Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 44

Tổng truy cập: 1364506

TÔI LÀ NGƯỜI THÂN CẬN CỦA AI ?

TÔI LÀ NGƯỜI THÂN CẬN CỦA AI ?

Petrus.tran

Người Rôma xưa có câu “Homo homini lupus” nghĩa là “Con người đối xử với nhau chẳng khác gì chó sói”. Thoạt nghe câu nói trên, nó làm cho chúng ta có cảm tưởng lời nói đó quá khắt khe. Nhưng, quả thật, nhìn vào thực tế của xã hội hôm nay, chúng ta không khỏi giật mình vì cách đối nhân xử thế của con người. Chúng ta không khỏi bàng hoàng về phẩm hạnh của con người ngày một xấu đi.

Thật vậy, theo dõi trên truyền thông đại chúng, có thể nói, không ngày nào mà không có một án mạng xảy ra. Gần đây nhất, ngày 8/7/2013, là chuyện một người cháu trai “đi chơi về thấy cửa khoá nên leo cổng theo lan can lầu một vào trong và bị ông ngoại mắng. Tức giận, Tú (tên người cháu trai) đạp vào ngực và vật lộn với ông. Do khoẻ hơn nên đứa cháu bất nhân thắng thế, lấy máy nghe nhạc gần đó đập vào đầu rồi bóp cổ ông ngoại đến tắt thở”. (nguồn: vnexpress)

Xa hơn nữa là chuyện vợ giết chồng, mẹ giết con, rồi đến chuyện “mạng chó đổi mạng người” mà khi nghe đến, chúng ta không khỏi ngao ngán và tự hỏi: giữa con người với con người… “tình người” nay còn đâu?

***

“Tình người” hay nói đúng hơn “Tình yêu thương”… Vâng, đó là một trong những giáo lý căn bản mà một người Kitô hữu phải biết đến và thực thi. Trong Mười Điều Răn Đức Chúa Trời, chúng ta được truyền dạy rằng, “Mười điều răn ấy tóm về hai này mà chớ: trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen”.

“Mến Chúa”… vâng, thật dễ dàng. Còn “Yêu người” quả là không dễ chút nào. Thế nhưng, nếu chúng ta chỉ Mến-Chúa mà không Yêu-người, như thế, chúng ta chưa làm trọn lệnh truyền của Chúa, chúng ta chỉ mới giữ một nửa điều răn của Chúa.

Kinh thánh đã dạy chúng ta rằng, “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4, 20).

Nói tới “yêu thương người”… Tạ ơn Chúa vì Người đã để lại cho chúng ta một bài học sâu sắc về “tình người” qua dụ ngôn “Người Samaria tốt lành”.

***

Câu chuyện “Người Samaria tốt lành” được chép trong Tin Mừng Luca (10, 25-37). Thật ra, nếu được phép, vâng, chúng ta có thể nói rằng, đây là một câu chuyện “2 trong 1”. Gọi như thế là bởi câu chuyện “Người Samaria tốt lành” là câu trả lời cho câu chuyện trước đó.

Câu chuyện trước đó được kể lại rằng, Có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp’” (Lc 10, 25).

Đây không phải là lần đầu tiên có người tìm đến Đức Giêsu để hỏi Ngài một câu hỏi với nội dung như thế. Trước đây, cũng đã có một chàng thanh niên giàu có đến với Đức Giêsu cũng với nhã ý nêu trên.

Với chàng thanh niên giàu có, Đức Giêsu đã đưa ra những lời khuyên anh ta, để nhờ đó, anh ta có thể đón nhận được điều anh ta muốn có. Ngược lại, với người thông luật, thay cho lời khuyên, Ngài đã đưa ra một câu hỏi, một câu hỏi ngầm ý như một lời trách cứ, rằng “Trong luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?”

Vâng, làm sao không trách cứ anh chàng thông luật này cho được. Người thông luật, chính là thầy thông giáo, thầy thông giáo chính là người am hiểu, rành rẽ luật Môse, luật Môse được ghi trong ngũ thư là những cuốn sách nói rất rõ về Mười Điều Răn, về lề luật, về lễ nghi thờ phượng Đức Chúa Trời.

Nói cách khác, là thầy thông luật, ông ta dư biết “đáp án” cho câu hỏi của ông ta. Thật vậy, sau khi nghe câu hỏi của Đức Giêsu, vị thông luật đã trả lời “ngọt sớt” rằng “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa Trời, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình”.

Qua cách trả lời của ông ta như thể chính ông ta là người ra câu hỏi.

Thế nhưng, điều đáng trách hơn nữa, ông thầy thông luật này đã thâm hiểm khi biến câu trả lời của mình thành câu hỏi, một câu hỏi hóc búa, trước là để thử Đức Giêsu, sau là để chứng tỏ mình-có-lý.

“Nhưng ai là người thân cận của tôi?” Ai! “Ai là người thân cận của tôi?”

Không trả lời trực tiếp vào câu hỏi, Đức Giêsu, một lần nữa, đã dùng một dụ ngôn, một dụ ngôn cho đến ngày nay, giới luật pháp quốc tế đã biến nó thành một đạo luật mang tên “luật người Samari nhân hậu”.

Lm. Jude Siciliano, OP. mở đầu bài giảng về chủ đề “người Samari nhân hậu” cho biết “Trong thế giới luật pháp có ‘luật người Samari nhân hậu’, luật này yêu cầu bảo vệ hợp pháp với những ai giúp đỡ chính đáng cho người khác khi người đó bị thương tích, đau yếu hoặc trong những tình cảnh hiểm nghèo. Luật người Samari nhân hậu này nhằm khuyến khích người khác trợ giúp những ai lâm cảnh hoạn nạn”.

Thì đây, câu trả lời của Đức Giêsu cho vị thông luật, qua dụ ngôn “người Samari nhân hậu” đã mô tả rõ nét “Ai là người thân cận của tôi”.

Ba nhân vật được đề cập trong dụ ngôn, lần lượt là thầy tư tế, rồi đến một thầy Lêvi, cuối cùng là một người Samari. Cả ba, kẻ trước người sau, đều đi trên một lộ trình, lộ trình từ “Giêrusalem xuống Giêricô” (x.Lc 10, 30).

Cả ba đều nhìn thấy cảnh bi đát của một người lữ khách. Anh ta “bị rơi vào tay kẻ cướp… bị lột sạch… bị đánh nhừ tử…” và bị quẳng ra nằm rên rỉ giữa ngã ba đường làng.

Không thể tin được! Dù trông thấy người lữ khách đang nằm “nửa sống nửa chết”… Nhưng cả thầy tư tế lẫn thầy Lêvi đều “tránh qua bên kia mà đi”.

Người Samari. Vâng, người Samari “cũng thấy và chạnh lòng thương”. Sự chạnh lòng thương của anh chàng Samari không dừng ở đôi mắt, không dừng ở tấm lòng, nó được lan tỏa tới đôi chân và đôi tay.

Chuyện kể rằng “Ông ta lại gần”. Lại gần làm gì? Để xem trên con người bất hạnh này còn thứ gì quý giá “hốt hụi chót” chăng! Thưa không. “Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc” (Lc 10, 34)

Viết tới đây, tôi chợt nhớ lại, cách đây khá lâu, ngay tại Saigon (dường như ở bùng binh ngã sáu Chợ Lớn thì phải), có một người bị cướp, bọn cướp giật túi tiền của anh ta, anh ta giật lại được, nhưng xui xẻo thay! túi tiền đó bị rách do sự giằng co giữa anh ta và kẻ cướp, tiền văng tung tóe trên đường.

Lúc đó nhằm giờ tan sở, rất nhiều người dừng xe lại lượm tiền rơi vãi, thế nhưng, thay vì gom lại trả cho khổ chủ, tệ thật! những kẻ dừng lại lượm tiền coi đó như là “của trời cho” họ, họ ung dung đút tiền vào túi và lên xe “Dzọt”…

Hay như câu chuyện một ông bác sĩ lái xe gây ra tai nạn hàng loạt trên đoạn ngã tư đường Lý Thái Tổ - Sư Vạn Hạnh. Trong khi rất nhiều nạn nhân đang oằn oại rên siết vì chấn thương, thay vì nhanh chóng đưa nạn nhân đi cấp cứu, nhiều người giở trò lưu manh lục soát ví tiền, cốp xe nạn nhân, cướp tiền cướp tư trang của họ.

Thật buồn thay! “tình người” trong thời buổi “xã nghĩa” là như vậy đó!

Trở lại câu chuyện dụ ngôn. Câu trả lời đã rõ.

“Ai là người thân cận của tôi?”. Đối với thầy thông luật cũng như toàn thể người Do Thái, họ quan niệm rằng “người thân cận” chính là người-đồng-đạo, đồng hương và đồng chủng tộc.

Với Đức Giêsu, qua dụ ngôn, Ngài không chỉ gửi đến thầy thông luật một “đáp án” mà còn để lại nơi ông ta một quan niệm mới về “tình người”.

“Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” Thầy thông luật với một nhãn giới mới về “tình yêu thương” ông ta đã không ngần ngại trả lời rằng “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy”.

****

Câu chuyện “người Samari nhân hậu”, qua lăng kính thần học, Lm. Charles E. Miller đã chia sẻ rằng, “Tội lỗi ‘mai phục’ trên đường đi của nhân loại, chực tước đoạt nhân phẩm của chúng ta, trấn lột chúng ta và cướp đi ân điển của Thiên Chúa. Tội đánh đập ta nhừ tử, rồi bỏ mặc ta dở sống dở chết. Chúa Giêsu đến nâng ta dậy, không phải để đặt lên lưng một con vật nào đó, mà là lên vai của Người và đưa ta về nhà Giáo Hội. Nơi đây, chúng ta được chăm sóc cho đến lúc Người lại đến trong vinh quang trong ngày chúng ta được sống lại”

Vâng, là một Kitô hữu, chúng ta chẳng khác gì người lữ khách đi trên con đường về Trời-Mới-Đất-Mới. Vẫn còn đó, những “bọn cướp” tìm đủ mọi cách để cướp đi cuộc-sống-đức-tin của chúng ta, bằng những chủ thuyết vô thần lừa lọc và dối trá, bằng những thú đam mê dục vọng, bằng tiền tài danh vọng, bằng một nền văn hóa sự chết.

Vì thế cho nên, đừng rời xa Giáo Hội, nơi mà “Nhờ máu (Chúa Giêsu) đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an” cho chúng ta, sự bình an đó giúp chúng ta có thể vững tin để trở nên “người Samari nhân lành”.

Một khi chúng ta trở nên “người Samria nhân lành”, dù ở một lãnh vực nào, ở một ơn gọi nào, chúng ta vẫn có thể nhận ra “ai là người thân cận của tôi” .

Nói cách khác, dù tôi là Giám Mục hay Linh Mục, là bác sĩ hay kỹ sư, là nông dân hay công nhân, là một người chồng hay người vợ, là sinh viên hay học sinh v.v… tôi vẫn có thể nhận ra “tôi là người thân cận của ai”.

 

7.Chúa Nhật 15 Thường Niên

Trong bài Phúc Âm hôm nay (Lc 10, 25-37) Chúa Giêsu nói về dụ ngôn "người Samari tốt lành" để trả lời cho chàng luật sư muốn gài bẫy Chúa khi đặt câu hỏi: "Ai là người thân cận của tôi" (Lc 10, 29). Người ta đã thấy Chúa làm niều điều hay lẽ phải, ăn nói khôn ngoan, tinh thông mọi điều. Vì thế, chàng luật sư này liền đến chất vấn Chúa Giêsu. Luật của người Do Thái đã giới hạn sự giao tiếp giữa người Do Thái với những người không phải là DoThái.

Chúa Giêsu thấy chàng luật sư chưa sống đời mình một cách thực tế, còn chờ đợi, xem ai là người anh chị em của mình để yêu thương giúp đỡ. Chúa Giêsu kể câu chuyện một người đi đường từ Giêrusalem xuống Giêricô, dọc đường chẳng may bị kẻ cướp lấy tất cả đồ dùng quần áo, đánh cho nửa sống nửa chết, vắt nằm lăn lóc bên đường. Một tư tế đi qua rồi một trợ tế đi qua nhìn thấy tránh sang một bên và thản nhiên tiếp tục con đường của mình.

Tư tế và trợ tế là những bậc vị vọng trong một dân tộc mà chính quyền và giáo quyền làm một như dân Do Thái thời bấy giờ và ai cũng muốn làm bạn cùng những người đó. Trái lại sau đó, một người xứ Samaria là một nước thù địch cùng nước Giuđa lúc bấy giờ vì nạn Nam-Bắc phân tranh, người đó đi qua và hết lòng tận tình săn sóc nạn nhân người Giuđa. Kể xong, Chúa Giêsu long trọng hỏi chàng luật sư đó: "Ai là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?". Dĩ nhiên câu trả lời là người tỏ lòng thương xót giúp đỡ. Và Chúa Giêsu đã kết luận cuộc đối thoại bằng một câu đáng giá ngàn vàng: "Vậy ông hãy đi và làm như thế". Hãy thực tế, đừng ngồi đó hỏi ai là anh chị em tôi để tôi yêu mến, để tôi lo lắng, để tôi săn sóc. Nhưng trước tiên hãy sống tỏ ra mình là người anh chị em của mọi người trước đã. Khả năng tỏ ra anh chị em của người khác ở trong tay của mình, đừng ngồi đó chờ mà hãy thực hành ngay.

Đối với chàng luật sư, luật cũ dựa trên nhân bản, lấy con người của mình làm tiêu chuẩn để cư xử: "Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và người thân cận như chính mình" (Lc 10, 27). Xét về mặt công bằng xã hội, nếu chúng ta tôn trọng nhân vị của người khác như chính bản thân mình, đó là điều tốt. Sách Giáo Lý Công Giáo cũng dạy: "Mỗi người hãy coi tha nhân, không trừ một ai như chính bản thân mình" (GLCG số1931)

Đối với Chúa Giêsu, dựa trên tinh thần đạo đức siêu nhiên, Ngài đã bổ túc luật cũ, lấy tiêu chuẩn hành động là Thiên Chúa; "Đây là điều răn của Thầy: " Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con" (Ga 15, 12; 13, 34). Công Đồng Vaticanô II trong Hiến Chế Lumen Gentium đoạn 40 cũng nhắc nhở: "Bởi vậy, Người đã sai Thánh Thần đến với mọi người, để từ bên trong Ngài thôi thúc họ yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn cùng hết sức họ (Mc 12,30) và yêu thương nhau như Chúa Kitô yêu thương họ" (Ga 15, 12; 13, 34)

Chúa Giêsu đã không những chỉ dạy về sự chạnh lòng thương, mà chính Ngài là lòng thương xót, chính Ngài đã đóng vai trò của người Samari tốt lành. Nhân loại chúng ta là những nạn nhân bị đánh đập, cướp bóc, bị thương tích nửa sống nửa chết, bị bỏ rơi dọc đường trên cuộc hành trình tìm về sự sống vĩnh cửu. Tình yêu thương, sự chạnh lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện qua việc nhập thể, mang lấy thân phận làm người, cùng chịu đau khổ, chịu chết và sống lại. Chúa Giêsu đã đến gần chúng ta, săn sóc lo lắng cho chúng ta. Ngài từ phía trời cao, xuống thế, và tự đặt mình vào trong hoàn cảnh của chúng ta. Chính Ngài là người hàng xóm đã chạnh lòng thương chúng ta. Mặt khác, Người cũng chính là nạn nhân của nhân loại, đã bị đánh đập tàn nhẫn và chết thê lương trên thập giá mà không có ai cứu chữa (Mc 15, 34). Chúa Giêsu là Người tôi tớ rao giảng sự công chính, như con chiên bị sát tế cách bất công (Cv 8, 32; Is 50, 6). Chúa Giêsu đặt ra một thử thách lớn đối với những người đồng hương Do Thái của Ngài. Trong bối cảnh lịch sử thời ấy, người Do Thái và Samaria là những kẻ thù cay đắng của nhau. Người Do Thái nhìn người Samaria là loại công dân bậc hai hay ba, vì họ không còn mang dòng máu thuần khiết Do Thái nữa. Chúa Giêsu cũng muốn nói với chúng ta ngày nay rằng: "Mỗi người ở một lúc nào đó đều là thân cận, bởi mỗi người sẽ có lúc cần phải được giúp đỡ, ngay cả kẻ thù đáng ghét nhất của bạn. Hãy biểu tỏ lòng thương xót - chạnh lòng thương- qua việc phục vụ cho bất cứ ai đang cần giúp đỡ".

Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta phải thực tế, phải sống và tạ ơn vì những gì Chúa đã ban, phải vâng theo những lề luật Chúa ghi khắc trong tâm hồn và dạy phải tuân giữ. Hằng ngày chúng ta gặp những người cô đơn, bị bỏ rơi, thiếu tình thương và chăm sóc, bị ngược đãi, thất vọng, chán nản và mặc cảm tội lỗi. Họ kêu cứu trong bài đáp ca hôm nay "Tôi buồn sầu và đớn đau" chúng ta đừng bỏ qua. Hãy dừng lại và giúp họ. Có rất nhiều cách mà chúng ta có thể thực hiện như: một nụ cười chân thành, một lời chào vui vẻ, sự ân cần thăm hỏi có thể giảm bớt nỗi đau của một tâm hồn sầu muộn, một lời "cảm ơn" nồng nàn có thể khích lệ một người bị quên lãng, bị khinh khi. Tình yêu chân thành sẽ chỉ cho ta biết phải làm sao. Tình yêu có thể cảm hoá lương tâm và thay đổi cách sống của một người. Tình yêu có tác dụng trên tha nhân và làm cho họ trở nên tốt hơn.

Câu chuyện Chúa Giêsu kể hôm nay, chỉ cho chúng ta biết ai là người thân cận mà chúng ta phải yêu thương. Người cho chúng ta sức mạnh, sự khôn ngoan để yêu thương qua tình yêu của Ngài. Trong tuần này, để thực hành Lời Chúa, chúng ta cùng nhau làm những việc cụ thể như thay vì nghĩ xấu, nói xấu tha nhân thì chúng ta hãy nghĩ tốt nói tốt cho tha nhân, tìm cách giúp đỡ tha nhân một cách tận tình và bác ái hơn. Làm cha mẹ, hãy dạy cho con cái sống trong sạch, yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, vì chính Ngài là suối nguồn yêu thương, dạy cho ác em nhỏ biết kính trọng người lớn và chân thành yêu thương những người kém may mắn. Cuối cùng, mọi người hãy cầu nguyện để xin Chúa cho mình quảng đại yêu thương như Chúa Giêsu yêu thương.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa giúp chúng ta thành người Samaritanô nhân hậu, biết yêu thương và sẳn sàng giúp đỡ tha nhân bằng tình yêu mà Chúa muốn. Amen.

 

8.Thương người như thể thương thân

(Suy niệm của Lm. Joshepus Quang Nguyễn)

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Thương người như thể thương thân”, câu tục ngữ này hàm súc một lời nói chân thành, tự nhiên khuyên người ta phải biết thương yêu, đồng cảm với đồng loại như yêu thương chính bản thân mình, coi nỗi đau của người khác như nỗi đau của mình để từ đó biết chia sẻ, cảm thông, ủi an, nâng đỡ và đồng hành. Tác giả dân gian khéo léo sử dụng biện pháp nghệ thật so sánh "thương người" với "thương thân" muốn nhấn mạnh nếu ta thương bản thân mình như thể nào thì hãy thương những người xung quanh ta như thế. Chẳng hạn, thân thể ta mỗi khi bị đau do trầy xước, té ngã… khiến ta phải quan tâm, lo lắng chăm sóc cẩn tthận thì khi thấy người xung quanh mình không may gặp khó khăn, hoạn nạn thì ta nên giúp đỡ, quan tâm, chăm sóc, yêu thương họ như chính bản thân mình vì ông bà ta dạy: “Bầu ơi thương lấy bí cùng tuy rằng khác giống như chung một dàn”. Còn Lời Chúa trong bài đọc 2, Thánh Phaolô dạy: “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người” (Cl 1,15-16). Như vậy, “Tất cả mọi người đã được Thiên Chúa nhận làm con, được Người cho thấy vinh quang, ban tặng các giao ước, lề luật, một nền phụng tự và các lời hứa; và sau hết, chính Đức Ki-tô, xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống với chúng ta” (Rm 9,4-5).

Cho nên, động lực nồng cốt và mạnh mẽ nhất của Kitô hữu là lửa thương người. Lửa thương người này chính Chúa Giêsu đã đem từ trời xuống và làm cho nó bừng cháy lên giữa lòng nhân thế. Vì vậy, động lực thúc đẩy chúng ta hôm nay sống Lời Chúa giữa gia đình, thôn xóm, giáo xứ hay giữa lòng dân tộc là thương người như thể thương thân. Vậy, tôi xin hỏi thương người là gì? Nhà thơ Xuân Diệu nói: “Yêu là chết trong lòng một ít”. Còn nhà thơ Saint-Exupéry nói: “Yêu là cùng nhìn về một hướng”. Cố Tổng Thống Ganđi nói: “Yêu là sức mạnh khiêm tốn nhất, nhưng cũng là sức mạnh vạn năng mà thế giới đang có”. Một thi sĩ khác nói: “Yêu là cảm giác được trở về với chính mình khi ở bên người mình yêu, và tìm thấy hạnh phúc của mình trong hạnh phúc của người mình yêu”. Còn Chúa Giêsu hôm nay dạy cho chúng ta một lối hiểu và sống của yêu thương rất thiết thực nhưng thật cao siêu, rất đơn sơ nhưng thật ý nghĩa và mang lại hạnh phúc cho chính mình và tha nhân ngay đời này và đời sau.

Tin Mừng hôm nay kể người thanh niên đến hỏi Chúa Giêsu “Tôi phải làm gì để được sự sống đời”. Chúa Giêsu trả lời: “Hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức… và yêu người thân cận như chính mình”. Anh ta mới hỏi Chúa: “Ai là người thân cận tôi”. Chúa Giêsu trả lời bằng dụ ngôn người Samari đồng thời Ngài vạch cho chúng ta thấy đâu là sự thương người đích thực và đáng trân trọng.

Chúng ta nên biết vào thời Chúa Giêsu, người Do thái cho rằng dân Samaria là dân phối hợp giữa người Do thái và dân ngoại. Người Do thái coi dân Samari là dân không thuần chủng và là dân tội lỗi. Cho nên, dân Samari không lên Giêrusalem để tôn thờ Thiên Chúa mà chỉ thờ Thiên Chúa ở núi Gariza. Do sự khác biệt đó mà nẩy sinh các mối thù nghịch, xung khắc với nhau. Vì vậy, không lạ gì khi Chúa Giêsu và các môn đệ đi ngang qua làng Samari, họ không tiếp đón Chúa, các môn đệ xin Chúa sai lửa xuống thiêu rụi làng này đi. Ấy thế mà hôm nay, người Samari này không phân biệt chúng tộc, tôn giáo hay ý thức hệ nên ông thương người nạn nhân này như thể thương thân, ông động lòng thương và ra tay giúp đỡ. Qủa thật, tình thương đó phản ánh tình yêu của Thiên Chúa là Đấng mà Thánh kinh nói Ngài cho mặt trời mặt lên trên người lành cũng như kẻ dữ. Cho mưa xuống trên kẻ liêm khiết cũng như kẻ gian ác. Tình yêu đó còn thể hiện trong thiên nhiên nơi cánh hoa hồng, nơi cây đa đầu làng phủ bóng che nắng che mưa hết mọi người dù kẻ đó chặt đốn phá nó.

Người Samari đã giúp đỡ nạn nhân tận tâm tận tình thậm chí không tính toán và không chờ đợi đáp trả gì. Đó là tình yêu của Thiên Chúa được Chúa Giêsu thể hiện trước và nêu gương cho chúng ta khi Ngài còn ở thế gian thế gian qua việc yêu thương, chăm sóc, rao giảng, chữa lành bệnh, cho kẻ đói ăn, tha tội cho kẻ có tội dù đó là kẻ pxúc phạm đến Ngài, cho kẻ chết sống lại, chịu nạn chịu chết và sống lại cho để mọi người được giao hòa với Chúa và anh chị em với nhau, đồng thời nhờ Chúa Giêsu, Thiên Chúa ban muôn ơn lành dồi dào cho cho mọi người trên trời cũng như dưới đất hôm nay.

Thiên Chúa thương ta là thế, nhìn lại tình thương của chúng ta dành cho tha nhân như thế nào? Ai là người thân cận của chúng ta?. Người thân cận, cận thân, cận lân chính là người đang cần được giúp đỡ. Người đó cần tình thương của chúng ta, tình thương đó phải được thi hành cấp thời, đúng lúc, hữu hiệu và vô vị lợi, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, giàu nghèo, là bạn hay thù. Đàng khác, chúng ta phải yêu thương người thân cận như chính mình, nghĩa là chúng ta phải cảm thông, dễ dãi với họ như mình vẫn thông cảm với chính mình. Cũng như chúng ta, họ có những sở trường sở đoản, những khó khăn riêng, do đó, chúng ta sẽ không vội phê phán khi thấy họ khác mình, chúng ta cũng không vội kết án họ khi họ lầm lỗi, chính chúng ta cũng có nhiều khuyết điểm và lỗi lầm, nên chúng ta phải hiểu cho sự yếu đuối của người khác. Chúng ta cũng cần nhớ rằng trọng tâm của tình thương là chấp nhận những khuyết điểm hay ưu điểm của nhau để cùng nhau xây dựng, đồng hành, sẻ chia, an ủi, nâng đỡ nhau và thương nhau một cách chân thành, tự đáy lòng, không so đo tính toán, không đòi người khác phải xin lỗi mới tha thứ, không đòi người khác phải xử tốt với mình, chúng ta mới yêu thương họ. Đó là mới là yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết thể hiện những lời Chúa dạy hôm nay bằng hành động cụ thể trong cuộc sống. Biết sẵn sàng đón nhận, chia sẻ những yếu đuối của nhau. Biết sẵn sàng mở lòng yêu thương với tinh thần quảng đại, không loại trừ. Biết mau mắn nhạy cảm trước những nhu cầu cần sự nâng đỡ, trợ giúp của người người thân cận. Biết mau mắn đưa vai đón nhận, sẻ chia và gánh lấy thập giá của nhau trên hành trình trở nên người mộn đệ đích thật của Chúa. Amen.

 

9.Thương xót đích thực

(Suy niệm của Lm. Joshepus Quang Nguyễn)

Tuần báo Tuổi Trẻ tuần qua đăng bài viết “Sống để yêu” có đoạn viết như sau: “Sống ở đời, ai ai cũng có những lúc tối lửa tắt đèn, có lúc lá rách cần lá lành, có lúc chị ngã cần em nâng. Sống ở đời, ai ai mà không cần tới tình yêu. Nhưng ít người thực hiện tình yêu. Hay nếu có, lại chỉ vỏn vẹn trong khung cảnh gia đình hay trong một lũy tre xanh chật hẹp. Cho nên cũng vì vậy mà trần gian mất đi nhiều nguồn vui thật”.

Quả thế, động lực nồng cốt và mạnh mẽ nhất của đời sống Kitô hữu là lửa tình yêu thương xót. Lửa tình yêu thương xót này chính Chúa Giêsu đã đem từ trời xuống và làm cho nó bừng cháy lên giữa lòng nhân thế. Cho nên, tình yêu thương xót là động lực thúc đẩy Ngài thi hành sứ mạng thương xót mà Thiên Chúa đã giao phó cho Ngài và Ngài đã hoàn tất viên mãn. Vì vậy, động lực thúc đẩy chúng ta hôm nay sống Lời Chúa giữa gia đình, thôn xóm, giáo xứ hay giữa lòng dân tộc cũng là tình yêu thương xót ấy. Vậy, tôi xin hỏi yêu là gì? Nhà thơ Xuân Diệu nói: “Yêu là chết trong lòng một ít”. Còn nhà thơ Saint-Exupéry nói: “Yêu là cùng nhìn về một hướng”. Cố Tổng Thống Ganđi nói: “Yêu là sức mạnh khiêm tốn nhất, nhưng cũng là sức mạnh vạn năng mà thế giới đang có”. Một thi sĩ nói: “Yêu là cảm giác được trở về với chính mình khi ở bên người mình yêu, và tìm thấy hạnh phúc của mình trong hạnh phúc của người mình yêu”. Còn Chúa Giêsu hôm nay dạy cho chúng ta một lối hiểu và sống của tình yêu thương xót rất thiết thực nhưng thật cao siêu, rất đơn sơ nhưng thật ý nghĩa và mang lại hạnh phúc đời đời.

Tin mừng hôm nay kể người thanh niên đến hỏi Chúa Giêsu “Tôi phải làm gì để được sự sống đời”. Chúa Giêsu trả lời bằng “Sách luật dạy gì?” Anh ta trả lời “Hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức… và yêu người thân cận như chính mình”. Anh ta trả lời lý thuyết đúng lắm, nhưng thực tế trong cuộc sống anh ta chưa thực hành được vì anh chưa nối kết được giữa tình yêu thương xót Thiên Chúa và con người. Cho nên, anh ta mới hỏi Chúa: “Ai là người thân cận tôi”. Chúa Giêsu trả lời bằng dụ ngôn người Samari để cho anh ta thấy rằng hai giới răn Mến Chúa yêu người là một đồng thời Ngài vạch cho chúng ta thấy đâu là tình yêu đích thực và đáng trân trọng.

Chúng ta nên biết vào thời Chúa Giêsu, người Do thái cho rằng dân Samaria là dân phối hợp giữa người Do thái và dân ngoại. Người Do thái coi dân Samari là dân không thuần tuý, thuần chủng và là dân tội lỗi. Cho nên, dân Samari không lên Giêrusalem để tôn thờ Thiên Chúa mà chỉ thờ Thiên Chúa ở núi Gariza. Do sự khác biệt đó mà nẩy sinh các mối thù nghịch, xung khắc với nhau. Vì vậy, không lạ gì khi Chúa Giêsu và các môn đệ đi ngang qua làng Samari họ không tiếp đón Chúa, các môn đệ xin Chúa sai lửa xuống thiêu rụi làng này đi. Ấy thế mà hôm nay, người Samari này không phân biệt chúng tộc tôn giáo hay ý thức hệ: Trước hết, ông ta chỉ thấy nạn nhân nằm bên lề động lòng thương xót và ra tay giúp đỡ. Qủa thật tình yêu thương của ông bây giờ không còn biên giới, không còn phân biệt: chủng tộc, tôn giáo, ý thức hệ. Tình yêu thương xót đó phản ánh tình yêu thương xót của Thiên Chúa là Đấng mà Thánh kinh nói Ngài cho mặt trời mặt lên trên người lành cũng như kẻ dữ. Cho mưa xuống trên kẻ liêm khiết cũng như ké ác. Tình yêu đó thể hiện ngay trong thiên nhiên nơi cánh hoa hồng, nơi cây đa đầu làng phủ bóng che nắng che mưa hết mọi người dù kẻ đó chặt đốn phá nó.

Người Samari đã giúp đỡ nạn nhân tận tâm tận tình thậm chí không tính toán và không chờ đợi đáp trả cái gì. Đó là tình yêu thương xót của Thiên Chúa được Chúa Giêsu thể hiện trong thế gian, lòng thương xót Chúa thì vô biên vô tân cho dù chúng ta là tội nhân. Vì vậy, Thánh Phaolô trong bài đọc 2 dạy chúng ta rằng: Chúa Giêsu là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người. Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người. Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh; Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu. Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.

Hãy cảm nghiệm tình yêu thương xót của Thiên Chúa để rồi nhìn lại tình yêu thương xót của chúng ta như thế nào? Chúng ta yêu Chúa và thương xót người thật sự chưa? Chưa, cụ thể, trước hết, quan hệ của chúng ta với Chúa còn có rất nhiều biên giới, nhiều điều kiện: lạy Chúa nếu Chúa cho con cái này, cái kia thì con đi nhờ thờ ca tụng và yêu Chúa luôn. Hay là yêu Chúa lắm nhưng mà mỗi thánh lễ đúng một tiếng thôi Chúa nhé, hơn nữa là không được vì con bận việc này cấn việc kia rồi. Hoặc là gia đình con kính mến yêu Chúa lắm, muốn đọc kinh ca tụng thờ phượng Chúa mỗi tối nhưng vì con cái đi học thêm học bớt giờ giấc bất thường khó tập trung quá nên bỏ luôn. Còn đối với tha nhân, chúng ta cũng chưa thương xót hết mình đủ vì còn quá nhiều biên giới che chắn, quá nhiều điều kiện: nào là khác nhau về ý thức hệ, khác nhau về tôn giáo, quan niệm, rồi tiền bạc giàu nghèo, tri thức, nhan sắc… Cho nên, trong Tông Sắc Dung Nhan Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Giáo hội có sứ mạng công bố về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, công bố con tim đang sôi sục của Tin Mừng. Nhờ đó, Lòng Thương Xót sẽ đạt tới được con tim và khối óc của con người. Hiền thê của Chúa Kitô biến hành động của Con Thiên Chúa thành hành động của mình, và đi đến với tất cả mọi người cũng như không loại trừ bất cứ ai” (Số 12).  

Rồi chính trong quan hệ vợ chồng, cha mẹ với con cái chúng ta thương xót nhau nhưng đặt ra đủ thứ điều kiện: bà phải sinh con trai cho tui, ông phải bỏ hút thuốc rượu chè đi đã, ba má phải mua cho con xe Airblack thì con mới đi làm kiếm tiền phục dưỡng ba má chứ. Qủa thật, chúng ta chưa vượt ra những biên giới này được. Chúng ta có thương xót nhưng bị giới hạn nên tình yêu thương xót của chúng ta là tình yêu thương xót có điều kiện. Cho nên, có lý khi tác giả nào đó sáng tác bài hát “Tiếng hát của Dòng Sông” có đoạn “Tình yêu đến em không mong đợi gì, tình yêu đi êm không hề hối tiếc!”. Qủa thế tình yêu ấy đâu còn ý nghĩa gì, đâu đem lại giá trị tuyệt đối.

Cho nên, chỉ có tình yêu thương xót vô điều kiện mới phá đi những biên giới để đem lại hạnh phúc đích thực, tình yêu viên mãn nhất. Chính Chúa Giêsu là Chúa, là Thầy và là anh đã yêu gương cho chúng ta: “Không có tình yêu nào quý hơn tình yêu của người hiến mạng vì người mình yêu”. Vì vậy, tình yêu thương xót của chúng ta dành cho nhau cũng phải vô điều kiện để rồi thương xót hết mọi người kể cả người ốm đau, bệnh tật, nghèo khổ bị xã hội bỏ rơi hay thậm chí kẻ làm phiền lòng ta nữa, đừng chờ đợi đáp trả cái gì. Vì vậy, trong buổi tiếp kiến hơn 20 ngàn khác hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô tại Rôma ngày 22-6-2016 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Các người nghèo, người bị loại trừ và bệnh tật là thịt xác của Chúa Kitô. Có biết bao lần chúng ta găp gỡ một người nghèo đến gặp chúng ta! Chúng ta cũng có thể quảng đại, có thể cảm thương, nhưng không đụng tới tay họ. Chúng ta cho họ một đồng bạc, nhưng tránh đụng tới tay họ, chúng ta vứt đồng bạc ở đó. Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng sợ hãi đụng tới người nghèo và người bị loại trừ, bởi vì Ngài ở trong họ. Họ là anh em của chúng ta! Kitô hữu không loại trừ ai hết, nhưng cho họ chỗ và để cho tất cả mọi người đến”

Hãy tín thác vào Chúa và nhờ ơn Chúa, chúng ta phải thực hành tình yêu thương xót vô điều kiện này vì đó là tình yêu thương xót đích thực mà Chúa Giêsu dạy chúng ta hôm nay. Vấn đề là chúng ta phải khiêm tốn nhìn nhận sự giới hạn đồng thời cố gắng tập luyện và vươn lên. Ước gì sau khi ra về, mỗi người biết tập nếp sống thương xót hằng ngày nhờ sự tác động của Chúa Thánh Thần tình yêu sẽ giúp chúng ta kiến tạo hạnh phúc và bình an đích thực cho cá nhân, cho gia đình, lối xóm, giáo xứ, Giáo hội và cả xã hội này. Amen.

 

10.Thấy và chạnh lòng thương

(Suy niệm của Dã Quỳ)

Chúng ta đang sống giữa một xã hội mà người ta đề cao chủ nghĩa cá nhân. Tình liên đới và lòng thương cảm như đã mất dần! Người ta xây lên những bức tường cao và cổng dày để ngăn cách giữa nhà họ với hàng xóm. Hơn nữa, người ta còn khép kín và đóng cửa trái tim với những người xa lạ, người gặp nạn trên đường vì họ sợ phải liên lụy...! Thế nhưng, hôm nay Chúa Giêsu mời gọi tất cả chúng ta "Hãy yêu mến tha nhân như chính mình và hãy là người thân cận của những ai đang mang thương tích, đau khổ." Có chạnh lòng thương và làm như vậy, chúng ta mới có sự sống. Được sống hạnh phúc và có sự sống đời đời, đó là ước mơ của mỗi Kitô hữu. Cuộc sống ấy phải được xây dựng và bắt đầu ngay tại trần thế này khi ta biết sống yêu thương.

"Nhưng ai là người thân cận của tôi?" Người thân cận của tôi đó là người tôi đến gần với tình yêu, bạn hay kẻ thù, người di dân, người đói rách ăn xin, trẻ em hay người già cả, người tốt hay kẻ xấu... Cùng làng xóm với tôi hay không; cùng niềm tin tôn giáo, chính kiến, màu da, văn hóa, thói quen, suy nghĩ hay khác tôi. Những người đang đau khổ vì cô đơn, đói khát, bệnh tật, bị bỏ rơi hay tổn thương tâm hồn. Những người ấy rất cần giúp đỡ! Nhưng tôi, tôi có mở lòng và sẵn sàng lại gần hay sợ bị liên lụy, phiền toái? Sợ bị lừa, mất mát, tốn phí thời gian, tiền của... Sợ bị chế nhạo, bị lợi dụng, xâm hại...? Tất cả những cái sợ này còn đó chỉ vì chúng ta chưa có tình yêu, thiếu lòng cảm thông và thương xót!

"Người thân cận... chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người bị nạn." Hôm nay vẫn còn đó lời mời gọi và cũng là thách đố của Chúa Giêsu với mỗi người chúng ta về người Samaria nhân hậu. Ông thấy, chạnh lòng thương, đến bên cứu giúp, xức dầu và rượu, băng bó và cưu mang người bị thương tích bên lề đường, mà không cần chất vấn về nguồn gốc hay tôn giáo. Đưa người bị nạn về quán trọ, ông không ra đi ngay nhưng chăm sóc hết ngày hôm đó, cả đêm và mãi tới sáng hôm sau với sự ân cần nồng nhiệt. Tình yêu không nhiều lời, không nệ luật, nhưng hành động cụ thể và mạo hiểm, chấp nhận mọi liên lụy.

"Hãy đi và cũng hãy làm như vậy." Dụ ngôn người Samaria nhân hậu nhắc nhớ chúng ta về dụ ngôn cuộc phán xét chung mà tình yêu trở nên tiêu chuẩn quyết định dứt khoát về những hành động và cuộc sống của một người có giá trị hay không (Mt 25, 31-46). Chúa Giêsu cho chúng ta biết rõ những người đang cần giúp đỡ đó là: Những người đói, người khát, những khách lạ, người không áo mặc, những người đau yếu bệnh tật, những người bị tù đày... Yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân được diễn tả bằng một tình yêu bổ sung cho nhau. Chúng ta không thể yêu mến Chúa hết lòng mà lại không yêu tha nhân. Chính Thánh Gioan đã khẳng định "Ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình."(1Ga 4, 20-21)

Thực tế cuộc sống hôm nay dường như con người ngày càng vô cảm! Người ta dửng dưng với những đau thương của người bên cạnh, ngay cả người thân trong gia đình mình chứ chưa nói đến người hàng xóm, người gặp nạn trên đường. Đây đó ta vẫn bắt gặp những cảnh đau thương mà người bị nạn kêu cứu...nhưng người xem thì nhiều mà người cứu giúp thì không! Hay thương tâm hơn là những tài xế vô cảm cán chết người, hoặc những người con đối xử tệ bạc với cha mẹ dù đau bệnh, già lão nhưng nghèo nên con cái không chăm sóc, không cứu chữa! Thế nhưng, phần chúng ta, Lời Chúa thúc bách ta hãy đi và thương xót tha nhân như người Samaria. Hãy tỏ tình yêu mến với những người xung quanh chúng ta, những người trong gia đình, những người chúng ta gặp gỡ trên đường, nơi làm việc... Không ngoảnh mặt làm ngơ trước những nỗi khốn cùng của người khác, nhưng mở lòng ra và bỏ đi tính ích kỷ, những thành kiến của mình để chạnh lòng thương. Ước mong sao mỗi Kitô hữu luôn mang trong mình tâm tình của chính Chúa Kitô, Đấng giàu lòng xót thương, Đấng đã làm người thân cận của tất cả nhân loại. Để rồi chúng ta cũng biểu lộ lòng thương xót và gieo tình yêu với những ai chúng ta sống cùng. Vậy ta có thể là anh em của tất cả mọi người chứ?

Cầu mong sao trên những con đường của chúng ta còn có nhiều trái tim yêu thương. Làng xóm và xứ đạo của ta còn những trái tim trên bàn tay sẻ chia nâng đỡ. Và xã hội của ta còn những người Samaria chạnh lòng thương chăm sóc người thân cận của họ. Bởi vì tất cả chúng ta đều là anh em với nhau. Cụ thể trong những ngày này, chúng ta cầu xin Chúa cho ta và mọi người biết thực sự nhìn thấy và chạnh lòng thương, mở trái tim và rộng tay chia sẻ, cứu giúp anh chị em vùng biển Miền Trung đang phải chịu khốn khổ nhiều cách...!

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết yêu mến Chúa hết lòng và xin biến đổi tâm hồn chúng con, để chúng con biết nhạy bén nhìn thấy và rung cảm trước những nỗi đau thương của anh em chúng con. Amen.

home Mục lục Lưu trữ