Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 51

Tổng truy cập: 1372508

THÁI ĐỘ CẦN CÓ ĐỂ ĐÓN NHẬN CHÚA

THÁI ĐỘ CẦN CÓ ĐỂ ĐÓN NHẬN CHÚA (*)- Chú giải của Noel Quession

Hôm nay, chúng ta sẽ đọc trang đầu tiên của Tin Mừng theo thánh Maccô. Trong suốt năm phục vụ này, năm B, chúng ta sẽ đọc cách đặc biệt Tin Mừng Maccô.

Truyền thống thường giới thiệu Maccô như môn đệ của Phêrô. Vì thế trong trình thuật của ông, ta được nghe lại những kỷ niệm và giáo lý của vị tông đồ, đã từng mục kích Đức Giêsu. Người ta cho rằng: Tin Mừng này đã được soạn thảo tại Rôma, khoảng năm 70, và gửi cho một cộng đồng Latô gồm những người gốc ngoại giáo, chưa từng sống tại Palestine.

So sánh với ba Tin Mừng khác, Tin Mừng của thánh Maccô rất thực tế: đó là câu truyện của một người bình dân, có những nét gây thích thú. Nhưng ta đừng vội lầm, Maccô cũng là một nhà thần học, sẽ tỏ lộ cho ta cuộc khám phá dần dần của Phêrô. Suốt trong phần đầu, mọi người đều tự hỏi: “Đức Giêsu là ai!” Đức Giêsu thể hiện những hành động, nói những lời luôn đặt thành vấn đề. Nhưng thật lạ lùng. Người vẫn đặt “bí mật” trên con người mình. Mãi tới phần thứ hai của đời sống công khai, người mới từ từ thông tỏ về bản thân Người.

Khung cảnh địa lý Máccô sử dụng cũng mang tính thần học. Theo đó ông đề cao xứ Galilê, miền đất mở ngở và để đón nhận sứ điệp của Đức Giêsu, nghịch lại với Giêrusalem, thành phố luôn chối từ Đức Giêsu.. Hơn nữa đối với Maccô, biển hồ Galilê mang một ý nghĩa biểu tượng (Phêrô người thuyền chài, biết rõ từng vũng nhỏ trong hồ ông sinh sống!). Bờ hồ phía tây, là người Do Thái. Bờ hồ phía đông, là anh em dân ngoại Máccô có ý nhấn mạnh cho ta thấy, Đức Giêsu đang đi vào “miền đất ngoại giáo “… như thế khai mở “vùng truyền giáo” của Giáo Hội mà Tin Mừng ông muốn gửi tới.

Cuối cùng Tin Mừng của Maccô đượm vẻ “bi thảm”. Ba nhóm người được miêu tả trong đó. Trước hết đó là Đức Giêsu và các môn đệ của Người, luôn chung sống với nhau. Rồi tới đám dân chúng theo Đức Giêsu, nhưng không hiểu biết gì về Người. Sau hết, đó là các kẻ thù nghịch, ngay từ đầu chỉ xoi mói rình rập nhằm kết án Đức Giêsu.

Khởi đầu Tin Mừng.

Có lẽ không phải là ngẫu nhiên mà lời đầu tiên của Tin Mừng theo thánh Maccô cũng là lời đầu tiên trong Bộ Kinh thánh: ‘Khởi đầu trời và đất” (St 1,1). Thánh Gioan cũng sử dụng cùng một từ đó, cũng bắt đầu Lời tựa trong Tin Mừng của ông: “Khởi đầu vẫn có Ngôi Lời” (Ga 1,1). Còn Mát-thêu và Luca, cũng gợi lên thực tại của một khởi đầu này: “Đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô ” (Mt 1, 18; Lc 1 3). Như thế, cả bốn thánh sử đều gợi lên cho ta thấy, nhờ Đức Giêsu, chương trình của Thiên Chúa đã có một bước khởi đầu mới: Có thể nói, một cuộc tạo thành mới đang khởi sự. Và mỗi năm, Mùa Vọng bắt đầu, cũng là một dịp khởi đầu lại. Lạy Chúa, thế mà chúng con vẫn thích dừng chân tại chỗ để thốt lên: Đủ rồi, xin Chúa không ngừng ban lại cho chúng con tinh thần biết “khởi sự”. Xin làm sống lại trong chúng con niềm hy vọng.

“Tin Mừng”: Chúng ta quá quen thuộc với từ này. Nó dịch từ tiếng Hy Lạp “Evangélion”. Nhưng từ này không có ý diễn tả “một cuốn sách” hay một sự việc. Đó là Tin Mừng nước Thiên Chúa đã khơi sự trong con người của Đức Giêsu. “Tin Mừng”, đó là sự sống lại, là Phục sinh, là sự chiến thắng vĩnh viễn của sự sống? Tin Mừng phát xuất từ sấm ngôn của I-sai-a, khi ông loan báo cho những người bị lưu đày biết tình trạng khổ ái của họ sắp chấm dứt: “Hãy an ui, hãy an ủi dân Ta… Dịch vụ của nó mãn rồi. Hãy nhủ lòng cùng Giêrusalem, hãy công bố tội của nó được tha. Hãy lên núi cao, hỡi Sion, người loan Tin Mùng. Hãy gióng tiếng lên cho mạnh và loan báo: Kìa Thiên Chúa của ngươi đang đến… (Is 40,1-11). Tôi có tin tưởng như thế không? Đức tin của tôi có là một thứ gánh nặng, tôi phải vất vả đeo mang, hay là một Tin Mừng “Vui tươi”, “Tốt đẹp”, “Tuyệt diệu”.

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, con Thiên Chúa.

Ngay từ dòng đầu của Tin Mừng, Máccô đã nói ngay nếu ông muốn bàn. Những “tước hiệu” trên đây của Đức Giêsu là chìa khóa khai mở toàn bộ trình thuật của ông. Những tước hiệu đó sẽ được lặp lại vào giây phút cuối đời; khi một người “dân ngoại” nhận biết Đức Giêsu chết trên thập giá: “Quả thật người này là con Thiên Chúa” (Mc 15,39). Đó là điều ta thường gọi là một thứ “hệ luận” theo kiểu nói “Xê-mít”. Đó là kiểu cách văn chương nhằm biểu thị ý nghĩa sâu xa của một câu chuyện, mà toàn bộ “bao gồm” trong hai từ được lặp đi lặp lại từ đầu đến cuối.

Giêsu… trong ngôn ngữ Do Thái muốn nói lên “Thiên Chúa cứu độ ” – “Yéshouah”. Đó là một từ quen thuộc, diễn tả tính cách nhân bản, lịch sử trần thế của con người Na-za-rét. Kitô…. trong ngôn ngữ Do Thái có ý nghĩa Đấng được “Đức Chúa xức dàu”: “Meshiah” Tước hiệu này biểu lộ, Đức Giêsu chính là Đấng mà toàn dân ít-ra-en mong đợi, là con cháu nhà Đa-vít, là “Vua nước Thiên Chúa”.

Con Thiên Chúa… tước hiệu cuối cùng này, chỉ mang ý nghĩa trọn vẹn, lúc Chúa sống lại: Vào thời Maccô viết Tin Mừng, các Kitô hữu đã dùng kiểu nói mạnh này để tuyên xưng đức tin vào thần tính của Đức Giêsu.

Trong sách Ngôn sứ I-sai-a có chép rằng: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi tnrớc Con, để dọn đường cho con đến”. Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”.

Một lần nữa không phải ngẫu nhiên, mà Tin Mừng Máccô bắt đầu bằng một câu trích dẫn trong Cựu ước. Đức Giêsu không phải là một “sao băng” từ một hành tinh khác mà đến. Ngài được ghi tên trong tịch sử của một dân tộc Ngài được người ta “mong chờ’, “loan báo”, “chuẩn bị”… Từ sau Công đồng Vatican, bài đọc Cựu ước mà ta đọc mỗi Chúa nhật, không phải là một việc làm mới lạ của Giáo Hội hiện nay. Các Kitô hữu tiên khởi, các tín hữu của Máccô, cũng như của Mátthêu, Luca và Gioan, đã từng đọc Kinh thánh Cựu ước… và ứng dụng cho Đức Giêsu. Còn chúng ta thìn sao? Chúng ta thường phàn nàn vì không gặp gỡ Thiên Chúa. Nhưng ta có coi Kinh thánh như phương thế tiếp gặp Chúa chưa?”

Ta làm gì để gặp gỡ Chúa? Ta có chuẩn bị con đường cho Chúa đến không? Mùa Vọng này có thể là một thời gian để ta suy niệm lại Kinh thánh.

Ông Gioan Tẩy Giả xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi dân chúng chịu phép rửa, tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giêrusalem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ tại sông Gio-đan.

Chúng ta đừng có mơ tưởng rằng, ta sẽ “gặp” được Thiên Chúa, chẳng- hạn như dịp Noen này, mà không cần phải “chuẩn bị” cho Người đến, không cần phải thanh tẩy, không cần phải làm việc để hoán cải thay đổi đời sống.

Chính Gioan Tẩy Giả không chút nể nang thính giả của ông. ông bảo họ: “Các ngươi phải thay đổi hoàn toàn nếp sống… Hãy trở lại!. Đó là ý nghĩa của từ “Metanoia” bản dịch là “hoán cải”. Các người đã làm điều này sao? Giờ đây, hãy làm ngược lại. Điều xấu, điều ác mà các ngươi đã thực hiện, hãy chấm dứt ngay? Điều tốt lành như vậy mà sao các ngươi không làm, hãy bắt tay thi hành ngay đi! Phải thay đổi, cần thay đổi gấp!

Sắp tới lễ Noen rồi, mọi Kitô hữu lại được mời gọi lãnh nhận “bí tích giao hòa” để được ơn tha tội. Ngay từ bây giờ, tôi muốn chuẩn bị lãnh nhận, để nhờ bí tích đó tôi có một bước tiến đáng kể, trưởng thành và có trách nhiệm hơn. Và cũng như dân chúng xưa kia tuôn đến sông Giođan, tôi cần phải bắt đầu “nhận biết” tội lỗi mình, cách sáng suốt. Lạy Chúa xin mở rộng đôi mắt con.

Ông Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng”.

Đó là y phục tiêu biểu của những “người vùng hoang địa”, những con người du mục.

“Hoang địa”! Để tới đó theo sự lôi cuốn của Gioan Tẩy Giả, dân chúng phải rời bỏ một thế giới nào đó họ đang sống, để bước vào một thế giới khác. Lui vào “hoang địa” nghĩa là từ chối dễ dãi, tiện nghi. “Hoang địa” đó là vùng đất mở tới rất xa, là nơi không thể nhận rõ dấu vết lộ trình, là tiếng mời gọi ta dấn thân mạo hiểm? “Hoang địa” đó cũng là nơi cô tịch và yên lặng: Mời gọi ta hướng đến cuộc gặp gỡ nội tâm? ở đây ta không thể vui chơi giải trí hay lánh ẩn để kiếm tìm những việc bề ngoài, những điều xem ra giả tạo mà là nơi con người gặp lại bản thân, đối mặt với chính mình, trong tình trạng bị bóc lột trần trụi. Trong tư thế lột xác và thinh lặng này, Thiên Chúa mới có thể làm cho ta nhận ra tiếng Người: Đó là lời mời gọi ta nhận ra thực tại của bản thân, khi các mặt nạ đã được trút bỏ, trong tiếng Nga, từ “hoang địa” được dịch là “poustinia”. Và luôn luôn có những người nam cũng như nữ lui vào trong “poustinia” của họ: Cuộc gặp gỡ giữa họ với Thiên Chúa sẽ mang tính chất nào, đều phụ thuộc vào giá trị này cả. Tôi có lợi dụng Mùa Vọng này, để tạo cho mình một thời gian chính thức sống cô tịch không?

Ông loan báo: “Có một Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi. Tôi không đáng cúi xuống cởi dép cho người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần”.

Gioan Tẩy Giả chỉ hiện diện tại đó để tiến dẫn một kẻ khác, một người nào đó chưa được gọi tên: “Đấng đang đến”… Đấng quyền năng nhất”… “Đấng xứng đáng nhất!… Đấng dìm trong Thánh Thần”… Nếu ta quyết định hoán cãi Thiên Chúa sẽ không là người phong kiến ngoại cuộc: Người sẽ dìm chúng ta trong Thần Khí của Người.

 (*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt

CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG- B

TỈNH THỨC CHỜ NGÀY CHÚA TRỞ LẠI- Chú giải của Fiches Dominicalaes

*1)VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI

Một lịch sử mới bắt đầu

Tin Mừng thánh Maccô hôm nay bắt đầu bằng một câu không có động từ, gồm một ít tiếng được chọn lọc kỹ càng, mỗi chữ đều rất nặng nghĩa: tác giả đã cho thấy rõ trọng tâm sứ điệp của Đức Kitô và phác hoạ cho độc giả con đường đức tin.

Đó là sự “Khởi đầu”, J.Hervieux lưu ý: “Trong Kinh Thánh, sách Sáng Thế và nhiều sách khác đã bắt đầu như thế. Chắc hẳn Thánh sử muốn gợi lên rằng Đức Giêsu sẽ mở đầu một lịch sử thánh mới, một tạo dựng mới (“Tin Mừng thánh Maccô”, Centurion, tr. 15).

Đó là sự khởi đầu của “Tin Mừng” (tiếng Hy Lạp: Evangile). Điều mà tiên tri Isaia đã loan báo (bài đọc 1 của Chúa nhật này) – tức “Tin Mừng” do sáng kiến của Thiên Chúa vì lợi ích cho dân Ngài – đã hoàn tất, mặc lấy xác phàm trong lịch sử loài người.

– Đó là khởi đầu Tin Mừng của Đức Giêsu, Đấng đã giảng dạy Tin Mừng này trước khi trở thành đối tượng của Tin Mừng sau khi Ngài sống lại. Hơn là một cuốn sách, hơn là một sứ điệp mừng vui, Tin Mừng này chính là Đức Giêsu.

– Thánh sử Maccô đã mặc khải về Đức Giêsu bằng hai danh hiệu đầy ý nghĩa: “Kitô”, “Con Thiên Chúa”.

+ “Kitô”: từ mà ngày nay chúng ta không còn hiểu hết ý nghĩa nguyên thủy của nó.

M.E. Boismard lưu ý: “Lẽ ra phải đặt một dấu phẩy giữa hai từ GIÊSU và KITÔ để nhấn mạnh từ thứ hai là một danh hiệu đặt cho Đức Giêsu, đó là một danh hiệu hoàng tộc.

Từ “Kitô”, chuyển âm từ “Christos” của tiếng Hy Lạp. “Christos” dùng để dịch động từ “Meshiah” của tiếng Do thái có nghiã là “xức dầu”. Động từ Do thái này cũng biến thành “Messias” trong tiếng Hy lạp. Bởi vậy, “Kitô” có nghĩa tương tự như “ Mêsia” để chỉ người được Thiên Chúa xức dầu, bằng dầu đã được hiến thánh.

Do đó, trong số những người được thánh hiến bằng dầu thánh, các vì vua mà Thiên Chúa chọn dẫn dắt dân Người chiêm một vị trí chính yếu và sau này người được xức dầu thánh chỉ còn dùng để chỉ các vì vua mà thôi.

Như vậy, nghĩa đầu tiên của từ “Kitô” có ý nói Đức Giêsu là Đấng được Thiên Chúa xức dầu để làm vua dân Người.

Đàng khác, chúng ta sẽ thấy cảnh Đức Giêsu chiu phép rửa (1,9-11), được Maccô trình bày như là một sự đăng quang làm vua vậy. (“Giêsu, người Nagiarét”, Cerf, 1996, tr. 14-16).

“Con Thiên Chúa”: vào thời Đức Giêsu, danh hiệu này được gán cho Đấng Mêsia. Điều này có nghĩa là Thiên Chúa che chở cách riêng Đấng Người nhận làm con, và giữa họ có mối dây liên hệ đặc biệt. Nhưng đối với các môn đệ, họ cần thời gian để nhân ra Đức Giêsu là Con Thiên Chúa trong mối tương quan có một không hai; trong Người, chính Thiên Chúa đến với nhân loại. Các ông chỉ cỏ thể nhận ra điều này sau ngày Chúa phục sinh nhờ Thánh Linh ban ơn trong ngày lễ Ngũ Tuần.

KITÔ, CON THIÊN CHÚA: hai danh hiệu trả lời trước cho câu hỏi luôn vang lên trong suốt 8 chương đầu của Tin Mừng thứ hai: “Người này là ai?”. Hai danh hiệu đã phân chia hai phần lớn của Tin Mừng này:

Phần đầu dẫn chúng ta đến lời tuyên xưng đức tin của Phêrô: Ngài là Đấng Kitô” (8, 29…).

– Phần thứ hai dẫn ta đến sự hiệp thông với niềm tin của viên sĩ quan Rôma được chứng kiến cái chết của Chúa, đã tuyên xưng: “người này thật là Con Thiên Chúa” (15,39).

– Benoit Standaert kết luận: “Phúc Âm hay Tin Mừng, chính là Đức Giêsu và với Ngài, thời đại mới bắt đầu, màn trời xé ra, Thánh Thần ngự xuống, và quyền năng Thiên Chúa thiên trung quyền lực sự dữ… Ngay những từ đầu tiên của Maccô đã là sự khai mở, từ đó xuất hiện một danh hiệu mới, một sự hiện diện mới: Đức Giêsu, Đức Kitô, Con Thiên Chúa. Maccô đã nói quá đủ! Ngài chẳng còn gì để nói với chúng ta nữa. (“Tin Mừng theo thánh Maccô”, chú giải, Cerf, tr.41).

“Khúc dạo đầu” cho một màn kịch khác.

Ngay sau danh xưng đầy ý nghĩa trên về Đức Kitô, không một lời chuyển tiếp, thánh sử cho Gioan Tẩy Giả xuất hiện: “Và Gioan Tẩy giả đã xuất hiện trong hoang địa”. Ở ngay phần đầu, đã có những trích dẫn Thánh Kinh (Xuất Hành 23,20; Mal 3,1 và 23; Is 40,3); điều đó hàm ý ghi tên Gioan Tẩy Giả vào truyền thống ngôn sứ và giới thiệu ông như “sứ giả” được Thiên Chúa sai đến “để dọn đường, như người sẽ mở đường cho Thiên Chúa đến, qua Đấng Mêsia của Ngài.

Nơi Gioan Tẩy giả thi hành sứ mệnh là “hoang địa”, là nơi của Xuất Hành, là nơi vừa để chịu thử thách vừa để được mặc khối tình yêu dịu dàng của Thiên Chúa, đồng thời là nơi tượng trưng cho mọi khởi đầu. Và chính vì thế, Gioan “Kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”. Bên giòng nước sông “Giócđanô” nơi dân Chúa đã băng qua để vào đất hứa, lời ông vang dội “khắp miền Giuđê và thành Giêrusalem”. Một cách nói của thánh sử để cho ta hay là tiếng gọi của con người sa mạc nay gởi đến tất cả mọi người.

Y phục ông làm ta ngạc nhiên. Y phục ấy mang ý nghĩa tượng trưng vì đó cũng là y phục của ngôn sứ Êlia. Sách Các Vua viết: “Ngài mặc áo lông lạc đà và thắt lưng bằng dây da” (1V 17,1-6; 9,5-8). Đó là cách thánh sử trình bày Gioan Tẩy Giả như một ngôn sứ Êlia, Đấng mà thời Đức Giêsu người ta tin là phải đến trước Đấng Mêsia.

Cách sống của ông rất khắc khổ, trái hẳn với cách sống của Đức Giêsu. J.Hervieux nhận xét: ‘Người không ăn bận khác thường không ăn chay, Người uống rượu và ăn thịt. Thay vì ở trong hoang địa như Gioan, Người sống trong đời thường, giữa quần chúng’ (sách đã dẫn, tr.19).

Công việc của Gioan là mở đầu thời đại mới: “Khởi đầu Tin Mừng”, và chỉ cho thấy Đấng mà Ngài có bổn phận loan báo rằng: Người đến, rồi tức khắc Gioan rút lui. ‘Đấng đến sau tôi’ – ông tuyên bố cách ngược đời, – bởi lẽ đi đằng sau ai, điều đó có nghĩa làm môn đệ của người ấy – ‘Người quyền phép hơn tôi, tôi không xứng cúi xuống cởi dây giày cho Người’. Chẳng những Gioan tuyên bố không xứng làm môn đệ của Đấng đến sau ông, mà còn cho mình không xứng làm tôi tớ của Người. Ông khẳng định rõ ràng: Phép rửa của Đức Giêsu vượt trên phép rửa của ông: “Tôi đã làm phép rửa cho anh em trong nước, phần Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần”.

Hervieux kết luận: Sứ điệp rất rõ ràng: Gioan tự giới thiệu như là kẻ đến trước Đức Giêsu. Ông đi trước “Đấng quyền năng” hơn ông. Ông ý thức về sự thấp kém của mình. Ông phải tự hạ trước Đức Giêsu như tôi tớ trước chủ, đến nỗi không xứng cởi dây giày cho Chúa! Sau cùng và nhất là sự khác biệt chính được công nhận giữa phép rửa của Gioan và phép rửa của Đức Giêsu. Gioan đã làm phép rửa trong nước. Đức Giêsu thì làm phép rửa trong Thánh Thần. Cái độc đáo của Đấng Mêsia khi so sánh với vị tiền hô của Người, là Người nắm giữ Thần Khí (xem 1,10). Với ơn Thánh Thần mà Người sẽ ban sau khi phục sinh, Đức Giêsu đem đến ơn tha tội một cách dứt khoát (Cv 2,38).

Vì thế ngay từ trang đầu của Tin Mừng, Maccô đã đặt Gioan Tẩy Giả, sứ mệnh và phép rửa của ông vào đúng chỗ của nó. Tất cả chỉ là để loan báo và để dọn đường cho Đấng Mêsia đến. Phần sau sẽ soi sáng mối liên hệ họ hàng mật thiết giữa Gioan và Đức Giêsu, cũng như sự khác biệt sâu xa giữa hai con người này (Sách đã dẫn, tr. 19)

2). BÀI ĐỌC THÊM

Đáp lại lời mời gọi của Gioan, chúng ta hãy chuẩn bị đón nhận Đức Giêsu. (Mgr. L. Daloz trong: “Ngài là ai”, Declée de Brouwer, tr. 10)

“Lời công bố của Gioan Tẩy Giả như khúc dạo đầu mở màn cho Đức Giêsu, Đấng Mêsia xuất hiện. Đức Giêsu có mặt giữa những người đáp lại lời mời gọi của Gioan nơi hoang địa. Nhưng ý nghĩa của việc Chúa đến được giải thích bằng những lời của tiên tri Isaia: “Hãy dọn đường cho Chúa…”. Trước khi Đức Giêsu xuất hiện, một sứ giả đã được phái đến để loan báo dọn đường cho Người. Người ta không thể đón nhận Đức Giêsu nết không có chuẩn bị trước. Người đến với những ai chấp nhận đi vào con đường hoán cải bằng cách xưng thú tội mình, chấp nhận sự đổi mới của phép rửa thống hối. Nhờ thế, chúng ta biết thêm sự cao trọng của Đấng sẽ đến. Ngài là “Đấng quyền năng hơn…”, và sẽ làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần. Đây là một thái độ đón nhận, chú tâm, một thái độ hoán cải cần có để chuẩn bị gặp gỡ Đức Kitô. Ngài là người đơn sơ và nghèo khó, người anh em của chúng ta. Nhưng đằng sau dáng vẻ bề ngoài ấy, chúng ta được mời gọi tìm hiểu mầu nhiệm của Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa.

“Đức tin, sức mạnh đổi mới” (Mgr. Cl. Dagens trong: “Trình bày đức tin trong xã hội hôm nay”, Cerf, tr. 39-41).

Đánh giá những biến đổi đang diễn ra trong cách sống đạo của những cộng đoàn Kitô giáo không phải nhằm làm một bản tổng kết, nhưng là để nhìn nhận sức mạnh đổi mới do Chúa ban và được thể hiện nhờ việc chúng ta sống đức tin.

– Chúng ta có thể bắt đầu từ sự kiện mới mẻ sau đây: đó là sự đón tiếp và tháp tùng những tân tòng trưởng thành hay những trẻ em chưa được rửa tội học các lớp giáo lý do những bạn bè có đạo dẫn dắt. Con số những người theo học giáo lý như vậy gia tăng không ngừng. Tại sao đức tin nơi nhưng tín hữu đạo gốc lại được đổi mới nhờ những cuộc gặp gỡ này? Thưa bởi vì họ thường đồng hóa Tin Mừng với cách nhìn đời của họ, và vì họ thường có thói quen chỉ giữ lại những gì trong Tin Mừng củng cố lý tưởng nhân loại của mình. Chỉ khi va chạm với những người không thuộc nền “văn hóa công giáo”, họ mới thẩm định lại sự mới mẻ nơi Mạc khải của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô và sức đổi thay của Tin Mừng. Cũng nhờ đó, họ phát hiện lại sự phong phú của truyền thống phụng vụ và tâm linh trong Kitô giáo, cũng như niềm vui được thuộc về Giáo Hội như một gia đình mới. Gia đình này không tuân theo những luật lệ của xác thịt nhưng tuân theo lời mời gọi của Thánh Thần.

Đó là cách chúng ta phải suy gẫm về những gì đã xảy ra bởi vì Lời Chúa mà các tân tòng khám phá cũng chính là Lời mà chúng ta phải đón nhận và loan báo. Chúng ta không thể phủ nhận cú sốc về niềm tin do hiện tượng trở lại này. Vả lại, cần phải tìm hiểu sâu xa hơn để nhận ra rằng sự kiện tân tòng trở lại, một hiện tượng mới mẻ, biểu lộ sự tìm kiếm đời sống tâm linh của rất nhiều người đương thời. Trong bối cảnh này, trình bày đức tin Kitô giáo không thể là một việc duy ý chí, nhưng chúng ta phải dấn thân vào công cuộc tìm kiếm này, hiểu biết nó, phân định những lời mời gọi, những cám dỗ và cả những ảo tưởng của nó nữa. Bằng những phương tiện của mình, chúng ta cũng cần khắc ghi vào đấy Mạc Khải về Đức Giêsu Kitô, Đấng đã nói với mọi người: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”.

Tương tự như vậy, chúng ta cũng nên nói đến mục vụ cho trẻ em và thanh thiếu niên. Cần phải có những thái độ sư phạm phù hợp và xác định đâu là vai trò và thẩm quyền của chứng nhân trong việc truyền giảng đức tin trong bối cảnh có sự “đứt đoạn với các truyền thống hiện nay.

Ngay cả ở đây nữa, điều chúng ta cần thực hiện không chỉ là so sánh những ý kiến khác nhau về mục vụ hay giáo dục, nhưng là hiểu biết sự phong phú của niềm tin vào Đức Kitô trong việc khai tâm đức tin cho thế hệ trẻ.

Chúng ta cũng có thể đề cập đến những phương tiện mục vụ đang được cải tiến trong Giáo Hội Pháp.

Sau cùng, chúng ta có thể chứng tỏ niềm tin vào Đức Kitô đã gợi lên và cổ xúy cuộc đấu tranh cho quyền con người thế nào, và nói rõ hơn, niềm tin ấy làm thế nào đã giúp hòa hợp được giữa đấu tranh và chiêm niệm, giữa đời sống tâm linh và dấn thân trong xã hội. Ở đây, những tương quan mâu thuẫn giữa những người bề ngoài như xa cách nhau có thể nói không còn tồn tại: Chiến sĩ công giáo tiến hành, linh mục thợ, thành viên của những công đoàn mới, hoặc đan sĩ nam nữ. Dĩ nhiên, nói vậy không có nghiã là xóa bỏ những khác biệt có thực trong những hình thức dấn thân. Nhưng xét đến động cơ sâu xa của sự dấn thân, chúng ta sẽ nhận ra những đòi hỏi như nhau: không thể sống với Đức Kitô trong thân phận tôi tớ của người mà không sống với những anh em bị xã hội loại trừ; cũng vậy, không thể sống dài lâu với những anh em bị xã hội loại trừ mà không tìm kiếm gặp gỡ Đức Kitô trong chiêm niệm. Nỗi đam mê phục vụ nhân loại hiện rõ đằng sau sự khác biệt về cách sống đức tin.

Do đó, chúng ta có thể trình bày đức tin Kitô giáo như một sức mạnh hoán cải và biến đổi thực sự cho cá nhân cũng như cho xã hội. Bởi vì, trong thực hành của Giáo hội, tin và sống đức tin giúp luôn có những sáng kiến và những đổi mới trong vô số lãnh vực.

CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG- B

CHỨNG TỪ CỦA GIOAN TẨY GIẢ (*)-  Suy niệm chú giải của Lm. Inhaxiô Hồ Thông

Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật II Mùa Vọng loan báo việc Thiên Chúa can thiệp vào trong Lịch Sử loài người.

Is 40: 1-5, 9-11

Thiên Chúa truyền cho ngôn sứ I-sai-a đệ nhị hãy an ủi dân Ngài trong cảnh cùng khốn và loan báo cuộc giải thoát gần kề.

2Pr 3: 8-14

Thánh Phê-rô nhắc nhở rằng không phải Thiên Chúa lỗi hẹn, nhưng vì lòng thương xót mà Ngài trì hoãn để chúng ta có đủ thời giờ lập công tích đức trong khi chờ đợi trời mới và đất mới mà Chúa đã hứa cho chúng ta.

Mc 1: 1-8

Gioan Tẩy Giả, vị sứ giả được Thiên Chúa sai đi để dọn đường cho Đức Giê-su, Ngài là Đấng Ki-tô và là Con Thiên Chúa.

BÀI ĐỌC I (Is 40: 1-5, 9-11)

Chúa Nhật I Mùa Vọng vừa qua, chúng ta đã đọc bản văn của ngôn sứ I-sai-a thời hậu lưu đày, được gọi là I-sai-a đệ tam, theo đó dân Do thái đã được cứu thoát khỏi cảnh lưu đày, trở về quê cha đất tổ và đang nổ lực tái thiết đất nước. Trong Chúa Nhật II Mùa Vọng nầy, Bài Đọc I được trích từ hai đoạn văn mở đầu tác phẩm của vị ngôn sứ thời lưu đày, được gọi là I-sai-a đệ nhị (ch. 40-55). Bản văn này đưa chúng ta đi ngược về quá khứ: thời kỳ dân Do thái vẫn còn bị lưu đày ở Ba-by-lon vào những năm 550-539, cuộc giải thoát chưa xảy đến.

Vị ngôn sứ thời lưu đày nầy không ngừng đem đến những lời an ủi lớn lao cho đồng bào của mình. Vì thế, tác phẩm của ông được gọi “sách An Ủi”. Chúng ta không biết gì về vị ngôn sứ thời lưu đày nầy. Ông thường hằng ẩn mình sau sứ điệp của mình, như bản văn hôm nay cho thấy. Ngay từ đầu, vị ngôn sứ ẩn mình trong “lời Thiên Chúa phán”; đoạn, trong “tiếng kêu” mà không xác định; và sau cùng, trong “một sứ giả báo tin mừng”. Vị ngôn sứ nầy thường được gọi I-sai-a đệ nhị, vì ông thuộc vào những môn đệ đầu tiên của ngôn sứ I-sai-a đệ nhất, và tác phẩm của ông đã được tập hợp chung với tác phẩm của thầy mình.

*1.“Hãy an ủi dân Ta”:

 “Hãy an ủi, an ủi dân Ta!”, đó là lệnh truyền mà Thiên Chúa gởi đến cho vị ngôn sứ của Ngài trong khi dân Do thái đang sống kiếp lưu đày vô vọng. “Dân Ta”, lời khẳng định nầy chắc chắn đã làm ấm lòng những người lưu đày, vì họ đã nghĩ rằng Thiên Chúa đã quên họ, không còn đoái hoài đến số phận bi thương của họ. Không phải thế, họ luôn luôn là “dân của Ngài”, dân Chúa chọn mà xưa kia được Thiên Chúa nâng niu chiều chuộng. Cung giọng đầy trìu mến được cất lên ở cuối bài thơ ở nơi hình ảnh người mục tử tận tình chăm sóc đàn chiên của mình, nhất là những con chiên bé bỏng.

“Hãy ngọt ngào khuyên bảo Giê-ru-sa-lem”. Dân thành đã bị trừng phạt vì tội bất trung lâu dài của mình, đây là lần đầu tiên được Thiên Chúa loan báo là Ngài thứ tha tội vạ của dân và cho họ được hồi hương trở về quê cha đất tổ. Sứ điệp tràn đầy hy vọng.

*2.Thời kỳ Thiên Chúa tha thứ:

“Thời phục dịch của thành đã mãn”. Chúng ta gặp lại hình ảnh nầy trong các đoạn văn Cựu Ước khác như G. 7: 1: “Cuộc sống con người nơi dương thế chẳng phải là thời khổ dịch sao?” . Hình ảnh này được dùng ở đây để diễn tả thời kỳ gian khổ cùng cực.

“Thành đã bị tay Chúa giáng phạt gấp hai so với tội phạm”. Chúng ta có thể hiểu kiểu nói “gấp hai”, nếu chúng ta khảo sát hai thử thách lớn lao mà dân phải gánh chịu: một mặt, cuộc lưu đày ở Ba-by-lon và mặt khác, cuộc tàn phá Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Nhưng kiểu nói nầy đơn giản muốn nói đến muôn vàn khổ đau mà dân phải chịu.

Ghi nhận quan trọng nầy sẽ xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm của ngôn sứ I-sai-a đệ nhị và gợi lên nguồn cảm hứng cho các bài thơ về “Người Tôi Tớ đau khổ”. Dân Chúa chọn, người tôi tớ Thiên Chúa, đã kinh qua một sự thanh luyện. Ơn tha thứ của Thiên Chúa thật sự là nhưng không. Tuy nhiên, qua những đau khổ dài lâu mà dân phải chịu, cũng như qua việc Thiên Chúa biểu lộ vinh quang của Ngài bằng việc cứu thoát dân, những người lưu đày sẽ bày tỏ cho muôn dân thấy “Thiên Chúa đã phán như thế nào, Ngài sẽ thực hiện đúng như vậy”.

Đó là ơn gọi của dân Ít-ra-en, với tư cách là người tôi tớ Đức Chúa, dân chuẩn bị những nẻo đường cứu độ cho muôn dân. Chúng ta thoáng thấy ươm mầm ý tưởng về giá trị của những đau khổ mà những người công chính, nhóm kiên trung còn sót lại, phải chịu để công chính hóa mọi người. Nhóm còn sót lại này, một ngày kia sẽ là “Người Tôi Tớ hoàn hảo”, chính là Đức Ki tô.

*3. “Hãy mở một con đường cho Chúa”:

 Để trở về quê cha đất tổ, đoàn người lưu đày sẽ phải băng qua hoang địa. Họ phải đặt trọn niềm tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng sẽ ở bên cạnh dân Ngài và đích thân dẫn dắt dân Ngài. Sứ giả hô lớn:

“Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Chúa;

giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng

cho Chúa chúng ta.

Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy,

mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống,

núi đồi lồi lõm sẽ hóa thành đồng bằng,

chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu” (40: 3-4).

Cuộc hành trình băng qua hoang địa dưới sự che chở và hướng dẫn của Thiên Chúa, viễn cảnh nầy gợi lên rằng Thiên Chúa sẽ thực hiện những điềm thiêng dấu lạ cho những tù nhân Ba-by-lon, như xưa kia Ngài đã thực hiện cho cha ông họ: giải thoát họ ra khỏi cảnh đời nô dịch ở bên Ai-cập và dẫn đưa họ về miền Đất Hứa. Cuộc Xuất Hành mới này sẽ bày tỏ vinh quang Thiên Chúa. Ngài vẫn trung thành với những gì Ngài đã hứa, Ngài sẽ thực hiện những dự định của Ngài. Dân Ít-ra-en sẽ là chứng nhân về ơn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa:

“Bấy giờ vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện,

và mọi người phàm sẽ cùng được thấy

rằng miệng Đức Chúa đã phán truyền” (40: 5).

*4. “Loan tin mừng”:

“Hỡi kẻ loan tin mừng cho Xi-on, hãy trèo lên núi cao.

Hỡi kẻ loan tin mừng cho Giê-ru-sa-lem,

hãy cất tiếng lên cho thật mạnh.

Cất tiếng lên đừng sợ, hãy bảo các thành miền Giu-đa rằng:

‘Kìa Thiên Chúa các ngươi!’” (40: 9).

Chính ở nơi bản văn nầy mà những Ki-tô hữu tiên khởi đã mượn thuật ngữ “Tin Mừng” để chỉ Mặc Khải Đức Giê-su Ki-tô mang đến. Vì thế, chúng ta ở tận nguồn của thần học về “Tin Mừng” .

Ấy vậy, “Tin Mừng” nầy phải được lớn tiếng công bố từ trên đỉnh non cao để khắp các thành xứ Giu-đa có thể nghe được là gì? Đó là Thiên Chúa đích thân đến cứu dân Ngài, giải thoát những kẻ bị giam cầm, dẫn đưa họ về quê hương đích thật của mình. Ngài không còn dung thứ những điều gian ác mà dân Ngài phải chịu. 

Vị ngôn sứ tưởng tượng cuộc hồi hương về Giê-ru-sa-lem như một đám rước khải hoàn. Nhưng ông tô đậm chân dung vị lãnh đạo toàn thắng qua hình ảnh người mục tử ân cần trìu mến đối với đàn chiên của mình. Thiên Chúa tha thứ và dẫn đưa dân Ngài trở về miền Đất Hứa trước hết là vị Thiên Chúa Tình Yêu:

“Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa,

tập trung cả đoàn dưới cánh tay.

Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng,

bầy chiên mẹ , cũng tận tình dẫn dắt” (40: 11).

Đó là hình thức đầu tiên của Tin Mừng, tiên báo một cuộc giải thoát khác, một sự tha thứ có tính quyết định hơn và phổ quát hơn, và cũng tiên báo một đám rước khải hoàn khác: đám rước của những người được tuyển chọn về thành thánh Giê-ru-sa-lem thiên quốc.

BÀI ĐỌC II (2Pr 3: 8-14)

Ngay đầu thư, thánh Phê-rô tự giới thiệu mình: “Tôi là Si-mê-ôn Phê-rô, tôi tớ và Tông Đồ của Đức Giê-su Ki-tô”. Bức thư chắc chắn chứa đựng những lời căn dặn sau cùng của thánh Phê-rô (thánh nhân gợi lên cái chết gần kề của mình). Tuy nhiên, xem ra đây là một di cảo, được một trong số các môn đệ của thánh Phê-rô biên soạn lại và bổ sung để đương đầu với những hoàn cảnh mới.

Quả thật, những đề tài được đề cập đến trong đoạn trích hôm nay được hiểu tốt hơn, nếu như chúng được đặt vào trong bối cảnh muộn thời hơn. Thế hệ của các Tông Đồ và của những môn đệ truyền chân đã qua. Ấy vậy, Đức Ki-tô đã hứa là Ngài sẽ trở lại, nhưng thế hệ Ki-tô hữu hậu Tông Đồ chờ mãi vẫn không thấy ngày Chúa trở lại. Vì thế, họ ngạc nhiên, phản kháng và ngờ vực. Để trả lời cho vấn nạn nầy, một cộng tác viên của thánh Phê-rô đưa ra ba luận chứng:

*1.Khái niệm thời gian:

Thời gian là của Chúa chứ không của chúng ta. Tác giả trích dẫn thích đáng ý Tv 90:

“Ngàn năm Chúa kể là gì,

tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,

khác nào một trống canh thôi!” (Tv 90: 4).

*2.Thiên Chúa trì hoãn vì lòng xót thương:

Đức Ki-tô đến chậm vì để cho mọi người có thời gian ăn năn hối cải. Chúng ta cũng gặp lại suy tư nầy của thánh Phao-lô trong thư gởi các tín hữu Rô-ma: “Thưa anh em, tôi không muốn anh em chẳng hay biết mầu nhiệm này, để anh em đừng tự cho mình là khôn, đó là: một phần dân Ít-ra-en đã ra cứng lòng, cho đến khi các dân ngoại gia nhập đông đủ” (Rm 11: 25).

*3.Thiên Chúa trung tín với những lời Ngài đã hứa:

Việc Ngài trở lại là điều chắc chắn. Nhưng lúc đó là ngày cùng tận của thế giới (vậy tại sao phải hối thúc chứ?). Tác giả bức thư gợi lên ngày ấy bằng những hình ảnh quen thuộc của truyền thống khải huyền.

Đoạn ông khéo léo kết luận: bởi vì Thiên Chúa sẽ canh tân mọi sự cho những ai được Ngài tuyển chọn, thế nên, “trong khi mong đợi ngày đó, anh em phải nên tinh tuyền, không gì đáng trách, để được bình an trước mặt Chúa”.

TIN MỪNG (Mc 1: 1-8)

Đoạn Tin Mừng hôm nay được trích từ phần mở đầu của sách Tin Mừng theo thánh Mác-cô. Sách Tin Mừng Mác-cô không mở đầu với Tựa Ngôn như sách Tin Mừng Gioan, cũng không cuộc đời Thơ Ấu của Đức Giê-su như sách Tin Mừng Mát-thêu và sách Tin Mừng Lu-ca, nhưng với một nhan đề: “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giê-su, Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa”.

*1.Nhan đề (1: 1):

Sách Sáng Thế, sách đầu tiên của bộ Kinh Thánh, bắt đầu với diễn ngữ: “Lúc khởi đầu”. Sách Tin Mừng của thánh Mác-cô cũng bắt đầu với “Khởi đầu” để loan báo Tin Mừng về Đức Giê-su, là Đấng Ki-tô và là Con Thiên Chúa, Ngài đến để đánh dấu một khởi đầu tận căn, một khởi nguyên mới, kỷ nguyên cứu độ.

Kiểu nói: “Tin Mừng Đức Giê-su”, vừa có thể hiểu “Tin Mừng của Đức Giê-su”, nghĩa là Đức Giê-su loan báo Tin Mừng, nhưng cũng có thể hiểu “Tin Mừng về Đức Giê-su”, nghĩa là Tin Mừng mà Giáo Hội loan báo là về Đức Giê-su. Với nhan đề nầy, ngay từ đầu, thánh Mác-cô loan báo sách được chia thành hai phần:

-Trong phần thứ nhất (ch. 1-10), thánh Mác-cô muốn dẫn đưa độc giả của mình cùng với thánh Phê-rô và các môn đệ đến chỗ nhận biết và tuyên xưng “Thầy là Đấng Ki-tô” (8: 29).

-Trong phần hai (ch. 11-16), thánh Mác-cô muốn dẫn đưa độc giả của mình tới lời tuyên xưng đức tin sâu sắc hơn, được thốt ra từ miệng viên sĩ quan Rô-ma ngoại giáo, dưới chân thập giá: “Quả thật, người nầy là Con Thiên Chúa” (15: 39).

Như vậy, với nhan đề nầy cho toàn bộ sách Tin Mừng của mình, thánh Mác-cô xác định rất rõ rằng sách không kể cho chúng ta “tiểu sử cuộc đời” của Đức Giê-su, nhưng là một “Tin Mừng” về ơn cứu độ loài người được thể hiện cách độc đáo nơi bản thân Đức Giê-su quê Na-da-rét, Ngài là “Đấng Ki-tô” và là “Con Thiên Chúa” qua cái mâu thuẫn của thập giá. Chính Đức Giê-su là “Chúa” đến viếng thăm dân Ngài, không phải trong quyền uy xét xử, nhưng trong cái yếu hèn của một tình yêu trao tặng.

*2.Các sấm ngôn  (1: 2-3):

Trước khi giới thiệu cách long trọng sứ mạng của Gioan Tẩy Giả, vị Tiền Hô của Đức Giê-su, thánh Mác-cô trích dẫn hai sấm ngôn:

-Sấm ngôn thứ nhất: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước Con, để dọn đường cho Con đến”, được đúc kết bởi hai bản văn Cựu Ước khác nhau: Xh 23: 20 và Ml 3: 1. Trong Xh 23: 20, Thiên Chúa nói với ông Mô-sê: “Nầy Ta sai sứ thần đi trước con, để gìn giữ con khi đi đường…”. Ngôn sứ Ma-la-khi lập lại lời nầy nhưng với một ‎ý nghĩa mới: “Nầy Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta” (3: 1). Trong sấm ngôn của Ma-la-khi, Thiên Chúa sai “sứ giả” của Ngài đến trước dọn đường để “Ngài đích thân đến với dân Ngài”.

Vị sứ giả trong sấm ngôn nầy là ai? Chúng ta gặp thấy căn tính của vị sứ giả nầy ở Ml 3: 23: “Nầy Ta sai ngôn sứ Ê-li-a đến với các ngươi, trước khi Ngày của Đức Chúa đến, ngày trọng đại và huy hoàng”. Theo 2V 2: 11, ngôn sứ Ê-li-a không chết nhưng được rước về trời trong một cỗ xe đỏ như lửa với những con ngựa kéo cũng đỏ như lửa. Vì thế, theo truyền thống Do thái mãi cho đến thời Chúa Giê-su, vị sứ giả Ê-li-a sẽ trở lại để dọn đường cho Chúa đến..

-Sấm ngôn thứ hai được trích dẫn từ Is 40: 3 (x. Bài Đọc I), theo đó vị ngôn sứ loan báo cho những những người lưu đày ở Ba-by-lon biết rằng Thiên Chúa sắp can thiệp để giải thoát họ khỏi kiếp sống tù đày. Thánh Mác-cô cũng đã thấy ở nơi sấm ngôn này tiên báo Gioan Tẩy Giả, vị tiền hô của Đức Giê-su, ông có sứ mạng đến trước để dọn đường cho Đức Giê-su đến. Ở nơi lệnh truyền nầy: thung lũng sẽ được lấp đầy, núi đồi sẽ phải bạt xuống…, chúng ta gặp thấy cũng lời dạy của Gioan Tẩy Giả, nhưng được tinh thần hóa: phải thay lòng đổi dạ, biến đổi sa mạc tâm hồn thành miền đất thấm đẩm thiên ân, hủy bỏ những quanh co uốn khúc của sự gian tà…

Theo phương cách trích dẫn phổ biến vào thời đó, thánh Mác-cô gán toàn bộ lời trích dẫn nầy cho ngôn sứ I-sai-a, bởi vì chúng có chung một đề tài: “dọn đường để đón tiếp Thiên Chúa”. Như vậy, khi khai mạc sứ vụ của Gioan Tẩy Giả bằng cách trích dẫn các sấm ngôn nầy, thánh Mác-cô muốn người đọc thấy rằng biến cố nhập thể của Đức Giê-su đã được Cha Ngài chuẩn bị trước đó rồi, và ơn gọi của Gioan Tẩy giả, vị Tiền Hô của Con Ngài, được dự kiến lâu lắm rồi trong kế hoạch của Thiên Chúa. Chính Gioan Tẩy Giả là ngôn sứ Ê-li-a, mà truyền thống Do thái mong đợi, trở lại để dọn đường cho Chúa, và việc ông xuất hiện cho thấy Thiên Chúa vẫn trung thành với những lời Ngài đã hứa. Thời gian đã đến hồi viên mãn.

*3.Hoạt động của Gioan Tẩy Giả (1: 4-5).

Chúng ta lưu ý rằng khi trích dẫn sấm ngôn I-sai-a, thánh Mác-cô đã tự ý thay đổi vài từ và ngắt câu cho phù hợp với hoàn cảnh hiện nay của Gioan Tẩy Giả. Để giới thiệu Gioan Tẩy Giả cho rõ hơn, thánh Mác-cô thay đổi: thay vì “Có tiếng hô” thì “Có tiếng người hô”, và túc từ chỉ nơi chốn “trong sa mạc” thay vì bổ nghĩa cho câu sau, thì bổ nghĩa cho câu trước: “Có tiếng người hô trong hoang địa”. Quả thật, Gioan Tẩy giả đã ẩn cư trong hoang địa ngay từ thuở thanh xuân để chuẩn bị sứ mạng của mình trong thinh lặng và chiêm niệm cho đến ngày ra mắt dân Ít-ra-en (x. Lc 1: 80). Đây là hoang địa Giu-đa có dòng sông Gio-đan chảy băng qua và đổ vào Biển Chết. Hoang địa là nơi ẩn cư quen thuộc của những nhà thần bí vĩ đại thời Cựu Ước và là nơi ưu tiên cho những cuộc gặp gở với Thiên Chúa, như ông Mô-sê, ngôn sứ Ê-li-a, vân vân. Cũng như chính trong hoang địa mà dân Ít-ra-en đã trải qua những kinh nghiệm tôn giáo hình thành nên những mốc điểm lịch sử của dân tộc mình.

Lời kêu gọi sám hối là đề tài thường hằng của truyền thống ngôn sứ. Gioan Tẩy Giả là vị ngôn sứ cuối cùng tiếp tục truyền thống nầy, nhưng ông thêm vào đây phép rửa. Không phải trong hoang địa mà nước mặc lấy tất cả giá trị và ý nghĩa tròn đầy của nó sao? Nước đem lại sự sống và biểu tượng ơn cứu độ.

*4.Cách sống của Gioan Tẩy Giả (1: 6):

Gioan Tẩy Giả sống theo lối sống khổ hạnh: “Ông mặc áo lông lạc đà, thắt đai lưng bằng da, ăn châu chấu và mật ong rừng”. Qua việc mô tả cách ăn mặc của Gioan giống như ngôn sứ Ê-li-a (1V 1: 8), thánh Mác-cô muốn thông báo rằng Gioan Tẩy Giả chính là ngôn sứ Ê-li-a tái xuất hiện mà mọi người đang mong đợi. Ngoài ra, qua việc mô tả tỉ mỉ cách sống khổ hạnh của Gioan Tẩy Giả trong hoang địa cô tịch, thánh Mác-cô ngầm trình bày hình ảnh tương phản với Đức Giê-su: Ngài giao tiếp với mọi người, gần gũi với đủ hạng người ở ngoài xã hội, cùng ăn cùng uống, cùng chia sẻ cuộc sống vui, buồn, sướng khổ với họ. Chính ở nơi tính chất rất là người nầy, thánh Mác-cô có ý định dẫn đưa người đọc vào mầu nhiệm của Đức Giê-su, Đấng Ki-tô và Con Thiên Chúa. Còn Gioan Tẩy Giả, thánh nhân không chỉ rao giảng sám hối, nhưng còn hiện thân của sự sám hối qua cuộc sống khổ hạnh của mình.

*5.Chứng từ của Gioan Tẩy giả (1: 7-8).

Chứng từ của Gioan Tẩy giả về Đức Giê-su là điểm nhắm của đoạn Tin Mừng hôm nay. Sứ điệp của ông làm xáo động lòng người. Uy tín của ông quá lớn đến độ dân chúng khắp nơi tuôn đến với ông. Tuy nhiên, ông ý thức sâu xa về sự cao vời khôn ví của Đức Giê-su. Ông công bố quyền năng vượt bậc của Đấng mà ông có sứ mạng chuẩn bị cho việc Ngài đến khi sử dụng hình ảnh rất tương phản để diễn tả sự bất xứng của mình như người nô lệ trước mặt chủ, cả đến việc cúi xuống cởi dép cho Ngài ông cũng chẳng xứng đáng nữa: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cỏi dép cho Người”. Hình ảnh này rất sinh động, vì để chịu phép rửa của Gioan trong dòng sông Gio-đan, người ta phải cởi giày dép trên bờ.

Nhất là ông nhận biết sự khác biệt căn bản giữa phép rửa của ông và phép rửa của Đức Giê-su: ông chỉ “làm phép rửa trong nước”; Đức Giê-su mới là Đấng “làm phép rửa trong Thánh Thần”. Điều làm cho Đức Giê-su trổi vượt hẳn vị Tiền Hô của Ngài, đó là Ngài là Đấng sở hữu Thánh Thần (x. 1: 10).

Danh tiếng của Gioan Tẩy giả vào thời đó không thể nào chối cải. Sách Công Vụ nói với chúng ta rằng ngay cả sau khi ông đã qua đời rất lâu sau đó, các cộng đoàn môn đệ của ông vẫn tồn tại (Cv 18: 24-25; 19: 1-7). Họ đề cao ông là “Đấng Mê-si-a” (Ga 1: 19-34). Như thế ngay từ trang đầu tiên Tin Mừng của mình, thánh Mác-cô đã đặt Gioan Tẩy Giả vào đúng vị thế của ông: sứ mạng của ông chỉ là loan báo và chuẩn bị cho Đức Giê-su, Ngài là Đấng Ki-tô và là Con Thiên Chúa. Chính Đức Giê-su mới là Tin Mừng mà Gioan có sứ mạng loan báo cho hết mọi người.

home Mục lục Lưu trữ