Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 43

Tổng truy cập: 1376112

TỬ ĐẠO TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NGÀY

Tử đạo trong đời sống thường ngày – Huệ Minh

Thánh lễ hôm nay nhuốm đỏ màu của máu. Máu của hơn 100 ngàn anh hùng tử đạo. Máu của 117 vị đã được tôn phong lên hàng hiển thánh. Máu ngập tràn chảy suốt hơn 3 thế kỷ truyền giáo tại Việt Nam

Các thánh Tử Đạo Việt Nam có lòng tin mạnh mẽ. Lòng tin của các ngài không biểu lộ trong những hành vi cuồng tín, nhưng diễn tả trong thái độ chan chứa yêu thương. Đã nhận biết Chúa, các ngài yêu mến Chúa tha thiết. Đã cảm nhận được tình yêu của Chúa các ngài mong muốn được đáp đền tình yêu đó.

Chúa Giêsu nói trong tin mừng theo thánh Luca: “Ai muốn theo Ta, phải bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà theo Ta”. Theo Đức Yêsu, là một thái độ sống liên lỉ chứ không chỉ là một hành vi riêng lẻ một lần cho tất cả. Để có thể có hành vi dám chết cho tình yêu, các anh hùng tử đạo đã luôn chết cho chính mình trong cuộc sống hằng ngày để sống cho Chúa trong từng hành vi sống của mình.

“Được lời lãi cả thế gian, mà phải mất mạng sống mình, thì ích gì?” Điều quan trọng là phải sống. Nhưng nếu chỉ sống một trăm năm, mà phải khổ nhục vĩnh viễn thì ích lợi gì? Sự khôn ngoan đi kèm với hành vi anh hùng nơi các thánh tử đạo. Các thánh tử đạo, là những người khôn ngoan, anh hùng và đức hạnh. Các ngài là những người dám sống và dám chết cho tình yêu. Các ngài chọn đời sống vĩnh cửu hơn đời sống chóng qua này.

Niềm tin Kitô là một nghịch lý trước mọi suy nghĩ, tính toán của thế gian, ngay từ lời mời gọi của Đức Kitô: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9,23-24).

Nhưng ai đi theo Đức Kitô, bỏ mình vì yêu, người ấy nghiệm được nơi mình một kho báu vượt trên tất cả và không bao giờ bị mất.

Các vị tử đạo Việt Nam đều có kinh nghiệm sống từng lời của đoạn Tin Mừng hôm nay: bị nộp, bị đánh đập, bị điệu ra trước vua quan, bị tra hỏi, bị thù ghét và cuối cùng là bị giết. Tất cả những gì các ngài phải chịu đều vì Đức Giêsu (c.18), vì Danh Đức Giêsu (c.22).

Các vị tử đạo thường bị đặt trước thánh giá. Bước qua là được tiếp tục sống sung sướng an nhàn. Không bước qua là phải chịu tù đày, đòn vọt, mất tất cả và mất chính mạng sống. Chỉ cần một bước chân, là mọi sự thay đổi. Các bậc cha ông tử đạo của chúng ta ngày trước đã can đảm khước từ tất cả những hứa hẹn hấp dẫn đó, và đã kiên quyết nói không: Không bước qua thập giá, không bỏ đạo, không chối Chúa, không từ bỏ niềm tin.

Đã có người bước qua, và cũng có người không. Có người bị khiêng qua thánh giá, nhưng đã co chân lên, như thánh Antôn Nguyễn Đích. Có người bước qua, nhưng sau lại hối hận. Đó là trường hợp của ba vị thánh quân nhân: Âutinh Huy, Nicôla Thể và Đaminh Đạt. Có người được mời giả vờ bước qua thánh giá để quan có cớ mà tha, như thánh Micae Hồ Đình Hy, nhưng họ đã thắng được cơn cám dỗ tinh vi ấy.

Đứng trước thánh giá là đứng trước một lựa chọn. Tôi chọn Ngài hay tôi chọn tôi? Không có giải pháp dung hoà hay lấp lửng. Giây phút đứng trước thánh giá là giây phút quan trọng. Quyết định không bước qua thánh giá là kết tinh của những đêm dài cầu nguyện, của việc chiến thắng những mời mọc khéo léo, của việc thắng vượt những sợ hãi, giằng co nội tâm, của những Vườn Dầu trong ngục thất...

Thời nào chúng ta cũng được đặt trước thánh giá, dấu hiệu của sự từ bỏ để phục vụ. Lúc nào chúng ta cũng có nguy cơ bước qua thánh giá, bằng đời sống hưởng thụ và ích kỷ của mình.

Giữa sự sống và sự chết chỉ cách nhau một lằn ranh. Lằn ranh đó chính là cây thập giá. Bước qua thì được thoát khỏi cực hình trần gian. Bước qua thì được trở về với vợ con, với xóm làng, với chức tước vua ban và bổng lột trần gian, nhưng các thánh tử đạo Việt Nam đã không vì thế mà chối Chúa, bỏ đạo.

Không thể vì ham sống sợ chết mà phải chà đạp lên thập giá là bỏ cơ hội sống đời đời để đổi lấy cuộc sống lây lất tạm thời trần gian. Các ngài thà chịu đòn roi, thà chịu án tử hình để trung kiên theo Chúa, để lãnh phúc triều thiên vinh quang bất diệt trên quê trời còn hơn là làm tôi mọi cho ma qủy. Như trường hợp ông đội Bường đã thẳng thắn trả lời với quan quân: “Bên đạo chúng tôi ai chết trẻ là đi đường tắt, ai chết già là đi đường trường. Song đàng nào cũng tới quê thật là nước thiên đàng vậy”.

Thế nên, thánh nhân đã khuyên nhủ các đồng đạo rằng: “Chúng ta hãy vui lòng chịu mọi sự khốn khó để giữ nghĩa cùng Chúa cho đến khi nào thánh ý Chúa định thể khác. Nếu quan có hành hạ thì hãy can đảm chịu đựng. Hễ xác chết rồi thì hồn chúng ta bay thẳng về trời, không sợ gì roi đòn. Chịu sự khó như vậy là vác thánh giá theo Chúa Giêsu. Nếu có đau đớn quá thì hãy xin Đức Mẹ phù trợ cho được bền lòng đến cùng”.

Khi nâng 117 vị tử đạo Việt Nam lên bậc hiển thánh, Giáo Hội muốn đưa ra những mẫu gương cho chúng ta bắt chước. Qua cái chết khổ nhục, các ngài đã làm chứng cho Đức Kitô trong những hoàn cảnh giới hạn của mình. Noi gương cái ngài, chúng ta cũng hãy sống làm chứng cho Đức Kitô trong hoàn cảnh riêng của chúng ta.

Ta mừng kính 117 thánh tử đạo Việt Nam, là con số tượng trưng cho hơn 130 ngàn vị tiền nhân đã chết trong các đợt cấm đạo tại Việt Nam từ cuối thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 19. Họ đã chết không phải vì chống lại triều đình. Họ đã chết không phải vì lỗi công bình bác ái với tha nhân. Họ đã chết vì không chịu thoả hiệp với thế gian.

Đứng trước nhu cầu và ham mê tiền bạc, người Công Giáo muốn trung thành với Tin Mừng, muốn sống trọn vẹn đức tin, bắt buộc phải có sự lựa chọn. Thà cam chịu nghèo khổ còn hơn nhận những đồng tiền phi nhân bất nghĩa. Thà cam chịu thiếu thốn còn hơn đánh mất đức tin. Thà lao động cực khổ để kiếm miếng cơm manh áo chân chính hơn là chạy theo những đồng tiền dễ dãi để chối từ Tin Mừng và Luật Chúa.

Ngày nay, khái niệm về tử đạo hiểu rộng rãi hơn. Người tử đạo là người dám chết cho công lý, cho hòa bình, chết cho quyền sống của con người, nhất là những người nghèo khổ, bị áp bức. Nói chung là chết vì Chính Đạo, chết vì muốn sống theo con đường Tin Mừng của Chúa Giêsu.

Ta hiểu tử đạo theo một nghĩa rộng, đó là làm chứng cho Chúa. Chúng ta có thể làm chứng cho Chúa bằng hành động, bằng việc làm, bằng chính cuộc sống đạo đức và thánh thiện, bác ái và yêu thương của chúng ta. Đó chính là cái nền tảng vũng chắc để xây dựng tòa nhà đức tin. Chính trong ý nghĩa này mà Mẹ Maria đã được gọi là Nữ vương các thánh tử đạo, mặc dù Mẹ đã không đổ máu để làm chứng cho đức tin của mình.

Ta phải noi gương bắt chước các ngài, bởi vì con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Đừng vì một con sâu mà làm rầu nồi canh, đừng vì cuộc sống tội lỗi của chúng ta mà làm nhơ bẩn khuôn mặt Giáo Hội Việt Nam. Hãy sống thế nào để xứng đáng là con cháu của những bậc anh hùng tử đạo.

 

2. Làm chứng - Lc 9,23-29

Lâm nguy mới rõ tôi trung, vào sinh ra tử anh hùng ghi tên. Đó là lòng dũng cảm của hơn một trăm ngàn nhân chứng đức tin mà Giáo Hội Việt Nam mừng kính ngày hôm nay. Từ ngày đạo Chúa được rao giảng, lúc nào cũng có những tấm gương anh dũng như vậy. Trong Cựu Ước, cụ già Eleazarô và bảy mẹ con Machbêo đã chết để làm vinh danh Chúa. Trong Tân Ước, khởi đầu bằng cuộc tàn sát các trẻ thơ vùng Belem, rồi đến việc chém đầu Gioan Tiền hô, tiếp đến là cuộc tử nạn của Chúa. Rồi từ Chúa, qua các tông đồ và mãi mãi về sau, ở mọi nơi và trong mọi lúc đều có những cuộc bách hại và cũng đều có những tấm gương anh dũng và bất khuất, mà hơn 100.000 các bậc tử đạo Việt Nam ngày hôm nay là một bằng chứng cụ thể.

Vậy các thánh tử đạo Việt Nam là những ai? Các ngài là những người như chúng ta, cũng biết đau khổ, cũng yêu mến sự sống, cũng sợ hãi trước cái chết. Và thực sự các ngài đã chết chỉ vì muốn trung thành với Chúa. Phần xác tuy chết nhưng tinh thần của các ngài vẫn bừng cháy trong dòng thời gian.

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là ai? Các ngài là những Giám mục như Đức Cha Vinh, Đức cha Xuyên. Các ngài là những linh mục như cha Tịnh, cha Hưởng. Các ngài là những tu sĩ như thầy Khang, chú Bột. Các ngài là những viên chức phần đời như ông án Khảm, ông lý Mỹ. các ngài là những chức sắc phần đạo như ông trùm Đích, các ngài là những quân nhân như binh Thể, binh Huy, binh Đạt. Các ngài là những phụ nữ như bà Thành mà chúng ta quen gọi là thánh Đê. Các ngài đã ra đi với sự tự do tuyệt đối, với nụ cười tha thứ và với niềm tin kiên vững.

Trong suốt thời gian bị giam giữ, bị tra tấn và bị hành quyết, các ngài đã tỏ ra thái độ mến Chúa và yêu người ở một mức độ cao, khiến cho bọn lý hình cũng phải cảm phục và suy tư. Cha Triệu bị giam trong tù, ngài rất băn khoăn khi nghĩ đến mẹ già. Ngài xin được phép về quê thăm mẹ, và chú lính đi theo đã hỏi: Ngài yêu mẹ như thế, sao không chối đạo để về nuôi mẹ. Ngài trả lời: tôi yêu mẹ tôi lắm. Nhưng trên mẹ tôi còn có Thiên Chúa. Hôm nay gặp được mẹ tôi trước ngày ra đi chịu chết, tôi thấy đã giữ trọn giới luật của Chúa. Tại pháp trường Bảy Mẫu tỉnh Nam định, bọn lý hình được lệnh xử lăng trì Đức cha Tuyên, chúng chặt tay chặt chân rồi đút một miếng thịt vào miệng ngài, Đức cha ngạc nhiên và nói: Tôi không ngờ người Việt Nam mà lại có thể độ như thế hay sao? Lời nói này làm cho một người trong bọn lý hình cảm động và trở lại. Vậy đâu là nguyên nhân đem lại cho các ngài sức mạnh và tình thương như thế?

Tôi xin thưa đó là chính Thiên Chúa. Thực vậy Đức Kitô đã nói với chúng ta: Các con đừng sợ những người có quyền giết xác nhưng hãy sợ Đấng có quyền giết cả xác lẫn hồn. Chúa dạy và Chúa ban cho những ai vâng giữ lời Ngài. Bởi thế từ Eleazarô, bảy mẹ con Macbêo cho đến Gioan Tẩy Giả và mãi mãi về sau, đều có một sức mạnh và một tình thương như thế. Các ngài tin rằng khi chịu cực hình, thì không chịu lẻ loi một mình, mà còn có Chúa ở bên cạnh. Bởi thế thánh Phaolô đã nói: Tôi không có gì để khoe khoang ngoài sự yếu đuối, nhưng tôi lại có thể làm được mọi sự trong Đấng nâng đỡ tôi. Nhân ngày mừng kính các thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta hãy suy nghĩ như thế, hãy tin tưởng như thế, hãy cầu xin như thế, để khi gian nguy xảy đến, chúng ta sẽ có đủ sức mạnh và tình thương để làm chứng cho Chúa.

 

3. Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà

KHÔNG ĐI THEO ĐẠO YÊU THƯƠNG CỦA CHÚA GIÊSU LÀ BỎ ĐẠO

Khi nào ta bỏ đạo?

Một trong những thử thách mà vua quan ngày xưa thường bày ra để xử tội người có đạo là đặt một cây thánh giá dưới đất rồi truyền cho họ bước qua. Ai chấp nhận bước qua là tỏ dấu công khai từ bỏ đạo Chúa thì được tha về. Ai kiên quyết không bước qua thì được xem là người ngoan cố, không chịu từ bỏ đạo Chúa thì phải chịu tra tấn, tù ngục, chịu hành hình và chịu chết.

Có nhiều người kiên quyết không bước qua thánh giá, dù bị khiêng qua thì cũng co chân lại để khỏi dẫm đạp lên. Có người lỡ dại dột bước qua, nhưng về sau ân hận nên quay trở lại, khẳng định với quan quân mình không bỏ đạo nữa và xin được chịu chết vì Chúa.

Tất nhiên có nhiều người vì sợ ngục tù xiềng xích, gông cùm và tra tấn hoặc sợ chết nên đã bước qua thánh giá. Nhưng trái lại, cũng nhiều người dứt khoát không bước qua thánh giá, cho dù phải mất hết mọi sự và mất cả mạng sống mình.

Không đi theo đạo yêu thương của Chúa Giêsu là bỏ đạo

Đạo là gì? Người Á đông quan niệm rằng đạo là đường, đường đưa về chân thiện mỹ. Thiên Chúa là Tình Yêu nên đạo của Ngài cũng là đạo Tình Yêu. Chúa Giêsu đến trần gian để lập nên đạo yêu thương như một con đường đưa nhân loại về cõi phúc.

Chỉ có những ai giữ tròn quy luật yêu thương mới thực sự là người người theo đạo Chúa. Chúa Giêsu khẳng định rằng: “Người ta căn cứ vào dấu nầy để nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13, 35).

Những ai theo đạo yêu thương, tức là giữ tròn giới luật yêu thương Chúa dạy, thì được liệt vào hàng ngũ người con cái Chúa. Ngày phán xét, Chúa Giêsu mở cửa đón nhận họ vào Vương Quốc của Ngài: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa”; ai không sống theo luật yêu thương, là người bỏ đạo Chúa, thì bị liệt vào hàng ngũ những người bị nguyền rủa và bị loại trừ vĩnh viễn khỏi nhan Thiên Chúa: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó” (Mt 24, 34. 41)

Ngày trước trong thời bách hại, hành động bước qua thập giá Chúa Giêsu là dấu chỉ cho biết ai là người bỏ đạo. Ngày nay, hành động chà đạp lên nhân phẩm, chà đạp tình người, là dấu hiệu chứng tỏ người thực hiện điều đó đã chối bỏ đạo yêu thương của Chúa Giêsu.

Nói cụ thể:

Trong đời sống chung giữa xã hội, ai nuôi lòng thù oán anh em mình, xúc phạm đến người khác, gây tổn thương thanh danh, phẩm giá người khác... là người đã từ bỏ đạo yêu thương của Chúa Giêsu.

Trong phạm vi gia đình, đạo yêu thương của Chúa dạy vợ chồng phải nên một với nhau, phải yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời. Thế nên khi vợ chồng không còn sống yêu thương hiệp nhất nữa mà sống phân li chia cắt, thì lúc đó, hai người đã lìa bỏ đạo yêu thương của Chúa Giêsu.

Đạo yêu thương Chúa dạy cha mẹ phải chăm lo, giáo dục con cái, rèn đúc con cái nên người tài đức. Nếu cha mẹ thờ ơ không làm tròn nhiệm vụ đó, là cha mẹ đã bỏ đạo Chúa.

Đạo yêu thương Chúa dạy con cái phải thờ cha kính mẹ, thảo hiếu với ông bà tổ tiên; nếu con cái không giữ tròn chữ hiếu với cha mẹ, với ông bà tổ tiên là họ đã từ bỏ đạo yêu thương của Chúa rồi.

Trái lại, khi chúng ta theo lời Chúa dạy mà tha thứ cho người khác khi họ xúc phạm đến mình, cứu giúp những người hoạn nạn, chia cơm sẻ áo cho người nghèo thiếu, quên mình phục vụ những người chung quanh... là chúng ta đang đi theo đạo yêu thương của Chúa Giêsu cách triệt để nhất.

Các thánh tử đạo Việt Nam đã rất anh dũng bước theo đường lối Chúa Giêsu, theo đạo yêu thương của Chúa Giêsu. Dù ngục tù, gươm đao, dù bị róc xương xẻ thịt cũng vẫn không làm cho các ngài từ bỏ đạo Chúa. Chúng ta là con cháu các ngài, mang dòng máu bất khuất anh dũng của các ngài trong huyết quản mình, thì chúng ta cũng kiên quyết đi theo đạo yêu thương của Chúa như các ngài, để mai ngày đáng được hưởng triều thiên vinh hiển với các ngài trên thiên quốc.

Nguyện xin các thánh tử đạo Việt Nam là ông bà tổ tiên của chúng ta luôn phù giúp chúng ta vững bước đi theo đạo yêu thương của Chúa.

 

4. Noi gương Cha Ông – Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Năm 2012 tôi có dịp sang Hoa Kỳ du lịch. Tôi có dịp đến nhiều nhà thờ to lớn nguy nga bề thế ở Mỹ. Có những nhà thờ đã được xây dựng vài trăm năm về trước, và có sức chứa đến vài ngàn người. Nhìn những nhà thờ đồ sộ nguy ngay như vậy cho tôi cảm giác các tiền nhân ở đây đã sống đạo rất phong phú. Họ đến nhà thờ rất đông. Họ cũng quảng đại góp công góp sức để có thể làm nên những ngôi nhà thờ nguy nga tráng lệ. Tôi thực sự cảm phục về đời sống đạo của các tiền nhân Nước Mỹ.

Thế nhưng, điều tôi ngạc nhiên là nhiều ngôi nhà thờ này hôm nay đã không còn người dự lễ. Có nhà thờ phải đóng cửa. Có nhà thờ phải bán đi trả nợ. Không biết người Công Giáo Nước Mỹ có suy nghĩ gì khi cha ông họ vất vả xây dựng. Dù rằng ngày xưa còn lạc hậu và phương tiện thô sơ, họ còn làm được những công trình to lớn như thế, mà đến nay con cháu sống trong khung trời văn minh lại để hoang lạnh vì thiếu tiền, thiếu người dự lễ...? Phải chăng những gì cha ông vất vả xây dựng nay con cháu lại bất lực khi nhìn thấy cảnh nhà thờ hoang lạnh và phải bán đấu giá vì thiếu tiền duy trì...

Nhìn họ lại nhớ đến ta. Cha ông ta dù trong hoàn cảnh đạo bị bách hại, cuộc sống còn lam lũ nghèo khó, thiếu thốn tư bề, các ngài vẫn giữ đaọ, vẫn sống đạo... Giáo hội vẫn phát triển không ngừng về con người và cơ sở vật chất. Theo thống kê năm 1975 số người tín hữu đã lên tới 5 triệu người trên tổng dân số toàn quốc hơn 40 triệu dân. Tỷ lệ 1/10. Thế nhưng qua 38 năm Giáo hội Công Giáo dường như không có bước tiến về truyền giáo. Số người công giáo sau 38 năm cũng chỉ mới hơn 6 triệu tín hữu so với dân số gần 90 triệu dân. Tỷ lệ 1/15.

Chúng ta vẫn tự hào về cha ông chúng ta - những anh hùng trung kiên với đức tin, đã can đảm hiên ngang đổ máu đào để minh chứng cho đức tin Công giáo. Chúng ta vui mừng tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều vị tử đạo. Chúng ta vui mừng và thành tâm cầu xin, cung nghinh, tôn kính các thánh tử đạo. Đó là những tình cảm và việc làm thật tốt đẹp.

Thế nhưng là con cháu, chúng ta có trung kiên như các ngài hay không? Giáo hội hôm nay không còn kiểu bách hại dẫn đến đổ máu, nhưng lại đòi hỏi chúng ta phải trung kiên giữ đạo vì những quyến rũ của danh lợi thú trần gian. Cha ông ta đã đổ máu để giữ đạo còn chúng ta lại tìm hưởng thụ để bỏ đạo hay lơ là đạo, phải chăng chúng ta cũng đang làm mất đi công trình của cha ông đã xây dựng bằng xương bằng máu của mình?

Nói đến các Thánh Tử đạo, không thể nào ta không nhắc đến đức tin mà các vị ấy đã tuyên xưng bằng chính máu đào và bằng chính sự sống của mình. Một đức tin quá kiên trung. Một đức tin quá can đảm phi thường. Bất chấp mọi cực hình, các ngài vẫn một lòng sắt son với Thiên Chúa. Và dường như càng bị bách hại, giáo hội lại càng có nhiều người anh dũng chết cho đức tin bấy nhiêu. Vua quan, một mặt ra sức bắt đạo dữ dội, mặt khác ra sức ngăn chặn sự phát triển của đạo, thì lại vô tình làm cho đức tin càng được dồn nén, càng được nung nấu, càng được khẳng định, nếu có dịp sẽ cháy bùng lên, và nhanh chóng lan toả mãnh liệt hơn bất cứ lúc nào.

Điều quan yếu nơi các thánh tử đạo không chỉ là việc đổ máu mà là một chuỗi ngày dài sống đức tin trung kiên. Một đức tin sắt son với Chúa. Một đức mến nồng nàn với tha nhân. Như trường hợp y sĩ Phan Đắc Hòa, ông luôn rộng rãi giúp người nghèo khó, riêng bệnh nhân túng thiếu, không những ông chữa bệnh miễn phí, lại còn giúp tiền giúp lúa. Với ông Martinô Thọ thì “Công bằng chưa đủ phải có bác ái nữa, mà muốn thực thi bác ái phải có điều kiện, thế nên, ông đã trồng lúa, trồng rau để có tiền làm việc thiện.

Với ông Cai Tả thì yêu thương để xứng với tình Chúa yêu, ông thường châm chước cho những người mắc nợ và nói: “Mình quên nợ người, Chúa quên tội mình “. Với quan Hồ Đình Hy thì: “Đừng làm việc thiện cách máy móc qua lần chiếu lệ, mà phải làm với thiện ý “. Ông từng chăm sóc nuôi nấng một người bệnh bơ vơ, suốt 15 ngày sáng tối thăm hỏi, và khi người bệnh lìa đời, đã tổ chức lễ an táng tử tế. Ông cũng nuôi hai bé gái bị bỏ rơi cho đến khi trưởng thành: một cô xin đi tu, một xin lập gia đình, ông quảng đại lo đến nơi đến chốn.

Chính đời sống đức tin tỏa sáng bằng việc làm bác ái đã đi vào lòng quan quân, và dân chúng. Mặc cho triều đình nhà Nguyễn ra những chiếu chỉ bách hại, dấu hiệu tình thân giữa bà con chòm xóm đối với người Công Giáo vẫn trước sua như một. Thí dụ trong vụ án linh mục Gioan Đạt, viên cai ngục nói: “Tôi thấy cụ khôn ngoan đạo đức thì muốn kết nghĩa huynh đệ lắm, ngặt vì cụ sắp bị án tử rồi. Tôi xin hứa biếu cụ một cỗ quan tài để biểu lộ lòng tôi quý cụ “.

Thế nhưng, cha ông chúng ta đã đổ máu vì đức tin, đã hiến dâng cả mạng sống để chứng tỏ tình yêu mạnh hơn sự chết. Những con người hi sinh cao cả như thế chẳng lẽ lại chỉ mong để con cháu ca hát ngợi khen, rước sách tung hô mình? Người ta đã nhận định là tín hữu Việt Nam rất nhiệt tình trong kinh hạt, rước sách linh đình nhưng lại ngại hi sinh dấn thân trong công việc mục vụ, bác ái yêu thương. Đời sống tôn giáo của tín hữu Việt Nam xanh tốt như cây nhiều cành lá mà ít hoa quả. Những nhận định không hoàn toàn đúng nhưng cũng đáng để suy nghĩ. Từ đó, thiết nghĩ, có lẽ cha ông tử đạo của chúng ta mong nơi con cháu một điều gì đó cao hơn, khó hơn việc hát ca, rước sách.

Thực vậy, Giáo hội ngày hôm nay cần có những chứng nhân giữa dòng đời. Những chứng nhân dám sống niềm tin của mình mà không sợ thiệt thòi khi mất chức, mất địa vị trong xã hội. Những chứng nhân dám sống theo chân thiện mỹ giữa một xã hội gian dối, lừa lọc, cho dù vì thế mà nghèo hèn túng thiếu. Những chứng nhân trung kiên không vì danh lợi thú mà sao lãng bổn phận thờ phượng Chúa nhưng luôn hy sinh từ bỏ tham sân si để sống đạo yêu thương giữa cuộc đời.

Mỗi khi mừng kính các thánh tử đạo là mỗi dịp để khơi dậy tinh thần tử đạo nơi chúng ta. Tinh thần tử đạo không gì khác hơn là làm chứng cho Chúa giữa cuộc đời. Xưa các thánh tử đạo đã dám chết cho niềm tin của mình, thì nay chúng ta cũng phải dám hi sinh cho những giá trị tinh thần cao quí trong cuộc sống hàng ngày. Xin đừng để những giọt máu đào của cha ông đổ ra cách uổng phí khi con cháu hôm nay chỉ thích hưởng thụ, sống lười biếng, hèn nhát. Amen.

 

5. Những vị anh hùng âm thầm – Lc 9,22-26

Dân tộc nào cũng có những vị anh hùng và tôn giáo nào cũng có những vị anh hùng, được gọi những danh hiệu khác nhau. Kitô giáo có hàng ngũ các thánh, những tôi trung, con thảo của Chúa, những mẫu mực sống đạo của người công giáo. Là anh hùng trong đạo nhưng không có ai thắng. Có chăng là thắng chính mình, thắng những kẻ thù vô hình không mang quốc tịch nào như ma quỷ, xác thịt và thế gian.

Các vị tử đạo Việt Nam không cuồng tín liều lĩnh, không tự ý tìm đến cái chết: không ai tự thiêu, tự thắt cổ, tự cắn lưỡi, tự đập đầu mà chết để giữ chữ trung với đạo (không ai tự tử mà lại được phong thánh).

Trước khi tử đạo, các ngài là những người muốn sống để phục vụ gia đình, quê hương và Giáo Hội. Muốn sống mà không được sống, tránh không được thì chấp nhận, để rồi vui nhận. Cam lòng chịu chết mà không oán hận: đó là tính cách của các vị tử đạo Việt Nam. Kẻ nuôi lòng hận thù không thể làm thánh vì không xứng danh làm môn đệ của Đấng đã dạy: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình.

Tôn vinh các vị thánh tử đạo Việt Nam là nêu lên một quan điểm tích cực: Lấy tình thương xoá bỏ hận thù. Không khơi lên đống tro tàn để bùng cháy lòng căm thù, nhưng sáng lên một tinh thần bao dung hoà giải. Romeo và Juilette chết đi để hoà giải hai dòng họ thâm thù truyền kiếp. Cũng thế, dòng máu các vị tử đạo đổ ra không phải là vô ích. Các vị ấy về cõi trời nhưng gởi lại một thông điệp, đã có những người quyết tử để đất nước được hồi sinh, đã có những người chết vì niềm tin để con cháu được sống đức tin giữa lòng dân tộc, đã có những người bị đè bẹp vì thành kiến cố chấp để muôn người được thông cảm hoà đồng với nhau.

Đất nước Việt Nam sản sinh nhiều anh hùng: chiến sĩ anh hùng, bà mẹ anh hùng... nay có thêm những anh hùng đức tin làm cho kho tàng này được thêm phong phú.

Hướng về tương lai trong viễn cảnh thái hoà, người công giáo Việt Nam tiếp bước cha ông tiền bối của mình để sống đời chứng nhân, đem tin yêu đến cho mọi nhà. Còn biết bao nhiêu người đang phấn đấu sống theo chính đạo, chống lại bóng đen gian tà, chu toàn bổn phận của mình, làm việc với lương tâm chức nghiệp, sống lương thiện lành mạnh, chống lại các tệ nạn xã hội, tránh thoát ma lực của đồng tiền, quên đi lợi nhuận để mưu cầu hạnh phúc cho tha nhân, hy sinh tiết kiệm để cứu giúp những người bất hạnh. Quả là những anh hùng âm thầm trong bóng tối mênh mông.

 

home Mục lục Lưu trữ