Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 51
Tổng truy cập: 1372326
TRỞ THÀNH KITÔ HỮU
Người ta không phải đương nhien là Kitô hữu,
Người ta trở thành kitô hữu.
(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)
Đoạn Phúc âm này theo thánh Marcô, tỏ cho chúng ta hai điều: Trước hết chúng ta thấy Chúa Giêsu rảo qua miền Galilê, để giảng dạy. Kế đó chúng ta thấy Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ để họ hợp tác vào sứ mệnh của Người.
1. GIÁO HUẤN CỦA CHÚA GIÊSU
Giáo huấn ấy gồm một lời loan báo và một đòi hỏi. Lời loan báo Tin Mừng Phúc âm ấy là thời gian chuẩn bị và chờ đợi đã gần chấm dứt, Nước Thiên Chúa đã đến, có thể nhận ra được. Cũng như vào những ngày cuối đông, chúng ta thường nói: ‘Xuân sắp về’, thì Chúa Giêsu cũng vậy, cuối hạn kỳ cuộc chờ mong lâu dài của Cựu Ước, Chúa loan báo Nước Trời đã đến, gần gũi như muà xuân của thế gian. Nhưng chúng ta phải đủ sức nhìn ra nó và đón tiếp nó. Để được thế, anh em phải ăn năn thống hối và tin vào Tin Mừng. Bằng một thay đổi nào trong nếp sống, chúng ta phải mở lòng ra để đón lấy ân huệ đức tin. Gioan Tẩy Giả chỉ rao giảng sự ăn năn thống hối. Chúa Giêsu đi xa hơn và đòi Đức tin. Đoạn tiếp của Phúc âm cho thấy là đức tin đòi hỏi ở đây, không nhắm vào một giaó lý mà là vào một người. Khi Chúa Giêsu đòi hỏi Đức tin, điều đó có nghĩa là ở địa vị con Thiên Chúa, Người đề nghị chính Người là đối tượng của đức tin ấy. Cuối cùng, nỗ lực ăn năn thống hối có mục đích làm cho con người có đủ khả năng gắn bó với Chúa Giêsu.
Khi đã loan báo Nước Trời, Chuá Giêsu đưa vào một yếu tố mới. Người muốn sự loan báo ấy được trao phó cho những người có sứ mệnh đem truyền bá nó ra cho hết thảy mọi người. Chúa kêu gọi các môn đệ.
2. KÊU GỌI CÁC MÔN ĐỆ
Chúa Giêsu phán: Hãy đến theo ta và Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những ngư ông lưới người. Trong câu nói ấy của Chúa Giêsu, chúng ta hãy dừng lại ở hai phương diện quan trọng của lời kêu gọi: Hãy đến theo ta; ta sẽ làm cho các ngươi trở thành.
a) Hãy đến theo Ta. Lời mời gọi này của Chuá Giêsu nhấn mạnh đến tất cả sự khác biệt mà người đặt vào giữa Người và các nhà thông thái lề luật. Các nhà thông thái này có nhiều môn đệ, song họ chỉ truyền lại môt giáo huấn, không hơn không kém. Một môn đệ nào đó có thể nói: họ nhận nhà thông thái Lề Luật làm thầy, nhưng họ vẫn được phép tranh luận với thày, không chấp nhận mọi điểm thày dạy, và vượt quá thày. Sự đòi hỏi của Chúa Giêsu thì khác hẳn. Chúa kêu gọi người ta theo Chúa, và trong Phúc âm tiếng “theo” luôn luôn có nghĩa là gắn bó với con người của Thày. Điều đó có vẻ thái quá vì theo não trạng người Do Thái, chỉ mình Thiên Chúa mới xứng đáng cho người ta gắn bó với Ngài. Điều đó có nghĩa là Chúa Giêsu chiếm đoạt cho Người lời nói của tiên tri Is. loan báo một ngày kia hết thảy đều trở nên “môn đệ của Thiên Chúa” (Is 54,13). Không mạc khải ngay mình là Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu cách gián tiếp đã lôi kéo các môn đệ vào con đường chuẩn bị cho họ đón nhận sự mạc khải đó.
b) Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành. Chúa Giêsu không nói: Ta làm cho các ngươi, cũng không nói cách đơn giản: Ta sẽ làm cho các ngươi. Người nói: Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành. Lời kêu gọi của Chúa Giêsu không có tác dụng làm cho kẻ được kêu trở nên môn đệ hoàn hảo ngay trong tình trạng cuối cùng. Đây chỉ mới là một sự lên đường, một sự khởi đầu, một lời kêu gọi chuyển động. Người ta trở thành môn đệ của Chúa, chứ người ta không tức khắc là môn đệ Chúa. Trước khi là Tông đồ của Chúa sau Lễ Ngũ tuần, các Tông đồ đã được Chúa huấn luyện lâu dài, đã được thử thách, thanh tẩy, kiện toàn. Ngày nay, chúng ta cũng vậy. Thật ra, chúng ta không thể nói: Chúng ta đương nhiên là kitô hữu; chúng ta được Chúa Giêsu kêu gọi trở thành kitô hữu, trở thành môn đệ Người. Danh từ “theo” mà Chúa dùng ở đây giả thiết một động tác ấy. “Theo” có nghĩa là không đứng yên tại chỗ, nhưng là tiến bước theo sau Thày mình. Do Thánh Linh của Người, Chúa Kitô phát triển trong chúng ta một công cuộc huấn luyện, như Người đã huấn luyện các môn đệ đầu tiên của Người. Sự hình thành về tâm linh của chúng ta ưu tiên tùy thuộc nơi Người. Phần chúng ta, Chúa đòi hỏi chúng ta phải thừa nhận tác động của Chúa, phải ngoan ngoãn dễ dạy đối với Người và phải đặt đời sống chúng ta trong đời sống của Người.
37. Đáp trả lời kêu gọi sám hối của Đức Giêsu
(Suy niệm của Lm. Trần Bình Trọng)
Nhận được sứ điệp rao giảng sám hối cho dân thành Ni-ni-vê ngoại đạo, ngôn sứ Giô-na quyết định bỏ trốn vì ông cho rằng chỉ có dân Chúa mới cần nghe sứ điệp sám hối.
Ninivê là thủ đô của nước Át-sua, thù địch của Do thái vào thế kỉ thứ tám trước kỉ nguyên. Ninivê nằm bên tả ngạn sông Tigris, bên kia là thành phố Monsul hiện đại của nước I-rắc. Do đó mà Giôna không muốn cho dân thành Ninivê sám hối kẻo Chúa lại động lòng thương xót mà tha thứ cho họ chăng? Lần thứ hai ngôn sứ Giôna nhận lệnh Chúa để rao giảng cho dân thành Ninivê. Và lần này ông đã vâng lệnh Thiên Chúa. Việc Chúa sai Giôna đi rao giảng sứ điệp sám hối cho dân thành Ninivê cho thấy rằng Chúa là Thiên Chúa của mọi dân tộc, chứ không riêng gì cho người Do thái như ông Giôna lầm tưởng lúc đầu khi trí óc còn hẹp hòi và thiển cận.
Vừa thoạt nghe ngôn sứ Giôna báo trước tai hoạ sẽ xẩy đến cho thành Ninivê: Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá đổ (Gn 3:4), dân thành Ninivê lập tức ăn chay, mặc áo nhặm. Ðối với họ, việc ăn chay, mặc áo vải thô chưa đủ, họ còn từ bỏ đường tội lỗi. Và điều đó mới đáng kể. Câu chuyện Giôna rao giảng sứ điệp sám hối cho dân ngoại phải làm thức tỉnh thái độ tự mãn của dân được Chúa chọn. Nếu Thiên Chúa cho dân thành ngoại giáo Ninivê cơ hội ăn năn sám hối tội lỗi và họ sẵn sàng lắng nghe, và nếu dân thành Ninivê sẵn sàng trở về cùng Chúa thì tại sao dân được chọn trong Cựu ước cũng như Tân ước lại không làm như vậy mà trở về với Chúa?
Hôm nay trong sứ điệp Phúc âm, chính con Thiên Chúa là Ðức Giêsu kêu gọi loài người sám hối: Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến. Anh em hãy sám hối và tin vào Phúc Âm (Mc1:15. Khi nghe sứ điệp sám hối, các ông thuyền chài Simon Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan đều từ bỏ nghề cũ, cắt đứt những liên hệ quá khứ để đi theo Chúa.
Ngày nay, nhiều người tín hữu cũng bỏ ngoài tai lời kêu gọi sám hối là vì người ta không nghĩ đến chết. Nói đến chết người ta cho rằng sự chết chỉ xẩy đến cho người khác, chứ không xẩy ra cho mình, hay chưa xẩy ra cho mình. Lý do thứ hai khiến nhiều người bỏ qua việc sám hối vì họ cho rằng họ không trộm cướp, không ngoại tình, không giết người, không bỏ lễ Chúa nhật...
Ðể có được tâm tình sám hối, điều thiết yếu là phải nhìn vào đời sống nội tâm để tìm căn nguyên cội rễ của tội như ghen tuông, hận thù, giận ghét, nói hành, nói xấu, bỏ vạ, cáo gian, xuyên tạc, bịa đặt, vu khống, tức bực, kiêu hãnh, gian tham... Ðó là những rác rưởi của tâm hồn. Nếu khi dọn nhà, ta cần cho đổ rác vì không muốn ngửi mùi hôi, thì khi dọn nhà tâm hồn, ta cũng cần đổ rác rưởi trong tâm hồn. Ðể có được tâm tình sám hối, người ta phải xin cho được ơn biết kính sợ Chúa, không phải sợ Chúa mà không dám đến với Người, nhưng là kính sợ Chúa kẻo làm mất lòng Chúa. Kính sợ Chúa là ơn cần thiết cho phần rỗi linh hồn và là ơn quan trọng trong bảy ơn Chúa Thánh thần nếu xét về sự cần thiết cho việc cứu rỗi. Không biết kính sợ Chúa thì khó mà có được tâm tình sám hối.
Công Ðồng Vaticanô II trong Hiến chế về Phụng vụ thánh có khẳng định: Giáo hội loan truyền sứ điệp cứu rỗi cho những kẻ không tin để mọi người nhận biết một Thiên Chúa duy nhất và chân thật cùng Ðấng Ngài sai là Ðức Giêsu Kitô, và thống hối, từ bỏ con đường của họ (PV # 9). Thế rồi Công Ðồng cũng xác định trong cùng một văn kiện là: Còn đối với các tín hữu, Giáo hội phải luôn rao giảng đức tin và sự thống hối (PV # 9).
Sứ điệp thống hối hay sám hối thích hợp cho mọi thời đại, mọi hoàn cảnh và mọi lớp người. Sám hối là từ bỏ đường tội lối cũ, trở về với Chúa. Sám hối không có nghĩa là việc đổi mới bên ngoài, nhưng là việc hoán cải nội tâm, có ảnh hưởng sâu rộng trong tâm hồn. Sám hối khác với mặc cảm tội lỗi và không phải là mặc cảm tội lỗi. Khi xưng thú tội lỗi với lòng chân thành từ bỏ, mà được tha thứ là tội được tha, không cần phải hồ nghi, bối rối, lo lắng xem tội có được tha hay không? Tuy nhiên người tín hữu đạo hạnh nên khơi dậy và duy trì tâm tình sám hối, cần thiết cho việc sống gần gũi với Chúa.
Ðem ý tưởng sám hối đền tội vào việc làm, nhất là việc làm mà mình không thích hay việc chịu đựng những trái ý về lời nói, cử chỉ, hành động, hoàn cảnh .. sẽ giúp cho việc làm hay việc chịu đựng trở nên nhẹ nhàng. Chẳng hạn như cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin chịu đựng những lời nói trái ý, những việc làm trái ý, những hoàn cảnh trái ý vì lòng yêu mến Chúa, để đền bù tội lỗi con và tội lỗi nhân loại. Lời cầu nguyện như vậy sẽ giúp ta hạ cơn nóng xuống dễ dàng.
Việc mà thánh nữ Têrêsa hài đồng đã sống, được ghi lại trong chuyện Một Tâm Hồn như sau. Chuyện kể rằng khi ngồi giặt quần áo, có một chị bạn vì ghen tuông gì đó, đã làm bắn bọt sà bông vào quần áo chị Têrêsa, thánh nữ Têrêsa không phản đối, nhưng chịu đựng việc làm trái ý vì yêu mến Chúa, coi bọt sà bông như những cánh hoa hồng dâng lên Chúa, để cầu nguyện cho kẻ tội lỗi được ơn trở lại. Thánh Têrêsa đã biết kết hiệp với Chúa trong công việc làm hằng ngày. Sống trong nhà kín, ít được học đến nơi chốn, khi qua đời mới hai mươi bốn tuổi xuân, chưa thể viết sách để hệ thống hoá một nền thần học kết hiệp, thánh nữ Têrêsa chỉ biết sống và thực hành tinh thần kết hiệp. Việc làm của thánh nữ còn là việc hoạt động truyền giáo, mặc dầu chỉ sống trong nhà kín.
Tâm tình sám hối rất là quan trọng trong đời sống thiêng liêng của người tín hữu. Được tha thứ tội lỗi trong toà cáo giải rồi, người ta không cần mang mặc cảm tội lỗi hoặc hồ nghi xem tội mình có được tha không? Tuy nhiên hối nhân nên khơi dậy tâm tình sám hối. Có được tâm tình sám hối, người ta sẽ nảy sinh ra hai tâm tình khác. Ðó là tâm tình khiêm tốn, coi mình là yếu hèn và tội lỗi. Và chỉ khi nào người ta coi mình là yếu hèn và tội lỗi, người ta mới cảm thấy cần Chúa và đi tìm Chúa. Có được tâm tình sám hối, người ta sẽ nảy sinh ra tâm tình thứ hai là tâm tình biết ơn: biết ơn Chúa đã đoái thương, tha thứ tội lỗi cho mình, và biết ơn Chúa đã đoái thương đến thân phận yếu hèn và tội lỗi của mình. Và có được tâm tình sám hối và những tâm tình đi theo là khiêm tốn và biết ơn rồi, người ta sẽ cảm thấy gần gũi với Chúa trong đời sống hằng ngày và dễ dàng khám phá ra sự hiện diện của Chúa trong đời sống và cảm nghiệm được niềm vui sống đức tin.
Lời cầu nguyện: xin cho được ơn sám hối:
Lạy Chúa, Chúa muốn cho người tội lỗi
ăn năn trở lại để được sống.
Xin cho tội nhân nhận thức được rằng:
tội lỗi họ đã xúc phạm đến Chúa.
Cũng xin cho họ biết đáp lại sứ điệp sám hối
để họ được nhận lãnh ơn tha thứ.
Và xin cho con cũng luôn ý thức được rằng
con cũng cần sám hối và lòng thứ tha của Chúa. Amen.
38. Thời giờ đã mãn – Lm. Nguyễn Thái
“Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến.
Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1,14-20)
Để chuẩn bị chịu phép Thêm sức, các em thanh thiếu niên phải thiện nguyện tham gia những việc bác ái như giúp đỡ những người già yếu, tham gia vào việc xã hội của cộng đoàn… Sau khi làm công tác, các em họp nhau lại để chia sẻ cảm nghiệm. Có một em đã kể câu chuyện giúp đỡ một bà cụ từ siêu thị Kmart về nhà như sau:
Sáng Chúa nhật em ra ngoài tiệm Kmart, gặp một bà cụ đang khệ nệ với hai túi xách tay nặng những hàng hóa mới mua. Bà cụ chỉ có một mình, vất vả với hai túi xách tay cồng kềnh, và cứ đi được ít bước phải dừng lại nghỉ ngơi, em liền đến xin giúp đỡ. Bà vui vẻ thuận lời ngay. Nhận thấy hai túi đồ hơi nặng, em hỏi bà: “Nhà bà có xa lắm không?” bà trả lời: “Không xa lắm đâu, ở cuối đường kia thôi!”
Lúc đầu em cảm thấy OK, sau một lúc em hơi mỏi tay. Hai bà cháu đã đi bộ qua được vài khu phố. Hai cánh tay em bắt đầu ê ẩm nhưng vì tự ái em không muốn nghỉ dọc đường. Tuy vậy, em cứ luôn miệng hỏi bà cụ xem đã về gần đến nhà chưa. Mỗi lần hỏi, bà đều trả lời: “Không xa lắm đâu, gần tới rồi!” Sau cùng bà quẹo vào một con đường nhỏ. Em mừng rỡ hỏi: “Phải khu phố này không?” “Không xa lắm đâu, ở cuối đường kia thôi!” Bà trả lời.
Bà và em lại bước đi thêm mấy khu phố nữa. Những bước chân chậm chạp, nặng nề và đầy nỗ lực. Các ngón tay của em đã đau và tê cóng lại. Sau cùng bà cụ dẫn em vào một cái building cho mướn, chừng 5 hay 6 lầu. “Bà ở lầu mấy?” Em hỏi bà cụ. Bà lại trả lời, “Không xa lắm đâu, mấy bước ấy mà!” Hai bà cháu lại lết thết bước lên từng lầu một. Tại mỗi lầu, em đều hỏi xem có phải bà ở lầu này không. Sau cùng thì lên đến lầu thứ 5. Em chia sẻ rằng em cảm thấy công việc bác ái từ thiện của em giống như một cuộc mạo hiểm leo lên núi! Cái khoảng cách bà cụ nói rằng “Không xa lắm đâu, ở cuối đường kia thôi!” đã làm em kiệt sức!
Tôi không thể tránh được sự nghi ngại rằng Chúa Giêsu trong bài Phúc âm hôm nay, có cái gì đó giống như bà cụ: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Và thánh Phaolô trong bài đọc II cũng đã kêu gọi giáo dân Côrintô rằng: “Thời gian chẳng còn bao lâu. Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có…” À há! Chúa Giêsu và thánh Phaolô đã nói như thế cách đây đã hơn 2000 năm rồi, và bây giờ cũng vẫn chờ đợi mãi!
Có phải rằng thời gian của Chúa khác với thời gian tính của con người không? Trong thơ thứ hai của thánh Phêrô cũng đã cắt nghĩa rằng: “Xin anh em đừng quên: đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày”. Tại sao Chúa Giêsu nói rằng thời giờ đã mãn mà vẫn cứ phải chờ đợi?
Vương Quốc Thiên Chúa giữ một vai trò quan trọng trong lời rao giảng của Chúa Giêsu. Thánh Maccô dùng từ “Vương Quốc Thiên Chúa”, nhưng thánh Matthêu lại dùng từ “Vương Quốc Trên Trời”, theo như ngôn ngữ của các thầy Rabbi Do Thái đương thời. Thực ra cả hai từ đều đồng nghĩa với nhau.
Trong Phúc âm Chúa Giêsu đã dùng rất nhiều dụ ngôn khác nhau để công bố và diễn tả Vương Quốc của Ngài. Nó sẽ tăng trưởng giống như hạt cải, hạt giống được gieo xuống đất, trở thành một cây to lớn, ở đó mọi chim trời sẽ đến làm tổ. Nó sẽ nâng thế giới lên như men trong bột, và có thể được coi như một thực tại vô hình, nhưng đang hiện diện. Nó ẩn hiện giống như lúa lẫn lộn với cỏ lùng trong một cánh đồng, hay ở chính giữa “đàn chiên nhỏ bé” đã lãnh nhận nó.
Vương Quốc có thể là Giáo Hội được xây dựng trên Phêrô. Đó cũng là ân sủng tuyệt hảo của Thiên Chúa ban do làng nhân lành của Ngài qua dụ ngôn thợ làm vườn nho, hoặc người ta phải sở đắc bằng tất cả những gì họ có, hay được ban cho ai có tâm hồn khó nghèo, có thái độ bé thơ, tích cực tìm kiếm sự công chính, chịu đựng những sự bách hại, chu toàn thánh ý Chúa Cha, và có tình yêu thương huynh đệ. Muốn vào được Vương Quốc không phải ai cũng có thể vào được, nhưng phải chu toàn những đòi hỏi, có kẻ bị đuổi ra ngoài vì không mặc áo cưới. Theo nguyên tắc phải hoán cải và tỉnh thức.
“Vương Quốc Thiên Chúa” là một từ với rất nhiều ý nghĩa. Một ảnh hưởng thấm nhập vào tâm khảm con người để con người trở nên một với Thiên Chúa. Đó là ân sủng và sự hiện diện của Thiên Chúa nơi các tâm hồn. Một nơi mà tình yêu Thiên Chúa cai trị trong trái tim của ta.
Trong những trang nhật ký của bà Elaine M. Prevallet trích từ “Occasional Journal” có đoạn như sau:
“Vương Quốc Thiên Chúa ở trong chúng ta, ở giữa chúng ta, ở trong sức mạnh của chúng ta, nó có sẵn đó cho chúng ta. Nó có thể bị lôi kéo ra khỏi chúng ta, và chúng ta có thể lấy nó ra khỏi những người khác… Chữ “Vương Quốc” chỉ về một tiến trình phát triển của tình yêu Thiên Chúa trong cuộc sống của con người”.
“Vương Quốc ở trong tôi khi tôi có an bình, khi tôi giữ phẩm giá của mình, khi tôi biết mình là quý giá trong ánh mắt Chúa, khi tôi sống thẳng thắn với nhân quyền, khi tôi biết đón nhận và dùng tài năng, khi tôi có thể cảm tạ Chúa vì đời mình.
Vương Quốc không ở trong tôi khi tôi sợ hãi, khi tôi đầy mặc cảm tội lỗi, khi tôi mất niềm tin, khi tôi bị khinh thường, khi tôi không biết kính trọng mình, khi tôi nghĩ mình là xấu.
Vương Quốc ở giữa chúng ta khi chúng ta cư xử với mọi người như anh chị em, khi chúng ta có thể tha thứ, khi chúng ta nhân ái với mọi người, khi chúng ta chân thành trong các liên hệ, khi chúng ta làm việc cho an hòa, khi chúng ta chỉ ước ao làm điều tốt.
Vương Quốc không ở giữa chúng ta khi chúng ta muốn khống chế người khác, khi chúng ta chất đầy những tư tưởng báo thù, khi chúng ta lạm dụng tình yêu và sự tin tưởng của người khác, khi chúng ta không thành thật trong các tương quan, khi có sự chia rẽ trong gia đình, khi chúng ta tạo ra đau khổ và ghen tương.
Vương Quốc ở xung quanh chúng ta khi chúng ta đoàn kết với nhau, khi chúng ta nhìn thẳng vào cuộc sống, khi chúng ta dấn thân, khi chúng ta phấn đấu trong kiên nhẫn và vui sướng, khi chúng ta mời người khác cùng xây dựng, khi chúng ta cảm tạ Chúa vì sự hiện diện của Ngài trong chúng ta, trong gia đình và cộng đoàn chúng ta.
Vương Quốc không ở xung quanh chúng ta khi chúng ta bị chia rẽ và phân tán, khi chúng ta mù quáng đối với những vấn đề phải giải quyết, khi chúng ta không muốn biết, khi chúng ta đầu hàng trong tuyệt vọng, khi chúng ta làm nản lòng người khác, khi chúng ta đổ thừa cho Chúa”.
Vương Quốc Thiên Chúa đã hiện diện đầy đủ và sung mãn nơi chúng ta, nhưng chúng ta không nhận ra là vì trong chúng ta và thế giới này còn đầy tội lỗi và bất công. Chúng ta chưa hoán cải và tỉnh thức như Chúa Giêsu đã kêu gọi: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.
Giờ đây trên Internet tôi nhận được một bản thống kê về sự chênh lệch và bất công trên thế giới. Nếu dân số thế giới được thu hẹp lại với cùng một tỷ lệ tương tự vào một ngôi làng nhỏ chỉ có 100 người, chúng ta sẽ thấy một hình ảnh như sau:
Có 57 người Á Châu, 21 người Âu Châu, 14 người từ cực Nam Bắc, 8 người Phi Châu.
30 người là da trắng; 70 người không phải da trắng.
30 người là Kitô hữu; 70 người không phải là Kitô hữu.
50/o của cải trên thế giới ở trong tay 6 người và 6 người này là công dân Hoa Kỳ.
70 người không biết đọc.
50 người thiếu ăn, bị suy dinh dưỡng.
80 người không nhà không cửa, hoặc nơi ở thiếu tiêu chuẩn.
Chỉ có một người tốt nghiệp đại học mà thôi!
Cải thiện đời sống, xóa bỏ bất công, tránh xa tội lỗi là những lời kêu gọi thúc dục cấp bách của Tin Mừng để giúp nhận ra sự hiện diện của Vương Quốc Thiên Chúa.
William Barclay đã giải thích lời Chúa Giêsu kêu gọi sám hối như sau: “Chữ sám hối theo từ ngữ Hy Lạp “metanoia” có nghĩa là một sự thay đổi của tâm trí. Chúng ta thường lẫn lộn hai điều: hối tiếc vì những hậu quả của tội lỗi và hối hận vì tội. Nhiều người rất ân hận vì sự rối loạn do tội lỗi gây ra cho họ, nhưng chính họ lại biết rõ ràng rằng, nếu có thể thoát khỏi những hậu quả của tội lỗi, họ cũng sẽ phạm lại y như vậy.
Sám hối thực sự có nghĩa là một người không chỉ ân hận vì những hậu quả của tội mình, nhưng phải tiến tới việc ghét bỏ chính tội lỗi nữa. Xưa kia, Montaigne, một nhà khôn ngoan đã viết trong cuốn tự thuật rằng, “Trẻ em nên được dạy dỗ phải ghét bỏ tật xấu vì chính sự cấu tạo của nó, các em sẽ không chỉ tránh né trong hành động, mà còn phải chê ghét nó trong tâm hồn tới nỗi chỉ một tư tưởng về nó thôi cũng đủ làm cho ghê tởm”. Sám hối có nghĩa là phải ghét tội vì chính sự tội tỗi của nó”.
Sách Giáo lý Công giáo khuyên chúng ta: “Nhưng trong cuộc lữ hành của mình, Giáo Hội đã kinh nghiệm về “quãng cách giữa sứ điệp mình phải công bố và sự yếu đuối của những con người được ủy thác Phúc âm này”. Vậy phải tiến bước trên con đường “của sám hối và của đổi mới…”
Vương Quốc Thiên Chúa chính là ân sủng của Thiên Chúa đã hiện diện ở giữa chúng ta để giúp chúng ta chiến đấu với tội lỗi. Bổn phận của chúng ta là hòa hợp hành động của mình với hành động của Thiên Chúa. Khi chúng ta hòa nhịp với thánh ý Thiên Chúa, chúng ta sẽ cảm nghiệm được Nước Thiên Chúa. Mỗi giây phút hiện hữu trên cuộc đời là một cơ hội cho con người gặp gỡ Thiên Chúa và Vương Quốc của Ngài.
39. “Hãy theo Ta”
(Suy niệm của Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CRM)
Thưa anh chị em,
Theo lẽ thường khi “tầm sư học đạo” thì trò đi tìm thầy. Ấy thế mà bài Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy một điều hết sức nghịch lý đó là: Chính Thầy Giêsu đi chiêu mộ các môn sinh cho mình. Bốn môn đệ đầu tiên mà Thầy Giêsu mời gọi trong Tin mừng hôm nay, nói lên tình thương nhưng không của Thiên Chúa, nghĩa là Thiên Chúa có sáng kiến đi tìm kiếm con người.
“Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con”(Ga. 15,16).
Thật vậy, Ngài không gọi những hạng người chìm đắm cầu nguyện trong đền thờ, nhưng gọi những người đang lao động trên bờ biển.
Ngài không gọi những người có học vị bằng cấp, nhưng gọi những anh thuyền chài quê mùa thất học.
Ngài không gọi những người cao sang quyền quí, nhưng gọi những người gia tài sự nghiệp chỉ có con thuyền và tấm lưới rách.
Qua việc Chúa kêu gọi những môn đệ đầu tiên, chúng ta thấy Chúa gọi họ vô điều kiện. Có nghĩa là không phải vì tài cán cá nhân mà các ông được chọn, nhưng do tình thương nhưng không của Thiên Chúa.
Thánh Phaolô đã cảm nghiệm điều này nên Ngài nói: “ Khi anh em được Chúa kêu gọi, thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái. Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh. Như thế, không có ai dám tự phụ trước mặt Thiên Chúa” (1Cor 1,26-29).
Chúa Giêsu mời gọi: “Hãy theo Ta!” mà không một lời đề nghị hay giải thích, cũng không hứa hẹn gì cho tương lai, không thuyết phục bằng bất cứ điều gì. Vậy mà khi nghe tiếng Chúa gọi, lập tức các ngư phủ đã mau mắn từ bỏ mọi sự mà đi theo Chúa.
Đi theo Chúa, để rồi Chúa sẽ biến đổi các ông. Một cuộc biến đổi lạ lùng, từ lưới cá thành lưới người; từ bắt cá dưới biển trở thành bắt cá người khắp thế giới. Tương lai họ là những tay chài đầu tiên trong con thuyền Hội thánh.
Thế nhưng, trước khi Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ đi theo Chúa, thì Ngài đã theo chúng ta trước rồi. Ngài theo chúng ta mãnh liệt lắm. Thật vậy,
Ngài từ bỏ trời cao xuống đất thấp để theo chúng ta.
Ngài từ bỏ thiên đàng hạnh phúc để xuống trần gian theo chúng ta.
Ngài từ bỏ địa vị Thiên Chúa hạ mình xuống đi theo chúng ta là loài thụ tạo thấp hèn.
Ngài là Thiên Chúa thánh thiện nhưng đi theo chúng ta là những kẻ tội lỗi. Chẳng những Ngài đi theo, nhưng còn hứa sẽ ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.
Anh chị em thân mến,
Ngày lãnh Bí Tích Rửa tội, chúng ta cũng được mời gọi đi theo Chúa, bằng chứng Ngài cho chúng ta tham dự vào chức ngôn sứ của Ngài. Qua đó, Chúa ủy thác cho chúng ta sứ mạng làm tông đồ, để đem Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người.
Các tông đồ sau khi nghe tiếng Chúa kêu mời, các ngài sẵn lòng bước đi, dù gian nguy nào sá chi, đi theo Chúa dứt bỏ lợi danh, đi theo Chúa cứu đời lầm than. Các ngài không những trung thành sống với Chúa, nhưng còn tận tâm, tận lực dùng hết năng lực Chúa ban, và ngay cả mạng sống của mình để ra đi gieo rắc tình thương, nên chứng nhân tình yêu, chinh phục các tâm hồn về Giáo Hội Chúa. Sự nghiệp của các ngài thật lớn lao thay, danh thơm tiếng tốt vẫn còn tồn tại trong lòng Giáo Hội cho đến ngày nay.
Vậy thưa anh chị em, ngày nay Chúa vẫn tiếp tục mời gọi chúng ta đi theo Chúa, Ngài không đòi chúng ta phải bỏ tất cả như các môn đệ năm xưa, nhưng chắc chắn Ngài muốn chúng ta khi bước theo Ngài cũng phải từ bỏ những tính hư tật xấu; từ bỏ những dính bén của cải bất chính; từ bỏ những mối tình vụn trộm; từ bỏ những danh lợi chóng qua…., để đi vào con đường Chúa đã đi, con đường dẫn đến sự sống đời đời.
Ước gì với lòng sám hối chân thành vì những lầm lỗi thiếu sót; mỗi người chúng ta hãy học nơi các môn đệ đầu tiên tinh thần từ bỏ ấy, để theo Chúa mỗi ngày sống khắng khít với Chúa hơn. Amen.
40. Họp đoàn – Lm. Vũ Đình Tường
Cá nhân có thể làm những công trình nhỏ dễ dàng nhưng khi phải làm những công trình lớn, tự mình không thể và cần có nhiều bàn tay cộng tác. Khi có nhiều người cộng tác cần có người lãnh đạo công trình. Người đó chịu trách nhiệm chung toàn công trình vừa dễ cho điều hành vừa giải quyết nhanh chóng những khác biệt.
Khởi đầu cuộc đời rao giảng công khai Đức Kitô cũng đang tìm kiếm, lựa lọc nhân viên cộng tác với Ngài trong công trình mà Ngài gọi là ‘Ngư phủ chài lưới người’. Đây là công trình vĩ đại, công trình giải thoát toàn thể nhân loại khỏi xiềng xích tội lỗi và ban ơn cứu độ muôn đời. Đức Kitô chọn một số ngư phủ, họ là những ngư phủ chuyên nghiệp trên sông biển nay biến thành ‘ngư phủ chài lưới người’. Đây là một nghề mới chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Khi được mời gọi trở thành ‘ngư phủ chài người’ có lẽ các ông cũng không hiểu rõ sẽ làm gì nhưng chài lưới thì không thành vấn đề. Còn ‘chài người’ ra sao thì các ông không rõ. Tuy nhiên các ông mạnh dạn dấn thân theo Đức Kitô trở thành ‘ngư phủ chài người’. Từ bỏ lưới và chài cũng như thuyền sau lưng dấn bước theo Đức Kitô là thái độ dứt khoát, rõ ràng từ bỏ quá khứ tiến vào tương lai vô định, đặt trọn niềm tin vào Đức Kitô. Để cho vấn đề trở nên cấp thiết hơn Đức Kitô cho các ông biết ‘thời giờ đã gần’ nên không thể chờ đợi thêm mà phải thi hành ngay vì ‘thời giờ đã gần’ để thay đổi, để bắt đầu cuộc sống mới, để từ bỏ nghề cũ chọn nghề mới: chài người thay vì chài cá. Tất cả những đổi thay trên đều vì con người và cho con người. Đức Kitô sinh xuống trần thế cho chúng ta. Nước trời thiết lập cho chúng ta. Nhóm ‘chài lưới người’ cũng vì chúng ta. Thay đổi để trở thành con người mới cũng cho chúng ta. Lối sống mới Đức Kitô mời gọi cũng cho chúng ta. Thống hối và tin vào Tin Mừng cũng cho chúng ta. Và chính điều này biến chúng ta thành con người mới trong Đức Kitô. Xem ra tất cả mọi sự đều cho chúng ta, cho nhân loại được Chúa yêu thương.
Ngư phủ một khi từ bỏ lưới và thuyền sau lưng là chính thức từ giã quá khứ để tiến vào đời sống mới. Từ giã vì ‘thời giờ đã gần’ để thay đổi: thay đổi cách sống, thay đổi ngành nghề, thay đổi lối suy nghĩ và thay đổi đường lối làm việc của con tim.
Nhiều phen ngư phủ chài lưới suốt đêm sáng ra trắng tay, có lẽ số lượng cá giảm nhiều. Có phải vì thế mà họ từ bỏ nghề cũ để nhận nghề mới chăng? Điều chắc chắn là có nhiều lí do khiến họ đổi tay nghề. Mỗi thứ cộng lại một chút ảnh hưởng nhiều đến tâm tư các ông. Lời Đức Kitô mời gọi đi theo đóng vai trò thay đổi, chài cá khó khăn hơn là một yếu tố khác. Thêm vào đó yếu tố mời đổi tay nghề. Trong các yếu tố đó, quan trọng hơn cả là chính con người Đức Kitô dường như nơi Ngài có ‘châm điện’ khiến các ông quyết tâm từ bỏ đường lối cũ bước theo con đường mới. Từ nơi Ngài phát sinh ra một sức mạnh kì lạ khiến các ông, dù không hiểu rõ cũng đặt trọn tin tưởng, hoàn toàn phó thác đời mình cho Đức Kitô để được giáo dục, huấn luyện trở thành các tay ‘chài lưới người’ chuyên nghiệp. Các ông tự nguyện theo Đức Kitô, khiêm hạ đặt mình dưới sự hướng dẫn của Ngài để sống cuộc đời mới. Cuộc đời cá nhân từ nay được thay thế bằng cuộc sống hợp đoàn, cùng với các anh em khác chia sẻ cuộc sống cộng đoàn dưới sự chỉ bảo, hướng dẫn của Đức Kitô. Họ không phải chỉ sống cộng đoàn mà còn bắt chước, học đòi cách sống của chính Đức Kitô và chính điều này biến họ thành con người mới, sống theo gương Đức Kitô, học suy nghĩ như Ngài và thương mến đồng loại theo cùng nhịp tim của Ngài.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam