Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 58
Tổng truy cập: 1365625
TÍN THÁC NƠI THIÊN CHÚA
TÍN THÁC NƠI THIÊN CHÚA
(Trích trong ‘Suy Niệm Lời Chúa’ – Radio Veritas Asia)
Rít Rítpphai Vô-đơn-Spring là một mục sư phục vụ một bệnh viện làng Bethel, ở miền Bắc Palestin. Ông là người đạo đức. Có một bận, y sĩ trưởng phòng giải phẫu cùng với vị phụ tá đến báo tin cho ông biết tình trạng thất vọng của một bệnh nhân, mà họ đã giải phẫn không lâu. Mục sư Vô-đơn-Spring hỏi:
- Bác sĩ đã cầu nguyện cho bệnh nhân được tai qua nạn khỏi chưa?
Vị y sĩ trưởng phòng giải phẫu và y tá mỉm cười kín đáo mà không trả lời. Mục sư Vô-đơn-Spring nhận ra điều đó và nói:
- Nghĩa là chưa. Thôi được rồi, tôi muốn bàn chuyện này với Chúa.
Vậy là trong một giờ liên tiếp, mục sư quỳ sụp xuống trong phòng, ông cầu nguyện với tất cả tâm hồn. Sau đó đến phòng người bệnh trầm trọng ấy. Vừa thấy ông, cô y tá đã vội vàng nói:
- Đã từ nửa giờ bệnh nhân thấy đỡ hơn.
Vài tuần sau đó bênh nhân lành hẳn. Bác sĩ trưởng phòng giải phẫu đến gặp mục sư và nói:
- Thưa mục sư, tôi sẽ không bao giờ mỉm cười nghi ngờ nữa.
Thái độ của mục sư Vô-đơn-Spring hoàn toàn tin tưởng phó thác mọi sự cho Thiên Chúa quan phòng có thể giúp chúng ta hiểu được các sứ điệp Chúa nhật hôm nay.
Tin có nghĩa là hoàn toàn tín thác nơi Thiên Chúa và sẵn sàng nhắm mắt đưa chân bước vào cuộc phiêu lưu mạo hiểm với Ngài. Đoạn 12-25 sách Khởi Nguyên kể lại cuộc đời của Abraham và cho chúng ta thấy một khúc rẽ mới trong lịch sử cứu độ. Sau khi loài người phạm tội chặn đứng tương quan tâm tình với Thiên Chúa và đánh mất đi cuộc sống hạnh phúc của mình, Thiên Chúa lại tìm ra mối dây liên hệ mới qua việc tuyển chọn Abraham và khiến ông trở thành cha của một nhân loại mới. Các trình thuật này của tổ phụ Abraham bao gồm hai nguồn truyền thống văn chương khác nhau với cách diễn tả và quan niệm thần học riêng.
- Truyền thống Giavít: biên soạn ở vương quốc miền Nam, thế kỷ IX trước Tây lịch, trong đó Giavê là tên gọi của Thiên Chúa. Truyền thống này luôn coi Thiên Chúa là người đối thoại chân tình với tổ phụ Abraham và với loài người. Soạn giả Giavít dùng thuật hành văn nhân hình để miêu tả Thiên Chúa. Nghĩa là ông cho thấy Thiên Chúa có kiểu cách nói năng và hành xử y như một người. Ngài nói chuyện đối thoại, hoạch định chương trình, ngồi ăn uống với tổ phụ Abraham. Ngài chấp nhận sự tiếp đón của ông chân tình như một người bạn. Ngài sẵn sàng làm mọi sự cho Abraham, ban cho ông một người con ông hằng mong ước, một vùng đất làm gia nghiệp và một dân tộc. Ngài sẵn sàng làm cho ông trở thành danh tiếng, thành tổ phụ của một dòng dõi đông đúc. Sẽ đặt tên cho ông một tên mới, vừa diễn tả sự kiện ấy vừa nói lên sự liên hệ của ông với Ngài. Do đó khi đọc lại các văn bản Kinh Thánh, chúng ta cũng phải khám phá ra tình bạn hữu ấy của Thiên Chúa và mối dây liên hệ thân tình của Ngài đối với chúng ta.
- Truyền thống văn chương tại vương quốc miền Bắc vào thế kỷ thứ VIII trước Tây lịch gọi là Êlohít. Vì trong các văn bản này tác giả gọi Thiên Chúa là Êlohim. Truyền thống này nêu rõ lòng tin và sự sống lòng tin của tổ phụ Abraham hay cũng còn gọi là sự công chính của Abraham. Lòng tin là một thực tại giàu ánh sáng và tương lai, nhưng con người hay nghi ngờ như Ađam, hình ảnh diễn tả toàn nhân loại đã nghi ngờ. Abraham trái lại đã tín thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa, tin vào các lời Ngài hứa và tương lai mà Thiên Chúa hoạch định ra cho ông, ngay khi mà ông chưa có được gì cả. Chính thái độ ký thác hoàn toàn này khiến Abraham thành mẫu gương và là cha của những người có lòng tin thuộc mọi thời đại. Aman từ đó phát sinh ra tiếng Amen mà chúng ta thường dùng để kết thúc một lời nguyện là động từ "tin" trong tiếng Do Thái, nhưng nó có nghĩa gốc là cậy dựa trên, dựa vào. Tin như thế có nghĩa là chỉ cậy dựa vào Thiên Chúa và lời Thiên Chúa mà thôi.
16,5-12.17-18 sách Khởi Nguyên bao gồm cả hai truyền thống kể trên. Trình thuật kết thúc với nghi thức cổ xưa của giao ước mà Thiên Chúa đã ký kết với tổ phụ Abraham. Hai bên ký kết các giao ước để giữa các thú vật được chặt đôi nhằm khẳng định, bên nào không thực hiện giao ước thì cũng sẽ chịu một số phận như vậy. Tin như tổ phụ Abraham nghĩa là tín thác bước đi theo chương trình Thiên Chúa đề nghị với chúng ta. Một chương trình bí nhiệm khác với những gì chúng ta tưởng nghĩ và mong ước. Tin có nghĩa là sẵn sàng ra khỏi môi trường sống đảm bảo, ra khỏi những thói quen, kiểu cách sống qui ước của loài người. Tin có nghĩa là đưa ra nắm chặt lấy bàn tay của Chúa để cho Ngài hướng dẫn và bước đi theo Ngài. Đó cũng là ý nghĩa của trình thuật Chúa Giêsu biến hình trên núi trong 9,28-36 của thánh Luca.
Đối với dân Do Thái, Môisê và Êlia là hai gương mặt diễn tả tất cả Kinh Thánh, diễn tả tất cả Lời Chúa mà tín hữu cần phải biết lắng nghe và đem ra thực hành mỗi ngày. Qua biến cố biến hình, Thiên Chúa không chỉ mời gọi chúng ta biết lắng nghe và sống Lời Ngài hứa là Tin Mừng của Chúa Giêsu, mà còn biết thoát ly khỏi những gì ràng buộc ngăn cản chúng ta không cho bước vào cuộc sống thần thiêng sáng láng với Ngài nữa.
Qua biến cố biến hình, Chúa muốn cho ba môn đồ thân tín thấy rằng: sau con đường tiến về Giêrusalem dẫn Ngài tiến đến cái chết trên thập giá, là ánh sáng rạng ngời của cuộc sống. Trong Kinh Thánh hình ảnh cái lều diễn tả cuộc sống vô định nay đây mai đó của dân du mục. Do đó thái độ của Phêrô muốn dựng 3 lều ở trên núi Tabor mà không hiểu sâu hơn nữa có nghĩa là, Phêrô muốn biến cái tạm bợ trở thành vĩnh cửu để khỏi phải đương đầu với con đường thập giá và khổ đau. Thái độ đó là kiểu cách thiếu lòng tin. Vì đó là một cách tránh né chương trình vào con đường của Thiên Chúa. Thái độ này bị thánh Phaolô gọi là cách hành xử đặc thù của những kẻ thù nghịch với thập giá Chúa Kitô.
Trong thư gởi giáo đoàn Philipphê 3,17-4,1 thánh nhân khuyến khích mọi người bắt chước ngài và theo gương các anh chị em có lòng tin vững mạnh, sống phù hợp với giáo huấn Tin Mừng của Chúa. Thánh Phaolô không tự cho mình là người hoàn thiện, vì Ngài cũng đang phải chiến đấu với thân xác yếu hèn của chính mình, với mọi đam mê và chước cám dỗ như tất cả mọi Kitô hữu khác. Cũng như mọi người, ngài đang chạy đua với hết sức lực mình để đạt đích. Thánh Phaolô cũng không khuyên nhủ tín hữu tôn thờ thần tượng một ai đó trong cộng đoàn. Bởi vì những người này cũng đang chạy đua và cố gắng như mọi người khác, chiến đấu với những thiếu sót bất toàn và tội lỗi của họ, và bởi vì vị thầy duy nhất đáng tôn thờ là chính Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu Kitô là mẫu gương duy nhất cần phải theo và Tin Mừng của Ngài là kim chỉ nam duy nhất có thể đảm bảo cho con thuyền cuộc đời của người tín hữu đến bến bình an. Khi khuyến khích tín hữu cộng đoàn Philipphê bắt chước mình, thánh Phaolô mời cố gắng chạy, cố gắng chiến đấu như ngài, luôn hướng tấm lòng về tới đích cuộc đời là Thiên Chúa, là hạnh phúc mai sau. Đừng để các thú vui mau qua của đời này níu kéo mà khiến cho họ quên đi mục đích tối hậu của cuộc sống là ơn gọi Kitô.
Nói cách khác, thánh nhân nhắc nhở cho chúng ta biết rằng cuộc sống của chúng ta trên trần gian này là cuộc hành trình tiến về quê hương vĩnh cửu, là quê trời nơi Thiên Chúa đang chờ đón để ban cho chúng ta cuộc sống thần thiêng vĩnh cửu. Do đó phải luôn biết ý thức và tỉnh thức, đừng để cho các thú vật chất hay bất cứ thứ gì trên đời này trói buộc và cầm chân chúng ta. Ngoài ra, thánh nhân cũng khuyến khích tín hữu cũng noi gương ngài không chạy theo các điều luật, các cấm đoán tỉ mỉ và các hình thức lễ nghi bề ngoài, mà chỉ lấy Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh làm chỉ huy duy nhất và làm bánh lái sống lòng tin mà thôi.
44.Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
TABORÊ - MỘT THOÁNG VINH QUANG THIÊN GIỚI
Cũng vào dịp đầu Mùa Chay này năm trước, người CGVN khắp nơi, đặc biệt ở Giáo phận Xuân Lộc đang xôn xao về hiện tượng Đức Mẹ hiển dung tại Giáo xứ Bạch Lâm, thuộc Giáo hạt Gia Kiệm. Sự thật đến đâu, xin để cho giáo quyền xác nhận. Tuy nhiên, rất nhiều người chứng kiện hiện tượng đã chia sẻ những cảm nghiệm chung như sau:
Nếu ai đã trơng thấy sự kiện thay đổi dung nhan nơi Thánh tượng Đức Mẹ Bạch lâm thì đều mang một tấm lịng yếu mến nồng nàn đối với Đức Trinh Nữ Maria. Tất cả những ai đã một lần gặp được khuôn mặt kiều diễm của Mẹ sau nhiều ngày đêm thao thức thì lại thấy trong lịng vang lên tiếng mời gọi đến gặp Mẹ nhiều hơn. Tất cả những ai gặp khuơn mặt thánh thiện của Mẹ thị đều run sợ và nhận ra thân phận tội lỗi của mình để xin sự thứ tha của Chúa và để bắt đầu lại cuộc sống của mình.
Câu chuyện về Đức Mẹ Bạch lâm Hiển dung và những cảm nghiệm về hiện tượng đó có lẽ cũng gợi lại cho chúng ta câu chuyện về biến cố Chúa Giêsu hiển dung cách đây hơn 2000 năm. Vậy thì đâu là ý nghĩa của biến cố Chúa Giêsu hiển dung?
- Trước hết, biến cố hiển dung là biến cố chứng thực cho sự sống sau cái chết.
Quan niệm của người Dothái về sự sống lại, và sự sống sau cái chết vẫn còn có nhiều bất đồng và mơ hồ. Thậm chí nhóm Sađốc còn chủ trương không tin là có sự sống lại. Tuy nhiên, trong biến cố hiển dung, sự xuất hiện rạng ngời vinh hiển của hai nhân vật quá cố thời Cựu ước xa xưa là Môisê và Êlia, như một bằng chứng hiển nhiên và chắc chắn nói cho các môn đệ rằng có sự sống lại và sự sống sau cái chết. Nói cách khác, qua biến cố hiển dung các môn đệ có thể khẳng định một cách không sai lầm rằng có thế giới bên kia, và hai vị đại tiên tri đang sống hạnh phúc trong thế giới đó.
- Thứ đến, biến cố hiển dung là biến cố biểu lộ vinh quang thần tính của Đức Kitô.
Trong cuộc sống thường nhật, Chúa Giêsu thường chỉ biểu lộ nhân tính của Ngài là một con người như mọi người ngoại trừ tội lỗi. Còn thần tính của Ngài vẫn còn ẩn dấu. Thế nhưng, qua biến cố hiển dung, vinh quang Thiên Chúa, tức thần tính của Đức Giêsu tỏ hiện rõ nét và rạng ngời. Rõ nét đến độ, thánh Mathêu mô tả là các môn đệ choáng ngợp, té sấp mặt xuống đất: "Dung nhan Ngài chói lọi như mặt trời, y phục Ngài trắng sáng như sơn tuyết". Rạng ngời đến độ các môn đệ chỉ còn muốn sống mãi trên núi với Chúa mà thôi. Chính thánh Phêrô xác nhận điều này: Lạy Thầy, chúng con ở đây thì tuyệt cú mèo rồi. Nếu Thầy muốn, con xin làm 3 lều..... Rõ ràng nếu các môn đệ không nhìn thấy vinh quang thần tính của Đức Giêsu thì các ông không thể có những phản ứng như thế. Dù vinh quang ấy chỉ một thoáng thôi cũng đủ làm cho các môn đệ ngây ngất cõi lòng.
- Sau nữa, biến cố hiển dung còn là biến cố khích lệ niềm tin cho các môn đệ trước viễn tượng cuộc thương khó của Chúa Giêsu.
Ta thấy rằng khi Chúa Giêsu bị bắt thì ít là có 2 trong 3 môn đệ đã từng chứng kiến biến cố hiển dung đã không bỏ trốn như các môn đệ khác. Điều này chứng tỏ niềm tin của 3 môn đệ này được củng cố rất nhiều, nhờ thấy trước vinh quang phục sinh của Đức Giêsu. Đối tượng cụ thể của niềm tin đó chính là Đức Kitô, Con Một Yêu Dấu của Chúa Cha trên trời. Và vì tin vào Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, là Con Thiên Chúa, các ông cần phải lắng nghe lời dạy của Ngài: "Đây là Con Ta yêu dấu. Các Ngươi hãy nghe lời Ngài". "Lời Ngài" mà Chúa Cha muốn nói ở đây là lời Chúa Giêsu loan báo về cuộc thương khó tử nạn và phục sinh của Người. Lời Ngài ở đây là lời tiên báo về sự bắt bớ, tra tấn, đánh đập và bị giết chết nhục nhã trên Thánh Giá. Nghe để không bị chao đảo, nghe để không bị mất đức tin trước những thử thách nặng nề như thế.
Khi tái khám phá những ý nghĩa của biến cố hiển dung, chúng ta được mời gọi điều gì? Chúng ta được mời gọi mỗi khi đối diện với những bế tắc, nghiệt ngã trong cuộc sống vô thường ở đời này, hãy chiêm ngắm biến cố hiển dung để hy vọng, để cậy trông vào một cuộc sống vĩnh phúc đích thực mai sau. Sau nữa chúng ta còn được gọi mời khi gặp những đau thương thử thách của thập giá, hãy hướng lòng trí lên Đức Kitô vinh quang trên núi Taborê để được khuyến lệ, để được vấn an hầu có thể vượt qua những thử thách đau thương trong cuộc đời này.
45.Chúa biến hình - Cao Huy Hoàng
Giáo Hội là Mẹ Thánh Thiện. Phụng vụ trong Giáo Hội là con đường đưa dẫn mọi thành phần dân Chúa vươn đến đích thánh thiện tuyệt đối. Vì thế, khi khai mạc Mùa Chay Thánh với Thứ Tư Lễ Tro, Giáo Hội nhắc nhớ tôi về thân phận con người phải trở về với tro bụi, và Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay cảnh báo con người phải tỉnh thức trước những cơn cám dỗ để chiến đấu và chiến thắng, thì hôm nay, Chúa nhật thứ hai Mùa Chay, xây dựng cho con cái Giáo Hội một niềm tin, một niềm hy vọng vững chắc về một tương lai phục sinh vinh hiển. Hạt bụi vô danh kia, chút tàn tro bé bỏng ấy, không còn là nỗi ám ảnh kinh hoàng cho thân phận con người nữa, nhưng chính hạt bụi vô danh ấy, chút tàn tro bé nhỏ ấy, là con đường để con người ta biến hình nên sáng láng rực rở trong một thế giới mà không còn cái goi là thời gian chế ngự.
Đức Kitô mặc khải Thần Tính
Suốt những ngày theo chân Đức Ki tô, trong lòng các môn đệ luôn ấp ủ những vinh hoa trần thế. Đức Ki tô là con nguời thật. Vì thế, họ có quyền nghĩ đến một một Vua Ki tô khôi phục lại giang san, và chính họ, sẽ phải hưởng được một phần vinh quang của Ngài. Nhưng không, hôm nay Đức Ki tô đã cho họ thấy tận mắt dung mạo rực rỡ của Ngài là Con Thiên Chúa thật. Hai bản tính trong cùng một con người, trong cùng một thân xác, mà bản tính Thiên Chúa đã làm cho họ ngây ngất và sung sướng đến mức thánh Phêrô phải thốt lên " Lạy Thầy ở đây thì tốt lắm..." mà thánh Luca nhận định là "ông nói mà không biết mình nói gì" (Luc 9,33). Và lúc ấy, chính Thiên Chúa Cha xác nhận:"Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, các ngươi hãy nghe Lời Người" (Luc 9, 35) để cũng cố thêm niềm tin đã được mặc khải.
Nhưng, dung mạo sáng láng ấy chỉ lóe lên một thoáng để xây dựng nơi ba vị tông đồ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan một niềm tin chắc chắn vào Đức Giêsu Ki tô là Con Thiên Chúa thật. Ngài đã không mang dung mạo sáng láng huy hoàng ấy vào công cuộc cứu thế, nhưng ngược lại, Ngài mặc lấy dung mạo của con người thấp hèn nhất, đúng như Thánh Vịnh 30 đã nói: " Tôi trở nên đồ ô nhục đối với những người thù, nên trò cười cho khách lân bang, và mối lo sợ cho người quen biết- gặp tôi ngoài đường, họ tránh xa tôi. Tôi bị người ta quên, không để ý tới, dường như đã chết. Tôi trở nên như cái bình bị vỡ tan." (Tv. 30, 12-13). Đúng vậy, không lưu lại trên Núi Tabor- nơi Cha Con dạt dào thương mến, không giữ lại sự hiển vinh chói lói- thần tính nguyên sơ của Ngài, Ngài đã đưa các tông đồ xuống núi để đi vào cuộc thương khó vĩ đại nhất, mà cho đến hôm nay, sau hai ngàn năm, không có cuộc thương khó nào, không có đau khổ nào, không có sự trừng phạt nào, không có án tử nào của con người có thể sánh nỗi- cuộc thương khó dẫn đến cái chết của một con người thật-chết thật, tro bụi thật. Nhưng thần tính của Ngôi Vị Thiên Chúa đã phục sinh thân xác hư nát, thành thân xác vinh hiển chói ngời như thân xác mà các tông đồ đã chiêm ngưỡng trên núi Tabor hôm ấy.
Bài học "trở nên đồ vô dụng".
Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa uy quyền đã trở nên thành phần thấp hèn nhất trong thiên hạ, đã chấp nhận trở thành vô dụng, để cho ý định cứu chuộc nhân loại của Thiên Chúa Cha được thực hiện cách hoàn hảo nhất nơi chính "cốt nhục" của Người, Người Con Chí ái. Vì hoàn toàn để cho "Ý Cha thể hiện" nên Ngài đã tuân phục thánh ý Chúa Cha cách triệt để, phó thác hoàn toàn trong tay Cha, Ngài đã trải qua những đau khổ kinh khiếp nhất của đời người, nhờ sức mạnh của sự tuân phục mang tính thần tính là nội lực ở bên trong một thân xác phàm trần yếu đuối, mỏng dòn...
Bài học "trở nên đồ vô dụng" đối với mỗi con người luôn luôn là một bài học khó. Nhưng hôm nay, Chúa Giêsu biến hình thân xác Người, cho tôi một chìa khóa để có thể tiếp thu bài học ấy. Chỉ có lòng khiêm hạ chấp nhận để cho Thiên Chúa thực hiện ý định của Ngài trong tôi, trong bạn, trong mỗi con người chúng ta, thì chúng ta mới có thể hóa giải thân xác yếu hèn nầy nên thân xác vinh hiển, thân xác phục sinh. Không phải chờ đến lúc da mồi tóc bạc, nằm im bất động trên giường, trả lại cho đời bao nhiêu bằng cấp, bao nhiêu của cải bạc vàng... mới thấy mình là người vô dụng, nhưng phải hiểu là chúng ta đã vô dụng ngay trong mỗi thành công rực rỡ trong đời, vì tất cả đều là sự thể hiện của Thánh Ý Thiên Chúa.
Bài Giáo Lý cuối cùng của đời người Công Giáo: "Tôi tin xác loài người sẽ sống lại"
- Đứng trước thi hài của Mẹ, người con cả thưa với Mẹ: " Mẹ thân yêu của chúng con, chính qua thân xác nầy mà chúng con đón nhận bao nhiêu ơn lộc của Thiên Chúa, ơn được làm người, ơn được biết Thiên Chúa, được làm con cái thiên Chúa... Vì chính thân xác mẹ đã cộng tác với chương trình của Thiên Chúa trên đường thương khó với Chúa Giêsu để yêu thương và phục vụ chúng con hết mình. Chúng con tin, thân xác mẹ sẽ vinh hiển sáng láng trong nước Chúa. Nguyện xin Chúa thương tha các lầm lỗi cho Mẹ, và sớm cho Mẹ phục sinh vinh hiển".
- Một người bạn tôi, Anh Nguyễn Văn Úy, hơn 30 năm tận lực làm ca trưởng ca đoàn Giáo Xứ Hòa Nghĩa, Cam Ranh, đang lâm bệnh nặng, nằm cấp cứu ở Bệnh viện Nha Trang, có thể phải chạy thận để kéo dài sự sống- cách đây vài hôm đã nói với anh em: "Những gì mình đã nỗ lực, đã cống hiến cho Ca đoàn, cho Giáo Xứ, cho gia đình, đều là của Chúa, không có gì của mình cả. Xin Chúa thực hiện tiếp những gì Ngài muốn nơi mình".
- Chúa Giêsu biến hình, là niềm hy vọng của mỗi người công giáo chúng tôi. Nhưng không hẳn thân xác nào cũng "sống lại và sáng láng vinh hiển" như thân xác biến hình của Chúa Giêsu, vì hạnh phúc ấy, chỉ dành cho những thân xác đã hoàn toàn trở nên "vô dụng" cho Thánh Ý Thiên Chúa, thân xác đã "Nghe và thực hiện Lời Thiên Chúa, thân xác đã tan nát dập vùi vì yêu thương và phục vụ như chính Đức Giêsu Yêu Thương-Phục Vụ. Chính niềm tin và niềm hy vọng biến hình, hạt bụi vô danh kia, tàn tro bé bỏng ấy... không còn là nỗi ám ảnh kinh hoàng, để phải thốt lên giai điệu bi thảm "hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi..." (Trịnh Công Sơn)
Lạy Chúa Giêsu biến hình, xin cho chúng con biết quên mình, chấp nhận hy sinh để yêu thương và phục vụ Chúa, phục vụ tha nhân như ý Chúa muốn.
46.Những câu chuyện biến hình
(Suy niệm của Lm Phêrô Bùi Quang Tuấn)
Tác giả cuốn sách The Seven Habits of Highly Effective People (“Bảy Thói Quen Của Người Làm Việc Có Hiệu Quả”), Steve Covey, trên một chuyến xe điện ngầm tại thành phố New York vào một sáng Chúa nhật, đã thu được một kinh nghiệm sống rất quí như sau. Steve kể:
Mọi người ngồi yên lặng. Vài kẻ đang đọc báo. Số khác đang chập chờn ru giấc ngủ. Số khác nữa đang suy nghĩ miên man. Thật là một cảnh yên tĩnh, thanh bình.
Tàu dừng lại tại một nhà ga. Một người đàn ông và mấy đứa nhỏ, có lẽ là con ông ta, bước lên. Lập tức bầu khí yên bình bị phá tan. Những đứa bé la hét om sòm. Chúng vất đồ đạc qua lại. Thậm chí còn lấy báo của người khác vò lại ném nhau. Thật là phiền hà hết sức! Nhưng sao người cha của mấy đứa bé kia lại không có phản ứng nào?
Steve cảm thấy bực bội khó chịu trước thái độ của cha con những người khách mới. Anh ta không thể hình dung ra được trên đời này lại có những kẻ vô cảm và vô tâm như gã đàn ông kia. Con cái quậy phá làm phiền biết bao nhiêu người, thế mà vẫn cứ ngồi im. Steve quan sát và thấy nhiều hành khách khác cũng có vài nếp nhăn khó chịu.
Cuối cùng, khi sức kiên nhẫn đã vượt mức tối đa, Steve bèn lên tiếng với người bố: “Thưa ông, con ông đang làm phiền nhiều người lắm đấy. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy ông không làm gì để kiềm chế chúng một chút.” Người đàn ông nhướng mắt nhìn Steve như vừa sực tỉnh lại từ một ưu trầm lắng. Nén tiếng thở dài, ông ta nói: “Tôi thành thật xin lỗi. Tôi cũng không biết phải làm sao. Chúng tôi mới rời khỏi bệnh viện nơi mẹ chúng nó vừa qua đời cách đây một giờ. Tôi suy nghĩ mãi mà không biết cuộc đời rồi đây sẽ ra sao khi không còn nhà tôi, và chắc là chúng nó cũng không biết chịu đựng thế nào khi chẳng còn có mẹ.”
Steve kết luận bài viết của mình: “Bạn có thể tưởng tượng được cảm giác của tôi lúc đó như thế nào không? Ngay lập tức tôi thấy mọi sự đổi khác. Vì thấy mọi sự đổi khác nên thái độ của tôi cũng đổi theo. Cơn khó chịu bực bội trong tôi biến mất. Thay vào đó là niềm cảm thông cho nỗi đau của người chồng mất vợ và những đứa con mất mẹ.”
Nhờ “thấy” được chiều sâu tâm hồn của cha con người đồng hành mà Steve đã thắng vượt những khó chịu bực bội trong mình, và sau đó đã đến với họ bằng tâm tình cởi mở chân thành. Phải chăng trong đời sống, người ta cũng cần có con mắt nội tâm để “thấy” được nền tảng và ý nghĩa của cuộc đời hầu có những thái độ và cách sống thích hợp? Phải chăng nhờ sự biến hình trên núi Tabor, các môn đệ đã “thấy” được hình ảnh phục sinh vinh quang của Đức Giêsu, để từ đó họ bớt nao núng khi bước vào nẻo đường thánh giá và đón nhận khổ nạn với Ngài? Phải chăng đời ta và đời người cũng cần những giây phút biến hình để dung nhan Thiên Chúa, trong tha nhân và nơi mình tôi, được bừng sáng, đón nhận, và tin yêu hơn?
Trong một bài báo tự thuật, Malcolm Muggeridge có kể lại việc nhóm chuyên viên truyền hình của anh ta cố gắng thực hiện một bộ phim tài liệu về Mẹ Têrêsa Calcutta.
Họ muốn quay cảnh mẹ cùng các chị nữ tu Bác ái đang làm việc trong căn nhà Hấp Hối, bên cạnh những kẻ sắp từ biệt cõi đời. Thế nhưng nhóm của Malcolm đã gặp phải một vấn đề khó khăn: căn phòng họ tính quay phim hơi tối, không đủ ánh sáng cần thiết cho việc thâu hình, mà trong nhà lại không có một ổ cắm điện nào cả.
Tuy nhiên, sau khi bàn thảo, họ quyết định cứ tiến hành thu hình trong cảnh tranh sáng tranh tối của căn phòng Hấp Hối.
Nhưng rồi, kết quả, trước bao cặp mắt ngạc nhiên, những thước phim thâu được lại tuyệt vời quá sức tưởng tượng. Ánh sáng trong các hình ảnh đạt đến mức độ hoàn hảo. Dường như đã có một luồng sáng ấm dịu nào đó phát ra trong lúc họ đang quay phim.
Malcolm, người mà sau này trở thành một Kitô hữu, lúc bấy giờ đã bị thuyết phục hoàn toàn với ý nghĩ là ánh sáng đã phát ra từ tình thương mà người ta có thể bắt gặp khắp nơi trong căn nhà Hấp Hối kia. Malcolm viết lại trong nhật ký của mình: “Chính tình yêu đã chiếu sáng, một thứ ánh sáng giống như hào quang trên đầu các thánh mà tôi từng được xem thấy.”
Phải chăng đó cũng là thứ ánh sáng mà Đức Giêsu đã tỏ cho ba môn đệ thân tín là Phêrô, Gioan và Giacobê khi Ngài biến hình trước mặt các ông? Trong cuộc biến hình này, các môn đệ được nghe một lời phán bảo: “Đây là Con Ta yêu dấu, kẻ Ta đã chọn, các ngươi hãy nghe lời Ngài” (Lc 9:35). Trong chương kế tiếp, Thánh sử Luca đã khéo léo trình bày việc “nghe lời” Đức Giêsu không gì khác hơn là ra đi rao giảng Tin mừng Tình thương. Chương 10 đã kể việc Chúa sai 72 môn đệ lên đường truyền giáo, đồng thời cũng làm nổi bật giáo lý của Đấng Cứu Thế qua câu hỏi “giới răn nào trọng nhất” của một luật sĩ và qua câu chuyện “Người Samari Nhân Hậu” như những minh hoạ cho giáo lý yêu thương.
Cao điểm của cuộc biến hình là lời mời gọi “Hãy nghe Ngài”. “Nghe Ngài” là để tiếp nối những cuộc biến hình khác, giữa cuộc đời này, bằng tình yêu. Chính nhờ tình yêu mà Mẹ Têrêsa đã biến những thân xác tanh hôi, đau yếu, bị bỏ rơi, nên những con người có đầy đủ phẩm giá và đáng tôn trọng. Chính nhờ tình yêu mà mẹ đã biến đổi tâm hồn của Malcolm, một kẻ “coi trời bằng vung”, nên cung điện tươi xinh cho Thiên Chúa ngự trị.
Không phải Chúa Giêsu đã từng nói: “Chính nơi điều này mà mọi người sẽ biết các ngươi là môn đệ của Ta: ấy là các ngươi có lòng mến thương nhau” (Ga 13:35)? Chính với yêu thương, cảm thông, cứu giúp, chia sẻ mà tha nhân thấy được dung mạo của Đức Kitô trong cuộc đời của bạn và tôi.
Ước gì tình yêu thương nhau sẽ biến hình đời ta và biến đổi đời người. Ước gì tình yêu đó cũng giúp ta thắng vượt bao gian nan, trắc trở, và khổ giá trên đường đời, để tiến đến một ngày Phục sinh tươi sáng.
47.Rất sáng và rất ngắn
(Suy niệm của Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm)
Trong thánh lễ cưới, cô dâu thường mặc áo trắng, hoặc soirée trắng hoặc áo dài trắng với voile phủ đầu cũng trắng. Nhưng màu trắng đó khi gặp bóng chiều buông xuống – nếu lễ cưới vào buổi chiều. Hoặc như mấy nhà thờ quê, lễ cưới vào giấc 4:30 hay 5 giờ sáng, gọi là sáng, nhưng trời còn tối. Ngoài trời tối mà trong nhà thờ, đèn có sáng mấy cũng không đủ làm cho màu trắng áo cô dâu sáng lên được. Chỉ thỉnh thoảng khi ánh đèn flash của máy ảnh loé lên để ghi hình cô dâu chú rể, thì màu trắng của y phục cô dâu mới thật là trắng. Đèn flash bật lên rất sáng và cũng rất ngắn.
Cuộc hiển dung của Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay cũng rất sáng và cũng rất ngắn.
Sáng đến độ diện mạo Chúa biến đổi khác thường, còn áo Ngài mặc thì trắng tinh sáng láng [Marcô thì ghi rõ: không thợ giặt trần gian nào giặt trắng đến thế! Chuyên viên tẩy rửa Omo, hay Tide+ cũng không làm trắng đến như thế. Bột giặt với mẩu quảng cáo yêu nhau cởi áo cho nhau trên TV hẳn cũng không cho màu áo trắng sáng được như áo Chúa trong cuộc hiển dung!].
Rất sáng, nhưng lại cũng rất ngắn.
Phêrô vui mừng tột độ, nhưng nói chưa hết câu “làm 3 lều”, thì đã thấy chỉ còn mình Chúa Giêsu, bình thường, chẳng sáng là mấy... Cuộc hiển dung của Chúa rất sáng và rất ngắn. Tại sao?
Tại sao Vinh quang của Chúa lại xuất hiện rất sáng, nhưng cũng rất ngắn như một tia chớp mau qua như thế?
Thưa đó là qui luật muôn đời của đức tin.
Vinh quang Thiên Chúa bao giờ cũng chỉ được ban cho ta trong một chớp sáng mau qua vào những lúc ta cần được an ủi nhất: vừa sáng đủ để củng cố đức tin của ta mà cũng vừa ngắn đủ để khỏi xâm phạm tự do của ta. Ta tìm hiểu thêm về sáng và ngắn.
Rất sáng:
Các nhà giảng thuyết cũng như các nhà giải thích Kinh Thánh đều đồng ý với nhau về ý nghĩa bối cảnh của cuộc hiển dung. Đó là sau khi tiên báo mình sẽ chịu đau khổ, chịu chết tại Giêrusalem, những môn đệ theo Chúa buồn bã rồi nghi ngờ về người Thầy mà mình đang theo. Ông Giêsu này là ai, mà tương lai ông đen tối như thế: nào là đau khổ, nào là chết trên thập giá. Ông lại còn nói “ai theo ông cũng phải vác thập giá”: cả một bầu trời u ám tối đen! Giữa lúc ấy thì Chúa hiển dung vinh quang sáng láng, trước khi Ngài hai lần nữa loan báo về khổ đau và cái chết của Ngài: lần 2, lần 3 (thêm: bị nộp, bị khạc nhổ, xỉ vả, đánh đập).
Các nhà canh tân Phụng vụ cũng muốn đồng ý với lối giải thích trên, nên trong Mùa Chay, mùa sám hối đền tội, mùa trời giăng màu tím, ngay sau lễ tro rồi Chúa nhật I Mùa Chay bị cám dỗ, trước khi đến CN 3, 4, 5 thì chen nằm vào ngay giữa một ngày tường thuật cuộc hiển dung của Chúa: hôm nay Chúa nhật II, năm A hay B hay C đều là hiển dung sáng láng.
Vậy giữa mùa chay dài 40 ngày mang tính buồn rầu than khóc, sẽ có một Chúa nhật nói đến sự hiển dung vinh quang. Và Phụng vụ muốn mô phỏng 2000 năm về trước, giữa bầu khí u buồn và nghi hoặc nơi các tông đồ, Chúa đã hiển dung sáng láng ..
Cuộc hiển dung này phải thật sáng thì mới chiếu đủ ánh sáng vào không gian (bầu khí) ảm đạm u buồn khá đậm nơi các đồ đệ của Đức Giêsu. Và cũng phải thật sáng thì mới ảnh hưởng đến thời gian còn rất lâu mới tới một cuộc hiển dung khác là sự phục sinh của Ngài.
Giống như đèn flash phải thật sáng để chiếu vào không gian đen tối hầu lưu ảnh cho thời gian dài lâu, thì cuộc hiển dung phải rất sáng để đủ chiếu soi không gian u buồn rất lớn, và thời gian nghi hoặc rất dài. Cuộc hiển dung rất sáng để phá tan được ảm đạm và nghi ngờ nơi các Tông đồ, giúp củng cố niềm tin của các ông vào người Thầy mà mình đang đi theo. Nhưng cuộc hiển dung rất sáng đó, cũng diễn ra rất ngắn.
Rất ngắn. Tại sao lại rất ngắn
Thưa là để khỏi xâm phạm đến tự do của các Tông đồ. Tự do đi theo Ngài, và tin Ngài cách tự do. Giả sử Đức Giêsu cứ xuất hiện dưới dạng uy nghi sáng láng, thì tin vào Ngài là dễ dàng, là đương nhiên. Triết lý gọi là bó buộc, không tự do tin hay không tin tùy ý nữa. Và nếu Ngài cứ uy nghi sáng láng mãi thì đi theo Ngài cũng là bó buộc đương nhiên, nhất là khi Ngài hứa ai theo Ngài sẽ nên giống như Ngài. (Đèn flash mà cứ sáng hoài, ta cũng mất tự do, không dám co tay duỗi chân đập con muỗi!).
Trong cuộc sống thử thách ở trần gian này, Thiên Chúa vẫn cứ muốn là Thiên Chúa mai ẩn, giấu mình đối với những kẻ tin vào Ngài. Ngài muốn họ tự do. Tự do tin Ngài, theo Ngài, yêu mến Ngài. Khi cần, khi rất cần, để an ủi khích lệ những kẻ tin Ngài, Thiên Chúa mới tỏ vinh quang. Nhưng cũng như tia chớp, trong chốc lát. Rất rất ngắn. Vừa đủ sáng để củng cố đức tin ta vừa ngắn ngủi để khỏi xâm phạm đến tự do của ta.
Một hôm có người đến báo cho vua Louis IX (nước Pháp) là hãy đến ngay xem phép lạ tại nhà thờ kia: vị linh mục đọc lời truyền phép xong, thì chính Chúa Giêsu hiện nguyên hình trên tấm bánh. Tấm bánh sáng láng lạ thường. Vua Louis đáp lại: Ta không cần đến, vì ta vẫn tin như thế. Không phải vì thấy được ngời sáng mà ta tin hơn đâu. Những ai yếu tin, nghi ngờ thì cứ đến mà xem.
Không thấy sáng, không sờ được mà vẫn tin, cái tin đó mới tự do. Cái tin đó mới là Đức. Đức tin. Phúc cho ai không thấy mà tin. Chỉ cần nghe mà tin mới là phúc, mới là tự do. Tôi nghe nói, tôi nghe dạy: Chúa ngự thật trong hình bánh. Tôi tin. Tin “chất lượng” nhất vì có tự do, tức là tôi có thể tin hay không tin mà chẳng ai cho tôi là mát, là dị.
Còn khi vừa truyền phép xong, tấm bánh sáng láng lạ lùng và cứ sáng mãi bao lâu Chúa còn hiện diện thì tôi chỉ còn một con đường không có chọn lựa nào khác, là tin, là công nhận; nếu không thiên hạ gọi tôi là khùng là mát… Chính vì để khỏi xâm phạm đến tự do của các tông đồ mà Chúa đã hiển dung sáng láng rất ngắn.
Trong cuộc sống tại trần gian của Kitô hữu chúng ta, rất nhiều khi và rất rất nhiều người không hề gặp được một cuộc hiển dung nào của Chúa cả, cho dù là rất ngắn. Một chút của rất rất ngắn cũng không có!
Nhưng đừng có ganh tị. Bởi cuộc hiển dung xưa kia trên núi, Chúa Giêsu cũng chỉ mang theo ba vị: Phêrô, Giacôbê và Gioan. Chín vị khác và đông đảo đệ tử có thấy được tí loé sáng vinh quang nào của Chúa đâu. Mà họ vẫn tin theo Chúa. Mà ba vị đó khi xuống núi cũng bị cấm không tiết lộ cho chín tông đồ khác và các môn đệ ngơ ngác kia, nhưng họ vẫn tin.
Xin cho chúng ta cũng được như vậy, dù Chúa không hoặc chưa hiển dung với ta, nhưng ta vẫn tin Ngài là Chúa, như kinh Tin Kính ta sẽ tuyên xưng bây giờ đây.
48.Chúa Nhật 2 Mùa Chay
(Suy niệm của Lm. Alfonso)
Tin mừng Lc 9: 28-36: Nếu lúc nào đó trong cuộc sống, sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa xem ra là một thập giá nặng nề, chúng ta hãy học nơi mẫu gương tổ phụ Abraham, ngài đã hoàn toàn đặt lòng tin tưởng vào Chúa hoàn toàn.
Suy niệm:
Những nghiên cứu khoa học gần đây đã chứng minh rằng vẻ bề ngoài có thể là yếu tố giúp người khác đánh giá tính cách và mức độ đáng tin cậy của bạn.
Thực ra ông bà ta cũng nhìn nhận “Trông mặt mà bắt hình dong”, khuôn mặt có nhiều khả năng là sự định giá của người khác dành cho bạn chỉ sau vài giây gặp gỡ. Ai cũng muốn mình có khuôn mặt tươi sáng, khả ái. Và người ta sẵn sàng chi nhiều tiền thẩm mỹ cho khuôn mặt mình, đặt mua nhiều loại sữa rửa mặt làm trắng da… chỉ vì muốn người khác có cái nhìn tốt đẹp về họ. Thế nhưng, khuôn mặt cũng phản ánh nét đẹp đời sống nội tâm của con người mà chúng ta cần nhắm tới.
Trong trang Tin Mừng Chúa Nhật thứ II Mùa Chay năm C hôm nay, Hội thánh mời chúng ta chiêm ngắm khuôn mặt ngời sáng của Chúa Giêsu trên núi Tabor khi Người biến hình. Chỉ mình thánh Luca nói rõ chi tiết Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện. Kết quả của lời cầu nguyện đó là: "Ðang khi Ngài cầu nguyện, thì khuôn mặt Ngài biến đổi". Việc gặp gỡ Thiên Chúa làm biến đổi con người, biến đổi từ nội tâm đến thân xác, khuôn mặt, thậm chí "y phục Ngài nên trắng ngời".
Và rồi khi chứng kiến việc biến hình của Chúa Giêsu, có sự hiện ra của Môisen và Êlia, các môn đệ lúc này chỉ muốn ở mãi trên núi để tận hưởng vinh quang hiển dung. Họ xin sẵn sàng làm ba lều cho Chúa Giêsu Thầy mình, cho Môisen là người đại diện cho Lề Luật và cho Êlia đại diện cho người loan báo lời ngôn sứ của Thiên Chúa.
Lúc này đây, Chúa Giêsu đang ở trong một khúc quanh quan trọng của sứ mạng Chúa Cha trao phó. Điều tất yếu của sứ mạng cứu chuộc nhân loại không thể nào thiếu chặng đường thập giá. Trước đó, Chúa Giêsu đã loan báo cho các tông đồ về cuộc khổ nạn sắp tới và việc Người sẽ chịu chết. Người hoàn toàn ý thức mình đang tiến về cái chết được biểu hiện bằng việc tiến về Giêrusalem. Người không phải là một thủ lãnh giải phóng chính trị oai phong hiển hách mà người đương thời mơ tưởng, nhưng là Đấng Messia, Người Tôi Trung chịu đau khổ. Và để đáp trả lời vâng phục đầy tự nguyện vì tình yêu của Con, Chúa Cha mặc cho Người Con ánh sáng và vinh quang trên núi cao, một hình ảnh tiên báo hoa trái của cuộc khổ nạn sẽ dẫn Người đến sự phục sinh. Có ba môn đệ thân tín là Phêrô, Gioan và Giacôbê được chiêm ngưỡng việc tỏ mình của “Người Con Yêu Dấu của Thiên Chúa Cha” để các ông được động viên tinh thần khỏi sa sút, thất vọng với những gì sẽ diễn ra trong đêm Vườn Dầu.
Trong đời sống nhân loại, ai mà không muốn mình được vinh quang, an nhàn, mãn nguyện và hạnh phúc. Chẳng ai dạy gì tìm kiếm khổ cực truân chuyên. Nhưng những nhà tu đức đã dạy các Kitô hữu rằng con đường Chúa đi không thể nào thiếu vắng thập giá. Vì thế, các Kitô hữu của Chúa cũng cần phải được thập giá thanh luyện, như “lửa thử vàng” vậy.
Nếu lúc nào đó trong cuộc sống, sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa xem ra là một thập giá nặng nề, chúng ta hãy học nơi mẫu gương tổ phụ Abraham, ngài đã hoàn toàn đặt lòng tin tưởng vào Chúa hoàn toàn. Ngay chính lúc tuyệt vọng khiến không còn lý do để tin tưởng, nhưng nhờ có đức tin vững mạnh, Abraham đã được toại nguyện như lời Chúa hứa. Và cao cả hơn, nhìn lên gương vâng phục của Thầy Chí Thánh trên thập giá, chúng ta sẽ được ủi an vì Chúa Giêsu sẽ biến thập giá khổ nạn thành Thánh giá cứu đời. Chính khi chịu treo như một kẻ tử tội bị chế nhạo thì lúc đó Người được vinh thắng vì Chúa Cha sẽ phục sinh Con Ngài trong ánh sáng và vinh quang.
Vậy phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta đặt trọn niềm tin của mình vào Chúa Kitô để biết biến đổi đời sống mình: những tính mê nết xấu, những lời gièm pha châm chọc, việc thiếu sống công bằng, sự thiếu sót trong các mối tương quan... Sẽ có những lúc Thiên Chúa ban cho chúng ta niếm chút vinh quang như một chớp sáng mau qua để an ủi đời sống thiêng liêng, vừa sáng đủ để củng cố cho đức tin, vừa ngắn ngủi để khỏi xâm phạm tự do đáp lại. Nhờ đó mà chúng ta luôn sống trong hy vọng cần phải hoán cải đời sống mình mỗi ngày để cũng xứng đáng được Chúa gọi là “con yêu dấu”. Khi chúng ta sắt son trong đức tin, muốn nên sống tốt và chân thành thay đổi, Chúa sẽ ban cho chúng ta hoa quả của lòng tin là một cuộc sống của người con Chúa.
Lạy Chúa, con cũng sẽ được gọi là “Con yêu dấu” của Chúa chỉ khi con biết sống và đi con đường như Chúa Giêsu, Con Dấu Ái của Ngài, con đường thập giá đi đến vinh quang. Xin cho con đừng mỏi mệt mà nản lòng và cần luôn ý thức rằng “Nếu con tìm Chúa Giêsu mà không với Thánh giá thì con chỉ gặp được thập giá mà không có Chúa Giêsu”. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam