiếu nhân bản, sống thiếu tình con người với nhau.
Trở lại với sách ngôn sứ Edêkien mà chúng ta vừa nghe, chúng ta thấy Đức Chúa - Thiên Chúa của Israel - về sự quảng đại, về lòng bao dung, về lòng tha thứ của Đức Chúa: "Phần ngươi, hỡi con người, Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Israel. Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết ... nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại ...". Chúng ta thấy đó, từ Cựu Ước đến Tân Ước Thiên Chúa tỏ cho con người, cho chúng ta biết Ngài là Đấng giàu lòng thương xót, đầy lòng mến với con người, cách riêng là những con người tội lỗi. Thiên Chúa sẵn sàng chờ đợi sự cải hoá của con người. Dù con người có lầm lỗi đến đâu đi chăng nữa nhưng Thiên Chúa vẫn chờ và vẫn đợi.
Nhìn lại cuộc sống của mỗi người chúng ta qua trang Tin mừng theo Thánh Matthêu và sách Êdêkien xong chúng ta cảm thấy quá xấu hổ. Xấu hổ vì lẽ lúc nào chúng ta cũng hăm hăm bêu xấu người khác hơn là hơn là sửa lỗi chân tình. Điều nghịch lý vẫn diễn ra trong chính con người chúng ta. Vẫn oang oang và thật to tiếng để đọc mỗi ngày: "Và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha cho kẻ có nợ chúng con". Mình muốn Chúa tha cho con người tội lỗi của mình còn anh chị em mình xúc phạm đến mình mình lại không chịu.
Thử đặt mình trước mặt Chúa chúng ta thấy buồn cười cái con người của mình. Mình thì phạm biết bao nhiêu tội mà toàn là những tội tầy đình. Tội mình phạm mình rất khéo bưng bít nhưng nào bưng bít trước mặt Chúa. Thế nhưng chúng ta thấy đó, Chúa vẫn lặng yên và chờ đợi sự hoán cải của chúng ta còn chúng ta thì sao trước con người yếu đuối. Cái bệnh, cái tật xấu của người Việt Nam đó là buôn dưa lê. Hễ ngồi đâu là bươi móc và nói xấu anh chị em đồng loại mình. Hễ cứ tụm năm tụm ba lại là đem anh chị em mình lên bàn mổ. Rất buồn cười, trong tập thể, trong cộng đoàn, trong sở làm hay trong các hội đoàn, các ca đoàn khi người ta tụ tập với nhau một nhóm người thì bỗng chốc những câu chuyện qua lại trao đổi của họ khó có thể tránh được cái chuyện là đem một người trong cộng đoàn, trong nhóm, trong hội đoàn lên bàn mổ. Khi ấy thì mạnh ai nấy nói và nói một cách hết sức vô tư không hề để ý đến danh dự của người mà mình đang đem lên bàn mổ. Tại sao mình không tìm dịp, tìm cách để mà sửa lỗi những người mình muốn sửa mà phải làm như thế. Thử đặt trường hợp ta là người bị đem lên bàn mổ thì ta sẽ nghĩ thế nào? Ta thấy khó chịu, bực mình mà tại sao ta lại đối xử với người khác như vậy? Ta sống sao thiếu bác ái, sống bất công vậy?
Lý do tại sao ai cũng biết, đó chính là do lòng bác ái nơi con người ngày càng hẹp lại. Con người người ngày hôm nay đã đi vào lối sống mackeno, lối sống chủ nghĩa cá nhân để rồi chỉ biết mình chứ ngoài ra không biết ai khác nữa. Vì không biết ai khác ngoài ta nên ta mới hành xử với anh chị em đồng loại như thế.
Nhiều lần nhiều lúc trong cuộc sống chúng ta mang luật đời, luật Giáo hội, luật hội dòng, luật tu hội ra để mà hành xử với anh chị em đồng loại. Chúng ta quên đi trên luật hay giữ luật không gì đẹp hơn là chu toàn lề luật như Thánh Phaolô tông đồ gửi cho giáo đoàn Rôma mà chúng ta vừa nghe: "Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật ... Đã yêu thương người thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy" (Rm 13,8.10). Chúng ta cứ chăm chăm vào luật lệ và quên đi tình bác ái, lòng mến nên chúng ta cứ đi làm hại đồng loại bằng cách nói hành nói xấu ném đá anh chị em đồng loại khi anh chị em đồng loại phạm lỗi thay vì phải hết sức tế nhị đi sửa cho họ.
Hôm nay, Chúa Giêsu đã dạy, đã nhắc lại cho chúng ta bài học hết sức là tuyệt vời về sửa lỗi cho nhau. Muốn hành xử như Ngài, không khác gì hơn là chúng ta phải có lòng mến. Lòng mến đấy không tự nhiên mà có nhưng lòng mến đó phát xuất từ đời sống chiêm niệm, đời sống cầu nguyện và lòng biết ơn. Nếu chúng ta chiêm niệm chúng ta sẽ thấy được Chúa yêu ta thế nào và khi nhận ra Chúa yêu thương ta thì ta sẽ sống yêu anh chị em đồng loại như vậy. Khi yêu anh chị em đồng loại thì chúng ta sẽ sửa lỗi, sẽ hành xử với những con người yêu đuối khác lối hành xử của con người ích kỷ, độc ác.
Nguyện xin Thiên Chúa là Vua của tình yêu đến, ở lại và đổ tràn đầy tình yêu của Ngài xuống trên cuộc đời mỗi người chúng ta để chúng ta biết yêu thương anh chị em đồng loại và hành xử bác, ái tế nhị với anh chị em đồng loại hơn. Amen.
30. Lợi được người anh em
(Trích trong ‘Manna’)
Suy Niệm
Trong cộng đoàn Hội Thánh, các Kitô hữu là anh chị em của nhau (Mt 23,8) và là anh chị em với Đức Kitô nhờ biết thi hành ý Cha trên trời (Mt 12, 48-50).
Thế nhưng Hội Thánh vẫn có người lỗi phạm. Đời sống của họ nghịch với đòi hỏi của đức tin.
Chúng ta không thể lạnh lùng khi thấy anh em mình sa ngã, bởi lẽ tất cả chúng ta làm nên một thân thể. Chúng ta mang vết thương của nhau.
Bài Tin Mừng hôm nay gợi cho thấy thái độ ta phải có trước một người lầm lỗi.
Trước hết, phải mạnh dạn góp ý. Chỉ ai yêu thực sự mới dám góp ý thẳng thắn. Nhiều khi chúng ta chỉ dám nói sau lưng. Nhiều khi chúng ta không đủ can đảm góp ý. Vì sợ người khác giận mình, vì sợ mất một số quyền lợi hay vì sợ chính mình bị góp ý. Góp ý xây dựng là một dấu chỉ yêu thương, chứ không phải là đi tìm cọng rơm trong mắt người. Nhưng phải biết cách góp ý. Cần giữ sự kín đáo và tôn trọng nhau.
Nếu người sai lỗi cứ bướng bỉnh, cố chấp, thì nên đem theo vài người nữa, không phải để gây áp lực, nhưng để cho thấy tính khách quan hơn.
Nếu họ vẫn không chịu nghe, thì phải đưa ra cộng đoàn.
Nếu họ cũng không chịu nghe cộng đoàn, thì phải chấp nhận thái độ tự cô lập của họ.
Như thế góp ý có nhiều giai đoạn.
Cần tế nhị, kiên nhẫn, yêu thương, vì Thiên Chúa không muốn một ai phải hư mất, tuy Ngài cũng không muốn có gương xấu xảy ra.
Góp ý là một bổn phận của yêu thương, nhưng bản thân tôi cũng cần được góp ý.
Một cộng đoàn trưởng thành là cộng đoàn có khả năng ngồi lại để góp ý cho nhau, trong giáo xứ, trong gia đình và từng nhóm nhỏ.
Chúng ta đang sống trong tinh thần Sám Hối - Canh Tân.
Chúng ta cần yêu thương để dám góp ý, cần khiêm tốn để được góp ý.
Có khi chúng ta quen sống trong bầu khí chịu đựng nhau, giữ kẽ, dĩ hoà vi quý. Như thế là duy trì một sự trì trệ kéo dài.
Mong sao mau đến ngày các Kitô hữu trên thế giới ngồi lại với nhau để dàn xếp những bất đồng và trở nên hiệp nhất như ý Chúa muốn.
Gợi Ý Chia Sẻ
Góy ý và được góp ý đều là những điều khó làm và khó chịu. Có khi nào bạn thành công về chuyện này chưa? Xin bạn chia sẻ kinh nghiệm nếu có?
Có thể vào năm Hai Ngàn Lẻ?, một Công Đồng Chung sẽ được tổ chức, quy tụ mọi Kitô hữu thuộc Công Giáo, Chính Thống, Tin Lành? Bạn hy vọng gì nơi một Công Đồng như vậy?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa có người bạn thân là La-da-rô.
Chúa cũng coi các môn đệ là bạn hữu.
Tạ ơn Chúa đã cho con những người bạn để nâng đỡ con trên đường đời.
Dù chúng con có nhiều điểm khác biệt, nhưng xin hiệp nhất chúng con trong tình yêu.
Xin cho chúng con biết yêu thương nhau thật tình, chia sẻ cho nhau mọi nỗi buồn vui, nâng nhau dậy khi vấp ngã, phấn khởi trước những thành công, khích lệ trước một cố gắng nhỏ, và nhất là thẳng thắn góp ý cho nhau, để cùng nhau tiến bộ.
Lạy Chúa, xin mở rộng vòng tay con, để có thể đón nhận những người bạn mới.
Xin cho con đừng trở nên nghèo nàn vì chỉ muốn làm bạn với ai giống con.
Xin dạy con biết thế nào là gặp gỡ.
Gặp gỡ không phải chỉ là quảng đại cho đi, mà còn là khiêm nhưởng nhận lãnh.
Gặp gỡ không phải chỉ là tâm sự về mình, mà còn là lắng nghe người khác.
Gặp gỡ không phải chỉ là phân phát sự giàu có của mình, mà còn là nhìn nhận và đón nhận sự phong phú của tha nhân.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con trở nên bạn của Ngài, nhờ đó, chúng con mãi mãi là bạn thân của nhau. Amen.
31. Cộng đoàn Kitô giáo là một chuyện đứng đắn
(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’ - Achille Degeest)
Ba đoạn trong bài Tin Mừng mà Giáo Hội đem ra làm bài học có vẻ khác nhau xa, như thể Chúa đã lần lượt nói về những vấn đề riêng biệt. Cứ sự thực thì những lời nói của Chúa Giêsu đều gặp nhau trong cái thực tại là cộng đoàn Kitô giáo. Trong cộng đoàn thường có những luật lệ sống chung, và hơn nữa, giáo quyền có phép ban hành những luật sống đó và cuối cùng tất cả đều được thực hiện nhân danh Đức Kitô và chính vì thế mà có Chúa Kitô hiện diện trong đó.
1) Những luật sống chung trong Giáo Hội –trong cộng đoàn Kitô giáo đều nhắm đến đối tượng chính là làm cho Đức Ái được mọi người tôn trọng. Chúa chỉ dẫn cho chúng ta cách thức phải giữ trong trường hợp có tranh chấp. Công việc đầu tiên phải làm là tạo sự gặp gỡ, giữa cá nhân và cá nhân trong ước muốn tìm hiểu nhau hơn. Có hai trường hợp có thể xảy ra, dựa trên ý nghĩa của câu nói: “Nếu người anh em của con phạm tội”. Theo nghĩa đầu tiên thì hễ người nào phạm đến Thiên Chúa cách tỏ tường, trong trường hợp này, phải bắt đầu bằng cách giữ kín điều lầm lỗi mà mình biết được, rồi với thái độ thông cảm, tìm cách đưa người anh em ra khỏi chỗ lầm lạc. Theo nghĩa thứ hai, hễ người nào đó có lỗi với chúng ta, tức là làm hại đến chúng ta, lúc đó phải tìm cách giúp người anh em có lỗi hiểu rõ sự thiệt hại đã gây ra cho chúng ta, rồi không làm nữa. Nếu công việc đầu tiên ấy tỏ ra không có kết quả, lúc đó người ta mới chạy tới cộng đoàn để xin sửa trị kẻ lầm lỗi. Và nếu lúc đó kẻ ấy cũng không sửa mình, ta vẫn không có quyền khai trừ, không cầu nguyện và không tha thứ cho kẻ ấy, nhưng ta có cớ để cắt đứt ít nhiều mối tương quan thuộc phạm vi xã hội.
2) Điều mà chúng con ràng buộc ở dưới đất… Ta vừa thấy Chúa ban cho “Giáo Hội”, cho cộng đoàn Kitô giáo, quyền xét xử cách ăn ở của một trong các thành phần của Giáo Hội. Giáo Hội chỉ có thể làm được điều này nhờ những kẻ cứng đầu, những người có trách nhiệm. Người ta có quyền đi từ Giáo Hội, quan niệm dưới khía cạnh quyền bính, đến con người của các vị thủ lãnh. Trong Giáo Hội toàn thể các tín hữu sống Đức tin, nhưng do ý muốn của Chúa Kitô, cũng có những người mang trách nhiệm giáo dục đức tin và giúp kẻ khác thực hành đức tin cách trung thành. Đó là các tông đồ với vị thủ lãnh là Phêrô. Ngày nay ta có các giám mục và vị thủ lãnh là Đức Giáo Hoàng. Ở điểm này, một đoạn khác trong Tin Mừng Matthêu có nói rõ về vai trò nổi bật của Phêrô và qua đó vai trò của Đức Giáo Hoàng (Mt 16, 19). Xin xác định điểm này là Phêrô xưa vốn là Giám mục của giáo phận La mã. Đức Giám mục của La mã đích thân là người kế vị của Phêrô. Người tiếp tục giữ quyền hành và chức vụ của Phêrô. Các vị tông đồ khác lập thành Giám mục đoàn đầu tiên, mặc dầu không được cơ cấu hóa nhưng là có thực. Ngày nay các vị Giám mục là những người kế vị tập thể các tông đồ với các quyền hạn và chức vụ của các ngài. Do ý muốn của Chúa Kitô, Phêrô có quyền trên toàn thể các tông đồ. Cũng thế, Đức Giáo Hoàng ngày nay cũng có quyền trên đoàn thể các Giám mục. Cái quyền ấy nằm trong địa vị nổi bật đối với cá nhân Người và cũng là quyền quyết định trong việc chia sẽ một công việc chính yếu là cai quản Cộng đoàn của Giáo Hội.
3) Cộng đoàn sống trung thành với đức tin và đức ái lôi kéo sự hiện diện của Chúa Kitô. Khi các Kitô hữu, dầu là ít ỏi và nếu chỉ có hai người đi nữa, mà tụ họp với nhau nhân danh Đức Giêsu thì Người ở giữa họ. Điều ấy có nghĩa là, khi chỉ có hai người công giáo với nhau, và nếu họ biết thông cảm trong đức tin và đức ái, họ làm thành một tế bào của giáo hội. Không biết người ta có thấy được tầm quan trọng của điều này trong đời sống gia đình, lúc hội họp anh chị em trong khu phố hay trong những hoạt động chung để mở rộng Nước Chúa? Một nhận xét quan trọng: lẽ dĩ nhiên là một tế bào của Giáo Hội chỉ có giá trị khi giữ được liên lạc và đoàn kết với Giáo Hội phổ quát cách mật thiết.
32. Trách nhiệm về người anh em
(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Trong quyển sách về truyền thống của các vị ẩn tu có thuật lại câu chuyện sau đây:
Ngày kia khi Đức Giám Mục Amolas đến thăm mục vụ một làng nọ, dân chúng đã bày tỏ với Ngài lòng bất mãn tột độ của họ đối với một vị ẩn tu trên núi, vì ông ta đem theo một phụ nữ để chung sống.
Từ dạo ấy, vị ẩn tu không ngớt là đối tượng để dân làng đàm tiếu, chỉ trích và lên án. Thấy Giám Mục Amôlas đến, họ xúm lại vây quanh Ngài và nói: hôm nay Ngài đã đến đây thì Ngài phải chấm dứt ngay lập tức tình trạng sa đọa bê bối gây nhiều gương mù gương xấu của vị ẩn tu trên núi kia.
Sau khi nghe những lời kết án gây gắt của dân làng, Giám Mục Amôlas quyết định leo lên núi. Ngài đi đầu, dân làng lũ lượt nối gót theo sau. Vị ẩn tu thấy đám đông kéo đến túp lều của mình, ông ta hoảng sợ và cấp tốc bảo người phụ nữ chui vào trốn trong một cái thùng gỗ rỗng.
Đức Giám Mục là người đầu tiên đến trước túp lều, và cũng là người đầu tiên bước chân vào. Ngài đưa mắt nhìn chung quanh và hiểu ngay tình tình. Ung dung, Ngài đi thẳng đến chỗ ngồi ngay trên chiếc thùng gỗ để nghỉ chân, nơi người phụ nữ ẩn trốn. Rồi bình thản khoát tay gọi dân làng vào và bảo:
- Vào đây, các người hãy vào mà lục xét túp lều để tìm người phụ nữ. Khi họ không tìm đâu ra bóng dáng người đàn bà, Đức Giám Mục mới nói:
- Bây giờ các ngươi phải quỳ xuống xin lỗi Thiên Chúa vì đã nói xấu vị ẩn tu này vô cớ.
Nhưng sau đó, khi mọi người đã lục tục kéo nhau xuống núi, Đức Giám Mục Amôlas tiến gần vị ẩn tu, nắm chặt hai bàn tay của ông, đưa mắt nhân từ nhưng cương nghị nhìn sâu vào đôi mắt của ông và chậm rãi nói:
- Hỡi người anh em, hãy cẩn thận giữ mình kẻo mất linh hồn đấy!
Anh chị em thân mến, hai thái độ khác nhau giữa dân làng và Giám Mục Amôlas đối với một người lầm lỗi, có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn giáo huấn của Chúa Giêsu về việc sửa chữa lỗi lầm của anh em. Ngược lại với phản ứng của dân làng, Đức Giám Mục Amôlas đã cố gắng áp dụng lời khuyên của Chúa Giêsu: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi”. Trong một tình trạng khó xử, Ngài đã tìm cách đem vấn đề đã được mọi người bàn tán trở thành một vấn đề cá nhân để có dịp thuận tiện nói chuyện diện đối diện với vị ẩn tu. Tiếp đến, Ngài đã không sửa lỗi ông như một người có thẩm quyền. Trái lại, Ngài đã dùng thẩm quyền của mình bảo vệ cho vị ẩn tu, để sau đó có thể khuyên nhủ ông như một người anh em. Và sau cùng, dù không cấu kết với đám đông để khinh thường và lên án vị ẩn tu đang vấp phạm, cũng như nêu mối nguy hiểm của lỗi lầm này với phần rỗi của đương sự, qua một lời khuyên nhẹ nhàng nhưng thẳng thắn: “Hỡi người anh em, hãy cẩn thận giữ mình kẻo mất linh hồn”.
Thưa anh chị em, Giáo Hội là một cộng đoàn huynh đệ, trong đó mọi người là anh em với nhau vì đã được làm con cùng một Cha trên trời trong Đức Giêsu Kitô. Vì thế, mỗi Kitô hữu đều có trách nhiệm nâng đỡ nhau, sửa lỗi nhau để sống xứng đáng là con cái của Chúa trong đại gia đình của Ngài. “Chị ngã, em nâng”; “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó”. Chúa Giêsu nhắc nhớ chúng ta trách nhiệm đó. Ở đây không có ý nói về việc ai đó xía vô đời tư của người khác, nhưng có ý nói về một người anh em ý thức trách nhiệm phải giúp đỡ người anh em khác sống tốt hơn, vì ích chung của Giáo Hội.
Đây là một việc làm tế nhị, khó khăn, đòi hỏi phải nhẫn nại, bởi vì người ta làm việc trên sự tự do và nhân vị của mỗi con người. Chúa Giêsu đề ra ba giai đoạn: Trước hết cá nhân đối diện với cá nhân. Nếu người phạm lỗi không chịu nghe nhưng lời góp ý để sửa chữa lỗi lầm, người ta sẽ đem theo một hoặc hai người nữa cho việc góp ý được thấu lý đạt tình và có sức mạnh hoán cải hơn. Nếu người mắc lỗi ngoan cố thì sự việc sẽ được đưa ra trước cộng đoàn, tức là một thứ Giáo Hội địa phương và nếu người mắc lỗi cũng không chịu nghe cộng đoàn, lúc đó người ta mới kể nó như người ngoài cộng đoàn, như người ngoại giáo.
Đó quả là một biện pháp khôn ngoan. Nó làm cho người có trách nhiệm sửa lỗi luôn luôn giữ được sự bình tĩnh, nhẫn nại, đồng thời thể hiện tấm lòng từ bi và thái độ tôn trọng nhân vị, tự do của người phạm tội có dịp hồi tâm, phản tỉnh để nhận ra sự sai quấy của mình. Lúc đó, không một tội nhân nào còn có lý do để quy trách nhiệm về tội mình, về cách xử lý mình cho anh em, sau khi đã đối diện với anh em qua ba giai đoạn ấy.
Tóm lại, tất cả đều phải nhắm đến sự sống của cộng đoàn, phải thi hành với tình yêu huynh đệ. Giáo Hội chỉ giúp cho cá nhân và xã hội được tốt lành, hoàn thiện khi đóng đúng vai trò người giữ gìn, bảo vệ nơi nào chân chính và điều thiện có thể bị tấn công, bị phá hủy, đồng thời đẩy lui những điều ác, điều xấu làm tổn thương, sứt mẻ mối tương quan của con người với chính mình, với cộng đoàn và với quyền bính hợp pháp.
Khi chúng ta cùng cộng đoàn hay Giáo Hội lên án những bất công và tệ đoan xã hội cũng như sự suy thoái đạo đức… chính là lúc chúng ta thực thi trách nhiệm sửa chữa lỗi lầm của nhau, cho mình và cho xã hội. Trách nhiệm này, Chúa đã trao cho chúng ta trong tư cách là người con cái của Chúa và Giáo Hội.
Anh chị em thân mến, chúng ta họp nhau đây nhân danh Chúa Giêsu Kitô, để cầu nguyện, để gặp gỡ Thiên Chúa và anh em. Chúa Giêsu đang sống và ở giữa chúng ta. Ngài soi sáng cho chúng ta biết sự thật về chính mình và tình liên đới với nhau, để chúng ta trả cho nhau món nợ duy nhất, đó là món nợ tình yêu thương nhau, món nợ không bao giờ trả được.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam