Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 30
Tổng truy cập: 1374273
TIN TƯỞNG HAY THẤT VỌNG
Trong một lần nói chuyện, Đức Tổng giám mục Fulton Sheen chỉ vào thánh giá ngài đang đeo trên ngực rồi nói: “Thánh giá bạc mà tôi đang đeo đây, tôi đeo để đền tạ.” Khi hỏi lý do, ngài trả lời: “Một hôm vào thăm một người bạn gốc Do thái bán đồ nữ trang ở Nữu Ước. Ông nói với tôi: “Tôi có một ít thánh giá bạc cho Đức Cha”, và ông trao cho tôi một bao đựng khoảng hơn một trăm thánh giá. Tôi hỏi: “Ông kiếm được ở đâu nhiều vậy?” Ông trả lời: “Từ các nữ tu, họ mang đến và nói với tôi: “Chúng tôi không còn đeo tượng thánh giá nữa, vì chính những tượng này đã làm ngăn cách, chia rẽ chúng tôi với thế giới hôm nay. Ông trả cho chúng ta bao nhiêu tiền với số bạc này”. Tôi cân và thấy nặng khoảng 30 miếng bạc”. Rồi ông nói với tôi: “Tôi nghĩ rằng tượng thánh giá đã là một cái gì biểu hiệu quí giá đối với các Kitô hữu. Phải chăng có gì không ổn, có gì trục trặc với tôn giáo của Đức Cha?” (Through the Year with Fulton Sheen, trg 14-42).
Người ta bán tượng thánh giá và cho rằng thánh giá là căn cớ làm cho họ xa lạ với thế giới hôm nay. Giuđa đã bán Chúa và nộp Chúa bằng cái hôn của mình để lấy 30 đồng bạc. Ngày hôm qua cũng như ngày hôm nay, người ta đã đang bán Chúa với những giá của khác nhau, và với những lý do khác nhau.
Ngày hôm xưa Phêrô chối Chúa qua những lời chất vấn của cô đầy tớ gái. Ngày hôm qua một số người đã chối đạo trước những hạch sách đe dọa của quan quyền, và ngày hôm nay với những lý do này hay lý lẽ nọ cũng đã khiến cho có những người chối Đức Kitô, không dám nhận mình là Kitô hữu.
Dù cho con người có yếu đuối sa ngã, Thiên Chúa vẫn luôn luôn yêư thương con người. Ánh mắt Chúa đã tìm, đã gặp, và đã cảm hóa được Phêrô, ánh mắt ấy cũng đã đi tìm Giuđa, nhưng không gặp được vì Giuđa thất vọng và lẩn tránh, dầu vậy chuyện kể rằng Chúa vẫn luôn hướng tìm và chờ đợi. Ngày tận thế đã đến, tất cả các thánh đều vui mừng ca hát, nhảy múa, reo hò trong hoan lạc sung sướng. Mọi người đều vui trừ một mình Chúa Giêsu. Ngài đứng yên lặng dưới bóng rợp cạnh cửa thiên đàng. Một vài vị thánh đến hỏi thăm xem Ngài đang làm gì thế. Ngài trả lời: “Cha đang đợi Giuđa”.
Chắc hẳn trong đời sống nhiều lần chúng ta đã lam phiền lòng Chúa và thái độ của chúng ta có thể phần nào giống như của Phêrô hoặc Giuđa: ăn năn thống hối hay thất vọng buông xuôi. Hôm nay bắt đầu bước vào tuần trọng nhất trong năm phụng vụ, Giáo hội mời gọi chúng ta đừng nhẫn tâm xa tránh ánh nhìn đầy ắp yêu đương của Chúa, nhưng hãy thật tình trở về, khiêm nhượng xin ơn tha thứ, và tin cậy vào tình Chúa thương yêu.
Nghi thức tuần thánh khởi đầu bằng một cuộc kiệu Lá để tưởng niệm việc Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem. Một cuộc kiệu tưng bừng tiếng tung hô: “Hoan hô thái tử nhà Đavít! Chúc tụng Vua Israel”, nhưng lại nhuốm buồn vì liền ngay sau đó chúng ta được nghe trình thuật về cuộc thương khó của Chúa. Trong suốt Tuần Thánh này, có ba cuộc kiệu như thế. Hai cuộc kiệu còn lại vào chiều thứ Năm tuần thánh – kiệu Mình Thánh Chúa, và Đêm Vọng Phục Sinh – kiệu Nến Phục Sinh. Những cuộc kiệu trong khung cảnh cuộc thương khó vừa mở ra trước mặt chúng ta một con đường, vừa như là một nhắc nhớ: đằng sau buồn thương có niềm vui cứu độ, qua khổ nạn sẽ là Phục Sinh.
Đường đưa tới vinh quang
Bài thương khó theo thánh Mátthêu đã gợi lên những hình ảnh xem ra hoàn toàn trái ngược với cuộc khải hoàn vào thành Giêrusalem. Thật vậy, việc Chúa được dân chúng tung hô đón rước khi Ngài vào thành thánh chỉ là hình ảnh báo trước vinh quang đích thực Ngài sẽ nhận được khi Chúa Cha cho Ngài sống lại từ cõi chết. Nhưng để được vinh quang ấy, Đức Giêsu phải đi vào con đường khổ nạn, phải tự hiến mình làm hy lễ dâng lên đẹp lòng Cha.
Rất nhiều lần chiêm ngắm bức ảnh Chúa hấp hối, chúng ta thấy được gì phía sau hình ảnh một Chúa Giêsu đẹp đẽ uy nghi quì gối bên một phiến đá dưới ánh trăng vàng đầy thơ mộng? Chúng ta có nhận thấy một Đức Kitô đang gập mình xuống đất, oằn oại trong cơn khủng hoảng vượt quá sức mình? Chúng ta có hiểu được lời Ngài thổ lộ với các môn đệ: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được” (Mt 26, 38) và cả tiếng kêu thống thiết trên thập giá: “Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27, 46).
Nỗi đắng cay như vây kín và xiết chặt lấy Ngài, đắng cay của người bị bạn mình phản bội, của Thầy bị môn đệ chối từ và bỏ rơi, của Đấng cứu tinh bị dân mình loại trừ. Tất cả đều do sự ích kỷ, lòng kiêu căng và nỗi tham vọng của con người. Thân xác Chúa khổ sầu đến nỗi mồ hôi máu đổ ra và tâm hồn Ngài gần như tan nát không phải vì những roi đòn và nhục mạ, nhưng chính là gánh nặng của tội lỗi nhân loại. “Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta” (Is 53, 4).
Qua khổ nạn mới đến Phục Sinh. Đó chính là chương trình mầu nhiệm của Thiên Chúa, nhờ đó Chúa Cha và Chúa Con được tôn vinh. Còn trong thực tế cuộc sống, có nhiều người lại muốn đạt đến vinh quang bằng những con đường ngắn nhất và dễ nhất. Cuối cùng, những gì mà họ có được chỉ là hư ảo, tầm thường nhất và cũng mau qua nhất.
Đường nở hoa tình yêu
Đức Giêsu chịu chết khổ hình nhằm cứu chuộc nhân loại và cũng để tôn vinh Thiên Chúa Cha. Nhiều khi ta tự hỏi: có cần phải như thế với một Thiên Chúa quyền năng? Hẳn rằng điều làm cho Hiến Lễ Thập Giá của Đức Giêsu trở nên có giá trị và đem lại ơn Cứu Độ không phải là đau khổ hay sự chết, mà là tâm tình vâng phục trong yêu mến đối với Chúa Cha; nhưng chính đau khổ và Thập Giá lại là cách thế diễn tả tâm tình đó thật tuyệt vời.
Sự vâng phục yêu mến của Đức Giêsu đã được Isaia báo trước qua hình ảnh người tôi trung: “Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui” (Is 50, 5). Còn thánh Phao-lô đã ca ngợi: “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 7-8). Lời cầu nguyện của Đức Giêsu thưa với Chúa Cha trong vườn cây Dầu đã nói lên tất cả sự vâng phục yêu mến: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha” (Mt 26, 42).
Con Thiên Chúa đâu có lạ gì với những đau khổ của phận người khi bước vào trần gian. Đứng trước con đường khổ nạn, Ngài không hỏi tại sao cũng chẳng buông lời nguyền rủa, nhưng Ngài đã bước đi và đi tới cùng với tất cả tình yêu, tình yêu thật lớn lao dành cho Cha và nhân loại, và lập tức bao nhiêu đau khổ kia trở nên ý nghĩa. Con đường Thập Giá bỗng nở hoa rộn ràng. Cây Thánh Giá đã trở nên lộng lẫy với vương miện tình yêu. Qua đó, Đức Giêsu cũng dạy cho con người một bí quyết để sống hạnh phúc, để có hòa bình: Tình yêu và tha thứ.
Như thế, con đường mà Phụng Vụ Tuần Thánh đang mở ra cho chúng ta chẳng phải là “con đường có lá me bay, chiều chiều ta lại cầm tay nhau về”, nhưng là con đường đã in dấu chân, đã thấm mồ hôi và đã mang cả trái tim của Thầy Giêsu – Con Đường Thập Giá.
Cùng Chúa ta lên đường
Lời Chúa hôm nay muốn đưa chúng ta vào mầu nhiệm thánh giá của Đức Giêsu không phải để gợi lên trong ta niềm thương cảm đau xót, nhưng là muốn mời gọi chúng ta hãy can đảm bước theo Đức Giêsu trên con đường thập giá. Rước lá đi theo Chúa trong vài giờ là điều dễ. Theo Chúa giữa lúc Ngài được tung hô, chẳng khó khăn gì. Nhưng tiếp tục theo Ngài và ở lại khi Ngài bị mọi người bỏ rơi, điều đó khó hơn nhiều.
Pascal đã nói: “Chúa Giêsu sẽ còn hấp hối đến tận thế”. Mỗi năm có hàng triệu thai nhi bị loại khỏi lòng mẹ một cách bất công. Và còn bao nhiêu người đang ở trong điều kiện sống chẳng xứng với phẩm giá của mình. Đó chính là Đức Kitô đang hấp hối giữa thế giới hiện đại. Chúng ta vẫn gặp những Kitô hữu đang bị lo lắng, buồn rầu, ấm ức… dày vò nghiền nát. Đó chính là Đức Kitô đang hấp hối trong nhiệm thể Ngài. Và chính đời sống chúng ta nhiều khi cũng nhuốm phiền muộn, bất an, lo sợ, nghi ngại và xáo trộn. Nếu ta biết đón nhận với lòng khiêm tốn và tình yêu để cứu rỗi thế gian thì trong ta, Đức Kitô cũng đang tiếp tục hấp hối và thân thưa với Chúa Cha rằng: “Xin đừng theo ý con, nhưng xin vâng ý Cha hoàn toàn”.
Đã hơn 2000 năm rồi, tất cả những gì đã xảy ra dường như vẫn đang còn diễn lại. Chúng ta vẫn đang cùng Đức Giêsu đi vào đời và ở trong đời với lý tưởng cứu thế. Chớ gì lời Đức Giêsu mời gọi: “Hãy vác thập giá mình hằng ngày” (Lc 9, 23) luôn vang vọng bên tai chúng ta mỗi khi phải đối mặt với thử thách hay khi bị lăng nhục nhạo cười… Sau khi đã hiểu thấu ý nghĩa cuộc khổ nạn của Chúa, hẳn chúng ta sẽ thấy yêu Thánh Giá của Chúa hơn, và cũng mến Thánh Giá của mình hơn, đồng thời biết kính trọng Thánh Giá của người khác nữa.
Chiêm ngắm Đức Giêsu chịu Thương Khó, có lẽ mỗi người chúng ta đều rất sốt sắng với lời hát: “Ôi bởi con mà Chúa mang thảm hình… Xin giúp con đường thiêng liêng theo lối…” Chớ gì chúng ta luôn có được tâm tình của Đức Giêsu hôm nay, để hân hoan tiến bước vào đời tiếp tục con đường nên Thánh và cứu thế của Ngài, Con Đường Tình Yêu dẫn tới Giêrusalem Thiên Quốc.
(Suy niệm của Lm. Nguyễn Tiến Huân)
Bài thương khó Chúa Giêsu Kitô chúng ta đọc hôm nay tóm tắt những biến cố từ lúc Người ăn bữa Tiệc Ly từ giã các môn đệ tối thứ Năm cho tới khi Người bị chôn trong mồ chiều thứ Sáu. Quãng thời gian chỉ một ngày một đêm đã dồn dập xẩy ra không biết bao nhiêu đau khổ cho Chúa Giêsu: Bị Giuđa bán đứng: “Giuđa Iscariot đến gặp các Thượng tế và thưa với họ: các ông cho tôi bao nhiêu tiền, tôi sẽ nộp Người cho các ông… Giuđa kẻ phản bội cũng đến thưa Chúa Giêsu rằng: Thưa Thầy có phải con chăng và Người đáp: Đúng như con nói” (Mt 26:14-15,25).
Thấy tội lỗi thiên hạ quá nặng nề, Người lo buồn tới hấp hối: “Linh hồn Thầy buồn sầu đến nỗi chết được…” (c. 38). Người lo buồn sầu não mà các Môn đệ thân yêu chẳng ai yên ủi còn lăn ra ngủ như những kẻ vô tình (c. 40,43). Giuđa dẫn quân lính đến bắt Người còn giả vờ mỉa mai hôn mặt để nộp Người ( c47-49). Nguời bị bắt như kẻ trộm cướp: “Các ngươi cầm gậy gộc gươm giáo đi bắt Ta như bắt một tên trộm cướp ư?” (c. 55). Người để cho họ bắt, còn các Môn đệ thì bỏ Người và chạy trốn hết (c 56). Sau đó nộp cho Caipha rồi Philato, bị cáo gian, bị vu khống là nói những lời lộng ngôn “bị chúng nhổ vào mặt, bị đấm đánh, bị tát vả” (c.57-67). Bị chính người Môn đệ lão thành và thân cận nhất là Phêrô chối bỏ 3 lần (c 61-74). Bị coi rẻ hơn là tên tướng cướp Baraba (c.16,20). Bị đánh đòn, bị đội mão gai, bị chế giễu nhạo báng (c. 26,30). Cuối cùng bị vác thánh giá chịu đóng đinh và chịu chết trần truồng trên Thánh Giá giữa hai tên trộm cướp (c. 32-36).
Chúa Giêsu đã tự nguyện và yên lặng chịu tất cả những sĩ nhục đau khổ ấy đúng như Tiên tri Isaia đã tiên báo về “Người tôi tớ Chúa”: Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đưa má cho kẻ giật râu tôi, đã không che giấu mặt để tránh những lời nhạo cười và phỉ nhổ tôi… tôi trơ mặt chai như đá” (Is 50:5-7).
Và đúng như Thánh vịnh 21 diễn tả: “Bao người thấy tôi đều mỉa mai tôi… Đứng quanh tôi là đàn ưng khuyển, một lũ côn đồ bao bọc lấy tôi. Chân tay tôi chúng đều chọc thủng, tôi có thể đến được mọi đốt xương tôi… Chúng đem y phục của tôi chia nhau còn tấm áo dài thì chúng rút thăm” (Tv 21). Với một kiểu nói khác, thánh Phaolô tóm tắt về Người: “Người đã hủy bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người… đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết và chết trên Thập giá ” (Pl 2:6-9).
Người chết, nhưng không phải là đã hết vì cái chết của Người là chìa khóa mở ra một kỷ nguyên mới của ơn Cứu độ, của sự sống lại và chiến thắng vinh quanh. Người chết đi nhưng ngày thứ 3 Nguời đã sống lại như chính Người đã tuyến bố lúc còn sinh thời: “Ta chết đi nhưng sau ba ngày Ta sẽ sống lại”.
Sau tất cả những đau khổ và cái chết ô nhục, Người đã chiến thắng tội lỗi và sự chết để khi về Trời, Người được “Thiên Chúa Cha tôn vinh và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên Trời dưới đất và trong địa ngục phải quì gối xuống và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Đức Giêsus Kitô là Chúa” (Pl 2:10-11). “Thiên Chúa tôn Người làm quan án xét xử kẻ sống và kẻ chết… Tất cả những ai tin vào Người thì nhờ danh Người mà được Cứu độ” (Tđcv 10:42).
Đó là hình ảnh Chúa Giêsu Kitô, Người tôi tớ Chúa mà chúng ta sẽ suy ngắm trong tuần nầy.
CUỘC KHỔ NẠN (Mt 26,14 -27,66)
Trong khi viết câu truyện về Cuộc Khổ Nạn, Matthêu trước hết không thực hiện một bài phóng sự, hay một biên niên xử án, về hai mươi bốn giờ sau cùng của Đức Giêsu. Ông thực hiện một giải thích thần học về một biến cố chính yếu. Khi ông biên soạn, thì ông biết rằng người chịu khổ hình thập giá là người được sống lại. Ông nêu ra, trong truyện kể nhiều trích dẫn Kinh Thánh để chứng minh rằng Thiên Chúa hướng dẫn tất cả lịch sử ông không tìm cách làm cho chúng ta xúc động, nhưng làm cho chúng ta thờ phượng: chịu biết bao tủi hổ Đức Giêsu vẫn là Đức Chúa uy nghi và chủ tể là người làm chủ các biến cố.
Ngày thứ nhất trong Tuần Bánh không men, các môn đệ thưa với Đức Giêsu: ‘Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?” Người bảo: “Các anh đi vào thành đến nhà một người kia và nói với ông ấy: Thầy nhắn, thời của Thầy đã gần đến. Thầy sẽ đến nhà ông ấy để ăn mừng Lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy.”
Cuộc giáo đầu thật trang trọng. Sự thấy trước thuộc về Thiên tính của Đức Giêsu được nhấn mạnh: “thời giờ của Thầy đã gần” Người biết rằng điều gì đang đến; đó là Lễ Vượt Qua. Cuộc đi qua.
Tính vô danh của ngôi nhà này, ngôi nhà của một ai đó, mời chúng ta trở nên “người đó”. Đức Giêsu ước ao ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ của Người.
“Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy” “Có phải con không, Thưa Thầy?” “Chính anh là người đã nói điều đó.”
Đức Giêsu không phán đoán, không kết án: Chính anh là người đã nói điều đó. Người có tội tự chỉ mình. Đức Kitô chỉ khiến người ta trở về với lương tâm mình. Hai lần khác chúng ta sẽ nghe từ miệng Chúa nói ra câu này: Chính anh là nói đã nói điêu ấy; về chuyện thượng tế (Mt 26,64), và về Philatô (Mt 27,11). Mỗi người phải nhận lấy trách nhiệm của mình. Bạn phải thấy, bạn phải nhận lấy trách nhiệm của mình. Bạn phải thấy, bạn phải quyết định! Điều đó được nhắc lại cho chúng ta.
Trong bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: ‘Anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy’. Rồi Người lấy chén, dâng lời tạ ơn trao cho môn đệ và nói: ‘Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao ước, đổ ra cho muôn người được tha tội’. Thầy bảo cho anh em biết: từ nay Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày Thầy cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy.
Đức Giêsu hoàn toàn biết Người sắp chết: đó là bữa ăn cuối cùng của Người; ly rượu tình bạn hữu cuối cùng, Người nói: Thầy không còn uống thứ sản phẩm của cây nho này nữa. Thế mà cái chết gần kề này lại không gây nên nơi Người một tình cảm hồi hộp hay sợ hãi nào; Người chúc tụng Cha, cảm tạ. Người “cử hành lễ Thánh Thể”, Người cám ơn Cha. Tại sao? Trong khoảnh khắc này, nội dung của lời cảm tạ này là gì? Những tiếng được nhấn mạnh trong câu Đức Giêsu thốt ra cho chúng ta đối tượng của lời khen ngợi này, lời được phát ra từ cõi lòng Người vào giờ phút cô đọng ngoại lệ này, và cũng chính là lời, trong các nghi thức Thánh Thể Chúa nhật, mãi mãi được thực hiện. Đức Giêsu cảm tạ vì Giao ước kỳ diệu giữa Thiên Chúa và loài người; vì sự phong nhiêu trong cái chết của Người sẽ cứu giải nhiều người; vì sự tha tội mà thập giá của người tác động; vì sự hoàn tất của Nước Chúa, một ngày kia, trong ánh sáng của Thiên Chúa, khi sẽ không còn nước mắt, kêu khóc và tang chế.
Tiệc Thánh Thể, chính là bữa ăn của những người tội lỗi, chính là sự thứ tha được dành cho mọi người. Đức Giêsu biết rằng tất cả mọi người đều là những tội nhân (tất cả họ sắp bỏ Người trong ít phút nữa, ngay sau lễ hiệp thông đầu tiên của họ). Đức Giêsu biết rằng cộng đoàn Giáo Hội của Người gồm có những đàn ông và đàn bà không trung tín, một tập đoàn những tội nhâ, thực như thế. Các Kitô hữu không phải là những người tốt hơn những người khác, họ chỉ có một cơ may duy nhất, là đến dùng bữa ăn và lễ hiến tế được dâng lên để tha tội, để tha thứ tội lỗi của họ.
Hát Thánh Vịnh xong, Đức Giêsu và các môn đệ ra đi lên núi Ôliu.
Bằng tình yêu có lẽ chúng ta phải hát Thánh Vịnh, những bài Thánh ca được linh ứng mà chính Đức Giêsu đã hát: chiều tối hôm ấy, tôi nghe thấy tiếng thật hay của Người đang hát; và tôi ngâm nga lập lại những tiếng Ngài đã hát. Giờ lệnh Thánh Vịnh, chính là lời cầu nguyện của Đức Giêsu.
Đức Giêsu nói với các ông: “Đêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy… Nội đêm nay, gà chưa gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần.”
Tất cả những ai theo Đức Giêsu đều được thử thách. Thử thách đặc biệt của các môn đệ Đức Giêsu, chính là thử thách về Đức Tin ngã xuống, vấp té trên những đau khổ của Đức Kitô. Chính ông Phêrô, cho dù vai trò của ông và sự vững vàng của ông, không thoát khỏi thử thách này.
Đức Giêsu đi cùng với các ông một thửa đất tên là Ghết-sê-ma-ni. Người nói với các môn đệ: “Anh em ngồi lại đây, Thầy đến đàng kia cầu nguyện”. Rồi Người đưa ông Phêrô và hai người con ông Zêbêđê đi theo. Người cảm thấy buồn rầu xao xuyến. Bấy giờ Người nói với các ông: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy ” Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống đất mà cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.”
Cơn hấp hối của Đức Giêsu tại Vườn Ôliu chỉ là lời nguyện lâu dài; theo Thánh Matthêu. Năm lần, người nói lên tiếng: cầu nguyện. Đức Giêsu hấp hối đang lúc cầu nguyện. Đức Giêsu hấp hối trong lúc sống kết hợp mãnh liệt với Cha Người. Nhưng vì thế, Đức Giêsu cũng sống cơn hấp hối với những thân thuộc của Người: ba lần Người trở lại với họ để mời họ cùng cầu nguyện với Người, canh thức với Người (Mt 26,36; 88,40).
Khi đó Giuđa, một người trong Nhóm Mười Hai đã đến… cùng với đám đông người mang theo gươm giáo gậy gộc… “Này bạn, bạn đến đây làm gì thì cứ làm đi”… Anh tưởng là Thầy không thể kêu cứu với Cha sao? Người sẽ cấp ngay cho Thầy hơn mười hai đạo binh thiên thần. Nhưng như thế thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được? Vì theo đó mọi sự phải xảy ra như vậy.”
Và Matthêu đã đan dệt chuyện ông kể bằng những đoạn trưng dẫn Kinh Thánh. Không, cuộc Khổ Nạn của Đức Giêsu không phải là một tai nạn lịch sử bất hạnh. Đó là hoàn tất một dự tính huyền nhiệm của Thiên Chúa, đã được tiên liệu và lưu ý từ lâu. Thiên Chúa không bị bất ngờ bởi thập giá. Chính Người đã muốn và đã quyết định như thế. Người sẽ không phái các cơ binh thiên thần đi, người cũng không cần đến phép lạ. Như thế, làm sao chúng ta có thể nghĩ rằng tất cả mọi chuyện có thể phải diễn ra một cách khác trong cuộc đời chúng ta. Lạy Chúa, xin giúp chúng con sống những thử thách của chúng con, những bó buộc chúng con, ngõ hầu chúng con tuân phục một cách tự do ý chí nhiệm mầu của Chúa Cha. Đấng không ngừng yêu thương chúng con; không ngừng yêu mến Con của Người trên thập giá; Đấng chịu đau khổ với Người, Đấng Cứu Độ cùng với Người.
Bấy giờ các môn đệ bỏ Người mà trốn đi hết. Họ bắt Đức Giêsu rồi điệu đến thượng tế Caipha. Các kinh sư và kỳ mục tề tựu sẵn ở đó.
Phêrô theo xa xa, và bước vào trong sàn để xem sự việc kết thúc thế nào. Những nhân chứng gian trá cáo giác Đức Giêsu đã nói rằng Người có thể phá huỷ Đền Thờ và xây lại trong ba ngày.
Nhưng Đức Giê sư vẫn làm thinh. Vị thượng tế nói với Người: “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, tôi truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết ông có phải là Đức Kitô Con Thiên Chúa không?” Đức Giêsu trả lời: “Chính Ngài vừa nói. Hơn nữa tôi nói cho các ông hay: từ nay, ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến..”
Vâng đấy vẫn là một câu trích dẫn Kinh Thánh. Người ta trịnh trọng khẩn khoản xin Người đừng nhận căn tính của mình, Đức Giêsu đã dùng một câu trích từ ngôn sứ Đanien (7,13) để trả lời. Người nhận mình là Đấng Mêsia được người ta trông đợi, nhưng Người cũng làm cho người ta cảm thấy rằng Người không phải là Mêsia theo các chuẩn mực của các phán quan về Người: chính trong tư thế của người bị cáo tử hình, mà Người dám tuyên bố rằng từ nay trở đi sự hiện tỏ của người, sự Quang lâm của Người gần đến. Chính khi đó xảy đến việc Phêrô chối Chúa và ông đã sám hối. Rồi đến việc Giua tuyệt vọng; sắp tự treo cổ vì lòng hối hận khi thấy Đức Giêsu bị kết án, và anh thú nhận: “Tôi đã phạm tội giao nộp một người vô tội cho cái chết.” Giuđa thật đáng thương! Đức Giêsu có lẽ đã quá tốt với anh, nếu anh đã biết khóc lóc thảm thiết, như Phêrô đáng thương. Huyền nhiệm tự do của con người, có thể tự nhận mình có tội, và đó là một điều trọng đại khi nói được tôi đã phạm tội; nhưng cũng có thể tuyệt vọng, nghĩa là không tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa.
Sau vụ kiện thứ nhất về tôn giáo, trước thượng tế Caipha và Thượng Hội Đồng. Bây giờ là vụ kiện thứ hai, về dân sự, trước viên tổng trấn Roma là Philatô. Khác với các nhà chức trách Do Thái, viên chức ngoại giáo này, đã làm mọi cách để cứu Đức Giêsu: ông ta cố thả Đức Giêsu bằng cách đánh đổi một tù nhân khác, là Baraba.
Người vợ của Philatô đến biện hộ với chồng bà để ông ta không nhúng tay vào cái chết này.
Sau cùng, Philatô rửa tay, để có ý nói rằng ông ta không chịu trách nhiệm về tội ác (của giới lãnh đạo tôn giáo).
Thực sự trong chính cơn tuyệt vọng không làm cho Đức Giêsu miễn tố mà viên tổng trấn cuối cùng phải thuận theo những tiếng kêu gào của đám đông. Trong cuộc Khổ Nạn, chính Đức Giêsu là trung tâm điểm. Dầu vậy cũng cần phải lưu ý về những danh hiệu được người ta đặt cho Người. Bốn mươi lần, người đã được gọi tên Giêsu. Như muốn nói cho chúng ta, vào thời điểm đặc biệt này, ý nghĩa theo nguyên tự của tiếng này (Yeshoua, tiếng Do Thái) và đó cũng là tên mà các thiên thần đã đặt ngay từ đầu: Thiên Chúa Cứu Độ (Mt 1,23). Và về sau, người ta cũng đặt tên Người bằng danh hiệu Con Thiên Chúa (Mt 26,63; 27,40-43.54) và hai tiếng “Cha Tôi” có tác dụng nhấn mạnh đến sự hiệp thông trọn vẹn với ý muốn của Thiên Chúa, tức là tập trung ý nghĩa vào Cuộc Thụ Nạn.
Sau hết, nạn nhân bị nhạo báng bởi con người lại được chào bằng “Đức Chúa” (Mt 26,22). Và Đức Giêsu, thực sự, không ngừng hành xử theo phẩm giá thần thánh này. Người biết, Người ra lệnh, Người thống trị hoàn toàn các biến cố (Mt 26,10.19.25.50.52.54). Matthêu, muốn gợi cho chúng ta thấy sự vĩ đại khôn tả của Đấng chịu đau khổ và chết, đã khiến xảy ra một hiện tượng địa chấn, cuộc động đất, và nhấn mạnh đến chiều kích vũ trụ của sự cố diễn ra (Mt 27,51-54). Ba lần khác, ông xử dụng từ địa chấn này (Mt 8,24; 21,10; 28,2). Khi nghe đọc về cuộc khổ nạn khi suy niệm một cách cá nhân, ta đừng nên chỉ dừng lại mức độ nhạy cảm và đau khổ của con người mà thôi. Ta hãy để cho tâm tình thờ phượng và cảm tạ hồng ân cuốn hút chính ta đi nữa!
CHÚA NHẬT LỄ LÁ (Mt 26,14 – 27,66)
CHÚNG TÔI CA NGỢI THÁNH GIÁ
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:
- Lễ Vượt qua của Đức Giêsu
Tuy trung thành với lược đồ có vẻ như có từ rất sớm trong truyền thống Giáo Hội sơ khai đã tạo nên những nét chính, trình thuật Thương khó của thánh Matthêu vẫn có những nét riêng của tác giả.
Ngay từ lời khai mào bài thương khó (26,1-2) trong khi Marcô chỉ ghi thoáng qua một chỉ dẫn thời gian (“Còn 2 ngày nữa tới lễ Vượt Qua và lễ bánh không men”) Matthêu chỉ rõ cả ý nghĩa của sự việc sắp diễn ra: “Các con biết rằng còn hai ngày nữa là tới lễ Vượt Qua và Con người sẽ bị nộp và bị đóng đinh”. Matthêu chỉ cho thấy Đức Giêsu là người Thầy nắm vững tình hình. Người ý thức về mọi sự sắp xảy đến, và Người tự do tiến tới để trung thành với sứ mạng cho đến cùng. Matthêu nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa lễ Vượt Qua và sự kiện Con Người sẽ bị nộp. Lễ Vượt Qua là một lễ quan trọng, hướng về cả quá khứ, hiện tại lẫn tương lai. Người Do thái nhớ lại chuyến vượt thoát khỏi Ai-Cập với Môsê, họ nhân biết rằng hôm nay họ còn sống sót là nhờ ơn Chúa; họ hướng về tương lai và chờ đợi tới lúc Thiên Chúa sẽ can thiệp, như xưa kia, để giải phóng dân Người khỏi ách nô lệ. Này đây đã tới thời viên mãn.
- Ứng nghiệm các lời Kinh Thánh.
Điều Matthêu, tác giả viết cho Kitô hữu mà đại da số có nguồn gốc Do Thái, muốn chứng minh cho họ là Đức Giêsu đã hoàn tất đến tận cùng và viên mãn lời Kinh Thánh đã loan báo. Ngài nhắc lại: “Tất cả những điều ấy đã xảy đến để ứng nghiệm lời các tiên tri (16,56; 27,9-10). Ngài thường xuyên đưa độc giả của Ngài về Cựu ước hoặc ám chỉ (như trong những lời chế nhạo 27,43 gợi hứng từ sách Khôn Ngoan 2,13-18), hoặc minh nhiên (như khi Phêrô chối, Giuđa phản bội, khi Đức Giêsu chịu chết, lúc trút hơi thở còn cầu nguyện thánh vịnh 21); ứng nghiệm lời Kinh Thánh không có nghĩa là tất cả đã được thấy trước và chỉ cần đọc Kinh Thánh là biết hết. Kinh Thánh chỉ gợi lên hành trình đức tin của những Kitô hữu đầu tiên, sau biến cố Phục Sinh, hiểu rõ hơn ý nghĩa của các biến cố đau thương khi đọc lại Kinh Thánh. Trong suốt lịch sử dân Chúa cũng như lịch sử Đức Giêsu, vẫn chỉ là ý định của Thiên Chúa được thực hiện qua những chống đối, đau khổ và cái chết. Nhưng dưới ánh sáng mới của cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu, Kinh Thánh từ này rõ ràng sáng sủa hơn.
- Khai mạc thời kỳ mới
Lúc Đức Giêsu chết, Matthêu kể ra những hiện tượng kỳ lạ có sức biểu tượng mạnh mẽ: màn trong Đền Thờ xé ra làm hai, động đất, “thi thể của đông đảo các thánh sống lại và “sau khi Đức Giêsu sống lại, đi vào thành thánh”. Như thế Matthêu loan báo cho ta biết ta đang dự vào một cuộc sụp đổ của cả một thế giới và sự khai mạc của một thời đại mới. Từ nay, tất cả mọi người, trong Đức Giêsu là Đền Thờ mới, sẽ có thể tiến đến gặp gỡ Thiên Chúa. Các thánh có thể theo Đức Giêsu Phục Sinh tiến vào Vương quốc Nước Trời. Nơi đầu sự chết tưởng đã chiến thắng, nơi đó sự sống chiến thắng trên sự chết và tội lỗi Thể hiện nơi viên đại đội trưởng La-mã, người tuyên xưng đức tin vào Giáo Hội: “Người này thực là Con Thiên Chúa” là tất cả dân ngoại bắt đầu nhìn Đấng chịu đóng đinh bằng cả niềm tin.
BÀI ĐỌC THÊM:
- Đức Giêsu Thiên Chúa không quyền lực (Henri Denis, “Voici l’Homme”, DDB).
Vì Con Người, Đấng đã có thể gọi đến cả những sư đoàn thiên thần, vẫn chịu trói chân trói tay trước mặt Philatô. Đức Giêsu bị xếp vào loại người không có thế lực, nghèo hèn, bệnh tật, bị loại trừ, để phục hồi nhân phẩm cho họ. Đức Giêsu đã tích cực bảo vệ họ đến độ chọc tức cả những người tự cho mình có thế lực trước mặt Thiên Chúa hơn Người. Và chính những người ấy lại kêu gọi đến những thế lực trần gian này để làm cho Vị Tiên tri trở thành bất lực. Đó là “sì căng đan” thánh giá. Người đã cảnh báo các môn đệ của Người rằng giữa họ với nhau, và cả với người khác nữa đừng bao giờ đè nặng lên nhau cái gánh mệnh lệnh. “Chớ gì kẻ ra lệnh hãy trở thành người phục vụ, vì Con Người không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ” (Mt 20, 27).
Vâng, Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa không thế lực. Chính vì thế quyền uy của Đấng Phục sinh chẳng có gì giống với những quyền lực ở trần gian. Quyền lực của tình yêu không làm Thiên Chúa trở thành Thiên Chúa các đạo binh nhưng trở thành Thiên Chúa không khí giới.
(Trích trong ‘Suy Niệm Lời Chúa’ – Radio Veritas Asia)
Trong một ngôi nhà thờ bên Tây Ban Nha, có một thập giá cổ được giáo hữu rất tôn sùng. Đó là tượng thập giá tha tội, tượng Chúa Giêsu bị đóng đinh có cánh tay phải rời khỏi thập giá và hạ thấp xuống. Người ta có kể rằng dưới chân cây thánh giá này, có một người tội lỗi đến với cha xứ. Tuy ông xưng thú mọi tội lỗi với lòng thống hối ăn năn, cha giải tội lưỡng lự không biết có nên tha cho ông không, vì thấy ông phạm quá nhiều tội. Sau cùng, cha nghiêm nghị bảo ông: “Tôi ban phép giải tội cho ông nhưng mà trong tương lai thì phải để ý”. Ông ta hứa với cha xứ là sẽ cố gắng sửa mình và tránh mọi tội lỗi. Nhưng vì yếu đuối quá, sau một thời gian ông lại tìm đến xưng tội, Lần này thì cha xứ nói với ông giọng quả quyết: “Tôi ban phép giải tội cho ông lần này nữa là lần cuối cùng đó nghe”. Vài tháng trôi qua, ông lại tìm đến cha xứ và quỳ xuống chân cha năn nỉ: “Thưa cha, con thống hối đến tận đáy tâm lòng. Lần nào con cãng nhất quyết giữ lời hứa, nhưng con yếu đuối quá, xin cha tha tội cho con một lần nữa”. Cha xứ đáp: “Đâu có thể đùa giỡn với Chúa được. Tôi không ban phép giải tội cho ông nữa”. Khi đó cha nghe có tiếng nấc nghẹn ngào. Từ trên thánh giá, bàn tay phải của Chúa Giêsu hạ xuống làm phép tha tội trên đầu người tín hữu thống hối. Rồi Chúa Giêsu nói với vị linh mục: “Chính Cha đã đổ máu ra để cứu chuộc ông ấy chứ không phải con”. Và cũng từ ngày ấy, bàn tay của Chúa Giêsu chịu đóng đinh ở trong tư thế ban phép xá giải.
“Chính Cha đã đổ máu ra để cứu chuộc con”. Lời ấy chính Chúa Giêsu đã nói với mỗi người trong chúng ta trong Tuần Thánh, với biến cố Chúa Giêsu khải hoàn vào thành Giêrusalem, để sau đó vài ngày chịu đóng đinh và chết trên thập giá, hầu trao ban sự sống mới cho chúng ta.
Chương 50,4-7, sách ngôn sứ Isaia là một trong bốn bài ca miêu tả người tôi tớ của Giavê Thiên Chúa. Trong tuyền thống Kitô, người tôi tớ Giavê là danh hiệu ám chỉ người hiến hoàn toàn cuộc sống mình để phụng sự Thiên Chúa và Lời Ngài, luôn kiếm tìm thi hành ý của Thiên Chúa cho dù có phải chịu đau khổ và bắt bớ đi nữa. Do đó trong lịch sử chú giải Kinh Thánh, khi thì người tôi tớ đó được đồng hóa với ngôn sứ Isaia, khi thì là Giêrêmia, khi khác nữa lại là Đấng Cứu Thế toàn dân Israel. Tuy nhiên, các chương sách Isaia II, tức các chương từ 40-55, đề cập đến cảnh sống lưu đày bên Babylon của dân Israel, do đó có thể bài ca này ám chỉ cách sống đày ải khổ đau của dân Do Thái. Để miêu tả cảnh khổ đau này, bài ca trên đây dùng kiểu nói diễn tả nỗi khổ nhục thê thảm của kiếp sống lưu đày: Đưa lưng cho người ta đánh đòn, ám chỉ hình phạt dành cho người ngu dại bị coi như đồng hạng với thú vật; giơ má cho người ta vặt râu, ám chỉ đến danh dự và lột mất phẩm giá của một người; chường mặt cho người ta phỉ nhổ, ám chỉ mọi hành động xúc phạm và khinh rẻ phẩm giá của một người cũng như sự sống của một người. Tất cả cảnh sống trên đây diễn tả cảnh sống nhục nhã, bị khinh miệt và khổ đau dân Do Thái phải chịu trong thời lưu đày.
Tuy nhiên trong tình trạng sống buồn thương ấy, dân Do Thái vẫn ý thức được sự can thiệp của Thiên Chúa. Bởi vì thực ra, chỉ có Thiên Chúa là có thể biến đổi được tình trạng sống khổ đau ấy trở thành suối nguồn trao ban ơn cứu độ cho họ. Qua đau khổ, Thiên Chúa giáo dục cho con người biết sống thái độ sẵn sàng đón nhận thánh ý Ngài. Khi chấp nhận sống lưu đày, dân Israel chấp nhận tự thanh tẩy chính mình khỏi mọi bất trung và tội lỗi đã sai phạm. Họ cảm nghiệm được sâu xa hơn Thiên Chúa là Đấng hướng dẫn và dùng mọi biến cố lịch sử để làm ích lợi cho con người.
Trong thời Tân Ước, người tôi tớ khổ đau ấy là hình ảnh của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế chịu khổ nạn và đóng đinh. Thánh Giá xem ra là dấu chỉ của ơn cứu độ và ơn thánh Ngài ban cho con người. Khi tuyệt đối trung thành với thánh gia, chương trình cứu độ của Thiên Chúa Cha, đến sẵn sàng chấp nhận khổ đau và cái chết khổ nhục trên thánh giá. Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết ý nghĩa và giá trị cứu độ của khổ đau.
Trong chương 2,6-11 thư gởi tín hữu Philipphê, thánh Phaolô dùng tước hiệu người tôi tớ ấy để nói về Chúa Kitô. Khi nhập thể làm người, Chúa Kitô đã đi ngược lại lộ trình mà Ađam đã đi xưa kia. Nếu Ađam là hình ảnh diễn tả toàn nhân loại đã từ chối địa vị thụ tạo của mình và muốn trở thành Thiên Chúa, nên phá hủy chương trình Thiên Chúa có đối với loài người trong thời tạo dựng. Thì giờ đây, từ địa vị Thiên Chúa, Đức Giêsu hạ mình làm người, chấp nhận khổ nhục y như một tên nô lệ, một người tôi tớ để trao ban cho loài người cuộc sống hạnh phúc thần thiêng. Con đường Thiên Chúa đi là đại lộ kinh hoàng, là con đường của khổ đau và thập giá, là con đường của khiêm hạ và thất bại. Nhưng nó là con lộ duy nhất dẫn đến ơn cứu độ.
Thật vậy, thánh giá khổ nhục và khiêm hạ đánh đổ được kiêu căng tội lỗi đã khiến con người xa rời Thiên Chúa và đánh mất đi cuộc sống hạnh phúc của mình. Nhưng con đường khiêm hạ được Thiên Chúa can thiệp và đảm bảo với biến cố Phục sinh. Thiên Chúa đã đặt để Chúa Kitô, Ađam mới trong chốn vinh quang, trong nơi danh dự mà Ađam loài người xưa kia đã không đạt tới được. Nội dung con đường trao ban ơn cứu độ ấy được ghi lại trong trình thuật của bốn Phúc Âm, nó là phần nòng cốt được biên soạn ra trước tiên và sau này được các thánh sử khai triển theo hướng thần học riêng của mình.
Trong chương 22,14-23,56 thánh Luca trình bày cuộc khổ nạn như một trận chiến quyết liệt cuối cùng của Satan, như là phần kết thúc các cám dỗ nó đã khởi sự trước khi Chúa Giêsu công khai loan báo Tin Mừng Nước Trời. Kết thúc trình thuật ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu trong sa mạc, thánh Luca viết trong chương 4,13: “ma quỷ rời bỏ Ngài để trở lại vào thời điểm đã định”. Cuộc khổ nạn là thời điểm Satan trở lại để lại vào giao đấu với Chúa Giêsu lần cuối cùng. Ngoài ra, trong nhãn quan thần học của thánh sử Luca, cuộc khổ nạn cũng ghi lại chặng cuối cùng, đồng thời là đạt đỉnh con đường loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu khởi đầu từ Galilê và kết thúc tại Giêrusalem.
Cuộc khổ nạn cũng là lúc diễn tả rõ rệt nhất các nét đặc thù trong gương mặt của Chúa Giêsu. Theo thánh sử Luca, trước hết là tinh thần cầu nguyện. Chúa Giêsu đã gia tăng lời cầu nguyện trong những ngày và những giây phút cuối đời của Ngài. Lời cầu hấp hối kéo dài trong vườn cây Dầu trước khi Chúa Giêsu bị bắt là chứng tích rõ ràng nhất. Càng phải đương đầu với thử thách bắt bớ và khổ đau, Chúa Giêsu càng tín thác tha thiết kết hợp với Thiên Chúa Cha cho dù Ngài có cảm tưởng Thiên Chúa làm thinh và cũng đã bỏ rơi Ngài.
Tiếp đến là lòng nhân từ thương xót của Chúa Giêsu Kitô đối với những người tội lỗi. Chúa Giêsu thương chữa tên đầy tớ thầy thượng phẩm bị chém đứt tai. Nhân từ thương xót với thánh Phêrô đã chối Ngài ba lần, Chúa Giêsu quay lại nhìn Phêrô nhân từ, thương xót. Đối với những người đã đóng đinh Ngài: “Lạy Cha xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”. Nhân từ thương xót với người ăn trộm bị xử cùng lúc với Ngài: “Hôm nay ngươi sẽ ở cùng Ta trên Thiên Đàng”.
Sau cùng thánh sử Luca nêu bật thái độ vâng lời triệt để của Chúa Giêsu đối với thánh ý của Thiên Chúa Cha. Theo thánh sử, cuộc tử nạn của Chúa Giêsu không do con người muốn, mà nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa Cha. Thánh Luca chỉ qui tội cho giới lãnh đạo Do Thái mà thôi, ngay cả quan tổng trấn Philatô cũng được thánh sử châm chước. Nghĩa là theo quan điểm thần học, Chúa Giêsu hoàn toàn vâng phục chương trình cứu độ do Thiên Chúa Cha hoạch định, do đó cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá là điểm tới thành toàn. Chúa Giêsu phải chết không phải do một định mệnh dã man và khắt khe, cũng không phải do quyết định của một người trần gian nào khác, vì Ngài muốn tuân hành thánh ý và chương trình cứu độ của Thiên Chúa Cha. Chương trình cứu độ ấy được thành toàn trên thập giá và qua cái chết hiến dâng đền tội của Chúa Giêsu Kitô, người tôi tớ khổ đau của Giavê Thiên Chúa.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam