Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 50
Tổng truy cập: 1374871
TRÊN ĐƯỜNG EMMAUS
Trên đường Emmau – R. Gutzwiller.
Theo trình thuật của thánh Luca, Chúa hiện ra lần đầu tiên với các môn đệ trên đường đi Emmau, tác giả trình bày nhiều chi tiết hơn mọi lần và nêu rõ đoạn văn diễn tả nỗi buồn phiền được chuyển thành niềm vui nơi những người tưởng rằng mình bị bỏ rơi, một đoạn văn cho thấy việc Chúa phục sinh là một sự kiện tỏ tường không chỉ đối với các môn đệ trên đường Emmau mà còn với mọi Kitô hữu nữa.
1) Nếu không có Chúa.
Các môn đệ không phải là những người không tin tưởng, tức là những người không hề nghe nói về Chúa Giêsu hoặc chẳng hề nhận được sứ điệp của Ngài. Họ là những tín hữu, những người có niềm tin. Họ đã nhận Ngài ‘như một vị tiên tri, quyền năng trong việc làm và lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân’. Hơn nữa, họ còn hiểu rằng: ‘chính Ngài là Đấng sẽ giải thoát Israel’. Nhưng cuộc khổ nạn của Ngài làm cho lòng tin của họ bị lung lạc. Họ không thể hiểu nổi một vị cứu thế lại phải chịu khổ nạn. Nói cho cùng, họ chối không nhận sự kiện. Họ không hề tin vào biến cố phục sinh. Họ đã nghe các bà loan tin về biến cố ấy, nhưng họ vẫn lưỡng lự, hồ nghi. Thực tại thập giá đã khiến họ phải tháo chạy, hơn nữa họ đã phải rời bỏ Giêrusalem, và vì thất vọng họ đã để mất lòng cậy trông.
Khổ đau vẫn luôn là chướng ngại vật, là cớ vấp phạm lớn lao, khiến những người đã tin tưởng cũng dễ lung lay. Người ta khó có thể dung hoà đau khổ với lòng tin vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa, lòng tin từ thời ấu thơ của họ dường như trở thành ảo tưởng, hão huyền bởi sự khổ đau ấy, vì gắn bó với những chán chường do cuộc sống khắt khe gây ra nên đi đến chỗ cứng tin, chán ngán. Con đường các môn đệ đi về Emmau xa cách Giêrusalem, cũng chính là con đường mà biết bao người đang gặp phải.
2) Chúa Giêsu hiện ra
Ngài giải thích Kinh Thánh cho họ, và qua Kinh Thánh, Ngài giải thích ý nghĩa của đau khổ như điều Chúa dùng để thực hiện chương trình cứu độ. “Hỡi những kẻ ngu độn và trí lòng chậm tin vào mọi điều các tiên tri đã nói! Thế thì Đức Kitô không phải chịu khổ nạn như thế đã, rồi mới vào vinh quang của Ngài sao?” Cuộc khổ nạn và thập giá của Đấng Thiên Chúa Xức Dầu đáp lại kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa. Và suốt cả Kinh Thánh đều tỏ rõ kế hoạch ấy. “Và khởi từ Môsê và hết thảy các tiên tri, Ngài dẫn giải cho họ những điều đã viết về Ngài trong toàn bộ Kinh Thánh”. Chắc chắn rằng, lối chú giải đích thực phải nhắm đến Đức Kitô. Ngài nhấn mạnh rõ rằng chính Môsê cũng như mọi tiên tri và ‘toàn bộ Kinh Thánh’ đều nói về Đấng Thiên Sai. Ai giải thích Cựu Ước theo nhãn quan lấy Đức Kitô làm trung tâm ắt không phải là gò áp bản văn, trái lại giải thích bản văn theo cách thức của nhà chú giải đích thực. Lối giải thích dựa trên Đức Kitô, lối chú giải Cựu Ước lấy Ngài làm trung tâm bắt nguồn từ chính Đức Kitô, và chính Ngài đã biện minh cho lối chú giải ấy. Chỉ dưới cái nhìn ấy mới hiểu được ý nghĩa đích xác của Kinh Thánh, bất cứ lối giải thích nào chỉ căn cứ vào nghĩa chữ bề ngoài, thì không hiểu được sâu xa mầu nhiệm và tinh thần sâu đậm nhất của Kinh Thánh.
Hơn nữa, Đức Giêsu mặc khải chính mình qua việc bẻ bánh “Khi ấy mắt họ mở ra và nhận biết Ngài” thêm vào những lời giải thích Kinh Thánh là mầu nhiệm bẻ bánh, cả hai sự việc ấy đều là một sự hy sinh mà nhờ đó Chúa tỏ mình ra. Con người có thể tìm hiểu, suy nghĩ, kiếm tìm và cầu nguyện để nhận ra Chúa. Nhưng dù sao, con người cũng cần được Chúa ban ơn cách riêng mới nhận ra Chúa Kitô. Nếu Chúa chẳng ban cho đặc ân ấy, con mắt ta vẫn khép kín. Và chỉ khi nào Chúa tỏ mình ra cho biết thì mới được, cũng như đã xảy ra cho các môn đệ trên đường Emmau: “mắt họ mở ra và nhận biết Ngài”. Bẻ bánh chính là dự phần vào bàn tiệc của Chúa. Chỉ ai được Chúa mời tham dự yến tiệc mới nhận ra Ngài cách đích thực.
3) Với Chúa Giêsu.
Trước khi các môn đệ thành Emmau nhận ra Ngài, thì Ngài đã ở giữa họ và đã có ảnh hưởng nơi họ rồi: “Lòng chúng ta lại đã không cháy bừng bừng lúc dọc đàng Ngài ngỏ lời với ta, và giải nghĩa Kinh Thánh cho chúng ta đó sao?” Tâm hồn họ ngầm cháy. Theo nguỵ thư ghi lại: “Ta là lửa cháy, Ngài nói, ai gần Ta là gần lửa cháy”. Sự kết hợp với Chúa Kitô nung nấu các linh hồn mà nếu không có Ngài, các tâm hồn đó sẽ lạnh ngắt và chết mất.
Khi nhận ra Chúa Giêsu họ liền “chỗi dậy trở về Giêrusalem”. Đó là một kết quả trước mắt, một biến đổi tận gốc rễ đã xảy ra: họ đổi buồn thành vui, sầu tan vui đến, tuyệt vọng biến thành hy vọng, tản lạc quy tụ về, nhát sợ kinh hoàng thành tin tưởng sướng vui. Khi họ gặp được nhóm Mười Một trong phòng hội, họ hiểu rằng Chúa đã hiện ra với ông Simon. Các trình thuật khác nhau đều quả quyết sự kiện không thể chối cãi được: Chúa đã sống lại thật. Trình thuật về các môn đệ đi làng Emmau cho thấy cuộc sống khi không có Chúa, sự can thiệp của Ngài, và sức biến đổi trọn vẹn cuộc đời. Sau kinh ngạc trước ngôi mộ trống, sau sững sờ trước sứ điệp các thiên thần, giờ đây thực sự đã hoàn tất: Chúa đã sống lại thật và còn hiện ra cho những kẻ thân cận: trước nhất và đặc biệt nhất là hiện ra với ông Simon rồi với hai môn đệ thành Emmau và sau với toàn thể các môn đệ đang hội họp.
29. Trên đường Emmau.
Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau, biến đổi con người từ thái độ ngờ vực đến thái độ tin nhận một cách xác tín và làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh.
Chúa Giêsu tiến đến gặp hai môn đệ đang phân vân về ơn gọi và sứ mệnh theo Chúa. Sau biến cố Chúa bị đóng đinh và chết trên Thập giá, hy vọng về tương lai mà họ muốn xây dựng xem ra bị tiêu tan. Không còn gì giữ họ lại Giêrusalem, nơi Chúa đã dẫn họ đến và cũng là nơi sẽ khởi đầu sứ mệnh làm chứng cho Chúa, nên hai môn đệ quay trở lại Emmau với tâm hồn thất vọng và niềm tin bị thử thách nặng nề. Mô tả về cuộc gặp gỡ này, tác giả Luca đã chú ý đến ba yếu tố: Kinh Thánh, Bí Tích Thánh Thể, Cộng Đoàn Tuyên Xưng Đức Tin. Hai môn đệ nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh sau khi nghe Chúa trong dung mạo người khách đồng hành giải thích Kinh Thánh và bẻ bánh, rồi hai môn đệ trở về Giêrusalem và cũng được củng cố thêm bởi lời tuyên xưng của cộng đoàn: “Chúa sống lại thật rồi, và đã hiện ra với Simon”.
Để làm sống động lại đức tin đã bị lung lay, người môn đệ cần có ba yếu tố: Kinh Thánh, Bí Tích Thánh Thể, Cộng Đoàn Sống Đức Tin. Lời Chúa là của ăn nuôi sống đức tin. Toàn bộ Kinh thánh đều qui về Chúa Giêsu Kitô. Khi bị thử thách, người môn đệ không nên cắt đứt với Lời Chúa, nhưng hãy kiên trì đọc, suy niệm và khiêm tốn xin Chúa giải thích lời Chúa cho mình hiểu. Tâm hồn hai môn đệ Emmau đã bừng cháy lên khi nghe Chúa giải thích Kinh Thánh mới chỉ là khởi đầu của một cuộc trở về; một cuộc phục hồi đức tin còn được thể hiện khi hai môn đệ nhận ra Chúa Giêsu lúc Ngài bẻ bánh. Từ ngữ “bẻ bánh” trong cộng đoàn Kitô tiên khởi có nghĩa là cử hành Bí tích Thánh Thể: Bí tích Thánh Thể hoàn tất điều mà Lời Chúa khơi dậy trong tâm hồn con người. Cuối cùng, đích điểm của cuộc trở lại là cộng đoàn đức tin: đức tin được nuôi dưỡng bởi lời Chúa và Mình Chúa không thể chỉ dừng lại hoặc giới hạn nơi cá nhân, mỗi môn đệ là thành phần của cộng đoàn đang tuyên xưng đức tin; đức tin không bao giờ chỉ là đức tin riêng rẽ, nhưng là đức tin trong một cộng đoàn: “Tôi tin”, đồng thời cũng là “Chúng tôi tin”.
Khi đức tin của chúng ta bị lung lay, bị thử thách, chúng ta cần kiểm điểm xem chúng ta có thái độ nào đối với lời Chúa? Chúng ta sống Bí tích Thánh Thể thế nào? Chúng ta hiệp nhất với cộng đoàn tuyên xưng đức tin thế nào?
Xin Chúa giúp chúng ta lớn lên trong đức tin để có thể làm chứng cho Chúa trong mọi hoàn cảnh.
30. Hành trình Emmau - Đamas
(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Hữu An)
Có thể nói đường đi Emmau nào có khác chi đường đi Đamas. Hai môn đệ chán chường về quê, Saolô hăng hái lên đường bắt bớ.Tiếc thương Đức Giêsu trên đường đi Emmau hay thù ghét Ngài trên đường đi Đamas, cả hai đều chỉ thấy Ngài trong cõi chết. Họ đều cần ơn “trở lại” để đổi mới cuộc đời.
Chính Chúa Giêsu Phục Sinh đã giúp họ trở lại bằng sự hiện diện đồng hành, bằng đòn quật ngã khỏi yên ngựa.
Dưới tác động của ân sủng, họ được biến đổi trở nên chứng nhân loan báo Tin mừng Phục sinh.
Hành trình Emmau:
Ai đã từng có một lần thất bại trong tình yêu hay trên đường sự nghiệp sẽ hiểu được tâm trạng buồn phiền chán nản, nặng trĩu ưu sầu của hai môn đệ trên đường Emmau. Mộng vàng tan bay, bao nhiêu ước mơ, bao nhiêu hy vọng bỗng dưng đổ vỡ tan tành. Những năm tháng theo Thầy đi rao giảng, họ luôn ôm ấp hoãi bảo lớn lao. Thầy sẽ lập quốc,đánh đuổi đế quốc La mã.Thầy sẽ là vua. Họ sẽ là các quan đại thần quyền thế. Khát vọng vinh quang trần thế này không đúng ý Chúa, nhưng là động lực thúc đẩy các môn đệ.
Kể từ khi tảng đá to đã niêm phong cửa mộ thì đối họ, tất cả đã hết, không còn gì ngoài những kỷ niệm xót xa chua chát. Một thực tế phủ phàng trĩu nặng nổi âu lo sợ hãi. Niềm hy vọng lớn lao xưa đã bị chôn vùi với Giêsu Nazareth. Bởi đó họ ở lại Giêrusalem để làm gì khi người ta đã đặt dấu chấm hết cho mọi hy vọng giải thoát dân tộc.Thập giá được giương cao và vị cứu tinh được chờ đợi với biết bao kỳ vọng đã kết thúc sự nghiệp bằng cái chết đớn đau ô nhục.
Nổi buồn mất mát và nổi đau tuyệt vọng đã làm cho họ không còn nhạy cảm với những thực tại xung quanh. Họ đã không nhận ra Đức Giêsu Phục Sinh đang cùng đi với họ. Ưu tư duy nhất là ưu tư về chính mình. Thái độ ấy đã bịt mắt, đã che đi nguồn sáng nên họ đã không nhận ra sự hiện diện đầy thân tình của Đấng Phục Sinh.
Đức Giêsu Phục Sinh đến như người bạn đồng hành. Ngài chăm chú lắng nghe họ kể nổi đau buồn. Ngài đốt lên ngọn lửa bừng cháy trong tim họ khi giải thích Thánh Kinh ”Bắt đầu từ Môisen và duyệt qua hết các tiên tri, chú giải cho họ những gì liên quan đến Người trong các bản văn thánh kinh”. Vậy thì cả lịch sử cứu độ hướng về Ngài và chỉ có ý nghĩa vì Ngài. Lịch sử vũ trụ, lịch sử nhân loại, mọi lịch sử chỉ là lịch sử cứu độ, lịch sử của Đức Kitô. Đức Kitô hôm qua, hôm nay, mãi mãi vẫn là một. Nghe Lời Chúa, lòng họ bừng lên, nội tâm được biến đổi.
Trong quán trọ, họ nhận ra Ngài qua cử chỉ bẻ bánh. Mắt họ mở ra khi ”Đức Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng bẻ ra và trao cho họ”. Đó là cử chỉ của Chúa trong bữa tiệc ly, một dấu ấn đã in sâu vào tâm hồn các môn đệ. Cảm nhận bừng cháy trong tâm hồn khi Đức Giêsu ngõ lời, nhưng Ngài đã biến đi. Hai ông đã phục hồi niềm tin, đã tìm lại được Chúa, Đấng Hằng sống trên đường đời của họ. Từ nay, Chúa ở với họ,tỏ ra cho họ qua những dấu chỉ niềm tin, lôi kéo họ vào mầu nhiệm Phục sinh.
Con đường dẫn đưa những người lữ khách từ Giêrusalem đến quán trọ Emmau sao xa xôi vạn lý, thế mà giờ đây lúc trở về Giêrusalem lại hoá nên gần gũi thân quen, bởi vì Tin mừng đang cháy bỏng trong tim và trên môi của họ. Họ gặp các Tông đồ và kể lại cuộc gặp gỡ kỳ diệu với Đấng Phục sinh.
Từ nay, các ông sẽ là những chứng nhân cho Đấng cùng đồng hành với các ông, chia sẽ vui buồn, dẫn dắt tâm hồn, thắp sáng niềm tin, đốt nóng niềm hăng say cũng như sẽ đồng bàn và trao sự sống mới trong cử chỉ thân quen.
Từ nay các ông sẽ là người loan báo Đấng Phục sinh cho anh chị em của mình bằng chứng từ của một đời sống dấn thân phục vụ. Không có rào cản nào chắn được bước chân của các Ngài nữa vì Đấng Phục sinh đang cùng họ đồng hành trên khắp mọi nẻo đường trần thế.
Hành trình Đamas:
Trước khi trở lại, đối với Phaolô, Tin mừng về Đức Kitô quả là một chuyện vô lý nhất chưa từng nghe nói bao giờ. Giêsu đã sống lại. Môn đệ của ông ta loan báo rằng ông ta đã chết và đã sống lại.
Nghe bài diễn văn của Simon-Phêrô, người dân chài rao truyền rằng: Giêsu Nazareth, người mà Thiên Chúa đã uỷ thác bằng các phép lạ tuyệt diệu, người mà các ông đã bắt và đã kết tội tử hình,đóng đinh vào thập giá, nhưng Thiên Chúa đã phục sinh Ngài. Phải, Thiên Chúa đã cho cho sống lại… chúng tôi đã chứng kiến, tất cả chúng tôi đã là nhân chứng tại chỗ.
Saolô với tư cách là người có học, một biệt phái mộ đạo. Ông có thông biết thánh kinh bằng hay hơn kẻ chài lưới có bàn tay chai cứng? Phêrô, Gioan đã nhân danh Đức Giêsu đặt tay lên người bệnh và người bệnh được khoẻ mạnh. Phêrô và Gioan đã bị nhốt trong ngục tối, cửa sắt khoá chặt, quân đội súng ống canh gác ngày đêm trước dãy tường kiên cố. Thế nhưng, Phêrô, Gioan đã được thả tự do bởi một bàn tay kỳ diệu. Người lạ gặp thấy hai ông đang lên tiếng to trong hành lang của đồn là Đức Giêsu đã sống lại, hai ông đã chứng thực về những phép lạ các ông cử hành nhân danh Thầy Chí Thánh.
Saolô không thể chấp nhận như thế mãi được, phải ra tay tiêu diệt bọn tà đạo này. Nhận lệnh từ Giêrusalem, Saolô lên đường đi Đamas. Dưới ánh nắng mặt trời chói chang, bụi tung mịt mù, trời nóng như thiêu đốt. Không quan trọng! Saolô ra đi, điều cần thiết nhất là nhanh chóng bắt hết bọn tà đạo về Giêrusalem.
Và bỗng chốc, một luồng ánh sáng chói lọi bao phủ lấy Saolô làm ông ngã ngựa. Ong không còn thấy gì nữa. Ong nghe có tiếng gọi ông: ”Sa-un, Sa-un, sao ngươi lại bắt bớ Ta?”
Ông hỏi lại: ”Thưa Ngài, Ngài là ai?” Tiếng nói lại âm vang: ”Ta là Giêsu mà ngươi đang bách hại” (Cv 9,5) Saolô hoàn toàn bối rối. Ong nào có bắt bớ Chúa Giêsu, mà bắt bớ các môn đệ Ngài thôi! Thê rồi ông chợt hiểu ra, Chúa Giêsu và các môn đệ ngài là một, và Saolô đã khuất phục: ”Lạy Chúa,Chúa muốn con làm gì?”. Chúa truyền cho Saolô vào thành gặp Khanania (Cv 9,5-8). Saolô đứng dậy, ông chớp mắt mà không thấy gì. Ông được đưa về Đamas. Sau ba ngày,có một người Dothái thuộc cộng đoàn mới đã đến gõ cửa và bảo: ”Saolô,người anh em,hãy nhìn thấy lại”. Phép lạ đã xảy ra, Saolô lại thấy được. Saolô đã chịu phép rửa bởi tay Khanania. Ông cần thời gian để tĩnh tâm, học hỏi và cầu nguyện. Thế là ông rời bỏ Đamas để sang vùng Ảrập sống trong thanh vắng. Thầy của ông đã chuẩn bị 30 năm thì ông cũng phải chuẩn bị ba năm (Gal 1,17). Ba năm trời ông nghiền ngẫm thánh kinh, đối chiếu trực tiếp với Thần Khí Chúa để hiểu rõ Tin mừng. Ba năm trời đã cho ông tâm tình của Chúa Kitô,đã đồng hoá ông với Đức Kitô đến nổi ông phải tuyên bố: ”Không phải tôi sống, nhưng là chính Chúa Kitô sống trong tôi” (Col 2,20).
Kể từ lúc sáng mắt, Saolô đã hoàn toàn đổi mới. Ong nhiệt thành loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa với tất cả thao thức ”Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng” (1Cor 5,14). Với tên mới Phaolô, vị tông đồ được Chúa chữa sáng mắt đã ra đi khắp chân trời góc biển rao giảng Tin mừng và trở nên vị tông đồ dân ngoại lừng danh. Ngài luôn sống trong niềm tin tưởng yêu mến vào Đấng đã kêu gọi Ngài” tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, là Đấng yêu mến tôi và thí mạng vì tôi” (Gal 2,20).
Hành trình Đamas đã làm thay đổi cuộc đời Phaolô. Sống và chết cho Đức Kitô trong tiến trình của cuộc sống muôn màu của Phaolô mãi mãi vẫn thốt lên lời tuyên tín như một bài ca khải hoàn ”Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, gươm giáo?… Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, hay bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta“ (Rm 8,35-39).
Đọc lại hành trình Emmau, hành trình Đamas để nhận thấy người Kitô hữu chỉ bắt đầu là Kitô hữu thực sự khi khởi đi từ niềm tin Chúa Kitô sống lại.
Trong hành trình theo Chúa, người tín hữu có lúc phải đối diện với vô vàn khó khăn phức tạp của đời sống muôn mặt. Có những thất bại, có những chống đối làm choáng váng, ngỡ ngàng hoang mang vì Đức Giêsu như không còn hiện diện và can thiệp. Ngài dường như bỏ mặc cho thế gian hoành hành.
Chính trong những lúc thất vọng hay bị bách hại thì Đức Kitô lại tỏ bày dấu chỉ để người tín hữu nhận ra Ngài đang hiện diện, đang đồng hành khơi lên niềm hy vọng tràn đầy.
Hãy biết nhận ra Ngài qua các dấu chỉ như hai môn đệ Emmau. Hãy biết nhận ra Ngài qua từng biến cố đau đớn như Phaolô té ngựa trên đường Đamas.
Với tất cả niềm tin và lòng yêu mến, nhất định người Kitô hữu sẽ trở nên chứng nhân của niềm hy vọng, chứng nhân của sự sống, chứng nhân của niềm vui.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam