Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 55
Tổng truy cập: 1367657
TINH THẦN ĐẠI KẾT
(Trích trong ‘Niềm vui chia sẻ’)
Cha Anthony De Mello, một linh mục Ấn Độ, Dòng Tên, chuyên về huấn luyện tu đức, đã tưởng tượng câu chuyện “Chúa Giêsu đi xem bóng đá” (trong tập truyện “Bài ca của loài chim” The Song of Bird) như sau: “Nghe Đức Giêsu than phiền là Ngài chưa một lần nào được xem một trận bóng đá, chúng tôi liền đưa Ngài đến xem một trân đấu rất gay go giữa hai đội tuyển Tin Lành và Công Giáo. Khi đội Công Giáo làm bàn trước 1-0, Đức Giêsu hoan hô vang dội và tung cả mũ lên trời. Vài phút sau, trong một đợt phản công đẹp mắt, đội Tin Lành đã gỡ một đều (1-1), Đức Giêsu cũng reo hò và tung mũ lên trời. Một khán giả ngồi bên cạnh lấy làm khó chịu về thái độ của Chúa Giêsu, ông ta hỏi Ngài:
– Này ông bạn, ông ủng hộ bên nào? Chúa Giêsu trả lời trong khi mãi mê theo dõi trận đấu: “Tôi à? Ồ, tôi không ủng hộ bên nào cả. Tôi đến đây là để thưởng thức trận đấu mà thôi”. Người khán giả tỏ vẻ khó chịu về thái độ của Chúa Giêsu lại bực hội hơn, ông quay sang người bên cạnh và nói nhỏ: “Hắn ta là một tên vô thần!”
Trên đường về nhà, chúng tôi nói với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, những người có tôn giáo thật là buồn cười, họ tưởng rằng Chúa chỉ đứng về phía họ và chống lại tất cả nhưng ai không thuộc về tôn giáo của họ”. Chúa Giêsu gật đầu tỏ ý đồng tình. Ngài bảo: “Đó là lý do tại sao tôi không ủng hộ đội tuyển Tin Lành hay đội tuyển Công Giáo, mà chỉ ủng họ các cầu thủ thôi, dù họ thuộc bất cứ đội tuyển nào”.
Câu chuyện này tuy là tưởng tượng, nhưng nó mang sứ điệp của Tin Mừng hôm nay. Số là có người không thuộc về Nhóm Mười Hai Tông Đồ đã nhân danh Chúa Giêsu mà trừ quỷ. Thấy thế, ông Gioan đã ngăn cản người ấy. Tưởng là có công lớn, ông đem khoe với Chúa Giêsu. Nhưng ông không ngờ trước phán quyết của Chúa: “Đừng ngăn cản người ta làm gì! Vì không có ai nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu Thầy. Ai không chống đối chúng ta là ủng hộ chúng ta”.
Vào thời ông Môisê cũng thế. Khi ông Giôsuê muốn dành độc quyền nói tiên tri cho nhóm bẩy mươi vị Kỳ Mục, đã xin Môisê ngăn cản hai ông Elđát và Mêđát nói tiên tri. Nhưng ông Môisê đã trả lời: “Anh ghen giùm tôi à? Phải chi Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều làm ngôn sứ!” (Bđ. 1).
Cả hai câu trả lời thật đáng giá, vì chính thức lên án một tấm lòng hẹp hòi, một khối óc cục bộ. Làm sao người ta có thể nói tiên tri, có thể trừ quỷ, nếu không thuộc về Chúa, không do Chúa ban. Thái độ khép kín, phe nhóm như thế không đúng tinh thần cởi mở của Chúa Giêsu. “Thần Khí muốn thổi đâu thì thổi”, “đừng dập tắt Thánh Thần”. Không phải chỉ có Giôsuê của thời Môisê hay Gioan của thời Chúa Giêsu, mà Giáo Hội cũng đã nhiều lần muốn bảo vệ cái độc quyền nhân danh Đức Chúa của mình. Lịch sử Giáo Hội cũng là một chuỗi biến cố đau thương làm cho những trang sử của Giáo Hội mất đi vể trong sáng. Con người luôn bị cám dỗ áp đặt cho chính Thiên Chúa cái suy nghĩ hẹp hòi của chính mình, Cộng Đồng Vatican II đã đánh dấu một trang sử mới của Giáo Hội về chính mình, về thế giới, về những tôn giáo khác, về những người không tin. Không còn là thái độ lên án, khinh thường miệt thị nữa, mà là một thái độ trân trọng thực sự và đối thoại chân thành. Từ thái độ tự cao tự đại, tưởng mình độc quyền chân lý chuyển sang thái độ khiêm tốn biết giới hạn của mình, đồng thời nhìn ra cái chân, cái thiện, cái mỹ nơi người khác, nơi các dân tộc khác, trong các nền văn hoá khác.
Cuộc “hoán cải” lịch sử ấy vẫn đang tiếp diễn trong lòng Giáo Hội, đặc biệt trong những năm chuẩn bị bước sang Thiên Niên Kỷ Thứ Ba. Trong Tông thư “Tiến Tới Thiên Niên Kỷ Thứ Ba” (10/11/1994). Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã kêu gọi “Giáo Hội phải ý thức sâu sắc trách nhiệm về tội lỗi của con cái mình, khi hồi tưởng lại trong lịch sử những lạc xa Thánh Thần của Đức Kitô và Tin Mừng… Giáo Hội không thể bước qua ngưỡng cửa của Thiên Niên Kỷ mới mà không thối thúc con cái mình thanh luyện trong sự sám hối về những lỗi lầm, bất trung, chia rẽ, trì trệ… (số 34). “Trong số những tội lỗi đòi hỏi phải có một nỗ lực sám hối và hoán cải đặc biệt hơn, hiển nhiên phải kể đến những tội phá hỏng sự hiệp nhất mà Thiên Chúa muốn có nơi dân của Ngài. Qua những ngàn năm đã qua, kể cả ở ngàn năm thứ nhất, mối hiệp thông Giáo Hội “đôi khi bởi lỗi lầm của thành phần này hay thành phần khác” đã bị xé rách một cách đau đớn, điều đó rõ ràng đi ngược lại với ý muốn của Đức Kitô và là một cớ vấp phạm cho thế giới” (số 34).
Người môn đệ Đức Kitô phải có trái tim rộng lớn, cởi mở như Thầy, sẵn sàng bắt tay hợp tác với mọi người và mời gọi mọi người cộng tác vào những việc tốt, việc hữu ích cho con người, cho xã hội, không hạn chế, không loại trừ hay cấm cản ai, nhất là những người thành tâm thiện chí. Tinh thần quảng đại của Đức Kitô không cần biên giới, không chấp nhận bị ràng buộc trong một phe nhóm, một tổ chức nào. Tinh thần đó phải vượt lên trên mọi khác biệt, vì “Thần Khí Chúa được ban cho mọi người không phân biệt ai”. Ở đất nước ta đã không thiếu những hình ảnh của các tăng ni phật tử bên cạnh các linh mục, tu sĩ nam nữ, các Kitô hữu để làm công tác từ thiện bác ái, thăm viếng bệnh nhân, chăm sóc các cô nhi quả phụ, xóa đói giảm nghèo… Có gì tuyệt cho bằng chân lý yêu thương của Đức Kitô được mọi người anh em Phật Giáo, Khổng Giáo, Tin Lành, Cao Đài, Công Giáo cùng nhau chia sẻ và phấn đấu thực hiện cho bằng được: “Phàm ai hoạt động trong đức ái là đã thuộc về Đức Kitô” (x.Mc 9,41). Bởi vì bất cứ người tốt việc tốt từ đâu, ở phía nào, cũng đều được Chúa chấp nhận. Bất cứ hành động công bằng nào, công việc bác ái thương người nào, đều sẽ được Chúa thưởng công, dù chỉ một ly nước mát, một nụ cười tươi: “Ai cho anh em uống một ly nước vì lẽ anh em là người của Đức Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”. Ngược lại, Chúa cũng không làm ngơ trước một hành động xấu, gây cớ cho người nào vấp phạm sa ngã phạm tội, làm điều gian ác. Hơn nữa, chính bản thân mình cũng phải cương quyết dứt khoát từ chối đi theo con đường tội ác, tránh xa dịp tội. Chúa bảo ai làm gương xấu cho kẻ khác vấp phạm thì “thà buộc cối đá lớn vào cổ mà quăng xuống biển còn hơn”. Chúa còn dùng kiểu nói cường điệu: “chặt tay, cưa chân, móc mắt”, nếu những chi thể quý báu ấy nên cớ cho mình vấp phạm để mất sự sống đời đời, vì “thà cụt tay, què chân, mù mắt còn hơn là phải vào hỏa ngục đời đời”. Lý do là giá trị tuyệt đối của sự sống đời đời.
Chúng ta đừng lo giữ lấy độc quyền ơn cứu độ cho mình, nhưng hãy sống cái hạnh phúc được thuộc về Chúa Kitô và chia sẽ cho anh em hạnh phúc ấy. Mỗi người cần phải nghĩ đến người khác trong khi nói năng, cư xử, hành động, để trở nên gương sáng cho người khác. Hãy thay đổi cách suy nghĩ và hành động phản chứng và gây gương mù. “Tiến đến Thiên Niên Kỷ Thứ Ba, hết thảy chúng ta được mời gọi tự vấn lương tâm và có những sáng kiến đại kết bổ ích để có thể giới thiệu cho thế giới thấy mình vào Năm Đại Toàn Xá 2000, nếu chưa hoàn toàn hiệp nhất thì ít ra cũng vượt qua được nhiều chia rẽ của Thiên Niên Kỷ Thứ Hai. Muốn thế, cần phải nỗ lực rất nhiều. Phải tiếp tục tiến hành đối thoại về giáo lý, nhưng nhất là cầu xin ơn hiệp nhất. Lời cầu nguyện mà chính Đức Kitô tha thiết kêu gọi trước khi chịu nạn: “Lạy Cha, xin cho mọi người hiệp nhất nên một trong chúng ta” (Ga 17,21) (số 43).
31. Nghiêm luật – Trầm Thiên Thu
Thuận ngôn nghịch nhĩ. Lời thật mất lòng. Thế nhưng hiếm có người muốn nghe lời thật – lời của sự thật, lời của chân lý.
Ca dao nói: “Mật ngọt nên mới chết ruồi – Những nơi cay đắng là nơi thật thà”. Thật vậy, người nịnh ta là kẻ thù của ta, người khen ta mà khen đúng là bạn của ta, người chê ta mới là thầy của ta. Khó nghe quá! Khó chịu lắm! Nhưng đó lại là sự thật! Sự phục thiện rất quan trọng. Phải tâm niệm “mất lòng trước, được lòng sau” thì mới là người chính trực.
Cái ác càng ngày càng hoành hành, tự tung tự tác. Thậm chí chỉ nhìn thấy “ngứa mắt” mà kẻ thủ ác không ngại rút dao lụi cho một cú, dù người bị hại không hề có lỗi gì. Đúng như tiền nhân nói: “Nhân dục thắng, thiên lý vong” [Ham muốn của con người thắng thì lẽ công (trời) sẽ bị mất]. Cũng vậy, ngạn ngữ Trung quốc nói: “Con cưng chiều khó giữ cơ nghiệp, vợ quay quắt khó giữ cửa nhà”.
Cái gì cũng có hệ lụy tất yếu: Gia luật bất minh, con cái hư hỏng; quốc pháp bất nghiêm, đất nước suy vong.
TƯ TƯỞNG DẪN TỚI LỜI NÓI
Lời nói là kết quả của tư tưởng. Vì phản ứng não quá nhanh, nhanh như chớp, chúng ta không thể nhận ra điều đó, nhưng quả thật là vậy!
Sách Dân Số kể: Đức Chúa ngự xuống giữa đám mây và nói chuyện với ông Môsê. Người lấy một phần Thần Khí đang đậu trên ông mà đặt trên bảy mươi kỳ mục. Khi Thần Khí đậu xuống trên các ông thì các ông bắt đầu phát ngôn, nhưng việc đó không tái diễn nữa. Bấy giờ có hai người ở lại trong trại, một người tên là En-đát, một người tên là Mê-đát. Các ông đã được ghi trong danh sách kỳ mục, nhưng đã không đến Lều. Thần Khí đậu xuống trên các ông và các ông bắt đầu phát ngôn trong trại.
Một người thanh niên chạy đi báo tin cho ông Môsê: “Ông En-đát và ông Mê-đát đang phát ngôn trong trại!” (Ds 11:27). Ông Giôsuê, con ông Nun, từng theo hầu ông Môsê từ hồi còn nhỏ, lên tiếng nói với ông Môsê: “Thưa thầy, xin thầy ngăn cản họ!” (Ds 11:28). Nhưng ông Môsê trả lời: “Anh ghen dùm tôi à? Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ!” (Ds 11:29).
Lời nói có thể chỉ là “lời theo gió bay”, nhưng lời nói vẫn quan trọng: “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”. Một lời nói ra, bốn ngựa cũng không đuổi kịp. Thế mà người ta không chịu “uốn lưỡi 7 lần” nên mới “nói nhịu” hoặc “lỡ lời”. Sự thật là chính Thần Khí mới tạo nên sự sống, vì có sống thì mới nói được. Mọi người đều được Thiên Chúa trao trách nhiệm làm ngôn sứ cho Ngài, nghĩa là ai cũng phải dùng lời nói mà tuyên xưng và loan báo Thiên Chúa nhân lành vô cùng.
Luật vị nhân sinh, nhân sinh bất vị luật. Luật có sau con người nên luật phải vì con người, chứ con người không vì luật. Bởi con người không còn “nhân chi sơ tính bổn thiện” nên phải có luật, như hàm thiếc tra cho con ngựa chứng, nếu không thì mọi tôn ti trật tự đều bị đảo lộn. Thật vậy: “Ở đâu không có Lề Luật, thì cũng không có vi phạm” (Rm 4:15). Phàm cái gì cũng phải có luật: Luật giao tế, luật kinh tế, luật kinh doanh, luật quốc gia, luật quốc tế, luật đời, luật tôn giáo, luật đoàn thể, luật gia đình,… Ngay cả chuyện giản dị như ăn và nói cũng có luật. Nhưng tất cả đều phải dựa vào Luật Chúa, gọi là Thánh Luật, vì Chúa Giêsu xác định: “Trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành” (Mt 5:18).
Thánh Luật là Ý Chúa: “Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn. Thánh Ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn” (Tv 19:8). Luật đời có thể khiến người ta khổ sở, nhưng Luật Chúa luôn làm người ta hạnh phúc. Ai yêu mến Chúa thì chuyên chăm thi hành Thánh Luật, luôn miệt mài tìm kiếm Ý Chúa để vâng theo: “Lòng kính sợ Chúa luôn trong trắng, tồn tại đến muôn đời. Quyết định Chúa phù hợp chân lý, hết thảy đều công minh” (Tv 19:10). Tác giả Thánh vịnh nói thay chúng ta: “Tôi tớ Ngài đây xin ra công học hỏi; ai giữ những điều này sẽ được nhiều lợi ích. Nhưng nào ai thấy rõ các lầm lỗi của mình? Xin Ngài tha các tội con phạm mà chẳng hay. Xin cũng giữ cho tôi tớ Ngài khỏi kiêu ngạo, đừng để tính xấu này thống trị con. Như thế con sẽ nên vẹn toàn không còn vương trọng tội” (Tv 19:12-14). Chúng ta chỉ là những tội nhân, thế nên rất cần Luật Chúa để cải thiện cách sống, và đó mới là hạnh phúc đích thực mà các tôi trung của Chúa hằng mơ ước: “Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện, biết noi theo luật pháp Chúa Trời” (Tv 119:1).
LỜI NÓI DẪN TỚI HÀNH ĐỘNG
Thánh Giacôbê khuyên một lèo: “Giờ đây, hỡi những kẻ giàu có, các người hãy than van rên rỉ về những tai hoạ sắp đổ xuống trên đầu các người. Tài sản của các người đã hư nát, quần áo của các người đã bị mối ăn. Vàng bạc của các người đã bị rỉ sét; và chính rỉ sét ấy là bằng chứng buộc tội các người; nó sẽ như lửa thiêu huỷ xác thịt các người. Các người đã lo tích trữ trong những ngày sau hết này. Các người đã gian lận mà giữ lại tiền lương của những thợ đi cắt lúa trong ruộng của các người” (Gc 5:4a). Vì thế, “tiền lương ấy đang kêu lên oán trách các người, và tiếng kêu của những thợ gặt ấy đã thấu đến tai Chúa các đạo binh” (Gc 5:4b).
Thánh nhân nói quá tỉ mỉ, quá rõ ràng, không hề bóng gió. Những lời đó hẳn chúng ta rất “chói tai” khi nghe, hoặc “xốn” mắt khi đọc. Sự thật mất lòng là thế! Ngài còn nói thêm: “Trên cõi đất này, các người đã sống xa hoa, đã buông theo khoái lạc, lòng các người đã được no đầy thoả mãn trong ngày sát hại. Các người đã kết án, đã giết hại người công chính, và họ đã chẳng cưỡng lại các người” (Gc 5:5-6). Càng đọc/nghe, chúng ta càng thấy tự hổ thẹn với lương tâm của chính mình. Dù chúng ta có đấm ngực bao nhiêu lần mà không thay đổi cách sống, không bớt hung ác mà thêm tốt lành, không bớt ngu mà thêm khôn, thì cũng chỉ là vô ích!
Một hôm, ông Gioan tâm sự với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta” (Mc 9:38). Đức Giêsu bảo: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9:39-40). Ôi, Sư phụ Giêsu “dễ ghét” quá chừng! “Không chống lại là ủng hộ”, Ngài nói vậy chứng tỏ Ngài quá chừng dễ thương, vì Ngài chẳng đòi hỏi chi cả.
Ngài không đòi hỏi điều chi lớn lao, thậm chí chỉ một hành động nhỏ cũng được Ngài ghi công: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mc 9:41). Tuy nhiên, Ngài cũng thẳng thắn cảnh báo: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc 9:42). Cách so sánh rất thật, tất nhiên cũng rất… “chói tai”. Ngài tiếp tục so sánh cụ thể hơn: “Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt” (Mc 9:43-48). Nghe mà giật thót mình như sét đánh. Nhưng đó là nghiêm luật của Chúa, không bao giờ lay chuyển. Ngài là Đấng trung tín và công minh, hễ NÓI là LÀM. Chúng ta không thể biện minh bằng bất kỳ lý do nào!
Thế mà chúng ta thấy ai không “hợp ý” mình hoặc không theo phe mình, chúng ta liền tìm mọi cách gièm pha, lườm nguýt, “hạ bệ”, hoặc trù dập. Tất nhiên Thiên Chúa biết rõ chúng ta là gì và thế nào, chỉ là cát bụi và tội lỗi, ích kỷ và kiêu ngạo. Nhưng chúng ta cũng đừng quá thất vọng, mà hãy luôn nhớ rằng lòng thương xót của Ngài còn lớn hơn mọi tội lỗi của cả thế gian này, như Thánh Giám mục Phanxicô Salê nói: “Đừng bao giờ lo buồn vì sự bất toàn của mình, nhưng phải luôn luôn can đảm đứng dậy sau khi vấp ngã”. Vế thứ hai trong câu nói của thánh nhân rất quan trọng!
Đặc biệt là Chúa Giêsu đã hứa: “Tôi muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9:13). Đó là niềm hy vọng và niềm an ủi đối với chúng ta. Ngài không chỉ muốn chúng ta sống mà còn phải được sống dồi dào (Ga 10:10). Nhưng Ngài cũng bắt chúng ta tự vấn lương tâm: “Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội” (Mt 12:7).
Kiêu ngạo dẫn đến cố chấp. Đó là tội “siêu trọng”, tội nặng nhất, tội phạm đến Chúa Thánh Thần: “Mọi tội, kể cả tội nói phạm thượng, cũng sẽ được tha cho loài người, chứ tội nói phạm đến Thần Khí sẽ chẳng được tha. Ai nói phạm đến Con Người thì được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần sẽ chẳng được tha, cả đời này lẫn đời sau” (Mt 12:31-32).
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn biết cẩn trọng mọi thứ ngay từ trong ý nghĩ để chúng con đêm ngày tìm kiếm Thánh Ý Ngài và hết lòng thi hành Thánh Luật. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.
32. Nhỏ mà to – Trầm Thiên Thu
Có những điều tưởng nhỏ mà hóa to, có những điều tưởng to mà lại nhỏ. Như tục ngữ Việt Nam nói: “Lỗ nhỏ làm đắm thuyền”. To hoặc nhỏ cũng có nghĩa đen và nghĩa bóng, tiêu cực và tích cực. Chuyện nhỏ và to giống như vòng lẩn quẩn, có cái khôi hài mà “thấm thía”.
Trong cộng đồng mạng, người ta có luận về “chuyện nhỏ – to” như thế này: “Đất nước NHỎ có thủ đô TO, thủ đô TO có những con đường NHỎ, con đường NHỎ có những căn nhà TO, căn nhà TO có… có…” (*). Đúng là cười ra nước mắt, cười mà đau, cười mà chẳng vui chút nào! Sao thế nhỉ? Chỉ khổ cho đám “dân đen”, kêu chẳng ai thèm nghe!
Chu kỳ “nhỏ-to” như vậy không chỉ nói tới xã hội, đừng vội cười người kẻo bị người cười, vì trong đó cũng thấy “thấp thoáng” bóng dáng những người có chức vị trong tôn giáo. Dù to hay nhỏ, dù rộng hay hẹp, loại “ô dù” nào cũng đáng sợ. Kiểu nào thì cũng chỉ khổ đám dân đen thấp cổ bé miệng mà thôi!
Tuy nhiên, sự thật mãi mãi là sự thật, và sự thật thường làm chúng ta đau lòng, ngại đối mặt, thế nhưng ai dám đối mặt với sự thật thì mới khả dĩ “nên khôn”, vì chính sự thật sẽ giải thoát chúng ta (x. Ga 8:32) – Thầy chí thánh Giêsu đã bảo thế.
Trình thuật Ds 11:25-29 cho biết: “Ngày xưa, Đức Chúa ngự xuống giữa đám mây và nói chuyện với ông Mô-sê. Người lấy một phần Thần Khí đang đậu trên ông mà đặt trên bảy mươi kỳ mục. Khi Thần Khí đậu xuống trên các ông thì các ông bắt đầu phát ngôn, nhưng việc đó không tái diễn nữa”. Thần Khí đó là Thánh Linh, là Chúa Thánh Thần, là Ngôi Ba Thiên Chúa. Ngài không bao giờ xuất hiện trong dạng hình người – chỉ như Gió, Lửa, Nước, hoặc Bồ Câu – nhưng Ngài vẫn không ngừng tác động nơi mỗi chúng ta, ngay từ trong ý nghĩ.
Bấy giờ có hai người ở lại trong trại, một người tên là En-đát, một người tên là Mê-đát. Các ông đã được ghi trong danh sách kỳ mục, nhưng đã không đến Lều. Thần Khí đậu xuống trên các ông và các ông bắt đầu phát ngôn trong trại. Một người thanh niên chạy đi báo tin cho ông Mô-sê: “Ông En-đát và ông Mê-đát đang phát ngôn trong trại!”. Ông Giô-suê, con ông Nun, từng theo hầu ông Mô-sê từ hồi còn nhỏ, lên tiếng nói với ông Mô-sê: “Thưa thầy, xin thầy ngăn cản họ!”. Nhưng ông Mô-sê trả lời: “Anh ghen dùm tôi à? Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ!”.
Được lãnh nhận Thần Khí là điều ai cũng muốn, ông Mô-sê cũng đã mong cho mọi người đều được ơn “nói tiếng lạ” để trở nên ngôn sứ của Thiên Chúa. Về cơ bản, bất cứ ai đã lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy thì đều có thiên chức: Ngôn sứ, Tư tế, và Vương giả.
Đây là lĩnh vực thần học, như Công đồng Vatican II đã đề cập trong Hiến chế Tín lý về Giáo hội (số 10). Đại ý: Thiên chức Tư tế (linh mục là tư tế thừa tác, Kitô hữu là tư tế cộng đồng) là để hiến dâng của lễ cứu độ loài người; Tiên tri (hoặc Ngôn sứ) là để loan báo Tin Mừng Nước Trời; Thiên chức Vương giả (hoặc Vương đế) là để phục vụ dân riêng của Thiên Chúa.
Với mỗi Kitô hữu (dù là giáo hoàng, giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ, giáo dân, thành viên Đạo Binh Đức Mẹ, Lòng Chúa Thương Xót, Phạt Tạ Thánh Tâm, Con Đức Mẹ, Dòng Ba Đa-minh, Cursillo, Thiếu Nhi Thánh Thể, Hội đồng Giáo xứ,…), đều được Thánh Phêrô nhắn nhủ: “Hãy để Thiên Chúa dùng anh em em như những viên đá sống động mà xây lên ngôi đền thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa dắt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giêsu Kitô” (1 Pr 2:5).
Thời gian gần đây, chúng ta thấy xuất hiện phong trào “Sứ Điệp Từ Trời”, hoặc vấn đề “Canh Tân Đặc Sủng Với Ơn Té Ngã Và Nói Tiếng Lạ” mà Lm P.X. Ngô Tôn Huấn đã vài lần đề cập và cảnh báo. Quả thật, nếu chúng ta cứ “chạy đua” theo các “sự lạ” như vậy, coi chừng sẽ hóa thành Tin Lành.
Vì thế, đừng ham “thành tích” hoặc “sự lạ” mà tự làm hại đức tin của chính mình. Phúc đâu chưa thấy mà lại thấy họa! Trừ một số ít các vị thánh có ơn đặc biệt (như Thánh Martin, Thánh Faustina, Thánh Piô Năm Dấu,…), đa số các thánh đều có cuộc sống bình thường, thậm chí là rất bình thương, không có gì gọi là “lạ”. Vấn đề quan trọng vẫn là sống lòng thương xót để chứng tỏ đức tin vững mạnh và trọn vẹn đến hơi thở cuối cùng. Ngay như đối với Thánh Gioan XXIII, Thánh Gioan Phaolô II, Chân phước Phaolô VI, Chân phước Têrêsa Calcutta, Bậc đáng kính P.X. Nguyễn Văn Thuận,… là những người vừa sống cùng thời với chúng ta, cuộc đời các ngài không có gì gọi là “sự lạ”, có chăng là cách sống “lạ” – tức là thâm tín, chịu đựng, hy sinh,… vì mến Chúa và yêu người. Ai thực sự được gặp Chúa thì chắc chắn cuộc đời biến đổi hẳn, chứ không “nửa vời” như những người vẫn vỗ ngực tự nhận là được “ơn lạ”, nhưng cách sống của họ không thấy rõ nét biến đổi. Quả là chí lý khi tiền nhân cảnh báo chúng ta: Cẩn tắc vô ưu!
Chắc hẳn tác giả Thánh Vịnh cũng có cuộc sống đời thường như chúng ta, nhưng có cái “lạ” là biết giữ trọn Luật Chúa và nhận thức sâu sắc: “Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn. Thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn” (Tv 19:8). Nhận thức được như vậy thì quyết tâm tuân thủ, không so đo, không tính toán: “Lòng kính sợ Chúa luôn trong trắng, tồn tại đến muôn đời. Quyết định Chúa phù hợp chân lý, hết thảy đều công minh (Tv 19:10).
Tác giả Thánh Vịnh thật là khôn ngoan khi biết tìm kiếm và cầu xin những gì thực sự có lợi cho linh hồn: “Tôi tớ Ngài đây xin ra công học hỏi; ai giữ những điều này sẽ được nhiều lợi ích. Nhưng nào ai thấy rõ các lầm lỗi của mình? Xin Ngài tha các tội con phạm mà chẳng hay. Xin cũng giữ cho tôi tớ Ngài khỏi kiêu ngạo, đừng để tính xấu này thống trị con. Như thế con sẽ nên vẹn toàn, không còn vương trọng tội” (Tv 19:12-14).
Là Đấng chí tôn, tối thượng, nhưng Chúa Giêsu đã hạ mình đến tột cùng để sẵn sàng coi tội nhân chúng ta là thân hữu của Ngài: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15:15). Chúng ta dành cả đời để tạ ơn Ngài cũng không đủ, chứ nói chi dám năn nỉ Ngài ban cho điều gì nữa. Vì thế, chớ có ngu xuẩn mà ảo tưởng, tự cho mình là “ông kia, bà nọ”, hoặc đòi phải thế nọ, thế kia.
Thánh Giacôbê vừa nhắc nhở vừa cảnh báo: “Giờ đây, hỡi những kẻ giàu có, các người hãy than van rên rỉ về những tai họa sắp đổ xuống trên đầu các người. Tài sản của các người đã hư nát, quần áo của các người đã bị mối ăn. Vàng bạc của các người đã bị rỉ sét; và chính rỉ sét ấy là bằng chứng buộc tội các người; nó sẽ như lửa thiêu huỷ xác thịt các người. Các người đã lo tích trữ trong những ngày sau hết này” (Gc 5:1-3).
Giàu sang, lắm của và nhiều tiền, đó không là tội. Nhưng tiền bạc có ma lực khó cưỡng lại, vì thế mà Thánh Phaolô đã xác định: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé” (1 Tm 6:10). Đừng tưởng rằng những người đi tu mà “quên” tiền bạc, thậm chí có người còn tệ hơn giáo dân.
Ví dụ: Gm Tebartz-van Elst “nổi tiếng” là xa hoa hào nhoáng ở Đức, đã chi hơn 31 triệu euro để tu sửa dinh cơ của ông. ĐGH Phanxicô đã cho mãn nhiệm hồi tháng 10-2014. Lm Gioan Baotixita Võ Hồng Khanh vì lem nhem tiền bạc đã bị tước năng quyền cử hành phụng vụ tại bất kỳ cơ sở nào của TGP Los Angeles (Hoa Kỳ) từ ngày 25-6-2015. Lm Ng. của TGP Saigon, còn trẻ nhưng đã bị nghỉ hưu non vài tháng qua vì lem nhem tiền bạc, quyên góp tiền cách bất chính để dùng cho mục đích cá nhân ông. Và rồi các dịp đặc biệt (lễ, tết,…), Việt Nam cũng có giám mục được người ta đến chúc mừng bằng vật chất “béo bở” (không chỉ “phong bì dày” mà “vàng thật”). Thảo nào người ta bảo “tiền là tiên, là Phật,…”. Có nên đặt “dấu hỏi LỚN” hay không? Quả thật, đáng quan ngại biết bao!
Thánh Giacôbê nói thêm: “Các người đã gian lận mà giữ lại tiền lương của những thợ đi cắt lúa trong ruộng của các người. Kìa, tiền lương ấy đang kêu lên oán trách các người, và tiếng kêu của những thợ gặt ấy đã thấu đến tai Chúa các đạo binh. Trên cõi đất này, các người đã sống xa hoa, đã buông theo khoái lạc, lòng các người đã được no đầy thoả mãn trong ngày sát hại. Các người đã kết án, đã giết hại người công chính, và họ đã chẳng cưỡng lại các người” (Gc 5:4-6). Thật chí lý khi tiền nhân xác định: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Cái nào cũng to, cũng khó, nhưng khó nhất vẫn là “tu thân”. Chắc hẳn không phải ngẫu nhiên mà người ta đặt tiêu chí “tu thân” lên hàng đầu.
Hãy luôn ghi nhớ lời của Thánh Phaolô: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc” (1 Tm 6:10). Và cũng đừng quên lời của Thánh Phêrô: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5:8). Chuyện NHỎ mà lại TO, không hề NHỎ chút nào ráo trọi!
Một hôm, chàng trai trẻ Gioan nói với Thầy Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta”. Gioan hơi bị vô duyên, vì cứ tưởng không ai khác có quyền trừ quỷ. Ảo tưởng! Cái ảo tưởng của Gioan cũng là cái ảo tưởng của nhiều người trong chúng ta ngày nay. Và rồi Đức Giêsu bảo: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9:39-40).
Sau đó, Chúa Giêsu nói rõ: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mc 9:41). Chén nước chẳng là gì, chỉ là “chuyện nhỏ”, thế nhưng lại là “chuyện lớn”, chuyện quan trọng, và được Chúa Giêsu “chấm công”. Tất nhiên “việc nhỏ” đó phải được thực hiện với tình yêu thương, lòng trắc ẩn, lòng thương xót, chứ không vì bất cứ lý do gì khác.
Liên quan vấn đề nhỏ – to, Chúa Giêsu thẳng thắn nói: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc 9:42). Cách so sánh rất “nặng”, nhưng Ngài nói thật, không hề nói giỡn chơi hoặc hù dọa chi cả. Thiết tưởng rằng trẻ nhỏ ở đây không chỉ là trẻ thơ, trẻ em, hoặc con nít, mà còn là những người chân chất thật thà – dù đã trưởng thành hoặc cao niên.
Và còn hơn thế nữa, vốn dĩ tính thẳng thắn thật thà, Chúa Giêsu nói “mạnh” hơn nữa: “Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt” (Mc 9:43-48).
Những lời này đầy “lửa”, có thể thiêu đốt bất cứ người nào, bất cứ lúc nào, và bất cứ nơi nào!
Lạy Thiên Chúa, xin giúp con biết thực hiện những điều bình thường một cách phi thường, làm với tình đồng loại thực sự, mong sao được nên giống Ngài phần nào, vì con biết con rất dễ ảo tưởng. Xin thương xót, định hướng và nâng đỡ con, lạy Chúa! Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.
***
(*) Đất nước NHỎ có thủ đô TO, thủ đô TO có những con đường NHỎ, con đường NHỎ có những căn nhà TO, căn nhà TO có cô vợ NHỎ, cô vợ nhỏ dành cho ông quan TO, ông quan TO mang chiếc cặp nhỏ, chiếc cặp NHỎ có những dự án TO, dự án TO nhưng hiệu quả NHỎ, hiệu quả NHỎ nhưng thất thoát TO, thất thoát TO nhưng lỗi lại NHỎ… Trong đất nước NHỎ có những ông lãnh đạo TO, những ông lãnh đạo TO có cái đầu NHỎ, cái đầu NHỎ nhưng túi tham TO, túi tham TO bởi vì đầu óc NHỎ, đầu óc NHỎ nên tác hại TO, tác hại TO mà trách nhiệm NHỎ, trách nhiệm NHỎ nhưng quát tháo TO, quát tháo TO vì trí tuệ NHỎ, trí tuệ NHỎ nhưng lợi nhuận TO, lợi nhuận TO nhưng số người chia chác lại NHỎ, số người tuy NHỎ nhưng tổn thất TO, tổn thất TO nhưng báo cáo là NHỎ , báo cáo NHỎ nhưng thành tích thật vẫn TO. Và… cán bộ TO đi xe NHỎ (xe riêng), cán bộ NHỎ lại đi xe TO (xe đò), ông quan TO thường ở với vợ NHỎ (vợ bé), ông quan NHỎ phải ở với vợ TO (vợ cả) và ở nhà TO (nhà tập thể)…
33. Chặt tay bạn đi – Gm. Arthur Tonne.
Ngày xửa, ngày xưa, một đoàn thám hiểm từ lục địa Châu Âu đi tìm đất mới. Bạn biết gì về hòn đảo Ireland ngày nay – Nhà lãnh đạo của họ là một người phiêu lưu với số mệnh. Ông tuyên bố: Ai dựng lều đầu tiên, sẽ là chủ toàn thể lãnh thổ. Một người trong nhóm tên là O’Neil quyết tâm dành được đất mới. Ông rán sức chèo, nhưng một chiếc thuyền đối thủ rượt theo ông, bắt kịp ông rồi qua mặt ông. Ông có thể làm gì? Người đàn ông tinh thần mạnh mẽ, ý chí sắt đá này buông mái chèo, cầm lấy búa và chặt bàn tay trái liệng lên bờ. Như thế ông là người đầu tiên đụng vào đất mới, và nó là của ông.
Tôi kể câu chuyện đẫm máu và rùng rợn này để giúp chúng ta hiểu được những lời đẫm máu và rùng rợn của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay: “Nếu tay bạn làm cớ cho bạn phạm tội, hãy chặt nó đi. Thà bạn tàn tật mà được vào cõi hằng sống hơn là có đủ hai tay mà phải vào hỏa ngục. Chúa Giêsu muốn nói điều chi?
Người nói rằng những ai theo Người phải sẵn sàng hy sinh những cái gần gũi nhất, thân yêu nhất hơn là bất tuân luật Chúa bởi phạm tội. Cắt tay, chặt chân, hay móc mắt không hiểu theo nghĩa đen. Chúa Giêsu không nói rằng chúng ta phải thật sự chặt tay, chặt chân. Đó chỉ là cách nhấn mạnh của Người và gây ấn tượng mạnh mẽ trên chúng ta, để chúng ta hiểu rằng Nước Thiên Chúa, đất vĩnh cửu của chúng ta muốn đạt được, xứng đáng mọi hy sinh.
Để chiếm được Nước Trời, chúng ta phải sẵn sàng làm một vài việc quyết liệt và đau đớn như chặt chân, cắt tay. Với một số người, xa lìa một vài món đồ vật chất cũng có thể đau đớn như cắt một bàn tay. Tuy nhiên Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: Nếu chúng ta cho người đói ăn, cho kẻ khát uống, cho người không nhà ở trọ, chúng ta sẽ chiếm được Nước Trời. Chúng ta phải làm một vài hy sinh để nâng đỡ Giáo Hội Chúa, công cuộc của Chúa là truyền bá đức tin. Cái đó thường cũng đau đớn.
Hy sinh để đẹp lòng Chúa và chiếm đoạt Nước Trời có thể cũng đau đớn như cắt một bàn tay. Với một người nghiện rượu, bỏ một chai rượu hay chỉ một ly thôi cũng có thể gây khổ sở cho anh. Nhưng để làm đẹp lòng Chúa, anh phải bỏ.
Chúng ta thích ngủ nướng trên giường vào sáng Chúa Nhật hơn là đi lễ. Cố gắng chiến đấu để vượt thắng tính lười biếng, có thể gây phiền phức, khó chịu ở một mức độ nào đó. Nhưng đó là phương cách để chúng ta chiếm đoạt Nước Thiên Chúa. Thường dễ ngồi chăm chú nhìn màn kính truyền hình đến phút chót, hơn là dành chút thời giờ cầu nguyện hay đọc vài dòng Kinh Thánh, hoặc đọc báo chí Công giáo, và ngay cả nói chuyện với người thương.
Hầu chuyện với Chúa là một đặc ân lớn lao, một niềm vui tuyệt diệu nhưng nó đòi hỏi cố gắng cắt bớt một vài việc không quan trọng và gặp gỡ Chúa. Chúa Giêsu đã cố gắng, Chúa Giêsu đã hy sinh. Người không chỉ cắt tay, Người hiến cả thân mình, chúng ta tưởng niệm sự dâng hiến đó nơi đây trên bàn thờ này. Hãy xin Chúa Giêsu sức mạnh để từ bỏ chính mình. Xin Chúa chúc lành bạn.
34. Suy niệm của Noel Quesson.
AI KHÔNG CHỐNG LẠI CHÚNG TA LÀ THUẬN VỚI CHÚNG TA
Một ni cô nọ có một tượng Phật bọc vàng, cô quý pho tượng lắm, đi đâu cũng mang theo. Trong ngôi chùa cô tu hành có nhiều tượng Phật, cô dọn riêng cho pho tượng của mình một bàn thờ đặc biệt. Lúc đốt hương trước tượng Phật của mình, ni cô không muốn làn hương bay sang các tượng khác, cô xoay trở làm sao cho làn khói hương bay thẳng vào mũi pho tượng vàng của mình. Lâu ngày, pho tượng vàng của ni cô vì đón nhận khói hương mỗi ngày nên mũi tượng trở nên đen thùi xấu xí.
Đôi khi lòng nhiệt tình đến mức ích kỷ, cũng trở nên nhỏ mọn khó coi.
Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu không hài lòng về thái độ hẹp hòi của các Tông đồ. Chúa vừa bảo các ông khiêm tốn, phải nên tôi tớ mọi người, phải phục vụ mọi người, chứ không phải chỉ riêng với người đồng đạo, người Công giáo.
Nhưng các Tông đồ chưa thấm nhuần bài học này. Chúng ta thấy chính Gioan, một Tông đồ ưu tú của Chúa Giêsu phát biểu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ, chúng con muốn ngăn cản anh ta, vì anh ta không theo chúng ta”. Đọc câu chuyện này có lẽ ai trong chúng ta cũng thấy cái tính hẹp hòi, không thích hợp với tinh thần quảng đại của Chúa Giêsu.
Chúng ta đừng quên rằng trong thực tế ngày nay, tinh thần này vẫn còn tồn tại và đôi khi vẫn bộc lộ trong tư duy cá nhân và tập thể. Có lúc các tín hữu chúng ta cũng khó chịu khi thấy có người ngoài nhóm chúng ta mà cũng làm được những chuyện tốt đẹp khác thường, những người không theo Chúa Giêsu mà cũng dùng giáo lý Người làm phương châm cuộc sống và nhờ đó đã đạt tới thành công. Đôi lúc có vẻ những người không phải Kitô hữu mà cũng nhận ra được ơn Chúa, họ cũng biểu lộ được những đức tính mà người Công giáo ra công gắng sức tập luyện mà chưa đạt tới. Thấy những người ngoài Công giáo sống tốt, biết xả kỷ vị tha, có người Công giáo đã tỏ ra không ưa, cho rằng những hành vi kia chỉ là vẻ bề ngoài hoặc là giả tạo. Còn Chúa Giêsu, Người muốn sửa đổi những suy nghĩ sai lầm ấy, Người cho các Tông đồ thấy rõ: Ai không chống lại Chúa, là ủng hộ Chúa, và họ cũng có công phúc. Mọi người đều có thể đón nhận Chúa, ai cũng có thể sống theo tinh thần Chúa. Chúa có thể ban ơn cho bất cứ ai. Người không bị ràng buộc vào một băng nhóm hay một cơ chế nào. Giáo lý và Tin Mừng của Chúa dành cho mọi người, giáo cũng như lương. Ở chỗ khác, Chúa cũng diễn tả vấn đề này bằng kiểu nói khác: “Thần Khí như gió, muốn thổi đâu thì thổi” (Ga 3,8).
Thánh Phêrô đã thấy Thánh Linh xuống trên cả dân ngoại (Cv 10,44). Chúa thông suốt mọi sự, nên Người đã giải thích cho các môn đệ: “Không ai vừa nhân danh Thầy làm phép lạ, lại vội nói xấu Thầy”, nghĩa là có những lúc Chúa tỏ uy quyền của Người trên cả những người chưa phải là tín hữu Kitô. Điều đó giúp chúng ta xác quyết rằng những hành động tốt thì luôn luôn do Chúa soi sáng thúc đẩy. Hiểu như thế chúng ta sẽ nhận ra những người thành tâm thiện chí để hợp tác, để đón nhận nhiều bạn đồng hành trên đường phục vụ và loan báo Tin Mừng Cứu độ cho mọi người theo gương Chúa và chu toàn ý định của Chúa: “Muốn cho mọi người được cứu và nhận ra Chân lý” (1Tm 2,4).
Lạy Chúa, xin giúp con sống quảng đại với mọi người, sẵn sàng hợp tác với những người thành tâm thiện chí để mưu ích cho mọi người. Xin Chúa tỏ quyền năng Chúa trên chúng con và những người đang tìm về với Chúa. Chúng con xin tạ ơn Người.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam