Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 39
Tổng truy cập: 1372778
TẦM QUAN TRỌNG CỦA ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH
Tầm quan trọng của đời sống gia đình
Giáo hội thiết lập Lễ Thánh gia để chỉ cho ta thấy cái tầm quan trọng của đời sống gia đình, và cái gương mẫu của gia đình thánh. Chính Chúa Giêsu đã chỉ cho ta thấy cái tầm quan trọng của đời sống gia đình qua cuộc đời của Người tại thế. Chúa chỉ dành có ba mươi năm - nhiều hơn 10 lần - sống trong trong bầu khí gia đình, có Mẹ có Cha, để thu thân luyện đức. Theo chương trình quan phòng của Thiên Chúa, trinh nữ Maria được chọn làm mẹ Đấng cứu thế. Còn thánh Giuse được chọn làm cha nuôi để săn sóc cho gia đình thánh. Chúa Giêsu bắt đầu sống trong gia đình theo nhân tính của Người như mỗi người để giúp ta dễ liên kết với Người.
Gia đình đời nay lớn hay nhỏ là đá tảng của đời sống quốc gia. Trong quá khứ, nhiều quốc gia đã muốn tiêu diệt đơn vị gia đình, nhưng thất bại. Sống và lớn lên không có gia đình, người ta có thể mất đi cái thăng bằng về đời sống tâm linh và tình cảm. Khi gia đình đổ vỡ, những căn tính về phái tính về gia đình của con cái sẽ bị thuyên giảm. Nói theo phương diện đạo đức thì gia đình là một đơn vị tôn giáo đầu tiên. Chính trong bầu khí an toàn và cái khung cảnh ấm cúng của gia đình mà những giá trị nhân bản, luân lý và đạo giáo được truyền đạt xuống cho con cháu và con cháu học được những việc làm đạo hạnh của ông bà cha mẹ.
Thiên Chúa biết rõ trước khi Người tạo dựng A-đam và Ê-va. Sách Sáng Thế Sử ghi lại: Thiên Chúa tác thành con người theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1,26). Thiên Chúa hài lòng với công việc Người tạo dựng, chúc lành cho người nam và người nữ, và phán: Hãy sinh sản cho đầy mặt đất, và khắc phục đất đai (St 1,28). Thiên Chúa tạo dựng người nam và người nữ để làm thành gia đình, có cha có mẹ và con cái để yêu thương săn sóc lẫn nhau. Sợi dây ràng buộc gia đình lại với nhau là tình yêu. Chính tình yêu đã khiến Chúa Giêsu mặc lấy thân xác loài người và sinh ra giữa nhân loại. Chính tình yêu đã khiến trinh nữ Maria chấp nhận địa vị làm mẹ Đấng cứu thế. Chính tình yêu đã khiến thánh Giuse đưa Hài nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập (Mt 1,25).. Và cũng chính tình yêu đã đưa gia đình thánh trở về Na-za-rét. Ở đó thánh Giuse cung phụng cho gia đình thánh như có thể bằng cách làm nghề thợ mộc. Giáo hội thánh hoá đời sống gia đình qua Bí tích hôn phối. Giáo hội coi Bí tích hôn phối là thánh thiện vì đời sống nhân loại mong được thánh thiện nếu muốn được phản ảnh Gia đình thánh. Gia đình thánh nêu ra tấm gương mà mỗi gia đình tốt phải noi theo. Gia đình Na-gia-rét được gọi là thánh, không phải chỉ tại Chúa Giêsu là thánh, mà còn tại Gia đình thánh đã đem ra thực hành những lời khuyên dạy khôn ngoan mà người Do thái đã tích lũy cho đời sống gia đình hạnh phúc. Đó là điều mà bài sách Huấn ca hôm nay dạy ta: Ai vâng lệnh Chúa, sẽ làm cho mẹ an lòng (Hc 3,6). Điều đó có nghĩa là người mẹ sẽ được hạnh phúc khi con mình vâng lệnh Chúa là nguồn mạch mọi sự khôn ngoan.
Giáo hội trình bày Gia đình Na-gia-rét là Gia đình lý tưởng cũng ý thức được những khiếm khuyết mà có thể làm ly tán bất cứ đời sống gia đình nhân loại nào. Đó là lý do tại sao trong thư gửi tín hữu Co-lo-sê thánh Phaolô khuyên họ làm sao sống tinh thần Ki-tô giáo. Thánh nhân khuyên họ hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau và hãy tha thứ cho nhau (Cl 3,12-13). Trong gia đình, các phần tử được kêu gọi mang trách nhiệm cho nhau. Thành phần tàn tật, thành phần đổ vỡ trong gia đình phải được coi là thành phần trong gia đình. Và thành phần quá cố trong gia đình cũng phải nằm trong lời cầu nguyện của gia đình.
Gia đình thánh mà Giáo hội mừng lễ hôm nay phải là mẫu mực cho mọi gia đình noi theo. Mỗi phần tử trong gia đình có thể bắt chước được những gì nơi Chúa Hài nhi, nơi mẹ Mara, nơi thánh Giuse? Và ta cũng cầu nguyện cho sự thành đạt và hạnh phúc cho đời sống gia đình.
27. Thánh hóa gia đình – AM Trần Bình An
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam được sự hỗ trợ của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam vừa qua đã công nhận kỷ lục cặp vợ chồng cao tuổi nhất Việt Nam thuộc về vợ chồng cụ Cao Viễn (SN 1908) và Vũ Thị Hai (SN 1914) ở làng Phượng Lịch, xóm Hai, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, Nghệ An.
Cụ Cao Viễn chia sẻ bí quyết sống lâu của hai cụ là sống thật lạc quan và vui vẻ. Dù đều đã bước qua tuổi 100 nhưng hai cụ vẫn còn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Cụ ông Cao Viễn vẫn còn rất lanh lợi. Hai cụ vẫn có thể đọc báo, xem ti vi, làm những công việc trong gia đình, nuôi dạy các cháu, chắt. Cụ ông vẫn viết nhật ký, làm thơ, viết chữ với những nét rõ ràng khiến nhiều người trẻ phải bái phục.
Vừa mở chiếc ti vi nhỏ của gia đình cụ, ông Cao Viễn vừa tâm sự: “Tôi rất thích xem các chương trình thời sự, tin tức và đọc báo. Thấy chúng tôi sống “lâu quá”, người ta cứ đồn thổi rằng chúng tôi có bí quyết, hay thuốc gia truyền gì. Nhưng điều đó là hoàn toàn không có. Chúng tôi cũng chỉ ăn uống bình thường, thậm chí có thời gian còn không có cháo mà ăn ấy chứ”, nói đoạn cụ ông Cao Viễn nhìn sang vợ mình cười hạnh phúc.
Hai cụ kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện từ nạn đói 1945. Lúc đó các con còn nhỏ, hai vợ chồng cụ phải chia bát cháo ít ỏi cho các con ăn cầm hơi. Rồi đến những ngày đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh, lúc cụ ông lên đường nhập ngũ, rồi lần lượt các con cũng ra chiến trận. Trong trí nhớ của hai cụ, lịch sử vẫn còn vẹn nguyên, không hề bị xáo trộn.
Lấy nhau sinh được 8 người con (3 trai, 5 gái), hiện hai cụ đã có 34 cháu nội, ngoại. Cùng nhau bước qua thế kỷ thứ 2, đôi vợ chồng già vẫn vẹn nguyên những hạnh phúc như thuở ban đầu.“Ngày trước có những năm đến cháo không có mà ăn gia đình phải đào cả củ chuối, nhặt từng cái rễ khoai mà ăn chứ nói đến thuốc thang hay bí quyết gì để mà sống được lâu. Nhưng với vợ chồng chúng tôi, khi nào gia đình cũng phải vui vẻ lạc quan, sống nhân đức, hòa thuận. Khó khăn thì phải cùng nhau khắc phục chứ không được cãi cọ hay mâu thuẫn. Như vậy mình mới sống được mà không đau ốm bệnh tật và sống được lâu với con cháu” - cụ bà Vũ Thị Hai chia sẻ về cuộc sống hạnh phúc của gia đình vợ chồng mình suốt 2 thế kỷ qua.
Hiện tại con cháu hai cụ đều đã ra ở riêng, thỉnh thoảng mới đến chăm sóc được bố mẹ. Vì vậy mọi sinh hoạt thường nhật từ bữa cơm, giấc ngủ hai vợ chồng cụ đều tự lo liệu. Tất cả mọi công việc hai cụ đều cùng nhau làm, từ xem ti vi, dọn dẹp nhà cửa đến nấu một nồi cháo. Cũng vì cuộc sống viên mãn, trường thọ của hai cụ mà người dân trong vùng thường xuyên nhờ hai cụ làm người chúc phúc lành cho những cặp vợ chồng mới cưới. (Nguyễn Tình - Lany Nguyễn, Dân Trí, Cặp vợ chồng cao tuổi nhất Việt Nam chia sẻ bí quyết trường thọ)
Hôm nay, Hội Thánh long trọng mừng Lễ Thánh Gia, khuôn mẫu lý tưởng cho mọi gia đình sống hạnh phúc, bình an và vững bền. Khi tất cả thành viên gia đình đều quy hướng về Đức Giêsu, luôn là trọng tâm của mỗi người, thì cuộc sống gia đình mãi ổn định và phát triển.
Sống cùng
Mẹ Maria được sứ thần Gabriel loan báo vinh dự được làm Mẹ Đấng Cứu Thế, cũng như Người Công Chính, Thánh Giuse được báo mộng đón nhận bổn phận cao cả làm cha nuôi Đức Giêsu. Cả hai đấng cùng nhau đồng tâm thực hiện Thánh Ý Chúa trao phó, mặc bao gian nan, thử thách. Cùng nhau lận đận về quê Bêlem, khi Mẹ Maria sắp đến ngày lâm bồn. Chật vật, khó khăn, thiếu thốn khi sinh nở. Trốn tránh, tản cư, vượt biên, khi vua Hêrôđê tàn sát con trai đầu lòng. Thánh Gia vẫn bền vững trong bao cơn sóng gió, vì Thánh Giuse và Mẹ Maria luôn vâng theo Thánh Ý hướng dẫn, và luôn có Chúa ở cùng.
Bao lâu, có Chúa cùng đồng hành, thì gia đình vượt qua tất cả mọi nghịch cảnh, mọi thách đố, kể cả bệnh tật, tai ương, hoạn nạn. Có Chúa sống cùng trong tâm hồn, trong lời nói, trong hành xử, trong việc làm, mọi thành viên gia đình thảy đều đồng cảm, đồng tâm, đồng hành với nhau, như Thánh Phaolô khuyên sống hòa đồng, hòa hợp cùng nhau: “Vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12, 15).
Sống cho
“Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Lc 9, 23) Để có Chúa hiện diện trong tâm hồn, thì tiên quyết phải xả kỷ, từ bỏ bản ngã, cái tôi hẹp hòi, độc đoán bất nhân, bất nghĩa, bất khoan dung, để sống cho người, cho tha nhân. “Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.” Người Công Chính không so đo, tự ái, vị kỷ, không bối rối vương vấn, không sống theo ý riêng, quyết tâm vâng theo Thánh Ý Chúa, nhiệt thành, hăng say, cộng tác, phục vụ đắc lực chương trình Cứu Độ.
Mẹ khiêm hạ, tự xóa mình đi, sẵn sàng vâng theo Thánh Ý, khi thưa sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi, như lời sứ thần nói.” (Lc 1, 38) Mẹ hoàn toàn phó thác, sống cho Ơn Gọi.
Còn Đức Giêsu gặp lại cha mẹ sau ba ngày ở lại đền thờ giải đáp Kinh Thánh, cũng luôn tuân phục Thánh Giuse và Mẹ Maria. “Người đi xuống cùng vời cha mẹ, trở về Nadareth và hằng vâng phục các ngài. (Lc 2, 51) Thánh Phaolô cũng dạy dỗ con cháu biết hiếu thảo cha mẹ: “Con cháu phải học cho biết ăn ở hiếu thảo đối với gia đình mình, và đền ơn đáp nghĩa các bậc sinh thành. Đó là điều đẹp lòng Thiên Chúa.” (1Tm 5, 4).
Sống vì
Ông bà cụ Cao Viễn kể trên đã sống đúng theo truyền thống dân tộc: "Sống vì mồ mả, không sống vì cả bát cơm." Sống không phải bon chen, giành giựt, gian ác, làm giàu, mà nghĩ đến khi qua đời, làm sao mồ yên mả đẹp, để lo tu thân tích đức.Nên dù khó khăn, đói rách, các cụ vẫn vui vẻ chia sẻ, phục vụ lẫn nhau, con cháu và xóm giềng, mong để lại phúc đức cho con cháu hưởng nhờ. Người Kitô hữu có mục đích sống còn linh thiêng, cao quý hơn nữa. Đó là sống vì đạo. Trở nên chứng nhân của Đức Giêsu, giữa xã hội xô bồ tôn thờ bái vật.
Thánh Phaolô vạch rõ mục đích sống của Kitô hữu : “Không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa.Vì Đức Kitô đã chết và sống lại, chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết” (Rm 14,7-9).
Me Maria luôn sống vì Con Mẹ, đồng cảm, đồng hành cùng Người suốt 33 năm, âm thầm đau khổ trước thái độ chống báng và ám hại của thần quyền lẫn thế quyền đối với Con Mẹ, như ông Simêôn đã tiên tri: “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà.” (Lc 2, 5)
“Phần thứ nhất của tiệc cưới Cana là yêu thương và hưởng thụ, nhưng giữa tiệc cưới chỉ còn nước! Đôi tân hôn mới ý thức rằng: phương tiện mình hạn hẹp, tình yêu mình lạnh nhạt!
Phần thứ hai của tiệc cưới Cana là khám phá ra kho tàng đạo đức chưa được sử dụng, rượu sau ngon hơn rượu trước: Một tình yêu chân thực, một quả tim biết thắng mình, quên mình, trung thành và hiến dâng không đòi lui.” (Đường Hy Vọng, số 464)
Lạy Chúa Giêsu, xin Người dạy chúng con biết sống cùng nhau, chia sẻ ngọt bùi cay đắng, biết sống cho đi, phục vụ tha nhân, cũng như biết sống vì Chúa, làm chứng nhân Tình Yêu. Kính xin Người ban Đức Chúa Thánh Thần xuống cho chúng con, biết can đảm sống theo Lời Chúa.
Lạy Mẹ Maria, kính xin Mẹ cầu bầu, chỉ dạy chúng con noi gương Mẹ, luôn sống bên Chúa, luôn vâng theo Thánh Ý Chúa, cùng luôn chấp nhận đau thương vì Chúa. Amen.
28. Suy Niệm của Lm. Jos. Đăng
Con trẻ lớn lên, đầy khôn ngoan, ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người
Hôm nay chúng ta mừng kính Thánh Gia Thất: Chúa Giêsu, Đức Bà và Thánh Giuse, một gia đình gương mẫu cho mọi gia đình trên thế giới. Bài Tin Mừng cho chúng ta một hình ảnh của đời sống gia đình, dù đó là gia đình Thánh. Các Ngài đã chu toàn lề luật Do Thái lúc đó: "Đủ ngày thanh tẩy theo luật Môisen, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa... và cũng để dâng lễ vật cho Chúa". Chính tại nơi đó Thánh Thần Chúa đã tỏ cho ông Simêon và và Anna về ơn Cứu Độ của Thiên Chúa đối với dân Người. Cũng tại nơi đây, được ơn linh ứng, ông già Simêon đã tiên báo về sự tham gia của Đức Maria trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu sau này.
Nhìn vào xã hội ngày nay, nhiều nền tảng gia đình lung lay, rối loạn và khủng hoảng. Đây chính là lúc mỗi người tín hữu Kitô phải nhìn lại mình trong ơn gọi gia đình qua gương mẫu của gia đình Thánh Gia Thất mà củng cố gia đình trong đức tin và cuộc sống. Một trong những điều căn bản nơi hạnh phúc gia đình mà nhiều khi người ta quên lãng, tức mỗi thành viên gia đình biết trao tặng tình yêu thương và thời giờ cho nhau. Chúng ta thường mong đợi người khác quan tâm đến những nhu cầu vật chất và tinh thần của mình, nhưng chính chúng ta lại ít khi nhớ tới hoặc để ý tới nhu cầu của những người thân yêu của mình. Bởi vì tình yêu thương không phải là cho đi cái gì, mà chính là cho đi bản thân mình. Nhưng không thể nói được là chúng ta đã cho đi chính mình hay tận hiến nếu chúng ta còn là nô lệ "cái tôi" ích kỷ nơi chính bản thân mình. Bao lâu chúng ta biết biến đổi bản thân mình để chấp nhận một cuộc sống yêu thương nơi tương quan vợ chồng, cha mẹ với con cái, chúng ta sẽ thể hiện một sự tận hiến của tình yêu thương.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II hằng nhắc nhở chúng ta về sự thánh thiêng của gia đình khi ngài gọi gia đình là: "Nền tảng của Giáo Hội". Còn Đức Phaolô VI gọi gia đình là: "Cung Thánh của Giáo Hội", là "trường học đầu tiên của con cái, mà cha mẹ là thầy dạy". Thật vậy, gia đình là Giáo Hội đầu tiên, nơi tình yêu chung thủy của hai vợ chồng thể hiện như dấu chỉ tình yêu chung thủy giữa Chúa Kitô và Giáo Hội: gia đình nơi trẻ em được Rửa tội qua đức tin của cha mẹ, ông bà. Gia đình còn là trường học đầu tiên, nơi bàn ăn gia đình, các em được học hiểu ý nghĩa của Tiệc Thánh Thể trước khi các em được Rước lễ lần đầu; cũng nơi đó mỗi thành viên gia đình tha thứ cho nhau những lầm lỗi, để cho con cái học hiểu hiệu quả nơi nhiệm tích Hòa giải. Gia đình còn là nơi đặc biệt sống lời Chúa Giêsu đã phán: "Đâu có hai ba người hợp nhau cầu nguyện nhân danh Thầy, Thầy ở giữa họ" (Mt 18,20)
Như vậy, trong cuộc sống hôn nhân và gia đình, khi mỗi người chúng ta biết thành tâm tìm kiếm Chúa và phụng sự Ngài, chắc chắn mỗi gia đình sẽ thể hiện được ơn gọi sống Thánh giữa đời của mình, tìm được bình an hạnh phúc cho nhau ở trần gian và đạt được hạnh phúc vĩnh cửu quê trời. Vì Thiên Chúa luôn là chìa khóa của hạnh phúc nơi cuộc sống gia đình.
Ước mong mỗi bậc cha mẹ luôn là tấm gương của tình yêu chân thành, tình yêu vô vị lợi, của hy sinh, chấp nhận, tha thứ và quảng đại trong cuộc sống hôn nhân. Vì con cái chỉ có thể lớn lên, khôn ngoan, có ơn nghĩa cùng Thiên Chúa nếu như chúng cảm nhận một bầu khí thánh thiện đạo đức nơi cha mẹ, như gương lành của Đức Maria và Thánh Giuse khi xưa.
Ước mong con cái ngày nay biết nhìn gương Chúa Giêsu đã vâng lời khiêm hạ với Đức Mẹ và Thánh Giuse suốt 30 năm trường dưới mái nhà Nazareth để trở nên một tấm gương hiếu thảo cho mọi người con biết thực thi lệnh truyền của Thiên Chúa: Vâng lời và yêu mến cha mẹ. Vì niềm vui và hạnh phúc của cha mẹ cũng là nơi con cái mình.
Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta hãy cầu xin Chúa, nhóm lên trong mỗi phần tử trong gia đình ngọn lửa tình yêu Chúa để mỗi người biết sống trọn vẹn ơn gọi của mình, để gia đình chúng ta có hạnh phúc thật như gia đình Nazareth xưa. Amen
29. Bếp lửa
Lễ Giáng sinh là lễ của ánh sáng. Đêm Noel, không những trong ngôi thánh đường này, mà khắp nơi trên thế giới, ánh sáng rực rỡ hơn mọi ngày. Không phải chỉ là ánh sáng vật chất bên ngoài, nhưng chính là ánh sáng chân thật của Đấng Cứu thế bừng lên trong lòng thế giới. Sự kiện lớn lao ấy đã bắt đầu một cách khiêm tốn tại một nơi được dùng để nhốt thú vật, một nơi tối tăm hôi thối và ẩm ướt. Việc đầu tiên của thánh Giuse khi tới đó, là nhóm lên một bếp lửa, cho ấm áp và sáng sủa để dọn dẹp.
Trong triết học người ta thích định nghĩa ngôi nhà bằng bếp lửa. Nếu chỉ có bốn bức vách và hai mái che mưa nắng thì chưa được gọi là nhà, cần phải có một bếp lửa nữa mới thực sự là chỗ ở của con người.
Bếp lửa cần thiết không những để sưởi ấm mà còn để nuôi sống con người. Một trong những điểm làm cho con người khác hẳn con vật là biết dùng lửa. Khi bếp lửa được nhóm lên nơi hang đá Bêlem, thì chỗ cư ngụ của thú vật đã trở nên một tổ ấm, một mái nhà cho một gia đình nghèo khổ của thánh Giuse, Đức Mẹ và hài nhi Giêsu, cũng như đã trở nên một hình ảnh tượng trưng cho thế giới, cho nhân loại.
Thực vậy, từ đầu Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ và Ngài đã đem tình thương của Ngài đặt vào đó, và thế giới này trở thành một quê hương, một tổ ấm của con người. Thế nhưng con người đã từ chối tình thương ấy, khi xua đuổi Thiên Chúa. Con người đã dập tắt bếp lửa yêu thương mà Thiên Chúa đã nhóm lên trong lòng họ. Từ đó, chỗ ở của họ đã trở thành hoang vu, tình thương đã bị thay thế bằng hận thù, sự thật đã bị thay thế bằng gian tham lừa đảo.
Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn không bỏ mặc con người. Ngài đã sai con Ngài sinh ra trong cảnh tiêu điều tăm tối, để nhóm lại bếp lửa, biến đổi nơi hoang tàn trước kia trở thành một tổ ấm. Đức Kitô đã trở nên anh em của loài người. Ngài đã qui tụ tất cả lại trong gia đình con cái Thiên Chúa.
Vì vậy tiên tri Isaia đã xác quyết: Nhân loại bước đi trong u tối đã nhìn thấy ánh sáng chan hòa. Anh sáng ấy, ngọn lửa ấy không phải là của một que diêm, một bó đuốc, nhưng là của mặt trời. Đức Kitô là mặt trời công chính soi chiếu khắp chốn trần gian. Ngài là tình thương của Thiên Chúa sưởi ấm loài người.
Kể từ nay, thế giới biến thành một tổ ấm, một gia đình của con cái Thiên Chúa, vì có bếp lửa là chính Chúa Giêsu ở giữa. Hôm nay, ánh sáng không phải chỉ bao trùm trên những người chăn chiên, mà còn bao trùm trên toàn thể Bêlem, toàn thể xứ Giuđêa và toàn thể địa cầu.
Thế nhưng Bêlem vẫn ngủ mê, Giuđêa vẫn đắm chìm trong quên lãng và nhân loại vẫn vùi sâu trong lầm lạc. Chỉ có những tấm lòng đơn sơ nhỏ bé như những người chăn chiên mới đón nhận được ánh sáng ấy.
Đức Kitô đã biến thế giới này trở thành một tổ ấm, một gia đình cho những người con cái Thiên Chúa, nhưng điều ấy có ý nghĩa gì nếu chính gia đình nhỏ bé của chúng ta vẫn hoang tàn lạnh lẽo thiếu hẳn hơi ấm yêu thương, chỉ còn là một chỗ cho cãi cọ, xích mích và đay nghiến.
Bởi đó, hãy nhóm lại bếp lửa yêu thương cho gia đình chúng ta. Đây không phải là một chuyện quá khó, bởi vì lễ Giáng sinh nhắc cho chúng ta nhớ rằng: Anh sáng mặt trời đã tràn ngập, chỉ cần mở rộng cửa cho ánh sáng ấy tràn vào. Hãy đón Chúa Giêsu vào nhà để Ngài qui tụ mọi người thành con cái Thiên Chúa.
Hãy để tình yêu Ngài tràn ngập hầu gia đình chúng ta thực sự là một mái ấm đầy tràn hạnh phúc của những người con Thiên Chúa.
30. Dung mạo
Hoàng đế của một vương quốc hùng cường và thịnh vượng, một ngày kia đã triệu tập các nghệ nhân từ khắp các nước đến dự một cuộc tranh tài. Cuộc thi mô tả dung mạo hoàng đế.
Các nghệ nhân An Độ đến với đầy đủ dụng cụ và các loại đá hoa cương quí hiếm. Các nghệ nhân Acmêni mang theo một loại đất sét đặc biệt. Các nghệ nhân Ai Cập mang đủ loại đồ nghề và khối cẩm thạch hảo hạng. Sau cùng, người ta hết sức ngạc nhiên vì phái đoàn nghệ nhân Hy Lạp chỉ mang đến vỏn vẹn một gói thuốc đánh bóng. Mỗi phái đoàn thi thố tài năng của mình trong một phòng riêng. Khi thời gian ấn định đã hết, hoàng đế đến từng gian phòng để thưởng thức các tác phẩm. Vua hết lời khen ngợi bức chân dung của mình do các họa sĩ An Độ vẽ. Ông càng thán phục hơn khi nhìn ngắm các pho tượng của chính ông mà các người Ai Cập và Acmêni điêu khắc. Sau cùng, đến phòng trưng bày của người Hy Lạp, hoàng đế không nhìn thấy gì cả, duy chỉ có bức tường của căn phòng được đánh bóng đến độ khi nhìn vào ông thấy chân dung mình hiện ra từng nét. Dĩ nhiên, giải nhất thuộc về các nghệ nhân Hy Lạp. Bởi vì họ đã hiểu rằng chỉ có hoàng đế mới họa được dung mạo của chính mình.
Muốn họa lại dung mạo Đức Kitô, chúng ta cần phải đánh bóng lòng mình cho sạch mọi vết nhơ, mọi tì ố của tâm hồn. Một khi đã nên sáng bóng như gương, chúng ta sẽ tiếp nhận được khuôn mặt rạng ngời của Chúa.
Khi Đức Maria và thánh Giuse dâng Chúa Hài nhi trong đền thánh, có biết bao tư tế và luật sĩ thông thái, giỏi giang, am tường Kinh Thánh, và hiểu rõ các lời tiên tri loan báo về Đấng Cứu thế, nhưng họ đã không nhận ra Chúa. Duy chỉ có ông Simêon, và bà Anna đã nhận ra được dung mạo của Người. Simêon và Anna đã dâng hiến trọn vẹn con người và cuộc đời, đã mài bóng đời mình bằng đạo hạnh và khiêm tốn, đã tôn thờ Chúa trong tin yêu và phó thác. Vì thế, dung mạo của Đấng Cứu thế đã tỏ hiện sáng ngời trước mặt các ngài. Simêon và Anna đã đón nhận Đấng Cứu thế như những người nghèo hèn bé nhỏ. Các ngài đã được bồng ẵm Chúa, được thay mặt cho cả nhân loại nói lời đầu tiên tôn vinh Chúa đến cứu độ con người.
Lễ Thánh Gia mời gọi chúng ta nhìn vào các gia đình. Truyền thống gia đình ngày càng sút giảm. Ly thân, ly dị, trẻ em lang thang, thanh niên nổi loạn, phá thai, mại dâm, ma túy ngày càng gia tăng. Gia đình là nền tảng của xã hội. Nếu không có những gia đình lành mạnh thì không thể có một xã hội tốt đẹp. Cuộc sống của gia đình phải tỏa hương thơm của thiên đàng.
Hơn bao giờ hết, các gia đình chúng ta phải nhìn lên Thánh Gia thất: một gia đình lý tưởng, đạo đức, yêu thương và chăm lo cho nhau. Thánh Luca đã ghi lại hình ảnh rất đẹp của Thánh Gia như sau: “Đức Giêsu đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nagiarét và hằng vâng phục các ngài. Riêng Mẹ Người hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giêsu ngày càng khôn lớn, và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến”.
Xã hội chúng ta không thiếu các mẫu gương đạo hạnh: Louis Pasteur, nhà bác học thời danh, đã tâm sự khi đặt tấm bia kỷ niệm tại gia đình ông: “Kính thưa cha mẹ thân yêu của con đã khuất bóng, các ngài đã khiêm tốn sống trong nếp nhà bé nhỏ này. Con mắc nợ công ơn cha mẹ về hết mọi điều…”.
Federic Ozanam, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Giáo Hội Pháp cũng tâm sự: “Những lời khuyên nhủ dịu dàng của mẹ tôi, gương đạo đức, lòng nhiệt thành hâm nóng linh hồn nguội lạnh của tôi, khuyến khích nâng đỡ tăng sức mạnh cho tôi. Chính nhờ giáo huấn của người mà tôi có đức tin”.Có lẽ thế giới biết nhiều đến thủ tướng Thái Lan, nhưng ít ai biết được cậu Chuam Leekpai còn là một người con giàu cảm xúc, hiếu thảo, và luôn nghĩ đến bậc sinh thành. Ông nói với mẹ: “Giờ đây, con đã là một chính trị gia và con không còn thời gian về thăm mẹ thường xuyên nữa. Điều này làm con cứ áy náy mãi. Tuổi mẹ càng cao thì nỗi lo của con càng nhiều. Do đó con cố gắng tìm mọi cơ hội về thăm mẹ”.
Đức Pio XI trong thông điệp về Giáo dục Kitô giáo có viết: “Nền giáo dục hữu hiệu nhất và bền bỉ nhất là nền giáo dục được nhận lãnh từ một gia đình Kitô giáo có qui củ và khuôn phép. Những gương lành của cha mẹ và của những người trong gia đình càng chiếu tỏa và bền bỉ, thì kết quả của giáo dục càng lớn lao”.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam