Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 52

Tổng truy cập: 1375481

TÂM TÌNH NGƯỜI ĐI GIEO

Tâm tình người đi gieo

(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Bài dụ ngôn thật đẹp. Đẹp về hình ảnh phong phú. Đẹp về ý nghĩa sâu xa. Nhưng đẹp nhất vẫn là thái độ của người đi gieo. Người đi gieo đã có thái độ vừa hào phóng vừa kiên trì, vừa hy vọng vừa yêu thương.

Người đi gieo đã gieo một cách hào phóng. Hãy nhìn kìa: ông vốc từng vốc lớn hạt giống và rộng tay vung vãi. Ông gieo không tiếc xót. Ông gieo không tính toán. Ông gieo không loại trừ. Những mảnh đất phì nhiêu màu mỡ nhận được hạt giống đã đành. Cả đến những mảnh đất sỏi đá, gai góc cũng được hưởng ơn mưa móc. Cả đến lối mòn có bước chân người cũng không bị lãng quên. Người đi gieo không bỏ rơi một mảnh đất nào, một ngõ ngách nào. Ông muốn cho hạt giống được gieo vãi khắp chốn.

Người đi gieo đã gieo một cách kiên trì, ông gieo bất kể ngày đêm. Ông gieo bất kể mưa nắng. Ông gieo bất kể những thất bại. Đợt gieo giống đầu tiên đã thất bại vì chim chóc tha đi, ông liền gieo tiếp đợt hai. Bị sỏi đá nắng hạn, cây lúa mất mùa, ông lại đi gieo tiếp đợt thứ ba. Bị gai góc bóp nghẹt, cây lúa bị lụi tàn, ông vẫn không nản, cứ gieo đợt thứ tư. Ông đúng là người đi gieo hạt không biết mỏi mệt.

Người đi gieo đã gieo trong niềm hy vọng. Niềm hy vọng của ông thật lớn lao. Chính với niềm hy vọng ấy, ông đã dám đầu tư tất cả tiền bạc, sức khỏe, thời giờ vào việc gieo hạt. Chính niềm hy vọng ấy đã giúp ông đủ sức mạnh vượt qua những khó khăn, đứng vững trước những thất bại. Vì hy vọng, ông gieo cả trên lối đi, trên đá sỏi, trong cỏ gai. Ông tin rằng có gieo thì có gặt. Chính niềm hy vọng ấy đã giúp ông kiên trì và sau cùng đi đến thành công.

Người đi gieo đã gieo trong tình thương yêu. Tình thương yêu của ông dạt dào lắm. Nên ông đã không ngại hao tốn tiền của, tâm trí, sức lực. Tình thương ấy bao la lắm. Nên ông động lòng thương đến cả những mảnh đất chai cứng, đá sỏi, gai góc. Tình yêu thương ấy mãnh liệt lắm. Nên ông mong sẽ cảm hoá được cả gai góc, sỏi đá, biến chúng thành đất màu mỡ phì nhiêu. Ông đã có thể chỉ chọn đất tốt mà gieo. Nhưng tình thương yêu mãnh liệt không cho phép ông làm thế. Vì ông không muốn loại trừ những miền đất chai cứng chứa đầy sỏi đá, cỏ gai.

Người đi gieo chính là Thiên Chúa hiện thân trong Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã gieo trong yêu thương. Yêu thương đến độ chính Người lại trở nên một hạt giống,chịu vùi chôn, chịu mục nát để biến cải những mảnh ruộng gai góc, sỏi đá thành màu mỡ phì nhiêu, mong một mùa gặt đầy những bông lúa chín vàng trĩu nặng.

Thiên Chúa là người đi gieo không biết mệt mỏi. Chúa Giêsu là người đi gieo say mê đến quên chính cả bản thân mình. Người muốn cho các môn đệ của Người tiếp tục công việc gieo Tin Mừng đi khắp mọi nơi.

Hôm nay Người muốn ta gieo một cách hào phóng. Hãy gieo không xẻn xo. Hãy gieo không tính toán. Hãy gieo không loại trừ. Hãy biết dùng mọi phương tiện hiện đại nhất để chuyên chở Tin Mừng. H ãy đem Tin Mừng tới mọi lãnh vực của đời sống. Hãy đem Tin Mừng tới tất cả mọi hạng người không loại trừ một ai.

Người cũng muốn ta kiên trì gieo hạt Tin Mừng. Hãy kiên trì như thánh Phaolô, cứ gieo dù gặp “thời thuận lợi hay không thuận lợi”. Hãy cứ gieo dù đá sỏi, chông gai. Hãy cứ gieo dù những thất bại, nhọc nhằn.

Nhưng điều Người mong chờ nhất là các môn đệ của Người hãy đi gieo yêu thương. Yêu thương không chỉ những mảnh đất phì nhiêu, nhưng yêu thương cả những mảnh đất sỏi đá, gai góc. Yêu thương không chỉ những người mình thương và những người thương mình mà còn yêu thương cả những người không ưa mình và mình không ưa: vì một tình yêu thương đích thực thì không loại trừ ai. Chỉ có tình yêu thương mãnh liệt như thế mới cảm hoá được cỏ gai, làm mềm được đá sỏi, biến tất cả thành màu mỡ phì nhiêu.

Đáp lời Chúa mời gọi, biết bao lớp người đã hăng hái ra đi gieo Tin Mừng tại vùng đất Lạng Sơn này.

Trong số đó phải kể đến Đức cố Giám mục Vinh Sơn Phaolô của chúng ta. Người đã là một người đi gieo không biết mệt mỏi. Qua bao ngày tháng, Ngài vẫn kiên trì không bao giờ chồn chân mỏi gối. Hôm nay Ngài đã trở thành một hạt giống vùi sâu trong lòng đất. Hạt giống ấy, tình thương ấy, sẽ làm mềm sỏi đá, hứa hẹn cho ta một mùa gặt bội thu.

Ta cũng không thể nào quên được công ơn của Đức Hồng Y Phaolô Giuse, cũng là một người đi gieo không biết mệt mỏi. Dù tuổi cao sức yếu với gánh nặng của Giáo phận Hà Nội và của Giáo hội Việt Nam, Ngài vẫn sẵn sàng ghé vai gánh đỡ Lạng Sơn trong những lúc cần thiết. Ngài đã gieo mồ hôi nước mắt làm phì nhiêu cánh đồng này. Công khó ấy chắc chắn sẽ góp phần rất lớn cho một mùa gặt mai sau.

Hôm nay, Chúa gởi tôi đến cánh đồng Lạng Sơn này. Lạng Sơn là quê hương tôi. Anh chị em đã đón nhận tôi như đón một người thân. Chúng ta thuộc về một gia đình. Hôm nay Chúa mời gọi tất cả chúng ta vào làm việc trong cánh đồng của Chúa. Chúng ta hãy hăng hái bắt tay vào việc đi gieo Lời Chúa. Hãy noi gương Chúa Giêsu, hào phóng, gieo kiên trì, gieo hy vọng và nhất là hãy gieo yêu thương. Gieo gì gặt nấy. Nếu ta gieo bác ái chắc chắn ta sẽ gặt được yêu thương, một mùa yêu thương tràn ngập trên núi đồi Lạng sơn- Cao bằng này.

GỢI Ý CHIA SẺ

1- Thiên Chúa không ngừng gieo Lời Chúa vào tâm hồn bạn. Bạn đã đón nhận Lời Chúa thế nào?

2- Thái độ của người đi gieo cho bạn cảm nghiệm gì về Thiên Chúa?

3- Chúa mời gọi bạn đi gieo Tin Mừng. Bạn phải có thái độ nào?


 

21. Nghe và hiểu

(Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm

Dụ ngôn người gieo giống đầy tính lạc quan, hy vọng.

Đức Giêsu gieo hạt giống Lời Chúa khắp nơi.

Có hạt bị chim trời ăn mất, khi chưa kịp nảy mầm. Có hạt bị khô cháy khi chưa bám rễ. Có hạt đã thành cây, nhưng bị gai làm chết ngạt.

Thực tế đau buồn ấy làm nản lòng nhiều người.

Đức Giêsu đã gặp biết bao chống đối và thất bại.

Ngài có thật là Đấng được Thiên Chúa sai đến để thiết lập Nước Trời trên trần gian không?

May thay có những hạt rơi vào đất tốt, và đem lại kết quả gấp bội.

Nhìn vào khuôn mặt của Giáo Hội hôm nay, nhiều người thất vọng trước những khó khăn, khủng hoảng. Đức Giêsu khuyên ta hãy vững lòng. Lời Chúa vẫn còn gặp được mảnh đất phì nhiêu.

Dụ ngôn người gieo giống đòi chúng ta phải xét mình:

Có bao hạt Lời Chúa được gieo vào lòng tôi? Đâu là số phận của chúng?

Có hạt rơi vào lòng tôi như rơi trên mặt đường. Tôi nghe mà không hiểu. Không hiểu vì không muốn hiểu, vì cố tình né tránh, bởi lẽ Lời Chúa đòi tôi hoán cải và từ bỏ mình. Thế là Lời Chúa trượt đi như nước đổ lá khoai.

Có hạt rơi vào lòng tôi như rơi trên đất đá. Tôi vội vã, hớn hở đón lấy ngay, nhưng chỉ dừng lại ở bề mặt hời hợt. Lời Chúa không đâm rễ sâu trong mảnh đất đời tôi. Khi thử thách gay gắt của cuộc sống ập đến, tôi té nhào và bỏ cuộc, chẳng dám sống Lời Ngài.

Có hạt rơi vào lòng tôi như rơi trong bụi gai. Bụi gai là nỗi lo âu chuyện đời, là đam mê của cải. Bụi gai bóp nghẹt, làm cây Lời Chúa không sinh trái.

Có hạt rơi vào long tôi như rơi vào đất tốt. Tôi nghe và hiểu. Tôi hiểu được là nhờ dám sống Lời Chúa trong đời. Chỉ ai hiểu nhờ sống mới đem lại mùa bội thu.

Dụ ngôn trên đòi tôi xét lại thái độ nghe Lời Chúa, đòi tôi cải tạo lại mảnh đất lòng mình.

Có biết bao gai góc, đá sỏi trong mảnh đất đời tôi. Có bao hạt giống bị mất mát vì tôi từ khước.

Nếu tôi dám để cho một câu Lời Chúa tự do lớn lên thì đời tôi sẽ hoàn toàn thay đổi.

Hôm nay, tôi được mời gọi đi gieo hạt. Nhưng trước hết, tôi cần được Lời Chúa biến đổi, cần hiểu sâu nhờ dám sống Lời Chúa tận căn. Xin Chúa giúp tôi tìm ra những lối gieo mới, để Lời Chúa sai trái hơn trong thế giới hôm nay.

Gợi Ý Chia Sẻ

Theo ý bạn, đâu là những trở ngại, từ bên ngoài cũng như từ bên trong, khiến hạt giống Lời Chúa khó nẩy mầm và lớn lên trong bạn?

Có khi nào bạn mê một câu Lời Chúa không? Có khi nào bạn dám sống một câu Lời Chúa không? Có khi nào đời bạn đã hoàn toàn đổi khác, vì bạn gặp được một câu Lời Chúa không?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.

Chúng con thường xây nhà trên cát, vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy, nhưng lại không dám đem ra thực hành. Chính vì thế Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.

Xin cho chúng con đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa, đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.

Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình, để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng trưởng.

Ước gì ngôi nhà đời chúng con được xây trên nền tảng vững chắc, đó là Lời Chúa, Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.


 

22. Kho báu đã mở – Charles E. Miller

(Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng’)

Không một nông dân nào thích thú bởi cảnh gieo giống lãng phí hạt giống như người nông phu trong bài Phúc âm hôm nay. Một nông dân cần cù thì sẽ gieo cẩn thận ở những nơi mà ông bảo đảm sẽ gặt hái được vụ mùa bội thu. Nhưng người nông dân trong Phúc âm thì phung phí những hạt giống, nhờ đó ông giới thiệu Thiên Chúa là Đấng luôn luôn quảng đại ban phát những hồng ân của Người.

Những hạt giống được giới thiệu đây là Lời Chúa, Lời ấy được tìm thấy trong những trang được linh ứng trong Thánh Kinh. Có bốn mươi sáu cuốn trong Cựu ước và hai mươi bảy cuốn trong Tân ước. Thiên Chúa gieo những hạt giống của Người vào trong tâm trí chúng ta và trong lòng của chúng ta trước, bởi ý nghĩa của Phụng vụ Lời Chúa trong khi cử hành thánh lễ.

Theo phụng vụ trước đây, những bài đọc thường được dùng hàng năm và thế là không thể giới thiệu được kho tàng phong phú của Thánh Kinh. Một hậu quả của việc xếp đặt như thế là một số lớn những đoạn súc tích rất hay không bao giờ được những người công giáo nghe vào những ngày chúa nhật. Dụ ngôn người con hoang đàng không có phần nào trong nghi thức phụng vụ ngày chúa nhật và câu chuyện người Samaritanô tốt lành cũng như thế. Những bài Thánh Thư cung cấp cho bài đọc đầu tiên như một danh sách dài đang chờ được chấp nhận để biên soạn sách Tông đồ công vụ, câu chuyện của Giáo hội tiên khởi được chọn một lần trong năm vào Chúa nhật Hiện Xuống. Không có bài đọc nào được lấy từ Cựu ước và sách Khải Huyền cũng chẳng bao giờ đọc trong thánh lễ ngày chúa nhật.

Công đồng Vaticano II, dùng một hình ảnh phong phú đã quyết định rằng: “Kho tàng Thánh Kinh đã khai mở cách dư thừa và phong phú để cung cấp cho các tín hữu” (Hiến chế về phụng vụ, số 51). Việc tu sửa phụng vụ đã làm viên mãn quyết định này bằng cách chọn lựa những đoạn Thánh Kinh được chia làm ba thời kỳ vào các chúa nhật chứ không còn là một thời kỳ như trước bằng việc cung cấp thêm bài đọc trước Phúc âm chứ không phải là một như trước.

Năm nay tính theo chu kỳ phụng vụ là năm A, những bài Phúc âm sẽ theo thánh Mathêu. Chu kỳ phụng vụ năm B giới thiệu Phúc âm theo thánh Marcô và chu kỳ phụng vụ năm Chúa theo thánh Luca. Phúc âm theo thánh Gioan trước hết được dùng vào các chúa nhật năm A trong suốt mùa chay, suốt mùa Phục Sinh và điền vào chu kỳ phụng vụ năm B. Suốt mùa Phục Sinh, bài đọc I được lấy từ sách Tông đồ công vụ, những mùa khác thì trái lại, bài đọc I luôn luôn lấy từ Cựu ước, bài đọc II thì luôn luôn lấy từ Tân ước. Sách Khải huyền là bài đọc II trong suốt mùa Phục sinh trong chu kỳ phụng vụ năm C.

Để thu được nhiều lợi ích qua việc giới thiệu cách dồi dào kho tàng Thánh Kinh, tất cả chúng ta phải làm cho mình nhiệt tình hơn trong việc tham dự thánh lễ. Quả thật, chúng ta phải công nhận rằng chúng ta có đến nhà thờ với nhiều thời gian nhưng chú ý đến các bài đọc thì không có mấy. Chúng ta phải lắng nghe trong tinh thần đức tin, đó là Đức Kitô đang nói với chúng ta khi Thánh Kinh được tuyên đọc (Hiến chế Phụng Vụ, số 56-57)

Cho Lời Chúa một vị trí quan trọng như thế, còn tiệc Thánh Thể thì sao? Một cách nhìn sự hiệp lễ là xem Mình và Máu của Chúa giống như mưa và tuyết đổ xuống từ trời cao và làm cho đất phì nhiêu. Sự hiệp lễ cho chúng ta ý nghĩa chúng ta cần, để khi nghe đọc Thánh Kinh chúng ta được những chân lý trong ấy hướng dẫn để sống theo ý muốn của Thiên Chúa. Thánh Thần không chỉ linh ứng cho những trang Thánh Kinh, Thánh Thần còn chúc phúc cho chúng ta qua công trình của Công đồng Vaticano II.


 

home Mục lục Lưu trữ