Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 65

Tổng truy cập: 1365243

Truyền Giáo Và Năm Đức Tin

Cập nhật : 19-10-2012
 

TRUYỀN GIÁO VÀ NĂM ĐỨC TIN


Ngày Chúa nhật truyền giáo hôm nay trùng với Ngày khai mạc Năm Đức tin tại các giáo xứ. Đây là một sự trùng hợp thật ý nghĩa. Ý nghĩa vì một trong những mục đích chính yếu của  Năm dức tin đúng là truyền giáo, như Đức giáo hoàng Bênêđictô viết : “ngày nay, Giáo hội phải dấn thân một cách thuyết phục hơn nữa qua công cuộc tân Phúc âm hoá, để tái khám phá niềm vui đức tin và tìm lại niềm hăng say thông truyền đức tin.” ( PF số 7).

 

Ý nghĩa cũng vì toàn bộ các bài Lời Chúa hôm nay  cũng soi sáng cho chúng ta về sứ mạng và điều kiện truyền giáo. Dựa vào các bài Lời Chúa vừa nghe, chúng ta có thể hiểu :

+ Trước hết, truyền giáo là mong muốn  mà chính Thiên Chúa Ba Ngôi hằng ôm ấp và là công tác Thiên Chúa ước ao  tất cả chúng ta thực hiện. Truyền giáo là loan báo Tin Mừng về Nước Trời, về Đức Kitô Phục sinh, là làm chứng cho Chúa để mọi người tin nhận và được cứu độ.

-          nói đến cứu độ là nói đến tình trạng được tự do, được hạnh phúc, vì được cứu thoát khỏi thân phận nô lệ cho tội lỗi và ma quỷ, được  nhận đời sống tự do và địa vị làm con cái Thiên Chúa. Được cứu độ chính là được ra khỏi sự chết và được sống an bình. Không  được cứu độ đồng nghĩa với sống trong bất hạnh, sống trong đêm đen và sự chết. Ngược lại, được cứu độ đồng nghĩa với sống , với hạnh phúc, với sáng tươi. Vấn đề  cứu độ chính là vấn đề  sống còn của phận người chúng ta, vì một là có mọi sự ,  hai là mất mọi sự. Đời chỉ còn ý nghĩa và đáng sống khi được cứu độ. Đời sẽ bi đát, không còn đáng sống và người ta không nên hiện hữu, nếu không được cứu độ  Chính vì thế, vấn đề cứu độ là ưu tiên hàng đầu của Thiên Chúa.

-          Mà để được cứu độ, người ta phải biết về Đức Kitô, tin nhận Ngài, chịu Phép Rửa, nghĩa là tuyên xưng từ bỏ ma quỷ và tội lỗi, tuyên xưng tin kính Ba Ngôi, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, như công thức của bí tích Thánh tẩy, để từ đó giã từ con người cũ với các đam mê, khuynh hướng xấu, nhận lấy đời sống và địa vị mới với cách cư xử và những thái độ, những hành vi tốt lành.

-          Dĩ nhiên chịu Phép Rửa không phải là chỉ thi hành cho xong một lễ nghi, không phải chỉ là đối đáp cho đúng những điều đã được ghi chép hay quy định trong nghi thức, nhưng là sống thật và bền đỗ sống mãi những điều mình tuyên xưng, là vĩnh viễn bước sang một giai đoạn mới và trở thành con người hoàn toàn mới mẻ.

 

+ Đó là một số điều liên quan đến  phía người được  nghe Tin Mừng và chấp nhận trở về với Chúa. Còn về phía người truyền giáo, Lời Chúa hôm nay gợi ra cho chúng ta những yếu tố quan trọng, không thể thiếu sau đây :

 

  • một là ¸Chúa mời gọi chúng ta, những người đã biết Chúa, hãy ý thức về mong muốn, về nỗi lòng của Thiên Chúa : ý thức rằng Thiên Chúa là Cha yêu thương, chỉ mong muốn yêu thương, đón nhận và cứu rỗi mọi người, không trừ một ai, bất luận tốt xấu
  • thứ đến, khi đã hiểu biết về thánh ý đó của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi hãy sãn sàng và quảng đại cộng tác với Người. Vì số người cần được nghe biết Tin Mừng còn đông vô số, cánh đồng truyền giáo còn bao la, có bao nhiêu thợ gặt cũng vẫn chưa đủ. Thêm một người cộng tác là quý một người. Giống như bài đọc thứ hai vừa kể cho ta nghe :  khi được tin nhiếu người Dothái và Hy lạp đã tin Chúa tại Antiôkia, Hội thánh tại Yêrusalem đã phái ngay ông Banaba đến dó, rồi Banaba thấy một mình không lo xuể nhiếu việc,  liền đi Tacxô tìm thêm Phaolô để cùng nhau làm việc.
  • và điều kiện quan trọng nhất giúp chúng ta dễ thành công khi truyền giáo, đó chính là ta biết sống tốt lành đạo đức, tỏ ra là người bác ái thật thà, tử tế với mọi người, quảng đại yêu thương mọi người, không làm hại ai, không gian tham, trộm cắp, lọc lừa. Chính gương đời sống là yếu tố thu hút và thuyết phục kẻ khác hơn cả. Giống như lời sách tiên tri Giacaria  trong bài đọc I : “Trong những ngày ấy, mười người đàn ông thuộc mọi ngôn ngữ trong các dân tộc, sẽ níu lấy áo của một người Yuđa mà nói : chúng tôi muốn đi với anh em, vì chúng tôi đã nghe biết rằng  Thiên Chúa ở với anh em”. Họ níu áo người Yuđa với niềm quý mến, chắc chắn vì đã thấy những dấu chỉ là  có Thiên Chúa ở với người Yuđa,  bằng chứng là người Yuđa được Thiên Chúa bảo vệ, dạy dỗ và hướng dẫn – mà cũng vì đời sống người Yuđa có những nét thật đẹp đẽ, thật đáng khen, khác hẳn và hơn hẳn những người khác mà họ gặp, những nét phản ảnh một tâm hồn có Thiên Chúa và được Thiên Chúa biến đổi nên tốt lành.
  • Trái lại, không gì dẩy xa kẻ khác khỏi Đạo Chúa cho bằng những phản chứng, những gương mù gương xấu, những việc làm hay hành vi thái độ đáng chê trách. Ví dụ  sống không tử tế, không thật thà, không hiền lành, không tôn trọng quyền lợi và tài sản kẻ khác, hoặc ly dị, phá thai, đĩ điếm, trái ngược rành rành với Luật Chúa và giáo lý của Đạo mà người ta từng nghe biết. Trong những trường hợp này, chúng ta không còn truyền đạo nữa, nhưng là phá đạo.

 

Xin Chúa Thánh Thần ban lửa mến của Người cho con tim chúng ta để chúng ta hăng say truyền giáo và tăng cường đức tin cũng như đổi mới đời sống  chúng ta, nhất là trong Năm Đức tin được khai mạc từ hôm nay

tại giáo xứ thân yêu của chúng ta, cùng lúc với tất cả các giáo xứ khác trên  toàn thế giới.

 

Một tác giả viết : Nếu so sánh với các Giáo hội khác như Hàn quốc chẳng hạn, thì Giáo hội Việt Nam chúng ta bị coi là ít quan tâm đến việc truyền giáo. Chúng ta thường tập trung vào các sinh hoạt nội bộ và mất quá nhiều thời gian vào các sinh hoạt ấy, mà không còn thời gian và phương tiện cho việc truyền giáo. Một lý do khách quan khác làm chúng ta bế tắc là hoàn cảnh xã hội hôm nay còn nhiều khó khăn, không cho phép chúng ta làm hơn được. Dù vậy Năm Đức tin cũng là dịp, trong ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, mỗi địa phương sẽ tìm ra một cách thế để thực thi lời kêu gọi truyền giáo của Đức Giáo hoàng.

Đức Yêsu đã nói với các tông đồ : “Anh em hãy đi”. Đó là một lệnh truyền chứa đựng tất cả nỗi khát khao của Chúa là cứu rỗi các linh hồn, tất cả sự tin tưởng Chúa dành cho ta, cho dù ta hèn yếu tầm thường, tất cả sự mong chờ trông thấy chúng ta lên đường, chúng ta ra đi, chúng ta hành động, chúng ta yêu thương anh chiị em và lo cho phần rỗi của anh chị em, chứ không sống ích kỷ và dửng dửng. Chúng ta hãy vâng nghe và thi hành lệnh truyền đó.

          

           Antôn Trần thế Phiệt, DCCT

 

 
Nguồn : gxnl

home Mục lục Lưu trữ