Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 29

Tổng truy cập: 1375169

TRỞ NÊN HÌNH ẢNH CHÚA GIÊSU

Trở nên hình ảnh Chúa Giêsu

(Trích trong ‘Cùng Đọc Tin Mừng’ – Lm Ignatiô Trần Ngà)

Nhiều lần Chúa Giêsu nói về Chúa Cha khiến các môn đệ đâm ra tò mò. Chúa Cha là Ai? Ngài ở đâu? Ngài là Đấng thế nào?

Thế nên Philípphê mới đề nghị với Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện."

Dùng ngôn ngữ vốn rất hạn hẹp của con người để diễn tả mầu nhiệm cao vời về Chúa Cha thì khác chi lấy gang tay đo chín tầng trời. Vì vậy, thay vì dùng lời để diễn giải, Chúa Giêsu dùng phương pháp trực quan. Ngài chỉ cho Phi-líp-phê cũng như các môn đệ xem chân dung, xem hình ảnh đích thực của Thiên Chúa Cha. Chân dung đó, hình ảnh đó chính là Ngài: "Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha".

Tiếp theo, Chúa Giêsu cũng tỏ cho các môn đệ biết giữa Ngài và Chúa Cha có một mối hiệp thông hết sức mật thiết. Những lời Chúa Giêsu nói chính là những lời của Chúa Cha được phát ra qua môi miệng Chúa Giêsu: "Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. (Ga 14,10). Những gì Chúa Giêsu thực hiện trong cuộc đời đều cũng là những hành động của Chúa Cha...

Thế là Chúa Cha tự tỏ mình qua Chúa Giêsu. Nhìn vào Chúa Giêsu, nhân loại sẽ biết được Thiên Chúa Cha.

* * *

Thánh Athanasiô đã diễn tả chân lý nầy như sau: "Chúa Cha được bày tỏ qua Chúa Con và Chúa Con được bày tỏ qua Giáo Hội." Nói khác đi, Chúa Con là hình ảnh trung thực của Chúa Cha, còn Giáo Hội là hình ảnh trung thực của Chúa Con, và chúng ta, vì là thành phần của Giáo Hội, nên cũng phải là hình ảnh trung thực của Chúa Giêsu.

Theo nhật báo Chứng Nhân kitô hữu (Témoignage Chrétien), vào năm 1941 có một vị linh mục bị Đức Quốc Xã giam trong trại tập trung dành cho người gốc Do thái. Như bao tù nhân khác, ngài cũng bị hành hạ và ngược đãi thậm tệ. Tuy nhiên ngài vẫn vui vẻ và luôn sẵn sàng giúp đỡ anh em đồng cảnh ngộ đang lâm vào tình trạng khủng hoảng và tuyệt vọng.

Trong cảnh tù đày đói khát, một vụn bánh còn quý hơn vàng, vậy mà ngài dám chia sớt phần ăn ít ỏi của mình cho những bạn tù yếu sức hơn.

Những lúc trời rét buốt xương, tấm áo len được xem là kho tàng vô giá, thế mà có lần ngài tặng không chiếc áo len đang mặc cho bạn tù đang lâm trọng bệnh nằm run cầm cập trong xó nhà.

Ngài là nhịp cầu yêu thương giữa những kẻ bất hoà, đem sự khích lệ tinh thần cho những tâm hồn sầu muộn... Ngài đã cứu được mấy bạn tù tuyệt vọng khỏi tự huỷ mình nhờ những khuyên lơn an ủi... Vì thế, các tù nhân trong trại rất yêu quý và xem ngài như người cha thứ hai. Họ đều gọi ngài cách thân thương là... Bố.

Trong trại tù còn có một thanh niên bụi đời, lớn lên nơi đầu đường xó chợ, căm hờn mọi người, không ngần ngại phạm bất kỳ tội ác nào.

Vị linh mục khả ái từng bước tiếp cận, trò chuyện, giúp đỡ, khuyên răn, và cuối cùng đã cảm hoá được chàng thanh niên chai đá và tưởng chừng như vô phương cứu chữa nầy. Ngài cũng mong ước dần dần dẫn dắt cậu về với đạo thánh Chúa.

Thế rồi, một hôm, có lệnh chuyển cha sang trại Ao-sơ-vích (Auschwitz), một trại tập trung mà chỉ mới nghe danh xưng, mọi trại viên đều phải kinh hoàng. Đó là lò hủy diệt con người bằng những hầm hơi ngạt và lò thiêu xác.

Trước khi chia tay với các bạn tù và đặc biệt với cậu thanh niên mới hoàn lương, ngài quyết định phải giới thiệu đôi nét về Chúa Giêsu cho cậu với hy vọng cậu sẽ trở thành người con Chúa.

Ngài vỗ vai cậu và ôn tồn nói "Này, con yêu của Bố, đã từ lâu Bố rất mong con nhận biết và trở thành môn đệ Chúa Giêsu."

Cậu thanh niên thưa lại: "Nhưng con chưa biết gì về Chúa Giêsu cả. Bố có thể kể sơ lược về Ngài cho con biết được không?"

Biết mình không còn thời gian để giới thiệu dông dài vì giờ chuyển trại sắp đến, vị linh mục già thinh lặng cúi đầu, cầu nguyện giây lát, rồi ngài ngẩng lên khiêm tốn đáp: "Chúa Giêsu mà Bố muốn cho con tin và yêu mến, Ngài giống như Bố đây!"

Bấy giờ cậu thanh niên nhìn thẳng vào mắt ngài cách trìu mến và chân thành đáp lại: "Nếu Chúa Giêsu mà giống Bố thì có thể một ngày nào đó, con sẽ tin và yêu mến Chúa Giêsu!"

Sau thế chiến thứ hai, người ta không còn gặp lại vị linh mục nầy nữa. Còn cậu thanh niên thì được sống sót qua các trại tập trung trở về với gia đình và đã thuật lại câu chuyện trên đây về một mục tử đã thực sự trở thành hình ảnh trung thực của Chúa Cứu Thế. Cũng chính nhờ hình ảnh Chúa Giêsu ngời sáng lên nơi con người và cuộc đời của vị mục tử tốt lành nầy, chàng thanh niên được cảm hoá và trở thành người con Chúa.

Lạy Chúa Giêsu,

Đã bao lần chúng con làm cho khuôn mặt Chúa trở méo mó, biến dạng và có thể là rất khó thương vì đời sống không đẹp của chúng con.

Xin cho chúng con biết nhìn lên Chúa như một khuôn mẫu tuyệt vời để đào tạo bản thân mình thành con người mới, có phẩm chất cao đẹp, có đạo đức và văn hoá để nhờ đó, chúng con trở thành hình ảnh trung thực về Chúa cho thế giới hôm nay.


 

12. Mối tình Châu Long

(Trích trong ‘Cùng Nhau Suy Niệm’ – Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

Chuyện cổ tích Việt Nam kể rằng: Có đôi bạn chí thân là Lưu Bình và Dương Lễ. Lưu Bình cùng họ với Lưu Linh. Ham chơi hơn ham học. Dòng dõi giầu sang phú quý nhưng lêu lổng ăn chơi trác táng. Dương Lễ nhà nghèo nhưng ham học. Lấy đèn sách làm thú vui. Nhờ chí thú học hành mà Dương Lễ đã đỗ trạng nguyên làm quan lớn triều đình. Ngược lại, Lưu Bình vì ham chơi nên công không thành và danh thì bại. Thân xác tiều tuỵ và đói khổ bần hàn. Dương Lễ nhìn cảnh bạn sa cơ thất thế nên động lòng trắc ẩn, dầu vậy, bên ngoài ông vẫn làm như không nhìn nhận tình bạn. Ông đã ngầm cho vợ là Châu Long giả dạng là người con gái đến giúp Lưu Bình làm lại cuộc đời. Châu Long đã theo lời chồng đến ở với Lưu Bình để động viên, giúp đỡ Lưu Bình. Nhờ đó mà Lưu Bình đã cố gắng ăn học và sau này cũng thành tài. Về phần Châu Long tuy sống với Lưu Bình nhưng lại không thuộc về Lưu Bình. Nàng vẫn thuộc về Dương Lễ. Nàng vẫn phải trung thành tuyệt đối với Dương Lễ. Cho dù Lưu Bình đã nhiều lần đề nghị nàng kết mối duyên tình, nhưng nàng đã khéo léo từ chối. Nàng khuyên nhủ Lưu Bình hãy chuyên chăm học hành để công thành danh toại mới tính đến chuyện trăm năm. Cho đến khi Lưu Bình thi đỗ mới vỡ lẽ ra: Châu Long chính là vợ của bạn được gởi đến để giúp đỡ mình.

Cuộc đời ky-tô hữu chúng ta cũng giống như nàng Châu Long. Sống giữa thế gian để canh tân đổi mới thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Sống giữa thế gian nhưng phải trung thành với thầy Chí Thánh Giêsu. Không để lòng mình buông theo những cám dỗ tội lỗi, những thói đời điêu ngoa, những đam mê thấp hèn. Trong kinh lạy Cha, Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta: Hãy xin cùng Chúa Cha gìn giữ chúng ta khỏi sa chước cám dỗ và gìn giữ chúng ta khỏi mọi sự dữ. Chúa không bảo chúng ta xin cùng Chúa Cha cất nhắc chúng ta ra khỏi thế gian, nhưng vẫn ở giữa thế gian, đồng thời vẫn phải trung tín với Chúa. Như Châu Long sống với Lưu Bình để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Dương Lễ đã trao.

Có thể nói, Châu Long phải có một tình yêu thật cao cả, thật thuỷ chung lắm mới có thể sống với Lưu Bình mà vẫn giữ trọn giao ước với Dương Lễ. Người ky-tô hữu cũng phải có một tình yêu thật thâm sâu với Thiên Chúa mới có thể tuân giữ giới răn Chúa khi sống giữa thế gian đầy mời mọc hấp dẫn luôn lôi kéo con người bất trung, phản bội với Chúa. Vâng, chúng ta đang ở giữa một thế gian đầy gian tà, một thế gian sa đoạ, tội lỗi, người ky-tô hữu phải có một tình yêu sắt son trung kiên mới có thể giữ lòng thanh khiết như đoá sen "Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn".

Lời Chúa hôm nay cũng căn dặn chúng ta: "Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hãy giữ lời Thầy". Như thế, tuân giữ giới răn Chúa là dấu chỉ cho lòng yêu mến Chúa. Tuân giữ giới răn Chúa còn là dấu chỉ sự trung tín và chu toàn bổn phận của Chúa giữa thế gian. Không thể nói rằng mình yêu mến Chúa mà lại không dám thực thi lời Chúa. Nếu chúng ta nói yêu mến Chúa mà không dám sống đạo và giữ đạo, đó chỉ là sự giả tạo vì Chúa đã từng trách rằng: "Dân này chỉ thờ Ta bằng môi bằng miệng mà lòng chúng lại xa cách Ta". Tuân hứa giới răn Chúa không chỉ dừng lại trên môi miệng mà còn là một dấn thân để ý Chúa được thể diện trong cuộc đời chúng ta. Như Chúa Giêsu, ngài đã vâng phục thánh ý Chúa Cha cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập tự. Người ky-tô hữu cũng phải vâng phục theo giáo huấn của Chúa, cho dẫu có phải chịu thiệt thòi, mất mát hay phải hy sinh cả tính mạng vì lòng yêu mến Chúa.

Nhìn vào thế gian hôm nay với bao nhiêu cám dỗ mời mọc, bao nhiêu cạm bẫy rình chờ, khiến đức tin của chúng ta đã nhiều lần chao đảo, muốn buông xuôi theo cám dỗ của tiền tài, danh vọng và thú vui thể xác. Giữa một thế giới có quá nhiều cám dỗ hưởng thụ, làm sao chúng ta có thể trung thành với Chúa? Có lẽ vì nguyên nhân đó, mà Chúa Giêsu đã hứa ở cùng chúng ta, đồng thời, ngài còn ban Thần Khí đến cho chúng ta. Ngài sẽ an ủi khi chúng ta gặp u buồn. Ngài sẽ soi sáng khi lòng trí chúng ta gặp hoang mang, lo lắng. Ngài sẽ nâng đỡ khi bước đường chúng ta gặp gian nan. Ngài sẽ ban sức mạnh khi chúng ta cần sức mạnh để vượt qua cám dỗ tội lỗi và làm lại cuộc đời. Ngài sẽ ban cho chúng ta những ơn cần thiết để chúng ta hoàn thành sứ mạng cuộc đời như một tôi tớ trung tín và khôn ngoan, vì Chúa đã hứa hằng: "Ơn Ta đủ cho người và quyền năng Ta hiển trị nơi sự yếu hèn của con".

Nguyện xin Chúa Kytô Phục sinh luôn đồng hành với chúng ta và chúc lành cho cuộc đời chúng ta luôn bình an để chúng ta mãi trung thành với Chúa. Amen.


 

 

13. Chúa Giêsu không để các đồ đệ mồ côi

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện)

Bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước (Ga 14, 1-12) nói về cộng đoàn các đồ đệ của Đức Giêsu trong hành trình đi đến cùng Chúa Cha. Bài Tin Mừng hôm nay (Ga 14, 15-21) sẽ nói về sự gắn bó nên một của cộng đoàn và của từng thành viên trong cộng đoàn với Thiên Chúa.

1. Thần Khí sự thật luôn ở giữa cộng đoàn (cc.15-17)

Sự hiện diện thể lý và thế tạm của Đức Giêsu giữa cộng đoàn các đồ đệ sẽ chấm dứt. Nhưng Thần Khí sự thật sẽ được Chúa Cha sai đến, để Người ở mãi với các đồ đệ, ở bên cạnh và ở trong các đồ đệ.

Trước khi nói đến việc Thần Khí sự thật đến, Đức Giêsu nói đến tình yêu của các đồ đệ đối với Người, và về sự cần thiết phải tuân giữ các điều răn của Người: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” (c.15). Tình yêu đối với Đức Giêsu là điều kiện để giữ các điều răn của Người (nếu A thì B), và đàng khác, việc thực hiện những lệnh truyền của Đức Giêsu sẽ là bằng chứng của tình yêu đối với Người (c. 21: Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy).

Đây là lần đầu tiên Đức Giêsu nói về tình yêu của các đồ đệ đối với Người. Lòng tin vào Chúa Giêsu đạt đến đỉnh cao trong sự gắn bó thiết thân và đầy tình yêu mến đối với Người. Sự gắn bó ấy được thể hiện trong việc thực hiện những điều răn của Người. Ở 13,34 Đức Giêsu nói về điều răn mới của Người, và bây giờ, Người nói về “các điều răn” của Người (14,15.21; 15,10). Điều răn mới (“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”) là mẫu gộp tóm tất cả mọi điều răn khác. Và tuân giữ các điều răn là đón nhận trong lòng tin toàn bộ Lời của Đức Giêsu và ký thác bản thân cho Người (x. 14, 23-24).

Với các đồ đệ yêu mến Đức Giêsu như thế, Người hứa: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật” (cc.16-17a). Đức Giêsu thực hiện vai trò trung gian bên Chúa Cha để Chúa Cha ban Thánh Thần cho những kẻ thuộc về Người, và cộng đoàn những kẻ thuộc về Đức Giêsu sẽ lãnh nhận được Thánh Thần nhờ Người.

Thánh Thần được gọi là Đấng Bảo Trợ. Người sẽ thực hiện một vai trò kép: trong cộng đoàn đồ đệ và trong cuộc đối diện của cộng đoàn với thế gian. Bên trong cộng đoàn, Người dạy dỗ các đồ đệ mọi điều và làm cho các đồ đệ nhớ lại mọi điều Đức Giêsu đã truyền dạy (14,26). Người dẫn họ đến sự thật toàn vẹn (16,13). Người làm chứng về Đức Giêsu trước các đồ đệ (15,26). Người tôn vinh Đức Giêsu và loan báo cho các đồ đệ những gì là của Đức Giêsu (16,14). Còn trong cuộc đối diện của cộng đoàn với thế gian, Người soi sáng hướng dẫn các đồ đệ và làm cho các đồ đệ biết rằng thế gian sai lầm (16,9-11).

Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ khác. Khi còn ở với các đồ đệ, Đức Giêsu gìn giữ, bảo vệ và dạy dỗ họ (17,12). Từ nay, Thánh Thần sẽ đảm nhận vai trò đó.

Người là Thần Khí sự thật. Có hai cách hiểu danh ngữ “Thần Khí sự thật” (to pneuma tês alêtheias): (1) Thần Khí là sự thật; và (2) Thần Khí thông ban sự thật. Cũng có thể hiểu theo nghĩa Thần Khí là sự thật, thông ban sự thật và làm cho sống trong sự thật. Trong tư cách là Thần Khí sự thật, Người cũng là Thần Khí giải thoát, vì sự thật đem đến sự giải thoát (8,31-32).

Thế gian không biết Thần Khí sự thật. Người là “Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người” (c.17b). Hạn từ “thế gian” ở đây được sử dụng theo nghĩa xấu, chỉ trật tự bất chính, đối nghịch với Thiên Chúa. Thế gian này tin tưởng vào sự dối trá và kềm hãm con người trong bóng tối của sự dối trá. Nó phục tùng ma quỷ. “Ngay từ đầu, ma quỷ đã là tên sát nhân. Nó đã không đứng về phía sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói dối là nó nói theo bản tính của nó, bởi vì nó là kẻ nói dối, và là cha sự gian dối” (8,44). Vì vậy, thế gian không thể biết Thần Khí sự thật và càng không thể đón nhận Thần Khí sự thật.

“Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” (c.17c). Các đồ đệ biết Thần Khí sự thật là nhờ sự hiện diện của Đức Giêsu, Đấng ở trong Chúa Cha (14,10). Một khi được Đức Giêsu sai đến (7,39), Thần Khí sẽ luôn ở giữa các đồ đệ và ở trong mỗi đồ đệ.

2. Chúa Giêsu trở lại và cộng đoàn được Chúa Cha yêu mến (cc.18-21)

Đứng trước sự ra đi của Đức Giêsu, các đồ đệ xao xuyến (x. 14,1). Vì thế, khi chuẩn bị cho các đồ đệ đối diện với thực tại là sự vắng mặt của Người, Đức Giêsu muốn giúp các ông tránh khỏi sự xao xuyến ấy. Người tuyên bố: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em. Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống” (cc.18-19).

Đức Giêsu sẽ không bỏ các đồ đệ mồ côi. Hạn từ “mồ côi” mang một sắc thái nghĩa khá đặc biệt trong Cựu Ước. Kẻ mồ côi được hình dung như là một dạng điển hình cho những người không có ai bảo vệ và luôn phải đối diện với nguy cơ bị đối xử một cách bất công (x. Is 1,17-23; 10,2; Gr 5,28; 7,6; 22,3; Ed 22,7; Hs 14,4). Đức Giêsu hứa rằng Người sẽ không để các đồ đệ rơi vào tình trạng bi đát đó.

Đức Giêsu đang đi đến cái chết. Nhưng sự vắng mặt của Người sẽ không phải là một tình trạng vĩnh viễn. Người hứa sẽ đến cùng các đồ đệ. Có lẽ nên hiểu cặp đối lập “thấy – không thấy” ở đây trong liên kết với cắp “tỏ mình ra – không tỏ mình ra” trong 14, 21-22. Thế gian sẽ không còn được thấy Đức Giêsu sau khi Người đi vào cõi chết là bởi vì Người không tỏ mình ra cho thế gian. Nhưng các đồ đệ sẽ được thấy Người, vì Người yêu mến họ và tỏ mình cho họ, như lời Người sẽ nói ở cuối bài Tin MỪng: “Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (c.21c).

Thực tại “thấy” Đức Giêsu lại được miêu tả như là sự hiệp thông sự sống với Người. “Anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống” (c.19). “Thấy” ở đây, như thế, là tham dự vào sự sống của chính Đức Giêsu.

“Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha của Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em” (c.20). Đó là kết quả của sự tình các độ đệ được tham dự vào sự sống của Đức Giêsu. Đó cũng chính là hiệu quả của việc Đức Giêsu ban Thần Khí cho các đồ đệ. Thần Khí, Đấng phát xuất từ Chúa Cha và làm chứng về Chúa Giêsu (15,26) sẽ làm cho các đồ đệ biết rằng Đức Giêsu và Chúa Cha là một (10,30), tức là biết rằng “Thầy ở trong Cha của Thầy”. Và các đồ đệ, trong Thần Khí sự thật, sẽ nên một với Đức Giêsu. Khi ấy, “anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em”.

Sự gắn bó nên một như thế với Chúa Giêsu chính là điều kiện để các đồ đệ tuân giữ các điều răn của Người, như đã được khẳng định từ câu đầu tiên của bài Tin Mừng: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” (c.15). Và đàng khác, “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy” (c.21a). Tình yêu đối với Đức Giêsu hệ tại ở chỗ người đồ đệ sống chính những giá trị của Đức Giêsu và hành xử như chính Người đã hành xử.

Khi ấy, chính người đồ đệ sẽ được Chúa Cha yêu mến: “Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến” (c.21b). Chúa Cha yêu mến họ bằng chính tình yêu mà Ngài yêu mến Đức Giêsu. Trong lời cầu nguyện ở Ga 17, Đức Giêsu thưa với Chúa Cha như sau về các đồ đệ của Người: “Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con” (17,23).

Gợi ý suy niệm và chia sẻ

1. Tình yêu đích thực đối với Đức Giêsu hệ tại ở sự thi hành ý muốn của Đức Giêsu. Ý muốn ấy được thể hiện trong Lời của Người và trong các điều răn của Người. Ai yêu mến Đức Giêsu thì thực hiện các lệnh truyền của Người (x. c.21). Và đàng khác, chính trong lòng yêu mến đối với Đức Giêsu mà chúng ta mới có thể sống chính những giá trị của Đức Giêsu và hành xử như chính Người đã hành xử (x.c.15). Hai yếu tố “yêu mến Đức Giêsu” và “tuân giữ lời Đức Giêsu” có mối tương quan biện chứng.

2. Thần Khí sự thật được Chúa Cha ban cho các đồ đệ yêu mến Chúa Giêsu. Người là sự thật và Người thông ban sự thật, giúp các đồ đệ sống trong sự thật của Chúa Giêsu. Người là Đấng Bảo Trợ, sẽ dạy dỗ, bảo vệ, hướng dẫn… các đồ đệ của Chúa Giêsu.

3. Chúa Giêsu hứa không để các đồ đệ mồ côi. Ở giữa thế gian, họ có thể sẽ phải hiện diện như là đối tượng của những cách hành xử bất công, bạo tàn. Nhưng Chúa Giêsu luôn đến với họ và cho họ được hiệp thông với chính sự sống thần linh của Người. Chính nhờ đức tin mà các đồ đệ sẽ cảm nghiệm sâu xa sự hiện diện của Chúa Kitô Phục Sinh và sẽ được hưởng sự sống của Người.


 

14. Bừng lên sự sống mới

(Trích “Như Thầy Đã Yêu” của Thiên Phúc)

Câu lạc bộ “bạn giúp bạn” hình thành tại Sài gòn năm 1996, do bác sĩ Nguyễn Bửu Hiền điều hành với 6 thành viên đều đã nhiễm HIV. Những “người bạn” này tự suy nghĩ: Cuộc đời mình dù đã tới dấu chấm hết, nhưng vẫn còn có thể có ích cho xã hội, họ đã dấn thân phục vụ bằng những việc đơn giản như an ủi, động viên và chăm sóc các bệnh nhân khác để chính họ cũng sẽ tìm thấy ý nghĩa cuộc đời.

Hiện nay, câu lạc bộ “bạn gíup bạn” đã có khoảng 500 thành viên tỏa mạng lưới ở khắp quận huyện. Ban điều hành gồm 12 người, trong đó có 3 người Công giáo, riêng nữ tu Trần Thị Kim Loan, dòng Đa minh Tam Hiệp là phó chủ nhiệm phụ trách hoạt động xã hội và tham vấn cho người nhiễm HIV. Trụ sở đặt tại 43 đường Lam Sơn, quận Bình Thạnh.

Chị Kim Loan kể lại một kỷ niệm về một nhạc sĩ mất vào tháng 8 năm 1998. Trước đó, anh đã xin được chịu Bí tích Thánh Tẩy với một Đức Tin mạnh mẽ: “Mỗi lần cùng với tôi ra vào bệnh viện Nhiệt Đới ở Chợ Quán, khi ngang qua tượng đài Đức Mẹ, anh thường đề nghị dừng lại cầu nguyện. Khi trước, mỗi đêm chơi nhạc, được bao nhiêu tiền anh đều phung phí hết. Bây giờ, anh đưa hết cho tôi vì muốn góp một phần khiêm tốn cho những bệnh nhân nghèo. Chính việc này đã giúp anh tìm thấy ý nghĩa cuộc đời còn lại, và anh đã ra đi bình an trong tình yêu của Chúa”.

***

Đứng trước căn bệnh thế kỷ đầy nghiệt ngã, người nhạc sĩ này vẫn mang một phong thái an nhiên tự tại, chính là vì anh đã biết thoát ra khỏi nỗi đau của mình để hôn lên nỗi đau của kẻ khác. Anh dường như đã chết đi mà nay được sống lại, chỉ vì anh không còn loay hoay với nỗi bận tâm về mình, nhưng lại biết chia sẻ với nỗi đau của những con người bất hạnh hơn anh.

Kitô hữu là người tin vào Đấng đã chết và đã sống lại. Đấng đang sống sự sống tràn đầy sung mãn của Thiên Chúa, và Người mời gọi các tín hữu hãy ở lại trong Người cũng là ở trong Cha: “Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em” (Ga 4,20). Chính khi hiện diện một cách thâm sâu trong cung lòng của Thiên Chúa mà người tín hữu nhận được sự sống mãnh liệt phong phú của Đấng Phục sinh: “Vì Thầy sống và anh em cũng sẽ sống” (Ga 14,19). Thánh Phaolo đã cảm nghiệm rất sâu sắc về sự sống mới này khi Người viết: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Sức sống dồi dào ấy chỉ có thể phát huy và tăng trưởng đến mức sung mãn, là khi người tín hữu dám bước ra khỏi cuộc sống co cụm, ích kỷ của mình, để ôm lấy bao nỗi khốn khổ bất hạnh của anh em. Có yêu thương là có Chúa tỏ mình, có Chúa tỏ mình là có sức sống mới sẽ bùng lên, tuôn trào: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14,21).

Nếu con người ngày nay muốn kéo dài sự sống, thì người tín hữu phải cho họ thấy đời sống trường thọ chỉ có ý nghĩa khi người ta biết sống đời phục vụ trong yêu thương.

Nếu con người ngày nay thích tiện nghi sung túc, thì người tín hữu hãy chứng minh cho họ rằng cuộc sống càng bớt hưởng thụ thì đời sống càng lành mạnh, thanh thoát.

Nếu con người ngày nay lo bảo đảm cho cuộc sống, thì người tín hữu hãy giới thiệu cho họ cái bảo hiểm an toàn nhất là sự sống Nước Trời.

***

Lạy Chúa xin tỏ mình ra cho chúng con, để chúng con được kiên vững giữa sóng gió cuộc đời. Xin ban sự sống Chúa cho chúng con, để cây đời chúng con mãi xanh tươi. Xin ban Thánh Thần cho chúng con, để cuộc đời chúng con bùng lên sự sống mới. Amen.


 

15. Tình yêu và Thánh Thần

(Suy niệm của Daniel J. Harrington – Văn Hào, SDB chuyển ngữ)

“Nếu anh em yêu mến Thầy, hãy giữ các giới răn của Thầy” (Ga 14,15).

Lưu giữ những kỷ niệm về Đức Giêsu thật sống động và tiếp nối những công việc Ngài đã khởi sự, là hai công việc chủ yếu đối với mọi Kitô hữu. Các bài đọc Lời Chúa của phụng vụ hôm nay, Chủ nhật 6 Phục sinh, mô tả cách thế giúp chúng ta, cá nhân cũng như cả Hội Thánh, thực hiện những bổn phận quan hệ và cao quý này. Bài diễn từ biệt ly của Chúa Giêsu được thánh Gioan ghi lại (Ga,14) mà chúng ta nghe trong phụng vụ, đề cập đến cả 2 công việc đó. Việc thứ nhất liên quan đến tình yêu, và việc thứ hai đề cập đến Thánh Thần, đồng thời cũng liên đới với tình yêu. Cả hai phạm trù này gắn kết chặt chẽ với nhau và không thể tách rời nhau.

Những ai yêu mến Đức Giêsu sẽ tuân giữ giới răn Ngài. Các giới răn của đức Giêsu dường như không phải là 613 điều luật của cựu ước được tóm kết trong thập giới. Nhưng những giới lệnh Đức Giêsu đã ban bố thì giản đơn hơn, đồng thời mang tính thách đố cao hơn. Tất cả mọi điều răn Ngài gửi trao cho các môn đệ, xoay quanh việc tin vào Thiên Chúa và tin vào Đức Giêsu, đấng khải thị về Chúa Cha, đồng thời cũng nói về việc yêu mến Thiên Chúa, yêu mến Đức Giêsu và yêu thương nhau. Nếu chúng ta tin và yêu mến, chúng ta sẽ đắc thủ được các nhân đức khác, và các việc lành thánh sẽ nảy sinh. Vì vậy, chúng ta phải đặt mình vào trong chuỗi dây tình yêu liên hoàn, trải rộng từ Chúa Cha đến Chúa Con và đến những kẻ tin. Cũng tương tự, những ai biết yêu thương nhau, họ cũng sẽ yêu mến Chúa Cha và Chúa Con.

Cộng đoàn đức tin do Chúa Giêsu hình thành đã xác tín rằng sức mạnh của tình yêu sẽ luôn trổi vượt và phá đổ sức mạnh của hận thù. Họ hiến thân cho lý tưởng của tình yêu, như một năng động lực vĩ đại, vươn tới cả những kẻ thù của mình. Họ phục vụ cho lý tưởng tự hiến, yêu thương, với một trái tim vị tha, bởi lẽ đây chính là mô thức căn bản của tình yêu mà Đức Giêsu đã vạch dẫn, mời gọi thực hiện. Trong thơ thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô (1 Cor 13), Thánh Phaolô đã mô tả tình yêu đó như sau:“Đức ái thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tuông, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật, tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả”.

Những lý tưởng cao cả này vượt xa khả năng giới hạn nơi con người mỏng dòn chúng ta. Vì vậy, Đức Giêsu trước lúc ra đi, đã hứa gửi ban sự trợ giúp linh thánh cho các học trò mình qua dạng thức “ một Đấng Bào Chữa” khác. Đó chính là Thánh Thần. Hạn từ Hy Lạp Parakletos (Đấng Bào Chữa) hàm ngậm ý nghĩa về một người nào đó sẽ nâng đỡ và ủi an những ai cần trợ giúp. Từ ngữ này cũng ám chỉ về một vị luật sư nơi tòa án, sẽ đứng ra bảo vệ thân chủ và đấu tranh cho quyền lợi của họ, là chính chúng ta. Khi nói Chúa Thánh Thần là Đấng Bầu Chữa, Đức Giêsu muốn minh định rằng Thánh Thần sẽ thực hiện phần vụ của Ngài giống như Đức Giêsu đã thi hành khi Người còn tại thế.

Tình yêu và hoạt động của Thánh Thần là hai phương cách giúp cho những kỷ niệm về Đức Giêsu được lưu giữ cách sống động, và để những hoạt động mà Người đã khởi sự được tiếp nối. Chúng ta cần phải luôn gợi nhớ rằng Thiên Chúa là đấng khởi xướng, Thiên Chúa là đấng đã tuôn đổ tình yêu của Ngài xuống trên chúng ta qua Đức Giêsu, và qua những giáo huấn cũng như gương mẫu của Người, chúng ta sẽ học được cách yêu thương lẫn nhau. Thánh Thần của Thiên Chúa được trao ban cho ta qua phép rửa, chúng ta cần phải cộng tác với Ngài, mở lòng cho những sức mạnh thần thiêng đang tác động trong chúng ta và giữa chúng ta.

Sách Công Vụ Tông Đồ đã mô tả sức mạnh Thần khí được tỏ hiện thế nào qua việc trải rộng đức tin Kitô giáo xuyên suốt thế giới địa trung hải thời cổ đại. Những vị tông đồ kiệt xuất như Phêrô và Phaolô và những vị khác, chẳng hạn Philiphê, cũng góp phần lớn lao trong sứ vụ truyền giáo của Hội Thánh đến với muôn dân. Bài đọc trong sách Công vụ chương 8 hôm nay cho thấy, sứ điệp Tin Mừng đã được truyền tải, khởi đầu từ Giêsusalem, đến Juđêa và đến cả địa hạt Samaria. Ở đó Philip đã làm những công việc mà Đức Giêsu khi còn tại thế đã làm. Vị tông đồ cũng đã dạy dỗ dân chúng, cũng thực hiện những phép lạ để chữa lành. Sự thành công đó được tiếp nối với những tông đồ ở Giêsusalem, tức Phêrô và Gioan. Hai ông đã đến vùng Samaria, cử hành phép rửa ban Thần khí cho dân chúng vùng này.

Trong khi hai vị tông đồ lớn đã đảm nhận vai trò quan trọng trong việc lưu giữ những kỷ niệm về đức Giêsu được sống động và trải rộng những công việc đi khắp nơi, thì những tín hữu khác, những con người rất bình thường, mà ngày nay chúng ta gọi là những tín hữu buổi sơ khai, cũng có nhiều đóng góp đáng kể. Thơ thứ nhất của Thánh Phêrô nói về họ. Họ là những Kitô hữu gốc dân ngoại, có lẽ là những lao động di dân, và có thể là những khách lạ hay người ngoại quốc trong bối cảnh văn hóa xã hội bấy giờ. Họ tìm đường đến với Giáo hội qua gương sáng của các anh em Kitô hữu khác. Bài đọc hôm nay, trong 1P 3, Thánh Phêrô khuyên mời họ hãy chia sẻ những công việc tốt lành và hãy có một nhãn quan thần học dựa trên khuôn mẫu của Đức Giêsu. Ngài khởi xướng cho họ một kế hoạch truyền giáo, quảng diễn đức tin bằng việc sẵn sàng chia sẻ, bằng thái độ ân cần và kính phục đối với nhau, tôn trọng lẫn nhau, can đảm chấp nhận những chống đối, ngay cả có thể bị hành quyết, tất cả để theo gương Đức Giêsu. Phương sách truyền giáo như thế, luôn luôn là cách thế hữu hiệu nhất để lưu giữ những kỷ niệm về Đức Giêsu được sống động, và để những công việc Đức Giêsu đã khởi sự được tiếp nối thực hiện.

 

home Mục lục Lưu trữ