Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 71

Tổng truy cập: 1367180

TÌNH MẸ TRONG TRÁI TIM CHÚA GIÊSU

TÌNH MẸ TRONG TRÁI TIM CHÚA GIÊSU- Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Thánh Gioan tông đồ giới thiệu cho chúng ta biết Thiên Chúa là Tình Yêu và qua bốn sách Tin Mừng, Chúa Giê-su mặc khải cho biết Thiên Chúa là Cha yêu thương. Người dạy chúng ta gọi Thiên Chúa Cha bằng tiếng “Áp-ba” rất thân thương, đó là tiếng bập bẹ của đứa con thơ gọi cha mình.

Tuy nhiên, điều đặc biệt là Thiên Chúa không chỉ yêu thương chúng ta bằng tấm lòng bao la của một người cha mà còn bằng trái tim dịu hiền của một người mẹ nữa. Chính Thiên Chúa đã hé mở cho chúng ta thấy khối tình từ mẫu của Người qua miệng ngôn sứ I-sa-i-a:

“Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy” (Is 66,13) và sau nầy, qua thánh sử Mát-thêu, Chúa Giê-su phán:

“Giê-ru-sa-lem… đã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu.” (Mát-thêu 23,37)

Trích đoạn Tin Mừng của thánh Gioan hôm nay phác họa rõ nét hơn mối tình từ ái của người mẹ được biểu lộ qua tấm lòng của Chúa Giê-su.

Khi biết các môn đệ phải thức thâu đêm chài lưới giữa biển khơi, vừa phải chịu đói lạnh, vừa mệt nhoài, mối tình từ mẫu nơi Chúa Giê-su đã khiến Người dấn bước đến với đàn con để chia sẻ sự nhọc nhằn vất vả của họ, ngay lúc trời vừa hừng sáng.

Sở dĩ Chúa Giê-su đến sớm như vậy vì Người không muốn để cho các môn đệ phải chịu đói lạnh lâu hơn. Như người mẹ hiền, Chúa Giê-su mang đến cho họ sự chăm sóc giúp đỡ ngay khi họ đang cần.

Biết rằng các môn đệ vất vả suốt đêm mà không bắt được con cá nào, Người dạy họ thả lưới đúng nơi để bắt được nhiều cá.

Đối với người đi biển vừa mới lên bờ còn đang đói và lạnh thì không gì sung sướng bằng được thưởng thức ngay những miếng bánh và những con cá nướng còn nóng hổi và thơm ngon. Chính vì thế, khi đến với các môn đệ, ngoài những thực phẩm khô, Chúa Giê-su còn mang theo than để nướng bánh và cá.

Rồi Chúa Giê-su ngồi trên bãi biển như một người mẹ gia đình, nhóm lửa lên, đem cá và bánh nướng trên than hồng cho sẵn, để khi các môn đệ vừa bước lên bờ là có ngay bữa ăn sáng còn đang nóng.

Sau đó, Chúa Giê-su còn gọi các môn đệ mang thêm cá mới bắt được, để Người tiếp tục phục vụ như người mẹ gia đình, tiếp tục nướng những con cá còn tươi rồi trao cho từng đứa con đang đói. Thật đầm ấm như người mẹ hiền giữa đàn con ngoan, dạt dào tình mẫu tử.

***

Sự chăm sóc ân cần mà Chúa Giê-su dành cho các môn đệ hôm xưa, nay cũng được dành cho chúng ta. Hôm nay, Chúa Giê-su vẫn tiếp tục chăm sóc và dọn bữa hằng ngày cho chúng ta.

Nơi bàn tiệc thánh, Chúa Giê-su đem Lời hằng sống của Thiên Chúa để ban tặng chúng ta. Nhờ Lương Thực tuyệt vời nầy, tâm hồn chúng ta được dưỡng nuôi và được dồi dào sức sống. Cũng nơi bàn tiệc yêu thương nầy, Chúa Giê-su phục sinh trao chính thân mình Người làm bánh nuôi dưỡng chúng ta, để chúng ta được hiệp thông nên một với Người, và qua đó, Người thông ban sự sống thần linh của Người cho chúng ta.

Hôm nay, Thiên Chúa còn tiếp tục nhờ Mẹ Maria để trao ban tình từ mẫu của Người cho chúng ta. Như mặt trăng đón nhận ánh sáng mặt trời rồi phản chiếu xuống mặt đất làm cho trái đất được chiếu sáng, thì Mẹ Maria cũng đón nhận tình yêu của Thiên Chúa và trao lại cho chúng ta. Qua Mẹ Maria, Thiên Chúa yêu thương ấp ủ chúng ta bằng một tình mẹ rất dịu dàng, dìu dắt chúng ta như đứa con thơ bé, vượt qua biển đời sóng gió về bến an bình.

Thiên Chúa yêu thương chúng ta bằng tình Cha bao la lẫn tình Mẹ dịu dàng. Ước gì chúng ta cũng biết đền đáp lại mối tình cao cả ấy với tất cả tấm lòng hiếu thảo của một người con ngoan.

CHÚA NHẬT III PHỤC SINH- C

CHÚNG TÔI LÀ CHỨNG NHÂN CÁC LỜI ĐÓ CÙNG VỚI THÁNH THẦN- Lm. Giuse Vũ Mộng Thơ

Cả ba bài đọc của chúa nhật hôm nay vẫn còn đượm nét niềm vui Chúa phục sinh. Bài đọc thứ nhất nói lên niềm xác tín của các tông đồ khi tuyên bố sự phục sinh của Đức Kitô, Ngài là con Thiên Chúa và chính Đức Chúa Cha đã phục sinh Con chí ái của Ngài. Điều này bây giờ chúng ta cho là hiển nhiên và không có gì phải bàn cãi nữa. Nhưng vào thời buổi đó thì thật là hết sức quan trọng và không bao giờ các vị tư tế cũng như biệt phái thời đó chấp nhận được. Họ có thể chấp nhận một người từ cõi chết sống lại (thí dụ trường hợp Lazarô em của Matta) dù khó tin nhưng còn có thể hiểu được… đàng này nói “ông ta” là Con Thiên Chúa thì là phạm thượng vô cùng và đi ngược lại với tất cả niềm tin của Do Thái về một Thiên Chúa duy nhất… dù cho đến ngày nay họ cũng không thể chấp nhận điều này. Như thế việc rao giảng “tín điều” mới này cũng không phải là dễ đối với các tông đồ thời đó, cho nên các ngài đã tuyên bố: “Chúng tôi là chứng nhân các lời đó cùng với Thánh Thần”. Nếu có Chúa Thánh Thần thì không thể nói là chúng tôi đã “rượu vào lời ra” và dù có bị cấm cách, đánh đòn, tra tấn đến đâu đi nữa thì chúng tôi vẫn “phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta”.

– Chiên Con đã bị giết, xứng đáng lãnh nhận quyền năng và thiên tính: thánh Gioan là vị tông đồ của tình yêu cũng là người sống lâu nhất của nhóm 12 đã từng được chứng kiến tận mắt những gì đã xẩy ra ngay từ đầu trong cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu cho đến khi ngài bị kết án, sống lại, lên trời… thì chắc chắn nhân chứng của ngài về “thiên tính” Đức Kitô phải có một nền tảng và giá trị vững chắc hơn ai hết. Cũng như các con chiên vẫn hiến tế mỗi ngày trong đền thờ Giêrusalem mà ai cũng nhìn nhận thấy tận mắt, thánh Gioan đã dùng hình ảnh này để diễn tả thật thâm sâu mầu nhiệm cứu chuộc của Đức Kitô. Thời đó dân chúng biết rằng Do Thái giáo không “sát tế” sinh mạng con người nữa như thời Abraham-Isaac mà họ thay thế vào đó là những con vật (chiên bò) hiến tế thay cho chính mạng sống con người (là dân chúng). Dù hy lễ là người hay chiên bò thì máu vẫn là biểu tượng của sự sống, chỉ có một mình Đấng Tạo hóa mới có quyền trên sự sống mà thôi… vì thế không ai có quyền diệt sự sống nơi anh em mình và cũng không có quyền tự diệt sự sống nơi chính mình và cho đến ngày nay: giết người, tự tử, phá thai vẫn là một trọng tội trong Do Thái giáo… Cho nên bấy giờ, theo thánh Gioan, chính Đức Kitô cũng như một con chiên vô tội đã chấp nhận bị “sát tế” thay cho toàn dân và cả nhân loại để làm “của lễ toàn thiêu” dâng kính Đức Chúa Cha thì chắc chắn rằng của lễ này sẽ là của lễ toàn thiện, toàn hảo nhất và cũng làm đẹp lòng Đức Chúa Cha nhất.

– Chúa Giêsu đến, cầm bánh và cá trao cho họ ăn… tôi vẫn còn nhớ cách đây 22 năm khi còn đang nằm bãi Vũng Tầu chờ thời ra đi vượt biển: rất giống cảnh hôm nay trong Phúc âm… Chưa đến 5 giờ sáng khi trời còn tối lắm thì đã nghe tiếng các bạn chài gọi nhau ơi ới, tiếng của những người rao bán hoặc đi mua tôm cá thật sớm… Cũng thế hôm nay có một “chàng nghệ sĩ” tóc phủ vai đang ung dung ngồi nướng cá và bánh; trong ánh lửa chập chờn các bạn chài của anh chưa nhận ra anh ngay và đang táp thuyền vào bờ với những tiếng thở dài mệt nhọc vì cả đêm họ chả được con cá nào… Không có cá thì lấy gì mà điểm tâm đây vì thế họ vẫn chưa muốn vào bờ. Chàng bảo họ hãy thả lưới bên phải… thế là họ trúng mối được đầy thuyền ca và cùng lúc đó họ cũng nhận ra chàng chính là Đức Kitô, vị sư phụ trẻ đã tuyên bố là Ngài sẽ sống lại từ cõi chết trước khi trước khi bị kết án trên thập giá. Đúng là Ngài chăng? Nhưng không một ai dám hỏi điều đó. Nhưng Chúa Giêsu đã đến, cầm bánh và cá trao cho họ ăn sau khi đã đọc lời chúc tụng… và tất cả các môn đệ đã nhận ra Ngài.

Xin Đức Kitô phục sinh ban cho chúng ta một niềm tin vững vàng nơi Ngài dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào trong cuộc sống tha hương này cũng như biết và nhận ra Ngài trong mỗi người anh chị em chúng ta dù họ là bần cùng khó nghèo nhất trong xã hội.

CHÚA NHẬT III PHỤC SINH-C

CHÚA GIÊSU PHỤC SINH ĐI CHỌN MỘT NGƯỜI CHĂN DẮT CHIÊN CỦA CHÚA- Lm. Giuse Nguyễn Công Đoan

Sách Tin Mừng Gioan kể chuyện thánh Phêrô chối Chúa (Ga 18,15-17) với mấy đặc điểm sau đây:

Khi bọn sai nha đến bắt Chúa, Chúa ra đón và hỏi: các anh tìm ai? Họ đáp: Giêsu Nadaret.

Chúa trả lời: “Ta Là”. Họ ngã ngửa. Họ đứng lên, Chúa hỏi nữa. Rồi Chúa nói: Tôi đã bảo các anh: “Ta Là”. Trong bản văn Hy Lạp (Ego eimi: Ta Là) đây là Thánh Danh Thiên Chúa đã mặc khải cho ông Môsê (Xh 3,14). Trong Sách Tin Mừng Gioan nhiều lần Chúa Giêsu dùng danh xưng này để nói về mình.

Khi ông Simon Phêrô vào sân dinh Thượng Tế và ngồi sưởi ké bên đống lửa than của bọn sai nha, ba lần bị chỉ mặt là môn đệ của Chúa Giêsu thì ba lần ông chối: Không phải (oukh eimi: ‘tôi không là’ ngược với lời Chúa Giêsu khẳng định: ‘Ta Là!’

Hôm nay, người môn đệ mà trong bữa Tiệc Ly ông đã nhờ hỏi nhỏ Chúa xem ai là kẻ phản nộp Chúa, nói với ông: “Chúa đấy”. Nghe thế ông liền lấy áo quấn ngang lưng, vì ông đang trần truồng, và ông nhảy xuống nước.

Trong sách Sáng Thế, sau khi trái cấm mở mắt cho Adam + Evà thấy mình trần truồng, họ lấy lá vả (là thứ lá cây lớn nhất thường thấy) quấn ngang lưng; rồi khi nghe tiếng bước chân Thiên Chúa thì họ núp vào lùm cây. Thiên Chúa gọi: “Ađam, người ở đâu?”.

Sách Tin Mừng Gioan không kể chuyện gì xảy ra với ông Simon Phêrô sau tiếng gà gáy, như các sách Tin Mừng Nhất Lãm, nhưng để dành đến hôm nay mới trở lại câu chuyện. Ông Simon Phêrô phản ứng giống Ađam. Ađam ở trong vườn thì có lùm cây mà núp, Phêrô đang trên thuyền thì chỉ có cách nhảy xuống nước mà núp.

Vào bờ ông cũng thấy một đống lửa than, Chúa Giêsu dọn cho ông và các bạn, lại có bánh và cá đặt trên. Đống lửa than này làm sao mà không gợi cho ông Phêrô nhớ lại đống lửa than của của bọn sai nha trong sân dinh Thượng Tế cái đêm tăm tối kia.

Chúa bảo: ‘hãy đến mà ăn’. Chúa đến, cầm lấy bánh và cá trao cho các ông. Cảnh này gợi lại hôm Chúa ngồi trên núi, trao bánh và cá cho đám đông (ch.6).

Sau bữa Chúa đãi đám đông trên núi, tại Ca-phac-na-um, khi nhiềumôn đệ bỏ đi, Chúa Giêsu hỏi nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” (6,67) thì ông Phêrô thay mặt nhóm Mười Hai khẳng khái: “Bỏ Thầy chúng con đi với ai …”.

Sau bữa ăn sáng quanh đống lửa than bên hồ, Chúa gọi đích danh và hỏi: “Simon con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy hơn những người này không?” Sự so sánh này làm cho ông phải nhớ lại lời ông cam kết trong bữa Tiệc Ly: “Con sẽ hy sinh mạng sống con vì Thầy” (13,37). Hôm nay thì ông không còn dám vỗ ngực tự phụ như thế nữa. Ông dựa vào Chúa: “Thưa Thầy, Thầy biết …”. Phiền nỗi là Chúa lặp lại cùng một câu hỏi hai lần nữa, nhưng tế nhị bỏ cái vế so sánh cho ông đỡ ngượng. Đến lần thứ ba thì ông hết chịu nổi, ông buồn, và ông nại đến sự thông biết vô cùng của Chúa: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự, Thầy biết …” (x.Tv 139).

Bên đống lửa than trong sân dinh Thượng Tế, ba lần trong một đêm ông nhận rằng ông chẳng là gì.

Sáng nay ông và các bạn nhận mình là những kẻ đánh cá vô tích sự, suốt đêm chẳng được gì để ăn.

Sáng nay ông vừa nhận ra mình là kẻ trần truồng và đi núp, giống như Ađam.

Bên đống lửa than của Chúa ở bờ hồ, khi trả lời câu Chúa hỏi ba lần, ông chỉ còn biết dựa vào sự thông biết, sự thông biết vô cùng của Chúa.

Bây giờ thì Chúa có thể an tâm trao cả chiên mẹ. chiên con của Chúa cho ông chăn nuôi, và Chúa cũng đòi ông giữ cả lời hứa hy sinh mạng sống, nhưng không phải thay cho Chúa, mà để tôn vinh Thiên Chúa giống như Thầy Giêsu, vị Mục Tử kiểu mẫu, hiến mạng sống vì đoàn chiên.

Ngày đầu, ông nghe lời Thầy của ông là vị Tiền Hô giới thiệu Chúa Giêsu và đi theo.

Hôm nay, sau khi đã cho ông biết rõ sứ mạng và số phận của ông, chính Chúa Giêsu trực tiếp gọi ông: “Hãy theo Thầy”.

Trong nghi thức bầu Giáo Hoàng, sau khi đắc cử, vị tân cử phải trả lời hai câu hỏi theo nghi thức: “Ngài có nhận kết quả bầu cử này không?” và “Ngài nhận tông hiệu là gì?”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lời câu hỏi thứ nhất như sau: “Tôi là kẻ tội lỗi và tôi ý thức điều đó, nhưng tôi rất tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa, vì các vị đã bầu tôi, đúng hơn, vì Chúa đã chọn tôi, tôi nhận”. (ĐHY Philippe Barbarin kể lại trong lời tựa cuốn sách “Amour, Service et Humilité” (Bài giảng tĩnh tâm của ĐHY Jorge Mario Bergoglio S.J., cho các Giám Mục Tây Ban Nha năm 2006)

Nội dung câu trả lời thâu tóm câu chuyện của thánh Phêrô.

CHÚA NHẬT III PHỤC SINH- C

KẾT QUẢ BẤT NGỜ-  Lm. Micae Võ Thành Nhân

 Theo bài Tin Mừng hôm nay, đây là lần thứ ba Chúa hiện ra với các tông đồ sau khi Chúa từ cõi chết sống lại. Có lẽ đây cũng là lần đầu tiên các tông đồ thấy Chúa hiện ra mà không hoảng hồn, không tưởng là ma, không phải sợ hãi, nhưng chỉ chưa nhận ra là Chúa mà thôi. Phải nói rằng đây là một kết quả bất ngờ thứ nhất mà chúng ta cảm thấy được. Sở dĩ có được kết quả như vậy là do mấy lần hiện ra trước đó, Chúa luôn nói ” Bình an cho các con ! Nầy Thầy đây, đừng sợ….Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy ? Hãy xem tay chân Thầy: Chính Thầy đây ! Hãy sờ mà xem: Ma đâu có xương có thịt như các con thấy Thầy có đây “. ( Lc 24, 38 – 39 )

Bất ngờ thứ hai là mẻ lưới quá nhiều cá. Chúa không phải là ngư phủ, vậy mà Chúa bảo các tông đồ thả lưới bên hữu thuyền và khi các tông đồ làm như thế, các tông đồ trúng một mẻ cá quá lớn ngoài sức tưởng tượng. Điều này chứng tỏ cho chúng ta thấy một lòng tin mãnh liệt, và kèm theo đó là một sự vâng phục tuyệt đối của các tông đồ vào Chúa Phục Sinh, cách riêng là của thánh Phêrô, vị đứng đầu các tông đồ của Chúa thật quá tuyệt vời.

       Khi các tông đồ kéo thuyền vào bờ và mọi người đã lên bờ, Chúa đang ở đó, các ngài quay quần bên Chúa, Chúa bảo các ngài: “ Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây “. Thánh Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách. Và rồi tiếp đến Chúa nói: ” Các con hãy lại ăn “, Chúa trao bánh cho các ngài, cá Chúa cũng làm như thế. Lúc này, không gian là trên bãi biển; thời gian là buổi sáng sớm tinh sương, rạng đông; không gian thật thanh bình, êm đềm, không một tiếng ồn ào náo nhiệt của phố chợ, làng mạc, đô thị, có chăng là tiếng vỗ bờ từng nhịp đều đặn của những con sóng buổi ban mai nhẹ nhàng và tiếng những con côn trùng kêu rỉ rả báo hiệu một ngày mới đã bắt đầu.  Các tông đồ quay quần bên Chúa như trong một gia đình thật là ấm cúng, hạnh phúc trong tiếng gió vi vu thoáng nhẹ, mát mẻ của buổi bình minh. Tình Thầy trò trào dâng, tình huynh đệ với nhau đằm thắm, không bị chi phối bởi những sợ hãi, bởi những người lui tới tấp nập để gặp Chúa của những ngày đã qua trước khi Chúa chịu chết; một chút hương xưa trong những ngày đầu theo Chúa ở miền Galilêa này đã trở về với các ngài để rồi những gì đang diễn ra đây đã làm cho các ngài thêm xác tín, đó chính là Chúa của các ngài rồi.

      Mặt khác, khi mà thánh Phêrô khởi xướng việc đi đánh cá, các tông đồ đã đồng thanh đáp ứng, cùng nhau ra khơi thả lưới, và rồi các ngài đã gặp được Chúa. Điều này cho chúng ta thấy các tông đồ đoàn kết, hiệp lực với nhau, dưới sự dẫn dắt của thánh Phêrô mà Chúa đặt đứng đầu Hội Thánh thì mọi sự sẽ tốt đẹp. Đây là nguyên tắc Phêrô mà Chúa muốn các ngài áp dụng để xây dựng Hội Thánh ngày xưa và ngày hôm nay vẫn còn tiếp tục thực hiện như vậy tronh Hội Thánh của Chúa để làm phát triển Hội Thánh và làm lan rộng Tin Mừng Phục Sinh đến cho mọi tâm hồn. Đàng khác, lưới đầy cá lớn, tất cả được một trăm năm mươi ba con, nghĩa là Chúa trao tất cả các dân tộc trên trần thế này cho Hội Thánh để Hội Thánh chăm sóc, phục vụ, hướng dẫn. Vì vậy, tất cả mọi thành phần dân Chúa trong Hội Thánh cần phải hết mình cộng tác với nhau, dưới sự dẫn dắt của Đức Giáo Hoàng, Đấng kế vị thánh Phêrô, để xây dựng, để mở mang nước Chúa, và dẫn đưa con người đến với Chúa.

       Những cuộc gặp gỡ, những lần được tiếp xúc trực tiếp với Chúa Phục Sinh, nghe Chúa bảo ban hướng dẫn, nghiền ngẫm lời Chúa dạy dỗ sẽ là kinh nghiệm trải qua của các tông đồ, làm nên vốn sống của các ngài và với ơn thánh của Chúa Thánh Thần soi sáng, giúp đỡ, đã làm cho các tông đồ thêm xác tín, thêm mạnh mẽ, thêm can trường, thêm nghị lực dấn thân để ra đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh của Chúa cho mọi người, dù phải bị bắt bớ, đánh đập, tù đầy, giết chết như trong bài đọc một được trích từ sách Công Vụ Tông Đồ hôm nay “ Ta đã ra lệnh cấm các ngươi nhân danh ấy mà giảng dạy. Thế mà các ngươi đã giảng dạy giáo lý các ngươi khắp cả Giêrusalem….Họ ra lệnh đánh đòn các tông đồ và tuyệt đối cấm không được nhân danh Chúa Giêsu mà giảng dạy nữa…Nhưng thánh Phêrô và các tông đồ trả lời: ‘ Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta ‘ “, sau đó các tông đồ được tha, các ngài ra khỏi công nghị, lòng hân hoan, vì thấy mình xứng đáng chịu sỉ nhục vì danh Đức Giêsu.

      Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, chính Chúa qui tụ chúng con lại trong gia đình Hội Thánh của Chúa. Xin Chúa giúp chúng con biết nổ lực cộng tác với Hội Thánh Chúa bằng hết khả năng của bản thân để làm cho Nước Chúa lang rộng khắp nơi và Tin Mừng Phục Sinh đến với mọi tâm hồn. Xin Chúa giúp chúng con biết can trường, vượt qua sự nhút nhát của bản thân, để đến với tất cả mọi người, nhất là những người đang sống trong cô đơn, tuyệt vọng, cuộc đời tăm tối không lối thoát mà khơi lên ánh sáng Chúa Phục Sinh nơi họ bằng lời cầu nguyện, sự giúp đỡ vật chất cũng như tinh thần, ngõ hầu giúp cho những anh chị em này đến với Chúa, tìm được nguồn trợ lực mà sống có ý nghĩa hơn, sống tốt hơn để đạt đến hạnh phúc phục sinh với Chúa sau này. Amen.

home Mục lục Lưu trữ