Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 44
Tổng truy cập: 1366161
TỪ NAY ANH SẼ BẮT NGƯỜI
Từ nay anh sẽ bắt người
Suy Niệm
Chẳng ai ngờ cuộc đời Simon có thể chuyển hướng.
Ông đã có nghề nghiệp ổn định và đã lập gia đình. Thế giới của ông là hồ Ghênêxarét, là những con cá quẫy đuôi trong lưới, là gia đình cần phải chăm nom.
Ông yêu vợ con, ông yêu biển cả. Chúa đã đặt ông vui sống trong thế giới ấy, nên chỉ có Ngài mới có thể kéo ông ra, và bất ngờ đưa ông vào một thế giới mới, một đại dương bao la hơn nhiều, một gia đình rộng lớn hơn vạn bội. Chỉ Chúa mới có thể làm trái tim ông say mê một Ai khác, yêu một Ai đó hơn những người ông đã từng yêu.
Đức Giêsu đã đến với Simon thật tự nhiên. Ngài chọn thuyền của ông làm nơi giảng dạy. Sau đó Ngài mời ông thả lưới bắt cá, Simon có nhiều lý do để khước từ. Ông có thể nhân danh kinh nghiệm của mình để thấy tốt hơn nên chờ dịp khác, hay nại lý do mệt mỏi, sau một đêm ra khơi. Nhưng Simon đã vâng lời, chỉ vì tin Lời Thầy Giêsu, Lời đầy quyền uy, Lời trừ được quỷ (Lc 4,30). Lời mạnh mẽ đã chữa cho mẹ ông khỏi bệnh (4,39).
Mẻ cá lạ lùng, mẻ cá chỉ có trong mơ. Mẻ cá làm Simon run rẩy nhận ra mình tội lỗi, và nhận ra Đấng ở gần bên. Mẻ cá bất ngờ mở đường cho một lời mời gọi mới: "Đừng sợ, từ nay anh sẽ thành kẻ bắt người."
Simon lại có nhiều lý do hơn để từ chối. Chuyện gia đình bề bộn, tương lai bấp bênh. Kẻ quen bắt cá đâu có khả năng bắt người. Kẻ tội lỗi đâu xứng với sứ mạng. Nhưng một lần nữa, Simon dám tin vào Lời Chúa, để cho Chúa tự do lôi kéo mình.
Ông đã bỏ lại bao điều ông yêu mến. Khi bỏ lại hai thuyền đầy cá, ông tin rằng những mẻ cá mới đang đợi ông.
Chúa vẫn gọi tôi ra khỏi lối mòn quen thuộc, khỏi những điều tưởng như không thể đổi. Tôi có sẵn sàng lên đường theo Ngài không?
Gợi Ý Chia Sẻ
Nghe theo tiếng Chúa, buông lưới và gặt hái được một kết quả không ngờ: có khi nào trong đời, bạn có một kinh nghiệm tương tự như kinh nghiệm của Simon không?
Theo ý bạn, để sống cho tha nhân, điều gì là khó bỏ hơn cả?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa, chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon, một người đánh cá ít học và đã lập gia đình, để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.
Chúa xây dựng Giáo Hội trên một tảng đá mong manh, để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.
Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con theo Chúa, sống cho Chúa, đặt Chúa lên trên mọi sự: gia đình, sự nghiệp, người yêu.
Chúng con chẳng thể nào từ chối viện cớ mình kém đức kém tài.
Chúa đưa chúng con đi xa hơn, đến những nơi bất ngờ, vì Chúa cần chúng con ở đó.
Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon, bỏ mái nhà êm ấm để lên đường, hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen.
2.Dựa vào lời Thầy
Suy Niệm
Simon là một giáo dân, có gia đình, có nghề nghiệp. Cuộc đời ông tưởng như chẳng thể nào đổi thay. Vậy mà ông ngư phủ bộc trực và ít học này lại lọt vào cặp mắt của Đức Giêsu.
Ngài đã từng đến nhà chữa bệnh cho bà mẹ vợ của ông. Chắc ông cũng đã có lần nghe Ngài giảng và thấy một số phép lạ Ngài làm. Đôi bên đã quen biết nhau qua nhiều mối liên hệ đời thường, nên Đức Giêsu rất tự nhiên xuống thuyền của Simon, và từ thuyền, Ngài giảng cho đám đông lời Thiên Chúa.
Khi giảng xong, Ngài bảo ông thả lưới chỗ nưóc sâu. Đây thật là một thách đố lớn cho Simon.
Kinh nghiệm dân chài cho ông biết nếu đêm không có cá thì đánh cá ban ngày cũng uổng công. Vả lại ông và các bạn đã mệt nhoài sau một đêm vất vả. Lưới đã được giặt và đem phơi...
Nhưng Simon còn có một kinh nghiệm khác, kinh nghiệm về sức mạnh của Lời Đức Giêsu. Lời đầy uy quyền, lời đuổi được ma quỷ, lời chữa cho mẹ vợ ông. Thế nên, giờ đây ông dám dựa vào lời Thầy mà thả lưới.
Mẻ cá sau đó là lời đáp của Thầy trước niềm tin của ông.
Điều mà ông đã vất vả tìm kiếm thì không gặp. Còn khi chẳng cố gắng mấy thì lại được dư tràn. Tràn trề dư dật là dấu hiệu của bàn tay Thiên Chúa.
Qua mẻ cá kinh khủng, Đức Giêsu tỏ mình cho ông. Ngài cho ông gặp Ngài và gặp bản thân mình.
Chính lúc đó ông cảm được khoảng cách giữa mình với Chúa. Ông thú nhận mình là tội nhân trước mặt Đấng Thánh.
Nhưng khi ông muốn Ngài tránh xa ông, thì Ngài lại đến gần ông để trao sứ mạng. Ngài mở đời ông sang một trang mới:
"Từ nay, anh sẽ bắt sống người ta." Không phải bắt để làm chết như bắt cá, nhưng bắt để đưa vào cuộc sống mới.
Simon đã trải qua một chuỗi kinh nghiệm với Đức Giêsu: kinh nghiệm quen biết, kinh nghiệm bị thách đố trong niềm tin, kinh nghiệm thấy Chúa tỏ mình mình chói lòa qua mẻ cá lạ, kinh nghiệm được gọi và kinh nghiệm đáp trả.
Kinh nghiệm trước dẫn đến kinh nghiệm sau.
Gặp Đức Giêsu là bước vào một cuộc đối thoại. Chỉ cần đứt một mắt xích là tương quan đổ vỡ. Simon cứ lớn dần lên sau mỗi bước của lòng tin.
Tin đòi vượt trên lối suy luận thông thường, vượt trên kinh nghiệm, vượt trên mệt mỏi của xác thân.
Tin đòi tôi ra khơi buông lưới thêm một lần nữa.
Tin đòi tôi bỏ lại tất cả để theo Chúa. Bỏ tất cả là đặt tất cả dưới Chúa và sử dụng tất cả trong Ngài.
Hôm nay, Đức Giêsu vẫn cần các giáo dân cộng tác. Tôi có dám bước vào chuỗi kinh nghiệm như Simon không?
Gợi Ý Chia Sẻ
Có nhiều người đi lễ, nhưng ít người nghe được tiếng mời gọi cộng tác của Đức Giêsu. Bạn có thấy vai trò quan trọng của giáo dân trong Hội Thánh không? Họ có thể làm gì và phải làm gì?
Cuộc đời Kitô hữu của bạn có những đêm vất vả mà không được gì. Bạn đã làm gì để giữ vững niềm tin trong giai đoạn ấy?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa, chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon, một người đánh cá ít học và đã lập gia đình, để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.
Chúa xây dựng Giáo Hội trên một tảng đá mong manh, để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.
Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con theo Chúa, sống cho Chúa, đặt Chúa lên trên mọi sự: gia đình, sự nghiệp, người yêu.
Chúng con chẳng thể nào từ chối viện cớ mình kém đức kém tài.
Chúa đưa chúng con đi xa hơn, đến những nơi bất ngờ, vì Chúa cần chúng con ở đó.
Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon, bỏ mái nhà êm ấm để lên đường, hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen.
3.Được gọi để gọi
(Suy niệm của Lm. Phanxicô Xavie Lê Văn Nhạc)
Tin mừng Lc 5: 1-11: Chúa Nhật hôm nay nhắc lại cho chúng ta ba ơn gọi: ơn gọi của Isaia trong đền thánh Giêrusalem (Bđ.1), ơn gọi của Phaolô trên đường đi Đamas (Bđ.2) và ơn gọi của Simon Phêrô bên bờ hồ Giênêzaret (bài Tin Mừng)...
- "Thưa ông bà muốn gặp ai ạ?"
Chị Céline đã nói câu ấy lần đầu tiên cách đây 40 năm. Từ đó ngôi nhà khách với chùm chìa khóa, cái chổi, chiếc ghế đã trở thành giang sơn của chị.
Bổn phận của chị giữ nhà khách là gọi người khác. Trong suốt 40 năm trường, chị Céline chỉ làm ngần ấy công việc. Câu hỏi trên kia chị phải lặp đi lặp lại đến hơn 10 lần mỗi ngày. Với thời gian, phương thế có đôi phần thay đổi: từ cái kẻng đến chuông điện, rồi điện thoại, sau đó lại trở về chuông kéo, kẻng sắt… nhưng công việc luôn luôn vẫn là gọi người khác.
Ôi chao! biết bao khuôn mặt đã xuất hiện tại nhà khách, bao giọng nói đã vang rền trong điện thoại. Nhưng có một điều chị Céline hằng đoán chắc: người ta đang gọi, đang xin gặp một người nào đó… trừ ra chị. Vì thế chị thường nói đùa: "Tôi chỉ được Chúa gọi một lần duy nhất và từ dạo ấy, tôi đã luôn luôn gọi người khác: tôi được gọi để gọi".
Một ngày của chị bị cắt vụn thành từng miếng, công việc của chị bị chẻ thành từng mảnh, luôn luôn là gián đoạn. Khi cầm chuỗi lần hạt, chị biết mình sẽ không đọc được quá 10 kinh, khi xem sách chị đoán sẽ thưởng thức không quá 10 dòng ; trong nhà nguyện, chị quỳ ở ghế cuối cùng, gần cửa ra vào, luôn thấp thỏm đợi chờ chuông reo… Luôn bị gián đoạn, nhưng chỉ với "sự gián đoạn" này của mình, chị mới có thể tạo nên "sự liên hệ" của người khác. Chị bao giờ cũng nhanh nhẹn đối với một khách sang cũng như một bà lão nhà quê. Tất cả mọi người đều ăn cắp giờ của chị. Không ai cần gặp chị… Với thời gian, da mặt chị nhợt nhạt hơn, người chị tiều tụy hơn, nhưng nụ cười vẫn tươi nở như thuở nào, lời kinh dâng Chúa mỗi ngày lại càng thêm sốt sắng hơn.
Và rồi một hôm, trong lúc vội vã đi gọi người khác, chị Céline đã ngã quỵ trong hành lang nhà dòng, thổ huyết! Chị bập bẹ: "Chúa đến gọi tôi lần thứ hai" (và cũng là lần cuối). Đôi tay chị run run ôm lấy lồng ngực khiến chùm chìa khóa rơi trên nền gạch hoa. Đàng kia, chiếc ghế vẫn vô tình không biết từ nay mình sẽ là vô chủ…
Chị Céline đã suốt đời trung thành với tiếng gọi của Chúa và với công việc bổn phận hằng ngày của chị: được gọi để gọi người khác. Giá trị và sự cao cả của chị không phải là ở chỗ đó sao?
Thưa anh chị em,
Chúa Nhật hôm nay nhắc lại cho chúng ta ba ơn gọi: ơn gọi của Isaia trong đền thánh Giêrusalem (Bđ.1), ơn gọi của Phaolô trên đường đi Đamas (Bđ.2) và ơn gọi của Simon Phêrô bên bờ hồ Giênêzaret (bài Tin Mừng). Nhưng chắc chắn có chủ ý dạy chúng ta lắng nghe tiếng gọi của Chúa và làm theo ý Chúa, ra đi gọi những người khác đến với Chúa: được gọi để gọi người khác.
Isaia tự thuật về chính ơn gọi làm ngôn sứ của ông. Chúa đã gọi ông. Ông đã can đảm, sẵn sàng đáp lại: "Tôi đây, hãy sai tôi đi". Thái độ của Isaia là thái độ của Đức Giêsu sau nầy khi Ngài đi vào thế gian: "Này con xin đến để thực thi ý Chúa" (Dt 10,9).
Thánh Phaolô cũng khéo léo tế nhị nhắc lại ơn gọi của mình và cách mình đáp lại ơn gọi đó. Phaolô cho biết khi Chúa hiện ra với ông trên đường đi Đamas và chọn ông làm tông đồ cho dân ngoại. Ông khiêm tốn cho mình là một tông đồ hèn mọn nhất, chẳng đáng gọi là tông đồ vì đã bắt bớ Giáo Hội. Ông coi đây là một ân huệ Chúa ban và không dám uổng phí, trái lại ông nhờ ơn Chúa mà hết lòng hết sức chịu khó làm theo ơn gọi.
Còn Simon Phêrô đã được Chúa gọi một cách rõ ràng và công khai sau mẻ cá thật nhiều đến nỗi gần rách lưới, Chúa Giêsu nói với ông: "Đừng sợ, từ nay anh sẽ đi lưới người như lưới cá". Điều gì sẽ xảy ra sau đó? Tin Mừng cho thấy không phải chỉ có Phêrô, người được gọi đích danh, đã theo Chúa, mà cả những người khác nữa cũng đã vội vã theo Chúa: "Họ đưa thuyền vào bờ và bỏ mọi sự mà theo Chúa". Đến đây chúng ta mới rõ "mẻ cá lạ" Chúa làm là có dụng ý hay có mục đích "mở đường" cho ơn gọi của Phêrô và đồng bạn. Nghề nghiệp đánh cá của các ông thật đã giúp ích cho các ông hiểu một cách dễ dàng sứ vụ mới là làm "những kẻ chài lưới người" (Mt 4,19), nhưng mẻ cá lạ mới giúp các ông quyết định đáp lại ơn gọi một cách mau chóng, vì biết rằng có Chúa giúp khi thi hành sứ vụ của mình.
Anh chị em thân mến,
Chính Thiên Chúa, bằng cách trực tiếp hay gián tiếp, đã chọn gọi những người làm việc cho Ngài, làm cộng tác viên của Ngài trong công trình cứu chuộc nhân loại. Ngài đã gọi các tiên tri, các tông đồ, đã gọi bao nhiêu người khác, đã gọi chính chúng ta. Những ai được Chúa gọi phải mau mắn đáp lại ơn huệ của Chúa - Chúa kêu gọi đó là một ân huệ Ngài ban - một cách khiêm tốn và biết ơn vì ta chẳng đáng được vinh dự lớn lao như thế, và tự sức ta, ta cũng chẳng làm nổi việc gì.
Phải làm trọn ơn gọi của mình, khi đã chấp nhận thì không ngoái cổ lại đàng sau và hãy bắt tay vào việc một cách cần mẫn, hết lòng trông cậy vào ơn phù trợ của Ngài, vâng lời Ngài, tin tưởng phó thác và để Ngài tùy ý hoàn tất công việc lúc nào theo như Ngài muốn.
Chúng ta cầu xin Chúa ban ơn phù trợ giúp cách đặc biệt cho những người Chúa đã chọn, đã và đang khiêm tốn chịu khó làm việc Chúa trên khắp mọi cánh đồng và vườn nho của Chúa, nhất là cho Đức Thánh Cha, cho các vị Giám mục và các linh mục, cùng tất cả những người cộng tác chặt chẽ với các Ngài.
Chúng ta cũng cầu xin Chúa ban ơn gọi cho những người muốn vào làm việc tông đồ của Hội Thánh, đặc biệt trong những nơi đang xảy ra tình trạng "lúa chín thì nhiều mà thợ gặt thì ít".
Chính chúng ta cũng hãy xin ơn biết lắng nghe tiếng Chúa chỉ bảo ta làm việc nầy hay việc khác trong hoàn cảnh Giáo Hội hiện nay trên quê hương đất nước chúng ta. Trước hết là giữ vững niềm tin vào Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Đó chính là ơn gọi đưa chúng ta vào Nước Trời bây giờ và sau nầy. Đó cũng là ơn gọi làm tông đồ giáo dân bằng chính cuộc sống đức tin của mình trong môi trường xã hội.
Nhưng nhất là giờ đây, chúng ta kính nhớ Đức Kitô chịu chết và tuyên xưng Ngài sống lại vì chúng ta qua cử hành Thánh Thể, chúng ta hãy hết lòng tạ ơn Chúa đã gọi chúng ta đến tham dự vào mầu nhiệm cứu rỗi nầy. Nhờ nghe Lời Chúa và ăn uống Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta sống với ơn gọi một cách tốt đẹp để đời sống chúng ta cũng là một lời mời gọi nhiều người khác đến với Chúa.
4.Chinh phục người khác
- Đừng sợ, từ nay các con sẽ là những kẻ chinh phục người ta.
Chúa Giêsu vừa mới truyền dạy Phêrô như thế, tuy nhiên qua đó, chúng ta có thể rút ra một bài học quí giá.
Vào một buổi sáng, đang khi các môn đệ giặt lưới, Chúa Giêsu xuống thuyền và đứng đó giảng dạy cho đám đông. Khi đã kết thúc, Ngài bảo Phêrô:
- Con hãy ra khơi và thả lưới.
Đây là một lệnh truyên vô lý dưới mắt Phêrô. Thực vậy, Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem, lớn lên tại Nagiarét, kiếm ăn bằng nghề thợ mộc, không phải là người sống bên sóng nước nơi biển hồ Giênêgiarét, nên chẳng có chút kinh nghiệm nào về chài lưới.
Còn Phêrô, với mười mấy năm lăn lộn trong nghề, ông biết rất rõ: ra khơi và thả lưới giữa ban ngày ban mặt như thế này, thì chẳng hy vọng chút nào. Hơn nữa, suốt cả một đêm Phêrô và các bạn đã vất vả mà chẳng bắt được một con cá nào. Nếu ra khơi vào lúc này, thì chỉ chuốc lấy mệt mỏi vào thân mà thôi. Đúng là dạ tràng xe cát biển Đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì. Thế nhưng, Chúa Giêsu có lẽ muốn thử thách vị thủ lãnh tương lai của Giáo Hội, xem Phêrô có biết vâng lời và tin tưởng vào Ngài hay không?
Sau một lúc do dự, Phêrô đã lấy lại bình tĩnh vì biết rằng đây là lệnh truyền của Chúa, cho nên phải thi hành mà chẳng cần đặt điều kiện hay đưa ra những câu hỏi và thắc mắc. Nghĩ vậy, Phêrô đã thưa lên cùng Chúa:
- Lạy Thày, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà chẳng được gì cả, nhưng vâng lời Thày, chúng con sẽ ra khơi và thả lưới.
Phần thưởng lớn lao cho niềm tin tưởng ấy là gì? Đó là một mẻ cá thật bất ngờ đến nỗi cả hai ghe phải chở đầy, mà theo lẽ tự nhiên sẽ chỉ là một mẻ lưới luống công vô ích. Trước sự kiện lạ lùng ấy, Phêrô đã quì xuống và thưa lên cùng Chúa:
- Lạy Thày, xin hãy xa con vì con là kẻ tội lỗi.
Phép lạ này đã để lại một dấu ấn sâu xa trong tâm hồn Phêrô và đã chuẩn bị cho sứ mạng tương lai của ông trong Giáo Hội. Đúng thế, Phêrô sẽ không còn thả lưới trên mặt biển hồ nữa, nhưng cùng với các bạn đồng nghiệp, ông sẽ ra đi chinh phục thế gian về cho Chúa Giêsu, như lời Ngài truyền dạy:
- Đừng sợ, từ nay con sẽ là kẻ chinh phục người ta.
Nhưng để chu toàn một bổn phận, một trách nhiệm cao cả và nặng nề như thế, Phêrô phải có một lòng khiêm tốn và tin tưởng hoàn toàn vào Chúa:
- Hãy chuẩn bị cho một sứ mạng siêu việt ở ngoài tầm tay và khả năng của con. Hơn một lần con đã thất bại, đã vất vả mà chẳng bắt được một con cá nào. Con hãy ý thức sự yếu đuối của con, nhưng đồng thời phải can đảm và tin tưởng vào Ta. Ta sẽ ở bên con. Ta là ai thì con đã biết. Ta là Thiên Chúa quyền năng. Ta là Đấng cả đất trời và muôn loài đều phải vâng phục. Ta sẽ chúc lành cho những cố gắng của con, nhờ đó con sẽ gặt hái được những thành quả tốt đẹp.
Chính phép lạ này, một lần nữa đã xảy ra cho cuộc đời của Phêrô. Thực vậy, tự bản chất, Phêrô chỉ là một người thuyền chài quê mùa, dốt nát và nhát đảm. Thế nhưng, Phêrô đã vâng lời Chúa, lên đường truyền giáo và đã đem về cho Chúa một mẻ cá lạ lùng, đó là những tâm hồn tin vào Phúc âm. Chắc chắn Phêrô đã nhiều lần suy nghĩ về bài học thấm thía này, nhất là vào những năm tháng cuối đời.
Đúng thế, Phêrô đã tới Rôma vào thời bạo vương Nêron, giữa lúc cơn bách hại đang nổi lên như cuồng phong vũ bão. Ông đã bị bắt, bị tống giam và sau cùng bị đóng đanh vào thập giá, đầu ngược xuống đất trên ngọn đồi Vatican. Thế nhưng, ngày hôm nay trên phần mộ của ông, một ngôi đền thờ nguy nga và lộng lẫy nhất đã được xây dựng và mang tên ông: Đền thờ thánh Phêrô.
Bài học của Phêrô cũng là bài học của mỗi người chúng ta: hãy kiên nhân và tin tưởng vào Chúa. Đứng trước những thất bại đắng cay, nhiều người đã phàn nàn và kêu trách Chúa, để rồi đi tới chỗ tuyệt vọng, vì họ nghĩ rằng Chúa đã ngoảnh mặt làm ngơ, thậm chí còn bịt tai không còn nghe tiếng họ kêu xin. Thế nhưng, họ đã lầm. Hãy bình tĩnh và tự vấn lương tâm xem: chúng ta đã hành động một mình hay là đã hành động với Chúa? Tự sức riêng, chúng ta sẽ chuốc lấy thất bại như lời Chúa đã phán:
- Không có Thày, các con chẳng làm gì được.
Hãy biết bắt đầu lại trong niềm cậy trông vào Chúa, nhất là trong lãnh vực hoạt động tông đồ.
Thực vậy, sứ mạng tông đồ là sứ mạng chung của mọi người tín hữu, bởi vì đã là phần tử của Giáo Hội, chúng ta có bổn phận làm cho nhiệm thể Đức Kitô được phát triển và lớn lên. Tuy nhiên, phương pháp tuyệt diệu nhất bảo đảm cho những thành quả tốt đẹp, chính là kiên nhẫn và tin tưởng vào Chúa.
Đúng thế, tục ngữ Việt Nam đã nói:
- Có công mài sắt, có ngày nên kim.
- Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo.
- Chớ thấy sóng cả mà lo,
Sóng thời mặc sóng, chèo cho có chừng.
Sự kiên nhẫn chính là một bí quyết dẫn tới thành công. Một Augustinô đã trở lại nhờ vào đâu, nếu không phải nhờ vào những lời cầu nguyện liên tục và những giọt nước mắt khổ đau của người mẹ hiền là thánh nữ Monica.
Cùng với sự kiên nhẫn, chúng ta hãy đặt trót niền tin tưởng cậy trông vào Chúa. Chúng ta hãy ý thức mình chỉ là một đầy tớ vô dụng, một dụng cụ tầm thường, chính Chúa mới là Đấng làm nên kết quả. Một Saulô hung dữ, thế mà chỉ trong nháy mắt, Chúa biến đổi để trở nên một Phaolô nhiệt thành, một vị tông đồ dân ngoai.
Mỗi người chúng ta đều có thể và phải trờ nên một vị tông đồ, một kẻ chinh phục người khác về cho Chúa Giêsu, miễn là chúng ta biết kiên nhẫn và tin tưởng và Chúa.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, đã hai ngàn năm trôi qua, thế mà vẫn còn biết bao nhiêu người chưa được đón nhận tin mừng của Chúa. Và như vậy, lệnh truyền của Chúa ngày xưa vẫn còn vang vọng bên tai chúng con: hay ra khơi và thả lưới. Xin cho mỗi người chúng con, bằng một đời sống đạo đức và thánh thiện, bác ái và yêu thương, góp phần nhỏ bé vào công cuộc truyền bà đức tin của Giáo Hội.
5.Vâng lời Thầy con thả lưới - ViKiNi
(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)
Dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa, dù chưa biết gì về đạo Thiên Chúa, thế mà đã có những lời nguyện thành khẩn trông cậy trời:
“Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống,
Lấy ruộng tôi cầy, lấy đầy bát cơm,
Lấy rơm đút bếp”.
Lời van xin đơn sơ mộc mạc đó đã nói lên sự bất lực của mình và nhận ra quyền phép vô cùng của Thiên Chúa, đã tỏ bày lòng thành khẩn của mình và nhận biết lòng thương xót vô biên ban ơn giáng phúc của Thiên Chúa. Quyền phép và tình thương của Thiên Chúa đã làm ra mưa, ra nước, ra ruộng, ra rơm. Giới hạn khả năng của con người ở chỗ biết cầy, biết uống, biết ăn, biết lấy rơm đút bếp.
Thiên Chúa đã làm những việc vĩ đại, những thứ căn bản, những thứ nguồn gốc sinh sự sống cho muôn loài muôn vật. Con người phải biết trông cậy, nương nhờ, tham gia, khai triển để làm ăn, nuôi dưỡng và phát triển sinh sống sao cho đáng lãnh ơn trời, chứ đừng phung phí, phá hoại.
Phaolô trước khi trở lại ông đã hăng hái phá hoại, bắt bớ những kẻ khác. Nhưng nhờ ơn Chúa, ông trở lại đạo Chúa, ông đã tham gia vào công trình cứu độ của Chúa, đã làm việc nhiều hơn tất cả các vị khác, nhưng ông đã thú nhận “thật ra không phải tôi, mà là ơn Chúa nơi tôi”, ông cũng nói: “Tôi gieo, anh em tưới và Thiên Chúa cho mọc lên!”
Isaia cũng nhận vô tài bất lực trước Thiên Chúa: “Thánh! chí Thánh! ngàn trùng chí thánh, Chúa tể càn khôn, cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!”. Ông đã thốt ra: “Khốn thân tôi, chết tôi rồi! Tôi là người môi miệng ô uế”. Nhưng nhờ than hồng là lửa tình thương của Chúa, ơn Thánh thần của Chúa đã thanh tẩy ông, ông đã được sạch, được sai đi làm tiên tri và ông đã mau mắn xin vâng: “Có con đây, xin Chúa sai con đi”.
Đặc biệt hôm nay, Đức Giêsu muốn chúng ta đưa mắt nhìn con thuyền Phêrô với cánh buồm no gió căng phồng lướt sóng, xa dần rồi mất hút giữa biển cả bao la. Phêrô sống với cái nghề vô danh, đầy may rủi và luôn phải vật lộn với giông tố nguy hiểm. Vô danh vì công việc nặng nhọc giữa biển khơi, không ai biết tới. May rủi vì chẳng bao giờ nắm chắc kết quả, thất bát thường xuyên, dù cố gắng vật lộn với nghề nghiệp. Con thuyền lại luôn tròng trành trên sóng nước, bảo tố. Mạng sống con người quá mong manh. Phêrô dầu kiên cường, hăng hái, lạc quan chống đỡ, nhiều lúc phải chán nản, thất vọng thở dài: Suốt đêm kéo lưới cực khổ chẳng được gì!
Đang lúc buồn phiền mệt nhọc đó, Đức Giêsu lại còn đến cậy nhờ lên thuyền để giảng cho dân chúng đông nghẹt đứng trên bờ. Tuy nhiên, Phêrô không quản ngại rước Người lên thuyền. Giảng xong, Người cũng không để Phêrô nghỉ ngơi, lại bảo ông chèo thuyền ra khơi thả lưới bắt cá. Dầu cực nhọc và biết rõ Thầy chẳng bao giờ làm người chài lưới. Còn ông rất rành nghề. Thế mà ông chỉ nói: “Thưa Thầy, suốt đêm chúng con vất vả kéo lưới chẳng được gì; nhưng vâng lời Thầy, con xin thả lưới”. Thật lạ lùng trước lòng tin của Phêrô vào Thầy! chính nhờ đức tin đó, Phêrô đã hiến nhà mình làm trung tâm truyền giáo cho thành phố Caphanaum, và các miền lân cận. Người đã ban cho ông một trung tâm truyền giáo vĩ đại là đế quốc Rôma. Ông đã hiến cho Chúa con thuyền bé nhỏ mong manh. Người đã ban cho ông con tầu Giáo Hội vững chắc dù sức hùng satan vẫy vùng như vũ bão, cũng phải đầu hàng. Ông đã hiến cho Chúa nghề đánh cá, Người đã làm cho ông nên ngư ông trên biển cả trần gian. Ông đã hiến cho Chúa trót cả mạng sống, Người đã ban cho ông được đời sống vinh quang muôn đời. Ông đã hiến tất cả cái tạm thời và ông đã được tất cả cái trường tồn vô cùng. Ông đã hiến cái nhỏ bé trần gian và ông đã được chìa khóa vĩ đại trên trời. Nhờ vâng lời Thầy, ông đã được tất cả.
Việt Nam có câu: “Không thầy đố mày làm nên” - “Nhờ thầy mới được làm thầy”. Loài người với nhau, còn phải cần nhau, nhờ nhau như thế mới nên người. Huống chi loài người với Thiên Chúa, Đấng làm nên mình, dựng nên vũ trụ vạn vật, thì loài người phải cần, phải nhờ, phải cầu khẩn Thiên Chúa biết chừng nào! Thế mà, có kẻ đã cả gan tuyên bố như Nietzsche: Thiên Chúa đã chết rồi, thay trời làm mưa, để họ tự tôn mình lên làm Chúa, làm chủ, để làm mưa, làm gió, tung hoành phá hoại khắp nơi. May thay những hạng đó đã chết rồi!
Nếu biết nhận ra mình quá bé nhỏ, quá bất lực để chạy đến cầu khẩn, vâng theo Thiên Chúa, thì họ đã được cứu sống muôn đời.
Thiên tài vĩ đại bậc nhất nhân loại như Newton hơn cả Descartes, Einstein, thế mà ông chỉ dám nói: “Tôi chỉ là một em bé chơi đùa trên bờ biển và thỉnh thoảng nhặt được một hòn sỏi nhẵn hơn, hoặc một vỏ sò đẹp hơn những cái người ta thường tìm thấy, trong khi đó biển chân lý mênh mông trải ra trước mắt nó, vẫn hoàn toàn bí mật, chưa hề bị xâm phạm”. Càng khiêm tốn, ông càng được thế nhân tôn vinh và nhớ ơn, nên trên bia mộ ông được khắc ghi câu: “Let men rejoice that so great a glory of the human race has appeared”: Loài người hãy hân hoan rằng một vinh quang lớn lao bậc ấy của nhân loại đã xuất hiện” (Nguyễn hiến Lê: Gương Hy Sinh – tr. 7).
Isaia cũng đã kêu lên: Khốn thân tôi, chết tôi rồi và được Thiên Chúa cho làm tiên tri vĩ đại. Phaolô đã thú nhận “Tôi là người hèn mọn nhất trong các tông đồ” và đã được ơn Chúa giúp cho làm việc nhiều hơn tất cả các vị khác. Phêrô đã sấp mình dưới chân Đức Giêsu và van xin: “Lạy Thầy, xin tránh xa tôi, vì tôi là kẻ tội lỗi”. Và đã vâng lời Thầy đi thả lưới được muôn linh hồn về cho Chúa.
Lạy Chúa, xin cho con hết lòng khiêm tốn vâng lời Chúa ra khơi biển đời để thả lưới, cho lưới con được đầy bạn hữu biết khẩn cầu và tôn vinh Chúa. Amen.
6.Dám một lần nữa
Có những người đã xả thân nhiều cho Giáo Hội hay cho giáo xứ hoặc để cung cấp một nền giáo dục tốt nhất cho con cái họ, và sau nhiều năm cố gắng họ đã thất vọng, chua xót và ngã lòng. Họ có cảm tưởng như đã làm việc luống công. Họ không thấy xuất hiện những hoa quả tốt đẹp mà lẽ ra công việc của họ phải làm nảy sinh. Và thậm chí thường là điều trái ngược đã xảy ra! những gì họ đã rất vất vả xây dựng đều sụp đổ; những gì tốt nhất họ đã cho con cái họ, thì chúng ta lại vứt bỏ đi.
Phải, những con người mà hôm qua đầy hăng say phấn khởi thì nay lại ủ rũ, buồn sầu! và có lẽ chúng ta cũng thuộc vào số những người ấy. Vậy thì chúng ta hẵy chăm chú nghe lời kinh thánh nói với chúng ta hôm và để cho những lời ấy thấm sâu vào lòng chúng ta. Những lời này có thể gây nên niềm phấn khởi hoặc thoa dịu cõi lòng và trợ giúp chúng ta nhiều.
Sự mệt mỏi của thánh Phêrô.
Không khó khăn gì nếu chúng ta muốn nhận ra một chút kinh nghiệm bản thân trong kinh nghiệm mà thánh Phêrô tông đồ đã trải qua. Suốt đêm ông thả lưới. Hàng chục và hàng chục lần ông đã quăng lưới xuống hồ, nhưng không được gì cả. Không bắt được một con cá nào.
Biết bao nhiêu lần chúng ta đã đọc đi đọc lại cũng những cử chỉ đó, làm đi làm lại cũng những cố gắng đó, nói đi nói lại những lời đó, mà không bao giờ đạt được những điều mình muốn. Không lạ gì sau bao nhêu cố gắng chẳng mang lại kết quả chúng ta kiệt sức rồi và sự mệt mỏi đã xâm chiếm chúng ta hoàn toàn. Không còn chút hy vọng nào nữa.
Tuy nhiê , vì chính Chúa Giêsu yêu cầu, nên một lần nữa Phêrô lại ra khơi thả lưới. Một lần nữa ông làm điều mà ông không muốn làm chút nào cả. Và chính lần đó đã đem lại kết quả. Lưới đầy muốn rách.
Ta hãy nhớ bài học này: những gì tự sức mình chúng ta không làm được, thì chúng ta có thể làm được với sự cộng tác của Chúa. Thường thường, khi con người mệt nhọc nhất, họ họ sắp hỏ cuộc, thì Chúa xuất hiện và ban ơn can đảm cần thiết đẩ một lần nữa họ tiếp tục công việc.
Sự đổi mới của ngôn sứ Isaia và thánh Phaolô.
Sau khi xem xét ngắn gọn kinh nghiệm của thánh Phêrô, ta hãy xem kinh nghiệm của ngôn sứ Isaia và thánh Phaolô tông đồ. Nó rất đáng cho chúng ta quan tâm tìm hiểu. Isaia rất thành thật tuyên bố: “Lạy Chúa, cong không thể nói nhân danh Chúa được. Con không xứng đáng làm ngôn sứ của Chúa”. Thánh Phaolô cũng Không kém thành thật khi người viết: “Tôi là kẻ rốt trong các tông đồ. Tôi không xứng đáng được gọi là tông đồ…Thậm chí tôi là một đứa sinh non”.
Ta biết điều gì sẽ xảy ra cho hay vị này. Cả hai đều được ơn của Chúa thanh tẩy và biến đổi. Cả hai sẽ trở thành những chứng nhân xuất sắc của Thiên Chúa.
Nơi đây nữa có một bài học ta cần đón nhận: dù chúng ta là ai, bất chấp những giới hạn và yếu đuối của chúng ta, chúng ta vẫn là quí báu trước mắt Thiên Chúa, va dều có thể được ân sủng của Ngài biến đổi.
Thánh Phaolô nói: “Những gì tôi đã trở thành, chính là nhờ ơn Chúa mà tôi được như vậy”. Isaia sẽ trả lời Thiên Chúa khi Ngài đang tự hỏi sẽ sai ai đi làm sứ igả cho Ngài: “Lạy Chúa, xin hãy sai con, con sẽ là sứ giả của Chúa”. Thánh Phaolô và Isaia, hai con người được đổi mới.
Những biến cố có ý nghĩa đối với chúng ta.
Nếu xem những biến cố này như là những biến cố đã qua, không có ý nghĩa cụ thể đối với chúng ta thì đó là sai lầm. Trái lại, nếu những biến cố ấy được nhắc lại cho chúng ta là vì chúng soi sáng con đường của chúng ta hôm nay.
Nếu, như thánh Phêrô, chúng ta dám một lần nữa thả lưới xuống hồ… Nếu, như ngôn sứ Isaia và thánh Pholô, chúng ta quay về Chúa và tin tưởng nơi Ngài, thì không gì – thật sự không gì – ngăn cản chúng ta có được kinh nghiệm giống như các Ngài. vì Thiên Chúa không thay đổi. Ân sủng mà trước kia Ngài đã ban cho vẫn là một ơn luôn luôn được ban lại cho người nào một lần nữa….Ơn này sẽ dcban lại cho người nào một lần nữa lại thả lưới…Người nào để cho Ngài gặp gỡ và biến đổi. Ta chớ nghi ngờ: kinh nghiệm cảu Thánh Phêrô, của thánh Phaolô, của ngôn sứ Isaia có thể là kinh nghiệm của chúng ta.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam