Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 66

Tổng truy cập: 1372636

TỈNH THỨC

Tỉnh thức - Huệ Minh

Tin mừng Mc 13: 33-37: Chúa mời gọi chúng ta nhìn vào những cái biến cố. Những biến cố trong cuộc đời này rất là bình thường, để chúng ta phát hiện ra những cái ý chỉ bên trong đó!...

Kính thưa Cộng đoàn,

Thời giờ thấm thoát thoi đưa

Nó đi đi mãi có chờ đợi ai.

Chúng ta bắt đầu bước vào năm Phụng Vụ mới, với Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng.

Cái hành trang để đi vào năm phụng vụ mới này, Chúa Giêsu gửi đến với mỗi người chúng ta, một cái câu chuyện để mà nhắc nhớ chúng ta về sự tỉnh thức và sẵn sàng cầu nguyện.Chúa Giêsu dùng một cái hình ảnh rất là đời thường.

Có một ông chủ kia đi xa, để nhà cửa lại , trao quyền cho đầy tớ. Và mỗi người trong các công việc của mình, trong cái bổn phận của mình. Và hết sức dễ thương, ông chủ còn căn dặn mỗi người hãy tỉnh thức. Bởi vì, ông chủ có báo trước rằng, là ông chủ không biết rằng sẽ về vào lúc nào! về chiều tối, hay nữa đêm hay là gà gáy, hay là ban sáng. Ông chủ rất thương và ông chủ dặn điều đó. Chắc có lẽ, ông chủ phải nói rằng quá tốt bụng; chứ còn nếu mà không, thì ông chủ cũng chẳng nói gì.

Ông chủ có quyền mà! Người đầy tớ thì chỉ biết ở nhà để quản gia, quản lý nhà thôi! Chứ đâu có quyền biết giờ nào mà ông chủ về. Nhưng mà ở đây, Ông chủ có lòng thương đầy tớ, và ông chủ trao nhà cho người đầy tớ như một cái nhà vắng chủ, và không biết ngày hôm nào ông chủ về.

Và nhìn vào thực tại thế giới ngày hôm nay, chúng ta thấy, một thế giới giống như một cái ngôi nhà vắng chủ, một thế giới vắng bóng Thiên Chúa.

Ngày xưa người ta còn nhìn vào thiên nhiên để người ta đọc ra, người ta khám phá ra một Thiên Chúa vô hình, một Thiên Chúa đã tác tạo nên trời đất này. Thế nhưng mà, ngày hôm nay khoa học tiến bộ và cuộc sống người ta đã phát triển quá nhiều. Người ta lên tới cung trăng, đã phát triển internet, điện thoại thông minh.

Tất cả, người ta có thể làm được. và cái sự hiện diện của Thiên Chúa dường như là vắng bóng và người ta cảm giác rằng là người ta vất Thiên Chúa ra cuộc đời người ta. Và thế rồi cái giá trị của Thiên Chúa không còn trong cuộc đời người ta nữa. Cái cảm thức linh thánh không còn, cái tình yêu thương bây giờ cũng không còn, và sự công bằng cũng không còn!

Bởi vì một thế giới vắng bóng Thiên Chúa và một thế giới bị cái đêm đen phủ đầy của sự gian ác, của sự vô cảm. Cả với Thiên Chúa người ta còn không cảm nhận được sự hiện diện của Ngài, và rồi cái cảm nhận sự hiện diện của anh chị em đồng loại bên cạnh người ta càng không có.

Và chúng ta thấy, ngày hôm nay bị đánh mất một sự hiện diện của Thiên Chúa, vì không cảm thức được một Thiên Chúa hiện diện trong cuộc đời. Để rồi, từ cái chuyện nhỏ người ta kéo ra cái chuyện lớn, và người ta vô cảm với nhau. Và đặc biệt, người ta không còn cảm thức về tội nữa.

Đức Thánh Cha Piô thứ XXII nói rằng: “ Ngày hôm nay cái điều mà lớn nhất, lo lắng nhất, đối với thế giới đó là người ta đánh mất cảm thức về tội lỗi. Và người ta tha hồ phạm tội, người ta tha hồ xử lý anh em mình bằng mọi cách, mà không hề bị ái náy lương tâm. Lương tâm ngày hôm nay được bán với cái giá quá rẻ, một cái giá quá hời, có khi chỉ vài đồng bạc thôi.

Một thế giới bị đêm đen phủ đầy.Và chính trong thế giới đó, mỗi một người Kitô Hữu, chúng ta được mời gọi, chúng ta làm tỏa sáng hình ảnh của ĐỨC Kitô trong cuộc đời chúng ta. Và cái cách mà chúng ta làm tỏa sáng Đức Kitô trong cuộc đời chúng ta, đó là: chúng ta tỉnh thức, chúng ta cầu nguyện, chúng ta sống và chúng ta kết hợp mật thiết với Đức Kitô.

Ngày hôm nay, người ta vô cảm với nhau và vô cảm với cả Thiên Chúa nữa. Chúng ta cần phải tỉnh thức bởi vì như Thánh Phaolô nói: ma quỷ lúc nào rình rập, cắn xé. Và ma quỷ lúc nào cũng ở bên cạnh chúng ta. Có khi không phải chỉ ở bên cạnh, ở bên ngoài, mà là chính trong nội tâm của đời sống chúng ta. Cám dỗ thật sự, chúng ta nói là ở bên ngoài nhưng chính trong nội tâm của chúng ta chứ không phải ai khác.

Nói tới đây, con nhớ tới một cái câu chuyện:

Có một anh chàng kiếm khách, đi lên trên núi để mà xin tầm sư học đạo. Lên đỉnh núi thì gặp ông thầy, ông thầy nhận làm đệ tử, làm học trò. Ngày này qua ngày khác thì, anh chàng này cứ gánh nước, quét sân chùa thôi. Chứ không được thầy dạy một cái gì cả. Anh ta nản và anh ta đòi đi xuống núi. Và ông thầy ổng nói: Thôi ráng một thời gian nữa. Ráng cố gắng lên!

Và sau đó, đang nấu cơm, có một lưỡi kiếm đâm thẳng vào cổ. Và anh ta giật mình thấy kiếm đâm vào cổ của mình. Nhưng rồi anh ta né được. May quá đó là kiếm gỗ chứ mà kiếm sắt thì chết rồi. Và đang quét nhà cũng bị một lưỡi kiếm bay vô. Anh ta né. Đang quét sân thì cũng kiếm bay. Anh ta né!

Có nghĩa rằng ông thầy ông dạy cho anh ta, kiếm có thể bay vào bất cứ lúc nào, bất cứ giờ nào khi anh ta làm việc này, việc kia.

 

Dĩ nhiên rằng cái câu chuyện này có thể là cái câu chuyện tôn giáo hay là cái câu chuyện xem qua nó vui nhưng mà ở bên dưới của nó, nó có mang một cái ý nghĩa về đời tinh thần, về đời sống tâm linh.

Nếu mà chúng ta muốn để Chúa Giêsu nên hình nên dạng, và khuôn mặt của chúng ta được tỏa sáng khuôn mặt của Chúa Giêsu, thì chúng ta phải lúc nào cũng tỉnh thức, bất cứ lúc nào chúng ta cũng tỉnh thức để mà lắng nghe tiếng Chúa.

Ngày hôm nay người ta đã đánh mất cảm thức “Lắng nghe tiếng Chúa” bởi vì cuộc sống quá ồn ào náo nhiệt.

Sách Khải Huyền có nói: “Này ta đứng ngoài cửa, Ta gõ cửa ai mở Ta sẽ vào và dùng bữa với người đó” rõ ràng rằng là Chúa luôn luôn đứng ngoài cửa, và Chúa gõ cửa, phần còn lại chúng ta, chúng ta có lắng nghe hay không mà thôi!

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong cái dòng nhạc của ông, trong cái tâm hồn của ông, thấy được là hay lắm! “Một hôm thấy ta là lá cỏ, ngồi hát ca tự do”. Hỏi ra cái tâm tình sáng tác bài đó ông chịu cái ảnh hưởng của nhà văn người Pháp. Qua tiếng chó sủa thôi, nhưng mà nhà văn người Pháp đó lại khám phá ra một cái điều gì đó rất là độc đáo!

Rồi Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng vậy! Ông cũng ảnh hưởng cái nhà văn Pháp đó khi ông mô tả một cái người tử tù đi ra pháp trường. Đêm cuối cùng khi anh ra pháp trường anh nhìn thấy cái ánh trăng, cái ánh trăng đó ngày hôm đó nó có ý nghĩa hơn nhiều so với những ngày trước đây. Ngày nào anh cũng đi qua cái ánh trăng, nhưng anh không thấy được cái vẻ đẹp của ánh trăng.

Có những điều rất đỗi bình thường trong cuộc đời của chúng ta, nhưng nhiều lần nhiều lúc chúng ta không thấy được, không giác ngộ ra. Chúng ta không chịu nhìn ra để thấy cái chiều sâu ở bên trong.

Chúa mời gọi chúng ta nhìn vào những cái biến cố. Những biến cố trong cuộc đời này rất là bình thường, để chúng ta phát hiện ra những cái ý chỉ bên trong đó!

Không chỉ tỉnh thức trước những nguy cơ, mà chúng ta còn phải tỉnh thức trước những lời gọi thầm kín nữa, để cho Chúa Giêsu được tỏa sáng trong cuộc đời của mình. Có thể nói là lý thuyết nhưng thực tế.

Đó là một câu chuyện rất gần trong cuộc đời: Chủ đi phương xa, giao nhà cho những người tôi tớ. Tôi tớ thì mỗi người có một nhiệm vụ: Người thì nấu ăn, người thì làm vườn, người thì giữ cửa, người thì bảo vệ.

Nếu mà anh chu toàn nhiệm vụ đó thì bất cứ lúc nào nữa đêm hay trời sáng, chủ về chúng ta cũng không sợ, bởi vì, anh đó đã chuẩn bị tinh thần.

Mỗi một người chúng ta, là một người Kitô Hữu, trong cái đấng bật nào cũng vậy! Chúng ta là linh mục tu sĩ, chúng ta đã lập gia đình, chúng ta có một bổn phận của chúng ta. Là một linh mục, chúng ta có sống xứng đáng với bổn phận của một linh mục, một nhiệm vụ của một linh mục hay không? Còn là cha là mẹ, chúng ta có hoàn thành trách nhiệm của người cha người mẹ hay không?

Nói qua thì e rằng dễ lắm! Như là bản thân con thôi! Ngay như đời sống linh mục: kinh sáng, kinh tối, vì mệt mỏi, vì bận rộn; nhiều khi mình cũng quên! rồi thậm chí: mình dâng lễ, nhiều khi mình cũng muốn dâng cho nó xong thôi! chứ còn mình không có đặt cái cảm xúc sâu xa và khi đó mình đã móp méo hình ảnh của Chúa Giêsu.

Và bổn phận người Kitô Hữu, ngày hôm nay chúng ta thấy, rất đơn giản: dự lễ một tuần một lần ngày Chúa Nhật thôi!

Nhưng mà thử hỏi coi: nhiều người đã bỏ đi cái bổn phận rất đơn giản, bỏ đi cái giờ kinh chung. Và chính vì mình không hoàn thành cái trách nhiệm của mình là một người Kitô Hữu; không hoàn thành trách nhiệm của một người chồng, một người cha, một người mẹ, một người vợ, trong gia đình, thì làm sao mình có thể can đảm dạy được con của mình, khi mình không làm gương mẫu cho con cái của mình.

Và chúng ta sống cái tinh thần tỉnh thức đó như thế nào?

 Chúng ta còn nhớ Thánh Đa Minh Saviô rất là dễ thương! Đá banh trong nhà thờ, mà khi mà cha Sở hỏi: Khi mà Chúa đến, con phải làm gì?

Các em khác thì: đứa thì chạy vào nhà thờ để cầu nguyện, đứa thì đi xưng tội, đứa thì dọn mình nhưng mà Đa Minh Saviô nói rằng Đaminh Savio vẫn chơi. Bởi vì bất cứ lúc nào Đaminh Savio cũng tỉnh thức để đón chờ Chúa đến.

Và một hình ảnh rất đẹp nên mẹ Têrêsa Calcutta. Mẹ Têrêsa Calcutta có ghi một cái tờ giấy ở trong cái phòng Thánh, trong Nhà nguyện của nhà dòng của Mẹ. “Lạy Chúa con dâng đây như là thánh lễ cuối cùng của con.” một cái tâm tình rất là tuyệt vời! thà rằng là mẹ ý thức rằng ngày hôm nay là thánh lễ cuối cùng của đời mẹ. Và trong tất cả hoàn cảnh sống của cuộc đời, từng giây, từng phút của mẹ, mẹ luôn luôn nghĩ: hôm nay là ngày cuối cùng.

 Ước gì, mỗi người chúng ta cũng nghĩ rằng cũng sống, rằng cũng có tâm tình như Thánh Đaminh Saviô như mẹ Têrêsa Calcutta. Để bất cứ lúc nào chúng ta cũng tỉnh thức, cũng sẵn sang, vì chúng ta biết rằng: không biết ngày nào Chúa có thể đến với chúng ta.

 Chúng ta thấy xung quanh nhiều biến cố. Có những người tưởng chừng là sống rất dai. sống rất thọ, nhưng chỉ vì một cái hoàn cảnh nào đó, một cái biến cố nào đó, người đó ra đi! mà đến nỗi, ta phải sững sờ. Có khi ta cũng phải ra đi như thế! Nhưng mà nhiều lần, nhiều lúc, ta lại đánh lừa: Đánh lừa cảm giác của ta, đánh lừa cái suy nghĩ của ta. Ta tưởng rằng là ta mãi sống ở cuộc đời này! Cuộc sống này, nó rất mong manh!

Và ngày hôm nay bước vào mùa vọng, xin cho mỗi người chúng ta luôn luôn tỉnh thức sẵn sàng và đặc biệt xin cho chúng ta hoàn thành cái bổn phận trách nhiệm cái nhiệm vụ sống của mỗi người chúng ta trong gia đình chúng ta. Sống như thế, chúng ta đã hoàn thành sứ vụ của chúng ta. Và sống như thế, chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng để Chúa đến bất cứ lúc nào, chúng ta vẫn trả lời với Chúa: này con đây. Amen.

 

2. Suy niệm của Lm. Joshepus Quang Nguyễn

ĐỜI KITÔ HỮU LÀ ĐỜI CANH THỨC VÀ COI CHỨNG

Trong truyện Thần thoại Hy lạp có câu chuyện: “Con Ngựa Gỗ Thành Troia” kể về cuộc chiến tranh thành Troia diễn ra ròng rã hơn 10 năm trời vẫn chưa kết thúc được vì quân đội của nhà vua Menelaus đã dùng rất nhiều cách nhưng vẫn không thể nào công phá được cổng thành Troia để vào tiêu diệt quân đối phương. Vì sao, quân đội không thể vào Thành Troia được dù quân đội rất hùng mạnh bởi vì quân địch bên trong thành canh giữ rất tỉ mĩ, nghiêm ngặt không để một sơ hở nào, hơn nữa bức tường thành rất cao to vững chắc và nguy hiểm không cách gì vượt qua được. Lúc này, quân đội nhà Vua đã nghĩ ra một cách đó là lấy gỗ ghép lại thành một con ngựa to lớn, mượn danh nghĩa đây là báu vật của thần linh ban tặng cho quân sĩ trong thành Troia để chống lại quân nhà vua bên ngoài thành. Thế là mọi người trong thành Troia tin và đã mở cửa rước ngựa gỗ vào thành. Thật không ngờ rằng trong bụng con ngựa gỗ kia chính là quân sĩ của nhà vua, thế là nhân lúc nửa đêm lính bên trong bụng con ngựa gỗ thoát ra ngoài, đánh giết quân địch, đốt phá thành, mở cửa cho quân mình vào thành và thành Troia bị thất bại mà không kịp trở tay. Vâng, chính vì sự sơ hở một tí này mà mọi sự bị phá hủy và tiêu diệt cho nên đừng coi thường mà hãy tỉnh thức luôn!

Hôm nay, Chúa Nhật I Mùa Vọng, bắt đầu năm Phụng vụ mới, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: phải coi chừng thân xác và thức tỉnh tâm hồn để chúng ta trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người, khiến chúng ta không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người (Lời Chúa trong bài đọc 2 Thánh Phaolô xác quyết như thế).

Trước hết, Chúa Giêsu dạy: “Anh em phải coi chừng thân xác”. Tại sao phải coi chừng thân xác bởi vì thân xác này, mạng sống này là do Chúa tạo ra như Lời Chúa trong bài đọc 1 khẳng định: “Chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Chúa, chính tay Ngài đã làm ra tất cả cho chúng con” (Is 64,7). Hơn nữa, mỗi người là hình ảnh của Chúa và mỗi người đều được Máu Chúa Giêsu đổ ra để cho chúng ta được sống dồi dào ngay ở đời này và vĩnh hằng nữa.

Cho nên, các Đức Giám Mục Việt Nam đã đưa ra chủ đề mục vụ năm nay là: “Đồng hành với gia đình trẻ”. Trong thư mục vụ gửi cộng đồng Dân Chúa, Các Đức Giám mục nói rằng: “Mặc dù có nhiều thách đố và khó khăn trong đời sống gia đình, vẫn có những chứng từ tốt đẹp nơi nhiều cặp vợ chồng trẻ Công giáo. Họ chấp nhận những hy sinh lớn lao, vượt qua mọi khó khăn thử thách để sống trung thành với giao ước hôn nhân. Nhiều cặp vợ chồng đã can đảm giữ mầm sống trong mọi hoàn cảnh. Có những đôi bạn chấp nhận tình trạng son sẻ suốt đời, vượt qua cám dỗ muốn sử dụng những phương pháp trợ giúp Giáo Hội không cho phép, đồng thời đón nhận và thực thi tình phụ mẫu thiêng liêng qua việc đảm nhận những hoạt động tông đồ, bác ái xã hội với lòng nhiệt thành hân hoan. Nhiều bậc cha mẹ dù nghèo về kinh tế, vẫn cố gắng chu toàn bổn phận chăm lo cho con cái được giáo dục toàn diện về thể dục, trí dục, cũng như đức dục và tâm linh. Tuy vậy, phải nhìn nhận rằng do ảnh hưởng trào lưu hưởng thụ, sống ảo, sống gấp và quan niệm lệch lạc về hôn nhân, một số không nhỏ những tiêu cực vẫn tồn tại và có nguy cơ phát triển, ngay trong cộng đồng Công giáo như: phá thai, sống thử, kết hợp đồng tính, ly dị, lựa chọn giới tính. Những hiện tượng này đang làm mất đi những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam, đi ngược lại với ý muốn của Đấng Tạo hoá, để lại những hậu quả nghiêm trọng cho thế hệ mới” (số 2). Vì thế, Lời Chúa hôm nay như là sự cảnh tỉnh cho chúng ta về việc tôn trọng thân xác của nhau, nhất là tôn trọng sự sống, bởi: “Đối với Thiên Chúa, tất cả đều đang sống”. Vì thế, Chúa dạy phải coi chừng thân xác đừng vì tham lợi, háo danh hay dục vọng hay đau khổ mà hủy diệt thân xác người khác hay chính mình để rồi phải chết đời đời thì nào có lợi chi. Vì vậy, điều răn thứ 5 trong Mười Điều Răn, Chúa dạy rằng: Chớ giết người, vì Sách giáo lý Hội Thánh dạy rằng: “Mạng sống con người do Thiên Chúa ban thuộc quyền sở hữu của một mình Chúa: nó là thánh thiêng ngay từ lúc nó hiện hữu đầu tiên, và nó không chịu bất cứ con người nào kiểm soát. Cho nên, Lời Chúa nói “Trước khi ngươi được thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi, và trước khi ngươi được sinh ra, Ta đã thánh hiến ngươi (Jr 1,5). [Số 2270-2274, 2322]”. Cho nên, Chúa Giêsu dạy “Ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án” (Ga 5,29). Kết án đây chính là chết muôn đời,  vì vậy, chúng ta phải coi chừng thân xác của chúng khỏi phải chết đời đời coi chừng ở đây nói như lời Thánh Phaolô trong Bài đọc 2 rằng vâng nghe lời chứng về Đức Ki-tô để Lời Chúa thật sự ăn sâu vững chắc vào lòng trí chúng ta, khiến chúng ta không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giê-su Ki-tô đến mặc khải vinh quang của Người. Chính Người sẽ làm cho chúng ta nên vững chắc đến cùng, nhờ thế không ai có thể trách cứ được chúng ta trong Ngày của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Ki-tô (1Cr 1,6-9).

Cuối cùng, Chúa Giêsu dạy phải canh thức tâm hồn bởi vì tâm hồn là nơi thánh và là nơi Chúa ngự vì vậy đừng tội lỗi, đừng vì nghen tương, tức giận, ganh ghét, tham lam… mà biến tâm hồn của chúng ta thành nơi ở của quỷ dữ đầy mưu mô xảo nguyệt gian tà và độc ác. Chẳng hạn, Sáng 20.11 vừa qua, bà Phạm Thị Lan (54 tuổi), sống tại khu tập thể giáo viên Trường THPT Đoàn Kết, Tỉnh Đồng Nai, bà thấy phía trước nhà có một gói quà, tưởng quà mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, bà lan mở ra xem thì bất ngờ gói quà nổ khiến bà chết tại chỗ. Một ngày, thủ phạm ra đầu thú. Thủ phạm là Nguyễn Thanh Thanh, anh ta nói rằng anh tức bạn gái cũ của anh có quan hệ tình cảm với thầy Nam, con trai bà Lan, nên mua vật liệu về chế mìn để khử thầy Nam ai ngờ bà mẹ chết. 

Mùa vọng đã bắt đầu. Đây là thời gian và mọi ngày trong đời sống chúng ta phải coi chừng và canh thức luôn vì như Lời Chúa trong bài đọc I quả quyết rằng: “Thiên Chúa sẽ ngự xuống với ai tin cậy nơi mình. Ngài đón gặp kẻ sống đời công chính mà lấy làm vui và nhớ đến Ngài khi theo đường lối Ngài chỉ dạy. Kìa, Ngài phẫn nộ vì tội lỗi chúng con, nhưng khi mải đi theo các đường lối của Ngài, chúng con sẽ được cứu thoát” (Is 64,2b-4). Hôm nay, bắt đầu năm Phụng vụ mới, năm nay Hội đồng Giám mục Việt Nam mời gọi các thành phần Dân Chúa hãy đồng hành và giúp đỡ các gia đình xây dựng hạnh phúc. Như vậy, bậc sống thánh hiến hay là bậc giáo dân đều phải coi chừng canh thức, có nghĩa rằng phải nhận ra Chúa luôn hiện diện trong ta đồng thời siêng năng lắng nghe và sống Lời Ngài dạy từng giây từng phút trong đời sống hầu tâm hồn và thân xác chúng ta trở nên thánh và thiện để Chúa Giêsu sẽ giáng sinh nơi chúng ta làm cho đời ta tươi sáng và rạng ngời hạnh phúc. Amen.

 

3. Chúa sẽ đến trong vinh quang

(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm, SJ.)

Lễ Giáng Sinh nhắc nhớ Kitô-hữu một biến cố rất đặc biệt: Thiên Chúa đã nhập thể làm người. Giáo Hội không chỉ mừng lễ này như biến cố xảy ra trong quá khứ, mà còn nhắc nhở các tín hữu: Đức Yêsu sẽ lại đến trong vinh quang để đem những kẻ Ngài yêu được ở mãi với Ngài.

1. Ngôn ngữ giới hạn: Ngài không đi làm sao đến lại

Theo thánh Luca, Đức Yêsu Phục Sinh đã lên trời trước mặt các tông đồ (Lk.24, 51; Cv.1, 9). Ngài đã lên trời, và Ngài sẽ trở lại vào ngày cánh chung để phán xét kẻ dữ người lành. Giáo Hội đang chờ mong Chúa tới, và cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin Ngài hãy đến”.

Tuy nhiên, Tin Mừng theo thánh Matthêu cho thấy Đức Yêsu Phục Sinh không rời con người: “này đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt.28, 20). Trong kinh Lạy Cha các tín hữu đọc “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”. Thật sự Thiên Chúa đâu có chỉ ở trên trời, Ngài còn ở trong lòng mỗi người: “Ai yêu mến Ta thì giữ lời Ta, Cha Ta sẽ yêu mến người đó, và chúng ta sẽ đến và ở với người đó” (Ga. 14, 23). Thánh Phaolô nói rằng: “bạn không biết rằng bạn là đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự nơi bạn sao?” (1Cor.3, 16). Thiên Chúa luôn ở bên con người. Ngài ở trong chúng ta. Ngài ở gần mình hơn cả chính mình.

Tin Mừng theo thánh Maccô cho thấy Đức Yêsu “lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa”. Thật sự, Thiên Chúa là Đấng vô hình; Ngài làm gì có tay phải tay trái như chúng ta; như vậy “lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa” là cách nói diễn tả Đức Yêsu Phục Sinh được tôn vinh ngang bằng Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng Tuyệt Đối, ngôn ngữ con người cũng tương đối như chính con người, nên không thể diễn tả trọn vẹn về Thiên Chúa được. Chúng ta phải cố gắng hiểu điều Thiên Chúa muốn dạy chúng ta qua Giáo Hội với ngôn ngữ con người. Chính vì vậy, tuy dù Đức Yêsu Kitô không rời con người, nhưng hiện tại con người cũng không được thấy Ngài bằng mắt trần, và Kitô-hữu tin rằng Ngài sẽ đến, con người sẽ được thấy Ngài đến trong vinh quang.

2. Hãy chuẩn bị đón Ngài đến

Chúa đã đến, và đã được sinh ra ở Bét-lem nhưng chẳng ai nhận ra để đón tiếp Ngài. Ngài cũng sẽ đến trong vinh quang, nhưng ngày đó chẳng ai biết trừ Thiên Chúa (Mc.13, 32). Thiên Chúa còn đến với mỗi người qua cái chết của mỗi người.

Không ai tránh khỏi cái chết, nhưng thường mỗi người không biết ngày giờ của mình. Đức Yêsu dạy các môn đệ: “Hãy tỉnh thức, vì không biết lúc nào giờ của mình đến”. Có người mong được chết, nhưng vẫn phải chấp nhận sống để kết hiệp với cuộc khổ nạn đau thương của Chúa. Có những người không muốn chết, nhưng Chúa mời gọi họ phải sẵn sàng chấp nhận cái chết như Đức Yêsu đã phải chấp nhận: “xin cho Con khỏi uống chén này, nhưng không phải ý Con mà là ý Cha”.

Mỗi người phải trả lời về cuộc sống của mình. Thiên Chúa đã trao cho mỗi người nén vàng nén bạc là chính tài năng của mình; và Ngài muốn mình sinh lợi ích. Chúng ta đã làm gì với nén vàng tài năng của mình đó. Chúng ta có trở thành chứng nhân tình yêu của Ngài cho những người cần đến chúng ta không? Nếu chúng ta là người cha người mẹ, chúng ta đã đối xử với con cái như thế nào với cương vị người đại diện Thiên Chúa? Nếu chúng ta là người con, chúng ta đã đối xử thế nào với cha mẹ như những người đại diện Thiên Chúa? Chúng ta có là tình yêu cho những người gặp gỡ chúng ta không? Chúng ta có làm cho những người sống với chúng ta được bình an không? Hay chúng ta hành khổ họ, bằng thái độ, bằng ánh mắt, bằng nụ cười, bằng lời nói, và đôi khi bằng cả hành động tàn bạo?

3. Thiên Chúa đang đến để giúp ta bắt đầu một đời sống mới tuyệt hơn

Thiên Chúa là Đấng tuyệt vời. Thiên Chúa là Đấng vượt trên mọi suy nghĩ của con người. Tư tưởng của Thiên Chúa không giống như tư tưởng của con người. “Như trời cao hơn đất, thì tư tưởng của Ta cũng vượt trên tư tưởng của các ngươi”. Thiên Chúa yêu thương, Ngài tha thứ cho con người mọi lỗi lầm, Ngài mời gọi con người hãy trở lại với Ngài, hãy bắt đầu một đời sống mới để bình an và hạnh phúc hơn.

Đời sống mới được bắt đầu nơi chính mình. Hãy chấp nhận chính mình, chấp nhận giới hạn và khả năng của mình, chấp nhận những gì đã và đang xảy đến, để mình được sống bình an và hạnh phúc. Hãy tha thứ cho chính mình, vì Thiên Chúa đã tha thứ cho mình. Hãy làm hòa với Thiên Chúa, và làm hòa với chính mình; để rồi có thể tha thứ và làm hòa với tha nhân. Thiên Chúa muốn tôi sống bình an hạnh phúc ngay trên đời này. Điều nào làm tôi bất an, phải được loại đi vì Thiên Chúa muốn tôi sống bình an.

Hãy tập nhận ra tình yêu của Thiên Chúa qua những gì xảy đến, và đặc biệt qua những người thân, những người chúng ta sống với. Nếu không có họ, cuộc sống của chúng ta có thể không có ý nghĩa lắm. Những người tuyệt vời như các vị thánh, không phải là những người làm những điều lớn lao, nhưng là những người làm những điều nhỏ bé một cách tuyệt vời. Ước gì mùa vọng này, mỗi người không chỉ chờ mà nhận ra Chúa đang đến với mình hằng ngày trong cầu nguyện, qua những người thân quen, qua những việc hy sinh và bỏ mình nho nhỏ, để làm cho cuộc đời của những người sống với chúng ta hạnh phúc hơn. Nếu chúng ta tập yêu, thiên đàng đang bắt đầu nơi chúng ta ở trần gian. Chúa không chỉ sẽ tới, nhưng Chúa đang tới với mình mỗi ngày, và trong từng giây phút sống.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

1. Tại sao người ta “không dám” mong chờ Chúa đến?

2. Nếu Chúa tới với bạn qua những hành vi yêu thương, bạn có mong Chúa tới với bạn hằng ngày không?

3. Điều nào ngăn cản bạn sống bình an và hạnh phúc? Làm cách nào để loại trừ điều đó đi?

 

4. Phải canh thức! – Lm. Trầm Phúc

Lạ thật! Nhiều lần Chúa Giêsu căn dặn: “Hãy tỉnh thức và sẵn sàng”, tại sao thế? Chỉ vì chúng ta vô lo hay không chú ý. Chúng ta chỉ chú ý đến cuộc sống hôm nay, cuộc sống vật chất mà thôi, quên để ý đến “ngày cuối cùng”, ngày kết thúc mọi sự.

Chúng ta thử xét lại một ngày sống của chúng ta thôi, chúng ta nghĩ gì, làm gì, muốn gì? Mấy khi chúng ta nghĩ đến “lúc Chủ về?” Ngày Chúa gọi chúng ta về với Chúa.

Chúa nói: “không biết giờ nào, ngày nào”.

Có lẽ trong đời sống, nhiều lần chúng ta nhận được những tin làm chúng ta sửng sốt, bàng hoàng: “Anh A vừa mới đi làm, bị xe đụng chết tức khắc”. “Anh B, chị C quen thân, vừa mới gọi điện thoại cho chúng ta, đã sang thế giới bên kia, nhồi máu cơ tim….”

Lời cảnh báo của Chúa Giêsu đang xảy ra hôm nay, không phải một ngày nào xa vời. Chúng ta có nghĩ rằng, có thể ngày hôm nay Chúa sẽ gọi tôi không? Chúng ta ngạc nhiên khi thấy Chúa nhắc đi nhắc lại lời cảnh báo đó, đến nỗi chúng ta không còn để ý?

Hôm nay, bắt đầu Mùa Vọng, là Chúa Nhật đầu tiên của một Năm Phụng vụ mới, Giáo Hội bắt đầu bằng giai đoạn cuối, nhắc chúng ta đến một điều quan trọng nhất trong đời chúng ta: ngày chúng ta bước vào vĩnh cửu.

Sống hôm nay là một bước đi tới và có thể là bước cuối cùng.

Trong thế giới rộn ràng và gấp rút mà chúng ta đang sống, cái gì cũng nhanh, mọi biến cố đều tăng tốc đến chóng mặt. Chúng ta chỉ cần cầm máy điện thoại lên là có thể biết được những gì đang xảy ra ở một chân trời khác, cách hàng chục ngàn cây số. Thế giới càng thu hẹp lại, thời gian cũng thu hẹp lại. Con người phải chạy đua với kim đồng hồ.

Chúng ta đang đi đâu đây? Chúng ta phải làm gì?

Tăng tốc để chạy đua với kim đồng hồ, chúng ta cũng đang nhanh chóng bước tới ngưỡng cửa đời sau. Mấy ai đã nghĩ tới?

Những người không có niềm tin ngạc nhiên vì chúng ta đang mong một tương lai sau cuộc đời này. Họ tự mãn về những thành công vật chất của họ. Họ mong ước xây đắp một thế giới an toàn bảo đảm hạnh phúc cho con người. Họ cho chúng ta là những người mơ mộng, sống bằng ảo ảnh. Nhưng thực tế, chúng ta thấy gì? Một thế giới hỗn loạn, một thế giới dã man, thê thảm… Những gì họ cố công xây đắp chỉ là bọt bèo…

Họ có lý hay chúng ta có lý? Họ mơ mộng hay chúng ta?

Những sản phẩm do con người tạo ra, theo thời gian tan rã. Người ta tốn không biết bao nhiêu tiền bạc, công khó để bảo tồn những gì mà họ cho là di tích lịch sử, là những kỳ quan của con người…

Để làm gì? Để rồi cũng trở về tro bụi.

Đức tin đưa chúng ta vào một tương lai vĩnh cửu, một thực tế bền vững hơn những gì con người tạo nên. Kinh Thánh nói: “mọi nền văn minh đều phải chết…” Chỉ có niềm tin tồn tại, vì Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành mọi sự vẫn tồn tại.

Chúng ta đang xây đắp tương lai của chúng ta không phải bằng ảo tưởng mà bằng chất liệu của thế giới hôm nay, nhưng chúng ta “ở trong thế gian mà không thuộc về thế gian”. Chúng ta cũng như mọi người, xây dựng cuộc sống bằng cát đá, gạch, bằng lúa thóc, cây cỏ, đồng thời xây dựng tương lai bằng công bằng, bác ái, và phục vụ…

Không ai có thể ngăn cản chúng ta xây dựng thế giới vật chất, đồng thời xây dựng thế giới thiêng liêng.

Chúa Giêsu nói rõ: “Chủ nhà đi xa, trao nhà cửa, quyền hành cho gia nhân, chỉ định cho mỗi người một việc, ra lệnh cho người giữ cửa…” Chúa trao cho chúng ta thế giới này, cuộc sống này, là gia sản của Ngài. Mỗi người mỗi việc, và người giữ cửa phải canh thức đợi chủ về. Chúng ta đang sử dụng tất cả những gì Chúa trao ban… mỗi người một việc… nhưng một ngày kia chủ sẽ về…

Chúng ta không thể ngồi mơ mộng một thế giới an toàn, đầy đủ tiện nghi. Chúng ta không thể hưởng thụ trên xương máu anh em chúng ta. Chúng ta có nhiệm vụ trông coi gia sản của chủ. Chúng ta phải vất vả lao động với anh em; nhưng một điều khác biệt với những người không có đức tin là: chúng ta lãnh nhận nhà cửa, gia sản của chủ chứ không phải của chúng ta tạo ra.

Hơn nữa, chúng ta không chỉ là tôi tớ mà là con. Tiên tri I-sa-i-a, đã gọi Chúa là Cha. Đồng thời Chúa Giêsu cũng nhắc nhở, chúng ta có Cha trên trời. Gia sản Ngài trao không phải để chúng ta hưởng thụ mà để “Danh Cha cả sáng…” Gia sản này không phải để chúng ta dành giật, tranh chấp với nhau để chiếm hữu, khiến nó trở thành một chiến trường đẫm máu và man rợ, mà là chia sẻ và phục vụ, để mọi người đều được hạnh phúc.

Chúng ta là con của Cha trên trời, và mọi người đều được yêu thương, tại sao chúng ta có thể biến quả đất này thành một bãi lầy hận thù và tranh chấp?

Mùa Vọng là thời gian quí báu, nhắc chúng ta chờ đợi “trời mới đất mới, nơi công lý sẽ ngự trị” (Thánh Phê-rô). Chúng ta hãy xây đắp mộng ước, nhưng ước mơ của chúng ta là thấy tình yêu lan rộng trong thế giới đang “đổ vỡ” của chúng ta.

Tỉnh thức là như thế. Hạnh phúc biết bao khi “chủ về”, và thấy chúng ta trở thành những con người xây dựng hòa bình, những con người hiền lành và đầy lòng xót thương, những con người có lòng trong sạch, không bị hoen ố vì tham lam, vì hận thù, và hơn nữa, chúng ta trở thành những con người có “cuộc đời cho không” như Chúa Giêsu, Con Cha. Vì đời chỉ đẹp khi đời được dâng hiến.

Hạnh phúc cho chúng ta biết bao, khi Đấng chúng ta tỉnh thức chờ đợi, vẫn đến với chúng ta trong tấm bánh thần linh: “Này là Mình Thầy… Hãy cầm lấy mà ăn”. Ngài từ trời xuống để trao ban chính mình cho chúng ta. Ai biết yêu thương thành thật sẽ hưởng được sự ngọt ngào êm đềm này. Thiên Chúa cao cả vô song đã trở thành Em-ma-nu-en (Chúa-ở-cùng-chúng-ta) ngay trong xương thịt chúng ta.

Hãy tỉnh thức chờ đợi ngày chúng ta được nên một với Ngài. Hôm nay trong tấm bánh, ngày mai trong vinh quang. Chờ đợi hôm nay là một chờ đợi yêu thương, chờ ngày “tỏ hiện vinh quang của con Thiên Chúa”. Đợi chờ trong yêu thương đã là một hạnh phúc lớn lao rồi. Chúng ta hãy nói như tân nương trong trang cuối của sách Khải Huyền nói với Tân Lang Thần Linh của chúng ta; “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”.

 

5. Tỉnh thức

Với Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng, khởi đầu cho Năm Phụng Vụ mới, Giáo Hội muốn đặt chúng ta vào trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Thực vậy, nơi Đức Kitô Thiên Chúa đã băng qua các tầng trời, để rồi ngự xuống trần gian. Ngài đã không chỉ can thiệp vào lịch sử, mà còn ở giữa con người, sống với con người và chết cho con người, thể hiện sự giải thoát cho con người khỏi vòng nô lệ tội lỗi. Giáo Hội tin rằng Ngài đã sống lại và lên trời, nhưng vẫn chờ đợi Ngài sẽ trở lại trong vinh quang.

Vì thế, thời hiện tại của chúng ta là một thời chờ đợi, là một mùa vọng kéo dài. Một sự chờ đợi trong hy vọng. Một Mùa Vọng trong hân hoan vui mừng. Thế nhưng, sự chờ đợi ngày hoàn tất công trình cứu độ, sự chờ đợi ngày kết thúc công trình xây dựng một thế giới mới, một thế giới được cứu độ, một thế giới của người Kitô hữu, sẽ không phải là một thái độ thụ động.

Đúng thế, Chúa Giêsu, qua đoạn Tin Mừng hôm nay, đã mời gọi các môn đệ của Ngài phải đề cao cảnh giác và tình thức, để có thể đón nhận Ngài, mỗi khi Ngài viếng thăm, cũng như khi chúng ta phải đối diện với Ngài để tính sổ cuộc đời, lúc chúng ta từ giã cuộc sống này qua cái chết. Và sau cùng, là phải sẵn sàng, khi ngài lại đến trong vinh quang trong ngày sau hết.

Tỉnh thức ở đây là sáng suốt nhận ra những dấu chỉ của sự sống, của sự thật, của sự giải thoát, và của cái sẽ tồn tại mãi mãi trong tất cả những gì tạo nên cuộc sống thường ngày của con người và xã hội: những cuộc gặp gỡ, những lời nói, những phản ứng, những sự kiện, những tin tức chúng ta nhận được.

Người tỉnh thức là người phải suy nghĩ, không theo thói quen, không theo những hình ảnh hay khuôn mẫu có sẵn, ngay cả đối với Kinh Thánh, chúng ta cũng đừng đọc hay suy nghĩ với những hiểu biết đã được người khác mớm cho, nhưng phải đọc với một cặp mặt tò mò và thức tỉnh, với những câu hỏi được đặt ra cho chính bản thân: Lời Chúa muốn nói với tôi điều gì? Và đâu là điều Chúa muốn tôi phải thực hiện?

Có tỉnh thức nhận ra ý Chúa và cố gắng thực hiện trong cuộc sống thường ngày, thì rồi trong sau hết chúng ta mới không bị Chúa loại trừ, nhưng sẽ được chia sẻ niềm hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa trên quê hương Nước Trời.

 

6. Suy niệm của Lm. Anthony Trung Thành

Chúng ta bắt đầu bước vào Năm Phụng Vụ mới, khởi đi từ Chúa Nhật I Mùa Vọng. Mùa Vọng có hai đặc tính: Đặc tính thứ nhất, kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người; Đặc tính thứ hai, các tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày Tận thế (x. AC 39).

Thật vậy, Đức Giêsu, Con Thiên Chúa đã đến với loài người cách đây hơn hai ngàn năm. Ngài đến trong đêm Giáng Sinh, có các Thiên thần ca hát, có các mục đồng thờ lạy và loan tin (x. Lc 2,1-20). Đối với chúng ta, biến cố này chỉ mang tính kỷ niệm. Nhưng đây là một kỷ niệm hết sức quan trọng. Bởi vì, biến cố này đem ơn cứu độ đến cho loài người, làm thay đổi lịch sử cứu độ và lịch sử nhân loại. Vì vậy, chúng ta phải chuẩn bị chu đáo để mừng biến cố này một cách trang trọng và sốt sắng. Thiết nghĩ, cách chuẩn bị tốt nhất là chúng ta sống tinh thần chờ đợi của dân Do thái ngày xưa. Tinh thần đó được diễn tả qua phụng vụ của 4 Chúa Nhật Mùa Vọng. Đó là chúng ta sống đặc tính thứ nhất của Mùa Vọng.

Với đặc tính thứ hai của Mùa Vọng, chúng ta sống tinh thần chờ đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày Tận Thế: Ngày Tận Thế là ngày tận cùng của Vũ trụ và con người. Ngày đó sẽ đến, nhưng đến lúc nào thì không ai biết trước được. Tin mừng hôm nay cho biết ngày đó đến một cách bất ngờ, như chủ nhà đi xa, không biết lúc nào trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng... Vì tính chất bất ngờ như vậy, nên đòi hỏi các đầy tớ phải luôn sống trong tinh thần tỉnh thức để ông chủ khỏi bắt gặp các đầy tớ đang ngủ. Đó cũng là tinh thần mà Đức Giêsu muốn nhắn gửi tất cả mọi người chúng ta: Ðiều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức! (x. Mc 13,33-37).

Vậy, chúng ta phải tỉnh thức như thế nào? Xin được đề nghị tỉnh thức bằng một số thực hành sau đây:

Thứ nhất, tỉnh thức bằng cách thú nhận tội lỗi và xin Chúa thứ tha: Nếu những ai đang sống trong ân nghĩa với Chúa, hãy tạ ơn Chúa và cố gắng giữ mình sống trong tình trạng đó. Còn những ai đang sống trong tội, hãy sám hối và lãnh nhận Bí tích Giao hòa. Việc thực hành này mang tính cá vị. Nghĩa là giữa cá nhân mỗi người với Chúa qua trung gian linh mục. Nhưng trong thực tế, có những tội liên quan đến người khác. Chẳng hạn, tội của con cái liên quan đến trách nhiệm của cha mẹ; tội của vợ hoặc chồng liên quan đến nhau; tội của giáo dân liên quan đến trách nhiệm của cha xứ; tội của cộng đoàn liên quan đến bề trên…Vì vậy, cần phải có sự sám hối tập thể hoặc một người thay cho tất cả để xin ơn tha thứ thay cho tập thể: Cha xứ phải sám hối và xin ơn tha thứ thay cho giáo dân; cha mẹ sám hối và xin ơn tha thứ thay cho con cái; vợ chồng sám hối và xin ơn tha thứ thay cho nhau; bề trên sám hối và xin ơn tha thứ thay cho cộng đoàn…Đó là điều mà tiên tri Isaia đã làm trong bài đọc I hôm nay, ông đã thay mặt cho toàn dân thú nhận tội lỗi và xin Chúa thứ tha: Chúng tôi đã luôn ở trong tình trạng tội lỗi. Tất cả chúng tôi đều đầy vết nhơ. Xin Chúa hãy đến thứ tha tội lỗi cho chúng tôi (x. Is 63, 16b-17; 64, 1. 3b-8).

Thứ hai, tỉnh thức bằng cách sống xứng đáng với những ân huệ Chúa ban: Chúa ban cho chúng ta ơn làm người, ơn làm con Chúa, ơn được ở trong Giáo Hội, ơn có đủ điều kiện thuận lợi để lo phần rỗi linh hồn. Ngoài ra, Chúa còn ban cho chúng ta những khả năng khác nhau: người 5 nén, người 2 nén, người 1 nén… tùy hoàn cảnh và địa vị của từng người. Chúng ta hãy khiêm tốn dùng những khả năng đó để chu toàn bổn phận hằng ngày: phụng sự Chúa, phục vụ Giáo hội và giúp đỡ tha nhân. Khi chúng ta làm như vậy, chính là lúc chúng ta đang sống tỉnh thức để chờ đợi Chúa đến. Đó cũng là sứ điệp mà Thánh Phaolô nói tới trong Bài đọc II hôm nay (x. 1Cr 1,3-9). Ngài nhắc nhở cộng đoàn Corintô hãy nhớ đến bao ân sủng mà Thiên Chúa ban cho họ: “Vì chưng, trong Ngài, anh em được tràn đầy mọi ơn: ơn ngôn ngữ, ơn hiểu biết,…” Khi nhớ tới những ơn Chúa ban, thì hãy tỏ ra xứng đáng với ân huệ đó bằng cách hướng tới ngày Ngài đến trong “bền vững” và “không có gì đáng trách”.

Thứ ba, tỉnh thức bằng cách siêng năng cầu nguyện, lãnh nhận các Bí tích và thực thi bác ái.

Tỉnh thức trong cầu nguyện: Vì tỉnh thức đi liền với cầu nguyện. Trong Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu mời gọi: “Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào” (Mc 13,33). Mặt khác, khi cầu nguyện chúng ta sống với Chúa, hướng tâm trí về Ngài. Ngoài ra, cầu nguyện để xin ơn Chúa trợ giúp: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ” (Mc 14,38). Như vậy, khi chúng ta siêng năng cầu nguyện là chúng ta đang sống tỉnh thức.

Tỉnh thức trong việc siêng năng lãnh nhận các Bí tích: Để lãnh nhận các Bí tích, chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng. Nếu muốn lãnh nhận các Bí tích kẻ chết (Bí tích Giao hòa và Bí tích Rửa tội), chúng ta phải có lòng sám hối ăn năn. Nếu muốn lãnh nhận các Bí tích kẻ sống (5 Bí tích còn lại), chúng ta phải sống trong ơn thánh hóa, nghĩa là phải sạch tội trọng. Như vậy, khi sẵn sàng để lãnh nhận các Bí tích là chúng ta đang sống trong tinh thần tỉnh thức.

Tỉnh thức trong việc thực thi bác ái yêu thương: Khi chúng ta thực thi bác ái là chúng ta đang chu toàn bổn phận Chúa trao phó, đang thực hành Kinh “thương người có mười bốn mối”. Nếu chúng ta giúp đỡ những kẻ hèn mọn là chúng ta đang giúp đỡ Chúa (x. Mt 25, 31-46). Cho nên, khi chúng ta thực thi bác ái yêu thương là chúng ta đang sống trong tinh thần tỉnh thức. Đúng như lời khẳng định của Thánh Phaolô: “yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,10).

Lạy Chúa, chúng con bắt đầu bước vào Mùa Vọng, xin cho mỗi chúng con biết chuẩn bị tâm hồn xứng đáng để kỷ niệm ngày Chúa đến lần thứ nhất qua lễ Giáng sinh. Đồng thời, xin giúp chúng con luôn sống tinh thần tỉnh thức bằng việc siêng năng cầu nguyện, lãnh nhận các Bí tích và thực hành bác ái, để xứng đáng đón chờ Chúa đến trong ngày Tận thế và ngày Chúa đến gặp gỡ mỗi người chúng con. Amen.

home Mục lục Lưu trữ