Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 59
Tổng truy cập: 1365539
TẤM LÒNG NHÂN HẬU CỦA NGƯỜI CHA
TẤM LÒNG NHÂN HẬU CỦA NGƯỜI CHA(*)- Lm. Inhaxiô Hồ Thông
Theo truyền thống phụng vụ, Chúa Nhật IV Mùa Chay là Chúa Nhật của niềm vui. Chúa Nhật này đặt một thời gian tạm nghỉ trong thời kỳ chay tịnh và tham dự trước niềm hân hoan của biến cố Phục Sinh.
Gs 5: 9-12
Hãy vui lên vì Thiên Chúa đã giữ lời hứa. Dân Do thái đã tiến vào Đất Hứa và cử hành lễ Vượt Qua ở đây. Một kỷ nguyên mới bắt đầu đối với họ.
2Cr 5: 17-21
Hãy vui lên vì nhờ Đức Ki-tô, con người đã đạt được ơn hòa giải với Thiên Chúa; nhờ đó người Ki-tô hữu trở nên những con người được đổi mới.
Lc 15: 1-3, 11-32
Hãy vui lên với Chúa Cha, Đấng đón tiếp đứa con hoang đàng trở về trong niềm vui vỡ tràn.
BÀI ĐỌC I (Gs 5: 9-12)
Sách Giô-suê, sách được đặt nhan đề theo tên nhân vật chính của sách, kể việc dân Do thái vào Đất Hứa và chinh phục dần dần miền đất này của dân bản địa Ca-na-an. Sách Đệ Nhị Luật đã được hoàn tất với chuyện tích về cái chết của ông Mô-sê, sách Giô-suê tường thuật các biến cố tiếp theo sau. Ông Mô-sê đã trao phó sự nghiệp của mình cho ông Giô-suê tiếp nối. Thời kỳ hoang địa được tiếp nối với thời kỳ chinh phục. Thời nô lệ bên Ai-cập và thời túng thiếu trong hoang địa được tiếp nối với kỷ nguyên của cuộc đời tự do và an cư lạc nghiệp. Lịch sử đã sang trang. Việc dân Do thái vào xứ sở Ca-na-an được định vị vào cuối thế kỷ thứ mười ba trước Công Nguyên. Cuộc chinh phục thật sự chỉ được hoàn tất dưới triều đại vua Đa-vít, hai thế kỷ sau đó.
Chuyện tích này được viết theo thể loại “sử thi”, bao gồm những yếu tố kỳ diệu. Ngoài ra, lịch sử của dân Ít-ra-en là lịch sử của dân Thiên Chúa, một kỳ tích lịch sử thường được nối kết với một kỳ tích phụng vụ. Sự kiện này hiển hiện rất rõ nét trong chuyện tích chúng ta đọc hôm nay.
Lễ Vượt Qua ở Ghin-gan:
Dân Do thái đã vượt qua sông Gio-đan vào lúc nước sông dâng cao. Vì thế, họ không thể vượt qua sông nếu Thiên Chúa đã không can thiệp bằng cách ngăn dòng nước thành chỗ khô cạn cho dân băng qua (Gs 3: 14-17). Như thế, tái diễn lại phép lạ Biển Đỏ (Xh 14: 21-22). Rõ ràng tác giả đã muốn đối chiếu cuộc xuất hành ra khỏi đất Ai-cập và cuộc xuất hành ra khỏi hoang địa; cuộc vượt qua sông Gio-đan họa lại cuộc vượt qua Biển Đỏ; lễ Vượt Qua tiến vào Đất Hứa đối xứng với lễ Vượt Qua giải phóng khỏi cảnh đời nô lệ bên Ai-cập.
Tuy nhiên, nhiều yếu tố cổ xưa chứng thực nền tảng lịch sử của câu chuyện. Về phương diện truyền thống, lễ Vượt Qua ở Ghin-gan được kể ra trong văn chương Do thái; tuy nhiên, việc cử hành lễ Vượt Qua được xác định vào ngày mười bốn trong tháng là phần thêm vào sau khi lịch phụng vụ được quy định. Ghin-gan được định vị không xa thành Giê-ri-cô. Địa danh Ghin-gan theo tiếng Híp-ri có nghĩa “vòng tròn”. Truyền thống nối kết địa danh này với cử chỉ của ông Gio-suê: để tưởng niệm mãi mãi cuộc tiến vào Đất Hứa, ông Gio-suê truyền lệnh dựng mười hai tảng đá thành một vòng tròn, đại diện mười hai chi tộc của dân Ít-ra-en (Gs 4: 1-9). Vào thiên niên kỷ thứ hai, người ta vẫn còn ở trong nền văn minh đồ đá. Miền Pa-lét-tin còn lưu lại nhiều dấu vết của nơi cúng tế được dựng bởi những tảng đá.
Một giai đoạn mới:
“Hôm sau lễ Vượt Qua, họ đã dùng thổ sản trong xứ, tức là bánh không men và hạt lúa rang”. Đây là lần đầu tiên kể ra mối liên hệ giữa lễ Vượt Qua và lễ Bánh Không Men, hai ngày lễ tự nguồn gốc vốn biệt phân. Nhưng nhà biên soạn không nhằm nhấn mạnh mối liên hệ này; khi kể thêm “hạt lúa rang”, ông muốn đọc giả lưu ý đến lương thực được thay đổi tận căn, điều này đối với dân Do thái đánh dấu việc tiến vào Đất Hứa, vì miền Giê-ri-cô vốn nổi tiếng về thổ sản của mình, nhờ thời tiết thuận hòa.
“Không còn man-na nữa”. Man-na, thức ăn rất đạm bạc giúp dân Do thái sống còn trong hoang địa, từ nay không còn cần thiết nữa. Dân Do thái đã đặt chân lên xứ sở của các tổ phụ, mà lòng nhân ái của Đức Chúa đã cho họ trở lại khi “cất khỏi họ cái ô nhục của người Ai-cập”. Tin Mừng hôm nay nói với chúng ta về đứa con hoang đàng. Chán ngấy cơm thừa canh cặn, cậu trở về nhà cha, ở đó cậu nhận được mọi ân huệ đổi đời của cậu; vì thế, cậu cũng được “cất khỏi cái ô nhục” của quá khứ.
BÀI ĐỌC II (2Cr 5: 17-21)
Giáo Đoàn Cô-rin-tô, mà thánh Phao-lô đã sáng lập vào những năm 50-52, bị chao đảo bởi nhiều cuộc khủng hoảng giữa những năm 54 và 57. Do những khủng hoảng này mà thánh Phao-lô đã viết ít nhất bốn bức thơ gởi tín hữu Cô-rin-tô này. Thư thứ nhất và thư thứ ba đã bị thất lạc; bức thư mà chúng ta gọi “thư thứ nhất”, thực ra là thư thứ hai và bức thư mà chúng ta gọi “thư thứ hai”, thực ra là thư thứ tư. Thư thứ hai này gởi cho các tín hữu Cô-rin-tô được viết trong tâm trạng bình an; nhưng để hiệu đính mọi việc và trả lời dứt khoát cho những công kích mà thánh nhân đã là đối tượng, thánh Phao-lô buộc phải biện minh sứ vụ của mình mà thánh nhân nâng lên cho đến mức định nghĩa sứ vụ của mình là sứ vụ Tông Đồ đích thật.
Tông Đồ và cộng tác viên của Chúa Ki-tô:
Tâm tình sâu kín nâng đỡ vị tông đồ: xác tín mình là cộng tác viên của Chúa Ki-tô, có sứ mạng “hòa giải” giữa Thiên Chúa và loài người, sứ mạng mà Đức Ki-tô đã thiết lập theo ý định của Chúa Cha. Chính ở nơi Chúa Cha mà công trình cứu độ loài người phải được quy hướng về, tức là một “cuộc tạo dựng mới”: “Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi”. Người Ki-tô hữu là một “thọ tạo mới”, vì họ đã được tha thứ mọi tội lỗi của mình.
Thánh Phao-lô xúc động về sự cao cả của sứ mạng hòa giải này, nhờ đó mà các cộng tác viên của ngài và chính ngài trở thành những “sứ giả thay mặt Đức Ki-tô”. Thánh nhân lập lại cùng một diễn ngữ này trong thư gởi tín hữu Ê-phê-xô: “Anh em cũng hãy cầu nguyện cho tôi nữa, để khi tôi mở miệng nói, thì Thiên Chúa ban lời cho tôi, hầu tôi mạnh dạn loan báo mầu nhiệm của Tin Mừng; tôi là sứ giả của Tin Mừng này cả khi tôi đang bị xiềng xích” (Ep 6: 19-20).
Hãy hòa giải với Thiên Chúa:
“Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Người”. Qua câu này, thánh Phao-lô nhấn mạnh rằng sáng kiến đến từ Thiên Chúa; nhưng con người phải đáp trả sáng kiến này, đó là mở lòng mình ra mà đón tiếp lời đề nghị này. Cũng như người con hoang đàng quyết định trở về nhà cha, nhưng chính người cha đề xướng hòa giải với cậu, tức là tha thứ cho cậu.
Mầu nhiệm của Thiên Chúa là tình yêu của Ngài dành cho nhân loại được thể hiện ở nơi Đức Ki-tô, “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta”. Điều mà thánh Phao-lô muốn làm sáng tỏ, chính là một sự trao đổi hai phía: Đức Ki-tô tự đồng hóa mình một cách nào đó với tội nhân; còn tội nhân, nếu hòa giải, có thể dự phần vào sự thánh thiện của Thiên Chúa.
TIN MỪNG (Lc 15: 1-3, 11-32)
Dụ ngôn “Người cha nhân hậu” thuộc một tập hợp bao gồm ba dụ ngôn: “Con chiên lạc”, “Đồng bạc bị đánh mất” và “Người cha nhân hậu”, chúng hình thành nên câu trả lời của Đức Giê-su cho những người Pha-ri-sêu và các kinh sư, họ bất bình vì thấy Ngài đón tiếp niềm nở những người tội lỗi (Lc 15: 1-3).
Trước đây, Đức Giê-su đã gặp phải phản ứng bất bình như thế và đã trả lời ngắn gọn và đanh thép: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5: 31-32). Ở đây, Đức Giê-su phát biểu ý kiến của mình theo cách khác, gợi hình và cụ thể: Ngài sánh ví thái độ của Ngài với thái độ của người chăn chiên, trèo non lặn suối, quyết tìm cho bằng được một con chiên lạc (15: 4-7); hoặc với thái độ của người đàn bà, thắp đèn quét nhà, moi móc mọi xó xỉnh quyết tìm cho bằng được một đồng quan bị đánh mất (15: 8-10); hay còn với thái độ của một người cha mở tiệc ăn mừng vì “đứa con hoang đàng” trở về sau năm tháng phiêu bạt (Lc 15: 11-32). Hai dụ ngôn “Con chiên lạc” và “Đồng bạc bị đánh mất”, thánh Lu-ca có chung với thánh Mát-thêu, chỉ duy dụ ngôn “Người cha nhân hậu” là riêng của thánh Lu-ca. Dụ ngôn “Người cha nhân hậu” nổi tiếng nhất được dàn dựng thành bức tranh bộ đôi: bức tranh thứ nhất về người con thứ với người cha (15: 11-24), và bức tranh thứ hai về người con cả với người cha (15: 25-32).
Đứa con thứ với người cha (15: 11-24)
Đứa con thứ hoang đàng:
Bức tranh về cách hành xử của người con thứ có chủ ý được tô cho thật đen. Cậu nài nỉ xin cha chia phần gia tài mà mình được hưởng, một thái độ như thế không bao giờ được xem là hiếu để cả. Rồi cậu bỏ nhà ra đi và hoang phí tất cả gia sản của mình vào một cuộc sống chơi bời trác táng; lúc đó cậu lâm vào cảnh túng thiếu đành phải chấp nhận làm tôi đến nỗi phải đi chăn heo, mà đối với người Do thái là những con vật ô uế, một nghề cấm kỵ. Như vậy cậu đã xuống cho đến tận cảnh cùng khốn của mình, không chỉ về phương diện vật chất mà còn cả về phương diện phẩm giá: “Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho”.
Trong cảnh bần cùng tận mức này, bị cái đói giày vò, cậu mới nghĩ đến việc trở về nhà cha mình. Lý do thúc đẩy cậu cất bước trở về chẳng có gì là cao thượng cả, chẳng qua chỉ vì tình thế bắt buộc thôi: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói!”. Để đạt được mục đích của mình, cậu sẵn sàng hạ mình thú tội và cầu xin cha tha thứ. Những điều cậu suy tính trong lòng chẳng qua chỉ là vụ lợi thôi, nhưng đây là bước khởi đầu của một cuộc hoán cải, một cuộc đổi đời, một cuộc trở về cùng cha mình.
Tấm lòng nhân hậu của người cha:
Tấm lòng của người cha được họa nên bằng những ý tứ rất súc tích. Thái độ của người cha đối với cậu con thứ này khiến chúng ta phải ngạc nhiên. Ông tôn trọng sự tự do của cậu và đáp ứng mọi yêu cầu của cậu, thậm chí khác với thái độ của người chăn chiên và người đàn bà nội trợ, ông không lặn lội đi tìm cậu. Chính thái độ vồn vả ân cần đón tiếp cậu khi cậu trở về mới là điều dụ ngôn mời gọi người đọc chú ý tới.
“Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy”: Câu này cho thấy tấm lòng của ông. Từ khi đứa con ra đi khỏi nhà cha, ông hằng ngày tựa cửa mong ngóng đứa con trở về. Vì thế, khi thấy bóng dáng của con ông còn thấp thoáng từ xa, ông đã nhận ra cậu. Khi nhìn thấy bóng dáng thất thiểu của con mình từ xa, ông “chạnh lòng thương” (động từ Hy ngữ này có một nghĩa rất mạnh: mối cảm xúc dâng lên tận đáy lòng), và “chạy ra ôm cổ con và hôn lấy hôn để” (cách đón tiếp vồn vả khác thường này vượt quá khuôn phép uy nghiêm của một người cha mà tập tục Đông Phương quy định). Như vậy, vì tình cha, ông đã tha thứ cho cậu trước khi cậu ngỏ lời xin tha thứ.
Quả thật, trong câu chuyện, ông cắt ngang không cho cậu thú nhận mọi tội lỗi của mình và cầu xin cha tha thứ, để tránh cho cậu đi đến tận cùng của sự nhục nhã, nhưng cũng để cho thấy lòng tha thứ vô điều kiện của ông đối với con mình. Còn tế nhị hơn nữa, ông không ngỏ lời trực tiếp với cậu, nhưng truyền lệnh cho các đầy tớ: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!”: áo đẹp nhất để thay thế bộ quần áo rách tả tơi của kẻ bần cùng, chiếc nhẫn xỏ vào tay để chỉ địa vị cao quý trong xã hội, đôi dép xỏ vào chân để chỉ cậu không còn là người làm thuê hay kẻ nô lệ nữa, bởi vì từ nay đứa con trở về không chỉ được phục hồi nhân phẩm của mình, nhưng cũng được kính trọng như xưa kia; lại còn tổ chức một bữa tiệc để cả nhà cùng chia sẻ niềm vui đoàn tụ. Lý do mà người cha đưa ra để vui mừng, đó là: “Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”. Đối với ông, việc con vắng mặt trong gia đình được xem như đã chết, nhưng nhất là sự tha thứ của ông làm cho người con trở thành một con người mới.
Tất cả mọi chú ý của câu chuyện đều hướng đến tình cha cao vời đầy xúc động này, chứ không tấm lòng hoán cải của đứa con hoang đàng. Dụ ngôn muốn minh họa thái độ của Thiên Chúa đối với tội nhân. Thiên Chúa yêu thương họ như người cha yêu thương đứa con của mình. Việc Chúa Giê-su mở rộng vòng tay đón tiếp những người tội lỗi là mặc khải tấm lòng yêu thương vô bờ của Chúa Cha. Dụ ngôn này chỉ cho thấy rằng Thiên Chúa đã đến gặp gỡ nhân loại để cứu thoát họ khỏi cảnh nô lệ của tội lỗi. Ơn tha thứ của Thiên Chúa phục hồi con người trong phẩm giá của mình. Ở nơi hậu cảnh của dụ ngôn này, người ta đọc thấy bí tích Hòa Giải của Thiên Chúa với con người.
Người con cả với người cha (15: 25-32)
Người con cả bất khoan dung:
Thái độ của người con cả phản chiếu thái độ của những người Pha-ri-sêu và các kinh sư, họ đại diện cho những giá trị đạo đức của Cựu Ước, phân biệt rạch ròi đức công chính với tội lỗi. Lời trách cứ của người con cả ngỏ lời với cha cậu tương tự như thái độ bất bình của giai cấp lãnh đạo Do thái về cách hành xử của Chúa Giê-su đối với những người tội lỗi. Người con cả phẩn uất trách cứ cha mình: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho con lấy được một con dê để con ăn mừng với bạn bè”. Rõ ràng, những lời trách cứ này minh họa sống động cung cách đạo đức của những người Pha-ri-sêu, họ tự hào tự phụ tuân giữ nghiêm nhặt Lề Luật, kiêu hãnh mình là người công chính mà khinh chê lên án những người khác. Chân dung của người con cả này là lời mời gọi vượt qua thái độ duy luật để mở rộng tấm lòng trước tình thương yêu.
Tấm lòng nhân hậu của người cha:
“Nhưng cha cậu năn nỉ”: Cách xử sự của ông đối với đứa con thứ hoang đàng như thế nào thì cách xử sự của ông đối với đứa con cả bất khoan dung cũng như vậy. Vì đứa con cả giận dỗi không chịu tham dự niềm vui đoàn tụ, người cha ra ngồi bên cạnh cậu và năn nỉ cậu. Vả lại, ông nói với cậu bằng một cung giọng nhất mực trìu mến. Ông yêu thương hai đứa con mình như nhau; ông muốn giúp cậu khám phá chiều kích tình yêu này. Tình phụ tử không làm tổn thương đến sự công bình nhưng vượt quá sự công bình.
Để đáp lại lời trách cứ của cậu: “Cha coi, đã bao nhiêu năm con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh”, người cha trả lời: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha” như một lời nhắc khéo cho cậu hiểu điều mà ông cần là “tình cha con” chứ không phải là “nghĩa chủ tớ”. Để đáp lại lời trách cứ của cậu về một con dê con để ăn mừng với chúng bạn chỉ là niềm ước mơ, người cha trả lời: “Tất cả những gì của cha đều là của con”. Để đáp lại thái độ dứt tình đoạn nghĩa của cậu đối với người em hoang đàng: “Còn thằng con của ông đó, sau khi đã nuốt hết của cải của ông với bọn điếm, nay trở về, thì ông lại giết bê béo ăn mừng”, người cha từ tốn trả lời: “Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”.
Như vậy, dụ ngôn này trước đây thường được đặt nhan đề là “đứa con hoang đàng”, nhưng phải được gọi “tấm lòng nhân hậu của người cha” mới đúng, bởi vì nhân vật chính trong câu chuyện không phải là đứa con thứ hoang đàng cũng không phải người con cả bất khoan dung mà là tấm lòng nhân hậu của người cha. Phải nói rằng đứa con thứ hoang đàng cũng như người con cả bất khoan dung chẳng qua chỉ để thắp sáng tấm lòng nhân hậu của người cha mà thôi. Vì thế, câu chuyện này được đọc trong Mùa Chay Thánh này không chỉ mời gọi những tội nhân mà cả những người tự cho mình công chính cũng cần đến việc ăn năn sám hối, vì điều Thiên Chúa cần ở nơi mỗi người chúng ta là tấm lòng của người con đối với Cha trên trời của mình và tình nghĩa anh em trong tình yêu của Cha.
(*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt
THIÊN CHÚA LÀ CHA GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT- Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện đứa con hoang đàng hối hận trở về và được Cha mở rộng vòng tay tha thứ. Chúng ta là những đứa con hoang đàng và Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót luôn chờ đón chúng ta trở về để tha thứ và phục hồi tư cách làm con. Thánh lễ hôm nay là một dịp tốt để chúng ta trở về.
Gợi ý sám hối
Chúng ta hãy mượn lời đứa con hoang đàng để bày tỏ với Chúa tâm tình sám hối chân thành:
- Thưa Cha, con thật đắc tội vì đã rời bỏ nhà Cha để chạy theo những cám dỗ của thế gian.
- Thưa Cha, con thật đắc tội vì đã không yêu thương anh chị em của con.
- Thưa Cha, con thật đắc tội vì đã nuông chìu xác thịt mà làm mất lòng Cha.
Lời Chúa
*1. Bài đọc I (Gs 5,9-12)
Giai đoạn thứ ba của lịch sử cứu độ: Thiên Chúa cho dân Do Thái được vào chiếm hữu đất hứa.
- Việc đầu tiên khi vừa vào Đất Hứa là cử hành Lễ Vượt Qua. Lễ này được ấn định sẽ cử hành hàng năm từ đó về sau vào ngày 14 tháng Nisan, nhằm giúp dân Do Thái luôn nhớ đến lòng thương xót của Thiên Chúa đối với họ.
- Sau khi dân đã vào Đất hứa rồi thì manna không còn rơi xuống nữa, vì từ nay họ sẽ sống bằng hoa màu của đất đai mà Thiên Chúa ban cho họ.
*2. Đáp ca (Tv 33)
Ca tụng lòng thương xót của Thiên Chúa.
*3. Tin Mừng (Lc 15,1-3.11-32)
Dụ ngôn người cha nhân từ: Hình ảnh người Cha trong bài Tin Mừng minh họa rất sống động tấm lòng nhân từ bao la đến độ không thể ngờ của Thiên Chúa.
11-12 – “Xin cha ban cho con phần gia tài thuộc về con”: Thông thường cha chỉ chia gia tài cho các con khi gần chết. Tuy thực tế có những trường hợp cha chia gia tài cho con ngay lúc ông còn mạnh khoẻ (x Tb 8,21), nhưng đó là tự ý người cha chứ không do đòi hỏi của con. Hơn nữa sách Huấn ca, 1 quyển sưu tập những lời dạy khôn ngoan, đã khuyên đừng bao giờ làm như thế bởi vì “nắm tiền là nắm quyền”, khi đã chia gia tài cho con rồi thì không còn điều khiển chúng nỗi nữa, trái lại có thể còn bị chúng ngược đãi (Hc 33,20-24). Người cha trong dụ ngôn này đã không khôn ngoan tính kỹ như vậy, vì ông quá thương con.
- Người cha này là hình ảnh của Thiên Chúa. Nhiều người trách Thiên Chúa sao quá hiền lành không trừng phạt “nhãn tiền” những người tội lỗi. Nhưng Thiên Chúa đã yêu thương loài người nên khi dựng nên loài người thì đã ban cho họ Tự Do. Mà tự do nghĩa là có thể vâng lời hoặc không vâng lời Thiên Chúa. Vậy không nên trách Thiên Chúa mà chỉ nên cám ơn Thiên Chúa đã quá yêu thương loài người. Có trách là trách loài người đã xử dụng sai quyền tự do của mình.
13-20a Sau khi lãnh gia tài, đứa con thứ liền ra đi sống bê tha phung phí hết của cải và rơi vào tình trạng khốn khổ.
- “Chăn heo”: người Do Thái coi heo là đồ ghê tởm. Thịt heo họ còn không ăn. Thế mà đứa con này phải đi chăn heo. Tệ hơn nữa là muốn ăn thức ăn của heo mà còn không được. Nghĩa là tình trạng xuống dốc đến tột cùng.
- Trong lúc xuống dốc tột cùng như thế, nó muốn quay trở về với cha. Đây cũng là tâm lý của kẻ tội lỗi: khi sung sướng thì quên Chúa, quên đạo lý. Lúc khổ sở mới biết hối hận.
- Trước lúc quay về, nó soạn sẵn 1 bài tự thú. Ta hãy chú ý là bài tự thú này khá dài (2 câu 18-19)
20b Câu này chứa nhiều chi tiết chứng tỏ tình thương vô bờ bến của người cha nhân lành:
- “Khi cậu còn ở đàng xa, Cha cậu trông thấy”: Một người cha bình thường khi con bỏ nhà ra đi thì tức giận và có thể còn từ con luôn. Nhưng người cha này không như vậy. Chi tiết ông trông thấy con từ xa có nghĩa là sau khi nó ra đi ông rất thương tiếc nó, thường xuyên đứng trước ngõ trông chờ nó, nhờ đó mới thấy bóng dáng nó từ đàng xa. Ý nghĩa: khi con người đi đàng tội lỗi, TC không từ bỏ con người nhưng luôn trông chờ con người hối hận quay về.
- “Liền động lòng thương”: Đối với những người cha bình thường, cho dù độ lương bao nhiêu đi nữa với đứa con ngỗ nghịch bỏ nhà ra đi, khi thấy nó về thì phản ứng đầu tiên là chửi mắng, hoặc ít ra là lạnh nhạt. Người cha này không thế, phản ứng đầu tiên của ông là “liền động lòng thương”.
- “Chạy lại”: Ta nên hiểu chi tiết này theo tâm lý người phương đông. Những người phương đông (trong đó có Do Thái) giỏi kềm chế cảm xúc của mình, nhất là những người đàn ông. Đàn ông càng lớn tuổi càng phải đi đứng chửng chạc. Nhưng người cha phương đông trong dụ ngôn này chẳng những không kềm chế tình cảm mà còn “chạy”! Vì tình cảm thương con quá lớn, ông không kềm chế nỗi nữa rồi.
- “Ôm vào lòng hôn con tha thiết”: cử chỉ này không chỉ là biểu lộ một tình thương mãnh liệt mà còn có ý nghĩa tha thứ. Ôm hôn là biểu lôï sự tha thứ (xem chuyện Đavít ôm hôn tha thứ cho Absalom ở 2Sm 14,33). Đáng chú ý là khi đó đứa con chưa mở lời xin lỗi.
21-24 – Khi đó đứa con bắt đầu đọc bài tự thú mà nó đã học thuộc lòng. Nên lưu ý là nó đọc chưa xong thì người cha đã không nghe nữa. Ông không cần lời lẽ của nó, nguyên việc nó quay về với ông đã đủ. Ông còn bận tổ chức tiệc mừng.
- “Mau mau đi”: tha thứ nhanh chóng, nôn nóng mở tiệc mừng.
- “Đem áo dài tốt nhất mặc cho cậu”: Áo chỉ thân phận của người mặc áo. Đứa con này đã đánh mất chiếc áo làm con để thay vào chiếc áo chăn heo. Nay nó được cho mặc “áo dài tốt nhất” tức là nó được trả lại quyền làm con. Chú ý là nó đã tự thú “Con không đáng cha nhận làm con cha nữa. Xin cha cứ coi con như đứa làm thuê”.
- “Đeo nhẫn vào tay”: nhẫn là món chỉ có những người quý phái mới mang.
- “Xỏ giầy vào chân cậu”: theo tục lệ Do Thái, đầy tớ không mang giầy (mà chỉ xách giầy cho chủ).
- “Bắt con bò tơ chúng ta đã nuôi cho béo”: không phải bất cứ con bò béo nào, mà con bò “chúng ta đã nuôi cho béo”. Nghĩa là người cha đã dự trù sẵn bữa tiệc mừng này nên đã chỉ định một con bò phải nuôi cho béo. Một chi tiết nữa cho ta thấy người cha lúc nào cũng trông con quay về.
c.29 Phần thứ hai của dụ ngôn nói về người anh
- “Bao nhiêu năm trời tôi phục vụ ông”: biệt phái và thông giáo cũng nghĩ rằng họ “phục vụ” Thiên Chúa hết lòng bằng cách tuân giữ mọi lề luật không sai phạm chút nào.
c.30 “Thằng con của ông đó”: người con trưởng không coi người con thứ là em mình.
c.32 “Em con đây”: người cha sửa lại lời lẽ sai lầm của người con trưởng.
Thật là 1 dụ ngôn cảm động. Những nét mô tả tình cảm của người cha trong dụ ngôn này khó mà có được nơi một người cha bình thường trong thế gian này mà chỉ có thể áp dụng vào Thiên Chúa nhân lành vô cùng.
*4. Bài đọc II (2 Cr 5,17-21)
Chúa Giêsu Kitô đã hòa giải loài người tội lỗi lại với Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Giáo Hội có sứ mạng làm cho những ơn ích của sự hòa giải ấy được đến với mọi người.
Gợi ý giảng
* 1. Thiên Chúa giàu lòng thương xót
Gandhi kể rằng khi ông 15 tuổi, ông đã ăn cắp của anh mình một đồng tiền vàng. Tuy nhiên sau đó ông rất áy náy nên quyết định thú tội với cha mình. Ông viết lên một tờ giấy những gì mình đã làm, sau đó xin cha tha thứ, và cuối cùng hứa sẽ không tái phạm nữa. Khi ấy cha ông đang bệnh phải nằm trên giường. Gandhi đến đưa tờ giấy cho cha và hồi hộp chờ cha xét xử. Người cha ngồi dậy, cầm tờ giấy, trong khi ông đọc thì hai dòng lệ từ đôi mắt ông chảy xuống. Gandhi cũng không cần được nước mắt mình. Cuối cùng khi đã đọc xong, người cha không hề nổi giận và cũng chẳng trách móc Gandhi lời nào. Ông ôm chầm lấy con và sung sướng vì con mình đã biết hối hận.
Cảm nghiệm được yêu thương ngay khi mình còn tội lỗi là một cảm nghiệm vô cùng sâu sắc đối với Gandhi. Sau này ông nói: “Chỉ có người nào đã trải qua cảm nghiệm về loại tình yêu như thế mới có thể hiểu được nó thôi”.
Đó cũng là cảm nghiệm của đứa con hoang đàng trong bài Tin Mừng hôm nay. Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn giúp chúng ta hiểu được lòng thương xót bao là của Thiên Chúa là Cha chúng ta. Ngài muốn nói với chúng ta rằng: Nếu chúng ta phạm tội thì Thiên Chúa vẫn yêu thương chúng ta. Ngài không những không bớt thương mà còn thương nhiều hơn nữa. Không phải đợi chúng ta trở nên hoàn hảo thì Thiên Chúa mới thương, mà Ngài yêu thương chúng ta chính vì chúng ta tội lỗi, yêu thương ngay khi chúng ta còn trong tội lỗi.
Tất cả chúng ta, dù nhiều hay ít, đều là những người tội lỗi. Nhưng chính trong tội lỗi và qua tội lỗi mà chúng ta cảm nhận được lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu chúng ta không bao giờ phạm tội thì chúng ta cũng không bao giờ cảm nhận được niềm vui được tha thứ. Nói thế không có nghĩa là chúng ta cứ tha hồ phạm tội. Nói như thế là để chúng ta càng hiểu được tấm lòng của Thiên Chúa. (FM)
* 2. Những con tim
Dụ ngôn này là một câu chuyện về những con tim:
– Con tim ích kỷ và con tim quảng đại.
– Con tim hẹp hòi và con tim rộng mở.
– Con tim lạnh lùng và con tim nồng ấm.
– Con tim tan vỡ và con tim vui mừng.
– Con tim sám hối và con tim không sám hối.
– Con tim biết tha thứ và con tim không thứ tha.
– Con tim oán giận và con tim biết ơn. (Theo FM)
* 3. Người con gái hoang đàng
Dụ ngôn người con trai hoang đàng đã khiến Anon liên tưởng tới hoàn cảnh của những người con gái hoang đàng. Anon có những dòng mà đại ý như sau:
Biết bao thi sĩ đã viết nên những bài thơ đẹp nói về tình thương tha thứ của người cha và hạnh phúc của người con trai hoang đàng khi nó trở về. Nhưng đối với những người con gái hoàng đàng thì sao?
Người con gái hoang đàng cũng có thể quay về ngôi nhà mình đã bỏ đi. Nhưng không có gì còn giống như trước: Áng mây mờ vẫn còn nấn ná trên nét mặt những người thân; lại còn những lời chế diễu dèm pha của bà con lối xóm.
Có lẽ vì thế mà khi người con gái hoang đàng còn đang bơ vơ trên những nẻo đường lưu lạc, chỉ cần nghĩ đến những môi miệng cong cớn đó là không còn chút can đảm nào để trở về.
Vậy, hãy mở rộng cửa để đón người con trai hoang đàng trở về; hãy giết bò, hãy mở tiệc ăn mừng.
Nhưng xin đừng đóng sập cánh cửa trước mặt người con con gái hoang đàng trở về, bởi vì, hãy nhớ đừng quên, nàng cũng có một linh hồn.
* 4. Trừng phạt và tha thứ
Người con hoang đàng biết mình xứng đáng bị trừng phạt và sẵn sàng chờ đợi bị trừng phạt.
Thế nhưng người cha không trừng phạt, mà tha thứ.
Trừng phạt giống như dội một thùng nước lên que củi sắp tàn. Kết quả là ngọn lửa tắt ngúm.
Tha thứ giống như thổi hơi vào tàn lửa sắp tắt, giúp cho ngọn lửa lại bùng lên. (FM)
* 5. Trong đôi mắt cha
Một cô bé đang ngồi trên gối mẹ, chợt lên tiếng hỏi mẹ:
– Mẹ ơi, con có thể nhìn thấy lòng mẹ không?
Bà mẹ đáp:
– Mẹ không biết, nhưng con có thể nhìn vào mắt mẹ xem có thấy gì trong đó?
Cô bé nhướng mắt nhìn chăm chú vào đôi mắt người mẹ, rồi sung sướng kêu lên:
– Mẹ ơi! Con nhìn thấy lòng mẹ rồi, ở đó có một cô bé tí xíu là chính con đó mẹ ạ?
*
Trong đôi mắt của cha mẹ, con cái là tất cả. Trong đôi mắt Thiên Chúa chỉ có con người, nhất là những con người tội lỗi đáng thương. Vua Đavít đã cầu nguyện cùng Chúa: “Xin giữ gìn con như thể con ngươi, dưới bóng Ngài, xin thương che chở” (Tv 17,8).
Vâng, tấm lòng yêu thương khôn tả của Thiên Chúa đã được Chúa Giêsu bày tỏ trong dụ ngôn “Người cha nhân hậu”. Một người cha rất đỗi hiền từ, luôn tôn trọng tự do của con cái, sẵn sàng trao phần gia tài cho người con thứ. Sau khi anh ta đã “sống phóng đãng, phung phí hết tài sản” trở về, người cha ấy cũng không trách mắng, nghiêm phạt, từ con. Trái lại, khi thấy bóng dáng cậu từ xa, ông đã vội vã chạy đến ôm chầm lấy cậu hôn hít vui mừng đến chảy nước mắt.
Lòng nhân hậu, yêu thương, tha thứ đã khiến ông quên hết lỗi lầm của đứa con hoang đàng, mà chỉ còn thấy trước mặt ông, trong vòng tay âu yếm, là đứa con ông hằng mòn mỏi đợi trông. Đứa con mà ông tưởng đã mất vĩnh viễn nay lại tìm thấy được. Ông vui sướng mở tiệc liên hoan, đàn ca múa hát, ăn mừng người con trở về. Một cuộc đón tiếp quá sức nồng hậu, ngoài sức tưởng tượng của đứa con.
Người anh đi làm về, chẳng những đã không vui mừng mà con nổi giận, trách móc cha già, khiến ông lại phải nhẫn nhục ra tận cổng phân trần, năn nỉ, mời cậu vào nhà chung vui với ông và gặp lại đứa em “đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”. Ông khẳng định với cậu rằng: “Tất cả những gì của cha đều là của con” (Lc 13,31).
Đó là câu chuyện có thật về một Thiên Chúa yêu thương, quảng đại, và hay tha thứ. Một Thiên Chúa không thích dùng hình phạt nhưng luôn tỏ lòng khoan dung. Một Thiên Chúa giàu lòng thương xót. “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 135).
Chỉ tiếc một điều là người anh cả đã không chịu vào nhà. Anh không chịu vào vì anh không thể tha thứ cho người em lầm lỡ. Anh không chịu vào vì anh sợ quyền lợi của anh bị xâm phạm. Anh không chịu vào vì anh không hiểu được tấm lòng quá nhân hậu bao dung của người cha.
Hoá ra, bấy lâu nay anh sống trong nhà cha mà như ở bên ngoài: Anh không trái lệnh cha chỉ để tròn bổn phận chứ không phải vì yêu mến cha. Anh không hề gọi người em mình là “em tôi” mà là “đứa con của cha kia”. Anh không cảm thông với người em lầm lỡ, cũng không chia sẻ nỗi khổ của người cha mất con.
Anh chỉ nghĩ về mình, quyền lợi của mình, hạnh phúc của mình. Anh là người đại tiện cho nhóm Pharisêu và các kinh sư, luôn tự hào về đời sống đạo đức của mình, và muốn cho những kẻ tội lỗi phải chết hơn là được cứu chữa.
Vậy cả hai người con đều phải quay trở về vôi cha, cả hai đều phải bước vào nhà cha, cả hai đều phải rũ bỏ nếp sống cũ, nếp nghĩ xưa để về ẩn mình trong trái tim cha: Nhân hậu, bao dung, tha thứ và tròn đầy yêu thương.
Trở về với cha là giang tay ôm lấy người em lầm lỡ.
Trở về với cha cũng là về với anh em, con cùng một cha.
Trở về với cha để thấy mình là tất cả, trong đôi mắt cha.
*
Lạy Chúa. tình Chúa lớn hơn tội lỗi chúng con bội phần. Xin cho chúng con mỗi lần được Chúa thứ tha cũng biết rộng lượng tha thứ cho nhau, để mỗi ngày chúng con càng nên xứng đáng với Chúa. Amen. (TP)
* 6. Mảnh suy tư
– “Lúc đứa con hoang đàng quỳ gối xuống và khóc là lúc nó biến những khoảng thời gian phung phí cuộc đời với bọn đĩ điếm, với việc chăn heo, với việc ăn cháo heo cho đỡ đói thành những khoảng thời gian đẹp nhất và thánh thiện nhất trong đời nó. Dễ có mấy ai ý thức được như vậy. Tôi dám nói rằng cần phải vào tù mới hiểu được điều đó. Và nếu thế thì có vào tù cũng đáng lắm chứ” (Oscar Wilde)
– Chẳng có gì khó khi trở về nhà như một vị anh hùng với những chiến công hiển hách. Nhưng trở về nhà với vóc dáng tả tơi, hai bàn tay trắng và một con tim tan nát vì mặc cảm tội lỗi là một điều khó vô cùng.
– Đứa con hoang đàng biết mình đáng bị trừng phạt. Do đó nếu người cha trừng phạt thì nó cũng sẵn sàng chịu đựng. Lòng nó nhẹ đi. Nhưng nó không vui. Chính sự tha thứ của người cha mới đem lại cho nó niềm vui thực sự.
– Các vị thánh làm chứng về ân sủng và lòng trung thành của Thiên Chúa. Còn những người tội lỗi thì làm chứng về tình thương và lòng thương xót của Ngài.
Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế: Anh chị em thân mến, Thiên Chúa là một người Cha giàu lòng thương xót. Người không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó sám hối ăn năn để được sống. Tin tưởng vào tình thương tha thứ của Chúa, chúng ta cùng dâng lời cầu xin:
- Hội thánh là một người mẹ hiền luôn thương yêu con cái của mình / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các vị mục tử / luôn thể hiện tình thương trong cung cách xử sự thường ngày.
- Hiện nay / tình trạng thanh thiếu niên bỏ nhà ra đi bụi đời rất đáng báo động / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các bậc cha mẹ / luôn sống hòa thuận yêu thương nhau / và nhất là quan tâm giáo dục con cái của mình.
- Phải từ bỏ nếp sống tội lỗi mà quay về với Chúa / là điều mà người Kitô hữu cần thực hiện trong mùa Chay thánh này / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi tín hữu biết đoạn tuyệt với tội lỗi / để xứng đáng đón mừng đại lễ Phục sinh.
- Ganh tỵ và ghen ghét gây ra biết bao đau khổ cho con người / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết cố gắng sống bác ái yêu thương như Chúa dạy / nhờ đó dẹp bỏ được những tật xấu đáng ghét này.
Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nói: Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em yêu thương nhau. Xin Chúa ban ơn giúp sức để chúng con có thể sống trọn vẹn lời Chúa đã dạy. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
Trong Thánh Lễ
– Trước kinh Lạy Cha: Chúng ta thật hạnh phúc vì được làm con của Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Vậy chúng ta hãy dâng lên Ngài những tâm tình kính mến chân thành của chúng ta.
Giải tán
Hôm nay chúng ta đã cảm nhận được lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa là Cha chúng ta. Bây giờ chúng ta hãy là những sứ giả loan báo cho mọi người về lòng nhân từ thương xót bao la ấy. Chúc anh chị em luôn bình an.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam