Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 42

Tổng truy cập: 1366163

THÀNH KIẾN

THÀNH KIẾN

 

Anh chị em thân mến!

Với thành kiến có sẵn đối với người da đen mà bà Anna cho là lười biếng, nếu không lười biếng thì cũng là những kẻ trộm cắp, những kẻ nghiền ma túy hay độc ác giết người không gớm tay. Với những thành kiến như vậy, bà Anna luôn luôn lưu ý đến những nơi mình đi qua. Mỗi lần thấy bóng dáng một người da đen là bà lánh sang một nơi khác ngay, nhưng một hôm bà vừa bước vào thang máy thì một bóng người da đen to lớn cùng bước vào thang máy sau lưng bà và cửa thang máy đóng lại làm bà không kịp trở lui, bà chết điếng người và té xỉu. Tỉnh dậy nơi nhà thương, bà rất lấy làm hổ thẹn trong lòng khi biêt được rằng chính người da đen to lớn kia cùng bước vào thang máy với bà là một ca sĩ nổi tiếng là Leonard Vichy được mọi người mộ mến và cũng chính anh này là người đã đỡ bà khi té xỉu trong thang máy và đưa bà đến nhà thương.Thành kiến đã làm cho ta ra mù quáng không thể nhận diện được thực tại hay những người anh chị em mà ta gặp hằng ngày một cách đúng thật. Những người làng Nagiareth của Chúa Giêsu mà chúng ta vừa nghe Phúc âm thánh Luca kể lại một biến cố về những người làng Nagiareth cũng mắc phải khuyết điểm như bà Anna trong câu chuyện trên.

Sau thời gian rao giảng tại thành Caphanaum, Chúa Giêsu trở lại rao giảng tại hội đường của chính quê hương Ngài tại Nagiareth. Dân chúng biết rõ nguồn gốc nhân trần của Chúa Giêsu: “Người này không phải là con ông thợ mộc Giuse sao?”. Họ đã nghe biết những sự lạ Chúa đã làm tại Caphanaum, và với những dấu lạ chứng minh nguồn gốc thần linh của Chúa, chứng minh Ngài là Con Thiên Chúa được Chúa Cha sai xuống trần gian để cứu rỗi con người. Nhưng những thành kiến đã không cho phép những người làng Nagiareth của Chúa Giêsu nhìn xa hơn, họ bị giới hạn trong những cảm nghĩ trần tục của họ, muốn Chúa Giêsu thực hiện những sự lạ để hưởng lợi, để làm ích cho quê hương. Họ không vượt qua khỏi khía cạnh nhân trần, khía cạnh lợi lộc vật chất, ích kỷ, để hiểu rằng người ta cần lòng tin thanh sạch hơn, thanh cao hơn vào Chúa Giêsu. Vì thế, họ đã bị Chúa nhăc khéo để nhớ lại câu chuyện xưa đã xảy ra trong cuộc sống của hai vị tiên tri nổi tiếng, đó là tiên tri Êlia và Êlisiêu. Một bà góa ở Sérepta, một viên quan ngoại giáo Naaman, là những kẻ duy nhất đón nhận những tiên tri này như là người của Thiên Chúa với hết lòng tin tưởng. Trong khi đó thì dân chúng ở Israel khinh thường các ngài, từ bỏ các ngài, không lắng nghe lời các ngài.

Lời nhắc nhủ của Chúa Giêsu làm cho những người làng Nagiareth bực tức, chống đối Chúa nhiều hơn nữa, họ bắt đưa Chúa lên nơi cao, toan tính xô xuống vực thẳm cho chết đi. Thành kiến đã làm cho họ mù quáng và bực tức đến hành động điên rồ như vậy.

Hôm nay, khi lắng nghe đoạn Phúc âm trên, chúng ta cũng được mời gọi để xét mình, chúng ta đang tin nhận và tôn thờ một Chúa Giêsu nào đây? Chúa Giêsu Kitô mà chúng ta tin nhận và tôn thờ phải chăng là một Chúa Giêsu Kitô chỉ làm phép lạ để thỏa mãn cho những nhu cầu ích kỷ của riêng mình? Hay là một Chúa Giêsu Kitô Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế, là Đâng ban cho mỗi người chúng ta một ơn thánh hóa, ban cho chúng ta sự sống đời đời. Làm sao để chứng thực trong đời sống của mình là chúng ta tin vào một vị Thiên Chúa làm người để cứu rỗi chúng ta, không có cách nào khác ngoài con đường sống tình yêu thương bác ái cụ thể trong đời sống hàng ngày.

Đây là mẫu gương của thánh Phaolô tông đồ và cũng là lời khuyên của thánh nhân mà chúng ta đã nghe qua bài đọc II. Thánh Phaolô đã ý thức mình là tông đồ của Chúa, là môn đệ của Chúa Kitô, là Đấng làm chứng cho Chúa. Thánh nhân nói: “Nếu không có đức bác ái thì tất cả những lời rao giảng, những lời chứng của ngài chỉ là vô ích mà thôi”.

Mỗi người chúng ta được mời gọi đón nhận Chúa, tin nhận Chúa Giêsu Kitô và làm chứng cho Chúa. Chúng ta cũng như thánh Phaolô tông đồ chỉ có thể làm chứng một cách hữu hiêu hơn, nếu chúng ta sống đức bác ái, như thánh Phaolô đã khuyên những người con tinh thần của ngài tại Côrintô.

Lạy Chúa, xin giải thoát con khỏi những thành kiến làm cho con không nhìn thấy Chúa đã đến với con nơi dung mạo nhân trần, nơi những anh chị em, nơi những biến cố của cuộc sống hằng ngày. Vì thành kiến, con không nhận ra điều tốt nơi anh chị em, mà nếu không nhận ra nơi anh chị em những điều tốt thật cụ thể, thì làm sao con có thể nhận diện ra Chúa nơi anh chị em được. Lạy Chúa, xin thương giải thoát con khỏi những tâm tình hẹp hòi, khỏi tất cả những gì không phù hợp với đức bác ái mà Chúa đã trao ban cho mỗi người chúng con để tâm hồn chúng con trở nên trinh trong hơn mà nhận ra Chúa và tin vào Chúa để được ơn cứu rỗi.

 

15.Tiên tri.

Có người đã mô tả các tiên tri trong Cựu Ước là những kẻ an ủi những ai phiền não, nhưng đồng thời cũng là những kẻ gây phiền não cho những ai tự mãn.

Chẳng hạn như tiên tri Giêrêmia. Ông sống vào thời kỳ dân Do Thái đang bị băng hoại từ bên trong và bị quân đội ngoại bang đe doạ từ bên ngoài. Tình thế như vậy làm cho ông rất đau xót vì ông yêu mến tổ quốc và đồng bào của mình. Có lẽ vì thế, Chúa đã kêu gọi ông làm tiên tri cho quê hương mình. Thế nhưng lần nào được kêu gọi ông cũng đáp lại một cách miễn cưỡng vì ông biết rằng làm tiên tri nơi xứ sở mình là điều rất khó. Nhưng rồi ông cũng phải rao giảng cho dân chúng con đường sống còn duy nhất là phải canh tân đời sống, quay trở lại với Ngài. Nghe ông rao giảng như thế, dân chúng đã nổi giận và căm ghét ông, đến ỗi co lần ông đã bị đánh đòn, có lần ông đã bị cột vào trong bao, có lần ông đã bị xô vào đống phân.

Chúa Giêsu cũng đã cảm nhận được những khó khăn khi lãnh nhận sứ mệnh làm tiên tri ngay trên quê hương mình. Ngài đã từng bị bà còn lối xóm ruồng rẫy, họ định xô Ngài xuống vực thẳm cho chết luôn.

Suy nghĩ về thái độ của dân làng Nagiarét, chúng ta bỗng nhớ tới lời tiên báo của ông già Simêon: Trẻ nhỏ này sẽ nên như dấu chỉ cho người ta chống đối.

Lời tiên báo này đã trở thành sự thật. Nếu dân làng Nagiarét đã từng đòi Chúa Giêsu trưng ra bằng chứng xác minh Ngài là tiên tri thế nào, thì các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái cũng buộc Ngài phải xác minh Ngài là Con Thiên Chúa như vậy.

Nếu dân làng Nagiarét đã từng tố cáo Ngài là kẻ lộng ngôn thế nào, thì bọn biệt phái cũng đã kêt án Ngài là dụng cụ của ma quỷ như vậy.

Nếu dân làng Nagiarét đã từng tìm cách giết Ngài thế nào, thì đám đông dân thành Giêrusalem cũng hò hét: Đóng đinh nó đi, đóng đinh nó vào cây thập giá.

Chúa Giêsu quả là đã bị chống đối và bị khích bác. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta hãy nhớ lại lời Chúa đã nói với các môn đệ: Nếu thế gian đã ghét Thầy, thì họ cũng sẽ ghét các con.

Bất cứ ai cố gắng sống đúng danh hiệu người Kitô hữu sẽ hiểu được những lời nói trên có giá trị như thế nào? Tuy nhiên, cho dù chúng ta có bị ghét bỏ, có bị nhạo cười, nhưng cũng đừng vì thế mà từ bỏ nếp sống lương thiện và trong sạch của mình. Lý do thật đơn giản vì Chúa đã từng nói với chúng ta: Các con là muối đất. Các con là ánh sáng. Người ta không đốt đèn rồi để dưới đáy thùng nhưng đặt trên giá đèn. Cũng thế, ánh sáng của các con phải toả ra trước mặt mọi người để họ nhìn thấy việc thiện các con làm mà ngợi khen Cha các con ở trên trời.

Hay như lời thánh Phaolô: Là Kitô hữu, chúng ta được Chúa mời gọi để toả sáng như những vì sao giữa lòng một thế giới đầy tăm tối.

 

16.Cần cái nhìn mới để đón nhận sự thật

(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm)

Đức Giêsu trở về Nadarét, nơi Ngài được nuôi dưỡng và trưởng thành, để rao giảng.

Cái nhìn cũ không thể nhận ra và đón nhận Đức Giêsu

“Hôm nay đoạn sách thánh các người vừa nghe được ứng nghiệm.” Dân làng Nadarét hỏi nhau: “đây không phải là con ông Giuse sao?” Nếu người này là con ông thợ Giuse, thì có gì lạ? Liệu ông ta có thể là người đặc biệt sao, vì từ trước đến nay ông ta quá bình thường? Dân làng Nadarét không thể tin được, một người bình thường trong làng ai cũng biết, lại có thể là một người đặc biệt, Đấng Kinh Thánh đề cập tới.

Cái nhìn của người làng Nadarét cũng rất phổ thông đối với con người thời đại này. Phán đoán đánh giá con người qua dáng vẻ bên ngoài, qua qúa khứ. Nếu không dựa vào qúa khứ của một người mà xét đoán, thì dựa vào đâu? Nhưng khi làm như vậy, là đã có thành kiến về người đó. Trong một làng quê, người ta biết nhau từ nhỏ, biết cả tông ti họ hàng, nếu ai phạm một lầm lỗi nghiêm trọng, người đó và họ hàng rất khó sống tại địa phương đó. Chỉ còn cách bỏ làng mà đi. Trong một xã hội thời xưa, không dễ gì bỏ làng đi được, những người đó khổ như thế nào.

“Đừng kết án để khỏi bị kết án”. Hơn nữa, cần có cái nhìn rộng mở với mọi người, để có thể đón nhận những gì Thiên Chúa đang làm qua một người. Một người qúa khứ tội lỗi, bây giờ Thiên Chúa có thể biến đổi họ, có thể họ không như trước, có thể hiện tại họ là những người tuyệt vời. Theo kinh nghiệm sống, điều này rất khó xảy ra, nhưng khó không có nghĩa là không có. Đối với Thiên Chúa, tất cả đều có thể. Chị Maria Magdala là một điển hình.

Năm mới, xin cho chúng ta có cái nhìn “mới” về con người, đặc biệt những người vẫn sống với chúng ta, để chúng ta lạc quan và trông cậy vào Thiên Chúa hơn.

Khiêm tốn để đón nhận và cho đi

Sự đối kháng không chỉ ở mức độ không thích, không muốn nghe, nhưng đã đến độ người làng Nadarét muốn giết Đức Giêsu. Họ dẫn Đức Giêsu tới sườn đồi, và muốn xô Đức Giêsu xuống vực, nhưng Ngài đã băng qua giữa họ mà đi. Được sống với Đức Giêsu, được là người đồng hương (cùng làng) với Đức Giêsu, đáng lẽ là một ơn phúc, nhưng bây giờ lại là mối họa, là điều ngăn cản nhận biết Đức Giêsu. Tại sao vậy?

Tiên tri không được đón nhận tại quê hương mình. Vì người ta cho rằng họ đã biết rõ về con người đó. Và như vậy, con người đó đâu có gì để mình học, đâu có gì đặc sắc để mình phải lắng lòng. Không cần gì thêm, là một thái độ tự mãn, không thể đón nhận gì khác được, ngay cả Thiên Chúa. Người ta thường ví người tự mãn như một ly đầy nên không thể nhận gì hơn. Nếu không nhận, đâu có gì để cho. Một đại dương hay một dòng sông, luôn sẵn sàng đón nhận khe suối hay những giọt nước dù rất nhỏ, nên có thể cho mãi mãi mà không bao giờ cạn.

Một người tự mãn tự kiêu thường lấy mình làm tiêu chuẩn, và không mở lòng ra đón nhận sự thật. Vì coi mình vượt trên người khác, nên khi thấy người khác “có vẻ” coi thường mình, thì họ sẵn sàng hạ bệ hoặc tiêu diệt người khác. Đó là lý do tại sao người làng Nadarét muốn xô Đức Giêsu xuống vực.

Xin cho con có tâm hồn khiêm tốn, để con có thể đón nhận Đức Giêsu và Tin Mừng cứu độ trong đời sống từng ngày của con.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

1. Hiện tại không ai trong chúng ta thấy Thiên Chúa bằng mắt trần, nhưng bạn có tin rằng Thiên Chúa đến với bạn mỗi ngày không? Xin bạn cho vài thí dụ.

2. Có khi nào bạn “thấy” Thiên Chúa đến với một người bạn quen qua biến cố nào đó, nhưng người đó không nhận ra? Tại sao vậy, và làm sao để có thể nhận ra Thiên Chúa đến với mình?

3. Tết này dịp bạn về quê, đâu là dự định của bạn? Điều bạn dự tính có ích lợi gì cho cha mẹ, anh chị em, bạn bè, người thân, người yêu không?

4. Năm mới, nếu cho bạn một điều ước, bạn sẽ ước điều gì?

 

17.Đức ái – Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Tiên tri Giêrêmia được sinh ra trong một gia đình thuộc dòng tư tế ở miền Bắc Giêrusalem. Thiên Chúa đã gọi, thúc giục và tác động cách mạnh mẽ trong tâm hồn của ông ngay khi còn thơ trẻ. Giêrêmia chấp nhận sứ mệnh ra đi giữa bao thử thách và khó khăn. Sứ mệnh của ngài kéo dài qua nhiều thập niên trong lịch sử của cộng đồng Giêrusalem. Ngài đã tiên báo về sự đe doạ và sụp đổ của thành Giêrusalem. Tiên tri có cá tính riêng và rất mạnh mẽ chịu đựng những khổ cực cùng với đoàn dân. Giêrêmia đã giúp mọi người nhận ra những hậu qủa xấu mà họ phải gánh chịu do sự bất trung và tội lỗi gây nên. Đôi khi ông cũng cảm thấy đuối sức và ngại ngùng, nên đã muốn chối từ sứ vụ đặc biệt này. Nhưng cánh tay của Chúa luôn dẫn dắt ông trong mọi nẻo đường. Ông thố lộ tâm tư qua sự mạc khải: "Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân." (Gr 1,5). Chúng ta biết rằng sứ mệnh tiên tri là một ơn gọi đặc biệt vì là trung gian giữa Thiên Chúa và dân Người. Thiên Chúa hứa ban sức mạnh và đồng hành cùng ông trong cuộc hành trình đầy gian nan này. Đối diện với sự ruồng bắt và cái chết, ai mà không lo sợ cho tính mạng của mình. Giêrêmia cũng không ngoại lệ, ông cũng là con người mang nhiều sự yếu đuối và lỗi lầm như mọi người. Sứ điệp của ông là kêu gọi mọi người hãy ăn năn sám hối để trở về cùng Thiên Chúa. Ông đã đặt niềm tin vào Chúa là kiên thuẫn và dũng lực. Thiên Chúa hứa: "Chúng sẽ giao chiến với ngươi, nhưng sẽ không làm gì được, vì sấm ngôn của Thiên Chúa, có Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi." (Gr 1,19) Giêrêmia đã trung thành với sứ vụ được trao ban và đã chứng kiến bao cảnh thăng trầm của Dân Dothái từ năm 627 tới khoảng năm 587 BC.

Sứ mệnh khó khăn của các tiên tri là phải đối đầu với đời sống con người thế tục. Các nhà cầm quyền đã dùng mọi ảnh hưởng để loại trừ thần quyền ra khỏi cuộc sống. Họ dùng sức mạnh và bạo lực của thế quyền để đàn áp, tẩy chay và loại trừ các nhân chứng của sự thật và công chính. Lòng người thế trần bị nhuốm màu tội lỗi vì sống thả theo bản năng thú tính và tìm thoả mãn mọi đòi hỏi của tham sân si. Nhiều người không còn muốn nghe những lời khuyên răn luân lý đạo đức. Đôi khi họ cho rằng những người sống đạo hạnh, công chính và chân thật là những người dại khờ. Phải tranh đấu để sống. Sống là phải hưởng thụ. Chúng ta biết đời sống là cuộc chạy đua. Không phải mọi người đều nhận ra được con đường chính thật. Người ngu mà biết mình ngu là người có trí. Người ngu mà tưởng mình có trí thì càng ngu hơn. Không biết chính mình là người vô minh và ngu đần. Đôi khi họ lại tưởng nghĩ mình là người khôn ngoan và sành đời. Luôn tìm cách tiêu diệt những người công chính và coi họ như là cản mũi kỳ đà.

Chúa Giêsu biết rất rõ về số phận của các nhân chứng cho sự thật. Từ xưa, số phận các tiên tri hoặc ngôn sứ đã thường bị bách hại, xua đuổi và tẩy chay. Chính Chúa Giêsu cũng đã cảm nghiệm điều này ngay tại quê quán mình: "Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình." (Lc 4,24). Làm nhân chứng cho sự thật giữa một xã hội bị tục hoá như hiện nay là một sự dấn thân hy sinh và từ bỏ. Các trào lưu xuôi dòng đang cuồn cuộn kéo lôi con người như thác lũ đi vào cuộc sống hưởng thụ thế tục. Nhiều nhà cầm quyền có xu hướng chạy theo thị yếu và mị dân chấp thuận những khuynh hướng của nền văn minh sự chết. Các thế hệ trẻ hiện nay dễ bị đầu độc bởi nền văn hóa thụ hưởng rất tinh tế và nhẹ nhàng qua cách suy tưởng và phán đoán thuận theo đa số. Là Kitô hữu, chúng ta không thể chạy theo những trào lưu hào phóng bên ngoài, nhưng phải biết tìm kiếm nguồn chân thiện mỹ. Hãy yêu chuộng những vẻ đẹp của đời sống lương tâm tự nhiên đã được in ghi trong tâm hồn. Chúa Giêsu về lại làng quê mình để gặp gỡ và truyền rao sứ mạng cứu độ. Người đồng hương ngạc nhiên về lời giảng dạy của Chúa nhưng họ không mở lòng đón nhận chân lý. Họ đòi hỏi và thách thức quyền năng của Chúa: "Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành, thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực." (Lc 4,29) Chúa Giêsu đâu làm gì nên tội để bị đối xử tệ như thế. Có lẽ tâm hồn của họ bị khép kín và trái tim bị đóng băng lạnh lùng. Họ không chấp nhận lời giảng và cũng không đón nhận chính Chúa. Họ đã vào hùa với nhau chống báng và xua trừ Chúa để khỏi phải nghe những lời chân thật. Chúa Giêsu cùng đồng số phận với các tiên tri bị người đời ngược đãi và thế gian chống đối ghét bỏ.

Số phận các ngôn sứ hôm nay cũng không khá hơn các vị tiền bối. Những nhà truyền giáo và các nhân chứng sự thật đều phải đối diện với hiện trạng thờ ơ và lạnh nhạt trong đời sống luân lý, đạo đức. Dù trong hoàn cảnh nào, xem ra sự kiện có thực mới vực được đạo hay đi đạo lấy gạo mà ăn vẫn có thể kéo lôi nhiều người. Khi cuộc sống ổn định về kinh tế và tài chính, đời sống đạo cũng nhờ đó mà thăng hoa. Chúng ta chấp nhận rằng thực tế cuộc sống luôn đòi hỏi phải đáp ứng những nhu cầu cụ thể trước. Chính Giáo Hội cũng đang nỗ lực giúp đỡ những vùng truyền giáo xa xôi. Họ thiếu thốn cả tinh thần lẫn vật chất. Nhân chứng sự thật không thể tách rời khỏi những nhu cầu căn bản cuộc sống của người dân.

Một điều rất quan trọng mà thánh Phaolô nhắn nhủ chúng ta: "Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi." (1 Cr 13,3) Đức mến là cốt lõi của việc ra đi làm nhân chứng. Là nhân chứng cho Chúa Kitô, chúng ta không thể thiếu tình yêu chia sẻ. Nếu tất cả mọi việc phục vụ tha nhân với trái tim yêu thương, sẽ mang lại niềm vui và ý nghĩa đích thực. Yêu rồi làm. Tình yêu sẽ thăng hoa tất cả. Phaolô khuyên dạy: "Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật." (1 Cr 13,4-6)

Đức ái là nhân đức tuyệt hảo. Chỉ có tình yêu mới có thể tha thứ, bao dung và liên kết nên một. Tình yêu như lửa hun đốt và hâm nóng những tâm hồn nguội lạnh. Một thái độ cảm thông yêu mến có thể xoá nhoà mọi lỗi lầm. Một cử chỉ yêu thương có thể khơi dậy niềm hy vọng. Một dấu ấn tình yêu có thể đổi đời. Một lời nói dễ thương có thể vỗ về tâm hồn nguội lạnh. Ôi tình yêu thật diệu vời! Ai trong chúng ta cũng có trái tim để yêu, chỉ cần chúng ta biết mở cửa trái tim để trao ban và đón nhận. Tình yêu như dòng sông nước chảy, càng chảy càng thấm nhuần. Yêu là cho đi và cũng là đón nhận. Một tình yêu tuôn trào sẽ tạo nguồn sống tươi vui và hạnh phúc. Chúng ta đang ngụp lặn trong biển tình: tình Chúa, tình gia đình và tình nhân lọai. Tình yêu chính là lẽ sống. Lạy Chúa, Chúa là Tình Yêu. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ dám hiến thân mình vì bạn hữu. Chúa đã hiến mình vì yêu thương chúng con. Xin cho chúng con biết yêu mến Chúa và yêu thương tha nhân. Chỉ có đức mến mới tồn tại muôn đời: "Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến." (1 Cr 13,13).

 

18.Sự thật mất lòng – Lm. Anphong Trần Đức Phương

Trong tiếng Việt Nam có câu nói “Sự Thật mất lòng!” và Chúa Giêsu nói “Sự Thật giải thoát anh em!” (Ga 8: 32). Chúng ta thường không thích nghe những lời “nói thẳng và nói thật” vì va chạm tự ái của chúng ta; nhưng nếu biết khiêm tốn lắng nghe và sửa đổi, thì “Sự Thật lại giải thoát chúng ta” khỏi những khuyết điểm mà mình không nhìn ra, và như thế “Sự Thật” xây dựng chúng ta. Trái lại, những lời nịnh bợ tâng bốc thường làm chúng ta ra mù quáng và không nhìn được rõ những khuyết điểm để sửa đổi.

Bài Phúc Âm hôm nay cho chúng ta thấy nhân dịp về thăm quê hương Nagiaret, vào ngày Sabbat, Chúa Giêsu cũng vào sinh hoạt tại Hội Đường và nhân dịp được mời đọc Sách Thánh, Chúa Giêsu đã chia sẻ với cộng đoàn về lời trong Thánh Kinh: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, xức dầu cho tôi và sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó…” Thánh Luca ghi lại: “mọi người đều thán phục những lời Ngài nói…” Nhưng vẫn có những người đặt vấn đề “Ông này không phải là con bác thợ mộc đó sao?” Biết phản ứng của họ như vậy, Chúa Giêsu đã nói rõ sự thực về tâm tính ngang bướng của họ và của cha ông họ thời xưa, và đưa ra những bằng chứng rất rõ ràng. Thế là “mọi người trong hội đường (bị chạm tự ái) đã nổi giận, lôi Chúa Giêsu lên đỉnh đồi và định xô Ngài xuống vực thẳm.”

Đúng là sự thật mất lòng và đưa đến thù hận. Nhưng trong cuộc đời rao giảng, Chúa Giêsu đã không sợ nói sự thật và thường được dân chúng hân hoan đón nhận. Tuy nhiên, vẫn có những người đầy tự ái, như các kinh sư, biệt phái, họ không muốn nghe sự thật; họ căm phẫn, và nhiều lần họ đã âm mưu giết Chúa. Cuối cùng họ đã lên án và giết Người trên Thánh Giá. Nhưng đó lại là chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Thực ra, Chúa Giêsu không phải vì ghét họ mà nói sự thật. Nhưng Ngài muốn “nói thẳng, nói thật” để cảnh tỉnh họ và giúp họ sửa đổi, và có thể nhận ra chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện nơi Chúa Giêsu. Bằng chứng là trong cuộc đời rao giảng, Chúa Giêsu đã đến với người bệnh hoạn, nghèo khó, bị bỏ rơi để giúp đỡ và rao giảng cho họ và khi có dịp, Chúa Giêsu cũng vẫn đến thăm nhà và dùng bữa với những người biệt phái, những kinh sư, đến với những người tội lỗi, những người thu thuế (Matthêu 9: 10-13). Tất cả là vì tình thương của Chúa đối với mọi người, và mong muốn mọi người sửa đổi cuộc sống để được hưởng ơn cứu độ.

Nhìn vào đời sống của các Tiên Tri thời Cựu Ước, chúng ta thấy các tiên tri được Chúa sai đến để nói sự thật với Dân Chúa cũng chỉ với mục đích kêu gọi họ bỏ cuộc sống tội lỗi, vô luân để sống theo lề luật Chúa, sống xứng đáng con cái Chúa. Dân chúng thường đón nhận lời các tiên tri; nhưng cũng vẫn có những kẻ chống đối, và có những tiên tri bị bách hại, bị xua đuổi và có khi bị giết chết nữa (Matthêu 23: 34-36). Vị tiên tri cuối cùng là Thánh Gioan Baotixita cũng bị tù đày và giết hại.

Hôm nay, trong bài Đọc I, chúng ta thấy Thiên Chúa đã chọn Giêrêmia (sinh khoảng 650 trước Chúa Giáng Sinh) làm Tiên Tri cho Chúa. Chúa bảo ông: “Hãy nói cho dân chúng những điều Ta truyền ngươi nói với họ. Đừng run sợ trước mặt họ!... Họ sẽ chiến đấu chống ngươi, nhưng họ sẽ không thắng được ngươi, vì ta ở với ngươi để giải thoát ngươi.” Đúng như lời Chúa nói, trong cuộc đời rao giảng những mệnh lệnh của Chúa, tiên tri Giêrêmia đã phải nói những sự thật để giúp họ sửa đổi ‘lòng chai đá của họ’, vì thế mà tiên tri đã gặp rất nhiều chống đối, thù ghét. Sau cùng tiên tri bị giết chết (vào khoảng 580 trước Chúa Giáng Sinh) trong thời bị lưu đày ở Ai-Cập. Chính sau cái chết thảm khốc của ông mà dân chúng càng hiểu ông hơn và đem lòng sùng mộ, và nhận ra những điều chân thật tiên tri đã giảng dạy ho.

Mỗi tín hữu chúng ta, sau khi được Chúa Thánh Thần thánh hiến qua Bí Tích Rửa Tội và Thêm Sức, chúng ta cũng đều có bổn phận phải làm “tiên tri”, làm “chứng nhân” cho Chúa để loan báo Tin Mừng cứu độ của Chúa cho mọi người. Trong khi loan truyền Lời Chúa, thường khi chúng ta cũng gặp được những con người vui vẻ đón nhận, nhưng cũng có những trường hợp bị phản ứng bất lợi. Chúng ta luôn phải kiên nhẫn chịu đựng, và cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần thánh hóa chính chúng ta, và thánh hóa những người chúng ta rao giảng; cầu nguyện đặc biệt cho những người chống đối chúng ta (Matthêu 5: 43-48). Tất cả chỉ vì lòng “mến Chúa và yêu người” mà chúng ta làm nhiệm vụ “tiên tri” và chứng nhân cho Chúa.. “Lòng mến Chúa yêu người” tức là đức Bác Ái, như Thánh Phaolô nói với chúng ta trong Bài Đọc II hôm nay: “Đức Bác Ái thì nhẫn nhục… tha thứ tất cả, chịu đựng tất cả…”

Mong rằng từ nay chúng ta biết ý thức hơn về bổn phận rao giảng Lời Chúa, làm chứng cho Chúa (nhất là bằng chính đời sống gương mẫu của chúng ta) trong cuộc sống hàng ngày nơi gia đình, sở làm, trường học, với mọi người chúng ta có dịp tiếp xúc. Trong cuộc hành trình Đức Tin, chúng ta không đi một mình, nhưng cùng đồng hành với anh chị em chúng ta, chúng ta cần nâng đỡ nhau, cầu nguyện cho nhau, luôn giữ vững Đức Tin, duy trì Đức Bác Ái, và cùng nhau giúp đỡ những người chưa nhận biết Chúa được nhận ra Chúa là Cha, và Chúa Giêsu Kitô đã xuống thế làm người rao giảng Tin Mừng cứu độ, đã chịu nạn chịu chết để cứu chuộc chúng ta; Người đã sống lại và về trời để mở đường cứu rỗi chúng ta. Ai tin và sống theo giới răn của Người, thì được ơn cứu chuộc.

Cuộc sống mỗi người ở trần gian này rồi sẽ qua đi, chúng ta hãy biết dùng mọi thời gian còn lại, mọi phương thế có thể được để giúp đỡ mọi người, không phải chỉ bằng vật chất, nhưng cả về đời sống tinh thần, đời sống thiêng liêng, để mọi người có thể hưởng nhờ ơn cứu độ của Chúa.

“Thần Khí Chúa đã sai tôi đi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng. Thần Khí Chúa đã thánh hiến tôi, sai tôi đi, Ngài sai tôi đi, Sai tôi đến với người nghèo khó, sai tôi đến với người lao tù, Mang Tin Mừng giải thóat, Thiên Chúa đã cứu tôi…”

(Thiên Lan: Thánh Ca: “Thần Khí Chúa”)

 

19.Để tiếp đón Chúa – Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Đức Giêsu trở về thăm quê nhà. Ngày Sabat, ngày lễ nghĩ hàng tuần, dân làng đến hội đường nghe đọc Sách Thánh và hát thánh ca từ 9 giờ đến 12 giờ trưa.

Đức Giêsu và các môn đệ cùng tiến vào hội đường cầu nguyện. Đọc sách luật và thánh vịnh xong, Đức Giêsu đăng đàn giảng thuyết như một giáo dân tham dự vào chức tư tế. Vẻ uy nghi trang trọng của Ngài khác thường. Gương mặt Ngài luôn tỏa ra nét dịu hiền, mến yêu, đầy thiện cảm. Giọng nói tự nhiên của Ngài càng hấp dẫn dân chúng hơn. Ý tứ Ngài trình bày đơn sơ trong sáng hợp với tâm trí mọi người. Họ cảm thấy thấm thía sự kỳ diệu của nước Thiên Chúa. Họ cảm nhận lòng nhân ái Chúa Cha trên trời. Họ cảm phục về tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Đức Giêsu đòi hỏi mọi người phải sống thương yêu nhau như anh em ruột thịt. Họ ngạc nhiên thì thầm với nhau: "Bởi đâu ông ta được như thế? Sao ông ta được khôn ngoan như vậy? Ông ta làm được nhiều phép lạ, như thế nghĩa là gì?".

Họ chẳng biết sự khôn ngoan và quyền phép của Đức Giêsu bởi đâu? Họ tìm về nguồn gốc chỉ thấy: "Mẹ ông là bà Maria, anh em họ hàng là Giacôbê, Giosê, Giuđa và Simon". Tất cả bà con lối xóm đều coi ông như bạn bè từ gần 30 năm nay ở Nagiarét này, một thôn ấp nhỏ bé chỉ có độ 150 gia đình nghèo nàn, tối tăm, mấy ai quan tâm đâu. Ông ấy lại là bác thợ mộc, con nhà lao động, làm thuê làm mướn, lang thang từ nhà này sang nhà khác, đóng bàn sửa ghế, ráp giường ghép tủ, đục đẽo cày bừa, thành phần địa vị thấp kém trong xã hội. Có bao giờ thấy ông ấy nói năng, làm được gì hay lạ đâu? Ông ta bỏ quê nhà đi lang thang mấy tháng, nay trở về, sao thay đổi nhanh như thế! Một quá khứ và hiện tại như thế đã khiến họ vấp phạm. Họ không tin Ngài là một Ngôn Sứ, lại càng không thể tin Ngài là Mêsia, và chắc chắn họ chẳng bao giờ dám nghĩ rằng mình là người đồng hương với Ngôi Hai Con Thiên Chúa.

Còn Đức Giêsu, ai đã huấn luyện Ngài? Ai đã ban quyền phép làm những việc kỳ diệu như thế? Thân nhân bảo Ngài "mất trí". Kinh sư chụp mũ Ngài "nhờ tướng quỷ mà trừ quỷ". Dân chúng chỉ biết ngạc nhiên: chưa từng thấy ai ăn nói, hành động có uy quyền lạ lùng như vậy. Môn đệ đi theo sát Ngài cũng chỉ biết hỏi: "Ngài là ai mà bão biển phải tuân lệnh". Chẳng thấy ai huấn luyện Ngài, chẳng thấy Ngài học tập kinh sư nào. Chỉ thấy Ngài vào nơi thanh vắng, ngước mắt lên trời cầu nguyện. Trong âm thầm Ngài cầu nguyện cùng Chúa Cha trên trời. Đó chính là bí quyết làm cho Ngài khôn ngoan và đầy quyền phép để trừ hàng ngàn quỷ dữ, chữa hàng trăm bệnh nhân mà loài người phải bó tay, cho kẻ chết sống lại, bắt cuồng phong lặng yên...

Dân làng biết Ngài khôn ngoan. Kinh sư thấy Ngài trừ quỷ. Môn đệ được Ngài cứu khỏi chết giữa biển cuồng phong. Nhưng họ chẳng biết Ngài là Con Một Thiên Chúa, chẳng biết Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa; vì thương yêu loài người, đã xuống thế làm người sống với họ như anh em, như bạn bè, để cứu họ khỏi chết đời đời.

Dân làng Nagiarét quá biết về gốc gác, gia cảnh, biết rõ ràng lý lịch của Đức Giêsu. Với đầu óc thủ cựu, lại nặng thành kiến nên họ không thể nhận ra thiên tính nơi con người của Ngài. Đức Giêsu trở thành nạn nhân của "chủ nghĩa lý lịch". Mc. Kenzie nói: Người có tình yêu nhìn bằng viễn vọng kính, còn người định kiến hẹp hòi nhìn bằng kính hiển vi.

Còn Đức Giêsu thì luôn âm thầm, kiên nhẫn, nhỏ nhẹ nói với họ bằng câu ngạn ngữ: "Không ai là tiên tri cho xứ sở mình". Một câu chuyện quen thuộc nhưng đáng buồn "Ngôn sứ không được quê hương mình chấp nhận". Đức Giêsu thật ngạc nhiên vì thấy họ không tin. Ngài rất muốn giúp đỡ họ nhưng cũng đành phải bó tay. Họ chỉ biết nhìn Ngài theo lối nhìn bên ngoài đầy thành kiến, chẳng thấy được những điều sâu lắng bên trong, những cái tinh thần cao thượng, những mầu nhiệm thiêng liêng chân thật.

Chính những điều sâu xa bí ẩn mới làm ích rất lớn cho con người. Chính những chất màu mỡ nằm ẩn trong đất mới làm cho cây trái, hoa mầu trổ sinh tươi tốt, đâm chồi nẩy lộc, nuôi sống muôn người, muôn vật. Chính những kho tàng nằm sâu trong lòng đất, như mỏ dầu, mỏ vàng, mỏ bạc, đồng, sắt, kim cương, đá quý mới là nguồn tài nguyên phong phú giúp phát triển nền văn minh nhân loại. Chính những tài năng thượng đẳng, thiêng liêng trong con người như: tinh thần tự do, trí khôn sáng suốt, ý chí mạnh mẽ, tình cảm nhân từ mới có sức thăng tiến con người hơn chân tay, mắt mũi. Thế nhưng loài người vẫn thích thờ bò vàng óng ánh hơn thờ Thiên Chúa siêu việt.

Chuyện ngày xưa cũng như chuyện ngày nay. Rất nhiều khi chúng ta phán đoán giá trị lời nói của một người dựa trên bằng cấp, sự giàu có, uy tín của họ nhiều hơn là dựa vào sự hợp lý, tính chính xác của câu nói ấy. Hễ ai có chức có quyền, có địa vị, có của cải, có học vấn mà nói thì chúng ta tiên thiên cho rằng họ nói đúng. Còn ai nghèo nàn, rách rưới, thấp cổ bé miệng, ít học mà nói thì ta tiên thiên cho rằng họ nói sai hoặc chẳng có giá trị gì. Chính vì tâm lý sai lạc này mà các ngôn sứ giả thường được người đời ưu đãi, còn ngôn sứ thật thì thường bị bạc đãi (x. Lc 6,23.26). Lối hành xử như vậy là coi trọng của cải, tiền bạc, chức quyền, địa vị chứ không phải là người coi trọng chân lý, công lý và tình thương. Thực ra, một điều sai trái, dù kẻ nói ra có quyền thế, học vấn hay giàu sang tới đâu thì cũng vẫn là sai trái. Còn một điều đúng, thì dù người nói ra một đứa trẻ, một người nghèo thì cũng vẫn là đúng. Lời nói sai đâu thể biến thành đúng, hay lời nói đúng đâu thể biến thành sai vì thế giá hay trình độ học vấn của người nói ra câu nói đó.

Đức Giêsu buồn phiền nhưng không cay cú, thất vọng chứ không tức giận. Ngài quyết định đem ánh sáng và quà tặng thần linh đi đến nơi khác.Những người ở làng quê Nagiarét đã để lỡ cơ hội đón tiếp Đấng Cứu Thế. Con Thiên Chúa làm một thường dân đến sống giữa họ mà họ không biết. Họ chỉ biết đó là con ông thợ mộc Giuse. Họ chỉ biết gia đình Ngài rất nghèo, chẳng có danh giá gì trong làng. Họ coi thường Ngài. Họ không tin Ngài. Họ hất hủi Ngài. Họ đã để lỡ cơ hội nghìn năm một thuở. Đức Giêsu không làm một phép lạ nào ở đó. Ngài bỏ Nagiarét đi đến các làng chung quanh. Và Ngài sẽ chẳng bao giờ trở lại Nagiarét nữa. Một cơ hội vàng đã không được đón nhận nên dân làng Nagiarét đánh mất hồng ân vô giá.

Hằng ngày chúng ta cũng đã bỏ lỡ biết bao nhiêu cơ hội như thế. Ta đã bỏ lỡ không tiếp đón Chúa đến thăm khi ta bịt mắt không nhìn thấy những cảnh khổ chung quanh; khi ta bưng tai không nghe những tiếng kêu than khóc lóc; khi ta làm ngơ trước những cảnh ngộ nghiệt ngã, khi ta ngoảnh mặt quay lưng trước những nạn nhân của thiên tai hoạn nạn. Nhất là ta bỏ lỡ không nghe thấy tiếng Chúa cảnh báo để ăn năn sám hối. Chúa đã nhắc nhở ta nhiều lần nhiều cách: qua các vị bề trên; qua các tai nạn; qua lời khuyên của những người thân; qua lời phê phán của những người thù ghét ta... Hôm nay, Chúa còn tiếp tục nhắc nhở. Nếu ta không nghe, biết đâu hôm nay sẽ là lần cuối cùng. Chúa sẽ không bao giờ nhắc nhở nữa. Chúa sẽ bỏ ta mà đi như đã bỏ làng Nagiarét và không bao giờ trở lại. Như thế thì thật nguy hiểm cho linh hồn ta. Để nhận biết Chúa, ta phải rèn luyện cho mình một đức tin mạnh mẽ. Ánh mắt đức tin giống như ngọn đèn soi chiếu vào đêm đen giúp ta nhận ra Chúa trong anh em, trong những biến cố Chúa gửi đến. (Đức TGM Ngô Quang Kiệt).

Để đón tiếp Chúa, ta phải rèn luyện cho mình một trái tim luôn luôn rộng mở yêu thương. Một trái tim yêu thương sẽ rất bén nhạy để nghe được tiếng nói của Chúa, dù tiếng nói ấy chỉ thì thầm trong sâu thẳm lòng mình; hiểu được những dấu chỉ của Chúa, dù những dấu chỉ ấy chỉ mơ hồ thoáng qua; nhận được khuôn mặt của Chúa, dù khuôn mặt ấy đã bị biến dạng qua những đau thương của cuộc đời.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con tỉnh thức để nhận ra và đón nhận Chúa mỗi lần Chúa đến với con. Amen.

 

20.Nói lời tình yêu bằng trái tim lửa cháy - Jos Hiền

1. Lời Chúa thường hay gây “dị ứng”:

Lời Chúa là “Lời sáng tạo”, “Lời quyền năng”, “Lời yêu thương”, “Lời an ủi”… nhưng cũng là “Lời thường gây dị ứng”. Thông thường, ai cũng thích gặp được những “lời yêu thương”, “lời an ủi”. Nhất là cứ mỗi độ Tết đến, ai ai cũng mong “bốc” được một câu Lời Chúa đầy khích lệ, an ủi như “Hỡi những ai lao đao vất vả, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho…”, hoặc “Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm sẽ gặp…”, hoặc “Phúc cho biết xót thương vì họ sẽ được thương xót”, v.v... hoặc ít ra, một Lời khuyến thiện chung chung như “Thầy là đường, sự thật, sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. Nhưng nhiều người sợ nhất là “bốc phải” những câu như “Khốn cho các ngươi bọn biệt phái giả hình…”, hoặc “hỡi nòi rắn độc, trốn đâu cho khỏi cơn thịnh nộ sắp đến…”; thậm chí có người sợ những câu có liên hệ tới tài chánh như “Ngươi hãy về bán hết của cải phân phát cho kẻ nghèo rồi hãy đến theo ta”, hoặc dị ứng cả với những câu có liên quan tới việc làm hòa, nhường nhịn, tha thứ: “Ta không bảo phải tha bảy lần mà là bảy mươi lần bảy lần”, “hãy về làm hòa đã rồi đến dâng lễ…”

Tại sao lại sợ những câu Lời Chúa như thế. Đơn giản, vì tin và hiểu rằng: Chúa đã nói thì không thể sai được, và Chúa Phán mà cố tình không thực hiện là mắc lỗi với Chúa, là không toàn tâm toàn ý với Lời Chúa.

Trích đoạn Tin Mừng thánh Luca liên tiếp hai Chúa Nhật, vừa rồi và hôm nay, đã cho thấy rõ hai thái độ của dân Na-da-rét trước Lời Chúa. Vừa nghe Chúa công bố lời của Ngon sứ I-sa-ia “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo khó…” họ liền phấn khởi “tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người”. Nhưng sau đó, khi nghe chính những Lời của Đấng là “Ngôn sứ trên mọi sứ ngôn” phán “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình … vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phung hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Sy-ri thôi”, thì “mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ”, đến độ muốn thủ tiêu Người bằng cách xô xuống núi.]

Quả thật, Lời Chúa thường hay gây dị ứng là thế. Cho nên bài học đầu tiên của “chương trình lời Chúa” hôm nay đó chính là: xin cho con thành tâm đón nhận Lời Chúa, cho dù Lời đó có gây dị ứng, có làm “trầy vi tróc vảy”, có kết án con, có bôi nhọ con, có làm cho con bầm dập, có khiến con hổ ngươi… đúng như lời trong thư Do Thái đã dạy:

"Lời Thiên Chúa là Lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4,12).

Để có được một thái độ như thế trước Lời Chúa không phải là chuyện của một sớm một chiều, mà là một cuộc “trường chinh” của nguyện cầu và cố gắng, và trên hết, là thái độ khiêm hạ. Khiêm hạ tự nhận sự yếu đuối, tội lỗi, bất toàn trước Lời Chúa, như người trộm lành thuở xưa: “Chúng ta chịu như thế nầy là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông nầy đâu có làm điều gì trái” (Lc 23,41). Chỉ với thái độ đó, Lời Chúa sẽ đưa chúng ta đến ngưỡng cửa của sự giải thoát đích thực, của hạnh phúc vĩnh hằng: “Tôi bảo thật anh, hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên thiên đường” (Lc 23,43).

2. Không tránh né sứ vụ “mang lời Chúa”.

Chính vì “Lời Chúa hay gây dị ứng cho người nghe” như thế, nên, không ít người đã thoái thác nghĩa vụ mang lời Chúa, tránh né “sứ vụ ngôn sứ”. Chuyện nầy đã từng xảy ra với các vị đại ngôn sứ như Mô-sê: “Con là ai mà dám đến với vua Pha-ra-ô…” (Xh 3,11), như Ê-li-a xin cho được chết “Lạy Chúa, đủ rồi! Bấy giờ xin Chúa lấy mạng con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông con” (1 V 19,4), như Giê-rê-mi-a: “Ôi lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói” (Gr 1,6), và đặc biệt như trường hợp Giô-na: Chúa bảo “mang Lời Chúa tuyên rao” ở Ni-ni-vê, ông ta đã trốn đi lối khác: “Ông Giô-na đứng dậy nhưng là là để trốn đi Tác-sít, tránh nhan Đức Chúa” (Gn 1,3).

Đức Kitô trong Tin Mừng vừa được công bố, không dừng lại ở “khoản” dân chúng thán phục, hoan hô để tận hưởng cái “thành công ban đầu tại quê hương” trong sứ vụ ngôn sứ vừa mới khởi sự; mà Ngài đã “tới luôn bác tài”, sẵn sàng vạch trần thói xấu của dân chúng đồng hương Na-da-rét, cái thói “coi mặt mà bắt hình dong”, đánh giá con người chỉ bằng cái mã hình thức và coi thường những thân phận thấp cổ bé miệng. “Ông nầy không phải là con ông Giu-se đó sao?” Và dĩ nhiên, cái cung cách hành xử sứ vụ ngôn sứ như thế, hầu hết đều dẫn tới “thiệt thân”. Nhẹ là bị săn đuổi như Ê-li-a, Giê-rê-mia…nặng là “đi đứt cuộc đời” như Gioan Tẩy Giả, Chúa Giêsu, mục sư Luther King, Đức Giám mục Rômêrô…

Và như thế bài học thứ hai trong “câu chuyện Lời Chúa” hôm nay đó chính là hãy can đảm “mang lấy Lời Chúa và tuyên rao” cách thành tâm, can đảm. Dĩ nhiên, không đợi đến lúc có được quyền cao chức trọng mới thi hành hiệu quả sứ vụ nầy, mà mỗi một cuộc đời đều là một cuộc lên đường thi hành sứ vụ ngôn sứ.

3. Nói Lời Chúa làm sao cho thuyết phục:

Còn nếu hỏi: Phải rao giảng Lời Chúa làm sao, phải thể hiện sứ vụ ngôn sứ thế nào? thì Bài Đọc II hôm nay với chủ đề “Bài ca Đức Mến” trong thư của thánh Phaolô gởi giáo đoàn Cô-rin-tô là một câu trả lời tuyệt vời nhất: “Giả như tôi nói được các thứ tiếng của loài người, và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì…” (1Cr 13,1-2)

Hình như có một điệp khúc trong một bài ca của nhạc sĩ Trần Tiến đó là “hãy hát lời tình yêu bằng trái tim lửa cháy, háy hát lời lửa cháy bằng trái tim tình yêu…” Vâng, làm ngôn sứ, thi hành sứ vụ rao giảng Lời Chúa đó chính là “nói lời tình yêu bằng trái tim lửa cháy”. Nếu lời Chúa không được chuyển tải bằng ngôn ngữ của tình yêu, một tình yêu đã được cảm nghiệm, đã được sống, thì chỉ là một cuộc “tuyên truyền, một cuộc vận động chính trị, một cuộc ba hoa quảng cáo…” của trường phái “mồm loa mép dãi”, chứ không bao giờ là thuộc trường học của Chúa Giêsu, của Tin Mừng. Mà để “nói lời tình yêu” như thế, thì người mẹ người cha nào không nói được với con cái trong mái ấm gia đình của mình, người chồng người vợ nào không nói được với nhau trong cuộc sống lứa đôi? Anh chị em ruột thịt lẽ nào không nói được hai tiếng thương nhau, bạn bè cùng trang lứa, cùng học hành, cùng nghề nghiệp, cùng cảnh ngộ… lẽ nào không trao cho nhau được một ánh mắt thân thiện, một tiếng nói chân tình? Những người chưa một lần được nghe nói đến giới luật tình yêu, chưa một lần nhìn thấy cây Thánh giá với một con người bị chết trần truồng vì yêu… thì có thể ngập ngừng với hai tiếng “yêu thương”, chứ chúng ta, những người Kitô hữu, chúng ta đã được đào tạo, trui rèn trong cái trường dạy yêu thương từ Bê-lem đến Đồi Sọ, từ cái dấu chỉ Thánh giá đơn sơ nhất được vẽ trên mình đến cả 365 ngày cử hành hy lễ tình yêu, thì không thuộc được hai chữ “yêu thương” mới là lạ.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau đừng để hôm nay “Chúa Giêsu băng qua giữa chúng ta mà đi” như một người khách lạ, nhưng xin Người hãy ở lại trong tâm hồn mỗi người chúng ta để dạy bảo chúng ta học thuộc ngôn ngữ tình yêu của chính Ngài, hầu ra đi mang Lời Chúa chia sẻ cho anh em chung quanh bằng chính cuộc sống thấm tràn Đức Mến. Amen.

home Mục lục Lưu trữ