Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 39

Tổng truy cập: 1372812

TIỆC CƯỚI CHO HOÀNG TỬ

Tiệc cưới cho hoàng tử - ViKiNi

(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)

Tiệc cưới nào cũng được gia đình tổ chức hết sức trang trọng theo khả năng của mình. Tiệc cưới hoàng tử càng biểu lộ vinh quang trang trọng của cả nước. Ngày 03/04/1985 (?). Hoàng hậu Elizabeth Anh quốc, đã mở tiệc cưới hoàng tử Charles đẹp duyên cùng công nương Diana. Khách mời là những vua chúa, Hoàng hậu, Tổng thống, Thủ tướng của hơn hai chục nước trong Liên hiệp Anh. Những hoàng tử của các nước xa xôi ngoài Liên hiệp cũng được mời dự tiệc cưới, như hoàng tử Nhật. Ai được mời đều lấy làm hết sức vinh dự. Cho nên, không ai từ chối, mà còn mong ước chóng được tới dự.

Chúa Giêsu dùng hình ảnh tiệc cưới hoàng tử để nói về vinh quang, vui mừng và hạnh phúc vô cùng của nước Trời. Nhưng những khách được mời ưu tiên thì lại từ chối, không đếm xỉa tới những ân huệ vinh quang Thiên Chúa ban. Họ còn có những thái độ khinh bỉ ngạo mạn coi tiệc cưới hoàng tử không bằng đi thăm trại súc vật, không bằng đi buôn bán lặt vặt; kinh khủng hơn nữa, dám bắt các đại diện của vua đi mời xỉ nhục và giết chết.

Khi so sánh khách dự tiệc cưới của con vua dưới đất với khách được mời dự tiệc con vua nước Trời như vậy, Chúa Giêsu thấy một cảnh trái ngược, thật chua xót biết bao!

Những hạng người từ chối dự tiệc nước Trời vì những lối sống sau đây:

Lối sống thứ nhất là đi thăm trại: Một công việc quá tầm thường. Họ không phải chăn nuôi, chăm sóc, cầy cấy như các đầy tớ. Họ là những ông chủ, nhàn rỗi, lúc nào đến xem xét, thăm nom tùy ý thôi. Thế mà họ dám coi thường tiệc cưới hoàng tử trọng đại của nhà vua. Mấy khi trong đời ai có dịp vinh phúc như thế! Phải chăng khi nói đến hạng người này, Đức Giêsu buồn lòng về những ông chủ đứng đầu đạo đời dân Do thái. Họ những thành phần địa vị cao cấp ưu tuyển, lại đi làm những việc sai trái, bỏ bổn phận cao trọng đối với Thiên Chúa và những nhiệm vụ quan trọng đối với dân nước. Họ chỉ lo tìm tư lợi cá nhân để vinh thân phì gia. Họ coi trời bằng vung, không còn biết Đấng trên đầu mình nữa.

Lối sống thứ hai là đi buôn: Một công việc kiếm lời nhặt lãi. Họ mê man kiếm tiền của, tham lam vơ vét, cạnh tranh, giành giựt nhau từng đồng bạc, từng tấc đất, từng bát gạo, từng bó rau, từng ly rượu, từng điếu thuốc, từng số đề, số đuôi. Thật bần tiện, bủn xỉn, họ chẳng cần tình nghĩa cao đẹp, dầu là tình nghĩa với nhà vua, với Thiên Chúa. Phải chăng đó là lối sống của dân Do thái, của ích kỷ, hà tiện, không có lòng bác ái, chỉ biết bo bo lấy mình, họ kỳ thị loại trừ những ai không phải là đồng đạo, đồng bào. Hạng người đó không thể được ngồi chung với muôn dân trong nước Trời.

Lối sống thứ ba là bắt bớ, xỉ nhục và giết người vô tội. Những đầy tớ của vua sai đi mời thật tử tế, là những kẻ vô tội, chỉ lo làm bổn phận mình đem ân huệ đến cho họ, thế mà bị họ bắt bớ, xỉ nhục, giết đi. Họ chẳng biết thương yêu, tử tế là gì! Họ không còn biết ai là người lành. Họ quá chai đá với những cảnh căm thù, phá hoại, sát nhân. Bao nhiêu trẻ thơ vô tội, dân lành bị họ bắt làm bia đỡ đạn cho những tham vọng cướp ngôi, cướp quyền. Bao nhiêu những tiên tri, những thánh nhân tử đạo do những hạng đầu óc hẹp hòi, mù quáng, độc tài. Họ là những Hêrôđê bố, Hêrôđê con đã giết hài nhi vô tội, giết Gioan tẩy giả. Họ là những thượng tế Anna và Caipha, những luật sĩ và biệt phái. Những Philatô, Giuda và quân dữ đã cả gan nhúng tay vào giết Con Một Thiên Chúa.

Lối sống thứ bốn là không mặc áo cưới: Thuần phong mỹ tục coi lễ cưới là ngày lễ trọng đại của gia đình, tất nhiên có nghi thức long trọng với những trang phục đẹp đẽ chỉnh tề. Những hạng người bê bối thô lỗ tục tằn, vô lễ, vô kỷ luật đều bị loại bỏ vì nó bôi nhọ nếp sống văn hóa trong sáng và đạo đức thanh nhã. Nêu ra hạng người này, chắc hẳn thánh Matthêu đã thấy cảnh những Kitô hữu bất chính, theo đạo kiếm gạo mà ăn chứ không sống theo thánh ý Chúa. Thánh Phaolô đã thấy cái cảnh đó trong giáo đoàn Côrintô: Những phụ nữ đến cầu nguyện hoặc nói tiên tri ăn mặc bất xứng không theo truyền thống (1Cr. 11,15). Những tín hữu đến dự tiệc Chúa ăn uống say sưa, khinh dể, vô phép với cộng đoàn Hội thánh của Chúa, làm nhục kẻ nghèo. “Vì thế bất cứ ai ăn bánh hay uống chén của Chúa cách bất xứng, thì phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình... để khỏi bị án phạt” (1Cr. 11, 21-22 và 27-29, 34)

Tất cả những hạng người có những lối sống như trên đều bị “Nhà vua sai quân đến tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu hủy thành phố của chúng. Rồi nhà vua bảo gia nhân ra các ngã đường, gặp ai mời tất cả vào tiệc cưới” (Mt. 22, 7-9).

Theo phong tục của nhiều dân tộc xưa, tiệc cưới hoàng tử chẳng những các đại thần được ưu tiên mời, mà còn tất cả thần dân đều được hưởng lộc của nhà vua. Tiệc cưới hoàng tử nước Trời chẳng những ưu tiên cho dân tộc Do thái, mà còn cho toàn thể muôn dân, vì toàn thể nhân loại đều là thần dân của Ngài. Như tiên tri Isaia đã loan báo: “Chúa tể trời đất sẽ thiết tiệc đãi muôn dân” (Is. 25, 6).

Vua trời đất đã mời mọi người chúng ta vào nước Trời, không phải bốn năm lần mà trăm ngàn lần, từ xưa đến nay. Không phải chỉ có đầy tớ như tiên tri, tông đồ, Giáo hoàng, Giám mục, Linh mục mà còn chính Con Một Thiên Chúa giáng trần chịu chết tế lễ lấy Thịt Máu châu báu mình đến mời chúng ta vào dự tiệc nước Trời. Chúng ta đáp lại lời mời diễm phúc đó bằng lối sống nào? Chúng ta lấy làm vinh phúc, khao khát, vui mừng, siêng năng đón nhận; hay như hạng khinh nhờn, thờ ơ, nguội lạnh khô khan, nổi loạn, vô kỷ luật, thì khốn cho chúng ta, sẽ có ngày bị tru diệt.

Lạy Chúa, xin cho con nhận biết rằng: Tiệc thánh nước Trời, không phải là thịt béo bò tơ, thú quý, rượu ngon nuôi thân xác tro tàn, mà là lời Chúa, Mình Máu Chúa, ơn cứu độ và tình thương vô bờ của Chúa nuôi tâm hồn con muôn đời. Nhờ đó, thánh Phaolô, dù sống trong tù ngục thiếu thốn vẫn thấy Chúa thỏa mãn mọi nhu cầu một cách tuyệt vời theo sự giàu sang của Người trong Đức Kitô Giêsu. Xin cho con biết sống mạnh mẽ như thánh Phaolô để tôn vinh Thiên Chúa là Cha chúng con đến muôn thuở muôn đời. Amen. (Phil. 4, 12. 14. 19-20)

 

2. Làm việc lành

Câu chuyện vừa nghe đối với chúng ta có phần nào khó hiểu.

Tại sao một ông vua làm tiệc cưới cho hoàng tử, mà các khách mời lại đồng loạt từ chối, không tới dự? Có thể là Chúa Giêsu đã sử dụng một câu chuyện có sẵn, đang được loan truyền trong dân gian. Câu chuyện ấy như thế này: Có một người thu thuế, nhờ làm mà ăn phất lên mau chóng, nên cũng muốn học làm sang, nên đã mở tiệc và cho mời đông đảo khách khứa. Vì không muốn để cho người thu thuế, vốn dĩ bị mọi người coi rẻ, lợi dụng sự hiện diện của mình tại nhà y để huênh hoang. Tất cả những người được mời đã nhất loạt từ chối không đến.

Chúa Giêsu đã từng cho thấy là Ngài không ngần ngại sử dụng những câu chuyện dân gian để cho chúng ta hiểu về thái độ của Thiên Chúa. Thực vậy, các khách được mời dự tiệc cưới, đã được thông báo nhắc nhở tới hai lần nhưng chẳng những đã không tới, mà có người lại còn hành hạ và giết cả những người được chủ sai đi mời. Như thế khách được mời đã không tới, chẳng phải vì quên hay vì bận việc khác, mà hoàn toàn vì ác ý. Hậu quả là họ đã bị trừng trị vì thái độ của họ.

Thay vào chỗ của họ là tất cả mọi người mà các đầy tớ của nhà vua có thể gặp được ở khắp cả ngã đường. Tất cả mọi người đều được mời không phân biệt người tốt kẻ xấu. Chúng ta có thể hiểu chi tiết này bằng hai cách: hoặc là trong Nước Trời, trước ngày phán xét, kẻ tốt người xấu lẫn lộn như cỏ lùng mọc chung với lúa tốt. Hoặc là Thiên Chúa qua lòng nhân lành của Ngài, đã mời gọi mọi người nhất là những kẻ tội lỗi vào dự tiệc mừng của Nước Trời.

Thế nhưng ám chỉ của dụ ngôn xem ra khá rõ. Vị vua làm tiệc cưới cho hoàng tử là Thiên Chúa, Đấng sẽ thực hiện chương trình cứu độ. Những người được mời trước là các thành phần của dân được tuyển chọn, nghĩa là người Do Thái. Nhưng họ đã khước từ lời mời gọi của các tiên tri và cuối cùng là của chính Chúa Giêsu. Những người được mời gọi lần thứ hai, từ khắp các ngã đường, tượng trưng cho mọi dân tộc, không phân biệt cũ mới, nguồn gốc. Như thế dụ ngôn cho thấy diễn tiến của chương trình cứu chuộc. Sự khước từ của người Do Thái đối với giáo huấn của Chúa Giêsu, việc những người tội lỗi và những người không phải là dân Do Thái được đón nhận Tin Mừng của Ngài là những dấu chỉ cho thấy thời cứu độ đang thực sự diễn ra.

Tuy nhiên, phần cuối của dụ ngôn, có thể là do cộng đoàn tiên khởi thêm vào, lại là một lời cảnh cáo đối với các tín hữu. Chiếc áo cưới mà những người dự tiệc phải mặc tượng trưng cho lòng tin, cho niềm vui, cho sự công chính, nghĩa là những việc lành luôn luôn được thánh Matthêu nói tới. Lời kêu gọi của Chúa không phải là không có những đòi hỏi. Chúng ta lãnh nhận ơn cứu độ từ tình thương của Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa cũng đòi hỏi chúng ta phải sống ơn cứu độ đó bằng cách làm những công việc tốt lành, để nhờ đó chúng ta xứng đáng được Chúa cho vào tham dự bàn tiệc Nước Trời.

 

3. Chiếc áo cưới

Không ai biết đích xác được là con người đã bắt đầu biết may mặc từ thời nào, nhưng chắc chắn là rất xa xưa. Cái mặc đã đi theo cái ăn như là một trong hai cách thế hiện thân độc đáo của loài người, và ngay từ sớm, nó đã vượt ra ngoài cái ý nghĩa sở đẳng là một vật dụng để che thân cho kín đáo, cho ấm áp, hầu mang lấy những ý nghĩa khác có tính cách văn hoá, kinh tế, chính trị và tôn giáo.

Thực vậy, cái áo có thể cho chúng ta biết được giai cấp, địa vị, nghề nghiệp, và thậm chí đến cả tư cách và tính tình của một người. Người nông dân nghèo không ăn mặc như một cậu công tử thành phố. Ông quan không mặc như người lính, thầy tu không mặc như dân thường. Người con gái nết na kín đáo thì không thích ăn mặc hở hang khêu gợi. Người khiêm tốn không ăn mặc loè loẹt phô trương. Cái áo do đó có một vai trò, một ý nghĩa quan trọng trong đời sống con người. Vì thế mà Chúa Giêsu đã sử dụng nó như một hình ảnh để nói lên cái tư cách của một người công dân Nước Trời.

Bài Tin Mừng vừa nghe ghi lại hai dụ ngôn. Dụ ngôn tiệc cưới và dụ ngôn chiếc áo cưới. Hai dụ ngôn này, nguyên thuỷ có lẽ đã được Chúa Giêsu nói trong hai trường hợp riêng biệt, nhưng đã được Matthêu chắp lại thành một đề tài chung vì thấy có liên hệ với nhau.

Dụ ngôn thứ nhất ám chỉ dân Do Thái là dân hai lần được mời gọi tham dự tiệc cưới, nhưng họ đã từ chối và không những thế, họ còn sát hại những sứ giả của Thiên Chúa. Bởi đó cuối cùng, Ngài lại sai các sứ giả đi khắp các ngả đường để mời gọi tất cả mọi người, không phân biệt tốt xấu. Tuy nhiên lời mời gọi ấy đã được đưa ra với điều kiện là phải sám hối, phải hoán cải, phải đổi đời.

Sám hối, hoán cải hay đổi đời được diễn tả qua dụ ngôn chiếc áo cưới, là dụ ngôn thứ hai đã được ghi lại. Như chúng ta đã nói cái áo không phải chỉ là một đồ dùng để che thân mà còn là một trang phục, nghĩa là một phương tiện tô điểm, đánh giá con người, nói lên địa vị, nghề nghiệp cũng như tư cách của một con người. Đã hẳn tuyệt đối mà nói, cái áo không làm nên thầy tu, nhưng bình thường thì thầy tu vẫn có cái áo của thầy tu. Nhưng lính có cái áo của người lính hay ít ra thầy tu không được ăn mặc loè loẹt diêm dúa.

Ngoài ra cái áo còn là điều kiện để cho con người nhập cuộc với tha nhân: không ai ở trần và và mặc quần xà lỏn mà đi ăn đám cưới, trái lại không ai mặc bộ đồ vét mà lại đi hôi cá dưới ao.

Khi Chúa Giêsu dùng dụ ngôn chiếc áo cưới để nói về những điều kiện mà kẻ đón nhận Tin Mừng phải có để được vào Nước Trời, dĩ nhiên Ngài không muốn nói đến cái áo theo nghĩa thông thường mà là nói tới cái thái độ bên trong, tới những đức tính, hay nói đúng hơn đến cái tinh thần mà người đó phải có. Nói theo thánh Phaolô thì mặc áo cưới ở đây là mặc lấy con người mới được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Hay nói một cách mạnh mẽ hơn, đó là hãy mặc lấy Đức Kitô.

Mặc lấy Đức Kitô là mang những tâm tình của Ngài, là sống hiền từ và khiêm tốn, biết chia sẻ nỗi bất hạnh của người anhem, biết yêu thương cho đến cùng như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta và hiến mạng sống mình vì chúng ta.

Mặc lấy Đức Kitô là nên giống Ngài, đó là chiếc áo cưới mà tất cả những ai được nghe Tin Mừng và đón nhận lời mời vào Nước Chúa phải mặc lấy. Thế nhưng, có mấy ai trong chúng ta đã thực sự mặc lấy Đức Kitô như thế hay chưa?

 

4. Chuẩn bị sẵn sàng y phục lễ cưới - Huệ Minh

Kính thưa cộng đoàn,

Kỳ vừa rồi, có dịp đi ra Bà Rịa, thì đứng nói chuyện với một Sơ dòng Phaolo. Sau đó mới biết được Sơ là bạn của Tân giám mục phó Giáo Phận Đà Lạt. Thế là Sơ đưa ra những tấm hình, mà ngày xửa ngày xưa, thời Đức Cha và sơ còn nhỏ học chung ai cấp 2 cấp 3 với nhau. Mà bây giờ, bỗng nhiên người bạn của mình được thụ phong Giám Mục thì: bạn mời bạn, khăn gói quả mướp lên đường để mà đi dự lễ.

Có mấy người bạn bảo: Làm sao mà có thể chen được vào ngồi! Nhưng mà Sơ nói rằng: bạn mà! Thế là vui lắm! Đi dự lễ, không những dự lễ, mà còn ở lại dự tiệc nữa. Bởi vì, đó là ngày vui của bạn mình!

Và một cái câu chuyện hôm nay, Chúa Giêsu kể một cái dụ ngôn mà chúng ta thấy nó có cái gì đó nó mâu thuẫn. Thực sự ra, nó không có đúng trong thực tế đâu. Nhưng mà qua đó, Chúa lại mời gọi chúng ta suy nghĩ về vụ khác.

Cái chuyện là: Có một nhà vua kia, mở tiệc cưới cho con. Chỉ là một cái tiệc mà Tân giám mục, tân linh mục thôi! Bao nhiêu người trang điểm, phải chuẩn bị hành trang đi để mà dự lễ, để mà dự tiệc. Ấy vậy mà, tiệc cưới của nhà vua, con của nhà vua, vậy mà người ta khước từ, khách không tới!

Nó có cái gì đó, nó khó hiểu, nó mâu thuẫn, làm cho chúng ta suy nghĩ.

Nhưng mà, Chúa Giêsu muốn kể cái dụ ngôn này để mà nói với chúng ta về: Cái đời sống tôn giáo của chúng ta, về tương quan của chúng ta với Thiên Chúa như thế nào?

Nếu mà, chúng ta thật sự bận tâm với Thiên Chúa, chúng ta bận tâm với Nước Thiên Chúa: sẽ sẵn sàng và từ bỏ tất cả mọi sự, để mà chỉ đi tìm Nước Thiên Chúa mà thôi!

Có hai ông: một ông là thương gia, một ông là nhà sinh vật học đi dạo với nhau. (tức là đang đi dạo với nhau). Nhưng mà, bỗng nhiên cái nhà sinh vật học chạy vào cái bụi cây và bắt được cái con côn trùng. Ông cảm thấy vui, bởi vì, ông bắt được cái con ông cần bắt, để mà nghiên cứu.

Lại đi tiếp tục với nhau một quãng đường, thì cái ông thương gia cúi xuống, thì cái ông nhà nghiên cứu sinh vật học ngạc nhiên nói tại sao bạn mình dừng lại! Thì ra, nhà thương gia cúi xuống lượm được đồng tiền.

Bởi vì, chỉ cần một cái bóp nhỏ thôi! Ông nhận ra dưới chân của ông đó là tiền. Bởi vì sao?

Mỗi người có một cái mối bận tâm riêng của mình. Nhà nghiên cứu sinh vật học đó Chỉ cần nghe tiếng, hay chỉ cần nghe cái tiếng con vật mà mình đang nghiên cứu, thì biết nó đang ở đâu, và đi tới để mà tìm. Còn cái người thương gia, chỉ cần một cái đạp nhẹ thôi, biết ở dưới chân đó là có tiền.

Rõ ràng cuộc đời của chúng ta, một khi chúng ta bận tâm một cái điều gì đó! Thì chúng ta sẽ chăm chú, chúng ta sẽ đi tìm nó và tìm bằng mọi giá, chứ không thể nào mà không tìm được.

Thì Nước Trời cũng như thế, Chúng tôi cảm thấy nó là như thế nào trong cuộc đời của mình.

Thì có người chạy tới nói với con: Cha ơi, ngày xưa thì con đã đi theo chồng con. Con bỏ tất cả mọi sự, con học đạo, con đi theo chồng. Rồi con làm đám cưới, ban đầu thì cũng rất hạnh phúc lắm!

Sau đó rồi anh đánh đập con. Bây giờ anh bỏ con, không những bỏ con, anh còn đi lấy một người khác. Và anh bỏ người vợ đó! Giờ anh đi lấy người khác nữa!

Và bây giờ, Giáo Hội cảm thấy ràng buộc con, không cho con đi lấy chồng khác có nghĩa là sao? Lẽ ra Giáo Hội phải giải thoát cho con, phải mang đến niềm vui cho con! Nhưng tại sao, giáo hội lại ràng buộc con như thế!

Kính thưa Cộng đoàn khi mà người ta không hiểu người ta không đoán những cái luật của đời sống hôn nhân Công giáo thì họ cảm thấy bực mình và khó chịu lắm.

Và có một người kia, chạy đến nói với con: Cha ơi, cha cầu nguyện cho con! Bởi vì, kỳ này con sẽ thụ thai. Con sẽ thụ thai trong ống nghiệm, sẽ kiếm một đứa con. Bởi vì con không muốn lập gia đình, lập gia đình chán lắm! Hôm nay, người ta lập gia đình xong rồi, chồng con ăn ở lung tung hết, nên con muốn có một đứa con mà chỉ thụ tinh trong ống nghiệm.

Nghe xong thì thôi biết gì cầu nguyện bây giờ. Làm sao mà cầu nguyện được khi mà: Luật Giáo hội cấm không cho phép người phụ nữ có thai, nếu nhưkhông có quan hệ vợ chồng. Bởi vì, đối với Giáo Hội: đứa con chính là hoa quả của tình yêu, đứa con chính là hoa quả của đời sống hôn nhân, chứ không thể nào đơn phương mà có con được!

Và rồi khi người ta không cảm nhận được Tin Mừng, người ta sẽ cảm thấy Tin Mừng nó đắng đó! Như Lời Chúa, đôi khi con đọc Tin Mừng, con không dám nói gì cả! “khốn cho các ngươi là những đồ biệt phái và luật sĩ, như mồ mã tô vôi.”

Chúa nói những luật sĩ và biệt phái đó! nhưng man mác trong mình, cũng có đó: những luật sĩ và biệt phái. Mình không sống đúng những gì mà Chúa dạy! Nghe những lời đó mình cảm thấy đắng đót lắm! Và chính đời mình mình có bận tâm vào Nước Trời mình có bận tâm vào Thiên Chúa hay không?

Và rồi trong Tin Mừng đó! Chúng ta thấy, ngoài ra không những là không đi dự tiệc cưới mà còn giết tôi trai, tớ gái của Thiên Chúa nữa!

Mà điều đó có thật trong Kinh Thánh. Chúng ta thấy: tại sao mà Saulê, lẽ ra là phải yêu thương và quý mến Đavít, bởi vì Đavit là sứ giả của Thiên Chúa, được sai đến để cứu Ítraen.

Thế nhưng mà, khi Saulê thấy dân chúng ta ca tụng Đavít và cảm thấy ngai vàng của mình bị đe dọa. Bằng mọi cách Saulê đã khước từ cái tình nghĩa anh em mà giết hại bằng được David. Và cũng thế, chúng ta thấy Hêrôđê đã giết Gioan Tẩy giả, Gioan Tẩy giả như một người ngôn sứ mà Thiên Chúa sai đến! Để mà loan báo sự xuất hiện của Chúa Giêsu, cũng như Gioan Tẩy giả đã can đảm lên tiếng Hêrôđê. Bởi vì, Hêrôđê đã lấy vợ của anh mình. Nhưng vì ông không cảm nhận được Lời của Thiên Chúa, nên Hêrôđê đã tìm mọi cách chặt đầu Gioan Tẩy giả.

Chúng ta thấy đó, những con người ác đức là hiện thân cuộc đời của Chúa Giêsu, Chúa Giêsu không phải là một vị ngôn sứ mà là ngài là Con Thiên Chúa nhưng người ta cũng không đón nhận Chúa Giêsu trong tư cách là một ngôn sứ. Và hơn thế nữa, không đón nhận Ngài trong tư cách là Con Thiên Chúa.

Và nhìn vào cuộc sống ngày hôm nay chúng ta thấy, nhân loại người ta sát hại nhau rất là dễ dàng.

Người ta bận tâm vào Nước Trời thì người ta sẵn sàng từ bỏ tất cả những gì không dính líu vào cuộc đời này. Khi mà mối bận tâm của họ trở thành niềm đam mê và dục vọng, thì họ sẵn sàng hủy diệt sứ giả của Thiên Chúa.

Khi đó họ không thấy cái tình thương của Thiên Chúa nơi cái luật: một vợ, một chồng. Nơi cái luật không có con ngoài cái chuyện quan hệ vợ chồng. Mà người ta chỉ thỏa mãn cái lòng dục của người ta và khi đấy cái nỗi bận tâm về vật chất, về hưởng lợi, về quyền lực nó lại làm mờ mắt chúng ta để chúng ta không còn bận tâm đi tìm cái đám cưới, chúng ta không đi tìm Nước Trời nữa.

Chúng ta không can đảm để đón nhận Chúa là Tin Mừng, Chúa là Đấng là Chủ tể cuộc đời chúng ta. Bởi vì, tất cả những ràng buộc của vật chất nó nặng nề, nó đã che lấp cuộc đời chúng ta.

Thế nhưng có điều đáng nói rằng: phần đông chúng ta, thì không phải là như thế đâu!

Bởi vì, chúng ta là những người đã được đón nhận Chúa, chúng ta thấy Chúa, chúng ta nghe Chúa, nhưng rồi chúng ta đã nhận lời mời, nhưng chúng ta không mặc y phục cho xứng đáng để mà dự tiệc cưới.

Có nhiều người đi lễ trang điểm rất đẹp, có nhiều hơn 2, 3 tiếng đồng hồ để đi lễ. Và đặc biệt, đi ăn cưới thôi, người ta trang điểm rất là lâu và đẹp

Nhưng mà rồi, chúng ta thấy cái phần 2 trong cái dụ ngôn này, phát hiện ra một người đi vào ăn cưới. Nhưng mà không y phục lễ cưới, để rồi bị đuổi ra ngoài, vì không mặt đúng y phục lễ cưới.

Về chuyện này ở người Do Thái thì họ có một cái, nghe kể lại là có một cái hành lang để mà treo áo, để mà vào dự tiệc thì họ mặc áo vào, để mà đi dự tiệc cưới.

Nhưng mà điều mâu thuẫn mà chúng ta thấy là chủ điểm ở đây là những người khách được mời, nhưng mà họ đi vào, họ đâu có chuẩn bị trước đâu.

Ví dụ như những người bán vé số, những người lao động ngoài đường khi mà được mời đi ăn đám cưới, họ đâu có chuẩn bị quần áo đâu để mà mặc mà chủ đi bắt họ để mà nhốt tù họ.

Chủ điểm ở đây mà chúng ta nhắn tới, để chúng ta hiểu được đó là: những người Do Thái bởi vì họ đã được nghe lời Chúa, họ đã được đón nhận lời Chúa đón nhận sự hiện diện của Chúa thế nhưng rồi họ đã khước từ, và rồi Chúa đã mời, Chúa đã sai Con Thiên Chúa làm người để cứu độ cho tất cả mọi người. Ơn cứu độ phổ quát cho mọi người, chứ không có dành riêng cho một người nào cả!

Nhưng mà chỉ có điều chúng ta quan tâm đó là khi vào dự tiệc cưới, chúng ta phải mặc cái lễ phục của tiệc cưới đó, không phải là cái quần là áo lụa bên ngoài mà đó chính là cái trang phục nội tâm của mọi người chúng ta. Trang phục nội tâm mà mỗi người chúng ta có đó, khi mà chúng ta lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy.

Thì nói tới đây mà xét cho cùng mà nghiên cứu đã cho thấy ở bên sông Giođan, nó có cái hay lắm! Người ta đi rửa tội ngay tại sông Giođan, và người ta bước xuống dòng sông Giođan với quần áo cũ và khi lên dìm mình ở trong cái dòng sông Giođan, bước lên thì: cha mới thay cho họ, một cái y phục mới. Một cái y phục trắng tinh, một cái y phục rất là đẹp! Nó giống như cái y phục lễ cưới, mà như chúng ta đã lãnh nhận từ ngày chúng ta nhận bí tích rửa tội.

Thế nhưng rồi nhiều khi chúng ta vô tình, chúng ta không có bận tâm, chúng ta không có chú ý. Nhiều khi cái áo mà chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội cách đây 2,30 năm, 40 năm. Bây giờ nó vàng, nó ngà mà nhiều khi nó đen nữa.

Bởi vì, cái lòng của chúng ta nó không còn trong trắng như ngày xưa!

Và khi ấy, chúng ta không có đủ để xứng đáng để đi vào dự tiệc cưới và khi chúng ta được mời gọi rằng chúng ta có một y phục lễ cưới.

Chúng ta thấy quần áo mà chúng ta cần giặt, thì chúng ta phải cởi bỏ cái áo cũ và chúng ta lấy cái áo cũ đó đi giặt.

Cũng vậy, những cái đam mê, tính hư, nết xấu, những cái ý tưởng xấu trong con người chúng ta. Nếu chúng ta can đảm, chúng ta tin nhận Chúa là Chúa đời ta, chúng ta cảm nhận Tin Mừng là Tin Mừng, thì tất cả những gì mà lột bỏ nơi chúng ta, là chua xót đó: tính hư, nết xấu.

Có nhiều khi: chúng ta bỏ đi một ý tưởng xấu không phải dễ, chúng ta bỏ đi một cái hành vi xấu không phải dễ đâu! Nhưng nếu, chúng ta cảm nhận được Nước Trời là cùng đích của cuộc đời chúng ta, chúng ta cảm thấy được là chúng ta phải cần có một cái bộ y phục lễ cưới!

Đi ra ngoài đi mua 5, 7 triệu bạc, 20 triệu, có người mặc bộ đồ 3, 400 triệu như là các minh tinh màn bạc. Chúa không bắt chúng ta phải mặc những quần là, áo lụa đó! Nhưng Chúa mời gọi mỗi người chúng ta, có y phục trong tâm hồn: phải trắng, phải xứng hợp với tiệc cưới Nước Trời.

Cái y phục đó là gì? Y phục đó là tình yêu thương, đó là lòng bác ái, đó là sự vị tha.

Chúa mời gọi mỗi người chúng ta, ngày mỗi ngày, trước khi đi ngủ, chúng ta đặt mình trước mặt Chúa. trước khi nhắm mắt.

Xin Chúa thanh tẩy lòng chúng ta, xin Chúa tha thứ cho chúng ta. Và đặc biệt xin Chúa cho chúng ta mau chạy đến với bí tích Hòa Giải, nơi Bí tích Hòa Giải chúng ta được dìm mình trong Chúa. Và chúng ta được thanh tẩy, để tâm hồn chúng ta trắng.

Cuộc đời này không biết ngày nào chúng ta ra đi. Ngày nào mà chúng ta ra đi chính là ngày mà chúng ta được mời vào dự tiệc cưới. Và khi đó, Chúa lại hỏi chúng ta, chúng ta có mặc trang phục lễ cưới, hay là chúng ta mặc một cái bộ đồ bẩn thỉu vào dự tiệc cưới!

Xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta, để ngày mỗi ngày, chúng ta biết thanh luyện tâm hồn chúng ta luôn luôn mặc lấy một lấy chiếc áo trắng, áo mới, mà ngày chúng ta lãnh Bí tích Thanh Tẩy. Để chúng ta đón Chúa, để chúng ta được vào dự tiệc cưới Nước Trời như Chúa mời gọi chúng ta. Amen.

 

5. Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

MẶC CHIẾC ÁO CƯỚI TRONG NGÀY RỬA TỘI

Dụ ngôn Chúa Giêsu kể hôm nay có nhiều chi tiết mới nghe chúng ta thấy không hợp lý cho lắm? Thứ nhất, giả như bây giờ chúng ta được ông chủ tịch quận hay huyện mời dự đám cưới con của ông, mình có đi không? Phải đi chứ, vinh hạnh lắm! Đàng này trong Tin Mừng kể ông vua mời, tại sao những khách mời không thèm đếm xỉa tới lời mời, rồi còn đồng loạt từ chối không đi, tại sao? Thứ hai, lý do họ từ chối không đi: kẻ thì đi thăm trại, đi buôn, kẻ khác đi cày đi cấy... đó là những lý do chính đáng mà vì họ là những người nông dân lao động kiếm miếng cơm manh áo thường ngày, bỏ cày bỏ cấy lấy gì ma nuôi gia đình. Chi tiết thứ ba là vua mời mà không đi thì thôi tại sao họ bắt bớ các giết sứ giả của vua đem thiệp mời đến, phi lý quá? Chi tiết cuối cùng, khi những khách được mời không tới, nhà vua bảo đầy tớ ra ngoài đường mời hết mọi người bất luận giàu nghèo, tốt xấu, người lang thang và cả kẻ ăn xin vào tiệc cưới. Đương nhiên, những người này làm gì có áo đẹp, mà hơn nữa bất thình lình thì lấy gì có y phục lễ cưới mặc kịp, thế thì tại sao vua phạt anh không mặc y phục lễ cưới, nghịch lý nhỉ?

Chúa Giêsu kể dụ ngôn này nghe thì nghịch lý đó nhưng quy chiếu về lịch sử ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người đúng y như vậy. Cụ thể, ông vua trong dụ ngôn, Chúa Giêsu muốn nói đến dung mạo Thiên Chúa yêu thương con người tha thiết đến cỡ nào, 5 lần 7 lượt mời con người hiệp thông với Ngài, vào Nước của Ngài mà hưởng hạnh phúc vui vẻ đời đời, ấy vậy, con người một mực chối từ.

Vâng, Thiên Chúa mở tiệc cưới cho Con của Ngài là Chúa Giêsu, nhưng cưới ai? Cưới cả nhân loại. Sách Sáng Thế kể “Người đàn ông sẽ bỏ cha mẹ mình mà luyến ái với vợ mình và cả hai nên một thân xác” (St 2,24). Còn Chúa Giêsu đã lìa bỏ Cha của mình trên trời cao để kết hợp với nhân loại nên một thân xác. Với đám cưới này, Thiên Chúa mời cả dân Do thái trước hết đến dự tiệc cưới, nhưng họ chối từ. Thiên Chúa sai ngôn sứ đến, họ cũng chối từ, rồi giết chết. Cuối cùng vị vua đó nổi cơn thịnh nộ chu triệt thành phố của họ. Matthêu có ý nói đên biến cố năm 70 năm khi đế quốc Rôma đem quân sang xâm chiếm thành Giêrusalem đã phá huỷ không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Từ đó, Dân Do thái trở thành một dân tộc không có quê hương suốt 19 thế kỷ.

Sau đó, Thiên Chúa sai các ngôn sứ đi ra mọi ngã đường của thế giới không còn trong nước Palestina nữa mà đến với các nước Ai Cập, Nước Iran, Iraq... trong đó có Việt nam để mời tất cả nhân loại vào dự tiệc cưới. Giờ đây, Bàn tiệc cưới của Giáo Hội là bàn tiệc Thánh Thể, được Chúa Ki-tô khai mạc với các Tông Đồ trong bữa tiệc ly (Mt 26, 26- 29) và luôn được tái diễn từ ngày Hiện Xuống trong Giáo Hội sơ khai (Cv 2, 42) cũng như trong các cộng đoàn Kitô hữu mới (1Cr 11, 23- 29) cho tới hôm nay, cụ thể giờ này chúng ta đang cử hành tiệc cưới Con Chiên đây. Như vậy, để xứng đáng tham dự bàn tiệc Thánh Thể này, phải mặc áo cưới, áo cưới đó là chiếc áo trắng chúng ta mặc ngày chịu phép rửa tội, khi linh mục trao chiếc áo trắng và nói: Con đã trở nên tạo vật mới và đã mặc lấy Chúa Kitô. Chiếc áo này là dấu chỉ tước vị của con, con hãy mang và giữ nó tinh tuyền mãi cho đến cõi trường sinh. Như vậy, chiếc áo cưới đây chính là tước vị của chúng ta, tước vị đó là gì? Là chức tước và danh vị. Chức tước của chúng ta là vương đế, tư tế và ngôn sứ, còn danh vị của chúng ta là danh Kitô, cho nên người rửa tội trong đạo Công giáo gọi là Kitô hữu. Vì vậy, Lời Chúa trong bài đọc 2, Thánh Phaolô nói: Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được. Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả. Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết để tôn vinh Danh Chúa đến muôn đời.

Vì thế để cho tước vị của chúng ta được tinh tuyền và giữ mãi, Chúa Giêsu hôm nay đòi hỏi tất cả chúng ta  mặc y phục lễ cưới mãi trong đời mọi nơi mọi lúc. Mặc áo cưới đây chính là bỏ con người củ mặc lấy Chúa Kitô, có nghĩa là lấy Lời Chúa làm lẽ sống, tức phải sống Phúc Âm hóa chính bản thân trong mọi hoàn cảnh. Cởi bỏ con người cũ thật khó lắm, vì chưng tính xác thịt đã ăn sâu vào trong con người bây giờ tháo bỏ thì thiệt thòi lắm, uổn lắm... Chẳng hạn, ngày Chúa Nhật, ngày ăn nên làm ra, giờ bỏ buôn bỏ bán một giờ đi lễ là không được, mất khách, thất thu không được. Hay là thời buổi này xã hội ai cũng gian xảo mánh lới, lọc lừa là chuyện bình thường, còn Chúa bảo chúng ta phải thật thà và trong sạch, sao khó quá vì người đời lọc lọc, lương lẹo lại lên lương, còn mình thật thật thì thua thiệt! Rồi, thời buổi này ngoài đời ngươi ta cho trai gái yêu nhau thoả mái, muốn cưới nhau thì phải sống chung trước, để con rồi mới cưới vì cưới về vô sinh thì toi đời trai sao, cho nên người Công giáo bắt phải giữ mình đồng trinh khó quá, không theo nỗi! Như vậy, nếu chúng ta không cỡi bỏ áo cũ, không sống theo Tin Mừng của Chúa cho dẫu chúng ta có ở giữa lòng Giáo hội, thì chúng ta vẫn chưa xứng đáng tiệc cưới của Chúa Giêsu vì không mặc áo cưới, không sống Lời Chúa và Hội Thánh dạy. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu kể anh chàng không mặc y phục vụ cưới sao? “Nhà vua liền bảo những người phục dịch: "Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng!”

Thánh Phaolô nói: “Bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô” (Gl 3,27). Mặc lấy Chúa Kitô cũng là mặc lấy tư tưởng, lời nói và hành động của Kitô có nghĩa rằng chúng ta phải hoán cải đời sống và sống Phúc Âm từ chính bản thân đến gia đình, Giáo xứ... để mỗi người trở nên thánh và thiện trước mặt Thiên Chúa và mọi người. Như thế, chúng ta mới được Thiên Chúa yêu thương mời gọi ta vào hưởng tiệc cưới hạnh phúc trên đời này và Nước Trời mai sau. Vì thế, trong Thánh lễ, trước khi hiệp lễ, Linh mục cầm chén Máu Thánh và Mình Thánh Chúa giơ cao và đọc: Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa. Vậy, mỗi lần chúng ta đến tham dự Thánh lễ là người có phúc vì được Chúa mời. Ước gì, qua Lời Chúa hôm nay và mọi Thánh lễ, xin cho mỗi người chúng ta biết giữ niềm hạnh phúc vô biên ấy từ bây giờ và cho đến khi vào dự tiệc cưới Nước Trời bằng việc sống Lời Chúa và Hội Thánh dạy một cách chân tình và triệt để hằng ngày qua từng lời nói, hành động, công ăn việc làm hay cách đối nhân xử thế của chúng ta trong gia đình và cuộc sống. Amen.

 

home Mục lục Lưu trữ