Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 24

Tổng truy cập: 1373476

TRỞ NÊN ĐÁ TẢNG SỐNG ĐỘNG

Trở nền Tảng Đá sống động – AM. Trần Bình An

Người Chăm xưa xây Tháp bằng gạch mộc chưa nung, tức là dùng những viên gạch còn sống, trong đó có chứa một ít cát khoảng 10%, nhúng nước rồi xát và ép chặt vào nhau để kết dính, tạo nên một lớp vữa “giả tạo”. Thành ra cách xây này không vữa mà như là có vữa, rồi nung toàn khối. Trong đó, người Chăm xưa đã nghĩ tới phương pháp xây tháp theo nguyên tắc tạo ra một tổng thể đồng chất với bề dày tường lớn để có được lực liên kết bền vững nhất, đồng thời dễ dàng tạo ra được những tác phẩm điêu khắc có đường nét mỹ thuật cao. Nhưng vì đất sét là vật liệu lâu khô, lại phải nung qua lửa, đòi hỏi độ ẩm phải còn 20% trước khi nung nên người Chăm không thể đổ đất sét lỏng như hiện nay ta đổ bêtông, mà trước tiên phải làm nên những viên gạch mộc, phơi qua vài ngày để gạch se lại, sau đó nhúng nước, xát và ép để viên này dính sát với viên kia, chồng lên và so le mí với nhau. Khi ngôi tháp xây xong thì toàn bộ ngôi tháp, nền và móng đã trở thành một tổng thể đất sét đồng chất, ngoại trừ một ít lanh tô hoặc trụ đá phải dùng trong kỹ thuật xây và có thể được xử dụng để gia cường sau khi xây. Tổng thể đất sét này được nung chín, tất nhiên sẽ có độ bền vững hơn là xây bằng gạch đã nung trước với hồ vữa, là hai chất liệu khác nhau. Và cách xây và nung tháp của người Chiêm Thành thì bắt buộc phải “xây từ dưới lên trên và nung từ trên xuống dưới” nhằm tránh cho tháp khỏi bị đổ vì xây bằng gạch mộc.

Phần đỉnh tháp luôn luôn được xây nhỏ hơn phần đế và thân tháp để trọng tâm khó đổ ra ngoài. Vì vậy người Chăm xưa phải xây tường tháp rất dày từ 1m đến gần 2m. Cùng với việc xây từng đoạn xong để trong một ít thời gian cho gạch se cứng lại thì những yếu tố này góp phần làm giảm tải trọng bản thân của tháp lên các viên gạch. Xây tháp tới đâu thì đổ đầy đất ở trong lẫn ngoài lên tới đó, ngang với mặt tường đang xây, ém đất thật chặt để giữ tháp cho vững đồng thời để người thợ làm việc dễ dàng trong lúc xây và chạm khắc. (Hồ Thế Vinh, TC KT VN)

Tin Mừng Thánh Matthêu Chúa nhật hôm nay thuật lại Đức Giêsu gọi ông Simon là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Người sẽ xây Hội Thánh của Người, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Tảng đá rất hữu dụng trong xây dựng, vì cứng, bền đẹp và phổ thông.

Tảng Đá nền móng

Với tính năng chịu lực nén cao, bền bỉ, vững chãi và hoa văn đẹp, đá tảng hữu dụng trong xây dựng từ ngàn xưa đến nay. Có lẽ vì thế, mà theo Tin Mừng Gioan, ngay từ lần đầu gặp gỡ, thâu nhận ông Simon làm môn đệ chân truyền, Đức Giêsu đã đặt cho ông một tên mới: Kêpha, nghĩa là Đá. Trên Tảng Đá này, Người sẽ xây Hội Thánh bền vững mãi. Hẳn ai cũng cho là điên rồ, dại dột, khi thấy Người quyết định trao sứ vụ quan trọng và nặng nề lên đôi vai ông ngư phủ vai u thịt bắp, xoàng xĩnh và yếu đuối tinh thần.

Với con mắt thế gian, với sự khôn ngoan, sáng suốt của phàm nhân thì chẳng ai có thể hiểu nối Thánh Ý Chúa, luôn trái nghịch với đời: “Những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh.” (1 Cr 1, 27)

Tảng Đá Phêrô dù đã được Đức Giêsu chọn làm thủ lãnh các môn đệ cũng đầy khiếm khuyết, như yếu nhân đức tin, suýt chết đuối khi đi trên mặt nước, như khuyên Chúa tránh cuộc tử nạn tàn khốc: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy” (Mt 17, 22), như bạo lực chém đứt tai thủ hạ của quân dữ, như chối Chúa đến ba lần trước khi gà gáy.

Nhưng Tảng Đá Phêrô đã trung kiên lại ngay sau khi cái nhìn trìu mến thương yêu tha thứ của Đức Giêsu đang chịu nạn. Phêrô đã khóc lóc thảm thiết, sám hối, ăn năn tội bất nghĩa, bất tín, bất trung.

Sau lễ Ngũ Tuần, tràn đầy ân sủng Đức Chúa Thánh Thần, Tảng Đá Phêrô đã can đảm công khai loan báo Tin Mừng, đã gặt hái được kết quả đầu mùa, khoảng ba ngàn người theo đạo. Đến nay, dù trải qua bao cơn sóng gió, mưa bão vùi dập suốt hơn hai nghìn năm, Hội Thánh Chúa vẫn vững bền, tồn tại và phát triển trên Tảng Đá Phêrô và quý Đức Giám Mục Roma kế vị.

Tảng Đá sống động

Những viên gạch mộc của tháp Champa được liên kết chặt chẽ vào nhau trước khi chất củi nung chin. Chúng đều được nhúng nước, rồi cọ xát tứ bề, tiết ra dung dịch đất sét sền sệt, kết dính viên gạch này khắng khít với viên khác.

Các tảng đá xây dựng cũng phải được đẽo gọt sao cho phẳng phiu, ăn khớp với nhau. Chính sự cọ xát viên gạch và đẽo gọt tảng đá mới có thể kiến thiết, xây dựng hoàn chỉnh bức tường, dựng nên tòa tháp, ngôi thánh đường, đền thờ.

“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình” (Mt 16,24). Tảng Đá Phêrô đã chịu cọ xát, đẽo gọt, ăn năn, sám hối, thanh tẩy, thánh hóa, từ bỏ ý riêng, quyết sống tích cực theo Đức Tin đã được tuyên xưng hùng hồn: "Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Ðấng Kitô Con Thiên Chúa." (Ga, 6, 70)

Với Đức Mến, Tảng Đá sống động Phêrô phó thác cuộc đời trong tay Chúa, để trở nên Đền Thờ tôn kính Thiên Chúa: "Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên Ðền thờ thiêng liêng." (1 Pr 2,5)

Với Đức Cậy,Tảng Đá Phêrô luôn trông cậy vào Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa yêu thương và tha thứ: ”Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xóa bỏ tội lỗi cho anh em” (Cv 3,19)

Vậy trở nên Tảng Đá sống động là nghe, hiểu và thực hành Lời Chúa, tức là kết hợp hài hòa và nhuần nhuyễn với Tảng Đá Góc Tường, là Đức Kitô, viên đá sống động bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa lựa chọn và coi là quý giá, (1Pr 2, 4) để xây dựng Đền Thờ cá nhân thánh thiện, cũng như Giáo Hội viên mãn. Bởi vì “Ai nghe những lời Thầy nói đây và đem thực hành, thì giống như người khôn ngoan, đã xây nhà mình trên đá; mưa có đổ xuống, nước có tràn vào, gió bão có thổi đến và lùa vào nhà đó, nhà đó vẫn không sập, vì nhà ấy được xây trên đá. (Mt 7, 24-25)

Đừng ngạc nhiên khi người ta phá Hội Thánh, vì đó là nhiệm thế Chúa Kitô; họ tiếp tục giết Chúa Kitô; không giết được Chúa Kitô được nữa, người ta phá Hội Thánh. (Đường Hy Vọng, số 251)

Lạy Chúa Giêsu, xin biến cải chúng con trở nên những tảng đá sống động, biết lắng nghe, tìm hiểu Lời Chúa và đem ứng dụng trong cuộc đời, để chúng con chung sức gìn giữ, phát huy, xây dựng Hội Thánh từ ngay tâm hồn, đến gia đình và xã hội.

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ giúp chúng con biết ăn năn, hoán cải, sám hối những tội lỗi vấp phạm, đã làm sứt mẻ Tảng Đá sống động, để luôn tha thiết gắn bó kiến thiết Đền Thờ Thiên Chúa. Amen.

 

12. Đá tảng xây dựng Hội Thánh tại gia

(Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà)

Hai diễm phúc lớn của thánh Phêrô

Sau khi Phêrô tuyên xưng rằng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, Chúa Giêsu nói với ông: "Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.”

Trích đoạn Tin mừng này cho ta thấy thánh Phêrô có hai diễm phúc lớn:

Một là được Chúa Cha mặc khải cho biết Chúa Giêsu chính là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống; hai là được Chúa Giêsu đặt làm Tảng Đá kiên vững để xây dựng Hội thánh của Ngài.

Hai diễm phúc tương tự của người Kitô hữu

Tuy nhiên, không chỉ một mình thánh Phêrô mới được hưởng hồng phúc lớn lao đó mà bất cứ Kitô hữu nào cũng được thông phần vào hai hồng phúc quý báu này.

- Hồng phúc thứ nhất: Nhờ ơn Chúa ban, mỗi Kitô hữu chúng ta cũng được hồng phúc nhận biết Chúa Giêsu như thánh Phêrô từng biết.

Đây là điều mà các vị ngôn sứ tầm cỡ như Ê-li-a, I-sa-i-a, Mô-sê… và ngay cả các nhà hiền triết, các nhà thông thái… chưa từng được nghe, chưa từng được biết, vậy mà chúng ta đã được biết Chúa Giêsu là Đấng Kitô, là Con Thiên Chúa hằng sống. Hơn thế nữa, chúng ta còn được nghe Ngài phán dạy qua những trang Tin mừng, qua giáo huấn của Hội thánh từ lâu nay.

Chính Chúa Giêsu cũng nhìn nhận đây là đại phúc:

“Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc vì được nghe. Quả thế, Thầy bảo anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe” (Mt 13, 16-17).

Hồng ân này lớn lao quá đỗi đến nỗi Chúa Giêsu đã từng cất tiếng tạ ơn Thiên Chúa Cha thay cho chúng ta: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, Con xin ngợi khen Cha vì Cha đã giấu không cho những bậc khôn ngoan thông thái biết những điều nầy, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn” (Mt 11, 25).

- Hồng phúc thứ hai: Bên cạnh hồng phúc nhận biết Chúa Giêsu là Đấng Kitô như thánh Phêrô, chúng ta còn được hồng phúc thứ hai là được Chúa chọn làm đá tảng xây hội thánh nhỏ của Chúa.

Thánh Phêrô dạy rằng Thiên Chúa muốn nhờ đến chúng ta như “những viên đá sống” để xây nên Đền thờ của Chúa. Ngài nói như sau: “Anh em hãy để Thiên Chúa dùng như những viên đá sống động mà xây nên Đền thờ thiêng liêng” (1Pr 2,5).

Noi gương thánh Phêrô, chúng ta tích cực xây dựng hội thánh tại gia

Phêrô là Đá tảng được Chúa chọn làm nền móng để xây dựng Hội thánh hoàn vũ, thì chúng ta cũng là những viên đá khác được Chúa chọn để xây dựng hội thánh nhỏ là gia đình và giáo xứ. Thế là chúng ta trở thành những Phêrô khác, những “viên đá” khác trong Hội thánh tại gia. Hội thánh toàn cầu được kiên vững nhờ được xây dựng trên Đá tảng Phêrô thì Hội thánh tại gia có được kiên vững hay không là tuỳ vào chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu,

Khi Phêrô được chọn làm Đá tảng xây dựng Hội thánh, ngài không thụ động cầu an, nhưng đã anh dũng hy sinh đời mình phụng sự Thiên Chúa, mở mang Hội thánh và đem lại ơn cứu độ cho muôn dân.

Xin cho chúng con là những người được Chúa tuyển chọn làm những viên đá xây đền thờ Chúa, thì cũng biết noi gương thánh Phêrô mà tích cực xây dựng gia đình và xứ đạo chúng con trở nên một đại gia đình thánh thiện và chan hòa tình yêu thương.

 

13. Trở nên “đá tảng” xây dựng Hội Thánh tại gia

(Suy niệm của Lm. Inhaxiô Trần Ngà)

“Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: "Người ta nói Con Người là ai?" Các ông thưa: "Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ."

Thế là cho đến lúc đó, chưa có ai trong dân Do-Thái nhận biết thiên tính của Chúa Giê-su.

Chúa Giê-su lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?"

Si-môn Phê-rô thưa: "Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống."

Một câu đáp gây kinh ngạc! Si-môn Phê-rô đã thấu được căn tính của Chúa Giê-su!

Cho đến lúc đó, chỉ có Si-môn Phê-rô là người duy nhất được đặc ân nầy. Vì thế, Chúa Giê-su ca ngợi và chúc mừng: "Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.”

Cũng như thánh Phê-rô, chúng ta được diễm phúc nhận biết Đức Giê-su là Thiên Chúa.

Hôm nay, Thiên Chúa cũng ban cho chúng ta hồng phúc không thua kém gì Phê-rô xưa.

Trong số 87 triệu người Việt Nam, có chừng bảy triệu người công giáo, chiếm 8%. Như thế, cứ một trăm người Việt mới có được tám người công giáo. Chúng ta may mắn được liệt vào con số ít ỏi nhưng đầy diễm phúc nầy.

Điều mà các vị đại ngôn sứ tầm cỡ như Ê-li-a, I-sa-i-a, Mô-sê… và ngay cả các nhà hiền triết, các khoa học gia tên tuổi… chưa từng được nghe, chưa từng biết, thì Thiên Chúa đã mặc khải cho chúng ta từ lúc mới có trí khôn. Chính Chúa Giê-su cũng nhìn nhận đó là đại phúc:

"Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc vì được nghe. Quả thế, Thầy bảo anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe”. (Mt 13, 16-17)

Sở dĩ đây là đại hồng phúc vì hiểu biết Thiên Chúa là đầu mối đưa đến ơn cứu độ và hạnh phúc đời đời.

Hồng ân Chúa Cha ban cho chúng ta lớn lao quá đỗi đến nỗi Chúa Giê-su đã từng cất tiếng tạ ơn Thiên Chúa Cha thay cho chúng ta: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, Con xin ngợi khen Cha vì Cha đã giấu không cho những bậc khôn ngoan thông thái biết những điều nầy, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn.” (Mt 11, 25)

Cũng như thánh Phê-rô xưa, chúng ta được chọn làm “viên đá” xây dựng Hội Thánh.

Bên cạnh hồng phúc nhận biết Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, Si-môn Phê-rô còn được phúc thứ hai là được Chúa chọn làm Đá tảng xây Hội Thánh Chúa: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi”.

Từ ngày được lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, Thiên Chúa cũng ưu ái trao ban hồng phúc đó cho mỗi người chúng ta. Chúng ta cũng được liên kết với Chúa Giê-su là “viên đá đỉnh góc” (Mt 21,42), là “viên đá sống động” (I Pr 2,5) để cùng nhau xây lên Đền thờ Thiên Chúa, như lời thánh Phê-rô: “Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên Đền thờ thiêng liêng” (1Pr 2,5)

Noi gương thánh Phê-rô, chúng ta tích cực xây dựng hội thánh tại gia.

Phê-rô là Đá Tảng được Chúa chọn làm nền để xây dựng Hội Thánh hoàn vũ, thì chúng ta cũng là những viên đá khác được Chúa chọn để xây dựng hội thánh nhỏ là gia đình và giáo xứ chúng ta. Thế là trong cương vị người cha người mẹ, người anh chị em trong gia đình, chúng ta trở thành những Phê-rô khác, những “viên đá” khác trong hội thánh tại gia. Hội Thánh toàn cầu được kiên vững nhờ được xây dựng trên Đá tảng Phê-rô thì hội thánh tại gia có được kiên vững hay không là tuỳ vào chúng ta.

Được chọn làm Đá tảng xây dựng Hội Thánh, Phê-rô không thụ động cầu an, nhưng đã anh dũng hy sinh đời mình phụng sự Thiên Chúa và đem lại ơn cứu độ cho muôn người.

Được chọn làm đá tảng như Phê-rô, chúng ta hãy tích cực xây dựng gia đình và xứ đạo chúng ta trở nên một đại Gia Đình chuyên chăm phục vụ và chan hòa tình yêu thương.

Lạy Chúa Giê-su,

Chúa đã ban ơn giúp sức cho thánh Phê-rô làm tròn vai trò của người trong cương vị Đá tảng Hội Thánh thì xin Chúa cũng nâng đỡ và giúp sức để chúng con chu toàn vai trò của mình trong cương vị đá tảng của hội thánh tại gia.

 

14. Đá Tảng Phêrô - Quyền bính vững chắc

(Văn Hào, SDB chuyển ngữ)

“Anh là Phêrô, là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16,18).

Một trong những điều mà Kinh thánh nói tới, thường dễ gây ra dị ứng, nhưng vẫn rất được quan tâm, đó là quyền bính. Quyền bính quả là một thách đố, nhưng thách đố như thế nào? Theo truyền thống Thánh kinh, quyền bính được phú trao như một ân huệ nhưng không. Tuy nhiên, đề cập tới những con người kém cỏi được trao ban quyền bính, thậm chí có quyền sinh sát hoặc có thể khuynh đảo xã hội, thì rất họa hiếm, trong xã hội ngày xưa cũng như ngày nay. Vì vậy, một cách mặc nhiên phải hiểu là, những ai được trao phó quyền bính, ngay cả những quyền bính được ban trao một cách chính đáng, thì chính họ cũng như chúng ta, cần phải lắng nghe để hiểu rõ sự thật về chính nhân thân nơi con người của mình. Trong cựu ước, các ngôn sứ thường được trao phó để đảm nhận công việc khó khăn này. Thiên Chúa khích lệ và cổ vũ để họ dám nói, dám nhắc bảo những con người nắm trong tay quyền lực nhưng phạm nhiều sai trái, để họ biết trở về với con đường giao ước và những thánh chỉ của Giavê.

Trong cách thức đó, Isaia đã nói với Shebna, “chủ cung điện”, tức tể tướng dưới triều đại của hoàng đế Sennacherib, vua nước Assyria. Chúng ta sẽ biết nhiều về thời kỳ này, cùng những nhân vật liên quan, khi đọc lại sách Isaia 36-39, và sách các vua quyển thứ nhất 18-20. Isaia quả quyết với Shebna là ông ta sẽ bị tước quyền hành, để trao cho Eliakim, người sẽ làm chủ lâu đài. Hiện nay, Shebna đang là tể tướng triều đình. Shebna sẽ bị truất phế, theo lời Isaia, vì ông ta đã xây một lăng mộ kiên cố cho chính ông ta và đã bội nghĩa với chủ. Chúa nói qua miệng Isaia: “Ta sẽ tống khứ ngươi khỏi chức vụ, và sẽ đuổi ngươi ra khỏi địa vị.”

Đoạn văn trên mang chở ý nghĩa sâu xa, vừa trong văn mạch cổ xưa, vừa tương thích với lối cắt nghĩa hiện nay. Eliakim đã được trao ban quyền bính, thay cho Shebna, “để trở thành cha của dân cư tại Giêrusalem và của nhà Giuđa. Ta sẽ đặt trên vai nó chìa khóa nhà Đavit, nó sẽ mở và không ai đóng được. Nó sẽ đóng lại và không ai có thể mở ra. Nó sẽ thắt đai lưng và ngồi trên ngai an toàn cho tới khi Eliakim bị hạ bệ và ngã đổ.”

Đoạn văn này vẫn để lại âm vang và ám chỉ về quyền bính để lãnh đạo trong Giáo hội, Ekklesia, như được nói tới trong trình thuật Tin Mừng hôm nay. Tại Cêsarê Philiphê, Đức Giêssu đã đặt tên cho Simon là Petros, nghĩa là Đá. Matthêu thuật lại, Đức Giêsu nói với Phêrô “Con là đá, trên đá này Thầy sẽ xây dựng Hội Thánh của Thầy, cửa hỏa ngục cũng không chống nổi. Ta sẽ trao cho con chìa khóa Nước Trời. Điều gì ở dưới đất con cầm buộc, trên trời cũng sẽ cầm buộc. Điều gì con tháo mở dưới đất, trên trời sẽ tháo mở”. Nhiều học giả tranh luận về tính xác thực của bối cảnh toàn bộ câu truyện. Nhưng có một điều chắc chắn, tên của Simon được Đức Giêsu thay đổi và gọi là Petros, là chi tiết được cả 4 phúc âm thuật lại, không có gì phải bàn cãi.

Qua sự kiện này, Đức Giêsu muốn nói lên điều gì? Oscar Cullmann trong cuốn tự điển thần học tân ước đã viết: “ Vì Phêrô, đá tảng của Hội Thánh, đã được chính Đức Giêsu đặt định, nên Ngài trở thành “ chủ của ngôi nhà, là chìa khóa của Vương quốc Nước Trời ”(Is 22,22; Khải huyền 3,7). Ngài còn là người trung gian của mầu nhiệm Phục sinh, và có phận vụ tiếp nhận dân của Chúa vào trong Vương quốc Phục Sinh này. Chính Đức Giêsu đã ủy thác cho Phêrô năng quyền để mở cửa Vương Quốc của Thiên Chúa đang đến, hoặc là sẽ đóng lại”. Shebna và Eliakim được phó trao quyền bính để phục vụ ông chủ của ngôi nhà là Hezekiah. Cũng vậy, Phêrô cũng được trao phó quyền bính để cai quản ngôi nhà của Đấng Messia.

Nhưng chúng ta phải nhớ rằng, quyền bính này không thuộc về người quản lý ngôi nhà. Nó hệ tại ở chính ngôi nhà đó, và sâu xa hơn, nó phát nguyên từ Thiên Chúa. Ngay sau khi Phêrô tuyên tín Đức Giêsu là Đấng Messia, ông đã bị Người khiển trách vì đã không quy thuận đường lối của Chúa. Đó là lý do tại sao ngay cả hôm nay, khi chúng ta chấp nhận vâng phục quyền bính đối với các vị lãnh đạo trong Giáo hội, thì chính các Ngài là những người được ủy thác, luôn được mời gọi phải hành xử quyền bính trong khiêm tốn để phục vụ, bởi lẽ quyền bính tối thượng trong Giáo hội khởi nguồn từ Thiên Chúa, và chính xác hơn, là chính Thiên Chúa.

 

15. Đi sau Chúa – Lm. Phêrô Bùi Quang Tuấn

Đang khi dân chúng còn mù mờ về vai trò và con người của Đức Giêsu thì Phêrô, vị Giáo hoàng tiên khởi đã mạnh mẽ tuyên xưng: “Ngài là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Phêrô được khen là có phúc vì nhận được mạc khải từ trên cao. Thế nhưng chỉ một khoảnh khắc sau, chính Phêrô lại bị Thầy mình trách là “Satan” vì lòng dạ tăm tối, chỉ “hiểu biết những sự thuộc về loài người” và đang “làm cớ cho Thầy vấp phạm”.

Phêrô tuy nhận chân Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, nhưng trong cái nhìn của ông, Đấng Cứu Thế sẽ là người hùng mạnh, đánh đông dẹp bắc, chinh phục vua Chúa, thâu tóm quyền hành, và rồi đăng quang thống trị thế giới.

Đức Giêsu hiểu rõ quan niệm trần gian của các tông đồ về Đấng Cứu Thế, nên ngay sau lời tuyên xưng đức tin của Phêrô, Ngài cấm các ông nói cho người khác những gì họ mới biết. Ngài muốn giúp các ông thay đổi quan niệm về Đức Kitô. Đức Kitô đúng nghĩa sẽ là đấng phải đau khổ, bị từ khước, chịu giết chết trước khi đi đến toàn thắng. Sức mạnh của Đức Kitô không ở trong binh khí hay chiến mã như bao vua chúa trần gian, song là nơi thập giá khổ đau. Chiến lược của Đức Kitô là đi xuống chỗ tận cùng trong lũng sâu nước mắt của nhân loại để nâng tất cả lên trong vinh quang của Thiên Chúa.

Nhưng nào các tông đồ có hiểu được điều đó! Và đâu phải chỉ có các ông. Chính tôi lắm khi cũng không hiểu nỗi đấy chứ. Tôi cứ nghĩ Chúa là Đấng quyền năng đầy sức mạnh, phải cứu con người khỏi bao gian nan, khốn khổ, trái ý trên đường đời; phải ra tay làm nhiều phép lạ cho người ta tin; chứ đàng này Chúa lại im như bất lực, thậm chí còn để cho dân Chúa, Giáo hội Ngài chịu biết bao thách đố đau thương.

Cũng như Phêrô, tôi muốn chỉ cho Chúa phương cách cứu thế, chứ làm theo kiểu của Chúa thì e rằng chẳng còn ai tin và Ngài sẽ thất bại ê chề.

Cũng như Phêrô, tôi muốn chận Chúa lại, không cho Ngài tiếp tục cuộc hành trình kỳ quặc về Giêrusalem. Tôi muốn “dạy” cho Ngài lối đường nên đi. Tôi muốn Ngài rút bớt điều kiện cho mọi người cảm thấy nhẹ nhàng; cung cấp bánh ăn, của cải vật chất dư đầy cho người ta theo đông; làm nhiều phép lạ, ảo thuật giựt gân cho dân chúng thích thú.

Nhưng Chúa Giêsu quát lên: ‘Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Ta”.

Có hai lần trong đời mình, Chúa Giêsu đã dùng đến chữ “Satan”. Một lần với tên Cám dỗ và lần này với Phêrô. Satan đối nghịch với Thiên Chúa. Satan làm đảo lộn trật tự thế giới. Satan phá hoại chương trình của Thượng Đế nơi con người. Thế nên lời quở mắng “Satan” là lời khiển trách nặng nề nhất.

Nhưng để ý sẽ thấy: trong lần quở mắng tên Cám dỗ, Chúa Giêsu bảo nó “hãy cút đi”, Ngài không còn muốn thấy mặt nó nữa; nhưng khi khiển trách Phêrô, Chúa Giêsu lại nói “hãy lui ra sau Ta”. Như thế Ngài vẫn cho người môn đệ cơ hội hoán đổi hướng nhìn và cách đi. Thay vì đi trước và chỉ lối cho Chúa, tôi phải hướng theo và tiếp bước sau Ngài.

Satan không thể bước theo Chúa vì bản chất kiêu ngạo của nó. Nhưng riêng tôi, dù bao vấp phạm lầm lỡ, dù lắm khi sống theo ý mình, hay từng chạy theo tiếng gọi của quỉ ma, tôi vẫn được ban cho cơ hội làm lại hành trình của người môn đệ Đức Kitô, dẫu biết rằng không môn đệ chân chính nào của Ngài lại không phải mang thập giá: “Ai muốn đi sau Ta thì hãy chối bỏ mình, hãy vác lấy khổ giá mình và theo Ta” (Mt 16:24).

Thánh Phêrô, sau lời khiển trách của Thầy, đã về lại với chỗ đứng đúng nhất của mình: ông không đòi Chúa theo ý mình, song là vâng theo ý Chúa; ông không dẫn đường cho Chúa nhưng là bước theo dấu chân Ngài. Cao điểm của sự “đi theo” này là việc Phêrô chịu đóng đinh thập giá vì Đức Kitô vào năm 69 AD.

Như thế, vị Giáo hoàng tiên khởi, với biết bao yếu đuối sa ngã, cuối cùng đã lấy cái chết của mình để xác minh chân lý thập giá. Từ chỗ muốn dạy cho Thầy mình về sự khôn ngoan của thế gian đến việc khám phá và ôm ấp giá trị sâu xa sự điên rồ của Thiên Chúa. Từ chỗ phủ nhận và ngăn chận Thầy mình bước đi trên con đường khổ đau, đến việc chính mình anh dũng tiến vào. Nhưng nhờ đâu mà Phêrô có được thái độ và hành vi hào hùng đó? Phải chăng chính nhờ niềm xác tín vào Đức Giêsu, Đấng ông đã tuyên xưng. Nếu không có xác tín, hẳn ông đã chẳng dám theo.

Niềm tin mãnh liệt vào Đức Giêsu thúc đẩy người ta vâng theo lời Ngài. Khi Chúa bảo “Hãy lui ra sau Ta”, Phêrô vâng lời lui ra chứ không giận dỗi bỏ đi. Khi bị mắng là “Satan”, Phêrô vẫn khiêm tốn nhìn nhận tầm nhìn nông cạn của mình chứ không tự ái phản đối.

Thử hỏi tôi có được niềm xác tín làm phát sinh thái độ khiêm tốn và nghe lời Chúa như thế không, hay tôi vẫn khăng khăng chối từ lối đường thập giá?

Một nhà tư tưởng quả quyết: “Luật của thập giá là luật phổ quát. Làm người, không ai thoát khỏi thập giá”. Như thế chối từ thập giá là chối từ làm người đúng nghĩa.

Nhưng phải vác thập giá theo Đức Giêsu-tức là sống theo những giá trị Tin Mừng như vị tha, thanh khiết, chân thật, từ tâm, phục vụ, quên mình…-tôi mới là con người trọn vẹn, một con người phản chiếu dung mạo Thiên Chúa.

home Mục lục Lưu trữ