Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 65
Tổng truy cập: 1364835
TÌNH YÊU HY SINH TRAO BAN CHÍNH MÌNH
TÌNH YÊU HY SINH TRAO BAN CHÍNH MÌNH
(Suy niệm của Lm. Giuse Đỗ Đức Trí)
Kính thưa quý OBACE, dù theo truyền thống văn hóa nào, người ta cũng đều cảm thấy máu của con người có một giá trị thiêng liêng, là phần quan trọng nhất trong cơ thể con người, và nó còn được coi như biểu tựơng của sự sống của con người; những ngày hiến máu nhân đạo được coi như những ngày hội của lòng nhân ái, nhờ những giọt máu của lòng quảng đại ấy mà nhiều người đã được cứu sống. Cũng vậy đối với người Do Thái, máu là thánh thiêng, là biểu tượng của sự sống và thuộc chủ quyền của Thiên Chúa nên không ai được đụng chạm đến máu, vậy mà trong đêm Thứ Năm Tuần Thánh, tại nhà tiệc ly, Chúa Giêsu đã thực hiện một việc lạ lùng, đó là trao ban cho nhân loại Máu và Thịt, và Ngài còn mời gọi: Anh em hãy cầm lấy mà ăn, hãy nhận lậy mà uống, máu ấy vừa có sức tẩy rửa tội lỗi, đem lại sự sống và làm của ăn của uống và là quà tặng muôn đời cho nhân loại.
Chúng ta thường xúc động khi đọc những câu chuyện về những người cha tận tụy hy sinh một đời cho con cái, có những người mẹ đã ở tuổi 70 mà vẫn phải vất vả sớm hôm lo cho những đứa con bệnh tật, có những người cha người mẹ mỗi tháng âm thầm đi bán những giọt máu của mình để có tiền nuôi con, và thuốc men cho con cái. Mừng lễ Mình và Máu Thánh Chúa hôm nay, chúng ta càng xúc động hơn nữa khi chiêm ngăm tình yêu của Thiên Chúa đã hy sinh đổ máu mình ra để cứu chuộc chúng ta và mời gọi chúng ta xác tín vào Bí Tích Diệu Kỳ này, đồng thời mời gọi chúng ta chiêm ngắm, tôn thờ và đón nhận Mình và Máu Chúa làm lương thực và sức sống cho chúng ta.
Những hình ảnh hy sinh tận tụy của những người cha người mẹ giúp chúng ta dẽ dàng hơn khi suy niệm về tình yêu của một Thiên Chúa yêu thương và hy sinh, kể cả mạng sống cho chúng ta là con cái của Ngài. Đức Giêsu Kitô chính là một vị Thiên Chúa, thế nhưng Ngài không ngự ở trên trời để nhìn xem loài người, nhưng Ngài đã chấp nhận mang lấy thân phận của con người để đến ở với con người và nhất là để có thể yêu thương con người bằng trái tim của một con người. Đó là một Thiên Chúa có tấm lòng chạnh thương trước những nhu cầu và sự đói khổ của nhân loại, Ngài nhìn thấy một nhân loại đang lầm lũi bước đi trong bóng tối của sư chết, Ngài đã đem đến cho họ ánh sánhg của hy vọng và niềm vui của nước trời, Ngài đã chỉ cho họ con đường để đạt đến niềm vui và hạnh phúc đích thực, Ngài còn ra tay cứu chữa những đau khổ thể xác và tâm hồn cho con người. Tin Mừng Maccô còn cho thấy, Chúa Giêsu không chỉ lo lắng cho đời sống thiêng liêng của con người mà Ngài còn chạnh thương cho tình trạng đói nghèo thể xác của họ. Khi thấy đám đông dân chúng đã theo Ngài từ sáng sớm, Ngài không nỡ để họ ra về bụng đói, Ngài đã đề nghị các tông đồ tim kiếm lương thực cho họ, và sau đó Ngài đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi đám đông hơn năm ngàn người ân no.
Qua phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng ăn no đến dư thừa, Chúa Giêsu còn muốn hướng mọi người đến một thứ lương thực cao quý hơn có thể thỏa mãn tất cả những đói nghèo, đau khổ của con người người, mà Chúa Giêsu sẽ ban tặng sau này, đó là việc Ngài đã không chỉ biến bánh ra nhiều mà còn biến bánh trở nên thịt Ngài và biến rượu trở nên máu Ngài làm của ăn của uống nuôi dưỡng nhân loại chúng ta.
Trong thư Corintô, Thánh Phaolô đã thuật lại biến cố long trọng ấy: Trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà nói: Đây là Mình Thày, hiến dâng vì anh em, anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thày. Ngài cũng cầm lấy chén và nói: Đây là Máu Thày, anh em hãy cầm lấy mà uống, anh em hãy làm việc này mà nhớ đên Thày. Việc làm này là một hành động vượt sức tưởng tượng của con người, giống như người cha người mẹ, không hề tiếc với con điều gì, kể cả mạng sống, thì Đức Giêsu cũng yêu thương con người chúng ta như vậy, Ngài trao ban tất cả cho chúng ta, trao ban đến cả mạng sống, chấp nhận trở nên của ăn của uống để có thể ở lại với con người, đi vào trong tâm hồn và nên một với người mình yêu thương.
Bí tích Mình Máu Thánh Chúa, chính là một sáng kiến tuyệt với của tình yêu của Chúa Giêsu, vì yêu, Chúa không muốn lìa xa con người nhưng muốn ở lại, và ở cùng con người để tiếp tục yêu thương và nuôi dưỡng con người cho đến ngày tân thế, Ngài còn chấp nhận lệ thuộc vào các tông đồ khi trao cho các ông quyền: Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thày. Với lệnh truyền này, Chúa Giêsu đã cho các tông đồ lặp lại việc biến bánh và rượu là sản phẩm từ lao công của con người trở thành của lễ dâng lên Thiên Chúa Cha và biến nó trở thành chính thân thể, máu thịt của Chúa Giêsu.
Thưa quý OBACE, mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, chúng ta cảm tạ về Hông Ân Mình và Máu Thánh mà chúa Giêsu đề lại và trao ban cho chúng ta, đồng thời Ngài mời gọi chúng ta đừng ngại ngần, mà hãy siêng năng đến cầm lấy mà ăn, cầm lấy mà uống vì đây chính là lương thực nuôi dưỡng đời sống đức tin của chúng ta, và là chính Thiên Chúa Tình Yêu đang ở với chúng ta để nâng đỡ và bổ sức cho chúng ta trên hành trinh theo Chúa.
Thánh lễ mỗi ngày là nơi mà Giáo Hội thi hành lệnh truyền của Chúa: Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thày, và cũng là lúc Giáo Hội nhân danh Chúa Giêsu để dâng lên Thiên Chúa Cha, chính Mình, Máu và cả con người của Chúa Giêsu đã chịu hiến tế, để xin ơn tha thứ và cứu độ cho nhân loại. Vì vây đến tham dư thánh lễ mỗi ngày, là chúng ta bày tỏ lòng yêu mến biết ơn và vâng phục của chúng ta trước tình yêu hy sinh trao hiến của Chúa Giêsu, đồng thời mỗi người đón nhân tình yêu và sư tha thứ từ nới Thiên Chúa Cha. Không những thế, trong thánh lễ, tùy theo phận vụ và ơn gọi của mình mỗi người đến đây sẽ đem theo mồ hôi nước mắt, hy sinh vất vả trong ngày để cùng đặt lên dĩa thánh dâng lên Thiên Chúa xin Chúa chấp nhận biến thành Máu Thịt của Chúa Giêsu và ban làm của ăn cũng như ơn cứu độ cho bản thân và gia đinh.
Vì thế đừng bao giờ chúng ta nại vào sự vất vả hay bận rộn, mà bỏ qua việc đến với Thánh lễ mỗi ngày, vì ở nơi đây chúng ta được gặp gỡ với Đức Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể, được đón nhận sư nâng đỡ và bổ sức của Ngài, được nuôi dưỡng và an ủi, được thứ tha và được yêu thương vỗ về của Thiên Chúa là Cha và của chính Chúa Giêsu Đấng là Chúa và cũng là bạn hữu là người thân của chúng ta.
Đón nhận Mình Máu Chúa, chúng ta được mời gọi để trở thành của ăn trở thanh tấm bánh cho anh em, chấp nhận hy sinh, chia sẻ và trao tặng cả con người và cuộc đời mình cho gia đình và anh em. Chính anh em hãy cho họ ăn. Đó là lời Chúa muốn nói với chúng ta, dù là bậc cha mẹ hay là con cái, dù là trong gia đình hay với bạn bè, chúng ta đều phải thực hiện lời mời gọi này. Hãy noi gương Chúa Giêsu, chúng ta cũng phải trở thành những con người dám phục vụ anh chi em, dám hy sinh thời giờ sức lực trí tuệ để đem đến niềm vui và hạnh phúc cho anh chị em, dám mở rộng đôi tay và trái tim và để cho trái tim mình biết rung nhịp trước những đau khổ của anh em để cảm thông để an ủi nâng đỡ; hãy cho vợ chồng, con cái không chỉ lương thực cơm bánh mà hãy cho họ tình yêu thương và sự phục vụ của mình.
Lời Chúa hôm nay mời gọi các bạn trẻ hãy siêng năng đón nhận Mình Máu Chúa mỗi ngày, Thánh Thể Chúa sẽ dạy các bạn biết thế nào là một tình yêu thương đích thực, Ngài sẽ cho các bạn nghị lực và niêm vui trong cuộc sống, Ngài sẽ giúp các bạn ra khỏi sư ngại ngần để bước đến với người khác bằng một tâm hồn và trái tim nhiệt thành của tuôi trẻ, để phục vụ để yêu thương. Nhất là đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, Ngài sẽ giúp các bạn chiến thắng được con người ù lỳ lười biếng của mình, vượt qua những lôi cuốn của cám dỗ đam mê dục vọng, và sẽ thánh hóa con người và cả cuộc đời các bạn, và đem đên cho các bạn sự sống đời đời. Amen.
60.Nguồn Sống – Trầm Thiên Thu
Chúa Giêsu đã xác định: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10:10). Thật tuyệt, nhờ Ngài mà chúng ta không chỉ ĐƯỢC SỐNG mà còn SỐNG DỒI DÀO. Chúa Giêsu đã có cách độc nhất vô nhị mà không ai có thể tưởng tượng được, đó là Ngài đã thiết lập Bí tích Thánh Thể trước khi Ngài bị kết án tử. Thánh Thể được hiểu bao gồm Thánh Huyết. Thánh Thể là Phép Lạ của các phép lạ.
Sống thì phải ăn, ăn để có sự sống. Tuy nhiên, lương thực chúng ta ăn hằng ngày không chỉ là lương thực bình thường mà đặc biệt là chính Mình Máu Thánh Chúa Giêsu. Đó là Thần Lương, là Nguồn Sống cho mọi người trên đường lữ hành trần gian.
TỪ GIAO ƯỚC VĨNH CỬU…
Kinh Thánh cho biết rằng ông Menkixêđê là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao, là vua thành Salem, và chính ông mang bánh và rượu ra. Sau đó, ông chúc phúc cho ông Áp-ram: “Xin Thiên Chúa Tối Cao, Đấng dựng nên trời đất, chúc phúc cho Áp-ram! Chúc tụng Thiên Chúa Tối Cao, Đấng đã trao vào tay ông những thù địch của ông!” (St 14:19-20). Về sau, Thiên Chúa thiết lập Giao ước Vĩnh cửu với Áp-ram và xác nhận: “Người ta sẽ không còn gọi tên ngươi là Áp-ram nữa, nhưng là Áp-ra-ham, vì Ta đặt ngươi làm cha của vô số dân tộc” (St 17:5).
Bài đọc I ngắn gọn nhưng có những chi tiết quan trọng. Thứ nhất, thời Cựu ước, BÁNH và RƯỢU được dùng làm lễ vật; thời Tân ước, Chúa Giêsu cũng dùng BÁNH và RƯỢU để thánh hóa thành chính Mình Máu của Ngài. Thứ nhì, có lễ vật thì cần có người dâng, đó là các tư tế, đại diện dân Chúa mà dâng lễ vật lên Thiên Chúa hằng ngày, họ được mệnh danh là những người theo phẩm trật Menkixêđê. Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể, đồng thời Ngài cũng thiết lập chức linh mục. Các linh mục thừa tác tiếp tục công việc tế lễ để Chúa Giêsu hằng ngày hiện diện thật giữa chúng ta, để nhờ Mình Máu Ngài, chúng ta được sống và sống dồi dào qua từng hơi thở. Quả thật, Đại Tôn Sư Giêsu quá tuyệt vời!
Tác giả Thánh Vịnh nói về sấm ngôn của Đức Chúa ngỏ cùng Chúa Thượng: “Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con” (Tv 110:1). Và từ Sion, Đức Chúa sẽ mở rộng quyền vương đế của Ngài: Giữa lòng địch quân, xin Ngài làm bá chủ. Chính Thiên Chúa đã tuyên phán: “Ngày đăng quang con nắm quyền thủ lãnh, vẻ huy hoàng rực rỡ tựa thần linh. Ngay trước lúc hừng đông xuất hiện, tự lòng Cha, Cha đã sinh ra Con” (Tv 110:3). Chúng ta chỉ là cát bụi, hoàn toàn bất xứng, nhưng lại vô cùng hạnh phúc vì được Ngài giao ước. Tuy chỉ một lần thề ước, nhưng là vĩnh viễn, Ngài sẽ chẳng rút lời: “Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Menkixêđê” (Tv 110:4).
Thánh Phaolô nói rõ: “Điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy” (1 Cr 11:23-24). Thánh Phaolô tiếp tục nhắc lại lời Chúa Giêsu: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy” (1 Cr 11:25).
Phép Lạ vĩ đại hằng ngày xảy ra trên bàn thờ, nhưng mắt thường không thể nhìn thấy, cho nên sau lời truyền phép, Giáo hội xác nhận: “Đây là mầu nhiệm đức tin”. Và rồi mọi người cùng tung hô theo lời của Thánh Phaolô đã nói: “Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (1 Cr 11:26). Quả thật, chúng ta phải dùng con-mắt-đức-tin để bù đắp cho con-mắt-trần-tục khi tôn kính Thánh Thể. Những lần hiện ra, Chúa Giêsu và Đức Mẹ vẫn luôn nhắc nhở người ta phải hết lòng tôn sùng và yêu mến Thánh Thể.
…ĐẾN PHÉP LẠ
Chúa Giêsu không bao giờ nói suông, mà rất thực tế, đồng thời cũng để củng cố lòng tin cho mọi người. Một lần nọ, có đám đông dân chúng đi theo Chúa Giêsu. Ngài tiếp đón họ, nói với họ về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được chữa. Khi bóng đêm dần buông xuống, các môn đệ đến bên Thầy Giêsu và thưa: “Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng” (Lc 9:12). Thế nhưng Ngài liền bảo: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Lc 9:13a). Ôi chao, “căng” thật! Rồi các ông đáp: “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này” (Lc 9:13b).
Quả thật có tới chừng năm ngàn đàn ông, chưa kể phụ nữ và trẻ em. Một bữa tiệc nhỏ còn phải chuẩn bị cả tuần trước, dù chỉ vài chục thực khách chứ nói chi vài trăm người. Thế mà lúc này có tới gần chục ngàn người. Làm sao mà xoay xở đây chứ?
Thấy các ông vò đầu, bóp trán, vẻ lo lắng hiện rõ trên từng khuôn mặt của các đệ tử, Đức Giêsu nói với họ: “Anh em hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một” (Lc 9:14). Bị động và bị triệt buộc, nhưng các môn đệ được Thầy gỡ rối tơ lòng, thế nên bảo sao làm vậy, chả dám ý kiến chi cả. Các ông bảo mọi người ngồi xuống theo nhóm. Khi mọi người đã ổn định chỗ ngồi, Đức Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông.
Thánh sử Luca cho biết một sự lạ khác: “Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê. Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng” (Lc 9:17).
Trong cuộc sống, miếng ăn liên quan các vấn đề khác, không chỉ về sự sống mà còn về “quyền lợi”. Tục ngữ Việt Nam nói: “Trâu cột ghét trâu ăn”. Một thực tế buồn nhưng vừa minh nhiên vừa mặc nhiên. Thánh Phaolô nhắc nhở: “Một số cành cây ô-liu đã bị chặt đi, còn bạn là ô-liu dại đã được tháp vào đó, và cùng được hưởng sự sống dồi dào từ rễ cây ô-liu chính. Vì thế, bạn đừng có lên mặt khinh dể các cành khác” (Rm 11:17-18a). Và rồi Thánh Phaolô đặt vấn đề: “Thì bạn cứ lên mặt đi! Đâu phải bạn mang rễ, mà là rễ mang bạn” (Rm 11:18b).
Quả thật, chia sẻ là điều quan trọng, cả vật chất lẫn tinh thần. Chia sẻ liên quan việc CHO và NHẬN: “Phúc cho ai CHO mà không nhớ, NHẬN mà không quên” (Elizabeth Bibesco). Thánh Phanxicô Assisi đã có nghịch-lý-thuận này: “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân” (Kinh Hòa Bình). Quả thật, nếu chúng ta không chia sẻ với người khác về những thứ họ cần, đó là chúng ta đã cướp chính sự sống của họ! Giáo huấn Xã hội Công giáo cũng đề cập các vấn đề tương tự.
Lạy Thiên Chúa, chúng con cảm tạ Ngài đã ban Nguồn Sống Thánh Thể để chúng con được sống và sống dồi dào, xin giúp chúng con xứng đáng lãnh nhận Thánh Thể hằng ngày để mai này cũng xứng đáng lãnh nhận sự sống đời đời. Xin Chúa giúp chúng con biết sẵn sàng và vui vẻ chia sẻ với mọi người, nhất là những người thiếu thốn – tinh thần hoặc vật chất. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.
61.Lễ Mình và Máu Thánh Chúa – Nguyễn Tro Bụi
Thánh nữ Juliana (1193 – 1258) người Bỉ, từ nhỏ đã có lòng kính mến Mình và Máu Thánh Chúa cách đặc biệt, và luôn ước ao có một ngày lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa. Juliana đã bày tỏ lòng ước ao đó với Đức cha Robert de Thorete, Giám mục Liège, và sau đó thỉnh cầu tới nhiều vị hữu trách khác trong Giáo hội. Đức Giám mục Robert rất đồng tình và thiết đặt một ngày lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa trong địa phận mình năm 1247. Năm 1264, Đức Giáo hoàng Urban IV ban hành sắc lệnh Transiturus để công bố ngày Lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa trong toàn thể Giáo hội. Đức Giáo hoàng Clement V, rồi Đức Giáo hoàng John XXII cũng góp phần phổ biến rộng rãi ngày lễ này trong Giáo hội hoàn vũ.
Lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa mời gọi chúng ta chiêm ngắm Mình Thánh Chúa Kitô qua hai biểu hiện. Một là qua Bí tích Thánh Thể, hai là qua Giáo Hội – thân thể mầu nghiệm của Người.
Bí tích Thánh Thể là chóp đỉnh của Phụng vụ và là nguồn mạch của đời sống Giáo hội. “Những Bí tích khác cũng như các thừa tác vụ và các hoạt động tông đồ đều gắn liền với Bí tích Thánh Thể và qui hướng về đó” (GLGHCG, số 1324). Bí Tích Thánh Thể là trung tâm của đời sống Hội Thánh, là tâm điểm của niềm tin, là suối nguồn của lòng mến và niềm trông cậy.
Giáo hội là nhiệm thể của Đức Kitô bởi mối dây mật thiết Người chia sẻ với các môn đệ (GLHTCG, số 787). Kinh Thánh cũng nói rõ Đức Kitô là đầu, Giáo hội là thân thể (Cl 1, 18), trong đó chúng ta là những chi thể của thân thể mầu nhiệm đó, như những cành nho gắn liền với thân nho (Ga 15, 5).
Trong Phép Thánh Thể, chúng ta được ơn xa lánh tội lỗi, tăng cường các nhân đức, linh hồn được no thỏa và dư đầy hồng ân, như đám đông được no lòng thỏa chí trong bài Tin mừng hôm nay. Không có Bí tích nào tốt lành và sinh ơn ích dư tràn hơn Phép Thánh Thể. Được thiết lập để mưu ích phần rỗi của cả và nhân loại, nên Bí tích Thánh Thể được cử hành cho cả người sống và kẻ chết, để mọi người có thể chia sẻ kho tàng cực châu báu là Mình và Máu Cực Thánh Chúa Giêsu.
Người Việt chúng ta thường có câu “đồng bàn, đồng bạn.” Bàn tiệc Thánh Thể đưa tình bạn “đồng bàn” đó lên một tầm cao mới, là kết hiệp chúng ta nên một với Đức Kitô và liên kết chúng ta với nhau. Nhờ Bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta được lãnh nhận và được tham dự vào thần tính của Chúa Kitô. Từ trời cao, Người xuống đất thấp để nâng dậy con người từ đất thấp lên tới trời cao. Con Thiên Chúa xuống thế làm người, chịu chết cho con người, ban lương thực thần linh nuôi dưỡng con người, để con người được làm con Thiên Chúa. Vinh phúc thay! Cao quý thay Máu Thịt Con Chúa Trời! Ngay tại thế gian này, chúng ta được nếm trước Bàn tiệc Thiên Quốc. “Nhờ cử hành Bí tích Thánh Thể, ngay từ bây giờ chúng ta được kết hiệp với phụng vụ trên trời và tiền dự vào đời sống vĩnh cửu” (GLHTCG, số 1326). Đối với phàm nhân, còn gì cao cả hơn? Còn gì quý trọng cho bằng?
“Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19). Chúa Kitô đã thiết lập Bí tích cực trọng này để hiện tại hóa mầu nhiệm tử nạn của Người. Người ước ao vô cùng chúng ta lãnh nhận Người. Người mong muốn cháy bỏng trao ban chính mình Người cho chúng ta. Người khát khao nồng cháy kết hiệp thân tình với chúng ta. Tất cả điều đó chỉ vì tình yêu vô bờ bến mà Ngài dành cho chúng ta. Vì vậy, Người đã không những trao ban chính mạng sống Người để cứu chuộc chúng ta, mà còn trao ban chính mình Người làm của dưỡng nuôi linh hồn chúng ta. Bởi vì tình yêu của Người là một tình yêu “cho đến cùng” (Ga 13,1). Mình và Máu Thánh Chúa chính là bảo chứng cho tình yêu đó. Vì yêu chúng ta, Người đã đổ tràn tình yêu của Người trên chúng ta cùng sự thiện hảo vô biên của Người.
Từ Cuộc Khổ Nạn của Người tuôn trào suối nguồn ân sủng, khai sinh các Bí tích. Nơi nào chúng ta có thể tìm thấy dạt dào tình yêu và hồng ân cho bằng Thánh Thể. Nơi nào chúng ta có thể gặp gỡ chúa Kitô sống động hơn Thánh Thể?
Với tâm tình tạ ơn, ca ngợi Thiên Chúa Cha, và tưởng niệm hy tế của Đức Kitô, Giáo hội cử hành trọng thể Lễ kính Mình và Máu Chúa Giêsu. Chúng ta được mời gọi nhìn nhận sự hiện diện thật của Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Đồng thời chúng ta cũng được mời gọi yêu mến Giáo Hội và tha nhân. Khi nhận biết tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta sẽ biết yêu mến tha nhân. Vì rằng, mến Chúa và yêu người là hai mặt của một lòng mến duy nhất. Lãnh nhận cùng một thân thể Chúa Kitô, chúng ta trở thành chi thể của Người, là thành phần trong Giáo hội của Chúa, là anh em của nhau trong Đức Kitô.
Nên thánh, sống hiệp nhất thân tình với Thiên Chúa chính là ơn gọi chung cùng, là đích điểm của mỗi người chúng ta. Xin được kết thúc những tâm tình của ngày Lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa hôm nay bằng lời ca tiếp liên:
Hãy xướng lên lời ca khen ngợi,
… hãy vui mừng rạng rỡ!
Vì đây là ngày trọng thể, ngày kỷ niệm Bàn tiệc Thánh được thiết lập ra…
(Ca Tiếp liên Lễ Mình và Máu Thánh Chúa)
Câu hỏi gợi ý suy niệm:
1. Tôi có ý thức đầy đủ mỗi khi tham dự Thánh Lễ, và thực sự khát khao lãnh nhận Chúa Kitô mỗi khi tôi lên rước Mình Máu Cực Châu Báu Người?
2. Tôi có được biến đổi sau khi lãnh nhận Mình và Máu Thánh là chính Thịt và Máu Con Đức Chúa Trời? Hay tôi vẫn mãi là tôi, khi bước vào nhà thờ và bước ra sau mỗi Thánh Lễ, tôi vẫn không có gì thay đổi?
3. Ngoài việc tham dự Thánh Lễ, tôi có bao giờ dành chút thời gian yên tĩnh riêng tư trước Chúa Giêsu Thánh Thể không?
4. Lễ kính Mình Máu Chúa năm nay, Giáo hội kêu mời toàn thể con cái mình cùng cử hành giờ Chầu Thánh Thể để công khai tuyên xưng đức tin vào sự hiện diện thật sự của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể, cũng như thờ lạy và chiêm ngưỡng Đấng Cứu Độ chúng ta trong Bí tích cực thánh này. Cùng Giáo hội hoàn vũ, tôi chuẩn bị gì cho tâm hồn tôi?
62.Bí Tích Thánh Thể - Dấu chỉ Tình Yêu
Khi thương nhau thì người ta sẽ làm mọi cách để biểu lộ tình thương và sự quan tâm của mình. Những món quà, những cuộc điện thoại hay những tin nhắn qua điện thoại... Cử chỉ trao nhẫn cho nhau trong nghi thức của Bí tích Hôn phối cũng nói lên dấu chỉ tình yêu giữa hai người phối ngẫu. Dấu chỉ ấy nói lên từ giây phút đó họ sẽ thuộc trọn về nhau cả xác lẫn hồn.
Tuần trước cùng với Giáo hội chúng ta mừng lễ Chúa Ba Ngôi - mầu nhiệm trung tâm của niềm tin Kitô giáo. Ba Ngôi cùng một bản thể, cùng một uy quyền và cùng hướng về một mục tiêu chung. Đó là cùng đem tình yêu và hạnh phúc đến cho con người. Có thể nói Thiên Chúa đã tỏ ra hàng trăm ngàn dấu chỉ để biểu lộ tình thương của Người dành cho con người. Một trong những dấu chỉ quý báu ấy chính là Bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể chính là Bí tích quan trọng nhất trong 7 Bí tích. Vì qua Bí tích này chúng ta đón nhận được chính Chúa Giêsu là nguồn mọi ơn phúc.
Như chúng ta biết, trước khi chịu khổ hình Chúa Giêsu biết mình sẽ không còn hiện diện hữu hình ở trần gian này nữa nên Người đã lập Bí tích Thánh Thể. Để rồi qua Bí tích này Người sẽ còn tiếp tục hiện diện với con người. Quan trọng hơn là Người ban cho con người chính bản thân mình qua hình Bánh và hình Rượu.
Ngày nay, mỗi khi tham dự Thánh lễ là chúng ta cùng nhau cử hành Bí tích Thánh Thể - Bí tích tình yêu. Và rồi nếu có đầy đủ điều kiện chúng ta sẽ lên rước lấy chính Chúa Giêsu qua hình bánh và hình rượu làm của nuôi cho sự sống đời đời. Thật là cao quý và hạnh phúc cho người tín hữu chúng ta. Mãi mãi chúng ta là những con người được sống trong tình yêu của Thiên Chúa. Hãy tin vào Chúa qua dấu chỉ Bí tích Thánh Thể - Bí tích tình yêu này. Và chúng ta đ ược kêu mời hãy siêng năng rước lễ mỗi khi tham dự Thánh lễ. Bởi lẽ, rước lễ thì được những ơn ích này: một là làm cho ta được kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu và với nhau, hai là xóa bỏ các tội nhẹ và gia tăng ơn thánh hóa, ba là thêm sức cho ta chống trả các chước cám dỗ của ma quỷ và sửa tính mê nết xấu, bốn là bảo đảm cho ta được sống đời đời.
Trong thư thứ nhất gởi cho giáo đoàn Côrintô, Thánh Phaolô đã nói: "Khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó không phải là dự phần vào Thân Thể của Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một tấm Bánh ấy, nên chúng ta tuy nhiều người, chúng ta ta chỉ là một thân thể" (1Cr 10, 16b-17). Cho nên, hiệu quả của Bí tích Thánh Thể là sự hiệp thông với nhau.
Ông bà chúng ta có dạy: "Khôn ngoan đá đáp người ngoài. Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau ".
Hay: "Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn".
Còn ở đây, khi rước lễ là chúng ta được hiệp nhất cùng nhau trong thân thể Chúa Giêsu. Thân thể này không thể bị chia rẻ nhau từng mảnh mà phải được gắn kết với nhau.
Nguyện xin Chúa Giêsu Thánh Thể ban cho chúng ta tin vào dấu chì tình yêu qua Bí tích Thánh thể Người đã lập nên. Thể hiện niềm tin ấy là việc siêng năng rước Chúa và sống hiệp thông với nhau.
63.Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều
(Chú giải và suy niệm của Lm. FX. Vũ Phan Long)
Cử hành Bí tích Thánh Thể để tưởng nhớ Đức Giêsu là chia sẻ không những sứ mạng của Người, mà cũng còn là chia sẻ định mệnh của Người, được tượng trưng bằng thập giá.
1.- Ngữ cảnh
Truyện này được đặt vào ngay sau phân đoạn nói về việc Đức Giêsu sai phái Nhóm Mười Hai đi rao giảng (các ông ra đi: 9,1-6; tiểu vương Hêrôđê thắc mắc về Đức Giêsu: 9,7-9; các tông đồ đã đi rao giảng về tường thuật của Đức Giêsu những việc đã làm: 9,10-11) và trước lời tuyên xưng đức tin của Phêrô (9,18-21) cũng như lời tiên báo Thương Khó lần thứ nhất cùng với các điều kiện của đời môn đệ (9,22-16).
Riêng truyện hóa bánh ra nhiều trong TM Lc (9,12-17) thì tương ứng với Mc 6,30-44 và Mt 14,13-21. Tác phẩm Lc không có bản văn tương ứng với truyện hóa bánh ra nhiều lần hai ở Mc 8,1-10 và Mt 15,32-39; do đó, bề ngoài bản văn Lc giống với Ga bởi vì Ga cũng chỉ có một bài tường thuật về nhân bánh và cá (Ga 6,1-15).
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành bốn phần:
1) Sứ vụ của Đức Giêsu (9,11b);
2) Các môn đệ nhận định về vấn đề (9,12);
3) Đức Giêsu đáp trả (9,13-16):
a) lệnh thứ nhất cho Nhóm Mười Hai (c. 13),
b) lệnh thứ hai cho Nhóm Mười Hai (cc. 14-15),
c) một hành động của Người (c. 16);
4) Kết quả (9,17).
3.- Vài điểm chú giải
- nói với họ về Nước Thiên Chúa (11): hoặc “tiếp tục nói với họ”, vì động từ ở thì vị-hoàn (imperfect). Tác giả Lc đã sửa Mc 6,34 (“nhiều điều”) thành “về Nước Thiên Chúa”. Rõ ràng Lc muốn nối phép lạ sắp kể với lời rao giảng của Đức Giêsu về Nước Thiên Chúa.
- Nhóm Mười Hai (12): Trong bản văn song song, Mt 14,15 và Mc 6,35 nói đến “các môn đệ” (hoi mathêtai). Đối với Lc, Nhóm Mười Hai tượng trưng sự nối tiếp với Israel. Trong Cv 1, con số mười hai phải được bổ sung sau khi Giuđa chết, để Nhóm Mười Hai đã được tái lập như thế, có thể đón nhận ân huệ đã được Thiên Chúa hứa ban là Thánh Thần và bắt đầu đi làm chứng. Tác giả Lc là tác giả duy nhất nối kết Nhóm Mười Hai với danh hiệu “tông đồ” ở 6,13 (x. Mt 10,2). Đọc Cv 1,21-22, ta thấy Phêrô xác định rằng người thay thế Giuđa phải đã cùng đi với Đức Giêsu kể từ khi Người được Gioan ban phép rửa đền khi Người lên trời, và như thế, trở thành chứng nhân về cuộc Phục Sinh của Người. Như vậy, đối với Lc, Nhóm Mười Hai trở thành dây liên kết nối tiếp lời loan báo của Đức Giêsu về Nước Thiên Chúa với lời Giáo Hội rao giảng Lời Chúa.
- Chính anh em hãy cho họ ăn (13): Những lời Đức Giêsu nói có thể gợi đến 2 V 4,42-44: ở đây, một người từ Baan Salisa mang đến biếu ngôn sứ Êlisa hai mươi chiếc bánh lúa mạch và cốm. Vị ngôn sứ bảo tiểu đồng: “Phát cho người ta ăn”. Tiểu đồng phản đối: “Có bằng này, sao con có thể phát cho cả trăm người ăn được?”; vị ngôn sứ đáp bằng cách nhắc lại lời của Đức Chúa (Yhwh): “Họ sẽ ăn, mà vẫn còn dư”. Nếu gợi ý này quả thực có trong các Tin Mừng Nhất Lãm, thì hẳn là nó có hàm ý là Đức Giêsu đóng vai trò ngôn sứ khi hóa bánh ra nhiều.
- Đức Giêsu cầm lấy (16): Năm hành động của Đức Giêsu được diễn tả bằng những động từ lấy nguyên văn từ Mc 6,41 (x. Mt 14,18): cầm lấy (labôn), ngước mắt lên trời (anablepsas eis ton ouranon), dâng lời chúc tụng chúng (eulogêsen autous), bẻ ra (kateklasen), trao cho (edidou).
Mt 14,18 cũng nói đến năm hành động ấy nhưng ở những dạng khác. Trong Bữa tối cuối cùng theo Mc 14,22 (x. Mt 26,26), có bốn hành động được nhắc lại: cầm lấy, chúc tụng, bẻ ra, trao cho. Ở Lc 22,19, cũng xuất hiện bốn động từ, nhưng eulogêsas (chúc tụng) được thay thế bằng eucharistêsas (tạ ơn). Ở Lc 24,30, có ba động từ, nhưng edidou được thay thế bằng epedidou (= ban tự ý; ban làm của hồi môn). Trong bài tường thuật cuộc nhân bánh lần hai (Mc 8,6; Mt 15,36; x. 1 Cr 11,24) cũng có những động từ tương tự. Những bản văn dùng eucharistêsas (tạ ơn) phải được coi như là phản ánh một đợt muộn hơn trong truyền thống về Bí tích Thánh Thể (eucharistia). So với Mc 6,41, động từ này đứng một mình, nên rất có thể có nghĩa là “chúc tụng Thiên Chúa”. Khi gắn đại từ “chúng” (= bánh và cá) vào lời chúc tụng và việc bẻ bánh, tác giả cho hiểu rằng hai hành vi này chính là nguyên nhân đưa tới việc hóa bánh ra nhiều.
- ngước mắt lên trời (16): Đây là một thuật ngữ của Cựu Ước, thường có ở trong Bản LXX (St 15,5; Đnl 4,19; G 22,26; 2 Mcb 7,28).
- bẻ ra (16): Các TMNL không bao giờ nói rằng Đức Giêsu đã “nhân” bánh ra nhiều. Ta suy ra phương diện phép lạ từ con số những người ăn và những gì còn sót lại, từ khối lượng nhỏ bé lúc khởi đầu.
- ai nấy được no nê (17): Lc dùng echortasthêsan là động từ của Mc 6,42. Ngài cũng dùng động từ này trong Mối phúc 6,21 (x. 15,16; 16,21). Trong Bản LXX, động từ này thường được dùng để diễn tả lòng nhân lành Thiên Chúa đã hứa để làm no thỏa dân Ngài (x. Tv 37,19; 81,17; 132,15).
- mười hai thúng (17): Con số “mười hai” rõ ràng có một quy chiếu tượng trưng đến “Nhóm Mười Hai” ở c. 12: mỗi ông mang về một thúng đầy và bây giờ có đủ lương thực để nuôi cả những người khác nữa.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Sứ vụ của Đức Giêsu (11)
Sau khi mười hai tông đồ đi giảng về và sau khi các ông đã tường thuật cho Người các công việc đã làm (Lc 9,10), Đức Giêsu lại chìm vào trong công việc phục vụ đám đông (9,11): Giảng về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được chữa. Từ đầu Tin Mừng đến đây, tác giả đã liên tục giới thiệu hai khía cạnh này trong hoạt động của Đức Giêsu:4,31-44; 6,18; 8,1-2.
* Các môn đệ nhận định về vấn đề (12)
Lần đầu tiên trong Tin Mừng Lc, Nhóm Mười Hai lấy sáng kiến và quan tâm đến tương quan của Đức Giêsu với đám đông. Vì trời đã xế chiều, các ông đã nêu những nhận định và đề ra phương án giải quyết rất thực tế: đây là nơi hoang vắng, mà người ta thì đông; do đó, tốt nhất nên giải tán đám đông để họ tự giải quyết vấn đề nơi ăn chốn ở. Tác giả Lc nói ở 9,12 về “Nhóm Mười Hai”, trong khi ở 9,14.16, ngài thay đổi từ vựng: Đức Giêsu ngỏ lời với các “môn đệ”. Từ ngữ “môn đệ” này rất có thể cả ở đây cũng chỉ một nhóm đông hơn trong đó chắc chắn có Nhóm Mười Hai. Dù sao, sáng kiến phát xuất từ Nhóm Mười Hai khi họ vừa đi giảng về và lại tháp tùng Đức Giêsu. Qua sáng kiến này, rất có thể tác giả muốn cho thấy là, do chuyến đi truyền giáo vừa qua, các tông đồ đã nhạy cảm hơn với các nhu cầu của dân chúng.
Ở đây, chúng ta sắp gặp lại đề tài quen thuộc trong TM III, đó là “các bữa ăn Đức Giêsu chia sẻ với người khác” (x. 4,16–9,6). Nay chúng ta sắp sửa chứng kiến một phương diện mới: qua sứ mạng của Đức Giêsu là rao giảng về Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa đang thực hiện các lời Ngài hứa, là nuôi dưỡng tạo thành đói khát (x. Is 25,5-6).
Cụm từ “nơi hoang vắng” (c. 12) khiến chúng ta nhớ đến đoàn dân Israel đang sống kiếp nô lệ, nay bằng qua sa mạc để tiến dần về tự do, về với một cuộc sống mới.
* Đức Giêsu đáp trả (13-16)
Đức Giêsu trả lời bằng hai lệnh truyền (Lc 9,13.14) và một hành động (9,16).
Do Nhóm Mười Hai đã tỏ ra có ý thức trách nhiệm đối với dân chúng, Người trao cho một trách nhiệm quan trọng hơn và xác nhận nhiệm vụ: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (9,13); chính anh em hãy nuôi dưỡng đoàn dân Israel vừa mới được tái lập. Với cái nhìn thực tế và với trái tim sẵn sàng, các ông nhận thấy tài nguyên của các ông quá nghèo nàn, các ông tình nguyện đi mua thức ăn cho dân chúng. Nhưng Đức Giêsu phản ứng với một lệnh thứ hai: “Bảo họ ngả mình thành từng nhóm năm mươi” (9,14). Các ông đã thi hành chính xác lệnh truyền (9,15). Đức Giêsu không lập một cơ quan phân phối bánh, để mỗi người có thể đến lấy phần của mình. Các môn đệ phải bố trí họ thành những nhóm trật tự (9,14).
Bây giờ đến hành động quyết liệt của Đức Giêsu. Sau khi đã đọc lời chúc tụng và bẻ bánh và cá ra, Người trao cho các môn đệ để các ông phân phát cho đám đông. Các môn đệ đã vâng theo lệnh thứ hai của Người, nên giờ đây Đức Giêsu làm cho họ cũng có khả năng thực hiện lệnh thứ nhất: cho đám đông ăn (so sánh 9,13 // 9,16). Các từ ngữ được Lc dùng để mô tả hành động Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều (cầm lấy, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho) thuộc về bài tường thuật việc thiết lập Bí tích Thánh Thể (22,19) và truyện hai môn đệ Emmau (24,30, cũng liên hệ với Bí tích Thánh Thể). Các môn đệ của Đức Giêsu sẽ phải tiếp tục nuôi dưỡng đám đông bằng Bí tích Thánh Thể.
* Kết quả (17)
Đám đông đã được no nê mà các mảnh vụn còn thừa đã được người ta thu lại được mười hai thúng (Lc 9,17). Trong biến cố này, Nhóm Mười Hai, là những bạn đồng hành của Đức Giêsu, không chỉ chứng kiến việc Người làm, mà còn được đưa vào cộng tác trực tiếp. Các ông đã nhận lệnh cho đám đông ăn (9,13) và các ông đã được Đức Giêsu làm cho có khả năng thực hiện điều đó (9,16). Điều đánh động chúng ta khi đến cuối truyện này là Lc không ghi lại một phản ứng nào của đám đông trước phép lạ (ngược với Ga 6,14-15). Chính Phêrô sẽ làm phát ngôn nhân cho họ khi tuyên xưng Đức Giêsu là “Đấng Kitô của Thiên Chúa” (9,20).
Ta có thể so sánh với 22,19, trong đó cũng Nhóm Mười Hai nhận bánh do Đức Giêsu trao ban, bây giờ với lời giải thích và lệnh truyền: “Đây là Mình Thầy, hiến trao vì anh em; anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy”. Các ông lại nhận và phải cho đi. Về đời sống của cộng đoàn tiên khởi, sách Cv viết: “Các tín hữu chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42). Như Simôn và các môn đệ đầu tiên vào dịp mẻ cá lạ lùng (5,4-11), Nhóm Mười Hai cũng trải nghiệm trực tiếp về quyền lực của Đức Giêsu.
+ Kết luận
Khi tỏ mình ra như là chúa tể ban cơm bánh, Đức Giêsu cũng tỏ mình ra như là chúa tể ban sự sống và khuyến khích Nhóm Mười Hai tin tưởng bẻ ra và phân phát bánh đã nhận trong Bữa Tối cuối cùng. Nhóm Mười Hai đã đề nghị giải tán đám đông và như thế là chấm dứt sự hiện diện và kết hợp của họ với Đức Giêsu. Nhưng dân chúng không bị buộc phải rời bỏ Đức Giêsu mới tìm được các kế sinh nhai. Đức Giêsu có quyền năng duy trì sự hiệp nhất trong tư cách là chúa tể ban cơm bánh và sự sống. Người có thể quy tụ lại và bảo toàn cộng đoàn vĩ đại quanh Người. Cả điều này cũng thuộc về kinh nghiệm mà Nhóm Mười Hai vừa trải nghiệm.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Bữa tiệc Đức Giêsu vừa chiêu đãi thật vĩ đại. Tuy nhiên, nếu đã có kết quả ấy là bởi vì các môn đệ đã góp phần của mình vào (lương thực: năm chiếc bánh và hai con cá; phục vụ: phân phối đám đông thành nhóm trật tự và phát bánh với cá). Bữa tiệc này gợi đến Thánh Lễ chúng ta dâng. Khi đó, chúng ta cũng phải góp phần nhỏ bé của mình vào để cho tất cả được no nê. Bữa tiệc Thánh Thể lại tiên báo Bữa tiệc vĩnh cửu trên thiên quốc, mà mỗi người chúng ta hiện đang góp phần để thực hiện, dù là phần khiêm tốn bé nhỏ.
2. Quả thật, một Thánh Lễ mà không đưa tới hành vi cụ thể giúp đỡ những người túng cực, để ai nấy được no đủ, thì chỉ là một hành vi dối trá. “Những miếng vụn còn thừa thu lại được mười hai thúng” (c. 17): Bánh Thánh Thể không phải là thứ dành riêng cho những người đạo đức; đây là một quà tặng Đức Kitô ban không bao giờ cạn kiệt. Quà tặng này sẽ tiếp tục được phân phát cho tới ngày bắt đầu bữa tiệc vĩnh cửu, và khi đó lễ mừng sẽ không bao giờ chấm dứt.
3. Mối bận tâm đến lương thực hằng ngày là nguyên do khiến con người phân tán, bởi vì mỗi người sẽ phải lo làm công việc của mình, và đôi khi cũng là nguyên nhân đưa đến những mâu thuẫn do đấu tranh để bảo toàn sự sống và cạnh tranh về nghề nghiệp. Đức Giêsu cung cấp một bữa tiệc: Người muốn kiến tạo đời sống cộng đoàn hợp nhất. Các môn đệ hôm nay phải hướng về Đức Giêsu: Người đã chứng tỏ là Người có ý muốn và Người có khả năng làm mục tử chăn dắt đoàn chiên này, quy tụ họ lại trong sự duy nhất và sự hiệp thông, dọn cho họ một bàn tiệc và quy tụ họ lại quanh mình để sống tình hiệp nhất cộng đoàn trong sự bình an và thân tình.
4. Khi đi tham dự Lễ Tế Tạ ơn, chúng ta tham dự vào một cộng đoàn huynh đệ được Đức Giêsu nuôi dưỡng. Khi đó, chúng ta hưởng sự tự do được ở với nhau trong tình thương, trong sự an bình và trong niềm vui. Như ngày xưa với đám đông, hôm nay với các tín hữu đến tham dự thánh lễ, không có việc làm nào cả, không có sự mệt nhọc nào cả, không có sự bân tâm nào cả, không có sự phân biệt nào cả: mọi chuyện ấy không còn nữa, khi Đức Giêsu có mặt.
5. Hôm nay khi đứng trước những vấn đề nan giải, các tín hữu nhớ rằng Đức Giêsu sẽ giúp họ giải quyết, nhưng họ cũng phải góp phần nhỏ bé vào. Khi đã đạt được kết quả, thì đừng quên rằng họ chỉ là tôi tớ, đã biết vâng theo những lệnh truyền của Đức Giêsu và cộng tác với Người. Nhưng con số mười hai thúng đầy gợi ý là, sau khi đã chia sẻ tiệc Thánh Thể với những anh chị em hiện diện, bây giờ chính chúng ta cũng có thể và phải chia sẻ lương thực cho những anh chị em không có mặt, để họ cũng được liên kết với đoàn dân Chúa.
6. Cũng ghi nhận là tác giả Lc nối truyện này trực tiếp vào lời Đức Giêsu tiên báo Thương Khó và với những giáo huấn của Người về việc vác thập giá hằng ngày (9,18-27). Cử hành Bí tích Thánh Thể để tưởng nhớ Đức Giêsu (22,19) là chia sẻ không những sứ mạng của Người (9,1-6), mà cũng còn là chia sẻ định mệnh của Người, được tượng trưng bằng thập giá (9,18-27).
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam