Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 45
Tổng truy cập: 1370356
THÂN THỂ
(Suy niệm của Lm. Vũ Đình Tường)
Cơ thể con người được Thiên Chúa tạo dựng và phần nào cũng có chức năng riêng của nó, phần nào cũng quan trọng, phần nào cũng cần thiết. Ảnh hưởng bởi phong tục, tập quán, xã hội chia thân thể con người ra nhiều phần khác nhau. Bởi có chia thành từng phần nên việc thích phần cơ thể này nhiều hơn phần cơ thể kia là điều không thể tránh. Người ta nói đến khuôn mặt dễ thương, sóng mũi cao đẹp, đôi mắt tinh anh, miệng cười dí dỏm. Bởi thích hơn nên chăm sóc phần đó nhiều hơn và lơ là chăm sóc phần khác. Từ tư tưởng chăm sóc thiên vị kia dẫn đến việc ca ngợi phần cơ thể này và dùng phần không ưa kia tặng người mình không ưa kèm theo lời thậm tệ, chửi rủa, hạ nhục kẻ khác. Chửi rủa thường gắn liền với một phần nào đó của thân thể và phần đó thường được che kín, bởi giận nên bới tung phần che kín xả cơn bực dọc, khó chịu. Những câu nói đó dù nói riêng tư hay nói nơi công cộng đều khó nghe cả nhưng dường như hầu hết mọi người ít nhiều dùng những câu nói đó mà chúng ta gọi là chửi thề. Chửi thề là cách diễn tả cảm xúc của con người và diễn tả cảm xúc buồn vui, tức giận là điều cần thiết và người bình thường nào cũng cần đến. Tuy nhiên tuỳ thuộc vào cách diễn tả tình cảm của ta để người khác biết về cá tính và tư cách của người đó. Tư cách con người biểu lộ rõ ràng nhất khi người đó nóng giận, bực dọc bởi chính lúc đó là lúc sống thực với mình nhất. Sống thực bởi không kiềm chế được sự bực dọc.
Đức Kitô cũng dùng chính thân thể của Ngài để diễn tả không phải tình cảm suông mà Ngài dùng toàn thể con người Ngài để nói lên tình yêu tuyệt vời dành cho những ai Ngài yêu mến. Ngài hứa ban thịt và máu Ngài làm của ăn cho mọi người. Cách diễn tả mạnh bạo, mãnh liệt đến độ khi nghe đến người ta giật nảy mình, không tin vào điều tai vừa nghe.
Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy (Gn 6,53-56).
Có rất nhiều trường hợp Đức Kitô biểu lộ rõ ràng tâm tình của Ngài nhưng chưa lần nào Ngài biểu lộ cách rõ ràng, tỏ tường như lần Ngài dùng chính thịt và máu mình làm của nuôi tâm hồn con người. Đây không phải là diễn tả tình cảm riêng tư mà chính là ngôn ngữ diễn tả hành động vì yêu thương nên dâng hiến. Cho đi thịt và máu là cho đi tất cả thể xác lẫn tâm hồn, không giữ lại bất cứ chút nào mà là cho toàn vẹn. Ngôn ngữ nghe có vẻ chói tai cho những ai không tin vào Đức Kitô hay cho những ai đức tin yếu kém. Đức Kitô dùng ngôn ngữ hiến cho trọn vẹn để diễn tả tình yêu thiết tha, chân thành hết mực cho người mình yêu. Ngôn ngữ hy sinh trọn vẹn không thuần về tâm tình mà tiến xa hơn tâm tình đến hy sinh, hiến tặng vô điều kiện để nói lên mối tình tuyệt vời, không còn cấp bậc tình yêu nào cao hơn là chết vô điều kiện cho người mình yêu.
Khi hiến tặng toàn thể con người cho nhân loại Đức Kitô mời gọi chúng ta liên kết với Ngài qua việc bẻ bánh, qua việc đón nhận tình yêu Chúa vào trong tâm hồn một cách sốt sắng, mến yêu đáp lại tình Chúa yêu thương. Việc đón nhận Đức Kitô vào trong tâm hồn là liên kết sống trong Chúa. Chúa sống trong ta và ta sống trong Chúa. Thánh Phaolô diễn tả tình yêu liên kết là một bảo vệ, che chở tuyệt vời: khi Chúa ở cùng tôi, tôi còn sợ ai vì Thánh Thần Chúa giải thoát tôi (Rm 8,31)
Liên kết với Đức Kitô, tội lỗi và sự chết không còn làm chủ được ta nữa vì có Chúa ở cùng. Đấng chiến thắng sự chết. Sự sống trường sinh Chúa ban không bao giờ tàn lụi bởi sự sống đó đến từ Thiên Chúa hằng sống. Vì thế chúng ta cầu xin mỗi lần đón nhận Mình và Máu Thánh Chúa chúng ta cảm nhận được sự sống Phục Sinh của Ngài trong ta.
21. Bánh Hằng Sống
(Suy niệm của Lm. Vũ Đình Tường)
Sách Xuất Hành chương thứ ba kể chuyện Môisen nhìn thấy bụi cây bốc cháy nhưng bụi cây không tàn héo, vẫn xanh tươi. Thấy sự lạ Môisen tò mò dò bước tới xem. Gần đến nơi nghe tiếng phán, bỏ dép ra vì nơi ngươi đang đến là nơi thánh. Môisen hỏi thưa Ngài, Ngài là ai. Có tiếng đáp. Ta là Đấng Tự Hữu, Thiên Chúa của tổ tiên các ngươi, là Thiên Chúa hằng có đời đời.
Tin để hiểu
Gặp gỡ Thiên Chúa, Môisen không hiểu ý nghĩa thâm sâu của câu nói dù đã nghe rõ từng chữ trong câu. Qua cuộc đối thoại đó Môisen học biết đức tin không phải để hiểu mà để tin. Môisen tin mà không hiểu. Qua niềm tin chân thành, Thiên Chúa dùng Môisen như khí cụ, thủ lãnh giải phóng dân Ngài khỏi ách nô lệ Pharaôn.
Tin thì quan trọng và có ích hơn hiểu. Tin là bước đầu giúp tìm hiểu, học hỏi nhận biết thêm về Thiên Chúa. Hiểu rồi mới tin là điều không thể xảy ra vì điều kiện tiên quyết, căn bản là đức tin.
Đức Tin vô cùng quan trọng. Tin là bước nền tảng, căn bản dẫn đến hiểu biết qua cầu nguyện, thành tâm học hỏi. Thiếu bước nền tảng này không thể bước đúng bước kế tiếp. Bước đầu tiên đã sai. Bước thứ hai tiếp tục sai. Càng bước càng sai.
Sức mạnh niềm tin
Tin vào Thiên Chúa đã không thiệt thòi gì còn được hưởng ân huệ Chúa ban. Ơn được làm con cái Chúa, ơn được gọi Chúa là Cha. Ơn trợ giúp khi gặp nguy khó. Ơn là anh chị em trong đại gia đình Chúa. Ơn trở thành phần tử của thân thể Đức Kitô, Ngài là đầu, chúng ta là chi thể. Những ơn này không lộ rõ ra bề ngoài nhưng mang lại hạnh phúc thật cho tâm hồn. Lúc bình thường, thuận buồm xuôi gió, sức mạnh đức tin tiềm ẩn, bàng bạc trong cuộc sống, vô ý không nhận biết. Khi gian nan, lúc khốn khó, sức mạnh đức tin xuất hiện, giúp mang an bình nội tâm. Trong gian truân đức tin mạnh tựa núi đá, thành trì vững chắc bảo vệ, giúp vượt qua phong ba, bão tố. Vì thế kẻ có đức tin thất bại chẳng nản lòng. Buồn khổ, lo lắng, vẫn một lòng phó thác. Khi tù đày vẫn cảm thấy Chúa gần bên.
Ân huệ ngàn trùng
Gần ngàn năm sau Đức Kitô xuống thế làm rõ nghĩa câu tổ phụ Môisen thắc mắc và suy gẫm trong lòng. Đức Kitô mặc khải Đấng Tự Hữu không phải là ai khác mà chính là Cha Ngài. Mặc khải này cho biết:
Đức Kitô đến từ Chúa Cha, Đấng Tự Hữu.
Đức Kitô là Đấng hằng sống.
Đức Kitô là Đấng ban bánh hằng sống.
Ai ăn bánh này sẽ sống muôn đời vì được phúc trường sinh. Sức riêng ta không kiếm được bánh trường sinh. Nhờ tin, ăn bánh mà được kết hợp với Đấng hằng sống. Bánh đó chính là tình yêu Chúa ban cho nhân loại. Để diễn tả tình Chúa bao la Đức Kitô dùng Thịt và Máu Người làm của ăn trường sinh.
‘Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời’ c.58
Khôn ngoan tự trời
Bánh Hằng Sống là Bánh Từ Trời ban xuống vì thế không thể dùng khôn ngoan trần thế nhận Bánh Từ Trời. Muốn nhận được cần lòng tin và khiêm nhường. Những gì thuộc về trời chỉ có thể giải thích bởi khôn ngoan nước trời. Khôn ngoan trần thế không thấy sự khác biệt giữa bánh trần thế và Bánh Bởi Trời. Chỉ những ai khiêm nhu nhận ơn Chúa, với lòng tin mới nhận ra Bánh Trường Sinh đến từ trời.
Muốn nhận khôn ngoan nước trời, phải sống khiêm nhường. Bước đầu của khiêm nhường là chấp nhận con người giới hạn cả tài, trí lẫn đức. Để vượt qua giới hạn, cần siêng năng luyện tập các nhân đức. Chính việc thao luyện giúp trưởng thành về mọi mặt. Cách thao luyện đòi hỏi thành tâm, khiêm nhường. Tuổi đời và trưởng thành nhân đức không đi song hành. Càng siêng luyện tập càng sớm trưởng thành. Thiếu luyện tập nhân đức bị còi, đẹt, thu hẹp thể hiện qua tính tình bủn xỉn, nhỏ mọn, dễ giận, mau cáu, nhanh tự ái và ưa thù vặt.
Tài trí và đức, cần thao luyện chung với nhau mới mong có cuộc sống quân bình. Có tài trí mà thiếu đức dễ gây hoạ cho đời. Họa nhỏ thành đại hoạ do lãnh đạo quân phiệt, độc tài, vô đạo và vô thần. Giầu đức độ mà thiếu tài trí dễ bị kẻ khéo ăn nói, giỏi nịnh nọt, lợi dụng, làm xiêu lòng, rơi vào cạm bẫy kẻ tà tâm.
Liên kết
Nhờ ơn khôn ngoan mà nhận biết Bánh Trường Sinh không những đã nuôi sống, ban sức sống mà còn nối kết với Đấng hằng Sống. Chính sự nối kết này là nguồn sinh lực ban sức sống trường sinh cho những tâm hồn liên kết với Ngài. Hình ảnh cây nho liền cành dẫn đưa ta đến hình ảnh tình yêu sống động Đức Kitô thực hiện cho dân Ngài.
Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy c.57.
Đây chính là hình ảnh của hôn ước nước trời. Ai ăn thịt và uống máu Đức Kitô là liên kết với Ngài được tham dự tiệc cưới nước trời.
22. Tôi Là Bánh Hằng Sống – Lm. GB. Văn Hào
Công đồng Vaticanô II trong sắc lệnh về tác vụ và đời sống linh mục (Presbiterorum Ordinis) đã viết: “Mọi bí tích của Giáo hội đều quy nguồn về Thánh Thể, vì Thánh Thể chứa mọi kho tàng thiêng liêng của Giáo hội, là nhiệm thể Đức Kitô. Không có Thánh Thể, không có đời sống cầu nguyện và cũng không có việc rao giảng Tin mừng” (số 8). Lời khẳng quyết của Hội thánh nêu bật nền tảng thiết yếu của Bí tích Thánh Thể trong đời sống Đức tin của mọi Kitô hữu.
Suốt bốn tuần qua, chúng ta đã suy gẫm bài diễn từ về “Bánh” trong chương 6 của tin mừng thánh Gioan. Chúa nhật hôm nay, Giáo hội mời gọi chúng ta một lần nữa lắng đọng tâm hồn để tiến sâu vào quỹ đạo tình yêu nơi bàn tiệc thánh. Đó là bàn tiệc yêu thương, bàn tiệc đức tin và cũng là bàn tiệc diễn bày sự hiệp thông huynh đệ.
Bàn tiệc tình yêu.
Thánh Gioan đã viết: “Ngôi Lời đã hóa thành xác phàm” (Ga 1,14). Thân xác Đức Giêsu sau khi sống lại đã đi vào trong vinh quang với Chúa Cha, nhưng thân xác thánh thiêng ấy vẫn còn hiện diện cách nhiệm mầu nơi Bí tích Thánh Thể. Đó là sự hiện diện của tình yêu. “Thiên Chúa vui thích ở giữa dân Ngài”. Ngài đã đến cắm lều giữa chúng ta, dọn sẵn cho chúng ta bữa tiệc để tỏ hiện tình yêu nhưng không của Ngài. Đây cũng chính là bữa tiệc mà sách Khôn ngoan nhắc tới trong bài đọc thứ nhất của phụng vụ hôm nay. Thực đơn của bàn tiệc này chỉ có một món duy nhất, đó là tình yêu. Thiên Chúa là Tình yêu, là lương thực được hiến trao, như chính Đức Giêsu đã khẳng định trong bài Tin mừng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống”. Không có từ ngữ nào lột tả được cách trọn vẹn mầu nhiệm tình yêu sâu xa này. Chính Đức Giêsu đã khải thị cho các học trò trong bữa tiệc ly trước khi Ngài đi thụ nạn: “Không ai có tình yêu nào cao cả hơn mối tình của người hiến ban mạng sống mình cho bạn hữu”.
Muốn ngồi vào bàn tiệc tình yêu này, chúng ta phải loại bỏ khỏi mình những gì thuộc ác quỷ, đối kháng với tình yêu mà Thiên Chúa diễn bày. Thánh Augustinô đã nói: “Bánh mì nuôi sống con người, nhưng sẽ giết chết chim diều hâu”. Bao tử con người thích hợp với bánh mì nhưng khi diều hâu ăn vào, bánh mì sẽ trương nở, nó bị ngạt thở và sẽ chết. Bàn tiệc tình yêu sẽ không có chỗ để những con người ác tâm với một trái tim diều hâu ngồi vào. Diều hâu chuyên rúc rỉa xác chết, là một hình tượng ám chỉ những hôi thối và bẩn thỉu của tội lỗi. Ngồi vào bàn tiệc thánh, chúng ta cần phải tinh luyện tâm hồn, loại bỏ đi những gian dối lọc lừa, những hận thù ghét ghen, những tham lam bất chính. Chúa nói “Tôi là Bánh trường sinh”, bánh đem lại sự sống cho những người ngay lành nhưng sẽ giết chết những tâm hồn diều hâu đầy gian ác.
Bàn tiệc đức tin.
Mỗi khi chầu Thánh Thể, chúng ta mượn lại những vần thơ thánh của thánh Tôma Aquinô để hát lên: “Đây nhiệm tích vô cùng cao quý. Nếu giác quan không cảm nhận ra, chúng ta hãy lấy đức tin bù lại”. Đức tin là điều kiện tiên quyết để dẫn đưa chúng ta đến bàn tiệc. Chúa Giêsu đã nói: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi sẽ sống muôn đời” (Ga 6,54). Khi đàm đạo với Nicôđêmô, Đức Giêsu cũng đã khải thị: “Ai tin vào con của Người, sẽ được trường sinh” (Ga 3,15-16). Đây là hai cách diễn tả của một thực tại duy nhất: Ăn bánh trường sinh và tin vào Thiên Chúa. Bàn tiệc Thánh Thể chính là bàn tiệc của đức tin. Rất nhiều lần chúng ta đến nhà thờ tham dự thánh lễ nhưng thiếu hẳn cảm thức đức tin cần phải có. Nhiều người coi việc dự lễ mỗi tuần một lần vào Chúa nhật như một bổn phận phải làm để lương tâm được yên ổn, hay để người khác khỏi dị nghị. Thái độ đức tin là điều kiện tất yếu cần phải thể hiện, vì nếu không phát xuất từ đức tin, việc đi lễ cách máy móc sẽ trở nên vô nghĩa và phí phạm thì giờ cách vô ích.
Tin không phải là một động thái mang tính suy lý, nhưng trước hết đây là tác động của ơn sủng. Vì thế trong mỗi Thánh lễ, Giáo hội luôn nhắc nhở “Đây là mầu nhiệm đức tin”. Qua lăng kính đức tin chúng ta mới có thể khám phá nguồn sống vô tận từ Bánh Hằng Sống. Chỉ với đức tin soi dẫn, chúng ta mới có thể tiến sâu vào quỹ đạo tình yêu linh thánh được diễn bày nơi bàn tiệc Thánh Thể mà chúng ta được mời tới tham dự.
Bàn tiệc hiệp thông.
Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể trong khung cảnh một bữa ăn. Bữa ăn là dịp để quy tụ, gắn kết mối hiệp thông trong từng mỗi gia đình hay tại bất cứ một tổ chức, một đoàn thể nào. Cộng đoàn Giêrusalem tiên khởi là gương mẫu cho chúng ta về tinh thần hiệp thông này. Tác gỉa sách Tông đồ Công vụ thuật lại rằng, các tín hữu “luôn chuyên cần lắng nghe các tông đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng. Họ sống hiệp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Tất cả đều đồng tâm nhất trí. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ (Cv 3,42-46). Sự hiệp thông này đòi hỏi phải xóa bỏ những hàng rào cách ngăn, dẹp tan mọi toan tính ích kỷ mang tính vụ lợi, và sống gắn kết nên một với nhau như lời ước nguyện của Chúa Giêsu “Ut unum sint” (Xin cho chúng nên một).
Một tu sĩ nọ khi tham dự một Thánh lễ khá đặc biệt ở Bolivia thuộc Châu Mỹ La tinh đã tả lại quang cảnh buổi lễ đó như sau. Phần đầu lễ, vị linh mục mời gọi mọi người thống hối. Vài giây phút thinh lặng để cầu nguyện, sau đó một hồi trống nổi lên. Bốn thanh niên nam nữ từ cuối nhà thờ tiến lên trước cung thánh, trên tay mỗi người mang một sợi xích thật nặng. Họ cố giơ cao tay lên cùng với lời cầu nguyện: Lạy Chúa, đây là những dây xích biểu tượng sức mạnh tội lỗi đang đè nặng trên chúng con. Chúng con chưa hết lòng yêu mến Chúa và mến thương nhau. Trong cuộc sống hằng ngày, đức ái của chúng con vẫn bị khống chế bởi những sợi xích của tham lam và ích kỷ, những trói buộc của đam mê và dục vọng thấp hèn. Xin Chúa phá đi những dây xích nặng nề này nơi tâm hồn tan nát và bầm dập của chúng con. “Lạy Chúa xin thương xót chúng con.” Cả cộng đoàn lập lại: “Xin Chúa thương xót chúng con”. Đến phần dâng lễ vật, cũng hai cặp thanh niên nam nữ tiến lên dâng bánh và rượu. Đặc biệt họ mang theo một tảng đá lớn cùng với lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, chúng con xin dâng lên Chúa cả tảng đá này, biểu trưng sự chai cứng trong tâm hồn mỗi người. Xin Chúa hãy nhận bánh và rượu để biến nên mình và máu con Chúa. Xin Chúa cũng dang rộng đôi tay đón nhận những con tim lạnh lùng và chai đá của chúng con để biến đổi thành những trái tim thịt mềm. Xin Chúa giúp chúng con biết sống với nhau tử tế hơn, khoan dung hơn và biết quảng đại tha thứ cho nhau hơn”.
Kết luận
Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã viết lại những trang hồi ký trong thời gian Ngài bị biệt giam trong tù. Ngài tóm gọn thành một tập sách nhỏ mang tựa đề “Năm chiếc bánh và hai con cá” để chia sẻ cho giáo triều Rôma trong dịp tĩnh tâm mùa chay vào những năm thập niên 90. Ngài thú nhận, sức mạnh lớn nhất nâng đỡ Ngài trong những năm tháng tù ngục là được cử hành Thánh lễ cho dù lén lút, nhưng rất cảm động và sâu lắng. Thánh lễ Ngài dâng một mình trong bóng tối của nhà tù, không kèn không trống, cũng chẳng có ánh đèn hay một bông hoa trang trí nào. Áo tù Ngài mặc thay cho áo lễ. Đôi bàn tay sần sùi của Ngài đựng những giọt rượu nho thay cho chén thánh. Bánh lễ chứa trong hộp đựng thuốc ho. Những Thánh lễ rất âm thầm và giản đơn, không ồn ào, không một chút hoành tráng bề ngoài, chẳng có ca đoàn hay người giúp lễ.. nhưng sao chép lại gần sát với chính Thánh lễ mà Chúa Giêsu đã cử hành năm xưa trên Thập giá. Đó là những Thánh lễ đẹp nhất trong cuộc đời linh mục của Ngài. Vị Giám mục đáng kính đã dâng những Thánh lễ như thế để kín múc cho mình sức mạnh tâm linh trong những tháng ngày đen tối nhất nơi ngục tù. Còn những thánh lễ chúng ta tham dự mỗi ngày thì sao? Đặc biệt đối với anh em linh mục là những “alter Christus”, đã hàng trăm, hàng ngàn lần cử hành thánh lễ “in personna Christi”, chúng ta đã dâng các thánh lễ ấy như thế nào? Chúng ta cũng hãy bắt chước tâm tình đơn sơ của một nữ tu dòng Clara khi đến bàn tiệc thánh. Chị chia sẻ với các chị em trong cộng đoàn “Các chị hãy xem một người ăn xin nghèo khổ đến gõ cửa nhà một người giàu có, một bệnh nhân gần chết đến với một bác sĩ tài giỏi, một người đang khát cháy đến bên dòng nước mát trong. Họ đến để làm gì, thì em cũng đến với Chúa Giêsu Thánh Thể như thế”.
Xin Chúa khơi dậy nơi tâm hồn chúng ta một ánh lửa đức tin ngời sáng, mỗi khi chúng ta đến ngồi vào bàn tiệc thánh này.
23. Bánh Thánh Thể
(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)
Bài đọc 1 trích sách Châm Ngôn: “Hãy đến mà ăn bánh của ta, và uống rượu do ta pha chế”. Theo lời sách Châm Ngôn, bánh và rượu đây là Đức Khôn Ngoan. Đức Khôn Ngoan được “thiên cách hóa” như chính Thiên Chúa: “đừng ngây thơ dại ngờ nữa, và các con sẽ được sống; hãy bước đi trên con đường hiểu biết”.
Tin Mừng thánh Gioan chương 6 cho thấy Chúa Giêsu Kitô chính là Đức Khôn Ngoan Nhập Thể, là Bánh Hằng Sống, “Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời”.
Trang Tin Mừng hôm nay là đỉnh cao của mạc khải Đức Khôn Ngoan Nhập Thể trở thành Bánh Thánh Thể.
Chúa Giêsu khẳng định: “Bánh tôi ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. Người Do thái phản ứng và tranh luận sôi nổi: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”.
Chúa Giêsu giải thích và khẳng định thêm: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết”.
Chúa Giêsu cho biết hiệu năng khi “ăn thịt và uống máu” là được kết hiệp mật thiết với Chúa: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy”.
Chúa Giêsu nhắc lại hiệu lực của manna cũ để so sánh với hiệu năng của Manna mới: “Tổ tiên các ngươi đã ăn mana và đã chết. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời”.
Những lời Chúa Giêsu giảng dạy mạc khải rõ ràng về Bí tích Thánh Thể.
Bí tích Thánh Thể được Chúa tiên báo trong tiệc cưới Cana, được hứa ban cho dân ở Caphanaum.
Bí tích Thánh Thể được Chúa thiết lập trong Tiệc Ly: “Đang khi ngồi ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các môn đệ và phán: Tất cả các con hãy cầm lấy mà ăn, này là mình Ta sẽ bị nộp vì các con. Cùng một thể thức ấy, Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các môn đệ và nói:Tất cả hãy cầm lấy mà uống vì này là chén máu Ta, máu giao ước sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. (Mt 26,26-29).
Bí tích Thánh Thể được Chúa cử hành đầu tiên tại làng quê Emmau “Người cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho họ. Và họ đã nhận ra Người đã Phục sinh” (Lc 24,13-35).
Thánh Thể là sự sống của Giáo Hội, là lương thực thiêng liêng cho đời sống và là bảo đảm cho hạnh phúc trường cửu của người tín hữu chúng ta.
Thánh Thể là mối hiệp nhất giữa Thiên Chúa với con người, và giữa con người với nhau.
Thánh Thể chính là Tặng Phẩm Thần Linh mà Thiên Chúa trao cho nhân loại.
Lịch sử cứu độ là lịch sử hồng ân và là lịch sử tình yêu tự hiến của Thiên Chúa. Cao điểm của lịch sử này là Thập Giá Đức Kitô. Thập Giá là tột đỉnh hy sinh của Thiên Chúa. Thập Giá biểu lộ tình yêu điên rồ của Thiên Chúa. Thập Giá cũng là tột đỉnh hy sinh của Đức Kitô, Đấng đã hạ mình vâng phục Chúa Cha cho đến chết và chết trên Thập Giá. Thập giá là cao điểm tình yêu tự hiến của Chúa Kitô.
Tình yêu sâu thẳm và khôn dò của Thiên Chúa biểu lộ nơi Thập Giá Đức Kitô là tình yêu vượt thời gian. Tình yêu tự hiến của Đức Kitô biểu lộ bằng cái chết cũng vượt thời gian. Chúa Kitô chỉ tự hiến một lần, tự hiến trọn vẹn thay cho mọi lần. Chúa đã biểu lộ điều này trong bữa Tiệc Ly. Từ đó, Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch của đời sống Giáo Hội, là trọng tâm và là tột đỉnh của sinh hoạt Giáo Hội. Thánh Thể làm nên Giáo Hội. Không có Thánh Thể thì không có Giáo Hội. Giáo hội là thân mình gồm nhiều người ăn cùng một tấm bánh là thân mình Đức Kitô (1 Cor 10,17). Như thế bàn tiệc Thánh Thể là nguồn mạch của yêu thương, cảm thông và hiệp nhất.
Giáo hội luôn định tín rằng: dù chỉ một miếng bánh nhỏ, khi đã được Truyền Phép, vẫn chứa đựng cả thân xác, linh hồn và thần tính của Đức Kitô. Chúng ta có Đức Kitô nguyên vẹn và cụ thể. Chính Chúa Thánh Thần Kitô hóa bánh rượu, làm cho bánh rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô. Khi linh mục, thừa tác viên của Giáo hội, thay mặt Chúa Kitô đọc Lời Truyền Phép. Lời Truyền Phép mà linh mục đọc không phải là một câu thần chú có một ma lực biến bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô, giống như linh mục có quyền trên Chúa Kitô, khiến Chúa đến thì Ngài phải đến. Lời Truyền Phép chính là Lời Chúa Kitô, Lời mà Chúa Kitô muốn nói qua môi miệng của linh mục. Chúa Kitô đã chọn một số người để họ lập lại y nguyên Lời Truyền Phép của Ngài. Chính Chúa Thánh Thần lấp đầy “khoảng cách” giữa linh mục và Đức Kitô, khiến Lời Truyền Phép trở nên “công hiệu”, làm cho nội dung của Lời trở thành hiện thực. Sau Truyền Phép bánh không còn là bánh mà là Mình Thánh Chúa, rượu không còn là rượu mà là Máu Thánh Chúa. Đã có một sự thay đổi, sự thay đổi ấy là thay đổi bản thể hay “biến thể”. Đây là công việc của Chúa Thánh Thần, chứ không phải là công việc của người phàm, dù người ấy là linh mục. Vì ý thức điều đó, Giáo hội thiết tha khẩn cầu trước lúc linh mục Truyền Phép:
– “Chúng con nài xin Cha đổ ơn Thánh Thần xuống mà thánh hóa của lễ này, để biến thành Mình và Máu của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con” (Kinh Nguyện Thánh Thể II).
– “Lạy Cha, chúng con tha thiết nài xin Cha, cũng nhờ Chúa Thánh Thần, mà thánh hóa của lễ chúng con dâng hiến Cha đây, để trở nên Mình và Máu Đức Giêsu Kitô, con Cha, Chúa chúng con” (Kinh Nguyện Thánh Thể III).
– “Lạy Cha, xin cho Chúa Thánh Thần đoái thương thánh hóa những của lễ này, để biến thành Mình và Máu Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con” (Kinh Nguyện Thánh Thể IV).
Chúa Thánh Thần làm cho Chúa Kitô hiện diện thực sự giữa chúng ta, trong hình bánh và rượu. Điều đó không có nghĩa là Đức Kitô không hiện diện thực sự bằng những cách khác, như hiện diện qua lời Kinh Thánh, hiện diện trong Giáo hội, hiện diện nơi những người nghèo khổ, hiện diện giữa hai hoặc ba người họp nhau cầu nguyện (Mt 18,20). Tất cả những cách hiện diện đó đều là hiện diện thực. Có điều khác là: Đức Kitô không đồng hóa với lời Kinh thánh, Lời Kinh thánh được đọc lên không là bản thân Đức Kitô; Đức Kitô cũng không đồng hóa với người nghèo, vì người nghèo không là bản thân Đức Kitô, dù Ngài đã nói: “Ta đói các ngươi cho ăn, Ta khát các ngươi cho uống…” (Mt 25,35-36). Trái lại nơi Bí tích Thánh Thể, sau Lời Truyền Phép, bánh và rượu là Đức Kitô, là bản thân Ngài, là bản thể Ngài, là Mình và Máu Ngài. Trong Bí tích Thánh Thể, sự hiện diện của Đức Kitô có một chiều sâu hữu thể mà không nơi nào có. Sự hiện diện đích thực và đặc biệt này của Đức Kitô là kết quả của một sự thay đổi mà tác động thay đổi chính là công việc của Chúa Thánh Thần làm khi linh mục đọc Lời Truyền Phép. (x.simonhoadalat.com, Tặng phẩm Thần Linh, ĐGM Bùi Văn Đọc).
Bí tích Thánh Thể là sáng kiến của tình yêu. Tình yêu luôn có những sáng kiến bất ngờ và kỳ diệu. “Thiên Chúa đã yêu thế gian nỗi ban chính Con Một…” (Ga 3,16) và Con Một là Chúa Giêsu đã yêu cho đến cùng, đã lập Bí tích Thánh Thể để ở với con người luôn mãi.
Bông lúa và trái nho là những sản phẩm thông thường và cần thiết nhất mà ruộng đất cống hiến cho con người. Bánh và rượu có thể tầm thường, nhưng lại là những gì gần gũi và cần thiết nhất cho cuộc sống con người hàng ngày. Chúa Giêsu đã muốn trở nên những gì cần thiết và gần gũi đó. Người muốn bánh và rượu trở nên thịt máu của Người. Từ bông lúa bị nghiền nát, từ chùm nho bị ép, nghĩa là từ cuộc khổ nạn và cái chết trên Thập Giá, Chúa Giêsu đã trở thành tấm bánh, thành ly rượu đem lại sự sống đời đời cho nhân loại. Vật chất đã trở thành biểu tượng cho sự hiện diện thần linh.
Trước tình yêu bao la của Thiên Chúa, thánh Phaolô trong bài đọc 2 khuyên các tín hữu: “Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha”, đồng thời: “Hãy sống như người khôn ngoan, biết tận dụng thời gian hiện tại…hãy tìm hiểu đâu là ý Chúa… hãy thấm nhuần Thần Khí”. Ý Thiên Chúa muốn chúng ta sống yêu thương như Chúa Giêsu Kitô đã yêu thương.
Mình và Máu Chúa Kitô là hồng ân vô giá, chúng ta đón nhận để có sự sống thần linh của Chúa. Tham dự Thánh Lễ tích cực, trọn vẹn là cách tốt nhất thể hiện lòng yêu mến Chúa. Thỉnh thoảng trong ngày, trong tuần, chúng ta nên quỳ gối trước Thánh Thể, chúng ta có thể học được nhiều điều từ Bí Tích Tình Yêu.
24. Bánh Thánh Thể
(Suy niệm của Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP)
Trong một cuộc họp mặt đông đảo các Ki-tô hữu tại một nhà thờ ở Tây Đức để đón chào mẹ Tê-rê-xa Can-cút-ta, người ta đã dâng cho mẹ một bó hoa rất đẹp. Bỡ ngỡ trước lòng quý mến và trọng kính mà người ta đã dành cho mình, mẹ Tê-rê-xa mới đầu tỏ ra hơi lúng túng, nhưng sau đó vài phút, với thái độ đơn sơ quen thuộc, mẹ đã ôm bó hoa đi thẳng lên cung thánh, mẹ quì gối nơi bậc bàn thờ rồi đặt bó hoa trước nhà tạm. Cử chỉ này cho thấy mẹ Tê-rê-xa rất quý trọng phép Thánh Thể, vì Thánh Thể chính là nguồn tình yêu và nghị lực mà từ đó mẹ đã nhận được tình yêu và nghị lực cho cuộc sống dấn thân và phục vụ vô vị lợi của mẹ.
Qua các hoạt động bác ái, mẹ Tê-rê-xa và các nữ tu dòng của mẹ đã nuôi dưỡng hàng ngàn trẻ em mồ côi, đã phục vụ hàng ngàn người nghèo đói, đã chăm sóc, chữa trị hàng trăm ngàn bệnh nhân và an ủi hàng chục ngàn người hấp hối. Nhưng vượt lên trên tất cả những hoạt động nhằm phục vụ cho sự sống thể xác, mẹ Tê-rê-xa đã đặc biệt chú trọng đến một nhu cầu mà mẹ thường nhấn mạnh và cho là căn bản, nó cần thiết hơn cả cơm ăn áo mặc nữa, nhu cầu đó là muốn được chấp nhận và được yêu thương.
Phép Thánh Thể có khả năng thỏa mãn nhu cầu cấp thiết đó, vì phép Thánh Thể là một bằng chứng thật hùng hồn nhắc nhở và tái diễn mối tình muôn thuở, đó là mối tình của Thiên Chúa đối với loài người và mối tình của Chúa Giêsu đối với chúng ta. Thánh Gio-an tông đồ đã quả quyết: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một yêu dấu của mình cho thế gian”. Còn đối với Chúa Giêsu thì Kinh Thánh cho biết: “Ngài là Thiên Chúa, nhưng Ngài đã không dành cho mình phận ngang hàng với Thiên Chúa, mà Ngài đã hủy mình đi, Ngài đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá”. Cái chết của Ngài là một thực hiện lời Ngài mạc khải trong bài Tin Mừng hôm nay: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời”. Bánh đó chính là thịt Ngài.
Quả thực, ai ăn thịt Chúa sẽ được tăng thêm ơn thánh hóa, được kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu và với các anh chị em tín hữu khác, được tha các tội nhẹ và bảo vệ khỏi tội trọng, và bảo đảm được một hiệu quả vô cùng cao quý là sự sống lại và sự sống đời đời. Nhưng với điều kiện là chúng ta phải rước Mình Thánh Chúa với thái độ tin và yêu. Để biểu lộ thái độ tin và yêu ấy đối với Đấng đã, đang và sẽ còn tiếp tục tự hiến thịt máu mình để cho chúng ta ăn và uống mà được sống, chúng ta hãy để cho tình yêu của Chúa biến đổi chúng ta thành những khí cụ ban phát tình yêu Thiên Chúa cho mọi người như mẹ Tê-rê-xa Can-cút-ta và các nữ tu thuộc dòng do mẹ sáng lập đang thực hiện khắp nơi trên thế giới.
Đó cũng là cách Chúa mời gọi chúng ta cùng làm phép lạ với Chúa, đó là câu kết luận của câu truyện sau đây: Có một gia đình giàu có, quý tộc người Anh, dẫn đứa con trai yêu quý về miền quê chơi. Trong khi nô đùa, chẳng may em bị rơi xuống một hố nước sâu mà cha mẹ không hay biết. Nhưng rất may tiếng kêu cứu của em đã được một chú bé, con của người làm vườn nghèo khó nghe được và chạy đến cứu sống.
Cha của em tỏ lòng biết ơn chú bé đã cứu sống con ông, nhưng thay vì lời cám ơn, ông muốn giúp đỡ chú bé ấy. Ông hỏi: “Khi lớn lên con muốn làm gì?” – “Thưa ông, chắc là con sẽ tiếp tục nghề làm vườn của cha con” – “Con không còn ước mơ nào lớn hơn sao?” – “Dạ, nhà con nghèo thế này thì con còn ước mơ gì được nữa” – “Nhưng nếu con được ước mơ thì con ước mơ gì?” – “Thưa ông, con muốn đi học, muốn là bác sĩ”.
Sau này, em bé được cứu sống đã trở thành một vĩ nhân của thế giới, đã giữ một vai trò quan trọng làm thay đổi cục diện thế chiến thứ II và đã làm cho nước Anh hãnh diện vì tài ba chính trị của ông, đó là thủ tướng Uyn-sân Chớc-Chiu. Và nhờ lòng thương giúp đỡ của người cha của Chớc-Chiu mà chú bé nhà nghèo kia đã trở thành một bác sĩ lừng danh của thế giới và là ân nhân của nhân loại cho đến ngàn đời, vị bác sĩ đó là Phơ-len-ning, người đã tìm ra thuốc trụ sinh Pê-ni-ci-lin.
Sau khi kể xong câu truyện trên, tác giả đã kết luận: “Khi Chúa mời gọi chúng ta giúp đỡ nhau là Chúa mời gọi chúng ta cùng làm phép lạ với Chúa”. Chúng ta hãy nhớ: Khi chúng ta giúp đỡ nhau là chúng ta cùng làm phép lạ với Chúa. Trở lại bài Tin Mừng hôm nay, điều chính yếu Chúa Giêsu muốn bảo cho người Do Thái xưa kia và chúng ta hôm nay: Ngài là bánh hằng sống, vì Ngài là Thiên Chúa hằng sống, chính vì thế kẻ ăn bánh này sẽ được tham dự vào sự sống của Chúa, họ sẽ được sống đời đời. Cho nên, người ta phải đón nhận Ngài không những bằng lòng tin mà còn phải ăn bánh đó, tức là ăn thịt Ngài nữa.
Chúa Giêsu dạy chúng ta về Bánh Thánh Thể, chúng ta có chấp nhận với lòng tin không? Nếu chúng ta không lãnh nhận của ăn này thì hậu quả sẽ ra sao? tất nhiên là chúng ta không được “chất bổ” của thứ bánh bởi trời này, mà ngược lại, còn bị xét xử, đoán phạt, chết đời đời. Cũng như nếu chúng ta bệnh tật, thuốc men có đó mà chúng ta nhất định từ chối không dùng thì chúng ta không khỏi bệnh là tại chính chúng ta thôi. Cũng vậy, ai trong chúng ta cũng muốn ăn no, mặc ấm, mà còn muốn ăn ngon, mặc đẹp nữa, muốn gia đình hạnh phúc, kể cả những người đầy đủ cũng thế, họ vẫn mơ ước thêm nữa, vậy thì chúng ta có muốn sau 50, 60 hay 70 năm trần thế này được sống hạnh phúc mãi bên Chúa không? Hãy đến với Bí tích Thánh Thể, hãy hết lòng tin vào phép Thánh Thể. Bánh Thánh Thể là của ăn cho chúng ta no ấm đi hết quãng đời này về trời.
Thánh Thể không phải chỉ là một lời hứa trường sinh bất tử nhưng còn là một bảo chứng: hôm nay thân xác chúng ta đã được dự tiệc Thánh Thể, thì sau này thân xác chúng ta sẽ được dự tiệc thiên quốc. Tiệc Thánh Thể mới chỉ là khai vị chuẩn bị cho tiệc thiên quốc. Chúng ta hãy siêng năng rước lễ để bảo đảm cho cuộc sống hạnh phúc muôn đời.
25. Suy niệm của Yvon Daigneault.
Tìm Kiếm Một Lương Thực Cho Đời Sống Vĩnh Cửu.
Mở đầu.
Có lẽ chúng ta đã không chú ý đến bài Tin Mừng hôm nay. Nghe những lời đầu, chúng ta tự nhủ: Đây là việc rước lễ… Và chúng ta nghĩ đến điều gì khác. Quả thật Tin Mừng hôm nay nói về Thánh Thể và đây là một đề tài quan trọng đến nõi chúng ta cần phải nghe lại giáo huấn của Chúa Giêsu về đề tài này với một niềm tin mạnh mẽ hơn.
Tìm kiếm của ăn tuyệt vời.
Mỗi người đều hy vọng tìm kiếm một lương thực tuyệt vời, vừa hợp sở thích vừa hoàn toàn cân đối, không làm cho mập ra cũng không làm cho gầy đi, duy trì sự sống một cách phong phú đến nỗi sự sống này dường như có thể kéo dài mãi mãi. Nhưng thật đáng tiếc, chúng ta phải dẹp bỏ đi những ước mơ kiểu đó. Không có của ăn nào hoàn hảo cả. Chỉ có những của ăn duy trì được sự sống nhưng rồi cũng hướng về cái chết thôi.
Các thính giả của Chúa Giêsu, khi chứng kiến phép lạ hóa bánh, đã nhớ lại biến cố xưa kia: Mỗi ngày Thiên Chúa ban cho một lương thực từ trời mà đến và đã nâng đỡ tổ tiên họ trong cuộc hành trình dài hướng về đất hứa. Ân huệ này đã chấm dứt. Người ta hy vọng nó sẽ tái diễn khi Đấng Mêsia đến. Và khi đó sẽ là một lương thực tuyệt vời, lương thực của các Thiên Thần, của ăn ban sự sống đời đời.
Của ăn thật.
Chúa Giêsu chấm dứt niềm hy vọng ấy. Sẽ không có lương thực nào của các thiên thần có thể ban sự sống đời đời cả. Chính vì thế mà Ngài đã làm cho bánh của loài người hóa ra nhiều, bánh hằng ngày thực sự, vì nó mà phải làm lụng vất vả, để cảnh giác chúng ta rằng dù có Chúa hiện diện, ta vẫn phải tiếp tục gieo vãi, gặt hái, xay bột, nhồi bột, nướng và chia sẻ bánh cho nhau.
Đồng thời Ngài loan báo một việc diệu kỳ bất ngờ, đã không được tiếp nhận. Thiên Chúa muốn ban sự sống vĩnh cửu. Và, chính để ban sự sống mà Chúa Giêsu đã được Chúa Cha sai đến. Chính Ngài là sự sống. Ta chỉ nhận được sự sống này khi kết hợp hoàn toàn với Ngài thôi. Không còn là lương thực tuyệt vời nữa nhưng là sự hiệp thông được diễn tả bằng một lời khó tin: “Ăn Thịt Con Người và uống Máu Ngài”, kèm theo một cử chỉ bất ngờ: Nhận lấy bánh mà từ nay Ngài sẽ ban cho: “Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời”.
Kết hợp với Thập giá.
Tìm kiếm một lương thực tuyệt vời là để che dấu đi ước muốn thoát khỏi những đòi hỏi của cuộc sống. Ta hãy nhớ rằng lời Chúa Giêsu hứa cho chúng ta được hiệp thông đời đời với sự sống mà Ngài đã lãnh nhận nơi Chúa Cha không đưa chúng ta ra khỏi những khó khăn của đời sống hiện tại.
Chúa Giêsu nói tới một thực tại quen thuộc với các thính giả của Ngài hơn là chúng ta: Của lễ hiệp thông dâng cho Thiên Chúa trên bàn thờ của đền Thánh. Một phần của lễ đó được thiêu đốt dâng cho Chúa, phần kia được chia sẻ giữa những người dâng của lễ. Hiệp thông với Chúa Giêsu cũng tương tự như vậy. Đó là tham dự vào hy lễ của Ngài để chia sẻ vinh quang của Ngài. Trong cụ thể, điều này có nghĩa là vác Thập giá của mình cùng với Ngài.
Hiệp thông với Chúa Giêsu, khi ăn bánh hằng sống mà Ngài chia sẻ cho chúng ta, mời gọi chúng ta kết hợp vào hy tế của Ngài những hy sinh hằng ngày mà chúng ta phải vác như một cây thập giá cùng với Chúa Giêsu, và chúng ta chấp nhận như một của lễ hiến dâng để cho chúng ta và thế giới được cứu độ. Không thể hiệp thông với sự sống vĩnh cửu mà Chúa Cha ban tràn đầy cho Chúa Giêsu nếu không cùng với Ngài vác Thánh giá hằng ngày của chúng ta. Khác hẳn với chuyện ngồi trên bãi cỏ mà chờ bánh từ trời rơi xuống.
Kết luận.
Chúng ta phải nghiêm túc tự hỏi xem mình chờ đợi gì nơi việc rước lễ và tại sao việc rước lễ có vẻ ít sinh ích và ít hấp dẫn đến thế? Chúng ta có muốn liên kết vào hy tế của Chúa Giêsu bản thân và cuộc sống của chúng ta không hay là chúng ta tìm cách tránh né được càng nhiều hy sinh càng tốt, và đó là một dấu chỉ cho thấy rằng chúng ta không muốn vác thập giá của mình chút nào cả?
26. Marketing Bánh từ trời
(Suy niệm của Alphonse Marie Trần Bình An)
Ngày xưa Chúa Giêsu đã dùng ngôn ngữ, hình ảnh nông thôn, dân dã, mộc mạc để diễn tả mầu nhiệm Thánh Thể, mầu nhiệm Nước Chúa. Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, những thuật ngữ kinh tế dùng trong bài dưới đây đều phổ thông, gần gũi, cũng có thể sử dụng để diễn tả Lời Chúa. Kính mong đối với bất cứ ai, chúng không trở nên cớ xúc phạm, bất kính Thiên Chúa.
Theo một số tài liệu thì thuật ngữ Marketing xuất hiện lần đầu tiên tại Mỹ vào đầu thế kỷ 20 và được đưa vào Từ điển tiếng Anh năm 1944. Xét về mặt cấu trúc, thuật ngữ Marketing gồm gốc “market” có nghĩa là “cái chợ” hay “thị trường” và hậu tố “ing” diễn đạt sự vận động và quá trình đang diễn ra của thị trường.
Tại Việt Nam, một số tài liệu thường hay dịch từ marketing sang tiếng việt là “tiếp thị”. Tuy nhiên, từ “tiếp thị” không thể bao hàm hết được ý nghĩa của marketing, nó chỉ là phạm vi hẹp của marketing.
Một kế hoạch marketing để đạt được thành công đòi hỏi sự kết hợp chiến lược và hiệu quả của 4 chữ P (Product, Place, Price, Promotion) – Sản phẩm, Phân phối, Định giá và Khuyến mãi. (Wikipedia)
Từ 21 thế kỷ trước Chúa Giêsu đã khéo léo Marketing về Bánh Từ Trời, về Nước Trời rất nhuần nhuyễn. Nắm bắt từ nhu cầu sinh tồn đến khao khát trường sinh của con người, Chúa Giêsu đã ân cần dẫn dắt các khách hàng tiềm năng đến tuyệt đỉnh Cõi Phúc trường sinh.
1- Siêu phẩm: Bánh Từ Trời
Chúa Giêsu tuyên bố: “Tôi là Bánh Từ Trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời.” (Ga 6,51). Người chính là siêu phẩm, đứng trên mọi thứ sản phẩm trong thế gian, không có gì sánh nổi. Bánh Từ Trời tồn tại, không hư hao, không biến đổi, mãi mãi tinh tuyền nguyên thủy, nguyên chất cho đến muôn đời, dưới hai dạng Lời Chúa và Thánh Thể.
2- Phân phối: Phổ thông
Siêu phẩm này được phân phối bởi chính Chúa Giêsu. Sau đó bởi các Tông đồ, môn đệ, và đến nay bởi Giáo Hội, thông qua các Chủ Chiên cử hành phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể. Nhưng mấu chốt vẫn là nhờ lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha, là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết.” (Ga 6,44)
Dẫu vậy, như “xưa có lời chép trong sách ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi.” (Ga, 6,45)
Hơn nữa, để phân phối sâu rộng khắp nơi, khắp chốn, khắp thời đại, mỗi tín hữu Ki tô đều được mời gọi trở nên chứng nhân, hay nhân viên tiếp thị cho Bánh Từ Trời. “Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn loài” ( Mc 16,15)
3- Định Giá: Vô giá
Vì là siêu phẩm, chứ không phải sản phẩm bình thường như manna trước đây, nên Bánh Từ Trời này vô giá, độc nhất vô nhị, vì có công năng phi thường, đem lại sự sống vĩnh cửu. “Đây là Bánh Từ Trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn Bánh này, sẽ được sống muôn đời.” (Ga 6,58)
4- Khuyến mãi: Biếu không và có thưởng
Dù vô cùng quý hiếm, vô giá, nhưng lại cho không, biếu không, hoàn toàn miễn phí. Chỉ ban tặng, chứ không bán buôn cho ai. “Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là Thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51) Nhưng với điều kiện: “Thật tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sống đời đời.” (Ga,47)
Hơn nữa, còn được giải thưởng tuyệt vời. Ai ăn Bánh này còn hứa hẹn trúng lô độc đắc thật vinh phúc: “Ai ăn Thịt và uống Máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.” Bởi vì: “Ai ăn Thịt và uống Máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống, đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy.” (Ga 6,54-57)
Mỗi khi trao Chúa Giê su Thánh Thể cho giáo dân, con hãy ý thức trao cả đời con, sức khỏe, tài năng, tiền của, nghĩa là máu thịt con cùng với Mình Máu Thánh Chúa làm của nuôi mọi người và mỗi người không phân biệt ai. (ĐHV, 376)
Lạy Chúa, con cảm tạ, ngợi khen, tán tụng Chúa đã thương yêu, ban Bánh Từ Trời dưỡng nuôi con sống đời đời.
Lạy Mẹ Maria, con xin Mẹ nâng đỡ, hộ trỉ con luôn xứng đáng rước Mình Thánh Chúa, hầu con luôn vững cậy trông vào Chúa trước phong ba cuộc đời. Amen.
27. Hy tế Thánh Thể là tất cả đời sống.
(Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng” – Charles E. Miller).
Sách viết về Bí tích Thánh Thể thì nhiều hơn là sách viết về sáu bí tích kia cộng lại, có sự phong phú này là đặc ân tuyệt vời đến từ Thiên Chúa. Từ Eucharist có nghĩa là dâng lời tạ ơn, ám chỉ tới hành động của Thánh Lễ. Nếu có một từ phải được liên kết với từ Eucharist thì không từ nào tốt hơn đó là “Sự sống”.
Trong khi hứa với chúng ta về Bí tích Thánh Thể Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Bánh mà Ta sẽ ban chính là Thịt Ta để cho thế gian được sống”, trong Bí tích Thánh Thể Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta chính Mình Người dưới hình bánh và rượu, của ăn và của uống là của nuôi thiêng liêng cho đời sống thiêng liêng của chúng ta.
Thánh Tôma Aquinô đã lý giải rằng chúng ta có thể bắt đầu hiểu một số hiệu quả của hy tế Thánh Thể bằng việc suy niệm mối liên quan giữa của ăn bình thường và đời sống con người. Tiến trình của thánh nhân thì rõ ràng và đơn giản.
Đầu tiên, Ngài quan sát thấy của ăn của uống thì cần thiết để duy trì sự sống. Không có thực phẩm và nước uống chúng ta sẽ chết. Kế đó, thánh nhân cắt nghĩa của ăn của uống giúp chúng ta tăng triển thế nào. Thứ ba, Ngài đã trình bày của ăn của uống cần thiết cho sức khỏe và việc chữa lành những vết thương, những cơn bệnh. Điểm thứ bốn Ngài đưa ra là chân lý mà tất cả chúng ta đều nhận biết là của ăn và của uống thì đem lại sự sung sướng. Đó là những chân lý áp dụng của Bí tích Thánh Thể.
Trong phép rửa chúng ta được sinh ra bởi nước và Thánh Thần như làcon cái của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Cha của chúng ta và chúng ta được chia sẽ đời sống thần linh với Người. Để duy trì sự sống này bên trong chúng ta, chúng ta cần nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng. Và Thiên Chúa Cha đã ban cho chúng ta của ăn quý giá, chính là Thân Mình và Máu Con Một của Người. Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Như Cha, Đấng đã sai Ta và Ta đã sống bởi Cha thế nào thì người được Ta nuôi dưỡng cũng sẽ sống bởi Ta như vậy”.
Đời sống mà Chúa Giêsu lãnh nhận trong Đức Kitô nơi phép rửa thì không phải là một chuyện hoang tưởng. Chúng ta không được kêu gọi để lớn lên, càng ngày càng lớn lên để trở nên giống Chúa Kitô hơn sao, nhưng chúng ta không thể làm như vậy bằng chính những nỗ lực của chúng ta. Bí tích Thánh Thể là ý nghĩa càng ngày càng trở nên giống Đức Kitô hơn. Bí tích Thánh Thể là một bí tích của sự chuyển đổi và tăng trưởng.
Trong hành trình xuyên qua đời sống, chúng ta đã phạm nhiều lầm lỗi, chúng ta xúc phạm với chính mình bởi những tội lỗi. Ngay sau khi phạm tội chúng ta đã được tha thứ, một đôi lần chúng ta cảm thấy những hiệu quả của tội. Chúng ta thì yếu đuối giống như một con người bị vây bọc bởi một cơn sốt cao. Bí tích Thánh Thể là sức mạnh của chúng ta, để lướt thắng những hiệu quả của tội lỗi và để sửa chữa những hư hại của tội.
Nếu chúng ta chỉ có thể nhận biết được với đức tin sâu xa, sự phong phú kỳ diệu của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta sẽ là người hạnh phúc nhất trên mặt đất này. Chúng ta sẽ đến với Bí tích Thánh Thể như là một sự cử hành sung sướng về sự kỳ diệu của ân sủng Thiên Chúa.
Bí tích Thánh Thể một cách đơn giản là bí tích của đời sống thần linh. Bí tích này duy trì sự sống, giúp chúng ta tăng trưởng trong đời sống đó, sửa chữa những hư hại đã bị tội lỗi gây ra trong đời sống và cử hành nó trong niềm vui được hưởng đặc ân của sự sống.
Bí tích Thánh Thể của nghĩa là đời sống. Tuy nhiên đời sống hy tế Thánh Thể thì không thể chết. Nó sẽ không tận cùng bằng cái chết. Nó là một sự thông dự vào cuộc sống đời đời với Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu đã tổng kết nơi hy tế Thánh Thể bằng việc nhấn mạnh: “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì sống đời đời và Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết”.
28. Bí tích Thánh Thể – Pr. Trần Đình Phan Tiến
Sự sống nhân thế hệ tại ăn và uống, uống ăn, ăn uống cứ quẩn quanh và sinh ra rất nhiều phiền toái. Ăn thế nào cho ngon, cho sang, cho bổ, cho khỏe. Đó là công việc của nhân thế, thế nhân thường sử dụng lời nói “làm ăn”. Làm lụng vất vả để có cái ăn, điều ấy thật tốt lành, “cũng như lao động là vinh quang”, dùng sức lao động tạo ra cái ăn là vinh quang.
Từ đầu sáng thế, Thiên Chúa tạo dựng nên con người, chưa cần làm lụng vẫn có cái ăn. Quả thật là thiên đàng, nhưng rồi vì án phạt con người phải làm lụng vất vả mới có cái ăn, cuối cùng con người phải “chết”. Vì thân xác con người đã mang án phạt, nên con người phải chết, nghĩa là cái ăn của trần thế chỉ mang lại sự sống nơi thế gian, cho dù nhân thế có ăn uống cao lương mỹ vị, sơn hào hải sản quý đến đâu đi nữa, con người cũng không thể duy trì sự sống trên trần gian, như vậy tại sao con người phải chết? rõ ràng là án phạt nguyên tổ. Như vậy nhân thế chờ mong điều gì nơi Đấng Tạo Thành. Há chẳng phải là ơn cứu độ sao? Ơn cứu độ để làm gì? Há chẳng phải là để được sống và sống muôn đời sao?
Sống muôn đời mà phải làm lụng vất vả, tìm kế sinh nhai, lao động là vinh quang vì cái ăn, thì sống đời đời để làm gì? Có khác gì với đời sống thế trần đâu?
Như vậy ăn uống luôn gắn liền với sự sống của con người, ngay cả khi họ chết rồi, họ cũng được thân nhân cúng cơm, cúng nước và cúng giỗ hằng năm. Cái ăn, cái uống không thể tách rời nhân thế khi sống ở thế trần hay khi về âm phủ, chầu âm ty.
Thật đáng thương cho nhân thế, nếu không có lương thực vĩnh cửu, trường tồn, thì họ chỉ biết lấy cái ăn làm chuẩn mực cho cuộc sống trên dương thế cũng như âm phủ. Triết lý sống trần thế chỉ có thế thôi!
Nhưng, “Thiên Chúa đã yêu thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài cho thế gian, để ai TIN vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. (Ga 3,16) Như vậy rõ ràng, Thiên Chúa không bỏ mặc thế gian. Thiên Chúa đã ban sự sống từ Thiên Chúa cho thế gian một lần nữa, sau lần sáng thế.nhưng sự sống nơi Thiên Chúa được trao ban qua Con MỘT của Ngài là Đức Kitô Giêsu. Chỉ có đấng từ trời mới ban cho Lương thực bởi trời, tức là Thần Lương, Thần Lương tức không còn là lương thực tự nhiên như cơm bánh, nước và rượu nữa, vì những thứ đó tự bản chất không phải là Thần Lương. Thần lương tức lương thực siêu nhiên, chỉ ăn một lần mà sống mãi, đó là Niềm TIN. Thật vậy, khi nhân thế chỉ TIN vào Đấng cứu thế Giêsu một lần là đủ cho họ, nhưng niềm tin cũng cần nuôi dưỡng để nó lớn lên và trưởng thành, như vậy, chúng ta cần kết hiệp với Đấng Cứu thế thường xuyên, liên tiếp khi nào có thể, để Thần lương huyền nhiệm vì tình yêu sẽ nâng đỡ chúng ta trong mọi nơi, mọi lúc, cho đến khi chúng ta được Chiêm ngưỡng vinh quang của Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng CN 20 TN (B) (Ga 6,51-58) hôm nay, được Đấng Giêsu Kitô quả quyết cách xác thực chính Thần Lương từ trời là “THỊT và MÁU” của Người, nghĩa là phần nhân tính hữu hình của Đấng thiên sai không phải là sự hư nát, tiêu hao như phần nhân tính của phàm nhân. Bởi vì, Người là Thiên Chúa, ăn THỊT và uống MÁU Chúa Giêsu là Tin tuyệt đối vào mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa làm Người, ở giữa nhân loại. Sự sống Người mang đến cho nhân loại là mầu nhiệm nhập thể và làm Người cùng với phần Thiên tính là Thiên Chúa của Người. Bí tích Thánh Thể không thể hiểu theo nghĩa hẹp, khi Chúa Giêsu còn ở trần gian, mà là khi Người đã hoàn tất mầu nhiệm cứu độ. Mầu nhiệm cứu độ bao gồm sự nhập thể -nhậpthế làm Người, tử nạn và phục sinh. Bánh và rượu thánh không mang lại sự cứu độ vì nó không phải là Thần Lương, nó không cho sự sống trương sinh, ví nó là phương tiện hữu hình của trần gian. Không có giá trị nào thay thế THỊT và MÁU Chúa Giêsu được. Vì chính Thân Thể hữu hình “ấy” được treo lên, thì THỊT và MÁU “ấy” sẽ trở nên Thần Lương CHO NHỮNG AI TIN VÀO NGƯỜI LÀ THIÊN CHÚA.
“Vì thịt Tôi thật là của ăn, và máu Tôi thật là của uống” (c 55), chứ không phải bánh và rượu là của ăn và của uống nữa. Thịt và Máu của Chúa Giêsu chính là lương thực đích thực nuôi sống nhân thế đời đời và những ai đón nhận thì không hề đói khát, vì Thần lương vĩnh hằng chính là Thiên Chúa duy nhất. Đến đây, xin nhớ đến linh hồn thân phụ tôi, người mà luôn thì thầm bên tai tôi, mỗi khi tham dự Thánh lễ Misa, khi tôi còn thơ ấu.
Khi linh mục đọc lời truyền phép và dâng bánh lễ lên: Thầy cả làm gì khi dâng bánh? Thầy cả lấy dĩa thánh có bánh lễ dâng lên, bánh ấy trở nên Mình Thánh Đức Chúa Giêsu. Thầy cả làm gì khi dâng rượu? thầy cả rót rượu nho vào chén Thánh, rượu nho trở nên Máu Thánh Đức Chúa Giêsu và một chút nước lã,hai chất ấy chỉ Máu và Nước bởi cạnh nương long Chúa đã chảy ra khi Người chịu treo trên cây Thánh Giá. Thầy cả rửa tay thì kẻ giúp làm gì? Kẻ giúp đổ nước trên ngón tay thầy cả để chỉ lòng ăn năn sám hối, ta cũng phải rửa linh hồn ta cho sạch và ăn năn thảm thiết về tiền khiên ta đã phạm, để xứng đáng dâng thánh lễ cực trọng nầy.
Như vậy, bánh và rượu là hình thức tượng trưng cho THỊT và MÁU Chúa Giêsu Kitô, Đấng từ trời mà đến, đem lại sự sống vĩnh cửu cho những ai tin và đón nhận và làm no thỏa mọi khao khát của nhân loại.
Lạy Chúa Giêsu, con tin vào Chúa, xin Chúa trợ giúp lòng tin yếu kém của con. Amen.
29. Nguồn sống – Lm. Giuse Đỗ Vân Lực
Thay vì hiệp nhất, Thánh thể lại trở thành cớ cho các Kitô hữu chia rẽ. Chia rẽ vì không biết đâu là sự thật về sự hiện diện của Đức Giêsu trong bí tích. Lịch sử Giáo hội cho thấy niềm tin vào mầu nhiệm này đã tạo nên bao kỳ công vô cùng lớn lao trong Giáo hội. Hơn nữa, một chút nghiên cứu sâu xa cũng có thể cho ta nắm vững ý nghĩa lời Chúa khi lập Bí tích Thánh Thể.
Thực vậy, Chúa Giêsu quả quyết: “Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.” (Ga 6:55) Xác quyết đó đã làm chói tai người Do thái. Họ chỉ hiểu sự vật theo lẽ tự nhiên. Chỉ trong Thần khí mới có sức mạnh siêu nhiên để hiểu mạc khải về mầu nhiệm Thánh Thể. Chỉ Thần khí mới nâng con người lên lãnh vực siêu nhiên để thấy được sự thật nơi xác quyết đó. Thật thế, “Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì.” (Ga 6:63)
“Những chữ trong công thức ‘truyền phép’ Thánh thể không đủ chứng tỏ Mình Máu Chúa hiện diện thật sự. Động từ ‘là’ không loại trừ ý nghĩa biểu tượng (x. Ed 5:5; Mt 13:37-38; Ga 15:1,5). Tuy nhiên, trong văn hóa Sêmít, nếu chỉ có biểu tượng, không đủ thiết lập giao ước. Để lập giao ước, đòi phải có lễ vật thực sự, chứ không chỉ có những dấu chỉ của những vật đó mà thôi” (St 15:9-18; Xh 24:5). (New Catholic Encyclopedia 2003:5, 411)
Không những mạc khải về thực tại sự sống nơi thân xác Người, Đức Giêsu còn muốn cho thấy thái độ và hiệu quả của những con người tin tưởng và đón nhận thực tại đó nữa. Người muốn cho mọi người thấy thịt máu Người vô cùng cần thiết cho ơn cứu độ. Thật vậy, Người đã quả quyết: ai đón nhận thân mình Người sẽ “có sự sống nơi mình,” (Ga 6:53) “được sống muôn đời,” (Ga 6:54; 58) và “ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.” (Ga 6:56) Từ đó, họ sẽ tìm được tất cả ý nghĩa và giá trị đích thực cho con người và cuộc đời.
Sự sống ấy trào dâng từ Chúa Cha. Chính sự sống ấy khiến Đức Giêsu làm được mọi sự. Giờ đây sự sống ấy lại cuồn cuộn chảy vào những ai “ăn thịt và uống máu Con Người.” (Ga 6:53) Sự sống như quyện vào nhau. Đó là điều Chúa Giêsu đã mạc khải: “Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy.” (Ga 6:57) Chính sự sống này sẽ quyết định tất cả. Không có sự sống ấy, trần gian sẽ băng hoại. Muốn tránh cơn băng hoại đó, người tín hữu “hãy bước đi trên con đường hiểu biết,” (Cn 9:6) và “sống như người khôn ngoan, biết tận dụng thời buổi hiện tại” (Ep 5:15-16) “mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha.” (Ep 5:20)
Tương quan sâu xa giữa Đức Giêsu và người tín hữu được thiết lập trong Bí tích Thánh Thể. Đó là cái nhìn thần học của thánh Gioan và cũng là kinh nghiệm sống động của cộng đồng Gioan. Chính trong cộng đồng này, tín hữu đã thấu hiểu và cảm nghiệm sâu xa Chúa Giêsu Thánh Thể hiện diện “để cho thế gian được sống.” (Ga 6:51) Từ đó, họ cũng đón nhận được sức mạnh xây dựng cộng đoàn. Trong cộng đoàn tông đồ này, họ đã “cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng” và “đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa.” (Ep 5:19) Chính khi chia sẻ tình yêu Thánh Thể với anh em, họ đã xây dựng thành công Giáo hội tiên khởi. “Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ.” (Cv 2:46-47)
“Lễ bẻ bánh” chính là tiệc Thánh Thể (Mc 14:22; 1 Cr 11:24; Cv 2:42-47). Tin mừng Lc 24:13-35 cũng cho thấy hai môn đệ trên đường Emmau nhận ra Đức Giêsu khi Người bẻ bánh. “Hình như thánh sử Luca dùng từ này để chỉ về Thánh Thể. Có lẽ thánh sử có ý cho thấy, trong khi Kinh thánh hướng tới Đức Kitô, chỉ có Thánh thể mới cho phép Kitô hữu nhận thức và chiếm hữu Người trọn vẹn.” (New Catholic Encyclopedia 2003:2, 600) Chính trong thịt và máu Đức Kitô, tín hữu tiên khởi đã làm nên một thân thể và tạo thành một sức mạnh kiên cường đến nỗi “quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” (Mt 16:18)
Sức mạnh đó ngày nay vẫn còn. Giáo hội trổ sinh một mùa màng tươi tốt nuôi sống muôn dân. Thứ sáu 11/07/03 vừa qua, Liên Minh các tổ chức Caritas kết thúc tổng hội thứ 17 với tựa đề: “Việc Toàn cầu hóa sẽ thành công nếu mọi người đều hưởng phúc lợi từ đó.” (Zenit 14/07/03) Tuyên bố chung nói: Caritas Quốc tế “cam kết hoạt động cho xã hội người nghèo và những người bị tách ly ra khỏi xã hội đang dần dần được toàn cầu hóa. Nghĩa là, sự liên đới phải được toàn cầu hóa, và Liên Minh Caritas phải tận tụy thực hiện mục tiêu này trong bốn năm tới.” (Zenit 14/07/03) Caritas hi vọng thực hiện đầy đủ nghị quyết trong tông thư ‘Tân Thiên Niên Kỷ’. ĐGH Gioan Phaolô II kêu gọi phải có ‘sáng tạo mới’ trong công cuộc bác ái. Caritas giải thích: “Trong kế hoạch hoạt động, các thành viên tổ chức Caritas Quốc tế tái cam kết làm cho tiếng nói người nghèo được lắng nghe trong các thực thể quốc tế, và thực hiện việc liên kết giữa những người có trách nhiệm quyết định và dân chúng chịu ảnh hưởng quyết định đó.” (Zenit 14/07/03)
Tổ chức Caritas chuyên phục vụ những người nghèo khổ trên thế giới. Tổ chức lấy sức mạnh từ niềm tin nơi Đức Giêsu, tấm bánh bẻ ra cho muôn dân. Biết bao Kitô hữu cũng đang theo sát gót Đức Kitô phục vụ trên khắp nẻo đường đời. Đó là những người khôn ngoan đang cố gắng “tận dụng thời buổi hiện tại” (Ep 5:16) để giải thoát nhân loại khỏi “những ngày đen tối.” (Ep 5:16)
30. Bánh ban sự sống là do Chúa Cha ban cho.
(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’ – Achille Degeest).
Chúa Giêsu quả quyết rằng nguồn mạch vô tận của sự sống vĩnh cửu là ở nơi Người. Lương thực nuôi dưỡng sự sống ấy chính là chíng Người, ‘Bánh hằng sống’. Nói đúng hơn, Người là hiện thân của đời sống vĩnh cửu, và Người đã tự ban chính mình làm bánh nuôi sống chúng sinh. Có ba xác định sau đây:
1) Chúng ta cần ghi nhận trong bài đọc hôm nay, nó sửa soạn cho điều mà -gọi là giá trị hy tế của việc Chúa Giêsu nhập thể giữa nhân loại. Bánh mà ta sẽ ban, đó là thịt Ta cho thế gian được sống. Với tư cách là Con Người, Đấng sẽ tự hiến mình làm hy lễ, Chúa Giêsu-Chúa Giêsu ban cho chúng ta đời sống vĩnh cửu. Khi Chúa nói lời này Chúa chưa trải qua ‘Giờ’ của Người, nghĩa là sự hy sinh của Người trên thánh giá, sự phục sinh và ân huệ của Thánh Linh. Vì thế nên Người nói ở thì tương lai: Bánh mà Ta ‘sẽ ban’. Bánh đó sẽ được ban cho thế gian được sống. Nhưng chính qua cuộc tế lễ của Người mà Chúa Giêsu đem lại sự sống lại cho thế gian. Điều quan trọng là chúng ta phải nhấn mạnh là Chúa Giêsu, vào lúc Người loan báo Thánh Thể, đã thấy trước mắt Thập giá, sự sống lại, ân huệ của Thánh Linh, nghĩa là cuộc lễ tế cứu chuộc, đem lại sự sống cho thế gian. Người ta có thể nói trong viễn ảnh Chúa Giêsu thấy, thì bánh hằng sống và cuộc lễ tế của Người, hoàn toàn gắn liền với nhau.
2) Tại sao trong phúc âm của Gioan, Chúa Giêsu đã dùng tiếng ‘thịt Ta’, chớ không dùng tiếng ‘mình Ta’? Thật vậy, trong các phúc âm Nhất lãm, các thánh sử khác đã dùng tiếng ‘Mình’ trong đoạn nói về bữa tiệc ly. Chúng ta gặp ở đây một kiểu nói hơi khác, nó có ích lợi của nó, để nhấn mạnh đến ‘bánh hằng sống’ có tính cách nhất thiết sinh động; ban sự sống. Trong cách nói của Thánh Gioan, danh từ ‘Thịt’ ở đây có nghĩa là chính bản thân sống động của Chúa Giêsu. Phúc âm của Gioan dùng tiếng ‘Mình’ để chỉ thân xác đã chết của Chúa Giêsu, sau cuộc khổ nạn trên Núi sọ. Thánh Gioan đã nhận ra một sắc thái dị biệt. Chúa Giêsu, Đấng ban ‘thịt’ của mình làm bánh hằng sống, là Chúa Giêsu vinh hiển, sống động và truyền thông sự sống. Người đã đi qua cái chết, song Người là sự sống. Sau khi nói như vậy, chúng ta hiểu được những lời truyền phép Mình Thánh được lặp lại trong các phúc âm Nhất lãm, đã dùng tiếng ‘Mình’ có liên quan đến Mình và Máu Chúa Kitô đang sống và ban sự sống. Người ta có thể nói rằng, trong bối cảnh chung gồm tất cả các thực tại mà chúng ta tin là xác thực, Thánh Gioan thích nhấn mạnh đến phương diện nguồn mạch sự sống thể hiện nơi phép Thánh Thể.
3) Bánh hằng sống là do Chúa Cha ban. Sau khi đã dài dòng căn dặn về sự cần thiết của con người phải nuôi mình bằng chính Chúa, Chúa Giêsu trở lại nguồn gốc của hồng ân đó. Như Cha là Đấng đã sai Ta, và Ta sống bởi Cha thế nào, kẻ ăn Ta, sẽ sống bởi Ta như vậy’. Chúng ta gặp lại ở đây một trong các hình thức hơi lộ ra bên ngoài của sự chuyển động sâu xa bên trong, đang tác động nơi Chúa Giêsu. Người luôn luôn ý thức là hết mọi sự, đều do nơi Cha Người và hết thảy đều phải hướng trở về cùng Cha Người. Thật là điều quan trọng là hôm nay đây, chúng ta phải chú ý đến sự kiện này, dầu cho chỉ là vì lòng đoan chính đối với Phúc âm. Não trạng của thế giới chúng ta hiện nay, bị ảnh hưởng bởi những quan niệm mệnh danh là khoa học, để tuyên bố là ‘Chúa Cha đã chết’. Cung cách đọc Phúc âm, vì tinh thần lương thiện, phải cam kết chống lại mọi thứ não trạng như vậy, và nếu có thể, hãy soi sáng nó.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam