Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 67

Tổng truy cập: 1367190

TÌNH YÊU THA THỨ

TÌNH YÊU THA THỨ

 

(Suy niệm của Alphonse Marie Trần Bình An)

Tại một hòn đảo thuộc nước Ý, dân làng có một quy định rất khắt khe đối với phụ nữ nào ngoại tình. Đó là: Nếu một người phụ nữ đã lập gia đình mà ngoại tình bị bắt quả tang, người ta sẽ buộc vào cổ người phụ nữ đó một tảng đá lớn và xô xuống biển cho chết chìm, dưới sự chứng kiến của người chồng.

Ngày kia có một người đàn bà bị bắt quả tang ngoại tình và sẽ bị xử tử theo quy định. Nhưng đến ngày xử tử, người chồng của bà vẫn đánh cá ngoài khơi, nên dân làng phải gia hạn thêm vài ngày nữa. Người ta đã gia hạn nhiều lần, mà vẫn không thấy người chồng trở về.

Cuối cùng, dân làng không thể chờ thêm được nữa, họ đưa người đàn bà đó đến một vùng biển sâu, cột tảng đá lớn vào cổ rồi đẩy bà xuống nước. Nhưng lạ thay, mấy hôm sau mọi người đều thấy người đàn bà đó xuất hiện ở trong làng.

Thì ra người chồng đã hay biết tất cả những gì đã xảy ra cho vợ mình, thay vì trở về để chứng kiến bản án khắc nghiệt dành cho vợ, ông ta tìm mọi cách để ở lại ngoài khơi, với hy vọng kéo dài cuộc sống cho vợ. Và khi biết được ngày xử án, ông đã đến vùng biển, núp dưới một gềnh đá lớn. Khi người ta đẩy vợ ông xuống biển, ông đã bơi đến đón lấy bà, tháo gỡ tảng đá và đưa về nhà. Người vợ, khi nhận ra tình yêu của chồng đã hết lòng trung thành và phục vụ chồng. Và gia đình họ lại sống thật hạnh phúc bên nhau. Đúng là "Tình yêu không thể nào bị đánh bại". "Có yêu thương là có tha thứ". (Tuyển Tập các Truyện Hay)

Hôm nay, Tin Mừng Thánh Gioan thuật lại vụ xử án bất đắc dĩ của Chúa Giêsu, với nguyên cáo là nhóm kinh sư và Pharisiêu và bị cáo là người đàn bà ngoại tình bị bắt quả tang. Dĩ nhiên, dân chúng háo hức kéo đến thật đông để chứng kiến quan tòa Đức Giêsu xử thế nào. Nhưng quan tòa đã làm cử tọa não nề buồn bã ra về, không còn hăng say cuồng nhiệt như khi khai tòa.

Những phút im lặng

Nhóm nguyên cáo hồ hới, hí hửng, xung khiên nộ khí, hủng hổ tố giác người đàn bà sa ngã. Không vành móng ngựa phân cách, bị cáo ủ rũ đứng trực diện với Chúa Giêsu. Người vẫn đang còn ngồi từ lúc giảng dạy. Lặng lẽ cúi xuống, Người chẳng xoi mói nhìn lên, hay hỏi han, thẩm vấn điều gì, chỉ chăm chú nguệch ngoạc vẽ trên đất. Giây phút thinh lặng tưởng chừng vô tận với cả đôi bên, lẫn công chúng, đang nín thở theo dõi phiên tòa đặc biệt.

Tất cả mọi người đều trông ngóng chờ đợi câu phán quyết. Tha hay buộc tội? Tiến thoái lưỡng nan, hành xử thế nào cũng sập mưu ma chước quỷ. Tha bổng thì lỗi luật Môsê, buộc tội thì vấp luật Roma, cấm dân Israel tự xử án tử hình, và nhất là trái ngược hoàn toàn với lòng thương xót vô biên, mà chính Người đang chuyên tâm giảng dạy.

Bên nguyên cáo còn sốt ruột trích luật Môsê, nhắc nhủ quan tòa thẳng tay áp dụng. Nhưng Chúa Giêsu vẫn thinh lặng, vẫn vẽ vời dưới đất. Người im lặng như sau này im lặng, không trả lời Thượng Hội Đồng, quan Philatô, cũng như không một lời khi chịu khổ nạn.

“Chúa Giêsu là Ngôi Lời, nhưng để thực hiện việc tông đồ theo ý Đức Chúa Cha, trong 33 năm, Ngài thinh lặng 30 năm và nhất là trong giờ tử nạn, Ngài đã thinh lặng.” (Đường Hy Vọng, 523)

Người thinh lặng, xót xa, dằn lòng cơn bất bình trước lòng lang dạ sói của những nhà lãnh đạo tinh thần. Người im lặng, đắm mình vào lời cầu nguyện, xin cùng Đức Chúa Cha xua tan đi những cám dỗ sát nhân trong họ.

Trong thinh lặng, Người mong muốn các kinh sư, các người Pharisiêu dịu cơn thịnh nộ, dịu lòng nham hiểm, thù oán, mà hồi tâm, suy xét thấu đáo. Đề lương tâm mạnh dạn lên tiếng, để tình người thức giấc kết nụ, đơm hoa. Để xóa tan đi cái tâm lý bầy đàn, hùa nhau chạy theo cái ác, mù lòa bất nhân.

Người cũng thinh lặng, mong chờ tội nhân, người đàn bà yếu đuối, xét mình, hoán cải, ăn năn, sám hối. Đó là giây phút định mệnh. Quay về nẻo ngay, đường chính, hay còn mãi tiêc nuối đam mê u tối, sa đọa. Nhục nhã ê chề, người phụ nữ thẫn thờ thất vọng, chờ nhận những viên đá sắc cạnh, kết liễu cuộc đời ngắn ngủi. Nhưng trước thái độ khoan nhân, điềm tĩnh của quan tòa Giêsu, chị cảm nhận được nỗi xót xa của Người, cảm thấy ánh mắt hiền lành từ bi ấm áp của Người.

Nguyên cáo thành bị cáo

Sau nhiều lời yêu cầu phán xử, Người ngẩng lên bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. (Ga 8, 7-8)

Lúc đầu họ hùng hổ bao nhiêu, thì bây giờ họ len lén, rón rén bỏ đi như kẻ trộm. Đang vênh váo làm nguyên cáo, bỗng chốc biến thành bị cáo, chẳng hơn gì người đàn bà ngoại tình kia. Một chi tiết rất lý thú, đó là “bắt đầu từ những người lớn tuổi.” Không gian tĩnh lặng càng giúp họ nhìn lại bản thân nhơ nhớp tội lỗi, Những người càng lớn tuổi càng xấu hổ mắc cở với người trẻ.

Người đàn bà cảm thấy được an ủi phần nào, bớt cô đơn, dù vẫn còn là bị cáo. Tâm hồn chị lóe lên tia hy vọng cứu thoát án phạt thảm khốc. “Chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, và người phụ nữa thì đứng ở giữa.” (Ga 8, 9)

Vào ngày 28/2/2013 vừa qua, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI về hưu, truyền thông thế giới đều rất quan tâm. Tin lành thì ít, tin dữ thì nhiều, báo chí quốc tế đào xới những khiếm khuyết về cơ cấu hoạt động của Vatican, cũng như phao những đồn đoán bất thân thiện với Giáo Hội. Nhà báo mặc nhiên biến thành nguyên cáo cuồng nhiệt, hùa nhau ném đá vào Vatican, không khác gì kinh sư và Pharisiêu ngày xưa. Phải chăng họ nói theo lương tri, theo sự thật, hay chỉ là lính đánh thuê cho những tập đoàn phản Kitô giấu mặt? Lúc nào đó, cảnh tỉnh họ sẽ nhận ra mình cũng đích thị chỉ là bị cáo.

Tình Yêu chiến thắng

Giờ phút này, sự im lặng không còn căng thẳng, mà rộn rã vui mừng hy vọng. “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao? Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả.” Đức Giêsu nói: Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8, 10-11)

Đức Giêsu đã khéo léo xua bầy kên kên dữ tợn biến đi, để cứu thoát chị khỏi cái chết ê chề nhục nhã. Chính sức mạnh Tình Yêu đã giái thoát chị. Lòng Thương Xót vô ngần của Người đã kịp thời giải cứu. Thấy chị đã chân thành ăn năn, sám hối, Người Quan Tòa, chí công, chí ái đã từ chối luận tội chị. Còn ưu ái dặn dò: “Thôi chị về đi, từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8, 11)

Anh em hãy giàu lòng thương xót, như Cha anh em là Đấng giàu lòng xót thương. (Lc 11, 36)

Lậy Chúa Giêsu vô cùng nhân ái, Chúa biết con yếu đuối, xin dạy con ăn năn sám hối cho trọn, biết chạy đến Lòng Thương Xót của Chúa, qua tòa hòa giải, để con được tha thứ, và phục hồi tấm áo linh hồn tươm tất sạch sẽ.

Lạy Mẹ Maria, xin chỉ cho con nhận thấy và lãnh nhận được những ân huệ diệu kỳ, mà con không đáng nhận được từ lòng Thương Xót vô biên của Chúa. Amen.

 

41.Trở về với nội tâm

(Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà)

Nhà hiền triết Socrates (470–399 TCN) là một triết gia Hy Lạp, có một lời khuyên vàng ngọc, được xem là châm ngôn tối thượng để giáo dục con người, đó là câu: “Hỡi người, hãy tự biết mình.” Đây là di ngôn quan trọng nhất mà Socrates để lại cho đời.

Không dễ biết mình

Tự biết mình là điều hết sức quan trọng, nhưng đây cũng là điều không dễ, bởi vì con người có đôi mắt nhìn ra mà không có mắt nhìn vào. Người ta thường nhìn ra ngoại giới nhưng rất ít khi hướng vào nội giới, vào nội tâm mình. Một nốt ruồi nhỏ trên khuôn mặt người khác, ta thấy rõ ràng; còn vết sẹo lớn trên trán mình, ta không nhìn thấy được. Lỗi lầm nho nhỏ của người khác, ta thấy tỏ tường; còn những lầm lỗi tệ hại của mình thì lại không hay biết. Thế rồi, chúng ta dành nhiều thì giờ để phê phán, để lên án người khác mà chẳng mấy khi phê phán bản thân.

Các kinh sư và người Pha-ri-sêu trong bài Tin mừng hôm nay cũng thế. Họ nhìn thấy rõ ràng tội lỗi của người phụ nữ ngoại tình, nhưng không nhìn thấy tội lỗi của họ. Họ bận tâm đến việc kết án người khác, nhưng không quan tâm đến việc sửa chữa lầm lỗi của bản thân.

Chúa Giê-su giúp ta tự biết mình

Chính vì thế, Chúa Giê-su muốn dạy cho họ một bài học tâm linh cần thiết là hãy trở về với nội tâm để nhận ra tội lỗi của mình trước, hãy trách mình trước rồi trách người khác sau như cổ nhân thường nói: "Tiên trách kỷ hậu trách nhân."

Bấy giờ, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn người phụ nữ phạm tội ngoại tình đến với Chúa Giê-su. Họ hối thúc Chúa Giê-su đưa ra ngay một phán quyết định đoạt số phận của người đàn bà tội lỗi. Về phần mình, Chúa Giê-su muốn dẫn dắt những người tưởng mình vô tội trở về với nội tâm để nhận ra tội lỗi mình mà hoán cải trước đã.

Thế nên, đứng trước những con người đang lăm le kết án người phụ nữ và mưu toan ám hại mình, Chúa Giê-su im lặng. Ngài thinh lặng và tạo nên bầu khí tĩnh lặng để tạo cơ hội cho mọi người tự vấn lương tâm. Ngài muốn kéo dài sự thinh lặng bằng cách ngồi xuống viết trên đất.

Khi người ta cứ hỏi mãi, phá tan sự im lặng cần thiết cho sự rà soát tâm hồn, Chúa Giê-su lên tiếng kêu mời họ hãy xét lại mình: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi!"

Rồi Ngài lại ngồi xuống thinh lặng, tiếp tục viết, viết trên đất để tạo bầu khí yên tĩnh cho mọi người hồi tâm.

Sau một hồi nhìn lại nội tâm mình trong yên lặng, những con người hăm hở kết tội người phụ nữ giờ đây dần dần nhận ra tội lỗi của họ, có khi còn nhiều hơn, còn nghiêm trọng hơn cả tội lỗi của người phụ nữ. Thế là những viên đá trên tay họ lộp bộp rơi xuống. Ai nấy xấu hổ lặng lẽ rút lui, để lại một mình Chúa Giê-su và người thiếu phụ. Hoá ra rốt cuộc, ai cũng nhận ra mình là người có tội, mà đã là người có tội thì sao không kết án mình trước? Sao lại đang tâm lên án người khác, có khi còn ít tội hơn mình!

Tự biết mình là điều rất cần thiết

Trở về với nội tâm để thấy được tội lỗi của mình là điều kiện tiên quyết để cải thiện bản thân.

Nếu tôi biết được mình hôi hám, tôi sẽ đi tắm ngay. Còn nếu tôi không nhận ra mùi hôi của cơ thể mình, thì mãi mãi tôi vẫn là người hôi hám.

Nếu tôi biết khuôn mặt mình dơ bẩn, tôi sẽ lau rửa tức khắc; bao lâu chưa thấy những vết dơ trên mặt, thì không hy vọng có khuôn mặt sạch sẽ hơn.

Nếu tôi thấy được sự xấu xa của nội tâm, sự bê bối của đời sống mình, tôi sẽ cải thiện ngay không trì hoãn.

Sự chuyển hóa bản thân, cải thiện cuộc sống chỉ thực sự bắt đầu lúc ta tự nhận biết tội lỗi mình. Nếu không thấy được lầm lỗi và những sai sót của mình, chúng ta sẽ không bao giờ cải thiện đời sống được.

Lạy Chúa Giê-su,

Trở về với nội tâm để rà soát chính mình, để thấy được tội mình là điều rất khó thực hiện và cũng chẳng được mấy người quan tâm. Xin Chúa thương giúp đỡ chúng con thực hiện công việc hệ trọng nầy.

Xin cho Lời Chúa trở nên tấm gương soi tâm hồn, giúp chúng con nhận ra những nết xấu làm vấy bẩn lòng trí, làm suy thoái nhân cách và giúp chúng con cải thiện kịp thời để trở nên người có phẩm chất cao đẹp đáng được Chúa và mọi người yêu mến.

 

42.Nhìn vào nội tâm để nhận biết tội mình

(Trích trong ‘Cùng Đọc Tin Mừng’ – Lm Ignatiô Trần Ngà)

Người ta thường nhìn ra ngoại giới nhưng rất ít khi nhìn vào nội giới, nhìn vào nội tâm mình. Con người có mắt nhìn ra mà không có mắt nhìn vào. Khuôn mặt duy nhất trên đời chúng ta không bao giờ có thể nhìn thấy trực diện, đó là khuôn mặt của chính chúng ta. Thế nên một nốt ruồi nhỏ trên mặt người khác, ta thấy rõ ràng; còn vết sẹo lớn trên trán mình, ta không thấy được. Lỗi lầm nho nhỏ của người khác thì mình thấy rõ ràng, còn lỗi lầm to lớn nặng nề của mình thì lại không hay. Thế rồi, chúng ta dành nhiều thì giờ để phê phán người khác mà chẳng bao giờ biết phê phán bản thân.

Các kinh sư và người Pha-ri-sêu trong bài Tin Mừng hôm nay cũng thế. Họ nhìn thấy rõ ràng tội lỗi của người phụ nữ phạm tội ngoại tình, nhưng không nhìn thấy tội lỗi của mình. Họ bận tâm đến việc kết án người khác, nhưng không quan tâm đến việc sửa chữa lầm lỗi của mình. Chính vì thế, Chúa Giêsu muốn nhân cơ hội để dạy cho họ một bài học tâm linh cần thiết là hãy nhận ra tội lỗi của mình trước, hãy trách phạt mình trước rồi lo trách phạt người khác sau. Cổ nhân cũng thường dạy ta như vậy: "Tiên trách kỷ hậu trách nhân."

Khi các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn người phụ nữ phạm tội ngoại tình đến với Chúa Giêsu, họ hối thúc Chúa Giêsu ra ngay một phán quyết định đoạt số phận của người đàn bà tội lỗi. Thế nhưng Chúa Giêsu không vội phán xét ai. Trước hết, Ngài muốn cho những người tưởng mình vô tội hãy xét lại chính mình.

Thế nên, đứng trước những con người đang lăm le kết án người phụ nữ và mưu toan ám hại mình, Chúa Giêsu lặng thinh không nói một lời.

Ngài thinh lặng và tạo nên bầu khí vắng lặng để cho mọi người tự vấn lương tâm. Ngài muốn kéo dài sự thinh lặng bằng cách ngồi xuống viết, viết trên đất.

Khi người ta cứ hỏi mãi, phá tan sự im lặng cần thiết cho sự rà soát tâm hồn, Chúa Giêsu lên tiếng kêu mời họ hãy xét lại mình: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi!".

Rồi Ngài ngồi xuống trong thinh lặng. Ngài cứ viết, viết trên đất để tạo bầu khí thinh lặng cho mọi người hồi tâm.

Nhìn lại nội tâm mình trong thinh lặng, những con người hăm hở kết tội người khác giờ đây dần dần nhận ra tội lỗi mình, có khi còn nhiều hơn, còn nghiêm trọng hơn cả tội lỗi của người phụ nữ. Thế là các viên đá trên tay lần lượt rơi xuống, họ xấu hổ lặng lẽ rút lui, để lại một mình Chúa Giêsu và người thiếu phụ. Hoá ra rốt cuộc ai cũng nhận ra mình là người có tội, mà đã là người có tội thì sao không kết án mình trước? Sao lại đang tâm kết án người khác cũng tội lỗi như mình!

Nhìn lại mình để thấy được tội lỗi của mình là điều hết sức quan trọng để cải thiện bản thân.

Nếu tôi biết được là mình hôi hám, tôi sẽ đi tắm ngay. Còn nếu tôi không nhận ra mùi hôi của cơ thể mình, thì mãi mãi tôi vẫn là người hôi hám.

Nếu tôi thấy được mặt mình dơ bẩn, tôi sẽ lau rửa tức khắc không chần chừ. Còn nếu không thì chẳng có gì thay đổi.

Nếu tôi thấy được sự xấu xa của nội tâm mình, sự bê bối của đời sống mình, tôi sẽ cải thiện ngay không trì hoãn.

Sự chuyển hóa bản thân, cải thiện cuộc sống chỉ thực sự bắt đầu lúc ta tự nhận biết tội lỗi mình.

Nhìn lại mình, nhìn vào mình để thấy được những tội lỗi của mình là khởi điểm, là bước đầu cho việc cải thiện đời sống. Không có bước nầy, chẳng thể có bước thứ hai, chẳng có gì được cải thiện.

Lạy Chúa Giêsu, nhìn lại mình để rà soát chính mình, để thấy được tội mình là điều rất khó mà cũng là việc không mấy ai muốn làm. Xin Chúa thương giúp đỡ chúng con.

Xin cho Lời Chúa trở nên gương soi cho chúng con, giúp chúng con nhận ra những vết nhơ trong tâm hồn chúng con, những nết xấu trong cuộc đời chúng con.

Lạy Chúa Giêsu, xưa kia, Chúa Giêsu đã giúp đám người Do Thái nhận ra tội lỗi của họ thì nay xin Ngài cũng giúp chúng con nhận ra lầm lỗi của mình để sửa đổi ăn năn.

 

43.Ném đá – Lm. Anphong Trần Đức Phương

Bài Đọc I (Isaia 43:16-21) đem lại niềm hy vọng trong Mùa Chay: “Hãy quên đi những việc đã qua và đừng quan tâm đến các việc xa xưa nữa…Thiên Chúa hứa sẽ đổi mới mọi sự, khai mở đường đi và cho dân Chúa có nước uống…”

Trong Bài Đọc II (Philiphê 3:8-14) Thánh Phaolô cũng nói Ngài quên hẳn những gì ở đàng sau và chỉ hướng về phía trước “để chạy đến đích cuối cùng là phần thưởng Nước Trời, trong sự hiệp thông với sự đau khổ của Chúa Giêsu và sự Phục Sinh của Người.”

Bài Phúc Âm (Gioan 8:1-11) ghi lại một câu chuyện rất cảm động về người phụ nữ bị kết án là phạm tội ngoại tình đáng phải ném đá cho đến chết theo luật Môise (Thứ Luật 22:23-24); nhưng chẳng ai dám ném đá chị, vì Chúa bảo “ai hoàn toàn sạch tội hãy ném đá chị đó đi!” Mọi người đều sợ hãi bỏ đi, vì nhận thấy chính mình cũng đầy tội lỗi. Đứng lại ném đá, sợ Chúa Giêsu là “Đấng thấu suốt mọi sự, đã có thể làm cho người chết sống lại, người bệnh được chữa khỏi,” sẽ vạch tội họ ra chăng. Chưa kể còn có những người có đời sống xấu xa mà ai cũng biết! Chúa Giêsu đã tha thứ cho người phạm tội ngoại tình và bảo: “Cha cũng không kết án con. Con hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa!”

Trong Chúa Nhật trước, chúng ta đã có dịp đọc và suy niệm về Dụ Ngôn rất cảm động “Người Cha Nhân Hậu” (Luca 15:1-3,11-32). Chúa Giêsu kể dụ ngôn đó để trả lời những nguời Biệt Phái và Luật Sĩ cứ tự cho mình là người công chính, giữ luật đầy đủ và phàn nàn là Chúa Giêsu cứ “đón tiếp những người tội lỗi và còn ngồi ăn uống với họ…” Qua Dụ Ngôn “Người Cha Nhân Hậu” và thái độ tha thứ cho người phụ nữ ngoại tình trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu muốn tỏ cho chúng ta thấy Thiên Chúa luôn yêu thương và mời gọi những người trót “sa ngã phạm tội vì yếu đuối” hãy ăn năm sám hối, chừa bỏ đời sống tội lỗi, cải thiện đời mình , để trở nên những con người mà Chúa “đã dựng nên theo hình ảnh Chúa” (Khởi Nguyên 1:27). Vì thế, Chúa Giêsu đã nhấn mạnh “Ta đến không phải để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi. (Matthêu 9:13).

Thực sự, Chúa Giêsu không bao che tỗi lỗi. “Tội vẫn là tội,” vẫn đáng bị kết án (Matthêu 5:27-30); người đàn bà ngoại tình hôm nay, thực sự vẫn là một tội nhân. Nhưng Chúa Giêsu đã phải chịu khổ nhục và chết trên Thánh Gía để chuộc tội chúng ta. Ngài luôn muốn cho tội nhân có một cơ hội để “làm lại cuộc đời!” Ngay trước khi chết trên Thánh Gía Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho chính những kẻ đã lên án bất công, hành hạ và giết Ngài:“ Xin Cha tha tội cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Luca 23:34).

Tội luôn là điều xấu phải xa tránh. Nhưng trên trần gian này, ai dám tự vỗ ngực mình và tuyên bố “ Tôi hoàn toàn sạch tội” để mà lên án người khác, để mà “ném đá người khác!”

Mùa Chay là “thời gian rất thuận tiện” (2 Côrintô 6:2)) để chúng ta ăn năn sám hối lỗi lầm, chừa bỏ tội lỗi. Chúng ta hãy lo ăn năn sám hối và “đấm ngực mình, đừng lo đấm ngực người khác” để xin Chúa thứ tha tội lỗi và giúp chúng ta chừa bỏ tội lỗi.

Xin cùng cầu nguyện chung cho nhau để trong những ngày trọng đại này, chúng ta biết hy sinh dành nhiều thời giờ hơn để cầu nguyện, dự các cuộc Tĩnh Tâm Mùa Chay, hy sinh hãm mình thắng vượt những đam mê tội lỗi, thanh tẩy tâm hồn qua Bí Tích Hòa Giải (Xưng Tội) và dành dụm tiền bạc giúp người nghèo khó trên thế giới. Xin Mẹ Maria, Thánh Giuse và các Thánh chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta được chết đi với tội lỗi, cải thiện đời sống để được cùng sống lại thật với Chúa trong đời sống trong sạch, hòa hợp yêu thương và nhiệt thành phụng sụ Chúa và mọi người trong cuộc sống hàng ngày.

 

44.Đừng kết án anh em

(Trích trong ‘Cùng Nhau Suy Niệm’ – Lm Jos. Tạ Duy Tuyền)

Nếu có lúc nào đó chúng ta sa ngã vì yếu đuối, vì lầm lỡ, chúng ta cần điều gì nơi tha nhân? Cần trừng trị cho thích đáng hay cần khoan dung tha thứ? Cần những lời kết án cay nghiệt hay cần những lời cảm thông nâng đỡ? Có lẽ ai cũng cần được khoan dung để có cơ hội làm lại cuộc đời. Có lẽ ai cũng cần sự cảm thông để tìm lại sự bình an tâm hồn. Thế nhưng, giòng đời thường không đối xử tốt với chúng ta như vậy. Người đời thường dễ kết án hơn tha thứ. Người đời thường tìm cách xa lánh kẻ phạm tội hơn gần gũi để cảm thông. Có biết bao nhiêu lý do để người ta luận tội và kết án lẫn nhau, và chắc chắn cũng có rất nhiều lý do để họ xa tránh kẻ phạm tội để khỏi lụy vào thân.

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy một quang cảnh rất đời thường. Có một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Chị đã phạm phải trọng tội mà theo luật Do Thái phải chịu ném đá tử hình. Các luật sĩ và biệt phái đã dẫn người phụ nữ này đến trước mặt Chúa Giêsu. Mỗi người một hòn đá. Mỗi người một khuôn mặt mang đầy sát khí hôi tanh. Họ sẵn sàng trị tội một người để làm gương cho nhiều người. Tất cả đang sẵn sàng một án tử hình cho người phụ nữ thấp cổ bé miệng, lại cô thân cô thế. Kẻ đã từng tòng phạm với chị cũng đã được tẩu thoát. Vì phúc âm nói rằng: "người ta dẫn tới trước mặt Chúa một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình". Ngoại tình phải là hai người. Quả tang tức là bắt tại chỗ. Thế mà chỉ có một mình chị bị dẫn ra trước đám đông, còn kẻ đồng phạm với chị đâu? Có thể anh ta là người có thế lực và giầu có nên đã mua chuộc các hương chức trong làng? Có thể anh ta là loại người "vừa ăn cướp vừa la làng" chăng? Và như thế, có thể anh ta cũng cùng đứng chung với nhóm người đang chờ đợi ném đá người phụ nữ tội lỗi này. Chị cúi đầu chẳng dám nhìn ai. Chị biết tội mình đã làm nên chẳng thốt lên lời van xin. Chị đã sẵn sàng cho một cái chết dành cho một người phụ nữ lăng loàn.

Nhưng phúc đức cho chị, những kẻ chủ mưu ném đá chị lại muốn "mượn gió bẻ măng". Họ muốn dùng một mũi tên mà "bắn chết hai con nhạn". Họ đòi Chúa Giêsu làm trọng tài để nhân cơ hội này, hãm hại chính Chúa Giêsu. Nếu Chúa bảo tha, là chối bỏ luật của tiền nhân. Nếu Ngài bảo phải chết, lại vi phạm quyền xét xử của Đế quốc Rôma đang cai trị nước Do Thái.

Chúa Giêsu đã không kết án, nhưng cũng không dung túng sự xấu mà chị ta đã phạm. Ngài đã im lặng lấy tay viết trên cát. Có nhiều người cho rằng Ngài đã viết lên những tội lỗi của con người đã từng phạm. Ngài đã viết trên cát chứ không ghi khắc vào bia đá hay giấy vở. Cát sẽ bị xoá nhoà. Tội lỗi con người luôn được Chúa khoan dung tha thứ, vì "nếu Chúa chấp tội nào ai rỗi được, nhưng Chúa luôn rộng lượng thứ tha". Có nhiều ngừơi cũng cho rằng: Ngài muốn trì hoãn thời gian, để mỗi người tự vấn lương tâm. Có cần kết liễu một đời người mà thanh danh đã bị bôi nhọ bởi hành vi lăng loàn của mình hay không? Ngài muốn có một khoảng thời gian tĩnh lặng để những cảm xúc: hỉ, nộ, ái, ố được lắng dịu hầu có thể đối xử công bằng với nhau hơn. Cuối cùng, Ngài đã nói với đám đông rằng: "ai trong các ông trong sạch, thì hãy ném đá người này đi". Sự trong sạch không chỉ là không làm những điều xấu, mà còn đòi hỏi sự trong sạch trong tâm hồn chưa một lần ước muốn phạm tội. Sự trong sạch không chỉ là không phạm tội mà còn là không làm gương mù gương xấu cho người khác. Tất cả đều lặng lẽ bỏ cuộc. Từ người lớn tới người nhỏ, xem ra không ai là người trong sạch đủ để có thể thi hành một lề thói dã man này. Họ đã bỏ đi hết. Một quang cảnh thanh bình đã đến với chị. Chân trời mới đã mở ra với chị. Chúa Giêsu đã mở ra cho chị một con đường sống, bằng một giọng nói dịu dàng nhưng chứa đựng một nguyên tắc sống cho cả cuôc đời của chị: "Ta cũng không kết án chị phải chết đâu! chị hãy về bình an và từ nay đừng phạm tội nữa". Một làn gió của yêu thương đã xoá bỏ quá khứ tội lỗi của chị. Làn gió của yêu thương đã mang lại cho chị một niềm hy vọng những điều tốt đẹp sẽ đến trong cuộc đời của chị.

Kính thưa, quý Ông Bà Anh Chị Em, Có bao giờ chúng ta đã từng nói điều đó với anh em chúng ta chưa? Có bao giờ chúng ta đã đối xử khoan hồng với nhau chưa? Có bao giờ chúng ta đã can đảm xoá bỏ đi những thành kiến xấu về người anh em hay chưa? Nếu chưa, chúng ta hãy tập để đối xử tốt với nhau hơn. Nhiều người vẫn biết rằng "nhân vô thập toàn", thế nhưng vẫn để "bụng" và cố chấp về những lầm lỗi của anh em. Nhiều người vẫn đầy rẫy khuyết điểm nhưng lại dễ dàng la rầy, kết án anh em. Nhiều người đã quên cái đà trong mắt mình, mà lại chỉ thích tìm kiếm bới móc, bêu xấu, những cái rác của tha nhân.

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta: "đừng kết án để khỏi bị kết án". Hãy sống độ lượng với nhau để xây dựng một thế giới thanh bình. Và hãy nhớ rằng: "điều gì anh em không muốn người khác làm cho mình thì cũng đừng làm cho người ta như vậy". Amen.

 

home Mục lục Lưu trữ