Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 80

Tổng truy cập: 1364641

THAM DỰ VÀO THIÊN QUỐC

THAM DỰ VÀO THIÊN QUỐC(*)  Chú giải của Noel Quession

Sau đó. Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến.

Là bạn đồng hành của Phaolô, tông đồ các dân ngoại Luca nhấn, mạnh đến điểm này của cuộc đời Đức Giêsu. Trong số bốn thánh sử, Ngài là người duy nhất thuật lại giai đoạn này. Trong lúc Luca viết ra, Ngài đã thấy các cộng đoàn Kitô hữu được khai sinh ở giữa các đô thị và vùng đất của dân ngoại. Một số các nhà thờ địa phương ấy được khai sinh không phải do hoạt động của các tông đồ được chính thức ủy nhiệm, nhưng do hoạt động tông đồ của giáo dân, của các ông, các bà phải di chuyển vì nghề nghiệp và họ đã loan báo Đức Giêsu (Rô-ma 16).

Luca nhấn mạnh rằng chính Đức Giêsu đã thiết lập việc tông đồ của các môn đệ. Đức Giêsu không chỉ sai Nhóm Mười Hai đi (Lc 9, l-6). Người cũng đã sai bảy mươi hai môn đệ,ra đi và hầu như trong cùng một thời gian (Lc 10, 1,20) để thực hiện cùng một sứ mạng… vả lại với nhiều tình huống hơn sứ mạng của hàng giáo phẩm. Người ta sẽ không bao giờ kể lại điều đó cho đầy đủ, Giáo Hội không chỉ và không trước tiên là Giáo Hoàng và các Giám Mục mà là “dân Thiên Chúa”, là mỗi Kitô hữu.

Tôi có tin rằng Đức Giêsu sai tôi đi không? Rằng tôi là “sứ giả” “Người được sai đi” của Chúa đến với người này, người nọ không? Phải có cả các phụ nữ trong số những người được sai đi đó (Lc 8, 13)

“Bảy mươi hai”… ám chỉ tính toàn cầu của các dân ngoại được kể ra trong sách Sáng Thế (St 10), một số thủ bản nói về con số bảy mươi. Dĩ nhiên, con số không hạn chế và cũng không phải là con số của số học. Tất cả mọi người! Tất cả mọi dân tộc.

Cứ từng hai Người một”… Đây là con số mà Luật đòi hỏi để một chứng từ được nhận là có giá trị (đệ nhị luật 19,15). Đó cũng là tập quán của những Kitô hữu đầu tiên đi truyền giáo, không bao giờ họ đi một mình: Phaolô và Bác-na-bê… Bác-na-bê và Máccô… Phaolô và Si-la…

Đời sống hiện đại, công việc nghề: nghiệp, khoa học, học đường, văn hóa đã đề cao giá trị của việc kết hợp thành tổ nhóm. Có phải tôi đang là một ky sĩ độc hành không?

“Đi trước… các nơi mà Người sẽ đến… ” Công việc tông đồ lúc nào cũng phải khiêm tốn. Người ta chỉ có thể chuẩn bị mà thôi. Chính Đức Gỉêsu sẽ đến làm công việc thật sự. Chúng ta chỉ là những kẻ mở đường.

Người bảo các ông: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”.

Trong viễn cảnh mà Đức Giêsu nhắm đến, rõ ràng là con số bảy mười hai người đầu tiên tuy khá lớn nhưng sẽ không đủ Những người thợ mới phải không ngừng bắt tay vào công việc. Đức Giêsu nhìn xa trông rộng? “Mùa gặt” là một hình ảnh truyền thống trong Kinh thánh để nói về thời kỳ: sau hết, sự can thiệp của Thiên Chúa vào thời mạt thế (Gian 4,13; Mát-thêu 13,39; Khải Huyền 14, 15-16). Trong Đức Giêsu, thời kỳ sau hết này đã bắt đầu. Đức Giêsu nhìn thấy sự dồi dào của “mùa gặt thánh thiêng” ấy mà Thiên Chúa là chủ mùa gặt.

Tôi có thật sự tin chắc rằng nhiều người, đàn ông cũng như đàn bà sẵn sàng đi theo Tin Mừng? Nhưng các thợ gặt đang thiếu, Đức Giêsu nói. Tức khắc, trước sự thiếu thợ gặt đó (do vậy không chỉ là một nhược điểm của thời đại chúng ta), Đức Giêsu đưa ra cho chúng ta một giải pháp duy nhất là sự cầu nguyện. Đối với Người, rõ ràng là việc tông đồ không phải là một công việc của con nguời như tuyên truyền hay quảng cáo, nhưng là một công việc của Thiên Chúa, một ân sủng. Tôi có cầu nguyện để có thêm nhiều thợ gặt không? Trước hết là giáo dân… nhưng cả các linh mục, tu sĩ nam nữ. Phần tôi? Tôi có phải là một người thợ gặt làm việc cho công cuộc cứu chuộc không?

Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con di vào giữa bầy sói.

Anh em hãy ra đi? Đây là một mệnh lệnh. “Thầy” sai anh em…

Đức Giêsu không che giấu sự khó khăn trong công việc Và chúng ta tiếp tục ngạc nhiên vì có nhiều người bỏ mất đức tin vì chưng thất bại to lớn trong việc truyền bá đức tin. Tuy nhiên chúng ta đã được cảnh báo rõ. Hình ảnh cũng làm ta kinh ngạc và khó chịu: tín hữu như một con chiên con bị một bầy sói tấn công. Chúng ta chớ gán cho hình ảnh những ý nghĩa mà nó không có. Mọi dân ngoại, mọi người vô ưu đều được Thiên Chúa yêu thương. Nhưng “đàn chiên bé nhỏ” rất cần có chủ chăn bảo vệ (Ga 15, 18; 10, 1.16). Đức Giêsu đã báo trước chó Giáo Hội của người: Giáo Hội thường xuyên ở trong tình trạng nguy hiểm? Những thời kỳ yên tĩnh, bình an đúng ra phải làm chúng ta ngạc nhiêm… Vậy thì hãy có lòng trông cậy.

Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép…

Điều đáng lưu ý là Đức Giêsu sẽ không đưa ra một hướng dẫn nào về “học thuyết”! Người không nói về nội dung của đttc tin… nhưng nói về các thái độ cụ thể của những người đi thuyết giảng! Y phục, hành trang, cách giao tiếp. Các nhà truyền giáo trước hết loan báo Nước Thiên Chúa bằng cách sống của họ!

Trước tiên, Đức Giêsu đặt ra yêu sách sống nghèo khó Không nên ỷ vào các phương tiện của con người.. Đức Giêsu đã không sử dụng các vũ khí của quyền lực, của sự giàu sang của vẻ lộng lẫy, huy hoàng… Đức Giêsu không ra vẻ “trịnh trọng”; Người “vốn giàu sang đã trở nên nghèo hèn”. Yêu sách đầu tiên của Giáo Hội là theo hướng của thầy mình, là trở nên nghèo khó.

Đừng chào hỏi ai dọc đường…

Đây không phải là một mệnh lệnh về sự vô lễ, nhưng về sự cấp bách! Không nên mất thời gian vì những cử chỉ lễ phép quá, mức và dài dòng, vì những lề thói thế tục.

Trong Luca, điều gây ấn tượng mạnh là các sứ giả của Tin Mừng “chạy” khắp nơi: Đức Maria chạy, đi thăm viếng, các mục đồng chạy đến máng cỏ, Phi-líp-phê chạy để đuổi kịp chiếc xe của một người ê-thi-óp (Công vụ 8,30). Còn tôi thì sao? Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói! “Bình an cho nhà này!”. Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ đậu trên người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ quay về với anh em. Giờ đây là một phong cách sống nào đó: sự bình an, niềm vui trong sáng. Một sự hiệp thông của bình an và mềm vui. Hãy có nơi chính mình một sự bình an và chuyển sự bình an ấy cho người khác “Bình an của anh em sẽ đậu trên người ấy…” Tin Mừng cũng chính là điều đó? làm chuyển động một dòng chảy sung mãn hài hòa giữa các con người.

Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em.

Những vấn đề về ăn uống này đối với chúng ta dường như rất ty tiện. Khi người ta biết những cấm đoán theo đúng nghi lễ của người Do Thái, những lời ấy của Đức Giêsu vang lên như một ‘sự giải phóng phi thường: anh em hãy ăn mọi thứ thức ăn mà không cần bận tâm xem những thức ăn ấy tinh khiết hay ô uế. Ở đây, Đức Giêsu xuất hiện với chúng ta như một người thật sự đi trước thời đại của mình. Thật vậy; Người biện hộ cho một sự cởi mở phóng khoáng đối với tục lệ và tập quán của những người khác chấp nhận các tục lệ văn hóa của các dân tộc mà chúng ta muốn rao giảng Tin Mừng! Điều đó đi rất xa.

Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.”

Tin Mừng này trước tiên rất cụ thể; rất thực tiễn. Đó là một Tin Mừng, bằng hành động làm điều thiện, đẩy lui điều ác an ủi, cứu chữa…

Triều đại của Thiên Chúa. Kế hoạch của Thiên Chúa. Dự án của Thiên Chúa. Người ta chờ đợi Triều đại đó cho thời kỳ sau hết. Triều Đại ấy. có ở đó, Đức Giêsu nói… rất gần? Rất gần anh em. Triều đại trong đời thường, thông thường nhất, của anh em, và anh em không biết khám phá sự gần gũi ấy. Triều đại của Thiên Chúa là gì? Chính là Đức Giêsu. Đó là hạt giống mầu nhiệm của Thiên Chúa được đặt vào chính tấm lòng của con người. Với Đức Giêsu, Thiên Chúa hiển trị, Thiên Chúa ở đó, ngay từ bây giờ. Trong Đức Giêsu, sự hoàn thành của thế gian đã được lan rộng. Tin Mừng là một điều gì rất đơn giản: chính nghĩa của Thiên Chúa sẽ chiến thắng và chính nghĩa ấy là tương lai tuyệt đối của con người, và nó đã bắt đầu! Thế gian sẽ không trường tồn mãi mãi, lịch sử của nhân loại sẽ có lúc kết thúc, nhưng sự chấm dứt này không phải là hư vô, mà chính là Thiên Chúa. Tin vào Thiên Chúa, chính là tham dự trước vào sự thành công ấy, chính là ngay từ bây giờ làm cho chính nghĩa của con người thành công vì chính nghĩa của con người chỉ là một với chính nghĩa cửa Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Một cách cụ thể, Triều đại của Thiên Chúa chính là “thực thi thánh ý của Thiên Chúa”: Nguyện “Nước Cha trị đến, ý cha thể hiện dưới đất! Và thánh ý của Thiên Chúa, chính là điều tốt lành trọn vẹn của con người: sự chữa trị các bệnh tật thực sự hư hỏng tính toàn vẹn của con người) là một dấu chỉ của thánh ý ấy: “Anh em hãy cứu chữa con người? ” Triều đại của Thiên Chúa ở đó, rất gần!

Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói: “Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin gửi trả lại các ông. ‘Tuy nhiên các ông phải biết điều này. Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. “Thầy nói cho anh em hay: trong ngày ấy thành Xơđom còn được xử khoan hồng hơn thành đó”.

Rõ ràng Đức Giêsu đắ đối diện với các thất bại, các sự khước từ không tin… Nhưng sự báo trước chính nghĩa của Thiên Chúa phải thành công (cũng là sự thành tựu của chính nghĩa con người?) vẫn tồn tại; dù các ông, có muốn hay không, một ngày kia, Thiên Chúa sẽ hiển trị, và đó là Ngày Phán Xét… dĩ nhiên, các ông là những người cố tình và ngoan cố chối từ, các ông sẽ ở lại bên ngoài sự thành công ấy mà lẽ ra làm sự thành công của các ông.

Nhóm Bảy Mươi Hai trở về, hớn hở nói: “Thưa Thầy nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con”. Đức Giêsu bảo các ông: “Thầy đã thấy Xatan như một tia chớp từ trời sa xuống. Đây, Thầy đã ban cho anh quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực kẻ thù mà chẳng có gì làm hại được anh em. Tuy nhiên anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời”.

Nhóm Bảy Mươi Hai đầu tiên không chỉ có thất bại công việc tông đồ của họ đã thành công: những quyền lực của sự ác đã lùi ‘ bước. Đó là một nỗi vui mừng Đức Giêsu làm giảm nhẹ chủ nghĩa đắc thắng có hơi ngây thơ và rất tự nhiên của họ: anh em hãy thán phục, phải! Nhưng nhất là hãy tạ ơn, hãy đi vào nội tâm! Niềm vui chủ yếu là được tham dự vào Thiên quốc, và đã tham dự rồi.

 (*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt

CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN – NĂM C

THI HÀNH Ý NGÀI- Chú giải của William Barclay

Chỉ có mình thánh Luca ghi lại việc sai phái bảy mươi hai môn đệ đi trước sửa soạn cho chức vụ của Chúa Giêsu. Điều này phù hợp với việc Chúa kéo dài cuộc hành trình trên đường về Giêrusalem. Công tác của họ chỉ trong một thời gian hạn định, nhưng trong lời huấn thị đưa ra cho họ, Chúa Giêsu đã đưa ra những nguyên tắc căn bản áp dụng cho mọi thời. Trước hết Ngài tỏ cho biết lý do của sự lựa chọn họ: đó là vì cánh đồng lúa gặt thì lớn mà thợ gặt thì ít quá. Trước khi thế gian nhận được sứ điệp họ mang tới, họ và những người kế vị họ phải tha thiết cầu nguyện với Chúa màu gặt sai thợ đến. Đó là một lời cầu nguyện mà mọi kẻ phụng sự Chúa Kitô phải dâng lên tự đáy lòng mình. Lòng yêu mến chúng ta đối với Chúa sẽ khiến chúng ta cố gắng hoàn thành công tác mau chóng hơn, và muốn được vậy cần phải có đông công nhân hơn.

Đối với người Do thái, số bảy mươi hai là số biểu tượng. Đó là số các trưởng lão đã được lựa chọn để giúp đỡ lãnh tụ Môsê, với phận sự điều khiển, hướng dẫn dân chúng trong sa mạc. Đó là số thành viên của Hội đồng quốc gia. Nếu số bảy mươi hai chỉ đoàn thể nào trong hai đoàn thể đó thì họ cũng là phụ tá cho Chúa Giêsu. Số đó cũng được coi như số các nước trên thế giới lúc bấy giờ. Luca là người có tầm mắt quốc tế, có lẽ ông đang nghĩ đến một ngày mà mọi nước trên thế giới sẽ nhận biết và yêu mến Chúa Giêsu, như ông đang yêu mến Ngài vậy.

Đoạn Kinh Thánh cho ta biết mấy điều hết sức quan trọng về người truyền đạo cũng như thính giả.

– Người giảng đạo khi ra đi phải sẵn sàng chờ đợi sự hiểm nguy “như chiên giữa bầy muông sói”, nhưng họ cũng đừng để cho lòng bối rối vấn vương vào những sự thế tục. Sứ giả cần lên đường cách nhẹ nhàng.

– Người giảng đạo cần phải chú tâm vào bổn phận của mình, đừng phí thì giờ vào những nghi lễ lạt lẽo vô vị, nhưng phải ra đi như những con người được thúc giục bởi một động lực cao cả “Người ấy không được chào ai dọc đường” điều này nhắc lại điều lời tiên Êlia bảo tên đầy tớ Giêkhađi đi giúp cho bà ân nhân đất Sunêm khi đứa con đã chết: “Hãy thắt lưng, cầm gậy của ta mà đi! Gặp ai thì đừng có chào, ai chào thì đừng đáp lại”. (2V 4,29). Đó không phải là dạy làm điều bất lịch sự nhưng là người của Thiên Chúa không nên quay ngang hoặc trì trệ vì những điều nhỏ nhặt đang khi những việc lớn chờ đợi kêu gọi mình.

Người giảng đạo không nên làm việc để kiếm tư lợi. Người ấy nên ăn những món người ta dọn cho mình, không nên đi từ nhà này qua nhà khác cố ý tìm nơi dễ chịu hơn, đầy đủ tiện nghi hơn. Chẳng bao lâu sau khi được thiết lập Hội Thánh đã có những hạng người ăn bám. Cuốn “Giáo lý của mười hai tông đồ” được viết khoảng năm 100 SC (Sau Chúa) là cuốn sách về trật tự của Hội Thánh đầu tiên. Trong thời đó có những tiên tri đi lang thang từ thành này sang thành khác. Sách đã quy định rằng, nếu vị tiên tri nào muốn ở lại nơi nào lâu hơn ba ngày mà không có việc làm thì kẻ ấy là tiên tri giả, và nếu tiên tri nào xưng mình ở trong Thánh Linh mà xin tiền hay xin thức ăn thì kẻ ấy là tiên tri giả. Người thợ đáng lãnh tiền công, nhưng đầy tớ của Đấng chịu đóng đinh không thể là một kẻ say mê lạc thú.

Ngay từ khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, người Kitô hữu đã được Chúa Cứu Thế kêu mời thi hành sứ mệnh “Vậy Hội Thánh nhân danh Thiên Chúa hết sức kêu mời tất cả các giáo dân, hưởng ứng sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, hãy mau mắn, đại độ và sẵn sàng đáp lại tiếng gọi của Chúa Kitô, Đấng giờ đây đang thiết tha mời gọi họ. Ước gì giới trẻ hiểu rằng lời mời gọi của Người được đặc biệt gởi tới họ và ước gì họ vui mừng và quảng đại đón nhận. Quả thật chính Chúa Giêsu một lần nữa nhờ Thánh Công Đồng này, mời gọi tất cả các giáo dân hãy kết hợp với Người ngày một mật thiết hơn và nhận thức được những gì của Người cũng chính là của chính mình. (Ph 2,5). Họ hãy tham gia vào sứ mạng cứu rỗi của chính Người và một lần nữa Ngài sai họ đi tới các thành và những nơi Người sẽ đến. Như thế giáo dân hãy chứng tỏ mình là cộng tác viên của Chúa Giêsu cộng tác vào cùng một công việc tông đồ của Giáo Hội bằng nhiều hình thức và phương tiện khác nhau. Những cộng tác viên phải luôn thích nghi với những đòi hỏi mới của thời đại và không ngừng ra sức phục vụ Chúa bởi biết rằng khó nhọc của mình không phải là uổng phí trong Người”. (TĐ 33).

Đức Kitô muốn thông ban cho các môn đệ lòng can đảm trong việc tông đồ nên khi Ngài nói “Ta sai các con” điều mà thánh Gioakim Khẩu chú giải: “Điều này đủ cho các ngươi được can đảm, điều này làm cho các ngươi được tin tưởng”. Các sứ giả được can đảm vì ý thức rằng mình được Thiên Chúa sai đi, như sau này Phêrô giải thích rõ ràng cho Thượng Hội Đồng ông hành động như thế nhân danh Đức Giêsu Nadaret, “vì dưới gầm trời này không có danh nào khác khiến người ta được cứu rỗi”. Rồi thánh Grêgôriô Cả thêm vào để giải thích câu huấn thị của Chúa: Đừng mang bao bị giầy dép, đừng chào hỏi ai dọc đường. Người rao giảng phải đặt niềm tin vào Chúa tới độ dầu không trang bị cho mình những nhu cầu để sống, vẫn xác tín rằng sẽ không thiếu; thật thế, nếu Ngài bận tâm cho những sự thế tục, Ngài không thể ban phát chung quanh Ngài những sự trên trời. Truyền giáo đòi hỏi một sự hiến thân bao gồm sự từ bỏ, thế nên thánh Phêrô là người đầu tiên thực hành lời dạy của Chúa và đã nói với người hành khất ở Cửa Đẹp Đền Thờ: “Vàng bạc thì tôi không có”. Thánh Ambrôsiô thêm vào “không phải để phô trương sự nghèo khó, nhưng đúng hơn để vâng phục lệnh Chúa, dường như Ngài muốn bảo anh: Thấy tôi là một môn đệ của Đức Kitô mà anh lại xin tiền à? Chúng ta có thể cho anh ta cái gì còn có giá trị hơn vàng bạc nữa: quyền năng hành động nhân danh Chúa. Tôi không có cái mà Chúa Kitô không cho tôi, nhưng tôi có cái mà Ngài cho tôi: “nhân danh Chúa Giêsu thành Nadaret anh hãy dậy mà đi”. Do đó, việc truyền giáo đòi hỏi phải siêu thoát của cải vật chất, cũng như phải luôn luôn mau lẹ sẵn sàng vì công việc cấp bách…

“Đừng chào hỏi ai dọc đường” Thánh Ambrôsiô tự hỏi “Sao lại thế? Chúa lại bỏ một việc xã giao thường tình? Nhưng phải để ý Chúa không bảo đừng chào ai nhưng bảo đừng chào ai dọc đường, không thừa đâu!

Khi tiên tri Êlia sai tên đầy tớ đi cứu giúp đứa con bà góa bằng cách để cây gậy của vị tiên tri trên đứa bé đã chết, ông cũng ra lệnh đừng chào hỏi ai dọc đường: Ông có ý bảo phải mau mau cứu bé sống lại, đừng để chậm trễ vì những người cùng đi đường với mình. Như thế không phải bỏ qua hết phép lịch sự xã giao, nhưng hạn chế những gì ngăn trở để việc phục vụ được mau lẹ. Khi Thiên Chúa đã bảo, điều gì thế tục phải tạm thời để qua một bên, chào hỏi nhau là tốt, nhưng tốt hơn là thi hành cho mau điều Chúa dạy vì chậm trễ có thể trở nên vô ích…

Về phần thính giả, lời Chúa hôm nay dạy rằng nghe lời Thiên Chúa là một trách nhiệm lớn. Người ta sẽ chịu phán xét theo những gì mình đã may mắn biết được. Chúng ta không chấp trách trẻ con điều mà chúng ta kết án người lớn, chúng ta tha thứ cho người man ri những thái độ, hành động mà nếu xảy ra nơi người văn minh thì bị trừng phạt. Trách nhiệm là mặt trái của đặc ân. Chối bỏ lời mời của Thiên Chúa là một tai họa. Ở một phương diện thì mỗi lời hứa của Chúa có thể thành lời buộc tội cho người nào nghe đến. Nếu người ấy tiếp nhận các lời hứa đó thì quả thật đó là sự vinh hiển nhất, nhưng nếu người ấy xén bỏ đi, thì một ngày kia, lời ấy sẽ là chứng cớ nghịch lại cùng người ấy vậy.

Bảy mươi hai môn đệ trở về với vẻ mặt sáng rỡ vì những chiến thắng đã dành được trong danh Chúa. Ngài nói với các ông một câu khó hiểu: “Ta thấy Xatan bị tấn công vào Nước của Thiên Chúa xuất hiện”. Nó có thể có nghĩa là Chúa Giêsu biết rằng nhát đòn tử thương đã giáng xuống Xatan và các quyền lực của nó, tuy rằng chiến thắng cuối cùng của Xatan có thể con trì hoãn lâu.

Nhưng câu đó cũng có thể là lời cảnh cáo cho tính kiêu căng. Vì do kiêu ngạo Xatan chống nghịch Thiên Chúa, nên đã bị ném ra khỏi trời. Có thể Chúa Giêsu ngụ ý cùng bảy mươi hai môn đệ rằng: “Các ngươi đã thu gặt được nhiều thắng lợi, hãy giữ mình kẻo sinh kiêu ngạo…” Chúa Giêsu luôn luôn cảnh cáo các tôi tớ Ngài về tội kiêu ngạo và quá tự tin. Quả thực họ được Chúa ban cho mọi quyền phép, nhưng vinh hiển lớn nhất của họ là được ghi tên vào sổ trên trời. Có một điều mãi mãi là sự thật, ấy là vinh hiển lớn nhất của con người không phải là những gì mình đã làm được,mà là những gì Chúa đã làm cho mình. Có người cho rằng việc khám phá ra thuốc mê đã giúp con người giảm bớt đau đớn nhiều hơn bất cứ khám phá nào khác trong y khoa. Một hôm có người hỏi James Simpson: “Ông cho điều gì là khám phá lớn nhất của ông?” và mong đợi câu trả lời rằng: “Thuốc mê”, vì chính ông là người đã khám phá ra môn thần dược này. Nhưng Simpson đã trả lời rằng: “Khám phá lớn nhất của tôi là Chúa Giêsu, Chúa cứu chuộc của tôi”. Tính kiêu ngạo đã cản đường lên thiên đàng, nhưng đức khiêm nhường là thông hành để được gặp Chúa.

Chúa sửa sai thái độ của các môn đệ khi chỉ cho các ông lý do thật đã vui là niềm hy vọng đạt nước thiên đàng chứ không trong quyền năng làm phép lạ, khi Người giao sứ mạng này cho các ông. Trong dịp khác, Chúa cũng cho một bài học tương tự (Mt 7,22-23). Trong mắt Chúa, thi hành ý Ngài quan trọng hơn là phép lạ.

home Mục lục Lưu trữ