Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 48
Tổng truy cập: 1371389
THÁNH ĐƯỜNG ĐIỂM HẸN
(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Một giáo xứ miền quê nọ đã được thành lập từ lâu, nhưng chưa có một ngôi nhà thờ xây cất hẳn hoi. Giáo dân lại nằm rải rác trong hai ngôi làng sát cạnh nhau. Khát vọng duy nhất của giáo dân là được có nơi thờ phượng đàng hoàng. Với sự hăng say bộc phát của những người nông dân, mọi người đã quảng đại đáp lại lời kêu gọi của cha chính xứ: kẻ góp công, người góp của. Thế nhưng vấn đề cơ bản vẫn là: đâu là địa điểm xứng hợp nhất để xây cất ngôi nhà thờ mới. Người ở làng bên này thì muốn ngôi nhà thờ toạ lạc trong làng của mình. Người ở làng bên kia thì lại muốn nhà thờ được xây cất gần bên chỗ mình ở. Thế là hai bên cứ tranh luận, không bên nào muốn nhường bên nào. Tiền của đã có sẵn, vật liệu cũng không thiếu, nhưng không biết phải đặt viên đá đầu tiên ở đâu.
Giữa lúc vấn đề địa điểm xây cất chưa ngã ngũ, một nạn hạn hán trầm trọng đang đe doạ dân chúng trong cả hai làng. Thế là người ta chỉ còn nghĩ đến việc chống hạn hán hơn là xây cất nhà thờ. Năm ấy toàn dân trong hai làng đều phải chịu cảnh đói khát. Trong cảnh túng quẫn, lá lành đùm lá rách, dân làng hai bên mới nghĩ đến nhau. Một đêm kia, dân làng bên này lặng lẽ phân chia lúa thóc rồi mang qua cứu trợ dân làng bên kia. Trong khi đó, dân làng biên kia cũng có một ý nghĩ tương tự, họ cũng mang lúa thóc qua cứu trợ dân làng bên này. Giữa đêm tối, không hẹn mà hò, dân làng hai bên đã gặp nhau trong cùng một ý nghĩ và hành động. Không cần một lời giải thích, không cần một lời chào hỏi, họ đã hiểu nhau: Họ đặt những bao lúa xuống đất và ôm chầm lấy nhau… Điểm gặp gỡ của tình tương thân tương ái, của tình liên đới chia sẻ ấy đã được giáo dân gọi là “đất thánh” và họ đã nhất trí chọn địa điểm này làm nơi đặt viên đá đầu tiên xây cất ngôi nhà thờ mới của giáo xứ.
Thưa anh chị em,
Nhà thờ đúng là nơi hẹn hò gặp gỡ: hẹn hò gặp gỡ với Thiên Chúa và với anh em đồng bào. Không ai đến nhà thờ mà không tìm gặp được sức mạnh từ chính Chúa, sự an ủi nâng đỡ từ cộng đoàn anh em. Do đó, nhà thờ phải là điểm hẹn của mọi nẻo đường, là nơi hội tụ của mọi xây dựng, là giải đáp của mọi tranh luận, là nơi gặp gỡ của tình yêu thương.
Đền thờ Giêrusalem là nơi tập họp của dân Do Thái trên mọi khắp mọi miền đất nước vào dịp lễ Vượt Qua hằng năm, mừng kỷ niệm dân được Thiên Chúa giải phóng khỏi ách nô lệ Ai Cập, vượt qua Biển Đỏ về miền Đất Hứa. Năm ấy, Chúa Giêsu cũng hoà mình vào đoàn dân tiến bước về đền thờ. Vừa bước vào đền thờ, Chúa Giêsu đã chứng kiến những cảnh chướng tai gai mắt: buôn bán chiên bò, trao đổi tiền bạc, đám đông ồn ào náo nhiệt, vô trật tự. Không cầm mình được trước cảnh tượng đền thờ linh thiêng bị biến thành thị trường, sào huyệt của bọn đầu trộn đuôi cướp, Chúa Giêsu đã “nhào vô” thẳng tay đánh đuổi những kẻ buôn thần bán thánh, thanh tẩy đền thờ, trả lại sự trong sáng cho nơi cầu nguyện và gặp gỡ của Cha Ngài và của mọi người.
Nhưng không phải chỉ có thế. Dưới ngòi bút của Thánh sử Gioan, hãnh động của Chúa Giêsu còn mang một ý nghĩa biểu tượng sâu sắc hơn nhiều, khi Gioan nói: “Các ông cứ phá hủy Đền thờ này đi, nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại”. Sau này, dưới anh sáng Phục Sinh, các môn đệ mới hiểu đền thờ Chúa muốn nói ở đây chính là thân xác của Chúa Giêsu sẽ được Phục Sinh sau ba ngày ở trong mồ.
Chúa Giêsu đã xua đuổi bọn con buôn, xô đổ lật nhào bàn ghế những người đổi tiền. Ngài phá hủy không phải chỉ để phá hủy. Phá hủy sẽ không có nghĩa gì cả, nếu không găn liền với xây dựng. Ngài chỉ phá hủy những gì hủy hoại con người, hủy hoại mốt tương giao giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Thực ra, chính việc buôn bán đổi chác, ồn ào trong đền thờ mới phá hủy đền thờ, làm cho đền thờ không còn là đền thờ, không còn là nơi gặp gỡ Thiên Chúa và anh em đồng bào, trái lại trở thành sào huyệt trộm cướp, bóc lột, cắt cổ nhau. Chính vì thế, việc phá đổ, giết chết, đánh mất ý nghĩa là “việc của các ông”: “Các ông cứ phá hủy đền thờ này đi”. Còn “việc của Thiên Chúa” là xây dựng lại đền thờ mới, là cứu sống và tái tạo tất cả trong Đức Giêsu khi cho Ngài Phục Sinh sau ba ngày ở trong mồ, và đặt Ngài làm Đức Chúa, để từ nay, Đức Giêsu Kitô trở thành trung tâm phụng tự duy nhất. Trong Ngài toàn thể nhân loại sẽ “thờ phượng Thiên Chúa trong Thánh Thần và chân lý”.
Anh chị em thân mến,
Thời Cựu Ước, dân Do Thái tôn thờ Thiên Chúa một cách vụ hình thức, bôi bác, máy móc. Họ nghĩ rằng, cứ dâng cúng vào đền thờ nhiều tiền của, nhiều lễ vật là Chúa hài lòng, Chúa sẽ xí xóa mọi tội lỗi cho họ. Họ tưởng dùng tiền của, lễ vật, quà cáp là mua chuộc, hối lộ được Thiên Chúa. Thành thử ra, dù có sống gian tà, xảo trá, độc ác, bất công, chỉ cần đợi dịp đại lễ hành hương lên đền thờ, dâng cúng cho nhiều, thế là vừa bình an trong lương tâm vừa được tiếng đạo đức. Chính ngôn sứ Giêrêmia đã thốt lên lời sấm chống lại đền thờ, vì ở đó không còn nền thờ phượng đích thực nữa. Dân chúng chỉ sống đạo bề ngoài mà không hoán cải đời sống, không tuân giữ Giao Ước mười điều răn của Thiên Chúa (x.Bđ.1). ngôn sứ nói: “Chúa phán: Sao? trộm cướp, giết người, ngoại tình, thề dối, thờ cúng Thần Baal, đi theo các tà thần, rồi chạy vào đến trước mặt Ta trong đền thờ này, các ngươi cho thế là thoát nợ, để rồi tiếp tục cái trò quái gở ấy ư? Các ngươi đã biến đền thờ này là nơi Danh Ta được kêu cầu thành sào huyệt trộm cướp” (Gr 7,9-11). Điều Thiên Chúa muốn, rõ ràng không chỉ là thái độ phải có trong đền thờ mà là thái độ phải có trong cả cuộc sống.
Trong cuộc sống, chúng ta thường quan niệm bổn phận đối với Thiên Chúa trong các nhà thờ tách rời khỏi bổn phận đối với anh em ngoài xã hội. Thực ra, thờ phượng Thiên Chúa đâu chỉ là đến nhà thờ đọc kinh, dự lễ và rồi người anh em bên cạnh có chết đói, chết rét, có gặp tai ương hoạn nạn… cũng chỉ là việc riêng tư của họ, không cần biết đến. Người ta không thể xây dựng những ngôi nhà thờ nguy nga đồ sộ mà lại làm ngơ trước những người đang giẫy chết bên cạnh. Người ta không thể nhắm mắt đi đến nhà thờ trong khi bên lề đường có bao nhiêu người lê lết trong đói khổ. Nhà thờ phải là nơi hẹn hò gặp gỡ với Thiên Chúa và với anh em đồng loại. Nhà thờ chỉ có thể xây dựng ngay chính trên “Đất Thánh” của tình yêu thương, chia sẻ, của tình liên đới anh em mà thôi. Và việc đi đến nhà thờ cũng chỉ có ý nghĩa khi nó là điểm hẹn, là biểu tượng của chính những viên đá sống động, những viên gạch bác ái mà người ta không ngừng xây dựng trong cuộc sống hằng ngày. Vì chính các Kitô hữu là đền thờ của Chúa Thánh Thần (x.Cv 7,49-51; 1Cr 3,16; 2Cr 6,16).
Chúng ta đang tham dự Thánh Lễ là lễ tế của Chúa Giêsu trên thập giá. Chính Thánh Thể của Ngài giờ đây vĩnh viễn thay thế mọi lễ tế chiên bò trong đền thờ Giêrusalem và khánh thành một đền thờ mới với một phụng tự mới trong Thánh Thần và chân lý là yêu thương và phục vụ anh em cũng là chi thể của thân xác Chúa Giêsu Phục Sinh và là Đền thờ của Thiên Chúa Ba Ngôi.
36. Nhà của Cha Tôi – ĐGM. Arthur Tone.
Người mẹ có 4 người con. Bà khổ tâm biểu chúng dọn dẹp đồ chơi, nhất là vào lúc cha của chúng đi làm sắp về. Dọa nạt, dụ ngọt đều vô ích. Đồ chơi ngổn ngang như thể cơn lốc vừa thổi qua.
Một bữa nọ, bà tìm ra một ý tưởng hiệu nghiệm, ít ra trong gia đình của các con bà: Bà chỉ nói đơn giản: “Chúng con thử xem hết bao lâu để dọn nhà sạch sẽ để đón cha chúng con về”. Không đầy năm phút mọi đồ chơi được cất trong hộp.
Người mẹ này gợi cho chúng ta cách thực hành ít nhất một ý tưởng được nêu ra trong bài Tin Mừng hôm nay: Đức Giêsu nói về “Nhà Cha Tôi”. Đức Giêsu yêu mến Đền thờ, nhà của Cha Người trên trần gian. Thỉnh thoảng, đôi khi mỗi ngày, Người ở trong Đền thờ. Người khích lệ những gì làm cho Đền thờ trở nên nơi cầu nguyện và phụng thờ. Người lên án những gì làm cho nhà Cha Người mất vẻ thánh thiện. Đó là lý do Chúa đuổi những người đổi tiền ra khỏi Đền thờ.
Cùng với Đức Giêsu, Người anh cả, mỗi người chúng ta có thể nói: “Đây là nhà Cha tôi”. Ngôi nhà thờ này, nhà thờ của chúng ta, dù nhỏ bé, nó rất thanh lịch. Nó thật là nhà của Cha chúng ta.
Như Chúa chúng ta, như các em nhỏ trong câu chuyện. Chúng ta muốn làm hết sức cho nhà của Cha chúng ta xứng đáng, đẹp và thánh thiện.
Khi chúng ta dâng cúng để bảo quản nhà thờ, chúng ta phải coi đó như món quà dâng cho Cha chúng ta, không có gì là quá đáng.
Quan trọng hơn bảo quản phương tiện vật chất, là bảo quản giá trị và vẻ đẹp thiêng liêng: Ngôi nhà của Chúa. Nơi đây, nhờ Bí tích Rửa Tội, chúng ta được nhận vào gia đình Chúa. Nơi đây với việc Rước Lễ, chúng ta đoàn tụ quanh bàn tiệc của Cha chúng ta. Nơi đây, nhờ Bí tích Thêm Sức, chúng ta được can đảm và sức mạnh để làm vui lòng Người. Nơi đây, trong Bí tích Hôn Phối, Chúa đóng ấn sự kết hợp vợ chồng. Chúng ta tới đây để hầu chuyện với Người và lắng nghe lời Người. Chúng ta đến đây để xin Người trợ giúp và lời chỉ bảo.
Chúng ta tới đây để thổ lộ với Người niềm vui, nỗi buồn của chúng ta, sự thành công, thất bại của chúng ta.
Chúng ta tới đây để làm lại điều mà Đức Kitô đã làm trong bữa tối sau hết. Chúng ta sẽ làm điều đó trong chính giờ này.
Hãy đến nhà Cha của bạn, chắc chắn Người yêu bạn, bất kể mọi chuyện, hơn những người cha tuyệt hảo ở trên trời. Chúa sẵn sàng tha thứ, phù giúp, an ủi và khích lệ. Bạn hãy nhớ trong kinh nguyện Thánh Thể, chúng ta thường gọi Người là Cha. Bạn hãy biết tại sao chúng ta gọi Người là Cha trong kinh Lạy Cha. Bạn chú ý tới những lời trong kinh Tiền xướng rước lễ hôm nay: “Ngay cả con chim se sẻ còn tìm được cái nhà. Con chim nhạn tìm ra tổ ấm để ấp con. Cạnh bàn thờ Chúa, lạy Chúa các đạo binh. Vua của con, Chúa của con – Hạnh phúc thay những ai cư ngụ trong nhà Chúa”.
Bạn tự nhiên trong nhà của Cha bạn. Như người mẹ trong câu chuyện. Mẹ Giáo Hội bảo chúng ta: “Chúng ta cố gắng hết sức làm cho nhà của Cha chúng ta đẹp và ấm cúng.
Xin Chúa chúc lành bạn.
37. Dầu Thánh – Lm. Vũ Đình Tường
Dầu ôliu nguyên chất được Đức Giám Mục làm phép vào Thứ Năm Tuần Thánh được gọi là dầu thánh dùng vào việc thánh hiến các dụng cụ thánh và xức dầu trong một số bí tích. Có ba loại dầu khác nhau và phân biệt nhờ mầu sắc, mùi vị khác nhau. Mùi vị, mầu sắc có được là do dầu được pha trộn với một hợp chất tinh tuyền được lấy từ một số loại cây tuyển chọn, rồi dùng tinh dầu này pha với tinh dầu của trái ôliu.
Hàng năm trong Tuần Thánh linh mục địa phận quy tụ với giám mục địa phận trong lễ Truyền Dầu vào Thứ Năm Tuần Thánh. Sau khi truyền phép linh mục chánh xứ nhận dầu mang về giáo xứ để dùng trong năm. Dầu này được cất cẩn thận trong tủ khoá.
Trong Cựu Ước có nhiều đoạn ghi lại việc xử dụng dầu trong các nghi thức đăng quang quan trọng trong xã hội cũng như trong phụng vụ Giáo Hội. Nghi thức xức dầu dùng trong các ngày lễ vua đăng quang hay linh mục thượng phẩm. Muốn biết thêm chi tiết xin xem các đoạn trong sách Xuất hành chương 30 và sách Lêvi chương 8.
Nguồn gốc chữ Chrism có lẽ cùng nguồn gốc với chữ Christ có nghĩa ‘Đấng được Xức Dầu tấn phong’). Các thánh giáo phụ ghi nhận việc xức dầu là dấu chỉ bề ngoài xác định niềm tin bên trong mắt thường không thể nhìn thấy nhưng nói lên đức tin của tâm hồn. Thánh Ambrô kính viếng dầu thánh như là dấu chỉ của ân sủng. Các vị khác coi dầu thánh như là vật thánh ban ân thánh hoá cho các Kitô hữu. Đức Giáo Hoàng Bênidictô 16 xác định
Dầu Thánh là dấu chỉ của ân sủng Chúa.
Dầu thánh được dùng trong các trường hợp thánh hiến thánh đường, chuông và bàn thờ, chén thánh, dĩa thánh bởi những dụng cụ này được dùng trong việc cử hành thánh lễ. Dầu thánh dùng trong bí tích thanh tẩy. Có hai lần xức dầu. Xức dầu lần đầu mang ý nghĩa thanh tẩy và thánh hiến em bé đó cho Thiên Chúa. Xức dầu lần hai mang í nghĩa ban ơn sức mạnh để trong tương lai chu toàn ba nhiệm vụ của Kitô hữu đó là sứ vụ linh mục, tiên tri và vương đế. Bí tích thêm sức người đó được xức dầu để nhờ ơn Thánh Thần Chúa hướng dẫn đồng thời ban sức mạnh chu toàn tốt đẹp ba sứ vụ nêu trên. Xức dầu bệnh nhân giúp người bệnh được mạnh nếu điều đó làm đẹp lòng Chúa đồng thời tăng sinh lực chống lại các cám dỗ và nếu có tội thì được tha. Khi truyền chức linh mục giám mục xức dầu hai tay linh mục. Khi truyền chứ giám mục thì giám mục chủ tế sức dầu trên đầu vị tâm giám mục với ý nghĩa thánh hiến và thánh hoá con người và công việc người đó sẽ đảm trách.
Dầu thánh được dùng trong phụng vụ mang ý nghĩa đặc biệt. Dầu ôliu được chọn làm dầu thánh vì tự bản chất của dầu vừa tốt cả về phẩm lẫn ít bị thái hoá do khí hậu và thời gian nên dầu được chọn biểu trưng cho sự giầu mạnh, bền bỉ và tốt lành của ân sủng Chúa. Hương thơm được pha trộn tượng trưng cho các đức tính cao quí, ngạt ngào hương thơm, tốt lành trong đạo. Dầu tượng trưng cho sức mạnh trong khi hương thơm tượng trưng cho sự bền bỉ.
Việc xức dầu tượng trưng cho việc lãnh nhận ân sủng Chúa và sức mạnh tinh thần cần thiết giúp người Kitô hữu sống đạo, chống lại tàn phá, huỷ diệt của cơn cám dỗ đồng thời toả hương thơm Lời Chúa cho tha nhân.
38. Giữ trong sạch nhà Cha – Noel Quesson
“Đừng biến nhà Cha Tôi, thành nơi chợ búa”
Trong tác phẩm “Chim hót trong bụi gai” tác giả kể chuyện một linh mục, cha Rap (Ralph). Cha Rap là một linh mục trẻ, có khả năng nhưng lại đầy tham vọng. Cha mong muốn thành công, muốn nổi danh và cũng ham tiền. Một giáo dân đã nhận ra chân tướng của vị linh mục. Bà phú hộ thương thầm cha nhưng không được đáp lại. Bà liền trả thù bằng cách hiến toàn bộ tài sản của bà cho Giáo Hội, với điều kiện phải cử cha Rap làm quản lý tài sản đó. Cách trả thù của bà phú hộ đã thành công.
Câu chuyện cốt phê bình chỉ trích Giáo Hội, nhưng cũng nói lên một thực tại, Giáo Hội của Đức Kitô bản chất tinh tuyền, nhưng lại gồm những con người bằng xương bằng thịt và có thể bị ảnh hưởng xấu do tiền của. Là con người, thì ai cũng phải cẩn thận lắm, khi sử dụng tiền của. Tiền của cần thiết cho mọi người, cho mọi tổ chức và cho cả Giáo Hội. Nhưng nó dễ chiếm địa vị độc tôn, khi ấy nó trở thành chủ nhân như Chúa cảnh giác ta về tình trạng đó: “Các con không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của” (Mt 6,24).
Tục ngữ có nói, đồng tiền liền khúc ruột. Còn Chúa Giêsu bảo ta: “Kho tàng con nơi đâu thì lòng dạ con ở đó” (Mt 6,21). Cũng như khi ta đặt một đồng tiền trước mắt, thì nó che chắn hết mọi cảnh vật, và trong thực tế nó có thể che chắn cả việc đạo đức, cả mọi ý hướng tốt lành.
Và nhiều khi có tiền bạc xen vào các việc thờ tự thì người ta dễ hiểu lầm. Phụng vụ xưa cũng như nay, cần có những lễ vật. Lễ vật trong phụng vụ xưa là chiên bò, chim câu cũng như bây giờ có hương hoa, đèn nến. Những thứ đó là tùy phụ, giúp con người biểu lộ tâm tình thờ phượng. Nhưng một khi những thứ tùy phụ đó lại trở thành chính cốt thì con người quên cả tâm tình bên trong. Và Chúa Giêsu đã phải tuyên bố: “Đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán” (Ga 2,16). Chúa không ưa kiểu tính toán của dân buôn, không thích nghe tiếng sột soạt, leng keng của tiền bạc bên cạnh bàn thờ.
Chúa Giêsu nói tới Nhà Cha với một cảm tình quen thuộc, thân thương. Chúng ta tới với Chúa như người con về nhà Cha mình. Đó là cốt lõi của phụng tự, của nghi lễ của cầu nguyện, của cuộc đời Kitô hữu. Vậy điều cần thiết là phải lo sao cho tinh thần mình xứng hợp với ý Chúa, lo cho cuộc sống Kitô hữu của mình được trong sạch, hơn mọi mối lo khác, hơn mọi dáng vẻ vật chất, và đẹp đẽ trong phụng vụ, trong tổ chức, trong việc tô điểm Giáo đường, và mọi sinh hoạt tôn giáo khác.
Giá trị chính yếu của con người, và việc giúp con người phụng sự Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết dâng hiến chính bản thân mình chúng con làm lễ tế sống thánh thiện để tôn thờ Chúa!
39. Đền thờ
Sau khi nghe đoạn Tin Mừng, chúng ta không khỏi băn khoăn và tự hỏi: Tại sao Chúa Giêsu lại hành động như thế. Thực vậy, công việc của những người buôn bán và đổi tiền là công việc đem lại lợi ích cho đền thờ và thuận tiện cho khách hành hương.
Theo luật lệ qui định, thì vào những dịp lễ lớn, người Do Thái phải lên đền thờ để chu toàn bổn phận thờ kính đối với Đức Giavê. Họ từ khắp các miền trong nước cũng như ngoài nước hành hương trở về Giêrusalem. Cũng trong những dịp này, họ phải dâng lễ vật và đóng thuế cho đền thờ. Lễ vật có thể là chiên bò hay chim bồ câu, tùy khả năng tài chính của mỗi người. Bởi đó, muốn dâng cúng tiền thì phải đổi ra tiền thông dụng tại Giêrusalem. Muốn có những lễ vật thì phải có những nơi để mua sắm. Biết đâu, chính Mẹ Maria và thánh Giuse cũng đã mua ở đấy cặp chim bồ câu khi dâng tiến Chúa vào đền thờ.
Xem như thế thì những kẻ mua bán đổi chác không những không có hại mà còn đem lại hoa lợi và bổng lộc cho đền thờ. Hơn nữa, mặc dù Kinh Thánh có nói đến cơn giận của Thiên Chúa, nhưng cơn giận ấy không phải sẽ được biểu lộ theo kiểu này và trong một hoàn cảnh cụ thể như thế, vì Chúa Giêsu ở mọi nơi và trong mọi lúc vẫn là Thiên Chúa của lòng từ nhân và bao dung, như lời Ngài đã từng phán: Các con hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường.
Vậy thì đâu là ý nghĩa, đâu là mục đích mà Chúa Giêsu muốn nhằm tới? Nếu suy nghĩ chúng ta sẽ thấy khi đánh đuổi phường buôn bán, Chúa Giêsu đã làm một hành động có tính cách tiên tri, một biểu tượng nhằm đưa chúng ta đến một ý nghĩa khác thâm thúy và cao xa hơn. Các nạn nhân của Ngài cũng đã hiểu được thâm ý ấy nên đã vặn hỏi Ngài: Ông có thể đưa ra dấu hiệu nào để biện minh cho hành động của ông? Và Chúa Giêsu đã đưa ra dấu hiệu để biện minh, dấu hiệu này mãi về sau các tông đồ mới hiểu được: thân xác Ngài sẽ chết, nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại. Và như vậy, Ngài muốn nói lên rằng chính Ngài là Đấng Thiên sai, là Đấng sẽ đến để cứu chuộc dân Ngài.
Với tư cách là Thiên sai, Chúa Giêsu đã bất bình với phường buôn bán và đổi chác, không phải vì hành động của họ, mà chính vì quan niệm sai lạc của họ. Họ lên đền thờ với thái độ tự mãn.
Với tiền bạc, họ có thể mua được những lễ vật. Và khi đã dâng lễ vật thì họ có cảm tưởng như là đã trả nợ cho Thiên Chúa, họ thảnh thơi ra về vì đã chu toàn lề luật và có quyền ngồi chờ Thiên Chúa thi ân đáp lễ. Họ đã cậy vào uy lực của tiền tài chứ đâu có cậy nhờ vào Chúa.
Dấu hiệu Chúa Giêsu đưa ra: Ngài sẽ phải chết nhưng sau ba ngày Ngài sẽ sống lại. Đó mới chính là cái uy lực thực sự mà con người phải bấu víu, phải nương tựa vào.
Qua hành động của mình, Chúa Giêsu đã đưa con người từ quan niệm về uy lực trần tục tới quan niệm về uy lực của Thiên Chúa. Đó chính là một cuộc canh tân, đổi mới tận gốc rễ. Ước chi trong Mùa Chay, chúng ta hãy nhìn lại đời sống xem chúng ta đã nghĩ gì và đã thực hiện cuộc đổi mới này như thế nào.
40. Chúa Nhật 3 Mùa Chay
Thưa Quý ông bà anh chị em! Nếu đặt bài Phúc âm của ngày Chúa nhật vừa rồi và bài Phúc âm của ngày Chúa nhật này nằm kề với nhau, thì có lẽ là chúng ta sẽ cảm thấy ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng không phải là vì chúng ta nhìn thấy được những nhân vật siêu phàm hay những bài học chí lý cho cuộc sống; Thế nhưng chúng ta ngỡ ngàng trước sự thay đổi đột ngột của dung mạo đức Giêsu. Chúa nhật vừa rồi chúng ta đã cùng với Phêrô, Gioan và Giacôbê, hãnh diện chiêm ngắm một Đức Giêsu vinh hiển, sáng láng, rạng ngời. Sự vinh hiển ấy, mặc dù chúng ta không tận mắt chứng kiến, nhưng chúng ta cũng có thể cảm nghiệm được phần nào khi nghe các môn đệ này thổ lộ niềm vui và hạnh phúc của mình: “Thưa Thầy! Nếu được ở mãi nơi này tốt quá”.
Còn Chúa nhật hôm nay thì sao? Có lẽ là chưa bao giờ chúng ta nhìn thấy cung cách ứng xử của Chúa Giêsu lạ lùng, nếu không muốn nói là bộp chộp nóng nãy như ngày hôm nay. Thánh Gioan thuật lại là hôm ấy, nhân dịp đại lễ Vượt Qua sắp tới, Chúa Giêsu cũng có mặt ở Giêrusalem như mọi người theo luật đã định. Thế nhưng lần này, khi bước vào Đền thờ, dường như Người không còn tự chủ được nữa. Đền thờ từ muôn thuở vẫn được coi là biểu tượng duy nhất cho sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Người, là nơi để người ta cầu nguyện gặp gở Chúa. Thế mà giờ đây, nó đã không hơn không kém một cái chợ: ồn ào, mua bán, đổi chác, gian lận, bóc lột. Người ta tụ họp lại nơi đây không còn giống như ngày trước, khi ở chân núi Sinai, lúc Thiên Chúa ban mười điều răn mà bài đọc Cựu Ước hôm nay đã kể lại một cách linh thiêng cảm động. Lòng nhiệt thành vì Nhà Chúa đã khiến Người giận dữ đánh đuổi tất cả mọi thứ ra khỏi đền thờ: “Hãy đem tất cả những thứ này ra khỏi đây! Đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”.
Hai hình ảnh hoàn toàn trái ngược nhau về con người của Đức Giêsu. Phải chănglà Giáo hội đã không suy nghĩ, không tiên liệu trước, khi đặt hai câu chuyện này gần nhau, để vô tình gây nên một sự ngỡ ngàng như đã nói ở trên? Thưa không! Nếu đọc hai câu chuyện này trong tinh thần và trong ý nghĩa của Mùa Chay, thì không những là không đối chọi nhau; Mà ngược lại, hai câu chuyện ấy còn bổ túc cho nhau, làm nên một gợi ý liên tục và chính xác trong việc sống Mùa Chay. Rõ ràng là nếu như trong ngày Chúa nhật vừa rồi, chúng ta nghe Chúa Giêsu dạy rằng: muốn đạt tới vinh quang thì phải bước lên con đường thập giá; Muốn có được hạnh phúc thì phải vượt qua con đường của sự đau khổ, thì trong bài phúc âm hôm nay, thập giá ấy, sự đau khổ mà mình phải vượt qua ấy chính là việc tỉa gọt, đổi mới con người và cung cách sống đạo của mình, mà việc thanh tẩy Đền thờ của Chúa Giêsu là hành động biểu tượng.
Thưa anh chị em! Chính thái độ quyết liệt của Đức Giêsu trong bài Phúc âm hôm nay, đòi buột chúng ta là những người thường xuyên có mặt trong ngôi nhà thờ này, phải duyệt xét lại thái độ của chính mình. Chắc chắn rằng Chúa không bao giờ xua đuổi những con người thành tâm thiện chí, mà Người chỉ loại trừ những nếp sống giả hình: Lời nói và việc làm không đi chung với nhau. Mỗi người chúng ta hãy tưởng tượng xem; Nếu bây giờ Chúa có mặt ở đây, thì Người sẽ nói với chúng ta điều gì: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, hãy vào hưởng hạnh phúc với chủ ngươi!, hoặc chổ khác “Hỡi bọn giả hình khéo léo kia, các ngươi hãy ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha Ta thành nơi chợ búa!”
Ai trong chúng ta cũng biết rằng nhà thờ là nơi thánh thiêng để tôn thờ, cầu nguyện và gặp gỡ Thiên Chúa. Thế mà rất nhiều lúc chúng ta cũng nhận thấy rằng: không khí chợ búa dường như cũng còn man mác đâu đó, khi mà chúng ta đến nhà thờ trong thái độ mà người ta gọi là “mắt trước mắt sau”. Mình phải xuất hiện với bộ trang phục nào cho đúng mốt, với kiểu tóc nào cho sành điệu. Vâng! Chúng ta phải nhìn nhận rằng: không có một kiểu quần áo nào là xấu cả, nhưng chính nó sẽ làm cho mình quê mùa khó coi khi chúng ta xử dụng nó ở những nơi không thích hợp. Chẳng ai khoác lên mình bộ áo dài gấm Thái Tuấn hay veston để đi tắm biển, và cũng chẳng ai đến công sở làm việc với bộ đồ ngủ. Vậy thì tại sao chúng ta không can đảm chọn cho mình, hay giúp con cái chọn lấy một bộ quần áo thích hợp mỗi khi bước vào ngôi nhà thánh thiêng này. Rồi nhà thờ là nơi mà chúng ta chính thức được nghe Lời Chúa: “Các con đừng xét đoán nhau”; Nhưng rất nhiều khi chúng ta vô tình làm cho nó trở thành một nơi để đánh giá lòng đạo đức của người khác: người này thế này, người kia thế nọ. Và cũng chính vì chúng ta đã làm sai đi cái ý nghĩa tốt đẹp của nó mà nhiều lúc chúng ta đến nhà thờ là để thắp sáng hào quang cho mình hơn là cho Chúa. Chúa không cần đến nhà thờ; mà chỉ có chúng ta mới cần nhà thờ. Và rồi con người cũng chẳng cần gì đến nhà thờ nếu họ sống xa lạ, nếu họ đối xử lạnh nhạt với nhau. Điều đó hàm chứa một lời xác định rằng: Nhà thờ chỉ là nhà thờ đúng nghĩa khi nó là trung tâm điểm để dân Chúa được hiệp thông với nhau.
Thưa anh chị em! Bước vào Chúa nhật thứ ba Mùa chay này, chúng ta có được một cơ hội thật tốt để nhìn lại mối liên hệ của mình đối với ngôi nhà thờ hữu hình này. Đồng thời cũng được mời gọi làm mới lại ngôi nhà thờ thiêng liêng là chính con người của mình: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là đền thờ của Thiên Chúa sao?”. Vậy chúng ta hãy làm noi gương Đức Giêsu làm mới ngôi đền thờ hữu hình bằng cách trả lại cho nó tất cả sự tôn nghiêm thánh thiện qua cung cách và thái độ của mình mỗi khi bước vào ngôi nhà này. Hãy noi gương Đức Giêsu làm mới lại ngôi đền thờ thiêng liêng là chính con người của mình bằng cách mỗi ngày cố gắng thay thế những tham vọng, bất trung, ghen ghét, hận thù bằng lòng khoan dung, khiêm tốn, thông cảm và thứ tha. Thực hiện tốt hai mối liên hệ này là chúng ta đang sống đúng tinh thần của Mùa Chay, đang bước đi trên con đường dẫn tới sự sống đời đời.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam