Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 81
Tổng truy cập: 1364736
THÁNH THỂ
Thánh Thể – Lm. John Nguyễn
"Ai ăn thịt và uống máu Ta sẽ được sống đời đời" (Ga 6,59). Với niềm tin của người Kitô hữu thì Mình Máu Chúa trở nên lương thực thiêng liêng và là nguồn sống đời đời, nhưng với những người không phải là Công giáo thì họ không thể hiểu được ý nghĩa lớn lao của Bí tích này. Cụ thể, trong Tin mừng khi Đức Giêsu tuyên bố: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống" (Ga 6,51), thì Người Do Thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: "Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?". Từ thắc mắc này gợi lên cho chúng ta suy tư về mầu nhiệm Mình Máu Chúa mừng kính hôm nay.
Với cách nhìn của con người, việc ăn thịt người thật là ghê tởm, khủng khiếp quá, người Do thái thời Chúa Giê-su, họ coi máu là sự sống của con người, và chỉ có Thiên Chúa mới có quyền trên máu huyết. Cho nên, họ không ăn thịt sống khi có máu. Ngay cả chúng ta cũng khó hiểu, vì chẳng ai ăn thịt và uống máu người bao giờ. Người Do thái có lý để tranh luận với Chúa Giê-su. Và cuộc tranh luận đó càng trở nên sôi nổi và gây gắt, vì họ chỉ hiểu theo cách nhìn của con người, theo nghĩa thông thường, họ chưa thoát khỏi bởi thế giới của xác thịt. Trong khi đó, Chúa Giê-su muốn cho họ nhận ra Người, chính là gắn bó với Người, trở nên một với Người. Đó là đồng hóa bản thân với Người ngay trong thực hữu nhân loại của Người, thực hữu đã được ban tặng cho nhân loại trong cuộc sống và trong cái chết của Người. Như lời Đức Giêsu xác quyết: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống”.
Sau trận động đất ngày 17.1.1995 tại Kobe, Nhật bản, người ta phát hiện ra người mẹ và cô con gái bốn tuổi nằm ở dưới đóng gạch vụn. Cả hai mẹ con đã bất tỉnh. Sau đó, những người cứu hộ đưa cả hai mẹ con vào phòng cấp cứu, rất may là họ đã được cứu sống. Khi tỉnh lại, bác sĩ hỏi tại sao bà lại có vết thương và máu ở tay ra? Bà mới kể lại rằng: "Khi thấy con của tôi không còn gì để uống, tôi cũng không còn sữa cho con bú, và tôi cũng không biết tìm đâu ra thức ăn và nước để cho đứa con có thể sống, nên tôi đã lấy thanh sắt, rồi rạch mạch máu ở tay để lấy máu chảy ra cho đứa con uống." Bác sĩ hỏi thêm rằng, bà có biết làm như vậy là nguy hại đến tính mạng của mình không?. Bà ta trả lời: "Lúc đó, tôi không nghĩ đến tính mạng mình nữa, tôi chỉ mong sao cho con tôi được sống". Hình ảnh người mẹ hy sinh mạng sống cho đứa con của mình xuất phát từ tình yêu sâu thẳm của tình mẫu tử. Đứa con sống được là nhờ máu của người mẹ.
Câu truyện có nhiều ý nghĩa về tình yêu dâng hiến, và nó cũng có thể minh họa cho chúng ta những điều khó hiểu về mầu nhiệm Mình Máu Chúa mà chúng ta lãnh nhận mỗi ngày. Hơn nữa, chúng ta có thể hiểu được lời Chúa Giê-su nói rõ ràng nhất, chính là qua thập giá của Ngài. Cái chết của Chúa Giê-su là bằng chứng sống động và là nguồn ơn cứu độ cho con người. Trong bữa tiệc ly, Chúa Giê-su cầm bánh dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra trao cho các môn đệ và nói:" Anh em hãy cầm lấy mà ăn, này là mình Thầy"; và Người cầm lấy chén rượu và đọc:" Đây là máu Thầy, máu giao ước mới sẽ đổ ra cho các con".
Cho nên, mỗi lần chúng ta tham dự thánh lễ là chúng ta tham dự vào hy tế của Chúa Giê-su được tái diễn lại trên bàn thờ, mà chính Chúa Giê-su đã thiết lập Bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly trước khi đi vào cuộc khổ nạn.
Cho nên, Bí tích Thánh Thể là trung tâm của đời sống Kitô hữu, và tấm bánh đó được bẻ ra để phân phát cho mọi. Điều đó được diễn tả trong Tin mừng hôm nay. Khi đám đông theo Chúa vào trong hoang địa không có gì để ăn, thì Ngài thấy họ đói thì chạnh lòng thương, và bảo các tông đồ: "Các con hãy cho họ ăn đi". Các ông trả lời: "Chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, trừ phi chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám đông này". Số đàn ông độ năm ngàn. Người nói với các môn đệ rằng: "Hãy cho họ ngồi xuống từng nhóm độ năm mươi người". Các ông đã làm như thế, và bảo tất cả ngồi xuống. Chúa Giêsu cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, nhìn lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và phân phát cho các môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Tất cả đều ăn no nê, và người ta thu lượm được mười hai thúng miếng vụn còn dư lại. Phép lạ hóa bánh ra nhiều không chỉ cho chúng ta thấy được quyền năng của Thiên Chúa mà còn là thể hiện tính hiệp nhất, liên đới giữa Thiên Chúa với con người mà Ngài ban cho chúng ta sự sống đời đời. Chúa Giê-su nói:" Cũng như Cha, là Đấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Đây là bánh bởi trời xuống. Không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết, ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời." ( Ga, 6,57-58)
Lạy Chúa, xin cho con biết siêng năng rước mình Thánh Chúa mỗi ngày để làm của ăn lương thực nuôi dưỡng đời sống tâm linh của chúng con, và xin cho con trở nên tấm bánh cho những người anh chị em đang sống bên cạnh con. Chỉ có Ngài là sự sống đích thực cho con. Amen.
43.Bánh Hằng Sống - Lm. Minh Vận, CRM
Năm 1230, tại thành Toulouse xảy ra một cuộc tranh luận kịch liệt giữa Thánh Antôn Padua và ông Boniville thuộc bè rối Albigensê. Đề tài cuộc tranh luận là sự hiện diện đích thực của Chúa Kitô trong Nhiệm Tích Thánh Thể. Thánh Antôn xác quyết theo Đức Tin Công Giáo: Chúa Kitô thực sự hiện diện cách thực tại nơi hình bánh rượu sau khi Linh Mục đọc lời truyền phép; còn ông Boniville nhất định chối từ chân lý này. Cả hai đều đưa ra nhiều chứng lý để bênh vực cho lập trường của mình. Cuộc tranh luận diễn ra trước đám đông dân chúng của hai phe. Sau cùng, một người đề nghị dùng con lừa của ông Boniville để làm một cuộc trắc nghiệm. Cả hai đều chấp nhận. Cuộc trắc nghiệm diễn tiến như sau: Con lừa phải nhốt trong chuồng, nhịn đói ba ngày không hề cho ăn uống gì. Rồi trước một đám đông dân chúng, gồm cả những người tin cũng như những người không tin đang chờ đợi sự việc sẽ xảy ra. Con lừa được dẫn tới trước mặt Thánh Antôn Padua, trong khi ngài nâng cao hào quang mang Thánh Thể Chúa Kitô trước mặt con vật; đồng lúc đó, ông Boniville cũng đem thúng lúa mạch và cỏ khô để dưới chân nó. Một sự thật ngạc nhiên vô cùng trước sự chứng kiến của đoàn lũ dân chúng đông đảo: Con lừa đã không thèm để ý gì tới đồ ăn đặt dưới chân nó; mà trái lại, nó đã quì gối xuống trước Thánh Thể Chúa, như để cung kính thờ lạy Người.
I. THÁNH THỂ, PHÉP LẠ VÔ CÙNG SIÊU VIỆT
Bài sách Các Vua hôm nay thuật lại việc Chúa làm phép lạ cho 20 chiếc bánh mạch nha và lúa mì vị tiên tri phân phát cho một trăm người ăn no mà còn dư. Còn trong bài Tin Mừng, Chúa dùng 5 chiếc bánh và 2 con cá, chúc phúc và truyền cho các Tông Đồ phân phát cho 5 ngàn người ăn no, phần còn dư thu lại được 12 thúng bánh vụn. Ấy là chưa kể đàn bà con nít, có lẽ vì đàn bà con nít ăn ít nên không nói đến.
Hai phép lạ Chúa làm cho bánh hóa nhiều chỉ là hình bóng, là biểu tượng một phép lạ vĩ đại vô cùng siêu việt Chúa sẽ thực hiện, để tỏ uy quyền và tình thương vô cùng của Chúa đối với chúng ta. Đó là Bí Tích Thánh Thể. Chúa yêu thương chúng ta đến nỗi đã trở nên như điên, như khùng, như mát, như mất trí khi tự trở nên bánh làm của ăn nuôi sống chúng ta. Hay nói đúng hơn, là Chúa đã biến bánh trở nên Chúa, để ở lại với chúng ta, nên lương thực nuôi linh hồn chúng ta, nên nguồn ơn thánh trào đổ xuống chúng ta, kết hợp nên một, hòa tan trong chúng ta, biến chúng ta nên thánh thiện như Người; lấy làm sung sướng hạnh phúc ở lại với chúng ta, như chính lời Chúa đã phán: "Hạnh phúc của Cha là ngự giữa con cái loài người mọi ngày cho đến tận thế" (xem Mt 28:20). Chúa được thỏa mãn hạnh phúc ngự vào tâm hồn chúng ta mỗi khi chúng ta đón tiếp Người.
II. THÁNH THỂ BỊ KHINH CHÊ QUÊN LÃNG
Ngày nay, biết bao anh em trong các giáo phái ly khai không nhìn nhận, không tin Chúa ngự thật trong Nhiệm Tích Thánh Thể. Họ cho đó chỉ là một kỷ niệm suông, không phải là sự hiện diện thực tại sống động của Chúa Kitô như chính Tin Mừng đã dạy.
Người ta tin Thánh Kinh, nhưng đồng thời người ta lại kết án là Chúa đã đánh lừa nhân loại khi phán: "Đây là Mình Ta! Đây là Máu Ta!" (Mt 26:26-28) Trước Thánh Thể, Đức Mẹ, toàn thể các Thần Thánh trên Thiên Quốc đều tôn thờ sùng mộ, ngợi khen, chúc tụng, tôn kính, mến yêu... Ngay cả các quỉ thần trong hỏa ngục cũng phải thất kinh bát đảo sụp lạy kính thờ.
Phép lạ bánh hóa nhiều đã làm cho dân Do Thái xưa phải thán phục trước uy quyền của Chúa Cứu Thế, đến nỗi họ đã muốn tìm cách tôn Ngài lên làm Vua... Nhưng phép lạ đó mới chỉ một là hình bóng tiên báo Nhiệm Tích Thánh Thể Chúa sẽ thiết lập. Nó cũng chỉ là phép lạ trong bậc tự nhiên thuộc phạm vi chất thể, để nuôi sống thân xác con người mà thôi; còn phép lạ Thánh Thể là một phép lạ trong bậc siêu nhiên, vượt trên mọi phép lạ Chúa đã thực hiện, để Ngài có thể ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế, nên thần lương dưỡng nuôi linh hồn chúng ta, nên nguồn hạnh phúc thánh hóa chúng ta và giúp chúng ta đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu Thiên Quốc.
III. NGHĨA VỤ CỦA CHÚNG TA VỚI THÁNH THỂ
Là con cái Chúa, chúng ta có nghĩa vụ nào đối với Chúa Giêsu Thánh thể? Chúng ta có nghĩa vụ phải hết sức tin tưởng, kính tôn, phụng thờ và yêu mến Chúa. Năng đến kính viếng hoặc tham dự Thánh Lễ cách sốt sắng, đón rước Chúa ngự vào linh hồn và nồng nàn kết hợp với Chúa trong tình yêu mến thiết tha. Chúng ta còn có nghĩa vụ phải làm tông đồ truyền bá lòng tôn sùng Chúa Giêsu Thánh Thể, đề tạ những tội lỗi, những lời lộng ngôn phạm thượng, những xúc phạm bất kính phạm đến Nhiệm Tích Thánh Thể. Đặc biệt hơn nữa, chúng ta còn có nghĩa vụ phải đền bồi phạt tạ những tội lỗi của các linh hồn sống Đời Thánh Hiến, đã không cử hành Thánh Lễ và rước Chúa cách xứng đáng làm đau lòng Chúa.
Để đón rước Chúa ngự vào linh hồn cách xứng đáng, chúng ta hãy tuân theo giáo huấn của Thánh Phaolô Tông Đồ: "Trước khi anh chị em ăn Bánh và uống chén Rượu này, anh chị em hãy hồi tâm kiểm điểm xem, anh chị em có xứng đáng ăn và xứng đáng uống không, nếu không xứng đáng mà dám ăn dám uống là ăn và uống án phạt cho mình" (xem I Cor 11:28-29).
Đừng kể anh em trong các giáo phái không tin Chúa ngự thật trong Nhiệm Tích Thánh Thể, mà ngay trong hàng ngũ Công Giáo, nhiều người cũng dường như không tin tưởng gì. Họ vào Thánh Đường nhâng nhâng nháo nháo, trò truyện dức lác, coi Thánh Đường như một hội trường, như cái chợ, như nơi hẹn hò tìm bạn bốn phương, tình tình tứ tứ... Có những người miệng nhai kẹo cao xu trong suốt buổi lễ, chỉ bỏ ra khi lên rước Chúa, rồi lại nhai tiếp tục... Tệ hơn nữa, họ còn dám để tội trọng mà lên rước Chúa, vì coi việc rước Chúa chỉ là ăn miếng bánh tiến thường theo nghi lễ như thói quen cho vui. Biết bao người đã phạm sự thánh khi mắc tội trọng mà dám lên rước Chúa. Có những người chưng diện mặc diêm dúa khiêu dâm, hở hang bao nhiêu có thể, bán da bán thịt, phơi bày cái thân xác mình một cách trơ trẽn mà không biết hổ thẹn... Tất cả những thái độ bất kính, những lời lộng ngôn, những tội phạm thượng đó đã và đang vọng lên trời cao trêu cơn nghĩa nộ Thiên Chúa, kêu nài sự giáng phạt cân xứng.
Là con cái Chúa, chúng ta cần ý thức trách nhiệm phải tôn thờ, phạt tạ và yêu mến Chúa, bù lại những tội lỗi nhân loại hằng xúc phạm đến Chúa trong mọi thời đại. Thứ đến, là những bậc phụ huynh, những thầy dạy, những huynh trưởng, chúng ta nên đề phòng cho con em chúng ta khỏi nhiễm lây những thói hư tật xấu của dân ngoại, làm ô danh cho giòng họ, cho dân tộc, cho con cái Chúa.
Với tấm lòng chân thành, tôi xin đề nghị với tất quí ông bà anh chị em mấy điểm sau:
* Khi tới Thánh Đường tham dự Thánh Lễ hay tham dự bất cứ việc phượng tự nào, chúng ta nên khuyên nhủ con em chúng ta biết phục sức đứng đắn, kín đáo cách đoan trang nết na, xứng đáng với nơi tôn nghiêm, nơi thờ phượng Chúa.
* Giữ các em nhỏ khỏi làm xáo trộn, chạy lăng xăng, la hét, bất kính với Chúa và làm chia trí người khác.
* Điều quan trọng hơn hết, là chúng ta hãy tham dự Thánh Lễ một cách chủ động, với tất cả tâm tình sùng mộ tôn kính mến yêu, xứng danh một người con ngoan thảo đến tâm sự với Cha Trên Trời, một thụ tạo đến tôn thờ Đấng Tạo Hóa, một tôi trung đến phụng sự Đấng Thượng Đế của mình.
Chúng ta nên nhớ rằng: Không phải chúng ta đi xem lễ hay đi nghe hát thánh ca cách thụ động máy móc, hay cực chẳng đã, phải đi để khỏi mắc tội hoặc khỏi bị cha mẹ rầy la cách miễn cưỡng, nặng nhọc, bất đắc dĩ... nhưng là đi tham dự Thánh Lễ, cùng dâng Thánh Lễ với tất cả tâm hồn sốt mến, sung sướng hạnh phúc, cách tự tình tự nguyện. Với ất cả tâm hồn sùng mộ yêu mến, tự hiến dâng chính bản thân hợp với Lễ Hy Tế của Chúa Kitô trên bàn thờ thượng tiến Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh, và cùng với Chúa Kitô biến cả đời mình thành một Thánh Lễ liên tiếp làm hài lòng Thiên Chúa cao cả và đền tạ Người, xin ơn tha thứ tội lỗi muôn dân.
Kết Luận
Lạy Mẹ, xin Mẹ chia sẻ cho chúng con tâm tình khiêm nhu sâu thẳm và lòng sốt mến phi thường của Mẹ, để chúng con được xứng đáng tế lễ Chúa, tham dự Thánh Lễ, đón rước Chúa ngự vào linh hồn chúng con, như xưa Mẹ đã được Chúa sung sướng ngự xuống cung lòng trinh khiết của Mẹ. Chớ gì chúng con được biến đổi nên Mẹ, được đồng hóa nên một với Mẹ, để Chúa cũng được sung sướng ngự vào lòng chúng con như vậy.
44.Hiệu quả của việc rước lễ
(Suy niệm của Lm. Anthony Trung Thành)
Đức Hồng Y Newman là một chức sắc cao cấp và nổi tiếng của Giáo Hội Anh Giáo, mỗi năm được hưởng một khoản trợ cấp của nhà nước là 100.000 quan thời đó. Ngài đã nghiên cứu lâu năm đạo Công Giáo và cuối cùng Ngài xin trở lại Đạo Công Giáo. Vài ngày trước khi ngài trở lại, một người bạn thân khuyên rằng: “Ngài hãy nghĩ lại việc ngài làm! Nếu ngài trở thành người Công Giáo, ngài sẽ mất 100.000 quan mỗi năm đó!”. Newman bất bình nói lớn tiếng: “Một trăm ngàn quan là gì so với chỉ một lần rước lễ!”
Vì sao Đức Hồng Y Newman lại quyết định một cách táo bạo và khẳng định một cách chắc chắn như vậy? Thưa, vì Ngài đã hiểu được hiệu quả của việc rước lễ. Thật vậy, giáo lý về bí tích Thánh Thể dạy rằng: Rước lễ thì được những ơn ích này: Một là được kết hợp mật thiết với Chúa Kitô và Hội thánh; Hai là được tẩy xóa các tội nhẹ; Ba là được lớn lên trong ân sủng; Bốn là được bảo đảm sự sống muôn đời.
Chính vì hiệu quả của việc rước lễ như vậy nên Giáo Hội đã khôn ngoan ấn định rước lễ mỗi năm ít là một lần, buộc nặng, ai không thi hành là mắc tội trọng. Giáo Hội còn kêu gọi con cái mình năng rước lễ, và rước lễ mỗi ngày. Bởi vì, ngoài những ơn ích trên, năng rước lễ sẽ có thêm sức mạnh và sự can đảm để giữ đạo, sống đạo và truyền đạo.
Trong thời kỳ đầu của Hội Thánh, dân ngoại bỡ ngỡ khi thấy người kitô hữu anh dũng chấp nhận cái chết vì Chúa. Đâu là lý do của sự lạ lùng đó?
Chính Thánh Siprianô trả lời rằng: “Chính nhờ Mình Thánh Chúa Giêsu gìn giữ mà người có đạo mới ra pháp trường một cách anh dũng như vậy”.
Ở Việt Nam chúng ta trong thời kỳ bách hại đạo, sự anh dũng của cha ông chúng ta cũng không thua kém các vị tử đạo đầu tiên ở Rôma. Nhờ đâu? Nhờ năng rước Mình Thánh Chúa. Trong sắc lệnh của vua Tự Đức có một điều như sau: “Không được để người ta đem đến cho kẻ có đạo thứ bánh mầu nhiệm gì đó, vì thứ bánh ấy làm cho người ta không sợ đau đớn và vui vẻ chịu chết”.
Theo dòng lịch sử Hội Thánh, Thánh Thể đã tạo ra biết bao nhiêu vị thánh: các thánh Tông đồ, các thánh Đồng trinh, các thánh Tử đạo...Cha Đamiêng, vị tuyên uý cho người cùi đã khẳng định: “Nếu không có thầy chí thánh đêm ngày ngự trong nhà thờ nhỏ của tôi, chắc không bao giờ tôi có thể chung số phận với số phận của người hủi”.
Và ngày hôm nay, rất nhiều người nhờ năng rước Mình Thánh Chúa mà đã có sức đứng vững giữa gương xấu tội lỗi, có sức chống trả các chước cám dỗ, giữ được linh hồn trong trắng giữa bùn nhơ, khắc phục được nhiều thói xấu, tập được nhiều nhân đức. Chính vì vậy, Thánh Cyrilô Alexandria, Giáo phụ và tiến sĩ Giáo hội kêu gọi mọi người rằng: “Nếu nọc độc kiêu ngạo sưng lên trong ta, hãy quay về với Thánh Thể, và bánh đó là Chúa của anh em, Ngài tự hạ và ẩn mình, Ngài sẽ dạy cho anh em sự khiêm nhường. Nếu cơn sốt ích kỉ tham lam rống lên trong anh em, hảy ăn bánh này, anh em sẽ học được sự quan tâm. Nếu cơn gió buốt của lòng tham lam làm tàn héo anh em, hãy mau nhận lấy bánh các Thiên Thần, và đức ái sẽ trổ bông trong lòng anh em. Nếu anh em thấy ngứa ngáy và tính khí bất thường, hãy nuôi mình bằng Thịt Máu Chúa Ki-tô. Đấng đã thực hiện tự chế anh hùng suốt đời nơi dương thế, và anh em sẽ nên người điều độ. Nếu anh em lười biếng và uể oải việc thiêng liêng, hãy củng cố mình với lương thực trên trời này, anh em sẽ nên sốt sắng. Sau cùng, nếu anh em bị say sém vì cơn sốt không trong sạch, hãy tới bàn tiệc các Thiên Thần, và con chiên Ki-tô thanh sạch, sẽ làm cho anh em nên trong sạch tinh khiết”.
Mỗi người chúng ta chắc chắn cũng có một ít kinh nghiệm về hiệu quả của việc rước lễ: biết bao lần dọn lòng rước Mình Thánh Chúa sốt sắng ta cảm thấy một cái gì ấm áp, ngọt ngào trong linh hồn. Biết bao lần chịu lễ xuống ta thấy lòng gớm ghét tội lỗi hơn, muốn sống thánh thiện hy sinh hơn. Biết bao lần chịu lễ rồi về với gia đình ta cảm thấy mọi bổn phận hằng ngày nhẹ nhàng hơn.Thực tế, nhìn vào các gia đình trong giáo xứ chúng ta thấy, gia đình nào có cha mẹ con cái năng tham dự thánh lễ và rước lễ sẽ được hạnh phúc và bình an hơn.
Ước gì mỗi người chúng ta nhận ra được hiệu quả của việc rước lễ để năng rước lễ và rước lễ sốt sắng mỗi ngày. Amen.
45.Suy niệm lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô
(Suy niệm của Lm. Anthony Trung Thành)
Trong suốt ba năm đời sống công khai, Chúa Giêsu nuôi sống các Tông đồ và dân chúng bằng Lời của Ngài. Trước khi về trời, Ngài còn thiết lập Bí tích Thánh Thể để làm của ăn nuôi sống các Tông đồ và Giáo hội mãi cho tới tận thế. Không những thế, Ngài còn làm phép lạ hoá bánh ra nhiều để cứu đói dân chúng về phần xác và mời gọi các Tông đồ: “Các con hãy cho họ ăn” (Lc 9,13).
Đó là ba của ăn liên kết chặt chẽ với nhau và liên quan đến đời sống con người. Đó cũng là ba điểm tôi muốn gợi ý cùng anh chị em suy niệm trong ngày lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô hôm nay.
1. Chúa Giêsu nuôi sống các Tông đồ và dân chúng bằng Lời của Ngài.
Chúa Giêsu dùng Lời của Ngài để giảng dạy và nuôi dưỡng các môn đệ và những người đi theo Ngài. Bắt đầu là lời mời gọi “Hãy theo Ta!” (x. Mt 4,19). Tiếp đến là những lời giáo huấn để đào tạo các ông trở thành những môn đệ chân chính. Bài Tin mừng hôm nay cũng diễn ra trong bối cảnh dân chúng đi theo để lắng nghe Lời Ngài. Họ lắng nghe một cách say mê đến nỗi quên cả thời gian, quên cả ăn uống. Lời của Chúa là Sự Thật và là Sự Sống. Đúng như Ngài đã từng nói: “Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống” (x. Ga 6,63); “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi, các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8,31-32). Lời của Chúa có sức biến đổi: người tội lỗi trở thành Thánh nhân; người bệnh tật được chữa lành. Lời của Chúa xua trừ ma quỷ, làm cho kẻ chết sống lại...Con người sống nhờ Lời Chúa: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4).
Các Tông đồ và Giáo hội cũng dùng Lời Chúa để sống, dạy dỗ và khuyên nhủ. Thánh Phaolô nói: “Có đức tin, là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô” (Rm 10,17). Nơi khác, Ngài nói: “Mọi lời xưa đã chép trong Kinh Thánh, đều được phép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên nhẫn, và an ủi chúng ta, để nhờ đó, chúng ta vững lòng trông cậy” (Rm 15,4). Thánh Phanxicô Xaviê nên thánh nhờ suy niệm và sống câu Lời Chúa: “Được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn nào ích lợi gì” (x. Mt 14,26). Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu nên thánh nhờ suy niệm và sống câu Lời Chúa: “Ai trở nên như trẻ nhỏ thì mới được vào Nước trời” (Mt 8,4).
Giáo hội luôn mong muốn mọi người kitô hữu đọc, suy gẫm và đem Lời Chúa thực hành trong đời sống, làm lương thực nuôi sống linh hồn. Bởi vì: “Ai nghe và thực hành Lời Chúa thì giống như người khôn ngoan xây nhà mình trên đá” (x. Mt 7,24).
2. Chúa Giêsu nuôi sống các Tông đồ và dân chúng bằng Mình và Máu Thánh Ngài.
Chúa Giêsu không chỉ nuôi dân chúng bằng Lời của Người, mà còn nuôi dân chúng bằng chính Thịt Máu Người. Để ăn uống Mình và Máu Thánh Người, cần phải hội đủ hai điều kiện chính: sạch tội trọng và có ý ngay lành. Điều kiện để rước lễ đơn giản như vậy nhưng hiệu quả thì vô cùng to lớn. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cho biết: "Khi rước Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta được gắn bó chặt chẽ hơn với Đức Kitô, được tha thứ các tội nhẹ và bảo vệ khỏi các tội trọng. Nhờ rước lễ, tình yêu của chúng ta với Đức Kitô được mật thiết hơn, nên sự hiệp nhất trong Hội Thánh là Nhiệm Thể Người, được củng cố" (Số 1416). Chính Chúa Giêsu cũng đã khẳng định: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời” (x. Ga 6,54). Vì hiệu quả lớn lao như vậy, nên Giáo hội buộc nhặt mỗi người kitô hữu ít nhất mỗi năm rước lễ một lần. Giáo hội khuyến khích mỗi người kitô hữu siêng năng rước lễ và cho phép rước lễ mỗi ngày hai lần, nhưng lần thứ hai phải tham dự thánh lễ đầy đủ. Cho nên, mỗi người kitô hữu chúng ta hãy dọn mình và siêng năng rước lễ, vì “Nếu không ăn thịt và uống máu Người thì không có sự sống nơi mình” (x. Ga 6, 53). Trong bài đọc II, Thánh Phaolô trích dẫn bản văn phụng vụ về việc Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể. Qua đó, thánh nhân không những mời gọi chúng ta ăn uống Mình Máu Thánh Người mà còn phải có tâm tình chia sẻ với anh chị em xung quanh (x. 1Cr 11, 23-26).
3. “Các con hãy cho họ ăn” (Lc 9,13).
Ăn uống là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người. Con người cần ăn uống để tiếp tục sống. Nhưng cũng có người vì ăn uống mà phải chết, đó là ăn uống phải những thực phẩm bẩn, độc hại. Thật vậy, con người trong xã hội ngày nay thay vì cho nhau ăn uống những thực phẩm sạch, họ đang cho nhau ăn uống những thực phẩm bẩn.
Hằng ngày chúng ta đối diện với biết bao nhiêu thực phẩm bẩn: gạo bẩn, cá bẩn, rau bẩn, hoa quả bẩn, kẹo bánh bẩn, thức uống bẩn…Có người nói rằng, chúng ta toàn ăn phải“Thịt lừa”: thịt lợn người ta lừa là thịt trâu, thịt bò; cá bẩn người ta lừa là cá sạch; rau bẩn người ta lừa là rau sạch... Vì ăn uống phải thực phẩm bẩn nên số lượng người bị ngộ độc ngày càng nhiều. Có người vì ăn uống phải thực phẩm bẩn nên lăn ra chết tức thì. Có người ăn phải thực phẩm bẩn nên phải mang bệnh tật, để rồi phải chết dần chết mòn. Tai hại hơn, khi con người bị nhiễm độc tố kim loại nặng thì hậu quả lại vô cùng nguy hiểm, không phải bản thân mình chết mà ảnh hưởng cả những thế hệ tương lai. Thư chung Đức Giám Mục Giáo Phận Vinh năm 2016 về thảm hoạ môi trưởng biển Miền Trung khẳng định: “Hậu quả của nhiễm độc kim loại nặng đối với sức khỏe con người còn khủng khiếp hơn. Các độc tố này sẽ tồn tại lâu dài trong lòng biển. Nước biển và hải lưu sẽ làm loãng nồng độ chất độc để không gây chết tức thì cho sinh vật biển, nhưng các sinh vật này sẽ bị tác hại lâu dài qua việc hấp thụ độc tố từ chuỗi thức ăn. Khi con người tiêu thụ thủy sản, nước mắm, muối có nhiễm độc, các độc tố này sẽ xâm nhập và tích lũy ngày càng nhiều trong cơ thể. Đến một lúc nào đó hàm lượng độc tố này vượt ngưỡng cho phép, chúng sẽ gây bệnh tật như ung thư, tổn thương não... Và có thể gây dị dạng, quái thai cho các thế hệ sau.”
Chúng ta không chỉ đối diện với các thực phẩm bẩn, chúng ta còn phải đối diện với các phương tiện truyền thông bẩn. Sự bùng nổ các kỷ thuật thông tin, sự ra đời của các phương tiện truyền thông đang làm thay đổi xã hội và các gia đình, vì lợi ích lớn nhưng tác hại cũng không hề nhỏ. Đó là những loại hình văn hoá phi đạo đức, những văn hoá phẩm đồi truỵ, những trang giả danh Công giáo, các thông tin bịa đặt vu cáo, kết tội vô căn cứ những người dám nói lên sự thật, bênh vực cho công lý. Đài truyền hình Việt Nam đã vu khống cho Đức Tổng Giáo Mục Giuse Ngô Quang Kiệt năm 2008 vì sự góp ý chân thành của Ngài trong việc xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh, và ngày 15 tháng 05 vừa qua lại một lần nữa Đài truyền hình Việt Nam tiếp tục vu khống Đức Giám Mục Giáo Phận Vinh, vì Ngài đã nói lên sự thật về nạn ô nhiễm môi trường biển Miền Trung.
Đứng trước những thách đố như vậy, là người kitô hữu chúng ta phải làm gì? Cho nhau ăn gì?
Con người là một bản thể có hai phần hồn xác. Về phần hồn, chúng ta hãy giúp nhau sống Lời Chúa và rước Mình Máu Thánh Người. Về phần xác, chúng ta hãy cho nhau ăn những thức ăn sạch.
Khi biết sống theo Lời Chúa và dọn mình để rước Mình Máu Thánh Người thì chắc chắn chúng ta: không phổ biến, không dùng những phương tiện truyền thông bẩn; “Cương quyết không sản xuất, chế biến ‘thực phẩm bẩn’ gây huỷ hoại sức khoẻ, tổn thương đến tính mạng đồng bào mình; từ bỏ lối phát triển kinh tế không những không bền vững mà còn huỷ hoại đến môi sinh” (Thư chung ĐGM Gp. Vinh 2016); biết ngăn chặn những người sản xuất hay buôn bán những thực phẩm bẩn; biết sản xuất, buôn bán và cho nhau ăn những thực phẩm sạch, không phải chỉ để bảo vệ mạng sống của mình mà còn cần bảo đảm sự sống cho những người xung quanh.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi người chúng con biết loại ra khỏi cuộc sống những thực phẩm bẩn, đồng thời biết sống Lời Chúa và dọn tâm hồn trong sạch để rước Thánh Thể Chúa mỗi ngày. Amen.
46.Thánh Thể
Có một bữa ăn của Chúa Giêsu đã được cả bốn sách Tin Mừng ghi lại và thêm một chỗ thứ năm nữa cũng ghi lại, đó là trong thư của thánh Phaolô gởi giáo đoàn Côrintô. Đó là bữa ăn cuối đời Ngài, bữa tiệc ly, lúc Ngài giã từ các môn đệ thân yêu để lên đường chịu khổ nạn và chết. Trong bữa tiệc này, Chúa Giêsu đã làm một việc rất quan trọng: biến bánh miến thành thịt Ngài và biến rượu nho thành máu Ngài để nuôi linh hồn muôn người. Đây chính là phép Thánh Thể, là Bí tích Mình Máu Thánh Chúa Kitô.
Chúng ta hãy nhìn lại việc cao trọng này. Hôm ấy là ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn bánh không men, là tuần lễ chuẩn bị mừng lễ Vượt Qua của người Do thái. Chúa Giêsu gọi Phêrô và Gioan đến và trao cho hai ông công tác dọn tiệc mừng lễ Vượt Qua. Vâng lời Ngài, hai ông đi vào thành mượn được một căn phòng rộng rãi và chuẩn bị mọi sự cần thiết cho bữa tiệc. Đến chiều ngày thứ năm, Chúa Giêsu cùng đoàn tông đồ tới đó dự tiệc, gồm những tuần rượu, những món ăn cổ truyền, xen lẫn với việc đọc các thánh vịnh. Sau khi nhắn nhủ các môn đệ nhiều điều xoay quanh vấn đề chính là hãy yêu thương nhau, rồi Chúa Giêsu cầm lấy bánh và nói trước mặt các môn đệ rằng: “Tất cả các con cầm lấy mà ăn: Này là mình Thầy”. Chúa trao cho các môn đệ cùng ăn. Rồi Chúa cầm lấy chén rượu và nói: “Tất cả các con cầm lấy mà uống: Này là chén máu Thầy”. Chúa trao cho các môn đệ cùng uống. Với những lời nói và những cử chỉ trịnh trọng đó, Chúa Giêsu đã lập phép Thánh Thể. Rồi Chúa còn truyền cho các môn đệ: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, tức là Chúa ban quyền cho các môn đệ được làm việc cao quí này để tưởng niệm đến Ngài. Như thế, trong bữa tiệc lịch sử này và cũng là thánh lễ đầu tiên do Chúa Giêsu cử hành, Chúa đã thiết lập Bí tích Thánh Thể và ban quyền chức linh mục cho các tông đồ.
Từ đó trở đi cho đến ngày nay và cho tới tận thế, trong thánh lễ, khi linh mục trịnh trọng lặp lại những lời của Chúa Giêsu: “Này là mình Thầy”, “Này là chén máu Thầy”, tức thì bánh không còn là bánh, rượu không còn là rượu nữa, nhưng là Mình và Máu Chúa Kitô. Đây là một chân lý cao siêu vượt quá sự hiểu biết của lý trí loài người. Bởi vì trước và sau khi đọc lời truyền phép, chúng ta có nhìn xem, đụng chạm tới hay nếm bánh và rượu chưa truyền phép và đã truyền phép, chúng ta không thấy có gì khác nhau. Nhưng theo đức tin thì lại khác xa nhau một trời một vực: một đàng là Mình Máu Thánh Chúa Kitô, một đàng là một tấm bánh nhỏ bé, một chút rượu tầm thường. Vì thế, chúng ta gọi đây là một Bí tích và là một mầu nhiệm đức tin.
Để củng cố đức tin của chúng ta vào Bí tích kỳ diệu và cực thánh này, Thiên Chúa đã làm nhiều phép lạ tỏ tường để minh chứng cho mọi người biết trong Phép Thánh Thể có Chúa Kitô thật sự và hoàn toàn. Sau đây là hai phép lạ điển hình.
Phép lạ xảy ra ở làng Bônsênna nước Ý. Phép lạ này đã lưu lại cho chúng ta lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Có phép lạ này bởi vì Chúa muốn dẹp tan sự băn khoăn, nghi ngờ của nhiều người về sự Chúa Kitô hiện diện thật sự trong Thánh Thể. Đó là vào năm 1263, một linh mục người Đức cử hành thánh lễ tại nhà thờ thánh Christiana đồng trinh tử đạo. Đến khi bẻ bánh thì đột nhiên bánh thánh ấy biến thành Thịt và Máu thật sự, trừ phần nhỏ linh mục cầm trong tay. Những giọt máu ở Bánh thánh chảy loang ra thấm ướt khăn thánh. Linh mục ấy gấp khăn thánh lại, nhưng gấp đến đâu máu chảy ra đến đó và in lại dung mạo Chúa Kitô rõ ràng.
Một phép lạ khác xảy ra với thánh Antôn Pađua. Có một người Do thái, tên là Bônvilô, không tin và thường nhạo báng Phép Thánh Thể. Thánh Antôn nói thế nào ông ta vẫn cứ thế. Một hôm, ngài nói với ông ta như là một cuộc thách thức: “Nếu con lừa ông cưỡi mà quì xuống và thờ lạy Chúa ẩn mình trong hình bánh thì ông có tin không?”Ông ta cho là một câu nói chơi và nhận lời thách thức. Hai ngày liền, ông ta không cho lừa ăn, rồi dẫn tới chợ để có đông người chứng kiến. Giữa một bên là lúa mạch và bên kia thánh Antôn kiệu Mình Thánh Chúa đi qua. Con lừa quên đói, không ngó ngàng gì đến lúa mạch, quay sang thánh Antôn quì xuống gật gật đầu thờ lạy Chúa cho đến khi thánh Antôn kiệu Mình Thánh đi. Mọi người quì xuống thờ lạy Chúa và hoan hô thánh Antôn.
Đối với chúng ta, trên lý thuyết, tất cả chúng ta đều tin Chúa Giêsu hiện diện thật trong Phép Thánh Thể, thì trong thực hành, chúng ta hãy sống đức tin đó. Xin đề nghị hai điều: Thứ nhất, mỗi khi bước vào hay bước ra nhà thờ, chúng ta hãy nghiêm trang, cung kính cúi sâu đầu để bái chào và thờ lạy Chúa. Thứ hai, mỗi khi đi dâng thánh lễ, chúng ta hãy cố gắng rước lễ và chuẩn bị cẩn thận trước khi rước lễ và cám ơn sau rước lễ, vì đó là cách hiệp dâng thánh lễ đầy đủ và tốt đẹp nhất.
47.Thánh Thể
Hôm nay, cùng với Giáo Hội chúng ta long trọng cử hành thánh lễ tôn kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Thánh lễ này nhắc nhở cho chúng ta nhớ rằng Chúa Kitô đã và đang trao ban chính Mình Máu Ngài làm lương thực không hư nát để ban sự sống cho chúng ta, tiếp nhận chúng ta vào hiệp thông sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa. Đồng thời thánh lễ hôm nay cũng nhắc nhớ rằng: chúng ta luôn được Thiên Chúa mời gọi hãy ra công làm việc vì của ăn không hư nát này và hãy cùng Ngài trao ban sự sống cho người khác bằng đời sống bác ái yêu thương, hy sinh phục vụ.
Chúng ta biết rằng, mọi sinh vật trong đó có con người cần thức ăn vật chất để sống, tồn tại và phát triển thân xác, con người lại còn trổi vượt hơn các loài sinh vật khác nhờ có đời sống lý trí và tinh thần. Chính đời sống lý trí và tinh thần làm cho con người ra con người và sống ngày càng ra người hơn, nhân bản hơn trong mối tương quan với người khác và vũ trụ vạn vật. Đời sống này cũng cần có lương thực phù hợp là tri thức và văn hóa. Không có tri thức và văn hóa, con người sẽ phải sống trong lạc hậu, u mê chẳng hơn con vật là mấy.
Thế nhưng, con người không chỉ có thể xác, lý trí và tinh thần, con người còn có tôn giáo, nghĩa là con người còn có đời sống niềm tin, đời sống giúp con người vươn lên những tương quan cao hơn, lớn hơn, chi phối mọi tâm tư, tình cảm và sinh hoạt đó là đời sống thông hiệp với thần minh hay Thiên Chúa. Đối với chúng ta, những người tin vào Chúa Kitô thì đời sống đức tin giúp chúng ta đi vào mầu nhiệm thông hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi, Thiên Chúa tình yêu. Chính đời sống này không những làm cho chúng ta nên hoàn thiện mà còn hoàn thiện tốt lành như Thiên Chúa là Cha Tốt Lành trên trời, và chúng ta đến đón nhận sự sống đời đời của Thiên Chúa.
Lương thực cho đời sống này chính là Đức Kitô. Ngài là bánh bởi trời ban sự sống đời đời: Ai ăn thịt và uống máu Ngài thì có sự sống đời đời. An và uống chính mình máu Ngài sẽ không còn phải đói khát.
Chúng ta cần cơm gạo để sống, cần trau dồi tri thức và văn hóa để làm người thì chúng ta cũng cần phải tiếp nhận Mình Máu Thánh Chúa Kitô để sống đức tin, để nên thánh.
Cũng như mọi lương thực khác, Mình Máu Thánh Chúa tuy là hồng ân Thiên Chúa ban tặng nhưng không, nhưng Ngài vẫn mời gọi sự nỗ lực cộng tác của con người tìm kiếm và tạo tác nên lương thực cho đời sống của mình.
Tin Mừng hôm nay thuật lại, phép lạ Chúa hóa bánh ra nhiều không phải từ không ra có, nhưng từ năm chiếc bánh và hai con cá là phần đóng góp của con người. Cũng vậy, bánh và rượu trở nên Mình Máu Thánh Chúa được hiến dâng trên bàn thờ chính là hoa màu ruộng đất, sản phẩm của cây nho và lao công khó nhọc của con người. Thiên Chúa không muốn làm một mình dù Ngài có thể, nhưng Ngài muốn con người chúng ta cộng tác với Ngài. Được cộng tác với Ngài chính là hồng ân, là vai trò tuy nhỏ bé nhưng hết sức cao quí và sinh hiệu quả được dành riêng cho chúng ta trong mầu nhiệm Thánh Thể. Chính từ bánh, từ cá, từ đời sống của chúng ta mà Thiên Chúa đã tháp nhận vào ơn huệ Bí tích thánh Thể, làm nên Thánh Thể Đức Kitô.
Phần đóng góp công sức của chúng ta chẳng đáng là bao so với nguồn lương thực lớn lao này, tuy nhiên, không có phần của chúng ta, Bí tích Thánh Thể sẽ chỉ là ma thuật. Đức Kitô sẽ biến đổi, thánh hiến sự đóng góp nhỏ nhoi, khiêm hạ của chúng ta thành nguồn lương thực dồi dào cho mọi người.
Vì thế, chúng ta hãy nỗ lực góp phần cộng tác với Thiên Chúa. Chúng ta đóng góp không chỉ bằng của cải vật chất, nhưng cần thiết hơn còn bằng chính đời sống lao động khó nhọc để phục vụ người khác; bằng chính việc chu toàn bổn phận hằng ngày của mỗi người và bằng chính đời sống yêu thương, chia sẻ bác ái.
Chúng ta cộng tác với Thiên Chúa không phải chỉ tìm kiếm lương thực cho riêng mình, nhưng còn cho anh em khác nữa. Thiên Chúa trao ban cho chúng ta, Ngài cũng đồng thời mời gọi chúng ta trao ban cho người khác. Đón nhận lương thực để rồi chuyển hóa thành sự sống tình yêu. Thánh Thể phải được chuyển hóa thành năng lượng tình yêu.
Thiên Chúa không làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi chỉ một mình Người có bánh hay chỉ cho các môn đệ thân tín của Ngài, nhưng là cho mọi người. Thánh Thể cũng không chỉ dành cho một ai, một số người nào đó nhưng là cho mọi tín hữu. Không phải chỉ chúng ta no đủ phần hồn phần xác mà còn phải biết chia sẻ cho anh em khác nữa. Chia sẻ ở đây không có nghĩa là đi trao Mình Chúa cho người khác, nhưng là trao chính sự sống của mình. Vì một khi đã đón nhận Thánh Thể chúng ta đón nhận chính Đức Kitô để Ngài ở trong ta và ta ở trong Ngài: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”. Đời sống Đức Kitô là đời sống của yêu thương và hiến mình cho người khác. Đón nhận Ngài thì cũng chỉ có một đời sống như Ngài mà thôi, đó là sống cho và vì người khác trong yêu thương và phục vụ.
Nếu chỉ biết đón nhận mà không biết trao ban, không triển nở ơn thánh thì coi chừng mắc phải chứng bệnh “béo phì ân sủng”. Ngày nay, người ta sợ hội chứng béo phì vì sẽ làm tăng mỡ máu đưa tới xơ cứng động mạch, nhồi máu cơ tim, gây khốn khổ cho cuộc đời và nguy hiểm cho sinh mạng. Cho nên, phải giảm ăn thậm chí sợ ăn và tăng cường hoạt động để tiêu bớt mỡ, giảm bớt trọng lượng.
Cũng thế, nếu bị “béo phì ân sủng”sẽ có nguy cơ đưa tới xơ cứng trái tim yêu thương khiến cho không triển nở được tình yêu và sự sống của Thiên Chúa. Và lúc đó, việc tham dự thánh lễ cũng trở nên máy móc, theo thói quen nhàm chán, thậm chí ngại và sợ thánh lễ, đôi khi còn xúc phạm vì ý chẳng ngay lành. Nếu như thế, thì thật khốn cho ai ăn và uống Mình máu Thánh Chúa cách bất xứng. Nói như thánh Phaolô: “An uống như thế là ăn uống án phạt mình”chẳng lợi gì chỉ thêm nguy hại mà thôi.
Do đó, cần phải sống như Chúa: cho đi chính mình, trao ban chính sự sống mình. Lương thực Thánh Thể, nguồn sự sống phải được chuyển hóa tiêu hao thành tình yêu, thành bác ái hy sinh để cuộc sống mỗi người và mọi người luôn được no nê ân sủng, tình yêu và sự sống của Thiên Chúa.
Hãy đón nhận Thánh Thể là nguồn lương thực của đời sống Kitô hữu, là của ăn không hư nát mang lại sự sống đời đời. Hãy lao công khó nhọc vì của ăn không hư nát này và hãy cùng nhau chia sẻ của ăn ấy trong tình bác ái huynh đệ để thực sự chúng ta được sống và sống dồi dào.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam