Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 38
Tổng truy cập: 1370238
TRUNG THÀNH ĐI THEO CHÚA
(Suy niệm của Lm Phanxicô Xavie Lê Văn Nhạc)
Ga 6:60-69: Chúa muốn chúng ta trung thành và chúng ta cũng muốn trung thành. Nhưng trung thành bước theo Chúa không phải là điều dễ dàng. Quả vậy, có những lúc ta cảm thấy mình quá yếu đuối, tầm thường,quá bé nhỏ mỏng manh trước sức tấn công của thử thách, của cám dỗ, của tiện nghi vật chất, tiền bạc, thú vui, sắc dục, danh vọng, quyền lực…
Cha Maurice Zundel đã kể một câu chuyện: Trong căn phòng chỉ còn lại hai người: linh mục phụ trách tu viện và viên sĩ quan Xô Viết. Viên sĩ quan nói: Hiện giờ chỉ có hai chúng ta. Ông và tôi, không một ai chứng kiến. Vậy ông hãy nói sự thật, đừng sợ gì cả. Hãy nói cho tôi biết là ông không tin vào tất cả những chuyện về Chúa, Mẹ, trong tôn giáo mà ông vẫn tuyên xưng phải không?
Linh mục đáp: Có, tôi tin chứ!
Viên sĩ quan rút súng ra dí vào đầu linh mục: Nếu ông không chịu nói là ông không tin gì cả, tôi sẽ nổ súng.
Tưởng chừng như trước cái chết, con người sẽ phải khuất phục mọi sự. Nhưng không, linh mục vẫn thanh thản trả lời: Tôi tin chứ!
Viên sĩ quan buông súng xuống, ôm chầm lấy người linh mục. Ông reo lên: Quả thật, đây là điều tôi trông đợi. Đây là người tôi tìm kiếm. Vâng, thưa cha, bây giờ thì tôi cũng thế: Tôi tin Chúa Giêsu.
Anh chị em thân mến,
Có lẽ vị linh mục trong tu viện đó đã từng xác định sự chọn lựa đi theo Chúa của mình, nên cha mới có được một phản ứng dứt khoát, kiên trung, điềm nhiên đến như thế. Lời Chúa hôm nay cũng mời gọi chúng ta xác định lại sự chọn lựa của chúng ta.
Bài đọc 1 đã cho ta thấy, bốn mươi năm về trước, dân Do Thái đã cam kết chọn Thiên Chúa trong Giao ước tại núi Sinai. Nhưng hôm nay họ đã đặt chân vào Đất Hứa, những năm tháng rong ruổi trong sa mạc đã qua, những ngày tháng đói khát thiếu thốn đã chấm dứt, và từ nay họ bắt đầu cuộc sống định cư, đất đai phì nhiêu, cuộc sống thoải mái. Trước hoàn cảnh mới này, niềm tin của họ có còn mạnh mẽ sốt sắng như xưa hay đã sớm bỏ quên Chúa để chạy theo các thần địa phương. Ông Giôsuê đã triệu tập đại hội ở Sikem để yêu cầu họ xác định lập trường. Và thật là cảm động, không phải chỉ có gia đình ông Giôsuê, mà cả toàn dân đã nói lên sự chọn lựa dứt khoát: “Không đời nào chúng tôi bỏ Đức Chúa mà đi thờ những thần khác”.
Khi Chúa Giêsu làm phép lạ bánh hóa nhiều, dân chúng theo Chúa rất đông. Nhưng từ phép lạ ấy, Chúa dẫn họ đến lương thực hằng sống: “Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì được sống muôn đời”. Nhưng họ cho rằng “lời này chói tai quá, ai mà nghe được”. Nên từ lúc đó, có nhiều người rút lui không còn đi theo Chúa nữa. Bấy giờ Chúa đặt thẳng vấn đề với Nhóm Mười Hai: “Cả anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” Nhưng Phêrô đã đại diện các tông đồ xác định sự chọn lựa của mình: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết theo ai bây giờ? Thầy mới có những lời ban phúc trường sinh”.
Thưa anh chị em,
Sống trong một thế giới đổi thay không ngừng, con người dễ bị lôi kéo vào thái độ thay lòng đổi dạ. Ngày nay con người gặp nhiều thứ khủng hoảng, trong đó khủng hoảng về lòng trung thành là một vấn đề nghiêm trọng. Các hợp đồng kinh tế bị vi phạm, giao ước hôn nhân bị đổ vỡ, tình bạn bị phản bội. Ngay cả các Kitô hữu nhiều lúc cũng bị cám dỗ bỏ Chúa hoặc không sống đúng ơn gọi của mình, nhất là khi đứng trước một biến cố hay một hoàn cảnh; một thử thách hay một cám dỗ; một nỗi buồn hay một niềm vui… Xã hội Việt Nam hôm nay đổi thay từng ngày, và sự đổi thay nhanh chóng ấy đang tác động mạnh trên đời sống đức tin của các Kitô hữu. Ảnh hưởng tích cực có, mà tiêu cực cũng nhiều. Khá nhiều Kitô hữu trước kia là những người đạo đức, nhưng nay không còn đứng vững trước sức tấn công của nền kinh tế thị trường, của tiền bạc, lạc thú, công việc kinh doanh. Có những người đang từ nghèo thành giàu mà quên Chúa. Và ngược lại, một số khác đang từ giàu thành nghèo cũng bỏ Chúa. Nhiều người không còn muốn bước theo Chúa vì không thể chấp nhận được những nổi ô nhục của thập giá trong đời mình. Cũng như những người không còn muốn trung thành với giáo huấn của Hội Thánh vì “lời này chói tai quá, ai mà nghe cho nổi?” Người môn đệ Chúa Kitô cần xác định lại để trung thành bước theo Chúa.
Từ lòng trung thành với Chúa sẽ dẫn đưa con người đến lòng trung thành với nhau, nhất là trong đời sống gia đình. Đời sống gia đình hôm nay cũng đang gặp khủng hoảng. Người ta cam kết thề hứa trung thành suốt đời, nhưng chỉ đi với nhau một đoạn đường ngắn để rồi sau đó chia tay nhau. Thánh Phaolô hôm nay mời gọi các bậc vợ chồng ngước nhìn lên mầu nhiệm Chúa Kitô yêu thương Hội Thánh để trung thành trong tình yêu hôn nhân.
Anh chị em thân mến,
Chúa muốn chúng ta trung thành và chúng ta cũng muốn trung thành. Nhưng trung thành bước theo Chúa không phải là điều dễ dàng. Quả vậy, có những lúc ta cảm thấy mình quá yếu đuối, tầm thường,quá bé nhỏ mỏng manh trước sức tấn công của thử thách, của cám dỗ, của tiện nghi vật chất, tiền bạc, thú vui, sắc dục, danh vọng, quyền lực… Chỉ có ơn Chúa mới có thể giúp ta trung thành đi theo Chúa: “Thần Khí mới làm cho sống, chứ huyết nhục chẳng có ích gì… Không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho”. Thánh Phêrô đã nhìn lên Chúa, để tiếp tục chọn lựa đi theo Chúa: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đi theo ai bây giờ? Thầy mới có những lời ban phúc trường sinh”. Quả thực, thánh Phêrô đã cảm nghiệm được Lời Chúa là ánh sáng, là niềm vui, là sự sống và Ngài đã an tâm tín nhiệm vào Chúa. Cũng thế, ở đại hội Sikem, dân Do Thái kiên quyết chọn Chúa vì đã nhận biết những việc kỳ diệu Chúa đã làm khi giải phóng họ khỏi ách nô lệ Ai Cập và đưa về Đất Hứa.
Mỗi người chúng ta hôm nay phải đích thân nói lên lời cam kết trong ơn gọi Kitô hữu, ơn gọi hôn nhân hay ơn gọi dâng hiến. Chúng ta muốn chọn lựa một cách dứt khoát và vĩnh viễn, dù hôm nay ta chưa biết hết được những gì sẽ đến trong ngày mai. Sự chọn lựa ấy đòi ta tín trung. Và để tín trung trong ơn gọi, ta cần bắt đầu lại mỗi ngày, chỗi dậy mỗi ngày để “trung thành với tình yêu ban đầu” (Kh 2,4).
Chúa Giêsu Thánh Thể tự hiến trên bàn thờ và ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế chính là bằng chứng của tình yêu trung thành. Chúa là nguồn sự sống luôn tươi mới và là nguồn động lực để ta mãi mãi trung thành đi theo Chúa.
21. Mầu nhiệm Giêsu
(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm)
Đức Giêsu là một thực tại. Ngài hiện hữu như một sự kiện lịch sử. Ngài là người không dễ hiểu tuy dù người ta biết cha mẹ và dòng tộc Ngài. Ngài đã có những lời mà người đương thời không hiểu được, nhưng qua đó những người tin vào Ngài biết rằng Ngài có nguồn gốc thần linh: Ngài là Con Thiên Chúa, Ngài là Thiên Chúa nhập thể.
1. Lời nói của Đức Giêsu khó hiểu
“Mình Ta là thật của ăn, máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, sẽ được sống đời đời”. Làm sao chấp nhận được câu nói này, khi người ta biết Ngài từ nhỏ đã sống ở Nadarét, khi người ta biết cha mẹ Ngài là Giuse và Maria! Ngài không được học hành gì, không có gì trổi trang hơn người khác khi sống tại Nadarét. Không thể chấp nhận được lời nói này của Ngài, đó là chuyện thường tình. Kể cả một số môn đệ, những người đã từng thán phục lời giảng của Ngài trước đó, cũng không thể chấp nhận lời này: “lời chi sống sượng thế, ai nghe cho nổi”. Họ đã bỏ đi, không muốn làm môn đệ của Ngài nữa.
Đức Giêsu nói với nhóm 12: cả các anh nữa, các anh có muốn bỏ đi không? Phêrô được một ơn riêng nên trả lời: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đi theo ai. Thầy có lời ban sự sống đời đời. Thầy là Đấng thánh của Thiên Chúa”. Để chấp nhận lời của Đức Giêsu về chính Ngài, con người phải có ơn đặc biệt từ trên, vì những gì Ngài nói vượt trên cái bình thường. Đức Giêsu cũng biết điều này: “Không ai đến được với Ta, trừ phi được Cha Ta ban ơn đó”. Ngài cũng biết những gì Ngài nói không phải chuyện “thuộc hạ giới”.
Những biểu lộ bên ngoài diễn tả điều gì sâu kín bên trong. Lời nói diễn tả nội tâm và bản tính mỗi người. Đức Giêsu không chỉ là một con người; qua lời Ngài, người ta nhận ra còn cái gì rất đặc biệt nơi Ngài. Làm sao lý giải những gì Đức Giêsu nói về chính Ngài, khi những lời này cho thấy như thể Ngài còn hơn là một con người? Chỉ một mình Thiên Chúa có quyền tha tội, thế mà Ngài lại nói: “Tội con đã được tha” (Mc 2,7); Abraham là ông tổ của cả dân Do Thái, thế mà Đức Giêsu lại nói: “trước khi có Abraham, Ta là Ta” (Ga 8,58); Thiên Chúa là Đấng vượt trên tất cả, thế mà có lúc Đức Giêsu lại nói: “Ta và Cha Ta là một” (Ga 10,30). Nếu không phải là người mất trí, thì ắt hẳn còn một điều gì đó mà người ta chưa hiểu về con người Đức Giêsu.
2. Đức Giêsu là một sự kiện khó lý giải
Biến cố Đức Giêsu phục sinh, giúp những người thân thiết với Đức Giêsu, cụ thể là các tông đồ, hiểu hơn về Đức Giêsu. Nếu Ngài thuộc loại gian dối, phạm thượng, thì Thiên Chúa đâu có phục sinh Ngài. Nếu Ngài được phục sinh, ắt hẳn những gì Ngài nói về Ngài phải là sự thật. Vậy Đức Giêsu là ai? Tương quan của Đức Giêsu với Thiên Chúa như thế nào? Đức Giêsu là một vấn đề cho con người thời đó, và cho cả con người thời nay nữa.
Với những người đơn thuần nghĩ Ngài là người phạm thượng, cái án tử hình dành cho Ngài thật là chính đáng. Nhưng biến cố phục sinh cho thấy cách nghĩ như vậy là không thỏa đáng và sai lầm. Vậy Ngài là ai? Các môn đệ thân tín, nhóm 12, có câu trả lời về người thầy thân yêu của họ. Ngài là tiên tri và còn hơn một tiên tri, Ngài là Đấng Kitô và còn hơn một Đấng Kitô, Ngài là con Thiên Chúa và còn hơn là con Thiên Chúa như những người công chính từng được gọi là con Thiên Chúa. Vậy Ngài là ai?
Tin Mừng Gioan diễn tả Ngài là Lời đã thành xác phàm (Ga 1,14). Một số người diễn tả Ngài là con Thiên Chúa theo một nghĩa rất đặc biệt. Đức Giêsu cũng thắc mắc về điều người ta nói về Ngài: “người ta bảo Con Người là ai?” Đức Giêsu có vẻ hài lòng với câu trả lời của Phêrô: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Tuy nhiên, điều này cũng không rõ ràng lắm với con người ngày nay, vì có nhiều Đức Kitô, nghĩa là nhiều người được xức dầu, nhiều người là Đấng Thiên Sai, chẳng hạn Môsê, Đavít. Cũng có nhiều người được gọi là con Thiên Chúa, chẳng hạn các thiên thần, những người công chính, các vị vua. Công Đồng Chung Nicea sau này (năm 325) xác định, Ngài là con đồng bản tính với Thiên Chúa. Công Đồng Chung Chalcedoine xác định Ngài có hai bản tính: bản tính Thiên Chúa và bản tính con người, Ngài thực sự là người và thực sự là Thiên Chúa. Công Đồng Chung Epheso xác định Ngài là một ngôi vị Thiên Chúa trong hai bản tính. Dù thế nào chăng nữa, những tín điều về Đức Giêsu Kitô của Hội Thánh sau này, là để giúp các tín hữu hiểu đúng những mặc khải đã được tỏ lộ cho các tông đồ. Đức tin của Giáo Hội tựa trên nền tảng các tông đồ. Đức tin của các Kitô hữu, là đức tin tông truyền.
3. Mở lòng đón nhận sự kiện Giêsu Kitô
“Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”. Không thể hiểu lời này, vì xưa nay chưa có lương thực nào cho con người sự sống vĩnh cửu. Vậy làm sao có thể chấp nhận lời nói này! Hơn nữa, con người Giêsu cũng mong manh như bao người, vậy Giêsu lấy gì để bảo đảm cho lời nói của Ngài là đáng tin, là sự thật?
Đức Giêsu là một sự kiện, một biến cố, và là một mầu nhiệm. Những từ ngữ và lý giải, là để hiểu đúng và hiểu hơn về Đức Giêsu Kitô. Người ta chưa hiểu hết về Ngài, người ta đang cố gắng hiểu và diễn tả về Ngài. Có thể, mỗi một diễn tả giúp con người hiểu hơn về mầu nhiệm Giêsu; và có thể, cũng che khuất Ngài dưới một khía cạnh nào đó. Một điều đáng mừng là ngày nay người ta vẫn còn đang truy tìm về Đức Giêsu Kitô, người ta đang cố gắng diễn tả về Đức Giêsu Kitô với hy vọng giúp con người ngày nay hiểu và chấp nhận Đức Giêsu Kitô hơn. Tất cả những điều này cho thấy, Thánh Thần Thiên Chúa vẫn đang hoạt động nơi con người ngày hôm nay một cách rất sống động.
Xin cho con người ngày nay biết mở lòng và đón nhận mầu nhiệm Giêsu Kitô, và xin cho mầu nhiệm Giêsu Kitô soi sáng mầu nhiệm con người, giúp con người sống an bình và hạnh phúc trên đường trần gian này.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
1. Bạn có câu hỏi hoặc thao thức gì về Đức Giêsu?
2. Đức Giêsu có ảnh hưởng nhiều trên đời bạn không? Xin bạn cho biết điều đó.
22. Chọn lựa đi theo Chúa
(Suy niệm của Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)
Dẫn vào Thánh lễ
Anh chị em thân mến
Ở đời có nhiều cuộc tan rồi hợp và hợp rồi tan: đến với nhau, sống với nhau, rồi bỏ nhau. Nhiều tín hữu cũng đối xử với Chúa như thế: theo Ngài rồi bỏ Ngài. Có lẽ chúng ta đây cũng nhiều lần bị cám dỗ bỏ Chúa.
Hôm nay chúng ta hãy suy nghĩ lại cuộc hành trình đi theo Chúa, và chúng ta tha thiết xin Chúa đừng để chúng ta bỏ Chúa bao giờ, bởi vì, như lời Thánh Phêrô tuyên xưng: “Bỏ Thầy con biết theo ai, vì Thầy có Lời ban sự sống”.
Gợi ý sám hối
Nhiều lần chúng con đã bỏ Chúa để chạy theo lạc thú thế gian.
Nhiều lần chúng con đã bỏ Chúa vì không muốn vác Thánh giá Chúa trao.
Nhiều lần chúng con có ý muốn bỏ Chúa để tự do sống theo ý riêng của chúng con.
Lời Chúa
Bài đọc I (Gs 24,1-2a.15-17.18b)
Khi Môsê qua đời, Giôsuê tiếp tục sứ mạng dẫn dân Do thái về Ðất Hứa. Sau khi đã hoàn toàn chinh phục Ðất Hứa và chia phần cho các chi tộc, Giôsuê triệu tập tất cả 12 chi tộc tại Sikhem. Ông nhắc lại tất cả những điều mà Thiên Chúa đã làm cho họ, và kêu gọi họ hãy chọn lựa dứt khoát: Từ nay nếu họ chọn Chúa thì phải hoàn toàn trung thành với Ngài, từ bỏ mọi tà thần khác.
Ðáp ca (Tv 33)
Những lời ca tụng lòng nhân lành Chúa rất hợp với tâm tình của dân Israel sau khi họ đã được Thiên Chúa giải thoát khỏi bao nỗi gian nguy để cuối cùng được sống trong Ðất Hứa.
Tin Mừng (Ga 6,54a.60-69)
Kết quả của bài giảng về Thánh Thể:
Nhiều người cho là chói tai, bỏ đi, trong số đó có cả các môn đệ: “Từ hôm đó, có nhiều môn đệ rút lui không theo Ngài nữa”.
Ðức Giêsu hỏi Nhóm 12. Phêrô thay mặt nhóm tuyên xưng “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai. Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời”
Bài đọc II (Êp 5,21-32) (Chủ đề phụ)
Giáo huấn của Thánh Phaolô về đạo vợ chồng: (1) Vợ phải phục tùng chồng như Hội Thánh tùng phục Ðức Kitô; (2) Chồng phải yêu thương vợ như Ðức Kitô yêu thương Hội Thánh và như người ta yêu thương thân xác mình.
Gợi ý giảng
* 1. Sống là chọn lựa
Trong bài Tin mừng hôm nay, có một câu nói của Thánh Phêrô đã trở thành bất hủ. Phêrô đã thưa với Ðức Giêsu: “Thưa Thầy, Bỏ Thầy thì con biết theo ai, vì Thầy có Lời ban sự sống”. Phêrô đã nói lên câu đó trong một tình thế dằng co: khi ấy người ta đi theo Ðức Giêsu rất đông vì Chúa đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho họ ăn no nê, họ đi theo Chúa để mong lại được cho ăn no như thế mãi. Nhưng rồi Ðức Giêsu đột ngột chuyển hướng: Ngài hứa ban cho họ một thứ bánh khác, đó là Thịt và Máu Ngài. Làm cho dân chúng như bị hổng chân: họ đang mong được ăn bánh phần xác, thì Ðức Giêsu lại hứa cho họ thứ bánh tinh thần. Thành ra nhiều người chán, bỏ Chúa mà đi, họ đã ra đi gần hết. Bấy giờ Chúa mới hỏi nhóm môn đệ thân cận của mình “Còn các con, các con có muốn bỏ Thầy mà đi nữa không?” Lập tức, Phêrô đã nói lên câu nói bất hủ trên. Ông nhất quyết không bỏ Thầy, ông hứa sẽ mãi mãi theo Thầy. Nghĩa là Phêrô đã làm một sự lựa chọn.
Cuộc đời là một chuỗi những sự lựa chọn. Có lẽ chỉ trừ việc sinh ra và cái chết là người ta không lựa chọn được (không ai tự do lựa chọn xem có muốn được sinh ra hay không; cũng không ai được tự do lựa chọn xem có muốn chết hay không, và chết kiểu nào, lúc nào), còn tất cả mọi việc khác thì người ta phải lựa chọn. Và chính những sự lựa chọn này sẽ định hướng và đánh giá cuộc đời của mình. Nghĩa là nếu chọn đúng, chọn khéo thì đời mình sẽ tốt, sẽ hạnh phúc; còn nếu chọn ẩu, chọn sai thì cuộc đời sẽ xấu, sẽ bất hạnh.
Ðời sống là như thế, sống là phải lựa chọn luôn. Chúa cũng muốn chúng ta luôn lựa chọn. Các bài đọc khác trong Thánh Lễ hôm nay cũng nói đến vấn đề lựa chọn: Bài trích sách Giôsuê thuật chuyện ông Giôsuê bảo dân phải lựa chọn một là thờ Chúa hai là thờ các thần tượng khác, chứ không được làm tôi hai chủ, không được bắt cá hai tay. Còn trong thư gởi tín hữu Êphêsô, Thánh Phaolô khuyên các đôi vợ chồng một khi đã chọn nhau làm bạn đời thì phải suốt đời trung thành với sự lựa chọn đó, nghĩa là phải thuỷ chung, phải tùng phục nhau, và phải hoà thuận với nhau.
Còn nếu nói theo từ ngữ phật giáo, thì chúng ta cũng phải luôn luôn lựa chọn một bên là tham sân si, và một bên là lý tưởng đạo đức của mình. Mỗi ngày chúng ta phải đứng trước biết bao sự lựa chọn như thế:
Một người đến đề nghị cho chúng ta một kiểu làm ăn gian lận, tiền sẽ có nhiều nhưng lại trái đức công bình: ta phải chọn hoặc là lòng tham hay là đức công bình.
Rồi một người hàng xóm làm một điều gì đó không vừa ý ta, ta phải lựa chọn hoặc là buông theo tính nóng của mình để chửi rủa người ta (Phật giáo gọi là cái Sân), hay là nhịn nhục tha thứ.
Và rất nhiều khi ta đứng trước những cơn cám dỗ, buông mình theo nó là buông theo cái Si, hay là phải biết tự chủ kềm chế mình.
Ai chọn lựa tham sân si là chọn sai, cuộc đời sẽ trở thành xấu. Còn ai chọn công bình, bác ái, tự chủ tức là chọn lấy cái tốt, chọn con đường Chúa đã vạch ra.
Nếu ta chọn Chúa thì sẽ ra sao? và nếu ta bỏ Chúa thì sẽ ra sao? Linh mục nhạc sĩ Thành tâm đã suy diễn câu nói bất hủ của Thánh Phêrô thành một bài thánh ca rất ý nghĩa như sau: “Bỏ Ngài con biết theo ai?
Bỏ Ngài thì đời con sẽ như một cánh chim bơ vơ trong khung trời lộng gió
“Bỏ Ngài con biết theo ai, đời lộng gió cánh chim ngàn khơi”.
Bỏ Ngài thì đời con sẽ như một con thuyền lao đao trên biển cả mênh mông.
“Bỏ Ngài con biết theo ai thuyền buông lái biết trôi về đâu?”
Bỏ Ngài thì đời con sẽ mờ mịt trước tương lai mơ hồ.
“Bỏ Ngài con biết theo ai, trên đời kia tương lai khuất mờ.
Và bỏ Ngài thì đời con sẽ như một cuộc hành trình cô đơn, buồn bã.
“Bước đi không Ngài, đời con buồn tênh”.
Còn nếu chọn Ngài, thì cuộc đời của chúng ta tuy cũng vẫn là một cuộc hành trình, cũng vẫn như cánh chim bay trong khung trời lộng gió, cũng như con thuyền giữa biển cả mênh mông, nhưng trong cuộc hành trình ấy, đã có Chúa đồng hành, cánh chim đã biết hướng mà bay, con thuyền đã có người lèo lái và như thế sẽ bảo đảm đi tới bến đò bình an.
Trên đây là một vài gợi ý về những sự lựa chọn trong cuộc đời.
Nhưng điều quan trọng là chính chúng ta phải biết lựa chọn như thế nào trước những hoàn cảnh riêng của cuộc đời mình. Cầu mong cho mỗi người chúng ta biết lựa chọn đúng và lựa chọn tốt.
* 2. Bỏ Thầy con biết theo ai?
Trong cuốn Eucharistic Miracles của Carroll Cruz có viết một tích truyện về Bí tích Thánh Thể như sau:
Năm 700, tại tu viện Thánh Lougino ở Lanciano bên Italia, có một linh mục tên là Basilio hoài nghi về mầu nhiệm Chúa hiện diện trong hình bánh rượu. Chúa đã làm phép lạ cả thể còn được lưu niệm cho đến ngày nay, như một minh chứng vĩ đại về Phép Thánh Thể, được gọi là phép lạ Lanciano.
Vừa khi linh mục ấy truyền phép, bánh đã trở nên thịt và rượu đã trở nên máu. Thịt Máu Chúa đó còn được cô đọng đến ngày nay. Năm 1713 bửu Huyết Chúa đã được lưu giữ trong Hào Quang quí giá gọi là Hào Quang phép lạ Thánh Thể Lanciano. Năm 1971, cuộc khảo cứu khoa học đã cho biết Thịt đó là một thớ thịt từ trái tim, và Máu đỏ là máu của con người, thuộc nhóm máu AB (vết máu trên chiếc khăn liệm Turin cũng thuộc nhóm máu AB).
Ngày nay, Thịt và Máu Chúa hiện đang được lưu giữ trong nhà thờ thánh Phanxicô, là trung tâm hành hương nổi tiếng của cả thế giới.
Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy các môn đệ cũng rơi vào kinh nghiệm khủng hoảng đức tin ấy. Khi Ðức Giêsu tuyên bố, Người sẽ hiến chính thịt máu mình cho họ ăn, thì lập tức nhiều môn đệ đã phản ứng lại: “Lời này chói tai quá, ai mà nghe được” (Ga 6,60). Thánh Gioan còn ghi lại: “Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui, không còn theo Người nữa” (Ga 6,66). Họ đã theo Người một thời gian, đã tin và đã trở thành môn đệ. Nhưng họ không thể đi tới cùng.
Tận hiến cho Ðức Kitô không phải là sự lựa chọn một lần, đó là thách thức từng ngày. Trở nên một tín hữu Kitô không là bảo đảm sẽ trung tín đến cùng. Bước theo Ðức Giêsu là bước vào một cuộc mạo hiểm: mạo hiểm của tình yêu, mạo hiểm của lòng tin. Ðã có những môn đệ không tin và bỏ đi. Ngay trong nhóm ở lại, cũng có kẻ không theo được tới cùng.
Tạo sao nhóm thứ nhất bỏ đi, còn nhóm thứ hai lại trung kiên đến cùng? Tại sao nhóm thứ nhất thất bại, còn nhóm thứ hai lại thành công? Có thể nói “để khỏi bỏ cuộc, người ta cần phải bỏ mình”. Ðể theo Ðức Giêsu, cần phải chú tâm đến Người hơn là bận tâm về chính mình. Thánh Phêrô đã làm được điều đó khi Ngài nói: “Bỏ Thầy chúng con biết theo ai?”. (Ga 6,68)
Ðứng trước lời tuyên bố của Ðức Giêsu xem ra có vẻ “chói tai” thì Phêrô đại diện Nhóm Mười Hai vẫn không tỏ ra nao núng, vì ngài chỉ nhìn thẳng vào Ðức Giêsu.
Ðứng trước cuộc thử thách, ngài vẫn một niềm tin tưởng, vì ngài chỉ chú tâm vào Chúa: “Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa” (Ga 6,69).
Trái lại, nhóm thứ nhất sở dĩ bỏ cuộc, vì họ chỉ loay hoay bận tâm với những ý nghĩ của mình: “Sao ông này lại có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn?” (Ga 6,52).
Hôm nay vẫn có những câu Lời Chúa bất ngờ làm ta choáng váng, vẫn có những giây phút thử thách làm ta chao đảo, vẫn có những cơn cám dỗ làm ta bỏ cuộc. Hãy đưa mắt nhìn vào Chúa, hãy xác tín lại niềm tin vào Người như Thánh Phêrô đã làm:
*******
Lạy Chúa, Chúa có lời ban sự sống đời đời. Chúng con tin… Người là Ðấng Thánh của Thiên Chúa. Amen. (Thiên Phúc, “Như Thầy đã yêu”)
* 3. Ðức tin “nghĩa địa”
Một món đồ còn mới thì được gọi là đồ “gin”, còn một món đồ đã có người xài trước rồi bán lại thì được gọi là đồ nghĩa địa (tiếng anh gọi là second-hand). Có một người kia một hôm bị rơi vào một tâm trạng vô cùng chán chường vì chợt nhận ra rằng đức tin của anh chỉ là một đức tin “nghĩa địa”.
Anh vừa sinh ra thì đã được rửa tội. Lớn lên một chút anh đến nhà thờ học giáo lý và lần lượt được Rước lễ, Thêm sức và các bí tích khác. Hàng tuần anh đến nhà thờ tham dự Thánh lễ và nghe giảng. Ở nhà anh được cha mẹ và ông bà dạy dỗ cặn kẽ về cách sống đạo. Từ trước tới nay anh vẫn an tâm trong đức tin êm đềm như thế. Nhưng hôm đó anh chợt nhận ra rằng tất cả nội dung đức tin ấy đều là của người khác. Anh nghĩ rằng đức tin của anh giống như chiếc áo cũ mà người anh mặc chật nên chuyển lại cho người em. Một thứ đồ second-hand.
Anh nghĩ rằng bây giờ mình đã trưởng thành, mình phải suy nghĩ về đức tin để có những xác tín của riêng mình; mình cần có những cơ hội thử thách để có những chọn lựa của riêng mình.
Cơn khủng hoảng đức tin của người thanh niên trên hẳn là ray rứt lắm, nhưng thực rất cần thiết. Sinh ra trong đức tin thì chưa đủ, cần phải sinh lại trong đức tin nữa. Có một đức tin “nghĩa địa” cũng chưa đủ, mà cần có đức tin do chính mình xác tín. Chỉ có một đức tin do chính mình xác tín mới có thể giúp ta chọn cho mình một lập trường khi đứng trước những tình thế phải chọn lựa. Như thánh Phêrô trong bài Tin Mừng hôm nay đã mạnh dạn chọn Ðức Giêsu đang khi nhiều người khác bỏ Chúa mà đi: “Lạy Thầy, bỏ thầy thì con biết theo ai, vì chỉ có Thầy mới có những lời hằng sống” (Viết theo Flor McCarthy)
* 4. Chúng con cũng bỏ Thầy mà đi chăng?
Cách đây không lâu vào ngày 6 tháng 3, 1997, một vụ ly dị ở thành phố Bửu Tân (Brockton), bang Mã Sơn Xét (Massachusettes) của Hoa Kỳ gây nên một cảnh tượng hết sức đau lòng. Hai vợ chồng ông Ðặng Danh Mừng (Dana Raymond) và bà Giang thị Dương (Jeanne Ardizoni) đưa nhau ra toà để ly dị, mà cả hai đều không chịu nuôi hai con của họ, khiến cuối cùng toà phải xử cho hai đứa con vào viện mồ côi! Khi toà phán quyết, người ta nghe tiếng khóc nức nở của hai đứa bé tội nghiệp. Thế mà hai bố mẹ vẫn dửng dưng! Cảnh sát được lệnh toà “bắt” hai đứa bé lên xe chở tới viện mồ côi. Chúng vùng vẫy kêu “Cha”, kêu “Mẹ”, nhưng cha và mẹ đều không buồn ngó ngàng tới hai đứa con của mình!
Bài Tin Mừng hôm nay cũng để lộ ra một cảnh thương tâm theo bề sâu, mặc dầu bề ngoài xem ra chỉ là chuyện trò bỏ thầy vì giáo thuyết thầy dạy không lọt được vào tai trò.
Rabbi Giêsu đâu phải như các bậc thầy khác trong đạo Do Thái. Tác giả Tin Mừng thứ bốn, kể như người môn đệ thân thiết nhất của Ðức Giêsu, trong lời tựa đã giới thiệu Người là Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa “và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1) Nhờ Ngôi Lời mà vạn vật được tạo thành và “không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành” (c.3). Và “Ngôi Lời ấy đã trở thành người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” (c.14).
Khi Người xuất hiện ở sông Giođan thì chính ông Gioan Tẩy Giả làm chứng về Người rằng “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Nhưng chính Ðấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy thần khí xuống ngự trên ai, thì người đó chính là Ðấng làm phép rửa trong Thánh Thần.” (cc.32-33).
Người đã đến nhà mình mà người nhà chẳng chịu đón nhận!
Chính ông Gioan Tẩy Giả là người giới thiệu hai trong số môn đệ của ông đến nhận Ðức Giêsu làm thầy (c.37). Nhưng với Ðức Giêsu, ai đó trở nên môn đệ của Người phải được chính Người gọi (xem Mc 1,16-20). Giữa đám đông môn đệ, Người đã chọn và thiết lập nên Nhóm Mười Hai, để họ ở lại với Người và để Người sai họ đi rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa (xem Mc 3,13-15). Nhưng họ vẫn luôn có tự do nhận hoặc khước từ Ðức Giêsu. Ðiều đó được nói lên ngay ở lời tựa của Tin Mừng Gioan: “Người ở giữa thế gian và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào Danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.” (Ga 1,10-12).
Niềm tin nơi các môn đệ cũng giống như sức khoẻ, cần được bồi dưỡng và triển nở. Tại tiệc cưới Cana, khi Ðức Giêsu hoá nước lã thành rượu ngon, các môn đệ đã tin vào Người (2,11). Nhưng tại Giêrusalem, khi nghe Ðức Giêsu tuyên bố với người Do Thái: “Các ông cứ phá hủy đền thờ này đi; nội trong ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại”, các môn đệ không hiểu lời đó. Khi Ðức Giêsu từ cõi chết sống lại, các ông mới nhớ lại lời đó và mới tin vào Kinh Thánh và lời Ðức Giêsu đã nói (20-32). Cả lời tuyên bố của Ðức Giêsu với ông Nicôđêmô rằng “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (3,14-15), lời tuyên bố ấy vẫn còn là điều bí nhiệm đối với các môn đệ.
Riêng với Tin Mừng Máccô, các môn đệ khi được loan báo về cuộc thương khó và phục sinh lần thứ hai, các ông không những không hiểu lời đó mà còn sợ không dám hỏi lại Người (xem Mc 9,30-32). Hơn nữa, các ông còn hành xử một cách hoàn toàn không xứng hợp chút nào với cuộc thương khó vừa được loan báo là dọc đường các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả! (Mc 9,34).
Ðức Giêsu vẫn muốn các môn đệ được tự do nói lên chọn lựa của mình.
Xuyên qua Tin Mừng Gioan chương 6, ta liên tiếp thấy diễn ra cảnh thương tâm là Ngôi Lời làm người ở giữa thế gian và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người!
Vậy trước hết ta có đông đảo dân chúng một bên và các môn đệ một bên. Dân chúng mặc dầu được ăn bánh no nê nhờ phép lạ hoá bánh ra nhiều, đã từ khước việc nhìn nhận Ðức Giêsu làm mục tử nhân hậu đến chăm sóc họ. Người biết họ sắp đến bắt Người đem đi và tôn lên làm vua, nên Người lánh mặt đi lên núi một mình (c.15). Còn các môn đệ ở lại trên thuyền như Nhóm Mười Hai được Người thiết lập, thì Người đã đi trên mặt nước mà đến với các ông: ngay lúc ấy Người còn cho thuyền các ông lập tức cập bến Caphácnaum, nơi các ông định đến (c.21).
Kế đến, vào ngày hôm sau, đám đông dân chúng lại tìm đến với Ðức Giêsu tại Caphácnaum. Ðức Giêsu bỏ qua sự cố ngày hôm trước là họ đã muốn bắt Người để tôn làm vua, Người khơi dậy nơi họ ý muốn làm công việc Thiên Chúa muốn họ làm, là tin vào Ðấng Thiên Chúa sai đến (c.29), tức là đón nhận Người mang đến cho họ bánh của Ðức Khôn Ngoan là Lời Chúa. Vậy Người nói với họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ” (c.35). Ðó là lúc người Do Thái xầm xì phản đối vì họ không chấp nhận Người là bánh từ trời xuống, mà chỉ kể Người là ông Giêsu, con ông Giuse mà thôi (cc.41-42).
Căng thẳng lên tới tột đỉnh với lời Ðức Giêsu tuyên bố “Bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây để cho thế gian được sống” (c.51). Thịt nói đây là “sarx” trong Hy ngữ, cũng được dùng trong câu “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Tức là trọn con người cụ thể của Ðức Giêsu được ban cho thế gian để thế gian được sống. Nhưng khi giảng dạy trong hội đường, Caphácnaum, Ðức Giêsu lại còn nói: “Nếu các ông không ăn thịt Con Người các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (cc.53-56)
Chưa nói gì đến dân chúng, ngay giữa các môn đệ của Ðức Giêsu đã xảy ra một phân rẽ giữa kẻ không tin và người tin. Một bên nhiều môn đệ phản ứng: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” (c.60). Nhưng Ðức Giêsu vẫn kiên nhẫn khơi dậy nơi họ niềm tin mà họ cần đặt nơi Người là Ðấng từ Thiên Chúa mà đến: “Thế thì anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao? Thần Khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là Thần Khí và là sự sống” (cc.62-63). Ðáp lại là cả một bi kịch. Nhiều môn đệ đã rút lui, không còn đi với Người nữa.
Còn bên kia là Nhóm Mười Hai, tức Nhóm chính Ðức Giêsu đã thiết lập để họ ở lại với Người. Với họ nữa, Ðức Giêsu vẫn muốn họ được tự do nói lên chọn lựa của mình. Cho nên Người đã nêu thẳng vấn đề là: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” Ông Simon Phêrô liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Ðấng Thánh của Thiên Chúa” (cc.67-69). Nhưng cả giữa nhóm thân cận nhất này của Ðức Giêsu, vẫn không vắng bóng kẻ nộp Chúa, để nhắc nhở loài người phải biết luôn thức tỉnh, “vì ma quỉ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé.” (1P 5,8) (Lm Augustine sj, Vietcatholic 2001)
Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế: Anh chị em thân mến, sau khi Ðức Giêsu mặc khải Người là Bánh ban sự sống muôn đời, Người đòi hỏi mỗi người phải có thái độ dứt khoát, tin hay không tin. Chúng ta cùng càu xin với lòng tin tưởng:
1. Hội thánh hôm nay gặp nhiều khó khăn và thách đố/ Xin Chúa cho mọi thành phần trong Hội thánh luôn tin tưởng và nghe theo Chúa Thánh Thần hướng dẫn.
2. Thế giới hôm nay đang phải chọn lựa giữa chiến tranh và hòa bình, giữa vật chất và tinh thần, giữa hận thù và yêu thương/ xin Chúa cho mọi nhà cầm quyền biết chọn lựa đường lối nào đem lại tự do và hạnh phúc thật cho mọi người.
3. Nhiều người đã dứt khoát từ bỏ Chúa/ nhiều người còn dửng dưng không cần quan tâm đến Chúa/ Xin Chúa cho họ được ánh sáng dẫn đường đẻ tìm về với Chúa là lẽ sống của mọi người.
4. Nhiều anh chị em trong họ đạo chúng ta đã biết Chúa mà còn thờ tiền bạc và ham mê đời sống vật chất đời này./ Xin Chúa cho họ được thức tỉnh và trở về với Chúa là Ðấng ban sự sống hạnh phúc muôn đời.
Chủ tế: Lạy Ðức Giêsu, bỏ Chúa thì chúng con biết theo ai bây giờ, vì chỉ một mình Chúa có lời ban phúc trường sinh; xin cho chúng con luôn vững tin nơi Chúa để giúp mọi người khác cũng tin theo Chúa. Chúa là Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
Trong Thánh lễ
– Trước lúc rước lễ: Ðức Giêsu đã dạy “Ai ăn thịt Ta và uống Máu Ta thì sẽ được sống muôn đời”. Chúng ta hãy dọn mình cho xứng đáng để rước lấy Mình Thánh Chúa.
Giải tán
Sau khi đã được nuôi dưỡng bằng chính Mình Thánh Chúa và Lời hằng sống của Ngài, chúng ta hãy trung thành theo Chúa suốt đời.
23. Tin hay không là đón nhận hay từ chối
(Suy niệm của Lm Giuse Maria Lê Quốc Thăng)
Tin mừng Ga 6:60-69: Khi nghe Chúa Giêsu giảng bài giảng về Bánh Hằng Sống, nhiều môn đệ đã khó chịu vì cho rằng: “Những lời này chói tai quá! Ai nghe được”. Chói tai không phải vì khó hiểu mà vì khó nuốt, khó chấp nhận được…
Bài giảng về Bánh Hằng Sống đưa tới kết luận đòi người ta phải tin hay không tin, chấp nhận hay từ chối. Và cũng đưa tới cao điểm của một cuộc khủng hoảng, từ đó phát sinh cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Không chỉ là một sự chống đối chóng qua, nhưng là cả một số đông người từ chối đi theo Chúa, một sự từ chối quyết liệt của những người không tin, sự phản bội của Giuđa và những âm mưu chống lại Chúa.
KHÁM PHÁ SỨ ĐIỆP TIN MỪNG: Ga 6,61-70
Nghi vấn của niềm tin: Khi nghe Chúa Giêsu giảng bài giảng về Bánh Hằng Sống, nhiều môn đệ đã khó chịu vì cho rằng: “Những lời này chói tai quá! Ai nghe được”. Chói tai không phải vì khó hiểu mà vì khó nuốt, khó chấp nhận được. Đấy là não trạng của những người không tin, không thể nào chấp nhận Chúa Giêsu, Đấng từ trời xuống. Họ không tin, thấy chói tai vì họ không hiểu lời Chúa trong Thần Khí, họ dùng trí khôn loài người, những quan niệm trần thế và tập tục của cha ông để xét đoán lời Chúa. Kết cục là từ chối sứ điệp lời Chúa, từ chối chính Người.
Cuộc khủng hoảng niềm tin: Vì không thể nào hiểu được lời Chúa bởi sự cứng lòng của mình, nên kết cục hiển nhiên đã dẫn tới việc nhiều môn đệ rút lui không còn theo Người nữa. Đây quả là một cuộc khủng hoảng niềm tin, cũng như sự kiện Chúa Giêsu bị từ khước tại chính Nagiarét, quê hương của Người. Dầu vậy, Chúa Giêsu vẫn kiên định với chân lý mình mạc khải. Người biết ai tin, ai không tin. Trước con mắt người đời xem ra: Chúa Giêsu như bị thất bại. Chúa Giêsu không nhượng bộ, Người đòi hỏi mạnh mẽ và dứt khoát. Người sẵn sàng đau lòng nhìn cảnh các môn đệ bỏ đi. Đối với Người trung tín với Chúa Cha, kiên định theo đường lối của Chúa Cha là trên hết, cho dù có phải bị phản bội, bị bỏ rơi và bị giết chết.
“Còn các con, các con có muốn bỏ đi không?” Trước sự từ chối bỏ đi của một số đông các môn đệ, Chúa Giêsu đã hỏi Nhóm Mười hai. Chắc chắn không phải Chúa hỏi để gỡ lại sĩ diện cho mình. Người đặt một câu hỏi để các ông xác định lập trường của mình. Phêrô đã đại diện anh em của mình để trả lời Chúa, để nói lên chọn lựa của mình: “Lạy Thầy!, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời”. Các ông đã xác định ‘đi’ theo Chúa ngược lại với những người bỏ Chúa. Nhóm Mười hai đã quyết định dấn thân theo Thầy Chí Thánh của mình. Vì các ông đã tin và đã nhận ra: Chỉ có Thầy mới có những lời ban sự sống. Bỏ Thầy rồi thì đi với ai để có được sự sống đây. Từ đó, các ông còn tiến xa hơn nữa trên hành trình niềm tin của mình, không chỉ có những lời ban sự sống, mà Thầy của mình còn là: “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa”. Đấy mới là cốt lõi của niềm tin. Phải tin Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa mới có thể hiểu nổi Người là Bánh ban sự sống như thế nào, mới có thể hiểu và đón nhận Mình Máu Người làm của ăn, của uống mang lại sự sống đời đời.
CHIÊM NGẮM CHÚA GIÊSU:
Dầu bị nhiều môn đệ cảm thấy chói tai trước lời giảng của mình, từ chối bỏ đi, Chúa Giêsu vẫn kiên định trong đường lối của Chúa Cha, Người không nhân nhượng, không nhượng bộ, không thỏa hiệp. Sau này cho dù bị bắt bớ, đánh đập và bị giết, Chúa Giêsu vẫn một lòng trung thành theo thánh ý Chúa Cha. Đó chính là phẩm chất của vị Thiên Sai, người tôi trung của Thiên Chúa. Người quả thực là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa. Chiêm ngắm Chúa Giêsu, Người Con luôn trung thành theo thánh ý Chúa Cha, mỗi Kitô hữu chúng ta cũng quyết tâm sống trung thành với đức tin, quyết tâm thực thi thánh ý Chúa trong mọi biến cố của cuộc sống.
GỢI Ý BÀI GIẢNG:
Quyết định của đức tin: Kết thúc của bài giảng về Bánh Hằng Sống đưa người nghe đến một thái độ chọn lựa dứt khoát: Tin hay không tin vào Chúa Giêsu; theo hay không theo Người. Đây là một sự chọn lựa dứt khoát. Một số đông đã cảm thấy chói tai trước những gì Người giảng và đã bỏ đi. Nhưng vẫn còn có nhiều người tin và đi theo Người như Nhóm Mười hai. Phêrô đã đại diện cho những người tin theo Người xác tín: “Bỏ Thầy chúng con biết đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống. Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa”. Ông đã có một chọn lựa dứt khoát, mạnh mẽ dựa vào chính niềm tin của mình. Những người từ chối là vì họ không biết, không tin Giêsu Nagiarét trước mặt họ là Con Thiên Chúa, là Đấng đến để lấy máu thịt mình làm lương thực ban sự sống đời đời cho họ.
Tin mừng cũng đặt ra cho Kitô hữu một sự chọn lựa dứt khoát: Tin hay không tin, đón nhận hay từ chối? Đây là một quyết định của niềm tin, không thể chỉ dựa trên cảm tính hay dựa trên một lý luận con người để có thể quyết định cách chính xác. Cần phải có tinh thần yêu mến, khiêm tốn và cầu nguyện mới có thể đi đến quyết định theo Chúa rõ ràng, mạnh mẽ và dứt khoát. Còn không sẽ chỉ là thái độ theo Chúa nửa vời, vô tín và từ chối hoàn toàn.
Tin theo Chúa Giêsu, Đấng có lời ban sự sống: Trọng tâm của bài giảng về Bánh Hằng Sống là mạc khải: Chúa Giêsu Đấng ban sự sống, Người ban sự sống cho nhân loại bằng chính mình máu Người được hiến dâng làm của ăn, của uống. Thịt máu của Người là chính Người. Đón nhận máu thịt Người là đón nhận Người trọn vẹn cả nhân tính lẫn thiên tính. Do đó, lời khẳng định của Phêrô: “Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời” là lời đã cách nào đó hiểu được sứ điệp Chúa Giêsu loan báo. Ông không tuyên xưng cách ngẫu hứng hay để làm vui lòng Thầy mình trước một số anh em từ chối bỏ đi. Ông tuyên xưng vì ông hiểu và ông yêu mến đón nhận sứ điệp của Chúa. Một sứ điệp mang lại cho ông và các Tông đồ cũng như những ai tin sức sống mới, sức sống mang lại niềm hy vọng, mang lại lòng can đảm dấn thân.
Cùng đích của cuộc đời theo Chúa Giêsu chính là ơn cứu độ. là nên thánh, nghĩa là được sống sự sống đời đời của Thiên Chúa. Sự sống ấy Thiên Chúa đã và đang quảng đại trao ban cho nhân loại nơi Người Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô. Tin và theo Chúa Giêsu Kitô bằng nỗ lực sống thực thi lời Người, chính là con đường đi tới sự sống của Thiên Chúa.
LỜI CẦU CHUNG:
Mở đầu: Anh chị em thân mến. Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta tin theo Chúa Giêsu Kitô, Đấng có lời ban sự sống đời đời. Trong niềm tin tưởng chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện.
1. Hội thánh ngày nay đang tiếp nối sứ mạng loan báo cho con người và thế giới biết: Chúa Giêsu là Đấng ban sự sống. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội thánh luôn trung kiên với đức tin của mình vào Chúa Giêsu Kitô.
2. Ngày nay, biết bao nhiêu trào lưu tư tưởng, lối sống vô tín, hưởng thụ vật chất đang làm cho nhiều người trở nên khô khan nguội lạnh; nhiều người không còn khao khát đi tìm chân lý, tìm Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những anh chị em ấy tìm được ý nghĩa cuộc đời đúng đắn nhờ đời sống lương tâm công chính và nhờ gặp được nhiều gương sáng dấn thân trong cuộc sống.
3. “Bỏ Thầy chúng con biết theo ai?” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn có được một đức tin vững vàng để can đảm, dứt khoát chọn theo Chúa trong mọi nghịch cảnh của cuộc sống.
Lời kết: Lạy Chúa Giêsu, Đấng ban sự sống đời đời. Chúng con cảm tạ Chúa đã yêu thương hiến ban chính mình làm lương thực mang lại sự sống vĩnh cửu cho chúng con. Xin cho chúng con khi đón nhận Mình Máu Thánh Chúa, biết làm cho sự sống của Chúa phát triển nơi cuộc đời chúng con bằng nỗ lực thực thi lời Chúa, dấn thân yêu thương, hy sinh phục vụ mọi người với tất cả đức tin vững vàng. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
24. Bỏ Thầy con biết theo ai?
Ga 6:60-69: Ngày hôm nay, Thiên Chúa vẫn hỏi chúng ta “phần các con có muốn bỏ Thầy không?”. Chúng ta có dám ở lại với Thầy khi mà nhiều người đã không còn tin có thế giới thần linh?…
Trong cuộc đời, ai cũng có những thử thách của riêng mình. Các môn đệ cũng vậy, niềm tin của các ông đang bị thử thách. Trước lời xác quyết của Chúa: Thịt Ta thật là của ăn và máu Ta thật là của uống, thì một số môn đệ đã bỏ Chúa mà đi, vì không thể nào chấp nhận được lời giảng dạy ấy. Số còn lại thì vẫn trung thành với Chúa và Phêrô đã thay mặt cho nhóm còn lại ấy tuyên xưng: Bỏ Thầy chúng con biết theo ai vì chỉ mình Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời.
Không ít người đã theo Chúa Giêsu chỉ vì phép lạ bánh hoá nhiều, nhưng rồi họ lại vội vã bỏ Chúa mà đi vì lời Ngài thật chướng tai, không thể chấp nhận được. Chỉ riêng nhóm 12 là đã xác tín rằng: Chỉ mình Chúa mới có Lời ban sự sống. Điều xác tín này đã rõ nét trong khi xây dựng cộng đoàn tiên khởi: mọi người bỏ của chung, chăm lo cho nhau và ai cũng no đủ, hạnh phúc.
Chúa Giêsu hóa bánh và cá ra nhiều nuôi năm nghìn người, niềm tin của đám đông dâng lên cao vời vợi. Họ phấn khởi và mừng vui. Họ tin Người chính là Đấng Cứu thế đến cứu dân tộc Do Thái. Thế nhưng khi Đức Giêsu tuyên bố: “Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì được sống muôn đời”, khi nghe nói như thế thì đám đông và một số môn đệ bỏ Chúa mà đi. Đức tin tưởng chừng như không gì dập tắt nổi của những ngày hôm trước, nay đã tan biến. Đức tin gặp thử thách và họ không thể vượt qua. Họ đã thất vọng bỏ cuộc. Nhưng Đức Giêsu vẫn bình tĩnh chấp nhận sự quay lưng trở gót của những người thân tín.
Chúa Giêsu đã mạc khải về bánh ban sư sống bởi trời là thịt và máu Chúa, có nhiều người khó chịu về giáo lý này. Họ nói rằng: Lời này chói tai quá! Ai nghe được. Chúa Giêsu biết rõ lòng họ nhưng Chúa không rút lại lời đã nói. Chúa không ngại để họ được tự do ra đi. Ngay cả các tông đồ, Chúa đã hỏi: Cả chúng con, chúng con có muốn bỏ đi không? Phêrô thưa: Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai. Chúa không muốn mị dân để làm vừa lòng mọi người. Chúa cho chúng ta được tự do chọn lựa thái độ. Chúng ta không thể đi nước đôi theo kiểu bắt cá hai tay.
Chúa Giêsu đặt ra cho các môn đệ một chọn lựa. Chọn gắn bó với Chúa hay chạy theo thói đời của thế gian “hạnh phúc thì xum vầy, gian nan thì bỏ chạy”. Chúa đòi các môn đệ không lấp lửng, lập lờ “làm tôi hai chủ”, mà phải tỏ rõ lập trường. Bỏ đi hay ở lại. Chọn sự sống đời đời hay sự sống chóng qua đời này. Các môn đệ đã gắn bó với Chúa bao lâu nay nhưng liệu rằng bằng đó thời gian có đủ để niềm tin các ông trưởng thành và có thể nhận ra Thầy là Chúa, là Đấng ban sự sống hay chưa? Trước câu hỏi: “cả anh em, anh em cũng muốn bỏ Thầy đi sao?”.
Chúa Giêsu nói với nhóm 12: cả các anh nữa, các anh có muốn bỏ đi không? Phêrô được một ơn riêng nên trả lời: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đi theo ai. Thầy có lời ban sự sống đời đời. Thầy là Đấng thánh của Thiên Chúa”. Để chấp nhận lời của Đức Giêsu về chính Ngài, con người phải có ơn đặc biệt từ trên, vì những gì Ngài nói vượt trên cái bình thường. Đức Giêsu cũng biết điều này: “Không ai đến được với Ta, trừ phi được Cha Ta ban ơn đó”. Ngài cũng biết những gì Ngài nói không phải chuyện “thuộc hạ giới”.
Những người còn ở lại với Chúa vì đã chấp nhận Lời Chúa và tin vào sự hiện diện đích thực của Người trong “bánh hằng sống”. Họ đã hiểu Lời Chúa dưới lăng kính Thần khí. “Ai không có Thần Khí của Đức Kitô, thì không thuộc về Đức Kitô.” (Rm 8:9) Đó là lý do tại sao “nhiều môn đệ rút lui” (Ga 6:66) và nhiều người “lấy làm chướng” và “xầm xì về vấn đề ấy.” (Ga 6:61) Thần Khí sẽ làm im bặt mọi tiếng xầm xì và nghi hoặc, vì Người chính là sức mạnh của Chúa Cha kéo ta lại gần Đức Kitô. Thần Khí không pha chút vẩn đục mới thấy hết được chiều sâu Lời Chúa. Xác thịt không có độ trong suốt đó để thấy tất cả sự thật. Thách đố chính là cuộc đối đầu giữa Thần Khí và xác thịt. Người môn đệ Đức Giêsu luôn bị đặt trước sự lựa chọn.
Cuộc đời con người là một chuỗi dài những sự chọn lựa. Có lẽ chỉ trừ việc sinh ra và cái chết là người ta không có quyền lựa chọn, còn tất cả mọi việc khác thì người ta phải lựa chọn. Nếu chọn đúng, thì đời mình sẽ tốt đẹp và hạnh phúc, còn nếu chọn sai thi đời sẽ bất hạnh. Sống là phải lựa chọn luôn. Đời là vậy. Chúa cũng muốn chúng ta luôn lựa chọn.
Giáo Hội kết hợp với Đức Kitô, không chỉ trong các nghi lễ phụng tự mà mỗi người trong Giáo Hội phải sống với tinh thần của Ngài ngay trong cuộc sống hằng ngày. Xã hội vẫn còn những kẻ thiếu ăn, vẫn còn những bất công và áp bức, thì Giáo Hội vẫn còn có những vấn đề được đặt ra cho mình. Làm thế nào để ngày càng đẩy lùi những bất công, đói khổ và lạc hậu. Điều đó đồng nghĩa với làm thế nào để tỏ lộ khuôn mặt Đức Kitô một cách rõ nét nhất trong cuộc sống hiện tại.
Thiên Chúa không thích những của lễ, nhưng Ngài cần lòng nhân ái. Lễ vật nào có ích gì khi sự thù hận đố kỵ vẫn còn trong người tín hữu hay vẫn còn những kẻ đói khổ đau đớn bên cạnh mình. Xác tín đi theo Chúa trên con đường cứu độ là phải mang lấy nỗi ưu tư, ray rứt về một xã hội chưa được an vui hạnh phúc.
Khi giảng tại Hội Đường Ca-phác-na-um, Chúa Giêsu khẳng định Người chính là Bánh hằng sống, ai ăn thịt và uống máu Người sẽ được sống đời đời. Lời đó khiến dân chúng và các môn đệ bị sốc, không chấp nhận và tuần tự bỏ đi. Dầu vậy, thánh Phê-rô vẫn kiên vững tuyên xưng: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.” (Ga 6,68)
Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã ban cho loài người được tự do lựa chọn: hoặc chấp nhận hay khước từ ơn Chúa. Sau khi chu toàn sứ mệnh Môsê trao phó để đưa dân Chúa chọn vào miền đất hứa, ông Giôsuê đã triệu tập các vị đại diện dân chúng tại Si-khem để khẳng định lại niềm tin vào Chúa. Ông nói với họ rằng: Nếu anh em không bằng lòng phụng thờ Thiên Chúa, thì hôm nay anh em cứ tuỳ ý chọn thần mà thờ… Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Thiên Chúa (Gs 24:15). Dân Ít-ra-en cũng đã lựa chọn. Họ quyết định phụng thờ Thiên Chúa vì Người đã giải thoát họ khỏi ách nô lệ bên Ai cập, đã làm những việc kỳ diệu và dẫn đưa họ vào miền đất hứa.
Ngày hôm nay, Thiên Chúa vẫn hỏi chúng ta “phần các con có muốn bỏ Thầy không?”. Chúng ta có dám ở lại với Thầy khi mà nhiều người đã không còn tin có thế giới thần linh? Chúng ta có dám gắn bó với Người khi mà cả khối đông nhân loại đang bỏ đi để chạy theo ma lực của đồng tiền và địa vị? Có lẽ phần nhiều chúng ta do dự, phần nhiều chúng ta im lặng. Vì biết bao lần chúng ta cũng bị cám dỗ bỏ đạo để được tiến thân trên đài cao danh vọng. Vì biết bao lần đồng tiền đã làm mờ con mắt, khiến chúng ta chao đảo đức tin, muốn buông xuôi theo thói gian dối của thế gian để tìm mối lợi cho bản thân của mình. Có thể chúng ta đang đóng vai trò một Giuđa vẫn ở xen lẫn với nhóm 12 nhưng chỉ chờ cơ hội để bán đứng Thầy và bán đứng anh em.
Chúa Giêsu được mệnh danh là Ngôi Lời, đã hiện hữu từ trước muôn đời, “nhờ Người vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành” (Gioan 1,1-3) thì chắc chắn Người có đủ quyền năng ban sự sống đời đời cho những ai tin nhận Người.
Với những người có đức tin thì khác, cuộc sống phải trờ thành thánh lễ, hay nói cách khác, tinh thần thánh lễ phải thấm sâu vào cuộc sống của họ. Có nghĩa là chúng ta phải biến đổi đời sống chúng ta thành một thánh lễ nối dài, bằng cách thực thi tinh thần yêu thương và hợp nhất, giúp đỡ những người chung quanh, như một bài hát quen thuộc: Ta về thôi khi thánh lễ đã hết, nhưng đời ta là thánh lễ nối dài, đem tình thương Thiên Chúa đến mọi nơi, ta sống sao để làm chứng nhân.
Là người Công Giáo, khi lãnh Bí Tích Rửa Tội, chúng ta quyết định chọn Chúa và đi theo Chúa, chúng ta tôn nhận Chúa là Thiên Chúa và chỉ tôn thờ, phụng sự, yêu mến duy một mình Người. Đó chỉ là sự chọn lựa của đức tin. Tuy nhiên, trong cuộc sống của mình, chúng ta đứng trước nhiều cơ hội để chọn lựa hơn nữa, để sống và làm chứng cho đức tin. Chúng ta hãy triệt để thi hành những điều phù hợp với ý Chúa, đó là cách chọn lựa thích hợp nhất theo bản vẽ mà Chúa đã thiết kế cho đời chúng ta. Vì thế, chọn sống theo ý Chúa và thực hành theo đức tin là một việc làm liên tục, thường xuyên cho đến chết. Đó là một đòi hỏi của đức tin.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam