Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 87
Tổng truy cập: 1366024
THIÊN CHÚA TỎ MÌNH
Ngày xưa người ta quen gọi lễ Hiển Linh là lễ Ba Vua, sở dĩ vậy vì trong Tin Mừng đọc trong Thánh Lễ hôm nay, ba nhà đạo sĩ tìm kiếm để bái yết hài nhi Giêsu. Ba nhà đạo sĩ là những người trổi trang về kiến thức uyên bác; họ có thể đọc dấu chỉ thiên nhiên để nhận ra sự xuất hiện của những người đặc biệt. Từ ngữ “vua” được dùng trong “ba vua” là để chỉ người trổi trang hơn người khác về phương diện nào đó.
Qua biến cố mục đồng tới viếng hài nhi, người ta nhận ra Thiên Chúa đã tỏ mình cho những người Do Thái nghèo nhưng có tâm hồn mở rộng sẵn sàng đón nhận Thiên Chúa. Với biến cố ba nhà đạo sĩ đi viếng hài nhi, Giáo Hội nhận ra Thiên Chúa tỏ mình cho dân ngoại.
Người Do Thái cho rằng họ là dân được tuyển chọn, còn các dân tộc khác là dân ngoại. Với biến cố Đức Giêsu và việc các dân tộc khác đón nhận Tin Mừng, người ta nhận ra rằng tất cả mọi dân tộc đều thuộc về Thiên Chúa, tất cả các dân tộc đều được Thiên Chúa yêu thương như dân tộc Do Thái. Hôm nay với trình thuật các đạo sĩ tìm kiếm và bái lạy Đức Giêsu, Kitô hữu nhận ra Thiên Chúa cũng mặc khải cho dân ngoại. Thiên Chúa yêu thương dân ngoại như Ngài đã từng yêu thương dân tộc Do Thái. Mọi dân tộc đều bình đẳng trước Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương mọi dân tộc, mọi con người, chứ không phải chỉ riêng dân tộc Do Thái.
Kitô hữu phải là người cảm nghiệm sâu xa tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, và đặc biệt cho chính mình. Kitô hữu cũng phải là người sống bình an và hạnh phúc, vì ý thức mình là tạo vật được Thiên Chúa yêu thương. Ngài tha thứ mọi lỗi lầm, và không chỉ vậy, còn mời gọi mọi người vào chia sẻ sự sống vĩnh cửu hạnh phúc với Thiên Chúa. Một khi phần nào cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa và bình an hạnh phúc, Kitô hữu thấy mình phải chia sẻ niềm vui này, tin mừng này cho những người anh em của mình chưa biết Đức Giêsu, ngõ hầu họ cũng có niềm vui này. Bản chất Kitô hữu là rao giảng Tin Mừng, làm cho muôn dân được nghe, hiểu và sống đáp trả tình yêu Thiên Chúa.
Ngày nay nhiều người “dị ứng” với từ ngữ truyền giáo, vì từ ngữ này gợi lên nơi người ta ấn tượng rao giảng để kéo người khác bỏ đạo của họ để theo Kitô giáo. Nếu có ý hướng như vậy, người ta mang nặng tính phe phái và giành giựt nhiều hơn là chia sẻ tin mừng. Một Kitô hữu đúng nghĩa phải là người muốn chia sẻ tin mừng với người khác, vì mình nghĩ rằng biết Đức Giêsu là điều rất tốt và ích lợi cho mọi người. Tuy nhiên, Kitô hữu phải là người luôn tôn trọng người khác, tôn trọng tự do và tín ngưỡng của tha nhân; nếu ai đó đón nhận Tin Mừng, thì đó là vì chính họ thấy sự thật, họ cũng được bình an và hạnh phúc hơn khi trở thành Kitô hữu.
Khi một Kitô hữu muốn rao giảng tin mừng, họ phải tự vấn chính mình: “niềm tin vào Đức Giêsu mang gì lại cho tôi? Tin vào Đức Giêsu, có làm cho tôi sống bình an và hạnh phúc hơn không? Nếu tin vào Đức Giêsu Phục Sinh không giúp gì cho tôi, thì tại sao tôi lại muốn làm cho người khác trở thành Kitô hữu như tôi?” Lời mời gọi rao giảng tin mừng Đức Giêsu Phục Sinh đòi Kitô hữu phải xét lại niềm tin của mình, lối sống của mình. Nếu đời sống của tôi không là đời sống toát lên nét tươi vui của một người hạnh phúc, thì làm sao tôi có thể rao giảng tin mừng được! Nếu tôi sống u buồn thất vọng, tôi là phản chứng cho Tin Mừng Phục Sinh. Tôi phải sống sao, để đời sống của tôi không trở thành phản chứng.
Kitô hữu là người có Chúa Kitô nơi mình, là người bạn của Đức Giêsu Kitô, là người muốn trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Cách sống của Đức Giêsu Kitô phải là cách sống của mỗi Kitô hữu. Kitô hữu phải là người có cùng chọn lựa với Đức Giêsu Kitô, phải biết yêu thương con người hôm nay như chính Đức Giêsu đã yêu, phải là người yêu đến cùng anh em mình, người thân mình, những người mình gặp gỡ, và thậm chí cả những kẻ không ưa và ghét mình. Đức Giêsu đã cầu nguyện cho những kẻ giết Ngài, Kitô hữu cũng phải tha thứ cho những người làm hại họ.
Kitô hữu phải là người trung thành như Thiên Chúa là Đấng Thành Tín. Thiên Chúa không bao giờ phản bội, và Kitô hữu cũng không bao giờ được phản bội ai. Không làm hại ai. Chỉ muốn điều tốt cho tha nhân, chỉ tìm lợi ích cho người khác chứ không làm hại họ, đó phải là cách sống của Kitô hữu. Có được như vậy, nhiều người sẽ ngạc nhiên và sẽ tìm hiểu niềm tin của Kitô hữu; để rồi nếu họ muốn họ có thể chia sẻ niềm tin Kitô hữu, để họ cũng được bình an và hạnh phúc như những Kitô hữu. Kitô hữu phải là men trong bột, phải là ánh sáng cho thế gian. Kitô hữu tuy có cùng nỗi bận tâm và gian nan như bất cứ con người nào sống trên đời, nhưng ánh sáng đức tin đã soi sáng cho họ, giúp họ tuy sống giữa trần gian nhưng không thuộc về trần gian.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
1. Bạn có muốn người khác có cùng niềm tin với bạn không? Tại sao?
2. Nếu không tin vào Đức Giêsu, bạn có được như hiện tại không? Tại sao?
3. Phải rao giảng thế nào để con người ngày nay dễ đón nhận Tin Mừng Đức Giêsu Kitô?
19.Ánh sao đạo đức - ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Hôm nay, Ba Vua trên đường tìm đến thờ lạy Chúa Cứu Thế Giáng Sinh. Ba Vua là những người phương xa, không có đạo. Các Ngài tìm đến Chúa theo ánh sáng của ngôi sao lạ. Theo ngôi sao, các Ngài đến được Giêrusalem và được nghe giải nghĩa Thánh Kinh. Theo ngôi sao đưa đường dẫn lối các Ngài đã gặp được Chúa. Ánh sao đã chiếu sáng bầu trời đen tối, giúp các Ngài nhận định được hướng đi. Lời Thánh Kinh là một ánh sao chiếu soi tâm hồn giúp họ sáng lên niềm tin. Nhưng chính Đức Giêsu mới là ngôi sao mai dẫn họ đi vào một con đường mới, con đường chói ngời ngọn lửa đức mến.
Ngày nay có nhiều người đang tìm kiếm Chúa. Nhiều người muốn biết Chúa để theo Chúa. Nhưng họ không biết đường biết hướng. Cũng như Ba Vua, họ cần có những ánh sao soi đường dẫn lối.
Tìm đâu ra ngôi sao xưa đã soi đường cho Ba Vua? Ngày nay, Chúa không dùng ngôi sao xuất hiện trên trời, nhưng muốn mỗi người chúng ta trở thành một vì sao soi dẫn mọi người đến với Chúa.
Là ngôi sao có nghĩa là phải có ánh sáng. Ngôi sao chỉ chiếu sáng khi chính bản thân nó có ánh sáng. Người Kitô hữu chỉ chiếu sáng khi chính cuộc sống của họ mang ánh sáng, phản chiếu ánh sáng nhận tự nơi Thiên Chúa.
Người Kitô hữu phải chiếu lên làn ánh sáng hy vọng. Niềm hy vọng vào ơn cứu độ của Chúa giúp ta vừng bước trên đường lý tưởng. Niềm hy vọng vào một trời mới đất mới cho ta thêm sức mạnh góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp. Niềm hy vọng vào hạnh phúc thiên đàng giúp ta đánh gía đúng mức của cải vật chất đời này. Hy vọng là ánh sáng làm tươi đẹp con người và cuộc đời.
Người Kitô hữu phải chiếu lên làn ánh sáng tin yêu. Tin yêu Chúa và tin yêu người. Tin yêu để xây dựng một cuộc sống chan hoà tình người. Tin yêu đẻ tha thứ hoà giải. Tin yêu để vượt qua mọi bóng tối thù hận, chia rẽ, bất hoà. Tin yêu là làn ánh sáng ấm áp làm cho thế giới trở nên gần gũi, con người trở nên thân thiện, cuộc đời trở thành đáng yêu đáng mến.
Người Kitô hữu phải chiếu lên làn ánh sáng công bình, bác ái. Niềm hy vọng, niềm tin yêu được chứng minh bằng đời sống công bình, bác ái. Tin Chúa được biểu lộ qua sự công bình trong đời sống. Yêu Chúa được thể hiện qua tình bác ái với tha nhân.
Tất cả những làn ánh sáng nói trên góp lại thành ánh sáng đạo đức. Đắm chìm vào vật chất sẽ khiến con người rơi vào bóng tối tuyệt vọng, không lối thoát. Nghi ngờ con người sẽ khiến cuộc đời chìm vào bóng tối cô đơn. Thiếu công bình bác ái sẽ phủ lên thế giới mới một bóng tối phi nhân, tàn nhẫn. Chỉ có ánh sáng đạo đức mới đủ sức phá tan những bóng tối ấy. Chỉ có ánh sáng đạo đức mới làm cho thế giới thành vui tươi hạnh phúc.
Thế giới đang mong chờ ánh sao dẫn đường. Chúa đang mời gọi chúng ta trở thành một ngôi sao chiếu lên làn ánh sáng đạo đức. Chính qua làn ánh sáng ấy, mọi người sẽ nhận biết và yêu mến Chúa.
Lạy Chúa, xin giúp con sống xứng đáng là người con của Chúa sự sáng. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Bạn nghĩ gì về cuộc tìm kiếm của Ba Vua? Bạn có kiên trì tìm Chúa như Ba Vua không?
2. Bạn nghĩ gì về bổn phận làm chứng cho Chúa? Bạn có mong ước trở thành ngôi sao dẫn đưa mọi người đến với Chúa không?
3. Đâu là những ánh sáng người Kitô hữu phải có để dẫn người khác tới Chúa? Trong năm mới này, bạn sẽ làm gì để làm chứng cho Chúa?
20.Đi tìm Chúa hôm nay – Lm. Damien OFM
Lễ Hiển Linh là lễ Chúa tỏ mình ra. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy: Đấng Messia không còn là của riêng người Do thái nữa, nhưng Ngài tỏ mình ra cho mọi dân tộc.
Ngôi sao dẫn đường.
Do thái thuộc đông phương; và theo văn hóa và khoa chiêm tinh của người đông phương thì mỗi vị vua sinh ra đêù có một ngôi sao chiếu mệnh. Ba nhà đạo sĩ có lẽ là những nhà chiêm tinh học, nên đã nhận ra ngôi sao chiếu mệnh của vua người Do thái mới sinh ra.
Ngôi sao chiếu mệnh nầy không như những ngôi sao chiếu mệnh của các vị vua khác, vì nó còn là ngôi sao đi trước ba nhà đạo sĩ, dẫn đường cho họ đến với Chúa. Thiên Chúa đã dùng các thiên thần để báo cho các mục đồng biết Chúa đã đến trong thế gian. Nay Thiên Chúa dùng một tinh thể làm dấu chỉ cho sự hiện diện của Chúa Giêsu và dẫn ba nhà đạo sĩ đến với Chúa. Xưa trong sa mạc, Thiên Chúa cũng đã dùng cột mây và cột lửa để nói với dân về sự hiện diện của người giữa dân. Thiên Chúa có thể dùng thiên thần, con người(các mục đồng) hay một vật(ngôi sao) để làm dấu chỉ của sự hiện diện của Chúa.
Ngày nay, ai là ngôi sao dẫn đường cho chúng ta đến với Chúa? Ngôi sao đó trước hết la Giáo Hội(“chúng con là ánh sáng thế gian”), là một vị thánh, là một linh mục, là một kitô hữu gương mẫu…Và ngôi sao soi sáng và dẫn đường cách đặc biệt là Phúc Âm.
Với lời dạy của Chúa Giêsu: “Chúng con là ánh sáng thế gian… ngọn đèn phải để trên đế, để soi sáng cho mọi người trong nhà”, mỗi người kitô hữu phải là một ngọn đèn, nghĩa là một ngôi sao dẫn đường cho kẻ khác. Cha mẹ là ngôi sao dẫn đường cho con cái, những người có trách nhiệm phải là ngôi sao dẫn đường cho những người mình chịu trách nhiệm; linh mục tu sĩ phải là ngôi sao dẫn đường cho dân Chúa; và mỗi người kitô hữu phải là ngôi sao dẫn đường cho những ai chưa biết Chúa.
Tính phổ quát của vì Vua mới.
Sự hiện diện của các mục đồng, của ngôi sao và của ba nhà đạo sĩ nói lên rằng: Đấng Messia mới sinh ra không còn là của riêng của những kẻ tử tế, Biệt Phái và Kinh sư nữa, nhưng trước hết Ngài là của những kẻ thấp hèn tội lỗi hay bị khinh chê, như các mục đồng, vì họ là những người đầu tiên được vinh dự đến với Chúa. Ngài không còn là của riêng của dân Do thái mà thôi, nhưng còn là vua của những kẻ ngoại giáo, xa xôi mà ba nhà đạo sĩ là ba đại diện; sự hiện diện của ngôi sao cũng nói lên rằng, Ngài còn là vua của cả vũ trụ nữa. Ngôi sao cũng phải phục vụ Chúa.
Vua Herôđê bối rối
“Nghe nói thế,vua Herôđê bối rối, và tất cả Giêru- salem cùng với nhà vua”: Chúa sinh ra, các thiên thần ca hát, các mục đồng vui mừng, ba nhà đạo sĩ từ phương đông xa xôi đến thờ lạy, còn vua Herôđê và cả Giêrusalem thì bối rối. Hêrôđê bối rối lo lắng vì sợ mất ngôi vua của mình. Các giáo trưởng và luật sĩ bối rối vì vị vua nầy đến mà không thông báo gì cho họ lại tỏ mình ra cho dân ngoại. Họ thấy chỗ đứng của mình bị lung lay. Thế là họ tìm cách tiêu diệt Ngài.
Họ không hiểu rằng vị vua nầy đâu có thèm gì ngôi báu một khi đã chấp nhận sinh ra trong chuồng bò. Họ không hiểu rằng vị vua nầy, đâu phải để cai trị nhưng để cứu vớt.
Ngày nay cũng thế, người kitô hữu phải hiểu rằng Thiên Chúa không phải là của riêng người công giáo mà là Thiên Chuá của mọi người, và Giáo Hội không chỉ là của riêng người có đạo mà là Giáo Hội của mọi dân tộc, của kẻ lành cũng như người bất lương. Vì Con Thiên Chúa đến để cứu vớt chứ không phải để lên án hay cai trị. Chúa sinh ra trong ngheo khó và sau nầy bị khinh chê và bắt bớ. Nên phải bỏ đi cái mơ ước hảo huyền một Giáo Hội giàu sang và quyền thế trước mặt người đời. Phải bỏ đi cái quan niệm một thứ đạo phô trương. Đừng lặp lại cái lỗi lầm của người Do thái, mơ ước một vị vua quyền thế và cao sang. Nếu không thì Chúa sẽ làm cho chúng ta thất vọng vì ngài không hề đáp ứng những mơ ước hảo huyền của ta. Và rồi chúng ta cũng sẽ bối rối như Herôđê, các Biệt Phái và kinh sư xưa trước sự hiện diện khiêm tốn của Chúa.
Đi tìm Chúa hôm nay.
Chúng ta đã thấy, một những ngôi sao dẫn đường cho chúng ta hôm nay đến với Chúa là Lời Chúa.Chính nhờ đọc và suy gẫm Lời Chúa mà chúng ta nhận ra Chúa trong cuộc sống. Phúc Âm sẽ vẽ lên cho chúng ta gương mặt đích thực của Chúa Kitô chứ không phải khuôn mặt theo những mơ ước trần tục của chúng ta. Phúc Am sẽ là ngôi sao dẫn đường cho chúng ta đến với Chúa Giêsu.
Vị vua thứ tư.
Chuyện kể rằng, khi Ba vua Gaspar, Melchior, Balthazar và đoàn tùy tùng vừa đi khỏi làng Bêlem, thì vị vua thứ tư hớt ha hớt hải chạy đến. Ông cũng đã thấy ngôi sao, ông dắt vào lưng ba viên ngọc quí, gia sản quí nhất của ông và vội vã lên đường cho kịp Nhưng ông đến trễ, ba vua kia đã về mất rồi!…Ông đến trễ và nhất là đến với hai bàn tay không… ông không còn các viên ngọc quí nào nữa…
Ông từ từ nhẹ tay mở cửa chuồng bò, nơi có Con Thiên Chúa, Mẹ người và người cha nuôi của Người. Trời tối, Giuse đang trở mớ rơm để qua đêm, bé Giêsu nằm trên tay Mẹ.
Rón rén, vị vua thứ tư tiến lại gần, phục mình dưới chân bé Giêsu và Mẹ Người và bắt đầu nói qua giòng nước mắt:
- Lạy Chúa, con đến để dâng lên ngài lễ vật như ba vị vừa rồi, dâng cho Chúa ba viên ngọc to như trứng bồ câu, ba viên ngọc thứ thiệt. Nhưng giờ đây không còn nữa…Con thấy ba vị kia đi trước con trên lưng lạc đà, con định tiến lên đi với họ. Nhưng rồi rượu ngọn, tiếng chim họa mi hót làm con say mê. Đêm đó con ở lại trong một quán trọ. Khi con bước vào, con thấy một cụ già lên cơn sốt rét, nằm co quắp bên lò sưởi. Không ai biết ông ta là ai. Túi tiền ông rổng tuếch. Ông không có tiền trả tiền thuốc và những thứ cần thiết. Ngày mai, ông sẽ bị đuổi ra ngoài. Lạy Chúa, đó là một cụ già, rất già, nước da sậm và có bộ râu trắng. Ông làm con nhớ đến cha con. Lạy Chúa, xin tha cho con, con lấy một viên ngọc trong túi và đưa cho chủ quán để ông lo tìm thầy chạy thuốc và nếu ông ấy chết, thì có một cỗ quan tài che xác ông.
Ngày hôm sau, con ra đi, dục con lừa của con chạy cho kịp ba vị kia vì lạc đà họ đi chậm. Con đường con đi qua vắng vẻ, có nhiều bụi rậm. Bổng con nghe tiếng kêu cứu từ một bụi rậm. Con nhảy xuống lừa và thấy mấy chú lính đang bắt nạt một thiếu phụ trẻ. Họ đông quá, con thấy mình không đủ sức đọ lại với họ. Hơn nữa con đã già rồi. Lạy Chúa, xin tha cho con lần nầy nữa. Con đưa tay vào túi lấy một viên ngọc thứ hai và chuộc lại người thiếu phụ. Cô ta hôn tay con rồi chạy như bay vào miền núi như một con sóc.
Giờ đây chỉ còn lại có một viên nữa thôi, nhưng con nghĩ, có còn hơn không. Lúc đó đã quá trưa, và con nghĩ mình có thể đến Bêlem trước lúc trời tối. Nhưng kìa lính Hêrôđê đang hung hăng đốt cháy một làng gần Bêlem. Con chạy tới và và hỏi thăm thì con biết lính tráng đang thi hành lênh của vua: giết tất cả các con trẻ từ hai tuổi trở xuống. Ngoài một căn nhà đốt cháy, một tên lính to khỏe, đang nắm trong tay một em bé trần truồng, đưa đi đưa lại. Đứa bé hết sức dãy dụa và khóc thét lên vì sợ. Người mẹ thì đang quì lạy và khóc ngất. Anh lính nói với mẹ nó ”Bây giờ tao sẽ cho nó vào lửa và nó sẽ cháy như một con heo sữa quay!” Mẹ nó la lên thảm thiết…
Lạy Chúa, xin tha cho con! Không chịu nổi, con lấy viên ngọc cuối cùng trao cho tên lính để nó trao em bé cho mẹ nó. Mẹ nó ôm chặt lấy con, áp cứng vào lòng, không một tiếng cám ơn, chạy trốn như một con chó tìm được miếng xương. Lạy Chúa thế là con đến đây với hai bàn tay không. Xin Chúa tha cho con, xin tha cho con…
Nói xong ông sấp mặt sát đất hồi lâu. Thinh lặng bao trùm chuồng bò. Rồi ông ngước đầu lên, thấy Giuse đã trở rơm xong, Chuá vẫn nằm trong tay Đức Mẹ. Từ từ, Chúa quay về phía ông, gương mặt Ngài rạng rỡ. Chúa chìa đôi tay tí hon cho đôi tay trống không của vị vua thứ tư, bé Giêsu và Mẹ đều mỉm cười…
21.Ánh sáng đức tin – Thiên Phúc
(Trích trong ‘Như Thầy Đã Yêu’)
Arthur Jones gia nhập không lực Hoàng gia, anh được huấn luyện trong một trại lính cùng với 30 binh sĩ khác. Ngay đêm đầu tiên, anh đã phải cân nhắc về một quyết định: “Có nên quì gối đọc kinh như thói quen ở nhà không?”. Ban đầu anh cảm thấy hơi ngượng, nhưng rồi anh tự nhủ: “Chẳng lẽ mình phải thay đổi cách sống vì sợ kẻ khác dòm ngó sao?”
Anh liền quyết định cứ quì gối đọc kinh như thói quen. Khi vừa làm dấu kết thúc buổi cầu nguyện, mọi người mới biết anh là người Công giáo. Hơn nữa, anh lại là người Công giáo duy nhất trong trại lính. Tuy nhiên, anh vẫn quì gối cầu nguyện hàng đêm, và sau đó thường dẫn đến những cuộc tranh cãi hàng giờ.
Cuối khóa huấn luyện, có người đến nói với anh:
- Anh là người Kitô hữu tốt nhất mà tôi gặp.
Anh liền đáp lại:
- Cám ơn bạn, tôi không nghĩ mình là Kitô hữu tốt nhất đâu. Có thể tôi là người Công giáo dám công khai biểu lộ đức tin.
Ánh sáng Đức Tin của người lính đã tỏa sáng trong trại huấn luyện của không lực hoàn gia. Đúng như lời Đức Giêsu đã nói: “Các con là ánh sáng thế gian” (x. Mt 5,14-16). Như ánh sao lạ đã mọc lên để dẫn đường cho các đạo sĩ, ngôi sao Tin Mừng cũng đã xuất hiện để soi dọi vào tâm hồn tăm tối của chúng ta. Để từ đây, ánh sáng đức tin luôn tỏa rạng ngời.
Nhưng Tin không phải là thấy. Tin là dựa vào lời Chúa mà liều mình, mà dấn thân và nhiều khi phải vượt qua gian nan thử thách.
Các đạo sĩ khi nhìn thấy ánh sao lạ, họ đã tin tưởng vào một Đấng Cứu Tinh mà ngôi sao là dấu chỉ, họ vội vã lên dường mà không biết ngôi sao sẽ dẫn đi đâu. Khi ánh sao biến mất, họ không thất vọng, không bỏ cuộc, nhưng dò hỏi kiếm tìm. Hành trình của họ là hành trình Đức Tin, con đường của họ là con đường thánh giá.
Để giữ vững Đức Tin, nhiều khi chúng ta phải can trường lướt thắng bản thân, phải liên lỉ chiến đấu hy sinh, phải anh dũng biểu lộ niềm tin. Tổng Giám Mục Fulton Sheen khẳng định: “Để trắc nghiệm Đức Tin của chúng ta, cần phải xem phản ứng lúc đau khổ và thử thách, chứ không pải lúc đời lên hương, thuận buồn xuôi gió”.
Như các đạo sĩ tìm lại ánh sao sau khi lạc mất, người tín hữu Kitô được mời gọi nhìn lên ánh sao của niềm hy vọng. Chính trong niềm hy vọng mà chúng ta can đảm dấn thân đi tới.
Trong cuộc sống đời thường, có rất nhiều dấu chỉ như ánh sao dẫn ta đến với Chúa. Có thể là:
- Một câu kinh thánh đánh động lòng ta.
- Một nghĩa cử yêu thương nồng ấm.
- Một lời khuyên nhắc nhớ chân tình.
- Một gương sáng làm ta xúc động.
Nếu cuộc đời chúng ta đã từng có những ánh sao dẫn đường, thì đến lượt mình, hãy là những vì sao ngời sáng như kim cương trên bầu trời, là những ánh đèn đêm hoa đăng ngày đại hội. Eliot đã viết:
“Nếu bạn không thể là ngôi sao sáng,
Thì hãy là ánh lửa non cao.
Nếu không thể là ánh lửa non cao,
Xin hãy làm ánh nến tỏa sáng trong gia đình”.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II trong Giáo lý Năm Thánh 2000 có viết: “Việc giáo dân tham dự và cùng có trách nhiệm trong cộng đồng Kitô hữu, cùng với nhiều hình thức tông đồ và phục vụ của họ trong xã hội, khiến chúng ta có lý mà hy vọng rằng, vào buổi bình minh của thiên niên kỷ thứ ba, sẽ có một cuộc “hiển linh” trọn vẹn và tốt đẹp nơi thành phần giáo dân”.
***
Lạy Chúa, xin giúp chúng con nhận ra những ánh sao Chúa gởi đến trong cuộc đời chúng con.
Xin biến chúng con thành những ánh sao ngày càng rực sáng và lan tỏa khắp thế giới. Amen.
22.Vui mừng vì được ngôi sao lạ dẫn đường
Thông thường khi muốn đến một nơi nào chưa biết, người ta sẽ bằng nhiều cách: tìm xem qua bản đồ, nhờ người biết trước chỉ hay dẫn đường. Nếu không người ta sẽ rất dễ bị lạc đường. Càng đến nơi quan trọng bao nhiêu thì người ta lại càng phải tìm hiểu kỷ bấy nhiêu.
Hôm nay, cùng với Giáo hội chúng ta mừng lễ Chúa Hiển linh hay còn gọi là lễ Ba vua. Nói đúng hơn đây là Ba vị hiền sĩ từ Phương Ðông. Họ được báo tin có Vua dân Do thái mới sinh ở Bêlem. Vì thế, họ cùng nhau lên đường theo sự hướng của Ngôi sao lạ đến Bêlem. Trên đường đi, chẳng may Ngôi sao lạ biến mất nên họ vào hỏi thăm vua Hêrôđê.
Không ngờ chính vua Hêrôđê cũng chẳng hay biết gì. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Ðấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu (Mt 2, 4). Họ trả lời: "Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời." (Mt 2, 5 - 6). Sau khi chỉ đường cho các nhà đạo sĩ vau Hêrôđê căn dặn kỷ lưỡng:: "Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người." (Mt 2, 8b). sau đó, họ đã tiếp tục lên đường. May mắn thay, Ngôi sao lạ đã tiếp tục xuất hiện và dẫn đường cho họ. "Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng." (Mt 2, 10)
Các Hiền sĩ là những người rất thành tâm thiện chí. Họ đã nhờ Ngôi sao lạ dẫn đường đến thờ lạy Hài nhi Giêsu. Mặc dù, khi Ngôi sao biến mất thì họ vẫn không nản lòng. Họ đã tìm cách hỏi thăm cho bằng được. Nhưng rồi họ lại hết sức vui mừng khi Ngôi sao lạ lại xuất hiện để tiếp tục dẫn đường cho họ.
Ngôi sao lạ ấy chính là thánh ý quan phòng của Thiên Chúa. Có thể lúc Ngôi sao biến mất là lúc Thiên Chúa muốn thử thách sự kiên trì của họ. Với sự kiên trì và tấm lòng yêu mến sự thật họ đã tìm được nơi và người họ muốn tìm.
Trong đời sống đức tin của chúng ta, chính lời Chúa và những chỉ dẫn của Giáo hội là Ngôi sao dẫn đường cho ta đến Thiên đàng. Những lúc cảm thấy như Ngôi sao biến mất là những lúc Chúa muốn thử thách lòng tin của chúng ta. Xin cho chúng ta luôn biết kiên trì và thật lòng như các Vị Hiền sĩ để mỗi ngày theo sự hướng dẫn của Chúa và Giáo hội đi về Thiên đàng.
23.Vinh quang đích thực của Thiên Chúa
(Suy niệm của Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB)
Tôn giáo nào thì cũng muốn cho vị thần linh mình tôn thờ được hiển trị. Đó là một tình cảm tôn giáo đáng quí nhưng cũng thật đáng sợ, vì chính nó đã từng là nguyên nhân của biết bao cuộc bắt bớ hay triệt hạ phe đối nghịch. Lịch sử đã ghi nhận không ít cuộc chiến tranh tôn giáo. Hiển Linh là Chúa được biểu dương, là biểu lộ quyền năng của Ngài ra bên ngoài, vì hình như hình hài một hài nhi bé bỏng không xứng với Ngài? Có một thời tôi đã từng nghĩ như thế: Có thế chứ... phải là những vị vua tới thờ lạy ngài, tới cống tiến ngài những lễ vật đắt giá mới xứng; phải có những ánh sao lạ để cả thiên hạ phải trầm trồ! Và tôi lấy làm hả dạ. Tôi có tinh thần tôn giáo sốt sáng chẳng?
Thật ra câu chuyện về các nhà chiêm tinh (thường được dân có đạo nâng lên hàng vua chúa cho nó oai) đến bái lậy Hài Nhi Giê-su chỉ được Phúc Âm Mát-thêu ghi lại với chủ đích, như ông vẫn quen làm nhiều lần, là để khảng định: "thế là ứng nghiệm" việc Hài nhi ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê... việc ngài trở về từ Ai-cập... như những gì đã từng được các tiên tri loan báo. Dầu câu chuyện mang rất nhiều tính truyền thuyết, tôi nghĩ nó không chỉ đơn thuần là để nâng cao thứ tình cảm tôn giáo nói trên.
Hài Nhi mới sinh tại Bê-lem Hiển Linh, nhưng hiển linh điều gì? Đâu là vinh quang đích thực của ngài?
Ba nhà chiêm tinh (hay đạo sĩ) là những con người có hiểu biết và chuyên tìm tòi những qui luật của trời đất. Các ông biết về một vị nào đó rất quan trọng mới xuất hiện và các ông đi tìn ngài. Theo lô-gic, nhân vật này chắc chắn phải là một vị vua và phải tìm thấy trong chốn cung điện. Và thế là họ tìm tới Giê-ru-sa-lem là kinh thành của vương triều Da-vit; nhưng ở đó họ chỉ gặp được Hê-rô-đê, con người của quyền lực và mưu mẹo. Chỉ có 'ngôi sao' mới có thể dẫn họ tới một nơi không ngờ: làng quê Bê-lem hẻo lánh, và tìm thấy một hài nhi với thân mẫu trong sự đơn sơ và nghèo hèn. Chúng ta tất cả đều biết ngôi sao đó chính là biểu tượng của niềm tin vào Tin mừng. Chỉ có Tin Mừng của đức Giê-su Ki-tô mới chỉ cho chúng ta tới gặp được một Thiên Chúa, không phải trong vinh quang của quyền uy và đầy công thẳng, mà là trong một diện mạo thơ nhi quá gần gũi: Thiên Chúa của lòng từ nhân và hay thương xót... cứu độ chứ không phải một Thiên Chúa luận phạt. Nếu ba nhà chiêm tinh phải từ bỏ lô-gic thông thái của họ (điều này không dễ mấy đâu) để có thể sấp mình bái lậy một hài nhi nghèo hèn, thì mọi người, kể cả tôi và bạn, (nhất là khi càng cho mình là thông minh chính trực) còn cần phải làm một cuộc cách mạng trong niềm tin để có thể bái lạy vinh quang Thiên Chúa trong sự hiền lành, từ nhân và hay thương xót.
Câu truyện còn cho tôi thấy có sự đối kháng thâm sâu giữa một bên là uy quyền thống trị và trừng phạt (điển hình là vua Hê-rô-đê) với bên kia là sự yếu đuối ẩn dật của một Hài Nhi bé bỏng nép mình bên lòng mẹ. Sự công thẳng có sức mạnh của nó và xem ra không thể đội trời chung với lòng trắc ẩn nhân ái. Uy quyển của bạo vương Hê-rô-đê không thể được chia sẻ với Tân Vương cứu độ mới sinh ra. Ở đâu có sự công thẳng ở đó không thể có chỗ cho lòng trắc ẩn thương xót, và ngược lại. Sự công thẳng nổi cộm như một quyền lực thống trị trong khi lòng nhân ái lại luôn tỏ ra quá yếu đuối ẩn dật. Chính vì thế mà khi đề cao lòng trắc ẩn thương xót thì nhiều người lại tỏ ra e dè sợ sệt. Họ lo sợ sự hợp lý đầy uy quyền của 'lành thưởng dữ phạt' sẽ bị phá đổ, và thế là họ rắp tâm 'tiêu diệt' lòng thương xót, ít là trong hiểu biết và suy nghĩ của họ. Thiên Chúa giáng trần đã chọn hình hài của một thơ nhi yếu đuối ẩn dật để biểu lộ lòng xót thương cứu độ loài người quả là điều thích hợp... có điều Ngài phải chịu sự toan tính tiêu diệt của bạo vương quyền uy thì cũng là tự nhiên thôi.
Lạy Hài Nhi đang ngủ yên trong vòng tay âm yếm của Mẹ, xin cho con dặt cược toàn bộ cuộc sống con trên sự nhỏ bé, yếu đuối của lòng thương xót Chúa. Chính những lúc tâm hồn con lo sợ cuống quýt trước quyền lực ghê gớm của sự công thẳng Chúa, xin đưa con vào vòng tay hiền mẫu để con cũng có được giấc ngủ của an bình trong tin tưởng phó thác vào lòng thương xót. Xin che chở để con không bao giờ bị sự công thẳng Chúa nhấn chìm trong lo âu sợ hãi. Amen.
24.Hãy là sao lạ dẫn đường giới thiệu Chúa
Epiphany: manifestation or striking appearance có nghĩa là Lễ Hiển Linh.
Tiếng Hy-lạp cổ dùng chữ Theophaneia (Theophany meaning ‘vision of God’).
Lễ này được cử hành vào ngày 6 tháng Giêng theo truyền thống xa xưa. Vào Lễ này, các tín hữu Tây Phương tưởng nhớ ba nhà Đạo Sĩ thăm viếng Chúa Hài Nhi Giêsu và sự hiển linh của Con Chúa cho các Dân Ngoại.
Từ năm 1970, Giáo Hội Công Giáo Rôma, nghi thức Latinh đã cử hành Lễ Hiển Linh vào ngày 6 tháng 1 và là Lễ buộc. Các quốc gia khác có thể cử hành vào Chúa Nhật, sau ngày 1 tháng 1.
Lễ Hiển Linh còn được gọi là Lễ Ba Vua. Trong khi các tín hữu Đông Phương tưởng nhớ việc Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan, được xem là sự hiển linh của Con Chúa cho toàn thế giới.
Lễ Hiển Linh là lễ Thiên Chúa tỏ mình ra cho mọi người. Thiên Chúa không chỉ tỏ mình ra cho riêng Dân của Ngài mà còn cho muôn dân. Bởi đó, mọi người trong chúng ta phải cộng tác với Thiên Chúa để làm bừng sáng lên ánh sáng đã xuất hiện từ Phương Đông. Chúng ta phải là ánh sao dẫn đường cho mọi người đến với Chúa. Tiên tri Isaia trong bài đọc thứ nhất hôm nay đã mở ra cả một viễn tuợng lớn lao: đó là ngày và thời vinh quang của Thiên Chúa chiếu trên Dân Chúa và biến Dân Chúa thành điểm thu phục muôn dân. Mọi người từ mọi phương hướng sẽ cùng quy về một mối trong tiếng ngợi ca Thiên Chúa.
Lời ngôn sứ Isaia đã vang vọng từ 700 năm trước Công Nguyên về sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế: Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi (Is 60, 1).
Ánh sáng sẽ bừng lên trong đêm tối và con dân sẽ đón nhận vinh quang Thiên Chúa. Đấng Cứu Thế là ánh sáng đến trong thế gian để xua trừ bóng tối của tội lỗi và gian tà. Mọi dân sẽ hướng về nguồn ánh sáng để dõi tìm ơn cứu độ: Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước (Is 60, 3).
Theo truyền thuyết, những nhà chiêm tinh, nhà khôn ngoan, còn gọi là các đạo sĩ hay ba vua, đã chiêm ngắm bầu trời và nhận ra vì sao lạ. Họ đã dõi theo ánh sáng của vì sao lạ để tìm đến bái thờ Đấng đã được sai đến.
Ngôn sứ Isaia đã tiên báo về việc các bậc quân vương tiến về để thờ lạy Chúa Hài Nhi. Các nhà Đạo Sĩ Phương Đông cùng đến dâng Chúa của lễ là vàng, nhũ hương và mộc dược. Isaia đã có thị kiến về đoàn người từ các phương xa tìm đến bái thờ: Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Mađian và Êpha: tất cả những người từ Sơva kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương và loan truyền lời ca tụng Đức Chúa (Is 60, 6).
Các nhà Đạo Sĩ đã miệt mài kiếm tìm qua dấu chỉ mà không quản ngại gian khó. Các ngài đã được Thiên Chúa đáp trả như lòng mong ước.
Chúa Giêsu đã dạy: Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho (Mt 7, 8). Hồng ân Chúa bao la tuyệt vời, đoàn người dân ngoại đã được chứng kiến tận mắt ơn Cứu Độ đã tỏa sáng: Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến (Mt 2, 11).
Vàng được mệnh danh là vua của mọi kim loại. Vàng thường được coi là của lễ xứng hợp nhất để dâng tiến vua. Chúa Giêsu sinh ra để làm vua. Vị vua này không cai trị bằng vũ lực nhưng bằng tình yêu. Ngài cai quản lòng người không từ ngai vàng mà từ thập tự giá.
Sự có mặt của Ngài đã biến đổi thế giới loài người, mang lại hạnh phúc cho nhân loại. Bệnh tật được chữa lành (Mt 8, 16-17), tang tóc được hân hoan (Lc 7, 11-17), tội lỗi được tha thứ (Mt 2,5), ngay cả sự chết đối với Ngài chỉ là giấc ngủ bình an (Mc 5, 39). Vì vua này xuất hiện luôn ban cho con người một niềm vui, một niềm hy vọng "Phúc cho anh em, là những người nghèo, vì triều đại Thiên Chúa là của anh em. Phúc cho anh em là những người đói khát vì anh em sẽ được no nê. Phúc cho anh em là những người đang khóc vì anh em sẽ được vui cười" (Lc 6, 20-21).
Nhũ hương dâng cho Hài nhi là thứ hương liệu có mùi thơm dịu mà thầy tư tế thường dùng trong các nghi thức thờ phượng. Thầy tư tế chính là trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Vị tư tế cũng chính là người mở đường dẫn lối để con người đến được với Thiên Chúa.
Ánh sao soi đường đến nơi thì đã tắt, bởi lẽ Chúa Giêsu chính là ánh sáng thật để soi rọi con người tìm ra chân lý. Chân lý con người tìm kiếm là tình yêu và gia nghiệp của Ngài. Chính chúa Giêsu sẽ dẫn đưa con người về với Chúa Cha.Thư gửi Ephêsô, thánh Phaolô đã khẳng định: "Trong Đức Giêsu Kitô và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại cũng được thừa kế gia nghiệp với người do thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa ban" (Eph 3,6).
Mộc dược là lễ vật dành cho người chết, là hương liệu để xông xác người. Chúa Giêsu đến thế gian để sống cho con người và cuối cùng chết cho con người. Cái chết của Ngài biểu lộ sự trung thành đối với loài người mà Ngài đã yêu thương đến tận cùng (Ep 13, 1). Chúa Giêsu không nghĩ tới mình, vì lẽ đó Ngài có thể đón tiếp mọi người và lắng nghe mọi người đến với Ngài. Cuộc sống Chúa Giêsu là một cuộc tự hiến cho con người để cứu độ con người.
Qua Kinh Thánh và lịch sử của ơn cứu độ, ta biết có nhiều tâm hồn khao khát đi tìm kiếm và mong chờ Chúa. Khi thời gian chuẩn bị đã mãn, dấu chỉ đã tỏ hiện, lòng con người thôi thúc khát mong và mùa hồng ân đã cận kề, các Đạo Sĩ tìm hỏi: "Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người."(Mt 2, 2).
Thiên Chúa tỏ mình ra. Chúng ta biết được qua trang Tin Mừng, Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho muôn dân. Thánh Gioan viết: “Thiên Chúa nào có ai thấy Ngài bao giờ, và làm sao thấy Ngài được? Nhưng người Con duy nhất của Ngài đã làm người, và cho ta thấy được Thiên Chúa mang bản tính con người, làm người như chúng ta và ở giữa chúng ta”. Từ khi Ngôi Lời nhập thể, ai tin nhận Đức Kitô là tin nhận Thiên Chúa, ai từ khước Đức Kitô là từ khước Thiên Chúa.
Việc đi theo ngôi sao lạ để đến bái thờ và dâng Chúa những của lễ thật sự chẳng phải là việc giản đơn và cũng không phải ai cũng làm được như 3 nhà đạo sĩ.
Muốn như vậy, trước hết việc lên đường đòi phải ra khỏi nhà, giã từ những tiện nghi dễ chịu, từ bỏ những sinh hoạt quen thuộc, chấp nhận những thiếu thốn, những nguy hiểm, những bất tiện đường đi. Thiện chí của các Ngài rất cao, nên khi ngôi sao biến mất, các Ngài vẫn không nản lòng bỏ cuộc, nhưng tìm mọi cách vượt qua khó khăn, tìm mọi cách để đến gặp được Chúa. Chúa đã chúc lành cho thiện chí của các Ngài, nên đã cho các Ngài được gặp Chúa.
Khi người Kitô hữu chỉ đóng khung đời sống đạo của mình trong nhà thờ, giữa những nghi lễ, mà không nhận ra những nhu cầu, những đòi hỏi của xã hội chung quanh; khi một cộng đoàn Kitô hữu quá bám víu vào những thứ gọi là quyền lợi tôn giáo của mình mà làm ngơ trước những đau khổ, bất hạnh của kẻ khác thì chính họ đang làm dập tắt những ánh sáng dẫn đường tới Chúa Kitô.
Đời sống chúng ta là một cuộc đi tìm Chúa. Trong cuộc đi tìm, ta phải có thiện chí như Ba Vua, biết dấn thân lên đường, biết phấn đấu chấp nhận hy sinh gian khổ, biết kiên trì không nản lòng bỏ cuộc khi gặp thử thách.
Ba Vua không thể đến với Chúa nếu không có ngôi sao dẫn đường.
Hôm nay, Chúa muốn mỗi người chúng ta là một ngôi sao lạ. Chúa mời gọi ta loan báo tình thương của Chúa, đưa dẫn những tâm hồn thiện chí đến với Chúa. Và như vậy, ta hãy là ngôi sao sáng trong đời sống công bình. Hãy chiếu sáng đức thương yêu của Chúa. Hãy toả ánh sáng ấm áp tình người. Qua những luồng sáng tự nhiên phát ra từ ta ấy, chắc chắn mọi người sẽ nhận biết và tìm về với Thiên chúa là ánh sáng chân thật.
25.Tìm Chúa
Vào thời Trung Cổ người ta hay diễn tuồng ba vua ở trong nhà thờ hoặc nơi cửa ra vào. Để làm thõa mãn trí tưởng tượng của khán giả, người ta thường đem đến những vật kỳ lạ, và cho là lễ vật của ba vua tiến Chúa như: khỉ, vẹt, lạc đà... Lễ ba vua còn có một thủ tục khác nữa là chơi trò bắt thăm làm vua. Người ta cho một hạt đâu hay một tượng nhỏ vào trong chiếc bánh ngọt, và chia ra thành từng phần cho những người trong nhà, ai được miếng bánh có hạt đâu hay tượng nhỏ đó sẽ được làm vua, được đội triều thiên trong bữa ăn. Thủ tục này bắt chước thủ tục của dân ngoại ở Rôma, Đức... còn trong tu viện nếu được làm vua sẽ được làm chủ tọa cộng đoàn khi dự nghi lễ phụng vụ và chủ tiệc ngày hôm ấy. Từ thời Trung Cổ người dân ngoại và cả người Công Giáo đều ao ước được giống như ba vua, để được dâng lễ vật tiến Chúa, được chủ tọa nghi lễ phụng vụ... Đó chỉ là những hình thức bên ngoài của thời Trung Cổ, nhưng ít nhiều cũng cho thấy tâm tình bên trong; họ ao ước giống ba vua cả trong đức tin, hành động và cả lòng can đảm.:
1. Trong đức tin
Ba vua chính là những người dân ngoại đầu tiên nhận biết Chúa. Và chính nhờ đức tin qua ngôi sao lạ đã hướng dẫn đường đi, nước bước cho các ông. Thật vậy đức tin chính là ơn ban cao trọng nhất, vì không có đức tin chúng ta không thể sống đẹp lòng Chúa được. Hơn nữa không có đức tin thì sẽ như người mù lòa không biết đường biết hướng về đâu. Nhưng phài luôn nhớ rằng đức tin luôn là ơn ban nhưng cho tất cả mọi người, đặc biệt là dân ngoại. Đức tin đến với ba vua không như một phép lạ để họ nhận biết Người. Họ được ngôi sao lạ dẫn đường, ngôi sao này có thật hay không chúng ta không cần biết. Điều quan trọng là qua ngôi sao lạ ba vua nhận biết đó là điềm Thiên Chúa gởi đến soi sáng và đưa họ đến Bêlem để thờ lạy Chúa.
Ngày xưa ba vua nhờ đức tin soi sáng dẫn đường đã được thõa lòng hạnh phúc. Ngày nay Thiên Chúa cũng soi sáng chúng ta bằng nhiều cách qua các biến cố. Nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta đã biết lấy đức tin để đón nhận chưa?
2. Hành động
Thánh Giacôbê nói: "Đức tin không có hành động là đức tin chết". Nếu ba vua nhìn thấy ngôi sao mà không lên đường, thì việc trông thấy ngôi sao nào có ích gì? Đối với chúng ta cũng vậy, nếu có đức tin mà không sống theo đức tin thì có ích gì. Ba vua vừa nhìn thấy ngôi sao lạ thì nhận biết ngay đó chính là quyền phép Thiên Chúa thì các ông không cần tìm hiểu nguyên do, mà mau mắn bước theo. Thật là một niềm tin mãnh liệt là một tấm gương cho mỗi người chúng ta. Dứng trước chân lý đức tin đòi hỏi ta cũng phải có thái độ tùng phục như vậy. Do đó chúng ta hãy mau mắn làm theo ba vua, khi thấy "ngôi sao đức tin" phải vội vã lên đường, nếu ta còn lưỡng lự chậm chạp rất có thể ngôi sao đó sẽ tắt lim và không còn ánh sáng nào soi đường cho ta đi về quê thật là nước thiêng đàng nữa.
3. Can đảm
Ba vua đã từ giã gia đình thân yêu, không ngại thân già sức yếu, đường sá nguy nan, chấp nhận tất cả những khó khăn chỉ mong làm tròn thánh ý Chúa đã tỏ ra với mình. Chúng ta những người đang lữ hành, con đường mình đi chắc chắn cũng có rất nhiều chông gai hiểm trở. Chúng ta phải chiến đấu không ngừng với bản thân mình, với những xu hướng xấu từ ngay trong chính bản thân... Như ba vua đã đạt được đích đến là Thiên Chúa, thì chúng ta tin rằng với con đường đức tin mình cũng sẽ đạt được hạnh phúc đời đời. Vì thế mà mỗi người hãy can đảm vượt mọi trở ngại đời này, để sống xứng đáng với đức tin mà Thiên Chúa đã ban cho ta.
Không, phải con đường đức tin lúc nào cũng trơn tru, lắm lúc cũng bị mây mù che khuất như ba vua hôm nay, nhưng với sự quyết tâm và lòng thành các ông đã vượt qua bằng cách hỏi thăm đường. Chúng ta cũng vậy lắm lúc con mắt đức tin mình cũng bị che mù làm ta không còn nhận ra đường đi nữa, không còn biết phải đi con đường nào và xử sự ra sao. Lúc đá cũng hãy biết chạy đến những người khôn ngoan, hướng dẫn đức tin như: cha sở, cha linh hướng hoặc những người khôn ngoan, chắc chắn chúng ta sẽ không bị lầm lạc và cũng tìm được Chúa như ba vua xưa đã thấy.
Trong ngày lễ hiển linh hôm nay, chúng ta hãy dâng lên Chúa Hài đồng tâm tình thờ lạy. Ta chẳng có vàng, nhũ hương và mộc dược, nhưng chúng ta có tấm lòng, có con tim. Vậy chúng ta hãy dâng lên Chúa với tất cả lòng chân thành và con tim yêu mến đó.
Lạy Chúa, chỉ tin không thì chưa đủ, mà còn đòi hỏi con phải mau mắn thi hành những điều đức tin dạy, như thế mới là sống theo ý Chúa. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam