Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 37

Tổng truy cập: 1371552

TÔI MUỐN ANH HÃY LÀNH BỆNH

TÔI MUỐN ANH HÃY LÀNH BỆNH– Lm. Phêrô Lê Văn Chính

       Khi chứng kiến bệnh tật nan y của những người thân và của chính mình, ai trong chúng ta cũng cảm thấy sợ hãi bởi vì chúng ta cảm nghiệm cái chết lần hồi đến cất đi mạng sống của những người thân yêu của chúng ta mà những phương tiện y khoa và thuốc men của con người đều bất lực. Những cảm nghiệm này giúp chúng ta cảm thông tâm trạng của người bị bệnh phong cùi trong câu chuyện Tin mừng hôm nay cũng như biết nhìn lại chính thân phận tội lỗi và bệnh tật của chính mình. Vào thời Chúa Giêsu, đối với người bị bệnh phong cùi,  cuộc đời của họ sẽ không còn có tương lai nữa, không còn hy vọng chữa trị.

          Vào thời đó, những người bị bệnh phong cùi ở xứ do thái bị buộc sống tách rời khỏi dân chúng, xa cách cộng đoàn và không được tham dự vào đời sống tôn giáo cũng như xã hội với mọi người. Theo luật sách Lêvi, khi thấy có những dấu hiệu lạ trên thân thể, họ phải được vị tư tế khám và quyết định tình trạng sống biệt lập của họ. Họ phải sống cách ly với những người khác, phải mặc áo rách và la lớn tiếng « ô uế » để những người khác biết mà tránh. Vì thế, họ phải sống trong đau khổ và chỉ còn biết làm bạn với những người đồng cảnh ngộ. Đây chính là những biện pháp cẩn trọng từ thời xa xưa áp dụng để tránh những người khoẻ mạnh tiếp xúc với cơn bệnh đáng sợ này.

Tin mừng thuật lại một người phong cùi đến với Chúa Giêsu. Trong đau khổ, anh đã có sự sáng suốt và tìm đến Chúa Giêsu và với thái độ rất khiêm tốn quì gối xuống trước mặt người và ngỏ lời với người rất cung kính và tin tưởng : « nếu ngài muốn, ngài có thể khiến tôi được sạch. » Tin mừng thuật lại một cách rất tự nhiên : Chúa Giêsu động lòng thương cảm, đưa tay chạm đến anh và nói với anh : Tôi muốn, anh hãy khỏi bệnh. Tức khắc bệnh cùi biến mất và anh đã được sạch. Theo Thánh Kinh, bệnh cùi không chỉ là cơn bệnh thể lý đáng sợ gậm nhấm và làm biến dạng con người. Bệnh này còn bị xem như là hình phạt nặng nề của Thiên Chúa dành cho những tội nặng. Vì thế, khi mô tả những cử chỉ của Chúa Giêsu đáp lại lời cầu xin của người cùi, chúng ta cũng hiểu được thái độ đầy yêu thương của Chúa Giêsu dành cho người này. Người đã yêu thương đưa tay ra chạm đến anh và nói lời chữa lành rất hiệu quả  khiến cho bệnh cùi được chữa lành ngay lập tức. Câu chuyện được thuật lại khá đơn giản, nhưng tác giả của bài Tin mừng muốn giúp chúng ta hiểu rằng việc chữa lành những người cùi là một trong những dấu chỉ của thời đại Đấng cứu thế. Đấng cứu thế đến để cứu chữa con người, chữa lành bệnh tật, làm cho con người được mạnh khoẻ tinh thần và thể xác, chữa con người khỏi những nguyên nhân sâu xa của bệnh tật và sự chết là tội lỗi và tái lập tương quan của con người với Thiên Chúa và với những người khác. Mặt khác, cũng cần thấy rằng tội lỗi làm con người mất đi sự hiệp thông đời sống và hạnh phúc với Thiên Chúa và với người khác. Tội lỗi giam cầm con người trong cô đơn, tuyệt vọng và chỉ có lòng thương xót ân cần và tha thứ của Chúa Giêsu cứu thoát con người ra khỏi hố sâu tuyệt vọng này. Tin mừng còn cho thấy thái thái độ nghiêm nghị và cứng rắn của Chúa Giêsu, không cho phép anh cho những người khác biết việc chữa lành, chỉ cần anh trình diện với tư tế theo luật để hội nhập lại vào đời sống xã hội và tôn giáo với mọi người. Chúa Giêsu muốn anh kín đáo và không muốn mọi người hiểu lầm về sứ vụ của người. Ngược lại, người nhắc nhở anh hãy đi trình diện với tư tế để được hội nhập vào đời sống cộng đoàn đồng thời qua đó, một cách gián tiếp, cũng làm chứng cho mọi người hiểu được đây là dấu chỉ của thời đại Đấng cứu thế.

          Nhưng điều ngạc nhiên đó là người được chữa lành không tuân theo lời nhắc nhở của Chúa Giêsu. Anh đi và loan báo tin mừng này cho mọi người khiến Chúa Giêsu không thể công khai vào trong thành, và người phải ở ngoài, nơi hoang địa và dân chúng kéo đến với người. Người được chữa lành này vừa gây khó khăn cho Chúa Giêsu, nhưng ngược lại cũng nhờ đó mà dân chúng lại kéo đến với người, dù người ở ngoài thành trong những nơi hoang địa. Chúng ta hình dung người bị bệnh được chữa lành này, ban đầu khi đến với Chúa Giêsu, anh là một người bị bệnh phong hủi cô đơn, xa cách với mọi người, nhưng đã dám can đảm đến với Chúa Giêsu với một thái độ tin tưởng và khiêm tốn, và sau cùng đã trở nên một con người hoàn toàn được biến đổi, anh đã vui tươi gặp gỡ mọi người, hoàn toàn bắt đầu một đời sống mới, loan báo và làm chứng về  Chúa Giêsu cho mọi người để dân chúng đến với người.

          Thánh Phaolô cũng là hình ảnh của một người được biến đổi, và người chia sẻ với chúng ta những xác tín hiện tại của mình và mời gọi mỗi người cũng hãy có một đời sống mới mẻ và phong phú vì đã có đời sống thân mật với Chúa Giêsu: « dù ăn dù uống, dù làm việc gì khác, anh em hãy làm vì danh Chúa. Anh em đừng làm bất cứ điều gì để nên cớ vấp phạm cho người khác. » Đời sống tương quan mới mẻ với Chúa Giêsu đã làm cho thánh Phaolô cảm nghiệm thực sự trong mọi việc làm của mình, dù đơn giản và thông thường nhất như việc ăn uống cũng là vì Danh Chúa, vì kết hợp mật thiết với Chúa. Đồng thời, ngay cả mặt tiêu cực của hành động, cũng cần phải cẩn trọng, tức là đừng làm gì để gây vấp phạm cho người khác. Thánh Phaolô chia sẻ cố gắng thiết thân của mình, đã không làm vì để tìm tư lợi cho mình, nhưng luôn cố gắng làm vì lợi ích của mọi người và người làm điều này vì đã học được nơi chính Chúa Giêsu.

          Câu chuyện của bài Tin mừng là lời mời gọi mỗi người chúng ta gặp gỡ và được chữa lành bởi Chúa Giêsu. Chúng ta cũng được mời gọi, như người bị bệnh phong cùi, tin tưởng và khiêm tốn đến với Chúa Giêsu để xin người chữa lành bệnh tật nơi chính mình để rồi khởi đầu một đời sống mới trong người. Bệnh tật và sự chết có nguyên nhân sâu xa nơi tội lỗi của con người và chỉ có sức mạnh thần linh từ Chúa Giêsu mới có thể chữa chúng ta khỏi những nguyên nhân sâu xa của bệnh tật và sự chết. Phẩm giá nơi mỗi người chúng ta được chính Chúa Giêsu, với lòng thương xót tha thứ của người chăm sóc và chữa lành, để trả lại cho chúng ta phẩm giá này vì chúng ta cần sự chăm sóc hữu hiệu và quyền năng của người. Chúng ta sẽ cảm nghiệm lòng thương xót và sự chăm sóc của người mỗi khi trong những đau khổ và thiếu thốn của mình, chúng ta biết chạy đến với người và kêu xin lòng thương xót của người. Chúng ta cũng sẽ cảm nghiệm sự chăm sóc đầy lòng thương xót của người khi chúng ta theo lời của thánh Phaolô, càng ngày càng đặt người là trung tâm của đời sống mình, để rồi dù làm bất cứ việc gì, dù ăn dù uống, chúng ta đều kết hợp mật thiết với người. Người chính là niềm vui và niềm hy vọng, niềm tự hào và lẽ sống của chúng ta và ơn cứu độ của chúng ta.

 CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN-B

CHỨNG PHONG HỦI BIẾN KHỎI ANH- Lm. Trầm Phúc

Chúng ta nghe kể lại phép lạ Chúa Giêsu chữa một người cùi, xem như một phép lạ riêng cho một bệnh nhân mắc một thứ bệnh mà thời đó người ta xem như bệnh ô uế. Ô uế ở đây phải hiểu là cả thân xác và cả tâm hồn. Theo luật Môsê, ai mắc bệnh ngoài da lan tỏa khắp người, thì không được ở trong cộng đoàn, phải tìm một chỗ riêng biệt để khỏi lây cho người khác, và người khác cũng không bị nhiễm lây sự ô uế đó. Ai chạm vào người bệnh sẽ bị ô uế.

Trình thuật của Maccô không nói rõ phép lạ này xảy ra ở đâu, chỉ nói là ở cửa một thành phố. Người bệnh không được phép vào thành phố hay nơi có đông người. Thái độ của anh cùi là một sự liều lĩnh. Anh đến với Chúa Giêsu. Anh có thể bị đuổi và có thể bị ném đá vì người ta rất sợ bệnh này. Bệnh nhân phải đứng xa và la lên: “Ô uế, ô uế!” Anh này ngược lại đã đến với Chúa, quỳ gối xuống, van xin: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”.

Thái độ và lời khẩn xin của anh cùi cho chúng ta thấy lòng tin vững mạnh của anh. Anh không sợ bị xua đuổi. “Nếu Ngài muốn”. Anh tin tuyệt đối vào quyền năng của Ngài. Anh quỳ gối xuống, một cử chỉ vừa khiêm tốn vừa tha thiết. Thánh Maccô cho thấy thái độ nhân từ của Chúa Giêsu. Ngài đáp lại bằng một cử chỉ hết sức yêu thương. Ngài chạnh lòng thương, giơ tay động đến anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi”. Chúa Giêsu cũng liều khi giơ tay chạm đến anh cùi. Ngài không sợ bị ô uế. Thay vì chỉ cần nói một lời, Ngài chạm đến anh. Một cử chỉ đầy tình thương. Ngài muốn cho anh thấy rằng Ngài thông cảm sâu xa hoàn cảnh khốn khổ của anh. Ngài chấp nhận bị liên lụy với anh trong sự khốn khổ của anh. Nhập thể là như thế. Ngài chấp nhận thân phận con người như chúng ta. Ngài không đứng ở xa, Ngài đến gần, thật gần để chia sẻ nỗi thống khổ của con người, của chúng ta. Chúng ta có nhìn thấy được tình thương của Ngài không? Chúng ta có tin không? Chúng ta có đến với Ngài để được chữa lành không?

Theo lời cầu xin của anh cùi, Chúa nói rõ: “Tôi muốn, anh hãy lành sạch”. Bệnh cùi biến ngay. Một lời nói vừa uy nghi và vừa hữu hiệu! Ngài chứng tỏ Ngài là một Đấng có uy quyền, là Đấng Thiên Sai. Chữa lành bệnh nhân có thể xem như một sự giải thoát. Mục tiêu của Ngài, quyền năng của Ngài chính là cứu vớt con người khỏi bệnh tật phần xác và cả những đau khổ phần hồn.

Chữa lành bệnh tật cũng là dấu hiệu của tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta đang bị đè nặng dưới đau khổ và tội lỗi. Chúng ta có cảm thấy mình là thân phận nhơ hèn tội lỗi không? Chúng ta thân phận cùi đày khốn khổ, chúng ta có cảm thấy cần một lời tha thứ hay chữa lành không? Thường chúng ta không tin vì chúng ta không biết mình bị phong cùi. Tâm hồn chúng ta có gì là tốt đẹp? Chúng ta có cảm thấy cần được lành sạch không? Hay chúng ta vẫn tự mãn như tên Pharisêu kia, cảm thấy mình thánh thiện và khinh chê những người khác? Hay chúng ta thích ở lì trong sự nhơ hèn của chúng ta? Hay chúng ta cảm thấy mình đủ thánh thiện rồi, không cần phải thanh tẩy?

Cha De Mello nói: “Những người tội nhân khét tiếng nhất là những người không biết mình phạm tội”.

Hãy thành thật và khiêm tốn nhìn lại tâm hồn mình, chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta thật khốn cùng, đầy những vết nhơ tật xấu. Chúng ta chưa thánh thiện đâu. Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn không ngại nói rằng mình là người tội lỗi.

Thế giới hôm nay đang cần những người thánh, nhưng được mấy người? Nhiều người Công giáo đã mất đi tâm thức về tội lỗi, phạm tội mà vẫn thấy mình công chính. Đây chính là tai nạn kinh khủng nhất mà không ai hay. Trong một giáo xứ, một vài người thù oán cha sở, tìm hết mọi cách để hạ nhục và hãm hại cha sở của mình suốt hơn hai mươi năm, vẫn rước lễ mỗi ngày. Một giáo dân khác, mười năm không đi xưng tội vẫn rước Chúa mỗi tuần. Như thế là thế nào? Họ đã mất đi ý thức về tội. Họ giữ đạo như một thủ tục, như một thói quen. Ngược lại, thánh Gioan-Maria Vianney, Cha sở họ Ars, vẫn luôn cảm thấy mình quá tội lỗi không xứng đáng làm cha sở. Ngài đã tìm cách bỏ trốn họ đạo hai lần, nhưng không thành công. Ai là người thánh thiện? Trong quyển sách “Người hành hương nước Nga”, anh ấy chỉ có một lời nguyện trên môi suốt năm này đến năm khác: “Lạy Chúa, xin thương xót con vì con là người tội lỗi”. Chúng ta có cảm thấy như thế không? Tinh thần thống hối là con đường đưa vào sự sống. Muốn được sống, chúng ta hãy làm như anh cùi kia: nhìn nhận sự khốn cùng của mình, tìm đến Chúa, quỳ gối xuống nài xin, tin tưởng: “Nếu Thầy muốn, Thầy có thể cho con được sạch”.

Chúa Giêsu không xa lắm đâu. Ngài ở nơi tòa giải tội. Ngài trông chờ chúng ta đến để chữa chúng ta lành sạch. Ngài không mõi mệt tha thứ. Chúng ta có muốn đến với Ngài thường xuyên để tâm hồn chúng ta được lành sạch và tươi sáng không?

Và phương thuốc hiệu nghiệm nhất để chữa lành tâm hồn chúng ta chính là Mình Thánh Chúa. Đó là phương thuốc của tình yêu. Hãy ăn lấy tấm Bánh Tình Yêu để tình yêu của Ngài thấm nhập vào da thịt và tâm hồn phong cùi chúng ta, mang lại sức sống dồi dào và giúp chúng ta hòa nhập vào đoàn dân thánh, cao rao những kỳ công và tình yêu của Chúa. Giờ đây, Chúa không cấm chúng ta rao truyền quyền năng Chúa như đã cấm anh cùi. Giờ đây chúng ta có thể lớn tiếng ca ngợi lòng thương xót của Chúa cho mọi người. Hãy đi ra, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói. Hãy rao giảng Tin Mừng cứu độ cho mọi người, như anh cùi kia, vì Chúa đang đến, vì “tình yêu của Chúa bền vững muôn đời”.

CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN- B

HẬU QUẢ ĐÁNG SỢ CỦA TỘI LỖI-  Lm. Inhaxiô Trần Ngà

 Tội lỗi dưới mọi hình thức (như kiêu căng, tham lam, ích kỷ, ganh tỵ, gian dối…) là những thứ bệnh tật của tâm hồn, làm cho con người ra nhơ uế, khả ố, đáng khinh…

Thông thường, khi mắc phải tội lỗi mà chưa bị phát hiện, chúng ta vẫn thanh thản như không có chuyện gì xảy ra và cũng không cảm thấy cần phải ăn năn hối cải.

Khi đó, việc cần phải làm là cố gắng che đậy những tội lỗi xấu xa của mình đi, không để cho ai nhìn thấy; mà vì che đậy kỹ quá, khéo quá nên dần hồi, ngay cả bản thân ta cũng không còn nhận ra những tội lỗi và thói xấu của mình.

 Thế rồi, khi ai đó phát hiện được những thứ tội ta mắc phải và rêu rao với người chung quanh rằng ta là người kiêu căng, tham lam, ích kỷ, ganh tỵ, gian dối … Bấy giờ, ta cảm thấy thanh danh của mình bị xúc phạm, phẩm giá bị tổn thương nặng nề. Ta giận điên lên; ta oán ghét thậm tệ người đã vạch áo ta cho người khác xem lưng.  

Giả như chúng ta mắc bệnh phong cùi và cố tình che giấu không cho ai biết, lại có người tiết lộ chuyện này ra cho mọi người biết, có lẽ ta sẽ không buồn, không giận cho bằng kẻ đã phơi bày tội lỗi của chúng ta ra trước mặt người khác.

Thế là cho đến lúc này, ta mới thấy được những tội lỗi mà lâu nay mình ra sức che đậy, giấu giếm, gây hại cho ta hơn cả bệnh phong cùi, vì chúng hạ thấp phẩm giá của ta, làm tổn thương danh dự ta, làm mất mặt ta!

 Tội lỗi tai hại và đáng ghê tởm hơn bệnh phong cùi

Tội lỗi tai hại hơn bệnh phong cùi vì  ba lý do sau đây:

Thứ nhất: Bệnh phong chỉ làm hại thân xác người bệnh mà thôi, trong khi đó, có nhiều thứ tội không chỉ làm hỏng cuộc đời của người mang tội mà còn gây thiệt hại nặng nề cho bao người chung quanh.

Tội tham lam (tham của, tham tiền, tham chức, tham quyền…) đã gây ra biết bao thiệt hại về người và tài sản vì chúng gây ra chiến tranh, tham ô, cướp của, giết người, lừa đảo…

Tội ganh tỵ nơi Ca-in khiến anh đang tâm sát hại đứa em vô tội của mình là A-ben (Sáng Thế 4, 1-8); tội tà dâm trong lòng vua Đa-vít khiến nhà vua cướp vợ người khác, đồng thời giết hại tôi tớ trung thành của mình là U-ri-a (2 Samuen, 11,1-16).

 Thứ hai: Bệnh phong có thể được chữa trị dứt điểm cách dễ dàng sau chừng 6 đến 12 tháng điều trị, trong khi nhiều thứ tội lỗi ăn sâu vào tâm khảm con người rất khó điều trị dứt điểm và nhiều người đành mang tội xuống mồ.

 Thứ ba: Tội lỗi đáng ghê tởm hơn bệnh phong cùi, vì bệnh phong không làm mất thanh danh của ta, không làm cho ta nên khả ố trước mặt mọi người, không làm cho phẩm chất của ta bị sa sút trầm trọng, trong khi đó, tội lỗi gây nên tất cả những hậu quả đáng tiếc đó.

Chỉ khi nào ta thấy tội lỗi gây ra nhiều điều tai hại và còn tệ hại hơn cả bệnh phong cùi, làm cho ta trở nên khả ố, mất phẩm chất cao đẹp… thì ta mới cố sức chừa bỏ chúng.

Tin Mừng thánh Mác-cô trích đọc hôm nay thuật lại rằng: Hôm ấy “có người bị phong hủi đến gặp Chúa Giê-su, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Chúa Giê-su chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi! “Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch” (Mc 1, 40-45).

Chúa Giê-su là Đấng có quyền năng cứu chữa người phong hủi được sạch và Ngài cũng đủ quyền năng nhổ sạch cội rễ của mọi thứ tội lỗi ra khỏi tâm hồn chúng ta.

Lạy Chúa Giê-su,

Như người phong hủi năm xưa đến gặp Chúa và xin Chúa chữa lành, chúng con cũng tha thiết nài xin Chúa cứu chữa chúng con khỏi tội lỗi và thói hư tật xấu đang thống trị đời mình.

Xin cho chúng con thấy rằng tội lỗi tai hại và đáng sợ hơn cả bệnh phong cùi để quyết tâm xa lánh.

Xin cho Lời Chúa thấm nhập vào tâm hồn chúng con và thanh tẩy chúng con khỏi mọi vết nhơ tội lỗi, để tâm hồn được trở nên trong sáng, cho phẩm chất được nâng cao. Amen.

home Mục lục Lưu trữ