Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 51
Tổng truy cập: 1365609
TIN LÀ TÍN THÁC VÀO CHÚA
TIN LÀ TÍN THÁC VÀO CHÚA
(Suy niệm của Lm. Joshepus Quang Nguyễn)
Bài đọc 1 nghe kể lại câu chuyện việc Thiên Chúa lập giao ước với tổ phụ Abraham vì ông tin Chúa. Qủa thế, tổ phụ Abraham đã tín thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa, tin vào lời Ngài hứa và tương lai mà Thiên Chúa hoạch định ra cho ông, ngay khi mà ông chưa có được gì cả. Chính thái độ tín thác hoàn toàn này khiến Abraham thành mẫu gương và là cha của những người có lòng tin thuộc mọi thời đại. Tin như tổ phụ Abraham nghĩa là tín thác bước đi theo chương trình Thiên Chúa đề nghị với chúng ta. Một chương trình bí nhiệm khác với những gì chúng ta tưởng nghĩ và mong ước. Tin có nghĩa là sẵn sàng ra khỏi môi trường sống đảm bảo, ra khỏi những thói quen, kiểu cách sống qui ước của loài người để đưa ra tay ra nắm chặt lấy bàn tay của Chúa để cho Ngài hướng dẫn và bước đi theo Ngài, chỉ cậy dựa vào và tín thác vào Thiên Chúa và Lời Thiên Chúa.
Cho nên, bài Tin Mừng thuật lại việc Chúa Giêsu biến hình có ông Mô-sê và ông Ê-li-a. Tại sao không phải là tổ phụ Abraham hay Gia-cóp mà là ông Mô-sê và Ê-li-a, bởi vì hai ông là hai gương mặt diễn tả tất cả Thánh Kinh, diễn tả tất cả Lời Chúa mà tín hữu cần phải biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa chỉ dạy mỗi ngày. Qua biến cố biến hình, Thiên Chúa không chỉ mời gọi chúng ta biết lắng nghe và sống Lời Ngài là Tin Mừng của Chúa Giêsu, mà còn mời gọi chúng ta bước vào cuộc sống giao ước mà chúng ta ký kết với Ngài trong sự phó thác và tin tưởng khi nhận lãnh Bí tích Rửa Tội.
Vì vậy, đối với Kitô Giáo, tôi theo Đạo không chỉ là tin Chúa và Lời Chúa mà theo Đạo là tôi bước vào một giao ước với Thiên Chúa, có nghĩa là tôi bước vào đời sống đức tin với Chúa trong yêu thương, tín thác và sẵn sàng thi hành Lời Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Như vậy, người có Đạo Công giáo là người có đức tin sống động giữa ta với Thiên Chúa, gọi là sống Đạo. Qủa thế, đức tin dẫn chúng ta vào giao ước với Thiên Chúa. Giống như cuộc sống hôn nhân đòi hỏi quan trọng của giao ước là trung tín. Ví dụ, một anh thanh niên có thể có 5-7 cô bồ nhưng khi thành hôn với một cô nào đó thì phải giữ lời cam kết giao ước là trung tín đến cùng: “Anh sẽ giữ lòng trung tín với em khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe…”. Đời sống với Thiên Chúa cũng vậy, chúng ta được mời gọi trung tín với Thiên Chúa và tín thác vào lòng thương xót Chúa trong lúc bình an cũng như trong đêm tối của cuộc sống đức tin.
Chúng ta đang trong Tháng Kính Thánh Giuse, bạn trăm năm Đức Mẹ Maria, Tin Mừng kể chúng ta thấy cuộc đời Ngài cũng lắm thách đố và đau khổ. Chẳng hạn, chàng trai cưới vợ nhưng chưa chung sống thì vợ mình đã có thai, Giuse phải đau khổ lắm! Thế nhưng, Thiên Thần đã hiện ra với Giuse trong giấc mộng giải thích cho Ngài biết “Người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20); rồi Thiên Thần khuyên Giuse “rước Maria về nhà mình” (Mt 1,20). Nhận ra thánh ý Thiên Chúa “Giuse đã làm như lời Thiên Thần Chúa truyền và ông đã rước bà về” (Mt 1,24) trong khi bị người đời chê trách, vì có ai biết đó là ý Chúa đâu? Rồi, Đức Mẹ sinh Chúa khó khăn cực khổ tại Bêlem, thì Chúa lại bảo ông chỗi dậy đi ngay giữa đêm khuya, không hành trang, không tiền bạc sang Aicập sống kiếp lưu đày. Cuộc sống trước mắt của Thánh Giuse lúc ấy là lắm gian truân vất vả, nhưng thánh Giuse luôn tin và tín thác vào Chúa nên ngài đã vâng phục “Chỗi dậy, ông đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Aicập ngay giữa đêm khuya” (Mt 2,14). Rồi khi đã ổn định cuộc sống nơi xứ lạ quê người với một cơ ngơi bé nhỏ mà Giuse đã gầy dựng từ hai bàn tay trắng, Chúa lại bảo ông phải bỏ lại tất cả để ra đi, đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Israel” (Mt 2,21), thánh Giuse vâng lời thánh ý Chúa lên đường về lại quê hương. Rồi các môn đệ hôm nay trên núi Tabor, họ thấy vinh quang Chúa tỏ hiện như một ánh chớp. Sau đó vinh quang ấy tắt lịm rồi đến vườn cây Dầu nơi đó Thầy mình như một con người bình thường run rẩy sợ hãi đến nỗi toát mồ hôi máu. Rồi, Quan Philatô giới thiệu Chúa Giêsu cho toàn dân “Đây là người, các ngươi nhìn coi con người này có đáng là người không?” Bởi vì bị đánh bơi tờ cả đêm đau còn hình tượng người ta nữa. Tiếp sau đó là đồi Gôngôtha Thầy bị treo lơ lững trên không gian bị người ta sỉ vả, nguyền rủa.
Trong tăm tối của đức tin đó, Thánh Giuse, các môn đệ vẫn tín thác vào Chúa và theo Chúa đến cùng. Còn đời sống đức tin của chúng ta như thế nào? Chắc chắn đời sống đức tin của chúng ta cũng lắm lúc tăm tối: tăm tối đến từ chính bản thân, gia đình và xã hội. Lúc mới theo Đạo, chúng ta sốt sắng lắm nhưng 1,2,5-10 năm.. thì việc sống Đạo của chúng ta trở nên lạnh nhạt, Đức tin của chúng ta yếu dần, không còn hăng hái trong việc kinh lễ đều đặng nữa vì hoàn cảnh của cuộc sống: học hành, sự nghiệp, thành công, thất bại trong tình trường và thương trường, trong tu trì, sức khỏe, bệnh tật, nghèo quá, giàu quá… Thêm vào đó, văn hóa hưởng thụ, tệ nạn xã hội tràn lan, văn hóa vứt bỏ, văn hóa dững dưng vô cảm của xã hội làm chúng ta chẳng còn kính mến Chúa, tin Chúa và tín thác vào Chúa nữa! Và lại nữa, thời đại hôm nay giá trị Tin mừng: yêu thương, hiền lành, bao dung, thương xót, tha thứ… bị người ta đóng đinh vào thập giá, phủ nhận chúng. Lúc đó, liệu chúng ta có còn tin và tín thác vào Chúa? Chúng ta có còn gắn bó, tín thác với một Đấng trao ban cho tôi niềm hy vọng và sự tin tưởng? Chúng ta có ý thức được rằng chính Thiên Chúa đã tự tỏ lộ ra nơi Đức Kitô, đã cho thấy gương mặt thương xót của Người và thực sự Ngài đang sống, đồng hành với ta? Chúng ta có thầm tín rằng không phải ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người thương xót ta và luôn ban sự lành từ những sự tối tăm trong cuộc sống chúng ta như thánh Giuse và các tông đồ?
Thánh Phaolô trong bài đọc 2 nói rằng Thiên Chúa vẫn hằng nâng đỡ và “Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,21). Vì vậy, ước gì Mùa Chay Thánh này, xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết sống hết mình cho giao ước tình yêu với Chúa trong niềm tin yêu và tín thác vào Chúa, nhờ đó, chúng ta sẽ lớn mạnh trong đức tin, mạnh mẽ trong yêu thương và tín thác vững vàng đời mình cho Thiên Chúa như Thánh Giuse, các Tông đồ cho dẫu đời sống chúng ta có hạnh phúc, bình an hay khi gặp thử thách hay đau khổ vì “CHÚA là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ người nào? CHÚA là thành luỹ bảo vệ đời tôi, tôi khiếp gì ai nữa?” (Tv 27,1). Amen.
8.Biến hình và đổi đời - ViKiNi
(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)
Michel Ange và Raphael là hai kiến trúc sư thiên tài, còn là họa sĩ và điêu khắc gia nổi tiếng nhất thế giới, đã được Đức Giáo Hoàng Juliô II trao cho nhiệm vụ thiết kế xây cất và trang trí Đại Thánh đường Thánh Phêrô và địện Vatican ở Rôma.
Suy về đề tài Chúa Biến Hình, Raphael đã thực hiện một bức họa có 3 cấp: Cấp trên là Đức Giêsu đứng giữa cụm mây sáng láng, cấp giữa là Thánh Phêrô, Gioan và Giacôbê, cấp cuối là nhóm các môn đệ và dân chúng vây quanh một thiếu nhi bệnh họan đang nằm chờ chết bên cạnh có 2 môn đệ: một môn đệ đang chỉ tay lên Đức Giêsu, môn đệ kia đang chỉ tay vào bệnh nhân” (ĐGM. Althur Tone). Bức họa đã lột được hết ý nghĩa của bài Tin Mừng hôm nay là chỉ có Đức Giêsu mới biến đổi những kẻ bệnh hoạn nên lành thánh. Tin Mừng hôm nay đã giới thiệu Đức Giêsu lên núi cầu nguyện, đang lúc Người cầu nguyện dung nhan Người bỗng biến đổi sáng láng, chói lòa trong vinh quang. Người cầu nguyện để biến đổi ý mình trọn vẹn theo Thánh ý Chúa Cha, Người cầu nguyện cho cuộc tử nạn của Người sẽ phải hoàn tất tốt đẹp tại Giêrusalem và biến cuộc sống ta nên vinh hiển. Người cầu nguyện cho ánh sáng tình yêu của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh thần soi sáng cho khắp nhân loại, từ Adam Eva đến Abraham, Maisen, Êlia, từ Phêrô, Gioan, Giacôbê đến những người đang đứng chờ dưới chân núi được sống lại trong vinh quang nước Chúa. Người cầu nguyện nhất là cho các môn đệ và chúng ta biến thành đồng dạng với Con Chúa Cha và biết vâng lời Người: “Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người”.
Phải vâng lời Người để “biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta, nên giống thân thể vinh hiển của Người”.
Phụng vụ lời Chúa hôm nay nhấn mạnh đến sự biến đổi con người chúng ta nên giống con người của Đức Giêsu Kitô nhờ vâng lời Thiên Chúa.
Bài I: Abraham đã được Chúa biến đổi từ dòng dõi con cháu thành U của tà thần, nên tổ phụ công chính của một dòng dõi đông đảo sáng láng như các vì sao trên trời. Nhưng ông phải biết nhận Thiên Chúa là Đức Chúa của ông, phải biết vâng lời Chúa từ bỏ Candê tới đất Chúa chỉ định. Ở đó ông dâng lễ tạ ơn Chúa và đón nhận giao ước của Ngài, nhờ đó Abraham đã đổi đời: từ kẻ thờ tà thần nên tổ phụ dòng dõi thờ Thiên Chúa.
Bài II: Thánh Phaolô bảo dân Philiphê hãy noi gương đổi đời của ông. Ông đã đổi đời từ kẻ hung ác bắt bớ hành hung các tín hữu của Đức Giêsu trở thành tông đồ hăng hái nhiệt tình nhất rao giảng Đức Giêsu. Nhưng còn nhiều kẻ chưa đổi đời như ông, họ vẫn còn thờ cái bụng, thờ cái ô nhục của thế gian. Thánh Phaolô đã thương khóc họ, vì họ sẽ phải hư vong. Ông cầu nguyện cho họ nhận ra quê hương thật ở trên trời để họ mong đợi Đức Giêsu Kitô đến biến đổi họ nên giống Người, sống kết hợp khăng khít vững vàng với Người. Đó là niềm vui và vinh dự thực sự của họ và của Phaolô.
Bài Tin Mừng cho ta thấy rõ sự biến đổi của Đức Giêsu Kitô: từ xác phàm loài người, Đức Giêsu đã biến đổi sang thân xác vinh quang chói lọi. Maisen và Êlia cũng được biến đổi nên sáng láng rực rỡ khi đến gặp gỡ Đức Giêsu.
Maisen từ một thanh niên hèn nhát chạy trốn đã biến đổi thành một vị lãnh đạo vĩ đại của dân Israel, nhờ Thiên Chúa đã kêu gọi ông, dạy bảo ông phải về thương lượng với vua Pharaon để giải phóng dân đang làm nô lệ nhà vua, được trở về đất hứa. Maisen đã nghe lời Thiên Chúa đến gặp nhà vua, ông không còn khiếp sợ vua nữa. Trái lại vua và cả dân Ai Cập khiếp sợ Maisen và thúc giục Maisen mau mau dẫn dân Israel ra khỏi Ai Cập. Nhờ Maisen vâng lời Thiên Chúa, Pharaon đã đổi lòng và cả dân tộc Israel nô lệ được đổi đời làm dân Thiên Chúa.
Êlia cũng biết nghe lời Chúa, đến giáp mặt vua Akhab và hoàng hậu Israel đang lùng bắt ông. Thiên Chúa bảo Êlia bỏ lối sống ẩn nấp giữa khe suối rừng hoang, ông đã vâng lời Chúa đến gặp Akhab. Thoạt thấy ông, Akhab nói: “Đây chính là kẻ giáng họa cho Israel”. Êlia đáp: “Không phải tôi, nhưng là chính ông giáng họa, vì ông đã bỏ lệnh truyền của Thiên Chúa, bây giờ ông hãy triệu tập dân chúng cùng 450 sư sãi thần Baal và 400 kẻ ăn nơi bàn Esabel tại núi Karmel”. Khi dân chúng đến, Êlia nói: “Cho đến bao giờ nữa, các ngươi còn khập khễnh đi hai giò? Nếu Giavê là Thiên Chúa, thì hãy theo Người; nếu là Baal thì hãy theo đi”. Rồi hai bên lập bàn thờ để chứng tỏ đâu là Thiên Chúa thật, 450 sư sãi đặt con bò trên đống củi và khấn thần Baal đem lửa đến thiêu của lễ, họ kêu suốt ngày vô ích. Còn Êlia bảo dân lấy nước đổ đẫm của lễ và đống củi, rồi ông cầu nguyện: “Lạy Giavê xin nhận lời tôi, khiến dân này nhận biết chính Người là Thiên Chúa thật, xin giáng lửa xuống thiêu của lễ với củi và cả đá bụi nữa”. Thấy thế, toàn dân sấp mặt xuống và nói: Giavê chính là Thiên Chúa. Họ đã từ bỏ Baal, đổi đời trở về tôn thờ Thiên Chúa. Nhờ đâu Abraham, Maisen, Êlia, Phaolô và dân Isarel được biến đổi như thế. Tin Mừng trả lời: Họ đã vâng lời Người.
Tất cả những ai muốn biến đổi sáng láng, muốn như Phêrô khao khát được ở trên núi vinh quang rực rỡ thì: “Hãy vâng nghe lời Người”. Mùa Chay chính là thời thuận tiện để chúng ta tập luyện vâng nghe lời Chúa dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng như Gioan, Phaolô và Giacôbê.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã biến đổi xác phàm ra xác thánh, đau khổ ra vinh quang, chết ra sống lại vinh hiển vì Người đã vâng lời Đức Chúa Cha. Xin cho con biết vâng lời Người biến đổi con người tội lỗi ra người thánh, đau khổ thành hy sinh, chúng con mới được Chúa cho đổi đời trong ánh sáng Phục sinh của Chúa.
9.Cùng bước theo Đức Giêsu
Chúng ta đang bước vào Mùa Chay, Chúa nhật thứ II. Mùa Chay thánh bắt đầu với ngày Thứ Tư lễ Tro. Trong mùa Chay, Giáo Hội muốn chúng ta trở về với Chúa, nhận ra tình yêu và ân sủng Thiên chúa ban cho để chúng ta can đảm và mạnh dạn chạy đến nương náu lòng thương xót của Thiên Chúa. Nhờ đó, tâm hồn chúng ta bình an và đời sống chúng ta đi trên đường thánh ý Chúa, yêu mến Chúa và yêu thương mọi người.
Con người luôn khát vọng biết về cùng đích của mình. Biết về cùng đích để chúng ta phân định cuộc sống và đưa ra đường lối sống thích hợp cho cùng đích ấy. Mạc khải cho chúng ta biết, chúng ta có quê hương thật là Nước Trời, nơi đó có Thiên Chúa và những người lành hiện hữu. Đó còn là nơi mà chính Con Một Thiên Chúa đã phục sinh, đi vào và mở lối cho chúng ta đi vào. Đó là nơi cùng đích của con người, là nơi con người được mời gọi "tiến vào". Tuy nhiên để tiến vào hưởng hạnh phúc đời đời trong vinh quang của Nước ấy thì trong cuộc sống thế trần này, mỗi người chúng ta phải can đảm chiến đấu với những thử thách trong thế gian, phải chạy cho hết quãng đường trần gian và giữ vững đức tin.
Khi còn sống tại thế, Đức Giêsu đã loan báo con đường khổ nạn và phục sinh. Ngài cho thấy con người chúng ta phải trải qua gian khổ như Ngài rồi mới tiến vào cuộc phục sinh. Sau khi tiên báo cuộc Thương Khó lần thứ nhất (Mt 16, 21; Mc 8, 31; Lc 9, 22) Đức Giêsu biến hình để cho ba tông đồ Phêrô, Giacôbê, Gioan thấy vinh quang phục sinh mà Ngài sẽ đạt được. Vì thế, chúng ta khám phá được một sự thật, Mùa Chay không phải là khoảng thời gian chúng ta phải đối đầu với những cám dỗ, hay cũng không phải là khoảng thời gian để chúng ta phải tự buộc mình chịu đựng những sự đau khổ mà không tìm cách tránh né. Mùa Chay đầu tiên là một sự mạc khải về thân phận, về định mệnh, trong tiến trình tự nhiên của con người, và những kinh nghiệm phải có từ ý chí bề ngoài của cuộc sống. Một trong những kinh nghiệm đó chúng ta có được về việc biến hình của Đức Giêsu, trong bài Phúc Âm theo thánh Luca hôm nay.
Thánh Luca diễn tả, đang khi cầu nguyện, diện mạo của Đức Giêsu biến đổi khác thường, diện mạo chói loà hào quang ánh sáng. Nhưng Ngài vẫn là Ngài. Ngài vẫn là Chúa Giêsu, Con của Thiên Chúa. Một quang cảnh huy hoàng của cuộc đàm đạo giữa Đức Giêsu với Môisê và Êlia, đến nỗi khi được chiêm ngắm, các môn đệ đã phải thốt lên: "Lạy Thầy, nếu chúng tôi được ở đây thì tốt lắm. Chúng tôi xin dựng ba lều, một cho Thầy, một cho Môisê và một cho Êlia" (Lc 9, 33). Họ muốn ở lại nơi họ đã được chứng kiến. Một Thầy trong vinh quang và ân sủng.
Như chúng ta biết, Môisê và Êlia là hai tiên tri Cựu ước, Môisê là người đã được Chúa tuyển chọn để đưa dân Ngài ra khỏi ách nô lệ của nước Ai Cập. Êlia là tiên tri đã được kêu gọi để làm cố vấn cho giao ước, dân Do Thái muốn chối từ những ơn Chúa. Khi đề cập đến biến cố này, các thánh sử nói rằng: ông Môsê và ông Êlia đàm đạo với Đức Giêsu (Lc 9, 33). Đức Giêsu sẽ thực hiện cái chết tại Giêrusalem. Một cái chết không phải là dấu hiệu kết thúc của công trình cứu chuộc, nhưng là một cái chết mở lối cho sự sống lại trong vinh quang trong nước Ngài. Trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, sự chết, sự sống lại và lên trời của Đức Giêsu là một, nó được thể hiện cùng một lúc trong biến cố biến hình này. Sự chết trong thân xác hay chết của nhân tính của Đức Giêsu là một sự chuẩn bị cho sự vinh quang vĩnh cửu của một đời sống khác trong thiên tính của Đức Giêsu.
Nhờ Phúc âm hôm nay, chúng ta cùng với Phêrô, Giacôbê và Gioan chứng kiến việc Đức Giêsu biến hình. Từ đó, chúng ta gia nhập vào việc khổ nạn và cuộc Phục sinh của Chúa trong những ngày sắp tới. Chúng ta ý thức rằng sự Chết và Phục Sinh, thập giá và vinh quang là hai mặt của cùng một thực tại cứu độ không thể tách rời nhau. Vinh quang mà không có khổ nạn chỉ là vinh quang của thế tục, sẽ nhạt nhòa theo năm tháng; ngược lại, khổ nạn mà không có vinh quang thì vô nghĩa và là một thất bại hoàn toàn. Do đó, sống tinh thần Mùa Chay có nghĩa là gắn bó chặt chẽ với cái Chết và sự Phục Sinh của Đức Kitô: chết đi cho con người cũ và tội lỗi, chết đi thói hư tật xấu, chết đi cho con người đối nghịch với Thập giá để cùng sống lại với Đức Kitô, Đấng có thể "biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Ngài" (Bài đọc 2). Chắc hẳn, đây chính là một quá trình đầy gian khổ nhưng cũng tràn ngập vinh quang. Có trải qua gian khó, khổ cực thì mới mong có ngày đạt vinh quang. Để có thể trung thành bước theo con đường Đức Giêsu đã sống và đã vạch ra, người Kitô hữu không thể coi nhẹ hay dửng dưng với tâm tình cầu nguyện. Chính trong giây phút cầu nguyện, chìm sâu trong cuộc gặp gỡ ân tình với Chúa Cha, Đức Giêsu đã đón nhận kế hoạch cứu độ của Cha như lẽ sống của đời mình, đây cũng là lúc Ngài biến hình vinh quang, được tỏ lộ khi Ngài chấp nhận cái chết như một phương thế tuyệt hảo để tỏ lòng vâng phục Cha và yêu thương nhân loại đến nỗi hiến dâng chính mạng sống mình. Vì thế, trong cuộc sống còn lắm vất vả và không hề thiếu vắng những cạm bẫy thử thách, chỉ có sự chuyên cần cầu nguyện, gặp gỡ Thiên Chúa và nhờ sức mạnh ơn Chúa đỡ nâng, chúng ta mới mong an tâm, không hoang mang sợ hãi nhưng chủ động và mau mắn chu toàn trách nhiệm phải thi hành. Vì thế, quê hương vĩnh cửu khởi đi ngay từ mặt đất nay, ngay hôm nay, trong chính từ cuộc sống này đòi buộc chúng ta phải xây dựng và làm cho phát triển mỗi ngày. Như thế, chúng ta hãy đi theo Đức Giêsu trên con đường khiêm tốn phục vụ anh em và can đảm kiên vững bước theo Chúa trên các nẻo đường đau thương và tử nạn thập giá với Ngài, với niềm xác tín rằng Đức Kitô Phục Sinh sẽ chia sẻ vinh quang cho các tín hữu trung thành.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con can đảm bước theo Chúa đến cùng, trên đường gian khổ của Thập giá và cũng được tham dự vào vinh quang phục sinh với Ngài. Amen.
10.Biến hình
Mùa Chay không phải chỉ là thời gian sám hối ăn năn mà còn là thời gian nhận biết bản tính và vận mạng đích thực của chúng ta ở bên kia những sự vật hữu hình, đó chính là ý nghĩa của việc Chúa biến hình hôm nay.
Thực vậy, Chúa Giêsu dẫn ba môn đệ lên núi, trong lúc Ngài biến hình thì các ông có lẽ đang ngủ và câu chuyện hình như xảy ra vào ban đêm. Đêm thường là biểu tượng của sự tối tăm khiến chúng ta không còn nhận ra cách trực tiếp những thực tại siêu nhiên.
Rồi Ngài nói chuyện với Maisen và Elia. Sự hiện diện của hai vị này cũng như câu chuyện trao đổi liên kết một cách mầu nhiệm trong thân phận con người và vinh quang của cuộc đời mai hậu. Điều này chứng tỏ rằng giữa những đau khổ ở đời này, con người sẽ được sống lại và được hưởng vinh quang của Thiên Chúa.
Sau đó tầng trời mở ra và có tiếng nói: Này là con Ta. Cảnh tượng giống như lúc Ngài chịu phép rửa bên bờ sông Giođan. Vì thế, Chúa Giêsu chịu phép rửa cũng là Chúa Giêsu biến hình. Ngài là người đầy tớ thực hiện ý định của Chúa Cha, cho nên chúng ta phải tin tưởng, lắng nghe và thực thi những điều Ngài truyền dạy.
Sự kiện biến hình trên đây cho chúng ta thấy được ý nghĩa đích thực của con người là phải qua đau khổ và sự chết để được thông phần vinh quang của Thiên Chúa. Đồng thời nó còn là bảo chứng thần linh của con người và sứ mạng của Đức Kitô, thắp lên cho mỗi người chúng ta niềm hy vọng, bởi vì sự kiện trên cho chúng ta thấy được ý nghĩa của mầu nhiệm sự chết và sống lại, cả hai liên kết mật thiết với nhau, vì trong sự chết, chúng ta sẽ tiến tới quê trời, cái chết chính là khung cửa hẹp dẫn chúng ta vào quê hương vĩnh cửu.
Lúc bấy giờ thân xác khổ đau của chúng ta sẽ được mặc lấy vinh quang của Thiên Chúa, như một con sâu cắn chiếc kén để trở thành một cánh bướm xinh đẹp. Sự thay đổi này được thực hiện nhờ vào tâm tình sám hối. Với tâm tình sám hối, thân xác tội lỗi này sẽ được chế ngự và đổi mới bởi đời sống trong ơn sủng và tình thương của Chúa.
Vì vậy, sống sự biến hình là một đòi hỏi hằng ngày của người Kitô hữu. Nói cách khác, từng ngày sống, người Kitô hữu chúng ta không ngừng lột xác, không ngừng đổi mới để được trở nên giống Đức Kitô hơn. Đây cũng là ý tưởng câu thánh Phaolô, ngài nói: Đức Kitô sẽ biến đổi thân xác khốn hèn của chúng ta cho nên đồng hình đồng dạng với thân xác vinh quang của Ngài. Đồng thời ngài rất đau buồn khi nhận thấy có những kẻ sống thù nghịch với thập giá. Hãy góp phần vào sự biến hình của chính thân xác mình bằng cách khử trừ tội lỗi, uốn nắn sửa đổi lại những thói hư tật xấu, để trong ngày sau hết chúng ta sẽ được mặc lấy ánh vinh quang của Thiên Chúa.
11.Theo Chúa đến núi Tabor - Nguyễn Hiếu
MINH HỌA LỜI CHÚA
1. Biến hình đổi dạng
Trong cuốn phim “Mặt nạ,” có chuyện cậu Rocky Dentris. Cậu mắc chứng bệnh khác thường. Do đó gương mặt cậu trông thật kinh dị lạ thường, không giống ai. Dù vậy, Rocky vẫn bằng lòng chấp nhận, không bao giờ tủi thân than oán.
Ngày nọ, Rocky đi công viên chơi với bạn. Họ vào nhà kính (nhà có bọc kính xung quanh). Họ nhìn vào kính và cười đùa chế giễu nhau về thân hình và gương mặt của nhau. Bỗng Rocky giật mình trông thấy trong kính gương mặt kỳ dị của cậu đã biến đổi thành một gương mặt đẹp đẽ lạ thường. Đây là lần đầu tiên các bạn của cậu mới thấy con người thực sự xinh đẹp bên trong của cậu được bộc lộ ra bên ngoài.
Câu chuyện đó cũng đã xảy ra cho Chúa Giê-su trong Tin Mừng hôm nay. Lần đầu tiên các tông đồ trông thấy Chúa hoàn toàn mới mẻ, sáng láng đẹp đẽ lạ thường, khiến thánh Phê-rô phấn khởi thốt lên: “Thưa Thầy, chúng con ở đây hay quá!...”
Tại sao cuộc biến hình sáng láng vinh hiển của Chúa Giê-su lại được chọn làm bài Tin Mừng trong Mùa Chay, là mùa buồn sầu ảm đạm, mùa của sám hối, chay tịnh, mà không được xếp vào bài Tin Mừng của mùa Phục Sinh, mùa mừng Chúa sống lại vinh hiển sáng láng?
Có hai lý do:
Trước hết, Chúa giúp cho các tông đồ nhận biết giá trị của mầu nhiệm từ thập giá của Người, vì các ông không hiểu, cũng chẳng chấp nhận. Chúa có chết đau khổ mới sống lại vinh quang. Có thập giá mới có ơn cứu rỗi.
Kế đến, Giáo hội chọn đọc bài Tin mừng về cuộc biến hình của Chúa Giêsu trong mùa chay, để cho chúng ta thấy rõ mối dây liên kết chặt chẽ giữa cuộc biến hình với cơn hấp hối của Chúa. Người chịu hấp hối, tâm hồn buồn rầu đến chết được" (Mt.26,38) trong vườn Cây Dầu để được biến hình sáng láng vinh hiển trên núi Ta-bor. Có hấp hối đau khổ mới có ngày biến hình đổi dạng vinh quang. Đó là bài học Chúa muốn dạy các Kitô hữu của Chúa thực hành hằng ngày, đặc biệt trong mùa Chay. Có "bỏ mình vác thánh giá hằng ngày" mới xứng đáng làm môn đệ, làm con yêu dấu và đồng thừa tự với Chúa Giêsu (Theo "Sunday Homilies").
2. Thập giá Chúa Kitô
Ở Hoa Kỳ, một trong những phi trường quốc tế lớn nhất và đầy đủ tiện nghi nhất là phi trường Pensylvania. Gần phi trường này có một ngôi thánh đường đồ sộ cao vút, nhất là có cái tháp chuông chọc trời, khiến cho mọi người sợ nguy hiểm cho máy bay mỗi khi bay lên đáp xuống. Để giúp mọi người thoát khỏi nỗi lo sợ đó, giáo dân trong xứ đã gắn trên ngọn tháp chuông một ngọn đèn ne-on thật to theo hình thánh giá. Từ đó, mỗi lần bay lên đáp xuống phi đạo, các phi công đều nhắm vào Thánh giá đó như một tiêu chuẩn bảo đảm an toàn chắc chắn...
***
Thập giá Chúa Kitô đã trở thành dấu chỉ của an toàn, của giải thoát, của hy vọng, và của sự sống cho con người. Ai muốn khỏi chết, phải nhìn lên thập giá. Ai muốn được sống, phải nhờ thập giá. Ai muốn được cứu rỗi, phải vác thập giá hằng ngày. Đó là những cuộc biến hình cao quý và cần thiết của mỗi người. (Theo "Như lòng Chúa khoan dung").
3. Cởi bỏ con người cũ
Thời lập quốc, Hoa Kỳ có ra một đạo luật: ai bị bắt quả tang trộm cắp, phải bị hình phạt khắc hai chữ S.T lên trán, để răn dạy mọi công dân. Ngày nọ có hai anh em bị bắt quả tang ăn trộm cừu. Cả hai bị xử phạt khắc hai chữ S.T. lên trán, có nghĩ đây là kẻ ăn trộm.
Một trong hai người anh em đó không chịu nỗi sỉ nhục nên trốn sang vùng đất khác. Nhưng anh không thể xóa đi hai chữ khắc trên trán. Ai nhìn thấy anh cũng tra hỏi ý nghĩa của hai chữ đó. Nhục nhã quá, anh không sống nổi nữa. Anh đã kết liễu cuộc đời mình!...
Ngược lại, người em của anh tự nhủ:
- Dù đi đâu, tôi cũng mang danh là kẻ trộm xấu xa. Tôi vẫn ở lại đây, cương quyết tái tạo lại niềm tin cho mọi người...
Với quyết tâm đó, ngày ngày anh cố gắng sống công bình chính trực, cặm cụi làm ăn sinh sống, không nhờ vả ai cũng chẳng làm thiệt hại ai, mà còn sẵn sàng giúp đỡ mọi người, nhất là những người bệnh hoạn cùng khổ chung quanh.
Chẳng bao lâu, anh được mọi người trong xứ mến phục. Nhiều người thấy anh sống công bình bác ái hơn mọi người như thế mà sao trên trán có khắc hai chữ S.T. Họ thắc mắc hỏi một cụ già về ý nghĩa hai chữ đó. Cụ trầm ngâm một lúc rồi đáp:
- Tôi cũng không rõ ý nghĩa của hai chữ đó. Nhưng nhìn vào cuộc sống của anh, tôi nghĩ hai chữ đó có nghĩa là "Thánh thiện".
***
Thế là người em trong câu truyện trên đây đã biết lột xác, thay hình đổi dạng, cởi bỏ con người cũ tội lỗi, mặc lấy con người mới hoàn hảo. Phải chăng đó là tấm gương sáng chói cho chúng ta? Phải chăng đây cũng là một cuộc biến hình sáng láng mà Chúa kêu gọi chúng ta thực hiện hằng ngày, nhất là trong mùa Chay thánh?...
4. Khu ổ chuột ở Ấn Độ
Một đêm nọ, ký giả Trey Ketler đi bách bộ xuyên qua một khu ổ chuột tại thành phố Calcutta, Ấn Độ. Thình lình ông nghe một âm thanh kỳ lạ. Ông quay lại và thấy một cậu bé ăn xin tàn tật đang lết về phía ông. Người ký giả lấy tiền lẻ trong túi và trao cho cậu bé. Không đầy một phút sau, ông lại nghe một cuộc chửi rủa inh ỏi. Ông quay lại, thấy cậu bé ăn xin tàn tật bị đám ăn xin tàn tật khác trấn lột!...
Ngày nọ, một người nữ khác cũng đến khu ổ chuột đó. Bà thấy cảnh quá nghèo khổ của khu này, bà dốc hết những gì bà có biến đổi khu này. Đầu tiên, bà chỉ cất được một phòng học cho trẻ. Tấm bảng là nền nhà, bàn ghếcũng là nền nhà. Ít năm sau tức là năm 1997, khi bà qua đời, khu ổ chuột đã có 100 trường học trang bị đầy đủ: 750 phòng phát thuốc miễn phí, 150 nhà dành cho những kẻ bị bỏ rơi, và trên 40 ngàn thiện nguyện từ khắp nơi đến trợ giúp. Người nữ đó chính là Mẹ Têrêsa Calcutta.
***
Phải chăng đó là một cuộc biến hình Chúa dùng con cái Người thực hiện.
Mùa Chay Chúa muốn chúng ta thực hiện nhiều cuộc biến hình như thế. (Theo "Ánh Sáng thế gian")
5. Nhận lỗi
Liszt là một nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng khắp nước Hungary vào cuối thế kỷ 19. Nhưng càng nổi danh ông càng bị người ta mạo danh.
Một hôm tại một thành phố bên Đức, một thiếu nữ quảng cáo buổi độc tấu dương cầm và cô ta là học trò của nhạc sĩ Liszt. Nhưng một ngày trước khi biểu diễn, cô hoảng hốt hay tin nhạc sĩ đại tài đó đến thành phố. Như thế sự mạo danh của cô sẽ bị khám phá và tương lai cô sẽ tiêu tan. Nhưng thay vì bỏ cuộc, cô đã can đảm đến gặp nhạc sĩ và thú nhận việc mạo danh của cô. Nhạc sĩ ôn tồn lắng nghe cô và dịu dàng nói:
- Cháu đã phạm một lỗi lầm. Nhưng trong đời không ai tránh được lầm lỗi. Cháu đã biết lỗi và hối hận. Điều đó tốt lắm rồi. Bây giờ cháu hãy biểu diễn thử cho bác nghe.
Cô liền ngồi lên dương cầm, biểu diễn cho ông ta nghe. Nghe xong, ông ta sửa lại những sai sót rồi nói:
- Dù bác dạy cho cháu rất ít, nhưng cháu cũng là học trò của bác. Ngày mai cháu cứ đi trình diễn và loan báo: Bác sẽ trình tấu bản cuối cùng.
***
Cách cư xử của nhạc sĩ Liszt trên đây nhắc chúng ta cách đối xử của Chúa đối với chúng ta. Những vấp váp lỗi lầm của chúng ta luôn được Chúa tha thứ sửa đổi lại cho tốt đẹp. Tất cả những thất bại khổ đau và ngay cả những vấp ngã của chúng ta cũng được Người biến đổi thành những cơ may để mời gọi chúng ta tiến bước theo Người, cùng vác thánh giá theo Người để được cùng Người sống lại vinh quang.
Mùa Chay chính là thời gian đặc biệt để chúng ta thực hiện điều đó.
(Theo "Phút cầu nguyện cuối ngày", tập II).
6. Một cuộc hoán cải lạ lùng
Trong một nhà giam các tù nhân trọng án, có một tù nhân khét tiếng hung ác tên là SITA ĐÊLI (Starr Daily). Anh ta vào tù ra khám nhiều lần vì tội say sỉn đánh lộn làm mất an ninh trật tự xã hội. Trong lần tuyên án thứ năm, quan tòa đã tuyên bố: “Chúng tôi biết rằng có bắt anh ở tù thêm cũng chẳng có kết quả. Phải nói thật là: chúng tôi hoàn toàn thất vọng về anh! Nhưng chúng tôi không thể không tuyên án cho anh. Lần này anh bị phạt tù giam 10 năm”.
Sau khi vào nhà tù, Đêli vẫn tỏ thái độ ngoan cố và còn coi thường kỷ luật nhà tù hơn trước. Anh thường hay đánh đập các bạn tù và phản đối lại cai tù, đến nỗi anh bị biệt giam trong một căn hầm tối dơ bẩn đầy gián hôi và lũ chuột cống... Một hôm, khi đang nằm ngủ trên nền gạch lạnh giá, đột nhiên Đêli nghe có tiếng nói như sau: “Hỡi Đêli, tại sao mi lại bị nhốt riêng trong căn hầm khủng khiếp này? Tại sao mọi người đều thù ghét mi? Tại sao mi không dùng sức khỏe để phục vụ mà cứ tiếp tục làm điều ác chống lại kẻ khác như thế? ”... Tư tưởng này đã đánh động tâm hồn khiến Đêli nhiều phen suy nghĩ. Rồi một đêm kia Đêli đã gặp được Đức Giêsu trong giấc mơ, Đấng mà anh đã xua đuổi ra khỏi cuộc đời anh từ khi mười hai tuổi. Cũng từ đây, hình ảnh của Đức Giêsu thường xuyên xuất hiện trong tâm trí anh. Anh mơ thấy Người đến bên âu yếm nhìn và nói với anh những lời mà anh đã từng thuộc lòng khi còn bé: “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin mừng”, “Hãy yêu thương kẻ khác như yêu chính mình ngươi”... Anh cảm thấy tâm hồn được bình an mà từ trước đến nay chưa khi nào được hưởng. Rồi khuôn mặt của những kẻ đã từng bị anh hãm hại lần lượt xuất hiện trong tâm trí khiến anh rất hối hận. Lần đầu tiên, anh đã mở miệng cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội” (Lc 18,13).
Cảm nghiệm ấy đã biến Đêli từ một người hung ác gian tham và thù hận, trở thành một người đầy độ lượng nhân ái! Sự biến đổi nội tâm khiến Đêli không còn la hét đập phá như trước, Các nhân viên cai ngục đã nhận ra có sự thay đổi rõ rệt xảy ra nơi anh, họ cho phép anh được trở lại trại giam thường phạm. Tại đây anh bắt đầu đối xử tốt với các bạn tù: Anh luôn bênh vực những người mới đến, nên dần dần anh được mọi người trong trại quý mến. Rồi anh được giảm án tù từ mười xuống còn 5 năm. Mãn hạn tù, anh gia nhập vào “Nhóm cải thiện chế độ lao tù”. Cùng với cha tuyên úy và các bạn, Đêli đi thăm và động viên các tù nhân còn bị giam và khuyên họ hãy học tập cải tạo tốt. Nhờ đó nhiều bạn tù đã sớm được về đoàn tụ với gia đình. Linh mục Pitơ Mácsôn (Peter Marshall) đã bình luận về sự hóan cải của Đêli như sau: “Đây là một bằng chứng sống động cho thấy: Sita Đêli không chỉ là một người cũ được tân trang lại, nhưng chính là một tạo vật hoàn toàn mới của Thiên Chúa!”
Biến hình lời nói
Biến hình việc làm, lối suy nghĩ
Biến hình tình thương # ghen ghét
Biến hình tránh tội lỗi
Biến hình là năng chịu bí tích nhất là phép giải tội.
Biến hình là không lân la đến dịp tội (LeoV)
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam