Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 63
Tổng truy cập: 1366117
TÔI PHẢI LÀM GÌ ?
TÔI PHẢI LÀM GÌ ?
(Suy niệm của Lm. Alfonso)
Tin mừng Lc 3: 10-18 Sám hối không phải chỉ là một sự ngẫu hứng, thực hiện ngày một, ngày hai nhưng cần thực hiện thường xuyên và liên lỉ để có thể thay đổi được tính cố hủ cùng những tật xất, gian dối và tham lam trong con người.
Suy niệm:
Chúng ta đã đi được nửa chặng đường Mùa Vọng. Hôm nay, Chúa nhật thứ III Mùa Vọng được gọi là Chúa Nhật của niềm vui với phẩm phục phụng vụ từ màu Tím chuyển sang Hồng, và chủ đề tuần này là lời mời gọi “Vui lên” vì Chúa sắp đến. Lời nguyện nhập lễ hôm nay đầy tín hoan lạc: “Lạy Chúa, xin đoái xem, này dân Chúa đem tất cả niềm tin đợi chờ ngày lễ Sinh Nhật Đấng Cứu Thế. Xin hướng niềm vui chúng con về chính nguồn hoan lạc của mầu nhiệm Giáng Sinh cao cả để tâm hồn chúng con hoàn toàn đổi mới mà họp mừng ngày cứu độ đã gần kề.”
Trong bài đọc thứ I, tiên tri Xôphônia đem đến cho dân niềm hy vọng đầy lạc quan để vượt qua những thất vọng, nản chí và đau buồn: “Chúa là Thiên Chúa ngươi, là Đấng mạnh mẽ ở giữa ngươi, chính Người cứu thoát ngươi. Người hân hoan vui mừng vì ngươi. Người cảm động yêu thương ngươi, và vì ngươi, Người sung sướng reo mừng” (Xp 3,16-18).
Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu thành Philiphê cũng mời gọi các tín hữu vui lên trong niềm vui của Chúa. Đức ôn hoà của anh em phải sáng tỏ trước mặt mọi người, vì Chúa đã gần đến.
Và lời rao giảng của Gioan Tiền hô là cao điểm khi kêu gọi sám hối, dọn đường cho Chúa vì Chúa sắp ngự đến. Lời này đã đánh động con tim dân chúng, và họ đáp lại cách nhiệt tình: “Vậy chúng tôi phải làm gì đây?” Vâng, cám ơn những người người đã đến hỏi tiên tri Gioan về cách thức chuẩn bị đón Chúa đến. Nhờ họ mà chúng ta cũng sẽ có câu trả lời cho chính mình. Thiên Chúa không đòi điều gì ngoại thường vượt khả năng và địa vị mỗi người. Điều Chúa muốn là mỗi người sống công bằng và bác ái. Với những đức tính này, chúng ta mới có thể chuẩn bị tốt đẹp để ra đón Chúa.
Ba nhóm người được thánh Gioan giải đáp:
Trước hết, cách chung cho những người đầy thiện chí đang mong chờ Chúa đến, Gioan mời gọi “Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy”. Điều tối thiểu mình có thể làm được là hãy quan tâm đến những người đang sống quanh ta, chia cơm sẻ áo cho người túng thiếu. Đây là điều tối thiểu có thể làm được.
Đối với người làm nghề thu thuế là những người đại diện cho lớp công chức được trả lương bằng đồng tiền thuế của dân, Gioan không bảo họ phải đổi nghề, nhưng kêu gọi sự liêm khiết trong công việc, đừng tham nhũng bóc lột người khác hay đòi thêm điều gì khác ngoài mức đã được ấn định. Họ được mời gọi chu toàn nghĩa vụ một cách lương thiện.
Với các quân nhân tượng trưng cho hạng người quyền lực, giữ gìn trật tự cho công chúng, họ dễ bị cám dỗ lạm quyền. Gioan mời gọi: “Đừng ức hiếp hay cáo gian ai; hãy bằng lòng với số lương của mình”. Những người này cần sự công minh và biết tôn trọng người khác.
Còn với mỗi người chúng ta hôm nay, cùng giành ít phút hồi tâm, hãy tự trả lời cho chính mình về câu hỏi: “Còn chúng tôi phải làm gì?”
Cha Anthony de Mello dòng Tên đã kể lại câu chuyện sau đây về một nhà tu Ấn Độ nổi tiếng. Vị tu sĩ đáng kính này đã nhận định về cuộc đời của mình như sau: “Khi 20 tuổi, tôi là một con người hăng say cách mạng và lời cầu nguyện của tôi lúc đó dâng lên Thiên Chúa là: ‘Lạy Chúa, xin ban cho con sức mạnh để thay đổi trọn cả thế giới này’. Nhưng rồi khi 40 tuổi, sống đến nửa đời người, tôi ý thức là mình chưa thay đổi được ai cả, tôi ít tự phụ hơn và cầu nguyện cùng Chúa như sau: ‘Lạy Chúa, xin ban cho con một ơn này mà thôi, là có thể thay đổi được những ai mà con gặp hằng ngày, những người thân trong gia đình cũng như bạn bè. Chỉ được như thế thôi thì con cũng mãn nguyện lắm rồi’. Nhưng giờ đây khi 60 tuổi, đến lúc tóc bạc da mồi, tháng ngày đời tôi sắp tàn, tôi ý thức mình đã tự phụ và điên rồ, tôi khiêm tốn hơn và chỉ cầu nguyện như sau: ‘Lạy Chúa, xin ban cho con ơn thay đổi chính bản thân con". Nếu tôi đã sống và cầu nguyện như thế ngay từ đầu cuộc đời của tôi, thì tôi đã không uổng phí cuộc sống của mình’.
Sám hối không phải chỉ là một sự ngẫu hứng, thực hiện ngày một, ngày hai nhưng cần thực hiện thường xuyên và liên lỉ để có thể thay đổi được tính cố hủ cùng những tật xất, gian dối và tham lam trong con người. Tuy nhiên, nếu như chúng ta không có một bắt đầu hoán cải thì sẽ không thể có những bậc thang nên thánh được. Một người thánh thiện không phải là một người không mắc tội mà là một tội nhân biết sám hối và vươn lên từng ngày với những hành động thực tế. Như thế, khi nói đến việc chuẩn bị đón mừng Chúa, chúng ta không chỉ là lãnh nhận bí tích Hòa Giải và lo dọn mình sạch mọi tội lỗi mà thôi, nhưng trên hết, chúng ta được mời gọi biến cải đời sống. Một cuộc sống công bằng, yêu thương, chia sẻ và phục vụ giúp cho cuộc sống của người xung quanh ta bớt khổ đau. Được vậy, chúng ta đang chuẩn bị đón Chúa đến một cách đầy đủ và có ý nghĩa nhất, như lời từ Thông điệp Deus caritas est, Đức Thánh cha Bênêđict XVI đã viết: “Tình thương luôn là điều cần thiết, cả trong một xã hội công bằng nhất” (số 28).
Xin Chúa cho con biết sống một cuộc sống công bằng và luôn thể hiện nghĩa cử tốt với những người con gặp gỡ, tập bớt đi tính tham - sân - si bằng việc sám hối với những điều thiện ích để sống đẹp lòng Chúa hơn. Amen.
19.Chúng tôi phải làm gì?
(Suy niệm của Lm. Trầm Phúc)
Khung cảnh phụng vụ hôm nay có một màu sắc khác những Chúa nhật trước. Chủ tế có thể mặc áo hồng, là màu diễn tả niềm vui. Tất cả những lời kinh và những đoạn Kinh Thánh đọc trong thánh lễ mang một màu sắc vui mừng hân hoan đặc biệt. Tại sao thế?
Vì Giáo hội đang vui mừng rạo rực đón chờ Chúa đến. Và Chúa đang đến gần, không còn bao lâu nữa. Chúng ta được mời gọi tham dự vào niềm vui trông đợi này, vì Chúa đến là cho mỗi người chúng ta.
Giáo hội mượn lời của tiên tri Xôphônia để mời gọi con cái mình đi vào niềm vui của Chúa: “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xion, hò vang dậy đi nào, nhà Israel hỡi!... Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi, Người là Vị Cứu Tinh, là Đấng anh hùng. Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỉ, sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi. Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng như trong ngày lễ hội.”
Lời của tiên tri có cho chúng ta thấy rằng chúng ta là niềm vui của Chúa không? “Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng như trong ngày lễ hội”.
Vì thế, hôm nay, Giáo hội mời chúng ta vào niềm vui trong sáng của Chúa. Vui lên đi vì Chúa thương chúng ta, vì Chúa sẽ đến cứu độ chúng ta.
Thánh Phaolô, trong thư gởi cho giáo đoàn Philipphê là giáo đoàn ngài thương nhất cũng bảo họ: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!...Chúa gần đến”.
Chúng ta chưa thấy vui, vì chỉ thấy cuộc sống hôm nay vẫn nặng nề, đầy lo toan, đầy khổ nhọc. Vì chúng ta chưa bao giờ cảm thấy Chúa là ai và tình thương của Chúa như thế nào. Chúng ta không chú ý mấy đến tình yêu của Ngài.
Hơn nữa, chúng ta chưa bao giờ nghĩ một cách chính xác chúng ta là gì, thân phận chúng ta ra sao: chúng ta là những con người đầy tội lỗi, nặng nề trong ách nô lệ tội lỗi và tính hư tật xấu. Thế nhưng Chúa không bỏ rơi chúng ta bao giờ, chỉ có chúng ta bỏ Chúa. Chúng ta hãy vui lên vì Chúa đã thương tha thứ tội lỗi chúng ta. Ngài muốn chúng ta hạnh phúc với Ngài, và trong Ngài. Chúng ta chỉ hạnh phúc khi chúng ta thoát ra khỏi ách nô lệ tội lỗi. Ngài đến trong trần gian này, đâu phải để tìm một cái gì cho Ngài, nhưng Ngài đến vì chúng ta, Ngài đến để giải thoát chúng ta. Muốn thế, chúng ta hãy đến với Ngài, thành thật và tha thiết.
Hãy vui lên! Chúa chúng ta sắp đến với tất cả tình yêu của Ngài. Một tù nhân sẽ nghĩ gì khi biết rằng một vài ngày nữa sẽ được tự do? Một thanh nữ nghĩ gì khi người yêu hứa vài ngày nữa cha mẹ anh sẽ đem trầu cau đến hỏi em? Không vui sao được khi Chúa đến đem lại cho chúng ta nguồn vui bình an của Ngài? Nhưng chúng ta chỉ vui thực sự khi chúng ta nhìn thấy tình trạng tù đày của mình, khi chúng ta đang mong chờ ngày người yêu đến với chúng ta.
Chúa biết rằng chúng ta không thể tự mình cứu lấy mình, Ngài sai người đến nhắc nhở, thúc giục chúng ta. Gioan Tẩy Giả được sai đến, ông xuất hiện bên bờ sông Giođan, kêu gọi dân chúng ăn năn thống hối, trở về với Thiên Chúa.
Dân chúng, từ lâu đã được nung nấu trong niềm hy vọng được cứu thoát, đến gặp Gioan và hỏi: “Vậy, chúng tôi phải làm gì?”
Đó là câu hỏi mà hôm nay mỗi người chúng ta phải đặt lại cho chính mình. Tôi phải làm gì để đón chờ Chúa đang đến với tôi đây?
Gioan khuyên bảo dân chúng: “Hãy chia sẻ với người túng thiếu, hãy sống công bằng, đừng gian dối…”
Giáo hội hôm nay nhắc lại những lời của Gioan, khuyến khích chúng ta đi vào cuộc sống tốt hơn. Đó là cách chờ đón Chúa tuyệt vời.
Trong hạnh thánh Vinh Sơn đệ Phaolô, trong một cuộc đàm đạo với nữ hoàng Anna nước Áo, hoàng hậu quay lại phía Cha Vinh Sơn và nói: “Cha làm nhiều việc quá!” Cha Vinh Sơn trả lời: “Tôi làm quá ít, thưa nữ hoàng”.
Hoàng hậu: “Cha biết, cha đã làm rất nhiều, và chắc cũng không mấy người, khi đến tòa Chúa có thể được ghi công đầy đặn như cha”.
Cha Vinh Sơn làm một cử chỉ như chán nản: “Thưa nữ hoàng, tôi đã ngủ nhiều, ngủ nhiều quá và nhiều lúc tôi lại hèn nhát”.
Hoàng hậu: “Cha Vinh Sơn này, chúng tôi là những người chỉ biết lo hưởng thụ, và nếu không có cha nhắc nhở, chắc chúng tôi không bao giờ mở mắt để nhìn thấy cái gì tốt, xin cha hãy trả lời tôi, cha luôn sống cho đi, cha từ bỏ tất cả mọi sự kể cả hạnh phúc, quyền lực. Cha đã xây đắp không phải những lâu đài phù phiếm… Vậy đứng trước cái chết, cái lỗ to tướng đó đàng sau cha, cha có thấy như vậy không? Cha Vinh Sơn: “Có, thưa bà”. Hoàng hậu: “Vậy phải làm gì trong một cuộc sống để có thể gọi là làm được cái gì”? Cha Vinh Sơn chỉ nói: “Hơn nữa”.
“Hơn nữa” , đó là định luật của tình yêu. Thiên Chúa là Tình Yêu, Ngài đã yêu thương chúng ta đến nỗi ban Con Một Ngài cho chúng ta, tại sao chúng ta không tin? Vì chúng ta không tin, nên chúng ta không cảm thấy vui. Chúng ta không biết Chúa thương chúng ta như thế nào, chúng ta cứ dửng dưng. Ngày lễ Chúa Giáng Sinh, chúng ta trang hoàng nhà thờ, nhà cửa lộng lẫy hoa đèn nhưng lòng chúng ta không có ở đó. Chúng ta vắng mặt trong lễ hội tình yêu.
Chúa sắp đến rồi! Chúng ta sẽ đón tiếp Ngài như thế nào? Với tất cả tâm hồn, với tất cả tình yêu?
Giữ đạo là đó, là sống yêu thương, là đáp lại tình yêu của Chúa. Nhưng chúng ta có biết Chúa thương chúng ta không? Chúng ta có biết chúng ta được yêu như thế nào không? Chúng ta biết chứ, nhưng chỉ biết sơ sài, không mấy chú ý. Đó chính là điều đáng tiếc!
Chúa sắp đến rồi, chúng ta chuẩn bị bên ngoài, nhưng tâm hồn như thế nào?
Gioan Tẩy Giả nói: “Sẽ có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người”. Đấng đó là ai mà Gioan cảm thấy không xứng cởi quai dép cho Ngài, vậy chúng ta có xứng đáng hơn Gioan không? Chúng ta được vinh dự hơn Gioan, ông chỉ là người dọn đường, chúng ta được vinh dự đón rước Ngài, chúng ta không thấy rộn vui sao? Ngài sẽ đến “rửa chúng ta trong Thánh Thần và trong lửa”, và chúng ta sẽ được Ngài cho làm bạn thân tình vì Ngài đến để tìm gặp chúng ta.
Hãy vui mừng hân hoan vì tình thương của Chúa không bao giờ hao hụt, và chúng ta được mời gọi vào tình thương đó. Đó là niềm hạnh phúc mà chúng ta đang nắm trong tay.
Hãy cùng với Mẹ Maria chờ đón Chúa như Mẹ. Những ngày này, xưa kia, Mẹ đang nặng nề với đứa trẻ thần linh Mẹ cưu mang và Mẹ nóng lòng biết bao được nhìn thấy con mình, chúng ta hãy hòa nhập tâm tình yêu thương và chờ mong, mời gọi Chúa đến.
Và nơi đây, trong cộng đoàn phụng vụ, chúng ta cũng đang chờ Chúa đến trong mầu nhiệm Thánh Thể, thì hãy vui lên vì Ngài đã thực sự gần gũi với chúng ta, Ngài đến hôm nay để còn đến trong ngày mai. Hôm nay, Ngài đến trong chúng ta, mai sau, Ngài sẽ đến trong uy quyền, nhưng để bộc lộ nguyên vẹn tình yêu của Ngài trong vinh quang và trong đó chúng ta sẽ có mặt, nếu hôm nay, chúng ta thành tâm đón tiếp Ngài.
20.Thay đổi
"Chúng tôi phải làm gì?"
Hôm nay là Chúa Nhật 3 Mùa Vọng, chủ tế mặc phẩm phục màu hồng, sắc màu của niềm vui.
Hoà cùng niềm vui của phụng vu, mỗi người chúng ta hãy ý thức thay đổi trạng thái tâm hồn mình cho phù hợp với ý nghĩa phụng vụ mà Giáo Hội mời gọi. Gác lại chuyện cơm áo gạo tiền, tạm hoãn những ưu tư nghề nghiệp, vơi đi những lo âu bệnh hoạn, lau khô những giọt nước mắt tang chế u sầu của đời tạm. Và bây giờ, hỡi những ai có niềm tin vào Chúa Kitô, hãy vui lên, hãy thay đổi đời mình.
Hãy thay đổi đời mình! Đây là điều mà Gioan Tẩy giả kêu gọi mọi người thực hiện qua đoạn Phúc Âm hôm nay. Đó cũng là thái độ sống mà phụng vụ mùa vọng mời gọi từng người. Nhưng gần gũi hơn, thiết thực hơn, thay đổi đời mình, sống bác ái là tiếng gọi tha thiết của những người bên cạnh chúng ta: vợ chồng, con cái, hàng xóm, bè bạn, thầy cô, bạn bè...
Sự thay đổi hôm nay của bạn có ý nghĩa quan trọng cho cuộc đời bạn. Bạn thay đổi cho sự thăng tiến của bản thân. Bạn thay đổi vì hạnh phúc của người bên cạnh. Bạn thay đổi để chứng tỏ bạn gắn bó và lắng nghe lời Giáo Hội mời gọi. Bạn thay đổi để nói lên rằng bạn tin vào Tin Mừng Đức Kitô. Và hơn thế, giờ đây bạn thay đổi vì bạn yêu mến Đức Kitô và không muốn làm phiền lòng Người.
Hài Nhi Giêsu rất cần sự anh tân của từng người trong nhân loại. Ai cũng biết Chúa Giêsu sinh ra trong thời tiết khắc nghiệt của đêm đông lạnh giá. Nhưng cái lạnh Ngài sợ hơn cả là cái lạnh của lòng người. Bạn đang lạnh nhạt, hờ hững với những người thân trong gia đình, sống vô trách nhiệm, chỉ lo cho riêng mình. Bạn sống vô tình với tha nhân, dù họ đang cần sự giúp đỡ. Chúa sợ cái lạnh đó nhiều lắm. Không phải Chúa sợ cho Chúa mà Chúa đang lo sợ cho bạn. Chúa lo cái lạnh ấy diễn tiến lâu ngày sẽ đóng băng con tim bạn, sẽ làm mất dòng chảy yêu thương nơi tâm hồn bạn. Giáng sinh năm nay Chúa không đến được vì máng cỏ lòng bạn không còn hơi ấm.
Bạn ơi! Hãy ý thức rằng đối xử tệ bạc với mọi người trong đức ái là giết chết trái, là ngăn chặn hành trình giáng lâm của Đức Kitô nơi tâm hồn, là huỷ hoại công cuộc cứu chuột của Thiên Chúa.
Bạn là người Kitô hữu: Hãy vui lên, hãy thay đổi để chuẩn bị cho Chúa một máng cỏ lòng; lòng tin, lòng cậy, lòng mến.
21.Công chính – Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Chương trình cứu độ của Thiên Chúa ban cho loài người được hình thành qua rất nhiều thời kỳ. Thiên Chúa đã mặc khải ý định qua từng biến cố vui buồn của một dân tộc. Người đi vào thời gian để thực hiện ý định của Người. Đọc lịch sử dân Do-thái, chúng ta nhận ra bàn tay quan phòng của Người qua từng giai đọan. Thiên Chúa không rút bớt thời gian và không dùng sự lạ để đạt tới mục đích ngay, nhưng chờ đợi chuẩn bị của từng thế hệ con người. Mỗi thế hệ, Chúa lại chọn gọi một số những ngôn sứ và chứng nhân. Người mong muốn cải đổi từng tâm hồn để đón chờ Đấng Cứu Thế. Thiên Chúa sai các tiên tri để loan báo tin vui ngày xum họp trở về. Mỗi biến cố xảy đến cho dân là một dấu chỉ lòng thương xót. Tiên tri Sophonia đã cất tiếng: Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xi-on, hò vang dậy đi nào, nhà Ít-ra-en hỡi! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy nức lòng phấn khởi (Soph 3, 14).
Dân Chúa đã trải qua nhiều gian nan thử thách. Chúa ban cho Dân thật nhiều hồng phúc, nhưng họ cũng phải đối diện với nhiều thách đố thường ngày. Chúa để mắt đoái nhìn và dẫn dắt Dân trong nẻo chính đường ngay, nhưng rất nhiều lần họ đã đi lạc xa và rời bỏ Chúa. Chúa phạt họ lưu đầy, nhưng rồi Chúa lại qui tụ họ về. Tiên tri Sophonia diễn tả: Như trong ngày lễ hội. Những kẻ tản lạc được hồi hương Ta đã cất khỏi ngươi tai hoạ khiến ngươi không còn phải ô nhục nữa (Soph 3, 18). Ơn cứu độ được cưu mang qua nhiều dòng dõi nối tiếp sứ mệnh chuẩn bị. Chúng ta không thể tách rời các biến cố nhỏ to trong chương trình cứu độ. Thời gian là trường huấn luyện và là thuốc chữa lành tâm linh. Biết bao nhiêu kinh nghiệm xương máu để gìn giữ kho tàng châu báu niềm tin của cha ông. Đó là tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất.
Bài phúc âm của Chúa Nhật thứ 3 Mùa Vọng, Gioan Tẩy Giả xuất hiện giữa đám đông mở đường hoán cải. Gioan bắt đầu sứ mệnh rao giảng sám hối ngay giữa nơi quần chúng. Mọi cấp bậc và mọi giới đã chạy đến ngài và xin ý kiến làm sao có thể đổi đời. Cả các binh lính cũng đến hỏi: "Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì?" Ông bảo họ: "Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình." (Lc 3, 14). Lời kêu gọi của ông Gioan vẫn vang vọng qua mọi thời. Hôm nay đây mỗi người chúng ta cũng hỏi: Tôi phải làm gì để nên trọn lành? Cũng chính những việc cần thi hành mà Gioan đã nói về lòng bác ái, sự công bằng, sống ngay chính và thái độ chấp nhận. Niềm vui trong tâm hồn sẽ dâng trào khi sự ích kỷ, gian tham và kiêu căng bị xóa nhòa.
Cuộc sống xã hội tạo nên hình dạng nếp sống con người. Người ta nói gần mực thì đen, gần đền thì rạng. Cách sống và suy tư hành xử của chúng ta cũng bị ảnh hưởng khi sống trong xã hội một xô bồ, gian dối và lừa đảo. Những sai lạc và lầm lỗi nho nhỏ trở thành thói quen hằng ngày, chúng ta không còn nhận diện sự chính thật. Thánh Gioan Tẩy Giả đã khơi dậy và nhắc nhở mọi người sống tinh thần mới lấy đức ái làm cột trụ dẫn đường. Việc làm cấp bách là hãy chia sẻ áo quần, cơm bánh cho những người nghèo khó đói ăn, thiếu mặc. Niềm an vui của ơn cứu độ không cao siêu xa vời, nhưng hòa nhập ngay trong cuộc sống đời thường. Chúng ta sẽ nhận được niềm vui hoan lạc khi biết chia sẻ, cho đi và hiến thân.
Mùa Vọng mang ý nghĩa gì cho mỗi người chúng ta trong giai đoạn này. Chúng ta có thực sự cảm nhận được niềm vui trào dâng khi đón nhận lời mời gọi của thánh Gioan không? Chúng ta có thật sự muốn canh tân đời sống và dọn đường đón nhận Chúa vào tâm hồn không? Chúng ta cần tu thân, phải tích đức và đổi mới cách suy tư sống đạo. Biết bao nhiêu cơ hội đã đi qua trong cuộc đời bị bỏ lỡ. Những ràng buộc của bản ngã và của tham sân si cuốn quyện trong cách sống. Chúng ta khó vượt ra khỏi vòng bao quanh ứng xử thường tình của người đời. Đôi khi chúng ta cũng đua đòi và hãnh diện về những thói hư tật xấu của mình. Nghĩ rằng mình hiểu đời, điệu đời, chịu chơi và thích ứng được với những đua chen xã hội. Chúng ta cảm thấy thỏa mãn cuộc sống và dần rời xa những ràng buộc luân lý đạo đức.
Không phải ngày một, ngày hai là chúng ta thoát được khỏi vòng cuốn hút đam mê cuộc đời. Người ta thường nói rằng con người thì chứng nào tật ấy. Đúng thật, một tật xấu đã nhiễm, không dễ gì thay đổi. Việc xấu đã thành thói, khó bề sửa chữa. Có người khoe rằng tính tôi là vậy đó. Ai chịu thì chịu, không chịu thì thôi. Đây chỉ là cách cãi chầy và nói cối. Cần khiêm hạ trong ý thức với cả ý chí quyết tâm để có thể tránh xa và loại trừ những thói xấu. Thuốc nhẫn nhục chữa bệnh tham sân si. Ai cũng cần phải tu thân và tu tâm để nên người hoàn thiện. Nếu chúng ta tu được trong nghịch cảnh mới gọi là chân tu. Khi gặp những sự trái tai, gai mắt và thị phi, mà chúng ta cầm lòng được mới gọi là tu. Nếu không đối diện với nghịch cảnh thì khó biết sức tu của mình. Khi đụng truyện, chúng ta mới biết kẻ dữ, người hiền. Nếu chúng ta không tu tập sửa đổi thì ngày qua tháng lại, tuổi đời chồng chất và tóc bạc răng long, các thói hư tật xấu vẫn còn đó.
Hãy vui lên vì ơn cứu độ đã gần kề. Hãy vui với những giây phút hiện tại, chúng ta không phải đợi đến ngày mai. Chúng ta hãy bắt đầu ngay ngày hôm nay những gì có thể làm. Chân thành nhận diện những gốc rễ của sự sai xót, yếu đuối và lầm lạc để hồi đầu. Chúng ta chấp nhận sự thật về mình và đứng trên đôi chân của mình. Bỏ đi được một thói hư hay một tật xấu là chúng ta đã bước lên một nấc thang của sự hoàn thiện. Như ông Gioan, tuy dù mọi người kính phục Gioan, nhưng không màng dư luận thị phi. Ông trả lời thẳng thắn: "Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa (Lc 3, 16). Gioan khiêm hạ trong lòng để chu toàn sứ vụ được trao. Nhận mình là tiếng kêu trong hoang địa để dọn đường cho Chúa. Là những thừa tác viên của lời Chúa, chúng ta hoàn tất mọi công việc như người đầy tớ phục vụ.
Niềm vui của ngày trở về quê hương xứ sở là biến cố hân hoan. Thánh Phaolô viết thơ cho tín hữu thành Philipphê cũng loan báo tin vui: Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!(Phil 4, 7). Phaolô đã đón nhận niềm vui ngập tràn bởi chính nguồn ơn cứu độ là Chúa Kitô phục sinh. Ngài không quản ngại gian khó trên bước đường truyền giáo. Phaolô đã chịu trăm ngàn đắng cay để làm nhân chứng cho Chúa Kitô. Ngài khuyên lơn các tín hữu khởi đầu là hãy đặt niềm tin vào Thiên Chúa: Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện (Phil 4, 7). Tin vui cần được loan truyền. Phaolô đã lãnh nhận nhưng không, nên ngài cũng đem tin mừng biếu không bằng mọi giá.
Lạy Chúa, nếu không có ơn Chúa, chúng con chẳng làm được gì. Hãy luôn gắn bó với Chúa Giêsu là nguồn cội để lãnh nhận sự sống. Chúa phán: Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được (Ga 15, 5). Xin cho chúng con biết tận dụng mọi thời gian để tu tâm và luyện tính để nên hoàn thiện hơn. Không tu luyện, kiềm chế và tiết độ thì không thể thay đổi tính tình. Cuối cuộc đời nhìn lại đời mình, có khác gì như con dã tràng xe cát biển đông.
22.Suy niệm của Lm. Giuse Maria Lê Quốc Thăng
Tin mừng Lc 3: 10-18:Chúa Nhật III Mùa Vọng được gọi là "Chúa Nhật vui mừng" vì chủ đề chính yếu của Chúa nhật này là "Niềm Vui".
Chúa Nhật III Mùa Vọng được gọi là "Chúa Nhật vui mừng" vì chủ đề chính yếu của Chúa nhật này là "Niềm Vui". Tại sao phụng vụ lại chọn chủ đề của Chúa nhật này là niềm vui. Lý do vì Chúa nhật này chia mùa vọng ra làm hai, và Giáo Hội thấy thời điểm này là lúc thuận tiện để nhắc nhở Tin hữu biết rằng: Mùa Vọng không phải mang màu sắc ảm đạm, bi thương, nặng nề. Chúng ta đang chờ đợi Chúa, nhưng chờ đợi trong niềm hy vọng, trong lạc quan. Chờ đợi Chúa đến nhưng trong trí lòng đã cảm nhận đựơc sự hiện diện của Thiên Chúa. Chính vì thế mà trong tâm hồn đã trào dâng lên niềm vui.
I. Tìm Hiểu Lời Chúa: Lc 3, 10-18
Đám đông dân chúng qui tụ chung quanh Gioan Tẩy Giả tại sông Gioađan tham vấn với ông phải làm gì để được cứu độ. Ông giảng dạy mọi người tuỳ theo giai cấp, tầng lớp và công việc mà thực sự hoán cải, nhờ đó, chuẩn bị chờ đón Đấng Cứu Độ đến. Sự hoán cải đích thực đưa đến đời sống công chính và bác ái mạnh mẽ.
1. Tôi phải làm gì? Khi được Gioan kêu gọi hãy sám hối, hãy dọn đường cho Chúa đến, dân chúng liền hỏi ông, họ phải làm gì để sám hối, để dọn đường. Câu trả lời của Gioan khá cụ thể cho từng đối tượng hỏi ông. Gioan kêu mời mọi người sống công chính tuỳ theo hoàn cảnh của mình, thực hiện một lối sống thích hợp với địa vị, vai trò của mỗi người trong xã hội. Vời ấtt cả mọi người ông nhắc phải thực thi bác ái. Với người thu thuế và người lính ông nhắc nhở sống công bình trong khi thi hành nhiệm vụ, chống lại thói cường quyền, ức hiếp và ước muốn tham lam. Như vậy, Gioan không đòi buộc người ta phải tách mình ra khỏi cuộc sống hiện tại, khỏi những thực tại trần thế và khỏi nghề nghiệp của mình, nhưng sống và làm việc trong tinh thần bác ái, công bình, đó chính là thái độ sám hối hữu hiệu, đúng đắn.
Thành ngữ "Chúng tôi phải làm gì?" được nhắc đến ba lần trong bản văn này. Trong Luca, thành ngữ này là cách hỏi đặc biệt của người muốn hối cải (x. CVTĐ 2, 37; 16,30; 22,10).
a. Sự hoán cải đích thực giả thiết một sự quay trở về với tất cả con người, không chỉ trong lý trí nhưng trong toàn bộ cách sống. Những ước mơ tốt sẽ chỉ là ảo tưởng nếu không có hành động theo sau.
b.Với mỗi người, Gioan chỉ dẫn những lời khuyên thích hợp nhất với tình trạng của họ. Lời khuyên của Gioan đưa ra sáng suất, thực tế và đòi hỏi phải được thực hiện nghiêm túc , được áp dụng không chậm trễ.
c. Những lời khuyên của Gioan liên quan đến cá nhân mỗi người và chỉ dẫn chúng ta phải làm gì để sống đúng tinh thần mùa vọng. Chúng ta sẽ từ chối lắng nghe lời khuyên bảo tốt lành này khi mặc kệ tất cả vì quyền lợi, vì tính ích kỷ và vì những ý muốn xấu sa.
2. Trong thâm tâm ai cũng tự hỏi: biết đâu Gioan lại chẳng là Đấng Messia?: Dân chúng đến với Gioan đông đảo bởi vì xem ra lời giảng của ông, cách sống của ông đáp ứng lòng trông chờ Đấng Messia của họ lúc bấy giờ. Chính vì thế, họ dể dàng thắc mắc ông là ai? Có phải là Đấng Messia không? Để giúp dân chúng không hiểu làm và nhận ra Đấng Messia khi Ngài đến ông so sánh về phẩm giá, về phép rửa và về vai trò của ông và Đấng Messia
a. Về Phẩm Giá: Gioan tự nhận địa vị hèn kém của mình so với Đấng Cứu Thế. Ông chỉ là người không xứng đáng cởi dây giầy cho Đấng Messia, nghĩa là còn không xứng đáng như một đầy tớ của Ngài. Đấng Cứu Thế là Ông Chủ đích thực của tất cả mọi người.
b. Về Phép Rửa: Gioan rửa bằng nước còn Đấng Messia sẽ rửa bằng Thánh Thần và Lửa. Phép rửa mà Đấng Cứu Thế tiết lập sẽ là một phép rửa reong Chúa Thánh thần và trong Lửa. Lửa là biểu tượng của sự biến đổi sâu thẳm trong tâm hồn. Trong khi nước chỉ đụng chạm tới bên ngoài, rửa sạch bên ngoài thì lửa xuyên thấu bên trong, đốt nóng lên, soi sáng và biến đổi bản chất. Lữa chính là lửa của Chúa Thánh Thần. Ngọn lửa mà Cháu Giêsu đã đem đến thế gian và ước mong nó bùng cháy lên (Lc 12,49). Thánh Thần và Lửa là hai yếu tố của một nguyên lý duy nhất là Chúa Thánh Thần, nguồn ơn thánh hoá của Thiên Chúa. Như thế, phép rửa của Đấng Cứu Thế là phép rửa thanh tẩy, thánh hoá có hiệu năng tha tội, ban ơn cứu độ và biến đổi con người thành con Chúa. Còn phép rửa của Gioan chỉ kêu gọi lòng sám hối và mang nghĩa tượng trưng, nghi thức bên ngoài.
c. Về Vai Trò của Đấng Messia: Để xác định vai trò của Đấng Cứu Thế Gioan đã trình bày Ngài không những là Đấng sẽ rửa trong Thánh Thần và Lửa mà còn là vị Thẩm Phán. Ngài đến để xét xử, tách biệt kẻ lành người dữ. Ngài đem người lành vào Nước Chúa và phó măc kẻ dữ cho hoả hình không ai dập tắt được. Chúa Giêsu, Đấng Thiên Sai là Thẩm Phám thời tận thế.
II. Gợi Ý Sống Lời Chúa
1. Tìm kiếm niềm vui, niềm vui trong Chúa:
Chủ đề của Chúa nhật hôm nay được Hội Thánh chọn là 'niềm vui'. Bài đọc I cũng như bài đọc II mời gọi dân Chúa hãy vui lên. Vui vì Thiên Chúa sắp đến thực hiện ơn cứu độ cho Dân Người. Người đến để tha thứ, để hòa giải, để cứu thoát dân khỏi nô lệ cho tội lỗi, cho ma quỉ là những kẻ thù ( Bài đọc I).Thánh Phaolô khẳng định niềm vui đó là niềm vui trong Chúa: Anh em hãy vui luôn trong Chúa. Niềm vui trong Chúa là niềm vui có được từ nơi Thiên Chúa. Chính sự hiện diện của Người mang lại niềm vui. Niềm vui là nét tiêu biểu của người Kitô hữu, là mong ước của mọi người. Sống ở đời ai cũng mong mình có được niềm vui sống và nỗ lực đi tìm kiếm niềm vui. Người Kitô hữu cũng vậy, cũng đi tìm kiếm niềm vui và xác tín rằng niềm vui đích thực chỉ có nơi Thiên Chúa. Một khi biết mình đã có Chúa thì mọi âu lo buồn phiền sẽ mất đi. Càng khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời, càng gia tăng niềm vui sống. Càng gặp gỡ Chúa trong cuộc sống, niềm vui sống càng sâu sắc bền vững. Niềm vui trong Chúa luôn là mọt niềm vui gia tăng sức mạnh cho tâm hồn trước những nghịch cảnh, đau khổ của kiếp người. Niềm vui trong Chúa cũng là niềm vui biến đổi đau thương nước mắt thành hạnh phúc, nghĩa là giúp cho mỗi người có nghị lực vươn lên vượt qua nghịch cảnh.
Là người, ai cũng mơ ước và đi tìm niềm vui sống. Trong khi ngày nay, có nhiều người đang mải miết tìm kiếm những thú vui xác thịt, thú vui thụ hưởng vật chất, những thú vui chóng qua, không có ý nghĩa thận chí còn là những thú vui độc hại thì người Kitô hữu được mời gọi tìm kiếm niềm vui thú trong Chúa. Mùa vọng đã bước vào giai đoạn cuối, mọi tâm tình, thái độ sống đức tin đều hướng về ngày Chúa Giêsu ngự đến. Ngài đã đến, đang ở giữa nhân loại, Ngài đến mang niền vui cứu độ, niền vui đích thực và viên mãn. Vậy mỗi người Kitô hữu chúng ta hôm nay đang chạy đi tìm kiếm niềm vui nào, có tìm kiếm niềm vui trong Chúa không?
2. Niềm vui trong Chúa, niềm vui hoán cải:
Trong Tin mừng, nhiều hạng người chạy đến hỏi ý kiến Gioan: Phải làm gì để được ơn cứu độ có nghĩa là phải làm gì để có được niềm vui đích thực trong Chúa. Tất cả những người đến hỏi Gioan cách này cách khác đều có khao khát được giải thoát khỏi đau khổ trong cuộc đời để thực sự có được hạnh phúc, có được Chúa tức là có được niềm vui sống. Câu trả lời của Gioan dù cho mỗi hạng người có một hành động khác nhau, nhưng tựu trung đều nhắm tới việc hoán cải. Hơn nữa, theo Luca câu hỏi được đặt ra bày tỏ lòng thống hối của những người hỏi. Để tìm được niềm vui trong Chúa thì điều căn bản là phải tin tưởng gắn bó cuộc đời với Chúa, phải thực lòng yêu mến Ngài. Chính niềm tin và tình yêu dành cho Thiên Chúa thúc đẩy người ta hoán cải quay trở về với Ngài. Theo Gioan Tẩy Giả hoán cải không làm gì khác ngoài những việc mỗi người vẫn đang phải làm, trách nhiệm mỗi người vẫn đang phải gánh vác. Ông nói mọi người hãy quay trở lại với công việc của mình, với nhiệm vụ của mình. Vấn đề không phải là thống hối thì phải làm những việc gì mà chính là cách thế thực thi công việc và bổn phận của mình. Thiên Chúa không đòi hỏi mọi người phải từ bỏ nghề nghiệp, từ bỏ thế gian nhưng đòi hỏi phải thi hành đúng theo tinh thần Phúc âm nghĩa là thực thi trong công bình và bác ái; chú ý đến người khác và quên mình. Tin tưởng và sống đúng những giá trị của Tin mừng giúp cho mỗi người tìm được ý nghĩa đích thực của cuộc sống, của nghề nghiệp, của trách nhiệm được trao ban. Cũng nhờ đó làm mọi sự với niềm vui sâu sa nơi Thiên Chúa, cuộc sống trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát không còn là nặng nề và khổ nhọc nữa.
Đã đi qua hơn nữa chặng đường của mùa vọng, ngày vui Giáng sinh đã gần kề, tâm tình chờ đón ngày vui đã dâng lên trong tâm hồn chúng ta, nhưng con người chúng ta có thực sự được hoán cải hay không hay vẫn còn mải mê quay cuồng với thế sự phù vân? Tâm tình vui mừng của ngày đại lễ có thực sự biến đổi chúng ta nên người công chính chờ đón Chúa đến hay không?
3. Niềm vui trong Chúa, niềm vui trao ban:
Tiên tri Sophônia cũng như Thánh Phaolô kêu gọi mọi người hãy vui mừng lên trong Chúa. Thiên Chúa sẽ cứu độ dân Người, sẽ giải án tuyên công cho dân người. Chính Thiên Chúa sẽ mang lại cho dân Người niềm vui sống, tình yêu và hạnh phúc đích thực. Trong Tin mừng các lời khuyên dạy của Gioan Tẩy giả cũng nhắm đến mục tiêu là sống bác ái, công bằng với người khác nghĩa là sống cho tha nhân, vì tha nhân. Thiên Chúa luôn sống và hết lòng yêu thương dân Người. Người mang lại niềm vui cứu độ cho nhân loại. Nhân loại được mời gọi sống cho nhau và vì nhau, như thế, một khi người Kitô hữu tìm được niềm vui trong Chúa thì niềm vui đó cũng phải được trao ban cho anh chị em chung quanh. Niềm vui nối tiếp niềm vui, chúng ta nhận được từ Thiên Chúa rồi chúng ta lại ban tặng cho anh chị em mình, như thế, niềm vui không đơn giản là một thái độ tình cảm nhưng là cả một cuộc sống, cả một con người, và là cả một mạch chảy của tình yêu được khơi nguồn từ Thiên Chúa và trào tuôn đến muôn người. Niềm vui chia sẻ niềm vui tăng, nỗi đau chia sẻ nỗi đau vơi. Nếu ai cũng biết trao tặng cho nhau nụ cười thì chắc chắn thế giới không có chỗ cho chiến tranh và lòng thù hận; xã hội không có chỗ cho cái xấu, cái ác ngự trị; và nhiều anh chị em không phải quằn quại trong kiếp nghèo khổ, bất hạnh.
Mùa vọng là mùa hân hoan chờ đón Chúa đến mang niềm vui cứu độ chứ không phải là mùa chờ đợi trong lo âu thấp thỏm sẽ bị Chúa đến trừng trị, tiêu diệt. Tâm tình hướng đến Giáng sinh, đến ngày Quang lâm là tâm tình hân hoan. Tâm tình đó sẽ chỉ có được và đạt được qua việc sống bác ái với anh chị em. Nhiều anh chị em chung quanh giờ đây đang sống trong tủi nhục của kiếp nghèo, trong đớn đau của bệnh tật, trong nước mắt của đau khổ hô rất cần đến niềm vui chúng ta trao ban. Thật ý nghĩa biết bao, nếu chúng ta chuẩn bị mừng lễ bằng chính việc chia sẻ cuộc sống mang lại một chút niềm vui và hy vọng cho anh chị em ấy.
4. Sám Hối là thay đổi lối sống mở ra trong tình yêu đến với tha nhân:
khi dân chúng hỏi Gioan phải làm gì để tỏ lòng sám hối xứng đáng đón nhận Chúa Cứu Thế, Gioan nhấn mạnh đến việc làm cụ thể: Sống chia sẻ bác ái và công bình. Sám hối đích thực không dừng lại ở tình cảm bên trong, tư tưởng tốt đẹp, tâm tư ăn năn, áy náy về tội lỗi của mình nhưng phải đi tới hành động phù hợp với giáo huấn của Tin Mừng. Tin Mừng mời gọi thực thi ý Chúa, nghĩa là thực thi công bình xã hội, chia sẻ cuộc sống với người khó khăn nghèo đói, liêm chính trong nghề nghiệp. Sám hối là một thái độ đi từ nội tâm ước muốn phải làm gì để đón Chúa đến hành động tích cực thay đổi cuộc sống biết yêu người và đối xử công bình. Không phải là sự thay đổi nghề nghiệp, thay đổi môi trường sống mà chính là thay đổi cách nghĩ, cách thế làm việc. Không phải việc làm khiến chúng ta trở nên môn đệ Đức Kitô mà chính là cách thế chúng ta làm. Chúa Giêsu không đòi mọi người từ bỏ thế gian, từ bỏ công việc mà đi tu (ngoại trừ một số người được gọi trong bậc sống dâng hiến)nhưng đòi thi hành nghề nghiệp theo Tin Mừng là phục vụ anh chị em trong yêu thương và công bằng, chú ý đến người khác và quên mình, chuyên cần làm viêc và vui tính.
III. Lời Cầu Chung
* Lời Mở: Anh chị em thân mến, trong tâm tình hân hoan chuẩn bị đại lễ Giang sinh. Chúng ta cùng dâng lên Thiên Chúa những ý nguyện chân thành của chúng ta.
1. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Hội Thánh, cách riêng Hội Thánh Việt Nam luôn chu toàn sứ mạng loan báo Tin mừng của mình bằng nỗ lực xây dựng hòa bình và công lý trong xã hội; bằng tất cả tấm lòng trong các công trình bác ái từ thiện và bằng niềm lạc quan vui sống của mọi thành phần trong Hội Thánh.
2. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà Lãnh đạo Quốc gia được tràn đầy sự khôn ngoan minh mẫn và lòng nhiệt thành vì quê hương, vì đồng bào để mang lại một đời sống an bình thịnh vượng cho dân nước.
3. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta biết tìm kiếm niềm vui trong Chúa thay cho những niềm vui độc hại, phù phiếm, giả tạo của lối sống thụ hưởng xác thịt và luôn biết cộng tác với nhau, với Hội Thánh mang niềm vui của Chúa đến cho môi trường và mọi người chung quanh.
* Kết Nguyện: Lạy Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, chúng con cảm tạ Chúa đã yêu thương giải thoát chúng con khỏi nô lệ cho tội lỗi, ma quỉ và sự chết là nguồn gốc của mọi đau khổ. Xin ban thêm đức tin và ơn Chúa Thánh Thần để chúng con chỉ yêu mến tìm kiếm và đạt được niềm vui trong Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
23.Niềm vui trong Chúa
Chúa nhật thứ 3 Mùa vọng được gọi là Chúa nhật của niềm vui. Nếu con người luôn sống trong niềm vui, họ sẽ cảm thấy mọi người và mọi vật thật đáng yêu! Bởi đó, thánh Phaolô tông đồ khuyên bảo mọi người hãy vui lên: "Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi. Chúa đã gần đến!". Quả thực, người Kitô hữu đích thực phải là người sống trong niềm vui, vì chúng ta đang mang trong mình niềm hy vọng về một tương lai huy hoàng và chắc chắn. Đó chính là hạnh phúc Nước Trời mai sau. Đó là niềm vui được sống kết hiệp với Chúa trong tình yêu vĩnh cửu. Như vậy, ai sống trong chán chường, thất vọng và buông trôi thì người ấy chưa phải là người Kitô hữu đích thực. Vì đó là lối sống của những người không có niềm tin và niềm hy vọng.
Lời Chúa trong những Chúa Nhật Mùa vọng phát hoạ cho chúng ta thấy rất rõ nét hình ảnh của một người sống niềm niềm vui và niềm hy vọng đích thực.
- Đó là người luôn biết hoán cải tâm hồn bằng đời sống tỉnh thức và cầu nguyện: ý thức mình là người tội lỗi nên luôn nép mình bên Chúa, chiến đấu trong sức mạnh của Chúa. Không liều lĩnh làm quen và tiếp cận với những dịp tội vì biết thân phận mình yếu đuối, dễ sa ngã phạm tội. Có nhiều người lý luận nghe ngon lành lắm: con đi uống bia ôm cho vui vậy thôi chứ có ôm ai đâu! Con chơi đánh bài để giải trí vậy thôi chứ có sát phạt gì đâu! Con coi phim sex cho biết vậy thôi chứ có bao giờ làm chuyện ấy đâu! Có chắc vậy không? Đừng tưởng mình là mình đồng da sắt nên miễm nhiễm với mọi thú vui bất chính trong cuộc đời này! Thái độ khôn ngoan vẫn là biết giữ mình tránh xa các dịp tội. Khôn ngoan là biết mình, là không liều lĩnh hoặc nghĩ rằng: "có vào hang mới bắt được cọp". Ma quỷ luôn giăng mắc mưu kế đầy tràn xung quanh chúng ta.
- Người sống niềm hy vọng đích thực là người cảnh tỉnh mình luôn luôn để khỏi chè chén say sưa và ham hố sự đời. Con người hôm nay sống trong một thế giới văn minh và đề cao vật chất, nên chúng ta dễ dàng bị cuốn hút vào vòng xoáy ham thích hưởng thụ. Hưởng thụ càng nhiều càng tốt. Vì thế, họ lao mình vào những cuộc vui không bờ bến như những con thiêu thân tội nghiệp!
- Người sống niềm hy vọng sống động nhất là người biết sống chia sẻ: Thánh Gioan Tẩy giả khuyên người ta rằng: " Ai có hai áo thì chia cho người không có, có gì ăn cũng hãy làm như vậy". Đây là việc làm cụ thể, việc làm của tình yêu. Nó thể hiện tinh thần: "lá lành đùm lá rách", hoặc "Một miếng khi đói bằng một gói khi no". Nó rất thực tế và thắm tình thương của con người từ ngàn xưa đến nay. Nói đến đây, tôi không thể nào quên câu chuyện mà Mẹ Têrêsa Calculta đã kể lại như sau: Khi Mẹ đến cứu trợ cho một ngôi làng nghèo lắm ở Ấn độ. Mẹ Têrêsa gặp một bà mẹ có 5 đứa con mà đứa nào cũng gầy còm, đen đúa, xấu xí vì thiếu ăn. Mẹ cho ta bà ta một bao gạo 50 kilô. Điều lạ lùng là liền sau khi nhận bao gạo từ tay Mẹ Têrêsa, thì người phụ nữ này vội vàng sớt bao gạo ra làm hai, rồi nhanh chóng ôm nửa bao gạo ấy đi nhanh đến cái chòi gần đó để chia cho một người chị em của mình. Khi trở lại, Mẹ Têrêsa hỏi bà: "Sao chị không để dành gạo ăn mà đem đi đâu vậy?" Chị liền nói: "Thưa Mẹ, người đàn bà ấy cũng có 5 người con như con vậy mà mấy ngày nay họ không có gì để ăn cả". Mẹ Têrêsa nghe những lời nói ấy thì quá xúc động. Mẹ liền cho bà ấy một bao gạo khác. Mẹ Têrêsa nhớ mãi hình ảnh đẹp ấy trong cuộc đời của Mẹ và thường kể lại câu chuyện cảm động ấy cho những người khác nghe. Đó là thái độ anh hùng vì người ta dám chia sẻ ngay trong sự thiếu thốn của mình. Phải chăng, đó là hình ảnh của những con người đang sống niềm hy vọng mà Thánh Gioan Tẩy Giả hôm nay kêu mời mọi người đi vào lối sống ấy.
- Sống niềm vui và niềm hy vọng đích thực còn là sống tử tế với mọi người cùng với việc sống đức công bằng với mọi người trong tình huynh đệ anh em. Thánh Gioan tẩy giả đã chỉ thị cho những người thu thuế và binh lính rằng: "đừng đòi hỏi quá mức ấn định, đừng ức hiếp ai". Bởi lẽ, khi mình có quyền cao chức trọng, con người rất dễ dùng uy thế của mình để hà hiếp kẻ dưới tay mình. Đó là tinh thần của thế gian. Còn những người con cái Chúa luôn được dạy bảo rằng: "Hãy dùng quyền bính của mình để phục vụ người khác." Chúa Giêsu đã nêu gương sáng tuyệt vời cho chúng ta về đời sống yêu thương và phục vụ ấy.
Như vậy, khi con người biết sống theo những giá trị của Tin mừng thì họ trở thành những con người sống trong niềm vui của Chúa. Và bất cứ ai đã mang trong mình niềm vui của Chúa rồi thì họ sẽ sống hiền hoà và bình an vô cùng dẫu cho cuộc đời có phủ phàng đối với họ, có gán ghép cho họ những điều xấu xa tồi tệ cách nào đi chăng nữa.
Có một câu chuyện kể như sau: Hakuin nổi tiếng là một vị thiền sư trong sạch, thánh thiện. Gần chùa Hakuin trụ trì có một cô gái rất xinh đẹp. Thế rồi bất ngờ, cha mẹ phát hiện ra cô có thai. Tra hỏi mãi, sau bao nhiêu dằn vặt, đau đớn, cô gái thú nhận đang mang trong mình giọt máu của Hakuin. Ngay lập tức, cha mẹ cô đến gặp nhà sư và trút lên người vị thiền sư mọi nỗi phẫn uất, tức giận của họ. Hakuin điềm đạm, bình tĩnh chỉ thốt lên hai tiếng "Thế à!?" và với gương mặt bừng sáng, vị thiền sư dang hai tay đón sinh linh bé nhỏ. Đứa bé lớn lên mạnh khoẻ trong vòng tay ấm áp của Hakuin. Một năm trời trôi qua, cô gái không chịu đựng được sự cắn rứt lương tâm của mình, đành nói ra sự thật về quan hệ của mình với anh chàng bán cá ngoài chợ. Cha mẹ cô vội vàng đến chùa xin lỗi vị thiền sư và xin phép được nhận lại đứa bé về cho bố mẹ nó nuôi. Vẫn gương mặt bình thản, điềm tĩnh, Hakuin thốt lên vẻn vẹn hai tiếng: "Thế à!?
Câu chuyện cho chúng ta thấy rằng: trong hoàn cảnh bị tước đoạt hết danh dự, phẩm giá, Hakuin không hề buồn, không giải thích, phân trần, chỉ có im lặng, sự im lặng đáng giá ngàn vàng và tình yêu thương con người vô bờ bến đã minh chứng cho tất cả. Cách ứng xử của Hakuin biểu lộ thái độ của một con người sống có niềm hy vọng và có niềm tin vào một hạnh phúc lớn hơn và trỗi vượt hơn.
Chúng ta cũng hãy chứng tỏ niềm vui trong Chúa, niềm tin và hy vọng của mình qua cuộc sống hiền hoà và nhân ái trong cách đối xử với mọi người để xứng đáng trở thành những người môn đệ của Chúa Kitô nơi trần thế này. Amen.
24.Chúng tôi phải làm gì? – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt.
Khi nghe thánh Gioan Tẩy Giả rao giảng, hàng đoàn người lũ lượt kéo đến xin chịu phép rửa ăn năn sám hối. Hơn thế nữa, họ còn muốn thay đổi cuộc đời nên ai cũng hỏi thánh nhân: “Chúng tôi phải làm gì?”. Thái độ của họ thành khẩn, đơn sơ, hiểu biết và đầy quyết tâm. Để trả lời, thánh nhân đưa ra những hướng dẫn thật cụ thể. Đó là:
Phải làm những việc cụ thể. Hai thái độ cơ bản phải có là công bình bác ái. Bác ái là chia sẻ: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có, ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”. Như thế, bác ái không phải là bố thí những gì dư thừa, nhưng phải là chia sẻ trong tinh thần “nhường cơm sẻ áo” “hạt gạo cắn đôi”. Chia cả những gì mình đang cần thiết. Trong tinh thần huynh đệ. Trong tinh thần yêu người khác như chính mình. Cơm ăn áo mắc là những gì rất cụ thể thiết thực và vừa tầm tay mọi người. Ai cũng có thể chia sẻ được. Chỉ cần muốn là có thể làm được. Công bình cũng không phải là điều gì quá phức tạp. Chỉ đơn sơ giữ đúng luật pháp: nhân viên thu thuế “Đừng đòi hỏi quá mức ấn định”. Và khi thi hành luật pháp binh lính phải có lòng nhân ái chứ đừng cậy quyền thế áp bức và nhất là bóc lột người khác: “Chớ dùng vũ lực, cũng đừng vu khống mà tống tiền người ta”. Tuy đơn sơ, thiết thực nhưng lại rất quan trọng để được ơn cứu độ.
Phải làm trong đời sống cụ thể. Những việc cụ thể đó không phải tìm những nơi xa xôi mới thực hiện được. Mỗi người hãy thực hiện công bình bác ái trong đời sống thường ngày của mình, với những người sống chung quanh mình. Thánh nhân không kêu gọi người ta phải ra khỏi môi trường cũ. Ngài chỉ kêu gọi người ta từ bỏ nếp sống cũ. Người thu thuế cứ thu thuế. Binh lính cứ làm nhiệm vụ của binh lính. Nhưng làm với tinh thần mới. Điều quan trọng không phải là đổi mới nơi ở, nhưng là đổi mới chính mình, đổi mới ý nghĩ, đổi mới lời ăn tiếng nói, đổi mới việc làm. Tục ngữ có nói: “Dù có đi xa vạn dặm mà không chịu thay đổi thì bạn vẫn chỉ là con người cũ”. Cứ ở nhà mà dám đổi mới là ta đã đi những bước rất xa, sẵn sàng gặp được Chúa và lãnh nhận được ơn cứu độ.
Những người Do Thái thời Thánh Gioan Tẩy Gỉa thực lòng mong chờ Chúa đến. Nên đã hỏi ngay những việc cụ thể để làm. Và khi nhận được lời khuyên của thánh nhân, họ đã thực hành ngay tức khắc. Vì thế họ đã gặp được Chúa. Hôm nay ta cũng tích cực sửa chữa đời sống theo tinh thần công bình và nhất là theo tinh thần bác ái. Biết sống tinh thần chia sẻ. Dám cho đi cả những gì cần thiết. Mẹ Têrêsa Calcutta dạy ta: hãy cho đi cho đến khi cảm thấy đau đớn xót xa, thì sự cho đi mới thực sự có ý nghĩa. Biết cho đi như thế, chắc chắn ta sẽ gặp được Chúa.
Ta luôn bất bình với thế giới chung quanh. Ta mong ước đổi mới thế giới. Hãy nghe lời Thánh Gioan Tẩy Giả, đừng đòi hỏi người khác đổi mới nếu chính mình không đổi mới. Hãy đổi mới chính mình trước, rồi mọi người sẽ đổi mới. Khi mọi người đổi mới, thế giới sẽ đổi mới. Hãy bắt đầu sống tốt. Rồi mọi sự và mọi người quanh ta sẽ trở nên tốt. Sống tốt chính là bắt đầu thay đổi thế giới. Sống tốt chính là góp phần vào công cuộc cứu chuộc của Chúa.
Lạy Chúa, xin cho con bắt đầu cuộc đời mới ngay từ ngày hôm nay, để con được gặp Chúa. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Chia sẻ khác với bố thí thế nào? Thánh Gioan Tẩy Giả đòi ta chia sẽ hay bố thí?
2. Bạn có ước mong thế giới đổi mới nên tốt hơn không? Muốn thế bạn phải làm gì?
3. Bạn có mong ước Chúa đến với mọi người không? Muốn thế bạn phải dọn đường cho Chúa như thế nào?
25.Hãy vui lên
(Suy niệm của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy)
Tin mừng Lc 3: 10-18 Chúa Nhật hôm nay được gọi là Chúa Nhật Mầu Hồng vì ca nhập lễ bắt đầu bằng lời kêu gọi “hãy vui lên”. Lời kêu gọi "hãy vui lên" được lặp đi lặp lại trong các bài đọc.
Chúa Nhật hôm nay được gọi là Chúa Nhật Mầu Hồng vì ca nhập lễ bắt đầu bằng lời kêu gọi “hãy vui lên”. Lời kêu gọi "hãy vui lên" được lặp đi lặp lại trong các bài đọc. Đây là cơ hội thuận tiện để chúng ta suy nghĩ về niềm vui của đời Kitô hữu, những người được Thiên Chúa cứu độ.
Vậy thế nào là niềm vui và niềm vui đó đang ở đâu?
Có câu truyện kể rằng: một vị vua luôn buồn bã, âu sầu, bèn đi ra ngoài thành tìm người có niềm vui. Vua nhìn thấy một người nông dân rất nghèo đang ca hát bèn hỏi: “ngươi có vui không?” Bác nông dân đáp: “đương nhiên là vui rồi”. Nhà vua có chút khó hiểu: “ngươi nghèo như thế mà cũng có niềm vui sao?” Bác nông dân nói tiếp: “tôi cũng từng vì không có giày mang mà buồn khổ, nhưng sau khi gặp được một người không có chân, tôi mới nhận ra mình còn may mắn, hạnh phúc hơn người ấy nhiều”.
Câu chuyện ngắn gọn nhưng đã cho chúng ta một bài học vô cùng quan trọng, đó chính là: cuộc sống vui hay buồn là do cách cảm nhận của mỗi người. Niềm vui không thần bí, niềm vui không xa xôi, nó ở ngay bên cạnh chúng ta.
Đó là niềm vui trong đời thường, còn niềm vui của người Kitô hữu thì thế nào?
Chúng ta chỉ có được một niềm vui thực sự khi tâm hồn chúng ta được chuẩn bị sẵn sàng cho Chúa ngự đến. Vậy chúng ta phải làm gì? Thánh Gioan đã trả lời cho chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay.
- Đối với quần chúng: hãy biết chia sẻ cho người khác.
- Đối với người thu thuế: hãy thực thi đức công bằng.
- Đối với quân nhân: đừng hà hiếp dân chúng.
Gioan Tẩy Giả đề nghị mỗi người hãy trở về với nghề nghiệp hiện tại, với nhiệm vụ của mình, không cần thay đổi nghề nghiệp mà chỉ cần thay đổi lối sống cho lương thiện. Không phải việc ta làm khiến ta trở thành môn đệ hoặc không phải là môn đệ của Chúa Giêsu, nhưng là cách thế chúng ta làm. Chúa Giêsu không đòi chúng ta bỏ nghề nghiệp, bỏ thế gian để đi tu. Người đòi chúng ta phải thi hành nghề nghiệp theo tinh thần Phúc Âm: nghĩa là phục vụ anh em trong yêu thương, công bằng, quên mình, biết quan tâm đến kẻ khác.
“Chúng tôi phải làm gì?" "đám đông" hỏi Gioan, đám đông vô danh ấy chẳng bao lâu nữa sẽ nô nức đến với Đức Giêsu để nghe lời Người (Lc 5, 1; 5, 15; 6,19). Gioan kêu mời họ hãy sống yêu thương giữa đời thường, coi nhau như anh em và chia cơm sẻ áo cho nhau: "ai có hai áo thì chia cho người không có; ai có gì ăn thì cũng làm như vậy”.
"Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?" Với những người Pharisêu, là những người thu thuế cho đế quốc Rôma; họ bị mang tiếng là bất lương, bị người Do Thái khinh bỉ, và bị liệt hạng người tội lỗi công khai, Gioan cũng không yêu cầu họ phải bỏ nghề nghiệp, nhưng hãy hành nghề một cách lương thiện: "đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho mình".
"Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì?" đó là câu hỏi của “những quân nhân", những người lính đánh thuê cho Hêrôđê, hoặc là thành viên của đội quân chiếm đóng Rôma, họ cũng là hạng người bị dân chúng khinh miệt. Gioan cũng không yêu cầu họ phải rời bỏ hàng ngũ, phải thay đổi nghề nghiệp, nhưng hãy thay đổi cách hành nghề. Ông bảo họ: "chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình".
Còn chúng ta thì sao? Chúng ta phải làm gì?
Gioan Tẩy Giả đã đưa ra những chỉ dẫn cụ thể cho những người hỏi ông: chúng tôi phải làm gì?” – “Ai có hai áo thì hãy chia cho người không có. Ai có cái ăn thì cũng làm như vậy” – “Đừng đòi hỏi quá mức ấn định” – “Chớ dùng vũ lực, cũng đừng vu khống mà tống tiền người ta. Hãy an phận với số lương của mình”. Nói chung, Gioan cũng đưa ra những hướng đi cụ thể cho mỗi người chúng ta: bác ái, chia sẻ, chấp nhận thực tại, sống hiền hoà, công bình, chính trực trong các mối tương quan xã hội. Sống như vậy là chuẩn bị đón nhận Đấng Cứu Thế, là đặt mình vào trong hàng ngũ những kẻ bé mọn của Thiên Chúa. Chính những người bé mọn này mới cảm thấy vui mừng và hy vọng, vì nhận ra Chúa sắp đến, đang đến… Người sẽ thay đổi tất cả, đổi mới toàn thế giới và xã hội.
Chính vì thế mà trong Mùa Vọng, Chúa Nhật Thứ Ba bao giờ cũng gợi lên niềm vui, niềm hân hoan: “anh em hãy vui lên!” Hãy hoan hỉ vui mừng vì Chúa đến giải thoát chúng ta, Chúa đến ở với chúng ta. Người đang thực hiện một cuộc đổi mới toàn diện, đang quy tụ muôn nước thành một Dân của Chúa, những công dân của Nước Trời. Không phải bằng vũ lực, nhưng bằng sự giải thoát con người khỏi tội lỗi, ích kỷ và bất công; bằng cách sống liên đới yêu thương, chia cơm sẻ áo; bằng cách sống công bình, chính trực và chan hoà với mọi người. Sự hiện diện của Thiên Chúa chính là nguyên nhân đưa đến niềm vui cho chúng ta như ngôn sứ Isaia đã nói:“anh em hãy vui lên”, vì “Thiên Chúa đang ở giữa anh em”. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam