Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 61

Tổng truy cập: 1373257

Tình Yêu Và Tha Thứ

Cập nhật : 10-06-2016
 

TÌNH YÊU VÀ THA THỨ

Bài đọc 1: 2 Sm 12, 7-10. 13
Bài đọc 2: Gl 2, 16. 19-21
Tin mừng: Lc 7, 36-8, 3

Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn

***

CN11TNC-013Tin mừng theo thánh Luca thường được gọi là Tin mừng của lòng thương xót. Với cái nhìn của một vị lương y, thánh Luca đọc được lòng thương xót của Thiên Chúa đối với các tội nhân. Hôm nay, lòng thương xót ấy của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu, được thánh sử trình bày qua câu chuyện mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin mừng

  1. Lòng thương xót của Thiên Chúa:

Khi ấy, có một người Biệt phái mời Chúa Giêsu dùng bữa tại nhà mình, đang khi ngồi bàn ăn, thì có một người đàn bà tội lỗi trong thành đến ngồi dưới chân Chúa Giêsu mà khóc nức nở. Nước mắt của bà chảy ra đã làm ướt đẫm cả chân Chúa Giêsu, và bà ta đã lấy chính tóc mình để lau chân Chúa Giêsu. Một hình ảnh hết sức cảm động.

Thế nhưng, sự việc ấy lại làm cho những người Biệt phái đang hiện diện hết sức khó chịu. Họ khó chịu vì Chúa Giêsu không những đã tiếp xúc với người đàn bà tội lỗi, Ngài lại còn để cho chị ta ôm lấy chân Chúa. Họ lẩm bẩm: “Nếu ông nầy là tiên tri thì phải biết người đàn bà đang động đến mình là ai và thuộc hạng người nào; là một người tội lỗi”. Như thế, chẳng những không thông cảm với những giọt nước mắt thống hối của người đàn bà tội lỗi, những người Biệt phái còn kết án luôn cả Chúa Giêsu, vì Ngài đã tiếp xúc với người tội lỗi.

Phần Chúa Giêsu, Ngài đã tỏ ra một thái độ hết sức khoan dung và đầy lòng thương xót. Ngài nhẹ nhàng nhắc nhở chủ nhà  khi kể cho ông một câu chuyện hai người cùng mắc nợ, kẻ nhiều người ít. Vì cả hai không có gì để trả nợ. Do đó, chủ đã tha nợ cho cả hai người. Và Chúa đã hỏi ông: “Vậy trong hai người đó, ai là người yêu mến chủ nợ nhiều hơn?”. Ngay lập tức ông Simon đã trả lời: “Tôi nghĩ người được tha nhiều hơn”. Được tha nhiều nên đã yêu nhiều. Và chính vì đã yêu nhiều nên lại được tha nhiều hơn.

Tha thứ đi liền với lòng thương xót. Tha thứ chính là một trong những biểu lộ rõ ràng nhất của tình yêu. Chính Đức Giêsu trong giờ phút cuối cùng trên thập giá cũng đã chứng tỏ tình yêu của Ngài đối với chúng ta qua lời nguyện xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm
(Lc 23, 34). Trở lại với người phụ nữ tội lỗi trong bài Tin mừng, Chúa Giêsu đã nói rõ: “Tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều. Kẻ được tha ít thì yêu mến ít”.

Vâng, cho dù tội lỗi chúng ta có nhiều, nhưng chỉ cần chúng ta thật lòng sám hối, ăn năn thì Thiên Chúa sẽ tha thứ tất cả cho chúng ta. Trong bài đọc một, vua Đavít sau khi đã phạm trọng tội  là giết người, lại còn cướp vợ của Uria về làm vợ mình, thì giờ đây khi được ngôn sứ Nathan nhắc nhở, nhà vua đã thật lòng sám hối và Chúa cũng đã tha thứ cho nhà vua. Ngôn sứ Nathan nói với vua: “Chúa cũng đã tha tội cho vua rồi và vua sẽ không phải chết”.

Chúa Giêsu đã yêu thương và tha thứ cho hết thảy tội nhân. Nơi Chúa Giêsu, mỗi người chúng ta đã nhận được lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Đây quả là một Tin mừng, một Tin mừng của yêu thương mà mỗi người chúng ta đều có bổn phận phải loan báo cho con người trong thế giới hôm nay.

  1. Sống Tin mừng hôm nay:

Trong cuộc sống hằng ngày, có khi tôi và quý OBACE cũng rơi vào tình trạng của những người Biệt phái trong bài Tin mừng khi chúng ta khó chịu, ganh tỵ với những thành công của người khác, nhất là những người mà chúng ta cho là tội lỗi hơn mình. Thậm chí, có khi chúng ta còn trách Chúa sao chẳng thấy “sự thánh thiện” của mình. Chúng ta phàn nàn khi thấy những người “khô khan, nguội lạnh” gặp may mắn. Đó quả thật không phải là cách sống của Tin mừng. Lòng bác ái theo Tin mừng mời gọi chúng ta sống bao dung, quảng đại “không ghen tuông,… không mừng trước sự bất công, nhưng biết chia vui cùng lòng chân thật” (1 Cr 13, 4. 6). Sau này trong thư gởi tín hữu Corinhtô, thánh Phaolô còn nói: “Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người” (1 Cr 9, 22).

Như vậy, bài học đầu tiên chúng ta học được trong bài Tin mừng, đó là lòng thương xót của Chúa Giêsu. Theo gương Chúa Giêsu mỗi người chúng ta hãy mở rộng lòng mình với tha nhân. Không kết án, ganh tỵ, nhưng luôn biết chung vui với anh chị em chúng ta khi họ gặp điều may lành; chia sẻ và thông cảm với họ khi họ gặp thử thách, gian truân, như Chúa Giêsu đã làm đối với chị phụ nữ trong bài Tin mừng.

Bài học thứ hai là lời mời gọi chúng ta biết ăn năn sám hối trở về như người phụ nữ trong bài Tin mừng. Lòng thống hối của người phụ nữ được thể hiện bằng một hành vi rất cụ thể. Tin mừng ghi lại:“Bà đứng phía chân Người, khóc nức nở, nước mắt ướt đẫm chân Người, bà lấy tóc lau, rồi hôn chân và xức thuốc thơm”. Như vậy, cho dù đời sống quá khứ của chị đầy tội lỗi, mọi người đều biết, nhưng giờ đây, chị không biện hộ, không đổ lỗi cho hoàn cảnh hay bất cứ ai, nhưng chị cũng không tuyệt vọng, chị tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Chị ta đã “khóc nức nở”. Chị khóc vì nhận ra tội lỗi của mình và chờ đợi lòng thương xót của Chúa Giêsu. Và cuối cùng chị đã nhận được lòng thương xót ấy, Chúa Giêsu nói với chị: “Tội con được tha rồi”.

Chúa đã tha thứ cho chị, vì Chúa nhìn thấy được quyết tâm đổi đời qua dòng nước mắt thống hối của chị.

Cuối cùng, lòng yêu mến Thiên Chúa được chứng tỏ qua lòng yêu mến tha nhân. Còn lòng yêu mến tha nhân lại được chứng tỏ bằng việc chúng ta tha thứ cho tha nhân. Như thế, chính mức độ tha thứ của chúng ta đối với tha nhân là thước đo để biết mức độ chúng ta yêu mến Thiên Chúa. Và chúng ta cũng chỉ có thể hết lòng yêu mến Thiên Chúa, nếu như chúng ta cảm nghiệm được ơn tha thứ vô biên của Thiên Chúa trong cuộc đời mình.

Do đó, nếu chúng ta luôn sẵn sàng tha thứ cho những lỗi lầm thiếu sót của tha nhân, thì đó là dấu chứng tỏ trong chúng ta đang có một tình yêu đối với Thiên Chúa thật sâu đậm. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định rõ ràng trong bài Tin mừng: “Ai được tha nhiều thì yêu mến nhiều, ai được tha ít thì yêu mến ít.

Do đó, nếu chúng ta còn ngại ngần tha thứ cho tha nhân là chứng tỏ lòng chúng ta chưa yêu mến Chúa nhiều. Và nếu lòng chúng ta chưa yêu mến Chúa nhiều, nghĩa là chúng ta chỉ được tha ít. Và nếu như thế, thì quả thật rất nguy hiểm cho chúng ta.

Giờ đây, để sống trọn vẹn giáo huấn của Tin mừng, mỗi người chúng ta hãy đổi mới cuộc sống của mình theo lời dạy của thánh Phaolô trong bài đọc hai: “Hiện giờ tôi sống trong thân xác, là tôi sống trong lòng tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và phó mình vì tôi”. Để rồi từ đây, chúng ta cũng có thể nói: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi”. Amen.

 
Nguồn : gxta 

home Mục lục Lưu trữ