Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 26

Tổng truy cập: 1373826

TỘI LỖI NÀO ĐƯỢC THA THỨ

Tội lỗi nào được tha thứ – R. Veritas.

Có tội ác nào tày trời đến độ không thể tha thứ được không? Tap chí Times đã nêu ra câu hỏi trên đây khi trích dẫn câu trả lời của một vị luật sư người Capuchia.

Cách đây ba năm, một Mục sư đã rửa tội cho một giáo viên ở một vùng sình lầy thuộc tỉnh Battanapan, ở mạn TÂy Campuchia. Mới đây người giáo viên này tiết lộ mình đã từng làm giám đốc cơ quan mật vụ của Khờ-me đỏ. Sau 20 năm lẩn trốn, nay ông thú nhận là ông đã trực tiếp nhúng tay vào vụ thảm sát ít nhất là 12.000 người Khờ-me.

Người Mục sư mà cha mẹ và với gần 2.000.000 đồng bào ruột thịt bị người Khờ-me đỏ sát tế trong giai đoạn từ năm 1975 – 1979, đã nhận định về cuộc trở lại của người giáo viên này như sau:

Thật là kỳ diệu, Kitô giáo có thể thay đổi cuộc sống con người. Nếu Chúa Giêsu đã thay đổi người giáo viên này, thì Người cũng có thể thay đổi tất cả mọi người.

Ông Duo tức người giáo viên này, một hôm đã đến nghe vị Mục sư thuyết giảng, sau đó ông đã xin chịu phép rửa, ông nói rằng, trong suốt thời thơ ấu và ngay cả khi lớn lên ông không bao giờ được yêu thương. Giờ đây tin nhận Chúa Kitô, ông cảm thấy tâm hồn được tràn ngập yêu thương.

Mục sư ghi nhận rằng, cuộc thay đổi nội tâm đã ảnh hưởng đến toàn diện con người của ông. Trước kia ông lầm lỳ ít nói, nay ông vui vẻ và cởi mở với tất cả mọi người. Trước kia quần áo ông xốc xếch, thì nay ông ăn mặc chỉnh tề. Sau khi đón nhận phép rửa và tiết lộ tông tích của mình, ông Duo đã bị chính quyền Campuchia bắt giữ hồi tháng 5.1998, hiện nay ông đang bị giam tại một nhà từ gần trung tâm Tollen, tức là nơi trước đây ông đã từng tham vấn, hành hạ và sát hại hàng trăm ngàn người đồng bào ruột thịt của mình.

Nhận định về tay đồ tể khát máu Khờ-me, người luật sư Lobin đã nói như sau: một câu chuyện mang lại niềm hy vọng cho nhân dân Campuchia, họ đã trải qua quá nhiều năm trong tăm tối. Khi đón nhận Chúa Giêsu, họ đã được mang lại ánh sáng trong cuộc sống của họ. Thật vậy, đã đến lúc người Campuchia cần phải từ bỏ thù hận để sống yêu thương.

Anh chị em thân mến,

Chứng từ sống động trên đây đưa chúng ta vào cốt lõi của đạo chúng ta là yêu thương và tha thứ mà hôm nay qua bài dụ ngôn cỏ lùng Giáo Hội muốn nhắc lại cho chúng ta. Dụ ngôn là một câu trả lời của Chúa Giêsu và thắc mắc mà các môn đệ thường nêu lên, là tại sao Thiên Chúa không trừng phạt nhãn tiền những kẻ làm điều gian ác?

Với hình ảnh của ruộng lúa tốt và cỏ lùng, Chúa Giêsu mạc khải lòng nhân từ và sự tha thứ vô biên của Thiên Chúa, đối với Thiên Chúa không có tội ác nào, dù cho có tày trời đến đâu mà không thể tha thứ được. Như một người cha ngày ngày ra đứng trước cửa trông ngóng người con hoang đàng trở về, thì Thiên Chúa cũng có một thái độ chờ đợi kiên nhẫn như thế đối với tất cả mọi tội nhân, dù cho con người có đốn mạt xấu xa đến đâu thì Chúa vẫn luôn dành cho một cơ may mới để trở về với Ngài. Nơi tâm hồn con người dù có tăm tối đến đâu, Thiên Chúa vẫn nhận ra được ánh sáng mà chính ngài đã đặt để trong trái tim con người. Chính vì tin tưởng nơi khảnăng có thể cải thiện của con người mà Thiên Chúa không ngừng tha thứ cho con người và kiên nhẫn chờ đợi con người trở về.

“Thức khuya mới thấy đêm dài, sống lâu mới thấy dạ người có nhân”. Dụ ngôn về cỏ lùng được Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay, mời gọi các Kitô hữu mặc lấy tâm tình khoan dung nhân hậu và cảm thông của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không khoan nhượng, không dung tha cho bất cứ tội ác nào, Ngài gay gắt lên án thói giả hình và thái độ mù quáng của con người, nhưng Ngài lại tỏ ra cảm thông và tha thứ cho những người yếu đuối tội lỗi, Ngài không những cảm thông với những người tội lỗi, mà còn tha thứ cho chính những kẻ hành hạ Ngài.

Tòa nhà giáo huấn của Chúa Giêsu sẽ sụp đổ nếu từ trên thập giá Ngài không tha thứ cho những lý hình của Ngài. Cuộc sống của Ngài cũng sẽ vô giá trị nếu khi bị treo trên thập giá Chúa Giêsu vẫn còn mang theo hận thù trong lòng Ngài.

Tha thứ là vẻ đẹp cao quý nhất trong tâm hồn con người. Nhân cách của con người sẽ bị đánh mất nếu nó không thể làm được hành động tha thứ. Người tín hữu Kitô chúng ta cũng sẽ mất căn tính của mình nếu chúng ta chỉ sống theo đố kỵ, hận thù. Tha thứ là vẻ đẹp cao quý nhất trong tâm hồn con người, do đó cũng chính là điều khó thực hiện nhất, vì thế mà chúng ta không ngừng cầu xin Chúa cho chúng ta luôn được sống ơn tha thứ, đó là điều chúng ta cầu xin trong Thánh Lễ mỗi ngày.

Kinh Lạy Cha nhắc nhớ chúng ta rằng, chúng ta chỉ có thể cảm nhận được ơn tha thứ của Chúa nếu chúng ta cũng tha thứ cho người anh em chúng ta mà thôi.

Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn được lớn lên trong niềm xác tín ấy. Amen.

 

  1. Cỏ dại.

Qua đoạn Tin Mừng vừa nghe, chúng ta cùng nhau giữ lại một ý tưởng chính của Chúa Giêsu. Thực vậy, Ngài nói về ơn cứu độ vĩnh cửu. Đứng trước ơn trọng đại ấy, chúng ta phải có một lập trường dứt khoát và phải có một chọn lựa rõ rệt: Đi với Chúa hay đi với ma quỷ, chúng ta không thể nào đi nước đôi, bắt cá hai tay, lửng lơ và trung lập.

Tuy nhiên, trong khi chờ đợi được đón nhận vào hạnh phúc nước trời, chúng ta phải sống với người khác, chia sẻ những băn khoăn lo lắng với họ. Và ngay cả đối với những kẻ đã chạy theo ma quỷ, chúng ta vẫn phải tỏ ra một thái độ nhân từ và khoan dung.

Đây không phải là một điều dễ dàng thực hiện, vì chúng ta thường hay nóng giận và tức tối. Chúng ta cũng giống như hai tông đồ Giacôbê và Gioan, được Chúa sai đi vào một làng xứ Samaria, nhưng dân làng này đã không tiếp nhận các ông.

Trước thái độ thờ ơ và lạnh nhạt ấy, các ông đã bực bội và thưa lên cùng Chúa:

– Xin cho lửa trời đổ xuống và thiêu huỷ họ.

Nhưng Chúa Giêsu đã không chiều theo sự bốc đồng của các ông và Ngài đã trách cứ:

– Các con không biết động cơ nào đã thúc đẩy các con hay sao? Con Người đến không phải huỷ diệt mà để cứu thoát.

Chúng ta cũng vậy, đừng phê bình chỉ trích và gay gắt kết án những người anh em không cùng một đường lối với chúng ta.

Khi nhìn thấy sự dữ và tội ác tràn lan khắp nơi, chúng ta thường hay nghĩ rằng:

– Chúa ngủ hay Ngài nhắm mắt làm ngơ cho những sự kiện đáng tiếc ấy xảy ra.

Trên thế giới, những hạt giống tốt thì hiếm hoi, và cỏ dại thì mọc đầy trong cánh đồng của Chúa. Tại sao Chúa lại để cho như thế?

Còn phần chúng ta, chúng ta là hạng người như thế nào: lúa tốt hay cỏ dại.

Nếu là lúa tốt thì liệu chúng ta có thực sự trong sạch và yêu thương hay không. Chúng ta có thực sự là bạn hữu nghĩa thiết của Chúa hay không? Chúng ta có những sai lỗi và yếu đuối nào không? Liệu có thể chắc chắn được rằng chúng ta sẽ không sa ngã hay không?

Nếu chúng ta tỏ ra nghiêm khắc với kẻ tội lỗi, chúng ta sẽ trở nên những người biệt phái đã bị Chúa Giêsu kết án về sự giả hình của họ. Nếu không ý thức về những sai lỗi của mình, chúng ta dễ dàng đi tới chỗ phản bội Chúa mà không hay biết. Càng là những người con ngoan của Chúa, chúng ta càng phải cư xử độ lượng với người khác.

Tuy nhiên, trong thực tế, đang khi chúng ta mong muốn kẻ tội lỗi bị trừng trị thì Chúa lại không muốn như vậy, bởi vì như Kinh Thánh đã nói:

– Ta không muốn cho kẻ có tội phải chết, nhưng muốn nó ăn năn và được sống.

Ngài đã chết trên thập giá để cứu độ tội nhân. Ngài theo đuổi kẻ tội lỗi bằng tình thương và ân sủng. Niềm vui của Ngài là dẫn đưa những con chiên lầm lạc trở về với đàn của Ngài.

Hẳn chúng ta sẽ ngạc nhiên khi nghe Ngài phán:

– Cả thiên đàng sẽ vui mừng vì một kẻ tội lỗi hoán cải hơn là chín mươi chí người công chính không cần sám hối ăn năn.

Và Ngài đã kết luận bằng một hình ảnh cảm động, hình ảnh người cha đón tiếp cậu con hoang đàng trở về. Chúng ta đừng thất vọng và mất lòng cậy trông như Giuđa. Nhưng với một chút thiện chí và dưới tác động của ơn Chúa, rất có thể chúng ta cũng sẽ trở thành như người trộm lành trên thập giá, đã lấy trộm cả Nước Trời cho mình vào giây phút sau hết của cuộc đời.

Trên thiên đàng có những vị thánh đã bắt đầu từ một điểm tăm tối, không đáng ca tụng là mấy. Tuy nhiên với một điều kiện đó là các ngài đã biết trỗi dậy và trở về cùng Chúa, đã làm lại cuộc đời và trung thành với Chúa mãi mãi.

 

  1. SLCTTY/246 – Lúa và cỏ.

Ở Scotland, nghề canh nông đã được hiện đại hoá với kỹ thuật máy móc tối tân, nhưng còn một công việc cần phải được làm cẩn thận bởi bàn tay con người. Vài ngày trước khi mùa thu hoạch lúa mạch, bạn sẽ thấy một số đông dân chúng đi bộ băng qua cánh đồng lúa để nhổ những cây lúa dại. Lúa mạch là nguồn nông sản chính yếu cung cấp lương thực cho người dân Scotland. Một món ăn thông dụng được ưa thích khắp nơi trong nước làm từ lúa mạch là món cháo đặc, ở Mỹ gọi là oat meal, một món ăn điểm tâm vừa dễ nấu, vừa bổ dưỡng lành mạnh, không gây gia tăng chất béo, cholesterol, trong động mạch. Do đó mùa gặt lúa mạch là một sinh hoạt rất quan trọng.

Điều rất đơn giản mà những người nông dân phải làm là nhổ những cây lúa mạch dại ra khỏi ruộng lúa trước khi thu hoạch. Nếu để những cây lúa dại này trong lúc gặt, những hạt giống của nó sẽ rớt xuống và mọc lên tràn ngập cánh đồng trong mùa sắp tới. Sự khác biệt giữa lúa dại và lúa mạch thật rất tinh tế. Chỉ sau một hai ngày làm việc, bạn sẽ biết phân biệt rõ ràng. Điều lạ lùng là cây lúa dại thường lớn hơn và khoẻ mạnh hơn lúa thật làm bạn nghĩ rằng phải giữ chúng lại. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ lưỡng sẽ thấy rằng nhánh và hạt lúa dại dài hơn, nhưng lại lép. Điều này giúp ta hiểu tại sao những người nông dân phải chờ đợi cho đến khi mùa thu hoạch đến mới nhổ những cây lúa dại đi, vì chỉ khi đó bạn mới phân biệt được rõ ràng.

Bài Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu đã dùng những hình ảnh của nghề nông để diễn tả về thế giới, Giáo Hội, Nước Trời hay Vương quốc Thiên Chúa, qua dụ ngôn cỏ lùng, dụ ngôn hạt cải, và dụ ngôn men trong bột. Mỗi dụ ngôn nói lên một khía cạnh khác nhau, đọc lên ai cũng hiểu dễ dàng.

Những người phụ trách các show hài hước kể chuyện vui thường có thói quen bắt đầu vào câu chuyện như sau: “Kính thưa quý vị, tôi có vài tin vui và vài tin buồn xin gửi đến quý vị”. Có một cuộc đối thoại tưởng tượng xảy ra như sau: “Một ông kia gặp người bạn và nói: “Tôi đã trúng số mấy chục ngàn đô la”. Người bạn trả lời: “Tốt quá”. “Không, khi đến Thuỵ Sĩ chơi trượt tuyết tôi đã xài hết rồi, và còn bị gãy chân nữa chứ”. “Xấu quá”. “Không, trong thời gian nằm bệnh viện, tôi gặp và yêu một cô y tá rất xinh đẹp, rồi tôi đã cưới cô ta”. “Tốt quá”. “Không, nhưng chẳng may cô ấy lại không thích ở Mỹ, và đòi chúng tôi phải ở lại Âu Châu”. “Xấu quá”. “Không, chúng tôi mua nhà ở Paris và kiếm được một việc làm cho hãng xuất khẩu”. “Tốt quá”. “Không, hãng bị phá sản, và chúng tôi bị mất nhà”. “Xấu quá”. “Không, trong hoàn cảnh túng quẫn, tôi đã xem lại mục đích, giá trị của đời mình và thấy rằng tôi đang sống lầm lạc”. “Tốt quá”. “Không, vợ tôi đã không chấp nhận quan điểm của tôi, và chúng tôi dần dần xa cách nhau”. “Xấu quá”. “Không, trong lúc hôn nhân bị khủng hoảng, chúng tôi đến với người cố vấn hôn nhân giúp chúng tôi nhận ra sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa”. “Tốt quá”. “Không, vì chúng tôi quá tập trung vào Thiên Chúa nên đã mất hầu hết bạn bè ở Paris và gây ra đụng chạm với cha mẹ vợ”. “Xấu quá”. Cứ thế mà tiếp tục. Lúc tốt, lúc xấu. Đời là thế! Tốt và xấu đi đôi với nhau: “Vì Người làm cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính”.

Chúng ta thường nói “Nhân vô thập toàn”. Không có ai hoàn hảo cả. Không có ai là một vị thánh cho đến khi lên thiên đàng. Mỗi người chúng ta đều mang đủ thất tình: hỉ (vui), nộ (giận), ai (buồn), cụ (sợ), ái (yêu), ố (ghét), dục (muốn). Với bấy nhiêu thứ tình cảm xô bồ trong con người thì khó lòng mà hoàn hảo được. Tâm hồn và tính tình của mỗi người là một sự pha trộn giữa lúa mì và cỏ lùng. Theo cha Tommy Lane, trên cửa một nhà thờ ở phía tây của Ireland, đã viết câu sau đây: “Giáo Hội không phải là một câu lạc bộ dành cho những vị thánh nhưng còn là một bệnh viện dành cho những người tội lỗi”. Câu nói này rất phù hợp với lời giảng dạy của Chúa Giêsu trong dụ ngôn cỏ lùng. Giáo Hội là một sự pha trộn giữa lúa mạch và cỏ lùng, giữa những người thánh thiện và tội lỗi. Hãy kiên nhẫn với những tội nhân. Đừng vội phán đoán người khác. Hãy để Thiên Chúa phán đoán. Lời Chúa cảnh giác chúng ta: “Đừng xét đoán, để khỏi bị xét đoán… Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em”.

 

  1. SLCTTY/246 – Lúa và cỏ.

Có một câu chuyện cổ kể về một ông vua ở Ba Tư muốn dạy cho bốn người con trai một bài học về sự phán đoán. Bốn người con phải lên đường đi tìm một cây đào trong những thời điểm khác nhau. Trước tiên, vào mùa đông nhà vua ra lệnh cho người con trai lớn nhất phải lên đường. Vào mùa xuân, người con kế tiếp phải ra đi. Đến mùa hè, người con thứ ba ra đi. Cuối cùng, khi mùa thu về người con út phải ra đi. Sau đó nhà vua đã gọi tất cả bốn anh em lại để hỏi xem họ diễn tả cây đào như thế nào.

Người con cả nói cây đào giống như một gốc cây khẳng khiu trơ trụi. Người con thứ cãi lại, cây đào nở đầy hoa mầu hồng rực rỡ. Người con thứ ba không đồng ý, cây đào cành lá xanh tươi. Người con thứ tư nói tất cả các anh đều sai. Đối với anh, nó đeo đầy trái trên cành!

“Này các con”, nhà vua nói, “mỗi người đều đúng cả”. Trong khi nhìn vào những cặp mắt lúng túng của các con, nhà vua giải thích. “Các con thấy đó, mỗi người đã nhìn thấy cây đào trong mỗi mùa khác nhau, do đó tất cả các con đã diễn tả rất đúng điều đã nhìn thấy. Bài học cho các con là phải từ bỏ sự phán đoán của mình cho tới khi các con nhìn thấy cây đào trong bốn mùa của nó”.

Đây chính là bài học Chúa Giêsu đã dạy chúng ta qua dụ ngôn cỏ lùng: “Hãy cứ để cả hai, lúa và cỏ lùng, mọc lên cho đến mùa gặt”. Đến mùa gặt là ngày tận thế, sẽ biết được ai xấu ai tốt, và Thiên Chúa sẽ phán đoán và xét xử họ.

Chúa Giêsu đã so sánh những người Kitô hữu chân chính của Nước Trời giống như hạt cải bé nhỏ, như men trong bột. Khi so sánh như thế Chúa muốn chúng ta là những con người năng động, tích cực vì Nước Trời. Hãy nhìn vào lịch sử của Kitô giáo, lúc ban đầu chỉ là một nhóm nhỏ Kitô hữu ở Giêrusalem, đến nay đã ảnh hưởng trên toàn thế giới. Hãy nhớ rằng 1 ounce men, khoảng 28.35 grams, có thể làm 17 pound bột, khoảng 7.718kg, dậy men.

Trong phần chú giải về dụ ngôn men trong bột, William Barclay đã nói lên cái thành quả của men Kitô giáo trong việc biến đổi thế giới trần gian này như sau:

  1. Kitô giáo đã biến đổi đời sống các cá nhân. Trong I Cor 6, 9-10 thánh Phaolô đã liệt kê ra một danh sách những điều ghê tởm của con người tội lỗi, rồi ngài nói: “Trước kia, có vài người trong anh em đã là như thế. Nhưng anh em đã được tẩy rửa, được thánh hoá, được nên công chính…” Sự biến đổi của Kitô giáo bắt đầu từ đời sống cá nhân, vì qua Chúa Kitô, nạn nhân của cám dỗ có thể trở thành người chiến thắng.
  2. Kitô giáo đã biến đổi đời sống của phụ nữ. Lời cầu nguyện của một người đàn ông Do Thái vào ban sáng là tạ ơn Thiên Chúa vì đã không tạo dựng nên ông là một người ngoại đạo, một nô lệ hay một người phụ nữ! Trong văn hóa Hy Lạp, người phụ nữ phải sống ẩn dật, làm việc nội trợ… Trong những vùng đất ở phương đông, nhất là một gia đình du mục: người cha được ngồi trên lưng lừa; người mẹ phải đi bộ, và có thể còn phải mang vác một gánh nặng. Lịch sử chứng tỏ rằng Kitô giáo đã biến đổi thân phận và đời sống của phụ nữ.
  3. Kitô giáo đã biến đổi đời sống của người yếu đuối và bệnh nhân. Trong cuộc sống chưa văn minh, họ bị coi là một mối phiền muộn. Ở Sparta, một trẻ thơ khi vừa sinh ra, phải nộp để khám xét; nếu khoẻ mạnh, nó được phép sống; nếu yếu đuối hay dị dạng, sẽ bị phơi nắng cho đến chết ở bên sườn núi… Kitô giáo là đức tin đầu tiên chú ý vào những sự đau khổ của cuộc sống.
  4. Kitô giáo đã biến đổi đời sống cho người già. Giống như người yếu, người già là một sự quấy rầy… Người già, sau thời gian làm việc đã hoàn tất, không còn thích hợp với bất cứ điều gì hơn là bị loại trừ ra trên đống rác của cuộc sống. Kitô giáo là đức tin đầu tiên coi con người như là những ngôi vị chứ không phải là những dụng cụ có khả năng làm việc càng nhiều càng tốt.
  5. Kitô giáo biến đổi đời sống cho trẻ thơ. Trong thời Chúa Giêsu những vụ ly dị xảy ra lan tràn. Con cái là mối phiền muộn; và theo thói quen thường xảy ra là cứ để mặc cho trẻ em chết một cách bi thảm. Trong thời xa xưa trẻ em có nhiều dịp để chết trước khi bắt đầu sống. Chỉ một nhóm nhỏ những người Kitô giáo đã làm thay đổi tất cả vấn đề này.

Ảnh hưởng của Kitô giáo được chứng minh bằng sức mạnh mang tính chất giống như men trong bột của một số nhỏ những người theo Chúa Kitô. Điều này giúp ta hiểu tại sao sách Công vụ Tông đồ đã ghi rằng khi Kitô giáo đến Thessalonica, những người Do Thái phải kêu la lên: “Những người đã làm điên đảo thế giới nay đã có mặt ở đây”.

Bất cứ ai hỏi rằng “Kitô giáo đã làm gì cho thế giới”? Cũng phải nhìn nhận một sức mạnh biến đổi nơi các Kitô hữu trong mọi thời đại. Lịch sử đã chứng minh điều này. Chúng ta có quyền lạc quan, tin tưởng, và hy vọng vào tương lai. Lời Chúa nói trong các dụ ngôn cỏ lùng. Dụ ngôn hạt cải và dụ ngôn men trong bột không bao giờ sai. Và câu hỏi được đặt ra cho chúng ta là liệu chúng ta có dám tiếp tục đứng chung với những người Kitô hữu sơ khởi đấu tranh cho sự sống của con người, nhất là bênh vực cho các trẻ em chưa sinh ra, còn trong bụng mẹ không?

 

  1. CSTM/158 – Cỏ và lúa.

Bài Tin Mừng thuật lại ba dụ ngôn của Chúa Giêsu: cỏ lùng, hạt cải và men. Nghe Chúa nói ba dụ ngôn, nhưng các môn đệ lại chỉ xin Chúa giải thích một dụ ngôn cỏ lùng, và Chúa đã giải thích: người đi gieo giống tốt là Thiên Chúa, hạt giống là người ta, là con người, là con cái Chúa, thửa ruộng là thế gian, là nơi sinh sống, làm việc, phục vụ, cỏ lùng là người xấu, người dữ, mùa gặt là ngày chết hay ngày tận thế, thợ gặt là các thiên thần, lúa tốt thì được thu vào kho lẫm, tức là những người tốt lành, công chính, thánh thiện, thì được thưởng, còn cỏ lùng là những người xấu, người dữ thì bị tống vào hoả ngục.

Nghe hay đọc dụ ngôn này cùng với sự giải thích của Chúa, chúng ta thấy dễ hiểu và hợp tình hợp lý. Thế gian này có người tốt người xấu, người lành người dữ sống bên nhau, sống cùng nhau là chuyện bình thường. Chẳng có nơi nào toàn là những người tốt và cũng chẳng có nơi nào toàn là những người xấu. Nhưng có một điều khác biệt: cỏ lùng, vì bản chất của nó là cỏ dại, cỏ xấu, cho nên vạn đại nó cũng không thể nào biến thành lúa tốt được. Cũng thế, cây lúa thì lúc nào nó cũng là cây lúa, chỉ có điều là nó cho nhiều hay ít hạt lúa, chứ không bao giờ biến thành cỏ lùng được.

Đối với con người thì không như vậy: bản tính con người được Chúa tạo dựng là tốt lành: “Nhân chi sơ tính bản thiện”: khi sinh ra, con người vốn tốt lành, nhưng với thời gian lớn khôn, con người vẫn tốt hay trở thành xấu, nghĩa là con người tốt hay xấu là do thêm vào hay mất đi. Có người trước kia là lúa tốt, bây giờ là cỏ lùng, ngược lại, có người trước kia là cỏ lùng, bây giờ là lúa tốt. Dĩ nhiên cũng có những người luôn luôn là lúa tốt và những người lúc nào cũng là cỏ lùng, hoặc có những người khi thì là lúa tốt khi thì là cỏ lùng hoặc ngược lại. Điều quan trọng là tới khi chết, người ta đang ở trong tình trạng nào: cỏ lùng hay lúa tốt? Đó là trách nhiệm của mỗi người.

Chính vì yếu tố trách nhiệm này, vì khả năng biến đổi tốt thành xấu và xấu thành tốt nên chúng ta phải cố gắng làm giảm bớt đến mức tối đa, tức là mức thấp nhất những gì là xấu xa, tội lỗi, tức là cỏ lùng, và gia tăng đến mức tối đa, tức là mức cao nhất, nhiều nhất những gì là tốt lành, thánh thiện, tức là lúa tốt. Hơn nữa, trong đời sống hằng ngày, ngoài việc cố gắng bớt cỏ lùng, thêm lúa tốt, tức là bớt tư tưởng, lời nói, việc làm xấu và gia tăng những việc phúc đức, mỗi người còn phải cố gắng làm sao để được nhắm mắt xuôi tay, kết thúc cuộc đời trong tình trạng đang kể là lúa tốt.

Ở đời này, thường chúng ta ít thấy công lý thắng gian tà, nhưng ở đời sau, thì tất cả mọi nợ nần đều phải trang trải, mọi bất công sẽ được san phẳng: lúa tốt, tức là người tốt, sẽ được nâng niu thu góp vào kho lẫm, tức là được thưởng công xứng đáng. Còn cỏ lùng, tức là người xấu, sẽ bị ném vào lửa để thiêu huỷ. Câu chuyện cỏ lùng giữa lúa tốt quả quyết với chúng ta về sự báo oán công minh ở đời sau: người tốt sẽ được thưởng, người xấu sẽ bị phạt muôn đời. Như vậy, tốt hay xấu, được thưởng hay bị phạt là do chính mỗi người chúng ta. Vì thế khi kết thúc dụ ngôn Chúa nói: “Ai có tai thì nghe:, nghĩa là Chúa muốn nhắc chúng ta rằng: chúng ta là đầu óc, có trí khôn, chúng ta biết phân biệt phải quấy, chân giả, đúng sai, tốt xấu thì đừng có sống đóng kịch hay sống bất chính, chúng ta phải biết sống đúng là con Chúa, chúng ta phải sử dụng đầu óc, trí khôn để sống theo luật Chúa. Chúng ta sống làm sao Chúa sẽ căn cứ vào đó để thưởng hay phạt chúng ta.

Tóm lại, trong cánh đồng mầu mỡ là con người yếu đuối của chúng ta, lúa tốt và cỏ lùng, tức là nhân đức và tội lỗi, đức tính và tật xấu… luôn luôn chèn ép nhau, giành giật nhau. Vì thế, chúng ta phải luôn tỉnh thức và chiến đấu để loại trừ cỏ lùng, tội lỗi và tật xấu, đồng thời bảo vệ lúa tốt, nhân đức và công phúc của chúng ta. Có như thế đến mùa gặt, tức là khi chúng ta nhắm mắt xuôi tay, chúng ta sẽ được Chúa nhân từ âu yếm nói với chúng ta: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, hãy vào hưởng sự vui mừng với Chúa ngươi”. Xin Chúa cho chúng ta biết sống theo lời Chúa để chúng ta đều được nghe những lời đầy thân thương trên đây của Chúa.

 

home Mục lục Lưu trữ