Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 49
Tổng truy cập: 1374231
SUY NIỆM CỦA LM TRẦM PHÚC
Suy niệm của Lm. Trầm Phúc
Lễ Vượt Qua là một đại lễ đầy vui mừng, vì tưởng niệm cuộc vượt qua của dân Do Thái, thoát ách nô lệ Ai Cập. Thế nhưng trong nhà tiệc ly, bầu không khí không vui và nặng nề, vì Chúa Giêsu đã nói đến nhiều vấn đề nghiêm trọng. Ngài muốn biến bữa tiệc này thành một cuộc giả từ, vì giờ của Ngài đã đến. Ngài sẽ trở về với Chúa Cha. Trước khi vào bàn ăn, Ngài đã lấy nước rửa chân cho các môn đệ và ban cho họ điều răn mới của Ngài. Sau đó, Ngài cho họ biết rằng, đêm nay, một người trong nhóm sẽ nộp Ngài, và Phêrô tỏ ra hào hùng khi tuyên bố rằng con sẽ thí mạng con vì Thầy. Nhưng Chúa báo cho ông biết rằng, đêm nay ông sẽ chối Thầy ba lần. Vì thế họ phân vân, lo ngại. Và cũng vì thế, Ngài bảo họ: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”.
Không xao xuyến sao được khi Thầy báo Thầy sẽ ra đi. Đi đâu? Tôma nhạy cảm đã thắc mắc: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường?” Thầy đi đâu? Đi dọn chỗ cho anh em. Dọn chỗ là gì? Chúng ta không thể hiểu theo nghĩa vật chất mà phải hiểu rằng Chúa ra đi là để chuẩn bị những gì cần thiết cho chúng ta để Thầy ở đâu, anh em sẽ ở đó với Thầy. Ngài ra đi để ban Thánh Thần cho chúng ta, để Thánh Thần dẫn chúng ta đến sự thật vẹn toàn.
Nhờ câu hỏi của Tôma, Chúa mạc khải một điều mới lạ: “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy”. Muốn đi đến một nơi nào đó, chúng ta cần đi đúng đường, nếu không chúng ta sẽ lạc lối và chẳng đi đến đâu. Chúng ta đang đi về đâu? Về với Chúa Cha là nguồn hạnh phúc duy nhất của chúng ta, vì Ngài là Tình yêu. Chỉ có Ngài mới là hạnh phúc của chúng ta thôi. Chúng ta cần xác tín mạnh mẽ điều này. Dù thế gian có hứa hẹn với chúng ta những gì đi nữa, bộ mặt thế gian này sẽ qua đi, nhưng Chúa vẫn còn. Con đường là Ngài, là những gì Ngài đã mạc khải cho chúng ta. Ngài là hình ảnh của Chúa Cha vô hình, là phản ánh huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa”. Nhiều lần, Chúa đã bảo chúng ta: “Hãy theo Ta”. Theo Ngài là con đường duy nhất, không có con đường nào dẫn chúng ta đến Chúa Cha cả.
Ngài cũng là sự thật và là sự sống. Chúng ta không thể định nghĩa một cách chính xác hai từ này, nhưng chúng ta có thể hiểu rằng, sự thật là một điều bất biến. Những gì thay đổi không thể là sự thật. Và Sự Thật và Sự Sống chính là Thiên Chúa. Chúa Giêsu muốn cho chúng ta biết rằng, Ngài là Thiên Chúa. Ngài được sai đến là để làm chứng cho sự thật, tức là làm chứng cho Thiên Chúa. Vì thế Chúa cũng nói: “Nếu anh em biết Thầy thì anh em cũng biết Cha Thầy”. Philipphê nài xin: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha”. Nhờ lời thỉnh cầu của ông, Chúa Giêsu lại mạc khải thêm một chân lý mới: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha… Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao?” Nơi khác Chúa Giêsu cũng nói: “Cha Thầy với Thầy là một”. Có cách nào nói rõ hơn nữa không? Trước khi bước vào tử nạn, Ngài muốn cho các môn đệ biết rõ về Ngài, về mối liên hệ mật thiết giữa Ngài với Chúa Cha. Ngài là hiện thân của Chúa Cha. Ngài đến trần gian là để mạc khải Chúa Cha là nguồn sống và hạnh phúc của con người. Ngài nói những gì Chúa Cha bảo Ngài nói, Ngài làm những gì Chúa Cha bảo Ngài làm. Vì thế, Ngài đòi buộc: “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”. Chỉ cần tin thôi: “Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm được những gì Thầy làm, người ấy còn làm những việc lớn hơn nữa”. Và đúng thế, từ bao nhiêu thế kỷ, bao nhiêu thế hệ Kitô hữu, là những người đã tin, đã làm cho Giáo Hội trở thành một cộng đoàn lớn mạnh trên khắp thế giới.
Đức tin chính là điều kiện tất yếu để chúng ta trở thành dụng cụ cho Chúa, cho tình yêu Chúa lớn mạnh trong tâm hồn mọi người. Đức tin là nguồn sống giúp chúng ta thi hành những gì Chúa muốn, như Chúa Giêsu đã làm những gì Chúa Cha muốn Ngài làm. Muốn có được đức tin như thế, chúng ta cần cầu xin và bền vững cầu xin, vì đức tin là một hồng ân chứ không là kết quả của nỗ lực của chúng ta. Chúng ta noi gương Chúa Giêsu là luôn tuân theo ý Cha trên trời, làm những gì Cha mong ước. Chúng ta không xao xuyến như các môn đệ vì Chúa đã hứa ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Chúng ta vững tin rằng Ngài luôn luôn hiện diện nơi bàn thờ hiến tế, khi chúng ta làm những gì Ngài căn dặn để nhớ đến Ngài. Ngài hứa sẽ cho chúng ta ở với Ngài, thì hôm nay, Ngài đến ở với chúng ta, trong xương thịt chúng ta, hoạt động với chúng ta, yêu thương với chúng ta, đau khổ với chúng ta và thánh hóa mọi gánh nặng trần thế của chúng ta. Tình thương của Ngài không hao hụt và ngược lại, trở thành sự sung mãn cho chúng ta. Nếu không có Ngài, cuộc sống chúng ta sẽ ra sao? Và chúng ta sẽ đi về đâu? Ngài là con đường duy nhất đưa chúng ta đến hạnh phúc đời đời. Ở lại trong tình yêu của Ngài như Ngài ở lại trong tình yêu của Chúa Cha, đó là niềm hạnh phúc lớn lao cho chúng ta, chúng ta có hiểu được không?
Mặc dù Ngài đến với chúng ta qua hình thức rất nhỏ bé và khiêm tốn, một tấm bánh thôi, nhưng, tấm bánh đó là sự sống, sự sống không tàn phai, vì đó là Thiên Chúa Tình Yêu.
27. Đường Về Nhà Cha – Lm. Trịnh Ngọc Danh
Sau biến cố Chúa Giêsu chịu chết và đã sống lại như một số môn đệ đã thấy, đa số các môn đệ vẫn còn bàng hoàng, buồn bã, chua thực sự an tâm: một sự kiện quá sức hiểu biết của con người! Một Đấng Tiên Tri đầy uy lực trong cả lời nói và hành động mà lại chịu chết cách nhục nhã đến thế! Tin Chúa đã sống lại cũng chưa làm cho họ an tâm và tin tưởng thực sự; và Thánh Phêrô đã phải nhiều làn lên tiếng để trấn an và củng cố đức tin: “Vinh dự cho anh em là những kẻ tin… anh em là dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân tộc thánh thiện, dân riêng của Chúa, để rao giảng quyền năng của Đấng đã gọi anh em ra khỏi tối tăm mà vào ánh sáng kỳ diệu của Người.” (1 Pr. 2, 7.9)
Tin Mừng hôm nay, Chúa nhật V mùa Phục sinh năm A (Ga. 14,1-12), Giáo Hội muốn chúng ta sống lại những giây phút cuối cùng giữa Thầy Giêsu và các môn đệ, và những gì Thầy trăn trối trước khi chia tay.
Chia ly nào chẳng ít nhiều gây buồn rầu, nuối tiếc! Hiểu được tâm trạng ấy, trong bữa ăn cuối cùng Chúa Giêsu đã phải lên tiếng trấn an các môn đệ:
- “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở” (Ga. 14,1-2)
Ông Simon Phêrô hỏi lại Thầy: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy?”
Thầy Giêsu trả lời: “Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được; nhưng sau này anh sẽ đi theo.” (Ga. 13,36) “Thầy đi để dọn chỗ cho anh em. Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ cho anh em rồi, Thầy sẽ trở lại đem anh em đi với Thầy, để Thầy ở đâu anh em cũng ở đó. Thầy đi đâu, anh em đã biết đường rồi” (Ga 14, 2-4)
Ông Tôma hỏi lại: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường đi!” (Ga. 14,5)
Thầy Giêsu đáp: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy.”…
Như thế Chúa Giêsu là ĐƯỜNG VỀ NHÀ CHA
Điều chúng ta cần khẳng định trước tiên là chúng ta cùng ANH EM một nhà, chúng ta có một người CHA và có chung một mái NHÀ. Để về NHÀ CHA, chúng ta không có con đường nào khác hơn là CON ĐƯỜNG GIÊSU: Thầy là đường, là sự thật và là sự sống.
Nhiều lúc, con người thắc mắc không biết mình là ai? Từ đâu tới? Có mặt trên thế gian này để làm gì? Tại sao lại phải sống và chết? Tại sao phải bệnh hoạn, đau khổ…? Và nhiều vấn nạn khác nữa mà không biết bao nhiêu triết gia, bác học, khoa học… chưa tìm được lời giải thích thỏa đáng. Còn chúng ta, chúng ta tin con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Chúng ta là con cái Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương chúng ta và đã làm mọi cách để cho chúng ta được hiển vinh như Cha chúng ta ở trên trời, ngay cả việc cho Ngôi Hai, người con yêu dấu duy nhất của Ngài xuống thế gian chịu mọi cực hình khốn khổ để tìm cách cứu vớt chúng ta khỏi sự hủy diệt…
Chúng ta là anh em có một Cha chung. Người Cha nhân hậu ấy vẫn hằng mong mỏi những người con lưu lạc trở về như hình ảnh người cha nhân từ mà Chúa Giêsu đã một lần ám chỉ.
Và có lẽ cũng như Philiphê, chúng ta muốn biết hình dáng người Cha chung của chúng ta: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con.”
Và Thầy Giêsu đã trả lời: “Ai thấy Thầy là xem thấy Cha… Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy.” (Ga. 14: 8-9). Thầy Giêsu và Người Cha chung của chúng ta là một.
Sống và chết đối với chúng ta không phải không phải là đi vào cõi hư không, nhưng chỉ là một biến đổi từ trạng thái này qua trạng thái khác, là giã từ trần gian để về nhà Cha, là chờ ngày đoàn tụ với Người Cha nhờ sự sống của Anh Cả Giêsu.
Chúng ta sẽ về Nhà Cha bằng con đường nào?
Đường có nhiều loại: Có đường quanh co, thẳng tắp; có đường gồ ghề, trơn tru; có đường một chiều hai chiều; có xa lộ không đèn; có lối mòn yên tĩnh… CON ĐƯỜNG GIÊSU hẹp mà rộng, trơn tru mà sỏi đá.
CON ĐƯỜNG GIÊSU có Tin Mừng hướng dẫn chỉ đường để đi về sự sống trường sinh. Đi trên con đường đó, phải biết lách mình mà đi, phải chống chọi với nhiều thú dữ, phải canh chừng thức tỉnh với những phù phiếm xa hoa bên đường, phải vững tin bước đi theo những hướng dẫn của Tin Mừng, phải biết “vác thánh giá mỗi ngày” mà đi, phải biết gạt bỏ những dục vọng, đam mê cuốn hút… Con đường ấy rộng thênh thang nhưng có rất nhiều cạm bẫy. Mất cảnh giác là gặp phải tai nạn. Con đường thênh thang nhưng gồ ghề khúc khuỷu là thế.
Nếu có bị lạc đường, lấy đèn sáng đức tin mà đọc lại bản Tin Mừng hướng dẫn. Con đường đến với Thiên Chúa gây nhiều trở ngại và bối rối cho nhiều người. Có người vì quá bối rối mà mất cả niềm hy vọng, mất phương hướng, lạc đường. Những lúc mất phương hướng và lạc đường như thế, hãy tìm lại CON ĐƯỜNG GIÊSU, vì “Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy.” Con đường Giêsu là con đường sự thật, là con đường dẫn đến sự sống.
Như thế, Chúa Giêsu muốn cho chúng ta hiểu rằng không kết hợp với Ngài, không đi theo đường lối hướng dẫn của Ngài, con người sẽ khó đi đến cùng đích, sẽ khó đạt được vinh quang vĩnh hằng, sẽ khó mà vào được nhà Nhà Cha.
Chỉ khi nào chúng ta khám phá ra gương mặt của Chúa Giêsu trong mọi biến cố của cuộc đời mình, lúc đó chúng ta mới thực sự hiểu thế nào là Con đường Giêsu.
Cuộc sống của chúng ta hiện nay là một cuộc hành trình đi về Miền Đất Hứa, là một cuộc hành trình đi về Nhà Cha, một cuộc hành trình Đức tin.
Trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, có những lúc chúng ta gặp khủng hoảng về đức tin. Chính những lúc như thế, cần có đức tin nâng đỡ, thì chúng ta lại buông xuôi; và cũng chính những như thế, chúng ta mời thấy lòng tin vào Thiên Chúa ở mức độ nào.
Khi gặp khủng hoảng về đức tin, điều duy nhất mà chúng ta có thể làm là bước đi trong sự kiên quyết tín nhiệm nơi Thiên Chúa.
Lòng tin đích thực giúp chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa luôn ở với chúng ta. Đó là điểm tựa, là niềm hy vọng cho cuộc sống chúng ta. Ai có đức tin đều có nguồn an ủi và niềm cảm hứng ấy, đặc biệt khi gặp cảnh bối rối.
Chúa Giêsu là đường, là sự thật và là sự sống. Trong Ngài và với Ngài, chúng ta nhận ra thân phận, ý nghĩa cuộc đời mình. Ngài là phần thưởng và là cùng đích của mỗi Kitô hữu chúng ta. Chúng ta hãy bước đi trên con đường của Chúa Giêsu đã vạch ra. Sống chân lý tình yêu của Ngài. Và sống sức sống thần linh của Ngài mỗi ngày trong cuộc sống chúng ta.
Lạy Chúa, chúng con tin rằng: “ Lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa. Chúa để mắt trông coi những kẻ kính sợ Chúa, nhìn xem những ai trông cậy ân sủng của Chúa để cứu giúp họ khỏi tay thần chết và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.” (Tv.32: 18-19). Nhờ Chúa, chúng con được cứu chuộc và trở nên nghĩa tử, xin Chúa đoái nhìn đến chúng con, những kẻ tin vào Chúa Giêsu Kitô, cho được hưởng tự do thật sự và phần gia nghiệp muôn đời nơi nhà cha trên trời.
Câu hỏi:
1. Tại sao Chúa Giêsu nói: “Trong nhà Cha thầy có nhiều chỗ ở.” Nhiều chỗ ở có ý nghĩa gì?
2. Chúa nói: “Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm những việc Thầy đã làm.” Câu nói ấy ám chỉ gì?
3. Thánh Phêrô đã nói: “Chính anh em là như những tảng đá sống động”. Tảng đá sống động biểu tượng cho vấn đề gì?
28. Chọn lựa con đường
Anh chị em thân mến.
Một lần tôi vào quán ăn trên đường, tôi chú ý đến bàn ăn bên cạnh, vì nơi đó có một đứa bé khó tánh. Thức ăn bày ra trước mặt nó, vậy mà nó không bằng lòng với những gì đang có. Người mẹ ngồi bên cạnh hết sức nhẫn nại, vừa năn nỉ vỗ vành, vừa cố gắng cho thức ăn vào miệng cho con, nhưng cuối cùng, bà không thể nào làm gì hơn được. Bên cạnh đó, cũng có một đứa bé lẵng lặng đứng nhìn. Nó nhìn những tô thức ăn của thực khách đã dùng xong nhưng còn thừa lại. Nó cũng nhìn vào tô thức ăn mà đứa bé khó tánh kia đang làm khó mẹ nó. Người mẹ trẻ cũng nhìn thấy đứa bé đang đứng nhìn như thế, bà gọi em đến và cho em tô thức ăn gần như còn nguyên vẹn. Em rục rè cho tất cả những gì trong tô vào trong chiếc lon của em và mang ra ngoài. Bên ngoài còn một đứa trẻ khác nhỏ hơn, đang ngồi chờ đợi. Người chị vui mừng, cho em ăn trước, sau đó nó mới dùng phần còn lại.
Tôi chợt suy nghĩ. Đứa bé có người mẹ bên cạnh, được nâng niu chiều chuộng, nó không biết tận hưởng hạnh phúc mà nó đang có, mà lại đòi hỏi cái gì không có trong hiện tại, nên nó khó chịu và không chấp nhận hiện tại. Còn đứa bé có đứa em đang ngồi chờ bên ngoài, nó biết tận dụng những gì mình có được, để mang lại lợi ích cho mình và cho người khác.
Hạnh phúc không ở đâu xa, nó ở ngay bên cạnh, nếu ai biết tận hưởng thì sẽ được, còn ai không biết thì sẽ không bao giờ nhận được.
Các Tông Đồ sống với Chúa Giêsu bao nhiêu năm trời, các ông nhìn thấy những việc làm, những điều lạ mà Ngài đã thực hiện. Các ông còn được nghe những lời giảng dạy riêng cho các ông để hướng dẫn cho bước đường tương lai. Vậy mà trong giờ phút quyết định, các ông lại thốt lên qua miệng của Tôma: "Chúng con không biết Thầy đi đâu làm sao chúng con biết đường đi". Còn Philipphê thì sao? Ông không nhận ra được người mà mình đã theo bao nhiêu năm trời đây là ai, ông chỉ thấy đây là một con người, vì mặc dù sống với Chúa Giêsu, nhưng ông chỉ lắng nghe chính mình, ông chỉ theo những gì mình muốn, nên những gì của Chúa Giêsu không ảnh hưởng đến ông.
Chúa Giêsu bảo các ông "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống... Ai thấy Thầy là xem Thấy Cha". Ngài muốn nói với các ông: những gì các ông đòi hỏi, nó đang ở trong hiện tại trước mắt các ông, nếu biết nhìn thấy để nhận ra mà sống thì thật là hạnh phúc. Một học giả nói rằng: "Con người luôn nuối tiếc quá khứ, mơ ước đến tương lai, nhưng lại hờ hững với hiện tại". Cái hiện tại là kết quả của quá khứ, là đường để đi đến tương lai, nhưng con người thường quên nó đi.
Các Tông đồ ngày xưa đã như thế, nhưng các ông được dạy bảo, nhắc nhở và các ông đã biết sống trở lại cho tốt. Câu chuyện của ngày xưa, tưởng đã đi vào quá khứ, nhưng nó vẫn còn là một câu chuyện thời sự nóng bỏng của ngày hôm nay đối với mỗi người trong chúng ta. Cũng như các Tông Đồ khi xưa, chúng ta cũng thường đòi hỏi, mơ ước những gì không có trong hiện tại, để những đòi hỏi, những mơ ước đó nó làm khổ chúng ta trong cuộc sống. Biết bao lần chúng ta bất mãn với hiện tại, không bằng lòng về chính mình, không bằng lòng về cách sống, không bằng lòng với người chung quanh và thường hay hỏi tại sao tôi không được như người khác, tại sao tôi không được tốt hơn... Những lần như thế, chúng ta đang đi trên con đường của các tông đồ khi xưa. Những lúc đó, Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta lời nói khi xưa "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống... ai xem thấy Thầy là xem thấy Cha". Những khi đó chúng ta có cảm nhận được hạnh phúc mà mình đang có, cảm nhận được hồng ân Chúa bao bọc chúng ta không? Nếu chúng ta biết trân trọng hiện tại và chu toàn trách nhiệm mình cho tốt: trách nhiệm của một con người mà Thiên Chúa đã đặt để trong xã hội, trách nhiệm của một người Công Giáo. Cụ thể hơn là trách nhiệm của một người cha, người mẹ trong gia đình, chúng ta có làm gương tốt, có dạy dỗ con cái theo thánh ý Chúa không? Nếu trong cuộc sống đời thường, chúng ta biết vượt qua những trở ngại, những vất vả, để chấp nhận cuộc sống và hoàn thành trách nhiệm của mình mà không phàn nàn trách móc.
Đó là chúng ta như đứa trẻ biết tận dụng cái mình đang có để đem lợi ích đến cho mình và cho người khác. Khi đó chúng ta đang nhận ra Chúa là đường, là sự thật và là sự sống cho chính chúng ta.
29. Hai chân lý Đức Tin
(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Hữu An - Giêrusalem 13.5.2014)
Chúng tôi đang ở Giêrusalem. Đoàn hành hương gồm 38 người (9 linh mục và 29 giáo dân) đi từ Việt Nam qua Ai cập đến Israel và sẽ qua Giocđan rồi trở về với hành trình 14 ngày.
Đi hành hương theo dấu chân Chúa Giêsu với tâm tình tạ ơn và cảm mến. Mỗi nơi đến, chúng tôi đều dành thời giờ đọc phúc âm và cầu nguyện, hát thánh ca. Nhờ đó mỗi người càng thêm xác tín những chân lý đức tin.
Đọc Tin mừng Chúa nhật V Phục sinh trong bầu khí cầu nguyện tại Đất Thánh, tôi suy niệm về lời giảng dạy của Chúa Giêsu.
Hai thánh Tông đồ Tôma và Philípphê đã hỏi Chúa hai câu và Chúa đã mạc khải hai chân lý thật quan trọng:
- Thầy là đường là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy.
- Ai thấy Thầy là thấy Cha; Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy.
Chỉ có thể đạt tới Cha khi chúng ta đi theo Đấng tự nhận là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Và cũng không ai có thể tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa mà lại không do Thánh Thần. Hiểu biết đích thực về Cha và Con mang dấu ấn Thánh Thần. Chính trong Thánh Thần mà Thiên Chúa là Cha và Đức Giêsu là Con. Thiên Chúa mà mọi tín hữu tôn thờ và yêu mến hết linh hồn, hết sức lực, hết trí khôn, chính là Thiên Chúa hiện thân nơi Đức Giêsu Kitô "Ai thấy Thầy là thấy Cha" (Ga 14, 9) vì "Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy"(Ga 14, 10).
Trải qua bao thời, con người kiếm tìm con đường dẫn đến chân lý và sự sống thật. Đã có biết bao nhiêu suy tư siêu hình học, triết học, thần học, tôn giáo, chiêm niệm, thần bí và khoa học… tìm kiếm sự thật về vũ trụ chung quanh và về cuộc sống con người. Bao nhiêu chất xám đã đầu tư để đi tìm nguồn sự sống và cùng đích của cuộc sống. Dù đã cố gắng hết mình con người vẫn còn bế tắc trong nhiều lĩnh vực của sự thật và sự sống.
Cách đây trên hai ngàn năm, Chúa Giêsu đã xuất hiện mặc khải cho con người con đường đi đến chân, thiện, mỹ. Ngài mở ra nhân loại con đường: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).
1. Thầy là Đường
Thánh Gioan Tiền Hô đã loan báo ơn cứu độ. Gioan kêu gọi mọi người hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng. Để đón nhận Đấng Cứu Thế, mọi người phải chuẩn bị sám hối, cải đổi đời sống và mở rộng tâm hồn.
Thường khi đón chào một vị Vua, Hoàng đế hay Nữ hoàng, người ta chỉ cần sửa sang lối đi, quét dọn nhà cửa sạch sẽ và đón chào trong tiếng kèn tiếng trống náo nhiệt, hân hoan vui vẻ. Đón nhận Đức Chúa hoàn toàn khác biệt, Gioan gióng lên lời mời gọi: Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi (Mc 1,3). Chúa cần đi lối thẳng thắn nơi tâm hồn. Con đường Chúa đi là con đường dẫn tới đời sống nội tâm bên trong. Con đường Chúa đi là con đường khiêm tốn và yêu thương.
Chúa là con đường dẫn tới sự sống. Ngài giới thiệu cho các môn đệ con đường dẫn tới Nhà Cha: Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi (Ga 14,4). Con đường Chúa đi không phải là con đường thênh thang rộng mở và không phải là con đường trần thế vinh quang. Con đường Chúa đi là con đường phục vụ, hy sinh. Con đường Chúa đi là con đường lên dốc đồi Calvariô để chịu nạn và chịu chết.
Chúa Giêsu là con đường tiến lên. Các môn đệ còn nhiều thắc mắc về đường đi nước bước của Chúa. Tâm tư các tông đồ còn đang mong mỏi một con đường vinh hoa phú quý. Ông Tôma nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?” (Ga 14,5). Các Tông đồ không biết con đường nào Chúa sẽ đi. Không ai mong muốn con đường thập giá, con đường khổ đau, chết chóc. Chúa đã từng bước dẫn dắt các Tông đồ qua con đường sự chết để vào con đường sự sống. Qua con đường nhỏ hẹp để bước vào cõi sống hạnh phúc trường sinh.
2. Thầy là Sự Thật
Chúng ta đang sống trong một thế giới có nhiều ảnh hưởng của mê lầm và dối trá. Các nhà lãnh đạo quốc gia không dám nói hết sự thật. Các cấp lãnh đạo tôn giáo đôi khi cũng sợ nói sự thật. Các nhà giáo dục cũng không muốn đặt vấn đề sự thật trong các ngành nghề. Các bậc bề trên, phụ huynh và người hướng dẫn cũng che dấu sự thật. Vì nói sự thật thì có khi mất lòng, mất danh dự, mất uy tín, mất địa vị, mất công ăn việc làm và mất chính mình. Chúng ta sợ sự thật của gia đình, của con cái, của cha mẹ, của nhân viên, của các cộng tác viên và của chính mình bị phơi bầy và tỏ lộ. Có khi vì sự thật liên quan đến miếng cơm manh áo và tiếng tăm địa vị. Mấy ai can đảm nói hết sự thật.
Chúa Giêsu là Sự Thật. Chúa thấu tỏ lòng người. Chúa hiểu thấu được lòng con người nghĩ gì và muốn gì. Nhiều người nghe Chúa giảng đã phải thốt lên: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy nói và dạy một cách thẳng thắn, không thiên vị ai, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa” (Lc 20,21). Chúa Giêsu thẳng thắn phê bình những lầm lỗi và cách hành xử của các nhà lãnh đạo tôn giáo. Họ chỉ thích được ưa chuộng những hình thức xuất hiện bên ngoài, giả dạng và khoe khoang. Họ ngại bước vào đời sống nội tâm vì sợ nhìn thấy mặt trái của đời sống mình. Vì sống theo sự thật là sống trong ánh sáng: Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa (Ga 3,21).
Chúa Giêsu là con đường dẫn tới sự thật. Nghĩ thật, nói thật và rao giảng sự thật. Con người Chúa Giêsu là con người trong sáng và chân thật tuyệt đối. Ngài ra giảng dạy công khai và minh chứng cụ thể qua các việc làm. Ngài giảng dạy chân lý và áp dụng lời giảng trong cuộc sống mình. Còn chúng ta đôi khi nói một đàng, làm một nẻo. Ngôn hành bất nhất. Chúng ta muốn có sự thật nhưng không thực hành sự thật. Sự dối trá cứ len lỏi ràng buộc chúng ta vào những mê lạc tự vệ, cố chấp, ương ngạnh và sống giả hình.
Chỉ có sự thật mới giải thoát chúng ta. Chúa Giêsu nói với những người Do thái rằng: Các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông (Ga 8,32). Sự thật thì đơn sơ chân thành ví như tâm hồn trong trắng của trẻ thơ. Tâm hồn chân thật thì thanh thoát và không lệ thuộc vào những tranh đua hơn thua ở đời. Khi so sánh hơn thiệt và đua đòi cuộc sống dễ dẫn chúng ta đến những sự giấu giếm, giả trá, lừa lọc và dối gian. Người đời thường nói rằng: Sông sâu còn có kẻ dò, lòng người nham hiểm ai đo cho cùng. Chúa Giêsu thì hiểu thấu lòng con người hơn ai hết. Chúa biết những ý nghĩ thầm kín của người đời. Chúa thường yêu và cầu nguyện cho các môn đệ được thành tín chân thật: Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật (Ga 17,17).
3. Thầy là Sự Sống
Chúa Giêsu là nguồn sự sống và là bánh trường sinh. Chúa phán: Tôi là bánh trường sinh (Ga 6,48). Chính nhờ Người, với Người và trong Người, Thiên Chúa Cha đã tác tạo muôn loài. Chúa Giêsu là đầu và là cùng đích của các loài thụ tạo. Ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại (Ga 1,4). Chúa Giêsu là sự sống và là ánh sáng đến trong trần gian. Người đến để mọi người được sống và sống dồi dào. Người là bánh ban sự sống, dưỡng nuôi và dẫn chúng ta đến sự sống đời đời. Thánh Gioan, người tông đồ được Chúa yêu mến đã xác tín rằng: “Vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian” (Ga 6,33). Chúa Giêsu là chủ thể có quyền trên vũ trụ vạn vật và uy quyền trên sự sống và sự chết.
Sự sống mà Chúa sẽ ban là sự sống thật. Con đường dẫn vào sự sống là chu toàn lề luật và các giới răn. Đức Giêsu đáp: “Sao anh hỏi tôi về điều tốt? Chỉ có một Đấng tốt lành mà thôi. Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn” (Mt 19,17). Chúa Giêsu căn dặn chúng ta rằng đừng quá lo lắng cho cuộc sống tạm bợ này. Ngày tháng sẽ trôi qua, tuổi đời sẽ chồng chất và sự chết sẽ đến. Tiên vàn chúng ta hãy tìm kiếm nước trời, mọi sự khác Người sẽ ban thêm cho. Vì sự sống hay chết đều nằm trong sự quan phòng của Chúa. Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Vì vậy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc; vì mạng sống thì hơn của ăn, và thân thể thì hơn áo mặc” (Lc 12,22-23).
Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại. Sự chết không còn làm chủ được Người nữa. Người đã đi vào sự sống vĩnh cửu. Chúa phán: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11,25). Chúng ta cần đặt niềm tin tưởng vào Chúa Kitô Phục Sinh. Nơi Người, chúng ta sẽ tìm được câu giải đáp cho thân phận con người. Thiên Chúa tạo dựng loài người là muốn cho tất cả mọi người được chung hưởng niềm hạnh phúc viên mãn.
Chúa Giêsu là đường dẫn đến sự sống thật. Người là sự thật đưa dẫn đến sự sống đời đời và sự sống thật là con đường kết hợp mật thiết với Đấng Tạo Thành. Chúa Giêsu trở thành trung tâm cốt lõi cho tất cả mọi suy tư tìm kiếm nguồn chân lý, sự thánh thiện và sự hoàn hảo tuyệt mỹ.
Lạy Chúa, Chúa là đường, là sự thật và là sự sống. Xin Chúa dẫn dắt chúng con theo đường chân lý của Chúa để chúng con được hưởng niềm vui sự sống muôn đời.
30. Đường về Nhà Cha
Có lẽ những ai đã học qua chương trình Văn Học lớp 12 đều không quên một tiểu tiết vui vui trong truyện ngắn "Đôi Mắt" của Nam Cao. Trong đó, anh Hoàng kể cho anh Độ nghe một câu chuyện "nực cười nhưng chẳng dám cười". Anh kể rằng: "Tôi kể cho anh nghe chuyện nầy thế nào anh cũng cho là bịa. Nhưng tôi có bịa tí nào, tôi chết. Một hôm, tôi đi chợ Huyện chơi. Ở nhà đã hỏi đường cẩn thận rồi, nhưng đến một ngã ba, lại quên béng mất, không biết phải rẽ lối nào. Đành đứng lại, chờ có người đi qua thì hỏi, chờ mãi mới thấy có một anh thanh niên vác một bó tre đi tới. Tôi chào rồi hỏi: 'Đi chợ Huyện lối nào, ông làm ơn chỉ giúp tôi'... Anh ta bảo: 'Ông cứ đi lối nầy, đến chỗ có một cây đa to thì rẽ về tay phải, đi một quãng lại rẽ về tay trái, qua một cánh đồng, vào đường gạch làng Ngò, vòng ra đằng sau đình, rẽ về tay phải, đi một quãng nữa thì đến chợ'. Đại khái như thế chứ không hoàn toàn đúng như thế. Chỉ biết nó lôi thôi rắc rối, nhiều bên phải bên trái, đến nỗi tôi không tài nào nhận ra được. Cuối cùng, anh bày cho tôi một cách: Đứng đợi đấy, gặp ai gánh hàng đi chợ thì đi theo...".
Tình huống của anh Hoàng đôi khi chúng ta cũng có thể gặp phải. Nếu ta đang ở một nơi xa lạ cần phải hỏi thăm đường đi. Đôi khi cách chỉ đường quá phức tạp đến nỗi ta "hỏi cũng bằng không". Nhưng cũng có thể ta may mắn gặp được một người tử tế, nhiệt tình, người ấy nói: "Thật khó chỉ cho anh. Thôi, anh cứ đi theo tôi, tôi sẽ dẫn anh đi".
Bối cảnh Tin Mừng hôm nay cho ta thấy tâm trạng âu lo của các Tông đồ khi biết mình sắp phải đơn độc. Trong Bữa Tiệc Ly, khi được biết Thầy không còn ở với mình nữa, các Tông đồ đã hết sức hoang mang và xao xuyến. Chúa Giêsu biết được tâm trạng của các ông nên Người đã trấn an, đồng thời hé mở cho các ông thấy việc ra đi của Người hoàn toàn cần thiết và có lợi cho các ông: "Anh em đừng xao xuyến!... vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em". Tôma vẫn chưa yên tâm vì chưa biết làm sao đi đến đó được. Ông hỏi Thầy: "Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao biết được đường?". Chúa Giêsu không chỉ đường bằng cách đưa ra nhiều phương hướng phức tạp. Thay vào đó, Người nói: "Thầy là Đường, là Sự thật và là Sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy".
Như thế, Chúa Giêsu đã chỉ rõ mục đích của cuộc hành trình đời người là về với Thiên Chúa là Cha; và trong cuộc hành trình đó, chính Chúa Giêsu vừa là con đường, vừa là người dẫn đường cho mọi người.
Thật vậy, bước vào cuộc trần nầy là chúng ta bước vào một cuộc hành trình, hành trình hướng về Thiên Chúa là nguồn cội và cùng đích của đời mình. Nhưng con đường đến với Thiên Chúa không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Nếu ta tự mình dò dẫm bước đi thì rất dễ lạc mất phương hướng, rất dễ rơi vào trạng thái lo âu chán nản rồi mất cả niềm hy vọng. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã dọn đường dẫn lối cho ta. Đi trên con đường Giêsu, ta không bao giờ sợ lạc lối. Trên con đường Giêsu, ta không đi lẻ loi một mình mà có Chúa Giêsu dẫn bước ta đi, có những anh chị em cùng đồng hành với ta.
Do đó, mỗi người chúng ta hãy hoà cùng cộng đoàn Dân Chúa, vững tâm tiến bước dưới sự dẫn dắt của vị thủ lãnh là Đức Giêsu Kitô. Hãy tin tưởng ta có một mái nhà vĩnh cửu để hướng về, nơi đó ta sẽ có một cuộc sống thật, một cuộc sống hạnh phúc đời đời.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam