Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 53

Tổng truy cập: 1372332

Tự Hào Là Con Chúa

Cập nhật : 09-01-2014
 

Tự Hào là Con Chúa

Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa không chỉ đánh dấu của việc khởi đầu sứ mạng công khai của Chúa Giêsu, mà còn là dịp để nhắc cho mỗi chúng ta nhớ đến địa vị làm con Thiên Chúa mà chúng ta đã đón nhận. Chúng ta đã thực sự trở nên con Thiên Chúa nhờ ơn của Bí Tich rửa tội.

 

TỰ HÀO LÀ NGƯỜI VÀ LÀ CON THIÊN CHÚA

Ngày nay công nghệ quảng cáo đã đạt đến đỉnh cao, từ in pano, bảng hiệu, cờ hoa, múa lân… kinh phí cho quảng cáo có thể chiếm đến 15% giá thành sản phẩm, mặt hàng nào quảng cáo nhiều, quảng cáo ấn tượng thì bán được nhiều, còn ngược lại không quảng cáo rầm rộ thì sẽ không có ai biết đến. Trong giới văn nghệ sĩ cũng thế, công nghệ đánh bóng và quảng cáo tên tuổi là thứ không thể thiếu. Người ta tìm mọi cách để phô trương gương mặt của mình, lôi kéo sự chú ý của người hâm mộ, kể cả những chiêu rất tầm thường, nhiều ca sĩ diễn viên cố tình tạo ra những vụ tai tiếng để được báo chí nhắc đến tên của mình gây sự chú ý…

 Xét về mặt này thì có thể nói công nghệ quảng cáo của Chúa còn thô sơ quá, khó có thể cạnh tranh với các ca sĩ và với thị trường sôi động hôm nay. Trong khi người đời rầm rộ quảng cáo để lôi kéo mọi người, thì con Thiên Chúa xuống thế làm người lại hết sức âm thầm. Hôm nay, Đức Giêsu sau một thời gian dài sống âm thầm không ai biết gì về Ngài, nay Ngài xuất hiện công khai để bắt đầu sứ vụ rao giảng và công bố Nước trời, thì Ngài lại đứng lẫn vào trong đám đông và lại còn cúi xuống để xin Gioan làm phép rửa cho mình giống như bao người khác. Tại sao Thiên Chúa lại làm như vậy?

Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ không phải để quảng cáo thu hút số đông ủng hộ, mà qua sự kiện này, Thiên Chúa muốn giới thiệu Con của Ngài là Đức Giêsu cho những ai thực sư tin và muốn đón nhận mà thôi. Bởi vì khác với kiểu phô trương bên ngoài của người đời, tiên tri Isai cho thấy Đấng Mesia không mang tư thế của một con người quyền lực, mà Ngài lại đến trong tư thế của một người tôi tớ của Thiên Chúa, tức là một Đấng luôn tuân phục và làm theo ý của Thiên Chúa, Ngài sẽ trở thành khuôn mẫu cho tất cả mọi người muốn gia nhập vào Nước Thiên Chúa.

Âm thầm như mọi người, Chúa Giêsu đã đến bên Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình. Trong khi đó Gioan lại đang là một con người nổi tiếng vì đời sống và nhất là những lời rao giảng đanh thép của ông: hãy ăn năn sám hối vì nước trời đã gần đến. Thấy Đức Giêsu bước đến với mình Gioan phải ngỡ ngàng, vì Gioan biết rõ người đứng trước mặt mình là ai, nên ông đã nhất mực từ chối: Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, tại sao Ngài lại đến với tôi? Nhưng Chúa Giêsu mời gọi Gioan: Chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính. Mặc dù là một vị Thiên Chúa không hề có một chút vấn vương của tội, nhưng Chúa Giêsu đã muốn trở nên đồng hàng với con người là những kẻ có tội, muốn nêu gương sám hối và hoán cải theo như lời kêu gọi của Gioan, Ngài chấp nhận hạ mình đến thẳm sâu để từ đó nâng con người chỗi dậy, để cho họ có thể sống đúng với tư cách là những người được Thiên Chúa yêu thương.

Vì thế, khi Chúa Giêsu vừa mới bước lên khỏi dòng nước thì Tin Mừng nhân mạnh: Lúc ấy các tầng trời mở ra. Nếu như trước đây với sự kiêu ngạo bất tuân của Adam Eva đã khiến cho cửa trời bị đóng lại tạo nên sự ngăn cách giữa thiên Chúa và con người, thì hôm nay với sư khiêm nhường và vâng phục của Đức Giêsu, các tầng trời được mở ra để cho Thiên Chúa có thể đến ở với con người “đi dạo và trò chuyện” với con người, và cũng để cho con người có thể đến với Thiên Chúa và có thể đi vào Nước Trời với Thiên Chúa.

Điều quan trọng nữa là Thần Khí của Thiên Chúa như chim bồ câu đậu xuống trên Người. Điều đó cho thấy rằng Thiên Chúa đã vui nhận sự sẵn sàng của Đức Giêsu và chuẩn nhận sứ mạng của Ngài. Vì thế trước mặt mọi người đang ngỡ ngàng tại bờ sông Giodan, Thiên Chúa Cha đã long trọng giới thiệu Đức Giêsu Con của Ngài cho mọi người: Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng vì Người. Với lời nói này, Thiên Chúa Cha đã công khai khẳng định tương quan của Ngài với Đức Giêsu là tương quan Cha Con và là người con được yêu mến, và đây là một người con hếu thảo luôn làm mọi sư đẹp lòng Cha mình.

Giới thiệu Đức Giêsu như một mẫu gương làm con cho nhân loại, Thiên Chúa cũng muốn tất cả chúng ta nhờ lắng nghe những lời dạy bảo của Chúa Giêsu, sống theo lề luật và giới răn của Tin Mừng mà Chúa Giêsu đem đến, thì tất cả chúng ta cũng sẽ trở thành những người con yêu dấu của Thiên Chúa và Thiên Chúa cũng sẽ hài lòng vì chúng ta. Thánh Phêrô đã quả quyết rằng: Tôi biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị nhưng bất cứ ai kính sợ Thiên Chúa, sống công chính ngay lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng được Người tiếp nhận. Vì Thiên Chúa đã gưi Đức Giêsu và Tin Mừng của Ngài đến cho nhân loại, bất cứ ai, bất cứ dân tộc nào đón nhận và sống theo gương mẫu của chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài thì đều được gọi là con Thiên Chúa và chung hưởng hạnh phúc của kẻ được nhận là con.

Thưa quý OBACE, Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa không chỉ đánh dấu của việc khởi đầu sứ mạng công khai của Chúa Giêsu, mà còn là dịp để nhắc cho mỗi chúng ta nhớ đến địa vị làm con Thiên Chúa mà chúng ta đã đón nhận. Chúng ta đã thực sự trở nên con Thiên Chúa nhờ ơn của Bí Tich rửa tội. Chính trong ngày đó, chúng ta chính thức được gọi Thiên Chúa là Cha của mình, tuy nhiên mặc dù đã là con, nhưng chúng ta phải xét lại xem mình đã là một người con như thế nào, ta có phải là một người con làm đẹp lòng Chúa Cha hay không? Chúng ta có cố gắng để nên giống Đức Giêsu là người con yêu dấu của Thiên Chúa Không?

Trong cuộc sống ngày nay nhiều người đã đánh mất tư cách đạo đức căn bản của con người, tự biến mình thành một kẻ tầm thường chỉ vì một chút tiền bạc lợi lộc, vất chất. Người ta tự coi mình không còn giá trị gì khi họ cười hả hê vì cướp được những lon bia trong một tai nạn. Thay vì giúp đỡ nạn nhân, họ lại lao vào hôi của khi nạn nhân phải quỳ xuống van xin. Người ta biến mình trở nên tầm thường, có khi chỉ vì những cái hết sức nhỏ nhặt như cái bánh, cái kẹo, vì một phần quà được cho không mà họ giành giật chà đạp lên nhau, vì một bữa ăn thử miễn phí của một nhà hàng mà cả ngàn người chen lấn chưi bới nhau. Những câu chuyện như thế khiến cho nhiều người cảm thấy băn khoăn vì tư cách danh dự, đạo đức của nhiều người trong xã hội dường như đã ở mức thấp nhất.

Cái vinh dự làm người cụ thể, rõ ràng và cao quý như thế, mà nhiều người đã đánh đổi chỉ vì một miếng bánh, thì thử xem cái vinh dự và tư cách làm con Thiên Chúa ở nơi chúng ta, chúng ta ý thức để gìn giữ, sống và thể hiện cái vinh dự ấy thế nào? Chúng ta có cảm thấy tự hào vì mình được biết Thiên Chúa và được làm con Thiên Chúa hay không?

Chúng ta chỉ có thể tự hào vì được làm con Thiên Chúa khi chúng ta luôn sống và làm theo ý của Thiên Chúa, thảo hiếu với Thiên Chúa qua việc chu toàn giới răn và lề luật, đồng thời còn phải yêu mến, biết ơn và sống gắn bó với Thiên Chúa. Hãy gắn bó với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện, tham dự Thánh lễ, lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Giải tội và thánh Thể, hãy sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa, như Thánh Phaolô dạy: Dù anh em ăn hay anh em uống, dù anh em làm gi bất cứ thì hãy làm vì Danh Chúa Giêsu Kitô và nhờ Người mà ngơi khen Thiên Chúa.

Tự hào là Con Thiên Chúa thì đồng thời cũng là mạnh dạn nói về Chúa và giới thiệu Tin Mừng của Chúa cho bất cứ ai gặp gỡ tiếp xúc với chúng ta. Hãy nói cho mọi người bằng đời sống, bằng tư cách tác phong của người tín hữu, biết tôn trọng chính mình và tôn trọng anh em, tôn trọng những quy định trật tự trong xã hội. Hãy nói cho mọi người bằng cử chỉ hành động đáng tin, đáng mến của người Công Giáo, bằng sự hiền hòa dễ thương, và bằng sự quảng đại phục vụ. Chúng ta sẽ khó để thuyết phục người khác bằng lời nói, họ chỉ tin khi thấy chúng ta làm những điều tốt mà thôi…

Xin Chúa giúp chúng ta luôn sống đúng với tư cách là người con được Chúa yêu thương quý mên, luôn biết làm hài lòng Thiên Chúa và thể hiện sự tự hào ấy cho anh chị em chung quanh. Amen

Lm.Giuse Đỗ Đức Trí

 
Nguồn : gxta

home Mục lục Lưu trữ