Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 83
Tổng truy cập: 1364620
THIÊN CHÚA LÀ CHA
Thiên Chúa là Cha – Lm Giacôbê Tạ Chúc
Tháng năm có ngày của Mẹ, tháng sáu có ngày của Cha. Cha Mẹ sinh con ra, qua bao tháng năm nhọc nhằn nuôi con khôn lớn. Ôi tình cha nghĩa mẹ bao là thiết tha.
Người công giáo gọi Thiên Chúa là Cha, nhưng trong bóng dáng của người cha đó, vẫn đong đầy tình mẹ chứa chan. Thiên Chúa là Phụ tử và Ngài cũng là Mẫu tử. Lễ Chúa Ba Ngôi diễn tả một cách tròn đầy một Thiên Chúa duy nhất nhưng phong phú trong đa dạng: Ngài là Cha-Con-Thánh Thần. Nơi Ngài vừa là tình yêu của một người Cha, nhưng không hề thiếu vắng tấm lòng bao la của một người Mẹ.
Như ánh mặt trời cùng lúc cho vạn vật ánh sáng, sức nóng dù nó cách chúng ta đến 150 triệu cây số. Thiên Chúa Ba Ngôi hoạt động và mang lại ân sủng cho con người. Chúa Cha tác thành vạn vật, Ngài sai Người Con nhập thể để cứu vạn chúng sinh. Chúa Thánh Thần được Chúa Giê-su sai đến để soi sáng và thánh hóa con người. Thật vậy, từ đầu lịch sử của công trình sáng tạo, Ba Ngôi Thiên Chúa đã cùng hoạt động, với nhau, cho nhau và vì nhau. Mặc dù trong cựu ước, chưa có một sự quả quyết rõ ràng về Thiên Chúa Ba Ngôi, bởi lẽ, não trạng của dân Do Thái là niềm tin độc thần. Hãy tưởng tượng người nhạc sỹ sáng tác một bản nhạc, anh ta viết ở cung đô trưởng, muốn đánh hợp âm đô trưởng cùng một lúc người ta phải kết hợp một loạt ba note: đô-mi-sol. Ba note tạo thành một hợp âm đô trưởng, khi hát lên bản nhạc nghe du dương vô cùng. Niềm tin vào Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi do chính Đức Giê-su truyền dạy. Giáo Hội qua rất nhiều công đồng đã khẳng định một cách xác tín về điều này. Các Công Đồng quan trọng nhất đã định tín về chân lý này là công đồng Ni-xê-a năm 325, Công Đồng Constantinopoli năm 381, công đồng Latran IV năm 1215, công đồng Lion II năm 1274, công đồng Floren năm 1439. Dùng lý lẽ hạn hẹp của mình để đào sâu chân lý về Thiên Chúa là điều khó khả thi, nhất là những ai có ý định đem khoa học để giải thích sự hiện diện của Thiên Chúa thì quả là một điều khó hơn “ mò kim đáy biển”. Cũng giống như một người muốn ôm hết biển cả vào lòng, nhưng khi nhảy vào đại dương và bơi vào trong biển khơi thì ngày càng mịt mù ngăn cách. Chỉ trong niềm tin và tình yêu, chúng ta mới có thể thấy Thiên Chúa không đơn độc, ở Ngài tình yêu làm phát sinh muôn điều thiện hảo, và điều thiện hảo lớn lao quá đỗi là khi Thiên Chúa đã ban chính con một mình cho chúng ta. Tình yêu có Ngôi vị của Ngài là nguồn cảm hứng dạt dào để Thiên Chúa như một họa sỹ tài ba, đã vẽ nên một bức tranh tuyệt vời là vũ trụ và con người, nó không ở thể tĩnh mà luôn động. Một khi đặt con người vào trong vũ trụ, Thiên Chúa muốn bộc bạch cho con người thấy, nơi Ngài, tình yêu chính là điểm phát xuất Mầu Nhiệm Ba Ngôi.
Tuyên xưng đức tin vào Chúa Ba Ngôi là nét đẹp của hiệp nhất trong những khác biệt. Mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai. Nhìn mầu nhiệm Ba Ngôi từ góc cạnh của đức mến, tức là nhìn từ lăng kính của tình yêu. Người tín hữu không biết đến yêu thương thì cũng hoàn toàn xa lạ với Thiên Chúa. Vì “Ai không yêu thì không biết Thiên Chúa". Chỉ những ai dám sống và dám chết cho tình yêu, mới được ở lại trong Thiên Chúa. Chỉ những ai dám tự hiến và trao ban cho anh em mới là những chứng nhân của một Thiên Chúa Tình Yêu.
39.Mầu nhiệm Ba Ngôi
Chúng ta biết do kinh nghiệm cụ thể rằng khi một em bé chào đời trong một gia đình nào đó, thì điều trước tiên em cảm nghiệm chung quanh em là: một tình yêu, một bầu khí âu yếm lan tỏa. Chỉ từ từ em mới gọi tình yêu bao bọc quanh em là ba, là má, là anh, là chị. Tôi nghĩ chúng ta là Kito6 hữu thì cũng phải đi theo một hành trình tương tự đó vào huyền nhiệm Ba Ngôi. Ta cũng được một tình yêu được một bầu khí âu yếm bao bọc. Một tình yêu, một bầu khí lan tỏa nhưng không tên. Nhưng dần dần trong tình yêu đó ta phân biệt được những khuôn mặt để rồi ta bập bẹ gọi tên là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Đó là huyền nhiệm Ba Ngôi một tình yêu qúa phong phú đến độ ta sẽ không bao giờ biết hết được, có kinh nghiệm trọn vẹn được. Cho dù có ai nghiên cứu Kinh Thánh thì có thể khám ra trong đó những giai đoạn lớn của mặc khải về Ba Ngôi Thiên Chúa. Đây chính là cuộc khám phá lớn nhất trong mọi thời đại, mỗi thế hệ Kitô hữu theo một qúa trình thực hiện riêng. Ngày xưa người ta thích nói nhất thể tam vị. Một Thiên Chúa Ba Ngôi nghĩa là người ta muốn nói đến Thiên Chúa thoat ra ngoai định nghĩa, người vượt các định luật toán học. Thánh Augustinô , người đã viết rất nhiều về Chúa Ba Ngôi mà cuối cùng phải thốt lên rằng: Khi người ta nói về Ba Ngôi hẳn là không phải để nói một điều gì đó hơn là để khỏi phải thinh lặng.
Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, cũng như tất cả những mầu nhiệm đặc biệt Kitô giáo, không tự nhiên dễ hiểu đối với những trí tuệ thích lý luận của con người. Mới đây một đứa trẻ đã nói với cha nó rằng: "Ba mà cũng còn tin những chuyện ấy à?". Phản ứng của đứa trẻ này minh họa rõ ràng cái não trạng vụ khoa học mà ta đã bị thấm nhiễm, và não trạng đó có khuynh hướng chủ trương cái gì có thể kiểm nghiệm được, mới được coi là có thật.
Tuy nhiên, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là một trong những mầu nhiệm đáp ứng được những ước mơ thâm sâu nhất của nhân loại. Bí mật của thế giới chúng ta không phải là cái gì trừu tượng, hoặc một sức mạnh vô danh tăm tối, nhưng là một tình thương..., có thể nói được rằng: "đó là nhịp đập của ba trái tim thương yêu nhau" hoặc nói theo ngôn ngữ truyền thống hơn, nhưng cùng một thực tại lạ lùng đó, ta nói: Thiên Chúa là ba ngôi vị, nhưng ba ngôi là một Chúa duy nhất.
Thật vậy, bạn hãy mở sách Tin Mừng bất kỳ trang nào, bạn sẽ thấy rằng Đức Giêsu không khi nào đóng vai giáo sư dạy môn tôn giáo hoặc môn triết học. Người đã không hề giảng bài về Chúa Ba Ngôi. Người cũng không bao giờ nói ra từ ngữ đó. Không! Nhưng đơn giản là Người đã sống. Người đã sống như một người Con.
Như vậy, cách sử sự và những lời của Đức Giêsu đưa ta vào làm quen với "Ba Ngôi" vừa hoàn toàn tách biệt, tuy nhiên, lại vừa hoàn toàn liên kết nên một. Vâng, Đức Giêsu là Đấng luôn "quy hướng về Đấng khác".
Quả thật, trong suốt lịch sử của nhân loại đi tìm kiếm từ tôn giáo, Đức Giêsu và chỉ một mình Đức Giêsu là người đủ bạo dạn để dám nghĩ rằng: Thiên Chúa không phải là Đấng cô đơn, xoay tròn chung quanh mình, giam hãm mình trong một thứ ích kỷ thánh thiêng..., nhưng Thiên Chúa là Đấng khởi nguồn và làm nẩy sinh mối liên hệ yêu thương.
Lạy Chúa, xin cho con luôn xác tin về mầu nhiệm Ba Ngôi để con không nhưng tin mà còn sống và loan báo mầu nhiệm đó cho những người khác. Amen.
40.Thiên Chúa Tam vị nhất thể
(Suy niệm của Lm Giacôbê Tạ Chúc)
Mỗi lần đọc kinh, hay đi tham dự thánh lễ, mỗi người Kitô hữu đều biết làm dấu Thánh Giá trên mình: “Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần, Amen”.
Cách tuyên xưng Mầu nhiệm Ba Ngôi rất đơn giản và rất hiện sinh trong đời sống bình thường khi thờ phượng một Chúa: Cha-Con-Thánh Thần, mà chúng ta đã thể hiện.
Sách Giáo lý công giáo dạy rằng: “Người Kitô hữu được rửa tội” nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Trước khi lãnh nhận Bí tích, họ phải trả lời ba lần “Tôi tin” để đáp lại những câu thẩm vấn về đức tin vào Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Đức tin của mọi Kitô hữu đều dựa trên mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi (số 232). Trong dòng chảy của lịch sử cứu độ, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi chỉ được tỏ tường trong những lời dạy của Đức Kitô: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Chúa Giêsu luôn khẳng định Ngài làm theo ý của Cha, và Ngài với Cha là một. Cuộc vượt qua của Chúa Giêsu không phải là một dấu kết của một bản nhạc mà là khởi đầu của một sáng tác mới trong Thần Khí của sự thật: “Thầy sẽ xin cùng Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14, 16). Rõ ràng Chúa Giêsu là một Mạc khải trọn vẹn về một Thiên Chúa duy nhất-Ba Ngôi. Chúa Cha là tình yêu, mà tình yêu thì phải có đốii tượng để trao ban, đối tượng đó chính là Chúa Giêsu. Tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con là một tình yêu trao dâng và hướng về. Tình yêu ấy đạt trọn vẹn dưới tác động của Thần Khí, hay tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con nhiệm sinh Chúa Thánh Thần. Bức Icône “Ba Ngôi” của Rubliov đạt tới mức kỳ diệu của ảnh đạo, khi ông diễn tả một khía cạnh thâm sâu của Mầu Nhiệm Ba Ngôi: Ba Ngôi hòan tòan hướng về nhau. Như thế Thiên Chúa không cô độc trong Mầu Nhiệm Ba Ngôi. Từ tình yêu giữa các Ngôi vị, mà Thiên Chúa đã tác thành con người để chia sẻ tình yêu cho chúng ta. Ba Ngôi vị hướng về nhau trọn vẹn, kết hợp với nhau và là Một với nhau. Ba Ngôi vị có cùng Bản Thể với nhau nhưng không phải là một Bản Thể đóng kín, một Bản Thể cá vị, mà là một Bản Thể mở rộng. Nhờ thế mà con người được đưa vào trong chính cung lòng của Ba Ngôi Huyền Nhiệm.
Tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi không là một trạng thái Tĩnh, nhưng luôn ở dạng Động. Tham dự vào đời sống Ba Ngôi, đó là nền tảng của sự hiệp thông trọn vẹn vào đời sống của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Mỗi lần cử hành mầu nhiệm vượt qua, chúng ta tiến tới cuộc khổ nạn và Phục sinh vinh hiển nhờ Đức Kitô, trong Chúa Thánh Thần, tiến tới Chúa Cha (per Christum in Spiritu Sancto ad Patrem).
41.Chúa Ba Ngôi
Các nhà thần học cổ điển đã thường tranh luận với nhau về vấn đề tương quan giữa tin và hiểu. Tin trước hiểu sau hay là hiểu trước rồi mới tin sau, đó là hai chiều kích luôn song hành với nhau. Đức tin tìm được sự hiểu biết hay là hiểu biết tìm đến đức tin. Thật ra, hiểu rồi tin hay tin rồi mới hiểu là hai chiều kích không thể thiếu được trong sinh hoạt của con người. Một con người có trí khôn để hiểu biết, nhưng lại là một trí khôn có giới hạn. Tin và hiểu, hiểu rồi tin cần bổ túc cho nhau luôn mãi trong cuộc sống nhân bản của con người cũng như trong cuộc sống Kitô.
Trước mầu nhiệm Thiên Chúa vô cùng cao cả được mạc khải cho con người hữu hạn thì yêu cầu phải hiểu rồi mới tin, có thể là một yêu cầu của con người tự phụ, tự kiêu. Nhưng ngược lại, nếu chỉ muốn tin mà không cần hiểu biết gì cả thì cũng dễ dàng rơi vào trong sự mù quáng khó tin.
Trước mầu nhiệm của mọi mầu nhiệm, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi mà chúng ta mừng lễ Chúa nhật hôm nay, nếu cứ xoay quanh vấn đề tin và hiểu thì có lẽ chúng ta sẽ không đi đến đâu cả.
Chúa Giêsu đã áp dụng phương pháp đặc biệt khác đối với các tông đồ để mạc khải cho các ngài về mầu nhiệm Thiên Chúa, đó là kinh nghiệm sống cao độ giữa Chúa Giêsu và các tông đồ mà cao điểm là kinh nghiệm Chúa Phục sinh và biến cố Chúa Thánh Thần Hiện xuống để hướng dẫn các ông tiến sâu vào trong mầu nhiệm của Thiên Chúa. Các tông đồ cần sống với kinh nghiệm sống với Chúa Giêsu và cần Chúa Thánh Thần hướng dẫn để có thể đi sâu vào trong mầu nhiệm Thiên Chúa này, và khám phá ra mầu nhiệm Thiên Chúa đó không phải một Thiên Chúa đơn độc, nhưng là một Thiên Chúa phong phú gồm cả Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần.
Khi mời theo Chúa và cả khi gần kết thúc cuộc đời theo Chúa trên trần gian, các tông đồ đã không hiểu gì cho lắm về mầu nhiệm Thiên Chúa như được Chúa Giêsu mạc khải. Các ngài còn tranh tụng với nhau về địa vị lớn nhỏ, muốn ngồi bên hữu, bên tả của Chúa. Tranh tụng với nhau về lúc nào sẽ thiết lập lại vương quốc cho dân tộc Israel và tranh tụng với nhau biết bao chuyện thường tình khác nữa của con người trần tục.
Kinh nghiệm sống của các ông với Chúa Giêsu chắc có lẽ sẽ không đi đến đâu, sẽ không phát sinh hiệu năng làm các ông trở thành chứng nhân cho Chúa, bao lâu các ông chưa hiểu mối liên hệ nào giữa cuộc đời của các ông với cuộc đời của Chúa Giêsu: Theo Chúa để làm gì? Và có ích gì cho cuộc sống?
Hành động của Chúa Giêsu Phục sinh ban Chúa Thánh Thần xuống trên các tông đồ có thể nói là hành động cuối cùng để hoàn tất công cuộc mạc khải mầu nhiệm Thiên Chúa, để đưa các tông đồ vào mầu nhiệm Thiên Chúa mỗi ngày một sâu xa hơn. Chúa Thánh Thần sẽ dẫn đưa chúng con đến vào trong mầu nhiệm Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần sẽ đến để dẫn đưa chúng con vào trong sự thật mỗi ngày một trọn vẹn hơn, sâu xa hơn.
Đó là điều mà chúng ta nghe được trong bài Phúc âm hôm nay, một đoạn trích ngắn từ bài diễn văn dài của Chúa Giêsu cho các tông đồ trong bữa Tiệc Ly. Đó là con đường tương quan sống động giữa Thiên Chúa và con người. Nếu mất đi hay không có mối tương quan này thì e rằng những đồ đệ của Chúa ngày xưa cũng như chúng ta hôm nay sẽ chỉ là những kẻ mang danh hiệu là người Kitô, người Công giáo trống rỗng, không có nội dung, không có cuộc sống thánh thiện chi cả.
Tiếp xúc hằng ngày với Chúa Giêsu, các tông đồ cảm nghiệm được rằng, mầu nhiệm Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mạc khải trước mắt các ông qua lời giảng dạy và qua những dấu lạ Chúa làm là một mầu nhiệm rất phong phú về Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần, luôn luôn hiệp nhất với nhau và luôn luôn yêu thương con người, muốn biến đổi con người để con người sống yêu thương hiệp nhất với nhau và với Thiên Chúa.
Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần có một ý định rõ ràng là mời gọi các ông, mời gọi những con người đi theo Ngài hãy cộng tác vào chương trình hành động của Thiên Chúa trong lịch sử, để tình thương Thiên Chúa được hiện diện mãi trong con người.
Mừng lễ Thiên Chúa Ba Ngôi hôm nay, chúng ta hãy vượt qua sự tò mò ý thức của trí khôn con người, một trí khôn có giới hạn nhưng lại tự kiêu, không chấp nhận giới hạn, muốn đặt vấn đề về tất cả mọi sự và thắc mắc tại sao Thiên Chúa có một mà lại có ba ngôi? Chúng ta hãy vượt qua sự tò mò ý thức này để kiểm điểm lại mối tương quan sống động giữa ta với Thiên Chúa hiện nay. Mối tương quan đó như thế nào rồi? Đang sinh sống tốt tươi hay đã héo hon. Xin Chúa giúp chúng ta thiết lập lại mối tương quan này, cảm thấy được Thiên Chúa hiện diện trong đời sống chúng ta và xác tín về tình yêu của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta, và để cho tình yêu đó biến mọi người chúng ta mỗi ngày trở nên chứng nhân cho Ngài giữa anh chị em.
Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa, Ba Ngôi Thiên Chúa của tình yêu thương, xin gìn giữ chúng con trong tình yêu mãi mãi và biến mỗi người chúng con trở nên những chứng nhân làm chứng cho tình yêu này. Xin Chúa thương gìn giữ chúng con trong đức tin mà giờ đây chúng con cùng nhau tuyên xưng qua Kinh Tin Kính.
42.Mầu nhiệm
Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm thâm sâu, cao cả nhất, vì là chính đời sống nội tại của Thiên Chúa, và đây cũng là mầu nhiệm trung tâm và nền tảng của các mầu nhiệm khác. Bởi vì các mầu nhiệm khác như Nhập Thể, Cứu Chuộc, Sống Lại, Lên Trời, Hiện Xuống đều đặt nền tảng trên mầu nhiệm này, hoặc chỉ hiểu được nhờ mầu nhiệm này. Nhìn vào lịch sử cứu chuộc, chúng ta thấy rõ ràng có Ba Ngôi hoạt động: Chúa Cha sai Con mình xuống trần cứu thế, Chúa Con sinh làm người thực hiện ý định cứu chuộc của Chúa Cha. Rồi Chúa Thánh Thần được cả Chúa Cha và Chúa Con gửi đến để trợ giúp và thánh hóa mọi người và mỗi người hoàn thành ơn cứu chuộc của mình.
Như vậy, khi dạy cho chúng ta biết công cuộc cứu chuộc của Ngài, Thiên Chúa đồng thời cũng dạy cho chúng ta biết về Ba Ngôi nơi Thiên Chúa. Chúng ta chỉ có thể biết được mầu nhiệm này nhờ Thiên Chúa trực tiếp mạc khải. Tuy nhiên, mầu nhiệm Ba Ngôi rất khó hiểu. Con số 1, 2, 3 là để đếm đo. Mà đã đếm đo thì phải là những gì hữu hình, có lượng, có chất thì mới đếm đo được. Thiên Chúa vô hình, thiêng liêng, không lệ thuộc vào không gian và thời gian như chúng ta, thì làm sao đo đếm được. Mặc dầu mầu nhiệm này đã được chính Chúa Giêsu dạy bảo qua ngôn ngữ của loài người, nhưng vẫn là chuyện khó hiểu. Tuy nhiên, khó hiểu mà không nghịch lý.
Đọc Kinh Thánh, chúng ta thấy có Ba Ngôi. Ba Ngôi thật sự phân biệt nhau, khác nhau, nhưng Ba Ngôi chỉ có một bản tính duy nhất là bản tính Thiên Chúa, nên chỉ có một Thiên Chúa thôi. Ngôi Cha và Ngôi Con là một: một bản tính, một quyền năng như Chúa Giêsu đã quả quyết: “Cha Ta và Ta là một”. “Cha Ta làm sao thì Ta làm y như vậy”, “Ai thấy Ta là thấy Chúa Cha”. Ngôi Ba và Ngôi Hai cũng là một, như Chúa Giêsu đã nói: “Chúa Thánh Thần sẽ đến từ Cha và Ta. Người chỉ nói những gì nghe biết bởi Chúa Kitô”, “Ai nói dối Chúa Thánh Thần thì cũng nói dối chính Thiên Chúa”. Những điều trên cho chúng ta biết: Ba Ngôi đồng bản tính với nhau, nếu không đồng bản tính thì không thể có sự liên hệ và lệ thuộc mật thiết giữa Ba Ngôi như vậy được.
Trong cuộc đời trần thế này, nơi chúng ta còn đang bước đi trong đức tin, chúng ta không thể hiểu được hết, được nhiều về một mầu nhiệm cao cả và thâm sâu như vậy. Chúng ta chỉ hiểu được phần nào trong giới hạn chật hẹp của trí tuệ con người và qua những hình ảnh tương đối, bất toàn, mượn nơi thế giới loài người, như hình tam giác đều, ba tài năng của con người: hiểu, nhớ và muốn. Ba giai đoạn của thời gian: quá khứ, hiện tại và tương lai. Điện có sức làm chuyển động, đốt nóng và soi sáng… Chúng ta dùng kiểu nói nào hay hình ảnh nào để diễn tả thì cũng chỉ là tương đối vậy thôi, vì ngôn ngữ loài người không thể diễn tả hết được, như có người đã nói: “Đố ai định nghĩa được tình yêu”, phương chi là nói tới Thiên Chúa Ba Ngôi.
Có một câu chuyện kể rằng: một hôm, khi suy nghĩ về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, thánh Âu Tinh, trong một thị kiến, nhìn thấy mình đi bách bộ trên bãi biển. Bên bờ đại dương bao la, ngài nhìn thấy một em bé chơi một trò chơi kỳ lạ. Em đào một lỗ nhỏ giữa cát trắng, và dùng một cái vỏ sò múc nước biển đổ vào lỗ ấy. Cho đến bao giờ em mới múc được hết nước đại dương đổ vào cái lỗ nhỏ ấy? Không thể làm được. Thì ra đó là một thiên thần từ trời xuống dạy cho nhà tiến sĩ Âu Tinh một bài học về Thiên Chúa Ba Ngôi: đừng hòng dùng lý trí để mà tìm hiểu bản thân của Thiên Chúa vô hình và siêu việt, người ta chỉ có thể dùng con tim để mà tiếp xúc và hiệp thông mà thôi.
Thế nên, chúng ta hãy xin Thiên Chúa cho lòng chúng ta được khiêm tốn. Đừng bao giờ điên rồ đòi “giải quyết vấn đề Thiên Chúa”, đứng mất công bóp trán hòa hợp số 1 với số 3, vì Thiên Chúa không phải là một vấn đề hay một bài toán để chúng ta giải quyết. Nếu Thiên Chúa nằm trong sự giải quyết của con người thì không còn phải là Thiên Chúa nữa, mà chỉ là sản phẩm do trí óc chật hẹp của con người tạo ra. Nhưng đâu phải trí óc chúng ta tạo nên Thiên Chúa, chính Thiên Chúa đã tạo nên trí óc chúng ta.
Xin đề nghị một điều, hay đúng hơn là nhắc lại một điều, bởi vì điều này chúng ta đã và đang làm rồi, đó là làm dấu thánh giá. Mỗi lần làm dấu thánh giá là một lần chúng ta biểu lộ lòng tôn kính và tuyên xưng đức tin vào Chúa Ba Ngôi. Điều muốn nói ở đây là chúng ta hãy làm dấu thánh giá mỗi khi có thể và nhất là làm nghiêm trang, tôn kính, đúng vị trí từng ngôi trên trán, trên ngực và trên hai vai đàng hoàng, chứ đừng làm ẩu, vội vàng như đuổi ruồi muỗi hay vẽ bùa, vừa bất kính vừa không ích lợi gì. Ước mong từ nay, trước khi làm một việc gì, chúng ta hãy làm dấu thánh giá với tất cả ý thức và niềm tin: Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Amen.
43.Ba Ngôi: mầu nhiệm
Trong cuộc sống, có nhiều điều lạ lùng mà trí khôn con người vẫn không bao giờ hiểu thấu nổi. Để diễn tả các điều khó hiểu của cuộc sống, cha ông ngày xưa mới đố nhau:
Đố ai biết lúa mấy cây, Biết sông mấy khúc, Biết mây mấy tầng.
Đố ai quét sạch lá rừng, Để ta khuyên gió, Gió đừng rung cây.
Nhưng tất cả mọi điều khó hiểu trong cuộc sống con người có lẽ tình yêu là khó hiểu nhất. Vâng, chỉ nguyên định nghĩa tình yêu thôi cũng đủ để hao tổn bao công sức và giấy mực, qua các thời đại mà vẫn không có được một định nghĩa diễn tả trọn vẹn ý nghĩa. Và vì không có được một định nghĩa như vậy nên người ta mới coi tình yêu như là mầu nhiệm vậy.
Nhưng tình yêu ấy có đáng là gì so với các mầu nhiệm của Thiên Chúa, mà trong các mầu nhiệm của Thiên Chúa thì mầu nhiệm Một Thiên Chúa Ba Ngôi mà ngày hôm nay chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội mừng kính là mầu nhiệm cao cả nhất, khó hiểu nhất trong Giáo Hội Công giáo chúng ta. Như sách giáo lý của Giáo Hội khẳng định: “Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu. Bởi vì đây là mầu nhiệm về đời sống nội tại của Thiên Chúa mà cũng là mầu nhiệm của Thiên Chúa “cho chúng ta” “.
Vậy vấn đề đặt ra cho chúng ta ở đây đó là phải hiểu và đón nhận mầu nhiệm Một Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm quá cao siêu này như thế nào.
Khi nói đến mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, có người thì chấp nhận một cách thụ động, coi như một sự thật hiển nhiên không cần tìm hiểu thêm, người khác thì cố gắng dùng những hình ảnh cụ thể để so sánh chân lý cao siêu này hầu dễ được tin nhận hơn như ngọn lửa của que diêm, cả ba đặc tính: sáng, nóng và cháy xuất hiện cùng một lúc và không thể tách rời nhau, hoặc với một tam giác đều có ba cạnh, ba góc bằng nhau. Nhưng tốt hơn hết, chúng ta tuyên xưng: đây là mầu nhiệm đức tin, nghĩa là chúng ta đón nhận trọn vẹn chân lý ấy nhờ tin vào mạc khải của Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người. Bởi vì nếu không có Thiên Chúa mạc khải, thì chúng ta không biết gì về Ba Ngôi, việc nhập thể của Con Thiên Chúa hay sứ mạng của Chúa Thánh Thần. Như thánh Gioan tông đồ vào cuối đời mình, khi suy niệm về cuộc đời, cái chết và sự Phục sinh của Đức Giêsu mới định nghĩa được “Thiên Chúa là tình yêu”. Thiên Chúa là tình yêu tức là tự chính nơi Thiên Chúa là yêu thương và là nguồn gốc của mọi tình yêu.
Vâng, chính vì tình yêu mà Chúa Cha sinh ra Chúa Con; đã trao cho Chúa Con tất cả, ngay chính bản thân mình, như trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, chính Đức Giêsu khẳng định rõ ràng: “mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy”. Và Chúa Cha yêu Chúa Con đến nỗi luôn ở trong Chúa Con, hiệp thông làm một với Chúa Con. Nên khi tông đồ Philipphê tha thiết muốn được xem thấy Chúa Cha, Đức Giêsu đã trả lời ngay: “Ai thấy Thầy là thấy Cha. Anh không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy sao?” Và chính sự kết hợp giữa Chúa Cha và Chúa Con nhiệm xuất ra một tình yêu, tình yêu ấy lại là một ngôi vị, đó là Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là luồng tình yêu từ Chúa Cha đến Chúa Con và từ Chúa Con đến Chúa Cha, là sức mạnh tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con. Vì thế, trong Ba Ngôi luôn có một sự đón nhận, trao hiến và hiệp thông tình yêu vĩnh cửu trong một Thiên Chúa duy nhất.
Quả thực, tình yêu nào cũng muốn bộc lộ, muốn hiệp thông, muốn trao hiến, người yêu nào cũng muốn tỏ tình thì đối với tình yêu Thiên Chúa chúng ta còn mạnh mẽ gấp bội. Qua công trình sáng tạo Thiên Chúa muốn vũ trụ vạn vật và con người hiệp thông với Ngài để đón nhận tình yêu và sự sống. Ngay cả khi con người sa ngã, chối từ lòng thương ấy thì Thiên Chúa “vì lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi” nên “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một cho thế gian”. Người Con Một ấy chính là Đức Giêsu. Qua Đức Giêsu mà chúng ta thấy được bộ mặt của Thiên Chúa, Ngài đã dạy cho chúng ta biết thế nào là yêu thương. Qua kiếp sống làm người, qua cái chết đau thương, Ngài muốn tỏ ra cho nhân loại thấy rằng Ba Ngôi Thiên Chúa rất yêu thương chúng ta. Đặc biệt qua biến cố Phục sinh của Đức Giêsu chính Chúa Thánh Thần, Đấng là tình yêu hiệp thông vừa nối kết Đức Giêsu lại với Chúa Cha, làm cho Đức Giêsu làm một với Chúa Cha vừa nối kết nhân loại với Thiên Chúa và với nhau. Và vì yêu thương cho đến cùng, nên Giáo Hội là Dân Thiên Chúa được sinh ra từ tình yêu của Chúa Cha, được Chúa Con thiết lập, được nuôi dưỡng và hoàn tất nhờ Chúa Thánh Thần để qua sự hiện diện của Giáo Hội như một dấu chứng tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại luôn mãi.
Đối với Giáo Hội, qua bao thời đại vẫn không ngừng thể hiện căn tính của mình cho nhân loại thấy mình vừa là dấu chứng tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại, vừa hiệp thông với Thiên Chúa trong tình yêu, đặc biệt qua đời sống phụng vụ, như Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế về Giáo Hội đã trích lại câu mấu chốt của thánh Cyprianô rằng: “Giáo Hội phổ quát xuất hiện như một dân tộc hiệp nhất do sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.
Mừng lễ Thiên Chúa Ba Ngôi hôm nay, chúng ta nhận thấy nếu Thiên Chúa là tình yêu và con người đã được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa thì một cách tất yếu phẩm giá của con người đã được xây dựng trên tình yêu. Vì thế, ai chối bỏ tình yêu, gieo rắc hận thù thì người đó đã chối bỏ con người và do đó cũng chối bỏ Thiên Chúa. Trái lại “Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy”.
Hôm nay Thiên Chúa Ba Ngôi đang dùng tiếng nói của Giáo Hội mời gọi mỗi người chúng ta hãy sống hiệp thông trong tình yêu của Ngài hơn nữa. Cụ thể là thành viên trong gia đình mỗi người chúng ta xem đã hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi để đón nhận và thể hiện tình yêu của Ngài như thế nào? Rồi, giữa vợ chồng với nhau, giữa cha mẹ với con cái và giữa anh chị em với nhau đã thực sự yêu thương nhau góp phần làm cho gia đình mình trở nên dấu chỉ và hình ảnh sống động của sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa tình yêu nơi trần gian hay chưa?
Nếu Thiên Chúa Ba Ngôi mà chúng ta tôn thờ là nguồn mạch tình yêu đã trao ban tình yêu qua chương trình cứu độ và sẵn sàng đón nhận mọi người hiệp thông với Ngài, thì Ngài cũng đang mong chờ thái độ đáp trả của chúng ta, một thái độ biết đón nhận, trao hiến và hiệp thông tình yêu với Ngài và với anh em đồng loại.
Trong thánh lễ này chúng ta cùng cầu xin Chúa Thánh Thần, Đấng là tình yêu hiệp thông luôn hướng dẫn đời sống mỗi người chúng ta, mỗi gia đình chúng ta, giúp chúng ta biết lắng nghe và thực hành lời của Chúa Giêsu để cùng với việc can đảm tuyên xưng niềm tin của mình vào Thiên Chúa Ba Ngôi như qua việc làm dấu thánh giá, cầu nguyện, tham dự thánh lễ, chúng ta biết sống bác ái yêu thương trong gia đình, khu xóm, cộng đoàn của mình, để xứng đáng là những nghĩa tử của Chúa Cha và luôn được sống hiệp thông trong tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa.
44.Lễ Chúa Ba Ngôi
Cùng với Giáo Hội, hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Ba Ngôi. Dịp này cũng giúp cho chúng ta thấy rõ hơn về tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi đối với loài người. Khi chiêm ngắm Một Chúa Ba Ngôi, chúng ta có những cảm nghiệm về tình yêu của Ngài như sau.
Thứ nhất: Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm. Sách giáo lý Công giáo dạy rằng: "Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo và đời sống Kitô giáo. Đó là nguồn mạch của tất cả các mầu nhiệm khác của đức tin. Đó là giáo huấn căn bản nhât và chủ yếu nhất trong "Phẩm trật các chân lý của đức tin" (GLCG 134). Thật thế, Ngài là một thực tại giống như không khí chúng ta đang hít thở để bảo tồn sự sống. Ba Ngôi Thiên Chúa là một mầu nhiệm gống như mầu nhiệm của sự sống. Bất kỳ sự sống nào không liên kết chặt chẽ với Thiên Chúa đều vô nghĩa. Và trống rỗng. (Ga 15, 4; 1Cr 13,1-3). Do đó, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi nhắc nhở chúng ta biết rằng Thiên Chúa đang hiện hữu, điều khiển và nâng đỡ từng giây phút của mọi sinh hoạt vạn vật và nhân sinh trên vũ trụ.
Thứ hai: Thiên Chúa Ba Ngôi là một liên hệ yêu thương. Lịch sử cứu rỗi nhân loại là cuộc gặp gỡ tình yêu giữa Thiên Chúa và con người. Trong Tân Ước, các Tông Đồ mới gặp gỡ Chúa Giêsu, họ đã thấy Ngài là một Con Người tuyệt hảo, đầy thu hút. Họ đem lòng yêu mến, "un coup de foudre" bỏ mọi sự bước theo Ngài (Mc 1, 16-20; Mt 4, 18-22). Dần dần qua sự liên hệ thân mật giữa Chúa Giêsu và các Tông Đồ, Ngài cho họ biết những điều bí mật về Thiên Chúa Cha, về chính Ngài là Thiên Chúa Con, và về Đức Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4, 6). Và sự liên hệ là: "Ta và Chúa Cha là một" (Ga 10, 30).
Là môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi để chia sẻ sự sống và tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Tất cả cuộc sống Kitô hữulà sự liên đới và hiệp thông với mỗi ngôi vị của Ba Ngôi, mỗi người Kitô hữu là đền thờ cho Thiên Chúa ngự trị: " Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy, Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy" (Ga 14, 23). Nên chúng ta cần bày tỏ sự kính trọng và yêu thương đối với mọi người chúng ta gặp gỡ. Sự kính trọng và yêu thương như những cơn mưa tưới nước xuống vườn hoa. Khi mưa rơi trên những cây hoa, nó sẽ nở bông, khi con người được cư xử với sự kính trọng và yêu thương, họ cũng sẽ nở hoa, vì có ân sủng của Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị nơi họ.
Thứ ba là Thiên Chúa Ba Ngôi chính là Sự Thật. Thiên Chúa Ba Ngôi chính là sự thật mà mỗi người phải dựa trên đó để sống có ý nghĩa và được cứu rỗi. Yêu mến Thiên Chúa là sống trong sự thật, và chỉ có sự thật mới giải thoát đuợc con người (Ga 8, 32). Chúa Giêsu đã nói: "Ta là đường, là sự thật, và là sự sống" (Ga 14, 6). Đức Chúa Cha đã sai Chúa Con đến để dẫn đưa con người về với sự thật của ơn cứu rỗi mà Ađam và Eva đã bị ma quỷ lừa dối (Rm1, 20; Ep 1, 3). Và chính Đức Chúa Giêsu đã gọi Chúa Thánh Thần là Thần Khí Sự Thật: "Khi nào Thần Khí Sự Thật đến,Ngài sẽ hướng dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn" (Ga 16, 13; 14, 17; 15, 26)
Khi chúng ta xum họp nơi đây để chúc tụng và Tôn vinh Chúa Ba Ngôi, chúng ta chấp nhận rằng đây là một mầu nhiệm, một chân lý không ai có thể hiểu được giảng giải được. Chúng ta biết đó là sự thật, vì Chúa Giêsu đã nói với chúng ta về Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta đón nhận, tin, vì Chúa Giêsu đã dạy, chúng ta tôn vinh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là nguồn mọi sự thiện hảo.
Chúa Ba Ngôi là ngôi vị sống động, thông biết và yêu thương.
Thiên Chúa là tình yêu. Chúng ta là con cái của Người nên chúng ta đi trong đường lối của Người, tín thác hoàn toàn và yêu thương như Ngài đã yêu.
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, xin giúp chúng con biết yêu thương và sống chứng nhân về tình yêu mà Ngài dành cho chúng con. Amen.
45.Ba Ngôi: Ý nghĩa
Đức tin không phải là một thứ tự kỷ ám thị. Đây là ân sủng của một sự gặp gỡ mầu nhiệm với một Đấng nào đó. Nó ở bên ngoài mọi lý lẽ và cảm xúc, nhưng lý lẽ và cảm xúc cũng có thể hiện diện. Chúng ta có thể hiểu Thiên Chúa bằng trí óc và bằng giác quan. Thật vậy bằng toàn bộ con người chúng ta. Chúng tôi không nói về một xác tín của trí tuệ, mà về một cảm thức về Thiên Chúa – một cảm giác. Đó là một kinh nghiệm tuyệt vời làm sao.
Nhà văn Nga, Tolstoy kể lại câu chuyện một đêm kia, ông đang cầu nguyện Thiên Chúa trong giường ngủ của ông trước một ảnh Đức Bà Đồng Trinh của Hy Lạp. Ngọn đèn đêm đang cháy. Kế đó ông ra ngoài ban công. Đêm tối đen như mực, và bầu trời đầy sao – sao mờ, sao sáng, một đám sao hỗn độn. Có một vẻ lóng lánh trên bầu trời, và trên địa cầu có những bóng đêm và hình dáng những cây khô. Ông nói: “Đó là một đêm kỳ diệu. Làm thế nào mà người ta không tin vào linh hồn bất tử khi người ta cảm thấy sự vĩ đại vô biên như thế trong bản thân mình? Tôi có thể chết. Và tôi nghe một tiếng trong nội tâm nói với tôi: Người đấy, ông hãy bái quì Người và thinh lặng”.
Người nào có cảm giác về Thiên Chúa và về sự hiện diện của Người trong đời sống, người ấy thật hạnh phúc. Đó là tài sản duy nhất đang có. Như một người đã nói: “Tôi không cần tin Ngài. Vấn đề đức tin không còn quan trọng nữa. Tôi biết chính điều ấy”.
Khi người ta biết một điều gì, thật sự biết một cách thâm sâu trong tâm hồn họ. Người ta không cần biện luận hoặc chứng minh điều đó. Họ biết đúng điều đó và như thế là đủ. Đức tin thật sự là một ơn của Thiên Chúa. Người ta tin với tâm hồn dù không biết tại sao hoặc cũng không tìm kiếm sự hiểu biết. Một sự chắc chắn thân thiết đổ đầy tâm hồn người ta cũng đủ.
Khi chúng ta có một cảm thức về sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới, chúng ta không còn cảm thấy lẻ loi cô độc trong thế giới. Chúng ta có thể nhìn thấy với sự thán phục và yêu thương mọi tạo vật như là công trình của một Đấng Nghệ Nhân là bạn của chúng ta.
Cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới là một phúc lành cao cả, nhưng cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa chúng ta là một phúc lành còn cao cả hơn. Suốt đời, thánh Âu Tinh đã học theo điều đó. Ngài viết:
“Ôi Đấng toàn mỹ từ muôn đời cho đến muôn đời, con đã yêu Chúa chậm trễ, vâng, con đã yêu Chúa chậm trễ. Chúa ở bên trong con, nhưng con ở bên ngoài, và tìm kiếm Chúa ở nơi bên ngoài ấy. Và thật vô duyên, con đắm chìm trong những sự vật khả ái mà Chúa đã tạo dựng. Chúa ở với con, mà con không ở với Chúa. Những vật thụ tạo giữ con xa cách Chúa; tuy rằng nếu chúng không ở trong Chúa thì chúng sẽ không còn hiện hữu. Tại sao con lại cầu xin Chúa đến với con khi mà nếu Chúa không ở với con, con sẽ không còn hiện hữu”.
Chúng ta gặp Thiên Chúa không phải chỉ trong thế giới bên ngoài chúng ta nhưng trong thế giới bên trong chúng ta, và thấy rằng Người gần gũi chúng ta hơn là chúng ta vẫn nghi ngờ. Người tham dự vào chúng ta như lời thánh Phaolô đã nói: “Chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu”.
Thiên Chúa hiện diện ở khắp mọi nơi dù không rõ ràng ở nơi nào. Người giống như một nhà viết tiểu sử mà công việc là kể lại câu chuyện trong lúc ông vẫn đứng ở hậu cảnh.
Đối với nhiều người, sự im lặng của Thiên Chúa là một vấn đề lớn. Nhưng “Một Thiên Chúa ồn ào và hiển nhiên sẽ là một bạo chúa áp bức, không an toàn thay vì là một sự động viên không giới hạn đối với bản chất yếu đuối và hay sợ sệt của chúng ta. Câu đáp lại của Người hòa nhập vào cuộc hành trình dài, gồm những sự kiện to lớn của đời sống, xâu thành chuỗi xuyên suốt mọi vật” (John Updike).
Thiên Chúa là Đấng duy nhất mà chúng ta qui phục nhưng không bị mất chính mình.
46.Thiên Chúa trổi vượt trên cha mẹ trần thế
(Suy niệm của Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)
Trong phòng xử án Toà án nhân dân Thành phố Hồ chí Minh sáng ngày 16-8-1996, ngay ở hàng ghế đầu, suốt những giờ xét xử của Hội đồng xử án, một người đàn bà với đôi mắt ướt đẫm nước mắt, cứ nhìn đăm đăm vào chiếc lưng của bị cáo đang đứng trước vành móng ngựa. Đó là chiếc lưng của đứa con đầu lòng của bà trong chiếc áo tù, và có in ký hiệu "AB". Cho đến khi công tố viên đọc xong lời buộc tội và đề nghị mức án "hai mươi năm tù vì tội giết người" bà bỗng nấc lên một tiếng rồi ngất xỉu. Bà ngất xỉu có lẽ vì bà chịu đựng không nổi mức án dành cho con bà: 20 năm tù vì cái tội giết người; mà người nó định giết không ai khác hơn là chính bà. Bà là mẹ của bị cáo và cũng chính là người bị hại!
Hơn một năm trước đây, vào ngày 16 tháng 7, 1995, chính nó đã cầm một thanh gỗ tròn dài nửa mét đánh vào đầu bà, rồi cầm một con dao đâm vào ngực bà. Người đầm đìa máu bà ngã xuống ngất xỉu - vì con. Hôm nay bà lại ngã xuống, ngất xỉu... cũng vì con.
Con bà - Lương Quốc Tuấn, sinh năm 1976, ở quận 11, làm thợ cửa sắt. Từ khi lên 5 tuổi, cha của Tuấn đã bỏ mẹ con Tuấn đi sống với người khác. Mẹ của Tuấn lặn lội nuôi hai đứa con thơ lớn lên. Thế mà... Sáng hôm đó, chúa nhật, Tuấn dậy trễ. Tuấn hỏi xin mẹ mấy ngàn ăn hủ tiếu. Mẹ Tuấn không cho, bảo lấy mì ăn liền nấu ăn. Tuấn khai trước toà: "Mẹ nói từ ngày quen con nhỏ đó thân ốm nhom ốm nhách, không tiền không bạc... mẹ không cho tiền còn nói nọ nói kia..." Thế là Tuấn đã làm cái điều mà có lẽ nghe đến, ai cũng phải thấy rợn cả người: đnh, giết mẹ!
Với 10 vết thương, chỉ có hai vết ở tay, còn lại toàn ở đầu và ngực nhưng khi từ bệnh viện sau sáu ngày điều trị trở về, bà lại ráng sức để xách đồ ăn vào thăm con đang bị giam trong tù! Sợ con bị đưa ra toà, bà đã viết giấy bãi nại xin xóa tội cho con. Và trước toà, bà cứ khóc nói: "Từ nhỏ đến khi lớn nó ngoan lắm. Nó không uống rượu, không hút thuốc, xin toà giảm tội!" Rồi bà nức nở tỏ ra ray rứt, ân hận, trách mình: "Tôi không nuôi nó ăn học đến nơi đến chốn. Nó phải đi làm sớm, lúc học xong lớp 8." Hoàn toàn bà không hề nhắc gì đến cái tội tày trời mà đứa con của mình đã mắc phải.
Bên trong phòng xử án, khi bà tỉnh lại, phóng viên Hoàng Chức Nguyên đến xin hỏi chuyện bà, bà lại khóc nói: "Tôi không nói được gì đâu, đau đớn quá." Khi có các phóng viên đến chụp ảnh con bà đang bị một tay còng vào ghế, bà van nài: "Xin đừng chụp ảnh con tôi..." Khi những người công an còng hai tay con bà giải đi, bà đã lao người với theo, bà ngã trong vòng tay của người quen. Lúc ấy phóng viên lại thấy rất rõ một vết thẹo trên trán bà. Vết thẹo do chính tay con bà cầm một thanh gỗ đập vào để lại... (theo Tuổi Trẻ 17-8-1996, trang 2).
Chắc không ai lại không bị đánh động do câu chuyện vừa kể. Một đàng là khối tình quá lớn nơi người mẹ, đàng khác là điều gì đó hơn là sự vô ơn bạc nghĩa về phía người con, có khi những con vật không xử sự với mẹ chúng cách tàn nhẫn đến như vậy! Nhưng như vậy lại càng làm nổi bật khối tình trước sau như một, vô điều kiện và cho không nơi người mẹ. Thử hỏi do đâu mà người mẹ có được thứ tình yêu cao cả đến như thế? Ta nên để ý về lời cắt nghĩa của sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo về vấn đề này liên quan tới Thiên Chúa Ba Ngôi như sau:
"Khi gọi Thiên Chúa là "Cha", ngôn ngữ đức tin chủ yếu muốn nêu lên hai khía cạnh: Thiên Chúa là nguồn gốc đầu tiên của mọi sự và là Đấng uy quyền siêu việt, đồng thời là Đấng nhân hậu yêu thương chăm sóc mọi con cái. Nơi Thiên Chúa, tình cha con trìu mến này cũng có thể diễn tả qua tình mẫu tử. Hình ảnh này làm rõ nét hơn tính nội tại của Thiên Chúa, mối thâm tình giữa Thiên Chúa và thụ tạo. Như vậy, ngôn ngữ đức tin được hình thành từ kinh nghiệm về cha mẹ trần thế, những người dưới một khía cạnh nào đó, là đại diện đầu tiên của Thiên Chúa nơi con người. Nhưng kinh nghiệm đó cũng cho thấy là cha mẹ trần thế có thể làm sai lệch và bóp méo hình ảnh làm cha làm mẹ. Cho nên, cần phải nhắc lại là Thiên Chúa vượt trên sự phân biệt phái tính của người phàm. Người không là nam mà cũng không là nữ. Người là Thiên Chúa. Vì Người là nguồn gốc và là chuẩn mực cho chức năng làm cha làm mẹ, nên Người luôn trổi vượt trên cha mẹ trần thế: không ai là cha một cách trọn hảo như Thiên Chúa (GLGHCG,239).
Bạn có tin vui nào để nói với gia đình này?
Nhưng câu chuyện lại cho thấy một hình ảnh của một gia đình bi đát. Chồng đã bỏ vợ và hai con nhỏ, nay đứa con đầu lòng lớn lên dám đâm chém người mẹ đã sinh ra mình, để rồi lãnh 20 năm tù!
Nếu Thiên Chúa là nguồn gốc đầu tiên của mọi sự và là Đấng uy quyền siêu việt, đồng thời là Đấng nhân hậu yêu thương chăm sóc mọi con cái, Ngài có kế hoạch nào hữu hiệu để cứu vãn gia đình này chăng? Nếu bạn là người từng tìm hiểu và chia sẻ đời sống Tin Mừng của Đức Kitô, Đấng cứu độ trần gian, chính bạn có tin vui nào để nói với gia đình này, với người mẹ đáng kính, người con ngồi tù, hoặc với người bố đi hoang cần được kêu gọi trở về? Ở đây không bàn về công tác xã hội nhưng chủ yếu bàn về niềm tin, khởi đi từ niềm tin đối với Thiên Chúa Ba Ngôi.
Nhờ lý trí tự nhiên, con người có thể nhận biết Thiên Chúa cách chắc chắn, dựa vào những công trình của Người. Hãy coi người mẹ trong câu chuyện nói trên là công trình kỳ diệu biết bao về yêu thương. Nhưng còn có một loại nhận biết khác, mà con người không thể đạt tới bằng sức lực của chính mình, đó là loại nhận biết nhờ mạc khải của Thiên Chúa.
Đức Giêsu đã mạc khải cho ta biết Thiên Chúa là CHA theo một nghĩa chưa từng có: Người không chỉ là cha vì là Tạo Hoá, từ muôn thuở Người là Cha trong tương quan với Con duy nhất, Ngôi Con từ muôn thuở cũng chỉ là Con trong tương quan với Ngôi Cha: "Không ai biết Người Con trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha trừ Người Con và kẻ mà Người Con muốn mạc khải cho." (Mt 11,27) - GLGHCG, 240.
Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu báo tin sẽ cử một Đấng Bào Chữa khác, đó là Chúa Thánh Thần. Người tác động từ thuở khai thiên lập địa (x. St 1,2). Người đã dùng các ngôn sứ mà phán dạy (Kinh Tin Kính Nixêa Contantinôpôli). Nay Người sẽ ở lại với và trong các môn đệ (x.Ga 14,17) để dạy bảo (Ga 14,26) và dẫn đưa họ đến sự thật trọn vẹn" (Ga 16,13). Chúa Thánh Thần được mạc khải như một Ngôi Vị Thiên Chúa, khác với Đức Giêsu và với Chúa Cha (GLGHCG, 243).
Mọi người trong gia đình phạm nhân Lương Quốc Tuấn trong câu chuyện, đều cần được vén màn cho thấy Thiên Chúa là hạnh phúc trường cửu, sự sống bất diệt, ánh sáng không tàn lụi. Thiên Chúa là tình thương tràn lan giữa Ba Ngôi vị tựa như sức nóng và ánh sáng tràn lan từ mặt trời. Thiên Chúa tự ý muốn thông chia vinh quang sự sống hạnh phúc của Người. Đó là "kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa từ thuở đời đời" (x.Ep 1,9). Người đã cưu mang kế hoạch đó từ trước khi tạo dựng vũ trụ nơi Con yêu dấu của Người là Đức Giêsu Kitô. "Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử trong Con của Người" (Ep 1,4-5). Ta được mời gọi "trở nên đồng hình đồng dạng với Con của Người" (Rm 8,29) nhờ "Thần Trí làm nên nghĩa tử" (Rm 8,15), kế hoạch này đúng là "ân sủng được trao ban từ muôn thuở" (2Tm 1, 9-10) xuất phát trực tiếp từ tình thương Ba Ngôi. Tình thương này được trải ra trong cuộc sáng tạo, trong toàn bộ lịch sử cứu độ sau khi nguyên tổ sa ngã, trong sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, Thánh Thần mà sứ mạng Hội Thánh nối tiếp (Sắc lệnh Truyền Giáo AG 2-90).
Chính theo kế hoạch yêu thương của Ba Ngôi mà mọi người trong gia đình phạm nhân Lương Quốc Tuấn, kể cả chính phạm nhân, người bố của phạm nhân và người mẹ đáng mến của anh, đều được mời gọi đạt tới hạnh phúc bất diệt chính họ hằng ao ước. (Lm Augustine, sj. Vietcatholic)
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam