Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 53
Tổng truy cập: 1365573
TRỞ VỀ
TRỞ VỀ
Người cha không đi tìm đứa con út như tìm chiên lạc.
Nó đã dùng tự do để quyết định ra đi, và người cha tôn trọng quyết định đó. Nhưng ông vẫn ngong ngóng chờ con.
Niềm hy vọng vẫn không ngừng nhen nhúm.
Người cha thấy con trước khi nó kịp thấy cha. Con ốm yếu, hôi hám, bội bạc, chẳng làm cha xa tránh.
Tình thương trào dâng khiến bước chân cha vội vã. Vòng tay cha lớn quá, nụ hôn cha nồng nàn.
Áo đẹp, dép mới, nhẫn đeo tay, ca nhạc, tiệc tùng, múa nhảy: tất cả chỉ để thông báo cho mọi người biết rằng đây là con tôi, vẫn là con vì chưa bao giờ không là con.
Nhưng người cha không chỉ thương con út. Con cả mới là đích nhắm của câu chuyện này.
Anh quá hiếu thảo, quá vâng phục cha từng li từng tí. Anh không đi hoang, không ăn chơi, chỉ chăm lo đồng áng. Ai cũng thấy anh là người con mẫu mực.
Nhưng biến cố đứa em trở về đã làm lộ con người thật của anh.
Tuy luôn ở trong nhà cha, nhưng anh lại ở ngoài tim cha. Anh không hiểu được tại sao cha lại nhu nhược đến thế, bao dung đến độ bất công với anh. Đãi tiệc với thịt bê béo để mừng đứa con hoang đàng, còn anh, một con dê để lai rai với bạn bè cũng không có. Anh không thể vui với cha, càng không thể vui với em. Anh tức giận vì thấy quyền lợi mình bị xâm phạm. Rốt cuộc anh không chịu vào nhà!
Hoá ra cả hai người con vừa khác, lại vừa rất giống nhau. Cả hai đều ở ngoài nhà cha, chấp nhận chịu đói.
Con út không thấy hạnh phúc bên cha nên ra đi. Con cả không chia sẻ được hạnh phúc của cha nên không vào.
Sám hối là trở về với tình cha. Cả hai người con đều cần trở về, trở vào.
Sám hối là trở lại với tình yêu, niềm vui, sự sống.
Nhưng trở về chẳng phải là chuyện dễ dàng.
Chẳng ai muốn nhận là mình đã đi lầm đường. Người anh cả cần dẹp bỏ tự ái để vui vẻ vào nhà. Người em út cần khiêm tốn mới gặp cha và gia nhân trong tình trạng thân tàn ma dại.
Để trở về cần đứng lên hay bỏ chỗ mình đang đứng.
Từ bỏ thì đớn đau nhưng hạnh phúc thật tuyệt vời.
Hạnh phúc lớn nhất không phải là tài sản vật chất, mà là khám phá ra mình có chỗ trong trái tim cha. Cha yêu mình dù mình hư hỏng, bất trung. Cha yêu mình không phải vì mình ngoan ngoãn, được việc. Cha yêu mình chỉ vì mình là con. Cha không muốn mất một đứa con nào.
Trở về với Cha đòi ta giang tay đón lấy người em. Đó không phải là "thằng con của cha", nhưng là "em của con".
Trở về với Cha, với tha nhân cũng là trở về với mình. Tôi chợt nhận ra mình quá ư giàu có.
Gợi Ý Chia Sẻ
Theo ý bạn, đâu là những lý do khiến người con út trở về? Bạn thường sám hối trở về vì lý do nào?
Bạn có sợ đi xưng tội không? Bạn nghĩ gì về bí tích Giải Tội? Bí tích này có giống với việc đứa con út trở về và được cha tha thứ không?
Cầu Nguyện
Lạy Cha, người con thứ đã muốn tự định đoạt lấy đời mình. Chúng con vẫn rơi vào tội của người con thứ, khi coi Cha như người cản trở hạnh phúc của chúng con. Chúng con thèm được tự do bay nhảy ngoài vòng tay của Cha; nhưng tự do ấy lại biến chúng con thành nô lệ. Hạnh phúc do thế gian ban tặng thì bọt bèo. Như người con thứ, chúng con bỗng thấy mình tay trắng, rơi xuống chỗ cùng cực và bị cái chết đe doạ.
Lạy Cha đầy lòng bao dung, xin kéo chúng con trở về với Cha mỗi ngày, giúp chúng con điều chỉnh những đam mê lệch lạc. Xin nâng chúng con đứng lên trong niềm vui vì tin rằng tình Cha lớn hơn tội chúng con vạn bội. Ước gì những vấp ngã khiến chúng con lớn lên, thấy mình mong manh, thấy Cha rộng lượng. Ước gì sau mỗi lần được Cha tha thứ, chúng con lại thấy mình hiền hoà hơn với tha nhân.
2.Ăn mừng – Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu
Dụ ngôn người cha nhân hậu là một dụ ngôn nổi tiếng, qua đó Đức Giêsu cho thấy tại sao Ngài đón tiếp và ăn uống với tội nhân. Đơn giản chỉ vì ngài giống Thiên Chúa là người Cha nhân hậu.
Người cha nhân hậu là người tôn trọng tự do của đứa con thứ, người đã chia một phần ba gia sản cho nó ngay khi ông còn sống. Ông đã không tìm con, như người ta tìm chiên lạc hay tìm đồng bạc bị mất. Ông tin và hy vọng sớm muộn nó sẽ về, nên ông kiên nhẫn chờ. Vì chờ, nên ông là người đầu tiên trông thấy con trở về tiều tụy. Không cầm lòng được vì thương, ông chạy ra, ôm lấy cổ con mà hôn. Người con của ông đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy. Khi con thứ sám hối, ông đã trả lại cho cậu tất cả vinh dự của người con. Việc duy nhất phải làm ngay là mở tiệc ăn mừng (cc. 23, 24. 29, 32). Khi con cả giận dỗi, không chịu vào nhà chung vui với cha và em, một lần nữa người cha lại đi ra và năn nỉ (c. 28). Ông chấp nhận ở thế yếu vì ông không muốn mất một đứa con nào. Ông không thể yên tâm ở trong nhà khi còn một đứa con ngoài cổng.
Hoán cải bao giờ cũng khó. Con thứ phải can đảm lắm mới dám trở về nhà cha. Làm sao lường được phản ứng của cha, anh, của gia nhân, hàng xóm? Làm sao dám về nhà trong tình trạng thân tàn ma dại? Nhưng con cả cũng không dễ vào nhà chút nào, vì vào nhà là phải bắt tay thằng em đã phung phí hết của cải, vào nhà là phải chấp nhận sự thiên vị khó hiểu của người cha (cc. 29-30). Cả hai người con đều cần hoán cải.
Người con cả cũng hỗn hào với cha không kém gì đứa em (c. 30). Em bỏ nhà ra đi nên đói, còn anh không chịu vào nhà nên cũng có thể bị đói. Anh phục vụ cha rất tốt nhưng lại mong cha trả công như người thợ (c. 29). Anh ở gần cha, nhưng thực sự trái tim lại xa cha. Khi cha vui vì em trở về thì anh lại buồn giận.
Mùa Chay là thời gian trở về với Cha, trở lại với anh em. Người con thứ đã đứng lên trở về nhà cha và tìm được hạnh phúc. Không rõ người con cả có vào nhà cha và ôm lấy em mình không?
Cầu nguyện:
Lạy Cha, người con thứ đã muốn tự định đoạt lấy đời mình. Chúng con vẫn rơi vào tội của người con thứ, khi coi Chanhư người cản trở hạnh phúc của chúng con. Chúng con thèm được tự do bay nhảy ngoài vòng tay Cha, nhưng tự do ấy lại biến chúng con thành nô lệ. Hạnh phúc do thế gian ban tặng thì bọt bèo. Như người con thứ,chúng con bỗng thấy mình tay trắng, rơi xuống chỗ cùng cực và bị cái chết đe dọa.
Lạy Cha đầy lòng bao dung, xin kéo chúng con trở về với Cha mỗi ngày, giúp chúng con điều chỉnh những đam mê lệch lạc. Xin nâng chúng con đứng lên trong niềm vui vì tin rằng tình Cha lớn hơn tội chúng con vạn bội.
Ước gì những vấp ngã khiến chúng con lớn lên, thấy mình mong manh, thấy Cha rộng lượng. Ước gì sau mỗi lần được Cha tha thứ, chúng con lại thấy mình hiền hòa hơn với tha nhân.
3.Học hỏi Phúc Âm: CN 4 Mùa Chay
Lc 15,1-3.11-32 - Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu SJ.
1. Nhân vật chính của dụ ngôn này là ai? Trong hai đứa con, đứa con nào là nhân vật mà ta cần để ý hơn? Đọc Lc 15,1-3.
2. Đâu là những hành vi bất hiếu của người con thứ? Tội bất hiếu bị xử như thế nào? Đọc Đnl 21,18-21. Người con thứ được chia mấy phần sản nghiệp của người cha? Đọc Đnl 21,15-17.
3. Đâu là tình cảnh khốn cùng nhục nhã ê chề của người con thứ sau khi bỏ nhà ra đi? Người Do-thái coi heo là con vật như thế nào? Đọc Lêvi 11,7; 1 Mcb 1,47-49.
4. Đọc Lc 15,17-20a. Bạn có tin người con thứ ăn năn thật sự không, hay anh ta trở về chỉ vì bụng đói?
5. Đọc Lc 15,17-21. Bạn có thấy những bước chính của Bí Tích Giải Tội (Hòa Giải) ở đây không?
6. Người con thứ trở về nhà cha có dễ không? Đâu là những điều anh có thể phải hứng chịu?
7. Đọc Lc 15,25-30. Đâu là tội của người con cả?
8. Người con cả chấp nhận vào nhà cha có dễ không? Để vào nhà, anh phải thay đổi điều gì?
9. Đọc cả bài Phúc âm, cho biết đâu là những hành vi thương xót, tha thứ của ông đối với người con thứ và người con cả?
CÂU HỎI SUY NIỆM:
Bạn nghĩ gì về người cha trong dụ ngôn này? Ông có phải là người nhu nhược, nuông chiều các con? Hãy đặt một tựa đề cho bài Phúc âm này.
PHẦN TRẢ LỜI
1. Nhân vật chính trong dụ ngôn này là Người Cha. Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu cho thấy tấm lòng bao dung của Người Cha đối với cả hai đứa con. Trước đây dụ ngôn này thường được gọi là dụ ngôn “Người con hoang đàng,” như thế tập trung vào đứa con thứ hơn. Thật ra trong dụ ngôn này, người con cả mới là điểm nhấn. Đức Giêsu nói ba dụ ngôn trong chương 15 của Tin Mừng Luca nhắm vào các người Pharisêu và kinh sư đang xầm xì chống đối Ngài, vì thấy Ngài gần gũi những người thu thuế và tội lỗi (Lc 15, 1-3). Nơi người con cả, ta nhận ra hình ảnh các ông Pharisêu và kinh sư.
2. Tội bất hiếu của người con thứ: anh đòi cha chia gia sản cho mình ngay khi cha còn sống (thường chỉ chia sau khi cha qua đời); anh đã bỏ nhà ra đi, lãng quên nhiệm vụ làm con; anh làm gia đình mất uy tín và thể diện; cuối cùng anh đã phung phí toàn bộ tài sản đó vào chuyện ăn chơi đàng điếm. Một đứa con bất hiếu có thể bị ném đá cho chết (Đnl 21,18-21).
Theo sách Đệ nhị luật 21,15-17, người con cả được hưởng hai phần ba tài sản của người cha, như thế người con thứ được một phần ba.
3. Sau khi bỏ nhà cha ra đi, người con thứ đã tiêu hết sạch tài sản. Rồi khi một nạn đói kinh khủng ập tới, anh phải đi chăn heo cho một người dân ngoại, dù heo là con vật bị người Do-thái coi là hết sức ô uế (Lêvi 11,7; 1 Mcb 1,47-49). Nhưng nghề chăn heo không giải quyết được cơn đói cồn cào, anh vẫn thèm đồ ăn của heo mà không ai cho. Cuối cùng, anh thấy mình có thể chết đói (Lc 15,14-17).
4. Đọc Lc 15,17-20a ta thấy người con thứ có lòng ăn năn thật sự. Anh muốn đứng lên và đi về cùng cha (câu 18), và anh đã làm như thế (câu 20). Anh ý thức về tội mình phạm đến Trời và đến cha (câu 18). Anh thấy sự nặng nề của tội mình đã phạm, nên anh không mong mình được cha nhận lại làm con, chỉ mong được làm công cho cha thôi (câu 19). Tuy nhiên, lòng ăn năn của anh cũng pha yếu tố tự nhiên: anh muốn trở về với cha để có đủ đồ ăn, tránh khỏi bị chết đói. Có thể nói đây là một kiểu ăn năn tội cách chẳng trọn.
5. Đọc Lc 15,17-21 ta có thể thấy một số nét của bí tích Hòa giải ở đây, với những bước như sau. Câu 17: hồi tâm và xét mình, nhận ra tình trạng tồi tệ hiện nay của mình. Câu 18 và 19: quyết tâm trở về với cha và xưng tội với cha. Lòng thống hối và dốc lòng chừa được biểu lộ qua việc chỉ xin làm công cho cha thôi, thay vì làm con. Câu 20: thực hành điều đã quyết định, đi xưng tội. Câu 21: xưng tội, thấy tội nặng nề, thấy mình bất xứng.
6. Cuộc trở về với cha của người con thứ không hề dễ dàng. Anh phải can đảm mới dám trở về, bởi lẽ anh có thể bị cha từ chối và xua đuổi, có thể bị người anh không chấp nhận (và điều đó đã thực sự xảy ra!), có thể bị làng xóm cười chê, có thể bị những người làm công coi thường. Anh phải dám chịu nhục khi trở về trong tình trạng thân tàn ma dại, khác hẳn với lúc ra đi.
7. Người con cả tự hào là người “bao nhiêu năm hầu hạ cha, chẳng bao giờ trái lệnh” (câu 29). Anh ở gần cha, anh không bỏ nhà ra đi như đứa em, nhưng lòng anh lại xa cha. Khi cha vui vì con thứ trở về, thì anh lại buồn giận. Anh ghen tỵ và thấy cha không công bằng khi một đứa con có hiếu như anh lại chưa hề được cha cho một con dê nhỏ, còn thằng em bất hiếu lại được cha giết bê béo ăn mừng khi nó trở về (câu 29-30). Đứa em đã bỏ nhà ra đi, còn anh bây giờ “không chịu vào nhà” (câu 28). Anh không muốn tham dự bữa tiệc vui do cha tết đãi. Anh không muốn chia sẻ niềm vui của người em. Anh đã hỗn với cha khi gọi em mình là “thằng con của cha đó” (câu 30). Người con thứ đã phạm tội bỏ nhà ra đi, còn người con cả đã phạm tội không chịu vào nhà. Cả hai đều bị đói nếu cứ đứng ở ngoài nhà cha.
8. Để vào nhà dự tiệc mừng đứa em, người con cả cần có trái tim bao dung của người cha, cần vui với niềm vui của cha. Anh phải coi đứa em thật là em của mình, chứ không phải là kẻ trở về để chiếm thêm tài sản. Đi từ giận dữ từ khước đến chấp nhận yêu thương là một con đường dài…
9. Người cha thấy con thứ từ đàng xa, chạnh lòng thương, chạy lại, ôm hôn (câu 20). Dù con tội lỗi, người cha vẫn nhìn nhận đứa con thứ là con của mình và cho anh mọi sự trong tư cách là con (câu 22-23). Mở tiệc ăn mừng là quyết định của người cha (các câu 23,24,29 và 32). Người cha còn hạ mình đi ra để năn nỉ người con cả vào nhà (câu 28). Trước cơn giận dữ và sự hỗn hào của con cả (câu 29-30), người cha vẫn ôn tồn giải thích lý do khiến mình cư xử như thế (câu 31-32).
4.Con ta đây đã chết mà nay sống lại
(Suy niệm của Lm. Trầm Phúc)
Sứ mệnh trần thế của Chúa Giêsu là “cứu vớt những gì đã hư mất”. Ngài không ngại hòa mình với hạng người tội lỗi và ăn nhậu với họ, làm xốn mắt những ông Pharisêu. Các ông này tự xem mình như người công chính và khinh miệt những người tội lỗi. Vì thế, Chúa Giêsu cho họ biết rằng, Ngài không như họ. Ngài dùng nhiều dụ ngôn để chứng minh rằng
Thiên Chúa vẫn thương những người tội lỗi và muốn cứu vớt họ.
Thánh Luca đã gom lại trong một chương những dụ ngôn về lòng thương bao dung của Thiên Chúa. Ở đây, chúng ta chỉ chú trọng đến dụ ngôn người cha nhân hậu mà thôi.
Ai trong chúng ta cũng quá quen thuộc với dụ ngôn này, vì thế chúng ta có cảm tưởng là đã biết rồi. Nhiều người còn cho là nhàm chán. Nhưng lời Chúa vẫn luôn mới đối với tâm hồn muốn tìm Chúa. Cầu xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta đi sâu vào Lời Chúa và tìm thấy những gì cần thiết cho cuộc sống hôm nay.
Dụ ngôn chứa đựng rất nhiều bài học “sống” cho chúng ta.
Gia đình của chàng thanh niên phung phá này là một gia đình khá giả, chỉ có ba cha con. Không thấy nói đến bà mẹ. Người phụ nữ Do Thái nắm một vai trò rất khiêm tốn. Tất cả đều do quyết định của người chủ gia đình. Hay là bà mẹ đã qua đời. Hai đứa con trai lớn lên, thiếu tình mẹ. Vì thế đứa con trai út đã trở thành “ngông”, không muốn ở nhà với cha, ra sống giữa đời tự do hơn và vui hơn.
Theo tục lệ Do Thái, khi con đã trưởng thành, đủ mười tám tuổi, có quyền xin chia gia tài. (Ở Việt Nam không có quuyền đó). Người cha, dù có thương con, chắc không muốn cho con mình rời xa mái gia đình, cũng phải chiều theo ý con thôi.
Đứa con út, khi đã nắm tiền trong tay, tha hồ tung hoành.
Khi sa cơ thất thế, mới biết mình “ngông”, nhưng không còn cách nào, phải đi làm thuê để sống. Chúa Giêsu đã chú ý đến từng chi tiết.
Nó không thể làm thuê cho người Do Thái vì nạn đói đang hoành hành, không ai mướn. Anh phải xin làm thuê cho một người giàu trong vùng, không phải là người Do Thái. Đó là một sự nhục nhã đối với một người Do Thái.
Nó làm việc gì?
Chăn heo. Đây lại là một điều nhục nhã lớn lao hơn, vì đối với người Do Thái, con heo là một con vật ô uế hơn bất cứ con vật nào. Chạm tới con heo là nhiễm uế, thế mà nó phải chăn heo, dọn chuồng heo… Tình cảnh của chàng thanh niên này thật đốn mạt! Như thế là tận cùng! Đốn mạt hơn nữa, là anh muốn ăn của heo ăn mà không ai cho.
Xưa kia, cậu là một chàng thanh niên giàu có, một công tử, hôm nay là một tên đầy tớ chăn heo. Không có cái nhục nào bằng!
Trong cảnh nghèo nàn cơ cực như thế, anh mới hồi tưởng lại cảnh gia đình, đến cuộc sống ấm no ở gia đình. Anh quyết định trở về nhà.
Quyết định của anh không trong sạch cho lắm vì nó bị thúc đẩy bởi cơn đói và sự nhục nhã khôn cùng chứ không do tình yêu.
Điều này càng làm nổi bật lòng nhân hậu và tình thương của người cha. Ông không cần biết điều gì khác, ông chỉ vui mừng vì con ông đã trở về. Tình thương của ông là vô điều kiện.
Chính người cha đi đến với con trước. Ông chạnh lòng thương, ông chạy ra, ôm lấy con, hôn lấy hôn để. Chúa Giêsu muốn nói đến từng chi tiết để chúng ta thấy được tình thương của Cha chúng ta. Cha trên trời thương chúng ta như thế đấy, chúng ta có nghĩ đến tình thương đó không? Chắc cũng có nhưng nhiều lúc chỉ nhớ qua loa, không chú ý bao nhiêu.
Biết và chú ý là hai điều khác nhau. Vì thế mà chúng ta không cảm thấy hạnh phúc và không hiểu được hạnh phúc của mình. Đôi khi, trong những lúc yên lặng, chúng ta nên nhìn lại khuôn mặt đáng yêu của Cha trên trời. Chúng ta sẽ thấy êm đềm và an ủi. Trầm lắng để chìm sâu vào tình yêu của Cha, đó là một niềm hạnh phúc lớn cho chúng ta.
Cuộc hội ngộ cảm động làm sao!
“Mau đem áo đẹp nhất cho con ta” vì con ta không còn là một tên đầy tớ nghèo mạt tả tơi nữa. “Hãy xỏ nhẫn vào ngón tay cho cậu”. Tại sao lại chú ý đến chiếc nhẫn? (Theo tục lệ Do Thái, những gia đình quyền quí luôn làm một chiếc nhẫn cho con cái, trên đó có khắc tên của gia đình. Mất chiếc nhẫn đó là mất quyền làm con, không được bước chân vô nhà). Người cha để ý đến chiếc nhẫn, không thấy trên tay cậu. Nó đã bán đi mất rồi. Nó không còn quyền làm con nữa, vì thế, ông trao cho con chiếc nhẫn khác tức là trả lại cho đứa con sa đọa của ông quyền làm con trong gia đình.
Ông mở tiệc ăn mừng. Sự trở về của đứa con phung phá đã trở thành niềm vui cho gia đình, và hàng xóm được mời đến chia vui. Đúng như Chúa Giêsu nói: “Cả thiên đàng vui mừng khi một người tội lỗi trở về”.
Niềm vui này là niềm vui của tình yêu. Vì nhờ tình yêu mới giúp ta tìm lại được niềm vui. Chúng ta có biết, khi chúng ta trở về, Cha trên trời vui như thế nào không? Nếu chúng ta không thuộc về hạng đứa con phung phá, chúng ta hãy tìm hết cách để kêu gọi những người anh em, những người đang sống “đối nghịch với thập giá” trở về với Cha. Hay chúng ta giống như người con cả, thấy Cha mừng vì em mình trở về lại tức giận? Đó là thái độ của Pharisêu, tự cho mình là công chính và chà đạp người tội lỗi “thằng con khốn nạn kia của cha”.
Chúa Giêsu muốn cho mấy ông Pharisêu thấy rằng người tội lỗi không là đồ bỏ đi mà là đối tượng của tình yêu luôn cứu vớt của Cha trên trời.
Đứng trước thái độ cự tuyệt của người con cả, người cha lại ra năn nỉ anh, mời gọi anh vào niềm vui của sự tha thứ. Ông cho thấy rằng của cải không là cái gì quan trọng “mọi sự của cha là của con”, con đâu mất mát gì đâu! Nhưng đối với cha, đứa con của cha mới đáng giá. Chúng ta có thấy giá trị của chúng ta trước mặt Cha trên trời không?
Chúng ta chỉ là tro bụi, hơn nữa, chúng ta tội lỗi xấu xa, thế nhưng Cha trên trời luôn năn nỉ chúng ta.
Sự độ lượng và lòng nhẫn nại của người cha đã đem lại một nguồn vui mới là hai anh em được hòa thuận với nhau. Ở trần gian này có được bao nhiêu người cha độ lượng như thế? Hơn thế nữa, Ngài dám ban cho chúng ta Người Con Một của Ngài để hòa giải những đứa con ngỗ nghịch với Ngài, để chúng ta được hoàn toàn hạnh phúc với Ngài.
Làm sao tạ ơn Cha cho hết được!
Và đền đáp lại tình thương vô bờ bến của Cha, chúng ta “hãy trở nên trọn lành như Cha trên trời, để mọi người nhìn thấy những việc làm của chúng ta mà ngợi khen Cha chúng ta ở trên trời”.
Niềm vui của chúng ta là được đoàn tụ quanh Cha để tạ ơn Cha cùng với Chúa Giêsu. Người Cha kia đã giết con bê béo để ăn mừng, Cha trên trời cho chúng ta ăn chính Con Một của Ngài để chúng ta sống bằng chính sự sống của Ngài và tận hưởng niềm vui bất tận trong nhà Cha muôn đời: “Ta đến để niềm vui của anh em được trọn vẹn”.
5.Ăn mừng vì con ta sống lại - ViKiNi
(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)
Cha Boscô thường xuyên vào thăm trại tù thiếu nhi phạm pháp. Một hôm ngài xin ban giám thị cho ngài dẫn các tù nhân đó đi cắm trại ở khu rừng mát mẻ ngoài thành phố Tôrinô. Mọi người ngạc nhiên chưa thấy ai dám cho tù nhân tự do ra ngoài. Ban Giám thị sợ tù nhân trốn hết, họ phải tù thay. Cha Boscô cam đoan nếu có trẻ nào trốn, ngài sẽ tù thế, buộc lòng họ phải chấp thuận và cho một đội lính đi canh. Nhưng ngài khăng khăng không cần lính, chỉ mình ngài lo thôi. Thế là nhà tù mở cửa, các em ào ào ra và xếp thành hàng đôi đi ra rừng cắm trại. Chúng thi đua nhau các trò chơi, ca hát, chạy nhảy, làm trò đủ kiểu em nào cũng hăng say hoạt động vui chơi thỏa thích vô cùng. Em nào cũng răm rắp theo lệnh Cha. Chiều về, ngài dẫn một đoàn thiếu nhi ngoan ngoãn vui vẻ trở vào tù. Ban quản tù điểm danh không thiếu một tên. Họ sửng sốt như thấy phép lạ. Thánh Boscô đã chinh phục được những con ngựa bất kham nhỏ bé nhờ tình yêu tha thiết đối với các thiếu nhi phạm pháp đó.
Tình yêu của thánh nhân làm cho những tâm hồn đã chết được sống lại. Còn hơn nữa, tình yêu của Đức Giêsu làm cho những người thu thuế và tội lỗi đã chết được sống lại, như Tin Mừng kể: “Các người thu thuế và tội lỗi thường đến gần Đức Giêsu mà nghe Người giảng, thấy vậy, những người thuộc phái Pharisiêu và các kinh sư xì xầm với nhau: Ông này niềm nở đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng. Đức Giêsu mới nói với họ 3 dụ ngôn: Chiên lạc, đồng tiền lạc mất và tình phụ tử”.Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy tình phụ tử của Thiên Chúa thương yêu tội nhân thế nào qua câu chuyện một người cha có hai đứa con.
Đứa con thứ bắt cha phải chia gia tài cho nó, được của rồi nó không thèm nói một lời cám ơn, không thèm báo cáo cho cha biết nó làm gì, nó đi đâu, nó ra đi không một lời từ biệt, không hề ngoảnh mặt lại nhìn cha. Nó tự coi mình là tuyệt đối, không còn biết có cha, không còn ai hơn nó. Đứa con thứ là điển hình của những kẻ hoàn toàn bất hiếu với Thiên Chúa, chối bỏ Thiên Chúa, tự cho mình là chủ tất cả của cải trong trời đất, dầu họ không làm ra được một hạt thóc mà còn phá hoại những kho tàng vô tận của trời cho. Thời đại ngày nay, con người đã quá phá sản vào chi phí chế tạo vũ khí giết người hàng loạt, chi phí những thứ ăn chơi ma túy, rượu chè, si mê đàng điếm gây ra những bệnh tật. Họ còn phá hủy những rừng cây dưới đất, đến tầng khí quyển trên trời, làm đảo lộn sinh thái, ô nhiễm môi trường, gây ra những bão lụt, nóng bức, giá lạnh kinh khủng. Nhận ra những thảm họa khốn cùng đó, con người đang ăn năn sám hối, sửa chữa lỗi lầm như đứa con đi hoang trở về thú tội: “Lạy Chúa, con thật đắc tội với trời và với Cha…”.
Thiên Chúa như người cha giàu lòng thương xót, chỉ biết thi ân giáng phúc muôn vàn cho con người một cách quảng đại và bao dung tha thứ và rất tôn trọng con người hơn những người cha tôn trọng tự do con cái. Ngài không thẳng tay trừng phạt, chỉ biết nhẫn nại chờ đợi đứa con trở về. Vừa khi thấy nó trở về, Ngài chạy lại ôm chầm, hôn nó hồi lâu, không cần nghe nó xin lỗi, dầu nó trở về chỉ vì thấy khổ, không sống được nữa, nó chỉ mong về được ăn cho no, cho thoát khổ, thoát chết. Còn cha nó chỉ thấy nó rách rưới, tiều tụy, đói khổ, nên đã sai đầy tớ mau mau lấy áo mới đẹp nhất, xỏ nhẫn quý nhất cho nó để nó xứng đáng là cậu ấm, cục cưng của cha và mở tiệc giết bê mập ăn mừng: “Vì con ta đã chết, nay đã sống, đã mất, nay tìm thấy”.
Thực ra, thật khó kiếm được người cha trần gian nào như thế! Chỉ có Cha trên trời mới thương yêu con người đến thế thôi, vì Ngài: “Đã dựng nên mặt trời soi sáng cho kẻ công chính cũng như bất lương, làm mưa xuống cho kẻ lành cũng như người dữ… Ngài còn yêu thương vô cùng hơn nữa. Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài cho thế gian được sống”.
Dù con người bất trung đến đâu, Thiên Chúa vẫn yêu thương, như tiên tri Ôsê ví Thiên Chúa như một người chồng vẫn yêu thương người vợ bất trung bất nghĩa (Ôsê 3, 1; 11, 1-9). Thiên Chúa cũng thương yêu loài người như Giavê đã thương yêu dân Israel: Bất cứ giá nào Ngài cũng giải thoát dân khỏi cảnh nô lệ khốn cùng của Ai Cập. Bất cứ giá nào, bội bạc, phản loạn đến đâu, Ngài vẫn cho manna từ trời rơi xuống và mạch nước từ tảng đá chảy ra nuôi sống họ suốt 40 năm vượt qua sa mạc để về đất hứa, hân hoan vui sướng mừng đại lễ Vượt qua trong đất chảy sữa và mật (Bài I).
Trong niềm vui dự đại tiệc lễ mừng đó, Thánh Phaolô trong Bài đọc II còn nhắc nhở chúng ta đến một niềm vui vô cùng lớn lao hơn nữa là được trở nên tạo vật mới, được kết hợp với Đức Kitô sống công chính trước mặt Thiên Chúa. Tình phụ tử của Thiên Chúa thương yêu con người đến tột độ, nhưng con người lại ghen tương, oán ghét nhau như đứa con cả đối với em, như Pharisiêu và kinh sư đối với thu thuế và tội lỗi, không muốn tha thứ, không muốn chúng trở về cùng Cha, chỉ muốn chúng bị nguyền rủa, mất đi, chết đi để độc quyền hưởng lợi lộc chiếm đoạt gia tài. Họ như lính cai tù chỉ biết bắt nhốt trừng phạt những kẻ bé mọn phạm pháp.
Lạy Chúa, con cũng là đứa con đi hoang tù tội, xin Chúa thường xuyên đến viếng thăm, nâng đỡ ủi an và giải thoát khỏi tù đày tội lỗi để con được sống lại, được đứng dậy trở về dự đại tiệc thánh và luôn luôn ở bên Chúa. Lạy Chúa, tâm trạng con còn giống như đứa con cả, như lính cai tù, xin Chúa can ngăn, dạy dỗ con biết tha thiết thương yêu anh em mình như Chúa thương yêu con. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam