Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 46
Tổng truy cập: 1365127
THẦY BAN CHO ANH EM BÌNH AN CỦA THẦY
THẦY BAN CHO ANH EM BÌNH AN CỦA THẦY
(Suy niệm của Lm. Trầm Phúc)
Với những lời tâm sự này, Chúa Giêsu hướng các Tông đồ về tương lai: Thầy sẽ… sẽ…
Tương lai là “yêu mến Thầy, giữ lời Thầy”.
Tương lai đó là đón nhận “Đấng Bảo Trợ mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy”.
Tương lai đó là “Thầy sẽ về với Chúa Cha”…
Để bảo đảm cho tương lai, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy để anh em không xao xuyến, không sợ hãi.
Bảo đảm cho tương lai là “yêu mến Thầy”, là “giữ lời Thầy”.
Bảo đảm là Thánh Thần. Đấng Bảo Trợ thần linh.
Tất cả quy tụ chung quanh tình yêu: yêu mến Thầy.
Chúa Giêsu đã từng giải thích rõ ràng, yêu không chỉ là nói: “Những ai nói lạy Chúa, lạy Chúa thì không vào được Nước Trời”.
Ngày chung thẩm, chúng ta sẽ được phán xét về tình yêu (thánh Gioan Thánh Giá): “Hãy lui ra cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời… Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn…”
Yêu mến Thầy là yêu thương những người Thầy đã yêu, yêu bằng hành động cụ thể. Điều này đã được các tiên tri dạy từ xa xưa, nhưng Chúa Giêsu khẳng định hơn: “Điều gì các ngươi làm cho một người anh em bé mọn của Ta đây, là làm cho chính Ta”.
Yêu người là yêu Thầy. Thầy là người anh em không may mắn, nghèo đói, bệnh tật, buồn nản, khốn cùng…
“Lời Thầy không là của Thầy mà là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy”. Nơi khác Ngài xác nhận: “Cha với Thầy là một”.
Nhưng lời Thầy là lời của Thiên Chúa, vậy sao chúng ta không thực hiện? Tại sao chúng ta dám bỏ lời Ngài qua một bên? Chúng ta có yêu mến Chúa chưa? Đã giữ lời Chúa chưa? Hay chúng ta khinh thường Thiên Chúa?
Nếu chúng ta gọi Ngài là Thiên Chúa thì chúng ta sẽ cố gắng hết mình lắng nghe lời Ngài và đem ra thực hành. Nhưng chúng ta chưa làm hay chỉ làm một cách nào đó, không hết tình. Điều đó chứng tỏ đức tin chúng ta chưa rõ rệt, chúng ta chưa biết Chúa.
“Ai yêu mến Thầy thì giữ lời Thầy”. Nếu chúng ta tin Chúa là Thiên Chúa, là Đấng Cao Cả tuyệt đối, Đấng tạo nên chúng ta, Đấng là Cội Nguồn và là hạnh phúc duy nhất của chúng ta, chúng ta sẽ quí chuộng từng lời nói của Ngài như người ta quí những hạt kim cương, chúng ta sẽ tuân hành triệt để. Những điều đó đã không xảy ra. Chúng ta xem lời Chúa như lời của một ai đó không liên hệ… Chúng ta cảm thấy nhàm chán khi nhắc đến Lời Chúa.
Trên thế giới, những nhà độc tài thường cố nhét vào đầu dân của họ những lý thuyết nghèo nàn của họ… Tại sao chúng ta không nghiền ngẫm Lời Chúa và đem ra thực hành? Lời Chúa là sự thật và là sự sống. Đức tin của chúng ta nghèo nàn biết bao!
Giữ Lời Chúa mang lại cho chúng ta một hồng ân quí báu hơn mọi của cải trần gian đó là: “Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở trong người ấy”.
Chúng ta trở nên “Đền Thờ của Thiên Chúa”, nơi cư ngụ của Thiên Chúa, Thiên Chúa Tình Yêu. Không mấy ai ý thức tầm vóc lớn lao của hồng ân này.
Chúng ta, những con người hèn mạt, nhơ nhớp, được Chúa chọn làm nơi cư ngụ của Ngài! “Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy”. Tâm hồn chúng ta sẽ tràn ngập tình yêu của Ngài. Phải chăng là một hồng ân vô giá?
Sao chúng ta không thấy? Chúng ta mong ước điều gì? Những bữa tiệc trần gian có thỏa mãn con tim chúng ta không? Mọi sự trên trần gian đều qua, tro bụi trên đường dài thôi. Chỉ có Chúa mới thực sự là hạnh phúc duy nhất của chúng ta. Giáo hội khảng cổ lặp lại cho chúng ta chân lý này, nhưng không mấy người nghe. Thế gian, với những trò vui của nó vẫn hấp dẫn chúng ta. Theo thế gian, chúng ta gặt hái được gì? Những trò vui ngắn ngủi mà trống rỗng tâm hồn, và chúng ta vẫn tay không trước những thống khổ, âu lo, phiền muộn.
Tìm về hạnh phúc của tình yêu Chúa mới là con đường bảo đảm cho tương lai: “Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy”. Còn hạnh phúc nào bằng? Hơn thế nữa: “Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”. Chúng ta có hiểu những lời đó không?
Thiên Chúa không còn nơi nào trú ngụ đến nỗi phải nương nhờ những tâm hồn như chúng ta sao? Cả triều thần thánh không đủ cho Ngài sao?
Đúng thế, tình yêu không bao giờ cảm thấy thỏa mãn, tình yêu luôn là thiếu thốn, là vô biên. Vì Ngài là Tình Yêu, Ngài cũng là Bất Tận.
Chúng ta là những người được yêu, và người yêu chúng ta là Thiên Chúa! Hạnh phúc nào bằng?
Hãy ca lên bài ca cảm tạ, “vì tình thương của Chúa bền vững muôn năm” “vì muôn đời Chúa vẫn trọn tình thương”.
Hơn nữa, Chúa Cha lại ban cho chúng ta Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần để trở thành ký ức cho chúng ta. “Ngài sẽ dạy anh em mọi điều, nhắc cho anh em nhớ lại tất cả những gì Thầy đã nói với anh em”.
Ba Ngôi Thiên Chúa đến với chúng ta, cư ngụ trong chúng ta. Chúng ta trở thành tổ ấm cho Ba Ngôi Thiên Chúa.
Chúng ta dễ quên. Tâm trí chúng ta nặng nề vật chất. Cần có một vị Tôn Sư thần linh để hạt giống được gieo trong nhọc nhằn nẩy mầm và lớn mạnh.
Không có Ngài, những tay chài lưới dốt nát kia làm sao lay động thế giới?
Thánh Thần Chúa sẽ dạy chúng ta mọi điều. Sự khôn ngoan của Ngài ban sẽ chiến thắng tất cả: “Sự điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người”. Chúng ta sẽ không ngại ngùng trả lời cho mọi người về niềm hy vọng của chúng ta. Những lý thuyết của loài người ngập tràn những thư viện, nhưng đó chỉ là những chiếc lá khô mà thời gian sẽ cuốn trôi và sẽ trở về với bụi tro. Chỉ có “sự điên rồ của Thập Giá” mới tồn tại. “Những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa chọn để hủy diệt những gì hiện có”.
“Thánh Thần Chúa sẽ cho anh em nhớ lại tất cả …” Tất cả những gì Thầy nói đều gom lại trong chữ Yêu Thương. Ba Ngôi Thiên Chúa cư ngụ trong chúng ta sẽ biến chúng ta thành những “đô thị yêu thương”.
Trong biển lửa hận thù đang ngùn ngụt cháy khắp nơi, trong đại dương đau khổ ngút ngàn của thế giới hôm nay, Chúa Giêsu muốn xây dựng những “đô thị yêu thương” cho đời bớt khổ: “Nơi nào có oán ghét hận thù, xin cho con đem lại an vui…”
Chúa Giêsu không còn hiện diện bằng xương bằng thịt nữa, nhưng Ngài vẫn có mặt, êm đềm hơn, sâu đậm hơn. Chúng ta không mất mát gì nhưng lại tràn đầy hồng ân. Hồng ân trên hết mọi hồng ân là Tấm Bánh Tình Yêu được trao ban hằng ngày. Nơi tấm bánh đó, chúng ta tìm được sinh lực để thắp lên ngọn đèn tình yêu đang bị đe dọa bởi những cơn bão hận thù, giết chóc, để xây đắp những “đô thị tình yêu”, bất chấp những mưa nắng của bạo tàn.
Ước chi mỗi người tín hữu trở thành một “đô thị tình yêu” mời gọi mọi người đến ẩn náu trong cơn lốc bạo tàn man rợ hôm nay. “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy”.
25.Môn đệ của Tình Yêu
(Suy niệm của Dã Quỳ)
Trong cuộc sống của chúng ta hàng ngày ít nhiều cũng có những chia ly. Cuộc chia ly nào cũng để lại những dấu ấn, những tâm tư vui buồn lẫn lộn, ưu sầu hay lo lắng và tác động không nhỏ vào đời sống tự nhiên lẫn siêu nhiên của chúng ta. Những cuộc chia ly còn cho chúng ta kinh nghiệm sống mà ta gọi là "những bài học không có trong sách giáo khoa."
Tin Mừng hôm nay thuật lại Chúa Giêsu cũng có một cuộc chia ly với các môn đệ. Trước giờ chia ly ấy, Chúa đã nhắn nhủ với môn đệ của Người những lời tha thiết, mà Thánh Gioan gọi là "Những lời cáo biệt." Chúa an ủi, động viên, trao ban bình an...và nhất là Chúa khẳng định với môn đệ và cũng là với mỗi Kitô hữu rằng dù ra đi, nhưng Chúa sẽ mãi ở với mỗi trái tim nào có tình yêu Chúa và tuân giữ Lời của Người: "Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy, Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.” (Ga 14,23). Đây là một bảo đảm thật tuyệt vời cho môn đệ và tất cả chúng ta.
- "Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy." Tình yêu là khởi điểm giữa Thiên Chúa và tạo vật, giữa Chúa Giêsu và con người. Tình yêu cũng là khởi điểm của đời sống người môn đệ và của mỗi Kitô hữu. Tình yêu là trường học, nơi đó chúng ta học biết về Thiên Chúa mà cụ thể là Chúa Giêsu và họa lại vẻ đẹp, lời nói, hành động của Người; vì "Thiên Chúa là Tình Yêu."
Những lời cáo biệt của Chúa Giêsu được khởi đầu bằng tình yêu. Chúa đã diễn tả Tình yêu của Người với nhân loại và đặc biệt Người tỏ cho môn đệ biết Người yêu thương họ dường nào, để rồi môn đệ chỉ còn cách đáp trả tình yêu. Chúa đã yêu thương tôi vô bờ bến, tôi cần phải đáp lại bằng cách yêu mến Người. Vì yêu mến Chúa, tôi tuân giữ những Lời Chúa dạy bảo và giới răn Chúa truyền ban. Đó là cách cụ thể mà tôi chứng minh lòng yêu mến Chúa. Vì yêu là hiểu biết nên tôi học hỏi về Chúa qua Lời của Người. Vì yêu là hoạt động nên tôi tuân giữ, thực hành, sống Lời Chúa dạy trong đời sống cụ thể của tôi. Và đây là điều kiện để tôi được Thiên Chúa đến, cư ngụ.
- "Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy." Thiên Chúa tỏ mình cho những ai tin vào Người. Nhưng Chúa còn đến và ở lại trong những con tim yêu mến và tuân giữ Lời Người. Chúa chỉ đến và ở lại nhà những ai có tình yêu và sẵn sàng mở cánh cửa cho Người; những ai đón nhận, tuân giữ Lời của Chúa; những ai yêu mến Người cách tự do. Chúa đến và ở lại không phải trong Đền Thờ bằng gỗ đá, nhưng là trong mỗi Kitô hữu trung thành nghe và thực thi Lời Chúa. Chính vì thế, ta không cần tìm Chúa ở đâu xa. Chúa hiện diện ở đây trong bạn, trong anh, trong tôi nếu chúng ta biết yêu mến Chúa, cầu nguyện, lắng nghe và sống Lời Chúa dạy.
Chúa không dùng quyền ép buộc chúng ta nghe, tuân giữ Lời Chúa và cũng không muốn thực hiện những dấu lạ hiển hách gây ấn tượng để ép ta gắn bó với Người. Chắc chắn Chúa rất muốn tỏ mình cho tất cả mọi người, nhưng Người tôn trọng tự do của mỗi chúng ta, vì: Tình yêu không thể bị ép buộc! Thế nên Chúa ủy thác cho các môn đệ và chúng ta, những Kitô hữu của Người làm môi giới cho tình yêu. Chính đời sống mang đậm nét tình yêu của ta đối với Chúa và lòng yêu thương, phục vụ, bác ái, tha thứ, ...của ta đối với tha nhân sẽ làm cho Chúa được tỏ hiện và biểu lộ với tất cả những ai chưa biết, chưa tin và còn sống xa Chúa. Có Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ luôn hướng dẫn trợ giúp Giáo hội và mỗi Kitô hữu thực thi sứ mệnh.
- "Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy." Bình an của Chúa ở trong trái tim Người. Chúa là người Bình an và là người mang Bình an như lời Ngôn sứ Isaia nói "Danh hiệu của Người là Hoàng Tử Bình An.” (x. Is 9,5) Bình an lan tỏa trên khuôn mặt, trong thái độ và lời nói của Chúa. Bình an là chính Chúa nên khi ban cho môn đệ, Chúa đã nói "Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng." Bởi vì bình an của thế gian đến từ con người và chắc chắn không bền vững.
Chúa thấy rõ trong thế gian, môn đệ của Người sẽ gặp bao hỗn tạp làm họ chao đảo, lo lắng! Và sự thật lúc này đây, âm mưu của Giuđa bán nộp Thầy; chối Thầy của Phêrô và cái chết của Thầy được loan báo đang làm cho môn đệ xao xuyến, hãi hùng! Chính vì thế, Chúa động viên, an ủi, đem lại nghị lực cho môn đệ. "Lòng anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi!" Chúa yêu thương môn sinh nồng nàn và tình yêu của Chúa bao phủ các ông nên đừng sợ hãi, vì "Tình yêu không biết đến sợ hãi" và "Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy.” (1Ga 4, 18.16) Vì thế, Chúa ra đi nhưng vẫn luôn hiện diện trong trái tim môn đệ. Chúa thật thân tình, yêu thương, cảm thông với môn đệ của Người. Cùng nhịp thở, cùng nhịp yêu và thấu hiểu cuộc sống cũng như những khó khăn thử thách mà mỗi môn đệ và mỗi Kitô hữu hôm nay sẽ phải đối diện trong cuộc đời.
Vậy hãy để Chúa đong đầy trái tim chúng ta tình yêu và bình an của Chúa khi chính chúng ta biết đáp lại tình Người bằng lòng yêu mến Chúa chân thành và hăng say tuân giữ Lời Chúa dạy; yêu thương tha nhân, hy sinh quên mình phục vụ trong khiêm tốn và nhẫn nại tha thứ vì căn cước của Kitô hữu là Tình yêu. Như thế, chúng ta sẽ thật hạnh phúc có Chúa ở cùng để rồi ta được ở lại trong tình yêu và trở thành môn đệ của tình yêu.
Lạy Chúa Giêsu, tạ ơn Chúa đã cho chúng con trở thành Kitô hữu- là môn đệ của Chúa. Xin đổ tràn trong trái tim chúng con tình yêu và bình an của Chúa, tình yêu và bình an mà chúng con và cả thế giới luôn mong đợi. Amen.
26.Nguồn bình an
Trong cuộc sống chúng ta thường thấy cảnh này, khi có những sự rắc rối nào đó liên quan đến ai đó mà họ không muốn liên luỵ nên họ lắc đầu liên tục và bảo rằng "Xin cho tôi hai chữ bình an". Họ muốn an phận, họ không muốn day vào những rắc rối. Thế thì bình an có phải là không chút gợn sóng, không chút khoấy động, không có phản ứng chống đối...
Đoạn Tin Mừng chúng ta được đọc hôm nay Chúa Giêsu hứa " Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy, Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng ". Như thế bình an của Chúa Giêsu có gì đó rất khác với bình an của thế gian. Vậy bình an của Chúa Kitô là gì? Bình an của Chúa Kitô không phải là một tình trạng yên ôn không bị khuâý động, không bị chống đối. Bình an của Chúa Kitô là được sống tròn đầy do sự hiện diện của Chúa Kitô " Chúa Kitô là sự bình an của chúng ta " (Ep2, 14). Sự bình an này đã được Chúa Kitô diễn tả trong cuộc sống của Ngài và đặc biệt trong cuộc thương khó. Chúa Giêsu bước vào vườn Ghêtsêmani với sự sợ hãi hoang mang đến độ Ngài xin Cha cho khỏi uống chén đắng là cuộc thương khó. Nhưng khi nhận ra ý định của Chúa Cha cũng như tình yêu của Chúa Cha thì Ngài đã bình an bước vào cuộc thương khó với niềm tin tưởng cậy trông. Như thế sự hiện diện của Chúa Kitô chính là nguồn đem lại bình an cho chúng ta. Các môn đệ vất vả suốt đêm chèo chống vì ngược gió như khi Chúa Giêsu ngự đến thì sóng biển yên lặng và đưa các ông đến bến bình an. Chúng ta cũng có thể thấy điều này dễ dàng nơi các trẻ em tập đi. Muốn cho em bé đi được thì bé phải tập đi. Mẹ của bé sẽ ở cách xa và chuẩn bị đỡ lấy bé nếu bé ngã còn người kia thì buông bé ra để bé đi đến với mẹ. Mặc dù bé đi rất loạng choạng nhưng bé vẫn muốn đi vì bé biết rằng mẹ bé luôn sẵn sàng đỡ lấy bé khi bé té ngã. Như thế sự bình an của chúng ta nhận được phải là sự bình an trong mọi lúc, phải là sự tin tưởng trọn vẹn nơi Chúa. Chúa luôn dõi bước ngay bên chúng ta, sẵn sàng nâng đỡ chúng ta khi chúng ta gặp gian lao thử thách.
"Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy". Yêu ai là muốn nên giống người đó và làm đẹp lòng người đó. Với thước đo này ta có thể đo được lòng mến của chúng ta đối với Thiên Chúa. Ta có giữ lời của Thiên Chúa chưa? Ta có thực sự muốn nên giống Chúa chưa? Tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa không hệ tại ở những cảm xúc tự nhiên hay những câu nói suông nhưng là hệ tại ở việc sống Lời Chúa. Sống Lời Chúa là thực thi lòng mến, biết yêu mến tha nhân, thể hiện tình yêu của Thiên Chúa nơi những ngươi chung quanh.
Người Kitô hữu phải là người có sự bình an thật vì hoạ lại hình ảnh của Chúa Kitô nơi trần thế khi thực thi lời Chúa dạy. Như thế, nhiệm vụ của người Kitô hữu là phải làm lan toả sự bình an ấy nơi những người chung quanh, cho xã hội cho thế giới. Bình an là khát vọng của mỗi con người nhưng chưa thể thực hiện được vì nỗi sợ hãi lo âu, lo cho chính mình, cho dân tộc mình, cho đất nước mình nên còn hoài những cuộc chiến những cuộc xâm lăng. Người Kitô hữu phải là những người tái tạo hoà bình, phải là những người làm chứng cho hoà bình trong thế giới bằng cuộc sống không bạo lực, bằng cách sống đồng tâm nhất trí với nhau. Nhưng muốn được như thế mỗi người chúng ta phải là những con người thực sự bình an trong tâm hồn. Nếu chúng ta còn khư khư bám víu cuộc sống mình cách ích kỷ, nếu chúng ta còn sợ mất mát của cải, chúng ta còn muốn hưởng thụ, còn muốn thống trị kẻ khác... thì làm sao chúng ta có thể xây dựng hoà bình cho được.
Hãy tin tưởng vào Chúa, có Chúa hiện diện thì còn lý do gì nữa để chúng ta lo lắng sợ hãi. Như đứa con vững tin ngon giấc trong vòng tay người mẹ thì chúng ta cũng hãy phó thác mọi sự cho Chúa. Cho dù khó khăn, cho dù chống đối, cho dù bất ổn nhưng hãy tin rằng Chúa luôn có cách của Chúa để mang lại những điều thiện ích cho chúng ta.
Có Chúa hiện diện thì ta còn lo lắng sự gì nữa. Chúa thật là nguồn bình an.
27.Chơi trò hoà bình
Một ông nhà văn ngồi trên ghế đá công viên, đưa mắt quan sát nhìn xem mấy em nhỏ đang chơi đùa với nhau nơi thảm cỏ. Ông lên tiếng hỏi:
- Này các em, các em đang chơi trò gì thế?
Các em trả lời:
- Chúng cháu đang chơi trò chiến tranh. Chúng cháu đang chơi trò đánh nhau.
Nghe thế, ông hơi cau mặt, gọi các em lại và giải thích:
- Tại sao các em lại cứ thích chơi tró chiến tranh, chơi trò đánh nhau. Chiến tranh và đánh nhau thì có gì là tốt đẹp. Vậy tại sao các em lại không chơi trò hoà bình.
Cả bọn tụm đầu vào nhau và bàn tán. Thấy chúng đón nhận ý kiến của mình, ông nhà văn mỉm cười hài lòng và bước đi. Tuy nhiên, chưa bước đi được bao xa, các em đã đuổi theo và hỏi:
- Bác ơi! Chơi trò hoà bình là như thế nào? Chúng cháu không biết.
Phải, làm sao các em có thể chơi trò hoà bình, trong khi các em chỉ thấy người lớn chơi trò chiến tranh. Làm sao các em có thể chơi trò hoà bình, trong khi trên báo chí, truyền thanh và truyền hình, các em chỉ thấy hình ảnh những người lớn bắn giết nhau. Làm sao các em có thể chơi trò hoà bình, trong khi tại gia đình các em chỉ thấy các anh các chị và đôi khi ngay cả cha mẹ cũng lớn tiếng cãi cọ và mắng chửi lẫn nhau, nhiều lúc còn thượng cẳng chân hạ cẳng tay với nhau nữa.
Rồi trong thực tế, bầu khí người lớn tạo ra để cho các em được phát triển, không phải là một bầu khí hoà bình, mà là một bầu khí chiến tranh. Đến bao giờ người lớn mới thực tâm tìm phương thế giải quyết những mâu thuẫn, những bất đồng với nhau. Mỗi ngày trên thế giới, người lớn đã bỏ ra hằng tỷ mỹ kim cho việc nghiên cứu và trang bị vũ khí, đang khi đó có tới tám trăm triệu người sống trong cảnh nghèo đói và túng thiếu, có tới hơn sáu trăm triệu người mù chữ. Chỉ có bốn trong số mười em sinh ra là được cắp sách đến trường cho hết bậc tiểu học. Và cứ mười em được sinh ra trong cảnh cơ hàn, thì đã có hai em bị chết đói trong năm đầu tiên.
Thế giới người lớn phải bắt tay ngay vào việc loại trừ chiến tranh, nếu họ muốn cho các em thiếu nhi noi gương họ mà chơi trò hoà bình. Đồng thời, phương thức để loại trừ chiến tranh và xây dựng hoà bình, không gì hữu hiệu hơn cho bằng sống tinh thần hoà giải.
Thực vậy, hoà bình chỉ là kết quả đương nhiên của việc hoà giải mà thôi. Chúng ta phải hoà giải với Thiên Chúa bằng việc sám hối ăn năn và lãnh nhận ơn tha thứ. Đồng thời chúng ta còn phải hoà giải với anh em bằng việc lấy tình thương xoá bỏ hận thù. Chính vì thế, trong đêm giáng sinh, các thiên thần đã hát vang trên cánh đồng Bêlem:
- Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người thiện tâm.
Và sau khi sống lại, lúc hiện ra với các môn đệ, sau lời chào chúc bình an, thì lập tức Chúa Giêsu đã trao ban cho các ông quyền cầm buộc và cởi mở. Hay nói đúng hơn, Ngài đã trao ban cho các ông quyền tha thứ, quyền hoà giải:
- Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giư
Để kết thúc, chúng ta hãy cùng nhau ghi nhớ và suy gẫm lời kinh Hoà bình của thánh Phanxicô Assie:
- Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm.
28.Sáng kiến - Lm Vũ Đình Tường
Không phải tất cả các sáng kiến đều sáng cả đâu. Có những tư tưởng gọi là sáng nhưng bản chất của nó tối mò. Sáng kiến mang bản chất tối có thế nói đùa là độ sáng của nó lớn vừa đủ soi sáng cái kiến.
Tư tưởng mới phát sinh mỗi ngày. Có những thay đổi chỉ bùng lên một thời rồi chìm vào quên lãng, lại cũng có những thay đổi vững chắc biến đổi xã hội. Thay đổi phát sinh bởi hoàn cảnh mới đòi giải quyết vấn đề mới phát sinh mà truyền thống cũ không đáp ứng thoả đáng hay tệ hại hơn là truyền thống cấm đoán vì trái nghịch với truyền thống. Thay đổi ảnh hưởng mạnh đến xã hội, làm thay đổi lối suy nghĩ, cách đối xử, cách điều hành công việc. Lối ăn, cách uống từ nhà, ngoài ngõ đều ảnh hưởng bởi những sáng kiến. Những thay đổi này ảnh hưởng đến việc đề nghị xét lại cách thực hành và tinh thần sống đạo truyền thống. Khi những đề nghị thay đổi không được chấp thuận sẽ xảy ra tình trạng đơn giản là phê bình, lớn hơn là bất mãn và tệ hại là sinh bè, lập nhóm, tạo phe, gây phái. Điều này dẫn đến việc chia rẽ trong cộng đoàn dân Chúa. Nhóm hỗ trợ thay đổi tự nhận là cấp tiến phê bình chỉ trích nhóm bảo thủ. Họ tự nhận là tân tiến, thích ứng với thời cuộc và chỉ trích Giáo Hội là chậm tiến, bảo thủ, không theo kịp đổi thay của thời đại. Còn một nhóm nữa đứng giữa thầm lặng, không ủng hộ cấp iến, cũng không chê bảo thủ, truyền thống, sao cũng được và sẵn sàng chấp nhận thay đổi cho thích hợp với hoàn cảnh.
Sáng kiến dẫn đến thay đổi cần khuyến khích, cổ võ nếu sáng kiến đó bảo vệ sự sống, cổ võ tình yêu chân chính và tinh thần phục vụ vô vị lợi vì những điều này hợp với giáo huấn của Đức Kitô truyền dậy. Truyền thống dù cũ mấy cũng là truyền thống có giá trị và tốt đẹp khi truyền thống cổ võ bảo vệ sự linh thánh của con người và hợp với điều Đức Kitô truyền dậy về luật yêu thương và phục vụ. Sáng kiến, đề nghị xem ra sáng sủa, nghe hợp lí, thích ứng với hoàn cảnh cần phải cẩn trọng khi đón nhận vì đằng sau những lí thuyết xem ra hợp lí, ăn khách, thức thời nhưng không chừng có ẩn dấu mầm mống làm hại sự sống để mưu ích riêng cho thiểu số, phe đảng. Sáng kiến trên lí thuyết dựa vào sự sống, phục vụ để đòi thay đổi nhưng thực tế, trong thực hành, không trực tiếp bảo vệ sự sống, không chân thành cổ võ tình yêu chân chính và không thành tâm thiết tha phục vụ tha nhân vô vị lợi đều trái giáo huấn của Đức Kitô. Mọi đề nghị, tư tưởng cho là cao siêu hơn giáo huấn của Đức Kitô đều ngầm chứa tinh thần kiêu ngạo. Những gì thuộc về kiêu ngạo không thể đến từ Thiên Chúa yêu thương vì bản chất của yêu thương là khiêm nhường phục vụ.
Giáo huấn của Đức Kitô không bao giờ lỗi thời vì giáo huấn của Ngài vượt lên trên thời gian. Vì tư tưởng của Ngài đến từ Thiên Chúa hằng sống cộng với hướng dẫn của Thánh Thần Chúa nên giáo huấn của Ngài luôn mới với mọi thời đại, thích hợp với mọi truyền thống và hợp với mọi dân tộc. Nếu cần đổi thay cho thích hợp với giáo luật yêu thương thì đối tượng đổi thay là truyền thống, là phong tục, là tập quán địa phương cần thay đổi cho trong sáng hơn, thích hợp với luật yêu thương tha thứ và phục vụ.
Câu chuyện thầy giáo yêu cầu học sinh viết luận về giáo huấn của Đức Kitô liên quan đến bảo vệ đời sống, cổ võ yêu thương chân thành và phục vụ tha thiết. Trong đó có lời phê bình cho thấy không phải mọi thay đổi đều tốt; cũng như không phải mọi truyền thống đều dở.
Bài văn của em có nhiều tư tưởng hay và nhiều tư tưởng mới. Không may tư tưởng mới thì không hay và tư tưởng hay thì không mới.
Chúng ta cần thay đổi cho thích hợp với hoàn cảnh, với tiến bộ khoa học nhưng căn bản phải đặt trên giáo huấn của Đức Kitô về phương diện bảo vệ sự linh thánh của cuộc sống, yêu thương chân chính và chân thành phục vụ tha nhân vô vị lợi. Thay đổi trái nghịch giáo huấn của Đức Kitô là không yêu mến Ngài
Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy và chúng ta sẽ đến và ở trong người ấy Gioan 14,23.
29.Ân sủng Chúa - Lm Vũ Đình Tường
Phúc âm thánh Gioan minh xác Chúa Cha yêu mến thế gian đến nỗi sai Con Một yêu dấu của Ngài xuống thế gian để những ai tin vào Người Con thì được sự sống muôn đời. Đức Kitô xuống thế thực hiện ý Chúa Cha để tỏ tình yêu, lòng mến của Ngài với Chúa Cha. Con đường yêu mến Thiên Chúa là con đường vâng phục, giữ lời Chúa dậy
Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy c.23
Nên một
Bởi vì Chúa Cha yêu mến thế gian, những gì Chúa Cha yêu mến, Đức Kitô cũng yêu mến. Những gì Chúa Cha muốn cứu độ, thánh hoá, Đức Kitô cũng muốn cứu độ và thánh hoá.
Người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều người thấy Chúa Cha làm, vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy Gn 5,19
Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. Ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết Gn 6,38-39
Có thể nói tình yêu Chúa Cha và tình yêu Đức Kitô dành cho nhân loại là một. Cả hai khối tình Chúa Cha - Chúa Con được thể hiện trọn hảo nơi Đức Kitô. Tình thương Đức Kitô thể hiện toàn thiện đến nỗi vượt quá trí hiểu nhân loại. Thể hiện trên thập giá, cho đi chính sự sống mình.
Nên một còn được hiểu theo một nghĩa khác nữa. Đức Kitô ban cho Kitô hữu chính sự sống Ngài và cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần chia sẻ mọi tình huống an vui, sầu khổ trong cuộc sống của các Kitô hữu.
Ngoài Đức Kitô ra còn có cả Chúa Cha và Thánh Thần Chúa cùng cư ngụ trong tâm hồn Kitô hữu. Đây là quà tặng vô cùng trọng đại vì mỗi Kitô hữu trở thành đền thờ Thiên Chúa và đền thờ của Ba Ngôi Thiên Chúa. Dù Kitô hữu không xứng đáng nhưng Thiên Chúa không ngại miễn là Kitô hữu tự nguyện vâng lời và chân thành tâm đón nhận lời Thiên Chúa
Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy và Cha thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.... Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy Gn 14,23
Nơi đâu Thiên Chúa ngự trị nơi đó tràn đầy ân sủng và bình an. Nơi đâu Thiên Chúa ngự trị nơi đó tràn đầy tình thương.
Ơn Thánh Thần
Khi yêu người ta luôn làm những gì tốt đẹp nhất cho người mình yêu và còn làm nhiều hơn cả điều người yêu mong muốn. Đó chính là mối tình Đức Kitô thể hiện với Chúa Cha. Chính nhờ mối tình này mà Kitô hữu nhận được vô vàn ơn đặc biệt, lạ lùng.
Ơn lạ đầu tiên chính là ơn Chúa Thánh Thần. Đức Kitô hứa ban Thánh Thần xuống để tiếp tục công việc hướng dẫn Kitô hữu. Thánh Thần hay Đấng Bảo Trợ đến không phải để thay thế Đức Kitô mà chính là để nối tiếp công việc Đức Kitô đã rao giảng. Thánh Thần làm công việc hướng dẫn, mặc khải những điều Đức Kitô dậy. Thánh Thần đóng vai thầy dậy trong mọi hoàn cảnh và không dậy điều gì mới nhưng chỉ dậy những gì Đức Kitô đã rao giảng
Thánh Thần sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy ra Gn 16,13
Như thế Thánh Thần sẽ làm sống lại lời Đức Kitô rao giảng và giải thích ý nghĩa lời Đức Kitô rao giảng. Từ chối đón nhận hướng dẫn của Thánh Thần là từ chối sự thật toàn vẹn. Thế giới chưa hết đau khổ vì từ chối hướng dẫn của Thần Chân Lí Đức Kitô sai đến.
Ơn bình an
Quà tặng thứ hai Đức Kitô tặng cho Kitô hữu là ơn bình an. Ơn bình an đặc biệt mà thế giới không thể có. Ơn đó phát xuất tự trong tâm hồn, bình an nội tâm, bắt đầu từ con tim yêu mến nồng nàn. Ơn bình an có sức mạnh giúp ta đón nhận ơn thống hối, tái nối kết tình bạn đứt đoạn và ban ơn chữa lành qua bí tích hoà giải và thứ tha.
Ơn bình an, Thần Khí Chúa và Chúa Ba Ngôi là những món quà đặc biệt, vô giá Đức Kitô ban cho nhân loại. Những ai đón nhận quà tặng Thiên Chúa trao ban trở thành Kitô hữu, dân riêng của Thiên Chúa.
Kitô hữu đón nhận quà tặng quí giá với tâm tình biết ơn, cảm mến với lòng tạ ơn, trìu mến sẽ tìm được bình an nội tâm và hưởng ơn cứu độ Chúa ban. Ơn đó đến từ Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ngoài ra Kitô hữu còn vui mừng đón nhận một đặc sủng khác nữa đó là vui mừng chào đón Đức Kitô đến lần thứ hai trong vinh quang, đầy uy nghi. Lời nhắn nhủ này gói trọn trong lời hứa ra đi và trở lại của Đức Kitô khi Ngài nói lời giã biệt Gn 14, 3
Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng sẽ ở đó
Nhờ sức mạnh của lòng tin Kitô hữu mong chờ và xác tín ngày Chúa đến trong vinh quang. Ngày tất cả các Kitô hữu đoàn tụ trên thiên quốc.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam