Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 48
Tổng truy cập: 1367323
TÌNH THƯƠNG VÀ TỘI LỖI
TÌNH THƯƠNG VÀ TỘI LỖI
Phụng vụ đặt bài Phúc Âm của Gioan ở đây để khơi động tinh thần sám hối Mùa Chay, trước tình thương bao la của Chúa.
Chúa Giêsu đang giảng dạy ở tiền đường Đền thờ, có dân chúng bao quanh thì nhóm Pharisêu và luật sĩ kéo sành sạch một phụ nữ đến trước mặt Chúa. Họ đứng thẳng đó và nói: “Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, theo Luật Moisê hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?”
Thật ra luật Moisê có khoản trừng phạt những người dâm phụ hoặc các kẻ đã hứa hôn như vậy, nhưng từ lâu rồi, khoản ấy không được áp dụng khắc khe nữa, nhất là người Lamã cai trị có lệnh cấm ném đá giết người. Tuy nhiên, đây là cái cớ để bắt bẻ Chúa. Câu trả lời khôn ngoan đến đâu cũng có kẽ hở, không lỗi luật Moisê thì cũng phạm đến lịnh của chính quyền.
Chúa Giêsu có vẻ không mấy chú ý đến cáo trạng và thái độ đắc thắng của nhóm Biệt phái. Ngài cúi xuống lấy tay viết trên nền đất. Thời gian trôi qua trong im lặng nặng nề, như mời gọi mọi người nhìn vào chính nội tâm của mình.
Rồi Chúa đứng thẳng lên, nhìn vào đối thủ và từ từ nói: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”. Và Người lại ngồi xuống và viết trên đất. Bầu khí im lặng lại càng nặng nề hơn.
Đã nhiều lần, vị Rabbi trẻ chứng minh rằng Ngài có quyền đọc tận thâm tâm, biết cả những việc thầm kín nhất. Họ biết như vậy, nên khôn ngoan hơn cả là lẫn đi-dĩ đào vi thượng sách! Giữa người thiếu phụ lỡ lầm và những người được tiếng đạo đức đó, chưa hẳn ai tội lỗi hơn ai.
Vì thế, Phúc Âm nói: “Họ rút lui từng người một, bắt đầu từ những người nhiều tuổi nhất”. Nhiều tuổi thì khôn ngoan hơn, chuồn lẹ hơn là phải.
Chỉ còn lại một mình Chúa Giêsu và thiếu phụ. Thánh Augustinô nói: “Chỉ còn lại Tình thương và tội lỗi”.
Người thiếu phụ đứng đó, bẻn lẻn, nhưng trong lòng tràn ngập trông cậy. Chúa Giêsu nhìn bà và phán: “Ta không kết tội con”. Thật là một lời đầy an ủi. Chúng ta hay kết tội kẻ khác và nhiều khi thật nặng nề và vô lý. Nhưng chúng ta là ai mà dám kết tội kẻ khác? Chỉ có Chúa Giêsu là Đấng vô tội. Ngài không kết tội. Ngài tha thứ và nâng đỡ người sa ngã bằng một câu đầy nhân hậu: “Con hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa”.
Trên đoạn Phúc Âm này, trải qua bao thế hệ, có bao nhiêu dòng nước mắt đã chảy xuống chan hòa ướt đẫm. Vì qua người thiếu phụ đó, chúng ta nhìn thấy hình ảnh chúng ta. Chúng ta là kẻ tội lỗi, nhưng rồi, trong tòa cáo giải, lời Chúa còn vang vọng lên: “Cha tha tội cho con. Con hãy đi và đừng phạm tội nữa”.
“Lạy Chúa, nguyện thương tôi theo lòng nhân hậu Chúa, xóa tội tôi theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa tôi tuyệt gốc lỗi lầm và tẩy tôi sạch lâng tội ác” (T.v 50).
30.Tội bắt quả tang – Thiên Phúc.
(Trích trong ‘Như Thầy Đã Yêu’)
"Be who God meant you to be, and you will set the world on fire." - St. Catherine of Sienna.
Vua Quang Vũ nhà Đông Hán có người chị là Hồ Dương, công chúa goá chồng. Nhà vua muốn tìm cho chị người bạn trăm năm, liền đem danh sách các quan của mình ra hỏi ý kiến chị. Công chúa nói: “Tất cả bá quan trong triều đình chỉ có Tổng Hoằng là người có tư cách khác thường, những người khác không sao bì kịp, vua Quang Vũ biết ý chị đã vừa lòng Tổng Hoằng, liền bảo chị hãy ra ngồi phía sau tấm bình phong, rồi cho đòi Tổng Hoằng đến. Nhà vua bảo:
- Ta nghe tục ngữ có câu: “Giàu đổi bạn, sang đổi vợ” có phải thế không? Tổng Hoằng liền quỳ xuống tâu:
- Bạn bè giao du với nhau còn nghèo hèn không nên quên nhau, người vợ trong cảnh hàn vi không nên cho xuống ở nhà dưới.
Vua Quang Vũ biết Tổng Hoằng là người thuỷ chung, nhân nghĩa, không thể nào lay chuyển được, nên càng đem lòng yêu mến hơn. Rồi nhà vua nói với chị: “Việc hôn nhân không thành được, con người này không thể đem danh lợi và phú quí để mê hoặc”.
Câu chuyện trên đây là một tấm gương cao đẹp về lòng chung thuỷ, khác hẳn với câu chuyện về người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình trong bài Tin Mừng hôm nay.
Gia đình là nền tảng của xã hội, một khi vợ chồng đã đánh mất lòng chung thuỷ thì không những gia đình ấy bị đổ vỡ, mà còn băng hoại đến toàn xã hội. Vì thế, các kinh sư và nhóm Pharisêu dẫn người phụ nữ ngoại tình đến xin Chúa Giêsu xét xử là hợp lý, vì chính luật Môsê cũng truyền phải ném đá hạng người đó. Nhưng đó chỉ là cái bẫy để có bằng chứng tố cáo Người mà thôi.
Nếu Chúa Giêsu bảo đừng ném đá chị ta thì lỗi luật Môsê, nếu Người truyền phải ném đá thì Người đã làm sai lời dạy của mình là “Các con hãy yêu thương nhau”. Một cái bẫy vừa tinh vi vừa nham hiểm.
Chúa Giêsu cúi xuống vẽ trên đất. Người đang viết tội của họ ra hay Người đang suy nghĩ tìm câu trả lời, điều đó không ai biết nhưng có một điều chắc chắn là họ đang đắc thắng vì dồn ngược Người vào chân tường, họ sốt ruột nên gặng hỏi mãi. Người đã trả lời một câu như mũi dao xoáy vào tâm can họ, và mũi dao ấy vẫn tiếp tục xoáy vào lương tâm mỗi người chúng ta khi nghe lại lời đó: “Ai trong các ông vô tội thì hãy ném đá trước đi”.
Quả thật, không một ai dám can đảm ném hòn đá đầu tiên, và cũng chẳng có hòn đá cuối cùng. Có chăng chỉ là những bàn tay cách đây ít phút nắm chặt những viên đá đầy sát khí chuẩn bị tấn công, giờ đây đang nới lỏng các cơ bắp để các viên đá kia lặng lẽ kín đáo rơi nhẹ nhàng trên đất.
Vâng, không ai dám tự hào mình vô tội. Có biết bao tội bất trung bất nghĩa còn xấu xa chẳng kém tội ngoại tình. Có những tội ngoại tình trong ước muốn, trong tư tưởng. Có những tội ngoại tình lén lút chẳng ai hay.
Dường như ngày nay người ta chỉ nhận mình phạm tội khi bị bắt quả tang, còn những tội phạm trong thầm kín thì kể như không có. Vì thế người ta tìm mọi cách để che đậy, giấu giếm những hành vi tội lỗi để không ai bị bắt quả tang. Và họ cứ an tâm thanh thản trong cuộc sống. Họ hoàn toàn đánh mất cảm thức về tội lỗi.
Có một điều trớ trêu là khi người ta thấy một ai đó bị bắt quả tang phạm tội, họ không ngại ngùng vung hòn đá ra ném vào người đó. Có lẽ để gián tiếp minh chứng mình vô tội chăng? Người ta dễ dàng bỏ qua cho mình, nhưng lại không buông tha cho kẻ khác. Tuy nhiên, Đấng duy nhất vô tội lại chẳng lên án tội nhân: “Tôi không lên án chị đâu? Chị hãy về đi, từ nay đừng phạm tội nữa!”. Thật là an ủi biết bao cho chúng ta, những con người tội lỗi. Chúa không răn đe, không sửa phạt, chỉ an ủi, khích lệ, tin tưởng và hy vọng nơi chúng ta. Người không giết chết, nhưng cứu sống. Người không dung túng cho tội lỗi, nhưng nâng đỡ kẻ có tội. Người ghét tội nhưng lại thương xót tội nhân.
Lạy Chúa, chúng con rất sợ bị bắt quả tang đang phạm tội. Nhưng có tội nào chúng con phạm mà Chúa chẳng am tường. Xin cho chúng con biết cởi bỏ những mặt nạ giả dối, để luôn sống chân thật và trong sáng trước mặt Chúa và anh em.
Nếu Chúa đã không lên án chúng con, thì xin Chúa giúp chúng con đừng bao giờ kết án anh em của mình. Amen.
31.Tình thương cứu độ
(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Văn hào Ngài Léon Tolstoi có kể câu chuyện: Có một người hành khất nọ đến trước cửa nhà của một người giàu có để xin bố thí. Một đồng xu nhỏ hay một miếng bánh vụn, đó là tất cả những gì người ăn xin chờ đợi nơi người giàu có. Nhưng mặc cho người khốn khổ van xin, người giàu có vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Đến một lúc, không còn chịu nổi những lời van xin của người hành khất, thay vì lời bố thí, người giàu đã lấy đá ném vào con người khốn khổ.
Người hành khất lặng lẽ nhặt lấy hòn đá cho vào bị rồi thì thầm trong miệng: “Ta mang hòn đá nầy cho đến ngày nhà ngươi sa cơ thất thế. Ta sẽ dùng nó để ném đá trả lại ngươi”.
Đi đâu, người hành khất cũng mang theo hòn đá ấy. Tâm hồn ông lúc nào cũng cưu mang sự báo thù.
Năm tháng qua đi. Lời chúc dữ của người hành khất đã thành sự thật: Vì biển lận, người giàu có bị tước đoạt tất cả tài sản và bị tống giam vào ngục. Ngày hôm đó, người hành khất chứng kiến cảnh người ta áp giải người giàu vào tù ngục. Nỗi căm hờn sôi sục trong lòng ông. Ông đi theo đoàn người áp tải. Tay ông không rời bỏ hòn đá mà người giàu đã ném vào người ông cách đây mười mấy năm. Ông muốn ném hòn đá đó vào người tù để rửa sạch mối nhục hằng đeo đẳng bên ông. Nhưng cuối cùng, nhìn thấy gương mặt tiều tuỵ đáng thương của kẻ đang bị cùm tay, người hành khất thả nhẹ hòn đá xuống đất rồi tự nhủ: Tại sao ta phải mang nặng hòn đá nầy từ bao nhiêu năm qua? Con người nầy, giờ đây, cũng chỉ là một con người khốn khổ đáng thương như ta!”
Chúa Giêsu hôm nay cũng không ném đá người thiếu phụ ngoại tình. Và những người tố cáo chị ta cũng không ai dám ném hòn đá đầu tiên. Câu chuyện kể về người thiếu phụ ngoại tình như sau:
“Khi ấy, Đức Giêsu đang ngồi tại hành lang Đền Thờ Giêrusalem thì bỗng có một nhóm đàn ông điệu đến trước mặt Ngài một thiếu phụ run lẩy bẩy, mặt mày tái mét. Họ trình với Ngài rằng: họ đã bắt được quả tang người thiếu phụ nầy đang phạm tội ngoại tình. Theo lề luật, Môisê truyền phải ném đá mụ nầy. Về phần Ngài, Ngài nghĩ sao?”.
Dĩ nhiên là họ muốn gài bẫy Chúa Giêsu: Nếu Ngài nói ngược lại với luật Môisê thì những người Do Thái sẽ chống lại Ngài, còn nếu Ngài khuyến khích họ ném đá người thiếu phụ, điều mà luật lệ Rôma không cho phép, thì chắc chắn Ngài sẽ gặp khó khăn với chính quyền Rôma lúc đó đang chiếm đóng. Thực sự, Đức Giêsu đã không trả lời ngay câu hỏi của họ. Tin Mừng thuật lại là: Ngài cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Chẳng ai biết Ngài viết gì. Có lẽ Ngài muốn nhắc cho chính nhóm đàn ông kia là muốn phạm tội ngoại tình thì phải có hai người, và Lề Luật đã quy định là cả hai đều bị phạt chịu ném đá cho đến chết. Thế mà họ chỉ điệu đến trước mặt Ngài có một mình người thiếu phụ nầy. (Còn người đàn ông kia đâu?). Vậy thì chính họ, nhóm đàn ông ấy, đã phạm tội bất công, kỳ thị nam nữ, phân biệt đối xử và phạm tội giả hình… (chứ thì phái mày râu các ông không phạm tội ngoại tình sao?)
Sau khi viết xuống đất một hồi, Đức Giêsu ngẩng đầu lên và bảo họ: “Ai trong các ông không có tội thì hãy ném viên đá đầu tiên đi!”.
Rồi Ngài lại cúi xuống viết tiếp… Ngài còn đang viết thì có một sự kiện thật ngoạn mục xảy ra: nhóm đàn ông nầy bắt đầu lặng lẽ rút lui có trật tự, những người già hơn rút lui trước. Có lẽ vì họ đã phạm tội nhiều hơn những người trẻ. Cuối cùng, chỉ còn lại có hai người: Đức Giêsu và người thiếu phụ. Lúc nầy, Đức Giêsu mới ngẩng đầu lên và cùng đối thoại với người thiếu phụ. Ngài hỏi chị ta:
- Những người kia đã đi đâu cả rồi? Không có ai lên án chị sao?
- Thưa Ngài, không có ai, thiếu phụ đáp lại.
- Vậy thì Ta cũng không lên án chị đâu, chị hãy về và đừng phạm tội nữa nhé!”
Chúng ta có thể tưởng tượng: lúc đó, người thiếu phụ vui mừng như thế nào? Và chắc chắn chị không quên cảm tạ Chúa và quyết tâm làm lại cuộc đời.
Thưa anh chị em,
Chúng ta đang sống trong một thế giới của những kẻ ném đá. Người ta chỉ thích phê bình, chỉ trích, lên án, hạ nhục hoặc chống đối người khác. Chúng ta quên đi một câu nói rất có ý nghĩa của người Anh: “Những ai đang sống trong nhà bằng kính thì đừng nên ném đá” (ném đá vỡ kính hết).
Tất cả chúng ta đều đang sống trong những căn nhà bằng kính, bởi vì tất cả chúng ta đều rất mỏng dòn, dễ vỡ, đã không đáp ứng đúng mức đòi hỏi của Thiên Chúa và tất cả chúng ta đều rất cần đến sự tha thứ của Ngài.
Cũng như nhóm đàn ông kia ở Giêrusalem, chúng ta thường tự đặt mình vào hạng những người công chính. Chúng ta sáng mắt nhìn thấy điều sai trái của kẻ khác, nhưng lại quá đui mù chẳng nhìn thấy các lỗi lầm của chính mình.
Tuy nhiên, anh chị em thân mến,
Câu chuyện trên đây không chỉ đề cập đến những kẻ ném đá, những kẻ tự cho mình là kẻ công chính, những kẻ tự đặt mình vào chức vụ bảo vệ nền luân lý công cộng, những kẻ luôn nghĩ rằng tất cả những điều mình làm đều đúng, đều tốt, những kẻ vẫn tự hào rằng mình tốt lành và nhân đức hơn những người khác… Câu chuyện còn đề cập đến chính người thiếu phụ bất hạnh ấy nữa. Đức Giêsu đã không nhắm mắt làm ngơ trước tội ngoại tình. Ngài đã không nói rằng: điều người thiếu phụ đã làm đó chỉ là một chuyện vặt, một chuyện nhỏ mọn, hoặc là một chuyện có tính cách riêng tư không dính líu gì tới ai. Ngài cũng đã không khuyên nhóm người kia hãy bỏ qua chuyện nầy, hoặc hãy chấp nhận mà sống với những yếu đuối của mình, nhưng Ngài đã khẳng định Ngài không lên án thiếu phụ nầy. Nói cách khác, Ngài đã sẵn lòng chấp nhận người thiếu phụ bất hạnh nầy trong chính tình trạng hiện nay của chị – Chị là người có tội đấy-Chị hãy chừa cải, sửa đổi nên người mới.
Anh chị em thân mến,
Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi chúng ta dù cho tội đó nặng đến độ phải tử hình như tội ngoại tình nơi anh em Do Thái ngày xưa. Lòng Chúa hải hà vết nhơ của tội lỗi. Thái độ của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng so với thái độ của các vị luật sĩ và biệt phái cho thấy tấm lòng của Thiên Chúa mênh mông, bao la hơn tâm hồn con người thế nào, như đại dương với các ao tù nước đọng: một bên thì bình tĩnh thản nhiên, nhẹ nhàng đón nhận cục đá lớn ném xuống, còn một bên sôi nổi sùng sục và hỗn loạn trước cũng một biến cố ấy. Thiên Chúa vẫn đối xử với chúng ta như thế, không phải để ta coi thường tội lỗi, mà là để ta, một khi đối diện với lòng nhân lành của Chúa, sẽ hoán cải mà trở nên tốt hơn.
Chúa Giêsu, Đấng vô tội, chính Ngài đã từ chối không ném viên đá đầu tiên hoặc viên đá cuối cùng, nhưng lời chấp nhận của Ngài đã được gắn lại lệnh truyền: “Chị hãy về và đừng phạm tội nữa”. Có nghĩa là: “Con hãy về đi và từ bỏ cuộc sống tội lỗi của con”. Những kẻ tố cáo, những kẻ sẵn sàng ném đá kia thực ra đã có thể kết liễu cuộc sống của người thiếu phụ nầy, nhưng trái lại phần Đức Giêsu, Ngài đã ban tặng cho chị ta một cuộc sống mới, một sự bắt đầu hoàn toàn mới mẻ: “Con hãy về và đừng phạm tội nữa”.
Ngày nay, Ngài cũng cư xử đối với nhân loại tội lỗi và đối với mỗi người chúng ta đúng như Ngài đã đối xử với người thiếu phụ ngoại tình nầy. Trên thánh giá, Ngài ban ơn tha thứ cho tất cả và cùng với muôn triệu người được cứu thoát, Ngài tạo nên một dân mới. Một lần nữa, Giáo Hội mời gọi chúng ta nhìn vào cõi lòng mình vào tình thương tha thứ của Thiên Chúa để tự nhận ra mình là kẻ tội lỗi, hầu lãnh nhận ơn tha thứ và từ nay đừng tái phạm nữa.
32.Chiến thắng sự dữ và tội lỗi – R. Veritas.
Người ta kể lại dưới thời các hoàng đế trị vì xưa kia. Cứ sau thánh lễ Phục sinh, bên cạnh cây nến phục sinh cháy sáng, hoàng đế cho thắp thêm một cây đèn lớn khác gọi là "Cây đèn ân xá Phục sinh". Cho tới khi nào ánh đèn còn cháy, tất cả mọi người có tội nặng đáng xử tử mà đến đặt tay trên cây đèn ấy xưng thú tội lỗi mình thì được ân xá, không phải chịu án phát. Từ một phía cửa hông nhà thờ, các tội nhân xếp hàng dài. Nào là những người cướp của giết người, ngoại tình, phá thai, gian dối, lừa đảo, làm tiền bạc giả. Sau khi đặt tay trên Cây đèn ân xá Phục sinh xưng thú lỗi lầm, công khai trước mặt hoàng đế và đông đảo tín hữu tò mò đến xem, họ sang chiếc bàn bên cạnh ghi tên tuổi và nhận chứng thư tha tội, trong đó có những lời khuyên phải cải tà qui chánh.
Người sau cùng tiến đến Cây đèn ân xá Phục sinh là một phụ nữ trong sắc phục sám hối. Trong số các tín hữu tò mò đứng xem có cả ông chồng, tay cầm tờ đơn tố cáo tội bà vợ và xin hoàng đế đừng khoan hồng đối với bà. Trong nhà thờ im lặng như tờ. Người đàn bà đưa tay lên chạm đến Cây đèn ân xá Phục sinh, bà lớn tiếng thú tội: "Tôi đã phạm tội ngoại tình với tất cả những người đàn ông nào tôi ưa thích. Tôi không xứng đáng được khoan hồng". Nói xong, bà thổi Cây đèn ân xá Phục sinh tắt ngấm. Rồi bà nhắm mắt nói về đứa con mà bà đã có với một sinh viên, sau cùng bà kết luận: "Tội tôi thì quá lớn không đáng được tha thứ". Bà mở mắt ra. Thì ô kìa! Cây đèn ân xá Phục sinh đã lại cháy sáng từ bao giờ. Chồng bà đứng gần đó đã dùng tờ đơn tố cáo bà, đốt trở lại Cây đèn ân xá Phục sinh mà chính bà đã thổi tắt. Thấy thế, hoàng đế nghiêm mặt hỏi: "Ngươi là ai mà dám tự tiện thắp Cây đèn ân xá Phục sinh?" Ông ta thưa: "Tâu hoàng đế, hạ thần là chồng của phụ nữ này. Với tờ đơn tố cáo tôi tự tay mình viết, hạ thần đốt bỏ nó trên ánh nến ân xá Phục sinh để lấy lại ánh sáng cho Cây đèn ân xá Phục sinh đã tắt". Nghe vậy hoàng đế nghiêng mình trước người chồng và nói: "Ngươi đã hành động rất đúng, theo mẫu gương của Chúa Giêsu Kitô".
Không kết án, không vào hùa kết tội người khác, rút đơn tố cáo, bỏ hòn đá xuống đất. Mỗi người hãy nhìn sâu vào trong tâm lòng mình để nhận ra các tội lỗi, lầm lẫn thiếu sót của mình trong cuộc sống. Thống hối ăn năn và cải thiện, đó là sứ điệp mà Giáo Hội trao gởi chúng ta qua các bài đọc hôm nay.
Người đàn bà bị bắt quả tang đang lúc phạm tội ngoại tình như kể trong Phúc Âm theo thánh Gioan, là một ví dụ chứng minh cho chúng ta thấy cung cách hành xử và lòng nhan từ của Chúa Giêsu đối với những người có tội. Chiếu theo luật Do Thái, như ghi trong sách Lêvi chương 20 câu 10 và sách Đệ Nhị Luật chương 22 câu 22: "Phụ nữ có chồng bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình phải bị ném đá cho chết cùng với người đàn ông đang phạm tội ngoại tình với bà". Đây là cách thức người xưa khử trừ cuộc sống hoang dâm khỏi cộng đoàn. Theo bài Phúc Âm, các biệt phái và những luật sĩ chỉ dẫn đến cho Chúa Giêsu người đàn bà mà thôi. Trong thâm tâm, họ muốn kết tội hai người: người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình và Chúa Giêsu, mà họ đang tìm mọi dịp để lên án.
Tuy nhiên, cung cách hành xử của Chúa Giêsu theo cái lôgíc của Thiên Chúa, không theo tâm địa hẹp hòi gian ác và giả hình của con người, lại cho thấy, Thiên Chúa luôn mở ra cho người tội lỗi một lối thoát, lối thoát của cuộc đời hoán cải. Qua cách hành xử của Thiên Chúa đối với người tội lỗi là còn nước còn tát, nghĩa là luôn cống hiến ơn tha thứ và ơn cứu độ cho họ. Không ai biết Chúa Giêsu đã viết trên cát điều gì hay Ngài đang cần phải qui chiếu theo một thứ luật lệ khác: luật lệ của tình yêu thương tha thứ. Chúa Giêsu không chối bỏ những cái nặng nề và những hệ lụy do cuộc ái tình trong cuộc sống con người. Nhưng Ngài muốn ném cho người phạm tội một sợi dây của lòng trông cậy. Bởi vì đối với Thiên Chúa, quá khứ tội lỗi của con người không quan trọng, điều quan trọng là nỗ lực tìm lại sự trong trắng, thơ ngây, vô tội trong tâm hồn từ giây phút này trở lên. Nói cách khác, trước mặt Thiên Chúa điều quan trọng duy nhất là ý chí hoán cải tâm lòng và cách mạng cuộc sống của chúng ta.
Kiểu cách giải quyết vấn đề của Chúa là một tiếng sét cách mạng quật ngã mọi người hiện diện. Theo sách Đệ Nhị Luật 17,7: "Những ai đã bắt được quả tang người phạm tội ngoại tình, nghĩa là đã chứng kiến tận mắt, thì hãy ném viên đá đầu tiên khai mào cuộc xử kẻ có tội". Nhưng đây Chúa Giêsu nói: "Ai không có tội, hãy ném đá trước đi", mà có ai trong gia đình nhân loại là người vô tội đâu? Bởi vì ai trong chúng ta cũng có tội cả. Và phạm tội mỗi ngày, cho nên càng nhiều tuổi thì lại càng phạm tội nhiều. Đủ thứ tội và đủ cỡ, đủ cách: tội lớn, tội nhỏ, tội kín, tội hở. Tâm lòng và thân xác chúng ta rỗ chằng rỗ chịt, và mọi thứ vi trùng tội lớp dưới đội lớp trên, lớp trên đè lớp dưới.
Say giây phút im lặng làm choáng váng mặt mày, mọi người tố cáo người đàn bà ngoại tình bắt đầu bỏ rơi viên đá xuống đất và rút lui có trật tự, già trước trẻ sau. Được phép dạy phải sửa chữa tội lỗi, nhưng mỗi một người phải bắt đầu từ chính mình trước. Nếu Chúa Giêsu đã mở ra cho người đàn bà ngoại tình con đường mới của cuộc sống hoán cải thánh thiện: "Tôi cũng không kết án chị. Hãy ra về và đừng phạm tội nữa". Thì Ngài cũng chỉ cho tất cả mọi người đã hăng hái tố cáo và đòi ném đá xử tử chị ta một con đường mới, con đường của lòng khiêm tốn, từ nay biết nhận mình là người có tội.
Hãy cảnh giác với lương tâm mình để tìm thấy cái mặt lọ lem của mình, để nhìn thấy tâm hồn đen đủi, xấu xa của mình. Hãy cầm lấy cục đá, không phải để ném người khác mà là để vạch lên ngực, lên tim của mình cho chảy máu ăn năn sám hối, rồi bỏ nó xuống đất. Phải làm điều đó một cách công khai trước mặt mọi người. Nói cách khác, lời nói và cách giải quyết vấn đề của Chúa Giêsu đã khiến cho mọi thứ mặt nạ che giấu gương mặt tâm hồn bệnh hoạn, phong cùi của mỗi người hiện diện rơi xuống đất cùng với viên đá trong tay họ. Chúa Giêsu muốn dạy cho chúng ta biết rằng, chỉ khi nào chúng ta ý thức được tội lỗi yếu hèn của chính mình, chúng ta mới có thể bắt đầu sống trong sạch, vì không còn phải đeo mặt nạ, để đóng kịch, để bênh vực vai trò của chúng ta để khỏi mất mặt nữa. Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta hãy biết có một cái nhìn mới để hiểu rằng, một tâm hồn dầu có tội lỗi và xấu xa đến đâu đi nữa, cũng vẫn còn một góc nhỏ xíu tinh tuyền, sẵn sàng rộng mở cho những người biết thương mến họ, và con đường duy nhất giúp tiến vào đó là con đường của lòng kính trọng, cảm thông, chấp nhận và yêu thương.
Đó là phương thế duy nhất giúp con người biến đổi từ bên trong, để bắt đầu một cuộc xuất hành mới ra khỏi tình trạng sống tội lỗi và tiến bước trên con đường công chính, thánh thiện. Cuộc xuất hành mới ấy cũng được tiên tri Isaia nói đến trong chương 43, tình yêu thương mà Thiên Chúa dành để cho dân Israel là tình yêu thương giải phóng khỏi kiếp nô lệ, tôi đòi, đày ải, buồn thương.
Trong lịch sử cứu độ, nước và sa mạc có ý nghĩa đặc biệt. Nước biểu hiệu cho chướng ngại cản bước xuất hành của dân Do Thái, biểu tượng cho mọi sức mạnh chống đối với Thiên Chúa và với con người. Còn sa mạc khô cằn không cây cối, không nước uống, biểu tượng cho sự chết. Nhưng cũng như xưa kia trong lần xuất hành thứ nhất khỏi Ai Cập, Thiên Chúa dùng bàn tay uy quyền của Ngài dẹp nước Biển Đỏ thế nào, thì giờ đây trong lần xuất hành thứ hai khỏi Babylon, Ngài cùng giơ tay dũng mạnh loại bỏ sa mạc như vậy. Nói cách khác, tiên tri Isaia muốn khẳng định với dân Israel rằng, các biến cố lịch sử cho thấy Thiên Chúa chiến thắng mọi chướng ngại, mọi biển sâu, mọi sa mạc mà loài người đã tạo ra với cuộc sống tội lỗi của mình. Nhưng trong lịch sử cứu rỗi, tình yêu thương nhân thứ và chương trình mà Thiên Chúa đã có đối với con người khi tạo dựng lên loài người sẽ chiến thắng sự dữ và tội lỗi.
Chương trình cứu độ đó Thiên Chúa thực hiện trong cuộc đời của từng người trong chúng ta, như thánh Phaolô cho thấy trong thư gởi tín hữu Philipphê, nhắc lại ơn đời đời mà Chúa Giêsu Kitô Phụcsinh đã trao ban cho thánh nhân trong cuộc gặp gỡ trên đường đến thành Đamas xưa kia. Thánh Phaolô nhấn mạnh rằng: Lòng tin mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta phải giúp chúng ta sống theo một tâm thức mới, với một cái nhìn mới. Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng của Ngài phải trở thành trung tâm điểm và là điểm qui chiếu duy nhất, hướng dẫn kiểu cách sống và hành xử của chúng ta. Tâm thức mới ấy phát xuất từ cuộc cách mạng mà lòng tin vào Chúa Giêsu khơi dậy trong tâm lòng chúng ta, nó giúp chúng ta đảo lộn bậc thang giá trị cuộc sống và biết đánh giá mọi sự dưới ánh sáng Tin Mừng mà thánh Phaolô khuyên nhủ chúng ta noi gương Ngài. Cố gắng chạy, nghĩa là sống tâm thức mới ấy trong tươi vui, không nghi ngờ tình yêu của Chúa Giêsu và lời Ngài, không hối hận vì đã từ bỏ cuộc sống và kiểu cách suy tư cũ, không chấp nhận dàn xếp lắt léo với sự dữ và đi ngược lại giáo huấn Tin Mừng của Chúa.
33.Phiên tòa của Lòng Thương xót
(Suy niệm của Lm. GB. Trần Văn Hào)
Ông Nietzche, một triết gia vô thần đã từng ngạo mạn tuyên bố: “Thiên Chúa đã chết rồi”. Trong xã hội hiện nay, nhiều người ngay cả những kẻ mang danh Kitô hữu cũng đang dần khai tử Thiên Chúa bằng chính cuộc sống vô thần trong thực hành của họ. Chính lối sống mang sắc thái duy vật như thế sẽ làm mất đi cảm thức về tội lỗi. Nhiều bạn trẻ buông mình vào một lối sống hưởng thụ, sơ cứng lương tâm và đang dần đào thải Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống mình. Ông Nietzche còn khuyên lớp thanh niên:“ Các bạn đừng tin có tội lỗi, các bạn hãy mạnh dạn tống khứ ý niệm tội lỗi ra khỏi đầu óc của các bạn”.
Nhưng chúng ta hãy lắng nghe sứ điệp trọng tâm mà các bài đọc trong phụng vụ hôm nay gợi nhắc để nhớ rằng tất cả chúng ta đều là tội nhân. Hãy can đảm nhìn thẳng vào nội tâm của lòng mình để khám phá ra biết bao những bẩn thỉu và xấu xa mà chúng ta không thể nào che giấu khi đến trình diện trước mặt Thiên Chúa. Chúng ta đừng vội vã kết án người này người nọ, giống như đám đông vây quanh người phụ nữ. Chúa nói với họ, đồng thời Chúa cũng đang nói với chúng ta hôm nay: “Ai trong các ông vô tội, cứ việc ném đá chị ấy đi”.
Phiên tòa thứ nhất: Xét xử người đàn bà tội lỗi.
Người phụ nữ này bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình. Không biết chị ta phạm tội cách cố ý hay chỉ vì hoàn cảnh bắt buộc phải bán trôn nuôi miệng. Thánh Luca không quan tâm đến điều đó. Thánh ký chỉ mô tả lại phiên tòa như một truyền thống theo tập tục Do thái. Một đám đông bao quanh người phụ nữ, trên tay mỗi người lăm lăm vài cục đá để chờ ném vào tên tội phạm cho hả dạ. Tình cờ, Chúa Giêsu cũng được mời đến tham dự. Có lẽ các đầu mục Do Thái đã mời Chúa đến để thử xem Ngài xử trí ra sao. Họ đặt ra một tình huống rất khó xử. Nếu Chúa Giêsu hành xử theo luật, thì có khác gì họ. Còn nếu không, thì Chúa lại không tôn trọng luật lệ của tiền nhân, thứ luật mà người Pharisiêu rất trọng thị và tuân giữ tỉ mẩn. Nhưng, Chúa Giêsu hoàn toàn thinh lặng. Ngài không nói một lời và lặng lẽ cúi xuống viết trên đất. Dường như động thái của Chúa nhằm nhắc nhở mọi người, hãy nhớ thân phận bụi đất và đầy tội lỗi nơi mình, đừng kết án kẻ khác. Cuối cùng, khi mọi người từ già đến trẻ tuần tự ‘biến’ một cách có trật tự, Chúa mới nhẹ nhàng nói với chị ta: “ Tôi không kết án chị đâu, hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”.
Phiên tòa thứ 2: Tòa án của Philatô
Phiên tòa mà Thánh Luca thuật lại hôm nay khởi dẫn chúng ta đến với phiên tòa thứ 2: tòa án của Philatô. Trong phiên tòa thứ nhất, Chúa được mời thủ vai chánh án, còn nơi phiên tòa thứ 2, Chúa đứng trước vành móng ngựa như một tên tội đồ. Ở phiên tòa đầu tiên, phạm nhân bị bắt quả tang đang phạm tội với nhân chứng vật chứng rõ ràng. Còn nơi phiên tòa sau, Chúa bị điệu đến như một can phạm, cho dù Ngài hoàn toàn vô tội. Trong cả 2 phiên tòa Chúa đều im lặng tuyệt đối. Sự thinh lặng mà Chúa biểu tỏ là một loại hình ngôn ngữ phong phú nhất diễn bày lòng thương xót vô hạn đối với các tội nhân. Đồng thời, đó cũng là sự im lặng trong vâng phục sâu thẳm để Thánh ý Chúa Cha được nên trọn. “Ngài hiền lành như một con chiên bị đem đi xén lông mà không kêu ca mở miệng” (Is 53,7). Con chiên vô tội ấy gánh lấy tội lỗi của cả trần gian và đã bị phân thây, hầu khai mở kỷ nguyên ơn cứu độ. Cả 2 phiên tòa này hoàn toàn tương phản nhau, nhưng có một mẫu số chung. Đó là những phiên tòa bày tỏ lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa đối với con người tội lỗi, là chính chúng ta.
Phiên tòa thứ 3: Tòa cáo giải.
Đây là phiên tòa do chính Đức Giêsu thiết định. Ngài đã tham dự phiên tòa thứ nhất để nói với đám đông: “Ai trong các ông vô tội cứ việc ném đá đi”. Ngài đã bị xét xử cách oan ức trong phiên tòa thứ 2 để đồng phận với con người tội lỗi và mở toang một chân trời mới, đem lại ơn công chính hóa và sự giải án tuyên công cho những tội nhân. Ơn cứu độ ấy được diễn bày cách cụ thể nơi phiên tòa thứ 3 là chính tòa giải tội. Đây là phương thức tuyệt hảo để tái diễn lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong phiên tòa này, chúng ta được mời đến như những phạm nhân, còn chính Chúa Giêsu sẽ đóng vai thẩm phán để xét xử. Phán quyết cuối cùng trong phiên tòa này luôn là sự tha bổng, tha một cách tuyệt đối và vô điều kiện. Việc đền tội được đưa ra không phải là một hình thức đái tội lập công do công sức của con người, nhưng chính là tâm tình hoan vui và cảm tạ vì chúng ta đã được tha thứ. Không phải chúng ta đọc một vài kinh chiếu lệ để ‘đền tội’ theo ý niệm thông thường, nhưng đúng hơn chúng ta dâng lên Thiên Chúa những tâm tình tạ ơn vì tội lỗi chúng ta được xóa sạch do lòng yêu thương và tha thứ vô điều kiện của Ngài.
Nhiều người trong chúng ta từng tham dự các phiên tòa ngoài xã hội. Có những tội rất nặng, nhưng con người dễ luồn lách dựa vào kẽ hở của luật pháp. Hoặc có không ít các vị quan tòa bẩn thỉu đã nhận ăn hối lộ trắng trợn để giảm án hoặc tha bổng cho phạm nhân. Nhưng, cả 3 phiên tòa chúng ta vừa nêu trên không hề có những trò mánh khóe hay bịp bợm giống như vậy. Nơi các phiên tòa ấy đều có sự hiện diện của Đức Giêsu. Dung mạo của Ngài lúc nào cũng phản chiếu lòng thương xót của Chúa Cha. Điều quan trọng nhất, là chúng ta phải nhìn ra thân phận tội lỗi xấu xa nơi mình và tín thác tuyệt đối vào tình yêu tha thứ của Thiên Chúa. Chúng ta đừng vội kết án người khác giống như đám người Do Thái đang toan tính ném đá chị phụ nữ cho đến chết. Chúng ta cũng đừng hèn hạ và nhu nhược như Philatô, đã kết án một con người hoàn toàn vô tội chỉ vì sợ đám đông. Chúng ta vẫn thường đeo nơi mình 2 cái bị, một cái phía trước đựng những lỗi lầm của người khác và cái bị phía sau chất đầy tội lỗi to đùng của chính mình. Chúng ta cứ thích bới tìm nơi cái bị trước mặt để bới móc tha nhân và ít khi chịu ngoái cổ lại phía sau để lục soát những tội lỗi tầy đình của chính chúng ta. Chúng ta nhớ lại lời nhắc nhở của Thánh Giacôbê tông đồ: “Chỉ có một Đấng ra lề luật vàxét xử, đó là Đấng có quyền cứu thoát và tiêu diệt. Còn bạn là ai mà dám xét đoán tha nhân (Gia 4,12).
Kết luận.
Mỗi lần tham dự thánh lễ, việc đầu tiên mà Giáo hội mời gọi mọi người là hãy biểu tỏ tâm thức sám hối. Chúng ta vẫn đấm ngực thình thịch và đọc thật to: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Nhưng, nhiều khi vừa bước chân ra khỏi nhà thờ chúng ta lại vội ‘đấm nhầm’ qua ngực người khác, bằng việc chỉ trích, nói hành nói xấu và kết án anh em. Trong mùa chay, chúng ta hãymạnh dạn lục soát lương tâm, bới tìm những rác rưởi và bẩn thỉu nơi nội tâm của cõi lòng. Có khiêm tốn tín thác tuyệt đối vào Chúa, chúng ta mới hưởng được Lòng Thương xót và ơn tha thứ nơi Ngài.
34.Chúa Nhật 5 Mùa Chay
Anh chị em thân mến.
Một lần đang đi trên đường, bỗng nhiên bầu trời không còn chút ánh nắng, mây đen kéo đến và cơn mưa đổ xuống. Tôi chạy vội vào một ngôi nhà bên đường để trú. Mừng rở vì tìm được nơi trú thân cho đở lạnh. Chủ nhà cũng lịch sự chào khách, nhưng anh ta xin lỗi vì đang bận công việc. Anh ta đang cố gắng làm cho mái nhà của mình bớt nước chảy, vì mái nhà đã quá yếu, những chiếc lá mục nát không còn che kín được mưa nắng cho những người trong nhà. Anh ta tươi cười vui vẽ nói: "Chắc cũng chịu được qua mùa mưa nầy". Cơn mưa nhẹ hạt dần rồi cũng dứt hẵn, tôi cám ơn chủ nhà và tiếp tục trên con đường của mình. Trên đường đi, tôi chợt suy nghĩ: Nếu như chủ nhà nhìn thấy mái lá mục nát, ông không chấp nhận nó mà đem vứt nó đi, thì anh ta sẽ không có gì để che cho cả gia đình trong những lúc mưa nắng thất thường như thế nầy, và tôi cũng không có nơi để trú nhờ. Nhưng anh ta đã cố gắng sữa chữa những chỗ hư, mặc dù không còn tốt lắm, nhưng nó vẫn còn có ích lợi đối với anh, vì anh đã biết cách xử dụng nó.
Chúng ta vừa chứng kiến những người muốn phá đi, không phải chỉ một ngôi nhà vô tri, nhưng một ngôi nhà có cảm giác và có cả một linh hồn bất tử do Thiên Chúa tạo dựng. Chẵng những họ muốn phá bỏ, nhưng còn dùng nó như một phương tiện để hại người khác. Họ mừng rở đem người đàn bà đến trước mặt Chúa Giêsu, họ hớn hở nói rằng:"Theo luật Môisen thì ném đá, còn Thầy, Thầy dạy sao?" Họ vui mừng, nôn nóng. Chúa Giêsu bình thản như không có gì xảy ra. Họ chờ đợi, hối thúc, nên Ngài trả lời." Ai trong các ngươi vô tội, thì lấy đá ném trước đi". Họ đã bỏ đi hết. Chúa Giêsu đã chữa lành một ngôi nhà dột nát mà bao nhiêu người muốn bỏ đi." Tôi không lên án chị đâu, chị hãy về và đừng phạm tội nữa". Ngôi nhà vẫn còn có thể hữu dụng nếu biết cách dùng nó.
Còn những người tố cáo, họ cũng còn một chút lương tâm ngay chính, cũng còn được một chút lòng thành, họ vẫn còn biết lắng nghe và nhìn thấy được chính mình, nên họ mới từ từ rút lui mà không phạm thêm sai lầm nữa.
Chúa Giêsu không bao che cho tội ác, nhưng Ngài muốn dùng Tình Yêu để hoán cải, để sữa chữa những gì còn có thể.
Con người thường muốn phá bỏ đi những gì của người khác, còn của chính mình thì không.
Thiên Chúa luôn kiên nhẫn và chờ đợi con người. Thiên Chúa lặng thinh với những sai phạm của chúng ta, không phải Ngài không nhìn thấy, nhưng chờ đợi để chúng ta quay về. Chúng ta cũng như những người Do Thái khi xưa. Mãi vội nôn nóng kết án người khác, muốn phá bỏ đi những gì chúng ta cho là không đúng, vì nó không hạp với ý muốn của mình. Đó là những lần chúng ta giận dữ vì quyền lợi bị xăm phạm. Những lần chúng ta nói xấu người khác, phê bình chỉ trích, không phải vì người ta xấu, nhưng vì họ dám nói lên sự thật, dám chỉ vào những sai lỗi của chúng ta. Cũng có những lúc chúng ta không từ một thủ đoạn nào, miễn sao chúng ta có thể hại được người mà mình không thích.
Những lúc đó, chúng ta có lắng nghe được tiếng chúa nói: "Nếu ngươi vô tội "; Chúng ta có còn được chút liêm sĩ như những người Do Thái khi xưa, nhìn thấy được tội lỗi của mình để biết rút lui khỏi sự ác, mở cho người khác một con đường sống. Hay chúng ta đã trở nên quá tệ, không còn biết lắng nghe, không còn nhìn thấy đâu là đúng, đâu là sai, thì làm sao có thể quay trở lại được. Như vậy, lương tâm của chúng ta, nó có còn nhạy bén, hay nó đã chay lì khô cứng. Nếu như thế, Thiên chúa có thể nói với chúng ta như nói với người đàn bà tội lỗi khi xưa được không? " Ta không lên án con đâu, con hãy về và đừng phạm tội nữa".
Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa ban ơn cho mỗi người biết lắng nghe Lời Chúa, để có được một tâm hồn quảng đại, biết yêu thương và tha thứ như Chúa đã YÊU THƯƠNG và THA THỨ cho chúng ta.
35.Suy niệm của Radio Veritas Asia
THIÊN CHÚA BÊNH VỰC NGƯỜI YẾU ĐUỐI VÀ PHÂN TRẦN SỰ BẤT CÔNG
(Trích trong ‘Suy Niệm Lời Chúa’)
Theo luật người Do Thái như được trình bày trong sách Lêvi 2,10 thì bất cứ ai phạm tội ngoại tình với một người phụ nữ đã có chồng và bất cứ ai phạm tội ngoại tình với vợ của người khác, thì cả người đàn bà ngoại tình và người đàn ông đó đều bị tử hình. Tuy nhiên về sau trong chiều hướng kỳ thị phụ nữ, người ta bóp méo luật pháp và chỉ ném đá trước người đàn bà ngoại tình, còn người nam ngoại tình thì không bị hình phạt nào cả hoặc chỉ bị phạt một số tiền tượng trưng.
Cử chỉ của Chúa Giêsu trong trường hợp Phúc Âm trên đây gọi là cách mạng đối với tâm thức xã hội và luật pháp thời đó. Ngài bênh vực người yếu và phân trần sự bất công của người phụ nữ phải chịu, cũng như thái độ giả hình của những kẻ muốn trừng phạt người phụ nữ tội lỗi. Trong chiều hướng đó, đoạn Phúc Âm này vẫn giữ được tính cách đặc biệt thời sự ngày nay.
Cũng vì thế, trong Tông thư "Mullieris dignitatem" (Về phẩm giá người phụ nữ), công bố nhân dịp năm Thánh Mẫu năm 1988, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã dành chương V để chú giải về đoạn Phúc Âm này. Sau khi nhắc đến thái độ kỳ thị nữ giới như một hậu quả của tội nguyên tổ, Đức Thánh Cha ghi nhận rằng, theo tường thuật Phúc Âm, Chúa Giêsu đã khơi dậy nơi tâm hồn của những kẻ muốn ném đá người phụ nữ ngoại tình, ý thức về chính tội lỗi của họ. Qua đó Chúa Giêsu cho thấy Ngài muốn đánh mạnh vào lương tâm và các hành động của con người, đồng thời dường như Ngài muốn nói với những người tố cáo rằng: Phụ nữ này với tất cả tội lỗi của nàng, đã chẳng cho thấy những vi phạm của chính các ông, những bất công nam giới và những lạm dụng của các ông hay sao? Đức Thánh Cha viết: "Đây là một sự thật có giá trị cho tất cả mọi người. Câu chuyện mà Phúc Âm theo thánh Gioan đã kể lại: người đàn bị bỏ một mình, bị phơi bày trước dư luận quần chúng với tội lỗi của nàng. Nhưng sau tội lỗi của riêng nàng, còn có người đàn ông tội lỗi nữa đồng chịu trách nhiệm về tội lỗi đó. Vậy mà tội lỗi của người đàn ông thì không lôi kéo chú ý. Được trôi qua trong im lặng như thế, người đàn ông không có trách nhiệm gì về tội lỗi ngoại tình ấy. Đôi khi người đàn ông còn nhắm mắt trước tội lỗi của chính mình và đã trở thành người tố cáo người khác như Phúc Âm kể lại. Có biết bao lần người nữ đã phải trả giá cho tội lỗi mình như thế và phải đền tội một mình, mặc dầu tội cả hai người phạm chung. Biết bao nhiêu lần người phụ nữ bị bỏ rơi với bào thai trong bụng, vì người cha của thai nhi không muốn chấp nhận trách nhiệm làm cha của mình. Và bên cạnh nhiều bà mẹ độc thân trong xã hội ngày nay, chúng ta còn phải nhớ tới số phận phụ nữ bị trục xuất bào thai của mình rất nhiều, khi vì những áp lực khác nhau kể cả áp lực của người đàn ông tội lỗi tác giả bào thai đó. Dư luận quần chúng ngày nay tìm nhiều cách để xóa bỏ cách thức xấu xa của cuộc phá thai đó, nhưng nhiều khi lương tâm người phụ nữ không thể quên rằng mình đã tước đoạt sự sống của đứa con mình".
Trong phần kế tiếp, Đức Thánh Cha nhấn mạnh sự bình đẳng của nam giới và nữ giới, theo ý định nguyên thủy của Thiên Chúa, khi tạo dựng loài người và Ngài kết luận rằng: "Mọi người nam phải nhìn nhận người nữ như một người chị em của mình và không bao giờ được coi người nữ như đối tượng cho mình thỏa mãn và khai thác hoặc như đối tượng của tội ngoại tình trong tâm hồn của mình hay qua hành động bên ngoài".
36.Dốc quyết từ bỏ tội lỗi, canh tân đời sống
(Trích trong ‘Suy Niệm Lời Chúa’ – Radio Veritas Asia)
Cách đây khá lâu, tình cờ tôi đã đọc được một mẩu tin từ hãng tin quốc tế AFP phổ biến một sự việc xảy ra bên Trung Quốc. Và hãng tin quốc tế này lấy tin từ tờ nhật báo Trung Quốc, nói rằng chính phủ mới ra lệnh tử hình cho một người cha vì đã can tội giết đứa con gái của mình mới ba tuổi. Và lý do, vì ông ta muốn có con trai.
Theo luật của Nhà Nước Trung Quốc được thiết lập từ năm 1978, thì mỗi gia đình chỉ được phép có một đứa con mà thôi. Vì thế người cha này là một công chức của nhà nước làm việc trong ngành lâm sản, đã giết đứa con gái của mình mới lên ba tuổi để hy vọng sau đó có thể có được một đứa con trai. Việc làm sát nhân này đã bị tòa án Nhà Nước kết án tử hình vào tháng 11 năm 1988, và hôm mùng 10 tháng 3 năm 1989 thì bản án được thi hành.
Đọc qua bản tin vừa kể, tôi không khỏi bồi hồi xúc động và thấy đây là một thảm trạng gia đình có thể xảy ra bất cứ nơi nào khác trên thế giới này. Thử hỏi ai là người có trách nhiệm trong thảm trạng này? Dĩ nhiên người cha đã vô tâm giết chết đứa con gái mới lên ba. Nhưng thử hỏi, còn ai khác có trách nhiệm khiến cho người cha đã nhẫn tâm hành động như vậy không? Những kẻ có trách nhiệm ca tụng xã hội cho phép phá thai, phải chăng họ không đáng tội chết hơn người cha đã giết đứa con gái của mình mới lên ba tuổi hay sao? Tại sao họ lên án những kẻ khác mà quên lên án chính mình? Phải chăng đây là một thái độ sống giả hình. Thái độ sống giả hình của thời đại mới chúng ta hôm nay không khác gì với thái độ giả hình của những người biệt phái vào thời Chúa Giêsu.
Phúc Âm hôm nay kể lại cho chúng ta: những người biệt phái có quyền thế trong dân Do Thái, họ là những kẻ nắm giữ luật lệ hay đặt thêm những luật lệ cho dân Do Thái, đã gắt gao lên án một người phụ nữ bị bắt phạm tội ngoại tình và muốn Chúa Giêsu cũng lên án theo. Điểm trớ trêu là chính những người biệt phái này cũng là những kẻ tội lỗi, nhưng họ không kết án chính mình trước mà đi kết án kẻ khác.
Thái độ của Chúa Giêsu mở ra một viễn tượng mới đó là sự tha thứ. Thiên Chúa tha thứ cho con người tội lỗi nhưng đồng thời cũng muốn cho con người tội lỗi đừng lạm dụng lòng nhân từ của Ngài, nhưng hãy dốc quyết từ bỏ tội lỗi, canh tân đời sống: "Ta không kết án con". Đó là lời Chúa Giêsu nói với người phụ nữ phạm tội ngoại tình. "Nhưng từ nay đừng phạm tội nữa". Mỗi người Kitô chúng ta, đồ đệ của Chúa Giêsu đều ý thức về thân phận yếu đuối tội lỗi của mình, dốc quyết canh tân đời sống và noi gương Chúa mà tha thứ cho những lầm lỗi của anh chị em, như chính Chúa đã nêu gương. Chúng ta hãy xét lại thái độ sống của mình đối với anh chị em xung quanh, đừng kết án anh chị em nhưng hãy tha thứ, hãy nâng đỡ anh chị em trở về với Chúa. Hơn nữa mỗi người Kitô chúng ta cần được mời gọi cầu nguyện, cầu nguyện cho người tội lỗi được ơn ăn năn trở lại.
Các vị thánh trong mọi thời đại đã thực hiện điều này. Cầu nguyện cho chính mình và cầu nguyện cho anh chị em xung quanh được ơn ăn năn trở lại, đừng làm phiền lòng Chúa, đừng phạm tội nữa. Cầu nguyện với những hy sinh, cầu nguyện với những đánh tội, hãm mình.
Và trong bài đọc thứ hai hôm nay mà chúng ta vừa nghe qua, trích thơ của thánh Phaolô cũng đề ra cho chúng ta một bí quyết, có thể nói được là bổ túc cho những gì chúng ta mới vừa nói, đó là sống kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô, và kể từ nay ngài không nhìn về quá khứ tội lỗi của ngài cũng như của những kẻ khác nhưng hãy nhìn tới tương lai. "Chính tôi chưa tin rằng tôi đã chiếm được Ngài. Nhưng tôi đinh ninh một điều là quên hẳng đằng sau, quên đi quá khứ tội lỗi của mình mà hướng về phía trước hướng về tương lai. Tôi cứ nhắm đích đuổi theo để được đoạt giải ơn kêu gọi của Thiên Chúa đã ban cho từ trời cao trong Đức Giâsu". Đó cũng là mẫu gương cho tất cả mọi người chúng ta, quên đi quá khứ tội lỗi của mình, quên đi quá khứ tội lỗi của anh chị em xung quanh. Để rồi cố gắng tiến lên mãi đạt đến lý tưởng mà Chúa đề ra cho mỗi người chúng ta và sống kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô. "Vì Chúa tôi đành chịu thua thiệt mà coi mọi sự như phân bón để được lợi Đức Kitô và được ở trong Người".
Xin Chúa gìn giữ mỗi người chúng ta được luôn luôn sống kết hiệp với Chúa, và từ nay không nhìn về quá khứ của mình nữa nhưng nhìn đến tương lai, để có những dốc quyết mới canh tân đời sống của mình, từ bỏ những tội lỗi, để giữ vững niềm tin mà chúng ta đã lãnh nhận.
37.Hãy về và đừng phạm tội nữa – R. Veritas
(Trích trong ‘Suy Niệm Lời Chúa’)
"Tin Mừng sự sống". Đó là tựa đề một thông điệp của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II được ký ban hành ngày 25 tháng 3 năm 1995.
Như chính Đức Thánh Cha đã giải thích, đây là một bài suy niệm của ngài về sự sống. Đứng trước nền văn hóa chết chóc đang lan tràn trên thế giới ngày nay, bên cạnh những tiến bộ vượt bực về khoa học kỹ thuật và ý thức mỗi ngày một gia tăng về nhân quyền, về bình đẳng, về liên đới huynh đệ... Nhân loại ngày nay lại đang đứng trước một đe dọa khủng khiếp nhất, đó là đe dọa của sự tự hủy. Mối đe dọa ấy có lẽ không đến từ chiến tranh, từ khoa học, vũ khí hạt nhân mà chính là từ sự đánh mất ý thức, về sự thánh thiêng của sự sống con người.
Một cách cụ thể chúng ta hãy nghĩ đến nạn phá thai và làm cho chết một cách êm dịu đang lan tràn trong thế giới ngày nay. Hai hành động giết người này đã được luật pháp của không biết bao nhiêu quốc gia nhìn nhận và hợp thức hóa. Cái mâu thuẫn lớn nhất của nhân loại ngày nay chính là, trong khi mạng sống của thú vật càng ngày càng được đề cao thì sự sống của những thai nhi và những người vô phương tự vệ lại càng ngày càng bị khinh rẻ. Điều khủng khiếp nhất chính là những hành động tội ác ấy lại được hợp thức hóa. Hành động xúc phạm đến mạng sống con người được đưa vào pháp luật. Từ nay nhân danh luật pháp do chính mình làm ra, con người tự cho mình có quyền sinh sát trên người khác. Con người dựa vào luật pháp do chính mình làm ra để chối bỏ lẫn nhau, đó là thảm trạng của nhân loại ngày nay.
"Tin Mừng sự sống". Chọn lấy đề tài này cho thông điệp của ngài, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II hẳn muốn ban cho con người thời đại Tin Mừng của chính Chúa Giêsu. Tin Mừng mà Chúa Giêsu mang lại cho nhân loại là Tin Mừng của sự sống, Tin Mừng ấy được cụ thể hóa qua sự tiếp cận thiết thân của Thiên Chúa làm người, với các trẻ thơ, với những người tàn tật bệnh hoạn, với những cô gái điếm, với những người thu thuế tội lỗi, với những người bị xã hội đẩy ra bên lề. Tin Mừng mà Giáo Hội muốn cho chúng ta lắng nghe hôm nay là một trong những trang cảm động nhất của Tin Mừng sự sống ấy.
Đối với thái độ đầy sát khí của đám đông nhất là của các luật sĩ và biệt phái, Chúa Giêsu đáp lại bằng thái độ của thinh lặng, cảm thông và tha thứ. Đám đông các luật sĩ và biệt phái nhân danh luật pháp để xử lý người đàn bà bị bắt quả tang phạm tôi ngoại tình, còn Chúa Giêsu lại kêu gọi tình thương. Đám đông các luật sĩ và biệt phái đặt mình vào ghế thẩm phán để xét xử người đàn bà ngoại tình, Chúa Giêsu lại đặt chính họ vào hàng bị cáo. Đám đông các luật sĩ và biệt phái xây dựng quan hệ giữa người với người trên luật pháp, còn Chúa Giêsu thì nói với họ rằng, tương quan với tha nhân sẽ được xây dựng trên sự cảm thông, lòng tha thứ, tình yêu thương. Và để có thể xây dựng được mối quan hệ yêu thương ấy, thì trước tiên con người phải cảm nhận được chính tình yêu của Thiên Chúa.
Những giây phút thinh lặng khi Chúa Giêsu cúi mình viết trên cát là lúc để cho mỗi người trong cái đám đông hung hãn ấy nhìn sâu vào tận đáy thẳm tâm hồn của mình. Ở đó con người sẽ nhận ra thân phận tội lỗi xấu xa của mình và đồng thời cảm nhận được tình yêu tha thứ của Chúa.
Đám đông đã từ từ kéo nhau về sau khi đã nhìn sâu vào trong tâm hồn tội lỗi yếu hèn của mình. Họ ra về chắc chắn với một ý thức mới, không phải ý thức về sức mạnh của luật pháp do con người làm ra, mà về chính thân phận tội lỗi của mình. Ít nhất đó cũng là bước đầu của sự sám hối. Riêng người đàn bà cũng ra về, nhưng ra về với lời vỗ về yêu thương, tha thứ và cổ vũ của Chúa Giêsu: "Con hãy về và đừng phạm tội nữa". Đó cũng là lời vỗ về mà Chúa Giêsu đang nói với mỗi người chúng ta. Đó là Tin Mừng của sự sống.
Người đàn bà đang đứng bên bờ vực thẳm của chết chóc và thất vọng, đã được Chúa Giêsu kéo lên và ban cho một sức sống mới, một niềm hy vọng mới. "Con hãy về và đừng phạm tội nữa". Lời Tin Mừng sự sống này cần phải được chúng ta cảm nhận như một lời sai đi, cảm nhận được tình yêu tha thứ của Chúa. Chúng ta được sai đi để loan báo, làm chứng và chia sẻ tình yêu ấy với mọi người. Chúa đã ban cho chúng ta một cơ may để bắt đầu lại, chúng ta cũng được mời gọi để cảm thông, để tha thứ không ngừng và mang lại một cơ may mới cho người khác. Có sống như thế, chúng ta mới thật sự góp phần vào việc kiến tạo nền văn minh của tình thương, một nền văn minh không phải chỉ dựa vào khoa học kỹ thuật hay luật pháp của con người, mà được xây dựng trên tình yêu và lòng tha thứ.
38.Bắt đầu lại cuộc sống mới trong ân sủng
(Trích trong ‘Suy Niệm Lời Chúa’ – Radio Veritas Asia)
Phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta hãy dứt khoát giở qua trang lịch sử đời mình, quên đi những ngày đã qua của tội lỗi, của âu sầu, của đau khổ, của bất hạnh. Bắt đầu lại cuộc sống mới trong ân sủng, trong tình yêu của Chúa, thể hiện qua đời sống vui tươi và an bình.
Trong bài đọc thứ nhất, tiên tri Isaia loan báo cho dân Chúa thời lưu đày ở Babylon sắp chấm dứt. Ngài nhắc lại cho họ thấy trong quá khứ, Chúa đã thương họ, đã cứu họ ra khỏi Ai Cập bằng cuộc vượt qua Biển Đỏ lạ lùng. Dầu hành động uy hùng đó đã xảy ra, nhưng Chúa phán: "Các ngươi đừng nhớ đến dĩ vãng và đừng để ý tới việc thời xa xưa nữa. Đây Ta sẽ làm những cái mới và giờ đây chúng sẽ xuất hiện". Những cái mới đó là mở đường trong hoang địa, đồng hoang khô cằn trở thành vùng đất phì nhiêu mầu mỡ, có đường đi lại tấp nập, có sông thấm nhuần tươi mát. Và với tư cách là tiên tri, Isaia cũng loan báo tất cả những sự cứu thoát kia vẫn chưa lạ lùng bằng sự cứu thoát khỏi làm nô lệ tội lỗi, trở thành con cái Chúa.
Vậy hãy quên đi quá khứ vì Chúa đang làm những việc mới lạ phi thường, không biến cố, không sự kiện nào so sánh được. Từ cõi lòng tội lỗi chai đá, khô khan của con người, ơn Chúa như dòng sông tươi mát tình yêu, Chúa mở lối đi vào để xâm nhập, để hoán cải. Còn gì lạ lùng bằng và bỡ ngỡ bằng những việc kỳ diệu đó của Thiên Chúa, đến nỗi con người chỉ còn biết thốt lên với thánh vịnh 125 dùng làm đáp ca: "Chúa đã đối xử đại lượng với tôi, nên tôi mừng rỡ hân hoan".
Nơi bài đọc thứ hai, thánh Phaolô tâm sự cùng các tín hữu thành Philipphê rằng: Từ khi biết được Chúa Giêsu Kitô người coi mọi sự ở đời này không còn giá trị đích thực gì cả, nhưng giá trị đích thực của đời sống chính là làm sao được ở trong Chúa Kitô và sinh lợi ích cho đời sống ân sủng. Thánh Phaolô còn dạy chân lý đó một cách thật rõ ràng và cụ thể. Đó là dầu những ngày còn sống trên trần gian chúng ta đã sống trong Chúa, nhưng không phải là đã đạt đến mục đích đuổi theo để chiếm lấy, và ngài so sánh công việc tiến đến cùng Thiên Chúa đó như một cuộc chạy đua nước rút. Đừng bao giờ nhìn lại phía sau, hãy quên đi từng khoảng đường bước chân mình đang bỏ lại, chỉ biết hướng về phía trước mắt, đăm đăm nhìn về mục đích, vận dụng cả sức lực từng bắp thịt, từng hơi thở để băng mình tiến tới, để đạt được mục đích Chúa hứa ban từ trời cao. Dưới nét họa của Phaolô, chúng ta thấy mỗi tín hữu là một lực sĩ đang tham dự cuộc chạy đua, nhưng khác ở điểm là phần thưởng không phải chỉ dành riêng cho người đến trước mà cho tất cả những người trung thành bền chí chạy theo đến cùng. Đến trước đến sau không thành vấn đề, miễn đừng bỏ, cũng đừng thất vọng ngã lòng là được, là chắc chắn rồi sẽ đến nơi. Tóm lại thánh Phaolô dặn: Có được đức tin là chúng ta dang chạy đúng đường. Muốn đến nơi đừng bận tâm đến dĩ vảng, hãy hướng mắt về tương lai nhắm đến mục đích và kiên tâm tiến bước.
Trong bài Phúc Âm, ý tưởng từ bỏ quên đi dĩ vãng đau buồn, tội lỗi bắt đầu lại cuộc sống mới được chỉ dạy thật một cách rõ ràng với câu Chúa Giêsu nói với người đàn bà phạm tội ngoại tình bị dân chúng định ném đá. "Ta không kết tội chị, vậy hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa". Thật là một sự sống lại trong đời sống thứ hai của người đàn bà tội lỗi đó. Không phải sống lại vì những người muốn ném đá bà còn có lương tri là nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi không dám cầm viên đá để ném vào đầu bà, nhưng sống lại vì sự tha thứ của Đấng Cứu Thế và lời dặn: "Từ nay đừng phạm tội nữa". Chắc chắn người đàn bà đó sẽ không phạm tội nữa, sẽ ăn năn sám hối không phải vì được tha chết, nhưng vì được chính Đấng Cứu Thế tha tội "Ta tha tội cho chị, vậy chị hãy về bình an và từ nay nhớ đừng phạm tội nữa". Dĩ vảng đau buồn tối tăm tội lỗi kia ra sao? Đừng nhìn lại nữa, đừng bận tâm nữa, đừng lo âu nữa. Từ nay hãy sống đời sống mới trong ân sủng, trong tình yêu, trong an bình, trong hạnh phúc, trong niềm vui Nước Trời. Tất cả những ân lành đó chỉ những ai dứt khoát được với dĩ vảng tội lỗi, trở về sống với Chúa mới cảm nghiệm được. Hạnh phúc thiên đàng không phải chỉ được hưởng ở đời sau nhưng ngay cả ở đời này khi con người biết sống và nếm thử. "Lạy Chúa, Chúa là ánh sáng thế gian, xin cho con bước theo Chúa để được hưởng ánh sáng ban sự sống".
Để có việc làm cụ thể trong tuần, tôi sẽ chuẩn bị tâm hồn mừng lễ Phục sinh bằng cách tưởng tượng rằng: đời tôi là một trang giấy, những ngày qua tôi đã tự tay viết đủ thứ vào đó. Hôm nay nhìn lại thấy đủ thứ lem luốc bẩn thỉu, tôi hãy giở qua trang và một trang giấy mới trắng tinh sạch sẽ đang trải ra trước mắt tôi. Tôi hãy ngước nhìn lên Chúa, xin Người cầm tay tôi, soi sáng cho tôi, chỉ dẫn cho tôi để viết lên đó những dòng vàng son tươi đẹp làm vui lòng Chúa, làm hài lòng những người cùng chung sống với tôi.
39.Thẩm phán siêu phàm
(Suy niệm của Alphonse Marie Trần Bình An)
Cuối năm 1894, đại úy quân đội Pháp Alfred Dreyfus, cựu sinh viên Trường Bách Khoa Paris, một người gốc Alsace Do Thái giáo, bị buộc tội đã để lộ cho người Đức một số tài liệu bí mật, bị kết án tù khổ sai chung thân về tội phản quốc và đày đi Đảo Quỷ thuộc Guyane. Vào lúc đó, các quan điểm của giới chính trị Pháp là hoàn toàn ác cảm với Dreyfus. Một ít người không tán đồng bản án, trước hết là người anh trai Mathieu, rồi đến gia đình Dreyfus, đã cố gắng chứng minh sự vô tội của ông, sau được hưởng ứng bởi nhà báo Bernard Lazare. Đồng thời, trung tá Georges Picquart, người chỉ đạo vụ phản gián, khẳng định vào tháng 3 năm 1896 rằng kẻ phản bội thực sự phải là thiếu tá Ferdinand Walsin Esterházy. Tuy nhiên, bộ tham mưu từ chối xem xét lại quyết định của mình và thuyên chuyển Picquart tới Bắc Phi.
Để thu hút sự chú ý về sự yếu ớt trong các bằng chứng chống lại Dreyfus, tháng 7 năm 1897 gia đình ông đã liên hệ với chủ tịch danh dự của Thượng viện Auguste Scheurer-Kestner, người đã thông cáo, sau đó ba tháng, ông đã chịu thuyết phục rằng Dreyfus vô tội, và cũng đã đồng thời thuyết phục Georges Clemenceau , một cựu nghị viên và nhà báo. Cùng tháng đó, Mathieu Dreyfus khiếu nại chống Walsin-Esterházy lên Bộ Chiến tranh. Khi phạm vi những người ủng hộ Dreyfus bắt đầu mở rộng, hai sự kiện xảy ra vào tháng Giêng năm 1898 làm cho vụ việc trở nên có quy mô quốc gia: Esterházy được tha bổng, dưới sự ủng hộ của những người bảo thủ và những người dân tộc chủ nghĩa; và Émile Zola đăng bài “Tôi buộc tội…!”(J'Accuse...!) biện hộ cho phe ủng hộ Dreyfus (dreyfusard) đã lôi kéo được rất nhiều nhà trí thức. Một quá trình chia cắt nước Pháp bắt đầu, điều còn kéo dài cho đến hết thế kỷ. Các cuộc bạo độngbài Do Thái bùng phát ở trên 20 thành phố nước Pháp, và người ta ghi nhận nhiều người đã thiệt mạng ở tỉnh Alger. Nền Cộng hòa bị chấn động, một số người thậm chí tin rằng nó đang lâm nguy và nỗ lực tìm cách chấm dứt vụ Dreyfus để vãn hồi sự ổn định.
Bất chấp mưu mô của quân đội muốn làm sự việc chìm xuống, bản án kết tội Dreyfus đầu tiên bị hủy bỏ bởi Tòa Thượng thẩm sau một cuộc điều tra kỹ lưỡng và một tòa án binh mới được thành lập ở Rennes năm 1899. Trái với mọi mong đợi, Dreyfus bị kết án một lần nữa, mười năm lao động khổ sai, dù sao, với những tình tiết giảm nhẹ. Kiệt sức với đợt đi đày 4 năm trời, Dreyfus đã chấp nhận lệnh đặc xá của Tổng thống Émile Loubet .
Phải đến năm 1906 sự vô tội của ông mới được thừa nhận chính thức thông qua một án quyết không chiếu xét của Tối cao Pháp viện. Được phục hồi danh dự, đại úy Dreyfus trở lại quân ngũ với quân hàm thiếu tá và tham gia vào Thế chiến I. Ông mất năm 1935. Những hậu quả của vụ bê bối này là không kể hết và động chạm tới mọi khía cạnh trong đời sống công chúng Pháp: chính trị (nó cống hiến thắng lợi cho nền cộng hòa và trở thành một thứ huyền thoại lập quốc (mythe fondateur) khi làm sống dậy chủ nghĩa dân tộc, quân sự, tôn giáo (nó đã kéo chậm lại cuộc cải cách Công giáo ở Pháp, cũng như sự dung hợp vào nền cộng hòa của những người Công giáo), xã hội, tư pháp, truyền thông, ngoại giao và văn hóa. Chính trong thời kỳ này mà thuật ngữ giới trí thức (intellectuel) đã ra đời. Vụ việc cũng có tác động tới quốc tế với phong trào phục quốc Do Thái thông qua một trong những người sáng lập, Théodore Herzl, và bởi những cảm xúc do những cuộc biểu tình bài Do Thái gây nên trong cộng đồng người Do Thái ở Tây và Trung Âu. (Wikipedia)
Cuộc xét xử đại uý Alfred Dreyfus bị khuynh đảo bởi chính trị, dân tộc và tôn giáo, nên cán cân công lý sai lệch, thay trắng đổi đen. Đến nay vẫn còn tiếp diễn biết bao vụ án oan sai khắp nơi, vì vị thẩm phản thiếu sáng suốt, hoặc bị động do áp lực của nhà cầm quyền, hay phe phái quyền lực nào đó.
Chúa nhật V Mùa Chay hôm nay, Tin Mừng thánh Gioan giới thiệu Đức Giêsu như một thẩm phán siêu phàm. Cương trực, tự chủ, sáng suốt, Người thoát khỏi áp lực quần chúng, sức ép của lãnh đạo tôn giáo, các kinh sư và biệt phái, để xét xử công minh, chính trực và nhân ái. Mặc dù các kinh sư và biệt phái cố tình gài bẫy Người vào cuộc xét xử tiến thoái lưỡng nan, nhưng Người đã khéo léo, dễ dàng hoá giải theo đạo yêu thương của Thiên Chúa. Hơn nữa, Người vốn từ bi, nhân hậu, tràn đầy Lòng Thương Xót.
Tình thương khoan dung
Trước câu hỏi khá sỗ sàng, không cần giấu diếm dã tâm: "Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy,Thầy dạy sao?" Lòng Thương Xót của Đức Giêsu được dịp công khai biểu lộ. “Người cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất.” Không muốn tỏ ra bất bình, phẫn nộ khi nhìn thấy những gương mặt đểu cáng, giả hình, xảo trá, đang hoan hỉ, đắc thắng, cũng chẳng muốn biểu lộ nỗi xót xa người thiếu phụ đang lẩy bẩy, run rẩy, khiếp hãi, hổ thẹn, tủi nhục. Người trầm ngâm cúi đầu, thinh lặng, với tấm lòng rộng rãi chan chứa bao dung, âm thầm thông cảm, nâng đỡ và che chở tội nhân. Người cũng khoan dung, nhẫn nhục buông xả thái độ hằn học, khiêu khích, sinh sự của nguyên cáo.
Không cần thẩm tra thiếu phụ, cũng chẳng vội trả lời các kinh sư biệt phái, đang đốc thúc dồn Người vào cái bẫy quá ư lộ liễu. Người bình thản làm nguội đi những cái đầu cao ngạo, nôn nóng, quá khích của “bên thắng cuộc.” Người im lặng để chia sẻ nỗi đau đớn, nhục nhã, lo sợ, hối cải muộn màng của tội nhân. Người nín thinh, vì xót xa thấu hiểu lòng dạ rắn độc của các kinh sư và biệt phái, đang mượn tội nhân làm bình phong hòng đấu tố Người. Lòng bao dung vĩ đại đã hoá giải tất cả mưu mô ám muội của họ.
Tình thương thức tỉnh
Thay vì đối chất làm cho ra lẽ sự đối xử bất công, phiến diện, thành kiến với phụ nữ phạm tội, tại sao không bắt cả bị cáo nam đồng phạm, tại sao không tố giác với Hội đồng kỳ mục, với thượng tế, hay với công quyền, Người vẫn cúi đầu im lặng cho mọi người cùng noi theo, cúi đầu nhìn xuống, nhìn vào tâm can, nhìn vào tận đáy lòng hoen ố, để chân thành tự kiểm và tự vấn.
"Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi." Biết bao lần chính họ cũng đã lén lút gian dâm, hủ hoá, ngoại tình, mà còn may chưa bị lộ, cùng bao nhiêu lần ham muốn dâm tà mà chưa thành. “Ðồ giả hình, hãy liệu lấy cái xà khỏi mắt ngươi trước đã, đoạn ngươi sẽ trông rõ mà kéo cái dằm khỏi mắt anh em ngươi." (Mt 7, 5)
Đức Giêsu còn gay gắt cảnh báo, không được kết án tha nhân vì hậu quả khôn lường: “Đứng xét đoán, đề khỏi bị đoán xét. Các ngươi xét đoán cách nào thì sẽ bị đoán xét cách ấy, và các ngươi đong bằng đấu nào, thì người ta sẽ đong cho các ngươi bằng đấu ấy.” (Mt 7, 1-2)
Tình thương tha thứ
Đức Giêsu lại cúi đầu, hí hoáy vẽ dưới đất. Bỗng dưng sự lạ nhỡn tiền xảy ra. “Nghe nói thế, họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó.” Các nguyên cáo mới hớn hở, hùng hổ, vênh váo, tự đắc, bất ngờ trở thành bị cáo, cúi đầu hổ thẹn, đành buông rơi hòn đá, lẳng lặng ra về. Bấy giờ Đức Giêsu mới hỏi đến tội nhân: "Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?" Nàng đáp: "Thưa Thầy, không có ai." Đức Giêsu bảo: "Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa."
Các kinh sư và biệt phái đều cực lực, đồng loạt đứng dậy kết án thiếu phụ phạm tội, thì Đức Giêsu khoan dung, ngồi xuống, thinh lặng, bỏ ngoài tai. Họ đòi ném đá chị, thì Đức Giêsu thản nhiên vẽ trên đất cát, coi như vết nhơ tội lỗi sẽ bị xoá nhoà vì tình thương thứ tha. Họ vẫn chưa buông tha chị, thì Đức Giêsu chẳng phản bác, cũng chẳng đồng tình, chỉ kêu gọi họ thức tỉnh, tự vấn lương tâm, yêu cầu ai trong sạch hãy ra tay. Vị Thẩm Phán siêu phàm xét xử công khai, nghiêm minh, đạt lý thấu tình, kết thúc phiên toà hoàn toàn bất ngờ và có hậu. Tội nhân không phải chết, nhưng được tái sinh nhờ vào Lòng Thương Xót vô biên của Chúa.
“Con đau đớn vì thấy nhiều phản bội với Chúa: tốt, nhưng chưa đủ. Phải làm như Mađelêna "được tha nhiều vì đã yêu nhiều"; phải làm như thánh Gioan: trốn bỏ Chúa trong vuờn Giêtsimani, nhưng trở lại đứng bên thánh giá, dốc quyết hằng yêu mến bằng hành động.” (Đường Hy Vọng, số 890)
Lạy Chúa Giêsu, sau bao nhiêu năm bon chen, đua đòi với đời, chúng con cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, đánh mất niềm tin, lương tâm trong sáng, tâm hồn trong sạch, trở nên chai lỳ với tội lỗi. Kính xin Chúa khoan dung thương xót, thức tỉnh chúng con ăn năn, sám hối, để được Chúa thương yêu thứ tha, được bình an và hạnh phúc trở về xum vầy trong nhà Cha Nhân Từ.
Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con khoan dung với mọi người, để được Chúa thương yêu. Xin Mẹ dạy chúng con biết sống khiêm nhường, để nhận thức được bản thân phàm hèn, tội lỗi, yếu đuối mỏng dòn, hầu thông cảm với tha nhân sai phạm, mà nâng đỡ, giúp nhau đổi mới, cùng trông cậy vào Lòng Thương Xót Chúa thứ tha, an ủi và chúc lành. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam