Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 254
Tổng truy cập: 1372035
THỜI ĐẠI ÂN SỦNG
Chúa Giêsu chịu phép rửa: Thời đại ân sủng
(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Hữu An)
Chúa chịu Phép Rửa tại sông Giođan mở ra một thời đại ân sủng cho nhân loại.
1. Sông Giođan
Trong các dòng sông nổi tiếng khắp thế giới thì Giođan bé nhỏ là dòng sông quen thuộc nhất đối với người Kitô hữu. Dòng sông ấy gắn liền với những sự kiện quan trọng của Thánh Kinh.
Như một thân thể của xứ Palestine, sông Giođan góp phần quan trọng trong lịch sử Israel ngay từ những ngày đầu Thiên Chúa chọn dân Do thái. Từ Giođan chuyển từ tiếng Do thái là “hayyarden” có nghĩa “chảy xuôi dòng thời gian”. Bắt nguồn từ Syria, do ba phụ lưu hợp thành. Sông dài 300km, rất nhiều chỗ cạn, nhiều chỗ uốn khúc; chảy vào biển hồ Galilê, ở đây lòng hồ sâu 212m dưới mực nước biển; rồi tiếp tục chảy xuống miền Nam, đổ vào Biển Chết, ở đây độ sâu là 394m dưới mức nước biển, có thể nói đây là điểm thấp nhất của địa cầu. Lòng sông rất dốc, thượng lưu ở độ cao 45 mét, đến cửa sông là 390 mét so với mặt nước biển, lưu vực 93 mét khối/s. Mặc dù là con sông rộng nhất của Palestine, nhưng Giođan khác với những con sông của nhiều nước ở chỗ: khúc sông từ Biển Hồ Galilê đến Biển Chết có đến 27 ghềnh thác khó lưu thông, lắm chỗ nước chảy qua tạo thành những thung lũng như đầm lầy, nhiều nơi có thú dữ, cây cối hai bên dòng sông mọc tươi tốt, không có thành phố lớn nào được thành lập dọc theo dòng sông.
Kinh Thánh nói nhiều đến dòng sông này. Khởi đầu là việc liên hệ giữa Abraham và ông Lot ở sông Giođan (St 13,10). Giacob từ Kharan trở về đã vượt qua sông Giođan. Các chi tộc vượt sông Giođan cách kỳ diệu dưới sự hướng dân của Giosuê (Gs 3,14-17). Con sông là ranh giới vì dân du mục vượt qua sông vào Cannaan để cướp bóc. Người Israel tìm nơi nương náu bên kia tản ngạn sông Giođan (Tl 6,33; 2Sm 17,22) và được xem như sự che chở: “Trong bụi rậm sông Giođan...” (Gr 12,5; 49,19; 50,44). Tướng quân Naaman nước Aran nghe lời ngôn sứ Êlisa xuống sông tắm 7 lần nên được khỏi bệnh phong hủi (2V 5,1-19). Ngôn sứ Êdêkiel diễn tả sức sống sung túc của sông Giođan, nước sông chảy đến đâu thì trao ban sự sống đến đó (Ed 47).
2. Chúa Giêsu chịu Phép Rửa
Chính tại dòng sông Giođan bé nhỏ, Chúa Giêsu đã đến khai mạc sứ vụ công khai bằng cách đón nhận phép rửa bởi Gioan Tẩy Giả. Ngôi Lời Thiên Chúa từng bước xuống dòng nước ấy, chỗ thấp nhất không chỉ về địa lý không gian nhưng còn thấp cả chiều sâu tâm lý và chiều kích tương quan xã hội.
Nếu đem so sánh với sông Cửu Long mênh mang thuyền qua lại thì dòng nước Giođan nơi Gioan làm phép rửa cho Chúa Giêsu có thể gọi là con kênh nhỏ. Nếu đặt bên cạnh sông Hồng cuồn cuộn xiết chảy thì dòng Giođan chỉ là con lạch. Nếu đứng kề bên sông Hương thơ mộng lững lờ trôi thì Giođan chỉ là con suối nhỏ. Đứng bên bờ này sông Giođan ném hòn đá qua bờ kia, nó có thể đi xa hơn.
Thế mà Chúa Giêsu đã chọn dòng nước bé nhỏ này, không phải như Môisen hay Giôsua giơ tay cho dòng nước rẽ đôi, nhưng để dìm mình xuống dòng nước nhỏ cùng với đoàn người chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả.
Thiên Chúa, Đấng cho Cửu long giang tuôn chảy tưới mát đồng bằng miền Nam; Đấng cho sông Hồng tuôn nước lũ bồi đắp phù sa cho đồng bằng miền Bắc; Đấng cho Hương giang lững lờ lãng mạn gợi hồn thơ đã chọn dìm mình vào dòng nước Giođan bé nhỏ.
Thật lạ lùng, trong số những người đến “xưng thú tội lỗi” (Mc 1,5) và chịu “ phép rửa sám hối để đước ơn tha tội” (Mc 1,4) lại có Chúa Giêsu. Người là Đấng Thánh, là Thiên Chúa, siêu việt tuyệt đối, tại sao lại đến xin Gioan làm phép rửa sám hối? Người là Đấng mà Gioan “không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Ngài ” lại có thể đứng chung với đám đông người tội lỗi chờ đến lượt mình được chịu thanh tẩy?
Trong đêm Giáng sinh chúng ta đã chứng kiến một Thiên Chúa hạ mình xuống làm người, sinh ra nơi hang đá máng cỏ, làm một người nghèo hèn bé nhỏ, dường như chưa đủ đối với tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa. Hôm nay, Người lại hạ mình xuống thêm một bậc nữa, xuống tận cùng xã hội nhân loại khi đến xin Gioan làm phép rửa cho mình như một người dân tầm thường và tội lỗi. Và đã xuống bậc tận cùng khi Chúa hạ mình thẳm sâu chấp nhận chết trên thập giá vì yêu thương nhân loại.
Biết nói gì về Người bây giờ nếu không phải là cúi đầu cảm phục và tôn thờ sự khiêm hạ thẳm sâu đó của Ngôi Hai làm người!
3. Thời đại ân sủng
Trước sự hạ mình thẳm sâu của Chúa Giêsu, Chúa Cha đã tôn vinh Người bằng lời tuyên bố: “Đây là con Ta yêu dấu” và sai phái Thánh Thần hiện xuống dười hình chim bồ câu.
Ba dấu hiệu mà Phúc Âm nêu lên không những tiên báo sự sống lại vinh hiển của Đức Kitô mà còn tiên báo thời đại ân sủng mà Người mang đến cho loài người.
a. Dấu hiệu 1: Trời mở ra.
Sách Sáng Thế viết: Ađam và Evà phạm tội, cửa thiên đàng đóng lại (St 3,23-24). Qua biết bao thế kỷ, Dân Chúa đã thiết tha cầu nguyện “Ôi ước chi Ngài xé rách các tầng trời và ngự xuống” (Is 64,1). Nhờ Chúa Kitô, từ nay trời mở ra, một kiểu nói của Thánh Kinh ngụ ý là, con người từ nay được sống thông hiệp với Thiên Chúa.
b. Dấu hiệu 2: Thánh Thần ngự xuống như chim bồ câu.
Sách Sáng Thế viết:Trước khi tạo dựng trời đất, thì “Thánh Thần Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1,2) như để thông truyền sức sống. Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, Chúa Thánh Thần ngự xuống dưới hình chim bồ câu với ngụ ý: Chúa Giêsu là con người mới và trong Người nhân loại sẽ được tạo dựng lại, sẽ được đổi mới. Chính Thánh Phaolô xác định: “ Điều quan trọng chẳng phải là việc cắt bì hay không cắt bì, nhưng là trở thành tạo vật mới” (Gal 6,15).
c. Dấu hiệu 3: Lời của Chúa Cha: “ Con là con yêu dấu của Ta…”.
Qua lời tuyên bố này, chúng ta nhận biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Trong lời giảng dạy, Chúa Giêsu cho biết: những ai tin vào Người và nhận phép rửa nhân danh Người thì cũng được thông phần vào địa vị làm con Thiên Chúa.
Khi Chúa Giêsu chịu Phép rửa, trong giờ phút cảm động ấy, cả Ba Ngôi Thiên Chúa cùng xuất hiện. Phép rửa của Chúa Giêsu là mặc khải đầu tiên về Ba Ngôi Thiên Chúa. Đây là lần đầu tiên trong Kinh Thánh Ba Ngôi Thiên Chúa đồng hiện diện. Các Giáo Hội Đông Phương cử hành phép rửa của Chúa Giêsu như một ngày Lễ Ba Ngôi; và chính dưới dấu chỉ Ba Ngôi mà phép rửa Kitô giáo được ban“Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
Chúa Thánh Thần như chim bồ câu đáp xuống. Chúa Thánh Thần là tình yêu. Chúa Thánh Thần ngự xuống trên ai là dấu chỉ Thiên Chúa ưu ái người ấy. Chúa Cha công khai xác nhận sự ưu ái với Chúa Con: “Đây là Con Ta yêu dấu”. Ba Ngôi liên kết trong một tình yêu hiệp thông. Chúa Giêsu hoạt động dưới tác động của Chúa Thánh Thần để thi hành thánh ý Chúa Cha. Có thể nói cả Ba Ngôi đều hoạt động trong Chúa Giêsu Kitô. Cả Ba Ngôi đều tham gia vào công trình cứu độ con người.
Từ xưa trong Cựu ước, Chúa Thánh Thần ngự xuống là để trao ban một sứ mệnh. Hôm nay, Chúa Giêsu cũng nhận lãnh một sứ mệnh, đó là cứu độ nhân loại, là “mở mắt cho người mù”, là “đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ”, là “dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong bóng tối tăm”.
Chúa Giêsu không đến trong thái độ phô trương quyền lực, nhưng đến trong sự hiền lành khiêm nhường. Người đến không phải để lên án nhưng để tha thứ. Người đến không phải để giết chết nhưng để cứu sống như lời tiên tri Isaia: “Cây lau bị dập, Người không bẻ gãy. Tim đèn leo lét, Người chẳng nỡ tắt đi”.
Phép rửa trong nước mà Chúa Giêsu đón nhận bởi thánh Gioan Tẩy Giả trở nên phép rửa trong Chúa Thánh Thần, khuôn mẫu và nguyên mẫu phép rửa Kitô giáo.
Ngày chúng ta được lãnh nhận bí tích Rửa Tội, màn đêm tội lỗi vây phủ bị xé ra, Ba Ngôi Thiên Chúa đến với mỗi người, ban cho chúng ta cuộc sống thần linh, cho chúng ta được vinh dự làm con Thiên Chúa, được kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Ngày chúng ta được lãnh nhận bí tích Rửa tội, Chúa Thánh Thần cũng đã trao cho chúng ta một sứ mệnh, đó là sống xứng đáng một người con hiếu thảo của Thiên Chúa, là tiếp tục công việc của Chúa Giêsu trong công trình cứu độ.
Chúa Giêsu là gương mẫu một người con hiếu thảo. Người luôn sống thân mật với Chúa Cha, luôn kết hiệp với Chúa Cha trong kinh nguyện hằng ngày, luôn thi hành thánh ý Chúa Cha. Người đã vâng lời Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá.
Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta luôn kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi, luôn thi hành thánh ý Thiên Chúa, luôn sống một cuộc sống tốt đẹp, luôn tích cực góp phần xây dựng xã hội, tạo hạnh phúc cho tha nhân.
Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin dạy chúng con biết sống ơn Bí tích Rửa Tội để chúng con được xứng đáng được làm con yêu dấu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Amen.
22. Sứ mệnh của người đã chịu phép rửa
(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)
Cả ba bài đọc hôm nay đều qui chiếu về Đức Giêsu. Tất cả ba bài đều trình bày cho ta những hình ảnh đẹp về cuộc đời và sứ mạng của Người.
1. Hình ảnh về một Đấng Cứu Thế khiêm nhường tự hạ.
Trong khi dân Do Thái mong chờ một Đấng Cứu Thế oai phong lẫm liệt, thì Đức Giêsu xuất hiện công khai lần đầu tiên trong sự khiêm nhường thống hối. Lúc ấy, Gioan rao giảng sự ăn năn sám hối. Đoàn lũ dân chúng đông đảo kéo đến với ông để xin chịu phép rửa thống hối. Hòa mình vào đoàn lũ những con người tự nhận mình tội lỗi ấy, Đức Giêsu âm thầm khiêm tốn xếp hàng chờ được rửa tội. Thật là lạ lùng. Chính Đấng đã thánh hóa Gioan khi ông còn trong bụng mẹ giờ đây lại đến xin ông làm phép rửa cho. Chính Đấng đến để chuộc tội loài người giờ đây lại xin người khác rửa tội cho mình. Thật là khiêm nhường thẳm sâu. Trong khi loài người tội lỗi luôn kiêu ngạo tìm nâng mình lên thì Thiên Chúa thánh thiện lại tìm hạ mình xuống. Trong khi loài người tội lỗi luôn che dấu, chối không nhận tội thì Thiên Chúa vô tội lại công khai nhận mình tội lỗi. Trong khi loài người tội lỗi tìm tránh hình phạt do tội lỗi họ gây nên thì Thiên Chúa lại ghé vai gánh lấy hết tội lỗi và mọi hình phạt mà loài người đáng phải chịu. Sự khiêm nhường ấy phát xuất từ lòng Thiên Chúa yêu thương con người, muốn chia sẻ kiếp người, muốn cứu chuộc tội đời, muốn thăng tiến nhân loại.
2. Hình ảnh về cuộc giao hòa đất trời.
Chính lúc Đức Giêsu tự nguyện gánh lấy tội lỗi nhân loại, tầng trời bị xé ra. Khi loài người phạm tội, cửa trời đóng lại, đất trời phân ly, ân phúc thôi tuôn đổ. Khi phạm tội, loài người tự giam mình trong bóng tối. Bóng tối tội lỗi giam kín con người trong thân phận bụi đất, không còn hy vọng vươn lên. Hôm nay, tầng trời xé ra có nghĩa là từ nay con người đã có lối thoát. Thân phận con người thay đổi, địa vị con người được nâng lên, vì có ơn Thiên Chúa đổ xuống, có Thiên Chúa đến gieo mầm trường sinh vào kiếp người phàm hèn. Trời đất giao hòa. Thiên giới cúi xuống hạ giới. Thiên Chúa đến ở với con người. Ân phúc tuôn đổ xuống cõi đời nhơ uế.
3. Hình ảnh về sự kết hiệp mật thiết giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.
Trong giây phút cảm động ấy, cả Ba Ngôi Thiên Chúa cùng xuất hiện. Chúa Thánh Thần như chim bồ câu đáp xuống. Chúa Thánh Thần là tình yêu. Chúa Thánh Thần ngự xuống trên ai là dấu chỉ Thiên Chúa ưu ái người ấy. Đức Chúa Cha công khai xác nhận sự ưu ái ấy với Đức Giêsu khi lên tiếng: “Đây là Con Ta yêu dấu”. Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Đây không phải là một danh xưng, một tước vị, nhưng là một liên hệ sâu xa mật thiết: Ba Ngôi liên kết trong một tình yêu hiệp thông. Đức Giêsu hoạt động dưới tác động của Chúa Thánh Thần để thi hành thánh ý Chúa Cha. Có thể nói cả Ba Ngôi đều hoạt động trong Đức Giêsu Kitô. Cả Ba Ngôi đều tham gia vào công trình cứu chuộc con người.
4. Hình ảnh về sứ mệnh người được sai đi.
Từ xưa trong Cựu ước, Chúa Thánh Thần ngự xuống là để trao ban một sứ mệnh. Hôm nay, Đức Giêsu cũng đã nhận lãnh một sứ mệnh, đó là cứu nhân độ thế. Là “mở mắt cho người mù”, là “đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ”, là “dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong bóng tối tăm”. Người không đến trong thái độ phô trương quyền lực, nhưng đến trong sự hiền lành khiêm nhường. Người đến không phải để lên án nhưng để tha thứ. Người đến không phải để giết chết nhưng để cứu sống như lời tiên tri Isaia: “Cây lau bị dập, Người không bẻ gẫy. Tim đèn leo lét, Người chẳng nỡ tắt đi”.
Phép rửa của Đức Giêsu mời gọi ta nhớ lại ơn phép rửa tội của mình. Ngày ta được lãnh nhận Bí tích Rửa tội, màn đêm tội lỗi vây phủ ta bị xé ra, Ba Ngôi Thiên Chúa đã đến với ta, ban cho ta cuộc sống thần linh, cho ta được vinh dự làm con Thiên Chúa, cho ta được kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Ngày ta được lãnh nhận Bí tích Rửa tội, Chúa Thánh Thần cũng đã trao cho ta một sứ mệnh, đó là sống xứng đáng một người con hiếu thảo của Chúa, là tiếp tục công việc của Đức Giêsu trong công cuộc cứu nhân độ thế. Đức Giêsu là gương mẫu một người con hiếu thảo, vì Người luôn sống thân mật với Chúa Cha, luôn kết hiệp với Chúa Cha trong kinh nguyện hằng ngày, và nhất là Người luôn tìm thi hành thánh ý Chúa Cha, Người đã vâng lời Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá. Ta hãy noi gương Đức Giêsu, luôn kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi, luôn tìm thi hành thánh ý Thiên Chúa, luôn sống một cuộc sống tốt đẹp, luôn tích cực góp phần xây dựng xã hội, tạo hạnh phúc cho những anh em sống chung quanh ta.
Lạy Đức Giêsu Kitô, xin dạy con biết sống ơn Bí tích Rửa tội như Chúa, để con xứng đáng được làm con yêu dấu của Đức Chúa Cha.
GỢI Ý CHIA SẺ
1- Bạn có dễ nhận lỗi không ?
2- Bạn đã thực sự sống như một người con hiếu thảo đối với Chúa chưa ?
3- Ơn phép Rửa tội là gì ? Bạn đã sống ơn Phép Rửa tội chưa ?
4- Bạn đã thực sự là Tin Mừng cho những người chung quanh chưa ?
5- Chúa Giê su chịu phép rửa trình bày cho ta những hình ảnh nào về Chúa.
23. Ta hài lòng về Con
(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa)
Cả ba Tin Mừng Nhất lãm đều kết thúc thuật trình Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan bằng lời tuyên phán của Chúa Cha: “Đây là Con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về Con” hoặc “Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” ( x.Mt 3,17; Mc 1,11; Lc 3,22 ). Chúa Cha hài lòng với Chúa Chúa Giêsu về chuyện gì đây ? Dĩ nhiên là về chuyện Chúa Giêsu tự nguyện xếp mình vào hàng đoàn người tội lỗi đang đến để cho Gioan Tẩy Giả làm phép rửa bày tỏ lòng sám hối ăn năn. Thế nhưng Chúa Giêsu vốn là Thiên Chúa dù đã mặc lấy xác phàm nhân loại như chúng ta mọi đàng nhưng chẳng hề vương bẩn tội nhơ ( x.Dt 4,15 ). Là Đấng Thánh của Thiên Chúa, Người hoàn toàn thanh sạch thế mà Người xếp hàng giữa đám người tội lỗi để làm gì ? Chắc chắn không phải là để nhờ Gioan làm phép thanh tẩy hầu được nên thanh sạch. Cũng chắc chắn rằng không phải Người cố tình làm gương cho chúng ta về việc hoán cải ăn năn như đã từng có nhiều nhà tu đức từng suy diễn. Không ai có thể làm gương một việc mà chính mình không thực làm. Như thế chìa khoá vấn đề phải nằm ở chỗ khác.
Mang lấy xác phàm, trở nên giống loài người ta mọi đàng, thì Chúa Giêsu vẫn phải cần có thời gian để hiểu biết ý Chúa Cha cũng như tự nhận thức về căn tính của mình. Các nhà Kitô học đồng thuận với nhau rằng khi còn nằm trong nôi, còn ôm lấy bầu sữa mẹ, thì trẻ Giêsu chưa thể nhận thức được căn tính Thiên Chúa của mình. Và một điều ít ai chối cải đó là năm lên mười hai tuổi, khi lưu lại Đền thờ Giêrusalem ba ngày nhân chuyến cùng cha mẹ hành hương, thì thiếu niên Giêsu đã ý thức về căn tính Thên Chúa của mình. Biết mình là Thiên Chúa, thế nhưng để biết sứ vụ của mình là cứu độ nhân loại và cứu độ nhân loại như thế nào thì Chúa Giêsu cũng cần phải có thời gian cần thiết để tìm hiểu thánh ý Chúa Cha.
Nhiều nhà Kitô học nhìn nhận rằng khi Chúa Giêsu đến chịu phép rửa tại bờ sông Giođan chính là lúc Người tìm ra con đường cứu độ. Nói đến sự ơn cứu độ, các nhà thần học lẫn tu đức thường dùng hình ảnh cứu vớt người đang chìm dưới sông nước. Không biết bơi mà rơi xuống hố nước sâu thì sự sống như không còn thuộc vào chính bản thân mình. Cần phải có một ai đó độ trì, cứu vớt, may ra mới được sống.
Để cứu độ nhân loại khỏi vùng lầy tội lỗi, Chúa Kitô không đứng bên trên mà kéo. Người đã tự nguyện đi xuống tận đáy sâu kiếp người khi vào trần gian. Đồng thân với con người trong kiếp phàm hèn chưa đủ, Chúa Kitô còn muốn đồng phận với loài người trong kiếp tội nhân, dù Người hoàn toàn vô tội. Tình yêu lên đến đỉnh cao khi người ta tự nguyện đồng thân, đồng phận với nhau. Đồng thân đồng phận với nhau là một trong những hình thức liên đới đến cùng. Là con chiên tinh tuyền, là người tôi tớ trung thành và nhân hậu, Chúa Kitô đã nhận lấy mọi hậu quả tội lỗi của loài người vào chính bản thân Người. Điều đã được Ngôn sứ Isaia loan báo xưa về “Người Tôi Trung” nay ứng nghiệm nơi chính Chúa Kitô ( x. Is 42,1-9; 49,1-7; 50,4-11 ).
Chọn con đường đi xuống để nâng loài người sa ngã lên, sự chọn lựa của Chúa Giêsu đã làm hài lòng Chúa Cha. Đây là một sự chọn lựa phát xuất bởi tình yêu sung mãn. Chúa Thánh Thần với hình chim bồ câu ngự xuống trên Người là một dấu chỉ. Và các tầng trời mở ra, nghĩa là con đường cứu độ nay đã khai mở cho con người. Việc Chúa Giêsu chọn con đường đi xuống giúp chúng ta xác tín những chân lý sau:
1. Không một ai là không có thể được cứu rỗi: Các cứu hộ viên đứng trên bờ sông mà đưa tay ra thì những người ở xa bờ hay đang chìm dưới nước quả là khó có cơ may được cứu. Trái lại khi các cứu hộ viên đã lặn sâu xuống đáy sông thì mọi người đều có thể được cứu sống. Chúa Giêsu đã cúi xuống dưới chân các tông đồ, Người đã cúi xuống dưới chân Giuđa, kẻ đã rắp tâm phản bội Người và Người sẵn sàng cúi xuống dưới chân hết mọi người, trong mọi hoàn cảnh. Chỉ cần chúng ta đồng thuận thì Người sẽ nâng chúng ta lên cùng Chúa Cha.
Mọi người đều có thể được cứu rỗi. Một chân lý của niềm tin và của niềm hy vọng. Bất cứ ai, dù trong hoàn cảnh tồi tệ nào đi nữa, thì vẫn luôn có Giêsu Kitô đứng dưới chân để sẵn sàng nâng lên. Chính vì thế mà thất vọng về chính mình là một sự tồi tệ thật đáng trách không kém gì khi ta thất vọng về tha nhân.
2.Trước tiên hãy trách mình, đừng trách tha nhân hay phàn nàn Chúa, nếu giả như chúng ta vẫn mãi mê trong tội. Một trong những thói xấu của người đắm chìm trong tội đó là tìm đủ lý do để bào chữa. Để làm giảm nhẹ trách nhiệm của mình, khi phạm tội, chúng ta thường hay đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho tha nhân, cho ma quỷ và có khi cho cả Thiên Chúa. Phải tiên thiên loại trừ việc gán cho Thiên Chúa là tác nhân gây sự xấu vì Thiên Chúa không hề, đúng hơn là không thể cám dỗ một ai. Chúng ta cũng cần chân nhận rằng thần dữ, người xấu hay ngoại cảnh cũng có góp phần nào đó trong tội của chúng ta. Tuy nhiên, các tác nhân ấy chỉ có thể làm tăng giảm mức độ trách nhiệm của chúng ta trên tội của mình. Nhưng không ai khác, chính chúng ta phải là người trực tiếp chịu trách nhiệm mọi hành vi tội lỗi của mình.
Mừng mầu nhiệm Chúa Giêsu chịu phép rửa, mở đầu cuộc đời công khai rao giảng Tin Mừng, hãy cùng cảm tạ và ngợi khen Thiên Chúa vì đã yêu thương loài người đến cùng. Không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô, Đấng đã tự nguyện đồng hàng với chúng ta trong kiếp tội nhân. Cúi mình để cho Gioan làm phép rửa là điểm khởi đầu và điểm kết thúc là thân phận một tội nhân trên thập giá.
24. Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Văn Nam
“Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về con”
Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giođan mà Giáo hội mừng kính hôm nay kết thúc mùa Giáng Sinh và hướng chúng ta về đời sống công khai của Chúa Giêsu. Phụng vụ Lời Chúa trình bày Đức Giêsu là con yêu dấu của Chúa Cha, được Chúa Thánh Thần tấn phong làm Đấng Messia, Đấng Cứu Thế, Ngài muốn chia sẻ thân phận con người và muốn liên đới với loài người tội lỗi, mặc dù Ngài là Con Thiên Chúa: “Con là Con yêu dấu của Cha”.
Biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa đã được Tin mừng Nhất lãm Mát thêu, Mác cô, Luca thuật lại. Điều này nói lên sự quan trọng của biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa sám hối của Gioan Tẩy Giả.
Đây là một cuộc thần hiện mạc khải rõ nét nhất về Mầu nhiệm một Thiên Chúa Ba Ngôi. Đức Giêsu chịu phép rửa xong, thì trời mở ra. Trời mở ra nói lên sự hiện diện uy nghi của Thiên Chúa. Từ trời có tiếng Chúa Cha tuyên phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng vì Con”, và Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu đậu trên vai Đức Giêsu.
Cuộc thần hiện này cũng xác nhận thiên tính của Đức Giêsu và mạc khải Ngài là Đấng Cứu Độ muôn dân: “Này là Con ta yêu dấu”.
Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là Mầu nhiệm quan trọng nhất trong đạo Công giáo và là nền tảng của niềm tin Kitô giáo. Mầu nhiệm này biểu lộ tình thương của Thiên Chúa: Chúa Cha tạo dựng nên vạn vật vũ trụ. Chúa Con giáng trần cứu độ nhân loại “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một của Ngài”. Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa và ban sức mạnh cho chúng ta.
Qua biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa, Giáo hội hướng người Kitô hữu về hồng ân làm con Chúa qua bí tích Rửa tội và kêu gọi con cái mình sống ơn làm con Chúa với tâm tình hiếu thảo đối với Thiên Chúa là Cha như người con đối với ông bà cha mẹ:
- Luôn theo Thánh ý Thiên Chúa Cha, tuân giữ các điều răn của Chúa: “Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ lời Thầy”.
- Luôn nói có với Thiên Chúa và nói không với ma quỷ, tội lỗi, điều xấu…
- Tương quan tốt với Chúa và với mọi người để chúng ta trở nên những người con hiếu thảo, những người con yêu dấu của Thiên Chúa như Đức Giêsu: “Này là Con Ta yêu dấu đẹp lòng Ta mọi đàng”.
- Tham gia sứ mạng loan báo Tin mừng của Chúa giêsu và chu toàn bổn phận Chúa giao phó: Người Kitô hữu phải chu toàn bổn phận đối với Thiên Chúa và bổn phận của một người công dân đối với xã hội trần thế “Người Kitô hữu tốt phải là người công dân tốt” (ĐGH Bênêđictô XVI).
Trong cuốn “Người Lữ Hành” có một câu chuyện rất hay. Chuyện kể về một gia đình sống ở Luân Đôn thủ đô nước Anh. Một gia đình công nhân vừa nghèo lại vừa đông con với mười ba người con. Bố của chúng phải đi làm suốt ngày tại xí nghiệp. Bà mẹ ở nhà làm nghề phụ và là nội trợ. Dù bận bịu đầu tắt mặt tối suốt ngày đêm, nhưng bà Vaughan vẫn vui vẻ thay chồng dạy dỗ con cái và nhất là trưa nào bà cũng thay cho cả gia đình đến với Chúa Giêsu Thánh Thể trong Nhà Tạm. Láng giềng bà quen biết hỏi bà: “Một bầy con mười ba đứa, bận rộn từ sáng đến tối vậy mà làm sao trưa nào chị cũng đi chầu Thánh Thể như thế”. Bà tươi cười trả lời: “Thấy một bầy con lúc nhúc trưa ăn bữa mai đã phải nghĩ đến việc chạy gạo bữa hôm, tôi lo lắm. Hơn thế chúng nó còn phải đi học. Ở trường thiếu gì những bạn bè xấu rủ rê chúng đi chơi hoặc giữa đường giữa chợ thiếu gì cảnh nguy hiểm, tôi lại càng thao thức hơn. Chính vì thế mà mỗi ngày dù bận bịu đến đâu tôi cũng bỏ ra một giờ để chầu Mình Thánh Chúa, sốt sáng xin Người ban ơn cho vợ chồng tôi nuôi nấng các cháu hàng ngày dùng đủ và dạy dỗ chúng nên người đạo đức”.
Kết quả thật tốt đẹp. Chúa đã nhận lời và ân thưởng cho lòng tin cùng sự hy sinh của bà Vaughan. Trong mười ba người con, một người sau này làm Hồng Y tổng giáo phận Luân Đôn, một người khác làm Tổng Giám Mục, hai người làm Linh mục, hai nam tu sĩ, hai nữ tu sĩ, còn năm người nữa ở thế gian lập gia đình, nhưng tất cả đều sống một đời sống rất tốt lành, thánh thiện.
Người Kitô hữu được hai hồng ân vĩ đại là được ơn sự sống, được sinh ra và hiện hữu trên đời này qua trung gian cha mẹ. Được làm người là ân ban vĩ đại của Thiên Chúa. Hồng ân quan trọng và vĩ đại hơn là được làm con Chúa qua bí tích Rửa Tội, được sống sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, sự sống thần linh. Người Kitô hữu thường quên và lãnh đạm trước ân ban cao quý này. Nên họ không sống đạo tốt, không sống hiếu thảo với Thiên Chúa là Cha, nghĩa là chưa sống ơn làm con Chúa qua bí tích Rửa Tội.
Chúng ta cầu nguyện với Chúa:
“Xin cho con biết luôn tín thác vào Chúa,
Luôn tìm và thi hành ý Chúa là điểm tứ của đời con.
Xin giúp con sống trọn tình con thảo với Chúa là Cha,
Sống vẹn nghĩa huynh đệ với nhau là anh em một nhà,
Mở rộng lòng bao dung đồng cảm với mọi người.
Chia sẻ mọi nỗi vui buồn, lo âu và hy vọng”.
(Kinh Năm Đức Tin)
25. Ba sứ vụ - Lm. Vũ Đình Tường
Đấng Cứu thế sinh xuống trần gian tạo nên mối liên kết đất trời. Bắt đầu bằng việc truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria và hai tiếng xin vâng. Mẹ là người đầu tiên đón nhận Đấng Cứu Thế sinh xuống làm người ở giữa chúng ta. Tiếp theo đó là Thánh Giuse bạn Đức Trinh Nữ. Thánh cả đón nhận hướng dẫn của thần linh qua các giấc chiêm bao, bảo vệ gia đình Thánh Gia qua các ngày đen tối của dã tâm con người tìm giết con trẻ. Kế đến là việc truyền tin cho các mục đồng chăn chiên và ánh sáng từ trời cao soi đường, dẫn lối cho ba vua từ Phương Đông đến đón chào, dâng tiến lễ vật. Sứ thần Thiên Chúa lại truyền tin cho cụ già Simêon và tiên tri Anna đến đón chào tại đền thờ và ngay sau khi Đức Kitô chịu phép rửa tại sông Jordan. Ngài bước lên khỏi bờ bầu trời mở ra có tiếng từ trời cao vang vọng:
“Đây là Con Ta yêu mến, hàng làm đẹp lòng Ta” (Mc 1,11)
Kèm theo tiếng nói còn có thêm Thánh Thần qua hình chim bồ câu đậu xuống trên Đức Kitô. Ngày lễ Đức Kitô chịu phép rửa chính thức chấm dứt mùa Giáng Sinh của Đấng Cứu Thế và nhường bước cho chương trình kế tiếp của Ngài. Chương trình đó chính là chương trình cứu độ nhân loại, giải thoát con người khỏi vòng tội lỗi với những mặc khải kế tiếp.
Những mặc khải từ trời cao về Đấng Cứu Thế đến đây tạm chấm dứt nhường bước cho những mặc khải khác đến từ Đức Kitô. Trước đây sứ thần Thiên Chúa và Chúa Cha nói về Đức Kitô; giờ đây đổi lại Đức Kitô nói về Thiên Chúa Cha. Đức Kitô mặc khải Chúa Cha và chương trình cứu độ nhân loại. Chương trình cứu độ Đức Kitô thực hiện do Chúa Cha hoạch định và Đức Kitô thừa hành, hoàn tất tốt đẹp chương trình đó.
Để mặc khải cho nhân loại về Chúa Cha và chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Đức Kitô xuống thế làm người, sinh bởi Đức Trinh Nữ, mặc dù vô tội Đức Kitô xá tội trần gian bằng cách thay họ chịu khổ hình, bắt đầu bằng việc lãnh nhận phép Thanh Tẩy của Gioan. Nhờ việc Thánh Thần Chúa ngự xuống biến phép rửa chúng ta lãnh nhận trở thành phép rửa do Thánh Thần thánh hoá. Những ai nhận bí tích thanh tẩy và bước theo đường lối Chúa cũng được hưởng tiếng từ trời cao phán: Đây là con Ta yêu mến, hằng làm đẹp lòng ta. Qua bí tích thánh tẩy chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa và chia sẻ ba sứ vụ của Đức Kitô.
Sứ vụ thứ nhất, Đức Kitô là linh mục Tối Cao và chúng ta chia sẻ chức linh mục đó qua việc chuyên cần cầu nguyện. Điều đó sinh ích cho đời sống tâm linh ta. Là linh mục Tối Cao Kitô tự hiến thân mình làm lễ tế chuộc tội thiên hạ. Chúng ta không có khả năng làm điều đó và cũng không cần bởi một mình Đức Kitô hy sinh đủ cứu nhân loại, chúng ta chia sẻ chức linh mục qua việc chia sẻ tài năng và thời gian cũng như tài vật cho những anh em nghèo đói.
Sứ vụ thứ hai, Đức Kitô vua vũ trụ cho phép chúng ta chia sẻ chức vụ lãnh đạo của Ngài. Chúng ta chia sẻ bằng cách sống và cổ võ sống công bằng, thực thi bác ái, yêu thương và tha thứ. Sống như thế là cho thế giới biết Lời Chúa có sức mạnh, có sức thánh hoá và ban sự sống cho thân xác và tâm linh con người.
Sứ vụ thứ ba là chức vụ tiên tri. Đức Kitô dậy chúng ta biết về Thiên Chúa, tình thương Chúa và sự thật về Thiên Chúa. Chia sẻ đời sống tiên tri chúng ta nói cho tha nhân về ức Kitô, rao giảng điều Ngài rao giảng và làm chứng về Đức Kitô.
Thực hành ba chức vụ: Tư tế, tiên tri và vương đế là làm sống điều hứa khi lãnh nhận phép bí tích thanh tẩy. Khi đó linh mục xức dầu và tuyên bố ba sứ vụ cao cả trên.
26. Suy niệm của Lm. Phêrô Lê Văn Chính
Cùng Chết và Phục Sinh với Đức Giêsu Kitô trong Phép Rửa
Vào các ngày Chúa nhật, chúng ta vẫn có thói quen rảy nước thánh trong phần thống hối đầu lễ. Việc rảy nước thánh này nhắc nhở mỗi người bí tích rửa tội mà chúng ta đã lãnh nhận, lời cam kết của chúng ta muốn thuộc về Chúa, và việc chúng ta được trở nên con Thiên Chúa nhờ người Con một duy nhất của Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô. Hơn nữa, ở các nhà thờ người ta vẫn để ở nơi cửa nước thánh để mỗi khi ra vào, chúng ta đặt ngón tay vào đó và làm dấu thánh giá tuyên xưng mầu nhiệm Ba ngôi, để nhắc nhở chúng ta bí tích rửa tội mà chúng ta đã được dìm mình vào sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Ngay cả mỗi khi chúng ta tuyên xưng kinh tin kính trong thành lễ, đó cũng là lúc chúng ta tuyên xưng lại lời tuyên xưng trong bí tích rửa tội.
Phép rửa là một Bí tích khai tâm, bí tích này dẫn người tín hữu vào tương quan sự sống với Thiên Chúa và với Giáo hội. Phép rửa vừa là một cử hành tuyên xưng và cam kết long trọng, được cử hành với sự chứng kiến của những người thân yêu. Trong cử hành này, chúng ta tuyên xưng lời tuyên xưng nguyên thủy: Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa. Lời tuyên xưng nguyên thủy này càng lúc càng được khai triển thành lời tuyên xưng Ba ngôi, bởi vì Đức Giêsu Kitô là người Con một của Thiên Chúa, được Chúa Cha sai đến cùng với sức mạnh Thánh Thần luôn hoạt động nơi Đức Giêsu Kitô. Đồng thời phép rửa luôn được cử hành cùng với nước. Nước là một yếu tố trong thiên nhiên vũ trụ, nước có dồi dào trên địa cầu,và chúng ta dùng nước cho đời sống hằng ngày, để tắm rửa cho cơ thể sạch sẽ lành mạnh, để uống bồi dưỡng cơ thể chúng ta. Và nước cần thiết cho mọi sinh vật chung quanh chúng ta, nước để tưới cho đồng ruộng và cây cối, trong nước có biết bao nhiêu loài cá sinh sống là nguồn lương thực dồi dào cho con người. Nước cần thiết cho tàu thuyền đi lại, nối liền các bờ đại dương, cho con người có thể buôn bán và đi lại từ những lục địa xa xôi.
Vào thời Chúa Giêsu, nước đã được dùng trong những nghi thức của các tôn giáo, bởi vì nước được dùng làm nghi lễ thanh tẩy. Người ta tin rằng khi làm những nghi thức thanh tẩy bằng nước, người ta được sạch những ô uế mà họ có thể bị lây nhiễm do bởi những tiếp xúc hằng ngày với những người khác. Thánh Gioan đã rao giảng mời gọi mọi người thống hối vì Đấng cứu độ gần đến và ông làm phép rửa thống hối bằng nước để mời gọi mọi người chuẩn bị tâm hồn xứng đáng đón tiếp Đấng cứu độ. Chúa Giêsu cũng gia nhập vào dòng người để đến lãnh phép rửa của Gioan ở sông Giorđan. Khi cử hành phép rửa, Gioan cũng giải thích cho mọi người ý nghĩa và tầm vóc của phép rửa của mình và hướng mọi người đến Đấng quyền năng sẽ đến sau ông và sẽ ban phép rửa trong Thánh Thần. Như thế, khi cử hành phép rửa trong nước, Gioan đã ý thức phép rửa ông cử hành chỉ là hình bóng tạm để báo trước một thực tại toàn vẹn hơn là phép rửa trong Thánh Thần của Đức Giêsu mà mọi người cần phải hướng về để đón nhận.
Quả đúng như Gioan tẩy giả dự đoán, Đức Giêsu đã hòa vào dòng người đến xin lãnh phép rửa của Gioan.Tin mừng theo Mác-cô tường thuật rất vắn tắt việc Đức Giêsu lãnh phép rửa. Mác-cô không ghi lời đối thoại nào giữa Đức Giêsu và Gioan, chỉ vắn tắt nói rằng Đức Giêsu đã từ Nazarét xứ Galilê giữa nhiều người và đến xin lãnh phép rửa của Gioan ở sông Giorđan. Đức Giêsu muốn đón nhận những gì mà Gioan làm, như thế cũng là đón nhận truyền thống và nhịp sống của do thái giáo, bởi vì Gioan là hình ảnh của tiên tri Êlia của do thái giáo, những con người hoạt động mạnh mẽ bởi tác động của Thánh Thần. Và sự kiện trọng đại đã diễn ra, khi Đức Giêsu vừa bước lên khỏi nước, thì trời mở ra, Thánh Thần dưới hình chim bồ câu ngự xuống trên người, và có tiếng từ trời tuyên phán Con là Con Cha yêu dấu, con đẹp lòng Cha. Các Tin mừng rất nhấn mạnh đến phép rửa của Chúa Giêsu như là khởi đầu cho cuộc đời truyền giảng công khai của Chúa Giêsu. Người được Chúa Cha xác nhận và giới thiệu cho mọi người cũng như người Con rất yêu dấu, đầy tràn Thánh Thần, người là Đấng Kitô, được xức dầu để thực hiện công trình cứu thế cho nhân loại. Sự kiện Đức Giêsu chịu phép rửa ở sông Giorđan mạc khải căn tính thần linh của Đức Giêsu. Người là Con một yêu dấu của Chúa Cha mà Chúa Cha rất hài lòng. Việc người lãnh nhận phép rửa không hề thay đổi căn tính thần linh của người mà còn mạc khải rõ cho mọi người căn tính thần linh này mà Gioan tẩy giả đã báo trước là người sẽ làm một phép rửa hoàn toàn khác, chính là phép rửa trong Thánh Thần.
Truyền thống các tiên tri, đặc biệt tiên tri Isaia (chương 42) đã báo trước về một người tôi tớ đặc biệt của Thiên Chúa mà Thiên Chúa sẽ ban tặng cho nhân loại, ngay cả nói rõ người tôi tớ này là người con của Thiên Chúa, được đầy tràn Thánh Thần và làm đẹp lòng Thiên Chúa trong mọi sự, Người sẽ thi hành việc xét xử muôn dân và thực thi công trình cứu độ. Mặt khác, người con này rất “hiền lành và khiêm tốn, không bẻ gãy cây lau đã giập, không dập tắt tim đèn còn khói” nhưng mang lại “ơn cứu độ và giải thoát cho những người bị giam cầm vì bệnh tật và tù tội, đem lại công lý trên địa cầu”. Giờ đây, những hình ảnh đã báo trước trở nên hiện thực một cách rõ rệt nơi Đức Giêsu, người sẽ thực hiện giao ước cứu độ bằng chính cái chết của người trên thập giá.
Sau khi Chúa Giêsu Phục sinh, Thánh Phêrô, với những chứng từ trung thực và quan trong mà ông lãnh nhận, đã bắt đầu rao giảng cho những người do thái và cho mọi người những biến cố cứu độ mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Giêsu. Đây là những cảm nghiệm chân thực và sống động muốn được chia sẻ và rao giảng cho hết mọi người thành tâm thiện chí để họ tin và đón nhận Đức Giêsu, người con một Thiên Chúa ban tặng. Thiên Chúa đã thực hiện ơn cứu độ, không chỉ dành riêng cho người do thái, không thiên tư tây vị cho riêng ai, nhưng là một tình yêu dành cho hết mọi người không phân biệt màu da chủng tộc. Hết mọi người sống đời ngay thẳng, thực hành sự công chính đều được Thiên Chúa đón nhận khi sai người Con một Thiên Chúa đến sống và rao giảng giữa mọi người. Đây cũng là điều mới mẽ mà thánh Phêrô cũng chia sẽ giống với thánh Phaolô qua cách nói của Phaolô, là mầu nhiệm được giữ kín từ muôn thuở, và giờ đây được mạc khải cho mọi người, tức là các dân ngoại được trở nên đồng thừa tự, được cùng chung phần vào một lời hứa. Phần thánh Phêrô, người làm chứng rằng Đức Giêsu, Đấng đã được xức dầu Thánh Thần tấn phong, đã đi qua mọi nơi mà làm những phép lạ ban bố mọi ơn lành cho mọi người.
Phép rửa là khởi đầu, khai mào đời sống nghĩa tử của người tín hữu chúng ta. Cùng với Chúa Giêsu, chúng ta được trở nên con Thiên Chúa. Phép rửa dẫn chúng ta vào tương quan nghĩa tử với Thiên Chúa làm cho cuộc đời chúng ta được tràn ngập những quà tặng của Thánh Thần nâng đỡ cuộc đời trần thế của mình. Cuộc đời của người tín hữu là một hành trình thực hiện ơn gọi cao cả này, đó là được kết hợp với Đức Giêsu để sống ngay từ bây giờ tương quan con thảo của Thiên Chúa. Đây là hành trình cao cả và cũng rất đòi hỏi bởi vì chúng ta được mời gọi kết hợp với mầu nhiệm thập giá để được cùng chết và cùng phục sinh với Chúa Giêsu. Chúng ta thường nghĩ rằng phép rửa chỉ là một nghi thức đã qua, một nghi thức thực hiện xong rồi không cần phải nhớ lại những cam kết này làm gì nữa. Thực ra, phép rửa xác định căn tính của người kitô hữu, và họ phải cố gắng thực hiện hằng ngày căn tính này. Phép rửa là một sự dìm mình liên tục và sự đổi mới liên tục để càng lúc chúng ta càng được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu. Có thể nói rằng chúng ta dùng cả cuộc đời của mình để thực hành sống mầu nhiệm này cũng là căn tính của cuộc đời kitô hữu của chúng ta. Cả cuộc đời, chúng ta không ngừng được mời gọi sống trung tín với Thiên Chúa bằng việc không ngừng kết hợp với Chúa Giêsu nhờ sự thúc đẩy của Thánh Thần mà chúng ta đã lãnh nhận trong phép Rửa. Phẩm giá của mỗi người thực là cao cả và chúng ta được mời gọi khám phá và sống căn tính này của mình theo bước chân của Chúa Giêsu.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam