Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 51

Tổng truy cập: 1371138

TIẾN VÀO ÁNH SÁNG

Tiến vào ánh sáng

 

Thánh Phaolô nói “Bất cứ ai làm những điều đúng đắn (tốt đẹp), đều tiến vào ánh sáng”. Đến với ánh sáng là điều kiện để làm theo lẽ phải. Không phải người nào suy xét về chân lý mới đến được với ánh sáng, mà là những người làm theo lẽ phải. Hành trình ngắn nhất để đến được với ánh sáng là làm việc thiện. Nhưng trong thực hành, không phải lúc nào chúng ta cũng hành động như vậy.

Thông thường, điều mà chúng ta phải làm, đó là cố gắng được trạng thái an bình nội tâm, và rồi sau đó, mới tiến đến làm những hành động đem lại sư an bình. Chúng ta phải cố gắng đạt được trạng thái vui vẻ và biết ơn, và rồi sau đó mới đến làm những việc mang tính cách vui vẻ và biết ơn. Nhưng chúng ta thường làm ngược lại. Chúng ta thực hiện một hành vi đem lại sự an bình, để đạt được sự an bình nội tâm. Chúng ta làm những việc mang tính cách vui vẻ và biết ơn, để cảm nghiệm được niềm vui và sự biết ơn trong tâm hồn. Cũng theo cách đó, nếu chúng ta đang sống trong tối tăm, và làm những hành động tốt đẹp, thì rồi ánh sáng sẽ chiếu tỏa trên chúng ta. Câu chuyện có thật sau đây minh họa điều này thật rõ ràng.

Trong thành phố Látvi của Kovno, có một giáo sư sống tại đó. Mặc dù trong suốt cả cuộc đời, ông đều sống theo học thuyết bất khả tri, nhưng vị giáo sư này càng ngày càng bắt đầu cảm thấy bất an hơn, vì tình trạng bị bỏ bê, u buồn của nghĩa trang dành cho người Do thái trong thành phố. Bởi vì những người theo chủ nghĩa Phátxít đã hủy diệt người Do thái, và những người Xô-viết gây phiền hà cho họ, nên không một ai quan tâm chăm sóc các nấm mộ của họ. Vì thế, phát xuất từ tấm lòng tốt của mình, vị giáo sư này đã quyết định làm công việc đó.

Chúng ta không biết ông có ý thức rằng việc chăm sóc các ngôi mộ là một mitzvah, nghĩa là một nghĩa cử tốt đẹp hay không. Dù sao đi nữa, người đàn ông tốt bụng này cũng kiếm cho bằng được một cái xẻng, một cái liềm, và một cái kéo lớn, rồi bắt đầu công việc làm cho nghĩa trang xứng đáng với những người chôn cất tại đó. Lúc đầu, ông làm một mình, nhưng sau vài tuần, có những người Do thái khác tham gia vào công việc này với ông. Hầu hết những người này đều đã từng là người Do thái rất tuân thủ theo nguyên tắc, nhưng rồi họ trở thành những người sống theo học thuyết bất khả tri, giống như vị giáo sư đó. Cuối cùng, họ có đến 200 người, tất cả đều đang làm một công việc đúng đắn. Trong quá trình họ làm việc, một sự kiện đẹp đẽ đã xảy ra. Niềm tin Do thái của họ soi sáng trong tâm hồn họ. Về mặt thực hành, một lần nữa, tất cả những người này đều đã trở thành những người Do thái tuân thủ theo nguyên tắc đạo đức.

Bất cứ kẻ nào làm điều sai trái, thì đều căm ghét và tránh né ánh sáng. Nhưng những ai làm điều đúng đắn, thì yêu mến và đến với ánh sáng. Có bao nhiêu hành động của chúng ta được thực hiện trong ánh sáng? Có bao nhiêu hành động của chúng ta bộc lộ sự quan sát kỹ lưỡng đối với ánh sáng?

Chúng ta phải chấp nhận rằng có cảnh tối tăm trong cuộc sống và thế giới của chúng ta. Chúng ta phải nhận ra cảnh tối tăm đó, và học hỏi được cách sống trong tương quan với nó.Thật vô ích khi chúng ta chờ đợi cho cảnh tối tăm đó biến mất. Chúng ta vẫn mong muốn điều đó. Nhưng chúng ta phải chấp nhận rằng nó đang tồn tại ở đây, và sẽ luôn luôn ở đây.

Chúng ta không được gọi bóng tối là ánh sáng. Khi làm như vậy, chúng ta sẽ bị bóng tối đánh bẫy. Nhưng khi gọi nó là bóng tối, chúng ta có thể học hỏi được cách sống sao cho bóng tối không chế ngự được chúng ta. khi chấp nhận tất cả mọi sự, thì chúng ta sẽ không thể phân biệt được giữa ánh sáng và bóng tối.

Người nào nhận biết niềm vui và tình yêu của Thiên Chúa, thì không từ chối bóng tối, nhưng họ chọn lựa không sống trong bóng tối. Họ tin tưởng vào ánh sáng chiếu tỏa trong bóng tối, và nhận biết rằng chỉ một tia sáng nhỏ nhoi thôi, cũng đủ xua tan nhiều bóng tối. Và ánh sáng của Đức Kitô quá đỗi mạnh mẽ, đến nỗi không một bóng tối nào có thể áp đảo được. Nếu chúng ta làm việc thiện, thì ánh sáng sẽ chiếu tỏa trên chúng ta.

 

 

 

 

 

53. Lòng Chúa thương xót chúng ta

(Suy niệm của Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

 

DẪN NHẬP.

Chúa nhật 4 mùa chay có thể được gọi là Chúa nhật mầu hồng vì Giáo hội hé mở cho chúng ta những lý do khiến chúng ta vui mừng. Phụng vụ mời gọi chúng ta hãy vui lên: “Anh em hãy vui lên với thành Giêrusalem, anh chị em là những người đang mang tang chế”. Phụng vụ khuyến khích chúng ta hãy vui lên, chúng ta muốn vui lắm, nhưng nhiều khi không vui được vì còn gặp nhiều nỗi buồn phiền lo lắng, kể cả thất vọng nữa. Thực ra chẳng bao giờ chúng ta hết lo, hết khổ dưới hình thức này hay hình thức khác. Nhưng làm sao vui lên được?

Thì đây, thánh Gioan đã đưa ra lý do căn bản về niềm vui: Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Ngài yêu thương chúng ta tới mức độ sai Con Một Ngài xuống thế cứu vớt nhân loại. Vậy muốn tham dự ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô, còn cần phải tin vào Ngài! Đức tin thật cần thiết vì: “Ai tin thì sẽ được sống đời đời” (Ga 3,16).

TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

+ Bài đọc 1: 2 Sb 36,14-16.19-23.

Tác giả sách Biên niên điểm lại những giai đoạn lịch sử dân Israel trước, trong và cuối thời lưu đầy. Nếu Thiên Chúa ngoảnh mặt đi mà cho quân đội Babylon đến phá hủy đền thờ Giêrusalem và bắt dân ưu tuyển đi lưu đầy, chính là dân đã phản bội, đã bỏ Ngài trước. Dân Israel bị phạt vì tội bất trung, nhưng lại được tha thứ vì biết sám hối. Qua các biến cố trong lịch sử của họ, tác giả luôn tìm được những lý do để trông cậy, mà một trong những lý do quan trọng là Chúa trung thành bởi vì chính Ngài là Tình Thương.

+ Bài đọc 2: Ep 2,4-10.

Thánh Phaolô nhắc lại cho tín hữu Êphêsô biết là mọi người được cứu độ nhờ ân sủng khi Ngài nói: “Chính là bởi ân sủng mà chúng ta đượcï cứu độ nhờ đức tin”. Chúng ta được cứu độ nhờ ân sủng miễn là có lòng tin. Đó là giáo thuyết thánh Phaolô dạy chúng ta về ơn cứu độ “nhưng không” màThiên Chúa ban cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô. Ơn cứu độ được ban “nhưng không” chứ không do một điều gì trong con người chúng ta có quyền đòi hỏi. Vì thế, thánh Phaolô xác quyết rằng: “Tất cả là hồng ân”.

+ Bài Tin mừng: Ga 3,14-21.

Ông Nicôđêmô là một người biệt phái đến gặp Đức Giêsu ban đêm. Đây là đoạn nối tiếp câu chuyện giữa Đức Giêsu và ông. Trong buổi nói chuyện này, ông được hiểu thêm về ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho loài người qua Đức Giêsu Kitô. Qua đó, ông biết được rằng tin vào Đức Kitô, chính là nhận biết Ngài là Đấng Chúa Cha sai đến, là người Con đã được Chúa Cha ban cho thế gian vì yêu thương, ngõ hầu thế gian được cứu độ.

Nói khác đi , là nhìn nhận ơn cứu độ con người đến từ trời cao, do mối liên hệ cha con, tùy thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa. Nhưng ta chỉ biết một sự thật như vậy khi “sống sự thật” ấy, khi thực sự dấn buớc vào một cuộc sống được soi sáng không ngừng bởi phận làm con.

Theo ý nghĩa đó, không tin vào Đức Kitô, đó là tự kết án chính mình, vì tự tách rời khỏi nguồn sống và tất nhiên đi vào con đường những việc làm xấu xa.

THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

Lòng Chúa yêu thương tha thứ

THIÊN CHÚA YÊU THƯƠNG VÀ THA THỨ.

1. Tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại.

Con người được Thiên Chúa yêu thương. Đây là một chân lý mà không ai chối cãi được. Chân lý gây xúc động sâu xa nhất mà Giáo hội rao giảng là chúng ta đã được Thiên Chúa yêu thương từ trước muôn đời. Kitô giáo được xây dựng trên một niềm xác tín rằng tình yêu Thiên Chúa đã hạ cố đến thế gian đau khổ bệnh tật qua con người Đức Kitô. Đối với mọi tín hữu, đây là lời cốt tủy của Tin mừng. Không có đoạn văn nào trong Kinh thánh nói rõ điều này hơn là lời Đức Giêsu nói với ông Nicôđêmô: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã sai Con Một Mình, ngõ hầu những ai tin vào Ngài sẽ không phải chết nhưng sẽ được sống đời đời” (Ga 3,15).

Thiên Chúa yêu thương từng người chúng ta cứ như là không còn ai khác để cho Ngài yêu thương. Ngài như người cha luôn mong muốn cùng gia đình đồng hành suốt cuộc đời, và không thể an lòng cho đến khi con cái đi đây đó, ai nấy đều an toàn trở về mái ấm gia đình.

2. Nhưng dân Chúa lại phản bội.

Bài đọc thứ nhất cho chúng ta biết dân Do thái đã bất tuân lề luật và phụ bạc đối với tình yêu Thiên Chúa như thế nào. Họ đã phá vỡ giao ước và kéo theo sự sụp đổ hoang tàn của đền thờ và thành thánh. Chúa đâu có muốn trách phạt họ, Ngài muốn cho họ sống trung thành với Ngài như con cái đối với người cha, nhưng họ cứ đi sâu vào đàng tội, bỏ Chúa mà đi theo tà thần dân ngoại, bất đắc dĩ Ngài phải phạt để cho họ tỉnh ngộ. Cho đến lúc mà Thiên Chúa không còn dung thứ được nữa, Ngài liền cho phép quân thù đến tấn công họ. Quân Babylon đến xâm chiếm đất nước của họ, giết chết hàng ngàn, hàng vạn người. Quân thù phá hủy thành thánh, đốt phá đền thờ và cưỡng ép dân còn sống sót đi lưu đầy bên Babylon.

3. Các tiên tri nhắc nhở dân chúng.

Tuy nhiên vừa khi họ bị sát phạt, thì các tiên tri của Chúa liền xuống giọng. Các tiên tri bảo họ: đó là hình phạt của Thiên Chúa yêu thương và nhân hậu. Nhiều tiên tri đã lên tiếng kêu gọi thống hối và sửa đổi cách sống, nhưng đã hoài công, chẳng ai màng tới. Chưa hết, ngay trong những giây phút đen tối nhất của cuộc lưu đầy, Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi dân Ngài nhưng tiếp tục kêu gọi họ quay về với lề luật, với Thiên Chúa.

Lịch sử dân Do thái thật là một kho lưu trữ nhắc nhở cho chúng ta hay biết những gì sẽ xẩy ra mỗi khi chúng ta phũ phàng từ chối tình yêu Thiên Chúa. Lịch sử ấy cũng đem lại cho chúng ta niềm an ủi rằng chúng ta phải đối diện với sự lựa chọn: đón nhận hay từ chối lòng nhân từ yêu thương của Thiên Chúa, chúng ta đã tự đặt mình vào một tình thế nguy hiểm là sống xa lìa với Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn kính trọng tự do cá nhân của chúng ta và sẽ không áp đặt ép uổng tình yêu của Ngài, đi ngược với những ước vọng chúng ta. Chúng ta có thể từ chối lòng thương yêu cũng như quà tặng tình nghĩa của Chúa. Chúng ta có thể quay lưng lại với tình yêu của Chúa mà ôm lấy bóng tối của tội lỗi và tự mình vĩnh viễn tách xa khỏi Ngài.

4. Dân hối cải, Chúa thứ tha.

Tuy vậy, Chúa không nỡ bỏ rơi dân Ngài. Chúa dùng vua của dân ngoại là Cyrô, vua Ba tư, để cứu thoát dân Ngài và đưa họ trở về quê cha đất tổ. Như vậy ta thấy những hình phạt của Chúa, không phải nhằm báo thù, trách phạt, mà là cách thế để luyện lọc, thanh tẩy và chữa trị họ, khiến họ trở nên tùy thuộc vào Chúa.

Trong bài Tin mừng hôm nay có nhắc đến chuyện con rắn đồng. Sau khi xuất Ai cập, bốn mươi năm ròng rã trong hoang địa, dân Israel gặp mọi thử thách. Họ oán trách Chúa đã để họ lầm than. Một lần cơn thịnh nộ của Chúa đã để cho rắn độc cắn chết nhiều người. Dân Chúa quá sức khiếp sợ. Họ nhìn nhận tội lỗi của mình, và Chúa đã đoái thương nỗi khốn khổ của họ. Ngài dạy ông Maisen hãy làm một con rắn bằng đồng, treo lên một cái sào để bất cứ ai bị rắn cắn, nếu nhìn lên con rắn đồng, sẽ được khỏi. Như vậy, khi con rắn đồng được giương lên, thì ngay chính lúc đó, lòng tha thứ của Thiên Chúa lại tỏa sáng và trao ban. Từ nay Thiên Chúa sẽ cứu sống dân, những kẻ đã từng oán trách Ngài.

TÌNH YÊU THIÊN CHÚA NƠI ĐỨC KITÔ.

1. Sự sóng đôi giữa Cựu ước và Tân ước.

Thiên Chúa yêu thương con người, nhưng con người không nhìn ra. Chính vì thế Thiên Chúa đã biểu lộ một cách cụ thể tình yêu của Ngài cho nhân loại nơi Đức Giêsu Kitô, Con yêu của Ngài, như lời thánh Gioan đã nói: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi ban chính Con Một Ngài, để tất cả những ai tin vào Con Ngài sẽ không phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16). và Ngài còn nói tiếp: “Thiên Chúa đã không sai Con Ngài đến để luận phạt mà là để cứu độ” (Ga 3,17).

Tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại qua Đức Kitô đã được ám chỉ trong Cựu ước. Ta có thể nói Cựu ước là hình ảnh của Tân ước. Cựu ước là hình ảnh, Tân ước là thực tại. Chính vì thế, ta thấy có sự sóng đôi giữa Cựu ước và Tân ước. Những nhân vật chính yếu và những biến cố then chốt trong Cựu ước đều là hình bóng của những nhân vật chính yếu và những biến cố then chốt trong Tân ước.

Chẳng hạn , họ chứng tỏ cho thấy Isaac, con trai tổ phụ Abraham là hình bóng của Đức Giêsu như thế nào:

. Isaac con trai độc nhất, Đức Giêsu cũng thế.

. Isaac được cha mình rất mực yêu dấu, Đức Giêsu cũng thế.

. Isaac bị dâng làm hy lễ, Đức Giêsu cũng thế.

. Isaac bị hiến tế trên một ngọn đồi, Đức Giêsu cũng thế.

. Isaac vác củi dùng vào việc hy tế, Đức Giêsu cũng thế.

Thánh Phaolô cũng so sánh tương tự như thế giữa Cựu ước và Tân ước. Chẳng hạn, trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, Ngài đã so sánh giữa Adong và Đức Giêsu. Ngài viết: “Con người đầu tiên là Adong, đã được dựng nên là một người sống động, nhưng Adong sau cùng (Đức Giêsu) là Thánh Linh ban sự sống… Adong thứ nhất được dựng nên bằng đất, từ đất mà sinh ra, còn Adong thứ hai (Đức Giêsu) từ trời mà sinh ra. Người thuộc về đất thế nào, thì những người thuộc về đất cũng thể ấy. Người thuộc về trời thế nào thì những kẻ thuộc về trời cũng thể ấy. Như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc về đất, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh của người thuộc về trời” (1 Cr 15,45-49) (Mark Link, Giảng lễ Chúa nhật, năm B, tr 88).

2. Thập giá, dấu tích của tình yêu.

Chính khi nhìn vào thập giá, chứng kiến hình ảnh Đức Kitô chịu khổ hình treo trên thập giá, thấm đẫm bao nhiêu là quyền lực của sự dữ nơi tội lỗi, chúng ta mới bắt đầu nhận ra tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta cao cả biết bao. Tất cả mọi độc ác hận thù ghen ghét bất công của cuộc đời đều đổ dồn vào cây khổ giá, sừng sững giữa trời và đất, trên ngọn đồi Calvê. Một trong những chi tiết đầy ngỡ ngàng nhất về cuộc thương khó và tử nạn của Đức Giêsu chính là Thập giá nay trở nên bằng chứng tột cùng cho tình yêu Thiên Chúa. Thập giá sừng sững trên đồi cao, xưa kia là dấu chỉ của tủi nhục, nay trở nên chiếc cầu ân sủng thần kỳ có sức chữa lành cả thế giới. Cây chết chóc nay trở nên cây sự sống, cây thất bại nay trở thành cây chiến thắng.

3. Truyện con rắn đồng.

Con rắn đồng là biểu trưng cho Đức Giêsu bị treo trên thánh giá. Sách Dân số 21,4-9 kể rằng: Dân Do thái đi từ núi Horeb về phía Biển đỏ đi vòng quanh xứ Eđom. Quãng đường dài này đã làm cho dân chúng kêu trách Đức Chúa và ông Maisen: “Tại sao đem chúng tôi ra khỏi Ai cập để rồi cho chúng tôi chết trong rừng? Không có bánh, không có nước, chúng tôi đã chán món ăn khốn nạn này lắm rồi”. Bấy giờ Đức Chúa cho một thứ rắn lửa từ trong rừng bò ra cắn dân chúng, nhiều người phải chết.

Dân chúng chạy đến ông Maisen, thưa với ông: “Chúng tôi đã phạm tội, vì chúng tôi đã nói phạm đến Đức Giavê và đến ông, xin ông cầu với Đức Giavê cho chúng tôi để Ngài đuổi lũ rắn này xa khỏi chúng tôi đi”. Ông Maisen cầu cho dân. Chúa bảo Maisen: “Hãy làm một con rắn và treo trên ngọn sào, hễ ai bị rắn cắn mà nhìn vào đó thì được sống”. Maisen làm một con rắn đồng và treo lên ngọn sào. Hễ ai bị rắn cắn nhìn vào rắn đó đều được khỏi.

Rắn lửa nói đây không phải nó đỏ như lửa, nhưng vết thương nó gây ra cho người ta rát như bỏng lửa. Tại miền nam xứ Palestine có rất nhiều thứ rắn và rắn có nọc.

Không phải tự con rắn treo lên có sức chữa người ta, nhưng cái sức chữa đó do Đấng truyền lệnh đã ban cho.

Sau này, những con rắn đồng đã trở thành vật dị đoan cho dân Do thái: Họ đốt hương trước rắn đồng. Vì thế, trong cuộc cách mạng tôn giáo Ezechias truyền đập nát con rắn đồng (4 Sb 18,4).

Việc treo rắn đồng là tượng trưng cho việc Chúa chịu treo sau này. Ai tin vào Chúa chịu treo trên Thánh giá sẽ được cứu rỗi (Trần văn Khả, Phúc âm Chúa nhật, năm B, tr270).

HÃY TIN NHẬN ĐỨC GIÊSU LÀ CỨU CHÚA.

1. Ngài đã cứu chuộc bằng máu Ngài.

Thiên Chúa có thể cứu chuộc nhân loại bằng bất cứ cách nào nhưng Ngài lại muốn Con của Ngài phải đổ máu ra trên thập giá để cứu chuộc. Máu ấy có thể rửa sạch mọi tội lỗi của nhân loại, làm linh hồn con người được trở nên trong trắng, xứng đáng được làm con Chúa và làm đền thờ của Ngài. Chúng ta không thể hiểu được việc này vì đây là một mầu nhiệm lớn, mầu nhiệm “Ngôi hai cứu chuộc”. Vì thế, suy niệm về ơn cứu độ này, thánh Phaolôâ trong thư gửi cho tín hữu Do thái đã khẳng định: “Không có đổ máu ra thì không có ơn tha thứ” (Dt 9,22).

Truyện: máu của Telmachus.

Ngày đại hội năm 444 sau kỷ nguyên, làn sóng người từ khắp nơi kéo về Rôma. Rôma tưng bừng với vẻ của một ngày hội.

Hoàng đế Honorius cho tổ chức các trận giác đấu mừng ngày giải phóng dân Goths. Giữa đám đông lũ lượt đi đi lại lại, một ông già trong bộ y phục đơn giản của một vị tu trì Đông phương trầm lặng bước đi. Tên ông là Telmachus. Nhà tu trì này chỉ chăm lo chuyên khảo Thánh kinh và cầu nguyện. Cái trò chơi đẫm máu bỉ ổi này đã chấm dứt ở miền Đông nơi phát xuất ra ông. Nhưng nó vẫn còn đang tiếp diễn ở Rôma, đất nghìn năm muôn thuở, mặc dầu đã có ba vị hoàng đế tìm cách chấm dứt. Telmachus đăm chiêu, vì ông đang suy nghĩ phải làm gì để chấm dứt trò chơi này.

Những tay giác đấu gồm đủ mọi hạng người: có khi là những phạm nhân đã bị án tử, có khi là Kitô hữu, thường hơn là tù binh, đôi khi có người vì tham tiền, ham danh tình nguyện…

Trận đấu đầu tiên ghi lại trong lịch sử diễn ra năm 264 trước kỷ nguyên với 3 cặp đấu. Con số mỗi ngày một tăng. Quốc hội phải hạn chế chỉ cho Julius Cesar được có 320 cặp để chiến đấu trong một trận. Dưới triều Augustô, có lúc tới 10.000 tham dự trận đấu.

Hôm nay ngày tổ chức giác đấu, 85.000 chỗ ngồi trong đại thao trường Colosseum chật ních không còn chỗ trống.

Cái ung nhọt này không còn cơ cứu chữa. Nhân vật duy nhất đã dám lên tiếng chỉ trích là nhà hiền triết Sénèque. Ngoài ra còn có 3 vị hoàng đế chống lại trò chơi này, nhưng không dám thi hành vì sợ sự phản ứng mạnh phía quần chúng.

Đến giờ, những tay giác đấu xếp thành hàng dài chậm chạp diễn quanh đấu trường. Tới chân khán đài danh dự, chỗ vua ngồi, họ la to: kẻ hạ thần là những người sắp chết xin kính chào bệ hạ.

Khán giả quanh đấu trường chọn tay giác đấu nào họ ưa thích rồi la hét kích thích họ xung trận.

Khi hai tay giác đấu đang sát phạt đến hồi gây cấn nhất, bỗng một người ăn mặc đơn giản xông vào giữa hai đấu thủ gạt họ ra. Đám đông khán giả giận dữ la hét vang dội. Một số bực tức quá chạy ra tận đấu trường xé ông ra hàng trăm mảnh vì làm cho họ cụt hứng. Con người đó chính là Telmachus.

Kinh hoàng trước sự việc xẩy ra, Honorius chính thức tuyên bố bãi bỏ trò chơi bỉ ổi đã giết hại không biết bao nhiêu sinh linh ở Rôma cũng như ở các nơi khác.

Kể từ đó lịch sử không còn nói những trận đấu gươm tại Rôma nữa.

Không đổ máu không có ơn cứu rỗi.

Nhờ dòng máu Telmachus làm tắt dòng máu nhiều kẻ khác (Op, cit, tr 271-273).

2. Ai tin thì sẽ được sống.

Thánh Gioan nói: “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Ngài, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Ngài, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Ga 3,20). Tin đối với Gioan là nhìn nhận Đức Giêsu là Con và là sứ giả của Chúa Cha, là đến với Đức Giêsu và gặp Ngài, là biết Ngài và cùng với Ngài biết Chúa Cha. Đức tin còn là hồng ân và một sự lôi cuốn của Chúa Cha.

Người tin bước vào một cuộc sống mới. Đó là được thông phần sự sống của Thiên Chúa, là một ân huệ Đấng Messia mang lại. Tin là từ bỏ bóng tối của tội lỗi, của gian tà, của ma quỷ. Phải, chính trong đêm tối của tối tăm mà con người nhận ra tình thương của Thiên Chúa, miễn là đừng khép kín lòng lại: “Sự sáng đã đến trong thế gian, mà người ta đã yêu mến tối tăm hơn sự sáng, vì việc làm họ đều xấu” (Ga 3,19). Hãy tin vào Đức Giêsu thì sẽ được tha thứ và được hưởng nhờ ơn cứu độ,

Truyện: Tượng Thánh giá ban phép lành.

Tại một nhà thờ bên Tây ban nha có một tượng Thánh giá rất đặc biệt: Chúa Giêsu chỉ chịu đóng đinh có một tay trái và hai chân, tay phải rời khỏi lỗ đinh và đưa ra phía trước trong tư thế như đang ban phép lành.

Chuyện kể rằng: một lần, tại nhà thờ này có một tội nhân đến xưng tội. Đối với một tội nhân có quá nhiều tội nặng như anh ta, vị Linh mục rất nghiêm khắc và ngăm đe nhiều điều. Nhưng chứng nào vẫn tật đó, ra khỏi toà giải tội ít lâu, hối nhân lại tiếp tục sa ngã. Rất nhiều lần như thế. Cuối cùng, vị linh mục đành răn đe: “Tôi không muốn anh vấp lại những tội như thế nữa. Đây là lần cuối cùng tôi tha tội cho anh”. Hối nhân ra khỏi toà giải tội mà lòng trĩu nặng và đau khổ.

Được vài tháng sau, anh ta lại đến xưng tội, và xưng cũng cùng những tội nặng y như những lần trước. Vị linh mục dứt khoát: “Anh đừng có đùa với Chúa. Tôi không tha”. Thật lạ lùng. Ngay lập tức, vị linh mục cùng hối nhân đều nghe có tiếng thì thầm phía bên trên. Từ cây Thánh giá, bàn tay phải của Chúa Giêsu được rút ra khỏi lỗ đinh và ban phép lành cho hối nhân. Vị linh mục nghe được tiếng thì thầm ấy nói với chính mình: “Ta là người đổ máu ra cho người này chứ không phải con”.

Kể từ đó, bàn tay phải của Chúa Giêsu không gắn vào thánh giá nữa, nhưng vẫn giữ tư thế đang ban phép lành, như không ngừng mời gọi: “Hãy trở về với Ta, các ngươi sẽ được tha thứ”.

Thiên Chúa đã không dạy bài học tha thứ suông, nhưng đã dạy bài học tha thứ bằng chính mạng sống của Con yêu dấu Ngài là Đức Giêsu. Nếu ngày xưa, con rắn đồng trong sa mạc được giương lên, thì hôm nay chính Chúa Giêsu được giương lên. Mãi mãi chúng ta biết ơn Chúa Giêsu và khắc sâu lời Ngài: “Như Maisen đã giương cao con rắn ở sa mạc thế nào, Con Người cũng sẽ giương cao như vậy”.

 

 

 

 

 

54. Ánh sáng và bóng tối

(Suy niệm của Lm Nguyễn Khoa Toàn)

 

Những ngày này quanh quẩn bên người mẹ đang thoi thóp thở những làn hơi cuối ở quê nhà, thỉnh thoảng mẹ lại thều thào nói đang đến được một vùng tràn đầy ánh sáng có rất nhiều thiên thần bay lượn vây quanh. Rồi khi cắn chặt răng quằn quại với cơn đau điến người thịt xác, mẹ mê sảng la lên qủy ma đang chực chờ ẩn hiện đưa mẹ đến một nơi xa thật xa vô cùng tăm tối.

Tìm đọc một vài tin tức địa phương để ‘thư giản’ vãn thời gian, điều đầu tiên đập ngay vào mắt là chuyện dài… cúp điện! Người dân ở đây cơ hồ như quen với lúc tối lúc sáng lúc có lúc không đã từ lâu nên chẳng mấy ai thở than. Mà giả như có muốn thì cũng chẳng biết nơi đâu mà trút tiếng thở dài!!!

Có ai đó nói rằng bất hạnh của người này là hạnh phúc của người kia. Điều này thật vô cùng đúng mỗi khi điện cúp vì đây là cơ hội bằng vàng cho những tay đạo chích. Thời tiết oi bức khó chịu nên sau một ngày dài làm việc khi vừa bước vào nhà mà điện đóm lại không có, việc đầu tiên là mở tung mọi cửa sổ rồi tắm một cái cho đã đời. Bọn trộm chuyên nghiệp chỉ chờ có thế! Dùng những cần dài với móc câu trét đầy ‘keo dính chuột’ cực mạnh, chúng câu bất cứ cái gì mà khổ chủ vô ý bỏ quên!

Đau đớn hơn, họ còn là nạn nhân của những tên trộm ngày thời đại -những cái gọi là ‘đầy tớ nhân dân’: đám quan lại tham ô hủ hóa dùng đủ mọi thủ đoạn tinh vi đến man rợ rợn người đục khoét công qủy nhởn nhơ vênh vang sống ung thối trên mồ hôi nước mắt của chính đồng bào máu thịt -những người dân tội nghiệp ba miền hiền lành khốn khổ ngụp lặn miệt mài lây lất sống cháo buổi mai khoai buổi chiều. Ngày cũng như đêm! Bóng tối đương nhiên đồng nghĩa với xấu xa nhưng ngay cả ánh sáng cũng đã chưa dọi chiếu hết bình minh công chính cho phần đất quá cơ khổ này. Lo toan đè nén ban ngày rồi trăn trở sợ sệt lo âu khi hoàng hôn vừa buông xuống. Thương ôi! “Người chết hai lần…”

Khi xã hội chỉ biết đắm chìm vào việc phát triển kinh tế và con người chỉ mãi lặn lội giữa những sóng đời vật chất, tình nhân loại và nghĩa đồng bào đã không còn nữa. Và khi mọi trọng tâm chỉ chuyên chú vào chỉ tiêu báo cáo, khi giá trị con người chỉ được nhìn qua lăng kính thành tích thi công, tôn giáo và luân lý khó có thể nẩy hạt gieo mầm. Như Dorothy Thompson viết: “Khi Thiên Chúa ra đi, tất cả sẽ ra đi”. Hoặc như George Washington phát biểu trong bài diễn văn từ biệt: “Luân lý sẽ chẳng có thể trường tồn nếu không có đức tin và tôn giáo.”

Thiên Chúa không thể ra đi khi mỗi chúng ta luôn tin vào Con Một Chúa. Nhưng tin vào Con Một Chúa không phải giản đơn chỉ tin những gì đã xảy ra bên này và bên kia bờ sông Babylon hơn hai ngàn năm trước rồi lãng quên hoặc sống cùng sống với thực tế chung quanh. Tin vào Con Một Chúa là phải sống như Con Một Chúa.

Sống như Con Một Chúa là phải luôn “yêu sự sáng” và “đến cùng sự sáng” bằng “hành động trong sự thật”. Ở đây, sự thật đã thật khó tìm mỗi khi hoàng hôn xuống. Và cũng chẳng dễ tìm khi bình minh vừa ửng hiện chân trời. Tự dưng muốn ngồi bên một bờ sông vắng, treo cây đàn, khóc thương về một chốn củ nơi xưa!

 

 

 

 

 

55. Dĩ độc trị độc – Lm. Giuse Đỗ Vân Lực

 

Con rắn đã bò vào lịch sử nhân loại, để lại những dấu vết không đẹp. Nhưng có một con rắn tượng trưng cho uy quyền cứu độ, chứ không đẩy xô con người xuống hố diệt vong. Đó là con rắn đồng trong sa mạc. “Ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc” (Ga 3:14) để “tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống.” (Ds 21:9) Con rắn đã mang một bộ mặt mới kể từ ngày Thiên Chúa tìm cách cứu con người khỏi hố diệt vong.

TÌNH YÊU BA CHIỀU

Trên cây thập giá, Đức Giêsu đã thiết lập được một tương quan ba chiều với Chúa Cha, con người và vũ trụ. Người đã phải trả một giá rất đắt. Nếu Thiên Chúa đã không thương yêu thế gian tột độ, không bao giờ có cuộc hi sinh lớn lao đó. Đức Giêsu xứng đáng là một vị thẩm phán tối cao, có quyền xét xử muôn dân. Nhưng Người đã không đến với tư cách đó. “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ.” (Ga 3:17) Sự công chính đã mang bộ mặt tình yêu. Chính vì tình yêu đó, Đức Giêsu đã phải hi sinh tới giọt máu cuối cùng trên thập giá. Đó là giá rất đắt. Con Thiên Chúa đã phải trả cho chúng ta.

“Như ông Môsê giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3:15). Như vậy cuộc hi sinh lớn lao đó nhằm lập tương quan thân ái với nhân loại và vạch ra con đường đi tới hạnh phúc vĩnh cửu. Con đường đó là tin vào tình yêu Thiên Chúa nơi Con Người chịu treo trên thập giá. Đó là con đường dẫn ta thoát vòng tử thần, tới nguồn sống thật. Chính Đức Giêsu quả quyết: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3:16)

Thập giá trở thành trung tâm trong chương trình giải thoát của Thiên Chúa (Faley 1994: 262). Ngước mắt nhìn lên thập giá, chính là hướng về nguồn ơn cứu độ. Bởi vì chính trên cây thập giá Đức Giêsu đã mạc khải tất cả sự thật về bản tính mình. “Khi các ông giương Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu” (Ga 8:28). Đức Giêsu chính là Đức Chúa và nguồn sống cho vạn vật và con người. Không tin vào chân lý đó tức là tự lên án chính mình. “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.” (Ga 3:17) Chính cây thập giá sẽ phân nhân loại làm hai hạng người tin và không tin. Thập giá không phải là dấu chỉ của án phạt. Nhưng không tin cái chết của Đức Giêsu có sức mạnh cứu độ mới dẫn tới hư vong. “Đức Giêsu là cơ hội chứ không phải là nguyên nhân” (Fahey 1994:263) của việc phán xét. Cây thập giá là một biểu tượng cho mọi người thấy tình yêu Thiên Chúa mãnh liệt tới mức nào.

Như vậy cây thập giá đã chứng tỏ tình yêu riêng của Đức Giêsu (Ga 13:1) và cả tình yêu Thiên Chúa Cha đối với nhân loại. Tình yêu là động lực chi phối toàn bộ sứ mạng Đức Giêsu dưới thế. Tình yêu trở thành hồng ân vĩ đại, vượt quá tầm hiểu biết. Quả thực, “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ” (Ep 2:4-5). Trong nguồn ân sủng đó, chúng ta trở thành “con cái ánh sáng” (Ep 5:8). Bởi vì chính Đức Giêsu là “ánh sáng đã đến thế gian.” (Ga 3:19) Không phải ai cũng đón nhận được hồng ân cao cả đó. Thực tế, “người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa.” (Ga 3:19) Chính việc làm đã tạo thành một bản án đeo vào cổ họ. Số phận thật tang thương! Định mệnh thật khốc liệt!

Nhưng trong quá khứ, ngay lúc bi tuyệt vọng nhất, dân Chúa đã thực hiện trọn vẹn giấc mơ. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể tạo nổi lịch sử! Thực vậy, “để lời Đức Chúa phán qua miệng ngôn sứ Giêrêmia được hoàn toàn ứng nghiệm, Đức Chúa tác động trên tâm trí Kyrô, vua Ba tư” (Sb 36:22), để vua “ra lệnh phục hồi Giuđa, hồi hương dân cư và tái thiết đền thờ” (Fahey 1994:261). Bởi đó tin vào Thiên Chúa không bao giờ tuyệt vọng. Thiên Chúa luôn có sẵn những giải pháp tốt đẹp nhất.

TRỜI BỪNG SÁNG

Thiên Chúa chính là nguồn hi vọng cho những ai tin tưởng tuyệt đối nơi Người. Nói khác, niềm tin và hi vọng luôn đi song đôi. Tin là con đường dẫn tới sự sống. Đức Giêsu đã củng cố tinh thần những ai run sợ trước thần chết: “Ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16). Đức tin vô cùng quan yếu cho con người. Theo Martin Luther, “đức tin là một thực tại sống và bởi thế gồm những nhân đức thương yêu và hi vọng, kinh nghiệm sống hiệp nhất với Thiên Chúa, và khát vọng sống kết hiệp với Chúa tới muôn đời” (Cook 1995:512). Chính vì thế, không tin, cuộc sống trở thành trống rỗng và vô vị.

Khi tin, con người sẽ thấy mình vươn tới đỉnh cao của tình yêu Thiên Chúa. Vì chính Thiên Chúa đã giải thoát chúng ta không những khỏi ách nô lệ tội lỗi, nhưng còn khiến chúng ta tự do yêu thương nhau và bởi đó đem ánh sáng Thiên Chúa chiếu soi trần gian (Disciples in Mission, Homily Guide, Lent Cycle B 1999:19). Từ tình yêu tới tình yêu. Từ ánh sáng tới ánh sáng. Sống trong tình yêu là đi trong ánh sáng. Đức Giêsu muốn chúng ta là “ánh sáng cho trần gian” (Mt 5:14). Nguồn cung cấp ánh sáng chính là tình yêu, một tình yêu phải được sự thật giải thoát. Đó là lý do tại sao Chúa nói “kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng” (Ga 3:21). Đi trong tăm tối trần gian hay sống dựa trên sự lừa đảo, gian dối, không thể tìm được nguồn sống và nguồn sáng đích thực. Do đó cuộc đời mãi mãi là nô lệ.

Muốn thoát khỏi cảnh nô lệ lầm than đó, phải “tin tưởng và xác tín rằng chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể cứu chúng ta. Tin là phó thác những chương trình hiện tại và vận mệnh đời đời nơi Đức Kitô. Tin là vừa xác tín lời Chúa có thể thực hiện và cậy dựa vào quyền năng biến đổi của Người” (Life Application Study Bible 1991:1878). Một khi xác tín như thế, chúng ta sẽ thay đổi toàn bộ, từ não trạng đến cái nhìn và nếp sống. Từ nay không còn gì xảy ra ngoài chương trình đầy tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Đức tin giúp ta “bắt đầu lượng định tất cả sự việc xảy ra theo nhãn quan vĩnh cửu” (Life Application Study Bible 1991:1878).

Hơn nữa, tin tưởng còn có nghĩa là “làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa toàn thắng trên quyền lực sự dữ trong chúng ta và trên thế giới” (Disciples in Mission, Homily Guide, Lent Cycle B 1999:19). Niềm tin không bao giờ bất động hay tiêu cực, nhưng luôn thúc đẩy con người đi tới tha nhân và hi sinh bản thân để lôi kéo mọi người vào cuộc sống hạnh phúc và đầy yêu thương của Thiên Chúa. Không có niềm tin ấy, người ta chỉ tìm cách hi sinh tha nhân cho những mục tiêu trần tục. Đó là điều những người vô thần đã làm. Đứng trước đài kỉ niệm Holocaust ở Giêrusalem, tưởng nhớ hằng triệu nạn nhân vô tội của chũ nghĩa Nazis, ĐGH Gioan Phaolô II nói: “Chỉ có chủ thuyết không có Thiên Chúa (vô thần) mới có thể tính kế và thực thi sự tiêu diệt toàn bộ khối người như vậy” (VietCatholic 23/3/2000). Những hành động cuồng điên đó không những phát xuất từ niềm tin vô thần, nhưng còn là kết quả của những thất vọng lớn lao. Từ thất vọng đến tuyệt vọng.

Nhưng “ngay trong những giờ tuyệt vọng, không phải mọi ánh sáng đều đã tắt hết đâu” (Gioan Phaolô II, VietCatholic 23/3/2000). Lý do vì ngay lúc khốn cùng và nguy hiểm nhất, người tín hữu vẫn có thể thưa với Chúa: “Con đây vẫn tin tưởng nơi Ngài, lạy Chúa, con dám thưa rằng: Ngài là Thượng Đế của con” (Tv 30:15). Nói lên được điều đó thật là can đảm. Ngày nay vẫn còn rất nhiều tâm hồn can đảm như thế nơi những Kitô hữu trên quê hương Việt Nam.

 

 

 

 

 

56. Cho là cõi phúc – Lm Vũ Đình Tường

 

Cuộc đời chúng ta vừa học cho vừa học nhận. Nhận để làm giầu và đồng thời cũng là nhận để cho. Nếu chỉ cho mà không nhận hẳn nguồn cho sẽ cạn dần, cuối cùng không còn bao nhiêu để cho. Vì thế cần phải vừa cho vừa nhận. Nói về của cải vật chất trần thế là thế. Tuy nhiên lí luận hợp lí này không đúng với tình yêu, tình thương và lòng mến con người dành cho nhau. Tình yêu, lòng mến, tình người, con người dành cho nhau không bao giờ cạn. Trái ngược hẳn với của cải vật chất trần thế. Trong tình yêu càng cho đi nhiều chừng nào thì nguồn tình yêu càng triển nở chừng đó. Nguồn tình yêu sung mãn đến độ không bao giờ cạn. Nguồn tình yêu khô cạn, héo hắt là nguồn tình yêu tích trữ. Càng tích trữ nguồn tình yêu càng khô cạn. Tựa như giếng nước trong. Một khi không múc nước, nước giếng vẫn không dâng cao hơn, vẫn không tràn đầy trái lại nước giếng trở nên hôi, bẩn, chứa nhiều vi khuẩn trở thành nước giếng tù hãm, ô nhiễm, độc hại. Trái lại nước giếng trong sáng nhờ có người múc nước hàng ngày. Múc cạn hôm sau nước lại tràn đầy. Cứ thế nước giếng đủ nước cung cấp cho cả làng. Mọi người được tươi mát nhờ nước giếng được múc cạn mỗi ngày.

Tình yêu tích trữ chính là tình yêu tù hãm, loại tình yêu ô nhiễm này độc hại vì nó chỉ biết yêu những gì thuộc về nó mà loại bỏ tình yêu không thuộc về nó. Loại bỏ tình yêu khác chỉ là bước đầu. Bước tiếp theo của loại bỏ chính là tàn phá, giết chết các tình yêu không thuộc về nó. Nguồn gốc của độc tài phát sinh, thúc đẩy bởi loại tình yêu loại bỏ. Những gì không thuộc về nó thì không thể tồn tại. Nếu tồn tại nó không sống yên ổn nên cần loại trừ, triệt tiêu. Nói cách khác tình yêu tích trữ là tình yêu ích kỉ. Bản tính ích kỉ là luôn lo thu quén, gom góp cho chính nó và yêu quí những gì thuộc về nó. Yêu chính nó trên hết mọi sự nên nguồn tình yêu nào không thoả mãn tính ích kỉ đều bị loại trừ.

Trong tình yêu, cho đi chính là làm cho tình yêu triển nở, làm giầu tình yêu bằng cách cho đi. Đây không phải là phí phạm mà chính là tạo cơ hội thuận tiện cho tình yêu nở hoa, kết trái. Hoa trái của tình yêu không thành tựu nơi người cho hay nguồn tình yêu xuất phát. Hoa trái tình yêu thành tựu nơi người lãnh nhận, nơi nguồn tình yêu được trao đến. Dâng hiến, cho đi làm giầu cho tình yêu, tạo cơ hội cho tình yêu đơm hoa, kết trái.Theo nghĩa này trao tặng tình yêu chính là cho sự sống, đổi mới, làm cho tốt hơn. Đây chính là ý nghĩa câu Kinh Thánh,

Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi ban cho Con Một Ngài, để những ai tin vào Người Con sẽ không phải chết nhưng nhận được sự sống trường sinh (Gioan 3,16).

Cho đi những gì dư thừa, không thích, dù vẫn còn tốt, vẫn mang lại lợi ích cho người nhưng có khác chi nhờ người dọn rác dùm. Cho như thế không phải là cho một cách chân thành. Cho đi điều mình yêu quí, ưa thích, ấp ủ thật lòng như thế mới thật sự là cho đi. Ngoài ra đều không phải là chân thành. Dâng hiến tình yêu một cách tự nguyện, không điều kiện ràng buộc, không mong đền đáp chính là mối tình Thiên Chúa trao tặng nhân loại. Vì trao tặng nên không ép buộc phải đón nhận. Ai đón nhận thì được hưởng hoa trái tình yêu Chúa ban, đó là sự sống mới, sự sống trường sinh. Ai từ chối đồng nghĩa với từ chối sự sống trường sinh. Bởi vì từ chối sự sống trường sinh đời sau nên người ta tranh nhau tìm kiếm sự sống tạm bợ đời này. Để được sống an nhàn người ta bắt người khác phục vụ họ. Để được sống hoan lạc người ta đi tìm lạc thú qua mọi thú vui trần thế. Để được phục vụ cần có người phục vụ và tất nhiên cần tiền chi tiêu cho người cung cấp dịch vụ. Tranh nhau vì tiền từ đó mà ra. Nguồn gốc chính là từ chối sự sống đời sau, sự sống trường sinh Chúa ban. Vì thế Kinh thánh ghi tiếp những ai từ chối đón nhận Con Một Thiên Chúa là tự mình chọn sự sống đời này để rồi chết trong tuyệt vọng. Nói cách khác là tự chọn cuộc sống ngắn ngủi đời này. Chọn sống trong sợ hãi, u sầu vì sợ thần chết đến bất tử.

Chọn tin Con Một Thiên Chúa hay chọn từ chối không tin cùng sống trong một xã hội, một thế giới nhưng có sự khác biệt. Kitô hữu tin vào Thiên Chúa nên học từ Thiên Chúa là cho đi để được nhận lãnh. Hành động bác ái, yêu thương chính là cho đi để tình yêu được đong đầy.

 

 

 

 

 

57. Nhìn lên Thập giá

 

Bất cứ ai đã đọc sách Xuất hành trong Cựu ước, kể lại cuộc hành trình về đất hứa của dân Do thái, đều nhớ câu chuyện con rắn đồng. Đó là khi gần đến đất hứa, dân Do thái lại kêu trách Chúa và trách ông Môsê. Chúa liền cho rắn lửa bò ra khắp nơi cắn chết nhiều người. Thấy vậy, dân chúng lại ăn năn hối hận, chạy đến kêu ông Môsê cứu giúp. Ông Môsê cầu xin Chúa. Chúa bảo ông hãy làm một con rắn bằng đồng treo lên cao, để hễ ai bị rắn lửa cắn, nhìn lên rắn đồng thì được khỏi. Rắn đồng đó, như bài Tin Mừng kể lại, Chúa Giêsu dùng làm hình ảnh để chỉ về Ngài: cũng như xưa, rắn đồng bị treo lên, Ngài cũng phải bị treo lên như vậy. Và cũng thế, rắn đồng chữa cho bất cứ ai nhìn lên nó, thì Chúa cũng chữa bất cứ ai tin cậy ở Ngài. Vì thế, sau khi dùng hình ảnh để so sánh, Chúa quả quyết: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời”.

Quả thật, thập giá của Chúa đem lại sự sống đích thực, sự sống đời đời cho những ai tin tưởng, cậy trông vào Chúa. Bằng chứng cụ thể để bảo đảm điều này là người trộm lành trong Tin Mừng: khi Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá trên núi Sọ, thì có hai phạm nhân khác là hai tên trộm cướp, cũng bị đóng đinh như thế ở hai bên Chúa: Đích-ma bên phải và Ghét-ta bên trái. Khi ba thập giá được dựng lên, treo ba thân xác chơ vơ giữa nền trời, người ta nghe tiếng tên trộm Ghét-ta chửi bới, nguyền rủa, nói những lời xúc phạm và đòi xuống khỏi thập giá. Trái lại, tên trộm Đích-ma, như được ánh sáng từ thập giá ở giữa chiếu soi, anh buồn rầu, hối hận tội lỗi tầy trời của mình và quay sang Chúa Giêsu, anh tha thiết thưa: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào nước của ông, xin nhớ đến tôi”. Trước lời khẩn nài đầy tin tưởng ấy, Chúa nói: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng”.

Trước khi thưa với Chúa Giêsu như trên, người trộm này đã nhìn nhận tội lỗi của mình khi anh đối chất với người bạn tù cùng bị đóng đinh với anh. Anh nói: “Mày đáng chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm”. Như vậy, dầu sao trong tâm hồn người đạo chích này cũng đã dậy lên những tâm tình thống hối nồng nàn. Dĩ vãng của anh thật tồi tệ, có lẽ tệ hơn cả Baraba, vì Baraba thì được tha, còn anh lại bị đóng đinh. Đời anh xấu xa quá. Anh biết và thành thật cảm nhận điều đó; đồng thời anh cũng tin nhận Đấng cùng chịu án với anh thật vô tội và qua cung cách của Ngài, anh tin phải là Đấng Thánh. Nên chỉ một tia sáng từ thập giá Chúa chiếu ra đã làm rực sáng đức tin của anh. Anh đã thấy thập giá, anh đã tin vào giá trị của thập giá, và biết Đấng bị đóng đinh là ai, nên anh mới xin Ngài nhớ đến anh khi Ngài về nơi vương quốc của Ngài.

Như vậy, trên núi Sọ, đám đông dân chúng đòi Chúa xuống khỏi thập giá, thì người trộm lại đòi được đưa lên. Quần chúng cầu mong Chúa thuyết giảng một thứ tôn giáo không thập giá, còn người trộm lại tìm được niềm tin khi bị treo trên thập giá. Phải chăng sự hối cải của người trộm là chìa khóa, là gương mẫu cho sự hối cải của chúng ta ngày nay?

Kể từ khi thập hình của người Rôma được áp đặt cho Chúa Giêsu, thì thập giá đã trở thành thánh giá và bóng thánh giá của Ngài đã bao trùm cả trái đất. Không ai có thể đứng ngoài bóng mát của thánh giá. Không ai có thể ở ngoài vòng lôi kéo của Chúa Giêsu. Không bao giờ con người có thể loại bỏ Chúa ra khỏi lịch sử của mình nữa.

Thánh giá không chỉ được dựng lên trước nóc nhà thờ, trong cung thánh hay trong nhà của người tín hữu mà còn phải được tôn vinh giữa phố chợ, ở khắp mọi nơi. Chúa Giêsu đã không bị đóng đinh trong một thánh đường, giữa hai hàng nến cháy, nhưng trên thập giá giữa hai người trộm cướp. Ngài đã bị treo lên giữa ngã ba đường để cho mọi người qua lại đều nhìn thấy. Ngài đã chết trước sự chứng kiến của mọi người. Ngài đã chết cho mọi người. Ngài đã chết cho từng người trong nhân loại. Ngài đã chết nhân danh chúng ta để chúng ta được qui tụ vào gia đình con cái của Thiên Chúa.

Khi chiêm ngắm thập giá của Đấng Phục sinh, chúng ta không ngừng nghe vang dội từ thập giá ấy lời nhắc nhở về một tình yêu thương cao cả dành cho tất cả chúng ta, cũng như nhắc nhở về những tội lỗi chúng ta đã phạm để thúc giục chúng ta ăn năn sám hối. Do đó, sự hối cải của người trộm lành là gương mẫu cho sự hối cải của chúng ta.

Đúng thế, ở trần gian chỉ có một điều xấu xa hơn tội lỗi, đó là không nhìn nhận tình trạng tội lỗi của mình. Không có bệnh, chẳng ai tìm đến bác sĩ. Cũng vậy, không nhận mình tội lỗi, chẳng ai đi tìm Chúa Cứu thế. Chỉ khi nào cho mình là dại dột hay chỉ khi nào bắt đầu công nhận mình là người tội lỗi, đó là lúc khởi sự bước vào con đường của người trộm lành đưa đến hối cải. Biết mình tội lỗi, đó là điều kiện để hối cải, cũng như biết mình bệnh hoạn là điều kiện để chữa trị.

Trong Mùa chay này, chúng ta hãy đến với Chúa và hạ mình xuống như người trộm lành, nhìn nhận mình là người tội lỗi và tin tưởng vào lòng khoan dung của Chúa, thì kể cả trong tình trạng xấu xa nhất, chúng ta vẫn được Chúa thương yêu tha thứ.

 

 

 

 

 

58. Suy Niệm của Lm. Nguyễn Minh Hùng

 

Lòng yêu thương tha thứ của Thiên Chúa

Tại một nhà thờ bên Tây Ban Nha có một tượng thánh giá rất đặc biệt: Chúa Giêsu chỉ chịu đóng đinh có một tay trái và hai chân, tay phải rời khỏi lỗ đinh và đưa ra phía trước trong tư thế như đang ban phép lành.

Chuyện kể rằng, một lần, tại nhà thờ này có một tội nhân đến xưng tội. Đối với một tội nhân có quá nhiều tội nặng như anh ta, vị linh mục rất nghiêm khắc và ngăm đe nhiều điều. Nhưng chứng nào vẫn tật đó, ra khỏi tòa giải tội ít lâu, hối nhân lại tiếp tục sa ngã. Rất nhiều lần như thế. Cuối cùng, vị linh mục đành răn đe: “Tôi không muốn anh vấp lại những tội như thế nữa. Đây là lần cuối cùng tôi tha tội cho anh. Hối nhân ra khỏi tòa giải tội mà lòng trĩu nặng và đau khổ. Được vài tháng sau, anh ta lại đến xưng tội, và xưng cũng cùng những tội nặng y như những lần trước. Vị linh mục dứt khoát: “Anh đừng có đùa với Chúa. Tôi không tha!”. Thật lạ lùng. Ngay lập tức, vị linh mục cùng hối nhân đều nghe có tiếng thì thầm phía bên trên. Từ cây thánh giá, bàn tay phải của Chúa Giêsu được rút ra khỏi lổ đinh và ban phép lành cho hối nhân. Vị linh mục nghe được tiếng thì thầm ấy nói với chính mình: “Ta là người đổ máu ra cho người này chứ không phải con”.

Kể từ đó, bàn tay phải của Chúa Giêsu không gắn vào thánh giá nữa, nhưng vẫn giữ tư thế đang ban phép lành, như không ngừng mời gọi: “Hãy trở về với Ta, các ngươi sẽ được tha thứ”.

Lòng yêu thương tha thứ của Thiên Chúa lớn lắm, mạnh lắm. Có lẽ, nếu có so sánh với trời cao biển rộng vẫn cứ còn khập khiễng. Lòng tha thứ của Thiên Chúa lớn cho đến mức, tội lỗi đã quá sức chịu đựng của lòng người, Thiên Chúa vẫn một lòng tha thứ. Dẫu cho mọi người rất kinh nghiệm về nỗi yếu đuối của bản thân mình, nhưng vẫn khó tha thứ cho anh chị em, thì Thiên Chúa không mảy may vướng một lỗi lầm nào, lại rất dễ dàng thứ tha.

Đọc bài Tin Mừng Chúa nhật thứ IV mùa Chay, ngay câu đầu tiên, câu nói của Chúa Giêsu: “Như Môsê đã giương cao con rắn ở sa mạc thế nào, con người cũng sẽ giương cao như vậy”, tôi bỗng nhớ tới câu chuyện cảm động bên trên, để càng cảm nhận rất nhiều lần rằng: Thiên Chúa là Chúa của tình yêu. Tha thứ là gương mặt chói ngời của tình yêu Thiên Chúa. Bởi tôi nhận ra trong câu nói của Chúa Giêsu bộc lộ cả một nỗi lòng khoan dung tha thứ của Thiên Chúa.

Vậy câu nói của Chúa Giêsu: “Như Môsê đã giương cao con rắn ở sa mạc thế nào, con người cũng sẽ giương cao như vậy”, có liên quan thế nào với tình yêu tha thứ của Thiên Chúa?

Chắc anh chị em còn nhớ câu chuyện con rắn đồng trong sa mạc? Sau khi xuất Ai Cập, bốn mươi năm ròng rã trong hoang địa, dân Israel gặp mọi thử thách. Họ oán trách Chúa đã để họ lầm than. Một lần cơn thịnh nộ của Chúa đã để cho rắn độc cắn chết nhiều người. Dân Chúa quá sức khiếp sợ. Họ nhìn nhận tội lỗi của mình, và Chúa đã đoái thương nỗi khốn khổ của họ. Ngài dạy ông Môsê hãy làm một con rắn bằng đồng, treo lên cây để bất cứ ai bị rắn cắn, nếu nhìn lên con rắn đồng, sẽ được cứu. Như vậy, khi con rắn đồng được giương lên, thì ngay chính lúc đó, lòng tha thứ của Thiên Chúa lại tỏa sáng và trao ban. Từ nay Thiên Chúa sẽ cứu sống dân, những kẻ đã từng oán trách Ngài.

Hình ảnh con rắn đồng đó, là biểu trưng của Đấng Cứu Chuộc. Cũng như con rắn đồng được giương cao, Chúa Kitô sẽ giương cao như vậy. Nếu con rắn đồng nói lên lòng tha thứ, thì Chúa Kitô được giương cao, chính là lòng tha thứ của Thiên Chúa đạt đến tuyệt đối, chiếu sáng ngời ngời và lan tỏa đến bất cứ người nào đã từng được sinh làm người trong cuộc trần. Chúa giương cao, nghĩa là lòng tha thứ của Thiên Chúa được gương cao cho cả nhân loại nhìn vào mà học lấy, mà tha thứ cho nhau.

Lòng tha thứ của Thiên Chúa mạnh lắm, mạnh đến nỗi, Thiên Chúa như ném chính Người Con duy nhất và yêu quí nhất của mình cho trần gian để thực hiện hiện lòng tha thứ đối với chính trần gian vô vàn lần xúc phạm Thiên Chúa.

Trong mạch văn của bài Tin Mừng, thánh Gioan còn ghi thêm chính lời Chúa Giêsu: “Thiên Chúa không sai Con của Ngài đến luận phạt trần gian, nhưng để trần gian nhờ Con của Ngài mà được cứu độ”. Thiên Chúa luôn ở về phía chúng ta để ra tay cứu chứ không phải phạt.

Mùa Chay là mùa của lòng yêu thương tha thứ. Bởi thế, việc ăn chay trong mùa Chay, trước hết phải là xóa bỏ hận thù và tha thứ. Nhưng để có tha thứ, cần đến sự hòa giải. Anh chị em mất lòng nhau, anh chị em có hố sâu ngăn cách bởi hận thù, tinh thần chay tịnh đòi anh chị em phải lấy lại lòng nhau, phải lấp đầy những ngăn cách để những gì thuộc về thù hận bị chôn xuống, những gì là trao ban, là yêu thương sẽ bùng lên, vương mạnh. Anh chị em và tôi hãy nhớ rõ một điều: Làm sao có thể tha thứ nếu không bao giờ muốn hòa giải; làm sao có thể nhận được ơn tha thứ nếu không biết tha thứ.

Không biết câu chuyện về cánh tay Chúa Giêsu trên thánh giá ban phép lành để tuôn đổ ơn tha thứ cho tội nhân, thực hư thế nào, nhưng lòng yêu thương tha thứ của Thiên Chúa đời đời vẫn thế: bền vững và cao ngất. Câu chuyện có thể không có thật, nhưng lòng tha thứ của Thiên Chúa mãi mãi vẫn thật. Vì thế dẫu cho không có thật, nó vẫn đáng quí, vì nó phản ánh một sự thật rất thật: Lòng Thiên Chúa yêu thương tha thứ. Câu chuyện càng đáng quí khi nó giúp ta ghi lòng để học lấy lòng tha thứ của Thiên Chúa mà tha thứ cho anh chị em.

Thiên Chúa đã không dạy bài học tha thứ suông, nhưng đã dạy bài học tha thứ bằng chính mạng sống của Chúa Giêsu. Nếu ngày xưa, con rắn đồng trong sa mạc được giương lên, thì hôm nay chính Chúa Giêsu được giương lên. Mãi mãi chúng ta biết ơn Chúa Giêsu và khắc sâu lời Người: “Như Môsê đã giương cao con rắn ở sa mạc thế nào, con người cũng sẽ giương cao như vậy”.

 

 

 

 

 

59. Suy Niệm của Lm. Bùi Thượng Lưu.

Ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết,

nhưng được sống muôn đời

 

Trong nhóm Pharisêu, có một người tên là Nicôđêmô, một thủ lãnh của người Do-thái và cũng là “bậc thầy trong dân Israel” đã đến gặp Chúa Giêsu ban đêm. Các nhà chú giải Kinh Thánh giải thích rằng hoặc ông là người vị vọng trong dân Do Thái, lại là tiến sĩ luật, phái Pharisêu, sợ dư luận, nên đã đến gặp Chúa Giêsu ban đêm, để tránh những cặp mắt dòm ngó, những lời đàm tiếu. Hoặc ông là môn đệ đầu tiên bắt đầu tin theo Chúa một cách kín đáo, chưa dám công khai. Một cuộc gặp gỡ kỳ lạ đã đưa Nicôđêmô, một người khát khao chân lý và ánh sáng được gặp thấy chính Đấng đã phán: “Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14-16). Trong đêm tối của tội lỗi, trong những thao thức băn khoăn đi tìm chân lý, Đức Giêsu đã mạc khải “vén bức màn” bí mật của chương trình cứu độ của Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử của nhân loại.

Trong Tin Mừng của thánh Gioan, Nicôđêmô còn xuất hiện hai lần nữa. Một lần trong cuộc tranh luận về nguồn gốc của Đức Kitô: “Trong nhóm Pharisêu, có một người tên là Nicôđêmô, trước đây đã đến gặp Chúa Giêsu, ông nói với họ: Lề luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không?” (Ga 7,50). Lần sau cùng vào buổi chiều ngày thứ sáu chịu nạn, Ni-cô-đê-mô cũng dự cuộc liệm xác của Đức Kitô: “Ông đem theo chừng một trăm cân mộc dược, trộn với trầm hương” (Ga 19-39).

Trong cuộc gặp gỡ với Nicôđêmô trong Tin Mừng Chúa Nhật 4 Mùa Chay năm phụng vụ B hôm nay, sứ điệp quan trọng nhất mà Thiên Chúa muốn mặc khải cho tất cả những tâm hồn đang khao khát sự thật và ánh sáng chính là: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16)

Vì yêu thương con người đến tột cùng, Chúa Cha đã trao ban Chúa Con cho trần gian, để trần gian được cứu độ (3,16.35) và được sống (5,24-27; 6,39). Sứ mạng của Chúa Con là hoàn tất công trình cứu chuộc của Chúa Cha, đưa con người vào sự hiệp thông hoàn hảo giữa Chúa Cha và Chúa Con. Lịch sử nhân loại, lịch sử dân Do Thái, lịch sử Hội Thánh hay xác thực hơn, lịch sử của mọi người tín hữu chúng ta đều là Lịch Sử Ơn Cứu Rỗi.

“Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Ga 3, 17-18). Như vậy:

Tin đối với Gioan là nhìn nhận Đức Giêsu là Con và là sứ giả của Chúa Cha (xem 3,16-18; 14,1.10; 17, 21-25; 20,31), là đến với Đức Giêsu và gặp Người (6,35-37), là biết Người và cùng với Người biết Chúa Cha (10,38; 11,40; 14,7.20). Đức tin còn là một hồng ân và một sự lôi cuốn của Chúa Cha (6,37.44.65).

Tin là nhìn lên Con Người (1,51) được giương cao (12,32) và đặt trọn niềm tin vào ĐẤNG BỊ TREO LÊN trên Thập giá, Đấng Mêsia, Đấng Cứu Thế muôn dân trông đợi… Chúa Giêsu nhắc đến câu chuyện ghi trong sách Dân Số (chương 21,4-9): trong cuộc hành trình qua sa mạc, dân Ítraen mất kiên nhẫn đã kêu trách Chúa, nên bị nạn rắn cắn. Chúa đã truyền cho Môsê: “Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống” (Ds 21,8). Con rắn đồng đã trở lên dấu chỉ của sự cứu sống. Chúa Giêsu ám chỉ đến cái chết của Người bị hành hạ và bị treo trên thập tự giá. Tất cả những ai nhìn lên và tin vào Ngài, sẽ không bị con rắn xưa là ma quỷ ám hại. Ngày nay, người ta đã dùng dấu hiệu con rắn treo trên các nhà bán thuốc tây hay dùng trong y học như biểu tượng của sự cứu chữa bệnh tật.

Người tin (3,12) bước vào một cuộc sống mới (4,14; 6,27; 17,3). Đó là được thông phần sự sống của Thiên Chúa, là một ân huệ Đấng Mêsia mang lại. Tin là từ bỏ bóng tối của tội lỗi, của gian tà, của ma quỷ (Ba lời thề hứa trong khi lãnh nhận Phép Rửa). Phải, chính trong đêm tối của tội lỗi mà con người nhận ra tình thương của Thiên Chúa, miễn là đừng khép kín lòng lại: “Sự sáng đã đến trong thế gian, mà người ta đã yêu mến tối tăm hơn sự sáng, vì việc họ làm đều xấu”. (Ga 3-19).

Tin là bước đi trong ánh sáng, sống trong chân lý và hành động ngay chính: “Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.” (Ga 3,19-21)

Kế hoạch Thiên Chúa là mỗi người được kêu mời lãnh nhận ơn cứu độ. Đó là một mầu nhiệm, Vì, tất cả chúng ta đều đã phạm tội, nhưng nhờ ân thánh, chúng ta được sống lại, được cải tử hoàn sinh với Đức Kitô và trong Đức Kitô. Cứ nhìn qua nếp sống hưởng thụ ăn chơi đàng điếm của những đô thị lớn trên khắp thế giới, kiểm điểm lại sự sa sút lòng đạo đức cũng như luân lý trong các gia đình di cư, chúng ta sẽ nhận định rõ tình thương vô bờ bến của Thiên Chúa trong thế giới hiện nay.

Mùa chay thánh, mùa ăn năn đền tội sám hối giúp mọi cá nhân tỉnh giấc ngủ say, ý thức thân phận tội lỗi của mình, sự yếu hèn của bản tính con người, để khiêm nhượng hơn, để tin tưởng hơn và mở lòng đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa, lãnh nhận chính tình yêu lớn lao của Ngài.

 

 

 

 

 

60. Đức Giêsu nói chuyện với ông Nicôđêmô – JKN.

 

Câu hỏi gợi ý:

1. Con người tội lỗi và rất yếu đuối, nhưng Thiên Chúa có hy vọng biến đổi con người trở nên tốt, nên thánh thiện hơn không? Ngài kết án hay tìm cách giáo hóa con người? Ngài đã làm gì để giáo hóa?

2. Những nỗ lực của các nhà giáo dục có khả năng hữu hiệu biến người thụ giáo nên tốt lành thánh thiện không? Các nhà giáo dục có ban được sức mạnh cho những người thụ giáo với mình không? Còn Đức Giêsu, Ngài có làm được điều đó không? Với điều kiện gì về phía ta?

3. Chúng ta vẫn tự hào rằng mình tin vào Đức Giêsu, nhưng tại sao chúng ta xem ra vẫn còn rất là yếu đuối trước tội lỗi? Có điều gì không ổn trong đức tin của ta không?

Chia sẻ

1. Con người có thể thay đổi: người xấu thành người tốt

Sống trên đời, ta thấy ở bất cứ môi trường nào (đạo, đời), trong bất kỳ lãnh vực nào (chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội), trong bất kỳ cấp độ địa vị nào (cao, thấp), tuổi tác nào (già, trẻ)… cũng đều có người tốt kẻ xấu, người nhiều thiện chí kẻ lắm ác ý, người trung kẻ nịnh, v.v… Tình trạng khác biệt đó không luôn luôn cố định mà có thể biến đổi: người tốt có thể biến thành người xấu, hay ngược lại. Thật vậy, có người rất ác rất xấu, nhưng sau một biến cố nào đó, gặp một ai đó, đọc một cuốn sách nào đó, hoặc sống trong một môi trường mới nào đó, người đó thay đổi hoàn toàn, trở thành một người rất hiền rất tốt. Chẳng hạn, trong Kinh Thánh có những người như Maria Mađalêna (x. Mt 26,6-13), người trộm lành (Lc 23,39-43); trong lịch sử Giáo Hội có những người như Augustinô…

2. Vai trò của giáo dục

Chúng ta cần phải nắm lấy chân lý này: con người có thể biến đổi, từ xấu thành tốt, cũng như từ tốt thành xấu. Chính vì thế, vấn đề giáo dục rất quan trọng và cần thiết, nó đem lại hy vọng cho Giáo Hội và xã hội. Con người – mà tự do đã bị tội lỗi làm tổn thương – nếu không được giáo dục, sẽ rất yếu đuối, dễ bị lôi cuốn vào vòng tội lỗi: điều thiện mình muốn làm thì lại không làm, mà điều ác mình không muốn làm thì lại cứ làm (x. Rm 7,15-20). Được giáo dục, con người có thêm sức mạnh để làm điều thiện và tránh điều ác hơn. Tuy nhiên, khả năng này rất giới hạn.

Chính dựa trên khả năng thay đổi này mà có những nỗ lực giáo dục, chuyển hóa con người: nhiều nỗ lực đã thành công vẻ vang, nhưng cũng có nhiều nỗ lực không đi đến kết quả. Để giáo hóa, các nhà giáo dục thường dùng những phương tiện tự nhiên của con người: dạy lý thuyết, khích lệ, dỗ dành, đe dọa, thưởng phạt…

3. Đức Giêsu đến để cải hóa, cứu độ con người bằng đức tin

Thiên Chúa cũng quan niệm con người có thể thay đổi và nhờ đó được cứu rỗi. Khi thế gian bị tội lỗi làm hư hỏng, Thiên Chúa đã không lên án và hủy diệt thế gian, nhưng đã “sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ”. Thiên Chúa vẫn hy vọng và chờ đợi con người thay đổi. Vì cho dù tự do của con người đã bị tội lỗi hủy hoại phần nào, khiến con người sẵn sàng làm nô lệ cho điều ác, nhưng con người vẫn còn phần nào tự do. Con người vẫn có thể chọn lựa giữa điều thiện và điều ác, giữa Thiên Chúa và những gì khác với Ngài. Ngài đã đi bước trước để làm cho hy vọng biến đổi con người thành hiện thực, bằng cách sai Đức Giêsu, Con của Ngài, đến trần gian. Sứ mạng của Đức Giêsu cũng là giáo hóa con người: Ngài đến để cải hóa người tội lỗi (x. Mt 9,13; Lc 5,32), biến họ nên thánh thiện (x. Rm 6,22), và hơn thế nữa, giải thoát con người khỏi ách thống trị của tội lỗi (x. Mt 1,21; Mc 2,17; Rm 6,6.18; Dt 9,26b; 1Ga 1,7b). Ngài còn có quyền tha tội (Mt 9,5-6; Mt 26,28; Cv 10,43; Cl 1,14), và ban ơn cứu rỗi (x. Lc 19,9; Ga 4,42; Cv 4,12; 13,23). Nhưng Ngài cải hóa và cứu độ con người bằng đức tin: “Ai tin thì sẽ được cứu độ” (Mc 16,16; x. Cv 16,31).

Đức Giêsu đến không phải để đem đến một lý thuyết giáo dục, một triết lý mới để con người theo. Ngài đến để cứu con người khỏi xiềng xích của tội lỗi, khỏi ách thống trị của tội lỗi và sự chết, là những thứ khiến con người đâm ra bạc nhược, ý chí yếu đuối. Ngài đến để đem lại sức mạnh cho con người, nhờ đó con người có thể đủ sức mạnh để thực hiện những điều thiện mình muốn làm, và nói “không” với những điều ác mình không muốn làm (x. Rm 7,15-20). Để có được sức mạnh đó, con người không cần phải học hỏi lý này thuyết nọ. Điều duy nhất và hết sức quan trọng con người phải làm để có được sức mạnh ấy là hoàn toàn tin tưởng vào Ngài, như bài Tin Mừng hôm nay xác quyết: “Ai tin vào Người thì được sống muôn đời”, “Ai tin vào Con của Người thì không bị lên án”. Như vậy, sức mạnh đến từ đức tin, tin vào Đức Giêsu Kitô.

4. Giới hạn của giáo dục

Bất kỳ nhà giáo dục nào trên thế giới cũng đều nhận thấy khả năng giáo hóa của giáo dục rất giới hạn. Giáo dục có thể rất thành công trong việc dạy cho con người biết tất cả điều nào tốt, điều nào xấu, điều nào phải làm, điều nào nên tránh. Nhưng có thể một người biết rất rõ những điều ấy, và thành thật mong muốn làm theo sự hiểu biết ấy, vẫn cảm thấy không đủ năng lực để thực hiện. Người ấy vẫn cảm thấy có một lực nào đó ở ngay bên trong mình khiến mình làm ngược lại. Nghĩa là lực ấy cản trở mình làm điều tốt, và thúc đẩy mình làm điều xấu. Khốn thay, cái lực xấu ác ấy nhiều khi lại thắng và làm tê liệt được sức mạnh của ý chí. Đó chính là điều mà thánh Phaolô cảm nghiệm rất rõ nơi bản thân ông, và ông gọi cái lực xấu ác ấy là “tội”: “Điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì (…) không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi. (…) Muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi” (Rm 7,15-20). Đây chính là nguyên nhân của mọi bi thảm trên trái đất: kẻ tội lỗi nhất thế giới vẫn luôn luôn phân biệt điều tốt điều xấu, vẫn luôn ao ước làm điều tốt, vẫn mong trở nên trở nên người tốt, nhưng không làm nổi. Vì lực xấu ác kia quá mạnh, đã lôi kéo, thúc đẩy người ấy làm những điều hắn không muốn. Lực ấy mạnh đến nỗi hắn dường như chỉ biết tuân theo, ý chí yếu đuối của hắn không cưỡng lại được.

5. Sức mạnh và sự cứu rỗi đến từ đức tin vào Đức Giêsu

Trước tình trạng bi thảm ấy, thánh Phaolô đã phải kêu cứu: “Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?” (Rm 7,24). Và may mắn thay, ông đã nhận ra người có khả năng cứu ông: “Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!” (7,25). Điều này đã được Đức Giêsu xác định với Nicôđêmô trong bài Tin Mừng hôm nay: “Ai tin vào Con Người thì được sống muôn đời”, “Ai tin vào Con của Người thì không bị lên án”. Trong bài đọc hai, thánh Phaolô cũng xác nhận điều ấy: “Chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa”. Như vậy, muốn được cứu khỏi tình trạng yếu đuối, nô lệ tội lỗi, điều quan trọng là tin vào Đức Giêsu Kitô.

Đức tin tạo nên sức mạnh: “Mọi sự đều có thể đối với người tin” (Mc 9,23), vì “nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: “Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc”, nó cũng sẽ vâng lời anh em” (Lc 17,6). Khả năng làm được tất cả mọi sự ấy không phải là khả năng của bản thân ta, vì như Đức Giêsu nói: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5), mà là quyền năng của Thiên Chúa, “vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,27). Vì thế, khi tin thật sự vào Đức Giêsu, Đấng ban sức mạnh, ta có thể nói như thánh Phaolô: “Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi có thể làm được tất cả mọi sự” (Pl 4,13).

Tin vững vàng vào Đức Giêsu, ta sẽ thật sự trở nên mạnh mẽ. Nhưng hãy xem, biết bao người mang danh là tin Đức Giêsu, vẫn cảm thấy mình còn yếu đuối, còn nô lệ cho tội lỗi. Vậy, vấn đề mà ta cần phải nghiêm túc đặt lại, là ta đã thật sự tin vào Đức Giêsu chưa, hay ta chỉ mang danh là tin Ngài thôi? Đức tin của ta vào Ngài là thứ đức tin nào: đức tin rẻ tiền (tin hờ, tin ngoài miệng) hay đức tin đắt giá (tin thật, bằng hành động, bằng đời sống dấn thân thật sự)? Rất nhiều Kitô hữu cảm thấy an tâm vì tưởng rằng khi tuyên xưng ngoài miệng rằng mình tin thì có nghĩa là mình đã tin. Thật ra, tin là một việc quan trọng, nhưng tin thế nào còn quan trọng hơn rất nhiều. Tin mà vẫn nghi nan trong lòng thì chẳng có tác dụng. Hãy xem gương của Phêrô, khi thấy Đức Giêsu đi trên mặt nước đến với thuyền của mình, nhờ tin vững chắc vào Thầy mình, ông đi được trên mặt nước đến với Ngài. Nhưng khi thấy gió thổi, ông đâm sợ và nghi nan trong lòng. Lập tức ông bị chìm xuống (x. Mt 14,25-31).

Cầu Nguyện

Lạy Cha, con đã mang danh là tin vào Cha, vào Đức Giêsu biết bao nhiêu năm nay. Nhưng thử hỏi đức tin của con đã biến đổi con thế nào? Con đã thật sự tốt hơn, mạnh mẽ hơn những người không tin chưa? Đáng lẽ có đức tin, con phải vượt hơn họ xa lắm! Phải chăng, con mới chỉ mang danh là tin, chứ chưa thật sự tin? Xin Cha hãy ban cho con đức tin đích thật, một đức tin được minh chứng bằng hành động thật sự.

 

 

 

 

 

home Mục lục Lưu trữ