Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 77

Tổng truy cập: 1366049

TIỆC CƯỚI CANA

TIỆC CƯỚI CANA – Chú giải của Học viện Giáo Hoàng Đà Lạt

1/. “Phúc âm các dấu lạ” (2,1-12,36) bắt đầu với chủ đề mà phần cuối của lời tựa đã loan báo: “Luật đã được ban nhờ Môisen, ân sủng và chân lý thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có” (1,17). Chủ đề này gắn liền với việc canh tân phổ quát mà thời thiên sai phải sống (Kh 21,5: “Này đây Ta dựng vũ trụ mới”). Nhưng đây không phải là một trật tự cổ xưa được hoàn thiện nhờ trật tự mới (nhãn giới của Phúc Âm nhất lãm, nhất là của Mt); hai trật tự này đối nghịch nhau, để làm nổi bật siêu việt tính của trật tự mới. Văn mạch cho thấy cuộc tranh luận với dân Do thái là những kẻ luôn bám vào Môisen và không chịu nhìn nhận Môisen là người chuẩn bị cho Chúa Giêsu (5,45t; 9,28t). Trật tự mới được đức Kitô thiết lập, không phải là sự thành tựu của trật tự cũ, nhưng đối nghịch với lề luật của Môisen mà dân Do thái lấy làm đủ. Trong đoạn này, trật tự mới và cũ được xét đến trong toàn thể (2,1-11), hay trong những yếu tố chính yếu: việc phượng tự (2,13tt; 4,20tt), việc tái sinh (3,5tt; 4,14).

Thật vậy, trong 4 chương đầu tiên, Chúa Giêsu cố gắng cho thấy, chính Ngài có bổn phận thiết lập một nhiệm cục mới trổi vượt giao ước cũ. Trong lời tuyên bố long trọng cùng Nathanael (1,51): “Người Israel đích thực không có gian dối trong mình” (1,47), Chúa Giêsu hứa cho Israel mới thấy các thiên thần lên xuống, không phải lên một nơi nào đó như ở Béthel (Stk 28,10-17), nhưng trên con người được tôn vinh, Đấng sẽ là “nhà Thiên Chúa và cửa thiên đàng” trong nhiệm cục cứu rỗi Kitô giáo. Trình thuật tiệc cưới Cana nhắm đến giao ước mới, và rõ ràng hơn nữa nhắm tới rượu thiên sai của bí tích Thánh Thể; việc đuổi dân buôn bán ra khỏi đền thờ làm nghĩ đến ngôi đền thánh hoàn hảo là thân xác Đấng phục sinh: cuộc đối thoại với Nicôđemô bàn đến vấn đề tái phát sinh phát xuất từ Thánh Thần; cuộc tiếp xúc với bà xứ Samaria đặt đối nghịch phụng tự cổ xưa với phụng tự mới trong tinh thần và chân lý.

2/. Đoạn văn đơn sơ của chúng ta (xảy ra trong bối cảnh buổi lễ cưới nhà quê) xem ra đơn sơ, và người ta có khuynh hướng đồng hóa nó với những trình thuật phép lạ trong phúc âm nhất lãm. Tuy nhiên câu kết luận (2,11) tiềm tàng những dấu hiệu đặc thù của Gioan – “dấu lạ đầu tiên” “Ngài tỏ vinh quang”; “Các môn đệ tin vào Ngài” – Những đặc điểm này mời gọi độc giả, qua những hình thức bề ngoài, khám phá tầm mức đích thực của hoạt động Chúa Giêsu. Ngoài câu trả lời của đức Kitô với mẹ Ngài (2,4) xem ra bí mật và nghiêm khắc, và người ta cũng không hiểu gì hơn sau việc can thiệp của Maria. Tuy nhiên, xem ra Maria không lo lắng, và Chúa Giêsu cuối cùng đã làm phép lạ, mà thoạt tiên tưởng như Ngài từ chối.

Về đoản văn này, có nhiều cách giải thích, thường hoàn toàn xa lạ với nhãn giới Gioan. Các nhà chú giải công giáo đã nghiên cứu đoản văn này dưới khía cạnh thánh mẫu học (mariologique). Để có thể hiểu đoạn này cần phải tôn trọng hai nguyên tắc hiển nhiên: một là đoản văn phải được soi sáng nhờ văn mạch của Gioan, hai là phải phân biệt cách thức trình bày (niveau rédactionnel) và thực tế cụ thể (niveau anecdotiquec) của các sự kiện lịch sử. Chúng ta thử xem đâu là những đặc điểm của nhãn giới Gioan (trình độ biên tập).

*a/ Ý nghĩa biểu tượng của phép lạ này. Gioan gọi phép lạ này là một dấu chỉ (c.11), như những phép lạ khác. Dĩ nhiên các dấu lạ khác của phúc âm thứ tư cũng có một giá trị biểu tượng: việc hóa bánh ra nhiều minh chứng Chúa Giêsu ban bánh hằng sống và chính Ngài là bánh ấy (6,36.51), việc chữa lành người mù từ khi mới sinh nhằm biểu lộ Chúa Giêsu như “ánh sáng trần gian” (9,5); việc Lazarô sống lại minh xác Chúa Giêsu là sự sống lại và là sự sống (11,25). Như vậy, nước, rượu và việc hóa nước thành rượu phải ám chỉ những thực tại vượt quá bề ngoài hữu hình. Nước biểu thị trật tự tôn giáo Do thái: như thánh Gioan lưu 6 chum đá được “dùng theo tục lệ thanh tẩy của người Do thái” (c.6) và chúng ta biết những nghi lễ thanh tẩy là một trong những đặc tính chính việc sống đạo của dân Do thái (Mc 7,3t). Ngược lại, chính Chúa Giêsu đã nói đến rượu thuộc trật tự tôn giáo mới mà Ngài thiết lập (Mc 9,17 và song song); chén rượu, trong bữa tiệc ly, được liên kết với việc thiết lập giao ước mới (Mt 26,27-29 và song song); Cựu Ước đã biết đến rượu, biểu tượng của hạnh phúc cánh chung (Stk 49, 11t; Is 21,6; J 14,18). Do đó dấu lạ Cana biểu thị việc thay thế toàn trật tự tôn giáo cổ xưa, bằng trật tự tôn giáo mới. Lượng rượu trùng hợp với sự phong phú của ân sủng (1,16) và sự sống (7,38) mà Gioan đề cập như là đặc điểm của trật tự mới được đức kitô thiết lập.

*b/ Những người đối thoại với Chúa Giêsu thường không hiểu. Trong phúc âm thứ tư, những người tiếp xúc với Chúa Giêsu thường chỉ lưu tân đến vấn đề vật chất: dân Do thái chỉ thấy đền thờ được xây cất từ 46 năm (2,20); Nicôđem hạn hẹp trong sự sinh sản thể lý (4,13-14); bà xứ Samari chỉ nghĩ đến nước giếng Giacop (4,11-12.15); dân Do thái xin phép lạ bánh Manna (6,30tt). Chúa Giêsu cố gắng đưa các đối thoại viên đến một trật tự khác, nhưng thường không mấy ai hiểu Ngài. Tại sao? Vì Ngài là con người siêu việt “từ trời xuống” (3,13.31). Con người và sứ điệp của Ngài vượt quá trí hiểu loài người. Họ chỉ có thể hiểu, nhờ sự trợ giúp của Thánh Thần (16,12-14), Đấng chỉ được ban sau khi đức kitô hiển vinh (7,39).

Vì thế, không lạ gì khi mẹ Chúa Giêsu không hiểu điều con mình nói (2,4). Lc 2,48 cũng ghi lại một chuyện tương tự. Cũng như các đối thoại viên của Chúa Giêsu, trong phúc âm thứ tư, Maria một cách nào đó ở vào một bình diện xa cách Con mình. Do đó, khi gọi mẹ là “Bà”, Chúa Giêsu muốn đồng hóa mẹ với các người Ngài gặp.

*c/ Sáng kiến làm phép lạ. Những phép lạ Chúa Giêsu ghi lại không bao giờ được thực hiện theo ý người xin. Viên sĩ quan xin Chúa đi chữa lành con mình, phải tin Ngài, dù ở xa, đã chữa lành bằng lời Ngài phán (4,50). Người bất toại chỉ mong có người giúp anh đi xuống hồ nước, và này Chúa Giêsu đã chữa lành anh bằng lời Ngài (5,7-9). Chính Chúa Giêsu tự quyết định nuôi dân (6,5-13) và chữa lành người mù từ khi mới sinh ra (9,3-7). Chị em Lazarô nài xin Chúa Giêsu đến chữa lành em mình, nhưng Ngài vẫn ở lại chỗ thêm hai ngày (11,3-7), để rồi sau đó cho Lazarô sống lại.

Đức Kitô trong phúc âm Gioan không bao giờ trói buộc vì lời con người nài xin. Đường Ngài phải đi, và ngay cả những hoàn cảnh nhỏ nhặt, đều được Cha Ngài chỉ định, chứ không phải ai khác. Do đó, Chúa Giêsu không thể dễ dàng chấp thuận sự “chạy chọt” của mẹ Ngài. Ngài làm phép lạ, do sáng kiến của Ngài, hay đúng hơn dưới sự hướng dẫn của Cha. Vì thế trước tiên Chúa Giêsu không chịu làm theo ý Maria (2,4), được khi xem ra sau đó Ngài hành động theo ý mẹ xin. Phép lạ làm Maria phỉ nguyện, nhưng không phải phép lạ được làm vì đã được xin.

3/. Do đó, đây là ý nghĩa tổng quát có thể gán cho đoạn này. Ở câu 3, Maria trình bày một sự kiện để xin Chúa Giêsu giúp. Việc trình bày này có hai ý: bề ngoài, là xin Chúa Giêsu giúp đôi tân hôn về mặt vật chất; nhưng việc hóa bánh thành rượu nói lên việc thay thế trật tự tôn giáo cổ xưa bằng trật tự tôn giáo mới. Chắc chắn Maria chỉ thấy ý nghĩa thứ nhất của lời nài xin của mình.

Tất cả mọi cố gắng hòa dịu câu 4 đã làm mất siêu việt tính của Chúa Giêsu và lòng vâng phục tuyệt đối của Cha Ngài. Câu trả lời của Chúa Giêsu rõ ràng là lời từ chối hành động theo sự can thiệp của mẹ Ngài. Dù cho mẹ là người thân nhất, xét theo mặt thể lý, tuy nhiên theo bản tính bà thuộc trần gian này, còn Ngài thuộc thế giới trên cao. Do đó, Ngài có thể gọi mẹ là “Bà” như mọi người ở dưới thế này và nói lên sự bất liên quan giữa hai người. Chắc chắn là vì Maria còn ở dưới thế này, Bà không thể hiểu rằng việc thay đổi mà Bà nài xin cách vô thức chỉ có thể thực hiện theo quyết định của Chúa Cha, vào giờ tôn vinh Con Ngài.

Tuy nhiên, không nên hiểu câu trả lời của Chúa Giêsu như một lời trách mắng mẹ Ngài. Đức Kitô chỉ xác quyết siêu việt tính của Ngài và cách mặc nhiên sự lệ thuộc hoàn toàn đối với Cha Ngài. Vì thế, Ngài từ chối thi hành điều Maria xin cách vô thức.

Dù không hiểu, Maria luôn tin tưởng vào Con và trao phó cho Ngài tất cả công việc (c.5). Bấy giờ Đức Kitô hoàn thành cách tự phát phép lạ, vì Cha Ngài ưng muốn và chuẩn y. Phép lạ này chưa phải là dấu chỉ tuyệt hảo được thực hiện vào giờ tôn vinh Chúa Giêsu nhưng là một tiền dấu chỉ. Để nhấn mạnh tầm mức của hình ảnh tiền trưng này, Gioan nhắc đến phẩm và lượng của thứ rượu mới.

Vai trò của Maria trong đoạn này xem ra đáng ngạc nhiên. Chắc chắn rằng Maria hoàn tất một nhiệm vụ phụ thuộc. Mẹ không chỉ cho Chúa Giêsu thái độ phải có, nhưng lời nài xin của Mẹ dù sao cũng trở nên cơ hội cho dấu chỉ đầu tiên của Chúa Giêsu, tiên báo sẽ có một dấu chỉ ở tột đỉnh của sứ vụ Ngài. Vào giờ tuyệt đỉnh này, Gioan lại giới thiệu Maria nhưng lần này như là mẹ của mọi môn đệ. Sự hiện diện của Maria ở đầu và cuối sứ vụ của Chúa Giêsu – hai lần duy nhất mà mẹ xuất hiện trong phúc âm thứ tư – có thể ám chỉ một thứ trung gian trong việc thiết lập một trật tự mới.

KẾT LUẬN

Khi trình bày hành vi khai mạc sứ vụ ấy của Đức Kitô, Gioan đã gợi cho chúng ta thấy Đức Kitô có sứ vụ chính yếu là thiết lập giao ước mới và vĩnh viễn với Israel đích thật: Ngài là vị hôn phu thần linh sửa soạn cho vị hôn thê thiêng liêng “quang vinh, không một tì ố hay nét nhăn, nhưng thánh thiện vô tì vết” (Eph 5,27) để giới thiệu nàng vào Ngày sau hết, hầu sống với tân nương cuộc Hôn nhân vĩnh cửu. Nhưng cuộc hôn nhân trên trời này đã được khai mào ngay từ bây giờ, vì Hôn phu đã có mặt và đã có tân nương – Giáo hội (3,29), được nhân cách hóa trong Maria và các môn đệ.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1/. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa tự xưng là hôn phu của Israel như bài học thứ nhất ngày hôm nay. Từ đó, Cựu Ước đã trình bày việc chọn lựa những không của Thiên Chúa, sự ân cần chăm sóc của Chúa đối với Israel, lòng nhẫn nại vô bờ của Ngài, Lời Ngài mời gọi hối cải tâm hồn, mời gọi sống thân mật tuân phục và yêu mến. Đức Kitô là vị hôn phu của Giáo hội (Eph 5,22-23), điều mà Khải huyền cũng diễn tả khi nói đến tiệc cưới giữa Con Chiên (Đức Kitô) với Giêrusalem lý tưởng từ trời xuống (Giáo hội). (Kh 21,9). Đức Kitô chọn Giáo hội làm hôn thê thiêng liêng của Ngài. Ngài hiến cuộc sống mình cho Giáo hội, thanh tẩy Giáo hội bằng nghi thức tắm hôn lễ (tục lễ cổ xưa của lễ nghi hôn nhân), ban đầy ơn cho Giáo hội, dưỡng nuôi Giáo hội nơi bàn tiệc Thánh Thể. Chính khi cử hành bàn tiệc Thánh Thể mà Giáo hội chuẩn bị dự tiệc thiên quốc và việc biểu lộ vinh quang của Chúa.

2/. Chúa Giêsu sửa soạn việc thiết lập hôn nhân Kitô giáo bằng sự hiện diện ở tiệc cưới Cana, cũng như sau này Ngài sẽ thiết lập bí tích rửa tội bằng việc dìm thân xác thánh hiến của Ngài trong nước sông Hòa giang, khi được vị Tiền hô làm phép rửa. Người ta thấy tính cách tả chân của Gioan: Ngôi Lời Thiên Chúa chia xẻ niềm vui của hôn lễ thôn quê.

3/. Chúa Giêsu hiện diện ở mọi lễ hôn phối cử hành trong Giáo hội, vì chính Ngài là Đấng thông ban ân sủng cho đôi tân hôn nhận lãnh bí tích. Maria cũng tham dự với tư cách trung gian của mọi ân sủng. Đây không phải là hình ảnh của Giáo hội, trong đó đang cử hành nghi thức hôn lễ sao? Bàn tiệc cưới thật sự là bàn tiệc Thánh Thể. Với bàn tiệc thánh này, đôi tân hôn được mời đến tham dự, để luôn giữ mình sống đúng những lời đoan hứa.

4/. Sự lưu tâm tế nhị của Chúa Giêsu và mẹ Maria đã làm cho đôi tân hôn ở Cana khỏi mất mặt, minh chứng cho những người sống bậc vợ chồng, biết rằng Chúa quan phòng luôn nhìn đến gia đình của họ, bằng hành động của Chúa Cứu thế và mẹ Ngài.

5/. Maria xuất hiện ở Cana như mẹ Chúa Giêsu, Hôn Thê của Chúa và như là người Phụ Nữ tham gia vào công cuộc cứu rỗi thay thế cho Evà thất trung. Sự hiện diện của mẹ Maria trong đời sống chúng ta là một chú ý thường xuyên của Mẹ đến các nhu cầu của chúng ta nhờ sự hiểu biết mà Mẹ có được trong Thiên Chúa về những hoạt động, tư tưởng và tình cảm của chúng ta, và nhờ tình thương của mẹ đối với chúng ta. Chúng ta hãy vui sống dưới ảnh hưởng của Mẹ và hãy đón nhận Mẹ trong nhà chúng ta.

6/. Can thiệp của Mẹ Maria bên Chúa Giêsu: Maria là người trình bày cho Thiên Chúa và Con của Người những nhu cầu của loài người. Bài ca Salve Regina gọi Người là trạng sư của chúng ta.

7/. Mệnh lệnh của Mẹ Maria “Ngài có bảo gì, hãy làm theo”: biểu lộ cho con người thánh ý Thiên Chúa. Qua những lời khuyên cũng như gương sáng của Người, mẹ Maria chỉ cho chúng ta đường dẫn đến Con của Người.

8/. Maria góp phần vào việc hình thành nhóm môn đệ đầu tiên của Con mình, khi ôm ấp họ cùng với Con của Người trong tình mẫu tử. Là tín hữu của Đức Kitô, cũng là môn đệ Ngài, chúng ta hãy biết rằng mình là con cái của đức Maria – điều này đã được nói rõ ràng trên thập giá, khi Chúa Giêsu trao phó thánh Gioan cho Mẹ. Ước gì mẹ Maria dẫn đưa chúng ta, với một đức tin được canh tân, vào mầu nhiệm của Đức Kitô, cho đến ngày chiêm ngưỡng vinh quang Ngài.

 

CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN-C

MỜI CHÚA ĐẾN NHÀ– ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Những ngày tháng cuối năm các đám cưới đua nhau tổ chức. Mùa cưới rộ lên làm cho mùa đông bớt vẻ ảm đạm tiêu điều. Đám cưới nào thường cũng vui. Trong đám cưới người ta chỉ nói chuyện vui. Nhưng niềm vui kéo dài được bao lâu? Những lời chúc trăm năm hạnh phúc có thật sự đem hạnh phúc đến cho đôi tân hôn và làm cho họ hạnh phúc suốt đời không? Nhìn vào thực trạng đời sống gia đình hôm nay, ta thấy có được hạnh phúc gia đình là một điều rất khó, hạnh phúc trăm năm thì lại càng khó lắm.

Đám cưới Cana hôm nay cũng suýt lâm vào cảnh bế tắc. Tiệc đang nửa chừng thì hết rượu. Hết rượu là một bất trắc không ngờ. Trong gia đình, những bất trắc có thể đưa đến bất đồng. Bất đồng dễ đưa tới bất hoà. Đã bất hoà thì đường đến bất hạnh không xa.

Đám cưới Cana thực khôn ngoan nên đã mời Chúa Giêsu đến dự tiệc. Việc Chúa Giêsu đến tham dự bữa tiệc cưới nói lên sự quan tâm của Thiên Chúa đối với con người. Thiên Chúa yêu thương con người nên đã đến ở giữa loài người. Không những đến ở giữa loài người. Thiên Chúa còn trở nên một người bạn thân thiết của con người, đồng hành với con người, chia vui sẻ buồn với con người. Chưa bao giờ người ta thấy một Thiên Chúa gần gũi đến thế, thân tình đến thế. Với tình than, Thiên Chúa đã đến chia vui với gia đình trong dịp đại hỷ. Và việc Thiên Chúa đến nhà đã cứu gia đình mới khỏi cảnh bất hạnh ngay trong ngày đầu tiên chung sống.

Có lẽ ai trong chúng ta cũng muốn mời Chúa đến nhà. Sự hiện diện của Chúa giúp ta vượt qua được những bất trắc trong đời sống gia đình. Những bất trắc thì nhan nhản trong đời sống hằng ngày.

Việc thiếu rượu của gia đình Cana nói lên những thiếu thốn của gia đình chúng ta. Có những thiếu thốn về vật chất: cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, thiếu thốn tiền cho con đi học, thiếu thốn thuốc men khi bệnh tật. Có những thiếu thốn về tinh thần: thiếu quan tâm chăm sóc lẫn nhau, thiếu khuyên bảo dạy dỗ con cháu, thiếu kính trọng trong đối xử, thiếu tế nhị trong lời nói. Nhưng trầm trọng nhất là những thiếu thốn về đời sống đạo đức: thiếu đức tin, thiếu lòng đạo đức sốt sắng, thiếu công bằng bác ái, thiếu trách nhiệm duy trì đời sống đức tin trong gia đình.

Đời sống gia đình lúc đầu rất vui, nhưng sau đó, nếu không khéo gìn giữ sẽ trở nên nhạt nhẽo như nước lã. Nhạt nhẽo vì tình nghĩa phai dần. Nhạt nhẽo vì những bổn phận nặng nề, nhàm chán. Nhạt nhẽo vì những khuyết điểm không tránh được của mọi người.

Những thiếu thốn và những nhạt nhẽo ấy hầu như vượt ngoài khả năng giải quyết của ta, nên ai cũng muốn mời Chúa đến nhà để Chúa cứu gia đình khỏi sự tan vỡ, sụp đổ.

Thế nhưng mời Chúa đến không phải là tổ chức làm phép nhà cho long trọng, ăn tân gia cho linh đình. Mời Chúa đến không phải chỉ là làm bàn thờ cho đẹp, treo thật nhiều ảnh tượng. Muốn mời Chúa đến, việc đầu tiên cần thiết là phải làm theo ý Chúa. Như Đức Mẹ dạy các gia nhân: “Người bảo gì thì phải làm theo”. Nhờ làm theo lời Chúa mà gia đình Cana thoát khỏi cảnh xấu hổ, hạnh phúc gia đình được bền vững.

Gia đình muốn sống trong vui tươi, muốn giữ vững được hạnh phúc hãy làm theo Lời Chúa. Đọc Phúc Âm, học hỏi và đem ra thực hành. Để Lời Chúa hướng dẫn mọi lời ăn tiếng nói của mình. Để Lời Chúa soi sáng những suy nghĩ của mình. Để Lời Chúa điều khiển mọi việc làm của mình. Lộc Xuân mà chúng ta rút được trong ngày Tết phải là châm ngôn hướng dẫn toàn bộ đời sống gia đình trong suốt năm mới này.

Sống theo Lời Chúa, gia đình sẽ được Chúa dẫn dắt vượt qua những thiếu thốn. Sống với Chúa, hạnh phúc gia đình sẽ luôn nồng nàn tươi mới như chất rượu ngon. Sống trung thành kết hiệp với Chúa, gia đình sẽ được Chúa đưa vào dự bữa tiệc cưới trên trời, lúc đó chàng rể đích thật là Đức Kitô sẽ cho ta nếm thử rượu tuyệt ngon trên thiên đàng, đó là hạnh phúc không bao giờ tàn phai.

Lạy Chúa, xin đến với chúng con. Lạy Chúa, xin hướng dẫn chúng con. Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1/. Gia đình bạn có kinh nghiệm gì về những thiếu thốn?

2/. Gia đình bạn có kinh nghiệm gì về sự nhạt nhẽo tình nghĩa?

3/. Bạn đã có kinh nghiệm về việc thực hành Lời Chúa trong gia đình chưa?

4/. Có bao giờ bạn cảm thấy gia đình bạn được Chúa cứu thoát khỏi hiểm nguy, thử thách, thất bại?

CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN- C

PHÉP LẠ ĐẦU TIÊN –  Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm SJ

Kitô hữu ngày nay dễ dàng biết rằng Đức Giêsu có thể làm phép lạ hóa nước thành rượu thượng hảo hạng, vì Ngài là Thiên Chúa nhập thể; tuy nhiên những người đồng dự tiệc với Đức Giêsu không hiểu được như vậy. Vì vậy, biến cố Đức Giêsu làm dấu lạ đầu tiên này đã tác động mạnh mẽ trên những người biết sự việc này. Qua dấu lạ này, người ta và các môn đệ của Đức Giêsu nhận ra Ngài là một con người rất đặc biệt, Ngài là người của Thiên Chúa, là Đấng Thiên Chúa sai đến.
“Vạn sự khởi đầu nan”. Đức Giêsu bắt đầu sự nghiệp bằng việc rao giảng. Không biết Ngài rao giảng có thành công hơn những thầy dạy khác trong dân Do Thái không? Tin mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu làm phép lạ hóa nước thành rượu theo sự thỉnh cầu của Đức Mẹ. Tin Mừng Gioan cho thấy Đức Maria là người đầu tiên hy vọng vào Đức Giêsu, tin vào Đức Giêsu! Người ta tin vào Đức Giêsu sau khi thấy dấu lạ Ngài làm, còn Đức Maria tin vào Đức Giêsu trước cả khi Đức Giêsu làm phép lạ. Đức Maria cũng là người biết Đức Giêsu hơn ai khác: Mẹ dám ngỏ lời nhắc nhở Đức Giêsu: “họ hết rượu rồi”.
Đức Maria rất tế nhị, Mẹ biết điều làm cho đôi tân hôn bối rối và không biết giải quyết làm sao. Mẹ biết nếu Đức Giêsu biết điều này, Đức Giêsu có thể làm một cái gì đó cho họ; và Mẹ đã không thất vọng. Qua sự kiện này, chúng ta thấy Đức Mẹ hiểu Đức Giêsu đến độ nào! “Ngài nói sao, các anh cứ làm như vậy”. Đức Giêsu đã can thiệp như Mẹ tiên đoán. Thật là đúng khi các Kitô hữu tôn Mẹ là Mẹ Hằng Cứu Giúp, vì ngày xưa Mẹ đã biết, và đã tế nhị can thiệp với Thiên Chúa cho con người, thì nay Mẹ cũng vẫn làm như vậy.
“Qua dấu lạ này, các môn đệ đã tin vào Ngài” (Ga.2, 11). Các môn đệ của Đức Giêsu tin Đức Giêsu là ai? Chắc chắn không phải các môn đệ tin rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể vì lúc đó mầu nhiệm cao siêu này chưa được con người nhận rõ. Có lẽ các môn đệ tin Đức Giêsu là Người từ Thiên Chúa, Người của Thiên Chúa, là Đấng Thiên Chúa sai đến để yêu thương và giúp đỡ dân. Cho dù người ta có biết có ý thức hay không, Đức Giêsu vẫn là Thiên Chúa nhập thể. Thế nhưng, điều này các môn đệ chưa ý thức, chưa biết được vào thời điểm đó. Đức Giêsu cũng là người phải khơi dậy và củng cố đức tin của các môn đệ đối với Ngài. Sau này Ngài hỏi các môn đệ: “Người ta bảo Con Người là ai?…. Còn anh em, anh em bảo thầy là ai?” (Mt.16, 16).
Đức tin của các môn đệ đối với Đức Giêsu mỗi ngày một lớn dần, nhưng không phải là đồng đều đối với tất cả mọi người. Một số môn đệ khi nghe Đức Giêsu giảng dạy nhiều điều khó nghe, đã bỏ Đức Giêsu không theo Ngài nữa: “Lời này chướng quá, ai nghe cho nổi……Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Đức Giêsu nữa” (Ga.6, 60.66). Khủng hoảng đức tin vào Đức Giêsu lên tột đỉnh với biến cố Đức Giêsu bị treo thập giá, nhưng với biến cố Phục Sinh và những lần hiện ra cho các tông đồ, các môn đệ Đức Giêsu tin vào Đức Giêsu mãnh liệt hơn, và biết Ngài là ai rõ ràng hơn sau biến cố Phục Sinh.
Với tác động của Thánh Thần, các tông đồ nhận ra chân tướng của Đức Giêsu: Người thuộc hoàn toàn về Thiên Chúa đến độ có thể nói Ngài là Thiên Chúa nhập thể, Ngài là Thiên Chúa. Cũng với tác động của Thánh Thần, các tông đồ nhận ra Thánh Thần là ai, sau khi đã nhận ra Đức Giêsu là ai, sau khi nhớ lại những gì Đức Giêsu đã nói với họ (Ga.14, 16.26; 15, 26; 16, 13). Thánh Thần là quyền năng của Thiên Chúa; Ngài biến đổi lòng người, Ngài giúp con người tin vào Đức Giêsu.
Theo thánh Phaolô, Thánh Thần làm sinh động Hội Thánh qua những ân sủng của Ngài. Tất cả những gì hay tốt con người có, đặc biệt những gì con người đang phục vụ Giáo Hội, đều đến từ Thánh Thần của Ngài. Thánh Thần ban ơn khôn ngoan để giảng dậy, ban ơn quảng đại để phục vụ anh chị em mình, ban đặc sủng để chữa bệnh. Thánh Thần ở nơi cung lòng mỗi người (Ga.14, 16; 1Cor.3, 16-17).
Thánh Thần đổi mới mọi sự, đổi mới vận mạng một dân thành: thành Yêrusalem không còn bị ruồng bỏ nữa, nhưng được yêu vì. Cũng chính Thánh Thần biến đổi lòng dạ con người, đưa dẫn con người trở về với Thiên Chúa, đưa con người trở về với anh chị em mình. Thánh Thần thanh tẩy tâm hồn con người, thánh hóa con người, làm cho con người trở nên dễ yêu dễ thương, trở nên xinh đẹp trước mặt Thiên Chúa và trước mặt con người. “Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ” (Is.62, 5).
Câu hỏi gợi ý chia sẻ

  1. Bạn có cảm nghiệm những gì xảy tới cho những anh em sống xung quanh, liên hệ mật thiết với bạn, và bạn đã xin Thiên Chúa can thiệp không? Xin chia sẻ nếu bạn có điều này.
    2. Chỉ với phép lạ biến nước thành bánh, đã đủ cho người ta kết luận Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể chưa? Tại sao?
    3. Bạn có cảm nghiệm Thánh Thần gần gũi với bạn không? Xin chia sẻ.

CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN- C

CHÚA GIÊSU LÀ LỜI THIÊN CHÚA- Lm. GB. Nguyễn Minh Phương CSsR

Thời nay, đài truyền hình làm chương trình “chìa khóa thành công” hướng người trẻ khám phá và phát triển những khả năng của bản thân, hầu thành công trên đường đời.

Sáng kiến của đài truyền hình thật đáng trân trọng. Tuy nhiên, đối với người tín hữu, mọi hoạt động của cuộc sống con người phải bắt đầu từ việc sống lời Chúa.

Trình thuật Tin Mừng tiệc cưới Ca-na (Ga 2, 1-11) sẽ soi sáng điều này.

I/. TIỆC CƯỚI

Rất tự nhiên, để sống đời hôn nhân, đôi nam nữ chính thức tuyên bố cho mọi người biết về sự chung sống của họ nơi bữa ăn mà người đời thường quen gọi là tiệc cưới.

Ngày hôn lễ, đôi tân hôn hạnh phúc tràn ngập; khách dự tiệc, họ hàng thân hữu hân hoan chúc tụng… và mong ước cho đôi tân hôn được trăm năm hạnh phúc, vẹn nghĩa thủy chung… Tại tiệc cứơi Ca-na, Đức Ma-ri-a, Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự để chia sẻ niềm vui với nhà cưới.

Ngày cưới, khởi đầu cuộc sống hôn nhân, mọi người và nhất là đôi tân hôn mong ước mọi sự diễn ra tốt đẹp, bởi đầu có xuôi thì đuôi mới lọt.

Vậy mà, tại tiệc cưới Ca-na, đang khi mọi người vui say hào hứng, thì nào có ai biết, nhà cưới lại đứng trước nguy cơ tắc trách. Hết rượu!

Ai đã phát hiện ra điều này? Mẹ Ma-ri- a.

Với tất cả tấm lòng nhậy cảm của một người mẹ lo toan chăm sóc trong gia đình, Mẹ đã sớm phát hiện ra nguy cơ lúng túng của nhà cưới và nói với Đức Giê-su con của Mẹ: “họ hết rượu rồi” (Ga 2, 3).

Bây giờ, xử lý giải pháp này ra sao? Mẹ dặn: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2, 5).

II/. CHÚA GIÊSU LÀ LỜI THIÊN CHÚA

Bằng lời quyền năng: “đổ nước vào các chum” (Ga 2, 7) Đức Giê-su đã cứu nguy cho nhà cưới một bàn thua trông thấy. Dấu lạ đã xảy ra, nước lã đã hóa rượu ngon, nhà cưới đã thoát hiểm, niềm vui tiếp tục dâng cao.

Từ dấu lạ đầu tiên tại Ca-na, các môn đệ đã nhận ra vinh quang của Thiên Chúa và “tin vào Người” (Ga 2, 11) và sau này xác tín mạnh mẽ: chỉ nơi Chúa Giê-su ” mới có những lời mang lại sự sống đời đời” (Ga 6, 68).

Thì ra, sau khi tội nguyên tổ ập xuống trên con cháu, cuộc sống của con người không hoàn toàn tuyệt mỹ. Dầu người ta có mong ước mọi chuyện tốt đẹp nhưng sự tắc trách vẫn luôn rình rập và tai họa có thể ấp đến bất cứ lúc nào.

Đến nay, trong Chúa Giê-su, không chỉ mọi khó khăn trong sinh hoạt thường ngày của đời người sẽ được giải gỡ, mà sâu xa hơn, nơi Người, Thiên Chúa thông đạt thiện ý nhiệm mầu (Dt 1, 1) “Thiên ý này là kế hoạch yêu thương. Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô” (Ep 1, 9).

Lắng nghe lời Chúa Giê-su, người ta biết được Thiên Chúa là Cha, biết Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa, biết được sự sống đời đời “sự sống đời đời là được nhận biết Cha Thiên Chúa duy nhất chân thật và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô” (Ga 17, 3).

Qua nhiều cách, Chúa vẫn đang ban lời của Người cho nhân loại để giải thoát con người mọi bế tắc, giúp họ tìm lại nguồn hạnh phúc, hướng dẫn họ tìm được giải pháp để thành công. Nhờ vậy, họ không còn phải đi trong bóng tối mà bước đi trong ánh sáng. Lời Chúa tiếp tục vang lên nơi Hội Thánh.

III/. LỜI CHÚA NƠI HỘI THÁNH

Trước khi về trời Chúa Giê-su đã ban cho Hội Thánh nhiệm vụ công bố lời Người. (Mt 28, 18-20).

Hội Thánh không thể quên dấu lạ nước lã hóa rượu ngon ở tiệc cưới Ca-na được gợi lên từ sự quan tâm của Mẹ Ma-ri-a, từ tình yêu tuyệt đối của Đức Giê-su.

Dầu là người mẹ của Con Thiên Chúa quyền năng những Mẹ Ma-ri-a chưa hề xin cho bản thân hay cho Thánh Gia một dấu lạ nào. Có chăng, Mẹ chỉ âm thầm hy sinh và suy gẫm những kỷ niệm Chúa ban cho gia đình (x. Lc 2, 19). Vậy mà, nơi tiệc cưới Ca-na, vì hạnh phúc của nhà cưới, Mẹ Ma-ri-a đã lên tiếng khẩn cầu Chúa “họ hết rượu rồi” (Ga 2, 3).

Rõ ràng chính tình yêu và lòng quảng đại và sự quan tâm của Mẹ Ma-ri-a đến đồng loại đã làm nên sự biến đổi diệu kỳ: nước lã được biến đổi thành rượu hảo hạng. Trong ân sủng và tình thương, mọi bế tắc sẽ được giải gỡ, những khó khăn sẽ không còn, mọi lo lắng sẽ thành niềm vui và hoan lạc.

Nối tiếp sứ vụ của Chúa, và gương sáng của Mẹ Ma-ri-a, Hội Thánh sẽ mang trọng trách không ngừng loan báo lời Chúa cho muôn người, thể hiện qua những sinh hoạt của Hội Thánh (cụ thể nơi những thành phần như: Đức Giáo Hoàng – các Đức Giám Mục nhất là Đức Giám Mục giáo phận – các linh mục – giáo dân – các vị thừa sai khắp nơi…) bằng lời rao giảng, bằng sự quan tâm trách nhiệm dấn thân, bằng tình yêu và bằng chính mạng sống của mình.

Đứợc Chúa Thánh Thần hướng dẫn (x Ga 14, 17), Hội Thánh xác tín mọi ơn ban đều là quà tặng của Chúa Thánh Thần “có nhiều đặc sủng khác nhau nhưng chỉ có một Thần Khí” (1Cr 12, 4) được ban cho nhiều người khác nhau không phải để mưu ích cho cá nhân mà là ” vì ích chung” (1Cr 12, 7).

Từ đó, Hội Thánh vững vàng tin tưởng chính Chúa Thánh Thần sẽ nhắc cho người tín hữu nhớ việc làm và lời dạy của Chúa Giê-su (Ga 14, 26). Trời đất dẫu qua đi nhưng lời Chúa thì sẽ tồn tại mãi (x.Mt 24, 35).

KẾT

Thành công là mong ước chính đáng của mọi người. Cách riêng thành công của người tín hữu được xây trên nền tảng lời Thiên Chúa, trong sự nguyện cầu của Mẹ Ma-ri-a.

Thế nên, người tín hữu tôn thờ Chúa Giê-su và tin tưởng Người chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa đã làm người (x. Ga 1, 1. 14), ban lời sự sống vĩnh cửu cho con người (x. Ga 6, 68).

Với tâm hồn vui mừng, tạ ơn, người tín hữu đón nhận Lời Chúa là ngọn đèn, là ánh sáng soi sáng chỉ đường (Tv 118), biến đổi thành họ thành những người con đích thực của Chúa, hầu lãnh nhận “phúc trường sinh bất tử” (2Tm 1, 10).

CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN- C

ĐỂ CHO TÌNH MẶN NỒNGF- Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Trăm năm hạnh phúc là lời chúc không thể thiếu trong các tiệc cưới. Tình duyên mãi sắt son và mặn nồng là điều ai cũng ước mong khi bước vào đời sống hôn nhân – gia đình. Nói về chữ tình thì có lẽ tình hôn nhân đứng hàng đầu so với các thứ tình nhân loại khác như tình mẫu tử, phụ tử, bằng hữu… Đức Bênêđictô XVI đã nhận định: “Tình yêu này, tình yêu giữa người nam và người nữ, trong đó hồn xác kết hợp bất khả phân ly và mở ra cho con người một lời hứa hạnh phúc dường như không cưỡng lại được, có vẻ là kiểu mẫu của tình yêu; bên cạnh tình yêu này, thoạt nhìn mọi hình thức khác của tình yêu hầu như mờ nhạt đi” (TĐ Thiên Chúa Là Tình Yêu số 2).

Tình yêu hôn nhân được đề cao không nguyên chỉ vì người ta thoáng nhận ra nét đẹp là sự hết lòng và tính vô cầu nơi tình yêu này mà còn thấy được tầm quan trọng của nó là làm nên gia đình vốn là tế bào của xã hội. Quả thật lịch sử minh chứng rằng ở đâu mà tình yêu hôn nhân bị hạ giá thì ở đó đời sống xã hội dễ bị xuống cấp, bất ổn và nền đạo đức dễ bị băng hoại. Thánh Tông đồ dân ngoại đã dùng tình yêu đôi lứa làm dấu chỉ cho tình yêu của Đức Kitô dành cho Hội Thánh. Nhiều Ngôn sứ như Hôsê, Isaia cũng dùng hình ảnh tình yêu hôn nhân để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân Người. “Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo người sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Chúa ngươi thờ” (Is 62,5).

Con Thiên Chúa đã làm người, chào đời trong một mái gia đình. Khởi đầu công cuộc rao giảng tin mừng và trong lần đầu tiên thể hiện quyền năng, Chúa Giêsu đã cứu giúp một đôi tân hôn khỏi bẽ mặt trước quan khách trong một tiệc cưới. Qua bài tường thuật của tin mừng thánh Luca về phép lạ hóa nước thành rượu ngon của Chúa Giêsu tại tiệc cưới Cana chúng ta có thể rút ra đôi điều nhận định về đời sống hôn nhân gia đình:

– Luôn có đó nhiều sự kiện hay biến cố dù không mong vẫn cứ đến, dù chẳng muốn vẫn cứ xảy ra. Đã tổ chức tiệc cưới thì việc chuẩn bị rượu cách đủ đầy và có dư là điều như tất yếu. Với người Do Thái thời bấy giờ thì đây là chuyện hẳn nhiên, vì theo phong tục tập quán thì tiệc cưới có thể kéo dài từ ba đến bảy ngày. Tiệc cưới tại Cana có thể nói là đám tiệc không nhỏ. Chúng ta có thể luận suy điều này vì có người quản tiệc và số lượng chum nước dùng cho việc thanh tẩy (sáu chum nước, mỗi chum khoảng tử 80 dến 120 lit nước). Tiệc lớn, ắt gia đình phải khá giả. Nhà khá giả thì chuyện chuẩn bị rượu cho khách không phải là chuyện quá sức và dĩ nhiên ít khi bị xao lãng. Thế mà tiệc chưa tàn thì rượu đã hết!

Từng hỏi nhiều đôi hôn nhân chung sống từ muời, hai muơi năm trở lên rằng các bạn đã bất hòa với nhau bao nhiêu lần, thì được câu trả lời là đếm không hết. Lại hỏi tần suất những lần mà những chuyện không như ý lớn nhỏ xảy ra là bao nhiêu, thì được trả lời là khoảng trên dưới một tuần một lần. Quả thật khi đã chung sống, chung mâm, chung nhà, chung… thì khó tránh được sự “chung đụng” do nhiều nguyên nhân khách quan hay chủ quan từ phía này hoặc phía kia. Nhìn nhận hiện thực cuộc sống để rồi chủ động tìm cách giải quyết, khắc phục, nghĩa là để duy trì và phát triển sự mặn nồng của tình yêu.

– Ngoài nỗ lực của bản thân người trong cuộc là đôi bạn thì rất cần đến sự giúp đỡ của người thân và cả những người hữu quan miễn là họ vốn có tầm lòng và sự bén nhạy với các tình huống. Tấm lòng và sự nhạy bén của Mẹ Maria trong tiệc cưới Cana thì chúng ta đã rõ. Không kể Chúa Giêsu, có lẽ khách dự tiệc hôm ấy đang ở cao trào của tiệc vui vì tình trạng “ngà ngà say”, nên dường như chẳng có ai phát hiện sự cố thiếu rượu. Với tấm lòng nhạy bén, Mẹ Maria đã nhận ra sự cố này để rồi đến xin Chúa Giêsu ra tay can thiệp, cứu giúp.

“Chuyện mình thì quáng, chuyện người thì sáng”. Sự thường người ngoài cuộc thì dễ có sự bình tâm để nhìn nhận vấn đề hơn. Tuy nhiên người ở ngoài này phải có cái tâm, cái tình và cái nhìn cách nào đó như tình người trong cuộc, nghĩa là xem như chuyện của mình. Để cho tình yêu hôn nhân vững vàng trước những sóng gió bễ đời, thì sự góp phần của mẹ cha, ông bà, thân bằng quyến thuộc là điều đáng trân trọng và đáng cầu mong. Xin đừng quên vai trò thiết yếu và hữu hiệu của người Mẹ đã nhận nhân loại chúng ta làm con khi Người đứng dưới chân thập giá năm nào (x.Ga 19,26-27). Đến với Mẹ thì chắc chắn chúng ta sẽ được Mẹ dẫn đến với Giêsu, Con của Mẹ là Đấng mà không có sự gì là không thể làm được.

– Đã yêu thì không chờ cơ hội cũng chẳng đợi đến thời đến buổi. Dù chưa đến giờ bày tỏ vinh quang, nhưng vì yêu thương Chúa Giêsu đã ra tay giáng phúc cho đôi tân hôn hôm ấy. Dù đã cùng với các môn đệ lánh riêng một nơi để nghỉ ngơi thế mà trước đoàn lũ dân chúng đông đảo như chiên không người chăn thì Chúa Giêsu đã tiếp tục giảng dạy họ nhiều điều (x. Mc 6,30-34). Tình yêu đòi hỏi chúng ta phải làm ngay hôm nay những gì ở trong tầm tay. Thiên Chúa là Tình Yêu và với Người thì mọi sự đều là hiện tại. Đã yêu hay sẽ yêu thì chưa hẳn là yêu. Động từ yêu cần phải luôn ở trong thì hiện tại.

– Sự kiện Chúa Giêsu làm cho sáu chum nước tức là khoảng sáu đến bảy trăm lít nước lã hóa thành rượu ngon hảo hạng khiến chúng ta nhận ra một quy luật của tình yêu đó là phải nhiều và mặn nồng hơn mãi. Có lẽ nhiều đôi bạn như chưa nhận thức đủ quy luật này. Tương tự như sự học, chuyện tình yêu như con thuyền đi dòng nước ngược. Không tiến thì ắt lùi.

– Để mặn nồng trong tình yêu thì lời căn dặn của Mẹ Maria quả là rất đáng lắng nghe và tuân giữ: “Người bảo gì thì hãy làm theo”. Thực thi lời Chúa dạy là điều tất yếu, nếu muốn vẹn chữ tình. Xin chớ dong dài luận lý trước mệnh lệnh Chúa truyền nếu chúng ta đã tin nhận Người là Đấng toàn tri và nhân hậu vô cùng. Vẫn có đó nhiều lứa đôi than vãn rằng con cầu xin mãi mà Chúa chưa ban cho gia đình ấm êm, thuận hòa. Trong nhiều lý do thì thường có lý do này là họ vẫn mãi cố chấp biện minh cho mình mà không thực thi điều Chúa phán trong lương tâm hay qua sự hướng dẫn của các mục tử hay qua sự khuyên bảo của những người khôn ngoan và đầy thiện ý.

– “Hãy đổ nước đầy các chum!” Đây là nước dùng cho việc thanh tẩy theo tục lệ của người Do Thái thời bấy giờ. Tập tục lúc bấy giờ, khi dùng bữa người Do Thái không ngồi trên ghế mà nằm nghiêng giữa sàn nhà. Vì thế việc rửa chân tay không chỉ mang tính lễ nghi thanh tẩy theo truyền thống mà còn để giữ vệ sinh cho sàn nhà, nơi các thực khách nằm mà dùng bữa. Để giữ sự mặn nồng tình yêu thì Chúa Giêsu lại ra lệnh làm một việc của sự thanh tẩy. Điều này nhắc nhớ chúng ta sự thật này: những bất hòa, bất ổn trong tình yêu hôn nhân gia đình thường có nguyên nhân là lỗi hay tội của ai đó hay của cả đôi bên. Thanh tẩy tâm hồn là điều cần thực hiện liên lĩ. Thanh tẩy không nguyên chỉ để cho tâm hồn mình trong sáng, tinh sạch mà còn vì hạnh phúc của người mình yêu thương.

Tu thân -Tề gia – Trị quốc – Bình thiên hạ. Cái nhìn của người xưa vẫn chưa hề lỗi vậy.

home Mục lục Lưu trữ