Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 31
Tổng truy cập: 1374295
THỜI GIAN LÀ CỦA CHÚA
Thời gian là của Chúa – Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền
Nếu được hỏi cái gì cần nhất? Có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ trả lời là tiền. Vì tiền là Tiên, là Phật. Thế nhưng, có một thứ mà tiền cũng không thể mua được, đó là thời gian. Thời gian khép lại cũng đồng nghĩa mọi sự sẽ qua đi chẳng còn ích lợi gì cho chúng ta. Dù rằng chúng ta có khối tài sản lớn. Dù rằng chúng ta có một địa vị cao. Thời gian chấm hết thì mọi sự cũng sẽ chia tay chúng ta. Hơn nữa, thời gian của con người thật mong manh tựa như bóng câu qua cửa sổ, tựa như cơn gió thoảng qua...
Có một người rất keo kiệt, lúc nào cũng chắt bóp chẳng dám ăn tiêu gì. Tích cóp cả đời, anh ta để dành được cả một gia tài lớn.
Không ngờ một ngày, Thần Chết đột nhiên xuất hiện đòi đưa anh ta đi. Lúc này anh ta mới nhận ra mình chưa kịp hưởng thụ chút gì từ số tiền kia. Anh ta bèn nài nỉ:
- Tôi chia một phần ba tài sản của tôi cho Ngài, chỉ cần cho tôi sống thêm một năm thôi.
- Không được. – Thần Chết lắc đầu.
- Vậy tôi đưa Ngài một nửa. Ngài cho tôi nửa năm nữa, được không? – Anh ta tiếp tục van xin.
- Không được. – Thần Chết vẫn không đồng ý.
Anh ta vội nói:
- Vậy… tôi xin giao hết của cải cho Ngài. Ngài cho tôi một ngày thôi, được không?
- Không được. – Thần Chết vừa nói, vừa giơ cao chiếc lưỡi hái trên tay.
Người đàn ông tuyệt vọng cầu xin Thần Chết lần cuối cùng:
- Thế thì Ngài cho tôi một phút để viết chúc thư vậy.
Lần này, Thần Chết gật đầu. Anh run rẩy viết một dòng:
- Xin hãy ghi nhớ: “Bao nhiều tiền bạc cũng không mua nổi một ngày”.
Hóa ra ở đời điều quan trọng không phải là tiền. Điều quan trọng là mình biết sử dụng thời gian có ý nghĩa hay không? Có tiền mà sống vô nghĩa cũng uống phí. Có tiền mà không biết tận hưởng hạnh phúc cuộc sống cũng bằng thừa. Thế nên, hãy biết trân trọng thời gian. Hãy làm việc tích đức cho cuộc đời. Đừng để uổng phí cuộc đời trong những đam mê của danh lợi thú. Thời gian sẽ trôi qua không chờ không đợi. Thời gian sẽ qua đi như hoa sớm nở chiều tàn. Hãy sống cho có ý nghĩa là sống có ích cho tha nhân, cho cuộc đời. Đừng chỉ sống cho mình kẻo uổng phí thời gian.
Người ta cho rằng tuổi thọ trung bình của người Việt là 70 năm. Nhưng trong 70 năm ấy, có người sống trọn nhưng không để lại thứ gì cho đời. Có người sống 30 năm nhưng lại để lại biết bao điều tốt đẹp cho đời.
Thiên Chúa là chủ thời gian. Chính Ngài làm chủ sự sống của chúng ta. Sống chết đều nằm trong sự quan phòng của Ngài. Thế nên, hãy sống trong ân nghĩa với Ngài. Hãy sống trong sự hiệp nhất với Đấng làm chủ cuộc đời chúng ta, để chính Ngài sẽ cho chúng ta được sống và sống đời đời.
Lagiarô dầu được Chúa trả lại sự sống một lần nhưng rồi với quy luật thời gian, ông cũng chết như bao người khác. Điều quan trọng và quý giá của cuộc sống là biết sống trong ân nghĩa với Thiên Chúa, biết sống kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa cả ở đời này lẫn đời sau. Nhờ vậy mà chúng ta được sống hạnh phúc đời này và cả đời sau.
Giả dụ như chúng ta cũng được như Lagiarô Chúa cho chết rồi sống lại. Chúng ta sẽ sống cuộc sống còn lại như thế nào? Liệu có còn muốn bon chen, tích góp, giành giật hay sống dành thời gian cho có ý nghĩa với gia đình, với cuộc đời. Nếu ai đã từng trải qua bệnh tật thập tử nhất sinh có lẽ sẽ cảm nghiệm điều này: tiền tài, danh vọng chẳng là gì một khi đã nhắm mắt xuôi tay. Một khi mình không có nắm giữ được chúng nữa thì những gì mình tích góp cũng uổng công.
Đồng tiền không mua được thời gian, ước gì chúng ta biết sử dụng thời gian cho hợp lý. Xin đừng vì danh lợi thú mà sống xa rời Thiên Chúa, lỗi luật với Ngài để rồi chúng ta sẽ mãi lạc vào cõi hư vong. Ước gì chúng ta biết noi gương Chúa Giê-su sống trọn vẹn thời gian trong sự kết hợp với Chúa Cha và phục vụ tha nhân với hết khả năng của mình. Có như vậy chúng ta mới sống tròn ý nghĩa cuộc đời là tôn vinh Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Amen.
++++++++++
12. Niềm tin tín thác – Lm Giuse Tạ Duy Tuyền
Cuộc đời có đau khổ, có hạnh phúc. Đau khổ và hạnh phúc hoà quyện vào nhau làm thành một cuộc đời đầy thi vị và ý nghĩa. Tựa như chanh và đường có vị ngọt vị chua. Cuộc đời cũng có ngọt ngào của hạnh phúc và có cả chua cay của khổ đau. Thế nhưng, nhiều người lại sợ hoà những vị chua, vị cay vào kiếp người. Họ sợ đau khổ. Họ sợ bất hạnh. Họ sợ nghi nan. Đối với họ, Thiên Chúa là lá bùa hộ mệnh để đảm bảo cho họ một cuộc đời an vui hạnh phúc. Họ cho rằng, dấu chỉ sự hiện hữu của Thiên Chúa là đẩy lùi sự dữ ra khỏi cuộc đời của họ. Có Chúa thì không thể có bất hạnh, không thể có khổ đau.
Đó là điều mà Matta và Maria đã từng nghĩ như thế! Các bà đã trách Thầy "nếu Thầy ở đây thì em con không chết". Thế nhưng, Lagiaro đã chết! Phải chăng hai bà cũng ngầm trách Chúa, lúc đó Thầy ở đâu? Lúc mà Lagiaro đang ốm nặng? Lúc mà tình thế có thể được cứu vãn? Nếu Thầy đến nhanh hơn một chút thì có lẽ đã chẳng có thảm cảnh hôm nay.
Thực vậy, khi Chúa Giêsu đến nhà Matta và Maria thì Lagiaro đã chết và đã chôn cất được 4 ngày rồi. Một thời gian đủ để thân xác có thể bắt đầu tan rã để hoà trộn với bùn đất. Dầu vậy, ở đây chúng ta thấy đức tin trổi vượt của Matta, một đức tin không lay chuyển trước thử thách để có thể thưa lên với Chúa rằng: "nhưng bây giờ con biết. Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho". Quả là một đức tin tinh tuyền, tuyệt đối, không lay chuyển trước sóng gió cuộc đời. Matta là một con người thật chân thành, bộc trực. Bà trách Chúa nhưng lòng bà vẫn tin vào quyền năng của Chúa. Trong đau khổ bà vẫn không tuyệt vọng. Thế nên, Chúa đã nói cùng bà: "Em con sẽ sống lại". Matta ngạc nhiên hơn là cảm động. Bà không hiểu nổi và chỉ ú ớ tuyên xưng: "Con biết em con sẽ sống lại khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết". Lúc này Chúa Giê su làm nổ tung một bí ẩn, chiếu sáng đức tin và đòi hỏi một lòng tin tín thác: "Thầy là sự sống và là sự sống lại. Ai tin Thầy thì dù có chết cũng sẽ sống lại, chị có tin được như thế không? Matta thưa: "Thưa Thầy con tin. Con tin Ngài là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến trong thế gian".
Cuối cùng, Chúa đã nói với Matta và Maria và những người đang đứng đó: "nếu tin, thì sẽ thấy vinh quang Thiên Chúa". Và rồi Ngài đã gọi Lagiaro trong mồ bước ra trước sự ngỡ ngàng, sửng sốt của gia đình Matta, của dân chúng làng Bêtania.
Kính thưa quý Ông Bà Anh Chị Em,
Trong cuộc sống đầy bon chen để kiếm miếng cơm manh áo, chúng ta thấy cuộc đời sao khổ quá! Nhất là trong thời kỳ gạo quế củi châu, lạm phát gia tăng, kiếm đồng tiền đổi lấy chén gạo bát canh đã khó lại càng khó khăn hơn. Rồi cuộc đời đâu mấy khi bình yên. Sóng gió tư bề. Đau khổ bệnh tật. Thiên tai lũ lụt, hạn hán hoành hành. Năm nay, Việt Nam còn hứng chịu cái lạnh kéo dài khiến cho hàng trăm con trâu bò bị chết cóng, hàng trăm ngàn hecta đất không thể trồng cấy đúng mùa. Dịch bệnh lan tràn. Người dân nghèo lại càng nghèo thêm. Cái lạnh của trời đất hoà với cái lạnh của tình người khiến cho cái đói, cái khổ cứ lận vào cả một kiếp người. Đặc biệt là trân động đất gây nên sóng thần tại Nhật Bản đã khiến hơn 10 ngàn người thiệt mạng, hàng trăm ngàn người không có nhà cửa và biết bao khu phố phồn thịnh nay chỉ còn là đống hoang tàn.
Đứng trước một viễn cảnh đầy những khổ đau như thế, nhiều người đã thầm trách Chúa, Chúa ở đâu sao để cuộc đời luôn giăng đầy những sầu đau? Chúa có nhìn thấy những bất hạnh mà con đang gặp phải trong cuộc đời vốn dĩ lắm nổi trôi lại nhiều phiền muộn này? Bài phúc âm hôm nay, mời gọi chúng ta đặt niềm tín thác vào Thiên Chúa. Thiên Chúa vẫn luôn quan tâm đến chúng ta. Người luôn đi bước trước để an ủi, nâng đỡ chúng ta. Người cũng đang mời gọi chúng ta đặt niềm tin vào Chúa như Matta để trong những biến cố đau thương nhất của cuộc đời chúng ta vẫn có thể thưa lên cùng Chúa. Con tin rằng: Chúa có thể làm những điều tốt đẹp nhất cho con.
Đau khổ là một sự dữ. Bất hạnh của cuộc đời là đêm tối của đức tin. Tuy nhiên qua những biến cố này, niềm tin lại toả sáng trong cuộc đời chúng ta. Chính trong những bất hạnh đó, chúng ta mới thấy con người thật nhỏ bé, tầm thường, chúng ta mới thấy sự bất toàn của kiếp người để đặt niềm tín thác vào Thiên Chúa. Con người luôn bất lực trước sự dữ, nhưng nếu Thiên Chúa muốn, Ngài có thể giải thoát chúng ta ngay bây giờ khỏi mọi điều sự dữ. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn biết đặt niềm tin tưởng cậy trông vào Chúa ngay giữa những gian nan của dòng đời và ngay giữa những bất hạnh của cuộc đời chúng ta. Amen.
++++++++++
13. Hành trình đức tin
Câu chuyện phép lạ Chúa Giêsu làm cho Ladarô sống lại là câu chuyện dài nhất và quan trọng nhất được nêu lên trong cuộc xét xử giữa ánh sáng và bóng tối. Qua câu chuyện phép lạ này, Chúa Giêsu chứng minh cho mọi người thấy " Người là sự sống lại và là sự sống", và Người có sự sống đời đời đem đến cho những ai tin vào Người. Hôm nay, tôi xin chia sẻ với quý ông bà anh chị em đề tài: Hành Trình Đức Tin. Trong bài tường thuật này, chúng ta thấy Mácta được xem như mẫu gương cho cuộc hành trình đức tin của mỗi người Kitô hữu. Qua diễn tiến của bài tường thuật, tôi thấy cuộc hành trình đức tin của bà trải qua ba giai đoạn sau. Thứ nhất, đó là một đức tin dựa trên nhu cầu của thân xác con người. Sở dĩ nói thế là vì khi em bà ngả bệnh nặng, bà sợ em bà sẽ chết, nên bà cho người đi mời Chúa đến cứu em bà. Thế nhưng Chúa không đến và em bà chết. Sự kiện này làm bà buồn rầu và tuyệt vọng. Nhưng đi xa hơn, tôi thấy được giai đoạn thứ hai, đó là một đức tin dựa trên những điều đã được truyền dạy. Bà đã được dạy chỉ có sự sống lại vào ngày tận thế và bà đã tin chắc như thế. Tin như vậy đúng và đủ chưa? Thưa chưa, điều này được thể hiện qua câu nói bà nói với Chúa: "Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết". Thế nhưng trước lời đáp Chúa Giêsu khẳng định: "Em bà sẽ sống lại" (c. 23), bà đã nói: "con tin em con sẽ sống lại vào ngày sau hết", và qua đối thoại thêm, bà khựng lại. Chính sự khựng lại này tạo cơ hội cho Chúa mạc khải Người chính là sự sống lại và là sự sống. Và tin vào Người chính là con đường duy nhất dẫn đến sự sống lại và sự sống bởi "tin thì đã đi ngang qua cái chết mà vào sự sống và dù có chết phần xác, thì tin vào Chúa đảm bảo cho có sự sống vượt trên sự chết. Thế mà Mácta vẫn chưa tin như Chúa muốn. Tuy nhiên, đi xa hơn nữa, tôi thấy được giai đoạn thứ ba và cũng là giai đoạn cuối, đó là một đức tin dựa trên kinh nghiệm đã gặp Chúa. Chúa biết bà còn yếu tin, nên Người làm phép lạ giúp khơi dậy đức tin sự sống thật là chính Người. Người đã yêu cầu "đem phiến đá đi" và dù chưa tin bà vẫn vâng lời làm theo lời Chúa nói. Chính vì vậy, Chúa ban thêm đức tin cho bà và qua việc Chúa gọi Ladarô ra khỏi mộ và anh bước ra, cặp mắt tâm hồn bà liền nhận ra Chúa là sự sống lại và là sự sống, tức khắc đức tin của bà đạt đến mức tột đỉnh, một đức tin Chúa muốn những người đi theo Chúa phải đạt được.
Thật vậy, cuộc hành trình đức tin của Mácta là một cuộc hành trình tiệm tiến giống như những nấc thang của một cầu thang. Nó khởi đi từ nấc đức tin dựa trên nhu cầu của thân xác con người để đến nấc đức tin đức tin dựa trên những điều đã được truyền dạy và rồi cuối cùng đạt đến nấc tột đỉnh của đức tin khi dựa trên kinh nghiệm gặp Chúa.
Giờ đây, chúng ta hãy nhìn lại cuộc hành trình đức tin của mình. Với Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được Chúa ban cho sự sống của chính Chúa. Sự sống này được lớn lên dần nhờ cầu nguyện, nhờ Thánh Thể, nhờ Bí tích Hoà Giải, nhờ kết hợp với Chúa hằng ngày. Tuy nhiên, cuộc đời con người luôn là một cuộc chiến khốc liệt giữa ánh sáng và bóng tối. Ánh sáng là Đức Kitô. Còn bóng tối chính là sự chết, sự tội, những khó khăn thất bại. Chúng luôn tìm mọi cách đẩy chúng ta xa dần ánh sáng. Nếu không ý thức và không tỉnh thức, chúng ta sẽ không nhận ra. Trước những khó khăn thử thách, bệnh tật... Chúng ta thường xin Chúa ban ơn. Và rồi nếu Chúa không cho như ý chúng ta xin, chúng ta thường trách móc, phàn nàn và ngay cả chửi rủa Chúa nữa. Chính những sự này ngăn cản chúng ta nhận ra sự hiện diện và sự trợ giúp của Chúa. Vì vậy, khi những khó khăn thử thách xảy đến, chúng ta hãy coi đây như những phương cách Chúa gởi đến để thanh luyện đức tin của mình và để giúp mình ý thức sự bất lực của mình qua những thách đố đó. Đặc biệt, chúng ta cần đón nhận chúng với thái độ bình tâm, tin tưởng phó thác vào để những người xung quanh nhận ra trong chúng ta sự hiện diện của Chúa. Thí dụ về chiếc thuyền trên dòng sông là một minh hoạ cụ thể cho cuộc sống đức tin của chúng ta. Bình thường nó không di chuyển hoặc di chuyển không đáng kể. Nhưng khi gió bão đến, nếu không được cột, nó sẽ trôi dạt đi rất xa. Còn nếu được cột cẩn thận vào một cây cột đá, thì dù gió bão lớn đi nữa, nó cũng vẫn trụ lại được, có thể nó vẫn di chuyển qua lại. Cuộc sống đức tin của chúng ta cũng giống như chiếc thuyền trên dòng sống vậy. Nếu khi gặp khó khăn thử thách, chúng ta biết bám chặt lấy Chúa thì chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua được vì khi ta đuối sức Chúa không bỏ chúng ta mà giơ taynắm lấy tay chúng ta, vì ở đâu có khó khăn thì ở đó có ơn Chúa. Với tâm tình Mùa Chay, Giáo hội mời gọi chúng ta sám hối, tức là hãy làm sống lại ơn ban sự sống của Chúa trong chúng ta, coi lại xem trước những khó khăn thử thách, chúng ta có thái độ nào? Buông xuôi hay thể hiện một đức tin trưởng thành bằng cách bám vào chúa để tin tưởng, phó thác và làm theo những gì Chúa dạy? Và giờ đây mỗi người tự hỏi: "tôi cần làm những gì và cần tránh những gì để khi giờ chết đến, tôi dám thưa với Chúa: "mọi sự đã hoàn tất", để rồi ra đi cách bình an như Chúa muốn. Amen!
++++++++++
14. Sống ý nghĩa để được sống
Đầu tháng 11.2007, báo chí Tp.HCM đã tốn nhiều giấy mực viết về cái chết của "đoá hoa hướng dương" Lê Thanh Thuý, một cô gái trẻ luôn ấp ủ trong lòng ước mơ cao đẹp. Mọi người gọi cô là "đoá hoa hướng dương" không chỉ vì cô yêu thích hoa hướng dương, mà còn vì cô đã nỗ lực vươn lên dù biết quảng đời còn lại của mình chỉ trải qua từng ngày, từng giờ. Mặc cho căn bệnh ung thư quái ác đang hoành hành và huỷ dần sự sống, cô vẫn vui sống với những chương trình hành động đậm tính nhân văn: lo lắng, chăm sóc cho các bệnh nhi đồng cảnh ngộ. Những dự tính còn trải dài phía trước, nhưng cuộc đời Thuý đã phải dừng lại. Nhiều trái tim rung động, nhiều giọt nước mắt rơi xuống tiễn đưa một đoá hoa luôn hướng về ánh sáng mặt trời.
Hôm nay, chúng ta cũng nghe thấy những giọt lệ khóc thương người thân yêu từ bài Tin Mừng. Matta, Maria và bà con láng giềng khóc thương trước cái chết của Lazarô. Anh chết đi khi tuổi đời còn quá trẻ. Người ta yêu quý sự sống, "tham sinh huý tử", nên cảm thấy hụt hẫng, đớn đau trước cái chết của một người thân yêu.
Đức Giêsu cũng bồi hồi thổn thức trước nỗi đau của nhân loại. Ngài đến với hai chị em Matta - Maria trong lúc họ đang đau khổ nhất để chia sẻ nỗi đau với họ. Ngài, trong bản tính nhân loại, cũng không cầm được dòng lệ khi người bạn chết đi. Thế nhưng, vượt qua những đau thương hiện tại, Ngài đã loan báo cho gia đình cô Matta và cho cả nhân loại một niềm hy vọng. Đó là sự sống vĩnh cửu có từ nơi Ngài: "Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta dù có chết cũng sẽ được sống" (Gn 11,25). Sự sống lại của Lazarô chính là dấu chỉ để mọi người nhận biết Đức Giêsu là Đấng ban sự sống và sự sống lại cho những ai tin vào Ngài.
Con người yêu quý sự sống, nhưng cũng cảm thấy sự sống sao mong manh quá. Từ cổ chí kim, người ta luôn tìm kiếm đủ mọi phương dược để được bất tử, hay ít là kéo dài tuổi thọ con người. Nhưng quy luật muôn đời không thay đổi: Ai ai rồi cũng phải chết.
Cái chết tạo nên một thử thách cho đời sống đức tin của chúng ta. Có những người chỉ nhìn thấy sự chết tước đoạt của con người tất cả, nên ra sức sống buông thả, bởi chết là hết. Họ sống theo triết lý Lamã xưa: "Hãy ăn uống no say, vì ngày mai bạn có thể chết". Nhưng cũng có người sống theo quan niệm khác. Họ tin còn có sự sống vĩnh cửu. Họ sống một cuộc sống tích cực, đầy ý nghĩa để chuẩn bị cho cuộc sống đời sau và cái chết không là nỗi sợ hãi đối với họ.
Là Kitô hữu, chúng ta tin có sự sống lại. Và sự sống đời đời ấy không bắt đầu khi chúng ta chết đi mà bắt đầu ngay ở đời nầy. Nó được dệt bằng những nỗ lực trong từng công việc hằng ngày của chúng ta. Do đó, trong tất cả mọi việc, dù lớn hay bé, chúng ta hãy làm trong viễn cảnh vĩnh cửu; để nhờ những hy sinh bé nhỏ ngay từ bây giờ, chúng ta sẽ được hạnh phúc khi bước qua cái chết.
Nhìn những công việc tốt đẹp của Lê Thanh Thuý, người ta nhận ra nơi cô một tâm hồn quảng đại luôn hướng về sự thiện như đoá hoa hướng dương hướng vế ánh sáng mặt trời. Ước gì mỗi người chúng ta cũng sống thế nào để mọi người nhận thấy chúng ta luôn hướng về Ánh Dương là Đức Kitô, nguồn sống của tất cả mọi người chúng ta.
++++++++++
15. Tình thương mạnh hơn sự chết - Cố Lm. Hồng Phúc
Câu chuyện Chúa Giêsu cho Lazarô sống lại là một tường thuật căn bản của Phúc Âm thánh Gioan. Chúa Giêsu được mô tả như Ngôi Lời nhập thể, đến trong thế gian để con người được đưa từ bóng tối ra ánh sáng, từ sự chết vào cõi sống, từ đất đến trời. Đức Giêsu Nagiarét thật là một con người huyền diệu và là một Thiên Chúa toàn năng.
Gioan, người đồ đệ Chúa thương yêu, đã sống bên cạnh Chúa, đã nhìn thấy, đã sờ đụng, đã chứng kiến quyền năng của Ngôi Hai Thiên Chúa trong bản thể của con người. Đây là một bản tuyên xưng Đức Tin sống động mà Công đồng Chalcédoine năm 451 đã long trọng công bố: “Ngôi Lời, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Maria về tính loài người, gồm hai bản tính không lẫn lộn, không thay đổi, không chia sẻ, không tách rời”. Đấng ấy Gioan đã nhìn thấy và minh chứng.
Ngài là một con người đích thực, biết yêu biết cảm. Gioan viết rằng tại làng Bêtania, “Chúa Giêsu thương Martha và em là Maria và Lazarô”, nhưng hôm nay, Lazarô đã chết và chôn được 4 ngày rồi. Trên đường dẫn ra mộ để thăm người bạn cũ, Gioan nhìn thấy khuôn mặt Chúa nhiều lần biến sắc: Ngài bồn chồn, xao xuyến, Ngài khóc khi thấy hai chị em khóc nức nở: “Nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết!”. Ngài là một con người đích thực, biết thương, biết cảm, biết chia sẻ tình bạn, biết liều mạng sống vì bạn hữu. Người Do thái nói: “Kìa, xem Ngài thương ông ấy biết là chừng nào”. Nhưng qua khuôn mặt con người đó, sáng chói quyền năng của một ngôi vị Thiên Chúa. Gioan mô tả những chặng đàng Chúa đi xuống với sự chết để rồi cùng với người chết đi lên với sự sống. Lazarô, người bạn thân của Chúa, ốm nặng, tắt thở, được chôn cất và đã nặng mùi, vì đã 4 ngày. Đó là tất cả thảm trạng của sự chết, hình ảnh sự chết của tâm hồn do tội lỗi.
Nhưng Chúa là chủ sự sống, Ngài không để bạn hữu mình trầm luân mãi trong bóng tối sự chết. Gioan nhìn thấy hình ảnh đặc ân rửa tội đến một cuộc tái sinh, một cuộc vươn lên sự sống, do Đấng là “sự sống và là sự phục sinh” mang lại.
Đứng trước hầm mộ, Ngài kêu lớn tiếng như để tiếng Ngài rạng đến cõi âm u của sự chết. Và Lazarô đã ra khỏi mồ, được tháo gỡ khỏi “xiềng xích sự chết” (Tv 116, 8), được sống lại đầy sinh lực. Gioan nhìn thấy ở đây hình ảnh một người tân tòng vừa bước ra khỏi giếng rửa tội.
Vì thế, Giáo hội đọc lên trong ngày tái sinh trong giếng nước rửa tội cũng như trong nghi lễ tiễn đưa một tín hữu đến nơi an nghĩ cuối cùng Lời của Chúa phán trước phần mộ của Lazarô: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ”.
Ngài là ai mà tình thương mạnh hơn sự chết? Martha đã nói lên niềm tin của Bà cũng như niềm xác tín của chúng ta. “Thưa Thầy, vâng, con tin Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian”.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam