Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 57

Tổng truy cập: 1365619

TỪ ĐAU KHỔ TỚI VINH QUANG

TỪ ĐAU KHỔ TỚI VINH QUANG

 

Chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh hiện đại. Thời buổi của một lối sống bị ảnh hưởng bởi nền công nghiệp hóa. Người người tranh nhau chạy để vật lộn với cuộc sống. Do đó, người ta chuộng những gì đó mau lẹ và gọn nhẹ. Ðến nỗi thức ăn người ta cũng chỉ muốn cái gì có liền chứ không cần phải khổ cực nấu nướng nữa.

Dường như tâm thức muốn nhanh lẹ này cũng đã có nơi thánh Phêrô khi ngài và hai vị Tông đồ được cùng với Chúa Giêsu cầu nguyện trên núi. Một sự kiện lạ thường xảy ra lạ thường trước mắt các ông. Ðó là dung mạo của Chúa Giêsu trở nên rực rỡ chói ngời. Trông thấy cảnh vinh quang ấy của Chúa Giêsu, thánh Phêrô đã nhanh chóng không chút e ngại mà thưa rằng: "Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a." (Lc 9, 33)

Thiết nghĩ với lời thưa này, Phêrô chỉ muốn mình và hai vị Tông đồ kia được ở mãi trong tình trạng như thế. Bởi lẽ, đây là tình trạng không còn phải đau khổ nữa. Chúa Giêsu được trở về tình trạng vinh quang như chính Người là. Dầu vậy, vì thương loài người mà Người sẵn sàng sống trong thân phận con người như bao nhiêu con người khác.

Lời phán bảo của Chúa Cha: "Ðây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!" (Lc 9, 35b) là lời nhắn nhủ với ba Tông đồ và cũng là lời nhắn nhủ cho mọi người chúng ta. Muốn đến được vinh quang phải trải qua đau khổ thử thách.

Ông bà chúng ta nói: Dục tốc bất đạt nghĩa là có nhiều chuyện làm trong hấp tấp vội vàng sẽ không mang đến kết quả tốt. Cũng vậy, đối với tình trạng vinh quang cao cả này cần phải có thời gian. Mặc dù, tình trạng vinh quang ấy là tình trạng hiển nhiên của Người nhưng Người vẫn chu toàn tốt sứ mạng cứu rỗi loài người trong sự tiệm tiến.

Cho nên, Chúa Cha đã kêu mời hãy biết vâng nghe lời của Người. Vâng nghe trong sự kiên nhẫn và vâng nghe trong sự noi gương bắt chước cách sống của Người. Nhiều khi trong đời sống đạo chúng ta thường hay đòi buộc Chúa và Giáo hội ban ngay cho mình những điều mình muốn. Ðang khi đó việc hy sinh sống đạo theo lời dạy của Chúa và Giáo hội thì chúng ta bỏ qua. Ði dự lễ thì muốn cho mau lẹ thậm chí bỏ đầu bỏ đuôi. Ðối với các giới răn thì yêu cầu Giáo hội phải nới lỏng cho hợp với thời đại. Ðó là chúng ta thiếu sự hy sinh, thiếu sự đón nhận gian nan đau khổ. Chính những sự hy sinh và đón nhận gian nan đau khổ trong đời sống đức tin sẽ là hành trang cho chúng ta đạt được vinh quang trong Nước Trời.

 

13.Biến đổi

Hãy biến đổi là một chủ đề nổi bật trong toàn bộ Tin mừng. Lời rao giảng trước tiên của Chúa Giêsu khi Ngài đi rao giảng Tin mừng là "Hãy ăn năm sám hối và tin vào Tin mừng" (x. Mc. Ăn năn và sám hối thật sự chính là biến đổi, là chuyển từ tình trạng xấu nên tốt hơn).

Tin mừng hôm nay cũng nói đến một sự biến đổi. Chúa Giêsu biến đổi hình dạng trước mặt các Tông đồ thân tín của Ngài. Chúa đã bày tỏ vinh quang vốn có của Ngài cho các tông đồ thấy để các ông thêm lòng tin mà tiến bước theo Chúa, nhất là khi Chúa đi vào cuộc tử nạn và Phục sinh của Chúa. Chúa biến đổi hình dạng là Chúa đã để cho thiên tính được tỏ bày ra. Và điều đáng chúng ta lưu tâm là khi nhìn thấy thiên tính của Chúa Giêsu được tỏ hiện, các tông đồ đã ngất ngây và say đắm. Tôi thiết nghĩ, chúng ta cũng có chung thái độ như thế nếu chúng ta được diễm phúc nhìn thấy vinh quang của Chúa được tỏ hiện vì đó là phần thưởng mà chắc ta vẫn hằng mong ước: diện kiến tôn nhan Chúa. Chắc chắn chúng ta cũng sẽ được nhìn thấy vinh quang ấy nếu như hôm nay, trong từng ngày sống của chúng ta, chúng ta không ngừng cùng với Chúa biến đổi để làm cho cuộc sống chúng ta nên" hoàn hào như Cha các con trên trời là Đấng hoàn hảo". Khi chúng ta làm cho những cái xấu nên tốt, những điều tốt được nên tốt hơn, những cái chưa hoàn hảo nên hoàn hảo trước mặt Thiên Chúa. Đó là cuộc biến hình mà Chúa đang mời gọi ta và đang chờ đợi ta thực hiện với Chúa.

Cuộc biến đổi đích thật nào cũng đòi hỏi một thái độ độ anh hùng và dứt khoác để chối từ những quyến luyến đang vây kéo chúng ta. Abraham ngày xưa đã rất can đảm khi ông làm cuộc thay đổi trong cuộc đời của ông. Ông đã quyết tình chọn Chúa và theo Chúa dù ông đã cao niên, cơ ngơi đã ổn định... Ông quyết đi theo tiếng Chúa gọi vì ông tin vào Thiên Chúa quyền năng và tình yêu luôn làm điều tốt đẹp cho ông. Khi hành động như thế Abraham sẽ bị người khác cho là kẻ lắm tham vọng và tin hão huyền: bỏ cái đang có, đi tìm cái viển vông; bỏ ruộng vườn và nhà cửa theo ơn gọi để tìm sự vất vả, sống thiếu thốn và khó khăn; lùa đàn vật và dẫn gia nhân vào chốn vô định. Trước mặt Abraham là giải sa mạc mênh mông, đất cày lên sỏi đá... Nhưng vì tin yêu Thiên Chúa, Abraham đã tiến bước ra đi và đã thành công, nêu gương sáng muôn đời cho chúng ta và trở thành người được chúc phúc!

Phaolô cũng làm một cuộc biến đổi ngoạn mục: từng là người hăng say bắt bớ những người tín hữu Chúa Kitô trở thành người sống chết vì Tin mừng của Chúa! Phaolô đã vui vẻ đón nhận thử thách và trung thành đến giọt máu cuối cùng vì Đức Kitô và Thập Giá của Ngài. Phaolô đã được lột xác và biến đổi, một cuộc biến đổi không thể ngờ, thậm chí khó tin nếu nhìn theo khía cạnh loài người.

Lịch sử Giáo hội đánh dấu nhiều cuộc biến đổi lạ lùng, cụ thể:

Một Agustinô: từ say rượu đến say Chúa.

Một Maria Mađalêna: từ gái giang hồ thành thánh và là chứng nhân nhiệt thành cho việc Phục sinh của Chúa.

Một Inhaxiô Loyola: từ trai chinh chiến trở thành đấng lập dòng.

Một Têrêsa Avial: từ kẻ khô khan đến người sốt mến

Một Giakêu: từ người tham lạm, hà khắc trở thành kẻ rộng lượng và khoan nhân...

Đó là công việc của Chúa và con người hợp tác nhờ sức mạnh tình thương của Chúa. Đó là những cuộc canh tân và biến hình đã, đang và còn tiếp tục diễn ra trong lòng Giáo hội. Những điều cụ thể đó đủ chứng minh rằng ơn Chúa luôn tràn trề trong lòng mọi người dù cho họ có thể nào đi nữa, có ở trong hoàn cảnh và tình trạng nào đi nữa! Bất cứ khi nào, con người quyết tâm làm lại cuộc sống, biết đứng lên sau những vấp váp, sau những té ngã thì "Ơn Ta vẫn đủ cho ngươi". Chúa đang ở cùng ta và giúp chúng ta chiến thắng ma quỉ, xác thịt và thế gian nơi cung lòng mỗi chúng ta. Chúa đã nói với chúng ta rằng: "Thầy đã thắng thế gian!" và "Các con đừng sợ!". Chúng ta đừng bao giờ thất vọng về chính mình, nhưng hãy biết can đảm đứng lên làm lại cuộc sống mỗi ngày và nhiệt tâm giúp đỡ những ai đang chán chường vì những thất bại và vấp ngã trên đường đời. Hãy lôi kéo họ đến với lòng thương xót của Chúa để họ được ơn biến đổi và trở thành kẻ chiến thắng thế gian nhờ sứac mạnh của Thánh Thần Chúa.

 

14.Sống xứng tầm người con Thiên Chúa

(Suy niệm của Lm. Inhaxiô Trần Ngà)

Nhìn vào dáng vẻ bên ngoài của Chúa Giê-su, người đời nhận thấy Ngài chỉ là anh thợ mộc giản dị làng Na-da-rét hoặc là một ông thầy giảng dạy lôi cuốn, hấp dẫn mà thôi.

Thế rồi, qua việc Chúa Giê-su tỏ lộ thần tính, tỏ lộ chân dung đích thực của Ngài trên núi cao, ba môn đệ Phê-rô, Gioan và Gia-cô-bê mới phát hiện ra căn tính của Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, là Đấng cao cả tuyệt vời, ẩn mình dưới hình hài con người bình dị.

Đối với những ki-tô hữu, chúng ta cũng thấy điều tương tự:

Nhìn vào dáng vẻ bên ngoài, chúng ta cũng chỉ là những con người hèn mọn, vô danh tiểu tốt.

Tuy nhiên, bản chất của chúng ta rất cao đẹp, rất tuyệt vời.

Dù chúng ta mang kiếp bụi trần, thân phận mỏng giòn yếu đuối, vậy mà nhờ lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy, Thiên Chúa nâng chúng ta lên, cho chúng ta được trở thành con Thiên Chúa, trở thành người con chí ái của Chúa tể trời đất. Cao trọng biết bao!

Dù chúng ta mang đầy tội lỗi, mang xác thịt hư hèn, vậy mà nhờ lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy, Chúa Giê-su cất nhắc chúng ta lên, nâng hạt bụi thấp hèn này lên… để tháp nhập vào Thân mình Ngài, cho chúng ta trở thành một chi thể trong Thân thể Ngài! Cao cả biết chừng nào!

Và nhờ trở thành một chi thể trong Thân thể Chúa Giê-su, sự sống của Thiên Chúa ba Ngôi, sự sống rất cao vời và viên mãn, không bao giờ lụi tàn, được thông ban cho chúng ta, như nhựa sống từ thân nho chuyển sang cành nho, để chúng ta được sống đời đời với Chúa! Tuyệt vời khôn tả!

Và qua Bí tích Thánh thể, Chúa Giê-su ban thịt máu Ngài cho chúng ta lãnh nhận, để nhờ đó, chúng ta được nên một với Chúa Giê-su, đồng huyết nhục với Ngài và nhờ đó, được sống vĩnh cửu với Ngài. Đây là một hồng ân vô cùng cao quý.

Vậy thì chúng ta hãy vui mừng hoan lạc, hết lòng cảm tạ Chúa và phải sống làm sao cho xứng với ân huệ Chúa ban cho mình.

Ý thức mình là con Thiên Chúa để vươn lên

Một người thợ săn bắt gặp một ổ trứng phượng hoàng trong khu rừng nguyên sinh. Anh đem ổ trứng ấy về nhà, trộn chung vào ổ trứng của gà mẹ đang ấp. Mấy tuần sau, một chú phượng hoàng con xinh đẹp chào đời và được gà mẹ dẫn đi ăn chung với đàn gà con bé nhỏ.

Phượng hoàng con lớn lên bên cạnh những con gà khác, luôn nghĩ rằng mình cũng thuộc nòi giống gà như những con gà cùng lứa, cùng cào bới đống rác, đống phân… để kiếm ăn như những con gà kia.

Thế rồi, vào ngày định mệnh ấy, một con phượng hoàng oai phong từ trên cao thình lình đáp xuống khiến cả đàn gà hoảng hốt chạy tán loạn. Phượng hoàng tiến đến gần chú phượng hoàng con, chỉ cho nó biết nó không phải là chú gà tầm thường, nhưng thuộc giống nòi phượng hoàng oai phong lẫm liệt.

Thế là từ hôm đó, phượng hoàng con ngẩng cao đầu, vươn cao cổ, bắt đầu xoè cánh tập bay và chẳng bao lâu, nó xoải rộng đôi cánh, phóng mình vút lên, bay lượn giữa khung trời cao xanh lộng gió, trông thật oai hùng.

Ban đầu, khi không ý thức mình là phượng hoàng mà tưởng mình chỉ là gà, nên phượng hoàng sinh hoạt như những con gà khác, suốt ngày quanh quẩn trong sân gà vịt, moi móc rác rến kiếm ăn; nhưng một khi nó phát hiện ra mình không phải là thứ gà tầm thường mà là thuộc nòi giống phượng hoàng oai vệ, thì nó từ bỏ góc sân gà vịt, từ bỏ việc cào phân bới rác để xoải cánh bay lượn trên khung trời cao rộng,

Tương tự như thế, chúng ta cũng cần phải phát hiện ra phẩm giá cao đẹp của mình là người con Thiên Chúa, là chi thể của Chúa Giê-su… Nhờ đó, chúng ta không để mình bị vùi dập bởi những thói hư tật xấu, không đắm mình trong lối sống ươn hèn, nhưng chuyên chăm tập rèn những đức tính tốt, trau dồi cho mình những phẩm chất cao đẹp, để sống xứng tầm người con Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giê-su,

Từ địa vị thấp hèn, Chúa nâng chúng con lên bậc con Thiên Chúa, trở nên chi thể của Chúa và được thừa hưởng sự sống viên mãn của Ngài. Xin giúp chúng con dứt khoát từ bỏ nếp sống cũ đầy tội lỗi và bất xứng, để bắt đầu cuộc đời mới, cuộc đời cao đẹp của người con Thiên Chúa.

 

15.Nhìn vào mặt tốt – Lm. Ignatiô Trần Ngà

Khi Chúa Giêsu tỏ cho các môn đệ biết Ngài phải lên Giê-ru-sa-lem để chịu thương khó và chịu chết, các môn đệ cảm thấy rúng động tâm hồn. Không lẽ cuộc đời của Thầy Giêsu lại kết thúc cách bi đát như thế? Đã bao lần họ mơ tưởng một ngày nào đó được ngồi bên tả bên hữu vua Giêsu trong vương quốc vinh hiển của Ngài, lẽ nào giấc mộng vàng đó lại sớm tan thành mây khói? Nếu Chúa Giêsu mà còn phải chịu số phận oan nghiệt như thế thì số phận các ông rồi sẽ ra như thế nào đây?

Không thể chấp nhận viễn ảnh đen tối ấy, ông Phê-rô kéo riêng Chúa Giêsu ra và lên tiếng trách móc, tìm cách ngăn cản Ngài đừng chấp nhận con đường đau thương ấy (Mc 8, 32).

Để củng cố tinh thần các môn đệ đang sa sút trước tin chẳng lành vừa loan báo, tám ngày sau, Chúa Giêsu đưa ba môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo mình lên núi cao để cầu nguyện. "Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà. Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Môsê và ông Êlia. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem."

Bấy giờ tinh thần ba môn đệ hết sức phấn chấn "ông Phê-rô thưa với Chúa Giêsu rằng: "Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a."

Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông... Và từ đám mây có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!"

Thế là nhờ chứng kiến sự vinh hiển của Chúa Giêsu trong giờ phút vinh quang của Ngài ở đây, ít nữa là có môn đệ Gioan đã vững bước theo Chúa Giêsu đến cùng trên đường khổ nạn.

* * *

Cuộc đời người có mặt tối và mặt sáng, có mặt tốt và mặt xấu, có mặt phải và mặt trái, có lúc phấn khởi vui tươi cũng có những lúc ủ dột ưu sầu.

Cuộc đời Chúa Giêsu cũng có mặt sáng mặt tối. Mặt tối là đêm vườn Dầu đau thương ảm đạm, mặt sáng là cuộc biến hình sáng láng trên núi Tabor. Nếu các môn đệ chỉ nhìn thấy mặt đen tối, mặt u ám của đêm vườn Dầu, lúc Chúa Giêsu bộc lộ nhân tính hèn yếu của mình, tỏ ra kinh khiếp hãi hùng trước cuộc khổ nạn sắp tới đến nỗi phải đổ mồ hôi máu và phải van lơn cầu khẩn với Chúa Cha xin cho khỏi uống chén đắng... mà không thấy được mặt sáng của Ngài trên núi Tabor thì các ông sẽ ngã lòng thất vọng. Và biết đâu, các ngài đào tẩu hết, lấy ai làm chứng nhân cho biến cố phục sinh! Lấy ai loan báo Tin Mừng cứu độ?

Vì thế, Chúa Giêsu cho các ông thấy mặt sáng của đời Ngài trước, qua việc tỏ cho các ông thấy dung mạo sáng láng vinh hiển của Ngài, tỏ cho họ thấy Ngài là "Con yêu dấu của Thiên Chúa Cha, Người được Thiên Chúa Cha tuyển chọn" (câu 35) để động viên tinh thần các ông khỏi sa sút, thất vọng trong đêm vườn Dầu sắp đến.

* * *

Ngôi nhà nào cũng có mặt trước mặt sau. Nếu người ta chỉ nhìn mặt sau của ngôi nhà mà không nhìn mặt tiền của nó, người ta sẽ đánh giá thấp về nó, sẽ thất vọng vì nó.

Tấm huy chương nào cũng có mặt trái mặt phải. Nếu chỉ nhìn mặt trái sần sùi và trơ trọi của tấm huy chương mà không nhìn mặt đẹp của nó, thì chẳng ai thèm nhận huy chương.

Hoa hồng rất đẹp rất kiêu sa nhưng cũng đầy gai. Nếu người ta chỉ chú trọng đến những gai nhọn của hoa hồng mà không để ý đến vẻ đẹp của bông hoa thì thật là đáng tiếc! Nhờ giá trị của những bông hoa hồng đẹp rực rỡ kiêu sa và hương thơm dịu dàng của nó, người ta quên đi những gai nhọn đáng phàn nàn của nó.

Đối với người anh em chung quanh cũng thế. Mỗi người đều có mặt sáng và mặt tối, mặt tốt và mặt xấu, không ai hoàn toàn tốt, chẳng ai hoàn toàn xấu. Nếu chúng ta chỉ nhìn vào mặt đen tối của một con người, mà quên đi mặt sáng của họ, nhìn vào nhược điểm mà quên đi ưu điểm của họ, thì chúng ta sẽ rất thất vọng về người đó. Chúng ta đánh giá người đó chẳng ra gì.

Sự kiện Chúa Giêsu tỏ cho ba môn đệ thân tín thấy mặt sáng láng vinh hiển của Ngài trên núi cao để chuẩn bị tinh thần cho các ông đón nhận mặt đen tối của đời Ngài trong đêm vườn Dầu và đêm khổ nạn, cũng là bài học cho chúng ta trong tương quan với người khác.

Một người dù có bị xem là xấu xa đến đâu chăng nữa cũng có những điểm sáng, những nết tốt tiềm ẩn bên trong. Ước gì chúng ta biết nhìn vào điểm sáng, điểm tốt, nhìn vào ưu điểm của họ để dễ dàng thông cảm với những mặt trái, mặt xấu của họ. Nhờ đó, chúng ta cảm thấy những người quanh ta dễ thương hơn, tương quan của ta với người khác được cải thiện tốt đẹp hơn và đời sống giữa chúng ta với nhau sẽ hạnh phúc hơn.

 

16.Biến hình trong đời thường

(Suy niệm của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy)

Tin mừng Lc 9: 28-36: Trên núi Tabor, Chúa Giêsu từ hình dáng loài người biến thành hình dáng Thiên Chúa; ở Vườn Dầu, từ hình dáng Thiên Chúa biến ra hình dáng con người yếu đuối.

1. Ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan trên núi Tabor

Vừa nghe bài Phúc Âm hôm nay, chắc có người thắc mắc là tại sao Chúa Giêsu lại chọn Phêrô, Giacôbê và Gioan. Tại sao Đức Giêsu lại quyết định chọn ba ông từ Nhóm Mười Hai và cho ba ông chiêm ngưỡng vinh quang của Người trên núi Tabor?

Phải chăng các ông là những người tốt lành thánh thiện hơn trong số Mười Hai anh em? Đọc lại Tin Mừng, chúng ta thấy chính ba ông lại đầy những khiếm khuyết lỗi lầm. Chúa Giêsu biết rõ điều này hơn ai khác. Chúa biết biết rõ tâm tính của các ông. Người biết các ông vốn là những ngư phủ chất phác, nhiệt tình nhưng lại bộp chộp. Các ông hăng say đi theo Người, hết lòng cộng tác vào sứ mệnh của Người, nhưng cũng từng có những phản ứng nóng nảy, bộc phát. Trong các câu chuyện kể của Tin Mừng, chúng ta thấy Simon Phêrô có lần đã can ngăn Chúa Giêsu lên Giêrusalem, và Phêrô lúc đó đã bị Chúa quở trách nặng lời: “Satan, lui lại đàng sau Thầy, con cản lối Thầy, vì tư tưởng của con không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà của loài người”. Còn hai ông Gioan và Giacôbê thì cũng bộp chộp không kém, vì tính tình nóng nảy, hai ông đã được Chúa Giêsu đặt cho biệt hiệu là con của thiên lôi. Hai ông đã bị Chúa khiển trách vì đã muốn cho lửa từ trời xuống thiêu hủy những người Samari không chịu tiếp đón Người. Và nhất là đang khi Chúa Giêsu chuẩn bị cho các ông chấp nhận tiến về Giêrusalem thì hai ông lại là người muốn tranh giành chỗ cao chỗ nhất trong anh em. Vì biết rõ sự yếu đuối của các ông, nên sau khi tiên báo lần thứ nhất về cuộc Thương Khó của mình, Chúa Giêsu đã đem riêng các ông theo Người lên núi cầu nguyện và cho các ông chứng kiến vinh quang của Người. Các ông cần phải được lĩnh hội những bài học tâm linh. Niềm tin của các ông phải được kiện cường hầu đủ sức để đương đầu với những khó khăn sắp xảy tới: con đường đau khổ, con đường Thập Giá.

2. Bây giờ chúng ta cùng nhau trở lại Núi Tabor trong bài Tin Mừng.

Trên Núi Tabor, bầu trời trong sáng và Đức Giêsu đang cầu nguyện. Trong khi Người cầu nguyện, khuôn mặt toả sáng, áo Người trắng như tuyết. Bên cạnh Người, có Môsê - người ban bố luật vĩ đại và Êlia - vị ngôn sứ vĩ đại nhất trong số các ngôn sứ. Rồi một đám mây bao phủ họ, nói lên sự hiện diện của Thiên Chúa.

Họ được nghe thấy tiếng nói của Chúa Cha phát ra từ đám mây:“đây là Con yêu dấu của Ta, Người Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người”. Phêrô thốt lên: “Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hạnh phúc! Nếu Thầy muốn, con sẽ dựng ba lều, một cho Thầy, một cho Êlia, và một cho Môsê”. Phêrô muốn được ở lại trên núi. Ông muốn xây dựng một thiên đàng an toàn tại đó, xa khỏi những rắc rối và nguy hiểm. Nhưng mục đích của cuộc biến hình không phải để khuyến khích họ trốn thoát thực tại, mà để khích lệ các ông, giúp các ông có khả năng đương đầu với những thử thách sau này.

Họ cần rất nhiều sự nâng đỡ! Bởi vì sẽ đến một ngày và ở trên một ngọn đồi khác, lúc đó bầu trời sẽ trở nên tối tăm, khuôn mặt Đức Giêsu, sẽ đầm đìa mồ hôi và máu. Áo của Người sẽ không còn chói sáng nữa. Sẽ không còn tiếng nói phát xuất từ trời cao, nhưng là những giọng nói chế giễu và nhạo báng, chính vì vậy làm chúng ta liên tưởng đến Vườn Dầu. Tabor và Vườn Dầu, cả hai đều xảy ra trên núi.

- Trên núi Tabor, Chúa Giêsu từ hình dáng loài người biến thành hình dáng Thiên Chúa; ở Vườn Dầu, từ hình dáng Thiên Chúa biến ra hình dáng con người yếu đuối.

- Trên núi Tabor, các môn đệ thấy được thiên tính vinh quang của Chúa Giêsu, khiến họ ngất ngây sung sướng, muốn ở mãi trong tâm trạng ngất ngây đó; trên Vườn Dầu, họ thấy Chúa Giêsu trong nhân tính yếu đuối của một con người.

Hai biến cố giúp chúng ta hiểu được con người của Chúa Giêsu và cũng giúp chúng ta nhận ra thân phận con người trên trần thế. Quả thực hai sự kiện có liên hệ chặt chẽ với nhau. Và cả hai lần, họ đều ngủ, còn Chúa Giêsu lại thức để cầu nguyện. Điều duy nhất còn lại, đó là một lần nữa, Đức Giêsu vẫn cầu nguyện. Điều giúp Người trải qua, cả trong những giây phút sáng sủa lẫn tối tăm ảm đạm, đó chính là mối tương quan của Người với Thiên Chúa Cha.

3. Tabor và Vườn Dầu đối với chúng ta

Hy vọng rằng tất cả chúng ta đều có thể có được những kinh nghiệm về Tabor, ngọn núi của niềm vui mừng và hớn hở, nhưng chắc hẳn chúng ta cũng cần phải làm quen với Vườn Dầu. Trên Núi Tabor, chúng ta được thoáng thấy vẻ đẹp của Thiên Đàng: do được khích lệ, được phấn chấn, có thể chúng ta đã nghĩ rằng “thật tốt đẹp khi được ở đây”, nhưng chúng ta lại cũng cần phải được chìm đắm trong u tối của Vườn Dầu “tâm hồn Thầy buồn đến chết được” (Mc 14,34).

Tabor và Vườn Dầu mạc khải nét tương phản sinh động giữa nhân tính và thiên tính của Ngài. Hai biến cố này không thể tách lìa nhau như hai mặt của một đồng tiền, và như thế cho chúng ta thấy Ngài vừa là người thật vừa là Thiên Chúa thật. Hãy chấp nhận thập giá cuộc đời để nhờ đó chúng ta sẽ được chia sẻ phần vinh quang phục sinh với Ngài.

4. Biến Hình trong Đời Thường

Nhà tâm lý học Abraham Maslow kể lại câu chuyện một người mẹ trẻ như sau: "vào một buổi sáng nọ, cô sửa soạn bữa sáng cho gia đình. Nhà bếp chan hòa ánh sáng, những đứa con của cô đang cười đùa vui vẻ, và chồng cô đang đùa giỡn với đứa con út. Trong khi cô đang trét bơ trên bánh và rót nước cam, ngay lúc đó, cô cảm thấy tràn trề niềm vui sướng và yêu thương trong gia đình. Rưng rưng nước mắt, cô đã cảm động đến nỗi không thể nói lên lời."

Maslow gọi lúc đó là giây phút tột đỉnh. Nó là những giây phút ngắn ngủi quí báu chúng ta nhìn thấy những biến cố thông thường cách siêu thường. Nó là giây phút giống như là Thiên Chúa chiếu ánh sáng của Ngài vào những sự vật chung quanh chúng ta và làm cho chúng ta cảm thấy mình đang ở trong một thế giới khác.

Ý tưởng về giây phút tột đỉnh giúp chúng ta hiểu được phần nào những gì mà Phêrô, Giacôbê và Gioan đã cảm nghiệm trong bài Tin Mừng hôm nay. Các ngài đã cảm nghiệm được những giây phút tột đỉnh.

Chỉ trong mấy phút quí báu, các ngài đã thấy được Chúa Giêsu trong một hình thức hoàn toàn khác biệt. Chỉ trong mấy phút quí báu, các ngài đã thấy Thiên Chúa chiếu rọi qua con người bề ngoài của Chúa Giêsu. Chỉ trong mấy phút quí báu, các ngài đã nhìn thấy một thế giới vượt trên thế giới này. Chỉ trong mấy phút quí báu, các ngài đã thấy từ ngoại diện của Chúa Giêsu đến những gì bên trong nội diện: Con Thiên Chúa vinh hiển và tuyệt mỹ.

Đó chính là mục đích của việc Chúa Giêsu hiển dung trên núi Tabor. Tuy nhiên trong cuộc đời Chúa Giêsu cũng có mặt sáng mặt tối. Mặt tối là đêm Vườn Dầu đau thương ảm đạm; mặt sáng là cuộc biến hình sáng láng trên núi cao. Nếu các môn đệ chỉ nhìn thấy mặt đen tối, mặt u ám của đêm Vườn Dầu, lúc Chúa Giêsu bộc lộ nhân tính hèn yếu của mình, tỏ ra kinh khiếp hãi hùng trước cuộc khổ nạn sắp tới đến nỗi phải đổ mồ hôi máu và phải van lơn cầu khẩn với Chúa Cha xin cho khỏi uống chén đắng (Lc 22, 41-44)… mà không thấy được mặt sáng của Người trên núi cao thì các ông sẽ ngã lòng thất vọng. Và biết đâu, các ngài đã bỏ đi hết, thì lấy ai làm nhân chứng cho biến cố phục sinh! Lấy ai loan báo Tin Mừng cứu độ?

Vì thế, Chúa Giêsu cho các môn đệ thấy mặt sáng của Người trước, qua việc tỏ cho các ngài thấy dung mạo sáng láng vinh hiển của Người, tỏ cho các ngài thấy Người là “Con Yêu Dấu của Thiên Chúa Cha” để động viên tinh thần các ông khỏi sa sút, thất vọng trong đêm Vườn Dầu sắp đến.

Sự kiện Chúa Giêsu tỏ cho ba môn đệ thân tín cảm nhận thời khắc vinh hiển của Người trên núi cao để chuẩn bị tinh thần các ông đương đầu với thời khắc đen tối của Người trong đêm Vườn Dầu và đêm khổ nạn. M.Twain người Mỹ đã từng nói “ai cũng có một vầng trăng và một đám mây đen.” Quả thật, trong cuộc sống, có những giây phút chúng ta cảm thấy thật hân hoan phấn khởi, nhưng cũng không thiếu những lúc chúng ta phải lầm lũi trong cô đơn trong sầu muộn. “Vầng trăng” và “đám mây” luôn đan xen trong cuộc đời chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã tỏ vinh quang trên núi Tabor để củng cố đức tin cho các môn đệ khi các ông gặp gian truân thử thách. Xin Chúa cũng nâng đỡ đức tin non yếu của chúng con để chúng con tin tưởng rằng: nếu cùng với Chúa vượt đêm đen của Vườn Dầu hôm nay thì chắc chắn cũng được chung phần vinh quang phục sinh với Chúa. Amen.

 

17.Hãy vui lên – Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm.

Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu biến hình trước mắt ba tông đồ Phêrô, Gioan và Giacôbê. Cũng chính ba tông đồ này là những người sẽ chứng kiến Đức Giêsu biến hình ở vườn dầu: “Ngài kinh hoảng âu sầu”. Ở vườn dầu, Đức Giêsu sấp mình xuống đất cầu xin cùng Thiên Chúa Cha để nếu có thể cho Ngài khỏi phải uống chén đắng; còn ở đây, Đức Giêsu hiển dung vinh hiển và Thiên Chúa xác chuẩn Ngài là Con Thiên Chúa, Đấng tuyển chọn Ngài. Ba tông đồ đã được chứng kiến Ngài hiển dung, để có thể chứng kiến Ngài buồn sầu xao xuyến: “linh hồn thầy buồn sầu đến chết được”. Đức Giêsu hiển dung, dấu chỉ cho thấy thân xác con người sẽ được biến đổi trở nên vinh hiển sáng láng, cho dù hiện tại người ta thấy thân xác mong manh mỏng dòn.

Thân xác con người sẽ được biến đổi. Đức Giêsu chết trần trụi trên thập giá và toàn thân Ngài bị biến dạng bởi những vết thương do người ta hành hạ, nhưng khi Ngài phục sinh thì thân xác Ngài trở nên tuyệt vời. Thân xác con người trước phục sinh và sau phục sinh tuy là một nhưng rất khác nhau. Đức Giêsu khi còn tại thế vẫn là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể, Đức Giêsu Phục Sinh và Đức Giêsu trước đó vẫn là một tuy dù người ta thấy Ngài rất khác qua biến cố Phục Sinh. Theo niềm tin Kitô hữu, thân xác con người ở dương gian và lúc sống lại vào ngày cánh chung tuy là một nhưng vẫn khác. Theo thánh Phaolô, sống lại là thân xác thần thiêng, khác với thân xác dương thế biến đổi theo thời gian và cái chết (1Co.15, 44)

Con người thật lạ kỳ. Thân xác con người giới hạn và có những nhu cầu rất tự nhiên. Có người sống đời tại thế này chỉ biết lo thỏa mãn những nhu cầu của thân xác, mà quên đi một chiều kích siêu việt của con người. Khi chỉ thỏa mãn những nhu cầu vật chất, con người trở nên ích kỷ nhỏ nhen, không đạt được hạnh phúc thật ở trần gian này. Nếu người giầu chỉ biết lo tìm tiền bạc mà không chú trọng đến những nhu cầu tinh thần của mình và của những người thân của mình, thì họ không thể hạnh phúc thật. Con người có liên đới với người thân, với gia đình cha mẹ anh chị em họ hàng, và đặc biệt với con cái. Nếu không lo cho con cái triển nở, nếu không biết giáo dục con cái, con người sẽ không thể hạnh phúc được cho dù họ có tiền bạc dư giả, cho dù họ có địa vị chức quyền.

Phaolô đã có một thời bắt bớ những người tin vào Đức Giêsu Kitô, nhưng bây giờ ông đã miệt mài rao giảng Đức Giêsu Phục Sinh. Chính niềm tin vào Đức Giêsu Phục Sinh đã làm Phaolô bình an hạnh phúc hơn. Phaolô đã tìm ra con đường hạnh phúc thật. Bây giờ, niềm vui niềm tự hào của ông là Thiên Chúa và những người thuộc về Ngài. Tuy rằng con người có thể thay đổi lòng dạ nhưng vì tin vào Thiên Chúa nên Phaolô vẫn an lòng. Trừ phi Thiên Chúa thất bại, còn không Phaolô luôn chiến thắng, vì Phaolô chọn những gì Thiên Chúa chọn. Cho dù ngay cả những lúc Phaolô cảm thấy rơi lệ khi thấy những con cái ngài đã thay lòng đổi dạ, đã chọn thực tại trần gian trên hết: “Chúa của họ là cái bụng”, thì Phaolô vẫn hy vọng họ sẽ trở lại với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Đấng trung tín. Thiên Chúa vẫn kiên trì đến với con người, và sẽ làm con người trở lại với Ngài.

Qua những chọn lựa của mình trước những thực tại trần gian mà con người hình thành chính mình. Phaolô đã là một con người khác qua biến cố té ngựa trên đường đi Damas. Phaolô đã hình thành chính mình trong suốt đời ngài. Mỗi người trong chọn lựa sống của mình, làm mình trở thành người tuyệt vời hay chỉ giống con vật, trở nên con cái Thiên Chúa hay trở nên con cái ma quỷ. Qua hành vi yêu thương mà con người ra khác và trở thành tuyệt vời hơn. Con người không chỉ chờ đến ngày Phục Sinh mới được biến đổi, nhưng mỗi người cũng đã đang biến đổi ngang qua chọn lựa sống từng ngày.

Con người vui mừng, vì Thiên Chúa đã yêu thương và cứu độ con người qua Đức Giêsu. Thiên Chúa đã và đang làm tất cả qua Đức Giêsu Kitô. Ngày xưa Thiên Chúa ký kết giao ước với Abraham, ngày nay giao ước mới đã được ký kết với con người bằng máu Đức Giêsu Kitô. Máu Đức Giêsu là dấu chỉ Thiên Chúa yêu thương con người. Làm sao không vui khi biết Thiên Chúa yêu thương mình như yêu chính Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô (Ga.17, 23)?!

Thiên Chúa đã ký kết giao ước với Abraham. Thiên Chúa ký kết giao ước với con người vì con người chứ không phải vì Thiên Chúa. Thiên Chúa không cần giao ước vì Ngài luôn chân thật và thành tín. Thiên Chúa luôn trung thành, không bao giờ Ngài phản bội. Chỉ có con người mới bất trung và hay thay đổi, vì vậy mới cần giao ước. Thiên Chúa đã thề hứa với con người, để con người được biết tình yêu của Ngài đối với con người, để con người có thể sống an bình hạnh phúc vì mình được Chúa Tể hoàn vũ thương yêu.

Thiên Chúa đã đặt nơi Abraham ước vọng có con cháu nối dòng, và chính Thiên Chúa cũng là Đấng hứa ban cho ông con cháu đông như sao trên trời như cát bãi biển. Thiên Chúa cũng là Đấng giao ước với ông, để ông thuộc về Thiên Chúa, để Thiên Chúa lo cho ông. Thiên Chúa vẫn luôn ở với con người, giúp con người đi tìm chính Ngài, làm con người thuộc về Ngài trong suốt quá trình sống. Thiên Chúa là tình yêu, Ngài đang làm con người sống trong tình yêu và thuộc về tình yêu. Chính khi con người sống trong tình yêu và làm tất cả vì tình yêu, thì con người được hạnh phúc, vì lúc đó con người nên giống Thiên Chúa.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

1. Một năm vừa qua, bạn có hài lòng với chính mình không? Bạn thấy mình khá hơn hay dở hơn? Bạn có biết tại sao không? Xin bạn chia sẻ, nếu được.

2. Bạn có kinh nghiệm về một niềm vui thiêng liêng không? Xin chia sẻ nếu được.

3. Hiện tại bạn có ao ước điều gì cách đặc biệt không? Điều bạn ao ước phản ánh chính con người bạn với những thao thức và giá trị sống, bạn có biết hơn gì về bạn qua ao ước này không? Bạn có sẵn sàng chia sẻ với các bạn khác về điều bạn ao ước không? Nếu được, xin mời bạn.

 

18.Chúa Nhật 2 Mùa Chay

Anh chị em thân mến.

Anh chị em đã nhiều lần xem văn nghệ, ca nhạc. Chúng ta nhìn thấy những nghệ sĩ trên sân khấu, họ biểu diển rất sinh động, sáng chói, khiến cho bao nhiêu người phải hâm mộ tài năng của họ. Nhưng chúng ta thử suy nghĩ xem: có phải tự nhiên mà họ có thể làm được như thế, mà trái lại không phải khổ công tập luyện, học hỏi trong một thời gian rất dài mới có thể bước lên trước mặt mọi người như thế. Đồng thời họ còn phải nhờ đến nhiều người khác, nhiều thứ phụ thuộc khác để phụ giúp cho tài năng của mình. Họ phải nhờ đến khung cảnh, âm thanh, ánh sáng. Nếu khi đang biểu diễn màbất ngờ nguồn điện không hoạt động, ánh sáng không còn nữa, thì xem như cuộc biểu diễn của nghệ sĩ đã thất bại. Họ phải tự luyện tập để tài năng của mình được vững vàng. Nhờ đến khung cảnh để tài năng được nhiều người biết đến. Nhờ đến ánh sáng bên ngoài để mình được tỏa sáng trong khung cảnh hơn.

Chúng ta vừa chứng kiến một khung cảnh sáng chói tuyệt đẹp mà các tông đồ đang ngất ngây. Các ông đang vui thích ngở ngàn vì mình được hưởng nhờ ánh sáng như thế. Các ông định dựng lều để ở trong ánh sáng đó mãi. " Lạy Thầy chúng con được ở đây thì tốt lắm, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môi sen và một cho Elia". Các ông đang vui thích tận hưởng nguồn vinh quang mà mình không hề mất công để chuẩn bị. Các ông đang vui thích hưởng vinh quang không phải của mình. Vinh quang mà các ông đang nhìn thấy là vinh quang của Chúa Giêsu, Ngài được sáng chói trong khi cầu nguyện. Ngài được biến đỗi trong khi phải vượt lên núi cao, phải tỉnh thức và kế hợp với Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì đang ngủ. Các ông giật mình vì ánh sáng chói lòa. Các ông muốn tận hưởng điều không phải của mình. Khi các ông còn đang nói thì ánh sáng chợt biến mất, vì các ông nói điều không phải. Các ông chợt tỉnh ngộ vì tiếng nói: " Đây là Con Ta yêu dấu, Người được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người". Các ông đã vâng nghe và đã hưởng vinh quang thật.

Tiếng phán ngày xưa với các Tông đồ, cũng từng lập lại với chúng ta. Các Tông Đồ đã tĩnh ngộ, đã biết vâng nghe Lời, đã biết chuẩn bị để mình được biến đỗi trong ánh sáng. Còn chúng ta cũng như các Tông Đồ khi xưa, rất vui thích khi tận hưởng ánh vinh quang không phải của mình, chúng ta còn muốn chiếm hữu nó, và không muốn rời xa. Bổng nhiên ánh sáng vụt biến mất, chúng ta ngỡ ngàn, tiếc nuối, đôi khi còn có cả sự tức giận, vì ngở rằng đó là những gì của chính bản thân mình.

Trong đời sống hằng ngày, có những lúc chúng ta cảm thấy hạnh phúc bất ngờ, niềm vui bổng từ đâu hiện đến và ở bên chúng ta, rồi cũng vụt bay đi như khi đến, hết sức bất ngờ. Cũng có những lúc chúng ta đạt được thuận lợi trong công việc mà không cần phải tốn nhiều công sức; và còn có những của cải chúng ta đạt được không bằng con đường ngay chính. Chúng ta rất vui thích. Chúng ta ngỡ rằng, bằng chính tài năng, sức lực của mình mà có. Nếu bổng nhiên chúng ta mất đi tất cả, lúc đó chúng ta có biết nhận ra được sự thật như các Tông Đồ khi xưa: Biết nhìn vào chính mình, để lo chuẩn bị những cuộc khổ luyện đi lên núi, cầu nguyện thân tình với Chúa trong sự tỉnh thức để được tỏa sáng thật sự trong Chúa. Hay chúng ta kêu la phiền trách, đòi cho được những điều không phải là của chính mình. Chúng ta muốn mãi ở trong ánh sáng của người khác như thế sao? Thiên Chúa không cho chúng ta như thế đâu. Ngài sẽ cho ánh sáng biến đi khi chúng ta vừa có những ý nghĩ không chính đáng, để nhắc nhở và bảo mỗi người hãy quay về chính mình, hãy khổ công tập luyện như người nghệ sĩ, để có thể bước lên sân khấu. Hãy khổ công với những bước chân vượt lên núi, cầu nguyện thân tình với Chúa trong từng giây phút, từng công việc của cuộc sống. Khi đó mới được biến đỗi và trở nên sáng chói thật sự trước mặt Chúa. Khi đó ánh sáng sẽ không còn bị mất đi hay bị che phủ nữa.

Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa cho mỗi người biết vâng nghe Lời Chúa, biết sống đúng với những gì mình lắng nghe, để được sáng chói trong vinh quang của Chúa.

 

19.Sống trong niềm tin – Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

Không ai sống mà không tin. Tin vào Thiên Chúa giúp người ta sống bình an, vui và hạnh phúc hơn.

Abraham tin vào Thiên Chúa

Thiên Chúa mời gọi Abram bỏ quê cha đất tổ để đi tới nơi Thiên Chúa sẽ chỉ cho, rồi Thiên Chúa sẽ làm cho ông có con cháu nối giòng, có đất để sống. 75 tuổi được gọi và ra đi (St.12, 4) nhưng đến 99 tuổi, Abraham vẫn chưa có con với Sara (St.17, 1.17). Khi Sara chết, ông vẫn không có đất để chôn vợ (St.23, 1-20). Lời hứa có con cháu đông như sao trên trời như cát dưới biển, cũng như lời hứa có đất làm cơ nghiệp vẫn chưa được thực hiện hoàn toàn khi Abraham chết. Dưới cái nhìn của người đời, Abraham là người dại vì đã tin vào Thiên Chúa.

Thiên Chúa đã thực hiện lời Ngài “quá trễ” đến độ người ta nghĩ rằng Ngài đã quên; tuy vậy Abraham vẫn một lòng tin vào Thiên Chúa, và vì thế ông là người mẫu cho các tín hữu. Thiên Chúa đã hứa, và Abraham đã tin. Tuy dù Abraham sống như những người khác, nhưng ông đã vâng phục Thiên Chúa trong mọi chuyện, kể cả việc sẵn sàng hiến tế Isaac. Chính vì tin vào Thiên Chúa mà ông trở nên công chính (St.15, 6).

Tin là thái độ của con người đối với Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn ở gần bên mỗi người, mời gọi mỗi người bỏ mình để theo Ngài, và Ngài sẵn sàng can thiệp vào cuộc sống mỗi người khi cần. Xin cho chúng ta tin vào Thiên Chúa như Abraham.

Đức Giêsu lắng nghe Thiên Chúa trong cầu nguyện

Tin mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu đem Phêrô, Gioan và Giacôbê theo Ngài lên núi để cầu nguyện, và trong khi cầu nguyện Ngài đã biến hình. Có lẽ nhờ cầu nguyện, mà mỗi người được biến đổi, được trở nên giống Thiên Chúa hơn.

Phêrô rất phấn khởi khi được chứng kiến những điều đang xảy ra. Ông muốn ở lại luôn trên núi, ông sẵn sàng làm lều cho các Ngài. Phêrô nói mà không biết mình nói gì!

Khi Phêrô đang nói thì có đám mây che các Ngài, và có tiếng từ trời: “đây là Con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Ngài”. Thiên Chúa muốn con người vâng nghe Đức Giêsu. Thiên Chúa không muốn Con Ngài và những người theo Con Ngài ở hoài trên núi; Ngài muốn họ xuống núi để sống cuộc sống bình thường của họ giữa con người thời đại mình. Giây phút biến hình không biết kéo dài khoảng bao nhiêu phút, nhưng thất bại và thập giá còn hoài trong suốt cuộc sống của Đức Giêsu và các tông đồ, kể cả khi Đức Giêsu đã phục sinh từ cõi chết.

Cầu nguyện để thấy ánh sáng, để có sức sống, và được nghỉ ngơi trong cuộc sống tất bật mỗi ngày.

Tin vào Thiên Chúa được tỏ lộ qua cách sống

Thánh Phaolô sống rất tuyệt, nên Ngài đã dám nói với tín hữu ở thành Philipphê: “anh em hãy bắt chước tôi”. Ngài là người đã được ơn trở lại trên đường đi bắt các Kitô hữu tại Đamas, và kể từ đó Ngài đã hoàn toàn thuộc về Chúa. Ngài đã bôn ba đi rao truyền Lời Chúa, và thiết lập các cộng đoàn. Những bức thư Ngài viết cho các cộng đoàn trở thành “Lời Chúa” cho con người của mọi thời đại. Thuộc về Thiên Chúa trong chính cuộc sống và hành động của thánh Phaolô, là mẫu gương sống cho con người hôm nay.

Thánh Phaolô yêu thương những con cái mà Ngài đã sinh ra trong Chúa. Khi xa Ngài, đã có một số người sống như không có Thiên Chúa. Họ đã lấy những của vật chất làm Chúa của họ, họ tự hào nơi những điều đáng lẽ phải hổ thẹn. Thánh Phaolô kêu gọi họ hãy sống trong niềm tin vào Đức Giêsu. Chính Đức Giêsu sẽ biến đổi thân xác chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Ngài. Không kiên vững trong niềm tin vào Thiên Chúa nơi Đức Giêsu, không thể đứng vững trong cuộc sống hiện tại.

“Hỡi những người anh em chí thân chí thiết của tôi, anh em là triều thiên và niềm vui của tôi, anh em hãy đứng vững trong niềm tin vào Chúa”. Ước gì mỗi người có thể nói với những người mình phục vụ như thánh Phaolô đã nói với những con cái của Ngài.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

1. Theo bạn, điều khó nhất đối với Abraham trong việc vâng phục Thiên Chúa là gì?

2. Theo bạn, đâu là thập giá lớn nhất đối với thánh Phaolô? Tại sao bạn nghĩ vậy?

3. Tin vào Thiên Chúa đòi hỏi điều gì?

 

home Mục lục Lưu trữ